Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quốc Tử Giám > Luận Văn Đàn
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Luận Văn Đàn Trao đổi & tìm hiểu về văn học.

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 04-11-2005   #1
Ảnh thế thân của **Hàn Vân**
**Hàn Vân**
-=[ Huyền Vũ Bộ Binh ]=-
Gia nhập: 27-01-2005
Bài viết: 634
Điểm: 662
L$B: 61.262
**Hàn Vân** đang offline
 
... " màu yêu thương" trong " nắng mới " _ Lưu Trọng Lư ...

Nắng mới .
__Lưu Trọng Lư __


Mỗi lần nắng mới hắt bên song
Xao xác gà trưa gáy não nùng
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không .

Tôi nhớ me tôi thủa thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đưa trước giậu phơi .

Hình bóng me tôi chửa xóa mờ
Hãy còn mường tượng lúc vào ra
Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa .
***
Mỗi khi đọc lại bài thơ " nắng mới " trong tập " tiếng thu" của Lưu Trọng Lư , không hiểu sao tôi lại có liên tưởng cái màu nắng kỷ niệm ấy là màu của tình mẫu tử thiết tha và tình yêu của đứa con mỗi khi nhớ về mẹ . Miền ký ức như cuốn phim quay thật chậm để quá khứ và hiện tại được đan cài , gõ cửa ; làm rung lên hình ảnh người me trong trái tim nồng ấm của đứa con ( giờ đây đã trưởng thành ).
Hình ảnh " nắng mới " xuất hiện trong mỗi khổ thơ đều vẽ lên những đường nét về me . Mà nắng chính là gam màu trải rộng trong bức tranh ấy , có phải nắng là lý do để nhà thơ hồi tưởng ? Đâu chỉ có thế ! Nắng còn là nhân vật chứng kiến , nhân vật xuất hiện cả ở ngày xưa và ngày nay ...
Trong không gian ấy , tiếng " gà trưa " vang lên , thứ âm điệu gợi nhớ cứ chập chờn hòa quyện với màu nắng . Hình ảnh đôi mắt của nhà thơ bỗng như khắc khoải hơn trong tâm trí - hình ảnh không được nhắc đến mà chỉ lấp ló đằng sau câu thơ . Tôi bỗng liên tưởng ra ánh nhìn về một cõi xa xăm , thi sĩ tìm thấy gì trong dĩ vãng rất xa ? Và trong bối cảnh đó người mẹ hiện ra . Cũng mỗi lần nắng lên người lại phơi áo trước giậu thưa . Có những kỷ niệm dù đã rất lâu , nhưng khi bắt gặp lại cảnh vật quen thuộc bỗng hiện về ngay trước mắt . Màu " áo đỏ " có lẽ chỉ là màu tượng trưng . Theo cách cảm của riêng tôi thì màu áo ấy chưa hẳn là màu đỏ - thứ màu xác định . Có thể nó là màu trắng , mà cũng có thể thứ màu đó rất nhạt , qua ánh nắng mới chiếu rực vào đã trở thành màu của sức sống , màu của niềm tin trên tay mẹ . Hình tượng ấy , hoài niệm ấy sống mãi trong trái tim của đứa con thơ , để dù người đã xa thật xa thì ký ức vẫn mãi không phai nhòa . Đó là tình yêu bất diệt , và tình yêu ấy trôi xuôi theo dòng chảy thời gian trên con thuyền chở nỗi nhớ ...
Câu thơ : " hãy còn mường tượng lúc vào ra " để lại cho tôi rất nhiều suy nghĩ . Phải chăng tâm tư của người con luôn đầy ắp hình dung của mẹ nên bước đi nào vào tương lai cũng mang theo dáng người ? Sự " mường tượng " về một nét cười đằm thắm , dịu dàng của người phụ nữ Việt khiến tôi liên tưởng đến những cô gái Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm :
"Những cô hàng xén răng đen ,
Cười như mùa thu tỏa nắng ."
Ánh nắng mới trong thơ Lưu Trọng Lư có phải cũng rạng ngời trên môi mẹ hiền ?
"Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa ".
Màu áo đỏ trước giậu thưa và nét cười ấy như điệp khúc vọng vang về từ tâm trí . Màu của tình yêu ? Màu của ánh sáng rọi vào tâm hồn qua sắc áo ? Hay là màu của quá khứ rực cháy đến tương lai ? Tôi nghĩ rằng tất cả những giả thiết đó đều đúng . Và hình ảnh tượng trưng hữu thực ấy bỗng siêu hình , hư ảo đến không ngờ .

Người ta nói rằng thơ Lưu Trọng Lư rất nhẹ nhàng , êm đềm và luôn để lại dư ba trong hồn người đọc . Tôi có cảm giác thơ ông giống như một dòng sông , luôn hiền hòa chảy qua , dàn trải trong câu từ . Dòng sông chảy nhẹ quá nên người đọc không nhận ra , nhưng để lại lớp phù sa ở nơi tâm khảm . Dòng sông ấy trong bài "nắng mới" giống như chiếc cầu nối đôi bờ của hoài niệm , giống như con đường với những bàn chân bước từ tương lai về quá khứ rồi trở lại với thực tại ...
...Và màu nắng ấy ...Sáng trong tim như một màu yêu thương ...

***


( =>Sao khi " bị chèn ép , áp bức " viết lời bình giảng , lập tức coppy lại gởi vô đây cho khỏi ...Lỗ . ax ax ax! Đừng chấm điểm ná ná ! hic hic )


Chữ ký của **Hàn Vân**

Chạm khẽ thôi! Kẻo làm thơ đau,
Người hờ hững nên đường về vô lối...

**Nh.H**

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 30-11-2005   #2
Ảnh thế thân của **Hàn Vân**
**Hàn Vân**
-=[ Huyền Vũ Bộ Binh ]=-
Gia nhập: 27-01-2005
Bài viết: 634
Điểm: 662
L$B: 61.262
**Hàn Vân** đang offline
 
Bực tức " Con sóng sầu " Huy Cận trong "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài "...

*****
" Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm !"
Huy Cận bước tới vườn tao đàn với nỗi niềm được thổ lộ như thế !

Tập thơ " lửa thiêng " mà " tràng giang " là một trong những bài đặc sắc thành công cũng man mác một nỗi buồn rất Huy Cận . Nét bút thơ chấm phá tạo vật tài tình, lời tâm sự nhẹ nhàng mà thấm thía ...Đã để lại dư ba trong hồn người từ những rung động rất thực của thi sĩ .

Chính nhà thơ đã từng tâm sự rằng cảm hứng sáng tác nảy sinh do dòng sông Hồng gợi tứ , song cảm xúc chung lại là dòng sông của quê hương . Nỗi buồn kéo dài triền miên không tìm ra được lối nay bất giác gặp cảnh - tình bung nở tạo nên tiếng thơ về tâm hồn :
"Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song ,
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy dòng ".


Có cảm giác từng lớp sóng gối lên nhau như những u sầu đã cuộn dâng chất ngất . Thuyền - nước chia lìa chứ đâu còn gắn bó ? Thuyền nổi nênh như kiếp người trong cuộc đời cũ , mái thả xuôi dòng . Dự báo nào đã mở ra nỗi buồn phân li phía trước ? Tại sao nhà thơ không nói một khúc gỗ , một đám bèo xanh mà lại là " củi một cành khô "?
Sự đối lập giữa khôn cùng sông nước - cái vô hạn và bé nhỏ số phận - cái hữu hạn bỗng dìm câu thơ chìm sâu thêm trong một con sóng nữa . Con sóng sầu đã phủ giăng khắp chốn không gian :
"Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều ,
Nắng xuống , trời lên sâu chót vót
Sông dài , trời rộng , bến cô liêu ".


Buổi chiều tà với những làng xóm quạnh qũe được Huy Cận trải dài trên bức tranh với những gam màu thực . Âm thanh từ cuộc sống con người đã chỉ làm cho khung cảnh thêm vắng lặng khi chợ chiều đã vãn . Câu thơ thứ ba sử dụng từ " sâu " mà không dùng từ " cao " . Người đọc bỗng nhắm mắt tưởng tượng những vạt nắng từ trên cao rọi xuống tạo khoảng sâu thẳm trên bầu trời qua ánh nhìn , cách nắm bắt thần thái cảnh vật thiên nhiên tinh tế đến diệu kỳ của nhà thơ.

Tất cả đều buồn , đều mênh mang xa vắng . Thi nhân muốn tìm chi nơi sự sống , nơi cuộc đời ?
"Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang ,
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng".


Nhưng tất cả đều không lên tiếng . Cái im bặt cất lên từ dấu hỏi :" về đâu ?" ; từ những câu phủ định với hai từ " không " liên tiếp . Và cả từ " lặng lẽ " như dấu lặng xuyên suốt khổ thơ . Tất cả đều mông lung , vô định . ..Song cái phông buồn bã đó lại toát lên vẻ đẹp hiếm thấy đếm lạ lùng :
" Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa ,
Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà ".


Mỗi câu từ đều được chắt lọc hết sức kỹ lưỡng . Hình ảnh nghệ thuật "mây cao đùn sóng bạc " khiến ta liên tưởng đến những chùm hoa bông từ từ xòe nở trên bầu không , cánh này chèn lên cánh khác , bung từng đóa mây trắng toát ngợp trời, tựa những ngọn sóng bạc đầu ngàn năm vẫn vỗ , tựa những nỗi sầu vạn cổ ngàn năm khôn nguôi .. . Cánh chim như nét chấm phá thêm giữa nền trắng ấy nhưng sao cánh chim đơn côi quá ? Có cảm giác nhoi nhói như niềm thương nhớ đã đẩy lên thành điệu buồn da diết . Điệp từ " dợn dợn " với những ý nghĩa nghệ thuật tác giả cố tình gởi gắm thường bị in sai thành " dờn dợn " và trở thành vô nghĩa , mất đi dụng ý trong sử dụng từ của nhà thơ .

Câu thơ cuối cũng đột ngột . Có phải đó là nguyên nhân những âu sầu ở trên không ? Sâu thẳm niềm nhớ của một người ly quê . Ý tứ của Thôi Hiệu nhà Đường xưa đã giúp Huy Cận bật lên một nỗi sầu không bờ bến : sầu nhung nhớ đến độ không cần khói sóng hoàng hôn - còn gì xa xót hơn ?
Phải chăng trái tim kẻ xa quê đã thốt lên những lời buồn lớn lao về sông núi , về đất nước ? Ba cõi trời - đất - người đã giúp bài thơ đứng vững trong một tư thế hiên ngang và nỗi buồn cứ như con sóng sầu tỏa lan man mác .....

*****



Chữ ký của **Hàn Vân**

Chạm khẽ thôi! Kẻo làm thơ đau,
Người hờ hững nên đường về vô lối...

**Nh.H**

Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 05:54
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,04909 seconds with 15 queries