Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Đã khóa chủ đề
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 19-03-2010   #73
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Dã Tượng (? - ?)

Dã Tượng (? - ?), một gia nô thân tín, trung thành của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, tương truyền Ông rất giỏi huấn luyện voi, đã lập nhiều chiến công trong Kháng chiến chống Nguyên - Mông, đời Trần. Ông cùng với Yết Kiêu, Cao Mang, Đại Hành và Nguyễn Địa Lô là 5 thuộc hạ tài giỏi và trung thành của Hưng Đạo Vương. Trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, ông đóng góp đắc lực, tận tình bảo vệ chủ tướng. Chính ông và Yết Kiêu có công lớn lúc bắt Toa Đô.

Có lần Hưng Đạo Vương thử ý ông mà nói: "Khi gia nghiêm ta từ trần có dặn bảo ta phải chiếm lấy thiên hạ. Các ngươi nghĩ sao?". Ông và Yết Kiêu đều nói: "Đại vương đã phú quý rồi, còn chúng tôi đến già vẫn làm gia nô, không muốn làm như thế, để tiếng xấu ở đời." Hưng Đạo Vương cảm động, từ ấy ông càng được tin trọng.

Tháng 1, 1285, do chưa lường hết sức mạnh của địch, Hưng Đạo Vương đã đem đại binh ngăn cản Thoát Hoan tại ải Nội Bàng. Kết quả trận đánh là quân Trần thua to, cả vạn binh lính bị giết và bắt sống tại trận. Lúc khởi binh, Hưng Đạo vương có dặn Yết Kiêu cắm thuyền đợi mình. Nhưng lúc tàn trận, Thuỷ quân đóng ở Bãi Tân làm chặn hậu cũng chạy tan tác cả. Trong lúc tháo lui khẩn cấp, Hưng Đạo định dẫn tàn quân luồn rừng về Vạn Kiếp, nhưng đúng là không ai hiểu bạn bằng Dã Tượng, đã ngăn Vương lại và bảo: "Kiêu chưa gặp Đại vương, ắt chưa nhổ thuyền đi nơi khác.", nghe thế, Hưng Đạo Vương bèn tức tốc đổi hướng tới bãi Tân. Quả nhiên trên bãi sông vẫn còn một con thuyền đứng đó cùng với viên tuỳ tướng. Thoát nạn, Hưng Đạo Vương ngửa mặt lên trời than “Chim hồng chim hộc bay được cao, tất phải nhờ có lông cánh mạnh, nếu không thì chả khác gì chim thường”.
Năm 1288, trên đường hành quân chuẩn bị cho trận Bạch Đằng nổi tiếng, con voi chở Hưng Đạo Vương bị sa lầy, chìm dần xuống bùn. Dù đã nhiều cách nhưng rồi con voi chiến thân thiết của Đại Vương cứ lún dần, lún dần. Dã Tượng và Hưng Đạo Vương nhìn người bạn đường chiến đấu thân thiết sắp hy sinh mà nước mắt lưng tròng. Dã Tượng bèn quỳ xuống trước mặt Vương xin người xuống ngựa đi tiếp cho kịp ra quân, còn mình xin ở lại rồi sẽ đuổi theo sau. Trong trận đánh sau đó, Dã Tượng giữ một cánh quân bộ trên núi Tràng Kênh đánh hất đám quân của Phàn Tiếp xuống sông. Viên gia tướng đã tả xung hữu đột, máu giặc ướt đẫm cả người, lao vào địch cứ như chỗ không người, như thể để trả thù cho người bạn voi đã hy sinh trên đường ra trận. Phàn Tiếp khiếp sợ đã bỏ lính, để nguyên cả tên găm trên người nhảy xuống sông chạy trốn nhưng rồi vẫn bị quân Trần dùng câu liêm móc lên, bắt sống.

Xem thế, đủ biết ông và Yết Kiêu được Hưng Đạo Vương quý trọng đến ngần nào.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #74
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đàm Thận Huy (1463–1528)

Đàm Thận Huy (1463–1528), là Danh thần đời Lê Thánh Tông, hiệu Mặc Trai, quê làng Ông Mặc, huyện Đông Ngạn, tỉnh Bắc Ninh, nay là xã Hương Mạc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Năm Canh Tuất 1490, ông đỗ tam giáp tiến sĩ, lúc 27 tuổi, làm Hiệu thảo ở viện Hàn lâm rồi thăng Thượng thư bộ Hình, Hàn Lâm viện thị độc có chân trong Tao Đàn nhị thập bát tú đời Lê Thánh Tông.

Năm Canh Ngọ 1510, ông làm chánh sứ sang nhà Minh, khi về được thăng Thượng thư bộ Lại, truy Chiêu văn quân tứ lâm cuộc. Rồi được liệt vào hàng kiệt tiết dực vận Tán trị công thần, gia phong Thiếu bảo, Nhập thị Kinh diên, tước Lâm Xuyên Bá.

Khi Mạc Đăng Dung dấy lên, ông cùng Nghiêm Bá Ký, Nguyễn Hữu Nghiêm vâng mật chiếu Lê Chiêu Tông đem quân Bắc Giang về đánh, nhưng thế không địch nổi, thua giặc ở sông Tây Kiều thuộc huyện Đông Ngạn, ông chạy vào núi An Sơn, uống thuốc độc chết.

Sau, được truy phong Thượng đẳng phúc thần, lập đền thờ tại xã Ông Mặc quê ông.

Ông chết còn để lại bộ Mặc trai thi tập.

Em ông là Đàm Thận Giản, cháu ông là Đàm Cư đều nổi tiếng tiết nghĩa.

Chính Mạc Đăng Dung khi nghe ông tử tiết cũng tỏ lòng kính trọng truy tặng ông tước Hầu.

Ông cũng là thầy dạy của trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh. Có chuyện kể rằng: Một hôm đang dạy học ở trường, Ðàm Thận Huy vừa giảng bài song thì trời sập mưa, học trò đều phải ngồi lại. Ông Huy nhân thấy vậy, bèn ra một câu đối để học trò cùng đối cho vui:

Vũ vô kiềm toả năng lưu khách.

Nghĩa là: Mưa không có then khoá mà giữ được khách.

Nguyễn Giản Thanh đối ngay rằng:

Sắc bất ba đào dị nịch nhân.

Nghĩa là: Sắc đẹp chẳng phải sóng gió mà làm đắm đuối người ta.

Ông Huy xem xong khen rằng: "Câu đối này hay lắm, giọng văn này có thể đỗ Trạng được, nhưng sau tất mê đắm vào vòng sắc dục làm hại lây đến sự nghiệp!".

Tiếp đó, một người học trò tên là Nguyễn Chiêu Huấn lại đối:

Nguyệt hữu loan cung bất xạ nhân.

Nghĩa là: Mặt trăng giống cái cung mà chẳng bắn ai.

Ông Huy phê: "Câu này kém sắc sảo, không hay bằng câu kia, nhưng tỏ ra khí chất hiền hoà, sau này sẽ làm nên, cuộc sống sẽ chu toàn!"

Sau đó, lại có một người học trò khác đối rằng:

Phân bất uy quyền dị sử nhân.

Nghĩa là: Phân *** chẳng uy quyền gì mà dễ sai khiến người.

Ông Huy phê: "Sau giàu sang nhưng là hạng bỉ lậu!"

Qủa nhiên, mấy năm sau, Nguyễn Giản Thanh thi đỗ thủ khoa, rồi đỗ Trạng Nguyên đời Vua Lê Uy Mục (1508), làm quan lễ bộ Thượng thư, nhưng vì say đắm cô gái đẹp ở kinh thành mà đến ô danh bại giá. Còn Chiêu Huấn chỉ đỗ Bảng Nhãn nhưng làm quan và sống yên ổn, không xảy ra chuyện gì cả. Riêng người học trò kia sau cũng vào bậc hào phú trong vùng, nhưng ai cũng chê là hạng thô lỗ, bỉ ổi.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #75
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Chiêm (1429 - ?)

Đặng Chiêm (1429 - ?) là Danh sĩ đời Lê Nhân Tông (1441-1459), Ông sinh năm Kỷ Dậu 1428, không rõ năm mất, Dòng dõi Đặng Dung đời Hậu Trần, quê huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tỉnh, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sau dời ra ở xã Mạc Bồ, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Năm Quý Dậu 1453, ông đỗ Nhị giáp tiến sĩ. Đời Lê Thánh Tông (1460 – 1497), ông làm đến Thừa Chính sứ ti Tham nghị ở đất Hóa Châu. Khi làm quan ông có dâng sớ điều trần 5 việc:

1. Tăng cường phòng thủ cửa bể Tư Dung (nay là cửa Tư Hiền tỉnh Thừa Thiên).

2. Lấp Nhuyễn hải khẩu (nay là cửa Thuận An ở Thừa Thiên).

3. Mở cửa bể Liên Cừ (nay thuộc xã Thủy Liên, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình).

4. Bãi bỏ chức Nguyên đầu thuế sứ vì không ích lợi và hao tốn công quỹ.

5. Chiêu tập những người lưu lạc để đưa vào khai khẩn ruộng hoang ở châu Bố Chính (Quảng Bình).

Ông hết lòng mưu phúc lợi cho dân cho nước, được sĩ phu trọng vọng.

Con là Đặng Minh Khiêm nổi tiếng thơ văn đương thời.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #76
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ðặng Công Bỉnh

Liệt sĩ Đặng Công Bỉnh (鄧功秉),quê ở làng Tân Phú, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh).
Xuất thân từ một gia đình nông dân, nhưng ông có ý thức cách mạng rất sớm. Năm 1937, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Ngày 23-11-1940, ông trực tiếp chỉ huy cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở Hóc Môn. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị quân địch bắt. Trước mặt quân địch, ông vẫn hiên ngang tỏ rõ khí phách của một chiến sĩ cách mạng. Năm 1941, ông bị chúng xử bắn tại một rạp hát gần thị trấn Hóc Môn, hưởng dương 34 tuổi.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #77
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Công Chất (1622-1683)

Đặng Công Chất (1622-1683), người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội). Đỗ trạng nguyên khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661). Làm quan đến Thượng thư bộ Binh, bộ Hình. Lúc mất được tặng Thiếu Bảo, tước Bá.

Trạng Gióng sinh vào ngày Tân Mão, giờ Dần, năm Nhâm Tuất (1622). Tương truyền, thân mẫu của Trạng Gióng đến kỳ sinh nở đã nằm mơ thấy một con hổ đen gầm lên một tiếng kinh thiên động địa, giật mình tỉnh giấc và trở dạ sinh con. Thân phụ của Trạng Gióng là trưởng nam của cụ Đặng Minh Phu, tên là Hòa Sắt, cũng là người có tiếng văn hay, mấy lần dự thi Hội đỗ Tam trường nên được các quan rất quý. Cụ Đặng Hòa Sắt từng được bổ làm tri huyện Gia Định nhưng sau 11 năm lăn lộn quan trường, vẫn phải "giậm chân tại chỗ" nên cởi ấn về nhà, theo đuổi thú vui xem phong thuỷ...

Trạng Gióng sinh vào ngày Tân Mão, giờ Dần, năm Nhâm Tuất (1622). Tương truyền, thân mẫu của Trạng Gióng đến kỳ sinh nở đã nằm mơ thấy một con hổ đen gầm lên một tiếng kinh thiên động địa, giật mình tỉnh giấc và trở dạ sinh con.

Có công mài sắt

Ngay từ nhỏ, Đặng Công Chất đã tỏ ra rất hiếu học, quanh năm gần như không lúc nào rời sách thánh hiền. Mùa đông, trời lạnh, cậu bé Chất ra sân nằm phơi nắng cho ấm để đọc sách.

Có lần, người cha trông thấy con nằm co ro ngoài nắng đọc sách, đã buột miệng nói đùa, đại ý, nếu con sợ lạnh đến thế thì ta sẽ cho con kiểu đất "cấn bút, song quản sâm vân", tức là thế đất hình hai quản bút chỉ thẳng lên mây trời ở phía Đông. Câu này còn có nghĩa là ta sẽ cho con thế đất phát về văn chương, 5 đời mặc áo gấm không thôi...

Lớn lên, theo nghiệp lều chõng, Đặng Công Chất không phải lúc nào cũng được suôn sẻ mặc dù thi khoa Sĩ vọng kỳ đầu tiên đã được xếp loại ưu ngay. Văn của ông hay nhưng viết chữ cũng có lúc bị nhầm nên đã bị đánh hỏng ở kỳ thi tiếp đó. Quan triều lúc đó là người trọng tài, tiếc hơi văn hiếm có của Đặng Công Chất nên đã tâu lên với vua để vua triệu vào trong cung, ban cho chức dạy học.

Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", phải tới năm 1661, Đặng Công Chất, lúc đó đã gần tứ thập, mới đỗ Trạng nguyên (Tiến sĩ cập đệ), cùng với Đào Công Chính và Ngô Khuê. Vua ban cho ba Trạng nguyên áo bào đoạn màu đỏ, đai lưng dát bạc, vinh quy bái tổ về làng... Tiếp đó, Đặng Công Chất thi ứng chế, đỗ thứ nhất nên được phong chức Hiển cung Đại phu, Hàn lâm thị giảng... Hoạn lộ sau này của Đặng Công Chất nhìn chung thuận buồm xuôi gió.

Phương châm hành xử chính của ông có thể diễn giải bằng câu "Kẻ sĩ rất quý ở cương thường". Đặng Công Chất làm quan lúc nào cũng rất mực thanh cần. Nhà vua rất hay vời ông vào cung để giảng sách... Năm 1676, Trạng Gióng từng được vua cử cùng Hồ Sĩ Dương đề tựa bộ sách "Lam Sơn thực lục", "tham khảo bản cũ cùng các sách gia đình để sửa sang lại, chỗ nào sai thì chép lại cho đúng, chỗ nào sót thì bổ sung vào, cốt tiện đọc và truyền bá rộng rãi...".

Công việc của các ông đã được đời sau đánh giá xứng đáng... Những chức vụ cao nhất của Đặng Công Chất ở trong triều là Hình bộ Thượng thư và Binh bộ Thượng thư. Khi Trạng Gióng từ trần, ông được tặng Lại bộ Thượng thư, Thiếu Bảo, tước Bá...

Lấy nhân làm gốc

Tại chỗ ngồi của mình, Đặng Công Chất thường cho dán câu đối: "Lương năng do kỷ hữu, Chí nghiệp tự thiên thành" (Tài năng dù tự mình sẵn có, Sự nghiệp lớn phải nhờ trời mới nên).

Trong phép hành xử ở đời, Đặng Công Chất luôn lấy chữ tình và chữ nghĩa làm trọng. Ông hiểu những cái yếu của người đời nhưng không bao giờ lấy đó làm điều. Cũng theo sách "Đặng gia phả hệ Toản chính thực lục và Đặng gia phả ký tục biên - Lương Xá, Hà Tây", khi Đặng Công Chất thi ứng chế, các quan triều bình văn cho rằng văn của Đặng Công Chất hay hơn của người từng được cử vào chức Thị thư khoa trước là Nguyễn Quốc Khôi.

Nghe vậy, Nguyễn Quốc Khôi không phục và có ý gây khó dễ cho Đặng Công Chất khi ông được cử làm Thị thư mới. Thế nhưng, Trạng Gióng vẫn tươi cười như không và nhất mực đối đãi tử tế với người tiền nhiệm. Ngày Nguyễn Quốc Khôi mất, Đặng Công Chất đang phải để tang thân mẫu. Lệ thường, như Sách Lễ dạy, "khi đang để tang cha mẹ, không nên viếng điếu ai".

Thế nhưng, Đặng Công Chất khi nghe lời ngăn cản đã thốt lên: "Tăng Tử trong lúc có trọng tang, vẫn đến viếng thăm Tử Hạ" (Tăng Tử và Tử Hạ là các "đệ tử chân truyền" của Khổng Tử, hai trong số 72 người hiền). Tức là ông muốn nói, người quân tử đôi khi phải biết vượt qua những phép tắc thông thường mà ứng xử bất thường cho phải đạo nhân nghĩa. Không những thế, Đặng Công Chất còn viết văn tế Nguyễn Quốc Khôi với những lời thấm thía: "Ông bạn quý của tôi là bậc Trạng nguyên hiếu trung. Người quân tử chính trực. Nước không mất vì cái vẫn còn là đạo...".

Năm 1663, ông được phái đi làm Đốc thị xứ Nghệ An. Khi ấy, ở vùng Thiết Lâm, có khoảng vài ba trăm người dân cư trú ở khu vực biên giới, đóng nhà bè ngay ở khu cửa khe suối, náu mình làm nghề đạo tặc. Triều đình sai Đặng Công Chất một mình dẹp cướp.

Tìm hiểu rõ những nguyên nhân, nói theo ngôn ngữ bây giờ, kinh tế - xã hội dẫn tới nạn cướp bóc, Đặng Công Chất đã tìm cách phủ dụ, hợp pháp hóa đời sống của những người dân sở tại, lập làng xã, mở mang kinh tế và giáo huấn. Dần dà, vùng đó trở thành một nơi ăn nên làm ra.

Dân Thiết Lâm cảm cái ơn của Trạng Gióng đã lập sinh từ (đền thờ sống) Đặng Công Chất. Và một phần cũng nhờ thành tích giúp dân an cư lạc nghiệp ở Nghệ An nên Đặng Công Chất năm 1665 đã được triều đình thăng chức Gia hành Đại phu, Công bộ Hữu thị lang...

Trạng Gióng từng không chỉ một lần được vua cử đi sứ Trung Hoa. Lại theo sách "Đặng gia phả hệ Toản chính thực lục và Đặng gia phả ký tục biên - Lương Xá, Hà Tây", lần Đặng Công Chất đi sứ năm 1683, trên đường trở về nước, ngồi bên sông Hoàng Hà, quan hộ tống triều Thanh nhìn thấy con nước cuộn chảy, đã yêu cầu Đặng Công Chất ngẫu hứng làm một bài thơ "cho thêm phần bạo dạn". Trạng Gióng rót trà mời khách rồi chậm rãi viết lên trên lụa:

"Xuất tự Côn Lôn, khảm vị doanh,
Hoàng Hà đáo để chi kỳ bình.
Thiên tầm bất đãi Đường Ngu tuấn,
Nhất thực hề khuy Ngô Sở tranh.
Đạm nhược hữu thời Bao Lão tiếu,
Đới như hà nhật Hán Hoàng minh.
Tường trưng long mã sơ phi ngẫu,
Đế đức nguyên đồng nhật nguyệt minh"


(Tạm dịch: Nước bắt đầu chảy, từ núi Côn Lôn, một vũng không đầy, Thế mà ngày nay thành ra sông Hoàng Hà. Sông dài nghìn tầm, không đợi đời Đường Ngu đào vét, Một giọt không cạn, khi Ngô Sở tranh nhau. Có khi nước trong như Bao Chửng cất tiếng cười, Rồi có khi như dải áo, như lời thề vua Hán. Khi có Long Mã nổi lên, điềm hay không ngẫu nhiên. Vì đức vua sáng như mặt trời, mặt trăng).

Cách viết, cách nói ví von như thế, đến những câu thơ gọi là hậu hiện đại cũng không thể mới hơn. Ông quan Trung Quốc "xem bài thơ, đọc rõ từng câu, miệng tủm tỉm cười, ngẫm nghĩ hồi lâu, uống xong trà" rồi bình luận: "Bụng dạ nhà thơ, như nước sông muôn khoảnh mông mênh. Những dòng nước nhỏ nhuần tưới trong khoảnh trăm dặm hay nghìn dặm, một giọt nước thêm vào cũng chẳng thấm gì. Nước Nam là nơi mặt trời đỏ rực, vùng đất oi nóng, không ngờ lại là nơi "Lục nhất" sinh thành! Như vậy thì đạo của người quân tử ở đâu cũng là đạo "Nhân" mà thôi! Hà tất phải theo hùa hay bắt chước giống hệt nhau...".

Nhà Thờ Đặng Công Chất

Nhà thờ ở xóm Dâu, thôn Phù Đổng II, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Cổng đền làm theo kiểu “tam môn”, ba cửa cuốn vòm, cửa giữa rộng và cao hơn hai cửa bên. Bốn chữ Hán đắp nổi “Đặng Trần gia miếu” (tạm dịch: Nhà thờ dòng họ Đặng Trần), được “đặt” ở vị trí trung tâm tầng 2 cổng chính.

Qua cổng, rẽ phải vào nhà thờ Trạng nguyên Đặng Công Chất, bên trái là nhà thờ cụ Thái Bảo (Đặng Công Sắt). Bố trí bên trái (bên tả) là nhà thờ cha, bên phải (bên hữu) là nhà thờ con (Đặng Công Chất là con thứ 3 cụ Thái Bảo) thể hiện đạo lý kính trọng, tôn vinh bề trên.

Nhà thờ có kiến trúc hình chữ nhị, tòa tiền tế gồm ba gian hai dĩ, làm theo kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai...

Hậu cung gồm ba gian hai dĩ, xây kiễu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #78
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Đức Siêu (1751-1810)

Đặng Đức Siêu (1751-1810) là danh thần, danh sĩ đời Gia Long. Quê làng Phụng Cang, huyện Bồng Sơn, nay là ấp Vĩnh Phụng, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Năm 16 tuổi ông đỗ Hương tiến, được Định vương Nguyễn Phúc Thuần bổ làm việc ở Viện Hàn lâm tại Phú Xuân. Sau, chúa Trịnh, nhà Tây Sơn đều có mời ông ra làm quan, ông đều từ chối.

Khi nghe Nguyễn Ánh hoạt động trong Nam, ông theo vào giúp, được lãnh chức Trung dinh tham mưu, ra vào trong chốn màn trướng, thân cận với nhà vua. Sau ngày đại định, nghi lễ, chiếu biểu của nhà vua, phần lớn đều do ông soạn thảo. Làm quan đến Thượng thư bộ Lễ. Sung chức Phụ đạo cho Hoàng tử, đem đạo thánh dạy dỗ, được nhiều sự bổ ích. Lúc chết, ông được nhà vua tặng chức Tham chính. Năm Minh Mạng thứ sáu (1825) được tăng chức Thiếu sư Hiệp biện đại học sĩ. Năm Tự Đức thứ năm (1852), ông được thờ vào miếu Trung hưng công thần.

Đức hạnh, tiết tháo của ông đáng là nhân vật đệ nhứt của triều Nguyễn.

Sách Việt Nam Danh Nhân Tự điển của Nguyễn Huyền Anh lại ghi về phu nhân như sau:

Đặng Đức Siêu có bà vợ chính thất là Nguyễn Thị Ngữ, người huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, là một bậc tiết phụ hiếm có. Khi chồng theo chúa Nguyễn vào Gia Định, bà ở nhà thủ tiết nuôi con. Tư đồ Tây Sơn là Vũ Văn Dũng muốn cưới bà làm vợ, bà nhất định khước từ. Sau chồng về, bị bệnh mà chết, bà lo tống táng tận lễ rồi ở vậy cho đến già. Đời Minh Mạng sắc cho biển Tiết phụ có khắc 4 chữ “Đông quản phương tiêu”.

Về sự nghiệp văn chương, Đặng Đức Siêu là tác giả bài Văn tế Thượng sư Bá Đa Lộc, bài Văn tế Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, bài Hồi loan khải ca nói về chiến công thống nhất đất nước của vua Gia Long. Ngoài ra, ông còn soạn một quyển sử về triều Nguyễn gọi là Thiên Nam đế hệ, chép sự việc từ đời Triệu tổ Nguyễn Kim đến đời Định Vương Nguyễn Phúc Thuần.

Đặng Đức Siêu có người con là Đặng Đức Chiêm làm quan đến Hải Dương tổng đốc.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #79
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Đức Thuật

Đặng Đức Thuật là danh thần thời Gia Long, tự Cửu Tư, ông thông sử học, được học giả đương thời xưng tặng là “Đặng gia sử phái”. Ông được vua Gia Long ban chức Giám Nghị được nhà vua yêu dùng vì tánh tình cương trực. Lúc còn tại Gia Ðịnh được Trịnh hoài Ðức, Ngô nhân Tịnh, Lê quang Ðịnh và Nguyễn Hương coi trọng như thầy Võ Trường Toản.

Khi Tây Sơn dấy binh, ông cất nhà tại Phước Sơn, thuộc tỉnh Bình Thuận ở ẩn.

Năm Mậu Thân 1788, ông vào Gia Định với Lê Đạt, gặp Nguyễn Ánh, được dùng làm gián nghị, thị giảng Viện Hàn lâm.

Tính ông cương trực, một khi can gián mà chúa Nguyễn không nghe, ông nói: “Lời nói không công hiệu, thế thì gián nghị nỗi gì”. Bèn bỏ ra đi, chúa Nguyễn phải cho người theo triệu hồi, ông mới trở lại phục vụ.

Sau, ông mất trong quân, được truy tặng Thượng thư, Thị giảng học sĩ.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #80
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Dung (? – 1414)

Đặng Dung (? – 1414) là tác giả bài thơ Thuật hoài nổi tiếng và là danh tướng nhà Hậu Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông quê người huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Theo Đại Nam Nhất Thống Chí - phần Nghệ An tỉnh thì: Tổ tiên Đặng Dung vốn người Hóa Châu, sau di cư đến làng Phù Lưu, huyện Thiên Lộc.

Dưới triều nhà Hồ, ông giúp cha là Đặng Tất (? - 1409) cai quản đất Thuận Hóa. Sau khi quân Minh từ Trung Quốc tiến chiếm nước Việt (khi ấy có quốc hiệu là Đại Ngu), nhà Hồ sụp đổ, Đặng Dung cùng cha tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi, tức Giản Định Đế.

Năm 1409, sau trận đại chiến ở Bô Cô (xã Hiếu Cổ, huyện Ý Yên, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay); vì nghe lời gièm pha của bọn hoạn quan là Nguyễn Quỹ, nói rằng Đặng Tất chuyên quyền, vua Giản Định Đế đem lòng ngờ vực đã giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Đặng Dung tức giận bỏ Trần Ngỗi, cùng Nguyễn Cảnh Dị (con của Nguyễn Cảnh Chân) rước Trần Quý Khoáng từ Thanh Hóa về đất Chi La (nay là huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), tôn lên ngôi vua (tức Trùng Quang Đế), và ông được giữ chức Đồng bình chương sự.

Về sau, do nhu cầu cần phải hợp nhất hai lực lượng, các tướng của Trần Quý Khoáng do Nguyễn Súy cầm đầu đã tổ chức đánh úp vào Ngự Thiên, đem Trần Ngỗi về Chi La tôn làm Thượng Hoàng.

Dù phải chiến đấu dưới quyền người đã giết cha mình, nhưng vì sự nghiệp chung ông đã “vượt lên trên tất cả, trước sau vẫn giữ vững phẩm cách đường đường của một vị tướng.” (Nguyễn Khắc Thuần, sách dẫn bên dưới, tr. 234). Từ đó ông trải qua rất nhiều trận giao chiến, nổi bật hơn cả là trận đánh vào tháng 9 năm Quý Tị (1413) ở khu vực Thái Gia (theo Minh Sử của Trương Đĩnh Ngọc thì trận đánh này xảy ra tại Ái Tử, nay thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Dẫn lại theo Nguyễn Khắc Thuần, sách đã dẫn, tr. 235).

Đại Việt Sử Kí Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên chép:

“Đang khi đôi bên quân nam và quân bắc đang cầm cự nhau thì Đặng Dung bí mật dùng bộ binh và tượng binh mai phục, đúng nửa đêm thì bất ngờ đánh úp vào doanh trại của (Trương) Phụ. (Đặng) Dung đã nhảy lên thuyền của (Trương) Phụ và định bắt sống (Trương) Phụ nhưng lại không biết mặt để có thể nhận ra hắn, vì thế, (Trương) Phụ liền nhảy sang thuyền nhỏ chạy thoát. Quân Minh bị tan vỡ đến quá nữa, thuyền bè, khí giới bị đốt phá gần hết, thế mà (Nguyễn) Súy không biết hợp lực để cùng đánh. (Trương) Phụ biết quân của (Đặng) Dung ít nên lập tức quay lại đánh. (Đặng) dung đành phải chịu thất bại, quân sĩ chạy tan tác hết.” (theo Đại Việt Sử Kí Toàn Thư, Bản kỉ toàn thư, quyển 9, tờ 22-b). Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chép tương tự và hạ bút viết lời tiếc rẻ: ''Trời nuông tha trương Phụ'' (Chính biên, quyển 12, tờ 39)

Nguyễn Khắc Thuần kể tiếp:

“Tháng 11 năm 1413, Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị bị Trương Phụ bắt sống khi đang tìm đường tạm lánh sang Xiêm La để tính kế lâu dài. Vì liên tục lớn tiếng chửi mắng nên Nguyễn Cảnh Dị đã bị Trương Phụ hạ lệnh giết ngay. Còn Đặng Dung cùng Trần Quý Khoáng, Nguyễn Súy và một số tướng lãnh khác bị áp giải về Yên Kinh (Trung Quốc). Dọc đường, Trần Quý Khoáng nhảy xuống biển tự tử, Đặng Dung cũng lập tức nhảy xuống chết theo.” (Sách dẫn bên dưới, tr. 236)

Trần Trọng Kim cũng cho biết tương tự:

“Từ khi thua trận ấy rồi, Trần Quý Khoách thế yếu quá không thể chống với quân giặc được nữa, phải vào ẩn núp ở trong rừng núi. Chẳng được bao lâu Trần Quý Khoáng, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy đều bị bắt, và phải giải về Yên Kinh cả. Đi đến giữa đường, Quý Khoách nhảy xuống bể tự tử, bọn ông Đặng Dung cũng tử tiết cả. Ông Đặng Dung có làm bài thơ Thuật hoài, mà ngày nay còn có nhiều người vẫn truyền tụng.

Cha con ông Đặng Dung đều hết lòng giúp nước phò vua, tuy không thành công được, nhưng cái lòng trung liệt của nhà họ Đặng cũng đủ làm cho người đời sau tưởng nhớ đến, bởi vậy hiện nay còn có đền thờ ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh...”
(Nxb Tân Việt, Sài Gòn, tr. 197)

Thuật hoài:

Là bài thơ tự sự của Đặng Dung khi ông đem quân giúp vua Trùng Quang Đế, nhưng do lòng người ly tán, quân binh ít ỏi, lương thực thiếu thốn nên cuối cùng đã thất bại. Bài thơ thể hiện ý chí sắt đá của một người anh hùng nhưng không may là không gặp thời thế, công việc chưa xong thì tuổi đã già.

Bài Thuật hoài được viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn luật.

Nguyên tác:
感懷


世事悠悠奈老何

無窮天地入酣歌

時來屠釣成功易

運去英 雄飲恨多

致主有懷扶地軸

洗兵無路挽天河

國讎未報頭先白

幾度龍泉戴月磨

Phiên âm Hán - Việt:

Thuật hoài


Thế sự du du nại lão hà?
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.


Chú thích:

-Du du còn có nghĩa là rối bời.
-Đồ điếu: (đồ: hàng thịt, điếu: câu cá) ám chỉ Phàn Khoái bán thịt chó, Hàn Tín câu cá, sau giúp Lưu Bang (Hán Cao Tổ) phá Tần, diệt Sở, làm nên nghiệp lớn.
-Tẩy binh: Điển tích từ hai câu thơ trong bài Tẩy binh mã (Rửa khí giới) của Đỗ Phủ: “An đắc tráng sĩ vãn thiên hà; Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng”. Dịch nghĩa: “Ước gì có tráng sĩ kéo nước sông Ngân xuống (dịch chữ thiên hà); Rửa sạch khí giới, mãi mãi không dùng đến nữa.”
-Long Tuyền: tên một loại gươm báu thời xưa
-Bài phiên âm trên chép theo Ngữ văn 10 (nâng cao), sách đã dẫn. Có bản chép khác: --Thế lộ du du (câu 1), Nhập thù ca (câu 2), Sự khứ anh hùng (câu 4), Trí chúa hữu tâm (câu 5), Quốc thù vị phục đầu tương bạch (câu 7).

Dịch nghĩa:

Việc đời dằng dặc mà ta đã già, biết làm thế nào?
Trời đất mênh mông đắm trong cuộc rượu hát ca.
Khi gặp thời, người làm nghề hàng thịt, kẻ câu cá cũng dễ thành công,
Lúc lỡ vận, bậc anh hùng đành phải nuốt hận nhiều.
Giúp chúa, những mong xoay trục đất lại,
Rửa vũ khí không có lối kéo tuột sông Ngân xuống.
Thù nước chưa trả được mà mái tóc đạ bạc sớm,
Bao phen mang gươm báu mài dưới bóng trăng


Bản dịch của Tản Đà:

Việc đời man mác, tuổi già thôi!
Đất rộng trời cao chén ngậm ngùi.
Gặp gỡ thời cơ may những kẻ,
Tan tành sự thế luống cay ai!
Phò vua bụng những mong xoay đất,
Gột giáp sông kia khó vạch trời.
Đầu bạc giang san thù chửa trả,
Long tuyền mấy độ bóng trăng soi.


Bản dịch của Phan Kế Bính:

Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.


Bản dịch của Phan Võ:

Việc thế lôi thôi tuổi tác này,
Mênh mông trời đất hát và say,
Gặp thời đồ điếu thừa nên việc,
Lỡ vận anh hùng luống nuốt caỵ
Giúp chúa những lăm giằng cốt đất,
Rửa đòng không thể vén sông mây.
Quốc thù chưa trả già sao vội,
Dưới nguyệt mài gươm đã bấy chầy.


Nhận xét:

Thơ đời trần, bất kể là vui hay buồn thường thể hiện sự khẳng định nhân phẩm và niềm tự hào về bản lĩnh con người. Và ngay cả trong cái buồn của thơ ca cuối thế kỷ thứ 14 vẫn còn còn phảng phất dư ba của hào khí Đông A (theo lối chiết tự, chữ Trần còn có thể đọc là Đông A , vì được ghép từ hai chữ Đông (東) và A (阿)).

Và Thuật hoài, bài thơ duy nhất còn lại của Đặng Dung, được chép trong Toàn Việt Thi Lục của Lê Quí Đôn (1726 - 1784) chính là một trong những bài thơ hay và tiêu biểu cho phong cách thơ ấy.

Từ điển văn học (bộ mới) đánh giá:

Tuy là thơ của một người...ôm hận vì bất lực trước thời thế, “người đọc vẫn thấy toát lên ở đây tình cảm cao cả tràn khắp đất trời, đó là lòng yêu nước thiết tha của một tráng sĩ vì nước bôn ba, là niềm tin và quyết tâm bảo vệ nền độc lập dân tộc qua hình tượng rất đẹp, rất thơ: “Mấy phen mang gươm Long Tuyền mài dưới trăng”. Cảm hoài ra đời vào những ngày cuối cùng của nhà Trần, nhưng vẫn mang trọn hào khí dân tộc của những năm đầu dựng nước và giữ nước cả về nội dung lẫn hình thức. Lý Tử Tấn (1378 - ?, quan thời Lê) nhận xét "Phi hào kiệt chi sĩ bất năng" (Nếu không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể làm được bài thơ này).




Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #81
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Hoán Bổn

Đặng Hoán Bổn sinh năm 1901 trong một gia đình người Hoa tại Hải Nam – Trung Quốc và mất năm 1991 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Gia đình Đặng Hoán Bổn sang Việt Nam sinh cơ lập nghiệp từ khi Đặng Hoán Bổn còn rất nhỏ và gia đình ông trở thành một đại địa chủ ở Nam Bộ. Riêng Đặng Hoán Bổn được gửi lại Thượng Hải, Trung Quốc tiếp tục ăn học cho đến khi tốt nghiệp Khoa Luật tại Trường Đại học Luật Thượng Hải. Cũng tại Thượng Hải, ông mở Nhà sách Đại học Thư điếm, vừa viết sách vừa viết báo và trở thành người có uy tín đối với nhân sĩ trí thức ở Thượng Hải lúc bấy giờ.
Năm 1936, ông về Sài Gòn, được người anh trai giao cho kế thừa việc quản lý hơn 100o mẫu ruộng, hàng chục cơ sở sản xuất công nghiệp khác và hơn 50 gian nhà tại Chợ Lớn. Là một trí thức yêu nước, ông xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và ông cảm thấy vô cùng đau sót trước cảnh nhiều người Việt Nam yêu nước bị thực dân Pháp bắn giết hoặc đày đi Côn Đảo sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, rồi thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai, trước tình hình đó, ông hiến cho chính quyền cách mạng tòan bộ tài sản của ông ở Chợ Lớn và tất cả ruộng đất của gia đình ông ở Bến Tre, rồi theo cách mạng, tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông kêu gọi người Hoa đòan kết với người Việt, kêu gọi thanh niên Hoa tham gia chiến đấu chống Pháp, đồng thời ông hô hào mọi người tham gia tăng gia sản xuất, đóng thuế nuôi quân, ủng hộ kháng chiến.

Đặng Hoán Bổn là người cùng Ca Văn Thỉnh thành lập Hội Hữu nghị Việt – Trung. Sau hiệp định Genève 1954, ông tập kết ra Bắc.

Tài sản của LSB-Sun
Đã khóa chủ đề


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 16:36
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,10928 seconds with 15 queries