Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Đã khóa chủ đề
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 12-07-2009   #55
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Cao Xuân Dục (1843–1923)

Cao Xuân Dục (1843–1923) là danh sĩ đời Duy Tân, tự Tử Phát, hiệu Long Cương hay Long Cương Cổ Hoan Đông Cao, quê Thịnh Khánh sau đổi là Thịnh Mỹ, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, nay là làng Thịnh Mỹ, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Năm Đinh Sửu 1877, ông đỗ cử nhân đồng khoa với Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh, Nguyễn Đôn Tiết ở Thanh Hoá và Phan Văn Ái ở Hà Nội. Cao Xuân Dục là một nhà sử học, một nhà nghiên cứu địa phương xuất sắc và bề thế nhất của nước nhà. Ông trải qua nhiều chức quan như:

-Biện lý Bộ Hình (1883);
-Án sát Hà Nội (1883);
-Bố chánh Hà Nội (1884);
-Tuần phủ Hưng Yên (1889);
-Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (1889);
-Khâm sai Chủ khảo trường thi Hương Hà Nam (1894);
-Tổng đốc Định Ninh (1896);
-Phong hàm Kiên Giang Quận công (1898);
-Phó Tổng đốc Tài Quốc Sử Quán (1898);
-Tổng đốc Tài Quốc Sử Quán (1903) tước An Xuân Tử;
-Chủ khảo trường thi Hội (1901), quản Quốc Tử Giám;
-Thượng thư Bộ Học (1907);
-Cơ mật viện Đại thần - Phụ chính Đại thần;
-Phong hàm Thái Tử Thiếu Bảo (1908);
-Phong tước An Xuân Tử (1911);
-Về hưu với hàm Đông các Đại học sĩ (1913).
Khi Hoàng Cao Khải theo Pháp muốn làm Phó Vương, bắt các quan trong triều phải ký vào biểu dâng lên Vua, Cao Xuân Dục đã không nghe theo, còn đề vào mấy câu:

Phiên âm:

Thiên Vô Nhị Nhật
Quốc Vô Lưỡng Vương
Thần Cao Xuân Dục
Bất Khả Ký


Tạm dịch:

Trời không có hai mặt trời
Nước không có hai vua
Thần Cao Xuân Dục
Không thể ký


Do đó mà ông bị gièm, giáng chức về làm Tri phủ huyện Quốc Oai, Hoàng Xá [1].

Cao Xuân Dục qua đời năm 1923, thọ 81 tuổi.

Gia đình

Một số người con của Cao Xuân Dục cũng đã thành đạt:

-Cao Xuân Tiếu, Phó bảng khoa Ất Mùi (1895), làm quan đến Thượng thư,
-Cao Xuân Khôi, Tú tài (1905),
-Cao Xuân Thọ, Cử nhân (1911), làm quan Tri phủ,
-Cao Ngọc Anh, nhà thơ.
-Đặng Văn Thụy là con rể (cưới bà Cao Thị Bích, con gái ông), Đình nguyên Hoàng giáp năm Giáp Thìn (1904), làm quan đến chức Tế tửu.

Các người thành đạt trong hàng cháu của ông có:

-Cao Xuân Tảo, cử nhân (1912), làm quan Tá lư Bộ Lễ.
-Cao Xuân Huy, Giáo sư Triết học phương Đông và văn học Trung quốc ở Hà Nội, giải thưởng Hồ Chí Minh.
-Cao Huy Đỉnh, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, giải thưởng Hồ Chí Minh.
-Hoàng Minh Giám là cháu ngoại, giữ các chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam.
-Đặng Văn Hướng là cháu ngoại, đỗ Phó bảng, từng làm Tổng đốc Nghệ An trong nội các Trần Trọng Kim, Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ Hồ Chí Minh.

Các người thành đạt trong hàng chắt ông có:

-Cao Xuân Hạo - nhà ngôn ngữ học, con Cao Xuân Huy.

Nhận xét

Phó giáo sư Chương Thâu (Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu) có viết:

"Cao Xuân Dục có thể xứng đáng là một nhà văn hoá lớn ở nước ta cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đứng đầu bộ Học và Sử Quán, ông chỉ đạo và tham gia biên soạn cùng một số học giả ở hai cơ quan này nhiều bộ sách về sử và địa lý".[2]

Cao Xuân Dục rất có ý thức sưu tầm bảo lưu sách cổ, trong thời gian làm quan khắp nơi, cụ dày công tìm kiếm thuê người chép lại những bộ sách quý hiếm, xây dựng nên Long Cương Bảo Tàng Thư Viện, một trong vài thư viện lớn bậc nhất ở Nghệ Tĩnh (cùng với Mộng Thương thư trai của gia đình Nguyễn Chi ở Can Lộc).

Tại Thành phố Hồ Chí Minh có một con đường (trước là đường Cần Giuộc, ở Quận 5, gần cầu Chà Và trên đường đi ra phía cầu Nhị Thiên Đường) được đặt tên ông.

Tác phẩm

Cao Xuân Dục tham gia soạn thảo các sách:

-Đại Nam Thực Lục (ghi sử 1883-1888),
-Quốc Triều Sử Toát Yếu (ghi sử Nguyễn Kim -1886),
-Đại Nam Nhất Thống Chí (địa chí Trung Bộ - Duy tân - 1910),
-Đại Nam Dư Địa Chí Ước Biên (Trung và Bắc Bộ),
-Quốc Triều Luật Lệ Toát Yếu (Duy Tân 1907-1916),
-Quốc triều tiền biên toát yếu,
-Quốc Triều Khoa Bảng Lục (ghi chép tên họ, quê quán người thi đỗ),
-Quốc Triều Hương Khoa Lục (ghi chép tên họ, quê quán người thi đỗ).

Ngoài ra ông còn biên tập:

-Bộ Nhân Thế Tu Tri (1901 - 8 tập 900 trang) trích trong Kinh Sử những lời hay ý đẹp nhằm giúp giáo dục con người tu dưỡng, sửa mình và mưu sinh;
Long Cưong Văn Đối;
-Long Cưong Bát Thập Thọ Ngôn;
-Long Cương Đối Liên;
-Long Cương lai hạ tập;
-Long Cương hưu đình hiệu tần;
-Hà Nam trường hương thi văn tuyển;
-Hạ Thọ Liên;
-Hạ Ngôn đăn lục.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #56
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Cao Xuân Tiếu (1865 - 1939)

Cao Xuân Tiếu (1865 - 1939), tự Mộng Phó, hiệu Bang Sa, Hải tăng. Quê làng Cao Xá, xã Thịnh Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nay là làng Cao Xá, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An. Ông sinh năm Ất Sửu 1865 trong một gia đình có truyền thống nho học. Ông là con trưởng của quan đại thần Thượng thư bộ Học, Đông các đại học sĩ kiêm Tổng tài quốc sử quán Cao Xuân Dục.

Ông đỗ Cử nhân năm Tân Mão 1891, đứng thứ nhì trường Nghệ An, và đến năm Ất Mùi 1895, triều Thành Thái đỗ phó bảng. Ông làm quan nhà Nguyễn với các chức: Án Sát Quảng Nam, Bố chánh Bình Định, Hà Tĩnh, Chủ khảo khoa thi Hương trường Thanh Hoá, Tham tri bộ Lễ, bộ Hộ, thăng đến chức Thượng thư, Hiệp biện đại học sĩ kiêm Tổng tài Quốc sử quán, sau này về hưu làm Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Nông Tín Ngân Hàng miền Bắc Trung Kỳ. Con trai ông là Giáo sư triết học phương Đông Cao Xuân Huy, cháu gọi ông bằng ông nội là giáo sư Cao Xuân Hạo là một dịch giả, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng.

Ông mất vào năm Kỷ Mão 1939, hưởng thọ 74 tuổi.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #57
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Cao Xuân Huy (1900 - 1983)

Cao Xuân Huy (1900 - 1983) là một nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử tư tưởng triết học phương Đông, từng được gọi là "nhà đạo học" ngay từ thuở mới khoảng 30 tuổi. Ông được xem là một trong những người có những đóng góp to lớn trong việc đào tạo các nhà nghiên cứu cổ học Việt Nam. Ông để lại một số giáo trình đại học có giá trị về Kinh Dịch, Luận ngữ, Mạnh Tử, Bách gia chư tử. Ông còn là một Giáo sư của Viện Văn học. Con ông là Cao Xuân Hạo là một nhà ngôn ngữ học, dịch giả nổi tiếng tại Việt Nam.

Ông sinh ngày 28 tháng 5 năm 1900 năm tại làng Thịnh Mỹ, xã Cao Xá, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình dòng dõi khoa bảng danh gia. Ông nội ông là Cao Xuân Dục. Cha ông là Cao Xuân Tiếu (1865-1939), đậu phó bảng khoa thi 1895, giữ chức thượng thư, Hiệp biện đại học sĩ kiêm Tổng tài Quốc sử quán triều nhà Nguyễn.

Năm 1906, ông bắt đầu học chữ Hán với thầy của gia đình và được ông nội (là cụ Cao Xuân Dục, khi đấy là Tổng tài Quốc sử quán) rèn cặp. Năm 1915, ông thi hương tại trường thi Nghệ An. Sau đó, ông ra Huế theo học bậc Thành chung và tốt nghiệp năm 1922. Sau đó, ông theo học trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương và tốt nghiệp năm 1925. Sau khi tốt nghiệp, ông bước vào cuộc đời dạy học trong 55 năm chỉ gián đoạn chút ít.

Cũng trong năm 1925, cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt giam. Nhiều phong trào đấu tranh chính trị đòi thả cụ Phan. Vốn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống yêu nước và chống Pháp, ông cũng bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Khi đó, ông đang dạy ở Trường Quốc học Huế. Năm 1926, ông gia nhập Tân Việt Cách mạng đảng.

Năm 1927, thực dân Pháp tấn công đảng Tân Việt. Ông bị giải chức, đày ra Lao Bảo, sau đó giải về Nghệ An mãi đến năm 1929 mới được thả, ông về làm công tạm cho nhà in Đắc Lập, Huế. Từ năm 1935, ông vào Sài Gòn dạy tư thục Trung học Paul Doumer và Trung học Chấn Thanh. Năm 1938, thầy trở ra Huế dạy tư thục Hồ Đắc Hàm, Việt Anh, Thuận Hóa và tham gia viết báo tiếng Pháp: Revue pédagogique.

Năm 1945, ông được Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời ra Hà Nội dạy môn triết học phương Đông tại trường Đại học Việt Nam. Trường này đóng cửa sau 3 tháng vì tình hình chính trị Việt - Pháp căng thẳng.

Sau khi chiến tranh nổ ra, ông trở về quê nhà và được cử làm hiệu trưởng trung học Nguyễn Xuân Ôn, Diễn Châu, Nghệ An. Trường năng khiếu huyện Diễn Châu mang tên ông,Cùng thời gian này, ông còn kiêm các chức vụ quan trọng như giáo viên dạy văn học và dạy Pháp văn, giáo viên trường trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, giáo sư triết học của lớp Đại học Văn khoa đầu tiên ở vùng Thanh - Nghệ.

Năm 1949, ông là giáo sư triết học của lớp Đại học Văn khoa đầu tiên do Bộ Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập tại vùng tự do Liên khu IV. Lớp có 7 học sinh tốt nghiệp trung học chuyên khoa.

Năm 1951, ông được mời làm Giáo sư Trường Dự bị Đại học Việt Nam tại Thanh Hóa. Tháng 12 năm 1954, ông được điều về Hà Nội giảng dạy môn triết học phương Đông, môn logic học và môn tâm lý học cho lớp Đại học Văn khoa (tiền thân của khoa văn ngữ, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và trường Đại học sư phạm Hà Nội. Năm 1957, ông được mời sang khoa ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giảng dạy môn tâm lý học. Năm 1958, ông được phong chức Giáo sư.

Cũng trong năm 1958, vì có liên quan đến hoạt động của nhóm Nhân Văn - Giai Phẩm, ông bị đình chỉ nhiệm vụ. Đến năm 1959, Viện Văn học thành lập, ông được cử làm Trưởng Ban Hán - Nôm, rồi Trưởng Ban văn học cổ đại Việt Nam của Viện. Năm 1965, ông là giáo sư chính, giảng dạy môn triết học cho lớp đại học Hán Nôm tại Hà Nội, chịu trách nhiệm đào tạo lớp chuyên tu Hán Nôm trên đại học (1972-1974). Năm 1972, ông là chủ khảo kỳ thi tốt nghiệp 4 năm của Viện Văn Học.

Trong thời gian ở ban Hán Nôm, ông được mời thỉnh giảng ở khoa ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trường Đại học Y - Dược Hà Nội, Viện Đông Y Việt Nam.

Năm 1974, ông nghỉ hưu. Ông mất tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 22 tháng 10 năm 1983, thọ 83 tuổi.

Ông được Nhà nước Việt Nam tặng tưởng Huân chương Kháng Chiến hạng nhì (1960), giải thưởng Hồ Chí Minh (truy tặng, 1996) cho công trình nghiên cứu Tư tưởng Phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu.

Tên ông được đặt cho một phố tại Phường 25, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1985, và một con đường chính dài gần 1km chạy từ bến xe khách chợ Vinh, Nghệ An đến quốc lộ 1A tại thành phố Vinh.

Những đóng góp triết học và văn học

-Nghiên cứu triết học Đông phương
-Nghiên cứu tư tưởng và văn hoá Việt Nam cổ, trung, đại
-Chủ Toàn và Chủ Biệt - Hệ Tư Tưởng Nhất Nguyên - Phi Bài Trung
-Nghiên cứu về Nhận Thức Luận
-Động và Tĩnh trong Cấu Trúc Luận
-Tham gia nghiên cứu và hiệu đính bản dịch Vân đài -loại ngữ của Lê Quý Đôn, Nguồn gốc các loài của Charles Darwin, Đông Chu Liệt Quốc của Phan Kế Bính, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm.

Những nhận định về ông

Giáo sư Đặng Thai Mai: "Ở Việt Nam không ai hiểu học thuyết Lão Trang sâu sắc hơn cụ Huy".
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, trong bài Cao Xuân Huy trong thế giới người hiền giới thiệu cuốn Tư tưởng phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu viết: "Cái tên Cao Xuân Huy trong trí nhớ của hầu hết các thế hệ trí thức trong khoảng 50 năm nay là đại biểu cho một ngành học hình như ai nghe cũng thấy sợ: triết học Đông phương".

Viện sĩ Eidelyn (Liên Xô): "Những nhà Trung Quốc học như cụ Cao Xuân Huy ở trên thế giới chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay!".

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #58
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Cao Xuân Quế (1914 – 1931)

Cao Xuân Quế (1914 – 1931) sinh năm 1915 tại thôn Dương Xuân, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, được kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng sản tháng 4-1930, hoạt động tự vệ xã, là đoàn viên ưu tú và trung kiên. Mới 15, 16 tuổi đã tích cực hoạt động, nhiều lần nói chuyện trong các buổi mít tinh, phổ biến những chủ trương của Đảng tới quần chúng và được quần chúng tin yêu.

Thân phụ là Cao Xuân Hoạch hội viên Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, bị bắt năm 1929 và bị đày đi Ban Mê Thuộc. Anh ông là Cao Xuân Tùng được Đoàn thể đưa ra nước ngoài. Nhà nghèo, mẹ đi bán dầu ở chợ Day để nuôi con.

Ông công tác ở chi bộ Đa Thọ. Sau nhiều hoạt động của ông tại Đa Thọ, Yên Lĩnh, thuộc huyện Anh Sơn (nay thuộc tỉnh Nghệ An) bọn địch khủng bố gắt gao.

Tháng 4-1931, cơ quan huyện ủy chủ trương rút bộ phận đầu não vào rừng Vĩnh Giang lập chiến khu. Ông cùng một số đồng chí rút lên chiến khu tiếp tục hoạt động.

Một buổi sáng, ông cùng nữ đồng chí Chính tức chị Nguyễn Thị Xuân xuống khe giặc quần áo, gặp địch mai phục bắt đưa về đồn Yên Lĩnh. Trước sự tra tấn dã man của địch ông nêu cao tinh thần kiên cường bất khuất không khai một lời.

Ông hi sinh năm 1931 lúc mới 17 tuổi.

KHI 17 TUỔI
Tác giả: Phạm Đức

Tuổi 17, như vầng trăng mới kịp tròn; tuổi của đôi mắt trong sáng, mở rộng đến vô cùng, và cuộc đời là cuốn sách phong phú, bí ẩn mới lật mấy trang đầu. Tuổi 17 như Lý Tự Trọng, Võ Thị Sáu. Tuổi 17 ấy, ngừng lại và trở thành vĩnh viễn. Trong cái chết anh hùng còn rất nhiều ánh sáng của tuổi thơ. Lý Tự Trọng đọc Kiều trong ngục, Võ Thị Sáu còn cầm bông hoa dọc đường ra bãi bắn và ở đây Cao Xuân Quế cùng bạn tù hát bài ca "Chúng ta là thanh niên cận vệ" trong những ngày cuối cùng…
Quê hương Quế, đất của thứ chè Gay không chỉ nổi danh trong xứ Nghệ. Gia đình Quế là gia đình cách mạng. Cha anh bị bắt, đày đi Lao Bảo rồi mất tại đó. Anh ruột Quế cũng được gửi ra nước ngoài để học tập làm cách mạng. Chất cách mạng, chất cộng sản đã thấm vào trong máu thịt. Giống như vị chè xanh của đất quê, sau cái vị hơi chan chát lúc đầu là vị thơm ngọt dịu và bền mãi, đã biến thành nỗi nhớ suốt tuổi niên thiếu Cao Xuân Quế và càng da diết khi anh phải tạm biệt làng quê ra đi…
Đó là vào những ngày đỉnh của làn sóng cao trào cách mạng 1930 - 1931.
Cao Xuân Quế là một trong những đoàn viên đầu tiên của quê hương Xô Viết, rồi trở thành đội viên thanh niên xích vệ. Cuộc sống của anh gắn liền với Xô Viết Nghệ Tĩnh cả về tốc độ, cường độ và thời gian. Một cuộc sống biến đổi về chất với tốc độ cao, với sự cô đọng, dồn ép cả một khối lượng đồ sộ, với thời gian chưa đầy hai năm nhưng là một dấu mốc chói lọi trong lịch sử Cách mạng Việt Nam.
Cao Xuân Quế lao vào công việc với niềm say mê của tuổi trẻ và sự sớm hiểu biết từ truyền thống gia đình. Anh nói năng hoạt bát, sắc sảo và còn mang nhiều chất văn học trò và chữ viết đặc biệt đẹp. Dù công tác ở xã hay lên cơ quan huyện, bao giờ Quế cũng là người làm việc hết lòng. Lúc về chiến khu Vĩnh Giang - một khu rừng rậm, hẻo lánh, khí hậu độc, lắm thú dữ… anh vẫn làm việc say sưa. Lắm khi in ấn thâu đêm suốt sáng để kịp có tài liệu phát xuống cơ sở. Vậy mà Quế vẫn làm thơ, vẫn hát, vẫn tranh thủ đi đào củ mài, hái rau, tìm măng…
Ôi, cái niềm tin trong sáng như bài hát thường ngày của anh: "Hỡi tất cả nông dân đứng dậy. Xô Nga kia đã phất cờ đầu…".
Cái gốc rễ tư tưởng đã thấm sâu trong anh từ buổi lễ kết nạp Đoàn. "Xin thề hết lòng trung thành với Đảng với Đoàn, giữ bí mật cho Đảng, cho Đoàn, cho cách mạng. Nếu bị giặc bắt, thà chịu chết không khai...".
Cái trong sáng lớn lao của tuổi 17 ấy gắn liền với chân lý làm cách mạng là để cho Tổ quốc chứ không phải cho mình. Nhà thơ Tố Hữu đã viết về sự xác định con đường lựa chọn. Đi làm cách mạng là gươm kề cổ, súng kề tai, là cuộc sống chỉ còn một nửa, là bắt bớ và tù đày…
Vậy mà anh vẫn vui vẻ nhào vào, xô tới với ngọn cờ cách mạng. Đấy cũng là khí thế của cả một cao trào. Gương cha anh, có thể nhìn thấy. Mình có thể hy sinh. Nhưng sau đó sẽ là một thay đổi nhất định đến. Thay đổi đã được báo từ Nga - Xô xa xôi qua lời bài hát. Cao Xuân Quế đã chuẩn bị một tư thế vững vàng, còn tự do thì còn tận tâm làm việc cho Đảng, cho Đoàn, nếu chẳng may sa vào tay địch cũng biết chết cho đúng…
Còn được giữ gìn ở đâu những bài thơ cách mạng và chắc là rất trẻ trung sôi nổi của anh? Những bài thơ chép xen lẫn vào các trang nhật ký viết trên những tờ giấy đã dùng được ngâm nước tro rồi phơi cho phai bớt mực cũ?
Có lần một chị cán bộ chủ chốt huyện thương qúy Quế lắm cho phép anh có thể lấy một ít giấy in truyền đơn để viết cũng được nhưng Quế không nhận:
- Đấy là xương máu của đoàn thể. Em không thể vì cái thích riêng mà làm hại đến công.
Những bài thơ đó chắc đã bị tan tác ngay hôm lũ giặc mò được vào tận trong cơ sở và bắt gọn hầu như cả cơ quan? Nhưng không có bài thơ nào nói được về anh bằng chính cuộc đời anh, cuộc đời dẫu quá ngắn ngủi, nhất là những ngày giờ đứng trước kẻ thù tàn bạo.
Anh bình thản trước sự điên cuồng lồng lộn của lũ giặc khét tiếng từ khắp các đồn về. Một cậu con trai chưa đầy mười bảy tuổi, trông trắng trẻo, thư sinh, chúng những tưởng chỉ cần mấy "đòn" là khai được hết bí mật.
Ngờ đâu, vượt mọi hình thức dã man thô bạo nhất, "cậu bé vẫn trơ như đá, bền như đồng”. Cao Xuân Quế dồn hết sức để chửi mắng chúng cho hả giận:
- Bay cứ đánh đi, đánh nữa đi, đánh tao tan thành bụi đi. Nhưng đừng hòng cậy được bí mật trong lòng tao. Sống vì Đảng, chết cũng vì Đảng.
Tên đồn Trưởng, cũng chính là tên đã từng đánh đập người cha của Quế, điên cuồng lôi anh dậy:
- Tao sẽ giết mày cho hết đời cộng sản. Chính tay tao đã tra tấn cha mày và bây giờ… Thằng ranh con liệu mà…
Quế nhìn nó khinh bỉ, anh cố gắng nén cơn đau đứng thẳng người dõng dạc nói:
- Mày cứ giết đi. Cha tao là cộng sản. Anh tao cộng sản. Tao cộng sản. Và đàn em tao cũng sẽ là cộng sản. Tất cả dân Việt chúng tao đều là cộng sản. Mày không giết hết được đâu…
Bẽ mặt, tên này cùng bè lũ lại xông vào tra tấn Quế. Chúng treo anh lên xà nhà. Chúng vứt anh xuống sàn, đá lăn từ chân tên này sang chân tên khác...
Nhưng chúng vẫn hoàn toàn thất bại trước ý chí sắt thép của Cao Xuân Quế…
Khi người mẹ lên nhận đứa con trai về thì anh đã hấp hối và chỉ ít ngày sau là mất. Tuổi 17 vừa điểm và cũng dừng lại vĩnh viễn, để cho anh còn trẻ mãi với cuộc đời cách mạng trong sáng hào hùng.
Cô đọng và dữ dội, đó là đặc điểm và cuộc đời của Cao Xuân Quế. Nhưng còn thêm đặc điểm nữa, chất thơ và tiếng hát - đặc điểm của tuổi mười bảy làm cách mạng.
Đảng vừa ra đời kịp thời thổi bùng ngọn lửa Xô - Viết Nghệ Tĩnh - mang dáng dấp công xã Pari và theo sát hình tượng Nga - Xô của cách mạng tháng Mười. Và trong cao trào 1930 - 1931, không chỉ có cờ, những nắm tay, nhịp đi tiếng thúc mà còn có cả tiếng hát Cao Xuân Quế ở tuổi mười bảy. Giặc muốn bẻ gãy ý chí những người Xô Viết xứ Nghệ. Bởi vậy, tiếng nói của anh đã trở thành thắng lợi của những người cộng sản. Mặc dù lúc ấy anh chưa đủ tuổi vào Đảng. Người cộng sản trẻ tuổi đó viết chữ rất đẹp và làm sao quên được (dẫu ta chưa nhìn thấy một lần!) những hàng chữ trên tờ giấy còn lờ mờ nét mực chưa kịp tẩy hết bằng nước tro.
Những vần thơ của tuổi trăng rằm. Những tiếng hát khi anh vừa mười bảy.
"Hỡi tất cả công nông đứng dậy. Xô - Nga kia đã phất cờ đầu…".

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #59
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chàng Lía

Chàng Lía là một anh hùng Việt Nam người Bình Định, được biết đến nhiều qua miếng võ "cú nhảy cá lóc". Mặc dù thông tin cụ thể chưa xác định được, xong có giả thiết cho rằng chàng Lía vốn tên thật là Võ Văn Đoan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn. Lía xuất thân trong 1 gia đình nghèo khổ. Là người có khí phái, giỏi võ nghệ, Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Khi khởi nghĩa chàng Lía bị dập tắt, nhưng hình ảnh chàng Lía còn mãi trong lòng người dân miền Trung.

Chuyện Chàng Lía

Chiều chiều én liệng truông Mây,
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.


Ngày xưa, ở miền Bình Định, có một người đàn bà nhà quê góa chồng, sống với đứa con trai còn nhỏ tên là Lía. Mới lớn lên, Lía đã tỏ ra sức mạnh hơn chúng bạn, tánh tình ngang ngược, khảng khái. Nhà nghèo, thấy mẹ thường phải ăn uống cực khổ, Lía đi bắt trộm gà, chim về nấu cho mẹ ăn. Biết được con làm bậy, bà mẹ rầy la. Lía mới chịu thôi. Thương mẹ vất vả, Lía đi ở giữ trâu cho mỘt nhà phú hộ trong làng để lấy tiền đỡ cho mẹ già.

Thường ngày Lía học tập võ nghệ, bắt trẻ cùng lứa làm kiệu rước mình, tự xưng làm vua. Một hôm Lía bắt trâu của chủ làm thịt để khao đãi chúng bạn, bị chủ đuổi đi. Lía trở về nhà rồi nhờ mẹ già xin cho đi học ở nhà thày đồ trong vùng. Nghe Lía là đứa trẻ ngỗ nghịch, cứng đầu, thày dạy từ chối, song thấy bà mẹ già hết lời van nài và Lía tự nguyện sửa đổi tính nết nên rốt cục cũng nhận cho vào hàng môn đệ. Học tập được ít lâu, Lía chia học trò ra làm hai phe, làm náo động cả trường. Lía lại cầm đầu một nhóm bạn học trường đêm đi bắt súc vật, lấy của cải các nhà giàu đem về giúp mẹ già và phân phát cho những người nghèo khó ở xóm làng. Hành động quấy rối của Lía khiến thày đồ sợ vạ lây, phải mời bà mẹ đến để trả Lía về nhà.

Lía đã khôn lớn, thêm tin ở tài sức mình, thường ngày gặp việc bất bình là ra tay can thiệp, đương đầu với các kẻ thế lực dùng oai quyền, tiền bạc hiếp đáp dân lành. Một hôm Lía lên tỉnh, khôn khéo vận động vào làm thuộc hạ một viên đội tâm phúc của quan tỉnh. Từ đó, Lía chuyên lo tập luyện võ nghệ, học hành kinh sử, hy vọng một ngày kia đỗ đạt làm quan, để làm vui lòng mẹ già.

Đến kỳ thi, mặc dầu văn võ tinh thông, Lía làm bài đều đúng cả, song vì không chịu mang tiền đút lót như mọi người, Lía bị viên chánh chủ khảo đánh hỏng. Tức giận, Lía kéo đồ đảng đến nhà viên chánh chủ khảo kể tội rồi chặt đầu viên quan hối lộ, đoạn bắt luôn người vợ lẽ đem đi. Bị quan quân truy nã, Lía chiếm lấy một vùng hiểm trở tựa vào rừng núi làm căn cứ.

Từ khi ra mặt chống lại triều đình, Lía ngang dọc vùng vẫy một phương trừ gian diệt ác, lấy của nhà giàu giúp người nghèo, tiếng tăm lan rộng. Nhiều kẻ bất mãn với chế độ hà khắc, bất công của vua quan thời bấy giờ theo về cùng Lía khá đông. Triều đình rao trọng thưởng tiền bạc cho ai bắt nộp được đầu Lía.

Mấy lần bị bao vây ráo riết, Lía nhờ võ nghệ cao cường, nên đều thoát được dễ dàng. Người vợ viên chủ khảo đã bị Lía giết, bấy lâu theo Lía, cố chiều chuộng hầu hạ để lấy lòng tin tưởng của chàng, đợi dịp để trả thù cho chồng cũ và lãnh thưởng lớn. Lía không dè mà lo đề phòng sẵn nên một hôm, trong lúc cùng các đồng đảng đang chè chén say sưa tại sào huyệt ở rừng sâu, thì bọn quan quân kéo đến vây bắt. Người vợ lẽ đã thừa lúc chung quanh không ai để ý, lẻn đi báo quan hay chỗ đóng trại của Lía. Phần lớn bộ hạ của Lía bất ngờ không kịp đối phó đều bị hãm hại, còn Lía nhờ tài nhảy cao, phóng giỏi nên phi thân thoát khỏi vòng vây.

Lía bị thoát nạn, son phẫn uất vì người làm bà làm nhục, đồ đảng tan rã, lại bị quan quân truy nã gắt gao. Trong lúc lẩn tránh, Lía ẩn tại nhà một ông lão nhà quê, nghĩ tức giận vì bị kế mỹ nhân, lòng tự ái bị xúc phạm, bèn lấy gươm tự cắt đầu mình trao cho ông già mang lên quan để lãnh thưởng.

Thương cho người dũng khí sa cơ, không muốn để chàng lọt vào quan quân, ông già lặng lẽ đem đầu chàng Lía bí mật đi chôn, không màng đến số tiền thưởng lớn lao của triều đình.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #60
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Châu Văn Liêm (1902 - 1930)

Châu Văn Liêm (1902 - 1930) là nhà cách mạng Việt Nam, một trong sáu người tham gia hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông sinh ngày 29 tháng 6 năm 1902 tại làng Thới Thạnh, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ trong một gia đình Nho học nghèo. Từ nhỏ ông đã được học chữ Nho và chữ Quốc ngữ tại quê nhà.

Sau đó ông lên Cần Thơ học. Năm 1922, sau khi có bằng Thành chung, ông vào học tại trường Sư phạm Đông Dương tại Sài Gòn.
Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Đông Dương năm 1924, ông lần lượt dạy học tại Long Xuyên (An Giang) và Chợ Thủ (An Giang).

Trong quá trình dạy học, ông đã thành lập các tổ chức như Việt Nam phục quốc Đảng (tại Cần Thơ), Hội giáo viên, học sinh yêu nước Long Xuyên (1926), mở học đường tại Sa Đéc, vừa là trường học, vừa là nơi gặp gỡ của các nhà cách mạng.

Năm 1926, ông vận động đồng bào địa phương và học sinh Long Xuyên làm lễ truy điệu Phan Chu Trinh.

Năm 1927, ông được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội. Sau đó ông được cử vào ban thường vụ kì bộ Việt Nam Cách mạng Đồng chí Hội Nam Kỳ. Ông thôi dạy học và chuyên tâm làm cách mạng.

Tháng 6 năm 1929, ông được cử làm đại biểu kì bộ Nam Kỳ đi dự đại hội ở Hương Cảng. Sau đó ông về nước với nhiệm vụ cải tổ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, để thành lập Đảng Cộng sản. Do đó, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập trong Nam.

Ngày 6 tháng 1 năm 1930, ông cùng với Nguyễn Thiệu được An Nam Cộng sản Đảng cử đi dự hội nghị thống nhất hai tổ chức cộng sản trong nước, thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới quyền chủ tọa của Nguyễn Ái Quốc tại Cửu Long, Hương Cảng, (Trung Quốc).

Đến ngày 4 tháng 5 năm 1930, ông trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình có hàng nghìn nhân dân tham dự, kéo từ Đức Hòa lên Chợ Lớn. Ông dẫn đầu đoàn người hô hào đòi giải phóng dân tộc, đưa yêu sách của nhân dân, đòi giảm sưu thuế... Ông bị cảnh sát Pháp bắn và mất lúc mới 28 tuổi.

Tên ông được đặt cho ba trường phổ thông và một số con đường tại An Giang, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #61
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Châu Văn Tiếp (1738 - 1784)

Châu Văn Tiếp (1738 - 1784) hay Chu Văn Tiếp tên tộc Châu Doãn Ngạnh, là danh tướng Việt Nam cuối thế kỷ 18 dưới thời Nguyễn Phúc Ánh, được người đời xưng tụng là một trong Tam hùng Gia Định. Châu Văn Tiếp nguyên quán huyện Phù Ly, phủ Hoài Nhơn (nay là Phù Mỹ - TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) nhưng cư ngụ ở Vân Hòa, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Gia đình ông chuyên nghề buôn bán (chủ yếu là buôn ngựa), nhưng có học, riêng Châu Văn Tiếp thông thạo cả tiếng Xiêm và Miên.

Ông Tiếp có người anh cả là Châu Doãn Chữ, hai em là Châu Doãn Chấn, Châu Doãn Húc và em gái Châu Thị Đậu[1]. Ông thông thạo tiếng Chân Lạp và Xiêm La. Nhờ vốn có sức mạnh, lại ham học võ nghệ nên ông còn có biệt tài sử dụng đại đao.



Châu Văn Tiếp trước theo nghề buôn bán ngựa, nên có dịp đi đó đây. Nhờ vậy, ông quen biết khá nhiều người mà sau này đều trở thành vương tướng của nhà Tây Sơn, như Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Võ Đình Tú... Song người ông thân thiết nhất là Lý Văn Bửu vì cùng nghề.

Lấy lý do chống lại sự áp bức của quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Nhạc cùng hai em là Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ cất binh khởi nghĩa vào năm 1771.

Biết tài Châu Văn Tiếp, Nguyễn Nhạc có cho người đến mời tham gia, nhưng ông khéo từ chối. Để tạo cho mình một thế đứng trong việc mưu nghiệp lớn, bốn anh em Châu Văn Tiếp chiêu tập dân quân đến chiếm giữ núi Tà Lương (còn gọi là núi Trà Lang thuộc Phú Yên).

Nguyễn Nhạc cử người đến mời lần nữa. Châu Văn Tiếp bày tỏ chính kiến của mình là không muốn thay ngôi chúa Nguyễn, mà chỉ muốn tôn phù hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương, muốn diệt trừ những tham quan, những quyền thần và Nguyễn Nhạc đã đồng ý.

Hứa hẹn vậy, nhưng khi kéo binh đến Quy Nhơn thì Châu Văn Tiếp mới hay Nguyễn Nhạc đã bội ước. Ông liền rút quân về núi cũ, dựng cờ khởi nghĩa, đề lên bốn chữ Lương Sơn tá quốc (quân giỏi ở núi rừng lo giúp nước), để đối đầu với quân Tây Sơn.

Khi ấy, lưu thủ dinh Long Hồ là Tống Phúc Hiệp (? - 1776) đang đóng quân ở Vân Phong (nay thuộc Khánh Hòa), khuyên ông nên qui thuận chúa Nguyễn và ông đã nghe theo.

Tháng 3 năm Đinh Dậu (1777), quân Tây Sơn vào đánh Gia Định, Tống Phúc Hiệp lui về tiếp cứu, giao ông giữ Phú Yên, Bình Thuận.

Tình hình Gia Định càng thêm nguy khổn, ông cùng Đỗ Thanh Nhơn đem quân đi kháng cự, nhưng do đối phương quá mạnh mà Lý Tài và Đỗ Thanh Nhân lại luôn hiềm khích, Châu Văn Tiếp buộc phải dẫn bộ hạ về lại núi Tà Lương. Đành để Thái Thượng vương (Nguyễn Phúc Thuần) và Tân Chánh vương (Nguyễn Phúc Dương) bị quân Tây Sơn truy đuổi rồi bị bắt giết.[2]

Sau cuộc đại bại ấy, trong dòng tộc chúa Nguyễn chỉ còn mỗi một chàng trai 17 tuổi tên Nguyễn Phúc Ánh trốn thoát, cho nên sau khi Đỗ Thanh Nhơn lấy lại Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh được tướng sĩ rước về tôn làm Đại nguyên súy, Nhiếp quốc chính rồi xưng vương tại Sài Côn (Sài Gòn) vào năm Canh Tí 1780.

Năm Tân Sửu 1781, Châu Văn Tiếp liên kết với hai đạo quân khác để đánh Bình Khang. Nhưng đạo quân của Châu Văn Tiếp chưa kéo binh ra khỏi hậu cứ Phú Yên đã bị trấn thủ nơi này là Nguyễn Văn Lộc đánh cho tan tác, khiến ông lại phải trốn vào núi Tà Lương. Đạo quân do Tôn Thất Dụ từ Bình Thuận tiến ra, bị trấn thủ Lê Văn Hưng đem tượng binh trấn áp làm cho tan vỡ. Đạo thủy quân của Tống Phước Thiêm thì không thể xuất phát được, vì quân Đông Sơn đang khởi loạn ở Gia Định, do chủ tướng của họ là Đỗ Thanh Nhơn vừa bị Nguyễn Phúc Ánh mưu hại (1781).

Nhân cơ hội nội bộ nhà Nguyễn đang rạn nứt, tháng 3 năm Nhâm Dần 1782, Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Nhạc mang quân thủy bộ tiến vào Nam. Hai bên đụng độ dữ dội ở khu vực sông Ngã Bảy (Thất Kỳ Giang) nơi cửa Cần Giờ. Cuối cùng, Nguyễn Phúc Ánh lại phải bỏ chạy ra đảo Phú Quốc, nay thuộc Kiên Giang.

Một lần nữa, đạo quân Lương Sơn của Châu Văn Tiếp vào tiếp cứu. Khi ấy, Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc đã rút quân về, nên quân Lương Sơn đánh đuổi được tướng Tây Sơn là Đỗ Nhàn Trập, lấy lại Sài Côn. Nhờ đại công này, ông được phong Ngoại tả Chưởng dinh.

Tháng 2 năm Quý Mão 1783, Nguyễn Nhạc lại sai Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ mang quân vào Nam. Châu Văn Tiếp dùng hỏa công nhưng chẳng nay bị trở gió nên thua trận. Nguyễn vương phải chạy xuống Ba Giồng, còn Châu Văn Tiếp phải men theo đường núi qua Cao Miên rồi qua Xiêm cầu viện.

Nhờ tài năng và sự khôn khéo của ông, vua Xiêm chịu trợ giúp. Châu Văn Tiếp liền gởi mật thư báo tin cho Nguyễn Phúc Ánh. Sau khi hội đàm với tướng Xiêm tên là Thát Xỉ Đa tại Cà Mau, vào tháng giêng năm Giáp Thìn 1784, Nguyễn Vương sang Vọng Các hội kiến với vua Xiêm. Được tiếp đãi nồng hậu và nhận được sự hỗ trợ, Nguyễn vương tổ chức lại lực lượng gồm các quân tướng đi theo và nhóm người Việt lưu vong tại Xiêm, cả thảy trên dưới nghìn người, cử Châu Văn Tiếp làm Bình Tây đại đô đốc, Mạc Tử Sanh (con Mạc Thiên Tứ) làm tham tướng, để dẫn quân Xiêm về nước đánh nhau với quân Tây Sơn...

Tháng 6 năm ấy vua Xiêm La là Chất Tri (Chakri, Rama I) sai hai người cháu, cũng là hai viên tướng cao cấp là Chiêu Tăng và Chiêu Sương, đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiến thuyền vượt vịnh Xiêm La, qua ngả Kiên Giang, sang giúp. Ngoài ra, còn có đạo bộ binh gồm khoảng 3 vạn quân, do các tướng Lục Côn, Sa Uyển, Chiêu Thùy Biện chỉ huy, băng qua đất Chân Lạp, rồi tràn vào nước Việt qua ngả An Giang.[3].

Ngày 13 tháng 10 cùng năm, Châu Văn Tiếp giáp chiến với quân Tây Sơn. Ngô Giáp Đậu kể: Chu Văn Tiếp dẫn thủy binh tiến đánh quân Tây Sơn ở sông Măng Thít (thuộc địa phận Long Hồ, nay là Vĩnh Long). Chưởng cơ Bảo (Chưởng Tiền Bảo) ra sức chống cự. Chu Văn Tiếp nhảy lên thuyền địch, bị quân Tây Sơn đâm trọng thương. Thế Tổ (Nguyễn Phúc Ánh) phất cờ ra lệnh cho quân đánh gấp vào, chém được Chưởng cơ Bảo...Chu Văn Tiếp không bao lâu cũng qua đời vì vết thương quá nặng...[4], hưởng dương 46 tuổi.

Nhận được tin, Nguyễn vương tỏ lời thương tiếc:

Trong vòng mười năm lại đây, tiếp với ta cùng chung hoạn nạn. Nay giữa đường tiếp bỏ ta mà đi, chưa biết ai có thể thay ta nắm giữ việc quân?...[5]

Nguyễn vương dạy lấy ván thuyền ghép thành hòm, dùng nhung phục khấn liệm, rồi cho chôn tạm tại làng An Hội, Cồn Cái Nhum (Tam Bình, Vĩnh Long). Về sau, thâu phục được Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh cho cải táng tại xã Hắc Lăng, huyện Phước An, thuộc dinh Trấn Biên (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long, truy phong ông là Tả quân đô đốc, tước Quận công và cho lập đền thờ ở Hắc Lăng (nay thuộc xã Tam Phước, thị trấn Long Đất, tỉnh Bà Rịa-vũng Tàu).

Năm Giáp Tí 1804, Châu Văn Tiếp được thờ nơi đền Hiển Trung (Sài Gòn). Đến năm Gia Long thứ 6 (1807), xét công lao các bề tôi qua Vọng Các (Xiêm), ông được liệt hàng Đệ nhất đẵng khai quốc công thần và được thờ tại Trung Hưng Công Thần miếu (Huế).

Đến năm vua Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy phong Lâm Thao Quận Công.

Năm Tự Đức thứ ba (1850), nhà vua cho xây dựng lại đền ở Hắc Lăng, vì đã bị chiến tranh tàn phá nặng (chỉ còn trơ lại nền đất và móng đá, hiện ở phía trước chùa Bửu Quang). Nhưng năm sau (1851), mới được khởi công ở nơi mới, cách nơi cũ khoảng 500m.

Năm 1920, đền thờ lại đổ nát. Mãi đến thời Lamère làm tỉnh trưởng Bà Rịa, nhân dân trong tỉnh tự tổ chức quyên góp và tái thiết đền với qui mô lớn. Theo Sổ tay hành hương đất phương Nam, dưới thời Pháp thuộc, các đền thờ công thần triều Nguyễn đều được cải danh thành đình làng; cũng chính vì thế đền thờ ông Tiếp trở thành đình Hắc Lăng. Hiện nơi đình vẫn thờ chiếc ngai do Gia Long ban thưởng, khuôn biển có khắc bốn chữ thếp vàng: Lâm Thao Quận Công cùng nhiều sắc phong của các vua Nguyễn...[6]

Năm Tự Đức thứ 8 (1855), Khâm mạng đại thần Nguyễn Tri Phương đi kinh lược Nam kỳ có đến viếng đền Châu Quận Công ở Măng Thít (nay thuộc xã Tân Long Hội, huyện Măng Thít) và có làm thơ điếu, hiện vẫn còn lưu giữ ở đền thờ.

Châu Văn Tiếp mất không có con trai, cháu ngoại là Nguyễn Văn Hóa, con của Châu Thị Đậu, nhận phần phụng tự.

Chú thích

1.Châu Thị Đậu (? - ?) tục gọi Châu muội nương, là người giỏi võ nghệ. Khi Lê Văn Quân (còn có tên là Duân hay Câu, người Định Tường) ra phò tá Châu Văn Tiếp ở núi Trà Lang, hai ông bà quen nhau và trở thành vợ chồng. Như chồng, bà giúp chúa Nguyễn rất tận lực. Những lúc xông pha ra chiến trận, bà chẳng kém gì trai. Những ngày theo Nguyễn Phúc Ánh sang Vọng Các, chính bà đã hai lần cầm binh đánh thắng quân Miến Điện và quân Chà Và (Chà Và: âm của chữ Java. Chà Và là người đến từ đảo Java.) theo lời yêu cầu tiếp viện của vua Xiêm, khiến người Xiêm rất thán phục. Xem thêmLê Văn Quân
2.Theo Vương Hồng Sển dẫn lại lời của Trương Vĩnh Ký thì chúa Duệ Tông bị Tây Sơn bắt tại vùng Ba Thắc (thuộc Cà Mau) và chúa Mục Vương bị bắt tại Ba Vác (thuộc Bến Tre, gần Mỏ Cày). Cả hai đều bị hành quyết gần Chùa Kim Chương. Xem: [1], và xem thêm tại đây: [2]
3.Được tin cấp báo, Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đem đại binh thuyền vào ứng cứu. Đêm 19 rạng ngày 20 tháng 1 năm 1785 (ghi theo Mạc thị gia phả của Vũ Thế Dinh), quân Xiêm và quân Nguyễn đại bản doanh của Nguyễn Huệ ở Mỹ Tho. Nhưng khi lực lượng hùng hậu này lọt vào khoảng giữa Rạch Gầm và Xoài Mút, thì chỉ trong vòng chưa đầy một ngày, toàn bộ quân Xiêm và quân Nguyễn đều đại bại, khiến Nguyễn vương lại phải sang nương nhờ nước Xiêm.
4.Theo Hoàng Việt hưng long chí, Nxb Văn học, 1993, tr. 119. Huỳnh Minh cho biết trong lúc xem xét các chiến thuyền đoạt được, Chu Văn Tiếp bị tướng Tây Sơn là Chưởng Tiền Bảo núp dưới thuyền đâm lén. Nhưng ngay sau đó, ông cũng đã kịp rút gươm chém chết viên tướng này.(sách ghi ở mục tài liệu, tr. 110). Theo Lương Văn Lựu và Diên Hương thì Chu Văn Tiếp giáp chiến với Chưởng Bảo, rồi nhảy qua thuyền Tây Sơn, bị phò mã Trương Văn Đa đâm chết (sách ghi ở mục tài liệu, tr. 149 và 58). Trang web báo Bình định kể: Châu Văn Tiếp vừa trông thấy Trương Văn Đa vội hô quân sĩ lướt thuyền đến mong bắt sống để lập công đầu. Hai cây đại đao tung hoành trên sóng nước. Trương công đã chém bay đầu Châu Văn Tiếp. Quân họ Châu mất chủ, vỡ chạy tan tác về vùng Trà Cú. [3]. Ở một trang web khác: Quân (nhà Nguyễn) đóng ở An Xuyên Ðạo (Cà Mau) bị cô thế cũng rút về Trà Ôn...Nhưng đến Man Thiếc (Măng Thít) thuộc Vĩnh Long thì gặp đạo quân của Trương Văn Ða từ Sa Ðéc kéo xuống đánh kịch liệt. Châu Văn Tiếp bị Trương Văn Ða chém chết...[4]
5.Theo Ngô Giáp Dậu, Hoàng Việt long hưng chí, Nxb Văn học, 1993, tr.120
6.Sổ tay hành hương đất phương Nam, Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên, Nxb Tp.HCM, 2002, tr. 170-171

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #62
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chế Lan Viên (1920-1989)

Chế Lan Viên (1920-1989), tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920 tại Cam An, Cam Lộ, Quảng Trị. Ông một nhà thơ nổi tiếng ở Việt Nam, đồng thời ông cũng là một nhà văn, nhà báo, nhà cách mạng. Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Có thể xem đây là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ.

Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường Thơ Loạn". Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu" của Bình Định.

Năm 1939 ông ra học tại Hà Nội, sau vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942 ông cho ra đời tập văn Vàng Sao, tập thơ triết luận về đời với mầu sắc siêu hình, huyền bí.

Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, sau ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh, viết bài và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến. Phong cách thơ của ông giai đoạn này cũng chuyển dần về trường phái hiện thực. Tháng 7 năm 1949, trong chiến dịch Tà Cơn-đường 9 (Quảng Trị), Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương[1].

Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo "Văn học". Từ năm 1956 đến năm 1958, ông công tác ở Phòng Văn nghệ, Ban tuyên huấn Trung ương và đến cuối năm 1958 trở lại làm biên tập tuần báo "Văn học" (sau là báo Văn nghệ). Từ năm 1963 ông là Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban thư kí Hội Nhà văn Việt Nam. Ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa IV, V, VI; Ủy viên Ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội.

Sau 1975, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, thọ 69 tuổi.

Ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.

Chế Lan Viên là bố của nhà văn Phan Thị Vàng Anh.

Quan điểm và phong cách sáng tác

Con đường thơ của Chế Lan Viên "trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ"[2], thậm chí có một thời gian dài im lặng (1945-1958).

Trước Cách mạng tháng 8, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa "trường thơ loạn": "kinh dị, thần bí, bế tắc của thời Điêu tàn [3] với xương, máu, sọ người, với những cảnh đổ nát, với tháp Chàm. Những tháp Chàm "điêu tàn" là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên, qua những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị trong thơ Chế Lan Viên, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ.

Sau Cách mạng, thơ ông đã "đến với cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của cách mạng"[4], và có những thay đổi rõ rệt. Trong thời kì 1960-1975, thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, chất chính luận, đậm tính thời sự. Sau năm 1975, "thơ Chế Lan Viên dần trở về đời sống thế sự và những trăn trở của cái "tôi" trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh hằng của đời sống"[5].

Phong cách thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo, nổi bật nhất là "chất suy tưởng triết lí mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa"[6]

Các bút danh

Ngoài bút danh Chế Lan Viên nổi tiếng, trong bài giới thiệu tập tiểu luận "Những bước đường tư tưởng của tôi" của Xuân Diệu, đăng trên báo "Văn học" tháng 9/1958, ông ký bút danh Thạch Hãn (tên một con sông tỉnh Quảng Trị quê ông). Nhiều bài báo in trên báo "Thống Nhất", xuất bản ở Hà Nội trước tháng 5 năm 1975, ông cũng ký bằng bút danh này.

Từ năm 1959 đến năm 1963, trong thời gian làm biên tập báo "Văn học", phụ trách chuyên mục Nói chuyện văn thơ, trả lời bạn đọc, ông ký bút danh Chàng Văn. Năm 1961, Nhà xuất bản Văn học đã cho xuất bản hai tập "Vào nghề" và "Nói chuyện văn thơ" của tác giả Chàng Văn.

Trong mục "Nụ cười xuân" trên báo "Văn học", Chế Lan Viên có hai bài viết ngắn là "Ngô bói Kiều" và "Lý luận Đờ Gôn" ký tên Oah (tức Hoan).

Tác phẩm chính

Thơ

-XuânChế Lan Viên
-Điêu tàn (1937)
-Gửi các anh (1954)
-Ánh sáng và phù sa(1960)
-Hoa ngày thường (1967)
-Chim báo bão (1967)
-Những bài thơ đánh giặc (1972)
-Đối thoại mới (1973)
-Ngày vĩ đại (1976)
-Hoa trước lăng Người (1976)
-Dải đất vùng trời (1976)
-Hái theo mùa (1977)
-Hoa trên đá (1984)
-Ta gửi cho mình (1986)
-Di cảo thơ I, II, III (1992, 1993, 1995)

Văn

-Vàng sao (1942)
-Thăm Trung Quốc (bút ký, 1963)
-Những ngày nổi giận (bút ký, 1966)
-Bác về quê ta (tạp văn, 1972)
-Giờ của đô thành (bút ký, 1977)
-Nàng tiên trên mặt đất (1985)

Tiểu luận phê bình

-Kinh nghiệm tổ chức sáng tác (1952)
-Nói chuyện thơ văn (bút danh Chàng Văn, 1960)
-Vào nghề (bút danh Chàng Văn, 1962)
-Phê bình văn học (1962)
-Suy nghĩ và bình luận (1971)
-Bay theo đường bay dân tộc đang bay (1976)
-Nghĩ cạnh dòng thơ (1981)
-Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân (1981)
-Ngoại vi thơ (1987)
-Tuyển tập thơ Chế Lan Viên (tập I, 1985; tập II, 1990)
-Tuyển tập thơ chọn lọc
-Nàng và tôi (1992)

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #63
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Phạm Đình Hổ (1768-1839)

Phạm Đình Hổ (1768-1839) tự Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu Đông Dã Tiều, tục gọi là Chiêu Hổ, người xã Đan Loan, huyện Đường An, nay là huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Phạm Đình Hổ học rộng, ông thi đậu sinh đồ. 54 tuổi ra làm quan Hành tẩu ở Viện Hàn Lâm theo lời mời của vua Minh Mệnh. Làm một thời gian, ông xin nghỉ việc. Năm 59 tuổi, ông lại được vua Minh Mệnh triệu vào Huế giữ chức Thừa chỉ Viện Hàn Lâm, rồi làm Tế Tửu Quốc Tử Giám. Năm sau, ông xin nghỉ dưỡng bệnh và từ chức. Sau lại vào sung chức, được thăng Thị giảng học sĩ. Phạm Đình Hổ sinh vào cuối đời Cảnh Hưng, gần trọn cuộc đời hãm trong loạn lạc và binh lửa, vì lánh nạn suốt thời trẻ đến 54 tuổi ông sống ẩn cư dạy học ở quê. Vũ Trung tùy bút, là tác phẩm viết trong thời gian này. Theo Phạm Đình Hổ thì ông viết Vũ Trung tùy bút lúc ngoài ba mươi tuổi như ông tự thuật: “Còn nhớ khi bà cung nhân ta hãy còn, người thường lấy những điều cờ bạc chè rượu làm răn, mà ta nay đã ngoài ba mươi tuổi, bốn điều răn ấy đã phạm mất ba”.

Lâu nay ở ta, nhiều vị khi nhắc đến Vũ Trung tùy bút đều dẫn diệu một vài người làm văn thời nay, ngụ ý rằng những người đó đã có công phát triển và làm sang trọng thể loại tùy bút có từ Phạm Đình Hổ. Tôi đã đọc cả văn của chừng ấy người thời nay thấy thua kém xa lắm. Văn chương đâu phải chỉ là sự bóng bẩy làm dáng. Về học vấn thì phô trương gượng ép, về tính tình thì kiêu bạc ích kỷ. Đâu có sự học rộng đào sâu, ưu thời mẫn thế, lo lắng đau xót cho phong tục và sự bền vững của cương thường đạo lý. Vũ Trung tùy bút là những lời gan ruột tâm can chắt ra từ tấm lòng với dân với nước, nó chí thành thấu tỏ. Làm sao mà ví một vài vị làm văn thời nay với Phạm Đình Hổ được.

Sinh thời, Phạm Đình Hổ có tự bạch: “Bà bảo mẫu họ Hoàng thường hỏi ta: “Về sau có chí muốn gì không?”. Ta nói: “Làm người con trai phải lập thân hành đạo, đó là phận sự của mình rồi, không phải nói nữa. Sau này, trưởng thành mà được lấy văn chương nổi tiếng ở đời để cho người ta biết là con cháu nhà nọ nhà kia, chí tôi chỉ muốn như thế mà thôi”. Ông chân thành nói rõ chí nguyện của đời mình, không quanh co, làm duyên làm dáng. Chí nguyện duy nhất của đời ông là “lấy văn chương nổi tiếng ở đời”. Ông đã dành tâm sức cho nó và đã đạt được chí nguyện đó. Đối với Phạm Đình Hổ, làm quan chỉ là việc phụ, làm văn chương mới là việc chính, việc tâm huyết cả đời ông.

Trước đây, tôi được biết có một vài ý kiến nhận xét cho rằng đọc Vũ Trung tùy bút “có cảm tưởng như đọc một cuốn sổ tay, tác giả ghi những điều chợt nảy ra trong óc, hay nhân một việc gì đó mà nhớ đến”. Về nhận xét này, tôi có ý kiến khác. Trước nhất, phải khẳng định Vũ Trung tùy bút là một tác phẩm văn chương công phu. Đọc Vũ Trung tùy bút không hề “có cảm tưởng như đọc một cuốn sổ tay”. Như tên tập sách là “theo ngọn bút viết trong khi mưa”, tác phẩm quả thực là một chuỗi niềm vọng niệm, những dòng cảm xúc bình đạm, bền bỉ và dai dẳng nó dâng lên từ từ làm ngập và đầy ắp tâm hồn người đọc từ khi nào không biết. Theo ý kiến của tôi, Phạm Đình Hổ là một nhà văn, đồng thời ông cũng là nhà văn hóa của thế kỷ 18-19 chỉ bằng vào tác phẩm Vũ Trung tùy bút có thể khẳng định điều đó, trong khi chưa cần viện dẫn tới tác phẩm khác của ông như Lê triều hội điển, Bang giao điển lệ, Ô Châu lục, Kiền khôn nhất lãm, Ai Lao sứ trình, Hi kinh trắc lãi (bàn về kinh dịch), Nhật dụng thường đàm và Tang thương ngẫu lục (viết chung với Nguyễn Án). Thời nay, trong các nhà văn nước ta, tôi chưa được đọc tác phẩm văn chương nào có sự ngẫm ngợi sâu sắc, thấu đáo, tấm lòng chân thành tha thiết với việc xây đắp nền phong hóa của dân tộc như Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ. Các đề mục được sắp xếp có vẻ ngẫu hứng, tản mạn, đấy là một chủ ý đúng đắn và sáng tạo của tác giả-Nhà văn lựa theo sự chuyển động của nguồn cảm hứng như là dòng nước chảy, nó tự nhiên biến chuyển tùy theo địa hình địa thế mà chảy qua. Tôi đã thử hệ thống hóa các mục theo chủ đề nội dung từng phần trong Vũ Trung tùy bút đã đề cập tới 3 mảng lớn: phong tục-khoa cử-địa danh-địa mạch và nhân vật; nhưng đọc theo hệ thống hóa thấy cảm hứng giảm sút nhiều so với trật tự các đề mục của tác giả. Trên thế giới từ đầu thế kỷ 20 đã có một số trường phái nghiên cứu có uy tín, phản đối và chối từ phương pháp hệ thống hóa. Đương nhiên bài viết ngắn này không phải là địa hạt để bàn đến vấn đề hệ thống hóa và tôi cho rằng Phạm Đình Hổ bố cục các đề mục của tác phẩm không theo hệ thống hóa là một chủ trương sáng tạo của ông và cách thể hiện này đã tạo được hiệu quả của tác phẩm.

Vũ Trung tùy bút cho thấy một ngòi bút tàng chứa kiến thức uyên áo bao quát sâu rộng nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam thời trung đại, với khao khát xây dựng một nền phong hóa chuẩn mực và tốt đẹp của dân tộc Việt.

Ông đau lòng thốt lên rằng “kẻ đỗ đạt làm quan thiên lệch thì nhiều, chính trực thì ít”, “văn vận với thế đạo càng ngày càng kém. Thực đáng thương thay”, “ôi, thói chất phác đời cổ đã tàn dần, phong tục càng ngày càng kiêu bạc”, “thói tục càng ngày càng kiêu ngoa”, “Bởi vì đạo lý ở đời đã sa sút thì tình văn ngày càng thêm phiền phức mãi ra”, “ôi cái lễ giáo của đấng tiên vương khi xưa đã mất rồi”.

Ông đau lòng mà ví chốn kinh thành cũng như cuộc đời và xã hội đương thời giống như “lục hải” vật sản thì nhiều, nhưng tệ nạn và sự đồi bại thì cũng lắm lắm. Và ông tự kết luận rằng “đó cũng là thời vận xui nên”.

Phạm Đình Hổ mạnh dạn nêu lên cái khiếm khuyết của lề thói, tập quán và sự máy móc gò gẫm trì trệ của các triều đại phong kiến: “Nước ta có tiếng là văn hiến không khác gì nước Trung Hoa, thế mà về một việc học viết chữ, lại cho là việc của kẻ thơ lại, không ai thèm lưu ý học đến, không biết tại sao?”; “Muốn xét đến sổ sách thì vì cấm khắc in, thành ra không biết chứng cứ vào đâu; muốn hỏi đến làng xóm, thì xưa nay quen thói kiêng tên húy, làm sai mất cả duệ hiệu thật đáng than cho thế đạo lắm thay!”; “Nhưng vì văn hiến không đủ, thế tục không truyền, nên những người hiểu cổ cũng thường phải thở dài mà chịu không thể xét ra cho rõ được”. Trong những năm tháng ẩn cư ở quê hương, Phạm Đình Hổ đã mê mải dò tìm khảo chứng về phong tục, tập quán, văn hiến và địa dư địa mạch, nhân vật. Ông nâng niu những dấu tích tiền nhân để lại, nêu rõ để đời sau ghi nhớ.

Năm 1989, tôi vô tình mua được tập Vũ trung tùy bút, ở một mẹt sách trên hè đường phố, khi ấy tôi đọc, nhưng rồi chỉ thoảng qua, có lẽ lúc đó tôi còn quá trẻ và tâm tưởng đang đuổi theo những kỳ vọng khác. Tới mùa xuân năm nay nhẩm tính đã ngót 20 năm trời, tôi giở lại đọc từng trang Vũ trung tùy bút, tựa đang như lần theo từng dấu chân, từng hơi thở của tác giả. Càng đọc, càng ngẫm càng thấy văn chương là một khối tâm huyết, tâm tình thật sâu sắc; kiến thức thì uyên bác cùng sự trải nghiệm như thép tôi trong lửa và nước; mạch văn thì mạch lạc, giản dị, đằm thắm tự nhiên-các nhà văn thời nay đến bao giờ mới theo được. Từ việc đọc sách của cá nhân, tôi nghĩ đời người ta dẫu chỉ đọc một cuốn sách, rồi ngẫm ngợi về nó tìm được đôi điều sở đắc, đâu phải là dễ và đâu phải là lúc nào cũng thực hiện được.

Ngoài kia buổi cuối chiều, nơi mùa xuân sắp hết, ánh sáng nhạt dần trên bức tường tòa thư viện phía trước. Tôi mải mê chìm đắm trên trang sách của người xưa-Tôi thấy vẫn còn nguyên khí thế rừng rực lúc đương thời với khát vọng và nỗi niềm “vun gốc nhân luân, đắp lên phong hóa”. Giật mình, mà thấy thẹn.

Tài sản của LSB-Sun
Đã khóa chủ đề


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 05:06
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,15233 seconds with 15 queries