Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Đã khóa chủ đề
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 12-07-2009   #28
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.063
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Huy Bích (1744-1818)

Bùi Huy Bích (1744-1818), tự là Hy Thương, hiệu là Tồn AmTồn Ông, là một danh nhân, danh sĩ người Hà Nội, từng giữ chức Tham tụng (tương đương chức thủ tướng) trong triều đình dưới thời vua Lê-chúa Trịnh.

Ông sinh ngày 28 tháng 8 năm Giáp Tý (1744), quê làng Định Công, Hà Nội. Ông là cháu 5 đời của Tiên Quận công Bùi Bỉnh Uyên, cháu 7 đời của Quảng Quận công Bùi Xương Trạch. Cha ông là Bùi Dụng Tân, hiệu Trúc Viên cư sĩ, dạy học ở nhà.
Bùi Huy Bích có 1 chị và 1 em trai. Năm ông lên 5 tuổi, mẹ ông mất, cha ông mang 3 chị em lên Hải Dương, ở làng An Lâu, huyện Thanh Miện. Trúc Viên dạy học tại đó.

Thuở nhỏ Tồn Am thể chất kém, thường đau ốm luôn, bề ngoài có vẻ "lỗ độn" nhưng trong lại có khiếu thông minh. Không những Bùi Huy Bích chóng học thuộc sách mà ngay cả với cuộc sống cũng tỏ ra am hiểu[1].

Thuở nhỏ ông học ở nhà, 17 tuổi theo học Nguyễn Bá Trữ. Năm 19 tuổi (1762), đi thi đỗ ngay hương cống nhưng trượt thi hội vào năm sau (1763). Ông về học tiếp bảng nhãn Lê Quý Đôn mở tại kinh thành, nhưng bất mãn trước cảnh xã hội nên không theo tiếp con đường tiến sỹ.

Để chiều lòng cha, mãi năm ông 25 tuổi (1770) ông đi thi và đỗ thi hội rồi đỗ thi đình, đỗ hoàng giáp - hạng tiến sĩ thứ tư sau trạng nguyên, bảng nhãn và thám hoa.

Thi đỗ hoàng giáp, ông được trao giữ chức Hàn lâm viên hiệu lý, lên chức Thị Chế (năm 1771), rồi được thụ chức Thiêm sai phủ liêu Tri hộ phiên, kiêm chức Đông các Hiệu thư.

Năm 1777, ông vào lĩnh chức Đốc đồng Nghệ An rồi lại phụng sai vào Thuận Hóa tuyên dụ. Trong thời gian này ông đã có công bình loạn giặc Mường Thai ở miền tây Nghệ An.

Sau công trạng đó, năm 1780 ông được thăng lên Hiệp trấn Nghệ An kiêm thụ lĩnh chức tham chính. Đến năm Tân Sửu (1781), ông được chúa Trịnh Sâm triệu về triều, trao cho chức Nhập thị Bồi tụng, chức đứng hàng thứ 2 trong phủ chúa sau chức Bồi tụng, nhưng ông đệ khải văn xin từ chức, lấy cớ là ốm yếu, dù khi đó mới 38 tuổi và có quan hệ họ hàng với Trịnh Sâm, nhưng bản thân ông không muốn gần gũi với Trịnh Sâm[2].

Ông là người đã đứng ra can gián Trịnh Sâm khi chúa định bỏ con trưởng Trịnh Tông để lập con nhỏ Trịnh Cán của Tuyên phi Đặng Thị Huệ được sủng ái, nhưng không thành. Chính vì Trịnh Sâm lập con nhỏ nên đã xảy ra loạn trong triều sau khi chúa qua đời.

Trịnh Tông lật đổ Trịnh Cán lên ngôi, cách chức Tham tụng của Phan Lê Phiên (vì Phiên cùng phe với mẹ con Trịnh Cán) và mời Bùi Huy Bích ra làm Hành Tham tụng[3], hy vọng ông có thể cứu vãn tình thế do loạn kiêu binh gây ra. Sau xảy ra nhiều chuyện, lại do ngờ vực, ông từ quan về dưỡng bệnh tại phường Bích Câu, Hà Nội, gần đền Tú Uyên[4].

Năm 1786, quân Tây Sơn lấy danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh" kéo ra bắc, Trịnh Tông điều ông ra mặt trận làm chức đốc chiến. Ông định đến đò Thuý Ái để phối hợp với Hoàng Phùng Cơ chỉ huy thuỷ quân, nhưng chưa đến nơi thì quân Phùng Cơ đã tan vỡ, quân Tây Sơn thần tốc tiến vào Thăng Long.

Tây Sơn diệt Trịnh không lâu thì Lê Hiển Tông mất, cháu là Lê Chiêu Thống lên thay, Nguyễn Huệ rút quân về nam. Chiêu Thống mời Bùi Huy Bích ra giúp nhưng ông xin từ về quê nhà.

Khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua và đánh tan quân Thanh (1789) có mời các danh thần nhà Hậu Lê ra giúp nước nhưng ông không hợp tác. Đến đời Nguyễn Ánh, ông được trọng đãi nhưng ông vẫn xin được sống an nhàn ở quê cho đến khi mất năm 1818[5], thọ 75 tuổi.

Thơ văn

Bùi Huy Bích viết nhiều, trong đó thơ của ông để lại ba bộ, tổng cộng 681 bài thơ[6]:

-Bích Câu thi tập, gồm 2 tập là tiền tập và hạ tập.
-Nghệ An thi tập gồm 2 tập
-Thoái hiên thi tập gồm 3 tập.

Về văn có:

-Tồn Am văn cảo
-Lữ trung tạp thuyết

Các tập văn thơ ông sưu tập và hợp tuyển: ghi chép từ thời Lý Trần đến thời Lê Hiển Tông:

-Hoàng Việt thi tuyển: gồm 562 bài của 167 tác giả.
-Hoàng Việt văn tuyển: 112 bài, gồm 15 bài phú, 15 bài ký, 9 bài tế, 9 bài minh, 25 bài chiếu chế, 22 bài khải, 11 bài tản văn, 6 bài biểu tấu.

Thơ văn của ông phần nhiều tự sự về nhân tình thế thái, tự phê phán bản thân bất lực không làm được gì nhiều giúp dân giúp nước; đồng thời công kích sư sa đoạ của kể sĩ và quan lại đương thời và phê phán quan điểm lệch lạc của các nhà Nho. Bùi Huy Bích không đồng nhất quan điểm cho rằng từ thời Sĩ Nhiếp Việt Nam mới có chữ viết mà ông cho rằng Việt Nam đã có chữ viết trước đó nhiều[7].

Giai thoại

Khi Bùi Huy Bích còn nhỏ, ở làng có đám ma. Huy Bích đứng gần người đề chủ[8]. Khi làm lễ, người đề chủ chuẩn bị viết thì mới phát hiện nghiên mực khô khốc. Liếc sang thấy cậu bé Bích đứng gần, ông đề chủ hất hàm ra hiệu. Thấy cạnh nghiên có chén đầy nước, Bùi Huy Bích cầm lấy chén nhưng không đổ cả vào nghiên mà lại nhặt một thoi vàng hồ, chọc thủng một mặt rồi dùng thoi vàng lấy từng ít nước đổ vào nghiên.

Thi lễ xong, ông đề chủ rất khen ngợi cậu bé Bích và mời ngồi cùng vào chiếu rượu dành riêng cho ông. Ông giảng giải:

Chén nước đầy mà nghiên mực thì nông. Kẻ xốc nổi sẽ cầm cả chén mà rót và thế thì nước sẽ tung toé ra, mất trang nghiêm. Kẻ chậm chạp thì chạy đi lấy thìa và như thế thì nghi lễ bị dở dang. Thoi vàng không phải là thứ múc nước, vậy mà cậu bé biết biến báo thành ra được việc.

Chú thích

1.Trần Quốc Vượng, sách đã dẫn, tr 222
2.Trần Quốc Vượng, Danh nhân Hà Nội, NXB Quân đội nhân dân, tr 226. Vợ Bùi Huy Bích là cháu bên ngoại của Trịnh thái phi - mẹ Trịnh Sâm
3.Quyền tham tụng
4.Trần Quốc Vượng, sách đã dẫn, tr 229
5.Trần Quốc Vượng, sách đã dẫn, tr 229
6.Trần Quốc Vượng, sách đã dẫn, tr 230
7.Trần Quốc Vượng, sách đã dẫn, tr 238
8.Theo nghi lễ, nhà có đám phải mời một nhà khoa giáp đến viết chữ chủ lên trên cái thần chủ, vì vậy gọi là đề chủ.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #29
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.063
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Kỷ (1888-1960)

Bùi Kỷ (1888-1960), tên chữ là Ưu Thiên, tên hiệu là Tử Chương sinh ngày 5-1-1888 ở làng Châu Cầu, phủ Lý Nhân (nay thuộc thị xã Phủ Lý) tỉnh Hà Nam, mất ngày 19-5-1960 tại Hà Nội. Bùi Kỷ sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng Nho học. Tổ tiên họ Bùi vốn gốc ở xã Triều Đông, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc huyện Thường Tín tỉnh Hà Nội), khoảng thời cuối triều Lê chuyển đến ở Châu Cầu lập nghiệp, tới đời thứ 6 thì phát khoa năm 1865 cả hai anh em thúc bá Bùi Văn Dị và Bùi Văn Quế đều đỗ Phó bảng; Bùi Văn Dị (1833-1895) làm quan đến Thượng thư, phụ chính đại thần. Bùi Văn Quế (1837-1913) làm quan đến Tham trị bộ hình thì cáo quan về quê. Con trai ông Quế là Bùi Thức (1859-1915) đỗ Tiến sĩ Nho học (1898), không ra làm quan, ở nhà dạy học và viết sách. Ông Thức có ba con trai là Bùi Kỷ, Bùi Khải và Bùi Lương, đều đỗ đạt.

Từ nhỏ Bùi Kỷ được cha dạy về Nho học, ngoài ra còn tìm thầy học chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1909 lần đầu dự thi Hương, Bùi Kỷ đã đỗ Cử nhân, năm sau vào Huế thi Hội và thi Đình, ông đỗ Phó bảng được bổ đi làm Huấn đạo, nhưng ông từ chối, lấy cớ phải ở nhà phục dưỡng cha và ông nội đều đang già yếu. Năm 1912, chính quyền bảo hộ chọn cử ông sang Paris (Pháp) học trường thuộc địa (Ecole coloniale). Nhân dịp này ông đi nhiều nơi trong nước Pháp và các nước lân cận; ông cũng có dịp tiếp xúc với một số người Việt yêu nước và cách mạng đang lưu ngụ ở Pháp, trong đó có Phan Chu Trinh. Hai năm sau trở về nước, dù được tòa Thống sứ Bắc Kỳ gọi lên bổ dụng nhiều lần, ông đều từ chối. Ông tổ chức cho gia đình mình sản xuất hàng thủ công xuất khẩu (bông vải, tre đan) nhưng ít kết quả.

Sau khi cha và ông nội đều qua đời, Bùi Kỷ bỏ sang Quảng Châu (Trung Quốc) hai năm. Về nước khi đã 30 tuổi, từ 1917 ông ra Hà Nội dạy học. Ông dạy tại các trường Cao đẳng sư phạm, Cao đẳng công chính, Cao đẳng pháp chính, theo lối ký hợp đồng từng năm chứ không vào biên chế viên chức của “nhà nước bảo hộ”. Ngoài ra từ năm 1932, ông còn dạy trường tư cho hai tư thục Văn Lang và Thăng Long. Trường Thăng Long do một số tri thức tiến bộ và cách mạng như Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Đặng Thái Mai, Võ Nguyên Giáp lập ra đã mời Bùi Kỷ cùng trực tiếp giảng dạy.

Ngoài việc dạy học, ông còn là một nhà biên khảo, nhà sáng tác, cộng tác với một số báo chí ở Hà Nội như tạp chí Nam Phong, tập san của hội Khai Trí Tiến Đức, báo Trung Bắc Tân Văn... Ông còn hăng hái tham gia các hoạt động văn học xã hội của giới tri thức Hà thành như kỷ niệm 105 ngày mất thi hào Nguyễn Du (1925), lễ truy điệu chí sỹ Phan Chu Trinh ở Hà Nội (1926), phong trào truyền bá chữ quốc ngữ,...

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945 Bùi Kỷ là một trong số những nhân sĩ tri thức được chính thế hệ mới trọng vọng. Ông được mời tham gia Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu 3 (LK3), làm chủ tịch Hội Liên Việt (LK3), Hội truởng Hội giúp binh sĩ tị nạn LK3. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử Bùi Kỷ làm Phó ban lãnh đạo thanh toán nạn mù chữ, sau làm Trưởng ban Bình dân học vụ toàn quốc, là thành viên của Chính phủ.

Ông được chính phủ tặng Huân chương kháng chiến hạng nhất.

Năm 1945 hòa bình lập lại, ông là Uỷ viên Chủ tịch đoàn Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới, Hội trưởng Hội Việt-Trung hữu nghị.

Ngòi bút của Bùi Kỷ chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực biên khảo; ngoài ra ông cũng là nhà sáng tác ở khá nhiều thể loại văn học.

Các công trình biên khảo của Bùi Kỷ thường gắn với nội dung dạy và học môn ngữ văn Hán-Việt bậc trung học của nhà trường phổ thông Pháp - Việt ở xứ Đông Dương thuộc Pháp đương thời. Đó là các cuốn Quốc văn cụ thể (1932), Hán văn trích thái diễn giảng khóa bản (cùng soạn với Trần Văn Giáp, 1942), Việt Nam văn phạm bậc trung học (soạn chung với Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm, 1940 ), Tiểu học Việt Nam văn phạm (Soạn cùng với Trần Trọng Kim và Nguyễn Quang Oánh, 1945 ). Nổi bật nhất trong số này là cuốn Quốc văn cụ thể, trình bày về các hình thức, thể tài các loại thơ văn tiếng Việt truyền thống.

Với loại sách biên khảo giáo khoa, Bùi Kỷ là một trong số những nhà nghiên cứu người Việt đầu tiên tham dự vào việc hình thành các tri thức về ngữ văn Việt và Hán Việt, các tri thức thi học lịch sử về văn học Việt Nam.

Bùi Kỷ là học giả có nhiều đóng góp vào việc hiệu khảo văn bản một loạt truyện thơ Nôm các thế kỷ trước, góp phần giữ gìn và truyền lại cho đời sau. Văn bản Truyện Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo, in lần đầu 1925, đã dành được sự tín nhiệm của nhiều thế hệ độc giả. Từ những năm 1930 đến những năm 1950, Bùi Kỷ tiến hành hiệu khảo một loạt truyện Nôm khuyết danh: Trê cóc, Trinh thử, Lục súc tranh công, Hoa điểu tranh năng. Ông cũng có sự đóng góp quyết định trong việc khảo cứu di sản thơ chữ Hán của thi hào Nguyễn Du, trong việc xác định giá trị Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, v.v. Các bản dịch tác phẩm chữ Hán của tác giả Việt Nam do Bùi Kỷ thực hiện, nổi bật là Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, bản dịch từng có vị trí đáng kể trong đời sống văn học. Bùi Kỷ còn thử nghiệm việc dịch một số tác phẩm Nôm cổ điển sang chữ Hán như thơ Bà Huyện Thanh Quan hay Truyện Kiều - một công việc sẽ rất có ý nghĩa trên hướng giới thiệu văn học Việt Nam với độc giả Trung Quốc.

Học giả Bùi Kỷ còn là cây bút sáng tác văn học ở khá nhiều thể loại: văn (nghị luận, phú, văn tế, câu đối...), thơ (thơ chữ Hán, thơ tiếng việt); ở đây tác giả dường như không có ý định vượt ra ngoài phạm vi kiểu văn học Đông Á Trung đại. Ở đây tác giả, vẫn như các thế hệ nhà nho trước kia, dùng văn thơ như nơi để nói chí, tỏ lòng, để thể hiện thế giới tinh thần của mình trong những nét thanh cao với nhiều ưu tư lo đời, thương đời lại cũng dùng văn thơ như phương thức răn mình, răn đời. Phần sáng tác thơ mà Bùi Kỷ tập hợp thành tập Ưu Thiên đồ mặc, chưa in thành sách, chỉ đăng báo ít bài, nay hầu như đã thất lạc, có lẽ là nơi thể hiện rõ nhất tâm tình tác giả.

Tác phẩm:

-Truyện Thuý Kiều (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo), Hà Nội 1925.
-Việt Nam văn phạm (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim soạn ).
-Quốc văn cụ thể, Hà Nội, Tân Việt Nam thư xã , Trung Bắc tân văn, 1932 .
-Truyện Trê cóc, Khai trí tập san, số 4, tháng 12, 1941.
-Văn chương, Đồng Thanh, 1932, số 1, 2, 5.
-Thơ văn Bùi Kỷ (Nguyễn Văn Huyền sưu tầm, giới thiệu), Hà Nội; Nhà xuất bản Khoa học xã hội ,1994 (Thơ tiếng việt tr. 37-78; Văn tiếng việt: tr. 79-173; Dịch từ Hán sang Việt tr. 174-199; Dịch từ Việt sang Hán tr. 200-205; Câu đối: tr. 206-208; Thơ chữ Hán: tr. 209-256).

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #30
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.063
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Quang Chiêu (1872-1945)

Bùi Quang Chiêu (1872-1945) là một nhà chính trị tranh đấu đòi độc lập cho Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ông quê ở Mỏ Cày, Bến Tre lớn lên trong gia đình vốn có truyền thống Nho học nhưng có học trường Tây. Ông có quốc tịch Pháp[1]. Ông được gia đình gửi sang Algérie rồi sang Pháp học ở trường École Coloniale từ năm 1894. Ba năm sau ông là người Việt đầu tiên đỗ bằng kỹ sư canh nông (ingénieur agronome) của Pháp. Vua Hàm Nghi bấy giờ bị Pháp đày sang Algérie và ông là người Việt duy nhất được vào thăm cựu hoàng lúc đó[2].

Ở bên Pháp ông có gặp gỡ Hồ Chí Minh một vài lần nhưng không đồng quan điểm với Hồ Chí Minh.

Sau khi về nước ông hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục mở mang dân trí, ông liên lạc với các nhà trí thức Nam Kỳ nổi tiếng và cùng chí hướng như luật sư Dương Văn Giáo, Diệp Văn Kỳ, nhà báo Nguyễn Phan Long, bác sĩ Trần Như Lân, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh.

Bùi Quang Chiêu cũng cổ động cho phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh cũng như phong trào Đông Du của Phan Bội Châu. Năm 1919 ông thành lập Đảng Lập hiến, vận động đòi tự trị cho Việt Nam [3] để lần hồi giành lại độc lập hoàn toàn. Đảng Lập Hiến dùng 3 tờ báo: La Tribune Indochinoise, L'Echo Annamite và Đuốc Nhà Nam làm diễn đàn.

Năm 1926, nhân lúc Alexandre Varenne của đảng Xã hội Cấp tiến Pháp được bổ nhiệm làm toàn quyền Đông Dương với hứa hẹn cải tổ cai trị, Bùi Quang Chiêu lại sang Pháp vận động chính giới Pháp với loạt bài "Pour le Dominion Indochinois"[4]. Ông đưa ra "Bản yêu sách 9 điều khoản" gồm 1)Tự do ngôn luận, 2)Tự do báo chí, 3)Tự do hội họp và lập hội, 4)Tự do đi lại, 5)Cải cách giáo dục, 6)Điều chỉnh chế độ lương bổng cho công bằng giữa người Pháp và người Việt, 7)Nới rộng quyền đại diện chính trị, 8)Nâng cao đời sống lao động, và 9)Bãi bỏ độc quyền kinh tế[5].

Với thanh thế đó, ông về lại Sài Gòn tranh cử cuộc bầu cử tháng 10 năm 1926. Kết quả là ông cùng 9 đảng viên đảng Lập Hiến đắc cử Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng. Năm 1927 nhờ sự vận động của ông cùng các nhân sĩ khác như Phan Văn Trường , Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, Vũ Đình Dy và Nguyễn Phan Long, người Pháp mới bãi bỏ điều kiện Pháp tịch cho những học sinh muốn sang Pháp du học[6] Cũng vì quan tâm đến việc giáo dục, ông mở tư thục "An Nam Học đường" ở Sài Gòn. Hoạt động chính trị của ông bị nhà chức trách cho là bài Pháp nên ông và báo La Tribune Indochinoise bị liệt danh vào "sổ đen" của mật thám Pháp[7]. Năm 1938 ông rời chính trường bỏ về Mỏ Cày một ít lâu rồi lại ra Sài Gòn năm 1943. Ngày 29 tháng 9 năm 1945 ở Chợ Đệm ông bị lực lượng Việt Minh thủ tiêu với tội làm "tay sai cho thực dân Pháp"[8] vì ông chủ trương tranh đấu bất bạo động. Cùng bị giết với ông là bốn người con trai và người con gái út 16 tuổi[9].

Trong số các con ông người ta còn nhắc đến bà Henriette Bùi đỗ bằng bác sĩ y khoa Pháp năm 1929. Bà là nữ bác sĩ y khoa Việt Nam đầu tiên[10].

Chú thích

1.Người dân xứ nhượng địa Nam Kỳ, Đà Nẵng, Hải Phòng chỉ cần làm thủ tục là đương nhiên có quốc tịch Pháp
2.Nguyên Hương Nguyễn Cúc, trang 256.
3.ibid, trang 256.
4.ibid, trang 259.
5.ibid, trang 234.
6.ibid, trang 237.
7.ibid, trang 257.
8.Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam. Hà Nội, 1997. trang 48.
9.Nguyên Hương Nguyễn Cúc, trang 258.
10.ibid, trang 248.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #31
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.063
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Quốc Khái (1141 –1234)

Bùi Quốc Khái (1141 –1234) là người đỗ đầu khoa thi Tiến sĩ (Minh kinh bác học) năm Ất Tỵ (1185), đời vua Lý Cao Tông, niên hiệu Trịnh Phù thứ 10. Sau khi đỗ, ông được vua bổ nhậm chức Nhập thị Kinh diên, giữ nhiệm vụ dạy Thái tử và hầu vua học. Ông người làng Bình Lãng, phủ Thượng Hồng (nay là huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Lịch sử lâu nay và cả giới nghiên cứu đều cho rằng, vị nho thần đầu tiên nỗi tiếng là vị khai khoa của đất thành Thăng Long là Chu Văn An, người đã đỗ Thái học sinh (tiến sỹ sau này) vào khoảng đời Trấn Hiến Tông (1329-1341). Thế nhưng tấm bia “Thanh Bằng thịnh sự bia” (bia nói về sự thịnh vượng của làng Bằng Liệt) tại làng Bằng Liệt, xã Hoàng Liệt, huyện Thanh Trì (nay đổi thành phường thuộc quận Hoàng Mai) lại cho thấy rằng có người đã đỗ đại khoa của Thăng Long Hà Nội vào năm Ất tỵ (1185), thời vua Lý Cao Tông.
Trước đây tấm bia được đặt tại Văn chỉ làng, nhưng sau văn chỉ không còn nên đã chuyển về đặt trong một ngôi nhà ngang của miếu Gàn. Bia được khắc ngày 18 tháng 2 năm Giáp Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 45 (1784). Nội dung của bia khẳng định, ông Bùi Quốc Khái là bậc tiên hiền của xã, đỗ thứ hai kỳ thi Đình khoa Ất tỵ, đời Lý Anh Tông (1185), làm quan đến chức Đô ngự sử, di bảo còn ở chùa xứ Trung Đồng.

Văn bia cho biết: “lúc đầu, hội tư văn mua một khu đất ở xóm Vĩnh Phúc dựng Từ chỉ làm nơi cúng tế lâu dài. Vị trùm trưởng cùng các thành viên trong hội xuất ruộng tư làm ruộng tế điền của hội để lưu truyền mãi mãi. Hàng năm cho người cày cấy lấy tiền lợi tức cúng tế. Cứ vào 12 tháng 2 chuẩn bị lễ vật dâng tế lên Từ chỉ cáo tế các chi vị: Tiến sỹ cập đệ, Đệ nhất giáp, Đệ nhị danh, Bảng nhãn Khoa Ất tỵ, chức Ngự sử đài, Đô ngự sử Bùi tướng công (Quốc Khái) cùng các vị chức sắc trúng trường, viên mục, các hương sắc trên dưới cùng được phối hưởng, để khí thiêng hun đúc, nối dài thờ tự muôn ngàn vạn năm, mãi mãi trường tồn cùng trời đất. Nhân đó khắc lên bia đá để truyền về sau. Những người đứng tên trên đầu bia là Tri huyện, Thường phái tử Nguyễn Trần Tiến, Nội giám phụng ngự Lưu Đình Cẩn, trùm trưởng Lưu Đình Huy, Lưu Bách Giảng, Lưu Bách Dụ cùng toàn thể giáp Lễ và hội Tư văn xã Bằng Liệt, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín”.

Nội dung của tấm bia này dựa theo lưu truyền từ nhiều thế hệ và theo suy nghĩ của những người lập bia vào cuối thời Cảnh Hưng (1740-1786) nên có chút nhầm lẫn về triều vua của năm Bùi Quốc Khái đỗ thứ 2, trong khi sử sách cũ ghi ông đỗ đầu khoa thi “sĩ nhân trong cả nước, từ 15 tuổi trở lên, thông thạo thi thư thì được vào hầu học ở Ngự diện”. Về quê quán của ông, sách Đại Việt sử ký toàn thư không ghi. Còn Lịch triều hiến chương loại chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi là người Bình Lãng huyện Cẩm Giàng (nay là thôn Thu Lãng, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương).

Tuy nhiên, theo chúng tôi, tấm bia ở Văn chỉ làng Bằng Liệt được lập trước hai cuốn sách Lịch triều hiến chương loại chí và Việt sử thông giám Cương mục khá lâu đã khẳng định Bùi Quốc Khái là người làng Bằng Liệt, đã được hội tư văn của làng thờ tại Văn chỉ cùng các bậc tiên hiền từ lâu. Như vậy, có nhiều khả năng ông quê gốc ở đây nhưng về sau chuyển xuống làng Bình Lãng, khi đi thi làm hồ sơ tại Bình Lãng.

Dù sao thì với nội dung trên đây của tấm bia, chúng ta có thể tin rằng, Bùi Quốc Khái là người làng Bằng Liệt đỗ đại khoa năm Ất tỵ niên hiệu Trinh Phù đời Lý Cao Tông (1185). Và như vậy, ông là vị khai khoa của Thăng Long Hà Nội, được làng Bằng Liệt thờ tại văn chỉ. Tấm bia trên tuy có niên đại không sớm, song có giá trị trong việc tìm về vị khai khoa của Thăng Long Hà Nội.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #32
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.063
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Tá Hán (1496 – 1568)

Bùi Tá Hán (1496 – 1568) Theo Phủ tập Quảng Nam ký sự của tác giả Mai Thị, Bùi Tá Hán sinh năm 1496, quê ở Châu Hoan, là cận thần của Đại thần Nguyễn Kim, có công khôi phục triều đại Lê Trung Hưng. Vào năm 1545, ông được phong Bắc Quân Đô đốc, trấn thủ Quận Quảng Nam (từ đèo Hải Vân vào tới tỉnh Phú Yên ngày nay), là danh tướng văn võ song toàn “Đại Nhân Đại Nghĩa” và là một trong những người có công lớn thuở ban đầu khai khẩn, bình trị yên ổn trong sự nghiệp mở cõi đất phương Nam. Sinh thời ngài được dân chúng tôn quý khắc tượng gỗ (vẫn trường tồn ngót 5 thế kỷ nay), khi qua đời được bá tánh tôn thờ như một vị Thánh.

Sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê (1527), Bùi Tá Hán theo ngọn cờ “phù Lê diệt Mạc” của Nguyễn Kim, lập được nhiều công tích. Năm 1545, ông được vua Lê Trang Tông phong chức Bắc Quân đô đốc phủ chưởng phủ sự Trấn Quốc công, phái ông mang đại binh vào bình định quân nhà Mạc ở Thừa tuyên Quảng Nam. Tháng 8 năm ấy, Bùi Tá Hán đổ quân vào Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn ngày nay), lấy đây làm bàn đạp tiến vào đất liền Cổ Lũy động, Chiêm động (Quảng Ngãi, Quảng Nam ngày nay), hoàn thành nhiệm vụ khôi phục quyền lực nhà Lê ở vùng Trung Trung bộ. Như vậy, 461 năm trước đây, Bùi Tá Hán đã đặt những bước chân đầu tiên đến vùng đất Quảng Ngãi ngày nay.

Trong 23 năm (1545- 1568) trấn thủ Thừa tuyên Quảng Nam, Bùi Tá Hán đã có nhiều chủ trương, chính sách, việc làm khôn khéo, vỗ yên các sắc tộc bản địa, xây đắp mối quan hệ hữu hảo Việt- Chăm, mở mang sản xuất, khuyến khích văn hóa, mưu cầu ích nước lợi dân, mang lại sự bình an và phát triển cho vùng đất này. Vì vậy, nhân dân quy thuận một lòng theo ông, ca ngợi ông. Khi ông qua đời, được triều đình truy phong Trấn Quốc công Thượng đẳng thần.

Ông mất năm 1568, không rõ nguyên nhân, chỉ biết việc ông qua đời đã trở thành huyền thoại trong lòng dân, người xưa nói “ông đã hiển thánh: và đã được ghi vào bia lăng:

“Nhân mã bất tri hà xứ khứ
Huyết y trường dữ thử bi lưu “
(Người, ngựa chẳng biết đi về nơi nào. Chỉ có áo bào thấm máu lưu lại lời bia).

Ông được nhà nước phong kiến triều Lê Trang Tông (1546) phong Trấn quốc công. Sau được sắc phong của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn.

Lăng ông được xây dựng tại khu rừng (đã tìm thấy áo bào của ông) ở làng Thu Phổ, nên gọi là Rừng Lăng(1). Đền thờ ông được xây dựng trên đỉnh núi Phước ở làng Thu Phổ nên gọi là Núi Ông. Năm 1962, khi xây dựng Nhà máy Đường Thu Phổ, đền thờ ông được dời vào Rừng Lăng, nay thuộc phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi. Có thể nói trước khi được triều đình phong thần, chính nhân dân đã thờ sống Bùi Tá Hán như thờ thần.

Tương truyền lúc còn sống, ông đi kinh lý Phú Yên, một nhà sư ở đây ngưỡng mộ ông, đã khắc tượng ông trên một khúc gỗ mít lớn để thờ. Sau này, quan đầu tỉnh Quảng Ngãi đã xin phép nhà sư rước tượng ông về tại đền thờ ông ở Thu Phổ. Năm 1947, khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chính quyền cách mạng tỉnh đã đem tượng ông về cất giấu ở nông thôn để tránh bị bom đạn thù phá hoại. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, tượng ông lại được rước về đền thờ.

Theo “Quảng Ngãi tỉnh chí” của Nguyễn Bá Trác viết năm 1933 thì tại đình An Hải (Lý Sơn), chùa Tam Thanh (Thạch Trụ, Đức Lân, Mộ Đức); điện Trường Bà (Trà Xuân, Trà Bồng), làng Rí (Sơn Hạ, Sơn Hà) có miếu, đền thờ Bùi Tá Hán. Đến nay ở đền Tam Thanh (Quảng Nam), đình Nam Chơn (TP HCM) có phối thờ Bùi Tá Hán cùng các vị tiên liệt khác. Di tích đền thờ, tượng và lăng ông Bùi Tá Hán đã được Nhà nước công nhận và cấp bằng “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” từ năm 1990.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #33
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.063
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Thế Mỹ (1904 - 1943)

Bùi Thế Mỹ (1904 - 1943) là Nhà văn, kí giả hiện đại, hiệu Lan Đình, Thông Reo; quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông vốn thuộc hàng cự phách trong làng báo miền Nam. Bắt đầu chủ trương Đông Pháp thời báo thay Nam Kiều Trần Huy Liệu. Rồi từng làm chủ bút các báo Trung lập, Tân Thế Kỉ, Thần Chung, và chủ nhiệm tờ Dân báo. Khi mới bắt đầu làm thơ, viết văn ông kí hiệu là Thông Reo, về sau khi làm chủ bút tờ nhật báo Điện tín ông mới đổi hiệu là Lan Đình.

Sự nghiệp làm báo của ông, có phần nào công sức đóng góp của người bạn đời ông là nữ sĩ Phương Lan, tên tộc là Nguyễn Thị Lánh, tục gọi cô giáo Lánh, quê ở Cù lao Hổ, Long Xuyên.

Năm Bính tí 1936, ông bị Thống đốc Pagès kí nghị định trục xuất về miền Trung một lượt với Diệp Văn Kỳ. Sau, ông trở vào Nam làm chủ bút tờ Điện tín, càng lúc càng nổi tiếng hơn trước.

Đến năm Quí mùi 1943, ngày 27 tháng 3, ông mất nơi nhà riêng ở Sài Gòn mới 39 tuổi, trong niềm thương tiếc của giới báo chí thời đó.

Ông còn để lại đời một tác phẩm dịch Trà hoa vũ (La Dame aux camélias) và một tác phẩm khảo luận Vai tuồng của nhà gõ đầu trẻ.

Chính ông đã viết một loạt bài nghiêm khắc tố cáo sự gian lận của các nhà văn bịp bợm, làm tay sai cho thực dân Pháp được dư luận hoan nghênh.

Ông từng bảo bạn là Thiếu Sơn:

"Trong đời này thiếu gì kẻ cờ gian bạc lận, nhưng tôi không tha thứ cho bọn gian lận kiếm ăn trên địa hạt văn chương".

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #34
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.063
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Thị Cúc (1930-1951)

Anh hùng Liệt sĩ Bùi Thị Cúc (1930-1951), Anh hùng Lực lượng Vũ trang Công an Nhân dân (Truy tặng; 1955). Bùi Thị Cúc tên thật là Trần Thị Lan, sinh năm 1930, tại làng Vân Mạc, một làng nhỏ thuộc xã Vân Du, huyện Ân Thi. Gia đình đông con, ông bố mất khi Cúc còn nhỏ, để lại nhiều nợ nần. Bà mẹ không trả được, phải gán Cúc làm con nuôi cho một người làng bên để trừ một khoản vay nợ.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các anh trai đi bộ đội, hoặc công tác địa phương. Bùi Thị Cúc làm cán bộ phụ nữ ở thôn, được kết nạp Đảng, sau đó làm cán bộ Huyện hội phụ nữ Ân Thi.

Những năm 1947-1950, thực dân Pháp đánh chiếm các huyện vùng nam Hưng Yên, chúng cấu kết với bọn tay sai phản động đóng nhiều đồn bốt, lập tề, thường xuyên càn quét, cướp bóc. Ở bốt Cảnh Lâm gần Vân Mạc, tên Nguyễn Doan Nhi, vốn là một cán bộ địa phương đã phản bội, cùng anh rể và anh trai làm sếp bốt và phòng nhì, có nhiều thủ đoạn thâm độc bắt giết cán bộ, khủng bố nhân dân. Huyện ủy Ân Thi cử Bùi Thị Cúc đóng vai là người cầu an bỏ nhiệm vụ về gia đình buôn bán ở chợ Cảnh Lâm để làm nhiệm vụ địch vận, phản gián.

Chị đã chịu đựng sự dị nghị của gia đình và dân làng tìm cách làm thân với tên Nhi, giả vờ nhận lời yêu hắn để khai thác tin tức hoạt động của bọn địch trong vùng, báo cáo với cấp trên. Chị còn khéo léo thuyết phục tên Nhi nhận cả anh Đệ, người yêu của chị, là công an hoạt động bí mật làm “chỉ điểm” cho chúng, cấp giấy phép cho anh Đệ được ra vào bốt Cảnh Lâm. Qua một số lần làm thất bại âm mưu bắt bớ, càn quét của địch, chúng có dấu hiệu nghi vấn chị Cúc và anh Đệ. Cấp trên chủ trương cho hai người tìm cách trừ khử tên Nhi và sau đó rút ra ngoài. Thực hiện chủ trương đó, Bùi Thị Cúc đã bố trí một cuộc hẹn hò với tên Nhi ở làng Vân Mạc. Nguyễn Doãn Nhi đã trúng kế, xuống làng một mình bị người của ta bắt giết, rồi đem vùi xác dưới ruộng khoai.

Mất tên Nhi, bọn địch ở bốt Cảnh Lâm lập tức quây càn bắt tất cả đàn ông trong làng giam giữ, đốt nhà, triệt phá cả làng Vân Mạc. Bùi Thị Cúc tìm đường ra nơi an toàn, nhưng chẳng may đã bị địch bắt cùng nhiều người khác ở thôn bên. Lính bốt và người nhà tên Nhi đánh đập, tra khảo, trả thù Bùi Thị Cúc, bắt chị khai báo những người đã giết tên Nhi. Chị đã nhận hết về mình, không khai báo đồng đội và dân làng.

Biết không khuất phục được chị, ngày 15 tháng 5 năm 1950 bọn địch đã đem chị ra đê bờ sông Lực Điền hành hình hết sức dã man. Bùi Thị Cúc đã nêu gương hy sinh vô cùng kiên cường, bất khuất. Hồ Chủ tịch đã truy tặng chị sáu chữ: “Sống anh dũng, chết vẻ vang”.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #35
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.063
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Thị Mè (1928 - 2006)

Bùi Thị Mè (1928 - 2006) còn gọi là Năm Mè, sinh ngày 26/6/1921, trong một gia đình khá giả so trong vùng. Cha là ông Bùi Văn Tám và mẹ là bà Võ Thị Quý. Từ nhỏ cô bé Mè đã được cha mẹ nuôi ăn học chu đáo. Vốn thông minh, cô học rất nhanh, qua bậc tiểu học ở Cái Nhum, Chánh Hội (nay thuộc huyện Mang Thít), cô lên Vĩnh Long ở nhờ nhà người bà con tiếp tục học trường Nữ học đường ở thị xã Vĩnh Long đậu nội trú và sau 4 năm thi đỗ bằng Thành chung. Vì hạn chế của thời phong kiến, là phận nữ nên gia đình không cho chị học tiếp. Trở về nhà, chị được gia đình gả chồng về xã An Thạnh, quận Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Nhơn. Gia đình chồng cũng là một gia đình buôn bán khá giả.

Năm 1946, khi thực dân Pháp bội ước trở lại xâm chiếm Nam bộ, đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Nhơn - Bùi Thị Mè với danh nghĩa là những thương gia, đã có những hoạt động hợp pháp ủng hộ kinh tế cho cuộc kháng chiến. Lúc Bến Tre bị địch chiếm, vợ chồng chị sang Bãi Xan thuộc xã Đức Mỹ, quận Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Vì con đông và còn nhỏ chị không thể thoát ly vào chiến khu, chị tìm cách liên lạc với Tỉnh ủy Trà Vinh để hoạt động hợp pháp cho cách mạng. Đầu tiên chị bắt tay vào mở một trường trung học tư thục ở xã Long Đức, quận Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, do chị làm Hiệu trưởng. Đó là năm 1950, khi chị tròn 29 tuổi. Với bề ngoài là một trường trung học để tránh con mắt dò xét của mật thám Pháp, nhưng bên trong trường là một cơ sở hợp pháp của Tỉnh ủy Trà Vinh. Năm 1955, Tỉnh ủy Trà Vinh bố trí chị làm Tổng thư ký hội Phụ nữ Việt Nam của tỉnh. Chị còn là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chẩn tế - xã hội tỉnh Trà Vinh. Từ những năm 1950 đến 1957 chị hoạt động hợp pháp dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Trà Vinh. Chị là một trong những người có uy tín để tiếp xúc với nhiều đối tượng như trí thức, thương gia, các tầng lớp xã hội khác để vận động họ ủng hộ phong trào kháng chiến, chống thực dân xâm lược.

Năm 1957 bọn địch nghi ngờ cơ sở của chị, chính quyền Ngô Đình Diệm ra lệnh đóng cửa trường Trung học tư thục do chị làm hiệu trưởng với lý do Hiệu trưởng thân “Cộng”, toàn Ban giáo sư thân “Cộng”, dạy đường lối chống Chính phủ. Do khôn khéo, thông minh chị về Sài Gòn gặp Bộ trưởng Bộ Giáo dục của chính quyền Ngô Đình Diệm để chất vấn, tố cáo chính quyền địa phương (lúc đó chị vẫn chưa bị lộ). Mục đích của chị là gây mâu thuẫn giữa Bộ Giáo dục và chính quyền của chế độ Ngô Đình Diệm tại địa phương để tạo cho mình một thế hợp pháp. Chị đấu tranh thắng lợi nhưng phải lên Sài Gòn tiếp tục dạy kèm trẻ em tại nhà và hoạt động trong giới trí thức.

Năm 1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập, được Tỉnh ủy Trà Vinh giới thiệu, chị vào công tác ở Khu uỷ Khu Tây Nam bộ, chị là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Tây Nam bộ.

Năm 1964, chị được Trung ương Cục miền Nam rút về R công tác ở Bộ phận Tuyên truyền đối ngoại của Ban Tuyên huấn trung ương Cục, sau đó chị được tổ chức bố trí sang công tác ở Ban Phụ vận ở Trung ương Cục.

Năm 1965, tại Đại hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam chị được bầu vào Ban Chấp hành Hội Phụ nữ Giải phóng, đồng thời được phân công kiêm nhiệm Vụ Phó Chủ tịch Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam.

Trước tình hình phát triển của cách mạng miền Nam, với sự chỉ đạo của trung ương Đảng và Trung ương Cục miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam được thành lập vào năm 1969 do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Chị được phân công giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ y tế - Xã hội - Thương binh, chuyên trách công tác xã hội thương binh của Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam. Trên cương vị là thứ trưởng Bộ Y tế - Xã hội - Thương binh, suốt từ 1969 đến 1976, chị đã có nhiều hoạt động sôi nổi, sâu sát cơ sở, phong trào, đóng góp công lao nhất định vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam Việt Nam. Với tác phong giản dị, tính tình hiền lành, dễ gần gũi, hiểu người và hiểu đời, người nữ Thứ trưởng duy nhất trong Bộ Y tế - Xã hội - Thương binh đã góp phần chỉ đạo công tác Y tế - Xã hội - Thương binh ở miền Nam, phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh chống Mỹ cứu nước. Năm 1974, theo yêu cầu của cách mạng cần mở rộng công tác tuyên truyền đối ngoại để bạn bè năm châu hiểu thêm về cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước thống nhất nước nhà của nhân dân miền Nam, bà được Trung ương Cục cử ra Hà Nội dự Đại hội Phụ nữ Việt Nam. Tại miền Bắc, bà đã tiếp xúc với nhiều đoàn phụ nữ quốc tế. Với vốn tiếng Pháp khá phong phú của mình, cộng với sự thông minh nhanh nhẹn của một nhà giáo, bà đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho các đoàn phụ nữ Liên Xô, Cu Ba, Angiêri.v.v... Qua bà và các đại biểu phụ nữ ở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bạn bè quốc tế hiểu thêm về cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam anh hùng, bất khuất đang đấu tranh giành độc lập tự do. Sau Đại hội bà được bầu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, được Trung ương Hội cử đi dự Đại hội Phụ nữ ở Angiêri, Cu Ba.

Tháng 1/1974, bà gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Về sự kiện này bà tâm sự “đối với tôi Đảng đã ở trong tim từ những ngày đầu tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp, nhưng trong hoàn cảnh công tác hợp pháp tôi thấy càng lăn lộn, thử thách trong phong trào càng rắn rỏi, nổ lực nên dù đứng trong tổ chức hay không tôi vẫn phấn đấu không ngừng”.

Đối với bà thế mạnh trong công tác vận động phụ nữ, trí thức, quần chúng đạt kết quả cao do bà có vấn học thức cơ bản, có lòng nhân hậu, can đảm, quyết tâm, có tình thương đồng chí, đồng bào. Trong những năm chiến tranh mặc dù hoạt động công khai hay bí mật, đi đến đâu bà cũng được nhân dân đùm bọc, che chở. Bà kể lại: “có nhiều trận càn bà bị mắc kẹt trong vòng vây của bọn giặc nhưng đồng bào hết lòng che chở mới thoát khỏi kẻ thù”. Có thể nói việc bà luôn luôn tôn trọng nhân dân, giữ được mối quan hệ tốt đẹp với đồng bào theo lời Bác Hồ dặn: “Đi dân nhớ, ở dân thương” là bí quyết thành công trong công tác vận động quần chúng của bà Bùi Thị Mè.

Sau ngày nước nhà được thống nhất. Theo yêu cầu của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Bà về công tác ở Hội Chữ thập đỏ thành phố chăm lo mạng lưới Chữ thập đỏ, hỗ trợ cho công tác thương binh xã hội của thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 10/1979, bà được Nhà nước cho nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn là một thành viên rất tích cực trong công tác dân vận tuyên truyền đối ngoại ở thành phố.

Với cuộc đời người mẹ bà cũng là một trong những người phụ nữ đã chịu đựng nhiều hy sinh qua hai cuộc chiến tranh. Trong 4 người con của bà đi tham gia kháng chiến, ba người con là liệt sĩ, một người trở về thì cũng là thương binh. Nổi mất mát trong chiến tranh không thể nào bù đắp được. Tuy nhiên đối với một người trí thức đã quyết định đi theo cách mạng từ khi tuổi còn trẻ, cho đến nay đã hơn 70 tuổi đời thì không dễ dàng làm lung lay được lòng thủy chung với Đảng, với Bác Hồ, với Tổ quốc và nhân dân. Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng nhiều Huân, Huy chương cao quý:

-Huân chương Độc lập hạng ba.
-Hai Huân chương Giải phóng hạng nhất và hạng nhì.
-Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhất.
-Huân chương Quyết thắng hạng nhất.
-Huy hiệu Bác Hồ của thành phố Hồ Chí Minh.
-Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ.
Bà qua đời năm 2006, tại thành phố Hồ Chí Minh

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #36
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.063
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Thị Nhạn ( ?- 1802) - Nữ tướng Tây Sơn

Bùi Thị Nhạn ( ?- 1802) người thôn Xuân Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Bà là con gái út của Bùi Đắc Lương. Ông là một cự phú thôn Xuân Hòa. Ông Lương có ba người con trai là Bùi Đắc Chí, Bùi Đắc Trung và Bùi Đắc Tuyên cùng hai cô con gái là Bùi Thị Loan, Bùi Thị Nhạn.

Vừa giỏi võ nghệ, vừa là con gái út nên được cha mẹ cưng chiều, Bùi Thị Nhạn rất chăm học văn lẫn võ. Bùi Thị Xuân, con của Bùi Đắc Chí, gọi Bùi Thị Nhạn bằng cô. Tuy vậy, hai người tuổi gần bằng nhau, nên rất thân thiết với nhau. Bùi Thị Xuân kèm cặp võ nghệ cho cô. Bùi Thị Nhạn tuy thân phận lớn hơn, nhưng tuổi lại kém hơn và sau này theo dưới trướng trong quân binh. Trong việc dạy võ nghệ, Bùi Thị Xuân rất nghiêm minh nên Bùi Thị Nhạn mau chóng trở thành nữ kiệt.

Tuy có võ, song tính tình Bùi Thị Nhạn rất nhu hòa. Bà khác với Xuân là luyện tập võ nghệ chỉ để phòng thân chứ không phải để làm nên nghiệp lớn. Nhiều kẻ anh tài đến cầu thân, song bà vẫn chưa vừa ý ai cả. Trong các vị anh hùng qua lại với Bùi Thị Xuân, bà Nhạn rất hợp ý với Nguyễn Huệ. Song Nguyễn Huệ đã có vợ là bà Phạm Thị Liên. Sau khi bà Phạm Thị Liên sinh được hai con là Nguyễn Quang Thùy và Nguyễn Quang Bàng thì bị bạo bệnh qua đời. Mãn tang vợ, Nguyễn Huệ mới kết duyên cùng Bùi Thị Nhạn. Trước đó, hai người đã quen nhau khi bà Nhạn cùng bà Bùi Thị Xuân phụ trách việc luyện quân và xây dựng kinh tế cho phong trào Tây Sơn. Nguyễn Huệ lại lại là Tổng chỉ huy quân đội hậu cần. Khi được lệnh bình Nam, Nguyễn Huệ mới giao hậu cần Tây Sơn lại cho Bùi Thị Xuân.

Sau khi kết duyên cùng Nguyễn Huệ, bà rời quân ngũ về chăm lo gia đình bên chồng. Bà sanh được ba trai và hai gái. Ba trai là Nguyễn Quang Toản, Nguyễn Quang Thiệu, Nguyễn Quang Khanh. Con gái gả cho phò mã Nguyễn Văn Trị.

Khi chưa xuất giá, bà phục vụ dưới trướng Bùi Thị Xuân, được nhân dân tôn tặng danh hiệu là Tây Sơn Ngũ Phụng Thư. Lúc vua Quang Trung lên ngôi hoàng đế thì phong cho bà làm Chánh cung Hoàng hậu. Khi Quan Toản lên ngôi, bà được tôn làm Hoàng thái hậu.

Năm Tân Dậu (1801), Nguyễn Phúc Ánh đánh Phú Xuân, khi vua Cảnh Thịnh và bà Bùi Thị Xuân kéo quân ra chống giặc, Bùi Thị Nhạn đã lên ngựa cầm gươm dẹp tan được những người hùa theo địch quân cướp phá kinh thành. Bà tổ chức lại các toán cấm vệ quân và sắp xếp hàng ngũ tùy tùng chuẩn bị theo vua Cảnh Thịnh ra Bắc, vì lúc bấy giờ các quan văn võ đều trốn biệt không người chỉ huy. Một toán người có võ trang định xông vào thành nội cướp giựt tài sản của triều đình, bà một mình đánh tan hết lũ giặc cướp. Sau đó, bà theo vua về Bắc Hà.

Năm Nhâm Tuất (1802), Nguyễn Phúc Ánh đem quân đánh chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, rồi kéo quân ra Bắc Thành.

Lực lượng Bắc Thành lúc bấy giờ đã quá yếu. Bao nhiêu tinh binh, vua Cảnh Thịnh đã đem đi đánh Trấn Ninh, tân quân tuyển ở các trấn về, chưa tập luyện được thành thục nên vừa giáp trận đã rã rời. Đại Đô đốc Tuyết cùng vợ đưa vua về cung quyến qua sông Nhị Hà lên phía Bắc có Đô đốc Nguyễn Văn Tứ và Tư mã Nguyễn Quang Dung theo hộ giá.

Khi đến Xương Giang, đêm bị giặc vây, Đô đốc Tứ và Tư mã Dung tử trận. Hai vợ chồng Đô đốc Tuyết cùng với Bùi Thái Hậu tả xung hữu đột phá được vòng vây phò xa giá chạy được mươi dặm nữa thì Lê Chất đem quân đuổi kịp. Một trận thư hùng xảy ra. Đô đốc Tuyết tử trận. Trần phu nhân và Bùi Thái Hậu đâu lưng lại với nhau đánh tan nhiều cuộc tấn công của quân nhà Nguyễn. Sau cùng, sức người cạn kiệt, quân địch quá đông, hai bà đều bị bắt. Không để địch làm nhục, Trần phu nhân và Thái hậu Bùi Thị Nhạn dùng gươm tự sát. Đó là ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802), trời đang nắng sáng bỗng vần vũ mây đen.

Tài sản của LSB-Sun
Đã khóa chủ đề


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 07:02
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,12887 seconds with 15 queries