Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Đã khóa chủ đề
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 12-07-2009   #19
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bích Khê (1916 - 1946)

"Thơ tự bản thân nó là nguy hiểm. Nó nguy hiểm trước hết với người đẻ ra nó, là nhà thơ. Nhiều nhà thơ đã chết vì thơ của mình. Không phải cơn bệnh lao tứ chứng nan y đã giết Bích Khê. Chính là thơ đã giết ông...”.
Tham khảo thêm tại website:http://www.bichkhe.org

Bích Khê tên thật là Lê Quang Lương, sinh năm 1916 tại Phước Lộc, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, mất năm 1946 tại làng Thu Xà, huyện Tư Nghĩa cùng tỉnh - nơi hiện có Nhà thờ tộc Lê Quang và mộ phần ông cách đó không xa

Ông là con thứ 9 trong một gia đình nhà Nho yêu nước, ông nội cởi áo từ quan sau đó tuẫn tiết để bất hợp tác với giặc, cha theo phong trào Đông Du, chị gái tham gia Cách mạng.

Thuở nhỏ, Bích Khê học ở nhiều nơi : Quảng Ngãi, Đồng Hới, Huế, Hà Nội. Năm 18 tuổi, Bích Khê bỏ dở tú tài ở Hà Nội cùng chị ruột là nữ sĩ Ngọc Sương vào Phan Thiết mở trường dạy học.

Hai năm sau (1936), Ngọc Sương bị Pháp bắt di lý về Quảng Ngãi, trường tan, bản thân Bích Khê lúc này đã dính bệnh lao, phải chạy chữa nhiều nơi. Vừa chữa bệnh, vừa dạy học để mưu sinh, quỹ thời gian và không gian sống của Bích Khê ngày càng thu hẹp dần, chủ yếu gắn với sông Trà núi ấn quê nhà.

Bích Khê làm thơ từ tuổi 12. Cho đến năm 22 tuổi, chàng thi sĩ trẻ đã trở thành “cụ đồ non” khi toàn “chơi” loại thơ Đường luật và cũng có những thành công nhất định.

Theo tác giả Trịnh Hoàng Mai (tham luận “Một vì sao sớm tắt” tại Hội thảo), thìnăm 15 tuổi, Bích Khê đã có thơ đăng ở mục Văn Uyển bên cạnh các bậc túc nho nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu trên báo Tiếng Dân, và sau đó còn in trên Phụ nữ Tân Văn.

Khi ấy chàng vẫn lớn tiếng chê thơ Mới là “cua bò”, và mỉa mai những lời tỏ tình của Hàn Mặc Tử gửi Mộng Cầm (Mộng Cầm là cháu gọi Bích Khê bằng cậu), và trong cả tập Gái quê (1936) của Tử, Khê cho rằng chỉ có... 2 bài đáng gọi là thơ!

Nhưng đến khi được Mộng Cầm đưa cho đọc Đau thương (bản đánh máy), Bích Khê mới giật mình kinh hãi trước thi sĩ họ Hàn. Không chút do dự, “cụ đồ non” phá bỏ hoàn toàn “xích xiềng” của niêm luật lẫn tư duy thơ cũ, bước hẳn sang địa hạt tân kỳ của thi ca.

Ngập ngừng gửi Hàn Mặc Tử tập bản thảo “thơ kiểu mới” nhờ “xem giùm”, không ngờ nhận được lá thư hồi âm với “rất nhiều lời lẽ khiêu khích, mỉa mai”.

Tự ái, Bích Khê đã thề trước họ Hàn, rằng “trong 6 tháng sẽ trở nên một thi sĩ phi thường, bằng không sẽ không bao giờ làm thơ nữa”. Thế rồi, Tinh huyết - tập thơ thần dị hoàn thành chỉ trong vòng có ba tháng!

“Một bông hoa lạ nở hương, một thứ hương quý trọng, thơm đủ mùi phước lộc. Ta có thể sánh thơ Bích Khê như thứ hoa thần dị ấy” - Hàn Mặc Tử vẫn chưa hết sửng sốt khi viết như vậy trong lời tựa tập Tinh huyết (in năm 1939).

Hàn thi sĩ lập tức gọi Bích Khê là “thi sĩ thần linh”, còn Hoài Thanh - Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam” thì: “Tôi đã đọc trong Tinh huyết những câu thơ hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam”.

Nhân câu chuyện trên, người viết bài này chợt liên tưởng đến thời tiết thi ca đầu thế kỷ 21 này, khi luồng gió sáng tạo mới đang ngày một mạnh dần lên, với nhiều gương mặt trẻ và kể cả không còn trẻ nữa.

Mùa màng thu về chưa có nhiều hoa thơm trái ngọt, thậm chí chưa định hình đó sẽ là hoa quả hay một thứ dị kỳ nhưng vô bổ. Nhưng dù gì, đó vẫn là cái mới, thi ca luôn cần cái mới.

Có một thực tế, tuy khát thèm một cái nhìn mới và cách thể hiện mới, muốn kêu lên tiếng nói mới, nhưng không ít người làm thơ vẫn không dám rời khỏi mảnh đất thi ca đã thâm canh đến bạc màu cằn cỗi của mình. Bài học Bích Khê đầu thế kỷ 20 có nói lên điều gì chăng?

...Nhưng, nghĩ cho cùng, bị nghi là thành phần Tơrốtxkít cũng chỉ là một trong nhiều cái “hạn” trong cuộc đời ngắn ngủi nhưng lắm bão giông (kể cả sau khi chết) của Bích Khê.

Sự chậm trễ trong việc công bố thơ Bích Khê có lẽ bởi thơ ông vẫn còn Mới quá. Mới từ những tinh hoa của thi đàn thế giới đương thời mà thi sĩ đã học được, tiêu hóa được thành cái trác tuyệt riêng mình.

Mới về cái nhìn lạ lẫm về “sex”, về “thơ lõa thể”..., điều mà cho đến hiện tại đang trở thành thời sự trong thi ca với nhiều đánh giá chưa nhất quán, thậm chí cự tuyệt.

Trong khi số đông có lẽ vẫn còn chưa đủ độ lùi cần thiết để chiêm cảm. Đúng như nhận định của GS Lê Đình Kỵ, “so với các nhà thơ cùng trường phái, Bích Khê đã đi xa hơn tất cả trong chủ trương canh tân triệt để của mình”.

Năm 1941, khi viết “Thi nhân Việt Nam”, dẫu có linh giác và tiên cảm đặc biệt về thơ, Hoài Thanh vẫn còn khá dè dặt : “...Nhưng tôi chưa thể nói nhiều về Bích Khê. Tôi đã đọc không biết mấy chục lần bài Duy tân. Tôi thấy trong đó những câu thật đẹp. Nhưng tôi không dám chắc bài thơ đã nói hết cùng tôi những nỗi niềm riêng của nó. Hình như vẫn còn gì nữa ...

Thơ Bích Khê đọc đôi ba lần thì cũng như chưa đọc”. 47 năm sau, Chế Lan Viên khi viết tựa cho tập thơ Bích Khê lần đầu tiên được in lại (NXB Nghĩa Bình, 1988) với đầy đủ Tinh hoa, Tinh huyết, vẫn còn viết “Sợ e bây giờ người ta cũng chưa quen anh dễ dàng đâu. Nếu Nguyễn Bính là một miền đồng bằng thân thuộc, thì Khê là một đỉnh núi lạ ...Có những nhà thơ làm thơ, có những nhà thơ vừa làm thơ vừa đẩy lịch sử thơ ca duy tân thêm một bước, có những nhà thơ đem đến một mùa lương thực. Lại có những nhà thơ cầm một dúm hạt giống mới trên tay. Khê thuộc hạng thứ hai”.
Rồi đây, người ta sẽ trả lại tên đường Bích Khê trên chính quê hương ông. Nhưng có một con đường rất quan trọng khác, đó là con đường thi ca phía trước của chúng ta vẫn còn đang rất nhiều ngập ngợ với rất nhiều cái giá sẽ phải trả.

“Cái quan trọng hơn là chúng ta đem cái hạt giống trên tay thi sĩ, chọn lựa để gieo lấy một mùa mới cho nền thi ca đang khát khao đổi mới của chúng ta” (Hữu Thỉnh).

“Thơ tự bản thân nó là nguy hiểm. Nó nguy hiểm trước hết với người đẻ ra nó, là nhà thơ. Nhiều nhà thơ đã chết vì thơ của mình. Không phải cơn bệnh lao tứ chứng nan y đã giết Bích Khê. Chính là thơ đã giết ông...”.


Nhà thơ Thanh Thảo – Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi đã mở đầu Hội thảo toàn quốc lần đầu tiên về thơ Bích Khê (do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT và tỉnh Quảng Ngãi đồng tổ chức trong hai ngày 20 - 21/2/2006) với lời đề dẫn ấn tượng như vậy.

Một ngày xuân tròn sáu mươi năm trước, chàng thi sĩ tượng trưng vẫy tay từ biệt cuộc đời ở tuổi 30, vì đã trút hết Tinh hoa và Tinh huyết cho thơ.

Sáu mươi năm, sau một mùa thi ca cùng nở rộ, với những Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê..., thì tiếp theo có thể nói là một khoảng, một thời khá là xa vắng của nền thi ca Việt Nam, đặc biệt là ở sự cách tân.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #20
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761-802)

Vào nửa sau thế kỷ VIII, quyền thống trị của triều đình Trường An đã bắt đầu suy yếu. Chiến tranh giữa "phiên trấn" và "triều đình" - mà đỉnh cao là loạn An Sử - càng làm cho nhà Đường lụn bại. Uy quyền của bọn tiết độ sứ và đô hộ ngày một tăng, chúng tự ý trưng thu thuế má. Cao Chính Bình, hiệu úy châu Vũ Định (miền Việt Bắc), năm 767 giúp kinh lược sứ An Nam Trương Bá Nghi đánh bại được cuộc xâm lược của quân Chà Và (Java) ở Chu Diên, sau đó y được cử làm đô hộ An Nam. Y ra sức bòn rút của cải của nhân dân ta, đánh thuế rất nặng. Khoảng niên hiệu Đại Lịch (766-779), chưa rõ đích xác vào năm nào, nhân lòng căm phẫn của nhân dân, lợi dụng khi quân lính ở Tống Bình nổi loạn, người hào trưởng đất Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Tây) là Phùng Hưng đã phát động một cuộc khởi nghĩa lớn chống chính quyền đô hộ.

Sử liệu gốc ghi lại về Phùng Hưng không nhiều. Chỉ biết, Phùng Hưng xuất thân từ dòng dõi cự tộc, hào trưởng đất Đường Lâm. Đường Lâm xưa kia vốn là vùng đồi gò và rừng cây rậm rạp, thú vật dữ tợn thường hay lui tới, nên nơi đây tục gọi là Đường Lâm hay Cam Lâm.

Phùng Hưng có tên tự là Công Phấn, cháu 7 đời của Phùng Tói Cái - người đã từng vào trong cung nhà Đường Cao Tổ, đời Đường Vũ Đức (618-626) dự yến tiệc và làm quan lang ở đất Đường Lâm. Bố của Phùng Hưng là Phùng Hạp Khanh - một người hiền tài đức độ. Khoảng năm Nhâm Tuất (722) đời Đường Khai Nguyên, ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan. Sau đó, ông trở về quê chăm chú công việc điền viên, trở nên giàu có, trong nhà nuôi nô tỳ có đến hàng nghìn người (theo bia Quảng Bá).

Theo sự tích, Phùng Hạp Khanh có một người vợ họ Sử. Ông bà sinh một lần được ba người con trai khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, có thể kéo trâu, quật hổ. Anh cả là Phùng Hưng, em thứ 2 là Phùng Hải (tự là Tư Hào) và em út là Phùng Dĩnh (tự là Danh Đạt). Đến năm ba anh em 18 tuổi thì bố mẹ đều mất.

Cho tới nay về ngày sinh và ngày mất của Phùng Hưng vẫn chưa rõ. Một nguồn dã sử cho biết Phùng Hưng sinh ngày 25 tháng 11 năm Canh Tý (760) (tức 5-1-761) và chết ngày 13 tháng 8 năm Nhâm Ngọ (tức 13-9-802), thọ 41 tuổi. Trong ba anh em, anh cả Phùng Hưng là người có sức khỏe và khí phách đặc biệt. Ông được sử sách và truyền thuyết dân gian lưu truyền về tài đánh trâu, quật hổ ở đất Đường Lâm. Có lần ông đánh được 2 con trâu mộng đang húc nhau, dân làng ai cũng thán phục. Lần khác lại trừ được hổ dữ, bằng mưu kế, đem lại bình yên cho làng xóm mà cho tới giờ nhân dân Đường Lâm còn lưu truyền về câu chuyện đó.

Phùng Hưng còn là vị anh hùng đầu tiên trong những người con ưu tú của đất Đường Lâm. Và Phùng Hưng cũng là người anh hùng đầu tiên đã đánh chiếm lại thành Tống Bình (Hà Nội), trị sở của chính quyền đô hộ lúc đó và xây dựng nền tự chủ trong khoảng gần chục năm.

Thoạt kỳ thủy, anh em họ Phùng nổi dậy làm chủ Đường Lâm rồi nghĩa quân tiến lên đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc. Phùng Hưng xưng là: Đô Quân; Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp nhưng chưa phân thắng bại. Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm.

Năm Tân Mùi 791, mùa hạ, tháng 4, Phùng Hưng cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình. Quân của Phùng Hưng chia làm 5 đạo do các tướng Phùng Hải, Phùng Dĩnh, Đỗ Anh Hàn, Bồ Phá Cần và chủ tướng Phùng Hưng tiến công vây thành. Quân của Cao Chính Bình (khoảng hơn 4 vạn bia Quảng Bá) đem ra chống cự. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt trong khoảng 7 ngày, quân địch chết nhiều, Cao Chính Bình phải vào cố thủ trong thành, lo sợ cuối cùng bị ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước được 7 năm thì mất. Rất tiếc trong 7 năm ấy, sử sách không để lại một nguồn tài liệu nào về ông. Sau khi mất, con trai ông là Phùng An lên nối ngôi, dâng tôn hiệu cha là Bố Cái Đại Vương. An nối nghiệp được hai năm thì chính quyền lại rơi vào tay giặc. Nền tự chủ vừa mới xây dựng, chỉ tồn tại vẻn vẹn trên dưới 9 năm.

Sử liệu và truyền thuyết dân gian ở vùng Đường Lâm kể lại rằng: Phùng Hưng chết rồi rất hiển linh, thường hiện hình trong dân gian, giúp dân trong lúc hoạn nạn. Dân làng cho là linh ứng, lập miếu để thờ tự tại Đường Lâm. Tương truyền sau này, Phùng Hưng còn hiển linh giúp Ngô Quyền đánh thắng giặc ở sông Bạch Đằng. Thấy vậy, Ngô Quyền cho lập đền thờ quy mô to lớn hơn trước. Sự ngưỡng mộ đối với người anh hùng dân tộc họ Phùng còn thể hiện ở việc lập đền thờ phụng của nhân dân như ở đình Quảng Bá (Hà Nội), đình Triều Khúc (Hà Tây), thờ ở lăng Đại áng, Phương Trung, Hoạch An, phủ Thanh Oai (Hà Tây),v.v.

Hiện nay dấu vết lăng mộ của Phùng Hưng còn lại ở đầu phố Giảng Võ (gần bến xe Kim Mã), vì khi chết, ông được mai táng ở cạnh phủ Tống Bình, sau đó mới đưa thi hài về quê hương. Để tưởng nhớ người anh hùng dân tộc, Nhà nước ta đã đặt tên phố Phùng Hưng tại phía cửa Đông của thủ đô Hà Nội.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #21
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Bằng Ðoàn (1890-1955)

Kể từ ngày cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946), Quốc hội Việt Nam đã trải qua hơn 60 năm với 11 khoá hoạt động. Cùng với quá trình khẳng định vai trò quan trọng là cơ quan đại diện dân cử cao nhất, cơ quan quyền lực cao nhất nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội còn ghi nhận vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những vị lãnh đạo đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử của Quốc hội, trong đó có cụ Bùi Bằng Đoàn.
Cụ Bùi Đình Đoàn sinh năm 1890, trong một gia đình nho học. Năm 1906 Cụ cùng hai người anh là Bùi Bằng Phấn, Bùi Bằng Thuận đỗ đồng khoa trong kỳ thi Hương ở Huế. Cụ đã từng giữ các chức quan: chánh án tỉnh Bắc Ninh, Tuần phủ tỉnh Cao Bằng, rồi tỉnh Ninh Bình, năm 1933 dưới triều Hoàng đế Bảo Ðại Cụ được cất nhắc tới chức thượng thư Bộ Hình.



Cụ Bùi Bằng Đoàn được Chỉ tịch Hồ Chí Minh coi là một bậc đại thần “triều ẩn lập thân hành thiện” - làm quan lớn trong chế độ cũ nhưng một lòng thanh liêm, yêu nước thương dân.

Khi đọc được bức thư “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên báo Cứu quốc số 411, ngày 20/11/1946, với niềm hạnh phúc của một người "làm quan từ thuở ngoài hai mươi tuổi của cái thời nước mất, ngoại bang đô hộ; hơn ba mươi năm ở ghế quan trường dưới ba đời vua “An Nam” giờ đã được nhìn thấy đất nước độc lập, tự do, cụ đã đồng ý ra "giúp thêm ý kiến trong công việc hưng lợi, trừ hại cho nước nhà dân tộc”.

Cụ tham gia Quốc hội với tư cách đại biểu Hà Đông và được bầu làm Trưởng ban thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I ngày 9/11/1946.

Trong suốt thời gian phục vụ cách mạng, cụ Bùi cùng các nhân sĩ yêu nước như Phan Kế Toại, Vi Văn Định luôn sát cánh bên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, kể cả khi ốm bệnh. Năm 1948, cụ bị ốm nặng và phải đi chữa bệnh. Cụ từ trần ngày 13/4/1955 ở tuổi 65, sau một thời gian dài ốm nặng mà vẫn cố gắng góp phần vào công việc của Quốc hội, làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân.

Thư "Tìm người tài đức" của Chỉ tịch Hồ Chí Minh:

“Nước nhà cần phải được kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức.

E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận.

Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.

Báo cáo phải nói rõ: Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở.

Hẹn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #22
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Cầm Hổ (1390–1483)

Bùi Cầm Hổ sinh năm 1390 mất năm 1483 Quê xã Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc nay là xã Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân từ một người chăn trâu nghèo khổ, lớn lên ra Thăng Long học. Khi đứng ra làm minh chứng cho vụ án “Canh lươn” được nhân dân cho là người có tài, tuy chưa đi thi nhưng triều đình đặc cách trọng dụng. Ông đã từng giữ các chức vụ: Ngự sử Trung thừa, An Vũ sứ Lạng Sơn, thăng Tham tri chính sự, chức Á tướng thờ ba triều vua Lê sơ là: Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông.

Thời Lê Thái Tổ Bùi Cẩm Hổ được xem là một trong hai vị khai quốc công thần và đã được cử làm thái sư dạy học cho con trưởng của Lê Lợi là vua Lê Thái Tông; con gái Bùi Cẩm Hổ cũng được tiến cung trở thành Bùi Quý Phi, vợ của vua Lê Thái Tông, sinh ra cung vương Lê Khắc Xương.

Sau khi Lê Thái Tổ mất, Tư đồ Lê Sát làm phụ chính cho vua Lê Thái Tông lúc đó mới 11 tuổi, cậy quyền làm nhiều điều trái phép, những ai không hợp ý tìm cách hãm hại. Lê Sát đã cố tiến cử với vua Thái Tông các gian thần như: Trình Hoàng Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư.(Những nhân vật này từ thời Lê Thái Tông đã có công về phe với Lê Sát để vu cáo Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn nhưng vua Thái Tổ đã có lệnh cấm những người đó tham dự triều chính). Lúc đó Bùi Cấm Hổ và Nguyễn Thiên Tích đã thẳng thắn can vua Thái Tông nên theo lời di huấn của cha. Vua Thái Tông nghe theo, cương quyết giữ phép tắc của Lê Thái Tổ, không phục chức cho mấy người đó.

Vì vậy Lê Sát ghét Bùi Cấm Hổ. Ông bị đổi ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn. Thủ đoạn trù dập của Lê Sát là thế ông vẫn không vì thế lấy đó làm điều. Khi Lê Sát phạm tội chuyên quyền, nhà vua ra lệnh chém bêu đầu, ông được triệu về kinh đô làm Ngự sử trung thừa và ông đã can vua không nên áp dụng hình phạt đó đối với một đại thần từng là phụ chính vốn là khai quốc công thần.

Trong việc chọn cộng sự ông cất nhắc trước hết những người trung trực kiên quyết dám nói sự thực bảo vệ lẽ phải. Tiêu biểu là việc tâu xin nhà vua đề bạt Trần Hiển làm Thị Ngự Sử bởi ông nhận thấy thái độ cương trực thẳng thắn của Trần Hiển đã dám dâng sớ tố cáo Lê Hiệu là viên Tổng quản cậy mình có uy quyền cho lấp đoạn sông mà thuyền bè thường qua lại thuận tiện để làm của riêng.

Mùa đông năm 1438, Bùi Cầm Hổ được sung chức Phó sứ sang nhà Minh.

Khi nghỉ về quê ông vẫn chăm lo đồng điền như một lão nông, ông đã cùng dân làng xây một con đập bằng đá chặn dòng khe Vẹt dẫn nước từ núi xuống đủ tưới hàng trăm mẫu ruộng của làng xưa nay vốn bị hạn hán. Ông đã trở thành một trong những vị “tổ sư” ở vùng Nghệ Tĩnh về đắp đào kênh dẫn nước tưới ruộng. Khi ông mất triều đình ghi công và phong Bỉnh quân đại vương, Thượng đẳng phúc thần, đền thờ ông được xây cất ở Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, ngay bên hữu ngạn ngọn khe Vẹt trước chân núi Bạch Tỵ trong dãy núi Hồng nhân dân cả vùng quen gọi là đền Đô Đài: “Tháng Giêng Đô Đài, tháng hai Hương Tích”. Đền thờ hiện nay đã được Bộ Văn hoá - Thông tin Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Bùi Cầm Hổ với toàn bộ sự nghiệp nhân cách đức độ và phong tiết của ông đã tạo nên tấm gương sáng ngời về đạo lý truyền thống tốt đẹp bằng dấu ấn lịch sử hết sức sâu đậm để lại hậu thế dài lâu không thể phai mờ.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #23
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Chi Nhuận

Bùi Chi Nhuận là Chí sĩ cận đại. Không rõ năm sinh, năm mất, quê làng Nhật Tảo, tỉnh Tân An nay là TX Tân An, tỉnh Long An.

Ông nhiệt tình yêu nước, tận tụy hoạt động cứu nước, rất giỏi việc kinh tài. Hưởng ứng phong trào Đông du. Năm 1905 Bùi Chi Nhuận và Trần Chánh Chiếu cùng nhau đứng ra kêu gọi được một số lớn điền chủ hưởng ứng cuộc Minh Tân, ủng hộ ông Phan Bội Châu và ông Cường Để. Năm 1907, ông sang Nhật học tập. Năm 1908 khi chính phủ Nhật câu kết với Pháp gây việc trục xuất du học sinh người Việt, ông bèn sang Xiêm (Thái Lan).

Lúc Cường Để ngụ tại ngôi chùa của hòa thượng Phan Tất Chánh ở Xiêm, ông được cử làm thủ quỹ, hiệp với Nguyễn Thần Hiến mở cuộc nghĩa quyên lấy tiền gây dựng cơ sở cứu nước.

Năm 1913, ngày 9 tháng 4, ông bị bắt tại Xiêm, giải về nước cuối năm ấy, bị kết án khổ sai chung thân, và bị đày ra Côn Đảo. Sau được thả, ông về Tân An sống với nghề đông dược, đến già vẫn chẳng đổi lòng

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #24
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Công Trừng (1905-1986)

Bùi Công Trừng: (1905-1986), Phái viên, Nhà Hoạt động chính trị, quê tỉnh Thừa Thiên, thoát li hoạt động cách mạng từ hồi còn rất trẻ, bị Pháp bắt nhiều lần, ông từng học ở trường Đại học Đông Phương Staline ở Mạc Tư Khoa. Sau khi về nước hoạt động ở Sài Gòn, từng làm Bí thư xứ ủy Nam Kì Đảng cộng sản Đông Dương trước năm 1945.
Bùi Công Trừng sinh năm 1905 nguyên quán ở Huế, Năm 1927 Bùi Công Trừng học tại Trường Ðại học Phương Ðông cùng với Ngô Ðức Trì, Nguyễn Thế Rục, Trần Phú, Bùi Lâm, Nguyễn Xích. Nhóm cộng sản Việt Nam đầu tiên được thành lập tại Moskva, trong phòng ngủ của Nguyễn Xích, gồm 5 người nói trên. Lê Hồng Phong còn đang học Trường hàng không ở Leningrad nên không có mặt (theo hồi ký Phải Sống Cho Ðời Sống của Bùi Công Trừng). Trước đó ông là trí thức và là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đang du học tại Pháp được Đảng Cộng sản Pháp giới thiệu qua Moskva.

Năm 1937 Ông cùng với Hải Triều, Nguyễn Cửu Thạnh, Lâm Mộng Quang, Lê Bồi, Hà Thế Thanh... đã cùng nhau biên tập tờ báo Dân, tờ báo của Xứ ủy Trung Kỳ do Phan Ðăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Báo Dân kết hợp chặt chẽ với các đại biểu tiến bộ trong Viện Dân biểu và phong trào cách mạng của quần chúng, tạo nên sức mạnh to lớn chống sưu cao, thuế nặng, chống áp bức bất công, đòi tự do ngôn luận, đặc biệt là đánh bại dự án thuế thân và thuế điền thổ do khâm sứ Trung Kỳ đưa ra, làm rung chuyển bộ máy cai trị ở chính nơi đầu não của chúng.

Sau ngày toàn quốc kháng chiến ông ra công tác ở chiến khu Việt Bắc, hòa bình lập lại, ông là ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, thứ trưởng bộ kinh tế, Phó chủ nhiệm ủy ban kế hoạch nhà nước.

Đầu năm 1959, ông được cử về Uỷ ban Khoa học Nhà nước, cùng nhà kinh tế học GS. Trần Phương xây dựng Viện Kinh tế học.

Cũng trong thời kỳ này ông là người gióng hồi chuông báo động sớm nhất về nạn phá rừng. Khi đó các vấn đề môi sinh chưa trở thành vấn đề gay gắt toàn cầu, ông đã viết những bài về việc phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Ở thời điểm 1962-1963, ông Bùi Công Trừng dám công khai lên tiếng đòi tham gia phân công lao động và hòa nhập thị trường quốc tế, ngầm ý muốn đột phá đầu ra cho các làng nghề đến với trường Tây Âu, quả là sáng suốt và dũng cảm. Sau này, kể từ 1990, các làng nghề thủ công mỹ nghệ như Ðồng Kỵ, Bát Tràng, Vạn Phúc đột biến thăng hoa, xuất hiện nhiều tỷ phú nhờ hòa nhập với thị trường thế giới, ta càng thêm kính phục ông Bùi Công Trừng và các cộng sự trong vụ bị quy kết là phần tử xét lại (1967). Còn vào thời đó(áp dụng Mô hình kinh tế mới (1961-1965) của Đảng), các làng nghề bị mai một dần, đời sống của nông dân các làng nghề cùng chịu chung số phận nghèo đói như các làng thuần nông. Một làng nghề gốm sứ nổi tiếng như Bát Tràng lại chỉ cho ra đời thứ sản phẩm là những chiếc bát đĩa sành cong vênh, méo mó!...

Ông mất năm 1986 tại Hà Nội, để lại một tập sách dày gồm những suy nghĩ của ông về phát triển kinh tế địa phương, kết quả của những nghiên cứu sâu sắc và khoa học, đến tận thời kỳ "bung ra" (1979-1980) vẫn còn đắc dụng cho các tỉnh ủy.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #25
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Đình Túy (1914 – 1967)

Bùi Đình Túy(1914 – 1967) cũng được biết đến như là Đinh Thúy, một trong những nhà báo ảnh thuộc vào hàng nổi tiếng nhất Việt Nam, sinh năm 1914 trong một gia đình nông dân ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Sinh ra với tình yêu và tài năng dành cho nghệ thuật, năm 21 tuồi Bùi Đình Túy đã một mình khăn gói ra Hà Nội và tìm đến trường Bách Khoa Hà Nội để tham gia các khóa học nhiếp ảnh và vẽ.

Một năm sau Ông tham gia nhóm sinh viên đình công ủng hộ cho mặt trận Đông Dương và bị trục xuất, Sau đó Ông vào Sài Gòn và làm việc cho một rạp chiếu phim Indochine Cinema với vai trò là một họa sĩ. Không lâu sau Ông bị chính quyền thuộc địa Pháp bắt giam vì những hoạt động chống đối. Nhưng Ông đã thoát được và tham gia vào phong trào Việt Minh hoạt động tại khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn.

Sau Cách Mạng Tháng Tám thành công năm 1945 Bùi Đình Túy làm việc tại văn phòng nhiếp ảnh.

Năm 1949 Ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản và đến năm 1953 Ông được xem là một nhiếp ảnh gia phục vụ chính trị của Đảng Cộng Sản tại khu vực Sài Gon - Chợ Lớn.

Năm 1954 Ông dẫn đầu phái đoàn nhiếp ảnh gia từ miền Nam ra miền Bắc. Năm 1956 ông giữ trọng trách Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) và được vinh dự tháp tùng Hồ Chí Minh lần đầu tiên ghé thăm Ấn Độ năm 1958.

Để đáp ứng nhiều hơn những nhu cầu cần thiết của cơ quan Thông tấn xã Ông đã dẫn đầu một nhóm những nhiếp ảnh chuyên nghiệp sang Đức để học hỏi công nghệ làm nên ảnh màu và năm 1961 Ông đã mở một Studio Ảnh màu đầu tiên tại Hà Nội.

Năm 1965, chiến tranh Mỹ ngày càng leo thang, người đàn ông 50 năm tuổi với một nụ cười lạc quan và dịu dàng lại một lần nữa cùng chiếc ba lô đầy đạo cụ trên lưng đã xuyên qua dãy Trường Sơn tới vùng biên giới Tây Ninh - Campuchia. Nhiệm vụ quan trọng của Ông là bắt lấy những khoảng khắc của chiến tranh và xây dựng một đội ngũ phóng viên chiến trường cho Thông Tấn Xã Giải Phóng. Đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong hoàn cảnh thiếu thốn vế thiết bị cũng như cơ sở vật chất. Nhưng với bản lĩnh của một chí sỹ yêu nước, yêu nghề Ông đã thiết lập được những phòng tối di động, để có thể nhanh chóng mang đến cho thế giới, đặc biệt là mang đến cho đồng bào của mình những hình ảnh anh hùng cũng như bi kịch của chiến trang mang đến.

Năm 1967 Bùi Đình Túy, hy sinh tại Trảng Dầu, tỉnh Bình Long, Đông Nam Bộ trong một cuộc đánh bom của không quân Mỹ.

Ông đã để lại những tấm ảnh lịch sử mà tiêu biểu là ảnh quân ta đánh chiếm xe bọc thép của quân Pháp trong chiến dịch Sài Gòn đầu năm 1950; ảnh máy bay quân Pháp bị quân ta đánh rơi ngay trên đường Lý Văn Mạnh - Chợ Lớn, tháng 3/1950; ảnh Bác Hồ gắn Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn, ngày 19/8/1958, nhân dịp Bác Tôn tròn 70 tuổi. Và tấm ảnh Bác Hồ chụp chung với một số nhà báo, trong đó có nhà báo Đinh Thúy.

Để ghi nhận công lao của nhà báo liệt sỹ Đinh Thúy, TP HCM đã đặt một tên đường phố và một cây cầu ở quận Bình Thạnh mang tên Bùi Đình Túy.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #26
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Giáng (1926-1998)

Bùi Giáng (1926-1998) là một nhà thơ, dịch giả và nghiên cứu văn học của Việt Nam, ông nổi tiếng từ thập niên 1960 với tập Mưa nguồn. ông còn có các bút danh khác: Bán Dùi, Bùi Giàng Dúi. Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926, tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông mất ngày 7 tháng 10 năm 1998 tại Tp.HCM.

Bố của Bùi Giáng là ông Bùi Thuyên, thuộc đời thứ 16 của dòng họ Bùi ở Quảng Nam. Do người vợ cả qua đời sớm nên ông lấy người vợ kế là bà Huỳnh Thị Kiền. Bùi Giáng là con thứ hai của Bùi Thuyên với Huỳnh Thị Kiền nhưng là con thứ 5 nếu tính tất cả các anh em. Khi vào Sài Gòn, ông được gọi theo cách gọi miền Nam là Sáu Giáng.

Bùi Giáng cưới vợ năm 18 tuổi (1944), vợ ông là bà Phạm Thị Ninh nổi tiếng xinh đẹp, nhưng chỉ vài năm sau, bà bị bệnh, sinh non và cả 2 mẹ con cùng chết. Nhiều người cho rằng đây là 1 trong những lý do khiến Bùi Giáng bị điên từ lúc trẻ. Thời gian này ông có đi chăn bò và dê (theo tập thơ Mưa nguồn, bài "Nỗi lòng Tô Vũ" và "Anh lùa bò vào đồi sim trái chín"). Có tài liệu cho rằng ông chỉ đi chăn dê.

Ông nổi tiếng bởi tốc độ sáng tác nhanh: tập thơ Mười hai con mắt được ông sáng tác chỉ trong một đêm Noel năm 1992.

Từ năm 1962, Bùi Giáng liên tục cho ra đời nhiều đầu sách. Mỗi năm đều đều vài ba cuốn. Ông là một tác giả có tác phẩm in ra đứng vào hàng kỷ lục ở miền Nam Việt Nam trước 1975. Sách của ông có thể chất thành chồng cao cả mét, thơ thì phải kể bằng đơn vị nghìn bài.

Sau năm 1975, ông không bị đi học tập cải tạo như nhiều văn sĩ miền Nam khác vì ông bị mắc bệnh tâm thần.

Từ 1975 trở đi ông vẫn tiếp tục sáng tác rất nhiều thơ, nhưng thời gian này ông có biểu hiện bệnh tâm thần nặng. Ông thường rong chơi nghịch ngợm ngoài đường với bộ đồ rách rưới, dơ dáy, nhiều lần bị công an bắt vì gây rối trật tự, cản trở giao thông.

Tháng 10 năm 1998, trong một lần đi chơi ông bị té làm chấn thương sọ não. Sau khi hỏi ý kiến của nghệ sĩ Kim Cương, bệnh viện chợ Rẫy quyết định mổ cho ông, song ông đã qua đời vào ngày 7 tháng 10, 1998.

Chuyện tình cảm

Bùi Giáng chỉ có 1 vợ là bà Phạm Thị Ninh, một thiếu phụ hồng nhan bạc mệnh đã để lại cho ông nhiều đau khổ. Đó là lý do để trong thơ của ông sau này thường xuyên nhắc đến sự mất mát, sự chia ly, một hình bóng cũ: "Có hàng cây đứng ngóng thu/ Em đi mất hút như mù sa bay; hay những dòng thơ trên bia mộ của Bùi Giáng:

Đùa với gió, rỡn với vân
Một mình nhớ mãi
gái trần gian xa
Sương buổi sớm, nắng chiều tà
Trăm năm hồng lệ có là bao nhiêu

Song ngoài người vợ đầu, Bùi Giáng cũng có những đối tượng khác để yêu, để làm thơ, ngoài mối tình đơn phương nổi tiếng giành cho nghệ sĩ Kim Cương, còn phải kể đến những mối tình vượt không gian với những mỹ nhân Tây Phương như Marilyn Monroe (mà ông gọi là Lyn-rô), Brigitte Bardot, ngoài ra trong thơ ông còn có những hình bóng của ca sĩ Hà Thanh, Thái Thanh, ni cô Trí Hải, ni cô Phùng Khánh (ông gọi là Mẫu thân Phùng Khánh), hay cả những nhân vật tiểu thuyết Marguerite, A Châu, A Tử.

Riêng mối tình đối với Kim Cương được cho là sâu đậm nhất, và đã để lại khá nhiều giai thoại.

Tác phẩm
Thơ


-Mưa nguồn (1962)
-Lá hoa cồn (1963)
-Màu hoa trên ngàn (1963)
-Mười hai con mắt (1964)
-Ngàn thu rớt hột(1967)
-Rong rêu (1972)
-Thơ vô tận vui (1987)
-Mùa màng tháng tư (1987)
-Mùi Hương Xuân Sắc (1987)

Dịch thuật

-Trăng châu thổ
-Hoàng Tử Bé
-Khung cửa hẹp
-Hòa âm điền dã
-Ngộ nhận
-Cõi người ta
-Nhà sư vướng luỵ

Nghiên cứu

-Tư tưởng hiện đại (1962)
-Martin Heidgger và tư tưởng hiện đại (1963)
-Đi vào cõi thơ
-Thi ca tư tưởng
-Một vài nhận xét về bà huyện Thanh Quan
-Một vài nhận xét về Lục Vân Tiên, Chinh Phụ Ngâm, quan Âm Thị Kính
-Vài nhận xét về truyện Kiều và truyện Phan Trần
-Sa mạc phát tiết (1965)
-Sa mạc trường ca (1965)
-Bài ca tuần đạo (1969)
-Mùa thu trong thi ca
-Ngày tháng ngao du

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #27
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.062
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872)

Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), tên cũ là Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi, là quan nhà Nguyễn và là nhà thơ Việt Nam. Ông sinh tại làng Long Tuyền, phủ Vĩnh Định, trấn Vĩnh Thanh (nay là TP Cần Thơ). Cha ông tên Bùi Hữu Vị, làm nghề thuyền chài. Vì nhà quá nghèo nên mặc dù Bùi Hữu Nghĩa thông minh, chăm chỉ, ông chỉ theo học chữ Hán được mấy năm. Sau nhờ một nhà giàu cùng xóm họ Ngô, vì mến tài, giúp cho ông lên Biên Hòa theo học với thầy Đỗ Hoành.

Năm 1835 ông đậu thủ khoa trong kỳ thi hương ở Gia Định, vì thế ông được gọi là Thủ khoa Nghĩa. Sau khi đỗ kỳ thi hương, Bùi Hữu Nghĩa ra Huế dự thi Hội nhưng trượt. Tuy vậy, ông vẫn được triều đình cho tập sự ở Bộ Lễ, rồi bổ làm tri phủ Phước Long (Biên Hòa).

Nhưng với bản tính liêm chính, Bùi Hữu Nghĩa không được quan trên ưa, nên ông bị giáng làm tri huyện Trà Vang (tức Trà Vinh, thuộc tỉnh Vĩnh Long), dưới quyền của tổng đốc Trương Văn Uyển và bố chánh Truyện.

Ở nơi mới, Bùi Hữu Nghĩa cũng không được quan trên ưa, vì có lần ông cho đánh đòn em vợ bố chính Truyện, bởi thói xấc láo. Nhưng Bùi Hữu Nghĩa bị họ ghép tội chết, lại là lần ông bênh vực cho người dân Khmer được tiếp tục khai thác nguồn lợi thủy sản ở kênh Láng Thé, nơi ông đang cai quản.

Nguyên Trà Vang là một địa bàn cộng cư của các tộc người Kinh, Hoa, Khmer, nhưng đông nhất là tộc người Khmer.

Nguyên trước kia, vào năm 1783, khi chúa Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, phải về đây trú ẩn, không những chúa được người Khmer chia sẻ lương thực mà còn tình nguyện theo phò giúp. Do vậy, khi lên ngôi, vua Gia Long (tức Nguyễn Phúc Ánh) đã xuống chiếu miễn thuế vĩnh viễn cho tất cả người Khmer đến khai thác nguồn lợi thủy sản ở rạch Láng Thé, huyện Trà Vang.

Thấy nguồn lợi lớn, một số địa chủ người Hoa đem tiền lo lót tổng đốc Uyển và bố chánh Truyện để giành quyền khai thác cá tôm ở rạch Láng Thé.

Bị bức ép, tháng 10 năm Mậu Thân 1848, một số người Khmer do ông Nhêsrok, trưởng Sóc, cầm đầu kéo đến gặp tri huyện Bùi Hữu Nghĩa để khiếu kiện. Biết được hành động tham gian của quan trên và hành động ỷ quyền của nhóm người Hoa, ông phán xử:

"Việc tha thuế thủy lợi là ơn huệ của vua Thế Tổ ban cho dân Thổ, nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà dám đứng bán rạch ấy, thì có chém đầu nó cũng không sao!".

Nghe vậy, những người dân Khmer kéo nhau đến nhà những người Hoa tranh cãi, dẫn đến xô xát, làm phía người Hoa chết 8 người.

Nhân cơ hội này, tổng đốc Uyển và bố chánh Truyện cho bắt những người Khmer gây án, đồng thời bắt luôn Bùi Hữu Nghĩa, tạm giam ở Vĩnh Long rồi giải về Gia Định, đệ sớ lên triều đình tố cáo ông đã kích động dân Khmer làm loạn và lạm phép giết người. Nhận được tin dữ, vợ ông là Nguyễn Thị Tồn, đã quá giang ghe bầu, vượt sóng gió ra Huế.

Bấy giờ, Phan Thanh Giản đang làm Thượng thư bộ Lại, Nguyễn Thị Tồn tìm đến tư dinh ông Phan trình bày hết mọi việc, rồi nghe theo lời khuyên, bà đến Tam pháp ty gióng trống “kích cổ đăng văn” (đánh trống, đội đơn) kêu oan cho chồng.

Sau sự kiện chấn động này, Bùi Hữu Nghĩa được vua Tự Đức tha tội chết, song phải chịu “quân tiền hiệu lực”, tức bị đày làm lính ở đồn Vĩnh Thông (thuộc Châu Đốc), đoái công chuộc tội.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, Bùi Hữu Nghĩa xin từ chức, về quê dạy học. Nhà ông là nơi các sĩ phu yêu nước gặp gỡ, bàn bạc việc chống Pháp cứu nước.

Ông lâm bệnh và mất ngày 21 tháng 01 năm Nhâm Thân (1872).

Nhận xét

Bùi Hữu Nghĩa nổi tiếng thơ hay:

Đồng Nai có bốn rồng vàng,
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi.


Mặc dù từ quan, Bùi Hữu Nghĩa vẫn thầm kín tham gia phong trào Văn Thân, cùng một chủ trương như Phan Văn Trị, ông họa thơ lên tiếng kết án đường lối thỏa hiệp với Pháp của Tôn Thọ Tường.[1]

Bàn thờ Bùi Hữu Nghĩa tại đình Bình Thủy
Và nhìn chung, cảm hứng nổi bật trong thơ Bùi Hữu Nghĩa là nỗi niềm chua xót và tấm lòng vàng đá đối với đất nước, sự khao khát được trở lại một thuở thăng bình theo lý tưởng Nho giáo. Ông thường vịnh vật để tỏ thái độ khinh thị bọn người có địa vị trong xã hội đương thời, bất tài và hãnh tiến; vịnh các nhân vật lịch sử để bộc bạch tâm sự bất đắc chí, sinh không gặp thời...[2]

Bên cạnh đó, văn thơ ông dành cho vợ cho con, cũng rất chân thật, cảm động. Đặc biệt, vở tuồng ba hồi Kim Thạch kì duyên[3],được coi là một trong số những vở tuồng cổ nhất nước Việt, là vở tuồng đầu tiên được dịch ra tiếng Pháp và đã từng lưu diễn khắp nơi.[4] Từ điển Bách khoa đánh giá: Cùng với các vở của Đào Tấn, Nguyễn Hiển Dĩnh, vở "Kim Thạch kì duyên" của Bùi Hữu Nghĩa đánh dấu sự chuyển biến của tuồng Việt Nam cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20.[5]

Hiền phụ
Nguyễn Thị Tồn (? - ?) vợ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, người thôn Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chính, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), là con gái đầu lòng của ông Nguyễn Văn Lý, hộ trưởng thôn Mỹ Khánh.

Không rõ bà thành vợ chồng với thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa lúc nào, nhưng chắc phải sau năm 1836, khi ông Nghĩa ra Huế thi Hội bị trượt, được triều đình cho tập sự ở bộ Lễ, rồi bổ làm tri phủ Phước Long, thuộc Biên Hòa.

Sau khi ra Huế đánh trống kêu oan cho chồng, bà được thái hậu Từ Dụ, mẹ vua Tự Đức, ban cho tấm biển chạm 4 chữ vàng Tiết phụ khả gia.

Tuy cứu được chồng, Nguyễn Thị Tồn trở về đến quê nhà ở Biên Hòa, thì lâm bệnh mất và được an táng ở nơi đó...[6].

Nguyễn Thị Tồn mất, lúc bấy giờ Bùi Hữu Nghĩa đang ở biên trấn xa xôi, nên khi ông đến Biên Hòa thì việc an táng đã xong, ông đành làm bài văn tế muộn, một cặp câu đối (một Hán, một Nôm) để tỏ lòng thương tiếc:

Cặp đối chữ Hán:

Ngã bần, khanh năng trợ; ngã oan khanh năng minh, triều dã giai xưng khanh thị phụ
Khanh bệnh, ngã bất dược; khanh tử ngã bất táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu.

Dịch:

Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ.
Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng.

Cặp đối chữ Nôm :

Đất chẳng phải chồng, bao nỡ thịt xương gởi đó,
Trời mà mất vợ, thử xem gan ruột mần răng!


Trích văn tế khóc vợ :

Phụng lìa đôi chếch mác, đừng nói sửa sang giềng mối, khi túng thiếu manh quần tấm áo, biết lấy ai mà cậy nhờ;
Gà mất mẹ chít chiu, đừng nói nhắc biểu học hành, khi lạt thèm miếng bánh đồng hàng, biết theo ai mà thỏ thẻ.


Thơ

Ai xui Tây đến

Ai khiến thằng Tây tới vậy cà?
Đất bằng bỗng chốc nổi phong ba.
Hẳn hoi ít mặt đền ơn nước,
Nháo nhác nhiều tay bận nỗi nhà.
Đá sắt ôm lòng cam với trẻ,
Nước non có mắt thấy cho già.
Nam kì chi thiếu người trung nghĩa,
Báo quốc cần vương dễ một ta!


Thời cuộc
(họa thơ Tôn Thọ Tường)
Anh hùng sáu tỉnh thiếu chi đây
Đâu để giang sơn đến thế này.
Ngọn lửa Tam Tần phừng đất cháy,
Chòm mây Ngũ quý lấp trời bay.
Hùm nương non rậm đang chờ thuở,
Cáo loạn vườn hoang thác có ngày.
Một góc cảm thương dân nước lửa,
Đền Nam trụ cả há lung lay.

Đề mồ nhà vợ

Đã chồng ba năm mới đặng thăm,
Màn loan đâu vắng bặt hơi tăm
Gió đưa, đâu thấy hình dương liễu,
Đêm vắng, ai hoài tiếng sắc cầm.
Chồng nhớ vợ, lòng tơ bối rối,
Con thương mẹ, lụy ngọc tuôn dầm.
Có linh chín suối đừng xao lãng,
Thỉnh thoảng về thăm lúc tối tăm. ’'


Tưởng nhớ

Ngưỡng mộ công đức của Bùi Hữu Nghĩa, nhân dân trong vùng đã lập thần chủ, bài vị tôn thờ vợ chồng ông ở đình thần Bình Thủy và chùa Nam Nhã. Hàng năm vào ngày 21 tháng giêng đều tổ chức lễ giỗ ông.

Khi xưa (năm 1872) mộ Bùi Hữu Nghĩa được xây bằng đá ong. Toàn bộ khu vực mộ rộng 530 m2, có hàng rào bao bọc. Cách ngôi mộ chính về phía sau khoảng 1m là ngôi đền thờ. Năm 1974 và mấy năm gần đây, nhờ mở rộng đường sá, nên đường dẫn đến khu mộ không còn là con hẻm nhỏ hẹp và nhà cửa của dân vây quanh, cũng đã được sắp xếp lại, nên khu mộ trông đã khang trang, thoáng đãng rất nhiều.

Khu mộ cách đường Cách Mạng Tháng 8 khoảng vài trăm mét, thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích Lưu niệm Danh nhân vào ngày 25 tháng 01 năm 1994.

Tên ông cũng được nhiều tỉnh thành trong nước Việt Nam, chọn đặt tên cho trường học và đường phố.

Chú thích

1.Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam, quyển hạ, NXB Trình bày, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản, tr.57.
2.Từ điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr.166.
3.Kim Thạch kì duyên, diễn tả cuộc tình duyên đầy sóng gió giữa chàng Kim Ngọc và nàng 3.Thạch Võ Hà, ca ngợi tình yêu chung thuỷ, khinh ghét kẻ tham vàng bỏ ngãi, chiến thắng độc ác, vượt ra ngoài chủ đề tôn quân.
4.Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam, quyển hạ, NXB Trình bày, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản, tr.57.
5.Từ điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004, tr.166.
6.Sau này, Bùi Hữu Nghĩa tục huyền với Bà Lưu Thị Hoán, người Vĩnh Thông, sanh được 1 gái, 3 trai

Tài sản của LSB-Sun
Đã khóa chủ đề


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 05:50
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,12962 seconds with 15 queries