Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Đã khóa chủ đề
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 12-07-2009   #10
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ba Vân (1908 – 1988)

Ba Vân (Lê Long Vân) còn gọi là Quái kiệt Ba Vân, là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Ông tên thật Lê Long Vân sinh năm 1908 ở làng An Bình Đông, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Ông sinh ra trong một gia đình đông anh em, từ nhỏ đã được mời thầy về dạy nhạc. Ông được học đánh trống, đánh đồ ngang, chọi bạc, đàn tranh, đàn kìm... Do có chất giọng thanh, trong nên được thầy chú ý. Sau một thời gian học vớii thầy, năm 1917, ông đã đi hát cho các đám tiệc trong làng. Em trai ông là nghệ sĩ Tám Vân.
Năm 1920, ông theo nhóm hát Kiều Vân Tiên. Những năm sau đó, ông gia nhập gánh Tái Đồng Ban, rồi gánh Tân Hí, Đồng Thinh và Nghĩa Hiệp Ban. Từ năm 1927 đến năm 1929, ông gia nhập gánh Quảng Lạc ở Hà Nội.

Trong những năm 1937 - 1939, tài năng của ông bắt đầu nở rộ khi ông gia nhập gánh Đại Phước Cương ra mắt ở Hà Nội. Ông lưu diễn ở miền Bắc 7 lần từ năm 1927 đến 1950, Từ năm 1950 đến 1975, ông sống ở Sài Gòn và tiếp tục đóng góp cho sân khấu cải lương miền Nam. Ông là một trong những bậc thầy về khả năng diễn hài, và được gọi là một trong những quái kiệt về hài của sân khấu miền Nam.

Sau năm 1975, ông tiếp tục hoạt động nghệ thuật sôi nổi. Lần lưu diễn thứ 8 của ông ở Hà Nội là vào năm 1977, khi đoàn Sài Gòn được mời ra thủ đô tham gia hội diễn mừng đất nước thống nhất.

Ba Vân là một trong những cây đại thụ của nghệ thuật sân khấu cải lương cùng với Phùng Há, Bảy Nhiêu, Năm Châu, Tám Danh, Ba Du... Tài năng của ông không chỉ ở các vai hài, mà còn ở khả năng diễn xuất đa dạng, tài tình với các vai hề, lão, độc, văn, võ... Những vở diễn thành công của ông là Men rượu hương tình, Vó ngựa truy phong, Khi người điên biết yêu, Người ven đô... Ngoài ra ông còn đóng trong một số bộ phim như Lan và Điệp (1973), Sợ vợ mới anh hùng (1974), Năm vua hề về làng (1975)...

Năm 1984, ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, nhiều người mến mộ đến chúc mừng người “nghệ sĩ lão thành" đã đạt được vinh quang cao quý ấy, ông từ tốn đáp: “Tôi chỉ có “lão" mà chưa có thành".

Sống thanh bạch và giản dị, tình cảm đôn hậu, trong sáng, nghệ sĩ Ba Vân không những chỉ có bạn bè, đồng nghiệp, học trò của ông quý trọng, mà còn được đông đảo công chúng mến mộ. Cuộc đời hơn nửa thế kỷ gắn bó nghệ thuật cải lương cho đến khi trút hơi thở cuối cùng của ông là một bài học vô giá cho lớp nghệ sĩ hôm nay về tinh thần lao động nghệ thuật, lòng nhân nghĩa, đạo lý ở đời, về đức khiêm nhường, bao dung, về lòng yêu thương con người và yêu nghề. Ông qua đời tại TP. Hồ Chí Minh ngày 24-8-1988, được chôn cất tại Nghĩa trang Nghệ sĩ.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #11
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bạch Đông Ôn (1811-1881)

Bạch Đông Ôn tự là Hòe Phủ, quê xã Lạc Tràng, Kim Bảng cũ, nay thuộc xã Lam Hạ, huyện Duy Tiên. Bạch Đông Ôn đỗ Hoàng giáp năm 25 niên hiệu Minh Mạng thứ 16 (1835). Trước sau chỉ giữ một chức quan bậc trung, tính tình cương trực, điềm đạm và sống liêm khiết. Đời vua Thiệu Trị , khi đang làm quan Ngự sử, ông nhiều lần can gián triều đình, ra sức can ngăn việc đem quân đi lấn chiếm, đề nghị cho bãi binh để quân sĩ được nghỉ ngơi, phục hồi sức lực. Nhà vua phải nghe.
Thấy các sứ bộ ta được phái sang nhà Thanh thường được giao nhiệm vụ mua hàng hóa xa xỉ cho triều đình nên các quan chức thường lợi dụng để buôn bán, ông đề nghị nhà vua chỉ nên mua những thứ có nhu cầu thiết thực, còn những thứ xa xỉ khác xin bỏ bớt để tiết kiệm ngân khố. Việc này thì Thiệu Trị phật ý không nghe. Vì thế ông bị nhiều người ghen ghét, nhất là các quan chức ngoại giao.

Bạch Đông Ôn sống rất giản dị, thanh đạm. Thường ngày chỉ ăn cơm rau dưa, cà ghém. Uống rượu thường chỉ thích nhắm với lạc rang. Khi đi thanh tra các tỉnh miền Bắc để xem xét việc quan tham ô lại, ông tỏ thái độ công bằng, có công thì thưởng, có tội thì phạt, không ăn của hối lộ đút lót.

Năm 1847, khi dang làm Lang trung bộ Lễ, vì bị ốm, ông dâng sớ xin nghỉ về quê chữa bệnh. Vua Thiệu Trị vốn không ưa gì con người cương trực thẳng thắn ấy, nên nổi giận, cho rằng ông thoái thác việc triều đình, giáng chức ông xuống làm Chủ sự, rồi bắt phải “về hưu non” khi ông mới 36 tuổi. Ông nghỉ hưu ở phố Hàng Đào, Hà Nội làm nghề dạy học, lúc rỗi ông chỉ uống rượu ngâm thơ để làm vui. Người bấy giờ ví ông như Đào Tĩnh Tiết (tức Đào Tiềm).

Khi Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ, ông cùng một số sĩ phu mưu tính khởi nghĩa, nhưng việc bại lộ, bị giặc bắt. Được tha về, ông chán nản, quay lại cuộc sống ẩn dật. Khi Bạch Đông Ôn mất (1881), vua Tự Đức có viếng bốn chữ “Thanh bạch vi thủ” (Thanh bạch làm đầu) và truy tặng sắc: “Diên thọ quận công”.

Bạch Đôn là con trai trưởng Bạch Đông Ôn, đi thi Hương chỉ 2 lần đỗ Tú tài, mở trường dạy học ở phố Hàng Đào. Sau tham gia Đông kinh nghĩa thục, thêu cờ “Trượng nghĩa Bình Tây”. Mưu sự chưa thành, bị giặc Pháp bắt. Khi được thả, Bạch Đôn đi các chùa ẩn dật, sống đến năm 72 tuổi.

Bạch Đông Ôn có 50 bài thơ in chung với Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý trong “Danh ngôn thi tập”. Trong“Hoè Phủ thi tập” có 70 bài vịnh cảnh, tả người, dạy con cháu... Ngoài thơ, Bạch Đông Ôn còn viết nhiều câu đối và văn xuôi.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #12
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bạch Liêu (1236 - ?)

Bạch Liêu sinh năm 1236 quê ở làng Yên Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu (nay thuộc huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ông đỗ trạng nguyên đời vua Trần Thái Tôn năm 1266 nhưng không ra làm quan. Ông giúp Trần Quang Khải trấn Nghệ An và có công lớn trong cuộc chống quân Nguyên Mông.
Một trí thức tài hoa lỗi lạc như ông mà tài liệu về ông còn rất ít. "Ðại Việt sủ ký toàn thư" chép vắn tắt: "Tháng ba năm Thiên Long thứ chín đời Trần Thánh Tông, khoa thi lấy Kinh trạng nguyên Trần Cố, Trại trạng nguyên Bạch Liêu. Bạch Liêu là ngư­ời Nghệ An, thông minh, nhớ lâu, đọc sách mười dòng một nháy mắt". Tư chất thông minh, trình độ học vấn như thế quả là xuất chúng. Nhưng ông sinh và mất năm nào, sự nghiệp, gia thế ra sao... chỉ ẩn hiện qua một số mẩu chuyện và ghi chép sơ sài trong tư phả:

Trạng nguyên đệ nhất tam khôi
Nhất danh, nhất giáp, đầu ngôi bảng vàng
Mũ rồng áo tía vua ban
Lọng xanh đi trư­ớc, lọng vàng theo sau...

Ðó là cảnh ông vinh quy về nhà, qua vè dân gian. Một số tư­ liệu cho biết: Bạch Liêu đậu Trạng nguyên nh­ưng xin không ra làm quan để ở nhà báo hiếu song thân, góp công sức xây dựng quê nhà, đ­ược vua chấp nhận. Ðủ thấy phẩm chất cao quý của ông: không màng công danh phú quý, chịu nghèo khó lo phụng d­ưỡng cha mẹ, giúp đỡ quê hư­ơng.

Biết thêm: Ông là môn khách thân tín của Trần Quang Khải khi ông này làm trấn thủ Nghệ An. Trần Quang Khải mến tài trọng đức Bạch Liêu, th­ường gặp gỡ x­ướng họa thơ văn, đàm đạo việc quân việc n­ước. Năm 1287 Bạch Liêu đ­ược củ đi sứ sang Trung Quốc, rồi về sống ở làng Nghĩa L­ư xứ Hải Ðông dạy học, bốc thuốc, dạy dân cày cấy. ở Nghĩa Lư­ cũng như­ ở quê đều xây đền thờ ông làm thần.

Hiến kế đuổi giặc

Năm 1258, quân Nguyên Mông bị quân dân ta đánh cho tan tác ở Ðông Bộ Ðầu (Hàng Than, Hà Nội) phải chạy về nư­ớc, ráo riết chuẩn bị đợt xâm l­ược mới. Trư­ớc tình hình đó, Bạch Liêu đề xuất bản kế hoạch ba điểm, gọi là "Biến pháp tam chư­ơng" nhằm chuẩn bị đối phó với địch. Nội dung:

- Kiểm tra dân số, lấy m­ười vạn trai tráng sung quân, quyên góp để rèn vũ khí. Chỉ tập trung một số quân thư­ờng trực, còn lại ở tại địa phư­ơng, th­ường xuyên luyện tập, khi động dụng sẽ điều đi.

- Khuyến khích các Vư­ơng hầu lập thêm điền trang, đ­ưa dân thiếu ruộng từ Bắc vào khẩn hoang, làm tăng l­ương thực và của cải cho dân no ấm và đầy kho Nhà nư­ớc. Lập các kho thóc, tiền, binh khí, cứ hai mư­ơi dặm một kho, từ Thanh Hóa vào đến Hoành Sơn.

- Lập các đồn điền giáp biên giới phía Nam, đ­ưa nông dân đến khai hoang, lập làng để làm tai mắt theo dõi ngoại xâm.

Trần Quang Khải rất khen "Biến pháp", tự mình cùng em là Trần Quốc Khang đư­a nhiều gia nô vào lập điền trại. Sau 5 năm thực hiện "biến pháp", tình hình mọi mặt ở Hoan Diễn rất tốt, đ­ược triều đình khen ngợi. Năm 1271, Trần Quang Khải đư­ợc triệu về kinh làm T­ướng quốc Thái úy, cùng Trần Quốc Tuấn lo đối phó với tình hình ngày càng nóng bỏng tr­ước âm m­ưu của phư­ơng Bắc. Ông vẫn quan hệ chặt chẽ với Bạch Liêu, hỏi ý kiến nhiều việc.

Năm 1282, Toa Ðô đem năm m­ươi vạn quân, nói là đánh Chiêm Thành, sau khi chiếm hai châu Ô, Lý, bèn tiến ra Nghệ An, đến tận bờ nam sông Lam. Năm 1284, Thoát Hoan đem quân v­ượt biên giới phía Bắc n­ước ta, tràn xuống Vạn Kiếp, rồi vào Thăng Long. Vua Trần và triều đình phải tạm dời vào Thanh Hóa. Trần Quang Khải đ­ược củ vào Nghệ An chặn quân Toa Ðô, Trần Quốc Tuấn đánh cánh quân Thoát Hoan.

Bạch Liêu viết tờ tâu nói rõ tình hình Hoan Diễn, phân tích thế và lực chung của ta và địch, dâng kế sách đối phó. Vua Trần Nhân Tông đọc rất vừa ý, nhất là trong bản tâu của Bạch Liêu nói Hoan Diễn đã sẵn sàng m­ời vạn quân dư­ới cờ. Vua phê ngay vào d­ưới bản tâu hai câu:

Cối Kê cựu sự quân tu ký
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.


ý vua Trần Nhân Tông nhắc Bạch Liêu nhớ kinh nghiệm Cối Kê hồi x­a (khoảng năm trăm năm trư­ớc Công nguyên), Việt Câu Tiễn bị Ngô Phù Sai đánh thua, còn 5.000 quân rút về Cối Kê cố thủ, rồi từ căn cứ đó quật lại, giành đư­ợc thắng lợi cuối cùng. Nhờ có mư­ời vạn lính Hoan Diễn, xã tắc sẽ tồn tại. Các vua Trần hồi đó đúng là tin tư­ởng lính Hoan Diễn.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #13
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932)

Ở nước ta, lịch sử đã ghi lại sự phát triển rất sớm của các ngành nghề thủ công nghiệp, tuy nhiên đó chỉ là những ngành nghề thủ công quy mô nhỏ mà người quản lý thường là chủ gia đình. Đến thời kỳ Pháp thuộc, công nghiệp đã có bước phát triển. Tuy phần lớn DN nằm trong tay chủ tư bản Pháp, nhưng cũng đã xuất hiện những doanh nhân người Việt thành đạt, có ý thức dân tộc, tiêu biểu là Bạch Thái Bưởi. Trong hàng “tứ đại gia” giàu có nhất nước vào những năm đầu của thế kỷ XX (Nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi), Bạch Thái Bưởi (1874-1932) được coi là một doanh nhân kiệt xuất của đất Việt. “Ông vua đường thủy” này - như người ta xưng tụng - đã khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng.

"Cậu ký" lập nghiệp

Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874, trong một gia đình nông dân nghèo, họ Đỗ tại làng An Phúc, tỉnh Hà Đông. Cha ông mất sớm, nên ông phải giúp mẹ sinh sống bằng nghề bán hàng rong. Lúc ấy có một nhà phú hào họ Bạch thấy ông thông minh, lanh lợi, nên nhận làm con nuôi và đổi lại họ Bạch. Nhờ đó, ông có cơ hội ăn học. Bạch Thái Bưởi được đi học chữ quốc ngữ, chữ Pháp. Rồi ông xin làm chân ký lục (nhân viên thư ký) cho một hãng buôn người Pháp ở phố Tràng Tiền (Hà Nội), sau đó sang làm với một hãng thầu công chánh. Chính ở những nơi này, cậu ký Bưởi đã học được cách tổ chức, quản lý sản xuất và tiếp xúc với thiết bị, máy móc.

Vào làm công cho người Pháp, với vốn liếng tiếng Pháp khá thông thạo nên năm 21 tuổi, Bạch Thái Bưởi được Phủ Thống sứ Bắc kỳ chọn làm người giới thiệu sản phẩm gian hàng tại hội chợ Bordeaux (Pháp) năm 1895. Qua chuyến đi này, ông được mở rộng tầm mắt, hiểu biết về kỹ thuật văn minh phương Tây cũng như nghệ thuật kinh doanh làm giàu. Là một thanh niên không chịu an phận, đây là cơ hội ngàn vàng tạo niềm phấn kích, khiến ông quyết tâm đi vào con đường kinh doanh. Vì vậy khi về nước, ông liền xin thôi việc và bắt tay xây dựng cơ nghiệp riêng.

Nhà quản lý chợ tiền bối

Khi người Pháp xúc tiến việc mở đường sắt nối liền Bắc-Nam, nhận thấy nhu cầu tà-vẹt gỗ rất lớn, Bạch Thái Bưởi dốc hết vốn liếng dành dụm bấy lâu hùn với một người Pháp vào việc lãnh thầu cung cấp tà-vẹt cho công trình này. Suốt 3 năm ròng, ông lùng khắp rừng sâu, lũng thấp tìm cho được gỗ thật bền, thật tốt để đáp ứng yêu cầu, gây uy tín với người Pháp. Sau vụ làm ăn này, ông được số tiền lời trên mấy vạn.

Sau đó, ông xin phép mở dịch vụ cầm đồ ở Nam Định. Xưa nay, cầm đồ là lĩnh vực mà người Tàu độc quyền thao túng. Để cạnh tranh với họ, ông phải đem tất cả tài tổ chức, kinh nghiệm ra đối phó. Nhân viên toàn người Việt, lại ăn nói, cư xử nhã nhặn, tiền chịu lời phải chăng, cho nên dù bị nhà cầm quyền làm khó dễ đủ điều, thương khách người Hoa chờ ông vỡ nợ…, nhưng khách hàng của ông vẫn ngày một đông.

Thừa thắng, ông lãnh thêm việc thầu thuế chợ ở Vinh (1906-1913), ở Nam Định (1906-1909), ở Thanh Hóa (1907-1909). Ngành in ấn vốn là nghề hoàn toàn mới lạ đối với ông, nhưng khi thấy xã hội có nhu cầu, ông vẫn bỏ tiền ra mở “Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi” (sau là Đông Kinh ấn quán), xuất bản tờ “Khai hóa nhật báo” nhằm cổ động phong trào thực nghiệp ở nước ta.

"Vua" sông nước Bạch Thái

Năm l909, với vốn liếng, kinh nghiệm làm ăn trong những năm qua, Bạch Thái Bưởi quyết tâm lao vào một lĩnh vực kinh doanh mới: vận tải đường sông. Chính từ đây, ông vươn lên đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh, trở thành “Vua sông biển Đông Dương” và là một trong “tứ đại gia” lừng lẫy thời đó.

Ngày nay ở Quảng Ninh có một cảng biển mang tên ông.

Đầu tiên, Bạch Thái Bưởi thuê lại ba chiếc tàu Phi Phụng, Phi Long, Khoái Tử Long của một người Pháp là R.Marty vừa hết hạn hợp đồng với nhà nước. Ba chiếc tàu của ông chạy hai tuyến Nam Định-Hà Nội và Nam Định-Bến Thủy.

Vào nghề sông nước, ông phải đương đầu với các đối thủ người Pháp, Hoa có thế lực mạnh, lại giàu kinh nghiệm hơn nhiều lần. Đặc biệt là việc ông cạnh tranh quyết liệt với người Hoa. Giới Hoa thương lúc đầu rất ngạc nhiên khi thấy một người Việt dám lao vào vùng “cấm địa” của họ. Về sau, họ mới lo sợ, kết hợp với nhau để loại trừ ông. Cuộc tranh đua rất căng thẳng: ông hạ một giá, họ hạ hai giá; ông đãi khách uống trà, họ thết khách thêm bánh ngọt. Giá tàu từ Nam Định lên Hà Nội: trước là 40 xu, nay còn 5 xu… So với các thương gia người Hoa, tình thế của ông thật nguy ngập, mướn ba chiếc tàu, mỗi tháng trả 2.000 đồng, mà mỗi chuyến chỉ thu được 20 đồng.

Chính lúc cực kỳ nguy ngập đó, Bạch Thái Bưởi đã sử dụng thế mạnh tinh thần: "Vật chất khó đương đầu thì dùng đòn tâm lý". Ông vận động, kêu gọi mọi người ủng hộ công cuộc kinh doanh của người Việt, “ta về ta tắm ao ta”. Ông tung ra những đoàn diễn thuyết trên các bến tàu, nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, cổ vũ tinh thần đồng bang. Bạch Thái Bưởi còn treo một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích, bỏ tiền vào, giúp cho chủ tàu đỡ phần lỗ lã, đủ sức cạnh tranh. Kết quả hành khách đều bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt.

Cuối cùng nhờ vậy ông đã thắng. Đội tàu của ông không những vượt qua sóng gió mà còn lớn mạnh, được bổ sung bằng những đội tàu của công ty Pháp, Hoa bị phá sản như: Marty d’Abbadie, Desch Wanden… Năm 1915, ông còn mua lại xưởng đóng và sửa chữa tàu của R.Marty.

Sau bảy năm kinh doanh trên sông nước, Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa tàu và các chi nhánh ở nhiều nơi. Năm 1916, ông chuyển trụ sở từ Nam Định vào Hải Phòng và đặt tên cho hãng là “Giang hải luân thuyền Bạch Thái Công ty”, với lá cờ hiệu màu vàng có hình mỏ neo và ba sao đỏ.

Năm 1917, Hãng Deschwanden của Pháp bị phá sản, Bạch Thái Bưởi mua lại sáu chiếc tàu khác của hãng này. Ngày 7/9/1919, công ty của Bạch Thái Bưởi đã làm rạng danh ngành hàng hải Việt Nam khi cho hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu Bình Chuẩn hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công. Con tàu Bình Chuẩn dài 42m, rộng 7,2m, cao 3,6m, trọng tải 600 tấn, động cơ compound 450 mã lực, chạy bằng hơi nước có dung tích tám mét khối, vận tốc đạt 8 hải lý/giờ. Tàu Bình Chuẩn chạy chuyến đầu tiên từ Hải Phòng cập bến Sài Gòn ngày 17/9/1920, trong sự đón chào nồng nhiệt của giới công thương Sài Gòn lúc đó.

Công ty của Bạch Thái Bưởi bắt đầu mở rộng tầm hoạt động khắp Đông Dương và các nước lân cận như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật, Singapore…Nhưng đỉnh cao phát triển của công ty là khoảng cuối thập niên 1920 đầu 1930, khi ấy công ty có trên 40 con tàu, với số lượng nhân viên lên tới 2.500 người làm việc trên các đội tàu, xưởng đóng tàu. Văn phòng và chi nhánh của công ty có ở các thành phố lớn như Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn…

"Vua mỏ nước Việt"

Dường như với Bạch Thái Bưởi : “Chiến thắng không hiểm nguy thì chiến thắng không vẻ vang”. Cho nên khi đã thắng kẻ có tiền bạc, ông lại muốn ăn thua với kẻ có nhiều quyền thế. Các mỏ than lúc bấy giờ đều nằm trọn trong tay người Pháp, vậy mà ông vẫn liều mạng xông vào trận địa này. Năm 1928, Bạch Thái Bưởi đem hết tài sản, dốc vào việc khai mỏ. Nhờ tài khéo léo và mưu mẹo, ông được cấp phép khai mỏ than ở vùng Quảng Yên. Ông nhận thức rằng: muốn hơn người Pháp trong việc khai mỏ cần phải có người điều hành giỏi chuyên môn, thấu đáo kỹ thuật. Cho nên ông nhờ người thân tín ở Pháp, tuyển dụng ở các trường kỹ thuật những người có tài năng về Việt Nam làm việc. Hoạt động như vậy, không bao lâu, than của ông chất thành núi (đến năm 1945 mới bán hết), ông trở thành “Vua mỏ nước Việt”.

Với đầu óc thực tế, tầm mắt nhìn xa, ông còn dự định tạo dựng nhiều công trình như: xây một nhà máy xay gạo ở Nam Định với những thiết bị tân tiến mua tận Hambourg (Đức), chương trình đặt ống cống, xây nhà máy nước, dựng nhà máy điện cho thành phố Nam Định và cả việc đặt đường sắt Nam Định – Hải Phòng, nhưng tiếc là vì hoàn cảnh, vì chiến tranh, nên ông không thực hiện được.

"Có Bưởi thì không có Robin"

Mặc dù tiếp xúc thường xuyên với người Pháp, học tập kỹ thuật tân tiến của người phương Tây, nhưng chưa bao giờ Bạch Thái Bưởi đánh mất “cội nguồn dân tộc” của mình. Chẳng hạn, khi đặt tên các con tàu, ông đều lấy từ nguồn lịch sử của dân tộc như: Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi… Có lần lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của người dân bị trị, trong Hội nghị kinh tế lý tài, ông bị Toàn quyền Robin đe dọa: “Nơi nào có Robin thì không có Bạch Thái Bưởi”, ông đáp lại: “Nước này còn Bạch Thái Bưởi thì không còn Robin”.

Xuất thân từ tầng lớp nghèo khó, ông luôn quan tâm đến đời sống của giới thợ thuyền. Ngoài chế độ an sinh dành cho các nhân viên của mình, ông còn giáo dục con cái lòng quý trọng những người cần lao, nghèo khó. Các con đến tuổi trưởng thành đều được ông cất giao công việc trên các bến tàu hay các khu mỏ… Thậm chí, cô con gái học ở Hà Nội, nghỉ hè về, ông cũng dẫn theo để tập việc, ghi chép sổ sách, xét hồ sơ trợ cấp cho học sinh nghèo có chí du học.

Nếu Lương Văn Can vạch ra 10 nguyên nhân làm các DN Việt Nam không phát triển được, thì chính Bạch Thái Bưởi đã lấp đầy những khiếm khuyết đó bằng những tôn chỉ nghiêm túc trên thương trường: thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa.

Ngày 22/7/1932, một cơn đau tim đã vật ngã “Nhà DN bền chí, quả cảm bậc nhất của nước Việt, ở đầu thế kỷ XX”. Sau hơn 20 năm ngang dọc trên thương trường, Bạch Thái Bưởi qua đời tại Hải Phòng để lại cho lịch sử doanh thương Việt Nam một tên tuổi đã trở thành huyền thoại.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #14
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bạch Vân - Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng) có trí tuệ thông minh mẫn tiệp từ nhỏ. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thơ văn có giá trị, mang tính triết học cao, xứng đáng là "cây đại thụ", nhà học giả, triết gia của thế kỷ 16.

Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, mất năm 1585. Sinh trưởng trong một gia đình vọng tộc (cháu ngoại quan thượng thư Nhữ Văn Lan) có học vấn, cả hai thân mẫu đều là những người có văn tài học hạnh nên Nguyễn Bỉnh Khiêm từ sớm đã hấp thụ truyền thống gia giáo kỷ cương. Nhất là phụ mẫu của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tương truyền bà là người giỏi giang văn tài và tinh thông địa lý, tướng số. Ngay từ khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cất tiếng khóc chào đời, thấy con mình có tướng mạo khác thường, bà đã dốc lòng đào tạo con trai thành một tài năng giúp nước, cứu đời. Niềm thôi thúc đó khiến Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm tìm được thầy học có đạo cao đức cả là cụ bảng nhãn Lương Đắc Bằng.

Với trí tuệ mẫn tiệp, thông minh từ nhỏ, lại gặp thầy giỏi khác nào như rồng gặp mây. Nguyễn Bỉnh Khiêm sớm thành tài năng kiệt xuất nổi tiếng. Và sau này, tài học vấn uyên thâm của ông đã vượt xa thầy. Tương truyền Lương Đắc Bằng là người giỏi lý học, đã đem sách Thái ất thần kinh ra dạy cho học trò, nhưng có những điều trong sách ấy Lương Đắc Bằng cũng không hiểu được mà chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm sau này mới tinh thông.

Lớn lên trong một giai đoạn lịch sử nhà Lê suy thoái, các phe phái trong triều đố kỵ, chém giết lẫn nhau. Năm 1572, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra một triều đại mới. Thế là suốt cuộc đời thanh niên trai trẻ, Nguyễn Bỉnh Khiêm phải sống trong ẩn dật, không thi thố được tài năng. Mãi tới năm 1535, lúc này đã 45 tuổi, ông mới đi thi. Ba lần thi Hương, thi Hội, thi Đình ông đều đỗ đầu và đỗ Trạng nguyên. Từ đấy, ông làm quan với tân triều, nhà Mạc phong chức Tả thị lang (chức đứng hàng thứ ba trong bộ Hình). Triều đình nhà Mạc rất trân trọng Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông hy vọng triều đại nhà Mạc có thể xây dựng lại đất nước. Lúc này, Mạc Đăng Dung đã nhường ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh và rút về làm Thái thượng hoàng. Doanh là người tỏ ra có chí khí đảm lược. Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà học giả uyên thâm, một trí thức dân tộc đã nhìn thấy điều đó. Và ông hy vọng: với nhân vật này, triều đại mới có thể đưa đất nước thoát khỏi tình trạng rối ren mà vua tôi nhà Lê và các tập đoàn phong kiến trước đó gây ra.

Nhưng niềm tin đó bị thất vọng. Là một học giả, học rộng biết nhiều, trong thơ ông hay nhắc tới sự thăng trầm "thương hải biến vi tang điền" (biển xanh biến thành nương dâu) của trời đất, tạo vật và cuộc đời trôi nổi như "phù vân". Ông thương xót cho "vận mệnh" quốc gia và cảm thông sâu sắc tình cảnh của "dân đen", "con đỏ". Ông thật sự mong muốn đất nước thịnh vượng, thái bình. Tương truyền, hình như để tránh những cuộc binh đao khói lửa, tương tàn cho chúng dân và nhìn thấy trước thời cuộc, "vận mệnh" của đất nước trong hoàn cảnh ấy chưa thể có những lực lượng đảm đương được việc thống nhất, nên khi các tập đoàn phong kiến đến hỏi kế sách, ông đều bày cho họ những phương sách khác nhau để giữ thế "chân vạc". Năm 1568, Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm sát hại, lo cho "số phận" nên đã ngầm cho người hỏi kế an thân, Nguyễn Bỉnh Khiêm nói: "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" (ngụ ý nói: Dựa vào một dải Hoành sơn có thể lập nghiệp được lâu dài). Thế là Nguyễn Hoàng tức tốc xin anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa (từ Đèo Ngang trở vào).

Tại Thăng Long, thời ấy chúa Trịnh cũng ra sức ức hiếp vua Lê và muốn phế bỏ, liền cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không trả lời và lẳng lặng dẫn sứ giả ra thăm chùa và nói với nhà sư: "Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản", ngụ ý muốn khuyên chúa Trịnh cứ tôn phò nhà Lê thì quyền hành tất giữ được. Nếu tự ý phế lập sẽ dẫn đến binh đao. Còn đối với nhà Mạc, sau những cuộc chiến tranh liên miên, phải bỏ chạy lên Cao Bằng thế thủ, vua Mạc cho người về hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm, ông đã trả lời: "Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể" (Cao Bằng tuy đất hẹp, nhưng có thể giữ được vài đời). Quả nhiên, mãi đến năm 1688, sau ba đời giữ đất Cao Bằng, nhà Mạc mới bị diệt. Các truyền thuyết trên đây muốn chứng tỏ rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có tài tiên đoán, đo nắm được bí truyền của sách Thái ất thần kinh. Vả lại còn truyền thuyết nữa về Trạng Trình với tập Trình quốc công sấm ký. Tương truyền trong tập sách đó, ông đã tiên tri và biết trước các sự việc nhân tình thế thái, thời cuộc xảy ra "năm trăm năm sau". Thực, hư thế nào, còn là vấn đề cần phải nghiên cứu khẳng định hay phủ định của các nhà học giả Việt Nam sau này để trả lại giá trị xứng đáng cho Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đương nhiên, một điều cần khẳng định: Nguyễn Bỉnh Khiêm thật sự là nhà học giả "thượng thông thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự" (trên trời hiểu thiên văn, dưới đất tường địa lý, ở giữa hiểu con người).

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như: Tập thơ Bạch Vân (gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán còn lưu lại) và hai tập: Trình quốc công Bạch vân thi tập và Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm giàu chất liệu hiện thực, mang tính triết lý sâu xa của thời cuộc. Ông phê phán gay gắt bọn tham quan ô lại hút máu, hút mủ của dân. Thơ ông còn truyền đạt cho đời một đạo lý đối nhân xử thế, đạo vua tôi, cha con và quan hệ bầu bạn, hàng xóm láng giềng. Đọc thơ ông là thấy cả một tấm lòng lo cho nước, thương đời, thương dân, và một tâm hồn suốt đời da diết với đạo lý: "Tiên thiên hạ chi ưu phi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc" (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ). Vì thế khi về ở ẩn, ông vẫn mở trường dạy học, mong đào tạo cho đời những tài năng "kinh bang tế thế". Học trò của ông cũng có người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền...

Có thể nói ở thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học lớn của Việt Nam. Tư tưởng triết học của ông "không bận tâm đi vào xu hướng duy lý..." đi tìm khái niệm bản thể luận như Lão Tử, như triết học Phật giáo hay cái phóng nhiệm nhiều lúc đến ngụy biện của Trang Tử. Ông hiểu sâu sắc triết học Tống Nho nhưng không đi vào sự câu nệ vụn vặt, không lý giải quá sâu cái lý, có khi rắc rối, hoặc chẻ sợi tóc làm tư để tìm hiểu, biện giải nhiều thứ mơ hồ rối rắm trong những khái niệm hỗn tạp đó. Với sự uyên thâm vốn có, ông được triều đình nhà Mạc và sĩ phu đương thời phong là Trình tuyền hầu, tức là một vị Hầu tước khơi nguồn dòng suối triết học của họ Trình (tức Trình Di, Trình Hiện - hai nhà triết học khai phá ra phái Lạc Dương của Tống Nho), hoặc đời còn gọi ông là cụ Trạng Trình. Tuy vậy, triết học của ông là triết học đã được sống dậy, biểu hiện trong thơ như sự gợi ý mách bảo của cuộc sống thực tiễn. Ông chắt lọc từ trong nhận thức triết học mà mình thu lượm được, phép biện chứng nhìn bên ngoài có vẻ như thô sơ để giải đáp nhiều hiện tượng tự nhiên và xã hội nảy sinh ở quanh mình. Trong thơ ông, ngoài mặt triết lý nhân sinh, nổi bật lên những suy ngẫm chiêm nghiệm, đúc kết như muốn vươn lên khái quát "luật" đời bằng những phạm trù triết học. Vì lẽ đó, ông rất hay dùng đến những cặp phạm trù đối lập như: đen - trắng, tốt - xấu, đầy - vơi, sinh - diệt, vuông - tròn, để giãi bày quan niệm triết lý nhân sinh của mình.

Tuy nhiên, "một hạn chế dễ nhận thấy trong tư tưởng triết học của Nguyễn Bỉnh Khiêm là tuy nắm được phép biện chứng, nhưng vẫn nặng về duy tâm. Quan niệm về sự phát triển của ông còn nằm trong khung tròn khép kín chứ chưa phải là vòng tròn xoáy ốc. Đó là sự phát triển tuần hoàn, là cái phép biện chứng của Chu dịch... ông đã nhận được trong nền giáo dục Nho học đương thời, cộng với phép biện chứng thô sơ của Lão Tử trong Đạo đức kinh. Đó cũng là những hạn chế đương nhiên của rất nhiều nhà triết học cổ đại" (Đào Thái Tôn).
Nhìn lại toàn bộ tiến trình lịch sử và con người thế kỷ 16, Nguyễn Bỉnh Khiêm xứng đáng là "cây đại thụ", nhà học giả, nhà triết gia của thế kỷ.


Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #15
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bành Văn Trân (1933 - ? ) - Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Bành Văn Trân (tức Năm Vững), sinh năm 1933; quê xã Tân Thới Nhì, quận Tân Bình, Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh); chính trị viên Đại đội 10 đặc công Sài Gòn - Gia Định; tuyên dương ngày 17 tháng 9 năm 1967.


Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #16
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bảo Đại - Nguyễn Vĩnh Thụy (1913 - 1997)

Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (22/10/1913 – 31/7/1997), vị vua thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn với niên hiệu Bảo Đại. Ông là vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Đúng ra "Bảo Đại" chỉ là niên hiệu nhà vua chọn nhưng nay thường dùng là tên nhà vua khi tại vị và sau khi thoái vị dưới danh nghĩa cựu hoàng.

Vua Bảo Đại tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, còn có tên Nguyễn Phúc Thiển, sinh ngày 22 tháng 10 năm 1913 (năm Quý Sửu) tại Huế, là con của vua Khải Định và bà Từ Cung Hoàng Thị Cúc. Năm 1922, ông được sách lập Đông Cung Hoàng Thái Tử. Ngày 24 tháng 4 năm 1922, Vĩnh Thụy được vợ chồng cựu Khâm Sứ Trung Kỳ Jean François Eugène Charles nhận làm con nuôi và đưa sang Pháp học ở trường Lycée Condorcet rồi sau ở trường Sciences Po (École Libre Des Sciences Politiques), Paris.

Năm 1925, vua Khải Định băng hà. Ngày 8 tháng 1 năm 1926 ông được tôn kế vị, lấy niên hiệu là Bảo Đại, là vua thứ 13 của triều Nguyễn khi đúng 13 tuổi. Sau khi lên ngôi, ông lại trở sang Pháp để học tiếp, còn việc triều chính trong nước giao cho Tôn Thất Hân nhiếp chính trong thời gian vua vắng mặt.

Tháng 9 năm 1932, vua Bảo Đại hồi loan trở về nước, chính thức làm vua.

Ngày 20 tháng 3 năm 1934, vua Bảo Đại làm đám cưới với Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan và tấn phong bà làm Nam Phương Hoàng hậu. Đây là một việc làm phá lệ bởi vì kể từ khi vua Gia Long khai sáng triều Nguyễn cho đến các vị vua về sau, các vợ vua chỉ được phong tước Vương phi, sau khi mất mới được truy phong hoàng hậu. Ông là nhà vua đầu tiên thực hiện bỏ chế độ cung tần, thứ phi. Cuộc hôn nhân này cũng gặp phải rất nhiều phản đối vì Nguyễn Hữu Thị Lan là người Công Giáo và mang quốc tịch Pháp.

Vua Bảo Đại đã cho bỏ một số tập tục mà các tiên vương đã bày ra. Từ nay thần dân không phải quỳ lạy mà có thể ngước nhìn long nhan nhà vua khi nhà vua tới, mỗi khi vào chầu các quan Tây không phải chắp tay xá lạy mà chỉ bắt tay vua, các quan ta cũng không phải quỳ lạy.

Vua Bảo Đại cũng cải tổ bộ máy hành chính, cho các thượng thư già yếu hoặc kém năng lực như Nguyễn Hữu Bài về hưu, sắc phong thêm 4 thượng thư mới xuất thân từ giới học giả và hành chính. Ông thành lập Viện Dân biểu để trình bày nguyện vọng lên nhà vua và quan chức bảo hộ Pháp và cho phép Hội Ðồng Tư Vấn Bắc Kỳ được thay mặt Nam triều trong việc hợp tác với chính quyền bảo hộ.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp và tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, ngày 11 tháng 3 năm 1945, vua Bảo Đại ra đạo dụ tuyên cáo Việt Nam độc lập, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam. Ngày 17 tháng 4 năm 1945, vua Bảo Đại ký đạo dụ số 5 chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim và ngày 12 tháng 5 giải tán Viện Dân Biểu Trung Kỳ. Tháng 6 năm 1945, chính phủ Trần Trọng Kim đặt quốc hiệu là Đế Quốc Việt Nam.

Năm 1945, cuộc Cách Mạng Tháng Tám thành công. Ngày 25 tháng 8, chánh phủ lâm thời Hồ Chí Minh buộc vua Bảo Đại phải thoái vị. Vua Bảo Đại thoái vị trong một buổi lễ long trọng ở Ngọ Môn, Huế vào chiều 30 tháng 8, trao quốc ấn Hoàng Ðế Chi Bửu và thanh kiếm bạc nạm ngọc cho đại diện của chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa là ông Trần Huy Liệu. Vua Bảo Ðại trở thành "công dân Vĩnh Thụy." Trong dịp này, ông có câu nói nổi tiếng, "thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ."

Tháng 9 năm 1945, Bảo Ðại được Chủ Tịch Chánh Phủ Lâm Thời Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội nhận chức "cố vấn tối cao" trong chánh phủ. Ông là một trong 7 thành viên của Ủy Ban Dự Thảo Hiến Pháp do Chủ Tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.

Ngày 6 tháng 1 năm 1946, Bảo Ðại được bầu làm đại biểu Quốc Hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Ngày 16 tháng 3 năm 1946, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa sang thăm viếng Trung Quốc, nhưng ông không trở về nước.

Năm 1947, cựu trùm mật thám Pháp ở Đông Dương là Cousseau đã tiếp xúc với Bảo Đại tại Hồng Kông, ngỏ ý mời ông về nước nắm quyền, hình thành nên "giải pháp Bảo Đại" để chống lại cuộc chiến giành độc lập của phong trào Việt Minh.

Ngày 5 tháng 6 năm 1948, Bảo Đại đã gặp gỡ Cao Ủy Pháp Bollaert ở vịnh Hạ Long. Bản Tuyên Ngôn Hạ Long ra đời, theo đó nước Pháp thừa nhận nền độc lập của Việt Nam.

Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Tổng Thống Pháp Vincent Auriol và cựu hoàng Bảo Đại ký Hiệp ước Elysée, thành lập một chính quyền Việt Nam trong khối liên hiệp Pháp, gọi là Quốc Gia Việt Nam, đứng đầu là Bảo Đại. Bảo Đại yêu cầu Pháp phải trao trả Nam Kỳ cho Việt Nam và Pháp đã chấp nhận yêu cầu này.

Ngày 24 tháng 4 năm 1949, Bảo Đại về nước. Hai tháng sau, vào ngày 14 tháng 6, Bảo Đại tuyên bố tạm cầm quyền cho đến khi tổ chức được tổng tuyển cử và tạm giữ danh hiệu hoàng đế để có một địa vị quốc tế hợp pháp. Ngày 1 tháng 7 năm 1949, chính phủ lâm thời của Quốc Gia Việt Nam được thành lập, tấn phong Bảo Đại là quốc trưởng. Bảo Đại cũng tuyên bố tạm kiêm quyền thủ tướng, vì vậy cử tướng Nguyễn Văn Xuân, nguyên là thủ tướng xuống làm phó thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Quốc phòng. Tháng 1 năm 1950, Bảo Đại chỉ định Nguyễn Phan Long làm thủ tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao trong một thời gian ngắn.

Quốc Trưởng Bảo Đại sống và làm việc tại biệt điện ở Đà Lạt. Xung quanh nơi ở của Bảo Đại có cả một trung đoàn ngự lâm quân bảo vệ và có cả một đoàn xe riêng gọi là "công xa biệt điện." Lại có cả một đội máy bay riêng do các phi công người Pháp lái phục vụ.

Sau Hiệp định Genève 1954, Pháp phải rút khỏi Đông Dương, nước Việt Nam chia đôi tại Vĩ Tuyến 17. Miền Bắc thuộc Chủ Tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng Sản Việt Nam, và miền Nam thuộc chánh phủ Quốc Gia Việt Nam. Đến ngày 26 tháng 10 năm 1955, Quốc Trưởng Bảo Đại bị truất phế sau cuộc trưng cầu dân ý và bắt đầu cuộc sống lưu vong tại Pháp cho đến khi qua đời.

Ông sống tại Cannes, sau đó chuyển đến vùng Alsace. Bảo Đại giao du với Jean de Beaumont, cựu nghị sĩ Nam Kỳ, một tay săn bắn có hạng. Bị cơ quan thuế để mắt tới, không còn tiền tài trợ của chính phủ Pháp, ông phải bán dần tài sản của mình. Năm 1963, Nam Phương Hoàng hậu qua đời ở Chabrignac.

Tháng 2 năm 1972, khi đã tiêu pha hết cả tài sản, Bảo Đại kết hôn với Monique Baudot, một phụ nữ Pháp kém Bảo Đại 30 tuổi.

Năm 1982, nhân khai trương Hội Hoàng Tộc ở hải ngoại, Bảo Đại lần đầu tiên sang thăm Mỹ với tư cách cá nhân. Trong chuyến đi này ông đã nhận tên cha để làm lại giấy khai sinh cho những người con ngoại hôn trước đây không ghi tên cha. Tại thị trấn Sacramento, ông được tặng chiếc chìa khóa vàng tượng trưng cho thị trấn này. Ông cũng được bà thị trưởng thành phố Westminster, California tặng danh hiệu "công dân danh dự" của thành phố.

Năm 1988, Bảo Đại làm lễ rửa tội, lấy tên thánh là Jean-Robert.

Cựu hoàng Bảo Đại là vị vua thọ nhất nhà Nguyễn. Ông mất ngày 31 tháng 7 năm 1997 tại Quân Y viện Val De Grace, hưởng thọ 83 tuổi. Ông cũng là một phế đế sống thọ nhất trên thế giới thời hiện đại. Trước khi mất ông có nhận lời về tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp (La Francophonie) được tổ chức tại Hà Nội vào năm 1997 nhưng Ông đã ra đi trước khi hội nghị được diễn ra.

Đám tang Bảo Đại được chính phủ Pháp tổ chức với một tiểu đội lính lê dương và sĩ quan mang quốc kỳ Pháp, quân phục trắng, gù đỏ trên vai, bồng súng đi bên linh cữu. Ông được an táng tại nghĩa trang Passy, quận 16, Paris, gần tháp Eiffel.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi điện chia buồn đến tang quyến và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đã gửi vòng hoa viếng.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #17
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bát Nàn Công Chúa (17 – 43)

Bát Nạn (Đinh Sửu 17 – Quí Mão 43) Công chúa, cũng gọi là Bát Nàn, có sách chép là Bát Não. Theo truyền thuyết và thần tích làng Tiên La, huyện Duyên Hà, tỉnh Thái Bình, cùng thần tích thờ miếu ở xã Phượng Lâu, huyện Phù Ninh, nay thuộc Vĩnh Phú (thần tích do danh thần thời hậu lê là Hàn Lâm đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn): Bát Nạn công chúa là vị anh hùng như thời Trưng Vương, Bà Vốn là con của Võ Công Chất và Hoàng Thị Mầu. Thân phụ bà là hào trưởng ở Phượng Lâu khi bà chào đời cha mẹ đặt tên là thục. Về sau bà nổi tiếng tài sắc, tục gọi là Thục nương. Bà có chồng là Phạm Danh Hương (có sách chép là vị Lạc hầu Trương Quán) quê ở Đức Bác (tức Liệp Trang, huyện Lập Thạch). Vợ chồng bà đều có lòng yêu nước, ngầm lo việc cứu nước giúp dân.
Bấy giờ có tên hào mục là Trần căm tức vì không cưới được Thục nương có ý “làm phản”, nên bắt giết đi.

Năm Kỉ Hợi 39, khi Đặng Thi Sánh bị giết ở Châu Diên, thì chồng bà cũng bị giết ở Duyên Hà. Quân Tô Định vây dinh trại, chồng bà bị hại, nửa đêm bà cầm dao sông đao, mở đường máu chạy đến làng Tiên La, vào chùa ẩn thân. Từ ấy, nặng nợ nước thù nhà bà quyết chí báo phục, đêm ngày chiêu tập hào kiệt dựng cờ khởi nghĩa.

Năm Canh tí 40, tháng 3, Hai Bà Trưng lãnh đạo quân dân toàn quận phát động cuộc khởi nghĩa. Bà theo giúp cùng với nữ tướng Lê Chân thống lãnh quân tiên phong.

Cứu quốc thành công, nước nhà độc lập, Trưng vương phong bà làm Bát Nạn đại tướng quân Trinh thục công chúa. Bà từ chối tước lộc, chỉ xin đem đầu giặc tế chồng một tuần. Tế xong, bà cởi bỏ nhung trang trở lại chùa làng Tiên La. Nhưng chẳng bao lâu nghe tin Mã Viện kéo binh sang, bà dấn chân cứu nước lần nữa. Chị em Trưng vương tuẫn quốc trong ngày 6 tháng 2, bà cũng tử tiết trong ngày 16 tháng 3 năm Quí mão 43.

Các triều đại sau đều có truy phong bà làm thần:

+ Đời Lê Thánh tông, sắc phong: Ý đức đoan trang Trinh thục công chúa.

+ Đời Minh Mạng nhà Nguyễn sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù chi thần.

+ Đời Khải Định sắc phong: Dực bảo trung hưng linh phù thượng đẳng thần.

Vì khi cầm binh đuổi giặc, từ cửa sông Đáy về ngã ba sông Nông, bà thường cai quản những 18 cửa ngàn, nên tục gọi bà là Thượng ngàn. Và ngôi chùa mà bà ở tu, sách chép là chùa Nam Liên ở trên núi, nên tục cũng gọi bà là sư nữ Nam Liên.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 12-07-2009   #18
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.065
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Bế Văn Ðàn ( 1930 - 1954 ) - Liệt sĩ chống Pháp

- Ngày tháng năm sinh: Sinh năm 1930 - Hy sinh ngày 12/12/1953
- Quê quán: Xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hoà ( nay là huyện Quảng Hoà), tỉnh Cao Bằng.
- Năm tham gia cách mạng: Năm 1949.
- Năm nhập ngũ: Năm 1949.
- Ngày vào Đảng cộng sản Việt Nam: Năm 1953.
- Dân tộc: Tày

Quá trình tham gia cách mạng:

Bế Văn Đàn khi hy sinh là Tiểu đội phó thuộc Đại đội 674, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316.

Đông Xuân 1953 - 1954, Bề Văn Đàn làm liên lạc tiểu đoàn cùng đơn vị hành quân đi chiến dịch. Một đại đội của Tiểu đoàn 251 được giao nhiệm vụ bao vây địch ở Mường Pồn (Lai Châu). Thấy lực lượng ta ít, địch tập trung hai đại đội có phi pháo yểm trợ liên tiếp phản kích, nhưng cả hai đợt chúng đèu bị quân ta đánh bật lại. Tình hình chiến đấu hết sức căng thẳng. Địch liều chết nống ra. Ta kiên quyết ngăn chặn.

Bế Văn Đàn vừa đi công tác về đã xung phong làm nhiệm vụ. Đồng chí vượt qua lưới đạn dày đặc của địch truyền mệnh lệnh cho đại đội kịp thời, chu đáo.

Tình hình chiến đấu ngày càng ác liệt, đồng chí được lệnh ở lại đại đội chiến đấu. Khi quân địch phản kích đợt ba, địch điên cuồng mở đường tiến. Đại đội thương vong chỉ có 17 người, bản thân Bế Văn Đàn cũng bị thương nhưng đồng chí vẫn tiếp tục chiến đấu. Một khẩu trung liên không bắn được do xạ thủ hy sinh, còn khẩu trung liên của Chu Văn Pù không bắn được vì chưa tìm được chỗ đặt súng.

Không do dự, Bế Văn Đàn rời khỏi công sự, lao đến cầm hai chân trung liên đặt lên vai mình nói như ra lệnh: "Kẻ thù trước mặt, đồng chí có thương tôi thì bắn chết chúng nó đi". Khẩu trung liên nhả đạn về phía quân địch, đẩy lùi đợt phản kích.

Bế Văn Đàn mình đầy thương tích, đồng chí đã anh dũng hy sinh, hai tay còn ghì chặt chân súng trên vai. Đồng chí được kết nạp Đảng tại trận địa.


Phần thưởng được nhà nước trao tặng:

- Huân chương Quân công hạng nhì.
- Huân chương Chiến công hạng nhất.
- Truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 31/5/1955.

Tài sản của LSB-Sun
Đã khóa chủ đề


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 14:52
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,12973 seconds with 15 queries