Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Đã khóa chủ đề
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 19-03-2010   #82
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.067
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ðặng Hữu Phổ

Đặng Hữu Phổ là liệt sĩ cận đại, còn goi là Đặng Văn Phổ, con Đặng Huy Cát và công chúa Nguyễn Thị Tĩnh Hòa quê làng Bác Vọng, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Nay là huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Ông đỗ cử nhân, làm quan đến Thị độc nội các.
Năm Ất Dậu 1885, ông tham gia kháng chiến chống giặc Pháp. Chẳng dè người cùng họ phản bội, bắt ông nộp cho giặc. Triều đình Đồng Khánh và thực dân biết ông là con công chúa Huệ Phố cố ý mua chuộc ông hàng phục, để lung lạc sĩ phu và nhân dân. Ông bất khuất, chỉ xin tha cho cha, còn ông thì chịu chết. Quân Pháp tra tấn, ông không cung khai gì cả. Chúng đem ông xử chém. Ra pháp trường ông có bài thơ lưu lại:

“Tuyệt đại tài hoa tín thử thân.
Nhất sinh trung hiếu khuất nhi thân.
Nhi kim chính khí hoàn thiên địa,
Tinh phách thường tùy quân dữ thân”.


Bản dịch:

“Tài hoa rất mực tự tin,
Trọn đời trung hiếu kinh quyền dám sai.
Trả chính khí lại đất trời,
Mà tinh phách vẫn theo hoài vua cha”.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #83
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.067
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Huy Trứ (1825-1874)

Đặng Huy Trứ (1825-1874) , tự HoàngTrung, hiệu Võng Tân, Tỉnh Trai, quê làng Thanh Lương - nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, dĩnh ngộ. Tương truyền, khoa thi Hội năm 1847. Ông đã lọt qua các vòng thi (Kỳ) coi như đã chắc chắn đỗ Tiến sĩ, nhưng khi vào thi Đình lần cuối chẳng may bài thi dính phạm húy thế là bị cách tuột và cấm thi suốt đời.

Biết tài học của ông, một vị quan lớn đương triều đã mời ông về dạy học cho con em trong nhà và cho tới 8 năm sau, nhờ vị quan nọ tâu xin với vua nên ông được thi lại và lại đỗ Tiến sĩ. Ra làm quan, Đặng Huy Trứ lần lượt trải các chức: Thông phán Ty Bố chính Thanh Hóa, Tri huyện Quảng Xương, Tri phủ Thiên Trường (Nam Định). Một thời gian sau, ông được triệu về kinh làm Hàn lãm viện trước tác rồi Ngự sử.

Đến năm 1864, ông được bổ nhiệm chức Bố chinh Quảng Nam và hai năm sau (1886) thì điều về làm Biện lý Bộ Hộ, trực tiếp phụ trách Ty Bình chuẩn tại Hà Nội để chuyên lo việc kinh tế, tài chính cho triều đình. Với chức danh này, ông đã có dịp công các đến Hương Cảng, Ma Cao, Quảng Châu (Trung Quốc) để học hỏi thêm con đường chấn hưng đất nước của nước ngoài mà ngôn từ bấy giờ gọi là “thám phỏng dương tình". Năm 1871 , Đặng Huy Trứ được điều giữ chức Bang biện quân vụ Lạng – Bằng - Ninh – Thái dưới quyền Thống đốc quân vụ Hoàng Kế Viêm (1820 - 1909). Khi giặc Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ (cuối năm 1873), Đặng Huy Trứ lui quân về căn cứ Đồn Vàng - Hưng Hóa cùng với Hoàng Kế Viêm mưu tính kháng Pháp lâu dài nhưng việc trù tính còn dở dang thì vua Tự Đức đã ký Hòa ước Giáp Tuất (1874) coi như đầu hàng giặc. Là người thuộc phái chủ chiến, đứng trước tình cảnh ấy, Đặng Huy Trứ hết sức đau buồn rồi lâm bệnh và mất tại Chợ Bến, Đồn Vàng vào ngày 25 tháng 6 Giáp Tuất (7/8/1874) trước ngưỡng cửa của tuổi 50. Sau khi ông qua đời, sách "Đại Nam nhất thống chí" của triều Nguyễn đã "cái quan định luận" về ông như sau: "Đặng Huy Trứ khảng khái, có chí lớn, đương trù tính nhiều việc"' chưa làm xong đã mất, ai cũng tiếc và chí sĩ cận đại Phan Bội Châu (1867 - 1940) đã từng coi Đặng Huy Trứ là người "Trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam"...

Trước tác của Đặng Huy Trứ để lại , ngoài các tác phẩm văn thơ như: “Tùng chinh di quy”, "Hoàng Trung thi văn”, “Tứ thập bát hiệu ký Sự tân biên”, "Nữ giới diễn ca”... thì bộ sách dày gần 2000 trang có đầu đề “Từ thụ yếu quy" với nội dung chuyên về chống hối lộ - tham nhũng đã thu hút nhiều thế hệ người đọc hơn một trăm năm qua. “Từ thụ yếu quy” nghĩa là nguyên tắc chủ yếu của việc từ chối và có thể nhận (thụ) những thứ biếu xén mà người có chức quyền cần luôn luôn tỉnh táo phân biệt để giữ mình. Mở đầu lời tựa cuốn sách, ông viết: “Trong ba chữ răn mình của nhà quan thì chữ thứ nhất là Thanh. Thanh là liêm khiết giữ mình, không lấy của ai mảy may. Tuy nhiên, là người đã từng lăn lộn trong chốn quan trường gần hai chục năm, nên khi viết “Từ thụ yếu quy”, Đặng Huy Trứ có cái nhìn thật sự thông cảm trước những sự thể khó xử của người làm quan: "Trước chưa làm quan nay ra làm quan, trước địa vị thấp nay địa vị cao, khi giỗ chạp, vai lợn không kín mâm cỗ đâu có thể được? Khi đã có nhân dân, có xã tắc, muốn đi xe nát, cỡi ngựa còm đâu có thể được?...”

Vậy lấy của nhà nước chăng? Bọn bề tôi trộm cắp còn không thể làm. Dùng bạo lực và mánh khóe để lấy của liêu thuộc và dân dưới quyền chăng? Bọn quan tham nhũng còn không thể làm. Thế thì lấy ớ đâu? Thưa rằng có đạo lý của nó.

Đối với của mang đến thì thư tâm mà ứng xử. Có thể nhận thì nhận không thể nhận thì dứt khoát từ chối. Nhận hay không nhận thi trong bụng đã có nguyên tắc định trước rồi. Nhận theo điều nghĩa, lấy điều tiết kiệm mà giữ mình, giữ mình ở khoáng không đục không trong, tiêu dùng thi không hoang cũng không bủn xỉn, như vậy là được. Nếu bảo phải thanh liêm hoàn toàn thì cái khí tiết gian khổ ấy khó lâu bền được....

Xuất phát từ cách đặt vấn đề “thấu tình đạt lý” như trên, nội dung "Từ thụ yếu quy”, gồm hai phần chính: không thể nhân (từ) và có thể nhận (thụ).

Trước hết nói về của đút lót không thể nhận, tác giả rút ra 104 kiểu hối lộ quan chức mà từ Hán gọi là "tang". Mặc dầu bối cảnh lịch sử và xã hội vào lúc sinh thời của Đặng Huy Trứ khác xa ngày nay, nhưng với 104 kiểu hôi lộ những kẻ có chức quyền diễn ra trên mọi mặt của đời sống bao gồm các lĩnh vực: giáo dục, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... dưới nhiều hình thức và thủ đoạn mà ông đúc rút ra từ thực tế không khỏi làm chúng ta giật mình khi so sánh tệ nạn hối lộ - tham nhũng đang hoành hành hiện tại. Chắc không phải ngẫu nhiên mà Đặng Huy Trứ lại đưa việc hối lộ trong thi cử lên hàng đầu trong số 104 kiểu hối lộ. Vì vấn đề này liên quan đến việc tuyển lựa nhân tài cho đất nước nhưng đồng thời đây cũng là sự mở đầu của những kẻ có tham vọng muốn làm "Phụ mẫu chi dân" để được vinh thân phì gia. Dưới tiêu đề Sĩ tử đi thi hối lộ cầu được đỗ, Đặng Huy Trứ vạch rõ: "Phép thi quý” là chọn được thực tài, "Văn hành công khí” văn hay, dở là được xét công bằng, chẳng thể nâng lên bằng tư tình. Thế mà có những kẻ hèn kém, ngày thường chẳng chiu học hành, đến khi đi thi liền đỗ. Những kẻ ấy hạnh kiếm đã chẳng ngay thẳng, nhân phẩm không ra sao, mới bước ra khỏi cửa đi thi lần đầu đã giở trò gian dối. Nếu được đỗ thì cả đời họ chỉ tiến thân bằng con đường mờ ám, di hại cho dân chúng không nhỏ. Ta phải chặt đứt mầm mống tai họa ấy ngay từ đầu. Trừ được một kẻ như thế thì dân chúng thoát được một tai ương sau này. Nhược bằng thấy lễ hậu mà cho đỗ bừa thì ta đúng là một tên đạo tặc trong đám mũ cao áo dài. Thứ hối lộ ấy không thể dung nhận”?

Tiếp theo Đặng Huy Trứ nêu lên kiểu hối lộ thứ hai là Quan lại xảo quyệt hối lộ cầu được tiến cử. Về vấn đề này ông viết: "Triều đình dùng người dựa vào tài, vào đức, căn cứ vào văn thao, vỡ lược, không có giới hạn nào... Còn người làm quan, hoạn lộ bằng phẳng hay trắc trở, thăng tiến nhanh hay chậm lả do mệnh vua và quan trên định đoạt. Ta không thể lợi dụng triều đình để kiếm miếng cơm cho riêng nhà mình được. Người làm quan phần đông là nóng lòng mưa cầu giầu sang, hoặc muốn được bổ vào chỗ để kiếm chác, hoặc mong thăng cao, hoặc hai người đang bổ dụng kẻ nọ tranh kẻ kia, hoặc gặp nơi lam chướng khó khăn thì tìm cách lẩn tránh, hoặc kỷ bổ dụng chưa tới mà đã sớm mong ngóng cầu ta ghi tên, hoặc nhân có nơi báo khuyết, người mới chưa đến mà cầu cho ta thế vào. Lúc đầu thì biếu sơn hào hải vị, thứ đến trà ngon, lụa tốt, tiếp đến là tùy ta thích gì, lớn nhỏ đều sẵn sàng biện dâng bạc từ một lạng đến ba bốn trăm lạng. Rồi chầu chực sân ngõ, đầy tớ dân hầu, tì thiếp môi giới, thôi thì đủ mọi cách đút lót để cầu ta giúp cho...

Phàm những lễ vật biếu ta, có đến 8, 9 phần 10 là do vay nợ. Đến khi mua chuộc được chức quan thỉ lãi mẹ đẻ lãi con, theo ngày, theo tháng. Nếu quá hạn không trả được thì chủ nợ truy bách. Vì vậy đến lúc ấy họ liều dùng uy quyền để mà lấy lại, dùng việc án để mà lấy, dùng việc công để mà lấy, dùng việc cưới xin để mà lấy (…) nhằm có cái bù vào cái tổn phí đã biếu ta trước đó…”

Để khẳng định Thứ hối lộ ấy không thể nhận, tác giả đã đưa ra 189 dẫn chứng gồm các điển tích, điển cổ của người xưa có cả gương tốt lẫn gương xấu làm bài học.

Trong số 102 trường hợp hối lộ khác mà Đặng Huy Trứ nêu tiếp, ta thấy từ cách thức cũng như thủ đoạn hầu như chẳng khác mấy so với ngày nay. Ấy là: Địa phương hối lộ các quan (trên) đến thanh tra, Đồng sự làm việc bất công, phi pháp hối lộ cầu được che giấu, Hương hào hối lộ để xin sắc phong thần (ngày nay gọi là "chạy" để được công nhận di tích các đền chùa, nhà thờ họ), Người bị tội hối lộ để xin giảm, miễn tội, Quan tham lại nhũng hối lộ để lấy lòng quan trên, Chiều đón ý quan trên, đưa đồ hối lộ... thật là muôn hình, muôn vẻ... mà trước sau tác giả đều nhắc lại một điều răn là: Thứ hối lộ ấy không thể nhận.

Còn 5 trường hợp quà biếu có thể nhận (thụ) là những gì? Xét cho cùng thì đây cũng là sự cho - nhận trong mối quan hệ xã hội nhưng hàm chứa ân tình, ân nghĩa trong sáng, tốt đẹp hoàn toàn không mang mục đích mưa cầu tư lợi theo kiểu hối lộ. Đó là:

1 . Lễ tết hàng năm (cấp dưới tết cấp trên, học trò tết thầy, binh lính tết chỉ huy... bằng sản vật thổ ngơi - chứ không phải bằng tiền bạc).

2. Xong việc đến tạ ơn. Trong trường hợp này, Đặng Huy Trứ lý giải rõ: "Quan làm việc công đó là phận sự trong bụng không nên trông chờ sự báo đáp. Còn người có việc cũng không nên nói đến việc tạ ơn. Song lẽ ở đời "kết cỏ ngậm vành”, ai mà chăng có tình nghĩa ấy. Nếu như họ có công việc (nhờ ta), ta để hết tâm lực, cân nhắc cả ba mặt. tình, pháp và lý, xử thế thỏa đáng, khiến họ cũng được chút lợi họ ghi lòng tạc dạ ơn ấy, đem lễ vật đến tạ. Kẻ biếu xuất phát từ lòng thành, không có ý khác, người nhận không hề có yêu sách. Có thể nhận .

3. Người được tiến cử đến tạ ơn. Trường hợp này tác giả viết: “Tìm người hiền tiến cử nhà vua, đó là chức phận của bầy tôi. Nay ta biết có người hiền mà tiến cử, xuất phát từ lòng mong muốn triều đình có được người hiền đâu có mong báo đáp. Song đã gặp người tri kỷ, họ không quên. Đó là nhân tình vậy. Nhưng có những trường hợp công cử ở triều đình mà tạ riêng ở tư thất, như Vương Mật nửa đêm mang vàng bạc đến biếu Dương Chấn, Ngô Phụng ở giữa vườn hoa đưa vàng đút cho Trương Tải, người được tiến cử rồi thay đổi tiết tháo, phẩm hạnh như Trương Trật Phù công Lã Chính, như thế nếu họ có lễ tạ thì phải khước từ tức khắc Còn những người không phụ lòng ta tiến cử, đến khi tới hạn thăng chức, lên lương, được ân mệnh chuyển chức vụ khác nếu có mang sản vật thổ ngơi đến tạ lòng tri kỷ, người cho không xấu hổ, kẻ nhận không thẹn thùng. Có thể nhận”.

Ngoài ba trường hợp nêu trên, thì còn hai trường hợp thuộc diện "Có thể nhận". Đó là "Thuyền buôn Nam - Bắc nhờ thuận buồm xuôi gió đem quà đến biếu" và "Nhân việc vui buồn mà có quà mừng riêng . Cả hai trường hợp này cũng được tác giả đưa ra lời bàn hết sức cặn kẽ nhăm giúp kẻ nhận cũng như người cho nhận chân ra cái thực, cái giả nhiều khi lẫn lộn, rất dễ bị ngộ nhận.

Ngoài hai phần chủ yếu "không thể nhận" (từ) và "có thể nhận" (thụ), thì sau một phần đó, tác giả còn kèm theo hai đề mục là Tổng luận và Quảng nghĩa (suy rộng ra để xem xét) để bàn thêm về những đức tính, phẩm hạnh không thể thiếu của những người làm quan. Trong đó, Đặng Huy Trứ đặc biệt nhấn mạnh đến đức tính cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Bàn về hai chữ cần, kiệm, ông viết: "Sách "Chu Bách Lư Dung thuần khuyến ngôn" viết rằng: "Cần và kiệm là hai đạo sống ở đời. Không cần cù chăm chỉ thì thu nhập ít. Không tiết kiệm thì lãng phí bừa bãi. Đã thu nhập ít mà lãng phí bừa bãi thì tiền của sẽ cạn kiệt. Của cải cạn kiệt thì sẽ đi chiếm dụng bừa bãi. Nếu là kẻ ngu thì sẽ làm việc thiếu liêm sỉ. Còn kẻ tinh quái thì sẽ đi vào con đường mạo hiểm để chiếm đoạt những cái mà mình không đáng được nêu lên những lời dạy của người xưa, Đặng Huy Trứ cho rằng: "Cần là một đạo lý và kiệm cũng là một đạo lý". Nói tới hai chữ công tâm (tức chí công vô tư), ông trích dẫn một gương xưa: "Tấn Văn Công hỏi Cửu Phạm: ai có thể làm thái thú Tây Hà được? Cửu Phạm tiến cử Tử Cao. Văn Công hỏi: Tử Cao chẳng phải là kẻ thù của khanh sao? Cửu Phạm thưa lại: Ngài hỏi người có thể làm thái thú được chứ có hỏi kẻ thù của tôi đâu. Sau đó, Tử Cao đến tạ ơn, Cửu Phạm bảo: Tôi tiến cử ông là do công tâm, quyết không vì tư tình hại đến việc công. Xin ông cứ yên tâm mà đi (nhận chức)".

Thay lời kết

ìm hiểu cuộc đời và đọc trước tác của Đặng Huy Trứ, ta càng thêm kính trọng và cảm phục ông. Tuy là mệnh quan triều đình, nhưng từ việc làm đến lời nói đều nhất quán với cái tâm, cái đức của bậc thức giả. ông quan niệm. bổn phận của người làm quan trước hết lạ phải vì dân "Dân không chăm sóc chớ làm quan" và "Vì dân, bệ ngọc giải oan khiên…”. Không những thế, ông còn. cho rằng:

"Mình thiệt, dân lợi, dân gắn bó
Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn
Hờn căm, gắn bó tùy ta cả…”

Tương tự như câu ca truyền tụng trung dân gian xưa nay: Dân thương, dân lập đền thời dân ghét, dân đái ngập mồ chưa tha...

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #84
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.067
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Lộ ( ? - ? )

Đặng Lộ ( ? - ? ) Nhà thiên văn học, làm quan dưới thời Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Không ai rõ năm sinh, năm mất của Đặng Lộ nhưng nếu căn cứ vào những sự kiện xảy ra trong cuộc đời ông dưới các triều vua Trần thì có thể đoán ông sinh vào khoảng những năm cuối thế kỷ XIII. Ông sinh ra trong một gia đình hiếu học, người huyện Sơn Minh, trấn Sơn Nam (nay là huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây), từ nhỏ đã sớm bộc lộ một tư chất thông minh, ham học hỏi. Đặc biệt, ông tỏ ra rất thích thú với việc quan sát vũ trụ, xem xét, tính toán vị trí các ngôi sao, sự chuyển động của mặt trăng vào các đêm trăng sáng trong tháng. Ông thường tự đặt câu hỏi về quan hệ giữa mặt trăng, các vì sao với mặt trời rồi tự mình tìm tòi lời giải đáp.

Khoảng năm 1029 (dưới triều vua Lý Thánh Tông), người Việt đã từng biết chế tạo loại đồng hồ nước (hay đồng hồ cát) đơn giản, qua đó tính toán, phân định ra các canh giờ. Bên cạnh, còn một cách đơn giản hơn là đo bóng mặt trời chiếu qua một cây cột chôn đứng giữa bãi đất rộng. Tuy nhiên, phải đến thời của Đặng Lộ thì mọi việc mới tiến triển theo hướng khoa học và có độ chính xác cao.

Nói về đường công danh của Đặng Lộ xem ra cũng khá thuận lợi. Sau khi đỗ thi Hương, ông được vua Trần Minh Tông (1314-1329) phong làm Hậu nghi Đài lang Thái sử Cục lệnh, chuyên trách công việc ở đài quan sát thiên văn Hậu Nghi, lúc đó đặt trong khu Khâm Thiên.

Đặng Lộ được xem như nhà khoa học thực nghiệm ra đời sớm nhất của nước ta vào thời phong kiến. Qua nhiều năm mày mò nghiên cứu, thử nghiệm, ông đã chế tạo thành công một dụng cụ dùng xem thiên văn gọi là “Linh lung nghi” mục đích để đo đạc, xác định vị trí các sao, độ lệch của quỹ đạo mặt trời và mặt trăng so với xích đạo qua các tháng trong một năm và liên tục trong nhiều năm.

Sử sách đương thời đã đánh giá dụng cụ xem thiên văn của ông như sau: “Lung linh nghi khảo nghiệm khí tượng trên trời không việc gì là không đúng”.

Qua nhiều năm nghiên cứu về lịch và thiên văn, mùa xuân năm 1339, ông nhận thấy “Tên lịch từ trước đến nay đều gọi là lịch Thụ thì”, có khá nhiều bất hợp lý và sau đó ông quyết định tâu với vua Trần Hiến Tông xin đổi là lịch Hiệp kỷ, liền được vua chuẩn y. Những công trình nghiên cứu công phu về thiên văn của Đặng Lộ đã giúp ích cho việc tính toán, chia thời vụ trong sản xuất nông nghiệp và đắp đê phòng chống lũ lụt mà đương thời các vua nhà Trần rất quan tâm.

Đáng tiếc là trong các thế kỷ sau, công việc mà ông đã khởi xướng, đặt nền móng lại ít được quan tâm và hậu quả là người Việt tỏ ra rất chậm phát triển trong lĩnh vực thiên văn học. Ngay cả chiếc đồng hồ đo đếm thời gian, cho mãi đến thế kỷ XVII-XVIII, do có sự tiếp xúc với thế giới tư bản phương Tây nên các loại đồng hồ mới được nhập vào nhiều, nhưng cơ bản nước ta vẫn chỉ là nơi tiêu thụ chứ vẫn chưa chế tạo chúng được. Vào năm 1731, chúa Nguyễn sai các quan chia nhau lên các tuần ở miền núi, dùng đồng hồ để xác định đường xa gần. Các đài thiên văn và cơ quan kiểm soát ngoại thương sử dụng đồng hồ kiểu mới. Đến 1733, chúa Nguyễn lại lệnh cho đặt đồng hồ ở các dinh tỉnh lỵ và các cửa biển và chiếc đồng hồ từ ấy mới trở nên càng thêm thông dụng. Qua đó, càng thấy vai trò, vị trí của Đặng Lộ nổi bật như thế nào khi mà ở thế kỷ XIV, ông đã có những phát minh không thua kém người phương Tây trong một lĩnh vực khoa học khó khăn như thiên văn học...

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #85
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.067
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Minh Khiêm (1470 - 1532)

Đặng Minh Khiêm (1470 - 1532) , là danh thần đời Lê Thánh Tông (1442 –1497), tự Trinh Dự, hiệu Thoát Hiên dòng dõi Đặng Tất, Đặng Dung. Nguyên tổ quán huyện Thiên Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, sau dời ra xã Mạo Bổ, huyện Sơn Vi, tỉnh Sơn Tây (nay là huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Ông là con của Đặng Chiêm.

Ông đỗ tiến sĩ khoa thi năm Đinh Mùi 1487.
Năm Tân Dậu 1501, ông làm thị thư Viện Hàn lâm, đi sứ nhà Minh.

Năm Kỷ Tỵ 1509, ông lại đi sứ lần nữa, khi đi về đổi làm Tả thị lang bộ Lại, rồi thăng Thượng thư bộ Lễ, kiêm Phó tổng tài Sử quán coi việc ở Chiêu văn quán, Tú lâm cuộc.

Khoảng năm 1516-1522, đời Lê Chiêu Tông, ông nhận việc sửa bộ Đại Việt sử kí. Gặp lúc trong nước có nhiều biến cố, giữa triều đình ông luôn giữ khí tiết cứng cỏi không ai lay chuyển được. Ông giữ mình thẳng thắn, không ỷ phụ ai. Sau ông biết thời thế không thể làm gì được, nên mượn sử sách ngâm vịnh tiêu khiển. Ông mất ở Hóa Châu (tức vùng Thừa Thiên- Huế bây giờ) thọ trên 70 tuổi.

Ông còn để lại mấy tác phẩm giá trị: "Việt giám vịnh sử thi tập" (tập thơ vịnh sử nước Việt) gồm 3 tập, 125 bài viết theo thể thất ngôn tuyệt cú, là tập thơ đầu tiên ca ngợi danh nhân lịch sử Việt Nam.

Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú nhận định về Đặng Minh Khiêm: “Văn chương của ông thanh nhã, dồi dào, đời vẫn truyền tụng. Có văn học, tiết tháo, ông là bậc danh nho đời Lê. Sử khen là không hổ tiếng khoa danh. Bàn đến ông, người ta cho Đặng Tất, Đặng Dung có hậu”.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #86
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.067
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Minh Trứ (1901 – 1981)

Đặng Minh Trứ (1901 – 1981) sinh năm 1901, tại xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trong một gia đình trung nông. Sau khi đỗ Thành chung tại trường Collège de Mytho, ông lên Sài Gòn, học ban trung học đệ nhị cấp ở Trường Lycée Chasseloup Laubat và đỗ Tú tài hạng Ưu. Do đó, ông được học bổng du học sang Pháp. Ở Pháp, ông là sinh viên của trường Đại học Montpellier. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông học lên tiến sĩ; nhưng đến khi sắp sửa trình luận án, ông lại thôi để phản đối quy định của chính quyền Pháp, theo đó nếu là người dân thuộc địa, muốn bảo vệ được luận án tiến sĩ thì phải xin vào quốc tịch Pháp (!).

Sau đó năm 1931, ông về nước, dạy học tại Trường Lycée Pétrus Ký (Sài Gòn). Tháng 8 - 1945, ông cùng với các nhà giáo yêu nước Nguyễn Văn Chì, Trần Văn Nguyên tiếp quản Nha Học chính Nam kỳ của chính quyền thực dân và thành lập Sở Giáo dục Nam bộ.

Sau khi thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ (9/1945), vốn là người có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc sâu sắc, ông tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống Pháp của giới trí thức Sài Gòn.

Năm 1947, ông vận động trí thức ký tên vào 'Bản Tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn-Chợ Lớn' nhằm phản đối chính phủ tay sai Bảo Đại và đòi chính phủ Pháp phải xúc tiến việc thương thuyết với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu trong việc tìm ra một giải pháp hợp lý cho cuộc chiến tranh Việt-Pháp. Chính ông đã dẫn đầu một phái đoàn trí thức đến gặp Cao ủy Pháp ở Đông Dương là Bollaert để trao bản Tuyên ngôn ấy.

Năm 1948, ông là người tích cực vận động thành lập Thành hội Liên Việt Sài Gòn Chợ Lớn. Cũng trong năm này, do tình hình kháng chiến đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của các nhà trí thức, ông đã rời Sài Gòn ra chiến khu Đông Nam bộ; và được giao trọng trách làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn.

Năm 1949, ông được cấp trên phân công về Khu Tây Nam bộ (Khu 9) và giữ chức Giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ. Năm 1950, ông là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chánh tỉnh Cần Thơ.

Năm 1954, ông tập kết ra Bắc; và được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, như Phó Giám đốc Nha Giáo dục phổ thông (1955), Chánh Thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam (1959), Phó Hội trưởng Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Trong quá trình công tác, ở cương vị nào, ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người trí thức yêu nước chân chính.

Sau năm 1975, ông trở về thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1981, ông qua đời

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #87
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.067
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Nghiêm (1170-1236)

Đặng Nghiêm (1170-1236) thường gọi là Tiên hiền Đặng Nghiêm, người khai khoa cho xứ Sơn Nam. Ông là người thôn An Đề - huyện Vũ Thư - Thái Bình, sống vào thời đạo Nho bắt đầu được coi trọng. Ông là người thông minh, ham học. Lúc nhỏ đã nổi tiếng thần đồng. Ông học đâu nhớ đấy nên dù còn ít tuổi đã nổi tiếng uyên thâm, không có sách gì ông không đọc và hiểu biết nghĩa lý tường tận.

Nhà Lý mở nhiều khoa thi Nho học để chọn nhân tài cho đất nước buổi đầu xây dựng nhà nước trung ương tập quyền như khoa thi chọn "Người giỏi thi thư" năm Ất Tỵ niên hiệu Trịnh phù thứ 10 đời vua Lý Cao Tông (1185). Ở khoa thi này chính Tiên Hiền Đặng Nghiêm đã thi đậu và được tuyển chọn vào giảng sách hầu vua. Trong sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam", Đặng Nghiêm được xếp hàng thứ 5 sau bốn vị khách là người các xứ Kinh Bắc, Hải Đông nên ngài là người khai khoa cho xứ Sơn Nam nay gồm các tỉnh: Hà Đông cũ, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình. Các xứ Sơn Tây và vùng Thanh Nghệ cho đến lúc này chưa có người nào đậu Đại khoa cả. Chính vì ngài là người khai khoa cho xứ Sơn Nam nên tỉnh Thái Bình mới lấy tên Đặng Nghiêm đặt tên cho một đường phố rất khang trang ở TP Thái Bình để xây dựng Thái Bình thành một tỉnh "Hiếu học".

"Từ điển Nhân vật lịch sử Việt Nam" - Nhà xuất bản Văn học viết rằng: "Tiếng tăm ông vang lừng vượt hẳn các sĩ phu đương thời". "Ông làm quan đến Công bộ Thị Lang". "Ông là người hiển đạt đầu tiên trong tỉnh Nam Định".

Thật ra ông là người khai khoa cho cả xứ Sơn Nam bao gồm các tỉnh: Hà Đông cũ, Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định. Ngày nay, qua 800 năm, nhà thờ cổ Đặng Nghiêm ở An Đề - Thư Trì - Thái Bình vẫn được con cháu hương khói phụng thờ.

Theo sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam" thì đến Khoa thi năm Nhâm Thìn niên hiệu Kiến Trung 8 đời Trần Thái Tông (1232) cháu Đặng Nghiêm là Đặng Diễn đậu thứ nhất đệ nhị giáp. Đây là trường hợp đầu tiên ở nước ta, trong một gia đình có hai người đậu đại khoa. Đặng Diễn cũng sống ở An Đề - Vũ Thư. Điều này chứng tỏ gia đình Đặng Nghiêm đã trở thành một vọng tộc đi theo con đường Nho học và hiển đạt từ Khoa cử rất sớm.

Theo "Đặng tộc đại tông phả tự" do Đặng Đôn Thực viết năm Lê Hy Tông nguyên niên (1680) thì Đặng Nghiêm là con út của Đặng Phúc Mãn. Đặng Phúc Mãn vốn quê ở Mạc Xá nay đổi là Lương Xá, được giao chỉ huy một vệ đội để xây dựng hành cung Yên Hưng ở Quảng Ninh. Khi việc xây dựng hành cung hoàn thành, vua Lý đã ban ruộng cho Phúc Mãn ăn lộc ở An Đề - Thị Thư do đó Phúc Mãn mới về An Đề và cùng cụ bà hiệu là Trinh Thuận sinh ra Đặng Nghiêm ở An Đề.

Phả cũng cho biết ngài Đặng Ma La, thám hoa khoa Đinh Mùi - niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 16 đời Trần Thái Tông (1247) và nhà soạn lịch danh tiếng Đặng Lộ cũng là dòng dõi Đặng Nghiêm và như thế thì anh hùng dân tộc Đặng Tất, Đặng Dung và 4 nhà khoa bảng rất nổi tiếng đời Lê Sơ ở Sơn Vi: Đặng Thiếp, Đặng Tông Củ, Đặng Minh Khiêm, Đặng Tán và 2 vị khác là Đặng Thận, Đặng Điềm ở Lập Thạch cũng là con cháu ngài Đặng Nghiêm.

Người xưa đã từng nhận xét: Họ Đặng là "Nam phương vượng tộc" tức họ Đặng là một dòng họ thịnh vượng ở phương Nam. Quả không sai. Ngày nay họ Đặng sống ở nhiều nơi và đông đảo nhất là họ Đặng ở Thái Bình, họ Đặng ở Chương Mỹ, Hà Tây, họ Đặng ở vùng Can Lộc, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

Ngày 20-11-2007, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phả học Việt Nam kết hợp với Ban lịch sử địa phương, Viện sử học, trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám, Ban liên lạc họ Đặng toàn quốc tổ chức hội thảo khoa học về Đặng Nghiêm tại Bái đường Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội.

Cuộc hội thảo khoa học không những sẽ làm sáng tỏ hơn nữa những đóng góp to lớn của Đặng Nghiêm cho dân tộc, cho đất nước mà còn là dịp để động viên con em Thái Bình hăng say học tập, noi gương bậc tiền bối Đặng Nghiêm, luyện tài rèn đức để phục vụ cho đất nước.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #88
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.067
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Nguyên Cẩn (1867 - 1923)

Đặng Nguyên Cẩn (1867 - 1923) là chí sĩ cận đại, hiệu Thai Sơn, Tam Thai, tên cũ là Đặng Thai Nhận. Quê làng Lương Điền, tổng Bích Triều, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, con cụ Đặng Thai Giai (hay Thai Cảnh), từng tham gia phong trào Cần vương, bị giặc Pháp bắt giam rồi an trí đến chết. Ông và em là Đặng Thúc Hứa nặng nợ nước, thù nhà, tận tụy hy sinh vì đồng bào, dân tộc. Năm Mậu Tý 1888, ông đỗ cử nhân, năm Ất Mùi 1895, đỗ phó bảng lúc 28 tuổi. Sau đó làm quan tại Huế, rồi làm Đốc học ở Nghệ An, Bình Thuận. Nhưng ông nặng lòng yêu nước nên tham gia cổ động phong trào Đông du, Duy tân thuộc nhóm “Minh Xã” tại Nghệ An.

Ðầu tháng 8/1905, Đốc học Đặng Nguyên Cẩn và Ngô Ðức Kế (1878-1929) đã sắp xếp gặp Phan Bội Châu tại Hà Tĩnh, sau khi Phan Bội Châu về nước, với ý định đón Cường Ðể xuất ngoại. Cụ Đặng nói với Phan Bội Châu: “Anh phải đi ngay, còn việc cần kíp trong nước là mở mang dân trí, bồi dưỡng nhân tài, thì tôi với ông Tập Xuyên (tức Ngô Đức Kế) đảm nhiệm … (Phan Bội Châu. Tự phê phán, Ban NC Văn Sử Địa, 1955, tr.57).

Năm 1907, Đốc học Ðặng Nguyên Cẩn cùng Ngô Ðức Kế và Lê Văn Huân mở "Triêu Dương thương quán" ở Vinh (Nghệ An), buôn bán hàng nội hoá và các sách tân thư của Đông Kinh Nghĩa Thục và nhằm tạo nguồn tài chính cho phong trào Đông du, Duy tân. Nhưng mùa Thu 1907, người Pháp bắt đầu ra tay đàn áp, "Triêu Dương thương quán" buộc phải đóng cửa. Ðốc học Đặng Nguyên Cẩn bị thuyên chuyển vào Bình Thuận.

Năm 1908 hưởng ứng phong trào chống thuế ở Trung Kỳ, Ông bị Pháp bắt giải về Hà Tĩnh để xét xử, sau đó bị đày Côn Đảo suốt 13 năm. Dù ở Côn đảo, Ông tiếp tục liên lạc thường xuyên với người em Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan và Phan Châu Trinh. Đến năm 1921 ông mới được trả tự do một lượt với Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế. Nhưng về nhà chỉ được vài năm thì ông mất (1923). Thơ văn của ông được Huỳnh Thúc Kháng ghi lại trong Thi tù tùng thoại.

Trong Thi tù tùng thoại Huỳnh Thúc Kháng viết về ông: “Cụ Đặng Nguyên Cẩn là một nhà học rộng, sĩ phu Nghệ Tĩnh xem như núi Thái Sơn, sao Bắc Đẩu, là một người bạn già của cụ Sào Nam. Vóc người nhỏ bé, mặt mũi đen sạm, ngoài văn học ra không biết một thứ gì. Tướng cụ xấu, nếu như không quen biết mà mới gặp cụ lần đầu, tất cho là người không biết chữ nhất là một, mà ai có dè trong bụng như kho sách, khí áp nghìn quân; cái ngòi bút cổ kính không ai sánh, cùng cái tướng xấu quê đen sạm kia, hiệp thành cái lạ mà đời người ít có”.

Em của ông là Đặng Thúc Hứa vẫn hoạt động tại Thái Lan đến khi chết.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #89
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.067
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Tất ( - 1409)

Đặng Tất ( ? - 1409) Thân phụ nghĩa sĩ Đặng Dung đời Hậu Trần, người huyện Thiên Lộc (Can Lộc), tỉnh Hà Tĩnh. Ông dòng dõi Thám Hoa Đặng Bá Tĩnh. Cuối đời Trần sang đời nhà Hồ, ô vẫn được Hồ Quí Li trọng dụng, bổ làm tri phủ Hóa Châu. Đến khi cha con Hồ Quí Li bị tướng nhà Minh là Trương Phụ bắt, ông vẫn giữ chức Đại tri châu, cai trị vùng Hóa Châu.

Nhân Trần Ngỗi, con vua Trần Nghệ Tông, xưng Giản Ðịnh Hoàng đế, chiêu mộ binh mã nối nghiệp nhà Trần chống quân Minh (1-4-1407), Ðặng Tất tập hợp quân sĩ đội ngũ chỉnh tề, làm lễ tế trời đất, đánh trống, phất cờ xuất quân từ Ðại bản doanh (sông Thế Vinh) ra Nghệ An phò vua Giản Ðịnh chống giặc Minh. Vua phong ông giữ chức Quốc công, chỉ huy toàn bộ lực lượng nghĩa quân. Với sự phò tá của Ðặng Tất và đội quân "nhân nghĩa" Hóa Châu mà vùng cai quản của Giản Ðịnh nhanh chóng được mở rộng thành một dải liên hoàn từ Hải Vân sơn đến Thanh Hóa. Thế và lực nhà Hậu Trần lúc này đã đủ mạnh, vua sai Ðặng Quốc công tổng chỉ huy nghĩa quân tiến ra bắc giải phóng Ðông Ðô.

Ðại Việt sử ký toàn thư ghi: "Khi quân đi qua các xứ Trường Yên, Phúc Thanh các quân thứ cũ và các hào kiệt không ai không hưởng ứng đi theo, Tất chọn người có tài bổ cho quan chức" (1).

Khi đã chiếm được Phúc Thanh (thị xã Ninh Bình ngày nay), Ðặng Tất chủ trương tiến đánh sang tả ngạn sông Ðáy và ở đây đã đánh tan đội quân 10 vạn người do Tổng binh Mộc Thạnh chỉ huy. Ðây là trận thắng Bô Cô vang dội, được Ðại Việt sử ký toàn thư ghi: "Tháng 12 năm Mậu Tý, Quốc công Ðặng Tất phá được quân Minh ở kẻ Bô Cô. Bấy giờ nhà Minh sai Tổng binh Mộc Thạnh lấy tước Kiếm quốc công mang ấn Chinh di Tướng quân, đem năm vạn quân lại từ Vân Nam đến Bô Cô. Vừa khi vua cũng từ Nghệ An đem quân đến, quân dung nghiêm chỉnh, gặp buổi nước triều lên và gió mạnh, sai các quân thủy, bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, khiến các quân thừa cơ xông ra đánh từ giờ tỵ đến giờ thân, quân Minh thua chạy. Chém được Thượng thư binh bộ là Lưu Tuấn, Ðô đốc Lữ Nghị và quân cũ, quân mới hơn 10 vạn người, chỉ một mình Mộc Thạnh được thoát chạy lên thành Cổ Lộng" (2).

Chiến thắng Bô Cô là chiến thắng oanh liệt của vua, tôi nhà Trần đánh bại giặc Minh, gắn liền với tên tuổi vị tổng chỉ huy là Ðặng Tất, là một mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ðáng tiếc là sau chiến thắng Bô Cô đã diễn ra sự phân hóa nội bộ. Trước uy thế của Ðặng Tất, bọn nịnh thần đã xúc xiểm Giản Ðịnh ám hại Ðặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Tháng 3-1409, đoàn thuyền của Giản Ðịnh đóng ở Hoàng Giang, Giản Ðịnh cho triệu Ðặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đến thuyền ngự và bất ngờ sai tay chân giết chết hai ông. Trước hành động đó, các tướng lĩnh đã từ bỏ Giản Ðịnh, lực lượng nghĩa quân đã mau chóng tan rã.

Trước sự kiện này, vào thế kỷ 18, nhà sử học Ngô Thời Sĩ bình luận: "Tất cũng là trí tướng đấy chứ. Nếu được dùng hết mưu đồ của ông thì giặc Minh cũng phải một phen khốn đốn, quyết không dám bảo nước ta vô nhân. Tiếc thay vua Giản Ðịnh tự phá hoại bức tường thành của mình đó" (3).

Về tấm gương yêu nước và khí phách anh hùng của Ðặng Tất đã được ghi nhận trong cuốn Lịch sử Hà Tĩnh (quê hương ông): "Ðặng Tất bị giết hại nhưng tấm lòng yêu nước và những cống hiến của ông đối với sự nghiệp đánh giặc, cứu nước vẫn được nhân dân tôn kính và sử sách ghi nhận"(4). Vua Lê Thái Tổ đã truy phong Ðặng Tất tước Ðại vương và ban tám chữ vàng "Tiết liệt cương trung - Trung thần hiếu tử" (1428).

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #90
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 33.636.067
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đặng Thai Mai (1902 – 1984)

Đặng Thai Mai (1902 – 1984) còn được biết đến dưới tên gọi Đặng Thái Mai và những bút danh Thanh Tuyền, Thanh Bình. Ông là một giáo sư, nhà giáo, nhà văn, nhà phê bình văn học Việt Nam. Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Viện trưởng đầu tiên của Viện Văn học Việt Nam.

Ông sinh ngày 25 tháng 12 năm 1902 tại làng Lương Điền (nay là Thanh Xuân), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nho học. Thân phụ ông là Đặng Nguyên Cẩn, đỗ phó bảng, tham gia phong trào Duy Tân cùng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, bị thực dân Pháp bắt, đày đi Côn Đảo.

Sau khi thân phụ bị bắt, ông về sống tại quê nội từ năm 6 tuổi, và được bà nội nuôi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, học chữ Hán và chữ Quốc ngữ theo chương trình Đông kinh nghĩa thục.

Năm 1925, khi đang theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương - Hà Nội, ông tham gia phong trào đòi "ân xá" Phan Bội Châu, truy điệu Phan Chu Trinh, đồng thời gia nhập đảng Tân Việt.

Năm 1928, ông trở thành giáo sư Trường Quốc học Huế. Năm 1929, khi đảng Tân Việt tan vỡ, ông bị xử một năm tù treo, sau đó lại trở về dạy học ở Huế. Ông lại bị bắt năm 1930 và bị xử 3 năm vì tham gia phong trào Cứu tế đỏ. Sau khi ra tù, Đặng Thai Mai ra Hà Nội sống và dạy học tại trường tư Gia Long (1932).

Đến năm 1935, Đặng Thai Mai cùng với các bạn là Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp... lập ra Trường tư thục Thăng Long. Năm 1936, ông cùng Nguyễn Văn Tố, Vương Kiêm Toàn, Phan Thanh, Võ Nguyên Giáp... thành lập ra Hội truyền bá chữ Quốc ngữ.

Ông bắt đầu hoạt động văn hóa thời kì Mặt trận Dân chủ (1936-1939), viết báo và sáng tác một số truyện ngắn bằng tiếng Pháp nêu gương các chiến sĩ cách mạng buổi đầu (Cô câm đã lên tiếng, Người đàn bà điên, Chú bé...).

Năm 1939, ông ứng cử Viện dân biểu Trung Kỳ. Năm 1944, ông cho ra đời tác phẩm Văn học khái luận - cuốn sách đầu tiên trình bày có hệ thống nhiều vấn đề lí luận văn học theo quan điểm tiến bộ, như điển hình và cá tính, nội dung và hình thức, truyền thống và hiện đại. Đặng Thai Mai cũng là người có công giới thiệu văn học hiện đại Trung Quốc qua các công trình Lỗ Tấn (1944), Tạp văn Trung Quốc (1944), các bản dịch kịch Lôi Vũ, Nhật xuất của Tào Ngu, Lịch sử văn học Trung Quốc hiện đại, tập 1 (viết năm 1958).

Sau Cách mạng tháng Tám, ông giảng dạy ở bậc đại học và nghiên cứu phê bình văn học. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khoá I, Ủy viên Ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đồng thời là Bộ trưởng Bộ giáo dục trong Chính phủ liên hiệp. Cũng trong năm này, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong các giai đoạn về sau, ông lần lượt giữ các chức vụ về văn hoá và giáo dục như Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa, Hội trưởng Hội văn hóa Việt Nam, Giám đốc Trường dự bị đại học và Sư phạm cao cấp Liên khu IV, Giám đốc trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện trưởng Viện văn học, Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông cũng cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị như Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 (1960), Trên đường học tập và nghiên cứu (tập 1, 1959, tập 2, 1965 và tập 3, 1973).

Đặng Thai Mai có vốn nho học uyên thâm và am hiểu văn học cổ điển Pháp, văn học hiện đại Trung Quốc, văn học cận đại Việt Nam. Đặng Thai Mai là nhà lí luận phê bình sắc sảo. Năm 1982, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Năm 1996, ông lại được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) về các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học thế giới.

Ông lập gia đình với bà Hồ Thị Toan, người con gái đầu là Đặng Bích Hà sau gả cho bạn ông là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông còn có một người con trai và bốn người con gái khác, trong đó hai người cũng là vợ của các tướng lĩnh trong Quân đội là bà Đặng Thị Hạnh - vợ của Trung tướng Phạm Hồng Cư (tên thật là Lê Đỗ Nguyên) và bà Đặng Anh Đào - vợ của Trung tướng Phạm Hồng Sơn. Con trai ông là Đặng Thanh Lê cũng là một Giáo sư văn học, giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đặng Thai Mai mất năm 1984.

Tác phẩm

* Văn học khái luận (1944)
* Lỗ Tấn (1944)
* Tạp văn trong văn học Trung Quốc ngày nay (1945)
* Chủ nghĩa nhân văn thời kỳ văn hóa Phục Hưng (1949)
* Giảng văn Chinh Phụ Ngâm (1950)
* Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc (1958)
* Văn thơ Phan Bội Châu (1958)
* Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (1961)
* Trên đường học tập và nghiên cứu, tập 1 (1959), tập 2 (1969), tập 3 (1970).
* Đặng Thai Mai - tác phẩm, tập 1 (1978), tập 2 (1984)
* Hồi ký (1985)

Tài sản của LSB-Sun
Đã khóa chủ đề


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 04:19
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,12325 seconds with 15 queries