Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Vọng Nguyệt Nhai > Nhật Ký & Lưu Bút
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Nhật Ký & Lưu Bút Là nơi gửi những dòng lưu bút và nhật ký của các huynh đệ tỷ muội Lương Sơn.

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 06-08-2003   #1
Ảnh thế thân của GiangHo_LangLe
GiangHo_LangLe
-=[ Lâu La ]=-
Gia nhập: 31-07-2003
Bài viết: 169
Điểm: 27
L$B: 11.715
GiangHo_LangLe đang offline
 
Kể từ khi ra đời vào năm 1993 đến nay, bút ký "Người không cô đơn" của tác giả Minh Chuyên vẫn có một tác động không nhỏ trong xã hội. Bài viết sau kể tiếp về số phận những nhân vật trong bút ký đó, cũng như giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc sống hiện tại của tác giả Minh Chuyên.

Bút ký Người không cô đơn xuất hiện lần đầu trên báo Văn nghệ và sau đó được trao giải nhất (duy nhất) cuộc thi bút ký năm 1993, tới nay vừa tròn 10 năm.

Khi Người không cô đơn vừa ra đời đã xôn xao dư luận xã hội. Tác giả của nó, nhà văn Minh Chuyên, nêu hình tượng người lính từ chiến trận trở về bằng một câu chuyện bi thương có thực, làm hàng triệu người đọc rơi nước mắt. Câu chuyện nói lên sự tàn khốc của chiến tranh, đến mức anh thương binh Nguyễn Đình Thúc quê ở Thái Bình còn sống mà không nhớ nổi đường về quê mẹ, không nhớ cả người yêu, phải lang thang xin ăn và nương nhờ một gia đình tốt bụng ở Hà Nội. Ông bà Lê Minh Châu và cô con gái Lê Thị Dung đã nuôi dưỡng chăm sóc một người tâm thần và đối xử với anh như người ruột thịt mà không hề hay biết người mình nuôi là ai. Mãi về sau mới rõ anh là Nguyễn Đình Thúc, thương binh tâm thần thất lạc. Hơn tám năm sau khi tìm được quê hương, đưa anh thương binh trở về với gia đình, song do vết thương quá nặng, khi về, Thúc không nhận ra bố mẹ đẻ của mình, không nhận ra cả người yêu. Gia đình, bố mẹ, người thân của Thúc cũng không nhận ra anh. Họ hàng nội ngoại của anh đã tính đến chuyện trả lại anh cho gia đình ông bà Châu ở Hà Nội... Câu chuyện có thực mà như huyền thoại, vừa cảm động vừa bi thương.

Bút ký Người không cô đơn không chỉ xôn xao dư luận mà còn "rung động" cả giới làm nghệ thuật ngày đó. Đoàn kịch Thái Bình, Nhà hát Cải lương Trung ương, Nhà hát kịch Tuổi trẻ, Đài Truyền hình Việt Nam, Hãng phim Sài Gòn VIDEO v.v... đã chuyển thể bút ký Người không cô đơn thành các loại hình nghệ thuật như kịch nói, chèo, cải lương, phim truyện, phim tài liệu v.v... Và tác giả bút ký, nhà văn Minh Chuyên suốt hơn hai năm ròng được các đoàn nghệ thuật mời đi làm lời thoại và chuyển Người không cô đơn sang loại hình nghệ thuật sân khấu và điện ảnh.

Mười năm qua, tác động của Người không cô đơn với xã hội thật không nhỏ. Đã có hơn 1.300 lượt đoàn, bạn đọc về thăm anh thương binh Nguyễn Đình Thúc ở làng Tống Vũ - Thái Bình và thăm gia đình ông bà Lê Minh Châu ở Cầu Giấy - Hà Nội. Đến thăm vì cảm thương và tò mò: vì sao người thương binh phải lang thang phiêu bạt ăn xin suốt gần 10 năm trời? Vì sao anh không nhận ra người thân của mình? Vì sao lại có những tấm lòng cưu mang anh hết mình như thế? Bạn đọc cùng địa phương và Công ty 19 Bộ Quốc phòng đã làm tặng Thúc một căn nhà mái bằng trên mặt đường 39 với các tiện nghi sinh hoạt của gia đình.

Anh thương binh tâm thần Nguyễn Đình Thúc, nhân vật chính trong tác phẩm Người không cô đơn, đã có vợ và ba người con đang đi học. Mười năm qua, anh được sống trong sự đùm bọc thương yêu của vợ con, cha mẹ cùng bà con làng Tống Vũ. Sống trong mái ấm gia đình, song do vết thương sọ não quá nặng, nhiều lúc anh vẫn không nhớ tên các con anh, tên vợ anh là gì. Thỉnh thoảng anh vẫn lang thang ra đường nhặt nhạnh, tìm kiếm một cái gì đó và luôn miệng nghêu ngao hát, đùa giỡn với trẻ con, nhưng cũng có lúc tỉnh táo, Thúc ngồi kể lại ngày bị địch bắt, tra tấn rồi đưa anh giam ở nhà tù Phú Quốc. Chính những ngày này đơn vị đã gửi giấy báo tử về xã và xã Vũ Chính quê Thúc đã tổ chức một buổi lễ truy điệu anh thật cảm động.

Ông bà Lê Minh Châu được rất nhiều bạn đọc cảm phục, khi họ nhắc tới bút ký Người không cô đơn. Nhiều người đọc đã viết thư gọi ông bà là người có tấm lòng đại nhân, đại nghĩa. Nay ông bà Châu đã ở tuổi tám mươi. Bà Châu ngày ngày vẫn dò dẫm đi bán hàng và cân đo người ở Công viên Thủ Lệ để kiếm sống. Cuộc sống tuy không dư dả, nhưng ông bà vẫn dành dụm mua sắm quần áo, đồ dùng gửi về Thái Bình cho người con nuôi. Mấy năm trước ông bà còn mua cả một cái ti-vi gửi về cho gia đình Thúc sử dụng. Do hậu quả chiến tranh, Thúc vẫn phải sống trong đau đớn và vô cảm. Anh vẫn chưa có dịp báo đáp được bố mẹ nuôi của mình.

Y sĩ Lê Thị Dung con ông bà Châu, người tận tình chăm sóc Thúc, khiến anh cứ ngờ Dung là người yêu của mình và Phạm Thị Học Bí thư Đảng ủy xã Vũ Chính, người yêu của Thúc - hai người con gái được nêu trong bài bút ký - có đức hạnh cao đẹp lạ thường. Giờ đây Dung và Học đều là cán bộ Nhà nước. Dung xây dựng gia đình đã có hai con lớn. Học vẫn ở vậy và coi Thúc là anh trai. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương của Thúc tái phát, cả hai cô thường lui tới an ủi động viên anh.

Sau khi đọc bút ký và xem vở kịch Người không cô đơn, thượng toạ Thích Thanh Tứ, Hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị Chính phủ cho lập quỹ Người không cô đơn, sau đổi thành quỹ Đền ơn đáp nghĩa. Mười năm qua quỹ Đền ơn đáp nghĩa đã thu được hơn 300 tỷ đồng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các địa phương đã sử dụng quỹ này xây dựng Nhà tình nghĩa để tặng các gia đình thương binh, liệt sĩ ở 61 tỉnh thành phố.

Còn tác giả bút ký Người không cô đơn nhà văn Minh Chuyên đã chuyển sang làm biên kịch kiêm đạo diễn phim tài liệu của Đài Truyền hình Việt Nam. Minh Chuyên đã nhận được gần 1.700 bức thư của bạn đọc gửi tới bày tỏ sự xúc động trước số phận bi thương của anh thương binh trong bút ký. Nhiều bức thư cảm ơn tác giả đã cho họ được thưởng thức một bài ký ẩn chứa đầy lòng nhân ái của con người.

Trước Người không cô đơn, Minh Chuyên có bút ký Thủ tục làm người còn sống. Một bút ký miêu tả thân phận người lính sau cuộc chiến, làm xôn xao dư luận một thời gian dài. Sau đó anh lại cho ra đời bút ký Vào chùa gặp lại cũng gây ấn tượng mạnh trong bạn đọc và có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Nhà thơ Phạm Tiến Duật có bài viết sau khi đọc Vào chùa gặp lại đăng trên báo Văn nghệ số ra ngày 11-1-1997 có đoạn: "Đọc bút ký Vào chùa gặp lại tôi đã mất ngủ, tôi không thể tin ở mắt mình nữa. Chưa đầy hai trang báo Minh Chuyên đã làm sống dậy trong tôi cả bao năm khói lửa với bao số phận vừa bi vừa hùng. Cảm ơn tác giả đã cho tôi thêm yêu, thêm trân trọng sự hy sinh to lớn của một thế hệ vì sự nghiệp giải phóng đất nước"...

Tiếp sau nữa, Minh Chuyên viết tập ký Di họa chiến tranh. Nhà xuất bản Văn học in và tập ký này được trao giải thưởng Hội nhà văn năm 1998. Đến nay Minh Chuyên đã in 15 tập ký, truyện ngắn và tiểu thuyết về đề tài hậu chiến.

Trải qua 10 năm sóng gió ở chiến trường miền Đông Nam Bộ và hàng chục năm gần gũi gắn bó với những người thương binh về làng, Minh Chuyên mới có được những trang bút ký "xuất thần" như thế. Chắc chắn bút ký Người không cô đơn sẽ còn bền bỉ sống và tự nó khẳng định: con người mãi mãi không bao giờ cô đơn

Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 19:24
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,04322 seconds with 15 queries