Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 28-03-2009   #1
Ảnh thế thân của __Phi*Tuyết__
__Phi*Tuyết__
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
Ảo Mộng Vô Cực
Gia nhập: 07-04-2006
Bài viết: 4.249
Điểm: 656
L$B: 2.050.529
Tâm trạng:
__Phi*Tuyết__ đang offline
 
Cộng Đồng Các Dân Tộc Việt Nam

CỘNG ĐỒNG CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM



Việt Nam ta là 1 đất nước gồm 54 dân tộc anh em, cùng chung sống. Các dân tộc đoàn kết với nhau tạo. Nhưng mỗi dân tộc có lối sống và phong tục riêng tạo nên những nét văn hóa rất đặc sắc. Trong loạt bài viết này PT xin giới thiệu với các bạn các dân tộc đó. Mỗi một bài viết PT sẽ giới thiệu về 1 Dân tộc, bạn nào có đóng góp thi PT rất cảm ơn. Nhưng để tránh trùng lặp ( 1 dân tộc đã giới thiệu rồi lại giới thiệu lại ) các bạn nhớ đọc kĩ trước khi đăng bài

*Lưu ý: Tất cả tư liệu được sử dụng trong loạt bài viết này được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau


DÂN TỘC THÁI




Dân tộc Thái hiện nay có hơn 1 triệu người, sinh sống tập trung tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Nghệ An. Dân tộc Thái có tên gọi là Táy và các nhóm Táy Đăm, Táy Khao, Táy Mười, Tày Thanh, Hàng Tổng, Pu Thay, Thổ Đà Bắc. Tiếng Thái thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái.

Người Thái có nhiều kinh nghiệm đắp phai, đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng. Lúa nước là nguồn lương thực chính, đặc biệt là lúa nếp. Người Thái cũng làm mương để trồng lúa, hoa mầu và nhiều thứ cây khác. Từng gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, đan lát, dệt vải, một số nơi làm đồ gốm... Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm, với những văn hoa độc đáo, màu sắc tươi hài hoà, bền đẹp.

Mấy chục năm gần đây, nam giới người Thái mặc Âu phục khá phổ biến, nhưng phụ nữ vẫn gắn bó với bộ áo, váy, khăn cùng lối trang sức theo truyền thống văn hoá dân tộc. Người Thái thường ở nhà sàn, mỗi bản thường có khoảng 40-50 nóc nhà kề bên nhau. Người Thái Đen thường tạo dáng mái nhà hình mai rùa, trang trí hai bên đầu đốc nhà bằng những khau cút được làm theo phong tục từ xưa truyền lại. Người Thái có tục ở rể, vài năm sau khi vợ chồng có con với về ở bên nhà chồng.


Nhà mồ của người thái

Đồng bào quan niệm "chết" là tiếp tục sống ở thế giới bên kia. Vì vậy đám ma là lễ tiễn người chết về "mường trời".

Người Thái có nhiều họ, mỗi họ thường có những quy định kiêng kỵ khác nhau. Họ Lò không ăn thịt chim Táng Lò. Họ Quàng kiêng con hổ... Đồng bào Thái thờ cúng tổ tiên, cúng trời đất, cúng bản mường. Gắn liền với sản xuất là những lễ nghi cầu mùa. Mở đầu hàng năm bằng lễ đón tiếng sấm năm mới.


Một góc nhà của người thái

Thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện thơ, ca dao... là những vốn quý báu của văn học cổ truyền người Thái. Những tác phẩm thơ ca nổi tiếng của người Thái là: "Xống trụ xon xao", "Khun Lú, Nàng ửa" . Người Thái sớm có chữ viết nên nhiều vốn cổ (văn học, luật lệ, dân ca) được ghi chép lại trên giấy bản và lá cây. Đồng bào rất thích ca hát, đặc biệt là khắp - lối ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Nhiều điệu múa như múa xoè, múa sạp đã được trình diễn trên sân khấu trong và ngoài nước, hấp dẫn đông đảo khán giả. Hạn khuống, ném còn là hai đặc trưng văn hoá của người Thái.


chiếc khăn piêu của người thái

Đồng bào Thái làm Piêu từ loại vải bông tự dệt. Trước khi thêu, miếng vải được chọn làm khăn đội đều phải nhuộm chàm. Chàm là màu nền để trên đó người phụ nữ Thái thêu lên các họa tiết, hoa văn bằng các loại chỉ màu (xanh, đỏ, tím, vàng, da cam....) ở hai đầu khăn. Để có một chiếc Piêu hoàn chỉnh, người phụ nữ Thái phải mất thời gian từ hai đến bốn tuần.


vòng xòe của người thái

Theo truyền thống của dân tộc Thái vào những ngày lễ, tết, ngày vui của dòng họ, gia đình, nhất là nhà đón khách quý… vòng xòe thường được tổ chức như một nghi lễ dân gian để đón mừng và bên ánh lửa bập bùng tay trong tay tình cảm con người gần gũi, xiết chặt thể hiện nét đẹp truyền thống


Chữ ký của __Phi*Tuyết__
Gió bay nỗi nhớ qua cầu
Cho lòng sông rối đục ngầu nước trôi
Tình yêu chỉ mỗi mình thôi
Tương tư gãy ánh trăng côi cút sầu


Chỉnh sửa lần cuối bởi __Phi*Tuyết__: 27-04-2009 lúc 07:38.
Trả lời kèm theo trích dẫn
5 thành viên đã gửi lời cám ơn đến __Phi*Tuyết__ vì bài viết hữu ích này:
( Lion ) (23-05-2009), dohieutq (17-09-2011), Lăng Độ Vũ (28-03-2009), Tú_Yên (29-03-2009), Trùm Cuối (30-03-2009)
Cũ 28-03-2009   #2
Ảnh thế thân của __Phi*Tuyết__
__Phi*Tuyết__
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
Ảo Mộng Vô Cực
Gia nhập: 07-04-2006
Bài viết: 4.249
Điểm: 656
L$B: 2.050.529
Tâm trạng:
__Phi*Tuyết__ đang offline
 
2.Dân tộc Mông (H'Mông)


Tên dân tộc: Mông (Mông Trắng, Mông Hoa, Mông Ðỏ, Mông Ðen, Mông Mán)
Dân số: 787.604 người (năm 1999).
Ðịa bàn cư trú: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Cao Bằng, Nghệ An.



Phong tục tập quán:
Mỗi dòng họ sống thành cụm do trưởng họ đảm nhiệm. Tự do hôn nhân, nhưng không lấy người cùng dòng họ. Vợ chồng rất ít bỏ nhau.

Ngôn ngữ: Ngôn ngữ thuộc nhóm Mông - Dao.

Văn hoá: Người Mông ở nhà trệt, cấu trúc theo lối xứ lạnh, có lò sưởi, có thịt sấy ăn quanh năm, có món "mèn mén", món "thắng cố" độc đáo. Nhạc cụ là nhiều loại khèn và đàn môi. Tết tổ chức vào tháng 12 dương lịch. Trong 3 ngày Tết không ăn rau xanh. Nam nữ thanh niên vui xuân, thổi khèn gọi bạn.


Con trai người Mông thổi Kèn

Trang phục: Quần áo may bằng vải lanh tự dệt. Nữ mặc váy xoè rộng, áo xẻ ngực, tạp dề trước và sau, xà cạp quấn chân.


Trò chơi đánh én của dt Mông

Kinh tế: Làm nương rẫy du canh và trồng lúa nước ở ruộng bậc thang. Trồng lanh để lấy sợi dệt vải và cây dược liệu.


Chữ ký của __Phi*Tuyết__
Gió bay nỗi nhớ qua cầu
Cho lòng sông rối đục ngầu nước trôi
Tình yêu chỉ mỗi mình thôi
Tương tư gãy ánh trăng côi cút sầu

Trả lời kèm theo trích dẫn
4 thành viên đã gửi lời cám ơn đến __Phi*Tuyết__ vì bài viết hữu ích này:
dohieutq (17-09-2011), Lăng Độ Vũ (28-03-2009), Tú_Yên (29-03-2009), Trùm Cuối (30-03-2009)
Cũ 29-03-2009   #3
Ảnh thế thân của __Phi*Tuyết__
__Phi*Tuyết__
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
Ảo Mộng Vô Cực
Gia nhập: 07-04-2006
Bài viết: 4.249
Điểm: 656
L$B: 2.050.529
Tâm trạng:
__Phi*Tuyết__ đang offline
 
3.DÂN TỘC DAO



Tên dân tộc: Dao
Địa bàn cư trú: Dân tộc Dao là một trong 54 dân tộc anh em đang sống trên dải đất Việt Nam. Hiện nay, dân tộc Dao có khoảng gần 500.000 người, phân bố chủ yếu ở các tỉnh vùng cao biên giới phía bắc Việt Nam như Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn. Hầu hết các nhóm người Dao đều thờ tổ tiên là Bàn Hồ. Một số ngành nghề thủ công của người Dao rất phát triển như dệt vải, rèn, mộc, làm giấy, ép dầu...



Phong tục tập quán: Cư trú thành thôn bản thưa thớt, ven các sườn núi cao nơi có nhiều rừng cây. Nhà ở có hai loại: Nhà đất và nhà nửa sàn nửa đất. Người Dao thì tin rằng vạn vật đều có linh hồn gọi là “Hon” hoặc “Vần”. Khi một thực thể bị chết thì hồn lìa khỏi xác và biến thành ma. Theo quan niệm này bất kỳ ở đâu trên trái đất này đều có hồn và ma. Người Dao cũng thờ cúng tổ tiên như nhiều dân tộc khác. Bàn thờ dòng họ được đặt ở nhà tộc trưởng. Nhưng nói đến phong tục người Dao phải nói tới lễ cấp sắc. Đây là một nghi lễ, một sinh hoạt mà không một người đàn ông dân tộc Dao nào không trải qua. Hiện nay ở tất cả các làng của người Dao các em trai ở lứa tuổi từ 13 - 14 tuổi được làm lễ cấp sắc. Lễ được diễn ra rất thiêng liêng có thầy cúng và bà con trong bản chứng kiến. Những chàng trai người Dao sau khi được cấp sắc coi như có quyền làm người lớn và chịu trách nhiệm trước cộng đồng dân tộc của mình.


Màn múa chuông của dân tộc Dao

Ngôn ngữ: Thuộc nhóm Mông - Dao.
Văn hóa: Họ có kho tàng truyện cổ tích, thơ ca, hò vè được phổ biến rộng rãi, kể về các đề tài: đấu tranh với thiên nhiên, lao động sản xuất, quan hệ xã hội và gia đình,... thể hiện ước vọng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc v.v... như những truyện “Hai chị em”, “Bắt yêu tinh”; như: “múa chuông”, “múa trống”. Các nhạc cụ truyền thống được sử dụng như: trống, chiêng, chuông.


Lễ hội đón xuân của dân tộc Dao

Trang phục: Trang phục của hai nhóm Dao ở Quảng Ninh về cơ bản giống nhau: áo dài, quần, yếm, dây lưng, mũ khăn, xà cạp v.v... Chỉ khác nhau ở cách tạo hình trang trí hoa văn. áo, quần đều màu đen hoặc màu chàm.
Kinh tế: Nghề sống chủ yếu là nông nghiệp nương rẫy, ngày nay một số nơi đã chuyển sang trồng rừng, trồng lúa nước và chăn nuôi.
Kiến trúc nhà ở của người Dao cũng rất phong phú tuỳ nhóm mà ở nhà sẽ nhà trệt hay nửa sàn, nửa đất. Hiện nay tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam ngôi nhà nửa sàn nửa đất được chọn để trưng bày và giới thiệu. Loại nhà nửa sàn nửa đất, là loại kiến trúc nhà cửa của riêng người Dao, gắn liền với cuộc sống du canh du cư trước đây. Điều đặc biệt là toàn bộ ngôi nhà của người Dao đều được làm bằng tranh tre nứa lá, không có một chút gạch ngói. 8 cột cái trong nhà được làm bằng những cây gỗ quí, có tuổi rất già 80-90 năm. Mỗi lần chuyển nhà, họ có thể bỏ phên, tranh tre nứa lá còn những cột cái bằng gỗ quí có sức bền với thời gian thì họ chuyên chở đi để làm ngôi nhà nơi ở mới.


Một kiểu kiến trúc nhà ở của người Dao


Chữ ký của __Phi*Tuyết__
Gió bay nỗi nhớ qua cầu
Cho lòng sông rối đục ngầu nước trôi
Tình yêu chỉ mỗi mình thôi
Tương tư gãy ánh trăng côi cút sầu

Trả lời kèm theo trích dẫn
3 thành viên đã gửi lời cám ơn đến __Phi*Tuyết__ vì bài viết hữu ích này:
Lăng Độ Vũ (29-03-2009), Tú_Yên (29-03-2009), Trùm Cuối (30-03-2009)
Cũ 29-03-2009   #4
Ảnh thế thân của __Phi*Tuyết__
__Phi*Tuyết__
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
Ảo Mộng Vô Cực
Gia nhập: 07-04-2006
Bài viết: 4.249
Điểm: 656
L$B: 2.050.529
Tâm trạng:
__Phi*Tuyết__ đang offline
 
4.DÂN TỘC MƯỜNG





Tên dân tộc: Mường (Mol, Mual, Moi, Moi Bi, Au Tá, Ao Tá)
Dân số: 1.137.515 người (năm 1999).

Thiếu nữ Mường

Ðịa bàn cư trú: Cư trú ở nhiều tỉnh phía bắc, tập trung đông ở Hoà Bình và miền núi Thanh Hoá. Sống định canh định cư nơi có nhiều đất sản xuất, gần đường giao thông, thuận tiện cho việc làm ăn.


Nhà ở của người Mường

Phong tục tập quán:
Thờ cúng tổ tiên và tin vào đa thần giáo. Xưa tổ chức xã hội của người Mường là chế độ lang đạo chia nhau cai quản các vùng. Ðứng đầu mỗi mường có các Lang Cun, dưới Lang Cun có các Lang Xóm hoặc Đạo Xóm.


Một cảnh lễ hội

Hôn lễ của người Mường gần giống người Kinh. Khi trong nhà có người sinh nở thì rào cầu thang chính bằng phên nứa. Khi trẻ lớn khoảng một tuổi mới đặt tên. Khi có người chết, tang lễ được tổ chức theo nghi thức nghiêm ngặt.

Ngôn ngữ: Ngôn ngữ thuộc nhóm Việt - Mường.

Văn hoá: Kho tàng văn nghệ dân gian khá phong phú: thơ, bài mo, truyện cổ, dân ca, ví đúm, tục ngữ. Có nhiều bài hát: ru em, đồng giao, hát đập hoa, hát đố, hát trẻ con chơi... Nhạc cụ có cồng, nhị, sáo trống, khèn lù. Có nhiều ngày hội trong năm: hội xuống đồng (khuông mùa), hội cầu mưa, lễ rửa lá lúa, lễ cơm mới...


Nhạc cụ của người Mường

Trang phục: Nam mặc quần áo màu chàm. Nữ mặc áo, váy, áo ngắn thân xẻ ngực (có nơi xẻ vai), ít cài cúc và mặc yếm. Váy khá dài, cao đến nách, cạp váy dệt bằng tơ nhuộm màu, có hoa văn trang trí rất đẹp. Ðầu đội khăn màu trắng hình chữ nhật.

Kinh tế: Làm ruộng từ lâu đời. Lúa nước là cây lương thực chủ yếu. Kinh tế phụ là khai thác lâm thổ sản. Nghề thủ công có dệt vải, đan lát, ươm tơ. Nhiều phụ nữ Mường dệt thủ công với kỹ nghệ khá tinh xảo.

Con gái Mường dệt vải


Chữ ký của __Phi*Tuyết__
Gió bay nỗi nhớ qua cầu
Cho lòng sông rối đục ngầu nước trôi
Tình yêu chỉ mỗi mình thôi
Tương tư gãy ánh trăng côi cút sầu

Trả lời kèm theo trích dẫn
2 thành viên đã gửi lời cám ơn đến __Phi*Tuyết__ vì bài viết hữu ích này:
Tú_Yên (31-03-2009), Trùm Cuối (30-03-2009)
Cũ 30-03-2009   #5
Ảnh thế thân của __Phi*Tuyết__
__Phi*Tuyết__
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
Ảo Mộng Vô Cực
Gia nhập: 07-04-2006
Bài viết: 4.249
Điểm: 656
L$B: 2.050.529
Tâm trạng:
__Phi*Tuyết__ đang offline
 
5.DÂN TỘC TÀY



Dân tộc Tày là một cộng đồng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái, có số dân khoảng 1,2 triệu người, đông nhất trong các dân tộc thiểu số ở nước ta.


Thiếu nữ Tày

Dân tộc Tày còn có tên gọi khác là Thổ và bao gồm cả các nhóm: Ngạn, Phén, Thu Lao, Pa Dí. Người Tày cư trú ven các thung lũng, triền núi thấp ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Quảng Ninh và một số vùng thuộc Bắc Giang.


Nhà Dài của người Tày

Phong tục tập quán: Cư trú theo đơn vị làng, bản, tập trung ở ven suối hoặc những thung lũng bằng và rộng. Nhà ở trước đây là nhà sàn, ngày nay đã có sự thay đổi ở nhiều địa phương, như vùng giáp biên giới là nhà phòng thủ được xây dựng theo kiểu pháo đài đề phòng hoả hoạn. Thờ cúng tổ tiên, không kể các dịp lễ tết, người ta phải dâng hương, hoa, lễ vật mỗi tháng hai lần vào ngày mùng một và rằm. Đây là nhiệm vụ của gia trưởng, bắt nguồn từ thờ cúng gia tộc, thờ các vị thánh.


Màn Múa kiếm đón năm mới của người Tày

Văn hoá: Họ có kho tàng truyện cổ tích, thơ ca, hò vè về các đề tài đấu tranh với thiên nhiên; về lao động sản xuất, về quan hệ xã hội và gia đình, thể hiện ước vọng có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tiêu biểu là truyện “Nùng Trí Cao”, “Nàng Khuấy”, “Pú Luông - Già Cải”; nhạc cụ có “Đàn tính”.



Ngôn ngữ: Thuộc nhóm ngôn ngữ Tày- Nùng.
Trang phục: Gồm có áo cánh ngắn, áo dài, váy, quần, thắt lưng, khăn đội đầu, giầy vải và các đồ trang sức khác. Quần áo, váy đều mầu chàm hoặc mầu đen.
Kinh tế: Nguồn sống chính là trồng mầu trên đất bãi, trồng lúa nước và chăn nuôi.



Người Tày có một nền nông nghiệp cổ truyền khá phát triển với đủ loại cây trồng như lúa, ngô, khoai... và rau quả mùa nào thức đó.

Bản của người Tày thường ở chân núi hay ven suối. Tên bản thường gọi theo tên đồi núi, đồng ruộng, khúc sông. Mỗi bản có từ 15-20 nóc nhà. Bản lớn chia ra nhiều xóm nhỏ. Nhà ở có nhà sàn, nhà đất và một số vùng giáp biên giới có loại nhà phòng thủ. Trong nhà phân biệt phòng nam ở ngoài, nữ ở trong buồng. Người Tày thường mặc quần áo vải bông nhuộm chàm, áo phụ nữ dài đến bắp chân, ống tay hẹp, xẻ nách ở bên phải, cài 5 khuy.


Chữ ký của __Phi*Tuyết__
Gió bay nỗi nhớ qua cầu
Cho lòng sông rối đục ngầu nước trôi
Tình yêu chỉ mỗi mình thôi
Tương tư gãy ánh trăng côi cút sầu

Trả lời kèm theo trích dẫn
3 thành viên đã gửi lời cám ơn đến __Phi*Tuyết__ vì bài viết hữu ích này:
Lăng Độ Vũ (01-04-2009), Tú_Yên (31-03-2009), Trùm Cuối (30-03-2009)
Cũ 30-03-2009   #6
Ảnh thế thân của __Phi*Tuyết__
__Phi*Tuyết__
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
Ảo Mộng Vô Cực
Gia nhập: 07-04-2006
Bài viết: 4.249
Điểm: 656
L$B: 2.050.529
Tâm trạng:
__Phi*Tuyết__ đang offline
 
6.DÂN TỘC NÙNG



Dân tộc Nùng có gần khoảng 706.000 người, họ sống tập trung ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Thái, Hà Bắc, Tuyên Quang. Người Nùng gồm có các nhóm: Xuồng, Giang, Nùng An, Nùng Lòi, Phàn Sinh, Nùng Cháo, Nùng Inh, Quý Rịn, Nùng Dín, Khen Lài.


Thanh niên Nùng

Tiếng nói của người Nùng rất gần với tiếng Tày và thuộc hệ ngôn ngữ Tày-Thái. Tiếng Nùng có văn tự là nôm Nùng xuất hiện từ thế kỷ XVII.

Đồng bào Nùng thờ tổ tiên là chính. Bàn thờ để một buồng trong nhà, trên bàn thờ tổ tiên là bàn thờ các vị tiên, thánh, thần, Khổng Tử, và Quan âm Bồ tát.


1 góc thờ cúng của người nùng


Trang phục người Nùng Inh

Nguồn sống chính của người Nùng là cây lúa và cây ngô. Họ kết hợp làm ruộng nước ở các khe dọc với trồng lúa cạn trên sườn đồi. Đồng bào Nùng có trồng nhiều cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm như quýt, hồng... Hồi là cây quý nhất của đồng bào, hàng năm mang lại nguồn lợi đáng kể. Các ngành nghề thủ công đã phát triển, phổ biến nhất là nghề dệt, tiếp đến là nghề mộc, đan lát và nghề rèn, nghề gốm.



Đồng bào Nùng sồng thành từng bản trên các sườn đồi. Thông thường trước bản là ruộng nước, sau bản là nương và vườn cây ăn quả. Đồng bào ở nhà sàn làm bằng gỗ tốt, lợp ngói máng hoặc lợp tranh. Đồng bào Nùng mặc áo chàm. Tấm áo chàm của người Nùng đã từng che cho Bác Hồ khi Bác từ nước ngoài về sống và hoạt động cách mạng ở Pắc Bó (1941).

Một số vùng đồng bào còn lưu truyền câu truyện cổ với sự tích màu chàm là màu chung thuỷ của người vợ trẻ chờ chồng đi đánh giặc giữ nước. Người Nùng thích ăn các món xào mỡ lợn. Món ăn độc đáo và được coi là món ăn sang trọng của đồng bào là "khau nhục". Hình thức mời nhau uống rượi chéo chén có lịch sử từ lâu đời, nay đã thành tập quán của đồng bào.

Đồng bào Nùng có một kho tàng văn hoá dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đậm đà màu sắc dân tộc. Tiếng Sli giao duyên của thanh niên Nùng Lạng Sơn hoà quyện vào âm thanh tự nhiên của núi rừng gây nhiều ấn tượng sâu sắc cho những ai đã một lần đến xứ Lạng. Then là điệu dân ca tổng hợp có lời, có nhạc, có kiểu trang trí, có hình thức biểu diễn đã làm rạo rực tâm hồn bao chàng trai Nùng khi ở xa quê hương.

Lễ hội nổi tiếng thu hút được nhiều người, nhiều lứa tuổi khác nhau là hội "lùng tùng" (còn có nghĩa là hội xuống đồng) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm.


Chữ ký của __Phi*Tuyết__
Gió bay nỗi nhớ qua cầu
Cho lòng sông rối đục ngầu nước trôi
Tình yêu chỉ mỗi mình thôi
Tương tư gãy ánh trăng côi cút sầu

Trả lời kèm theo trích dẫn
3 thành viên đã gửi lời cám ơn đến __Phi*Tuyết__ vì bài viết hữu ích này:
Lăng Độ Vũ (01-04-2009), Tú_Yên (31-03-2009), Trùm Cuối (31-03-2009)
Cũ 03-03-2010   #7
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.400
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Thấy topic này rất hay nhưng Phi Tuyết dừng đã lâu nên Sun mạn phép xin được tiếp tục. Có thể không được đầy đủ như Phi Tuyết nên mọi người thông cảm cho.

Theo số liệu thống kê năm 2000 Việt Nam có 54 dân tộc. Dân tộc đông nhất là dân tộc Kinh (Việt), chiếm 87% dân số. Các dân tộc thiểu số đông dân nhất: Tày (1.190.000), Thái (1.040.000), Mường (914.000), Hoa (900.000), Khmer (895.000), Nùng (706.000), Hmông (558.000), Dao (474.000), Giarai (242.000), Êđê (195.000). Những dân tộc còn lại có dân số dưới 100.000 người, một nửa trong số đó có dân số dưới 10.000 người. Đa số các dân tộc này sống ở miền núi và vùng sâu vùng xa ở miền Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Cuối cùng là các dân tộc Brâu, Ơ đu và Rơ Măm chỉ có khoảng vài trăm người.

Sống trên mảnh đất Đông Dương - nơi cửa ngõ nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, Việt Nam là nơi giao lưu của các nền văn hóa trong khu vực. Ở đây có đủ 3 ngữ hệ lớn trong khu vực Đông Nam Á, ngữ hệ Nam đảo và ngữ hệ Hán - Tạng. Tiếng nói của các dân tộc Việt Nam thuộc 8 nhóm ngôn ngữ khác nhau.

Nhóm Việt - Mường có 4 dân tộc là: Chứt, Kinh (Việt), Mường, Thổ.

Nhóm Tày - Thái có 8 dân tộc là: Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái.

Nhóm Môn-Khmer có 21 dân tộc là: Ba Na, Brâu, Bru-Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Hrê, Kháng, Khmer, Khơ Mú, Mạ, Mảng, M'Nông, Ơ đu, Rơ Măm, Tà Ôi, Xinh Mun, Xơ Đăng, Xtiêng.

Nhóm Mông - Dao có 3 dân tộc là: Dao, Mông, Pà thẻn.

Nhóm Kađai có 4 dân tộc là: Cờ lao, La chí, La ha, Pu péo.

Nhóm Nam đảo có 5 dân tộc là: Chăm, Chu Ru, Ê đê, Gia Rai, Raglay.

Nhóm Hán có 3 dân tộc là: Hoa, Ngái, Sán dìu.

Nhóm Tạng có 6 dân tộc là: Cống, Hà Nhì, La hủ, Lô lô, Phù lá, Si la.

Mặc dù tiếng nói của các dân tộc thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau, song do các dân tộc sống rất xen kẽ với nhau nên một dân tộc thường biết tiếng các dân tộc có quan hệ hàng ngày, và dù sống xen kẽ với nhau, giao lưu văn hóa với nhau, nhưng các dân tộc vẫn lưu giữ được bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình. ở đây cái đa dạng của văn hóa các dân tộc được thống nhất trong qui luật chung - qui luật phát triển đi lên của đất nước, như cái riêng thống nhất trong cái chung của cặp phạm trù triết học.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
__Phi*Tuyết__ (09-01-2011)
Cũ 03-03-2010   #8
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.400
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
35. DÂN TỘC KINH



Tên gọi khác: Việt

Dân số: 55.900.224 người, chiếm 86,83% dân số toàn quốc.

Ngôn ngữ: Người Việt có tiếng nói và chữ viết riêng. Tiếng Việt nằm trongnhóm ngôn ngữ Việt Mường (ngữ hệ Nam Á).

Lịch sử: Tổ tiên người Việt từ rất xa xưa đã định cư chắc chắn ở Bắc bộ và bắc Trung bộ. Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử Việt Nam, người Việt luôn là trung tâm thu hút và đoàn kết các dân tộc anh em xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cư trú: Người Kinh cư trú khắp tỉnh, nhưng đông nhất là các vùng đồng bằng và thành thị.

Đặc điểm kinh tế:

Nông nghiệp lúa nước đã được hình thành và phát triển ở người Việt từ rất sớm. Trải qua bao đời cày cấy, ông cha ta đã tổng kết kinh nghiệm làm ruộng rất sâu sắc: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống". Hệ thống đê điều kì vĩ ngày nay là sự chứng minh hùng hồn tinh thần ngoan cường chế ngự tự nhiên để sống và sản xuất nông nghiệp của ông cha ta. Chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm, thả cá... cũng rất phát triển. Ðặc biệt con trâu trở thành "đầu cơ nghiệp" của nhà nông. Người Việt nổi tiếng "có hoa tay" về nghề thủ công nghiệp, phát triển bách nghệ - trăm nghề mà nghề nào dường như cũng đạt đến đỉnh cao của sự khéo léo tài hoa. Không ít làng thủ công đã tách khỏi nông nghiệp. Chợ làng, chợ phiên, chợ huyện... rất sầm uất. Hiện nay, các đô thị và các khu công nghiệp đang ngày càng phát triển trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Tổ chức cộng đồng:



Làng truyền thống có trật tự, kỷ cương. Ðằng sau luỹ tre xanh và cổng làng là một cộng đồng tương đối khép kín.

Ðại bộ phận người Việt sinh sống thành từng làng, dăm ba làng họp lại thành một xã.

Làng người Kinh thường trồng tre bao bọc xung quanh, nhiều nơi có cổng làng chắc chắn. Mỗi làng có đình là nơi hội họp và thờ cúng chung.
Nhiều xã cũng chỉ bao gồm một làng lớn và một số xóm độc lập mới tách ra từ làng lớn. Trong làng thường có nhiều xóm, có xóm lớn tương đương với thôn và thôn Bắc bộ gần tương tự như một ấp của Nam bộ. Trước Cách mạng tháng Tám, mỗi làng có một tổ chức hành chính - tự quản riêng khá chặt chẽ. Tổ chức Phe Giáp làm nơi quy tụ của dân làng để lo toan nhiều công việc của làng xã từ quản lý nhân đinh đến việc hiểu, việc tế lễ Thành hoàng. Những làng thủ công còn có tổ chức phường hội của những người cùng nghề nghiệp. Ðặc biệt, trong làng, sự phân chia dân nội tịch và dân ngoại tịch (ngụ cư) được quy định rõ trong Hương khoán ước của làng. Lệ làng được quy định một cách tương đối toàn diện và chặt chẽ về các mặt hoạt động của làng buộc mọi người thừa nhận và tự giác thực hiện.
Người Kinh có tập quán ăn trầu cau, hút thuốc lào, thuốc lá, uống nước chè, nước vối. Ngoài cơm tẻ, cơm nếp, còn có cháo, xôi. Mắm tôm, trứng vịt lộn là món ăn độc đáo của người Kinh.

Hôn nhân gia đình:

Trong gia đình người Kinh, người chồng (người cha) là chủ. Con cái lấy họ theo cha và họ hàng phía cha là "họ nội", còn đằng mẹ là “họ ngoại”. Con trai đầu có trách nhiệm tổ chức thờ phụng cha mẹ, ông bà đã khuất. Mỗi họ có nhà thờ họ, có người trưởng họ quán xuyến việc chung. Hôn nhân theo chế độ một vợ một chồng. Việc cưới xin phải trải qua nhiều nghi thức, nhà trai hỏi vợ và cưới vợ cho con. Người Kinh coi trọng sự trinh tiết, đức hạnh của các cô dâu, đồng thời chú ý đến gia thế xuất thân của họ.

Gia đình của người Việt hầu hết và những gia đình nhỏ gồm 2 thế hệ theo chế độ phụ quyền nhưng phụ nữ vẫn giữ vai trò quan trọng, thường là người quản lý kinh tế trong gia đình.
Người Việt có rất nhiều dòng họ, có những họ rất phổ biến như Nguyễn, Trần, Lê, Phạm, Vũ... dường như địa phương nào cũng có. Mỗi tộc họ, thường có nhà thờ tổ riêng, họ lại chia ra làm nhiều chi phái và mỗi chi phái lại bao gồm nhiều nhánh. Mỗi nhánh lại bao gồm các anh em cùng bố mẹ, ông bà. Quan hệ họ nội được truyền giữ bền chắc qua nhiều đời. Anh em họ hàng (kể cả họ nội và họ ngoại đều yêu thương giúp đỡ lẫn nhau).
Người Việt rất coi trọng tình yêu trong trắng chung thuỷ. Dưới thời phong kiến thường là "cha mẹ đặt đâu còn ngồi đấy", ngày nay nam nữ tự tìm hiểu. Ðể đi đến hôn nhân - thành vợ thành chồng, nghi lễ cưới xin truyền thống ở người Việt phải trải qua mấy bước cơ bản sau:

- Dạm: nhờ một người làm mối đến nhà gái ướm hỏi trước.
- Hỏi: Sắp lễ vật sang thưa chuyện chính thức với gia đình và họ hàng nhà gái.
- Cưới: Tổ chức lễ trình tổ tiên, ra mắt họ hàng làng xóm, tổ chức rước râu về nhà trai.
- Lại mặt: Cô dâu, chú rể về thăm lại nhà bố mẹ đẻ (nhà gái).

Qua các bước này và dĩ nhiên trước đó phải qua đăng ký kết hôn thì đôi trai gái chính thức trở thành cặp vợ chồng mới.

Văn hóa:

Vốn văn học cổ của người Kinh khá lớn: có văn học miệng (truyện cổ, ca dao, tục ngữ), có văn học viết bằng chữ (những áng thơ, văn, bộ sách, bài hịch). Nghệ thuật phát triển sớm và đạt trình độ cao về nhiều mặt: ca hát, âm nhạc, điêu khắc, hội họa, múa, diễn xướng. Hội làng hàng năm là một dịp sinh hoạt văn nghệ rôm rả, hấp dẫn nhất ở nông dân.

Nhà cửa:

- Nhà người Việt miền Bắc: Kiểu nhà ba gian hai chái với vì kèo suốt - giá chiêng - sáu hàng cột là tiêu biểu hơn cả. Cũng có thể là vì kèo chuyền (một biến dạng gần của vì kèo suốt). Tổ hợp hai nhà : nhà chính và nhà phụ kết hợp với nhau theo hình "thước thợ ". Mặt bằng sinh hoạt: gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên, phản gỗ (ghế ngựa) dành cho chủ nhà và bàn ghế tiếp khách. Hai gian bên của gian giữa kê giường tủ giành cho các thành viên nam trong nhà. Hai gian chái có vách (đố hoặc tường) ngăn với ba gian giữa. Trong các gian này dành cho sinh hoạt của các thành viên nữ, đồng thời còn là nơi để cất lương thực và các thứ lặt vặt khác. Đó là ngôi nhà chính, còn nhà phụ: một gian hai chái, vì kèo thường đơn giản (vì kèo cầu hoặc vì kèo - ba cột). Nhà này thường là nhà bếp kết hợp làm nơi để nông cụ, cối xay, cối giã, và chuồng trâu...
- Nhà người Việt miền Trung: một kiểu nhà rất phổ biến của người Việt cở miền Trung là nhà rường. Vì kèo bốn cột không có giá chiêng, đặt trên lưng trếng (xà lòng) của hai vì kèo, gian giữa người ta đặt một cái rương dùng làm kho. Yếu tố này chúng ta có thể thấy ở nhà một số cư dân thuộc ngôn ngữ Môn-Khơ me cực nam Trung Bộ : Mạ, Chil. Cơ ho, Xtiêng...Cách bố trí trong nhà có khác nhà miền Bắc đôi chút. Nói đến nhà miền Trung còn phải kể đến một kiểu nhà khá đặc biệt, đó là nhà lá mái. Nhà gồm hai lớp nóc: lớp trong bằng đất, lớp ngoài lợp lá, chủ yếu là để chống gió Lào.

Người Việt thường ở nhà trệt. Trong khuôn viên thường được bố trí liên hoàn nhà - sân - vườn - ao. Ngôi nhà chính thường có kết cấu ba gian hoặc năm gian và gian giữa là gia trang trọng nhất, đặt bàn thời gia tiên. Những gian bên là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình, gian buồng được bố trí ở chái nhà làm chỗ ở của phụ nữ và cũng là nơi cất trữ lương thực, của cải của gia đình. Nhà bếp thường được làm liền với chuồng nuôi gia súc. ở nhiều tỉnh Nam bộ, nhà bếp thường được làm sát kề hay nối kề với ngôi nhà chính. Sân để phơi và để sinh hoạt gia đình và cũng để tạo không gian thoáng mát rất phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm.

Trang phục:



Trang phục truyền thống áo dài cùng khăn đóng (nam) và khăn vấn (nữ) ngày nay vẫn được nhiều người dân Việt ưa dùng, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi...

- Trang phục nam (xưa)

Trang phục truyền thống áo dài cùng khăn đóng (nam) và khăn vấn (nữ) ngày nay vẫn được nhiều người dân Việt ưa dùng, đặc biệt là trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi...

Trang phục thường nhật:Nhìn chung người Việt (Bắc, Trung, Nam), thường ngày mặc áo cách nâu, xẻ ngực, cổ tròn, xẻ tà, hai túi dưới. Đây là loại áo ngắn mặc với quần lá tọa ống rộng. Đó là loại quần có cạp hoặc dùng dây rút. Trước đây nam để tóc dài, búi tó, hoặc thắt khăn đầu rìu, đóng khố...

Trong lễ, tết, hội hè:Nam thường mặc áo dài màu đen, hoặc loại vải the có lót trắng bên trong, đầu đội khăn xếp, quần tọa màu trắng. Đó là loại áo dài, xẻ nách phải không trang trí hoa văn, nếu có chỉ là loại hoa văn dệt cùng màu tinh tế trên vải. Chân đi guốc mộc

- Trang phục nữ (xưa)

Trang phục thường nhật: Phụ nữ miền Bắc và Bắc Trung Bộ thường mặc áo cách ngắn vải nâu phía trong mặc yếm. Đó là loại áo cổ tròn, viền nhỏ, tà mở; nếu mặc với yếm thì thường không cài cúc ngực. Chiếc yếm màu vàng tơ tằm hay hoa hiên, nâu non, là vuông vải mang chéo trước ngực, góc trên khoét tròn hay chữ V để làm cổ. Cổ yếm có dải vải buộc ra sau gáy, dưới có hai dải vải dài buộc sau lương hình chữ nhật hoặc tam giác. Váy là loại váy kín (ống), có nơi mặc ngắn đến ống chân như Bắc và Trung bộ. Thắt lưng là bao lương bằng vải màu (có nơi gọi là ruột tượng) quấn ra ngoài cạp váy. Khi ra đường họ thường mang khăn vuông đội theo lối "mỏ quạ" hoặc các loại nón: thúng, ba tầm... Phụ nữ Nam Bộ thường ngày mặc áo bà ba với các kiểu cổ tròn, cổ trái tim, cổ bà lai. Phụ trang đi kèm với bộ bà ba là chiếc khăn rằn thường có ô vuông xen kẽ hai màu, là loại khăn có nguồn gốc của người Khơ Me mà người Việt đã ảnh hưởng.

Trang phục trong lễ, tết, hội hè: Trong những dịp này phụ nữ Việt thường mang áo dài. Áo dài có hai loại: Loại xẻ ngực buông vạt không cài cúc bên trong thường mặc áo 'cổ xây' cho kín đáo; loại thứ hai là loại áo năm thân, xẻ nách phải cổ đứng. Có loại mặc theo lối vạt đè chéo lên nhau dùng dây lưng buộc ngang thân rồi buông xuống phía trước. Họ thường để tóc dài vấn khăn thành vành tròn quanh đầu, ngoài trùm khăn hoặc đội nón ba tầm, nón thúng. Các thiếu nữ thường vấn tóc đuôi gà. Mùa rét phổ biến quấn trên đầu chiếc khăn vuông màu thâm. Đồ trang sức thường mang là các loại trâm, vòng cổ, hoa tai, nhẫn, vòng tay mang phong cách từng vùng.
Chiếc nón lá có sườn nón gồm những nan tre xếp thẳng dọc và khoảng 16 vòng nan tre xếp tròn đường kính từ nhỏ xíu trên đỉnh nón đến lớn dần theo vành nón. Ngày nay, chiếc nón lá thường được sử dụng trong lớp phụ nữ bình dân và ở vùng nông thôn, vì chức năng của nó phần lớn che nắng cho người lao động vất vả, nên phải chắc bền và tương đối cứng cáp chớ không nhẹ nhàng, mỏng manh như nón lá bài thơ ở Huế.

Ăn:

"Cơm tẻ, nước chè" là đồ ăn, thức uống cơ bản hàng ngày của người Việt. Ðồ nếp chỉ gặp trong những ngày lễ tết. Trong bữa ăn hàng ngày thường có món canh rau hay canh cua, cá... Ðặc biệt người Việt rất ưa dùng các loại mắm (mắm tôm, cá, tép, cáy...) và các loại dưa (cải, hành, cà, kiệu). Tương và các loại gia vị như ớt, tỏi, gừng... cũng thường thấy trong các bữa ăn. Rượu được dùng trong các dịp lễ tết, liên hoan... ¡n trầu, hút thuốc lào trước kia chẳng những là nhu cầu, thói quen mà còn đi vào cả lễ nghi phong tục.

Phương tiện vận chuyển:

Phương tiện vận chuyển của người Việt rất phong phú và có thể phân hai loại như sau:

- Bằng đường bộ có: gánh (gánh quang, gánh cặp, đòn gánh, đòn sóc, đòn càn...) vác, khiêng (đòn khiêng), cáng, đội, đeo (bị, tay nải...), cõng (ba lô, bao tải...). Thồ, chở bằng các loại xe: xe đạp, xe kéo, xe đẩy, xe ngựa, xe trâu, xe bò...
- Bằng đường thuỷ có: thuyền, bè, xuồng, tàu... Mỗi loại này lại có nhiều kiểu dáng, to nhỏ, vật liệu chế tác và trang thiết bị khác nhau.

Ma chay:

Việc tổ chức tang ma của người Việt rất trang nghiêm, chu tất và thường được thực hiện qua các bước cơ bản sau: liệm, nhập quan, đưa đám, hạ huyệt, cúng cơm, cúng tuần "tứ cửu", cúng "bách mật", để tang, giỗ đầu, cải táng... và cứ mỗi độ Thanh Minh, mỗi kỳ giỗ tết, các gia đình lại đi đắp lại mộ và tổ chức cúng lễ. Cải táng là một phong tục rất thiêng liêng của người Việt.

Nhà mới:

Người Việt có câu: "Lấy vợ hiền hoà, làm nhà hướng nam". Nhà hướng nam thì ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Khi làm nhà, ngoài việc chọn hướng còn phải xem tuổi và định ngày tháng tốt để khởi công xây cất. Và khi làm xong thì chọn ngày tốt cúng rước tổ tiên về nhà mới và ăn mừng nhà mới.

Thờ cúng:



Thờ cúng tổ tiên là hoạt động tinh thần quan trọng bậc nhất của người Việt. Có nhiều cách bố trí của bàn thờ. Bàn thờ có thể kê trên giường cao, giường cầu hay bàn. Trên bàn thờ có khám (ngai, ỷ hay ảnh), mâm triện (mâm bồng), mâm dài (đài rượu, đài trầu, kê trên tam sơn) cùng ngũ sự (đỉnh, hai cây nến, hai cây đèn) hay tam sự (đỉnh, hai cây nến), bát hương. Y môn có thể bằng gỗ hay vải.

Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng quan trọng nhất của người Việt. Bàn thờ được đặt ở nơi trang trọng nhất trong nhà: được cúng lễ vào các ngày giỗ, tết và các dịp tuần tiết trong năm. Tục thờ thổ công, táo quân, ông địa phổ biến ở các nơi. Rất nhiều gia đình thờ Thành hoàng, chùa thờ Phật, nơi thờ Ðức Khổng Tử hay đền thờ phúc thần... Một bộ phận cư dân ở nông thôn hay thành thị còn theo đạo Thiên chúa, Tin lành và và các tôn giáo khác như Cao đài, Hoà hảo....

Lễ tết:

Tết nguyên đán là cái tết lớn nhất trong một năm. Sau tết âm lịch là các hội mùa xuân. Ngoài ra còn có nhiều lễ tết truyền thống khác trong một năm: Rằm tháng giêng, tết Thanh minh, lễ Hạ điền, lễ Thượng điều, tết Ðoan Ngọ, rằm tháng bẩy tết Trung thu, lễ cơm mới... Mỗi tết đều có ý nghĩa riêng và lễ thức tiến hành cũng khác nhau.

Lịch:

Âm lịch từ lâu đã đi vào cuộc sống, vào phong tục tập quán và tín ngưỡng của người Việt. Nhân dân ta dùng âm lịch để tính tuổi, tính ngày giỗ, tính thời vụ sản xuất, tính ngày tốt xấu để dùng cho các công việc lớn của cuộc đời như làm nhà, cưới hỏi, cải táng... Dương lịch là lịch pháp chính thức hiện nay, ngày càng được dùng rộng rãi trong đời sống.

Học:

Người Việt từ lâu đã sử dụng chữ Hán, chữ Nôm và ngày nay chữ Quốc ngữ. Và ở kinh thành Thăng Long, ngay từ thời lý đã lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám đào tạo các trí thức bậc cao, được coi là Trường Ðại học đầu tiên của Việt Nam.

Văn nghệ:

Văn học dân gian với nhiều thể loại phong phú: truyện cổ tích, ca dao, dân ca, tục ngữ... phản ánh toàn bộ mọi mặt cuộc sống của dân tộc. Văn học dân gian góp phần to lớn vào việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Văn học viết cũng đã đạt được những thành tựu to lớn ở giai đoạn Lý - Trần và đặc biệt từ thế kỷ XV về sau với các cây bút thiên tài: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bình Khiêm, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... Các bộ môn nghệ thuật như mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu... phát triển cao, được chuyên nghiệp hoá.

Chơi:

Người Việt có rất nhiều trò chơi cho mỗi lứa tuổi, mỗi giới, mỗi mùa, cho cá nhân và cho tập thể. Có những trò chơi thể hiện thú thưởng thức rất thanh cao như thả chim, thả diều, cờ tướng... Lại có những trò chơi mang tính thể thao và cộng đồng mạnh mẽ như kéo co, đánh đu, đánh vật, đua thuyền. Rất nhiều trò chơi mang dấu ấn lịch sử và đậm đà bản sắc như vật cù, nấu cơm thi, đánh pháo đất. Trò chơi trẻ em thì rất nhiều và mỗi địa phương mỗi sắc thái khác nhau. Lễ hội mùa xuân là nơi tập trung rất nhiều cho chơi dân tộc.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
__Phi*Tuyết__ (09-01-2011)
Cũ 03-03-2010   #9
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.400
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
36. DÂN TỘC GIÁY



Tên gọi khác: Nhắng, Giảng, Pâu Thìn, Pu Nà, Cùi Chu, Xạ

Nhóm ngôn ngữ: Tày - Thái

Dân số: 54.002 người (ước tính năm 2003)

Cư trú: Chủ yếu ở Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Cao Bằng



Bản làng của người Giáy ở Lào Cai

Đặc điểm kinh tế:

Người Giáy làm ruộng nước là chính, rẫy chỉ là nguồn thu nhập thêm và thường cũng là chỗ chăn nuôi lợn, gà. Đồng bào nuôi nhiều trâu, ngựa, lợn, gà, vịt, có truyền thống dùng ngựa để cưỡi, thồ, dùng trâu kéo cày, kéo gỗ.



Cối xay bột bằng đá của người Giáy

Hôn nhân gia đình:

Theo phong tục Giáy, trong các gia đình vị thế nổi bật là người chồng, người cha. Con cái lấy họ theo cha. Nhà trai chủ động việc cưới xin, sau lễ cưới, cô dâu về ở cùng gia đình nhà chồng, tuy vậy việc ở rể cũng là phổ biến. Phụ nữ Giáy khi mang thai phải kiêng cữ và cúng cầu mong sinh nở yên lành. Dịp đứa bé đầy tháng, có lễ trình báo với tổ tiên và cầu xin tổ tiên phù hộ. Tên, ngày tháng năm sinh của mỗi người được thầy cúng ghi vào miếng vải đỏ, sẽ dùng để so tuổi khi tính chuyện cưới xin và chọn giờ trong việc đám ma của chính người đó.


Văn hóa:

Người Giáy không có chữ viết riêng, một số rất ít người già, thầy cúng ở xen kẽ người Tày sử dụng thành thạo chữ nôm Tày, còn đa phần trí nhớ là phương tiện duy nhất để lưu truyền. Người Giáy vốn có truyện cổ, thơ ca, tục ngữ, câu đố, đồng dao... Có nhiều truyện giải thích hiện tượng tự nhiên, có nhiều truyện thơ dài, có truyện kết hợp lời kể với lời hát. Dân ca phong phú, gồm nhiều loại, mỗi loại có nhiều bài, điệu khác nhau, đặc biệt các hình thức hát giao duyên nam nữ là sinh hoạt sôi nổi và hấp dẫn. Nội dung các bài hát của người Giáy phong phú về đề tài hát giao duyên, mỗi chủ đề đều có kịch tính và phong cách thể hiện riêng. Người Giáy hát bên mâm rượu, hát qua đêm điệu “Phướn” của mình, còn được người Tày, người Thái cùng vui vào rằm tháng bảy, các dịp làm quen, giải hạn.



Ném cơm-trò chơi truyền thống của người Giáy



Biểu diễn nhạc cụ truyền thống của người Giáy

Nhà cửa:

Nhóm Giáy vùng Hà Giang, Cao Bằng ở nhà sàn. Nhóm Giáy vùng Lào Cai, Lai Châu ở nhà đất. Nhưng qua tài liệu văn học dân gian thì người Giáy vốn ở nhà sàn. Hiện nay đồng bào ở nhà đất vẫn còn dựng một sàn trước cửa để sử dụng. Nhà sàn hay nhà đất, gian giữa đều là nơi trang nghiêm: đặt bàn thờ tổ tiên, tiếp khách. Buồng các cặp vợ chồng trong gia đình ở các gian bên. Phụ nữ không nằm gian giữa. Bếp thường đặt ở gian bên; nay có nhiều nơi đã làm nhà để đun nấu riêng.

Trang phục:

Trang phục nam: Nam mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài cúc vải. Áo thường có ba túi, hai túi dưới, một túi trên bên phải. Thân áo hơi ngắn, màu chàm. Nam mặc quần ống đứng (rộng 35 - 40 cm), cạp to bản, không dùng dây cút mà chỉ vận vào người. Trước đây nam giới thường quấn khăn trên đầu. Có nhóm nam cũng mặc áo xẻ nách.

Trang phục nữ: Phụ nữ Giáy phổ biến mặc loại áo xẻ nách phải, trùm kín mông, xẻ nách phải. Áo mặc trong là loại áo cánh ngắn cộc tay, xẻ ngực, cổ tròn thấp và có hai túi dưới. Phụ nữ Giáy thường đội khăn quấn thành nhiều kiểu khác nhau, cổ đeo vòng bạc. Nhóm Giáy Lao Cai, Lai Châu mặc quần chàm ngắn đến mắt cá chân, ống rộng. Tóc vấn theo kiểu vành khăn và thường đeo túi vải thêu hoa văn ở đáy túi, phổ biến là hình răng chó. Giày chủ yếu là giày vải thêu hoa văn nhiều loại.


LỄ HỘI ROÒNG POỌC CỦA NGƯỜI GIÁY



Hàng năm vào ngày Thìn tháng Giêng âm lịch người Giáy ở Tả Van (huyện Sa Pa - Lào Cai) lại mở hội Roòng Poọc để cầu mùa màng bội thu, người yên vật thịnh, mưa thuận, gió hoà.

Tại lễ hội, lễ vật trên bàn cúng bao gồm: Đĩa hoa quả, bánh kẹo, năm bát xôi màu xanh, đỏ, tím, phỏng gạo bốn bát, hai nắm xôi trắng nắm ý nghĩa vị thần mang theo trên đường đi. Bên cạnh có bát nước trong có đồng xu tượng trưng sự sung túc về tiền bạc. Cạnh bát hương là 5 chén nước chè, 9 chén rượu và 9 quả trứng màu xanh, đỏ, trắng tượng trưng cho màu trang phục của 9 nàng theo hầu vị thần. Ngoài ra còn có trang sức dành cho các nàng hầu như khuyên tai, vòng đeo tay, đeo cổ. Bên cạnh bát nước là quả Còn để ném vòng nhật nguyệt. Một con lợn con, một con gà, con vịt sống để gầm bàn lễ khi nào già bản khấn cúng xong dâng lên vị thần (hiến tế) với ý nghĩa cảm ơn vị thần đã cho dân bản nhiều gia súc. Trên ghế vị thần ngồi bên trái có gánh củi, ý nghĩa trên đường đi vị thần và người hầu có củi để nấu ăn và sưởi. Bên phải có gánh cỏ, ý nghĩa để trên đường đi ngựa của vị thần có cỏ để ăn. Trên ghế ngồi của vị thần có trải chăn màu đỏ vì theo dân tộc Giáy màu đỏ là màu may mắn.



Lễ vật cho buổi lễ

Sau khi chuẩn bị các lễ vật xong thầy cúng khấn cúng, đọc tên các lễ vật và xin vị thần bản phù hộ cho dân bản một mùa bội thu, gia súc đầy chuồng, làm được của ăn của để.



Chuẩn bị đồ cúng


Lễ cúng xong thì thầy cúng sẽ đưa quả Còn cho những người già uy tín trong bản ném vòng Nhật Nguyệt treo ở độ cao 30m. Trong ngày làm lễ cúng phải ném thủng vòng Nhật Nguyệt, vì người Giáy quan niệm rằng nếu vòng Nhật Nguyệt không được ném thủng thì cả năm đó bản sẽ đen đủi. Khi vòng Nhật Nguyệt được ném thủng thì từng gia đình đến bàn thờ chính để thắp hương vái lạy thần linh, cầu may mắn cho gia đình và làng bản.



Tham gia trò chơi

Tham gia lễ hội là tất cả già trẻ, lớn bé trong bản. Người Giáy cũng rất cởi mở khi đón tiếp bạn bè các dân tộc anh em đến xem và chia vui. Sau phần lễ (cúng tế) là đến phần hội. Nhiều trò chơi dân gian diễn ra rất vui, trong đó đặc biệt là có cuộc thi tài cày ruộng của những chàng trai.



Thiếu nữ đang trò chuyện tại lễ hội

Mở đầu là trò chơi ném còn. Những người cao tuổi (nam một bên, nữ một bên) lấy 6 quả còn cùng ném tượng trưng 3 lần khai mạc, rồi sau đó mọi người vào cuộc chơi. Những quả còn tua xanh đỏ vun vút lao lên phông còn.Tiếng xuýt xoa hò reo cổ vũ rền vang. Phông còn bị ném thủng là báo hiệu cho một năm mùa màng tươi tốt.



Chuẩn bị cho các trò chơi


Cùng với ném còn là chơi kéo co. Tốp nam đứng phía đông cầm phần gốc dây song (dây kéo co).Tốp nữ đứng phía tây cầm phần ngọn. Hồi trống kèn nổi nên thùc giục.Bên nam (đằng đông tượng trưng cho dương, mặt trời) luôn kéo thắng. Bên nữ (tượng trưng cho âm) giả vờ thua. Và như vậy, năm đó cả làng sẽ được mùa.



Dựng cây nêu



Lễ hội Roòng Poọc (xuống đồng) của người Giáy là sự giao hoà giữa thiên nhiên và con người, làm mỗi người trong cộng đồng nơi đây biết trân trọng giá trị của lịch sử (ghi nhớ công lao người mở đất lập bản), biết trân trọng thiên nhiên (tâm linh tôn trọng các thế lực siêu nhiên, biết yêu thương cỏ cây, tài nguyên đất và nước), biết yêu thương con người (giao lưu, đồng cảm, đoàn kết). Vì vậy, lễ hội này vừa có nét đẹp văn hoá cổ truyền, vừa phù hợp với điều kiện cuộc sống hiện đại mà ta vẫn kỳ vọng là sự phát triển bền vững. Ngoài ra, lễ hội còn thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước, là nguồn tài nguyên nhân văn để tiếp tục phát triển kinh tế du lịch nơi vùng đất huyền thoại Mường Hoa-Sa Pa.



Dụng cụ âm nhạc cho buổi lễ



Tuy vốn là lễ hội dân tộc truyền thống của người Giáy ở Tả Van, nhưng nhiều năm nay đã lan rộng, trở thành lễ hội chung của cả vùng thung lũng Mường Hoa. Từ sáng sớm, làn sương còn giăng mù mịt từng đoàn người tíu tít nói cười trong mây, hồ hởi về dự hội. Người Mông từ Hầu Thào, Lao Chải dồn xuống, người Dao từ Bản Hồ, Bản Phùng ngược lên, du khách từ thị trấn SaPa cũng tới dự làm cho lễ hội đông vui tới vài nghìn người.





Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
__Phi*Tuyết__ (09-01-2011)
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 00:28
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,15063 seconds with 15 queries