Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quốc Tử Giám > Luận Văn Đàn
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Luận Văn Đàn Trao đổi & tìm hiểu về văn học.

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 25-02-2011   #1
Ảnh thế thân của nguyentu
nguyentu
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 09-04-2008
Bài viết: 68
Điểm: 115
L$B: 4.315
nguyentu đang offline
 
Bùi-giáng : Diogenes thời-đại!

BÙI-GIÁNG : DIOGENES THỜI-ĐẠI!
*NGUYỄN-TƯ

Diogenes là một Triết gia cổ Hy lạp, vào khoảng Thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên -một người được mô-tả là cha đẻ của Triết thuyết "Cynicism" (ngạo đời, bi quan) không tin vào Hạnh phúc đời sống, và chủ trương sống như người tiền sử gần gũi với Thiên nhiên (primitive Nature) cũng như sự Tự-túc (self-sufficiency) không muốn nhờ vả ai, được thể hiện qua những cách thức đơn giản nhất (simplicity) và Tự-kỷ luật nữa (self-discipline) mà người ta cho rằng ông ảnh hưởng từ Antisthenes - một Triết gia trước đó chủ trương về Triết thuyết này. Và, ông cũng đã có một vài môn đệ nhưng không đủ mạnh để thành lập một Trường phái (School) chính thống, mà chỉ kéo dài chưa được một thế-kỷ...Đặc biệt Diogenes chỉ ăn mặc sơ sài và sống trong một cái thùng gỗ, nhưng khi ra ngoài thì ông luôn-luôn xách theo một cái đèn, vì cho rằng cuộc đời này đen tối quá (nhạo báng) cần phải thắp sáng thêm, dù là ban ngày đi nữa...

Theo nguyên ngữ Hy lạp, chữ "Cynic" bắt nguồn từ chữ "Kynikoi" có nghĩa là "giống như chó hoang" (dog-like), cho nên nhóm của Diogenes khi cần bài tiết cứ việc thoải mái như loài thú hoang này, kể cả việc thực hiện khoái cảm cũng rất vật tính, nghĩa là họ có thể đứng thủ dâm trước công chúng mà không hề mắc cỡ gì(shameless), không phải vì họ "mất dạy" mà là coi mình rất đỗi "tự nhiên" như thời man dã...Vì vậy, chắc hẳn những người đồng thời phải nghĩ rằng Diogenes là "thần kinh thầy chạy" như người Sàigòn bây giờ gọi Bùi Giáng vì nghĩ ông ấy "điên"(thần kinh) "nặng" (thầy chạy: không chữa được nữa) nhưng Diogenes đâu có điên gì, mà lại là một Triết gia nổi tiếng của Hy lạp...Bùi Giáng không ở trong thùng thì ở "chòi" nơi góc vườn của một người bà con, quần áo rách rưới năm bảy lớp dơ dáy, tóc tai bù xù không bao giờ tắm gội!. Ông không xách đèn giữa ban ngày nhưng có dắt theo bầy chó đủ màu mà ông đặt đủ thứ tên, thường là tên của các lãnh tụ mà ông không ưa...

Ngày mới lớn, tôi đọc Bùi Giáng rất nhiều từ Thơ như:"Lá hoa cồn" , "Ngàn Thu rớt hột", "Mưa nguồn"..., sách giáo khoa, sách dịch thuật như:"Terre des hommes"(Cõi người ta) và "Le petit Prince"(Ông Hoàng nhỏ) của St Exupéry, hay những cuốn sách nổi tiếng của nhà Văn từng được giải Nobel như: "Symphonie Pastorale"(Khúc nhạc đồng quê) và"La Porte étroite" (Khung cửa hẹp) của André Gide...Phải nói Thơ, và cách dịch của ông là tuyệt cú mèo chưa thấy ai dịch hay như vậy! Và, nhất là sách biên khảo về Triết học Tây phương qua mấy tập dày cộm"Tư tưởng Hiện đại 1,2,3" mà ông rất ưa các Triết gia Hiện sinh Đức như: Heidegger (thực ra ông này chịu ảnh hưởng nặng Kierkegaard hơn là một Triết gia Hiện sinh chánh hiệu).. và của Pháp như: J. Paul Sartre, Albert Camus (đọc là: "Ca-muy" not "Ca-muýt" như nhiều người lầm), hoặc "Hiện tượng luận" của Husserl (Đức)...mà không quên nhét vào những tư tưởng Đông phương của Khổng, Lão Trang hoặc Nguyễn Du, nghĩa là ông hứng chỗ nào về ai thì cứ "chêm" vô tự nhiên chỗ ấy, đôi khi có cả Ca sĩ Hà Thanh, Kịch sĩ Kim Cương, Tài tử Marylyn Monroe, Brigitte Bardot...

Được biết ông Bùi Giáng sinh năm 1925 tại Quảng nam trong một dòng họ nổi tiếng mà người ta có thể biết như Bác sĩ Bùi Kiện Tín rất giàu có nhờ chế tạo dầu khuynh diệp, sirop nhau...và Giáo sư Bùi Luận, dạy ở trường Trung học Võ Tánh Nha trang...Ông học Trung học ở Huế, và bị kẹt trong vùng VM (tại quê nhà Quảng nam) từ năm 1945 lúc ông ở tuổi thanh xuân mà phải chăn bò, chăn dê - những cái "nghề" chỉ dành riêng cho trẻ con (mục-đồng. Đồng: con nít) như kẻ này. Bò thì không nói chi, chứ chăn dê là một cực hình vì con vật này quái đản, dâm dễ sợ (dê xồm mà lị!) phá phách không chịu nổi, đụng cái gì cũng ăn kể cả nón lá, nghe mưa dông là cứ nhảy đại chui dưới gầm bàn thờ nhà người ta làm đổ lổn ngổn, rất phiền phức...Nhưng khi Quốc gia tiếp thu thì ông vô Sàigòn dạy học và làm Văn nghệ, viết sách...Đây là thời kỳ ông bình thường, dù cũng đã có những triệu chứng "ngông" của một người tài hoa mà hầu hết Nghệ sĩ đều có, cũng chỉ để "cho vui" vậy thôi, nhất là ông người Quảng nam - một nơi được người đời xác nhận qua tục ngữ là hay "cãi" (ngang bướng):

Quảng nam hay cãi,
Quảng ngãi hay co,
Bình định hay lo,
Thừa thiên ních hết!

Có nghĩa rằng: dân Quảng nam ưa cãi cọ ít khi chịu khuất phục ai, dân Quảng ngãi hay "co", tức cứng đầu (co đầu cứng cổ), dân Bình định hay "lo"(lo lót, chứ không phải lo âu) và Thưà thiên "ních hết" vì dân Thưà thiên là dân Kinh đô nhiều Quan lại nên hay ăn hối lộ...Tục ngữ nói vậy thì hay vậy, không biết đúng hay sai, nhưng chắc cũng phản ánh một phần nào... .Nhưng sau đó một thời gian thì người ta bắt đầu thấy nhà Thơ "ngông dữ" đến gần như bất bình thường, (anormal) mà nguyên do có lẽ vì hoàn cảnh bất hạnh của gia đình ông: nghe nói là cả vợ con ông đều bị chết vì tai nạn gì đó! Ông bắt đầu nói lảm nhảm nhiều (thường đọc Thơ chữ Tây, chữ Hán, mà người ta gọi là"điên chữ" vì trong đầu nhiều chữ quá hóa điên!?) hay đi lang thang ngoài đường, nhất là sau 75 thì lại càng dễ điên thê thảm...

Bởi vì ông từng sống với VM trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, qua phong trào “Cải cách ruộng đất" rất khốc liệt từ năm 1952,tất cả giai cấp Địa chủ như gia đình ông Bùi Giáng..đều bị VM coi là:"Kẻ nội thù của giai cấp công nông" được gắn liền với từ ngữ thông dụng “Cực kỳ phản đông” sau này ,nên dĩ nhiên là khốn khó vô cùng, không cách gì sống nổi! Do đó mối thù này hẳn sẽ in dấu trong tâm hồn suốt đời như một vết thương không bao giờ lành, đến năm 75 lại phải lặp lại một lần nữa, thì bịnh ông Bùi Giáng đương nhiên càng nặng thêm! Đó là lý do tại sao, trong thời kỳ này (sau 75) ông lợi dụng bịnh điên của mình để chửi chế độ còn dữ hơn nữa, nên ông bị công an bắt đánh nhiều lần, may nhờ một người đồng hương thuộc giới Văn nghệ đàn em, rất mến mộ ông là Vũ Hạnh - một nhà Văn nằm vùng, sau 75 làm to (xếp văn nghệ VC miền Nam) can thiệp, ông mới đỡ đi phần nào. Nghe nói khi gặp Vũ Hạnh, nhà Thơ họ Bùi bảo:"Mày nói chúng nó đừng có đánh tao đau quá!" . Dù vậy, hễ gặp cơ hội là ông cứ xỏ xiên, giễu cợt CS không tiếc lời, nên không biết bao nhiêu câu chuyện về ông được kể ra, trong đó có 2 câu Thơ, rất "Bùi Giáng" hay được trích dẫn trên báo chí Hải ngoại với nhiều khác biệt nhau về 2 nhà Thơ VC ở Quảng nam là Thu Bồn và Thu Ba...mà tôi nghĩ nó xảy ra ở Sàigòn chứ không thể ở "Quảng Đà", vì ông Bùi Giáng "khùng""rách" cỡ đó không thể về Quảng Nam mà dự "Đại hội Thơ" được! Vả lại, ông ấy không quanh co gì đâu, vì ỷ ai cũng nghĩ mình điên "thầy chạy" thì không còn sợ gì mà không tuôn ra cho nó sướng cái lỗ mồm, nhất là đối với giới Văn nghệ VC, họ chỉ thích bái lạy nhau mà ca tụng cái gì phải ca tụng. Hai câu Thơ đó thường được trích như vầy:

Thu-Ba khen thơ Thu-Bồn,
Thu-Bồn sướng quá, rờ l** Thu-Ba!

Vì được "khen" nên mới "sướng", nhất là được "em" khen "Thơ" nữa là nhất, và chữ "rờ"(chữ của người Trung và Nam) chứ không phải "sờ"(chữ của người Bắc). Tôi nghĩ ai chứ Bùi Giáng, thì dám nghịch như thế này. Ngay trong Thơ "nghiêm túc" của ông không thiếu gì cụm từ kiểu Hồ Xuân Hương chuyên môn nói lái những vấn đề cấm kỵ trong thơ phú (ngoại trừ Thơ của nhóm "Hợp Lưu" ngày nay ở Mỹ) Tại sao thời Nho giáo cực thịnh mà Hồ Xuân Hương vốn tỉnh táo lại dám làm Thơ có những câu độc địa như thế nầy:

Thuyền từ cũng muốn về Tây-trúc,
Trái gió, cho nên nó lộn lèo
(Sư bị làng Đuổi)
Hoặc:

Hỏi thăm Sư cụ đáo nơi neo? (Chùa Quán sứ)

Hẳn những cụm từ"đáo nơi neo", "Trái gió"và"lộn lèo" là những nghịch ngợm có dụng ý rất "đạt" của Nữ sĩ họ Hồ, mà ngày nay nhà Thơ họ Bùi mang tiếng là giới "mày râu""điên thầy chạy" lại không dám viết những dòng tương tự hay sao?

Lọt cồn trận gió đi hoang,
Tồn liên ở lại, xin làm dồn ra...

Đối với tôi, Bùi Giáng không phải là một người "điên"(fou) theo đúng nghĩa của nó, mà ông chỉ là người "tàng-tàng", hay "khùng" mà người mình bắt chước Pháp gọi là"Tốc-kê"(tocket) được giải thích là "một chút điên"(un peu de fou),nhưng ông giả điên (giống vua Thành Thái ngày trước chỉ để chửi Tây) hầu giễu đời chơi của một người "thất chí", dù ông từng làm Thơ giải thích mình "khùng vì Thơ":

Vì yêu dấu quá nàng Thơ,
Với em vô tận nên ngơ ngẩn buồn,
Thần tiên Thánh Phật bao dung,
Hiểu lòng tôi lắm, tôi khùng vì Thơ
(Vì sao khùng?)

Tôi nghĩ ông Bùi Giáng bị thất chí vì hoàn cảnh gia đình (vợ con chết thảm),quá khứ khổ cực (vì VM) lại có máu Văn nghệ quá đà (bao nhiêu ruộng đất, nhà cửa đều bán để in sách - cái loại đầu tư chỉ lỗ vốn, huề là may!), bất mãn chuyện đời, bất mãn thời cuộc, thiếu tình yêu của Mẹ thời còn bé (Mẹ chỉ cưng em mà lơ-là với ông như ông đã viết "Mẹ bỏ ta"!) đó là lý do khiến ông luôn luôn gọi những người ông mến mộ là"Mẫu thân" như"Mẫu thân Phùng-Khánh, Mẫu thân Trí-Hải", người yêu không có, nên ông đâm ra có những giấc mơ rất cuồng không thiếu tính giễu cợt, như khi ông chết chỉ mong cô Kim Cương "tè" lên mộ ông cho ấm áp cuộc đời!

Có người kể rằng, ở Sàigòn rất nhiều người mến mộ tài hoa nhà Thơ và thương cảm cuộc đời lê-lếch của ông nên người ta hay mời ông uống càphê, ăn phở...ông vui vẻ nhận lời. Với những lần như vậy ông rất vui vì đỡ cô đơn, cũng đỡ đói, nên ông nói chuyện huyên thuyên đủ thứ trên trời dưới đất với giọng Quảng nam rặt rất dễ tức cười và khó nghe, nhưng đây là đặc điểm của Bùi Giáng, con người luôn luôn giữ nét nguyên thủy không bao giờ đổi thay một cách tự nhiên, kể cả tiếng nói gốc của xứ mình, theo quan điểm của nhóm "Cynique"...rồi bỗng dưng ông lại đề nghị:"Ngồi đây nhe, để coi tao ra múa cho bọn nó xem chơi mà nghĩ tao điên!". Thế là ông bỏ ly cà-phê, nhảy ra đường đứng giữa lộ múa lung tung, xong cười ha hả, rồi vào ghế ngồi uống tiếp. Đây là một thái độ tỉnh táo, có dụng ý chọc đời...coi đời chả ra gì chứ không phải điên vì ông biết ông sẽ làm gì, và làm để chi? Điên mà biết mình điên thì chưa phải là điên!??

Ngày còn dạy học, ông giảng Kiều và khóc giữa lớp là chuyện rất thường bởi vì ông thương cảm Kiều, kính phục Nguyễn Du như Thần tượng, kể cả Chu Mạnh Trinh là người rất mê Kiều đến độ phải vịnh nguyên chuyện Kiều với bài tựa không chê vào đâu được. Bởi mê Nguyễn Du, nên Thơ họ Bùi thường là lục bát như thơ Kiều,mà trong đó hầu hết là từ của Nguyễn Du (như "Rằng, Chỉn e, Vân mồng"....) không phải chôm chĩa nhưng ông cố ý dùng để người ta biết rằng ông mê Nguyễn Du, mê đến độ có lần ông ra một đề luận Văn chương có một không hai trên đời này cho học sinh:"Em hãy thuật lại cuộc gặp gỡ giữa em với Nguyễn Du trong vườn Bờ-rô"(vườn Tao đàn ở Sàigòn là nơi trai gái thường gặp nhau tình tự)...

Nói về Bùi Giáng thì không hết, vì ông có một cuộc đời ngoại hạng, cái gì cũng vượt trội hơn hẳn người ta, giống như một ông Tiên mà ông thường gọi là "trích Tiên"(Tiên bị đày) đang "phiêu diêu miền cực lạc" ngay giữa lòng cuộc đời bụi bặm này, và ông đã phiêu diêu thực sự vào ngày 8/10/98 vì vỡ mạch máu đầu sau một tai nạn ngã té...nên kẻ này mạo muội có bài Thơ "điếu" người tài hoa "outstanding" quá cố như sau:

Ông chết, rồi sẽ thành Tiên,
Bởi ông sống chẳng làm phiền gì ai!
Bán nhà in sách lai-rai,
Thiên hạ đọc, hẳn có vài niềm vui!?
Dù ông ở bụi dập vùi,
Nhưng lòng vẫn cứ cố nuôi nụ cười...
Cõi này là chỗ rong chơi,
Công danh ông để cho đời giành nhau!
Chỉ mơ sao đến kiếp sau:
Bằng cách thế nào cũng gặp Nguyễn-Du?
Xin làm đệ tử Tố-Như,
Mong ông mãn nguyện, chắc chừ Ô.kê?
Có nhau "một cõi đi về",
Nhưng gì, thì cũng giữ "nghề" làm Thơ!

Thượng hưởng!

Tài sản của nguyentu
Trả lời kèm theo trích dẫn
3 thành viên đã gửi lời cám ơn đến nguyentu vì bài viết hữu ích này:
Dần Béo (18-03-2013), Mê Ly (03-03-2011), sao_phu08 (12-12-2011)
Cũ 26-02-2011   #2
Ảnh thế thân của lamvi
lamvi
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 20-02-2010
Bài viết: 76
Điểm: 71
L$B: 3.884
lamvi đang offline
 
Góp ý với nt:

Triết lý thâm ảo thì kiến thức gì đây?- Nhưng phàm ra con người sinh ra cõi đời là tự chấp nhận sự vô thường Có-không mà Tạo hóa đã trao cho, lẩn lút nhập vào bản thể của sự vật mà con người là chứng nhân(thiên-địa-nhân), cố với tay khèo chân lý tuyệt đối, mà mỗi lần tưởng rằng khèo nắm được thì nó xích ra, làm cho bao đời tưởng người là nhà đại tư tưởng nhưng thực cũng chỉ bỏ lại cái khoảng trống ngàn đời Phản-phục về nguyên khởi, và cứ thế tiếp nối lại vẩn vơ đi tìm cái trong cái Không, mà Bùi Giáng, ông là một, quẩn quanh. Sự bế tắc này, tạo ông thành người bên lề cuộc đời, thanh thản rong chơi, đùa giỡn nghiệt ngã với chính mình, coi như đấy là nhân- sinh- quan cho cõi riêng mình, mặc cho sự biến động trôi qua của những nát vụn di theo. Ông đứng dựng như một mảnh đời phất phơ phân ly lấy chính mình, khốn khổ mong tìm trong cái hỗn mang không còn ấn dấu nơi đâu cội nguồn…

Bờ lúa

Em chết bên bờ lúa
Để lại trên đường mòn
Một dấu chân bước của
Một bàn chân bé con
Anh qua miền cao nguyên
Nhìn mây trời bữa nọ
Đêm cuồng mưa khóc điên
Trăng cuồng khuya trốn gió
Mười năm sau xuống ruộng
Đếm lại lúa bờ liền
Máu trong mình mòn ruỗng
Xương trong mình rã riêng
Anh đi về đô hội
Ngó phố thị mơ màng
Anh vùi thân trong tội lỗi
Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang

(BG)

Với ông, quê hương là ruộng mà bờ lúa nơi vạt lá ngã xiêu bờ, một cõi đi về trên con đường mòn còn vương lại một dấu chân “bé con”, cái vạch ngang nho nhỏ ấy là chứng tích bao đời khi “em” xa rồi còn chi, chỉ là “máu ruỗng” hao mòn, trong cái thân phận “tội lỗi” lưu đày, rồi một đêm nao “…Gió bờ nọ bay sang” cùng cuốn hút bay đi…, làm ông hốt hoảng- căn bệnh mê hoang nổi lên của Hàn Mặc Tử lạy tứ phương lẫn lộn Chúa Phật khi bị bệnh trầm kha- riêng ông quay dựa vào Thân Mẫu Phùng Khánh nhưng nào có ổn, hồn ông lang thang khắp mọi miền có gái da trắng,đen, vàng…rồi khựng lại với kỳ nữ Kim Cương hiện thực để mong mai kia mốt nọ, khi ông chết đi được nàng “sè sè nấm đất bên đường..?” là đủ thanh thỏa cho ông trong mối tình sâu bọ rồi:

Ta sẽ tạo lại mối tình sâu bọ
Về hư vô vĩnh viễn bóng buông màn

(BG)

Cuộc đời ông kỳ bí như đôi mắt tròn rắn vành vạch sâu thẳm trong cõi hư vô, ông đã để lại cho đời những bài thơ ngoài chữ nghĩa bóng bẩy diện ngoài còn mang một triết lý nội hàm thâm ảo mang mang Đạo, lạ lẫm với đời thường, nên lúc ông cho là tỉnh táo nhất, thi rủi thay ông lại hiện hữu ở cõi ta bà, thì cái siêu việt ông thấy chính làm ông thành điên loạn- sống tự tại như nhiên, cố đuổi bắt lấy thành Không, ông bị đẩy rơi ven bờ tục lụy thì cũng như cổ nhân mê mãi rờ vào “bản lai diện mục”, đó chỉ là ngón tay chỉ trăng của Phật làm cho muôn đời bàng hoàng khi tỉnh mộng ẩn huyền trở lại cùng không-vô cực- muôn ngàn tỉ năm dội lại!...

Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến lamvi vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (12-12-2011)
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 03:31
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,06630 seconds with 17 queries