Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 17-07-2009   #73
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.680
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
72. Phanxicô Tế (1702-1745)

Phanxicô Tế (Francois Gil de Federich) , Sinh 1702 tại Tortosa, Catalunha, Tây Ban Nha, Linh mục thừa sai dòng Ða Minh, thuộc địa phận Ðông Ðàng Ngoài, bị xử trảm ngày 22/01/1745 tại Thăng Long dưới đời chúa Trịnh Doanh, được phong Chân Phước ngày 15/04/1906 do Ðức Piô X, lễ kính vào ngày 22/01.

Các lệnh cấm đạo năm 1750, 1754, và 1765

Cuối năm 1748, Trịnh Doanh đi thăm các trại lính thấy khẩu đại bác có chữ Âu Châu muốn biết xem là chữ gì liền ra lệnh tìm người Âu Châu. Cha Paleceuk Dòng Tên được đưa đến để giải thích các chữ viết, đồng thời khuyến khích chúa Trịnh tin dùng người Âu Châu làm cố vấn. Ngay lúc đó Trịnh Doanh ra lệnh phóng thích 7 người Công Giáo đang bị giam giữ ở Kinh Ðô và xin Cha Paleceuk tìm các chuyên viên toán học và thiên văn. Bề trên Dòng Tên ở Macao sai Cha Simonelli và 6 vị thừa sai với đầy đử dụng cụ thiên văn và toán học đến. Trong thời gian này giáo dân bắt đầu tổ chức lễ lạy công khai, nhiều quan trở lại đạo và lương dân thân thiện với Công Giáo như trước.

Nhưng không biết vì lẽ gì Trịnh Doanh lại đổi ý, ngày 3-7-1750 lập lại các lệnh cấm đạo cũ. Năm 1751 khi đòan thừa sai từ Macao đến để làm việc theo lời yêu cầu đã bị từ chối không cho phép xuống đất. Sau cha Dòng Tên đã lẻn xuống được, còn cha trưởng đoàn phải trở về Macao.

Ngày 26-10-1754, Trịnh Doanh công bố một lệnh cấm đạo mới. Nội dung như sau: "Hội đồng các quan truyền lệnh cho các huyện như sau: Ðạo 'Hoa Lang' lầm lạc nghịch lại lý trí, mê hoặc lòng dân và còn truyền bá lan rộng đạo lý sai lầm. Các năm trước hội đồng đã gửi các sắc lệnh ngăn cấm để chặn sự xâm nhập của đạo này, nhưng vẫn còn có người tiếp tục làm hư hại người khác. Vì vậy quan trấn các phủ huyện phải bí mật điều tra. Nếu bắt được đạo trưởng thì phải giải họ về kinh, các tín hữu thì phải trừng phạt, hoặc lưu đầy, hoặc tạp dịch trong các chuồng thú vật, hoặc đánh đòn. Nếu các quan chểnh mảng nhiệm vụ này sẽ bị trừng phát, ai nhiệt thành sẽ được trọng thưởng".

Lệnh trên được bí mật gửi cho các quan, nhưng khi các vị thừa sai biết được đã ra lệnh ngưng các buổi hội họp, sửa đổi nhà thờ thành nhà ở, treo cờ, dựng cây nêu... Còn các vị thừa sai thì tạm thời trốn tránh. Kết quả Cha Ðóa bị bắt với 4 người nhà. Cha Cai và 4 người nhà khác cũng bị bắt tại Bố Chính, các chủng sinh tại Thanh Hóa một số bị bắt. Ðịa phận Ðông Ký có một thầy giảng bị bắt tại Xứ Bắc và Cha Alonso dòng Ða Minh cũng bị bắt.

Ngày 15-9-1765, Trịnh Doanh kết án một nhà sư và ra lệnh giải tán một số chùa chiền, nhưng vì sợ dân chúng phản loạn cho là bắt đạo Phật nên Trịnh Doanh ra lệnh cấm luôn cả đạo Công Giáo. Các vị thừa sai chỉ nhắc đến những vụ bắt bớ do quan lại muốn làm tiền, không có ghi lại sắc lệnh. Kết quả là Cha Orta người Ý thuộc Dòng Tên và Cha Ðóa Dòng Ða Minh bị bắt tại Thanh Hóa. Ngoài ra Cha Gioan Hiên và nhiều cha khác đi làm lễ Phục Sinh cũng bị bắt. Khi Trịnh Doanh chết cuộc bắt bớ mới tạm yên.

Linh Mục Francis Gil de Federich Tế

Ðứng đầu sổ 117 Thánh Tử Vì Ðạo Việt Nam là Cha Tế và Cha Ðậu, hai linh mục thừa sai người Tây Ban Nha thuộc Dòng Ða Minh. Cha Tế có tên Tây Ban Nha là Gil De Federich, sinh năm 1702 tại Tortosa trong một gia đình đạo đức. Khi được rửa tội, cha mẹ đặt cho nhiều tên thánh khác nhau, tên trong sổ bộ là Francis. Năm 15 tuổi, cậu Gil gia nhập tu viện Ða-Minh tại Tortosa và năm sau, 1718, được tuyên khấn. Thầy Gil tiếp tục học thần học và thụ phong linh mục năm 1727, lúc 25 tuổi.

Hai năm trước khi làm linh mục, Cha Gil đã ghi tên xin đi sang tu viện của dòng ở Phi Luật Tân nhưng bề trên không chấp nhận. Qua năm 1729, Cha Gil lại xin một lần nữa, đơn của ngài được chuyển về Rôma để cứu xét. Ý nguyện của cha được bề trên chấp thuận. Cha cùng với 24 người khác tới Manilla tháng 11-1730. Mặc dù đang cơn bắt đạo, Cha Gil vẫn mong muốn được truyền giáo tại Trung Hoa hay Việt Nam. Cha được bề trên gửi đi Bắc Kỳ và tới nơi ngày 28-8-1735.

Sau 4 tháng học tiếng Việt tại Lục Thủy, Cha Gil được đặt cho một tên Việt Nam là Tế, với nhiệm vụ coi sóc 40 họ đạo trong ba huyện Giao Thủy, Chân Ðinh và Vụ Tiên thuộc trấn Xứ Nam. Tên mà bề trên đặt cho ngài đã trở thành điềm báo cuộc tử đạo, tế hiến chính mạng sống mình cho Thiên Chúa. Trong thời gian làm việc truyền giáo Cha Tế tỏ ra rất nhiệt thành, đặc biệt về lòng bác ái. Mỗi khi có người mời đi kẻ liệt, dù ốm đau hay nguy hiểm, ngài cũng đi ngay.

Ngày 3-8-1737, Cha Tế làm lễ kính thánh Ða Minh tại Lục Thủy Hạ, đang khi còn cám ơn thì có một toán người ập đến lục soát. Giáo dân không kịp giúp cha chạy trốn. Cha bảo họ trốn đi, còn ngài thì ra nộp mình với lòng tin tưởng là Thánh Giuse sẽ giúp. Ngài nói với bọn người đến bắt: - "Các ông tìm ai? Chính tôi đây là người các ông muốn."

Sư Tình ra lệnh trói cha lại đem xuống thuyền. Tại bờ sông họ còn thấy mấy giáo hữu liền bắt đem theo. Cha Tế nói với sư Tình: "Các ông đã bắt tôi rồi, tại sao còn bắt giữ những người này? Xin hãy thả họ ra".

Như một mệnh lệnh, bọn sư Tình liền cởi trói và trả tự do cho mấy người giáo dân. Sư Tình đem Cha Tế về giam tại nhà mình ở Thủy Nhai Thượng, chờ giáo dân mang món tiền kếch sù đến chuộc. Sư Tình hỏi Cha Tế: "Ngươi có sợ không?"

Ngài bình thản trả lời: "Tôi không sợ mà chỉ lo cho giáo dân".

Ðể có thể bóc lột số tiền của giáo dân, sư Tình làm cho họ hoảng sợ bằng cách sai hai tên lính cầm giáo đi hai bên đến nhà giam trói ngài vào cột và đặt bản án ngay bên cạnh như là tội nhân bị hành quyết. Một lần khác ông cho điệu Cha Tế đi đến nhà hội của làng, cho nhiều người giả làm triều đình xét xử. Cha Tế không chút sợ hãi, bình thản lợi dụng cơ hội để giảng đạo cho lương dân. Con trai của sư Tình là Tri Bá đến nhạo cười: "Tôi là một người Công Giáo xấu, tên là Dominic, vụ của cha sẽ ổn thỏa với giá 500 lượng bạc".

Giáo dân thấy vậy thì quyết định đi thẳng với quan trên bằng món tiền lớn hơn. Quan tỉnh là người quỉ quyệt, muốn làm tiền cả đôi bên. Ông nhận tiền của giáo dân, hứa sẽ thả Cha Tế trên đường đưa về phủ. Chính quan đến nhà sư Tình để dẫn giải cha, đồng thời bắt cả cha con đầy tớ sư Tình vì tội chứa chấp đạo trưởng. Quan phủ đã giải các tù nhân về kinh đô để lấy công trạng.

Những ngày bị giam giữ khổ sở và cuộc hành trình đã làm Cha Tế ốm nặng, quan phải kiếm thuốc và cho phép người nhà của cha săn sóc. Ngày 23-8 họ tới kinh đô Hà Nội. Sau đây là cuộc thẩm vấn của các quan: "Ông có biết đạo Kitô bị cấm trong nước không? Sao còn đến đây?"

- "Tôi đến để giải thoát các linh hồn khỏi hư mất".
- "Nếu vua ra lệnh chém đầu thì ông còn làm gì được?"
- "Tôi sẵn sàng chịu sự khổ đó".

Sau đó cha bị giao cho lính canh, họ để cha nằm dưới đất cả lúc trời mưa. Một người y tá Công Giáo từ Lục Thủy đến thăm cha, thấy vậy đi mua cho cha một trái dưa để uống lấy sức. Các gia nhân tại phủ tỏ ra tử tế và săn sóc cha. Ðể trả công, cha giảng đạo cho họ.

Tại đây cha viết vội mấy lời gửi bề trên: "Con tin rằng Chúa đã để con bị sốt nặng để chia sẻ với cuộc thương khó của Chúa. Những khốn khổ của nhà tù con coi là nhỏ mọn. Thay vì buồn, con cảm thấy vui và sẵn sàng đón nhận những cực khổ như là hồng ơn Chúa gửi đến cho riêng con".

Ngày 30-8, cha được chuyển sang ngục Ðông. Trên đường sang ngục Ðông, trẻ con lấy cành tre làm thánh giá, ném dưới chân ngài để chế diễu. Cha Tế chỉ sốt sắng lượm lên hôn kính. Tại ngục Ðông cha cũng chịu nhiều khốn khó. Các tù nhân cũng tàn bạo với ngài. Tưởng chừng ngài sắp chết, bà Kinh, một người Công Giáo thường săn sóc cha, liền đi mời Cha Ngai, giả làm thầy thuốc và đút tiền để được vào thăm cha. Mấy tên lính canh tù muốn làm tiền giáo hữu nên đeo thêm gông và xích cho cha rồi bảo họ nếu muốn cha được miễn trừ thì phải cho tiền. Khi cha khỏe lại đã cấm các giáo dân đừng làm thế nữa.

Lính coi ngục làm khó dễ, các giáo dân phải cậy nhờ một bà người lương tên là Gạo, nhà ở gần đó, săn sóc cha. Sau này bà được ơn trở lại và rửa tội, lấy tên thánh là Rosa. Trong lời khai trước ủy ban điều tra phong chân phúc, bà đã nói: "Chị của tôi đã phải tha nợ cho mấy tên lính để họ tử tế với cha và cho phép cha ra nhà. Lần khác khi mang thức ăn cho cha họ đã không chịu cho tới khi tôi đưa cho họ món tiền".

Việc to tát bà Gạo có thể giúp cha là cung cấp giấy tờ viết thư và chuyển thư của cha cho bề trên. Sau hai tháng bị giam cha được phép ra nhà bà Gạo để dùng cơm, và tiếp xúc với giáo dân tại kinh đô. Suốt trong 7 năm bị giam cầm, Cha Tế vẫn tiếp tục giúp các giáo dân.

Cuối tháng 10-1737, tòa án bắt đầu xét xử cha công khai. Cha bị dẫn đi, tay mang xích, cổ đeo gông. Trên đường đi, trẻ con lại vất những thánh giá bằng lá tre vào ngài và cười chế nhạo. Một đứa lớn hô to: "Xem kìa, ông cha sẽ chối đạo để giữ cái đầu khỏi bị chém".

Cha Tế liền quay mặt lại nhìn nó và nói: "Không đâu con, cha đã không và sẽ không bao giờ chối bỏ đức tin đâu. Chỉ có chúng con mới làm những điều trái nghịch là đi hành hạ người tù nhân ốm yếu không bao giờ làm hại ai. Hơn nữa chúng con còn chế diễu thánh giá là dấu chỉ ơn cứu rỗi cho mọi người".

Cha Tế và ba người giáo dân cùng với sư Tình bị điệu ra trước tòa án. Quan án bắt đầu thẩm vấn Cha Tế: "Ông bị bắt tại nhà của ai trong 4 người này?"

- "Tại nhà sư Tình. Tôi không hề vào nhà ba người kia".
- "Ông từ đâu đến?"
- "Từ Tây Ban Nha".
- "Ðã bao lâu ông ở tại Bắc Kỳ?"
- "Khoảng chừng hai năm".
- "Ai đã mang ông vào?"
- "Tôi không còn nhớ tên".
- "Vậy ông đã ở những đâu trong hai năm qua?"
- "Tôi không có nơi ở nhất định. Tôi thường đi từ nơi này sang nơi khác".
- "Ai đã nộp ông cho tòa án này?"
- "Ông quan".
- "Ông quan đã bắt ông tại nhà ai?"
- "Tại nhà sư Tình".
- "Ông đã ở nhà ấy bao nhiêu ngày?"
- "Mười hay mười một ngày gì đó".
- "Ông có dậy đạo cho người ấy không?"
- "Không".
- "Vậy ông đã làm những gì?"
- "Tôi làm những việc không liên quan gì tới quan tòa cả".

Viên ký lục đã làm sai lạc lời khai của ngài mà nói là cha đã ở nhà sư Tình hai năm. Sau đó cha được dẫn về nhà tù và hôm sau lại bị dẫn đến nhưng quan án lại cho ngài về tù vì là ngày lễ nghỉ. Trên đường về, họ dẫn cha qua đền thờ tổ tiên của quan và bắt cha lạy. Cha từ chối nên bị họ đánh đập bất tỉnh. Cha lên cơn sốt 15 ngày vì những vết thương hành hạ. Sau đó giáo dân cho lính canh nhiều tiền để cha được ở cả ngày đêm tại nhà bà Gạo. Khi khỏe lại, cha liền bị dẫn đến tòa án.

Vào cuối năm theo niên lịch Bắc Việt, các quan có thói quen giải quyết hết các vụ kiện, nhưng năm đó vì có sứ Trung Hoa sang nên họ không xét vụ của cha. Ðến tháng 10, một cha Việt Nam đến nhà bà Gạo dâng lễ. Sau đó chính ngài xin bề trên gửi các đồ lễ đến để dâng lễ. Năm ấy các quan viết án cho ngài như sau: Cha Tế bị bắt tại Xứ Ðông và bị lên án chém đầu. Còn sư Tình và con trai bị án phát lưu chăn voi cho chúa Trịnh 6 năm. Án được viết ngày 10-7-1738, vua châu phê ngày 12 và ấn định ngày thi hành án lệnh là ngày 22-7. Sư Tình bỏ tiền mua chuộc các quan để xét xử lại. Nhưng án không thay đổi. Sư Tình tiếp tục kháng cáo và tìm ra được lẽ để thanh minh.

Ngày 20-7-1739, cha lại bị đem ra tòa lần nữa: "Dựa vào quyền gì mà ông đến nhà sư Tình? Trước đó ông ở đâu?"

- "Tôi đến nước này đã 4 năm, hai năm bị giam tù, hai năm khác thì đi nơi này nơi nọ để rao giảng đạo Kitô. Còn nói đã đi những đâu thì tôi không muốn nói".

- "Vậy những lời khai năm trước là đúng?"

- "Những gì tôi đã nói là đúng như vậy. Bây giờ tôi không nói gì thêm".

- "Ông là một người phản bội, nói láo, bây giờ không muốn nói lại?"

- "Không đúng như vậy, nhưng tôi không buộc phải khai lại".

Ngay lúc ấy, sư Tình chụp cơ hội xin nói. Ông đã tóm lược lại các việc xẩy ra nhưng bỏ hẳn phần cha Tế bị giam giữ tại nhà ông.

Ðể tránh rắc rối cho những người ở Lục Thủy Hạ, Cha Tế nói: "Những gì tôi khai năm ngoái là thực và tôi không buộc phải khai là sư Tình đã bắt tôi tại Lục Thủy Hạ. Bởi vì các ông chỉ muốn trừng phạt những người đã tiếp tôi và thưởng công cho kẻ bắt tôi. Ðiều ấy bất công và vô lý".

- "Như vậy chém đầu ông cũng là nghịch công lý?"

- "Hiển nhiên là như vậy. Nhưng nếu quí quan ra lệnh chém đầu tôi vì đức tin thì tôi rất hài lòng".

Quan án ra lệnh nếu Cha Tế không khai thêm sẽ cho đánh 30 đòn. Cha Tế muốn chịu đòn hơn là nói gì thêm. Quan cho đặt thánh giá dưới đất rồi ra lệnh cho mọi người đạp lên. Dù phản đối, họ cũng khiêng ngài qua. Nhưng cha đã nhấc thánh giá lên và hôn kính. Sư Tình thì lợi dụng cơ hội này để nhục mạ ảnh đạo, nhảy nhót trên tượng và đồng thời tố cáo ngài còn giữ nhiều đồ đạo tại nhà tù. Trong phiên xử hai hôm sau, ngày 22-7, quan ép buộc cha Tế cung khai mấy người giáo dân, nhưng cha nhất định không chịu. Sau đó quan liền hỏi về các ảnh đạo.

Quan cầm tượng thánh giá lên hỏi: "Người trên thánh giá này là ai?"

- "Ðó là hình ảnh của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, đã làm người và chịu chết trên thánh giá để chuộc tội nhân loại".
- "Còn hình kia là gì?"
- "Ðó là ảnh Mẹ Thiên Chúa, đã cưu mang đấng chịu đóng đinh".
- "Người ta đi đâu sau khi chết?"
- "Khi chết rồi, xác ở dưới phần mộ, còn hồn thì hoặc lên trời hoặc phải xuống địa ngục tùy theo công trạng trong đời sống".
- "Ðiều ông nói về linh hồn chỉ là tưởng tượng. Ai nói rằng sự vật qua đi như thế?"
- "Thiên Chúa đã nói vậy".
- "Thật vậy ư? Ông đã nghe thấy tiếng Chúa chưa?"
- "Mặc dù không nghe chính Thiên Chúa nói, nhưng chắc chắn là ngài đã dậy như vậy".

Một tên lính hầu mang tới một cái gậy, đặt ngay trước mặt cha Tế, cha lại tưởng họ đánh mình nên đưa đầu gối ra, nhưng quan lại nói: "Gậy không phải để tra tấn. Ta ra lệnh cho ông cầm lấy và đánh vào những tượng ảnh này".

Cha Tế rùng mình vội cầm gậy vất đi thật xa. Tên hầu lại lấy về và đặt trước mặt sư Tình. Ông liền cầm ngay lấy và giơ gậy đánh vào bức ảnh Ðức Mẹ bằng ngà voi. Cha Tế chạy vội lại, dùng thân mình làm thuẫn cản lại, lấy tay che lên đầu Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong ảnh rồi nói: "Sư Tình, hãy đánh lên tay tôi".

Quan thấy vậy thì cười và nói: "Các người Kitô bị lừa dối bởi những tượng ảnh này".

Thế là có cuộc giằng co giữa Cha Tế và sư Tình. Quan cho lệnh ngừng cuộc giằng co lại và nói: "Thế thì tượng phải đau vì những cái đánh này lắm nhỉ?"

- "Ðức Bà Maria và Con của Ngài ở một nơi không còn đau đớn nữa. Nếu chúng tôi tôn kính ảnh tượng này cũng chỉ vì đó là hình ảnh nhắc nhở chúng tôi đến các Ngài".

Phiên tòa chấm dứt. Tên lính canh ngục đòi tiền ngài để đưa cho tóan lính áp giải. Một người giáo dân nói ngài chỉ nên đưa một phần ba. Vì thế tên lính canh nghiệt ngã cấm mọi người đến thăm ngài trong ba ngày. May nhờ có người lương mang gạo đến. Thấy sức khỏe ngài yếu liệt, bề trên sai Cha Minh đến ban các bí tích cuối cho ngài. Tuy nhiên Cha Tế lại khỏe lại.

Các quan thấy khó giải quyết, không biết phải xử thế nào đối với ba người giáo dân ở Lục Thủy Hạ. Vua cho một quan khác đến xử vụ kiện dai dẳng này. Ngày 20-9, cha lại bị đưa ra trước tòa để tra hỏi: "Ông ở nước này bao nhiêu năm rồi? Có phải ông bị bắt khi mới tới không? Ông có rao giảng đạo Kitô không?"

- "Tôi đã ở đây bốn năm và giảng đạo hai năm".
- "Có thật ông đã ở trong nhà sư Tình 10 ngày?"
- "Tôi đi đây đó để giảng đạo, nơi thì 10 ngày, nơi khác 15 ngày. Tôi chỉ ở nhà sư Tình có 10 ngày".
- "Ðạo đã bị cấm, tại sao ông còn đến đây?"
- "Vua chúa không có quyền cấm như thế, vì vua chúa không có quyền tuyệt đối ra lệnh như ý thích".
- "Ông có học biết thiên văn không?"
- "Không".

Ngài bị đem ra đem vào nhiều lần và hỏi đi hỏi lại để có bằng chứng là cha bị bắt tại nhà mấy giáo dân, và như thế có lý do để tha sư Tình. Cha Tế từ chối không nói gì thêm mà chỉ xin trả tự do cho các giáo dân. Họ yêu cầu cha ký vào biên bản. Ðọc trong bản án thấy viết là bị tố cáo vì rao giảng tà đạo, cha không chịu ký. Họ cho sửa lại là đạo 'Hoa Lang' nghịch với luật, cha mới ký vào.

Thế rồi nội chiến xẩy ra và người ta quên bẵng vụ án của ngài. Lúc đó Cha Tế là người duy nhất có mặt ở Hà Nội để giúp giáo dân. Trong thời gian bị giam tù, Cha Tế đã rửa tội được 122 người. Nội chiến kéo dài ba năm. Một hôm chúa Trịnh chợt có ý muốn hỏi Cha Tế có cách nào chấm dứt được loạn lạc, với ẩn ý muốn cha nói với người tây phương giúp. Cuối tháng 9, cậu của vua cho lệnh đưa Cha Tế đến và hỏi: "Tôi thấy đạo của cha hợp lý, những điều tôi nghe rất phù hợp với sách tôi đã đọc. Chỉ có điều là đạo không chấp nhận những tôn giáo khác. Ngày mai cha mang đến cho tôi xem cuốn sách về đức tin Kitô để tôi thấu đáo và có thể nói với chúa Trịnh cho cha. Cha cũng mang đến một học giả người Việt để có thể giải nghĩa được các chữ Việt".

Trở lại nhà giam, cha được giáo dân cho biết là quan chỉ muốn xem đạo có cách nào diệt được giặc không thôi. Ngày hôm sau, cha viết thư cho ông hoàng: "Theo đức tin của chúng tôi, chỉ có một phương thế duy nhất chữa trị các cái xấu đó là cầu xin Thiên Chúa cho hòa bình và hứa rằng chính quyền sẽ không bao giờ bắt bớ đạo thật nữa. Nếu vua muốn chấm dứt chiến tranh thì hãy thôi bắt bớ giáo dân và đạo thật, vì đấy chính là nguồn gốc của mọi sự dữ trong nước". Ông hoàng có nói lại với ba quan và họ hứa sẽ nói với chúa Trịnh để cho phép tự do hành đạo. Ngay lúc đó có tin đồn là giáo dân tỉnh Nam đi theo giặc, dự tính trên lại rơi vào tình trạng cũ. Riêng giáo dân Hà Nội nhất định chuộc cha ra bằng mọi cách. Họ đem tiền đến bà dì của chúa Trịnh để xin trả tự do cho cha. Ðọc bản khiếu nại, Cha Tế không hài lòng về lời lẽ nói cha chỉ là thương gia bị gán ghép tội theo đạo Kitô.... Suốt trong năm đó cha rửa tội thêm được 31 người lớn và 23 trẻ em.

Năm 1744, hồ sơ của cha được xét lại và họ giam cha ngặt hơn. Ngày 3-3-1744, cha và 4 giáo dân được đưa ra tòa án. Trên đường đi, viên ký lục đòi lấy cỗ tràng hạt của cha. Tại tòa án, các quan xem xét cỗ tràng hạt rất kỹ lưỡng. Quan hỏi hai ảnh mắc vào đó là gì. Cha thưa là hình hai vị tử vì đạo. Quan bắt ép cha dầy đạp tràng hạt dưới chân. Cha đã mạnh mẽ nói là không khi nào cha làm điều lầm lỗi ấy. Lúc ấy quan hỏi sư Tình có làm điều ấy không? Sư Tình chỉ chờ có thế đã vội vã cầm lấy tràng hạt ném xuống đất, sửa soạn đạp lên, tức thì Cha Tế lăn xả vào để lấy lại. Một tên lính hầu túm lấy tóc cha lôi ra. Không làm gì được, Cha Tế hét lên: "Tại sao các ngươi bách hại đạo Chúa Kitô? Chính các ngươi là căn cớ của bao nhiêu tai họa giáng xuống trên nước này".

Các quan liền viết án xử trảm cha Tế, còn các giáo dân được trả tự do, cha con sư Tình được tha bổng. Cha Tế được đưa về nhà tù, lòng đầy niềm hy vọng giờ lãnh triều thiên tử đạo đã tới gần.

Ngày 30-5-1744, lính canh áp giải một tù nhân khác, đó là Cha Ðậu, người cùng Dòng với Cha Tế. Hai người lính dũng cảm của đức tin hân hoan được gặp nhau, nâng đỡ nhau bằng các bí tích và cầu nguyện. Trong hai năm ấy cha rửa tội được 32 người lớn và 41 trẻ em.

Tháng 8 năm sau vì có hạn hán nên chúa Trịnh cho rước Phật Bà Quan Âm, đồng thời ân xá cho nhiều tù nhân, nhưng vẫn giam giữ hai cha trong tù. Lợi dụng thời gian này, hai cha biến nhà tù thành nơi giảng đạo. Giáo dân lại nói với cha về đề nghị của quan cai ngục là sẽ trả tự do cho cha bằng giá tiền mua chuộc. Cha Tế cương quyết không để cho giáo dân phải tốn một xu.

Một tín hữu báo tin là các quan đã làm án ngày 19-1-1745, ngày 21 sẽ công bố, và ngày hôm sau hành quyết. Giáo dân tính cử đại diện đến gặp chúa Trịnh. Cha Tế rất buồn nói với các thầy giảng: "Chúng ta phải khuyên bảo giáo dân trở lại và trung thành với đức tin, nếu trong hoàn cảnh này chúng ta tỏ ra khiếp sợ để cho họ sửa án và mua chuộc mạng sống bằng tiền bạc thì lương dân họ sẽ thêm tin vào đạo của họ hơn và giáo dân sẽ không còn muốn chịu khổ vì đức tin nữa".

Vì vậy cha truyền lệnh cho họ hủy bỏ toan tính đó. Dân chúng rất đau buồn, nhưng cha Tế lại vui mừng hớn hở. Ngài dùng những ngày còn lại để cầu nguyện và sửa soạn tâm hồn. Sau khi lần hạt chung với họ lần cuối, cha khuyên nhủ: "Anh chị em quí mến, cũng như Chúa Kitô trong bữa tiệc ly, tôi muốn khuyên anh chị em theo lời của Chúa, anh chị em hãy yêu thương nhau như ruột thịt, hãy vững mạnh trong đức tin mà anh chị em tuyên xưng và hãy sẵn sàng chịu mọi sự khó và nhất là đặt niềm cậy trông vào một Chúa mà thôi. Hãy ước ao những sự trên trời và hãy khinh chê những của cải vui sướng chóng qua đời này".

Mọi người cúi mình hôn xiềng xích của ngài. Ngài lại nói với họ: "Tử đạo là một ơn đặc biệt do Chúa ban nhưng không, chứ không phải do công trạng hay xứng đáng gì".

Khoảng ba giờ sáng, hai cha dâng lễ, rồi đến chào các lính coi tù cũng như các bạn tù. Giáo dân được phép vào rất đông để thăm cha lần cuối. Cha Ðậu không được chung một vinh dự nhưng đã xin quan cho theo ra tới pháp trường. Theo lẽ các tù nhân khi đi ra nơi hành quyết thường được dẫn qua phủ chúa để có thể kháng cáo lần chót. Lợi dụng cơ hội này giáo dân làm một bản kiến nghị nhờ Cha Ðậu mang theo đưa cho quan khi tới phủ chúa. Mặc dù Cha Tế không đồng ý nhưng Cha Ðậu vẫn làm theo ý của giáo dân.

Cha Tế hân hoan đi đầu vì được giống Chúa Kitô. Trong đám tù nhân có người xin cha tha tội. Ði ngang qua phủ chúa, Cha Ðậu liền đưa bản kiến nghị. Chúa Trịnh thấy Cha Ðậu dám bạo gan như thế thì nổi giận ra lệnh xử trảm ngài luôn một lúc với Cha Tế. Khoảng sau trưa, đoàn người đến Ðồng Mơ, nơi hành quyết. Vừa tới nơi, hai cha quì xuống hôn mảnh đất. Cha Tế vì yếu sức nên ngồi xuống đất chờ đợi, trong khi lính sửa soạn việc hành quyết. Hai cha nói giáo dân cho mỗi người lính đao phủ một số tiền. Hằng ngàn người im lặng đứng xung quanh. Quan giám sát lên tiếng: "Cụ Tế, tôi rất kính trọng cụ và rất đau buồn phải làm việc này như quan án đã ra lệnh, xin cụ hiểu cho, tôi không làm gì khác hơn được. Xin cụ quì thẳng lên để tôi trói vào cọc".

Giây và xích ở tay chân được cởi ra. Hai tên lính cầm gươm đồng loạt chém đầu hai vị tử đạo. Hôm ấy là ngày thứ Sáu, 22-1-1745.

Thông thường mỗi khi có vụ xử tử, lúc chém đầu mọi người chạy mất vì sợ hồn kẻ chết nhập vào, nhưng lần này trái lại họ đến gần hơn và ngay sau đó tuốn vào thấm máu đào, lấy những vật dụng và xiềng xích của hai vị làm kỉ niệm. Giáo dân phải canh chừng để không ai lấy trộm thi thể hai đấng thánh. Tối hôm đó, Cha Phêrô Xavier tắm rửa xác các đấng và an táng tại Lục Thủy Hạ, mặc dầu các xứ khác như xứ Kẻ Bùi, Trung Linh, và Trung Lễ đòi quyền được cất xác các ngài. Một tuần sau, mộ của các ngài được mở ra để táng trong nhà thờ theo lệnh của đức giám mục, nhưng lạ thay, xác các ngài không bốc mùi thối gì, giáo dân còn ngửi thấy thoang thoảng một mùi thơm lạ lùng.

Ngày 20-05-1906, các Ngài được Đức Piô X suy tôn lên bậc chân phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn lên hàng Hiển Thánh.

Trường thi tử Đạo.

Cuộc tử đạo linh mục Federich Tế
Tại Việt Nam phải kể đầu tiên
Mười lăm tuổi nhập tu liền
Thụ phong linh mục qua miền nước Phi

Thừa sai Pháp xin đi rao giảng
Nhưng bề trên ngăn cản không cho
Rôma thuyên chuyển thăm dò
Nơi đây cứu xét thuận cho lên đường

Cha được gởi quê hương miền Bắc
Nước Việt Nam dìu dắt đoàn chiên
Ngài lo tiếng Việt học liền
Ở làng Lục Thủy thuộc miền tỉnh Nam

Cùng Cha Tế cộng đoàn dâng lễ
Ðang cám ơn như thể chia tay
Toán người ập đến bao vây
Xông vào lục soát chốn này hung hăng

Cha liền bảo thưa rằng chạy trốn
Còn phần Cha khiêm tốn nạp mình
Giuse khẩn nguyện cầu kinh
Xin Ngài phù hộ an bình cho Cha

Nhìn bọn chúng Ngài đà liền hỏi
Ði tìm ai Người nói ta đây
Sư Tình ra lệnh lấy giây
Bắt Cha trói lại đưa ngay xuống thuyền

Mấy giáo hữu theo liền đứng ngó
Tại bờ sông chúng nó bắt luôn
Lòng Cha Tế rất u buồn
Bắt tôi là đủ tha luôn mấy người

Như mệnh lệnh chúng thời cởi trói
Trả tự do tiếng nói Sư Tình
Ðem Cha Tế giam một mình
Thủy Nhai Thượng để Sư Tình hỏi Cha

Ngươi bị bắt gặp ta có sợ
Ngài trả lời giúp đỡ giáo dân
Riêng ta vì Chúa đâu cần
Sư Tình sai lính tay cầm gươm đao

Cột nhà hội trói vào Cha Tế
Án tử hình chúng để ngay bên
Triều đình ban lệnh nói lên
Nhưng Cha đâu sợ ngày đêm rao truyền

Chúng móc nối đòi tiền để chuộc
Thả Cha ra bắt buộc khó khăn
Năm trăm lượng đổi Chủ chăn
Giáo dân thấy vậy thưa rằng quan trên

Cử đại diện thưa lên thượng đỉnh
Quỷ quyệt thay sẵn tính bạo tàn
Cấp cao lại quá tham lam
Thả câu nước đục liên can Sư Tình

Giữ đạo trưởng nhà mình trái phép
Phải lo tiền khỏi ghép tội oan
Quan trên lợi cả đôi đàng
Kinh đô đem nộp Thượng Hoàng thưởng công

Tội Cha Tế đeo gông khổ cực
Tại trại giam nóng nực khổ đau
Quan lo tìm thuốc chữa mau
Người nhà săn sóc ngõ hầu hỏi cung

Tại Phủ Chúa quyền dùng kháng cáo
Cơ hội này loan báo giáo dân
Cử Cha Ðậu đóng góp phần
Ði qua Phủ Chúa tới gần đưa Quan

Chúa Trịnh thấy Cha gan can đảm
Tại Ðồng Mơ xử trảm hai Cha
Pháp trường giáo hữu gần xa
Ðọc kinh tin kính tiễn Cha lên đường

Linh mục Tế sinh năm Nhâm Ngọ (1702)
Tại Tostosa nước họ (Tây) Ban Nha
Ất Sửu (1745) tử đạo nước ta
Bính Ngọ (1906) phong thánh hoan ca Nước Trời

Lời bất hủ: Cha trả lời quan tra hỏi: "Chẳng ai có quyền cấm giảng đạo Thiên Chúa đã truyền loan báo cho mọi dân mọi nước. Ai cấm, tức là cướp quyền của Thiên Chúa".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #74
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.680
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
73. Phanxicô Trần Văn Trung (1825-1858)

Phanxicô Trần Văn Trung, Sinh năm 1825 tại Phan Xã, Quảng Trị, Giáo dân, Cai đội, bị xử trảm ngày 6/10/1858 tại An Hòa dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn ông đội Phanxicô Trần Văn Trung lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 6/10.

Đánh Tây thì đánh, bỏ đạo thì không

"Tên trung làm cơ đội Tuyên văn Phong, trước đây bị cáo về tội gian lận trong kỳ thi sát hạch, phải giáng chức và xử trọng tội, nay xin gia nhập sổ lính đi đánh giặc nhưng lại không chịu quá khóa nên đáng xử trảm".

Đọc lại bản án của ông cai đội Phanxicô Trần Văn Trung trên đây, mọi người hiểu ngay tấm lòng của vị thánh. Cũng như hầu hết những người công giáo thời vua Tự Đức, ông Trung tình nguyện tham gia việc chống ngoại xâm bảo vệ quê hương, nhưng vẫn trung thành với Thiên Chúa.

Phanxicô Trần Văn Trung, sinh khoảng năm 1825 tại Phan Xá, tỉnh Quảng Trị, dưới thời vua Minh Mạng, thuộc gia đình Công Giáo. Thân phụ cậu trước cũng là cai đội. Khoảng năm 24 tuổi, anh Trung kết hôn với một thiếu nữ cùng làng, và sinh được bốn người con. Như các gia đình Công Giáo khác, ông cai đội chu toàn trách vụ Kitô hữu.

Vì một lý do đặc biệt, ông đã bị giam trong tù. Một lần kia, cùng với mười một bạn đồng ngũ, ông phải dự cuộc khảo thí. Trong tình hình bất an thời bấy giờ, muốn việc thi cử trót lọt dễ dàng, phải hối lộ với quan trên. Dù đủ điều kiện trúng tuyển, ông không thể làm khác hơn. Không may, vì việc chia tiền không đồng đều, các quan tranh cãi với nhau. Vua Tự Đức biết tin liền cho cả 12 cai đội vào ngồi tù.

Yêu nước và tin chúa

Sau khi cửa Hàn bị quân Pháp dưới sự chỉ huy của đô đốc Rigault de Genouilly đánh chiếm ngày 01.09.1858, vua Tự Đức liền cho phóng thích các binh lính giam giữ để bổ sung vào số quân bảo vệ kinh thành Huế. Ông cai đội Trung và các bạn hăng hái hưởng ứng. Nhưng khi sắp được xuất trận các quan bắt ép các ông phải bước qua Thập Giá. Mười một người kia liền theo lệnh, còn ông Trung nhất định không chịu nghe. Các quan hỏi : - Tại sao không chịu đạp lên Thập Giá ? Có phải mi theo đạo không ?

- Thưa phải, tôi là người Công Giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi lại bỏ đạo.

Câu nói khẳng khái trọn vẹn đôi đàng của người công dân tổ quốc và người con của Thiên Chúa ấy đã đưa ông cai đội Trung trở lại nhà ngục. Một tháng bị giam, ông bị điệu ra tra hỏi nhiều lần, bị tra tấn ba lần, mỗi lần 50 roi. Những trận đòn đó không làm cho người chiến sĩ đức tin bỏ cuộc. Dự đoán mình sẽ bị xử tử, ông chẳng những không sợ lại tỏ ra chờ mong ngày đó nữa.

Người gia trưởng gương mẫu

Dầu sắp chịu án tử, ông đội Trung đã bình tĩnh thu xếp việc gia đình cách khéo léo. Ông căn dặn vợ: "Tôi có bị chết, mình lo săn sóc các con nhé ! Hãy hết lòng yêu thương các con, đừng tái hôn với ai nữa nhé !". Đứa con nhỏ tám tuổi của ông tên là Catarina Thông được phép ở lại giúp đỡ ông một tháng. Đến khi nghe tin ở xứ nhà để theo học giáo lý và khuyên con vâng lời dạy bảo của các linh mục.

Khi nhớ ra còn thiếu nợ một vài người, ông tỏ vẻ lo lắng vì sợ các chủ nợ bắt các con mình ở đợ để trừ nợ, vừa cực khổ lại vừa có thể quên cả đạo nghĩa nữa, nên ông căn dặn vợ rất kỹ lưỡng, những đồ đạc nào trong nhà phải bán đi và thanh toán nợ nần cho chu đáo.

Thánh Giá trên cổ

Khi không còn hy vọng làm cho ông đội Trung mất niềm tin, các quan liền làm án tâu xin vua Tự Đức cho lệnh trảm quyết. Nhà Vua liền châu phê. Sáng 06.10.1858, ông đội Trung được dẫn ra pháp trường An Hòa (Huế). Năm viên quan cưỡi ngựa và 60 lính đi bộ hộ tống. Cha Anrê Thoại ở họ dương sơn biết tin, liền cải trang đi với một thày giảng tới giải tội cho ông. Cha nhắn một người bà con của ông tín hiệu nhận ra cha: người sẽ cầm một điếu thuốc giơ cao ngang mặt. Ông đội đã chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận Bí tích Giải tội lần cuối cùng.

Nhưng sự việc lại diễn tiến thể khác : các quan đình việc xử lại, và cho người về xin nhà vua tha cho ông, lấy cớ việc xử án có thể bị hiểu lầm là khiêu khích quân Pháp, họ sẽ đánh thì nguy. Đoàn người chờ đến 18 giờ chiều vẫn chưa có tin, liền kéo nhau vào quán nghỉ ngơi, và dẫn ông đội Trung đã bị trói cẩn thận đi theo. Chờ đến khoảng 20 giờ tối, chiếu chỉ vua Tự Đức gởi tới nơi ra lệnh xử tức khắc và đe phạt những quan đã dám xin ân xá cho ông.

Được tin, ông đội Trung hỏi tìm cha Thoại nhưng cha đã trở về vì tưởng ngày mai mới xử án. Lúc đó, ông liền quỳ xuống nền đất, xin đao phủ lấy vôi vẽ trên cổ hình Thánh Giá, để chứng tỏ mình trung kiên với Đức Kitô đến cùng. Sau đó, ông hiên ngang đưa cổ cho lý hình chém. Thủ cấp ông bị bêu ba ngày để làm gương, rồi mới được đem chôn. Hiện nay thi hài của vị chứng nhân được lưu giữ ở nhà thờ họ Dương Sơn.

Đức Piô X suy tôn ông đội Phanxicô Trần Văn Trung lên bậc Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

Trường thi tử Đạo.

Cửa Hàn bị quân Pháp chiếm đóng
Vua Tự Ðức mau chóng đổi thay
Tù nhân tình nguyện đánh Tây
Kèm theo điều kiện sau đây đăng trình

Ðể Thánh Giá tự mình quá bước
Trần Văn Trung mực thước đó mà
Ngang nhiên tự ý nói ra
Trần Trung không bước nói là bất tuân

Các quan hỏi mày cần nói rõ
Trả lời ngay đạo có hay không
Trần Trung Công giáo thưa ông
Xâm lăng đi đánh, nhưng không chối trời

Liền bị dẫn vào nơi tù ngục
Năm mươi roi liên tục ba lần
Nhiều trận đòn nát cả thân
Trần Trung chịu đựng chẳng cần thở than

Các quan thấy khó làm đổi ý
Trần Văn Trung quyết chí kiên gan
Các quan hội ý họp bàn
Tâu Vua Tự Ðức xin ban lệnh truyền

Ngài phê chuẩn ban liền trảm quyết
Ra pháp trường mãi miệt An Hòa
Năm nhân viên cưỡi ngựa ra
Sáu mươi lính võ thật là trang nghiêm

Nhưng diễn tiến đột nhiên đổi khác
Các quan đình, nhốn nhác xin vua
Tha cho ông, thần xin thưa
Sợ là khiêu khích vào hùa địch quân

Trung bị trói lại gần quán nghỉ
Tám giờ tối chỉ thị của vua
Hãy trừng phạt kẻ a dua
Xử ngay tức khắc thắng thua đâu cần

Ðấng tử đạo quỳ gần tới đất
Xin đao phủ hoàn tất giúp tôi
Vẽ cây Thánh Giá bằng vôi
In hình trên cổ xong rồi chém luôn

Phan sinh dòng máu tuôn ra chảy
Ðầu phải bêu hết thảy ba ngày
Dương Sơn chôn cất đông thay
Thừa Thiên xứ Huế hiện nay kính thờ

Nơi sinh trưởng ấu thơ Phan Xá
Khi trưởng thành ông đã kết hôn
Con sinh được bốn lớn khôn
Vô tù lần trước nghe đồn tiền chia

Về thi cử mũ hia trót lọt
Phải biết lo đút lót quan trên
Bất đồng cãi vã đôi bên
Ông Trung lãnh đủ, cho nên vô tù

Gặp vợ con trong khu ngục thất
Ông nhủ khuyên rất thật ước mong
Vững tin vào Chúa bền lòng
Gia đình thu xếp vui trong đẹp ngoài

Tôi có chết tương lai con cái
Mình hãy lo rộng rãi yêu thương
Tái hôn lỗi đạo sai đường
Ðứa con tám tuổi ngục đường giúp ông

Cháu còn nhỏ tên Thông con út
Một tháng trời giây phút cuối đời
Khuyên con ngoan ngoãn vâng lời
Học hành giáo lý, nhờ thời quý cha

Ông ngồi nhớ mình đà còn nợ
Liền nhờ người nhắn vợ vào ngay
Bán đồ đạc trả nợ thay
Tôi được thanh thản, đợi ngày xử thôi

Trần Văn Trung sinh thời Ất Dậu (1825)
Tại Phan Xá, Phú Hậu miền Trung
Là quân nhân thích vẫy vùng
Ðánh Tây tình nguyện xin đừng bỏ cha

Phúc tử đạo ban ra Mậu Ngọ (1858)
Bỏ thế gian để tậu Nước Trời
Vinh danh Thiên Chúa sáng ngời
Suy tôn Kỷ Dậu (1909) tuyệt vời thánh nhân

Lời bất hủ: Các quan hỏi: "Tại sao không bước lên Thánh giá. Có phải mi theo đạo không?". Cai đôi Trung trả lời: "Thưa phải, tôi là người Công giáo. Tôi sẵn sàng đi đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, nhưng không bao giờ tôi bỏ đạo". Ông căn dặn vợ: "Tôi có bị chết, mình lo săn sóc các con nhé! Hãy hết lòng yêu thương các con, đừng tái hôn với ai nữa nhé".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #75
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.680
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
74. Phanxicô Xaviê Cần (1803 – 1837)

Phanxicô Xaviê Cần, Sinh năm 1803 tại Sơn Miêng, Hà Ðông, Thầy giảng, bị xử giảo ngày 20 tháng 11 năm 1837 tại Ô Cầu Giấy dưới đời vua Minh Mạng, Đức Lêo XIII suy tôn thày Nguyễn Cần lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988. Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 20/11.

Tôi trung không thờ hai chủ.

"Tôi trung không thờ hai chủ" lời cuối cùng phát ra từ miệng thánh Phanxicô Nguyễn Cần tóm tắt cuộc đời của thày, một người tôi trung, đã suốt đời trung thành với Chúa, phục vụ tha nhân, sống trung thực với suy nghĩ của mình, trung tín với giáo lý Tin Mừng và cuối cùng đã trung kiên vượt qua mọi thử thách, xứng đáng nhận lời chúc phúc "hãy vào hưởng niềm hoan lạc của Chúa trên trời". (Mt. 25,21).

Phanxicô Nguyễn Cần còn có tên Nguyễn Tiên tức Tiên Truật, sinh năm 1803, tại làng Sơn Miệng, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, Hà Nội. Từ niên thiếu, cậu Cần đã ước ao dâng mình trong nhà Chúa, nhưng mẹ cậu vì thương nhớ, không muốn xa con nên từ chối. Cậu phải nói với mẹ: "Nếu mẹ không bằng lòng con ở với cha xứ nhà, con sẽ trốn đi, ở với cha xứ khác". Thế là bà mẹ cũng phải chiều ý, cho cậu ở với cha Nghi, chánh xứ Sơn Miêng.

Nhờ đức hạnh tốt và siêng năng, cậu được vào chủng viện, trở thành thày giảng, được cử đi giúp Đức cha Havard Du, rồi cha Retord Liêu (năm 1838 lên chức Giám mục, gọi là Đức Thày Liêu). Cha Liêu đã nhận xét về thày Cần: "Thày giúp tôi học tiếng Việt, chia sẻ với tôi mọi khó khăn, hiểm nguy, thiếu thốn. Thày rất nhiệt tâm trong việc tông đồ".

Ngày 19.4.1836, cha Liêu nhờ thày đi mời cha Tuấn về xứ Kẻ Chuông giảng, chuẩn bị lễ Phục Sinh. Nhưng khi thày đến xứ Kẻ Vạc, nơi cha Tuấn ở thì bị bắt. Quân lính dấu ảnh tượng vào túi xách của thảyđê có chứng cớ cụ thể. Thày bị giải về huyện Thanh Oai và bị tống giam vào ngục.

Trước công đường, quan nói thày đừng tin vào các đạo trưởng, và hãy đạp lên ảnh đạo, quan sẽ tha cho về nuôi mẹ già. Thày trả lời : "Thưa quan, tôi chưa thấy các đạo trưởng lừa dối ai bao giờ, còn mẹ già tôi không lo, tôi xa nhà đã lâu chẳng giúp gì cho bà". Sau đó quan dùng nhiều lời khiếm nhã phê bình về đạo, thày bình tĩnh giải thích lại rỗi trình bày về 10 điều răn Thiên Chúa và sáu điều răn Hội Thánh, thày kết thúc bằng một lời tự nguyện, tự phát rất cảm động. Mọi người ở đó đều cản phục. Quan tuyên bố kết thức phiên tòa, đưa thày về trại giam. Nhưng quan nói nhỏ với những người đứng bên : "Anh này nói cũng có lý. Những giới răn và kinh nguyện của anh ta chứa đựng nhiều điều tốt lành, có lẽ còn dễ hiểu hơn bản "thập điều" của nhà vua nữa".

Một dạ sắt son.

Phần cha Liêu ở nhà rất buồn, cha tìm mọi cách cứu mạng cho thày Cần. Cha cho người đem tiền theo thân mẫu thày lên huyện để chuộc. Mới đầu quan đòi 300 quan, sau tăng lên 500, rồi 600, vượt qua con số dự trù, có lẽ vị quan đó không dám cho chuộc thì đúng hơn. Thày Cần an ủi mẹ: "Xin mẹ đừng lo cho con, con đã ước ao tử đạo từ lâu, xin mẹ chỉ cầu nguyện cho con là đủ".

Có nhiều người tỏ lòng thương hại thày Cần. Quan khuyên thày bước qua Thập Giá, thày cương quyết từ chối. lính khiêng thày đắt lên tượng ảnh Chúa, tahỳ ôm chặt lấy chân và la lên: "Tôi không đạp lên ảnh Chúa đâu". Một số giáo dân đã bỏ đạo nói: "Tội nào Chúa chẳng tha, Phêrô chối Chúa ba lần mà còn làm thủ lãnh Giáo Hội". Người khác lừa dối: "Cha Liêu nhắn thày cứ bước qua Thánh Giá, rồi sẽ về liệu sau". Họ còn đe dọa: "Nếu thày không nghe, quan sẽ làm khổ cả làng đó". Nhưng tất cả không làm xoay chuyển ý chi sắt đá của vị chứng nhân đức Kitô.

Thày quả quyết : "Dù thiên thần xuống bảo tôi bỏ đạo, tôi cũng chẳng tin. Dù kính trọng cha Liêu, tôi không thể làm điều sai lạc đó được. Hơn nữa, tôi biết chắc ngài không ra lệnh tôi làm như vậy. Còn với dân chúng, tôi thương mến thật, nhưng cũng không vì họ mà tôi xúc phạm đến Chúa".

Nhiều người ngoại giáo nói với nhau: "Giá như đạo mình bị cấm, chắc ta đã bước qua ảnh tượng trăm lần… Tượng đồng, ảnh giấy có chi mà sợ". Thấy không thể lay chuyển được người tôi chung của Chúa Kitô, quan cho giải thày Cần lên Hà Nội. Tám tháng tù ở Thanh Oai, mười tháng từ ở Hà Nội, là cả chuỗi ngày cực hình đổ trên người thày : cổ mang gông, tay mang xiềng xích, chân bị cùm… nhà tù thì nồng nặc mùi hôi hám, vì tù nhân phóng uế tại chỗ, lính canh đánh đập thày mỗi ngày để tra khảo tiền bạc. Trong một lá thư gửi cha Liêu, thày viết : "Con bị tra tấn ba lần, hai lần đầu, mỗi lần 60 roi, lần sau 50 roi, nhà giam đã chật hẹp hôi hám, lại có hơn chục anh đầu trộm đuôi cướp, ăn nói lỗ mãng, ban ngày say sưa, ban đêm cờ bạc, lúc nào cũng ồn ào làm con khó cầu nguyện quá".

Tông đồ trong trại giam

Thế nhưng, thày không chán nản, mà coi đó là môi trường Chúa gởi đến. Thày kiên nhẫn giúp được hai tù nhân hối cải, dạy giáo lý và rửa tội được vài người, chúng ta hãy đọc một đọan thư thày viết từ trạigiam ở Hà Nội :

"Con báo để cha an tâm. Ở đâu con cũng được mọi người thương mến, dù quan hay dân và các bạn tù đều kính trọng gọi con bằng thày, có người còn tặng con danh hiệu khác nữa. Hầu hết họ cảm thương con bị đau khổ, hoặc khen con vững chí. Con hay bàn luận với họ và biết nhiều điều mê tín của họ, nhưng chưa biết khuyyên bảo họ sao bây giờ. Có một ông Chánh tổng cũng bị giam ở đây, hứa với con khi ra tù sẽ theo đạo và sống theo những điều con giảng… Thưa cha, con thấy người đời sẵn sàng chịu nhiều khổ sở để được giầu sang hoặc danh vọng chóng qua, lẽ nào con không nhẫn nại, chịu những sự khó qua mau này, để được vinh quang đời đời".

Viên cai ngục Hà Nội thấy tác phong của thày Cần, dự đoán : "Ông này chỉ bằng nắm tay mà nghị lực phi thường. Ông ta mà chết chắc sẽ trở lên Thành Hoàng của làng chứ chẳng chơi". Cũng trong thời kỳ ở Hà Nội, có lần thày Cần bị bệnh nặng, một linh mục giả làm thày lang vào giải tội, cho thày được rước lễ và xức dầu. Nhưng sau đó thày được bình phục ngay.

Ngày 20.11.1837, bản án vua Minh Mạng châu phê ra tới Hà Nội. Quan Tổng trấn khuyên thày nhắm mắt bước qua Thập Giá. Thày nói: "Mắt thì nhắm được, chứ lòng trí khôn không thể nhắm được, nên tôi chẳng làm". Quan lại cho xếp chéo hai khúc gỗ và nói: "Đây không phải ảnh Chúa, gỗ này cũng chưa được làm phép, cứ bước qua đi sẽ thoát chết". Nhưng thày không làm vì biết đó là dấu hiệu chối đạo.

Và thiên thu vĩnh phúc

Một tuần sau, thày Phanxicô Cần bị điệu ra pháp trường cửa ô Cầu Giấy. Năm viên quan cưỡi voi đi trước, 10 cai đội cưỡi ngựa theo sau, rồi đến 300 lính vũ lâm, mặc binh phục đỏ, tay cầm kiếm. Một người cầm tấm thẻ ghi bản án: "Can phạm theo đạo Gia Tô, không chịu bước qua Thập Giá, án xử giải". Dân chúng hôm đó, đi xem rất đông.

Tại pháp trường, kh dây thừng đã quấn quanh cổ, thày Cần vẫn bình tĩnh cám ơn mọi người, nói với họ về cái hết theo đức tin Công Giáo, về hạnh phúc đời sau và hứa sẽ nhớ đến họ khi về bên Chúa. viên quan cố thuyết phục lần chót: "Anh có thể cứu mạng mình. anh không chộm cướp, cũng không làm loạn, bản án của anh còn có thể rút lại được, chỉ cần anh bước một bước qua Thập Tự:. Nhưng thày trả lời : "Tôi trung không thờ hai chủ, xin quan cứ an mà thi hành". Quan ra lệnh, tức khắc quân lính kéo mạnh hai đầu dây, người môn đệ Chúa Kitô gục dầu tắt thở, lãnh cành vạn tuế tử đạo ngày 20.11.1837, khi mới 34 tuổi.

Thi hài vị tử đạo được an táng tại Chân Sơn, sau cải táng về nhà thờ xứ Sơn Miêng. Đức Lêo XIII suy tôn thày Nguyễn Cần lên bậc Chân Phước ngày 27.05.1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Lời tiên đoán vô tình của viên cai ngục đã trở thành hiện thực. Ngày nay, thánh Phanxicô Nguyễn Cần không những là "Thành Hoàng" của làng Sơn Miêng, mà hơn thế, là Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam và được cả Giáo Hội hoàn cầu ngưỡng mộ.

Trường thi tử Đạo.

Thầy giảng Cần sinh năm Quý Hợi (1803)
Làng Sơn Miêng tỉnh gọi Hà Ðông
Mẹ con có điểm bất đồng
Con tu mẹ chẳng vui lòng xuất gia

Cậu phải nói sẽ là con trốn
Thế là mẹ từ tốn chiều Cần
Cha Nghi chính xứ ở gần
Sơm Miêng cậu ở chuyên cần với Cha

Rồi sau đó đưa qua chủng viện
Rất siêng năng thực hiện đời tu
Ðược sai giúp Ðức Cha Du
Phong lên Thầy giảng giáo khu nhiệt thành

Cha Nhân thấy thầy lanh và giỏi
Ðã giúp Cha học hỏi tiếng ta
Sẻ chia trao đổi thật thà
Gian nan nguy hiểm vẫn đà không ngơi

Cha Liêu cử đi mời Cha Tuấn
Ðến Kẻ Chuông giảng huấn Phục sinh
Nơi đây quân lính đang rình
Thầy tới Kẻ Vạc quân binh bắt liền

Bọn lính cố làm tiền kiếm cớ
Túi của thầy bỏ mớ ảnh vào
Thầy Cần chối cãi làm sao
Thanh Oai giải huyện tống vào nhà giam

Quan Huyện nói cáo gian Ðạo Trưởng
Hãy nghe ta đạp tượng Giêsu
Về nuôi mẹ sống êm ru
Quan đây nói thật chẳng hù thầy đâu

Thầy Cần nói ai đâu nói dối
Các ông này đường lối tốt lành
Tôn thờ Thiên Chúa vinh danh
Dạy người đạo đức học hành điều hay

Giới răn Chúa trình bày giải thích
Sống thứ tha xích mích giải hòa
Quan Huyện kết thúc phiên tòa
Ðưa Thầy trở lại nhốt nhà trại giam

Theo Thân Mẫu lên quan để chuộc
Mới khởi đầu bắt buộc ba trăm
Quan tham mặc cả gia tăng
Thầy Cần nói vậy phải chăng ý Trời

An ủi mẹ nghỉ ngơi cầu nguyện
Con ước ao dâng hiến từ lâu
Lãnh ơn tử đạo phép mầu
Quan Huyện khuyến dụ ngõ hầu sẽ tha

Thầy cương quyết chẳng thà chịu chết
Lính khiêng lên kéo lết ảnh Cha
Ôm chân chặt miệng thì la
Tôi không đạp ảnh Chúa Cha trên Trời

Cha Liêu nhắn đôi lời cứ bước
Rồi Thầy về sẽ được liệu sau
Thầy Cần phản ứng lẹ mau
Thiên Thần có xuống trước sau không sờn

Thầy cầu khẩn lãnh ơn tử đạo
Dù khổ đau tàn bạo nhục hình
Nguyện xin ơn Chúa cho mình
Giữ cho đủ nghĩa trọn tình với Cha

Thầy Cần bị điệu ra cầu giấy
Tại pháp trường ngày ấy rất đông
Cổ Thầy vẫn nặng đeo gông
Quan quân voi ngựa võ công kiếm cầm

Dây thừng quấn tím bầm quanh cổ
Thầy Cần đứng tuyên bố đức tin
Pháp trường bao mắt trố nhìn
Quân lính kéo mạnh giây gim hai đầu

Môn đệ Chúa gục đầu tắt thở
Lãnh cành vạn tuế nở ước mơ
Chân Sơn chôn cất đón chờ
Sau này cải táng nhà thờ Sơn Miêng

Phúc tử đạo ơn riêng Ðinh Dậu (1837)
Ðẹp đẽ thay cho cậu chủng sinh
Canh Tý (1900) Toà Thánh tôn vinh
Lên hàng Á thánh hiển linh Nước Trời

Lời bất hủ: Trước công đường, quan tra hỏi, Thầy trả lời: "Thưa quan, tôi chưa thấy các đạo trưởng lừa dối ai bao giờ, còn mẹ già tôi không lo, tôi xa nhà đã lâu, chẳng giúp gì cho bà". Rồi quan hỏi về lý lẽ đạo, thầy có dịp cắt nghĩa 10 điều răn Ðức Chúa Trời và 6 Ðiều Răn Hội Thánh, rồi thầy kết thúc bằng lời nguyện tự phát hết sức cảm động. Nghe xong, quan phải thốt lên rằng: "Anh này nói cũng có lý, những giới răn và kinh nguyện của anh ta chứa đựng nhiều điều tốt lành, có lẽ còn dễ hơn bản "thập điều" của nhà vua nữa".
Quan dùng nhiều hình thức để tra tấn và dụ dỗ, nhưng cứ một mực thầy quả quyết: "Dù Thiên thần xuống bảo tôi bỏ đạo, tôi cũng chẳng tin. Dù kính trọng cha Liêu, tôi không thể làm điều sai lạc đó được. Hơn nữa, tôi biết chắc ngài không ra lệnh cho tôi như vậy. Còn với dân chúng, tôi thương mến thật, nhưng cũng không vì họ mà xúc phạm đến Chúa".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #76
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.680
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
75. Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu (1790-1839)

Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu, Dòng Ba Ða Minh, thầy giảng; sanh 1790, tại Kẻ Ðiều, Thái Bình, chết 19, tháng 12, 1839, tại Cổ Mễ. Ngài bị xử giảo (thắt cổ) chết cùng với 4 bạn hữu, kể cả Stephanô Vinh và Ðaminh Uy. Ngày 27.5.1900, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã suy tôn năm vị anh hung tử đạo: Phanxicô Xavie Hà trọng Mậu, Đaminh Bùi văn Úy, Augustinô Nguyễn văn Mới, Tôma Nguyễn văn Đệ và Stêphanô Nguyễn văn Vinh lên bậc Chân Phước. Ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong các vị lên bậc hiển thánh. Ngày Lễ kính 19 tháng 12.

Chứng Tá Tập Thể Trong Lao Tù

Đọc truyện các Thánh Tử đạo Việt Nam, không ai có thể quên được một chứng tá tập thể của hai thầy giảng, ba giáo dân ở trong tù. Năm vị cùng bị giam chung với cha Tự và ông trùm Cảnh, nhưng hai vị này tử đạo trước (5.9.1838). Dù sống trong ngược đãi, dù bị kiểm soát gắt gao, năm vị đã gắn bó với nhau trong tình anh em tha thiết, cùng sống đức tin kiên vững và nỗ lực làm chứng cho Thiên Chúa bằng lời nói, gương sáng và bằng chính mạng sống mình.

1. Thánh Phanxicô Xavie HÀ TRỌNG MẬU, Thầy giảng dòng ba Đaminh (1790-1839)

Thầy giảng Phanxicô Xavie Mậu không những phải chọn lựa giữa cái chết và cuộc sống, thầy còn phải chọn lựa giữa cái chết và việc làm quan triều đình. Không một chút lưỡng lự, thầy trả lời vị tổng đốc: "Tôi không ham quyền, tôi chỉ muốn chết vì đạo."

Phanxicô Xavie Hà Trọng Mậu cất tiếng chào đời năm 1790 tại làng Kẻ Diền, tỉnh Thái Bình. Cậu được cha mẹ cho đi tu, trở thành thầy giảng và đi giúp nhiều giáo xứ. Khi cha Phêrô Tự bị bắt, thầy Mậu đang coi họ Nội, thuộc xứ Kẻ Mốt. Được tin cha và thầy Úy bị đưa về Lương Tài, thầy liền đến đó nghe ngóng tin tức. Giáo hữu gửi thầy trọ ở nhà một lương dân phía bên kia sông, vì nghĩ rằng lính sẽ không khám xét đến. Ai ngờ, chính người chủ nhà đi báo cho quan kiếm tiền thưởng, thế là thầy bị bắt.

Thầy bị dẫn đến dinh quan Lương Tài. Có mặt cha Tự ở đó. Quan hỏi thầy là ai, thầy đáp: "Thưa quan, tôi là một môn đệ thân tín của cha đây". Cha Tự ra dấu nhắc thầy đừng khai rõ, may ra có thể chuộc về được chăng, nhưng thầy nói nhỏ với cha: "Xin cha thương nhận con là môn sinh, để con cũng được tử đạo với cha."

Kể từ ngày cha Tự và ông trùm Cảnh bị đem đi xử trảm, thầy Mậu trở thành cột trụ nâng đỡ bốn người còn sót lại, là thầy Úy, các anh Mới, Vinh và Đệ. Thầy nhắc anh em sống huynh đệ, an ủi giúp đỡ nhau. Thầy đại diện anh em viết thơ ra ngoài, hoặc trả lời với các quan. Đặc biệt thầy động viên anh em hăng hái làm việc tông đồ ngay trong nhà tù. Trong hồ sơ phong thánh, cha Huấn đã dựa vào các thơ của thầy làm chứng rằng: "Thầy Mậu vẫn dạy giáo lý cho các tù nhân, và rửa tội được bốn mươi bốn người. Trong đó có một tử tội tên Hưng mới học đạo một tháng thì đến ngày xử, anh xin quan hoãn lại ít giờ để rửa tội, sau đó vui vẻ tiến ra pháp trường...".

Khi quan nói: "Kẻ nào chết vì không chịu bước qua thập giá là ngu dại, không biết thương cha mẹ già." Thầy giải thích: "Thưa quan, cha mẹ sinh chúng tôi, nhưng ngay cha mẹ chúng tôi có ở trên đời, cũng là nhờ quyền năng của Chúa." Khi quan tuyên đọc bản án xử tử, thầy bình tĩnh đáp lại: "Thưa quan, chúng tôi mong ước về với Chúa, như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của Đức vua."

2. Thánh Đaminh BÙI VĂN ÚY Thầy giảng dòng ba Đaminh (1812-1839)

"Nếu tôi cả gan bước lên thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với cha mẹ. Vì song thân sinh ra tôi, đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết."

Thầy Đaminh Úy đã đặt trọn niềm tin của mình trong truyền thống tiên tổ. Không biết cha mẹ căn dặn thầy trung kiên dù phải tử đạo vào lúc nào, khi mới có bách hại hay khi vào thăm trong tù? Nhưng rõ rệt là với thầy, phản bội đức tin là phản lại những người đã nhọc công vun trồng niềm tin cho mình.

Đaminh Bùi văn Úy sinh năm 1812 tại họ Tiền Môn, làng Kẻ Rèm, tỉnh Thái Bình. Từ bé cậu đã được gia đình gửi vào nhà xứ sống với cha Tự. Sau khi học thành thầy giảng thầy luôn hoạt động bên cha tại giáo xứ Kẻ Đanh rồi Kẻ Mốt (Bắc Ninh), thì bị bắt, lúc đó thầy mới 26 tuổi. Bất cứ ai gặp thầy Úy đều công nhận thầy hiền lành, có lòng yêu mến Chúa đặc biệt và là người trợ thủ đắc lực của cha Tự trong công tác, nhất là khi cuộc bách hại của vua Minh Mạng bùng nổ. Ước mơ lớn nhất của thầy là được đóng vai "Lê Lai thế mạng" để cha Tự khỏi bị bắt. Khi đào hang trú ẩn, thầy làm hai ngăn rồi tình nguyện ở ngăn bên ngoài. Thầy nói với mọi người: "Nếu các quan đến truy lùng, tôi sẽ ra trước nộp mình để cha khỏi bị bắt, hầu cha có thể giúp anh chị em."

Ngày 29.6.1838, lính đến vây làng Kẻ Mốt, đã bắt thầy Úy chung với cha Tự. Cha dự định khai thầy chỉ là giáo hữu vào làm bếp để đỡ nguy hiểm, nhưng thầy nói: "Xin cha cứ nói con là thầy giảng, may ra cùng được phúc tử đạo với cha"

Rồi thầy xin xưng tội để chuẩn bị tâm hồn. Một lần tương kế tựu kế, quan nói dối thầy: "Cha Tự xuất giáo rồi, sao anh còn cố chấp thế?" Thầy bình tĩnh trả lời: "Vô lý, cha tôi không bao giờ làm vậy, mà dù có thực như thế, tôi cũng không chịu xuất giáo đâu."

Lần khác, quan như muốn dạy khôn thầy: "Anh còn trẻ, hãy nghĩ lại và khôn hơn một chút, ta chỉ yêu cầu anh bước qua một khúc gỗ mà." Thầy Úy đáp: "Đúng là khúc gỗ, thưa quan, nhưng khúc gỗ đó lại tượng trưng cho Chúa tôi thờ. Quan nghĩ sao nếu tôi giày đạp lên ảnh vẽ hình cha mẹ tôi?" Hôm khác, khi bị dụ dỗ bước qua thánh giá, thầy khẳng khái nói: "Thưa quan, quan có dám bước qua mặt đức vua không, mà lại bảo tôi bước qua mặt Chúa tôi? Nhưng dù quan có bước qua mặt vua, thì tôi cũng không bước qua mặt Chúa tôi được."

Quan nghiêm nghị phán: “Tên phạm thượng, ta sẽ chém đầu mi." Người chiến sĩ đức tin vui vẻ reo lên:
"Anh em ơi, tôi sắp được chém rồi".

Nhưng phúc trường sinh đến với thầy không quá sớm như vậy.

3. Thánh Augustinô NGUYỄN VĂN MỚI Nông dân dòng ba Đaminh (1806-1839)

Tuy là một tân tòng mới theo đạo, anh Augustinô Mới đã biểu lộ một đức tin kiên cường, không thua kém gì những Kitô hữu vững tin nhất.

Augustinô Nguyễn văn Mới sinh năm 1806 tại làng Bồ Trang tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nông dân ngoại giáo. Đến tuổi trưởng thành, anh đến làng Đức Trai, xứ Kẻ Mốt (Bắc Ninh) để làm thuê làm mướn. Tiếp xúc với giáo hữu ở đây, càng ngày càng thấy mến đạo, và xin theo học giáo lý. Năm 31 tuổi, anh được cha Tự rửa tội và đặt tên thánh bổn mạng là Augustinô.

Mấy năm sau, cha Tự cũng chủ sự lễ thành hôn cho anh với một thiếu nữ trong xứ. Theo các lời chứng trong hồ sơ phong thánh, anh Augustinô Mới sống đạo rất tốt, đặc biệt là đọc kinh Mân Côi mỗi tối. Dù có ngày lao động vất vả đến mãi khuya mới về, anh cũng không quên kinh Mân Côi kính Đức Mẹ.

Ngày 29-6-1838, khi quân lính bao vây làng Kẻ Mốt và bắt cha Tự, họ buộc toàn dân phải ra đình điểm danh, rồi bước qua thánh giá. Một số tín hữu nhanh chân lẫn tránh được, một số nhát gan thực hiện lời yêu cầu của lính. Các anh Mới, Vinh và Đệ cương quyết không chịu đạp lên thánh giá, nên bị bắt và áp giải chung với cha Tự, ông trùm Cảnh và hai thầy Úy và Mậu lên giam tại Bắc Ninh.

4. Thánh Tôma NGUYỄN VĂN ĐỆ Thợ may dòng ba Đaminh (1811-1839)

Hai mươi tám tuổi đời, một người vợ ba người con, đó là mối ưu tư trắc trở của anh Tôma Đệ trong những ngày bị giam cầm. Không thể bỏ đức tin, nhưng tương lai của người vợ trẻ và đàn con dại sẽ ra sao? Trong nhiều ngày anh suy nghĩ và tha thiết cầu nguyện xin Chúa soi sáng. Cuối cùng anh tìm được an bình trong tâm hồn, phó thác tất cả trong bàn tay Chúa quan phòng. Anh nói với người vợ đến thăm:

"Đừng khóc mình ạ. Mình về dạy dỗ các con nên người, dạy chúng thờ phượng Chúa. Tôi đã dâng mình và các con cho Ngài. Nhớ cầu xin Chúa cho tôi thêm sức mạnh để nhẫn nại đến cùng."

Ra đời trong một gia đình Công giáo tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình năm 1811, Tôma Nguyễn văn Đệ vì lý do sinh kế, theo cha mẹ về xứ Kẻ Mốt (Bắc Ninh) và ở ngay gần nhà thờ. Lớn lên anh theo nghề thợ may và được mọi người yêu chuộng. Anh rất nhiệt tình với việc trong xứ trong họ. Hầu hết cờ quạt, đồ trang hoàng trong nhà thờ và nhà xứ đều nhờ đến bàn tay khéo léo và sáng tạo của anh. Khi kinh tế gia đình ổn định, anh lập gia đình, ra ở riêng và sinh hạ được ba người con.

Ngày 29.6.1838, quân lính vây làng Kẻ Mốt, và ép buộc mọi người trên 18 tuổi phải đạp lên thánh giá. Anh lẩn trốn ra phía sau nhà. Đến khi quân lính xồng xộc vào nhà lùng bắt, anh biết mình không thể tránh được nữa, liền giã từ vợ, dặn đưa con về bên ngoại, ôm hôn từng đứa rồi ra trình diện. Đến trước thánh giá, anh Đệ quỳ xuống cầu nguyện lớn rằng: "Lạy Chúa, sẽ không bao giờ con bước qua mặt ngài."

Quân lính áp giải anh Tôma Đệ cùng với cha Tự ông trùm Cảnh, hai thầy Úy, Mậu và các anh Mới và Vinh về giam tại Bắc Ninh.

5. Thánh Stêphanô NGUYỄN VĂN VINH Tá điền dòng ba Đaminh (1813-1839)

Thánh Stêphanô Vinh là một trường hợp hy hữu, trong danh mục các thánh tử đạo Việt Nam. Khi bị bắt, anh mới chỉ là dự tòng chưa được rửa tội. Nhưng với những hiểu biết ít ỏi về đạo, anh đã kiên trì làm chứng cho chân lý. Mặc dù khi vô tù anh mới chính thức gia nhập đạo, rồi thành hội viên dòng ba Đaminh, nhưng anh không thua kém ai về lòng can đảm tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa.

Stêphanô Nguyễn văn Vinh sinh năm 1813 tại làng Bồ Trang tỉnh Thái Bình. Sống trong một gia đình ngoại giáo rất nghèo, một miếng đất cũng không có, anh Vinh quanh năm phải làm thuê làm mướn cho các gia đình Kẻ Mốt (Bắc Ninh). Trường học duy nhất anh ham thích và theo được là các lớp giáo lý, nơi anh tập đánh vần và học truyền khẩu. Đặc biệt anh đem các điều học ở đó ra thực hành trong cuộc sống. Có điều là người ta không biết vì sao anh chưa được rửa tội. Mọi người đều mến thương anh vì anh đơn sơ, chất phác, khỏe mạnh và thật thà. Trong công việc anh không bao giờ làm cho qua loa chiếu lệ, ai thuê việc gì, anh cũng chu toàn tốt đẹp không cần kiểm soát, không có gì để chê trách. Cho đến khi bị bắt (lúc 26 tuổi) anh vẫn sống độc thân chưa lập gia đình.

Ngày 29.6.1838, khi quan quân vây bắt cha Tự ở Kẻ Mốt, và bắt mọi người phải đạp qua thánh giá, chàng thanh niên 25 tuổi này đã anh dũng nói thẳng với họ rằng: "Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu đạp lên thánh giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật."

Vì lời nói này, quan quân tưởng anh là người trong đạo, thế là họ bắt anh Vinh và áp giải về trại giam Bắc Ninh chung với cha Tự, ông trùm Cảnh, thầy Úy, thầy Mậu, anh Mới và anh Đệ. Chính tại đây, anh Vinh được diễm phúc làm người Kitô hữu, được hân hạnh làm con Cha Thánh Đaminh. Suốt hành trình tử đạo, anh là một nhân chứng trầm lặng, chỉ đồng tình với các vị khác, nhưng gông cùm, xiềng xích và tra tấn không lần nào có thể làm anh sa ngã hay thối chí. Chọn quan thầy Stêphanô trong tù, anh cương quyết noi theo vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội đến hơi thở cuối cùng.

Lời An Ủi Ấm Lòng

Sau một tháng dọa nạt tra khảo bảy chiến sĩ đức tin nhưng vô hiệu, ngày 27.7.1838, quan tỉnh Bắc Ninh đệ án vào triều xin xử giáo cha Tự và ông trùm Cảnh, còn năm vị kia quan cho là nhẹ dạ tin theo, nên xin đánh mỗi người một trăm roi rồi phát lưu vào Bình Định. Luật vua thời đó xử giảo các phù thủy, đồng cốt, còn những kẻ a dua chỉ bị đánh đòn và phát lưu ba trăm dặm. Thế nhưng vua Minh Mạng cho rằng tội theo đạo Gia-tô thuộc loại nặng hơn, nên quyết định xử chém hai vị trên ngay tức khắc, còn tất cả sẽ bị xử giảo sau một năm nếu không chịu thay đổi ý kiến.

Ngày 5.9.1838, khi biết tin cha Phêrô Tự và ông trùm Cảnh đã bị chém tại pháp trường Kinh Bắc, năm vị trong ngục buồn bã nhớ thương. Thầy Mậu kêu gọi anh em ngồi lại bên nhau cùng đọc kinh, vừa khích lệ nhau, vừa ôn lại những lời khuyên của cha mình. Sau đó ba buổi tối, như chính các vị thuật lại, trong lúc họ đang cầu nguyện, thì bất ngờ tất cả đều thấy như cha Tự hiện ra ngay bên an ủi họ: "Các con đừng buồn, chắc chắn các con sẽ còn được chết vì đạo. Tuy nhiên, các con sẽ còn phải qua một thời gian thử thách nữa, để xứng đáng với phúc trọng này." Có thể đó chỉ là giấc mơ chứ không phải sự thật, cũng có thể đó là lời nhắn nhủ cuối cùng của vị linh mục, nhưng kể từ ngày đó họ hết sầu buồn, tìm lại được can đảm để nêu gương ngay trong cảnh quẫn bách ở trong trại giam.

Tuyên Khấn Trong Ngục Tù

Ấn tượng ghi nét sâu đậm vào lòng năm vị chứng nhân là lời cha Tự trong ngày lãnh phúc tử đạo. Cha mặc áo dòng và nói với mọi người về chiếc áo đó. Trước đây bốn vị, đến khi vào tù có thêm anh Vinh, đã mặc áo dòng ba Thánh Đaminh, nhưng chưa ai khấn cả. Thầy Mậu liền viết thơ cho cha Huấn dòng Đaminh để bày tỏ niềm ước nguyện được hiệp thông với dòng cách trọn vẹn. Thầy viết:
"Chúng con tất cả là năm tập sinh của dòng ba Đaminh, nhưng chúng con không thể giữ chay đủ các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy được, nên chúng con xin cha thương rộng phép chuẩn chước cho sự thiếu sót đó. Qua thơ này, chúng con xin tuyên khấn trọn đời. Vì chúng con không thể đọc lời tuyên khấn trong tay cha được, nên bằng những dòng viết này chúng con coi như thực sự tuyên khấn trước mặt cha vậy, xin cha cho phép."

"Để tôn vinh và ngợi khen Thiên chúa toàn năng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng con là Phanxicô, Đaminh, Augustinô, Tôma và Stêphanô, trước mặt cha Huấn, đại diện cha Hermosilla, giám đốc dòng ba hãm mình Thánh Đaminh chúng con xin hứa và ước ao giữ lề luật và tập tục của dòng cho đến chết."

Những chữ "cho đến chết" trong ngục tù khi đó chắc hẳn phải có âm vang đặc biệt đối với các vị. Được nối kết với truyền thống hơn sáu trăm năm truyền giáo của Thánh Phụ và một dòng tu lớn trong Giáo hội, từ nay năm anh em tích cực hơn với việc tông đồ. Dưới sự điều hành của thầy Mậu, năm hội viên dòng ba chia nhau tiếp xúc gặp gỡ các bạn tù, giới thiệu với họ về Thiên Chúa, cắt nghĩa giáo lý, rồi dẫn họ đến thầy Mậu lãnh nhận bí tích rửa tội. Ít ra các vị đã rửa tội được bốn mươi bốn người. Ngục tù giờ đây trở thành nguyện đường, hằng ngày vang lên những lời chúc tụng Thiên Chúa, lời cầu nguyện cho Giáo hội và cho mọi người, mọi giới được đầy tràn ơn lành của Ngài.

Làm Chứng Trước Quan Quyền

Thấm thoát hơn một năm đã trôi quan, triều đình quyết định lại việc xử giảo cả năm người. Ngày 19.8.1839 quan cho điệu tất cả ra tòa, vẫn để thánh giá một bên, bên kia là dụng cụ tra tấn. Quan nói: "Các anh bị giam cầm đã lâu ngày, chịu khổ cũng đã nhiều, vậy bỏ đạo đi, ta tha về với vợ con." Thầy Mậu đại diện anh em trả lời: "Chúng tôi đã quyết tâm trung thành với Chúa, nếu quan ra lệnh chém đầu hay giết cách nào khác, chúng tôi đều sẵn sàng."

Rồi cả năm vị quỳ xuống bái lạy thánh giá và cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin cứu chúng con, con xin phó thác hồn con trong tay Chúa."

Thất vọng, quan cho lính đưa tất cả về ngục và thốt lên: "Bọn này không thể tha thứ được, mà chúng có thèm được tha đâu."

Ngày 24.11, năm vị phải ra toà một lần nữa. Quang cảnh vẫn như lần trước, và các tôi tớ Chúa vẫn một mực cương quyết không chối đạo. Thầy Mậu thay mặt anh em nói với quan: "Chúng tôi chỉ tôn thờ một Thiên Chúa là Cha chung muôn loài, là Vua trên hết các vua, là Đấng chúng tôi mong được đổ máu ra để chứng tỏ lòng trung thành và yêu mến."

Như Nai Rừng Mong Mỏi Tìm Về Suối Nước Trong Ngày 19.12.1839, trước khi đi xử, quan cho năm vị một cơ hội cuối cùng. Ông nói: "Chỉ cần đi ngang qua phía chân tượng, ta cũng tha." Sau ông lại nói: "Chỉ cần đi vòng quanh tượng ta cũng tha." Nhưng các vị chứng nhân đức tin không dễ bị mắc lừa, họ bảo nhau quỳ xuống đọc kinh Kính Danh Chúa Giêsu. Có lẽ do ảnh hưởng những lời kinh Giáo hội trong mùa Vọng, đón chờ Chúa giáng sinh, thầy Mậu nói với quan những lời kinh Thánh vịnh 41 (c 1-2): Thưa quan, chúng tôi ước mong về Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của nhà vua."

Biết không thể làm nao núng ý chí sắt đá của những con người này được nữa, quan liền truyền đem đi xử với bản án như sau: "Bọn gian ác theo Gia-tô tả đạo, mặc dầu đã khuyên răn sửa phạt, vẫn ngoan cố không chịu bước qua thập giá, nay chúng bị xử giảo"

Trên đường ra pháp trường, thầy Mậu rảo chân bước đi trước, các anh khác bước theo sau, tất cả đều tỏ ra hân hoan kiên cường. Dân chúng hiếu kỳ đi xem rất đông và xì xào với nhau là các vị này bị giết oan. Theo gương thầy Mậu, các chứng nhân tươi cười với mọi ngườỉ: "Anh em chúng tôi đang tiến về thiên đàng đây." Khi tới nơi xử, mỗi vị bị trói vào một cọc đã chôn sẵn. Rồi cùng một lúc, lý hình xiết cổ các vị bằng giây thừng cho đến lúc tắt thở. Các tín hữu đem thi thể các vị về an táng ở họ đạo mình. Thánh Mậu ở Kẻ La, Thánh Úy ở Đồng Tiến, Thánh Mới ở Phượng Vĩ, Thánh Đệ ở Phong Cốc và Thánh Vinh ở Hương La, tất cả đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 27.5.1900, Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đã suy tôn năm vị anh hung tử đạo: Phanxicô Xavie Hà trọng Mậu, Đaminh Bùi văn Úy, Augustinô Nguyễn văn Mới, Tôma Nguyễn văn Đệ và Stêphanô Nguyễn văn Vinh lên bậc Chân Phước.

Ngày 19.6.1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong các vị lên bậc hiển thánh.

Lễ Nhớ: Ngày 19 tháng 12


Trường thi tử đạo

Linh mục Ðaminh Hà Trọng Mậu
Sinh Giáp Dần (1794) quê cận Phú Nhai
Học xong Chủng viện như ai
Thụ phong Linh mục công khai khấn dòng

Là thợ gặt khéo trong đồng lúa
Dắt đoàn chiên được Chúa trao ban
Ðức tin dẫn lối đưa đàng
Linh hồn mưu ích đảm đang tiến hành

Cha lãnh nhận tân canh nhiều xứ
Dù hiểm nguy bất cứ nơi nào
Lên đường lời Chúa giảng rao
Luôn đem tâm trí bước vào khó khăn

Vây Kẻ Ðiền chúng săn lùng bắt
Thấy Cha Mậu chăn dắt đoàn chiên
Quân quan xông tới trói liền
Giải về tra tấn xích xiềng cổ gông

Cha cương quyết sẽ không khuất phục
Một niềm tin hun đúc tuyên xưng
Rao truyền lời Chúa Tin mừng
Nhà giam ngài vẫn không ngừng giảng rao

Các giáo hữu Chúa trao đau khổ
Cùng bị giam một chỗ với Cha
Giúp người hoán cải thật thà
Vững tin vào Chúa lo mà canh tân

Người đạo đức xa gần giáo hữu
Vào thăm ngài cầu cứu giải hòa
Bề ngoài tiếp tế thăm cha
Chủ tâm xưng tội ngài đà giúp dân

Cha bị nhốt vẫn lần tràng hạt
Chia giờ ra khao khát nguyện kinh
Cuộc khổ nạn Chúa tử hình
Trên cây Thập Giá hy sinh cứu đời

Cha cư xử nói lời thân ái
Với giáo dân trai gái thăm ngài
Bà Ngoan khẳng định không sai
Cả toán lính gác quản cai coi tù

Cũng kính nể nhà tu gương mẫu
Không ghét yêu đổi xấu thành hay
Ðức tin không thể lung lay
Quân quan Nam Ðịnh ra tay xử liền

Vua ra lệnh ban truyền trảm quyết
Cha nghiêm trang mắt liếc nhìn trời
Ðôi tay chắp lại thảnh thơi
Lý hình chém cổ đầu rơi lìa mình

Lễ mai táng linh đình trọng thể
Tại nhà thờ nghi lễ tiễn đưa
Giáo dân nước mắt như mưa
Xác thân đau khổ hồn đưa về Trời

Phúc tử đạo lãnh thời Mậu Ngọ (1858)
Chết tuyên xưng tuổi thọ bốn hai
Suy tôn Tân Mão (1951) chẳng sai
Lên hàng Á thánh danh ngài Thiên cung

Lời bất hủ: Khi quan tổng đốc Nam Ðịnh không bắt cha bỏ đạo được thì làm án trảm quyết cha và 21 bổn đạo khác nữa. Khi biết tin này, cha Mậu tỏ ra hân hoan và giúp đỡ các tín hữu trong tù xưng tội và chuẩn bị đón hồng ân Tử Ðạo. Khi ra pháp trường, mọi người có cảm tưởng như cha đang nghiêm trang cử hành thánh lễ vậy.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #77
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.680
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
76. Phaolô Tống Viết Bường (1773 – 1833)

Phaolô Tống Viết Bường, Sinh tại Phủ Cam, Huế, Giáo dân, Quan Thị Vệ, bị xử trảm ngày 23/10/1833 tại Thợ Ðức dưới đời vua Minh Mạng. Ngày 27.5.1900, ông Phaolô Tống Viết Bường được Đức Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 23/10.

Hiến lễ trong đêm.

Thánh Phaolô Tống Viết Bường, trường hợp đặc biệt bị xử trảm về đêm. Ngài là viên quan thị vệ có nhiều công trạng với vua Minh Mạng, nên Vua muốn cuộc hành hình phải diễn ra thật âm thầm, ít người biết đến. Năm giờ chiều, "Tử tội" mới được báo tin giờ xử, nhưng chính lúc ấy, ông đội Bường lại coi là một cơ may "Có một không hai" cho mình. trên đường ra pháp trường vào buổi chiều cuối tháng mười "chưa cười đã tối" đó, ông tìm cách đi chậm lại, và nói với đám lý hình (trước vốn thuộc quyền ông ): "Các chú đi chi mà nhanh rứa, tôi biết đường mà, không sợ lạc mô".

Và thực ra, trời thì tối, cầu thì hẹp, lại đúng lúc nước sông đang lên, nên đường rất khó đi. Đàng khác, ông Bường chủ ý tìm đến nền cũ nhà thờ Thợ Đúc, xin được chết tại dây. Quan đồng ý ban cho ông như lời ước nguyện. Chính nơi đây, đã từng bao năm tháng, dưới ánh sáng lung linh của những ngọn nến, các tín hữu tụ họp dâng lên hiến lễ tối cao là Đức Giêsu, thì lúc này dưới ánh sáng của những ngọn đuốc bừng cháy, ông đội cũng dâng lên Chúa chính mạng sống mình. cho đến ngày nay, ông vẫn sống mãi trong tâm thức của mọi tín hữu Thợ Đúc, cũng như Giáo Hội Việt Nam.

Giã từ quan trường vì đức tin

Phaolô Tống viết Bường sinh khoảng năm 1773 tại Phủ Cam, Phú Xuân (Huế), trong một dòng tộc Công Giáo lâu đời, cũng là dòng tộc có nhiều quan lớn, dưới triều vua Lê, chúa Nguyễn. Thân sinh ông là Nicôlas Tống Viết Giảng và bà Maria Lương. Vì tổ tiên đều làm quan nên đến khi trưởng thành, ông được chọn là lính thị vệ. Với đời sống liêm khiết và đức độ, sau một thời gian, ông được thăng chức đội, và được nhà Nguyễn tuyển vào làm thị vệ hoàng cung. Vua Minh Mạng rất hài lòng về việc phục vụ cần mẫn và nhiệt tâm của ông. Ông có hai đời vợ, sinh hạ được tất cả 12 người con.

Vào năm 1831, giặc Đá Vách ở Quảng Nam nổi lên quậy phá, quan quân phải đi đánh dẹp. Ông đội Bường được vua cử đi thanh sát mặt trận. Ông mau mắn chu toàn phận sự, và trở về tâu trình thành quả đã đạt được, nhưng có lẽ trong thời gian đó, có người ghen ghét tố cáo ông theo Đạo Công Giáo nên Vua hạch hỏi ông : "Khi xong công tác, khanh có viếng chùa Non Nước không ?" Ông bình tĩnh trả lời: "Muôn tâu, vì hoàng thượng không truyền nên thần không đi. Hơn nữa, chùa Non Nước đâu có giặc để đánh". Vua hỏi tiếp : "Lệ thường dẹp giặc xong rồi thì phải vô chùa lễ bái, tại sao khanh không đi ?" Ông không ngần ngại trả lời: "Vì hạ thần theo đạo Công Giáo".

Thế là ông Đội Bường đã phải trả giá cho lời tuyên xưng niềm tin của mình. vua Minh Mạng thịnh nộ trách mắng thậm tệ và dọa đem đi chém đầu. Một số quan chức có cảm tình với ông đội, đứng ra can gián, nhà vua vẫn chưa nguôi giận, cho lệnh đánh ông 80 roi, tước hết chức quyền, và giáng xuống làm lính trơn. Dù vậy, ông Bường vẫn vui vẻ tiếp tục phục vụ nhà vua.

Vẹn chữ trung với Chúa

Hơn một năm sau, khoảng cuối tháng 12 năm 1832, khi chuẩn bị ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc, vua Minh Mạng đòi kê khai những người công Giáo trong hàng ngũ thị vệ. Lúc đó các quan mới phát hiện ra nhiều thị vệ nghe lời "quyến rũ" của ông đội Bường vừa gia nhập đạo. Thế là ông Bường và 11 binh sĩ khác có tên trong danh sáh được trình lên. Năm người sợ qúa bỏ đạo, còn bẩy người vua hạ lệnh tống giam vào ngục tối tăm hôi hám tại trấn phủ. Mỗi người phải đeo gông nặng gần bảy mươi ký, chân thì bị xiềng sắt xích chặt.

Thời gian đầu, cứ độ mười ngày một lần, ông Bường bị đem ra tra khảo về niềm tin. Lần nào quan cũng hỏi : "Có bỏ đạo không?" Và lần nào cũng trả lời: "Lâu nay tôi chỉ thờ một Thiên Chúa dựng nên vạn vật, lẽ nào bây giờ tôi lại bỏ Chúa tôi?" Hậu quả mỗi lần thưa như vậy là 20 đòn rách da xé thịt, nhưng người chiến sĩ của Chúa không than trách một lời. Với chí khí một người lính kiên cường, ông tỏ ra sẵn sàng chịu những hình khổ cay nghiệt hơn nữa. Có lần ông nói với bạn hữu đến thăm rằng : "Kiếm cho tôi cái gì nặng hơn chứ gông xiềng tôi còn nhẹ. Người ta còn đánh đập tôi ít quá, tôi tưởng được chịu nhiều hơn nữa kia".

Bốn lần quân lính khiêng qua Thập Giá, ông đều mạnh mẽ chống cự đến cùng. Lần kia, quan bắt lính kéo chân ông chạm vào Thập Gía, ông phản đối : "Việc này do quan làm, chứ tôi không bao giờ làm như thế". Quan tức giận truyền đánh tàn nhẫn hơn mọi lần khác.

Đàn áp không được, các quan quay qua dụ dỗ. Quan Hình Bộ Thượng thư Võ Xuân Cần tha thiết khuyên ông chiều theo ý vua "bỏ đạo lúc này thôi, rồi sau sẽ hay, muốn làm gì thì làm". Nhưng ông trả lời: "Quan lớn có lòng thương tôi thì tôi cũng xin quan lớn một điều là cho tôi được vẹn chữ Trung với Chúa Trời".

Trong nhà giam, ông thường khuyên các bạn bị bắt hãy kiên tâm bền chí, trông cậy và cầu nguyện Đức Mẹ luôn, để được vững lòng chịu khổ đến cùng, vác Thập Giá theo Chúa Giêsu. Càng bị đau khổ, đời sống thiêng liêng của ông càng gia tăng. Mỗi ngày ông siêng năng cầu nguyện, suy gẫm và đọc kinh Mân Côi. Mỗi tháng nhờ các linh mục cải trang vào thăm, ông đều xưng tội và đón nhận Mình Thánh Chúa. hai linh mục An và Vững thay nhau vào khích lệ ông. Thừa sai Jaccard Phan cũng gửi thư an ủi động viên ông. Một lần, ông sáng tác được một bài thơ gửi cha An, biểu lộ lòng trung kiên sắt đá, coi mọi khổ đau là "niềm vui trong Chúa".

Đường về trời

Thấy không thể lay chuyển đức tin của người môn đệ Chúa Kitô, quan Thượng thư Bộ Hình liền xin nhà vua tuyên án. Vua trả lời: "Cần gì bản án, cứ việc tra tấn không ngừng, nếu nó không chịu đạp lên Thập Tự thì cứ việc đánh cho chết, rồi vất ra ngoài thành là xong".

Lần thứ hai các quan tâu lại, vua Minh Mạng mới chấp thuận châu phê bản án trảm quyết, treo đầu ba ngày để làm gương cho kẻ khác. Tuy nhiên, vua vẫn chưa cho thi hành ngay, có ý chờ "người tôi trung" của mình xin ân xá. Các quan nói ý vua cho đội Bường, nhưng ông quyết liệt từ chối. của mình xin ân xá. Các quan nói ý vua cho đội Bường, nhưng ông quyết liệt từ chối.

Thế là ngày 23.10.1833, lúc năm giờ chiều quân lính báo tin cho ông đội biết giờ hành xử đã đến. Ông bình thản giã từ sáu người bạn cùng bị bắt (cả sáu người này về sau cũng bị tử hình, ông nói : "Xin anh em thêm lời cầu nguyện, để tôi lãnh nhận Thánh ý Chúa. Đừng lo cho tôi, anh em hãy luôn đi theo đường lối của Chúa".

Trên đường ra pháp trường, lấy cớ bị trói và mang gông nặng, ông đội kéo dài thời gian đi chuyển, để được chém trên một nền nhà thờ Thợ Đúc. Dọc đường, ông gặp mặt con gái, đã về nhà chồng ở họ Thợ Đúc, tuy không nói với nhau lời nào, nhưng trong ánh mắt hai cha con, dạt dào biết bao tình cảm xúc động.

Dưới ánh sáng bừng bừng của những ngọn đuốc, ông đội được tháo gông, cởi trói và tự do trong ít phút, ông tiến lên vài bước, bình tĩnh đứng nhìn lần cuối cùng những mái nhà thân thương của giáo xứ vây quanh nền nhà thờ hoang tàn. Rồi bước lên chiếc chiếu do một bạn cũ tên Thục ở Phủ Cam đưa cho lính trải. Ông quỳ xuống cầu nguyện giây lát, và ra lệnh cho lính thi hành án xử. Quân lính trói tay ông lại và vung gươm chém rơi đầu người chiến sĩ đức tin kiên cường. Thủ cấp ông bị bêu ba ngày ở nhà thờ Thợ Đúc, còn thi hài vị tử đạo được án táng ở họ Phủ Cam.

Ngày 27.5.1900, ông Phaolô Tống Viết Bường được Đức Lêo XIII suy tôn lên bậc Chân Phước. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Trường thi tử Đạo.

Thánh Phaolô Tống Viết Bường
Sinh năm Quý Tỵ (1773) quê Phường Phú Cam
Võ quan triều Nguyễn đảm đang
Cấm binh đội trưởng giỏi giang chẳng vừa

Nhiều năm có kẻ cáo vua
Ông người theo đạo đơn thưa đệ trình
Ðức vua đã triệu vào kinh
Võ Quan phải nói phân minh rõ ràng

Giặc về vách đá Quảng Nam
Quân ta toàn thắng, giặc hàng rất đông
Khanh viếng Chùa Non Nước không
Võ Quan chẳng ngại Thần không viếng Chùa

Thần xin khẳng định với vua
Tôi theo Công giáo thắng thua ý trời
Minh Mạng truyền lệnh khắp nơi
Ai người Công giáo hãy thời khai ra

Viết Bường bị nhốt không sai
Vui lòng chấp nhận không nài, chẳng xin
Phượng thờ Thiên Chúa tôi tin
Dựng nên vạn vật khắc in thế trần

Trận đòn đau đớn mỗi lần
Mười hai hèo đánh dập thân Viết Bường
Một quan đồng ngũ thấy thương
Gông xiềng tôi giúp cho Bường nhẹ hơn

Người chiến sĩ đã cảm ơn
Xin quan giúp đỡ nặng hơn cho mình
Ðầy thương tích đòn lý hình
Kiên cường ông nói, giúp mình nặng thêm

Bốn lần lính khiêng ông lên
Ðưa qua Thánh Gía ở trên ảnh Người
Ông liền mạnh dạn nói lời
Quan quân làm vậy chẳng thời phải tôi

Võ Xuân Cẩn tô bồi bỏ đạo
Theo ý vua thấu đáo nghĩa tình
Rồi sau tùy ý đệ huynh
Cảm ơn, ông nói, giúp mình chữ trung

Sống trọn vẹn Tin mừng bền vững
Xin Mẹ thương con đứng hiên ngang
Tuyên xưng đạo Chúa sẵn sàng
Vác cây Thập Giá theo đàng khổ đau

Lòng sắt đá trước sau như một
Chẳng chuyển lay bị nhốt xà lim
Hy sinh vì Chúa hướng tìm
Cho con ơn phúc trái tim nhân lành

Lệnh trảm quyết ban hành đã tới
Ông câu giờ, ranh giới nhà thờ
Pháp trường Thợ Ðúc hằng mơ
Ðến đây trời tối phải nhờ đuốc soi

Lệnh ngừng lại tiếng còi báo hiệu
Tống Viết Bường lính điệu giữa sân
Nguyện cầu xin Chúa Thánh Thần
Lính vung gươm chém xác thân lìa đầu

Tại Thợ Ðúc treo đầu cho khiếp
Theo lệnh vua trảm quyết Viết Bường
Ba ngày thảm thiết đau thương
Viết Bường chiến sĩ hành hương Nước Trời

Rồi sau đó di dời an táng
Ðưa thi hài về mạn Phú Cam
Nơi đây chôn cất đoàng hoàng
Anh hùng tử đạo Thiên Ðàng vinh quang

Ông phục vụ vào hàng cần mẫn
Về gia đình lận đận hai bà
Mười hai con giỏi tài ba
Hồng ân Chúa xuống toàn gia phúc lành

Thuộc dòng tộc nhiệt thành Công giáo
Thật mẫu gương tốt đạo đẹp đời
Viết Bường tử đạo rạng ngời
Vững tin cậy mến ngàn đời lưu danh

Phúc tử đạo hùng anh Quý Tỵ (1833)
Một võ quan cũng bị bay đầu
Chứng nhân Thiên Chúa nhiệm mầu
Suy tôn Canh Tý (1900) lên chầu Thiên cung

Lời bất hủ: Vua hỏi ông Bường: "Lệ thường dẹp giặc xong rồi thì phải vô Chùa lễ bái, tại sao khanh không đi?".
Ông Bường thẳng thắn trả lời: "Vì hạ thần theo đạo Công giáo". Vua Minh Mạng thịnh nộ trách mắng thậm tệ, doạ đem chém đầu. Ông bị thường xuyên tra hỏi, mỗi lần ông đều trả lời: "Lâu nay tôi chỉ thờ một Thiên Chúa dựng nên vạn vât, lẽ nào bây giờ tôi lại bỏ Chúa tôi!". Có lần ông trả lời: "Quan lớn có lòng thương thì tôi cũng xin quan lớn một điều là cho tôi được vẹn chữ Trung với Chúa Trời".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #78
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.680
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
77. Phaolô Ðổng (1802 – 1862)

Phaolô Ðổng (Dương) , Sinh năm 1802 tại Vực Ðường, Hưng Yên, Giáo dân, Trùm họ, bị xử trảm ngày 3/06/1862 tại Nam Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức, được phong Chân Phước ngày 29/04/1951 do Ðức Piô XII, Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 3/06.

Bất khuất vì chính đạo.

Một trong năm điều gay go trong chiếu chỉ cấm đạo của vua Tự Đức ban hành ngày 05.08.1861, là mỗi tín hữu Kitô giáo chịu thích chữ vào hai bên má, một bên chữ "tả đạo", còn bên kia là tên xã huyện của người đó. Lối thích tự bằng thanh sắt nung đỏ vào má, để khi vết thương lành vẫn còn lưu lại dấu vết, hầu dễ hành hạ, dễ bắt bớ hoặc dễ phân biệt đối xử, là một sáng kiến, nếu không của vua Tự Đức thì cũng của một quan lớn nào đó trong triều đình Huế bấy giờ. Có thể nói đây là hình khổ có một không hai trong lịch sử bách hại Giáo Hội Công Giáo toàn cầu.

Nhưng một cụ già khoảng 60 tuổi, đã giám hiên ngang làm trái lại điều quy định ác nghiệt đó. một lần bị khắc hai chữ "Tả Đạo", cụ đã rạch xóa đi. Lần khác, thay vì bị quân lính khắc chữ Tả Đạo, ông cụ xin quan, để kín đáo nhờ người bạn tù khắc lên má hai chữ "Chính Đạo", khiến quan trên vô cùng tức giận. Cụ già can trường đó chính là thánh Phaolô Đổng.

Chấp nhận mọi gian khổ.

Phaolô Đổng sinh năm 1802 tại Vực Đường, tỉnh Hưng Yên (nay thuộc tỉnh Hỉa Hưng). Phaolô Đổng là một giáo dân của xứ Cao Xá, một trong những xứ có truyền thống đạo đức lâi đời trong giáo phận Trung. Ông Đổng từng làm quản lý trông nom sổ sách, tài sản họ đạo trong suốt sáu tháng trời.

Thời đó thi hành chiếu chỉ cấm đạo, các quan đi tới từng làng Công Giáo lấy lý do kiểm tra dân số, nhưng thực ra để bắt các Kitô hữu phải vâng lệnh vua mà bỏ đạo. Quan truyền đặt tượng Thánh Giá xuống đất và ép buộc mọi người phải đạp lên. Ai không chịu đạp Thánh Giá thì bị trói lại, bị đóng gông giải về tỉnh. Ông Phaolô Đổng bị bắt trong trường hợp tương tự vào ngày 25.11.1861, khi ông cam đảm nhận mình là Kitô hữu, và cương quyết không chịu chà đạp Thánh Giá.

Quan truyền quân lính giải ông về huyện Ân Thi. Tại đây, quan hứa sẽ cho nhiều tiền nếu ông bỏ đạo. Nhưng ông nhất mực từ chối và khẳng định với quan về lòng trung thành với Chúc Kitô. Do đó, ông phải chịu hành hạ, mang xiềng xích nặng nề trong tù. Tiếp theo, lính được lệnh giải ông về Hưng Yên. Vừa tới của thành, ông Phaolô Đổng thấy một cây Thánh Giá trên mặt đất, ai muốn qua phải đạp lên. Ông nhất quyết đứng lại và không chịu bước qua. Quân lính đánh đập ông tàn nhẫn, nhưng vẫn không cưỡng bức được vị anh hùng đức tin. Sau cùng họ nhốt ông vào một cái cũi chật hẹp để khiêng qua.

Gần một năm trong tù cực khổ, ông Đổng ban ngày phải mang gông, đêm đến chân chịu xiềng xích. Nhiều lần bị quan tra hỏi, trước sau như một ông cương quyết giữ vững đức tin. Lính dã man đánh đập ông nhiều lần, khiến thân mình vị chứng nhân đầy những vết thương đẫm máu.

Ông Phaolô Đổng khẳng khái không chịu cho quân lính khắc hai chữ "Tả Đạo" vào má, nên bị cấm cốc (bắt nhịn ăn) nhiều ngày. Dần dần ông rũ liệt đuối sức. Có lần người lính canh động lòng thương cho ông chút cơm và chén nước, ông lại nhường cho người bạn tù đồng cảnh ngộ. Ít hôm sau, không chịu nổi cơn đói khát dày vò, ông phải nhai vài miếng vải áo để quên đi. Thế rồi quân lính dùng sức mạnh khắc trên má ông hai chữ "Tả Đạo", nhưng ông cam đảm rạch xóa đi.

Tám ngày sau, kiệt lực vì đòn vọt và đói khát, ông Phaolô Đổng bất tỉnh mê man, quân lính phải khó khăn lắm mới làm cho ông tỉnh lại được. Quan cho phép ông ăn uống và ra lệnh thích tự trên má ông lần nữa. Ông xin quan để người bạn tù làm việc này, nhưng thay vì khắc hai chữ "Tả Đạo", ông lại bảo người bạn tù khắc hai chữ "Chính Đạo", khiến quan xem thấy nổi giận và ra lệnh cấm cốc thêm ít ngày, rồi kết án tử hình ông.

Trước tòa điều tra phong thánh, người cháu gái ông làm chứng rằng : "Khi nghe tin mình bị trảm quyết, ông rất vui mừng, sấp mình xuống đất tạ ơn Thiên Chúa, cầu nguyện sốt sắng và đọc kinh An Năn Tội".

Trên đường ra pháp trường, ông Đổng dọn mình chết lành và đạo kinh phó dâng linh hồn (kinh Giáo Hội khuyên đọc giúp người hấp hối). Ông đã lớn tiếng kêu tên cực trọng Chúa Giêsu ba lần trước khi đao phủ chém đứt đầu, đưa linh hồn vị tử đạo vể Thiên Quốc. Hôm đó là ngày 03.06.1862.

Ngày 29.04.1951, trong số 19 giáo hữu được suy tôn chân Phước tại Vương Cung Thánh Đường Phêrô do Đức Piô XII chủ sự, danh tính và tiểu sử ông Phaolô Đổng đã khiến mọi người phải khâm phục một mẫu gương hiên ngang, can đảm của con dân Việt Nam, tuy nhỏ bé và nghèo nàn, nhưng lại giàu nghĩa khí anh hùng bất khuất.

Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Trường thi tử Đạo.

Phaolô Ðổng sinh năm Nhâm Tuất (1802)
Tại Vực Ðường đẹp nhất Hưng Yên
Gia đình đạo đức trong miền
Từng làm quản lý bạc tiền vô tư

Thủ Bạ Ðồng thích tự hai má
Một bên là đạo tả Giatô
Bên kia địa chỉ thích vô
Một cụ già bỏ, lại hô không làm

Bị bọn lính dã man cứ thích
Sau cụ già xóa vứt bỏ đi
Bỏ chữ tả, hữu khắc ghi
Quan xem nổi giận, trao đi tử hình

Cụ già đó gồng mình gạch xóa
Họ Vực Ðường, Cao Xá, Hưng Yên
Trông coi tài sản giáo quyền
Thi hành chiếu chỉ, quan liền bao vây

Ðặt Thánh Giá tràn đầy lối ngõ
Dân đi qua tới đó đạp lên
Ông Ðồng can đảm cự liền
Quan truyền lính giải về miền Phủ Thi

Quan dụ dỗ, hãy thì bỏ đạo
Sẽ giúp ông tái tạo cuộc đời
Ông Ðồng khẳng định quan ơi
Trung thành một Chúa trên trời, Kitô

Giải về thành mới vô gần cửa
Ông dừng ngay, cách nửa bước chân
Một cây Thánh Giá sát gần
Ngay trên mặt đất, phải cần bước qua

Phaolô Ðồng ông đà ngừng lại
Quan quát lên sao cãi lệnh ta
Lính cai đánh đập quá mà
Vẫn không tuân phục, quan đà nhốt ông

Vào cái cũi chật không lối cựa
Ðể khiêng qua chỗ cửa vào thành
Một năm tù ngục hôi tanh
Ngày thời gông cổ, tối đành xiềng chân

Vị quan án nhiều lần tra hỏi
Nhưng trước sau ông nói quyết cương
Ðức tin vững mạnh theo đường
Liền sai lính đánh, vết thương đầy người

Nghe được tin vui tươi: trảm quyết
Ông sấp mình tha thiết nguyện xin
ăn năn tội Chúa đón nhìn
Pháp trường trảm quyết, đức tin vững vàng

Kinh phó dâng, trên đàng theo Chúa
Con quyết lòng đoan hứa kính tin
Dù cho roi vọt kẹp kìm
Ngàn lần khổ cực, khắc in dâng Ngài

Tới pháp trường quan cai nạt nộ
Thầm nguyện cầu Mẹ hộ giúp con
Một nhát gươm, đầu đâu còn
Chứng nhân tử đạo, hồn con về Trời

Năm Nhâm Tuất (1862) sáng ngời Tử đạo
Rất oai hùng Tân Mão (1951) suy tôn
Gan vàng dạ sắt tiếng đồn
Phép vua coi nhẹ lại còn dỡn chơi

Lời bất hủ: Quân lính đòi khắc chữ "Tả Ðạo" lên má ông theo lệnh của nhà vua, ông Phaolô Ðổng không chịu, thế rồi quân lính dùng sức mạnh khắc trên má chữ "Tả Ðạo", ông liền rạch xoá đi, quan cấm cốc ông (nhịn ăn)sau ông xin quan nhờ người bạn tù, khắc vào má ông không phải chữ "Tả Ðạo" nhưng là chữ "Chính đạo", khiến vua quan nổi giận, rồi kết án tử hình ông.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #79
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.680
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
78. Phaolô Hạnh (1827 – 1859)

Phaolô Hạnh, Sinh năm 1827 tại Chợ Quán, Giáo dân, bị xử trảm ngày 28/05/1859 tại Nam Việt dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X đã suy tôn chứng nhân Phaolô Hạnh lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 28/05.

Cây lúa trổ bông.

Nước Thiên Chúa ví như khi một người kia gieo giống xuống đất, dù người ấy ngủ hay thức,, ban đêm hay ban ngày hạt giống cứ nẩy mầm, lớn lên mà người ấy không biết. Tự dưng cây mọc mạ rồi trổ đòng đòng và thành những hạt klúa chắc nịch, cho đến khi mùa gặt tới" (Mc 4, 26-29).

Đoạn tin mừng trên đã ứn nghiệm trong cuộc đời thánh Phaolô Hạnh.

Cậu Hạnh đã chào đời tại Tân Triều, tỉnh Biên Hòa khoảng năm 1827. Lớn lên cậu cùng hai người anh đến Chợ Quán, Sài Gòn để buôn bán. Dư luận đồn đại về anh nhiều điều xấu. Trong nghề buôn bán, anh giao dịch với một số tay anh chị chuyên lường gạt, bắt chẹt những người cô thế cô thân. Hình như có thời anh đã từng cầm đầu một băng cướp.

Thế nhưng lời tin mừng anh tiếp nhận thời thơ ấu vẫn không ngừng nẩy nở lớn lên trong anh. Dù chính anh không hay biết, lới Chúa vẫn đâm bông và chờ lúc thuận tiện thì kết trái. Một lần kia, khi chứng kiến một thiếu phụ nghèo khổ bị đàn em bóc lột không thương tiếc, anh bỗng xúc động và ra tay can thiệp, anh dùng áp lực bắt chúng phải trả lại tất cả cho nạn nhân, dù biết trước thái độ hào hiệp ấy sẽ mang lại cho mình hậu qủa không may theo luật giang hồ. Bông lúa đã chín vàng chờ tay người thợ gặt…

Kitô hữu đến chết

Những người bị anh khuất phục tức giận tìm cách trả thù. Họ chọn giải pháp hèn hạ nhất "ném đá giấu tay". Họ tố cáo anh là Kitô hữu, và gán cho anh tội tiếp tay với quân đội Pháp. Trước tòa án, anh không bao giờ nhận tội phản quốc, vì thực tế anh không làm. Nhưng khi quan hỏi: "Anh có phải là Kitô hữu không?" thì anh công nhận, và còn khẳng định rằng: "Sẽ là Kitô hữu cho đến chết".

Suốt thời gian bị giam, các quan tìm mọi cách dụ dỗ anh bỏ đạo. Họ áp dụng những hình khổ dã man nhất đã được vua Tự Đức cho phép. Người ta căng thân thể anh ra đánh đòn, người ta dùng kìm nguội để kẹp vào dùi, và dùng những thanh sắt nung đỏ dí vào người, để bắt anh nhận tội đã vu oan và bước qua Thập Gía. Nhưng tất cả những cực hình tàn bạo đó không thể làm cho anh nản lòng thối chí. Anh không ngừng khẳng định một điều duy nhất : "Tôi là Kitô hữu, không bao giờ tôi chối đạo".

Bông hoa ngát hương.

Ngày 28.05.1859, anh Hạnh bị trảm quyết tại Chí Hòa khi mới 32 tuổi. Thi thể vị tử đạo được mai táng ở Chợ Quán.

Đức Piô X đã suy tôn chứng nhân Phaolô Hạnh lên hàng Chân Phước ngày 02.05.1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Sử gia Rodriguez so sánh cuộc đời thánh Phaolô Hạnh với cuộc đời "CÁNH HOA TÍM NGÁT HƯƠNG": (Martyrologio Oriental Tr. 253-255)

"Có những hoa tím mọc dại bên đường, cho dến ngày có khách bộ hành đi ngang dẫm nát, nó mới tỏa hương thơm. Phaolô Hạnh quả là bông hoa bị che khuất bên vệ đường Giáo Hội, cho đến khi bị vò nát trong cuộc bách hại, mới tỏa ra hương thơm ngát khiến chúng ta phải lâng lâng ngây ngất…".

"Giữa một đô thị ô nhiễm đầy bon chen thấp hèn, những gian dối bất công và những nỗi cơ cực, thì mọi người trông đợi những cánh hoa báo hiệu mùa Xuân mới đang đến, đem lại bầu khí trong lành hơn. Cánh hoa Phaolô Hạnh đã tỏa hương nhờ sức mạnh Thần Linh làm cho những ai chán ghét mùa Đông tội lỗi, lạnh giá, và khắc sâu vào tâm khảm hình ảnh mùa Xuân vĩnh cửu… sẽ thấy trong mình xuất hiện một niềm vui bí ẩn và hy vọng tràn trề vào tương lai…"

Trường thi tử Đạo.

Phaolô Hạnh sinh năm Ðinh Hợi (1827)
Tại Tân Triều giáo hội Ðồng Nai
Giáo dân lẩn trốn chạy dài
Vua quan tàn sát những ai đạo trời

Gia đình Hạnh kịp thời chạy thoát
Về Sài Gòn phiêu bạt đó đây
Sống nghề buôn bán qua ngày
Ðến Chợ Quán ở, nơi này nhiễu nhương

Hạnh giao dịch tay thường lường gạt
Bắt chẹt người doạ nạt lương dân
Hình như đã có một lần
Tổ chức băng đảng đích thân cầm đầu

Rồi sau đó nghe đâu thức tỉnh
Ðánh động anh đổi tính giang hồ
Ra tay nâng đỡ thế cô
Giúp cho kẻ yếu nhào vô cứu liền

Lòng hòa hiệp gắn liền hậu quả
Những kẻ này sau đã phục thù
Tố anh giáo hữu trong khu
Tiếp tay với Pháp, giặc thù xâm lăng

Trước tòa án khăng khăng không nhận
Tôi có đâu dắt dẫn theo Tây
Rồi quan hỏi hãy nghe đây
Anh là giáo hữu, nơi này phải không

Anh khẳng định quan ông nói đúng
Ở nơi đây ai cũng biết tôi
Là Kitô giáo lâu rồi
Tôn vinh danh Chúa Ngôi Lời Giêsu

Tôi cương quyết cho dù có chết
Luôn sẵn sàng nhận hết khổ hình
Sắt thanh nung đỏ dí mình
Roi đòn kìm kẹp thật tình dã man

Vẫn không đạt xoay sang dụ dỗ
Bỏ đạo đi ngoan cố nát thây
Bước qua Thánh Giá nơi đây
Quan tha tiền thưởng có đầy tự do

Hạnh lại nói thật to duy nhất
Cho đến chết, đạo thật Kitô
Giêsu Thiên Chúa tung hô
Lý hình trảm quyết đem vô pháp trường

Chí Hòa khoảng giữa đường Văn Duyệt
Thi hài đã đặc biệt đưa về
Nghĩa trang Chợ Quán đông ghê
Ngàn thu an nghỉ, hồn về Thiên Cung

Ðời phiêu bạt sau cùng thống hối
Chúa đón ngay kẻ rối ăn năn
Vượt bao nguy hiểm khó khăn
Hồng ân tử đạo mùa xuân Kỷ Mùi (1859)

Năm Kỷ Dậu (1909) danh người phong thánh
Chiếu chỉ ban Toà Thánh Roma
Triều đại mười Ðức Thánh Cha
Suy tôn Chân Phước thật là vinh danh

Lời bất hủ: Tất cả những lần quan hỏi cung và tra xét rồi dụ dỗ, ngài chỉ khẳng định một điều duy nhất: "Tôi là Kitô hữu, không bao giờ tôi chối đạo". Lầnkhác ngài khẳng định: "Tôi sẽ là Kitô hữu cho đến chết".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #80
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.680
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
79. Phaolô Phạm Khắc Khoan(1771-1840)

Phaolô Phạm Khắc Khoan, Sinh năm 1771 tại Duyên Mậu, Ninh Bình, Linh mục, bị xử trảm ngày 28/04/1840 tại Ninh Bình dưới đời vua Minh Mạng cùng với Thánh Gioan B. Đinh Văn Thành và Thánh Phêrô Hiếu trực thuộc Hội Thừa Sai Balê. Đức Lêo thứ XIII suy tôn Phaolô Phạm Khắc Khoan lên bậc chân phước ngày 27-05-1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 28/04.

Lời cảm tạ

Tâu thượng đế,
Này thần dân xin hát mừng trước bệ
Tuyên xưng Ngài là Chúa Tể càn khôn…
Suy tôn Chúa bậc tông đồ hợp xướng,
Tán tụng Ngài bao thế hệ tiên tri.
Đoàn tử đạo quang huy hùng dũng,
Máu đào đổ ra minh chứng về Ngài…


Đó là lời kinh TE DEUM lời kinh tạ ơn mà cha khoan và hai thày Hiếu, Thành đã hát vang lên trong ngục, cũng như trên đường ra pháp trường. Đó là lời kinh đem lại phấn khởi cho những ai nghe được. Đó là tiếng hát của Giáo Hội sơ khai, khi cuộc bách hại 300 năm chấm dứt, nay lại vang lên trên môi miệng các vị tử đạo Việt Nam, vượt thấu chín tầng mây, chấp cánh cho các ngài bay về hợp đoàn với muôn thần thánh trên Thiên Quốc.

Định mệnh nối kết ba con người

Phaolô Phạm Khắc Khoan sinh năm 1771 tại làng Bồng Hải, tỉnh Ninh Bình, thuộc giáo phận Tây Đàng Ngoài. Sau khi thụ phong linh mục, cha phụ trách xứ Kẻ Vịnh, rồi xứ Phúc Nhạc, nơi đông dân cư nhất trong tỉnh. Cha Khoan rất hăng say hoạt động tông đồ, ngoài xứ chính ra cha còn phụ trách thêm hai họ Đông Biên và Tôn Đạo. Mỗi tháng Ngài đều đến các họ lẻ dâng lễ, giải tội và khích lệ giáo hữu sống đạo đức gương mẫu hơn. Mỗi lần đi như vậy cha thường dẫn theo một vài thày giảng để giúp dạy giáo lý và tiếp xúc sâu xát hơn với quần chúng. Năm 1837, có hai thày cùng đi với cha về giúp họ Đông Biên là thày Phêrô Nguyễn Văn Hiếu 60 tuổi, người làng Đồng Chuối,và thày Gioan Baotixita Đinh Văn Thành, 41 tuổi, gốc Luốn khê (Phát Diệm). Trên đường trở về, cả ba cha con bị bắt và bị giải về Ninh Bình. Khi đó cha Khoan đã 66 tuổi.

Trước lời đường mật

Vì kính trọng cha tuổi cao lại có tướng người phúc hậu, một hôm quan Tổng trấn mời ngài đến và nói: "Ta muốn kết thân với ông. Ta chỉ muốn tìm cách cứu mạng ông thôi. Xin ông chịu khó chấp nhận bước qua Thập Giá". Cha trả lời : "Mấy tháng qua ở trong tù, tôi đã suy tính kỹ lắm rồi, nhưng càng nghĩ tôi càng xác tín hơn, càng cương quyết giữ vững đức tin cho đến chết". Rồi cha kể lại chuyện xảy ra năm 1802:

"Khi đó, Thế Tổ Gia Long, phụ thân của Hoàng đế ra Hà Nội, chúng tôi có đến ra mắt. Người hứa cho chúng tôi được tự do giảng đạo, xây nhà thờ và các nhà bác ái. Người yêu cầu chúng tôi cổ động dân chúng sống hòa thuận và chăm chỉ làm ăn. Từ đó đến nay, tôi vẫn lệnh vua, nhắc nhở bà con làm điều tốt, tránh điều xấu. Tôi thờ Vua trên trời và thuần phục vua dưới đất, tôi vẫn xin Vua trên trời ban ơn cho các quan, để thời các ngài được thái bình thịnh trị. Sao hôm nay quan lại bảo tôi bỏ lệnh Tiên Đế mà tôi đã tuân hành biết bao năm nay ?

- Thế ông không muốn sống à ?

- Thưa quan, mọi sinh vật đều muốn sống, huống chi là con người có suy nghĩ. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham sống. Thế nhưng với người Kitô hữu, chết là cách sống đời đời trên Thiên Đàng.

- Ai bảo ông là có Thiên Đàng.

- Đó là chuyện đương nhiên. Như nhà vua vẫn ban thưởng cho những trung thần, thì Chúa trời đất chẳng lẽ không ban thưởng cho những tôi trung phục vụ Người đến chết sao ? Nơi tưởng thưởng đó, chúng tôi gọi là Thiên Đàng.

- Vậy ai dạy cho ông biết là có Chúa trời đất ?

- Thưa Tổng trấn, không cần phải ai dạy cả, chính trời đất vũ trụ là cuốn sách mở ra dạy ta bài học đó. Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu của thiên nhiên tức khắc phải nhận ra có Đấng Tạo Hóa đó là Chúa Trời và tôn thờ Người".

Vì hy vọng thời gian sẽ làm các anh hùng đức tin nản chí, quan tìm cách trì hoãn vụ án thật lâu. Thấm thoát ba vị đã ở tù được gần ba năm. Thỉnh thoảng quan lại gọi ra tòa đề nghị bước qua Thập Giá. Mới đầu thì khuyên dụ ngọt ngào, sau dùng cực hình để cưỡng bách, nhưng không cách nào có thể làm các vị thay lòng đổi dạ.

Thái độ hai thày giảng cũng làm cho mọi người bỡ ngỡ thán phục. Dù bị hành hạ dã man đến đâu, hai thày cũng vẫn thản nhiên nhẫn nại, không bao giờ trách mắng chửi rủa, chỉ lập đi lập lại một điều : "Dù sống dù chết, chúng tôi không bao giờ bỏ đức tin". Niềm an ủi lớn nhất của hai thày là được ở gần cha Khoan, sớm hôm tâm sự và thỉnh thoảng lãnh bí tích giải tội. Các thày coi những ngày ở tù như thời gian thanh luyện để lập công đền bù những lỗi lầm từ thơ ấu. Đôi khi có người khéo léo đưa được Mình Thánh Chúa vào tù, đó là những ngày sung sướng và hạnh phúc nhất của ba vị.

Một lần cha Khoan nói thẳng với quan án rằng: "Quan bảo tôi chà đạp Thập Giá là điều chẳng hợp lý chút nào?". Quan hỏi : "Sao lại không hợp lý, ta chỉ cho ông con đường sống mà không hợp lý à ?". Cha nói : "Thưa quan, nếu nước nhà có biến, mà quan sợ chết đào ngũ thì quan là kẻ hèn nhát. Cũng vậy, tôi nhờ ơn Vua cả trên trời, tôi đâu có quyền sợ chết mà bỏ Người được".

Lời chứng cuối cùng …và bài ca phục sinh

Khi thấy hoàn toàn thất vọng trước sự kiên tâm quyết chí của ba người "lính" Chúa Kitô, quan đành quyết định ký án tử gởi về triều đình xin phép. Trong những ngày chờ đợi cuối cùng đó, trại giam Ninh Bình vang vọng những tiếng hát hân hoan. Đó là tiếng hát cha Khoan và hai thày giảng hát lên lời kinh Tạ Ơn. Cha một câu, hai thày một câu, nhịp nhàng rộn rã. Trên đường ra pháp trường, ba vị vẫn không ngừng cất tiếng ca những lời tri ân đó.

Tại pháp trường ngày 28.4.1840, cha Khoan xin phép nói với dân chúng đôi lời, ngài nói : "Thưa đồng bào và các bạn hữu, chúng tôi không phạm tội ác, không chống lại vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu và vì không chịu bỏ đạo Kitô, là đạo duy nhất chân thật".

Lính đẩy ba vị vào khu vực riêng xa tầm mắt dân chúng. Ba vị giơ tay lên trời, hai thày hiệp ý cầu nguyện với linh mục : "Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, Chúa trời đất. Chúng con hiến dâng mạng sống cho Ngài, xin Chúa chúc phúc cho nhà vua được cai trị lâu dài trong an bình. Xin biến đổi trái tim vua, để vua tin theo đạo thật, đạo duy nhất có thể đem lại cho con người hạnh phúc đích thực".

Tiếp theo ba vị cầu nguyện bằng thánh ca. như trong đêm Phục Sinh, cha Khoan hát lên ba lần Allêluia, Allêluia, Allêluia mỗi lần nói cung giọng cao hơn. Xen kẽ vào đó hai thày giảng cũng hát thay cho cộng đoàn theo cao độ của vị chủ sự : "Allêluia, Allêluia, Allêluia".

Sau đó lý hình thi hành phận sự. Ba cái đầu cùng rơi xuống đưa ba vị thánh về hợp xướng với ca đoàn thiên thần trên Thiên Quốc với khúc hát Phục Sinh Allêluia bất diệt. Năm đó cha Khoan 69 tuổi, thày Hiếu 63 tuổi, thày Thành 44 tuổi. Thày giảng Huấn chứng kiến từ đầu vụ hành quyết, đã lãnh thi thể ba vị về Phúc Nhạc an táng theo nghi lễ công giáo.

Đức Lêo thứ XIII suy tôn cha Phaolô Phạm Khắc Khoan, hai thày Phêrô Nguyễn Văn Hiếu và Gioan Baotixita Đinh Văn Thành lên bậc chân phước ngày 27-05-1900. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.

Tâm tình Đức Cha Retord Liêu trong thơ gởi cha Khoan

"Sách có câu : Chết vinh hơn sống nhục. Hãy coi những kẻ bội giáo, cuộc đời họ đáng tủi hổ biết bao. Ngược lại khắp bốn phương thiên hạ đều vang lời khen ngợi những ai chết cho đức tin. Các vị tử đạo như tiếng kèn Thiên Quốc, với âm điệu vang lừng muôn người lắng nghe. Những kẻ chối đạo, ở lại trần gian chỉ để chờ lưỡi rìu chặt đem về tiếp lửa cho hỏa ngục.

Máu các vị tử đạo như giọt sương đêm tưới mát vườn hoa Giáo Hội làm nó thêm phong nhiêu (phong phú và phù nhiêu)…

Tôi viết cho cha những lời vắn tắt vội vã này. Ước mong nó thành ngọn gió đưa cha lướt êm đến bến bờ quê hương. Ước mong nó thành đóa hoa rực rỡ với làn hương thơm tỏa ngát niềm vui tô thắm tâm hồn cha trong cuộc chiến cuối cùng. Xin kính cẩn tạm biệt cha. Xin kính cẩn hôn lên gông cùm xiềng xích của cha. Trong lúc cầu nguyện xin đừng quên tôi nhé !" (Launay III, tr.37-38).

Trường thi tử Đạo.

Cha Khoan sinh thôn Trung Duyên Mậu
Sinh Tân Mão (1771) ở đậu trại bò
Tân tòng ơn Chúa ban cho
Mẹ Cha theo đạo chuyên lo cấy cày

Cậu Khoan gặp nơi đây Cố Thạch
Xứ Ðông Biên đặc cách nhận nuôi
Học hành kinh bổn xong xuôi
Ðược làm Kẻ Giảng khôn nguôi rao truyền

Lập chủng viện ở miền Vĩnh Trị
Ðược làm cai, quản lý nhà chung
Thụ phong Linh Mục trong vùng
Rất là nghiêm nhặt đi cùng đó đây

Không võng cáng suốt ngày đi bộ
Quần áo Ngài lễ độ đơn sơ
Giúp cho những kẻ bơ vơ
Làm nhà cho họ nương nhờ nắng mưa

Các bài giảng xin thưa đạo đức
Sống công bằng rất mực sạch trong
Tòa hòa giải Cha đợi mong
Giáo dân xưng tội thật lòng ăn năn

Sáu mươi tuổi được thăng cha sở
Xứ Phúc Nhạc Ngài trở về đây
Ba Cha phó có hai Thầy
Ngài hay thăm viếng họ này dòng tu

Cha Khoan đi thăm khu kẻ liệt
Tại trại bò ở miệt Ðông Biên
Ở đây nghỉ hai ngày liền
Hai thầy Thành, Hiếu dùng thuyền đi câu

Ông lý Trạc từ lâu ghen ghét
Phó tổng Dụ lên méc với quan
Tên trộm tới báo rõ ràng
Có ông đạo trưởng ở làng Ðông Biên

Quan cho lính tới liền vây bắt
Trói Cha Khoan và dắt hai Thầy
Giáo dân thì thả ngay đây
Tổng Dụ chạy tới xin thầy bỏ qua

Ông lý Trạc nói là không chịu
Nên hai ông dắt díu tới quan
Quan trên ngồi lại luận bàn
Tờ trình thống nhất giải quan Ninh Bình

Theo chứng từ tình hình ngục thất
Phải gông cùm nặng nhất ngày đêm
Khi ăn được mở cùm lên
Nhờ tiền đút lót cho nên nhẹ xiềng

Trong ngục thất buồn phiền muỗi bọ
Ðốt ngày đêm máu đỏ đầy người
Các người tù khác dể duôi
Lẩm bẩm chửi rủa khi người đọc kinh

Cha Khoan bắt gia đình thăm viếng
Phải đem cơm thân thiện cho tù
Họ khen đạo trưởng khiêm nhu
Hiền lành bác ái bạn tù giúp nhau

Buổi sớm tối cùng nhau cầu nguyện
Khuyên mọi người cải thiện bản thân
Ngài rửa tội được một lần
Là con tướng cướp lúc gần tắt hơi

Quan tuần phủ lại thời chửi mắng
Bảo Cha Khoan hãy gắng nghe lời
Nếu không ngày chết tới nơi
Cha Khoan đáp lại Chúa Trời kính tôn

Giải pháp trường nghe đồn lò gạch
Tháo gông xiềng quan cách trống chiêng
Lý hình kéo cổ Ngài nghiêng
Ba nhát mới đứt đầu liền bay xa

Thầy Huần bỏ xác tà vạt áo
Gói vô trong ôm ráo cả về
Dọc đường than khóc thảm thê
Phúc Nhạc án táng, hồn về nước Cha

Phúc tử đạo đúng là Canh Tý (1840)
Mất một nhà quản lý tài ba
Canh Tý (1900) Toà Thánh Roma
Suy tôn chân phước nay ta tôn thờ

Lời bất hủ: Cha Khoan trả lời quan tổng trấn: "Mấy tháng qua ở trong tù, tôi đã suy tính kỹ lắm rồi, nhưng càng nghĩ, tôi càng xác tín hơn, càng cương quyết giữ vững đức tin cho đến chết.". Tại pháp trường, cha Khoan nói với dân chúng đôi lời sau cùng: "Thưa đồng bào và các bạn hữu, chúng tôi không phạm tội ác, không chống lại vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu, và vì không chịu bỏ đạo Kitô là đạo duy nhất chân thật".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 17-07-2009   #81
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.680
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
80. Phaolô Lê Văn Lộc (1830-1859)

Phaolô Lê Văn Lộc, Sinh năm 1830 tại An Nhơn, Gia Ðịnh, Linh mục, bị xử trảm ngày 13/02/1859 tại Gia Ðịnh dưới đời vua Tự Ðức. Đức Piô X suy tôn chân phước cho cha Phaolô Lê Văn Lộc ngày 02-05-1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh. Lễ kính vào ngày 13/02.

Nỗi đau thương

Phải giải tán chủng viện Thị Nghè. Đó là một quyết định đau lòng đối với cha giám đốc Lê Văn Lộc. nhưng biết làm sao hơn được ? Tình hình giáo hội hết sức khó khăn. Quan quân đang truy bắt những người theo đạo chúa. Hai năm coi sóc tiểu chủng viện, thời gian tuy ngắn ngủi, nhưng ý thức trách nhiệm của cha Lộc đối với Giáo Hộ thật lớn, và tình thương của cha đối với các chủng sinh thật thắm thiết. Cha không đành bỏ rơi những người con thân yêu này.

Trong tình thế khó khăn đó, để cứu lấy mạng sống mình chủng viện phải giải tán nhưng việc huấn luyện vẫn không ngừng. Cha Phaolô Lộc tìm cách trốn tránh quang vùng Sài Gòn, Gia Định, khi thì ở với các chủng sinh, khi ở một mình, nhưng vẫn tìm cách tiếp tục công việc huấn luyện các mầm non của Giáo Hội. Chính sứ mạng cao quý này đã đưa cha đến phúc tử đạo, một vinh hạnh lớn cho chủng viện Thị Nghè (Sài gòn).

Ngược dòng thời gian

Phaolô Lê văn Lộc sinh năm 1830 tại làng An Nhơn, tỉnh Gia Định, trong một gia đình đạo đức. Mồ côi cha mẹ từ năm 10 tuổi, cậu Lộc được cha sở nhận nuôi và cho theo học tại chủng viện Cái Nhum trong hai năm. Năm 1843, Đức Cha Lefèbvre Nghĩa gởi cậu sang học thần học tại Pénang. Cậu được các giáo sư viết thư về giám mục giáo phận khen là người tương lai đầy hứa hẹn.

Trở về nước, thầy Phaolô Lộc tận tâm giảng dạy giáo lý và phụ trách việc huấn luyện cho các chủng sinh. Ngày 07-02-1857, thầy được Đức Cha Nghĩa truyền chức linh mục và được bổ nhiệm giám đốc tiểu chủng viện Thị Nghè. Ngoài việc chăm sóc giảng dạy các chủng sinh, cha lộc vẫn cố gắng thu xếp những giờ làm công tác mục vụ, bác ái. Có sử liệu ghi nhận trong khoảng một năm, cha đã dẫn về đoàn chiên Giáo Hội hơn 200 tân tòng.

Trong tình thế khó khăn dưới thời vua Tự Đức như thế, nhiều quan chức ác cảm với đạo, nhưng cha Lộc vẫn hăng say làm việc, duy trì chủng viện hơn một năm. Tháng 07-1858, mười bốn chiếc thuyền Pháp đổ bộ lên cửa Hàn tỏ dấu khiêu khích. Đô đốc Rigault de Genouilly ngây ngô chờ quân Công Giáo trợ lực. Ông không biết rằng người Công Giáo Việt Nam lúc đó không ưa gì ngoại xâm, như chúng ta thấy trong chuyện thánh Phanxicô Trung, họ không bỏ Chúa nhưng cũng kgông phò Tây. Họ tích cực xin đăng ký vào quân đội triều đình để chống Pháp. Thế mà, các quan chức Việt Nam tức giận cho rằng các tín hữu Kitô cấu kết với người Pháp, nên quyết định bắt giết các đạo trưởng trước khi quân xâm lược đến. Thế là chủng viện Thị Nghè phải giải tán, cha ngậm ngùi chia tay. Tuy nhiên cha Lộc vẫn cố nán lại Sài Gòn nay đây mai đó để gần gũi hướng dẫn các chủng sinh của mình.

Trên con đường khổ giá

Cuối năm 1858, cha Lộc đến tạm trú ở nhà một cựu chủng sinh (thầy giáo Ngôn). Dầu khó khăn nguy hiểm cha tìm cách tiếp tế cho các chủng sinh bị lưu lạc. Việc đó đưa cha vào vòng lao lý : một phụ nữ ngoại giáo thấy cha liền báo cáo với quan quân bao vây lục xét và bắt được cha ngày 13-12- năm đó.

Khi bị bắt, cha Lộc khéo léo trả lời, nên quan quân đối xử với cha một cách tử tế, còn có ý định tha nếu cha chối đạo. Đầu năm 1859, thấy không thể chiếm được Huế, thêm vào đó 200 lính viễn chinh Pháp chết vì bệnh dịch tả, tướng Pháp quyết định chuyển hướng đưa quân vào chiếm tỉnh Gia Định theo lối cửa Cần Giờ. Khi quân Pháp bắn phá Sài Gòn, các quan liền cấp tốc tâu vua cho trảm quyết cha Phaolô Lê Văn Lộc.

Đến vinh quang

Ngày 13-02-1859, cha Lộc bị điệu ra Trường Thi, bây giờ là góc đường Hai Bà Trưng – Xô Viết Nghệ Tĩnh và bị hành quyết ở đó.

29 tuổi đời, hai năm linh mục, bản án vội vã gấp rút, cũng như chính cuộc đời của cha đã kết thúc thật ngắn ngủi. Ngắn ngủi nhưng thiết tha, ngắn ngủi nhưng hết sức đậm đà tình yêu và trách nhiệm. Cuộc đời vắn vỏi nhưng đã được thánh hiến bằng chính máu đào của mình. Thật xứng đáng để được đón nhận vào nơi trừơng sinh. Cha Phaolô Lộc bước vào cuộc sống vĩnh cửu là thế.

Phải chờ đến đêm giáo hữu mới lên đưa thi hài vị tử đạo (vẫn bị trói ở cột) về mai táng ở họ Chợ Quán, sau được cải táng về dòng thánh Phaolô, Sài Gòn. Hiện nay hài cốt của thánh nhân được lưu trữ tại Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn.

Đức Piô X suy tôn chân phước cho cha Phanxicô Lê Văn Lộc ngày 02-05-1909. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.

Trường thi tử Đạo

Linh mục Phaolô Lê Văn Lộc
Sinh Canh Dần (1830) gia tộc An Nhơn
Mẹ cha mất sớm cô đơn
Cha sở nuôi dạy công ơn xứ mình

Cái Nhum gởi đăng trình Chủng viện
Ðược Ðức Cha đưa tiễn cậu sang
Vào trường thần học Pénang
Giáo sư khen tặng vào hàng thông minh

Thầy về nước tận tình rao giảng
Ðức Cha Ngãi, Thầy đáng thụ phong
Ngài truyền chức Chúa quan phòng
Bổ làm giám đốc coi trông
Giuse Chủng viện vun trồng tương lai

Ngài dạy dỗ biệt tài mục vụ
Thì giờ làm xếp thu gọn gàng
Tinh thần bác ái Chúa ban
Hăng say làm việc sẵn sàng hy sinh

Thời Tự Ðức lý hình ác cảm
Các Tu Sĩ đâu dám công khai
Lên cơn bách đạo lâu dài
Các Cha ẩn trốn, quan cai truy tìm

Giuse Chủng viện có tin giải tán
Cả Cha con ngao ngán chia tay
Sài Gòn nóng sốt từng ngày
Nay đây mai đó đổi thay từng giờ

Cha Lộc trốn ở nhờ giáo hữu
Các chủng sinh dắt díu bơ vơ
Thầy Ngôn Cha đến nương nhờ
Tìm đường tiếp tế đón chờ chủng sinh

Một phụ nữ đã rình nhận diện
Trình báo quan phát hiện có Cha
Lính vây lục soát cả nhà
Bắt Cha quan xử, qua loa nhẹ nhàng

Rất tình cảm đàng hoàng tử tế
Chỉ cần Cha nói để chứng minh
Rằng Cha bỏ đạo Chúa mình
Tha ngay tiền thưởng đệ huynh hài hòa

Cha Lộc nói thật là khẳng khái
Tôi đạo trưởng không trái đức tin
Giảng rao Thiên Chúa hướng tìm
Hồng ân tử đạo trái tim nhân lành

Các quan vội thảo nhanh bản án
Tâu trình Vua truyền phán thi hành
Lệnh về trảm quyết tới nhanh
Trường Thi cột trói là hành quyết ngay
(Trường Thi là góc ngã tư Hồng Thập Tự, Hai Bà Trưng bây giờ )

Phải chờ tối ban ngày sợ cấm
Bọc Thi Hài bằng tấm vải tang
Ðưa về Chợ Quán đàng hoàng
Nơi đây chôn cất cải sang Phaolồ
(Nữ Tu Viện Thánh Phaolô Sàigòn. Nay Hài Cốt được tôn kính trong Vương Cung Thánh Ðường Sàigòn)

Phúc tử đạo điểm tô Giáo hội
Vì danh Cha vang dội Kỷ Mùi (1859)
Roma Giáo hội mừng vui
Suy tôn Kỷ Dậu (1909) ngọt bùi Nước Cha

Lời bất hủ: Cha học ở Pénăng, về nước, được Ðức Cha Lefèbvre truyền chức linh mục 7-2-1857, được bổ nhiệm làm Giám đốc tiểu chủng viện Thị Nghè, cuối năm 1858 ngài bị bắt, sách chỉ viết: "Khi bị bắt, cha Lộc khéo léo trả lời, nên các quan đối xử với cha rất tử tế, lại còn có ý định tha về, nếu cha chối đạo".

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời

Tags
118 thánh tử đạo việt nam


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 14:47
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,27592 seconds with 15 queries