Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 28-02-2010   #73
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.815
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chết đứng như Từ Hải

Hình tượng Từ Hải trong truyện Kiều của Nguyễn Du đã để lại cho nhân dân ta những ấn tượng sâu sắc. Đây là một bậc trượng phu khác người. Cái diện mạo “râu hùm, hàm én, mày ngài, vai năm tấc rộng thân mười thước cao” đã thể hiện một con người có sức mạnh vô song. Hơn thế nữa Từ là kẻ ngang tàng, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Không chịu luồn cúi triều đình phong kiến, Từ đã dấy binh khởi nghĩa. Với tài thao lược “gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” chàng đã lập nên một vương quốc, một triều đình riêng. Trong con mắt của triều đình phong kiến chính thống, Từ là kẻ phiến loạn, là giặc mang tội bất trung. Tội ấy đáng chém đầu. Nhưng với một vương triều mạnh, với một con nguời tài giỏi như Từ, đánh đổ đâu dễ dàng. Chúng nghĩ ngay kế mua chuộc và dụ hàng. Nhà vua cử tên tổng đốc trọng thần “mặt sắt đen sì” Hồ Tôn Hiến làm nhiệm vụ này. Hồ Tôn Hiến nghĩ ngay ra diệu kế. Bấy giờ, nàng Kiều sau bao năm lưu lạc đã thành vợ của Từ Hải. Hồ Tôn Hiến dùng vàng bạc mua chuộc Kiều mong nàng tìm cách thuyết phục Từ Hải quy hàng triều đình. Cả tin lại chán ghét cảnh bèo dạt mây trôi, Kiều đành nhận lời. Bởi nghe lời Kiều, Từ Hải đã quy hàng. Những tưởng triều đình sẽ ban thưởng chức tước như đã hứa, nhưng tráo trở thay nhân cơ hội này, Hồ Tôn Hiến đã giết Từ Hải. Người anh hùng đã chết, chết trong sự oan ức. Từ chết đứng “trơ như đá, vững như đồng, ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời”.
Từ hình ảnh chết đứng của Từ Hải như vậy, trong tiếng Việt xuất hiện thành ngữ “chết đứng như Từ Hải”. Thành ngữ này còn một biến thể khác là “như Từ Hải chết đứng”. Về ý nghĩa, thành ngữ “chết đứng như Từ Hải” biểu thị trạng thái đứng đờ ra của con người khi bị tác động đột ngột, không ứng xử kịp nhất là trước những niềm vui nỗi buồn, sự đau khổ bất ngờ.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
2 thành viên đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010), VŨ NGỌC CHI MAI (07-09-2010)
Cũ 28-02-2010   #74
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.815
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đười ươi giữ ống

Khi có người nào khờ dại mà bị mắc lừa, phải làm một việc vô ích nguời ta hay ví với “đười ươi giữ ống”.

Theo các tài liệu khoa học về sinh vật thì đười ươi, vượn người và con người là ba dòng họ cùng một thủy tổ là vượn rừng rậm, có tên khoa học là Dryopithecus. Đười ươi là một loài khỉ lớn lông màu nâu rất dài, mặt râu ria xồm xoàm, không có đuôi hình dạng gần giống người, con đực có thể cao tới 1,8m, con cái nhỏ hơn. Đười ươi là một trong bốn loài khỉ dạng người hiếm và rất quý trên thế giới, hiện nay còn nhiều ở các đảo Boocnêô và Xumatra của lnđônêxia. Ở rừng rậm nước ta, thời xa xưa cũng có đười ươi. Đười ươi có đôi cánh tay rất khỏe, nó thường dùng tay để kiếm ăn. Đười ươi là một loài khỉ độc, nó có thể bắt và ăn thịt người, nếu không đề phòng cẩn thận. Khi bắt được con mồi, đười ươi thường sung sướng ngửa mặt lên trời cười một cách hả hê tít cả mắt và chờ cho đến khi mặt trời lặn nó mới ăn thịt con mồi. Nắm được điểm yếu đó khi đi rừng người ta thường phòng đười ươi bằng cách xỏ tay vào hai ống tre để ngộ nhỡ đười ươi có bắt được thì người ta rút tay ra mà chạy thoát, con đười ươi ngu ngốc thì cứ giữ hai cái ống đó và ngửa mặt lên trời cười cho đến tối.

Từ thực tế này mà câu đười ươi giữ ống thường được dùng để so sánh với những kẻ khờ dại, ngu ngốc hay bị mắc lừa.

Thành ngữ này không nhằm so sánh một hành động cụ thể nào mà thường chỉ so sánh một đối tượng, một bản chất cụ thể của con người.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
2 thành viên đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010), VŨ NGỌC CHI MAI (07-09-2010)
Cũ 28-02-2010   #75
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.815
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Vừa ăn cướp vừa la làng

Thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa đánh trống vừa ăn cướp được sử dụng với nghĩa khái quát hơn hàm chỉ những hành vi cố ý làm việc ác lại còn lớn tiếng vu cáo kẻ khác, làm ra vẻ như mình là nạn nhân. Đó là hành vi đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận.

Tiếng Việt còn có Thành ngữ : Vừa đánh trống vừa ăn cướp hay: Vừa đánh trống vừa la làng.

Trong cuộc sống chẳng thiếu gì kẻ xấu, ma lanh, gian xảo. Có kẻ đã ăn cướp của người khác rồi lại còn lu loa lên như thể mình bị mất của, để đổ vấy cho kẻ khác là phạm nhân. Thêm nữa, có kẻ làm trò cướp giật, bị đuổi bắt lại khôn khéo nhập đám đuổi bắt, thậm chí còn đóng cả vai người đánh trống ngũ liên, hô hoán đuổi bắt cướp. Cứ như thế, trong cuộc sống, trong văn học dân gian đã xảy ra bao nhiêu chuyện phiền nhiễu oái oăm, chướng tai gai mắt. Người mất của đôi khi bị oan uổng, bị đánh đập tàn nhẫn, bị trừng trị nhầm. Rõ là tiền mất tật mang. Trái lại kẻ ăn cướp do ma lanh mà đã kiếm chác được của cải lại còn được cảm thông, an ủi, thậm chí đôi khi được tiếng là có công bắt cướp. Những thủ đoạn gian xảo đó được gọi bằng cái tên đích thực là vừa ăn cướp vừa la làng hay vừa đánh trống vừa ăn cướp. Do ra đời gắn liền với những vụ việc có thật trong cuộc sống như thế, các thành ngữ này trước hết được dùng để chỉ những thủ đoạn của bọn ăn cướp, vừa cướp của lại vừa vu oan cho người bị mất là kẻ ăn cướp hoặc vừa ăn cướp lại còn tham gia đuổi cướp tỏ ra là kẻ có công. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa đánh trống vừa ăn cướp được sử dụng với nghĩa khái quát hơn hàm chỉ những hành vi cố ý làm việc ác lại còn lớn tiếng vu cáo kẻ khác, làm ra vẻ như mình là nạn nhân. Đó là hành vi đổi trắng thay đen, đánh lừa dư luận.

Cùng với các thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng, vừa đánh trống vừa ăn cướp, trong tiếng Việt còn có thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng. Thành ngữ này có ý nghĩa và cách dùng tương tự các thành ngữ đã xét ở trên.

Về con đường hình thành thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng có thể lí giải theo hai hướng. Thứ nhất, thành ngữ này là kết quả giao kết, tương hợp giữa hai thành ngữ vừa ăn cướp vừa la làng và vừa đánh trống vừa ăn cướp. Thứ hai, thủ đoạn la làng đổ vấy tội cho người khác, lối giả vờ đuổi cướp bằng hình thức hô hoán, đánh trống của chính kẻ cướp vốn rất phổ biến, lặp đi lặp lại trong cuộc sống đã được người đời nhận thấy và lấy làm đặc trưng cho thủ đoạn của những kẻ chuyên hành động theo lối rắn đổ nọc cho lươn. Rốt cuộc, ở câu thành ngữ vừa đánh trống vừa la làng không nói gì đến chuyện cướp bóc, không có sự đánh giá xấu hay tốt nhưng lại hiển hiện lên hành vi xấu, thủ đoạn gian manh của kẻ cướp nói riêng, lũ người xấu nói chung. Đó cũng chính là lời cảnh tỉnh người đời phải biết sáng suốt suy xét, đánh giá đúng thủ đoạn của kẻ xấu để đối xử đúng, không lẫn lộn vàng thau.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
2 thành viên đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010), VŨ NGỌC CHI MAI (07-09-2010)
Cũ 28-02-2010   #76
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.815
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Quýt làm cam chịu

Khi một người làm việc gì mà nguời khác phải gánh chịu hậu quả của việc ấy (thường là hậu quả không hay), thì trong tiếng Việt, nguời ta thường nói là “quýt làm cam chịu”.

Đối với chúng ta, quýt và cam là hai giống cây ăn quả rất được ưa thích, thường trồng trong vuờn. Hai giống cây này cùng họ hàng, rất gần gũi nhau, có thể lai giống lẫn nhau. Quýt lai cam và cam lai quýt là chuyện bình thường.

Vậy thì quýt làm cam chịu vốn có nghĩa ra sao khi xét về nguồn gốc ?

Một số người làm vườn giải thích rằng: cam và quýt tuy cùng họ với nhau thật, nhưng nếu trồng chung trong một vườn thì cam sẽ kém ngon, còn quýt sẽ to quả hơn, và vị của nó cũng đã khác đi rồi. Vì thế, muốn có cam hay quýt thuần chủng, giữ được hương vị riêng thì phải trồng tách biệt, mỗi loại cây một nơi. Trong một vườn, đã trồng cam thì thôi trồng quýt, mà đã trồng quýt thì thôi trồng cam. Cam mà “làm”, thì quýt phải “chịu”, và ngược lại. Với cách hiểu nghĩa gốc của câu tục ngữ như vậy, thì cam và quýt ở đây là những loài cây trồng, đối tượng của người làm vườn, còn làm hay chịu là hành động của nguời làm vườn ấy !

Nhưng cũng còn một cách hiểu khác.

Ai đã đọc truyện Trạng Lợn, hẳn còn nhớ một câu chuyện nhỏ sau đây: Chuyện kể rằng Trạng được người đời đồn đại là có tài bói toán siêu hạng. Một hôm công chúa bị mất đôi vòng ngọc quý do nước ngoài đem cống vua ta. Cả triều đình xôn xao, mất ăn mất ngủ. Viên quan coi việc an ninh lập tức cho lính triệu ngay Trạng Lợn vào triều và trao cho việc truy tìm thủ phạm. Trạng biết là khó gỡ, nhưng không dám chối từ, bèn tìm cách hoãn binh, xin cho được mười lăm ngày để suy tính. Nằm trên một căn gác cao tĩnh mịch, Trạng nghĩ quanh quẩn đã được bảy ngày mà vẫn chẳng tìm ra được diệu kế gì, bụng lấy làm lo lắm. Nếu không hiến được kế tìm ra thủ phạm thì có thể mất đầu ! Nghĩ quẩn quá, Trạng đập tay xuống chiếu mà than rằng: “Hừ, rõ thực quýt làm cam chịu”. Không ngờ, trong vụ ấy thằng Quýt thông đồng với thằng Cam ăn trộm vòng ngọc của công chúa. Hai tên trộm vì quá lo lắng đã đến rình dưới căn gác để nghe trộm xem động tĩnh thế nào. Khi nghe thấy Trạng phán như vậy, chúng hoảng hốt, vội ra đầu thú để mong được giảm nhẹ tội. Thế là Trạng không chỉ thoát tội, mà còn lập được công to nhờ có sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa từ cam và từ quýt trong lời than của Trạng với tên riêng của hai thằng kẻ trộm! Sự trùng hợp ngẫu nhiên ấy lại nên chuyện và có thể chấp nhận được vì nó có cơ sở trong cuộc sống. Ta đã chẳng từng gặp những cái tên rất dân dã, như anh Mít, anh Xoài, anh Nghêu, anh Ốc, thị Hến, cô Thơm, thằng Cò, cái Hĩm... đó sao!

Và như thế thì câu quýt làm cam chịu ban đầu cũng chỉ biểu thị một tình huống cụ thể tương tự như chuyện thằng Quýt làm cái việc ăn trộm vòng ngọc mà thằng Cam thì phải chịu tội. Về sau, do tính điển hình của sự việc và cảnh huống mà câu này trở thành tục ngữ với nghĩa khái quát hơn, ứng với mọi cảnh huống tương tự: Người này làm, còn người kia phải chịu hậu quả.

Dĩ nhiên, ngay cách lý giải vừa nêu cũng chỉ là một giả thuyết.

Nhiều khi người ta không cần biết đến lai lịch của thành ngữ, tục ngữ, nhưng người ta vẫn sử dụng nó một cách thuần thục và sinh động. Đối với thành ngữ quýt làm cam chịu (hay cam làm quýt chịu) cũng vậy.

Trong tiếng Việt còn có một thành ngữ rất gần nghĩa với câu quýt làm cam chịu. Đó là câu kẻ ăn ốc người đổ vỏ. Song, câu thành ngữ thứ hai này thường dùng để nói về một cảnh huống hơi khác là: một người được hưởng thụ, còn một người khác lại phải gánh chịu hậu quả.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
2 thành viên đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010), VŨ NGỌC CHI MAI (07-09-2010)
Cũ 28-02-2010   #77
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.815
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Trướng rủ màn che


Trướng là bức màn che cửa, có thêu hình trang trí, đẹp, sang trọng, ngày trước nhà quyền quý hay dùng. Và thành ngữ trướng rủ màn che được dùng để chỉ cuộc sống đài các, êm đềm, được nuông chiều trong sự vinh hoa phú quý của tầng lớp thượng lưu trong xã hội phong kiến, nhất là đối với các lớp con cái của họ.

Trong truyện Kiều Nguyễn Du viết:

“Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai”


Cuộc sống giữa nhung lụa nơi lầu son gác tía khép kín ngăn cách với thế giới “hỗn tạp”, rách rưới, ồn ào bên ngoài như thế khiến cho con người mất dần đi mối liên hệ với cuộc sống sinh động của muôn người ngoài xã hội đời thường. Những lo toan, những đắng cay, nhọc nhằn của người đời, cao hơn thế nữa, vận mệnh của một dân tộc, họ cũng chẳng hay biết và chẳng buồn biết tới. Chính cái hiện thực cuộc sống có được ở những người giàu sang, quyền quý xưa đã làm nảy sinh trong ý nghĩ của người đời sự so sánh nó với một lớp người trong xã hội ngày nay, chỉ biết chăm lo, vun vén cho cuộc sống riêng của mình, có tất cả rồi thì sao nhãng công việc cho đời, thu mình, khép kín lại. Và rồi, lớp người ấy bỗng hoảng hốt khi ngẫm lại mình và nhìn ra cuộc đời sống động, thấy mình đã đứng ra ngoài để tự chiêm ngưỡng một cách vô duyên, lạc lõng. Nói trướng rủ màn che, trướng phủ màn che hay màn che trướng rủ cũng là trong cái ý ấy cả. Vừa là một nhận xét, cũng vừa là một lời chê trách nhẹ nhàng, lặng lẽ.




Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
2 thành viên đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010), VŨ NGỌC CHI MAI (07-09-2010)
Cũ 28-02-2010   #78
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.815
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lo bò trắng răng

Nếu ai đó hay lo lắng vu vơ, lo những chuyện không đâu, những chuyện không đáng phải lo, thì sẽ được coi là người “lo bò trắng răng”.

Thành ngữ này được ra trên cơ sở của một thực tế rõ ràng là răng của bò bao giờ cũng trắng. “Bò trắng răng” là một sự thật hiển nhiên. Cho nên “lo bò trắng răng” là lo cái điều vốn hiển nhiên là như thế, cái điều không đáng, không cần phải lo!

Cũng có nhiều người giải thích theo cách khác, cho rằng trắng ở đây có nghĩa là không (như nghĩa của trắng trong mất trắng tức là mất không). Và do đó, lo bò trắng răng nghĩa là lo bò không có răng. Cách giải thích này cũng có vẻ hợp lý. Song, nếu bằng vào câu ca dao:

Lo gì mà lo bò trắng răng
Mua ba đồng thuốc nhuộm răng cho bò


Thì ta thấy cách luận giải trình bày ở trên là cơ sở hơn. Vả lại, cái thực tế về sự thiếu hụt hàm trên của bò cũng được dùng làm cơ sở để tạo nên một thành ngữ khác, đồng nghĩa với thành ngữ “lo bò trắng răng”. Đó là “lo bò không có hàm trên”.

Thành ngữ thứ hai có nghĩa còn rõ hơn, cụ thể hơn song không được dùng phổ biến như thành ngữ lo bò trắng răng.




Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
2 thành viên đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010), VŨ NGỌC CHI MAI (07-09-2010)
Cũ 28-02-2010   #79
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.815
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Nát như tương

Với việc miêu tả trực quan trạng thái nát nhừ, bể vụn của vật thể, thành ngữ nát như tương có nghĩa gần giống như thành ngữ nát như cám. Tuy nhiên, nát như tương còn có ý nghĩa trừu tượng hơn. Trong đời sống ngôn ngữ hàng ngày, thành ngữ này thường dùng để biểu thị sự hư hỏng, đổ nát của một tổ chức, một thể chế…

Về cách làm tương, trong dân gian có câu: “xôi giặt ba ngày, đậu liền rang, chín tương hai muối ngọt như đàng”. Nghĩa là để cơm nếp mốc ủ ba ngày, rồi rang đậu tương bỏ ngâm, sao cho ba lần nổi ba lần chìm, sau đó mới cho muối theo tỉ lệ muối hai tương chín. Làm đúng theo quy cách như vậy, thì tương sẽ ngọt như đàng (đường). Trong quy trình này, hạt đậu tương phải chịu sự chìm nổi theo thời gian, thành ra khi tương có thể ăn được thì hạt đậu tương cũng nát. Hèn gì trong lời ăn tiếng nói của nhân dân xuất hiện thành ngữ nát như tương hay nát như tương bần (bần: Bần yên Nhân, nơi làm tương ngon nổi tiếng thuộc Hưng Yên ngày nay). Trước hết, nát như tương được dùng để chỉ sự nát vụn, nát nhừ của vật thể.

Với việc miêu tả trực quan trạng thái nát nhừ, bể vụn của vật thể, thành ngữ nát như tương có nghĩa gần giống như thành ngữ nát như cám. Tuy nhiên, nát như tương còn có ý nghĩa trừu tượng hơn. Trong đời sống ngôn ngữ hàng ngày, thành ngữ này thường dùng để biểu thị sự hư hỏng, đổ nát của một tổ chức, một thể chế…

Thành ngữ nát như tương, trong nhiều trường hợp còn được dùng để chỉ một trạng thái tinh thần: đau đớn ưu phiền đến mức độ cao:

“Đào trên mây, hạnh giữa trời
Nghĩ cho nát dạ người như tương”
(Nguyễn Huy Tự. “Hoa tiên”)

Ở phương diện này, đôi khi chúng ta thấy thành ngữ nát như tươm được dùng thay thế nát như tương:

“Mảnh riêng còn nát như tươm
Càng ngơ ngẩn bóng càng năn nỉ tình”


Cái đớn đau dày vò tâm can đến mức độ cao mà thành ngữ nát như tương biểu thị còn có thể được lặp lại trong các thành ngữ nát gan nát ruột (nát ruột nát gan) héo gan héo ruột (héo ruột héo gan).v.v…

Trong tiếng Việt, nát như tương còn thấy xuất hiện với chức năng biểu thị chất lượng kém, trình độ tồi của một số sản phẩm trí tuệ: văn nát như tương, lý sự nát như tương:

“Đến điều lí sự nát như tương
Ngẫm sự văn chương đen tựa mực”


Hẳn là nát trong văn như tương, lý sự nát như tương, không phải là từ nát chỉ sự vỡ vụn, nhừ bấy của vật thể. Trong trường hợp này, nát là yếu tố biểu thị sự kém cỏi về trí tuệ. Chúng ta đã từng thấy ý nghĩa này trong từ dốt nát của tiếng Việt.




Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
2 thành viên đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010), VŨ NGỌC CHI MAI (07-09-2010)
Cũ 28-02-2010   #80
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.815
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Sức dài vai rộng

Thành ngữ sức dài vai rộng thường được dùng để chỉ những người đang ở độ tuổi trẻ, khoẻ và sung sức.

Trong tiếng Việt, sự kết hợp giữa các từ sức và dài tưởng như không bình thường bởi vì người Việt thường nói sức bền, sức mạnh, sức khoẻ… chứ ít nói tới sức dài. Cách nghĩ này là do chỉ chú ý tới nghĩa của dài trong sự biểu thị độ dài ngắn trong thời gian. Dài trong tiếng Việt còn được dùng để chỉ quãng thời gian nào đó trong sự so sánh với quãng thời gian khác ngắn hơn ngày dài, đêm dài, đời còn dài. Vì vậy, tổ hợp sức dài chẳng những hàm chỉ sức dồi dào, sức nhiều mà còn hàm chỉ cả sự trẻ trung của con người. Vậy mà, bên cạnh sức dài lại còn có sự phụ trợ của vai rộng. Vai rộng là hình ảnh tả thực về thân thể, vóc dáng của những người khoẻ mạnh. Đồng thời, ở tổ hợp này có lẽ còn tiềm ẩn một ý nghĩa biểu trưng, mà theo đó chúng ta có thể thấy ở đây con người có khả năng đảm đương, gánh vác được những công việc nặng nhọc.

Như vậy, sự tương hợp về nghĩa giữa hai tổ hợp sức dài và vai rộng đã tạo nên ý nghĩa chung của thành ngữ sức dài vai rộng.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
2 thành viên đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010), VŨ NGỌC CHI MAI (07-09-2010)
Cũ 28-02-2010   #81
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.815
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Tiền trảm hậu tấu

Tiền trảm hậu tấu có nghĩa là chém trước tâu sau (tiền: trước, trảm: chém, hậu: sau, tấu: tâu, thưa). Trong tiếng Việt thành ngữ tiền trảm hậu tấu thường dùng để chỉ những việc làm không chờ đợi cấp trên, cứ làm, cứ hành động trước, xong xuôi mọi chuyện rồi mới báo cáo, thưa gửi.

Đối với việc chém giết một nhân mạng, một con người mà không cần chờ cấp trên y án, cứ thế mà hành quyết rồi mới tâu thưa, đó là một quyền chỉ được trao cho trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Cho nên, hành vi tiền trảm hậu tấu được coi là hành vi tự quyền ứng phó linh hoạt trong điều kiện không thể chờ lệnh cấp trên.

Song khi không được trao quyền đó mà cứ tiền trảm hậu tấu thì đó lại là hành vi tuỳ tiện, liều lĩnh, vô tổ chức.

Nhấn mạnh ý nghĩa “làm trước, báo cáo sau” thành ngữ tiền trảm hậu tấu trong nhiều trường hợp đồng nhất với hành vi đặt mọi chuyện vào sự đã rồi, đẩy người ta vào thế buộc phải chấp nhận kết quả đó không thể thay đổi, đảo ngược tình thế được nữa.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
2 thành viên đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010), VŨ NGỌC CHI MAI (07-09-2010)
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 17:25
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,08512 seconds with 15 queries