Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 07-06-2009   #64
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.644
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn



Dân tộc Pà Thẻn có khoảng trên 5.000 người sống tập trung chủ yếu ở hai huyện Bắc Quang (Hà Giang) và Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Ở đây vẫn còn lưu giữ nhiều lễ hội và phong tục từ xưa để lại, trong đó có lễ hội nhảy lửa độc đáo, mang đậm nét huyền bí, hoang sơ.

Lễ hội nhảy lửa được coi như lễ hội mừng lúa mới của người Pà Thẻn. Nó bắt đầu vào giữa tháng 10 âm lịch, khi mùa vụ đã thu hoạch xong và kéo dài qua Tết Nguyên đán mới kết thúc. Để bắt đầu một lễ hội nhảy lửa phải có một thầy mo đến làm lễ cầu thần linh. Lễ vật cúng tế gồm có 1 bát hương, 1 chiếc đàn sắt, 1 con gà, 10 chén rượu, tiền giấy. Một đống lửa lớn được đốt lên và thầy mo bắt đầu làm lễ. Thời gian làm lễ kéo dài 1-2 giờ đồng hồ trước khi lễ hội nhảy lửa được bắt đầu. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy mo. Đó chính là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa. Sau đó anh ta nhảy vào đống lửa mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi gì. Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tỉnh cơn và tiếp tục làm lễ nhập đồng. Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình. Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới và những chàng trai này luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người.

Nếu muốn, bạn có thể tham dự lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, để cảm nhận được một không khí đầy huyền bí và linh thiêng. Khi cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào từng ngõ xóm mà dân tộc Pà Thẻn vẫn lưu giữ được lễ hội này thì thật là điều đáng trân trọng.


Lê Hảo
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #65
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.644
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ngày xuân đi lễ chùa Bà


Chùa Bà được người Hoa xây dựng cách đây 400 năm. Ngoài tên gọi là Chùa Bà còn gọi là miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Chùa ở vị trí trung tâm thị xã Thủ Dầu Một thuộc tỉnh Bình Dương cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 30 km. Bức tượng bà Thiên Hậu được đặt ngay chính diện, bên phải chính diện thờ bà Kim Huê, còn bên trái đặt tượng Long Nữ Nương Nương. ở góc phải chính điện, có đặt một chuông đồng niên hiệu Càn Long thứ 60 (1796). Hai bên điện là 2 tủ kiếng để tượng "Bát Tiểu", một tủ để tờ quân lệnh chữ đã hoen ố do quá lâu nhng đợc dịch là "Cấm phá ngách trong chùa". Ngoài ra còn bộ l phát lam có tên gọi là Emaux Cloisonnés bằng đồ sành trên mặt là những ô nhỏ hình hoa lá viền bằng vàng bạc, đồng xanh đỏ rất đẹp.

Trong sân chùa đặt 2 con kỳ lân được chạm bằng hai khối đá nguyên. Mái chùa được lợp ngói âm dương màu xanh; dọc nóc chùa có đặt các bức chạm bằng sứ như võ đài, bái tổ vinh quy, công chúa kén phò mã, lưỡng long tranh châu và những tuồng tích lịch sử Trung Quốc như: Tam quốc chí, Đông chu liệt quốc...

Trước đây, chùa là nơi lễ hội đầu năm của người Hoa. Nhưng từ lâu, dân Sài Gòn và các tỉnh gần xa cứ đến ngày 14-15 tháng giêng âm lịch là họ tấp nập về lễ chùa, cầu tài, cầu lộc, cầu duyên, cầu phúc và dự lễ rước tượng Bà.

Việc đi lễ chùa cũng là dịp để giao lưu văn hóa giữa người Hoa và người Việt, nhiều khách nước ngoài cũng tham dự.


Phương Anh
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #66
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.644
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ngày xuân trẩy hội đất Kinh kỳ


Nói tới kinh đô Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội thường người ta nghĩ về một vùng đất lịch sử lâu đời với bề dày truyền thống văn hóa đặc trưng mà mỗi một vùng dân cư nội ô, cũng như phụ cận đều có những nét sinh hoạt văn hóa riêng biệt. Một trong những nét sinh hoạt văn hóa ấy phải kể tới những lễ hội mùa xuân.

Hội Cổ Loa

"Bỏ con bỏ cháu, không bỏ mồng sáu tháng giêng" đó là câu ca truyền miệng mà dân cư không chỉ huyện ngoại thành Đông Anh mà là nỗi nhớ về ngày hội của cộng đồng dân cư Hà Nội đối với cố đô Loa Thành, tự thuở An Dương Vương (thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên).

Hội Cổ Loa có sự tham gia của 8 làng: Cổ Loa, Mạnh Tràng, Cầu Cả, Săn Giả, Thủ Cưu, Đài Bỉ, Văn Thượng, Ngoại Sát (nay thuộc 3 xã Cổ Loa, Uy Nỗ, Xuân Canh) nơi có nhiều dấu vết của loa thành vương vấn để lại. Ngoài ra lễ hội còn có nhiều đoàn đại biểu của dân quanh vùng tới dâng lễ vua Thục.

Hội Cổ Loa chính thức khai hội vào ngày 5 - ngày này coi như là ngày chuẩn bị quét dọn cổng thành đình đền để đón khách. Hội mở đầu vào sáng mồng 6 bằng đám rước lớn của 12 xóm của làng Cổ Loa, rước bài vị bằng long đình cùng với hương án và kiệu của các xóm từ đền Thượng xuống đình Ngự Triều Di Quy. Ngoài cờ quạt, phường bát âm còn có quan viên đội mũ, tế, áo thụng, đi hia mang các vũ khí của nhà vua như cung, nỏ, kiếm, tên... Đám rườc đi vòng qua giếng Ngọc, cửa Am Mỵ Châu, kéo dài bên bức tường thành cổ. Buổi chiều có tục "tế Bát xã". Tám làng cùng thờ An Dương Vương làm cuộc tế hội đồng rất trang trọng trang nghiêm. Ngoài ra hội còn có rất nhiều trò vui chơi dân gian truyền thống như đấu vật, kéo co, leo dây, đánh đu, múa võ, đánh cờ người, chọi gà... Buổi sáng, chiều tối của ngày hội chính luôn có hát tuồng, quan họ, ca trù, hát chèo...

Hội Đống Đa

Hội mở ngày mồng 5 tháng Giêng hàng năm ở quanh khu vực gò Đống Đa - nơi chôn vùi xác giặc Thanh (quận Đống Đa). Năm này cũng vậy, hội Đống Đa là nơi hội tụ của người dân thủ đô tới thắp hương tưởng niệm người anh hùng áo vải dân tộc Quang Trung đã chỉ đạo quân lính đánh thắng lẫy lừng diệt gọn đồng Khương Thượng, mở đường vào giải phóng Thăng Long vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Hội có tục múa rồng, miêu tả cảnh điệu trận đánh "rồng lửa" của nhân dân các làng quanh vùng nhất tề nổi lên phối hợp với nghĩa quân Tây Sơn công đồn. Bằng những con cúi bện rơm tẩm dầu dân quân thời ấy đã tạo thành một vòng lửa sáng rực trời bao vây quân thù, tướng giặc Sầm Nghi Đống phải treo cổ lên cây tự tử. Nhân dân dự hội trận với những trò chơi dân gian ở Quảng trường tượng đài Quang Trung và trước gò xong, thường thì ai cũng nhớ quan Chùa Bộc viếng tượng đức ông Nguyễn Huệ và chùa Đồng Quan những di tích liên quan tới chiến công tiêu diệt 29 vạn quân Thanh.

Hội Đền Sóc

Hội đền Sóc hay còn gọi là hội Gióng tổ chức vào ngày 2 ngày 6 và 7 tháng Giêng tại núi Vệ Linh (nay là xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn), nơi nhà thơ Vũ Cao đã xuất thần cảm hứng với bài Núi Đôi, và cũng là nơi Thánh Gióng đánh xong giặc Ân, cưỡi ngựa sắt bay về trời. Hội đền Sóc do 52 làng thuộc 9 tổng huyện Kim Anh cũ tham gia.

Mở đầu là lễ hội khai quang (tấm tượng) cho Thánh Gióng, lúc nửa đêm, mờ sáng, dân các làng vào đền Thượng làm lễ dâng hoa tre. Đó là những mảnh tre vót mỏng, đầu tuốt bông, nhuộm phẩm ngũ sắc, có người còn nói đó là roi ngựa của Thánh Gióng, Bình Lỗ - làng lớn nhất được dâng hoa tre trước, sau lần lượt mới đến các làng khác theo thứ tự nhỏ dần. Tấu xong ở đền Thượng, hoa tre được rước xuống đền Hạ và phát lộc cho người dự hội. Nếu trong số những người đi hội ai cướp được 1 bông hoa tre coi như rất may mắn.

Ngày mồng 7, có tục "chém tướng". Ba cô gái trẻ của 3 làng lớn nhất được cử ra đóng giả tướng giặc Ân. Từ đỉnh núi Mã, cờ lệnh phất, chiêng trống nổi lên, người đóng quân chém tướng mỗi lần vung gươm lên là một "nữ tướng" ù chạy vào chỗ kín sau đó có người thân đón về nhà. Trò này diễn lại tích Thánh Gióng về đến chân núi Mã còn gặp 3 tướng giặc Ân cuối cùng, chém nốt rối cưỡi ngựa về trời.

Hội Mê Linh

Là lễ hội cũng mở vào ngày 2 ngày 5 và 6 thánh Giêng Âm lịch tại huyện Mê Linh, Hà Nội cũ (nay là tỉnh Vĩnh Phúc). Hội Mê Linh hay còn gọi là hội Hai Bà Trưng cũng vì vậy dân trong vùng luôn nhớ công lao của hai vị nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị đứng lên thay chồng lãnh đạo quân lính đánh giặc. Nhân dân trong tất cả những thôn của xã Mê Linh tham gia vào tổ chức lễ hội. Ngày 5 là ngày bày kiệu hay còn gọi là trồng kiệu ở trước sân đền. Ngày 6 từ 7 giờ sáng bắt đầu rước kiệu đến đình và sau đó lại rước trở lại. Kiệu của hai nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị đi trước. Sau đó đến các quan cận thần trong triều. Mỗi một kiệu lớn thường có 32 người khiêng trong đó có 16 nam và 16 nữ. Những người khiêng kiệu được lựa chọn khắp nơi nên toàn những trai thanh gái lịch mới được vào đội rước.

Cùng trong thời gian rước kiệu thì ở hầu hết các địa điểm của nơi diễn ra lễ hội có đủ các trò chơi nghi thức dân gian như đánh vật, múa lân, hát lượn, hát ví, đánh đu... Hội Hai Bà Trưng là một lễ hội lớn của vùng Trung du đồng bằng châu thổ sông Hồng nên lượng du khách đến với lễ hội rất đông đúc.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #67
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.644
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Những lễ tục thi dân gian


Thi cỗ

Vào đêm hôm rã đám hội làng, làng Thị Cầu (Võ Giàng, Hà Bắc) có tổ chức cuộc thi cỗ. Làng có bốn giáp, con trai các giáp từ 18 đến 20 tuổi được cử đi rước thần, và chính họ được phép dự cuộc thi cỗ.

Thi cỗ là của trai tân, nhưng làm cỗ lại là công việc của các thanh nữ. Cô gái nào có anh hoặc em trai dự thi cỗ, đều phải lo tới mâm cỗ thi. Các bà mẹ trong làng thường kén chọn con dâu qua các mâm cỗ này. Hội đồng chấm cỗ do dân làng cử ra. Khi chấm các vị chú ý tới sự tinh khiết, sạch sẽ và sáng tạo các món ăn. Các thiếu nữ cần có sáng kiến chế biến những thổ sản trong vùng tạo nên những món ăn hấp dẫn. Ngoài ra còn phải chú ý tới cách trình bày mâm cỗ cho mỹ thuật.

Cuộc chấm cỗ bắt đầu sau lễ cúng thần buổi tối. Các chàng trai gánh cỗ ra từ lúc trời còn sớm, cỗ giáp nào xếp riêng ra giáp đó. Cỗ chấm riêng cho từng giáp và cũng xếp hàng cho từng giáp đó. Khi Hội đồng đi chấm cỗ, những chàng trai thi cỗ cũng đi theo. Sau khi xem xét hết các mâm cỗ của bốn giáp, Hội đồng mới họp bàn và tuyên bố giải nhất của mỗi giáp.

Cuộc thi cỗ đối với dân làng đôi khi cũng kéo theo sự tốn kém, nên những gia đình phong lưu nhân dịp này khoe giàu với dân làng qua những mâm cỗ sang, thì đối với đa số gia đình, đây chỉ là một dịp để các con em cố gắng trong việc bếp núc, tự tạo lấy qua những sáng kiến riêng. Cách bày biện, trang trí mâm cỗ cũng đã chứng tỏ sự khéo léo của các thiếu nữ trong làng.

Thi cỗ và thi đèn

Trong tết Trung thu, người ta bày cỗ có bánh trái hình mặt trăng, trưng đèn kết hoa, có nhảy múa và ca hát, nhiều nơi có những cuộc rước đèn múa lân tưng bừng náo nhiệt. Lại có những cuộc thi cỗ, thi làm bánh trung thu. Đây là dịp để khuyến khích các bà, các cô trong việc nữ công. Ngoài ra còn có treo đèn kết hoa để mâm cỗ thêm màu sắc, bánh mứt thêm hoa mỹ.

Trẻ em có những cuộc rước đèn và nhiều nơi có mở cuộc thi đèn. Đèn làm hình mặt trăng, làm hình các linh vật trên cung trăng. Nhiều gia đình bày cỗ riêng cho trẻ em, trong mâm cỗ thường có ông tiến sĩ giấy đặt ở nơi trang trọng nhất, chung quanh là bánh trái hoa quả. Sau khi chơi cỗ trông trăng, đến khuya các em cùng nhau phá cỗ.

Thi dệt vải

Trong dịp hội xuân hàng năm, ở làng Xuân Ái (Võ Giàng, Hà Bắc) có tục thi dệt vải.

Dân làng này sống về nghề nông, nhưng trong thời gian sau vụ làm mùa, chờ đợi vụ gặt, những gia đình có con lớn đều có thêm nghề dệt vải. Ngày hội, cuộc thi dệt vải thật vui.

Các cô gái làng, mỗi cô một khung cửi, sợi do làng cung cấp. Hiệu lệnh ban ra, thoăn thoắt những con thoi chạy đi, chạy lại vừa nhanh, vừa đều. Các cô dệt nhanh, nhưng vải phải đều sợi, không được chỗ thưa, chỗ dầy. Cuộc thi kéo dài khoảng nửa giờ thì ban giám khảo ra lệnh ngừng thoi, để họ xác định hơn kém.

Thi diều sáo

Trong hội đền Hùng ở thôn Cổ Tích, Lâm Thao, Vĩnh Phú, có cuộc thi diều sáo. Đây là những chiếc diều thật lớn, bề ngang có khi tới sải rưỡi tay và có mang một hoặc nhiều chiếc sáo.

Khung diều làm bằng cật tre, giấy phất vào diều bằng gậy. Diều thả bằng dây mây hoặc dây thép nhỏ. Sáo diều có 3 loại chính phân theo tiếng kêu: sáo cồng, tiếng kêu vang như tiếng cồng thu quân; sáo đẩu, tiếng kêu rên rỉ như lời than; sáo còi, tiếng kêu the thé như tiếng còi.

Thi diều sáo, Ban giám khảo có thể chấm theo tiếng sáo, nhưng trước tiên bao giờ cũng phải xem diều có lên bổng, dây diều căng hay võng, nhất là lúc ở trên không diều có lắc lư đảo ngang đảo dọc hay không.

Thi dưa hấu

Làng Thổ Tang, Vĩnh Tường, Vĩnh Phú, có tục thi dưa hấu. Vào khoảng thượng tuần tháng Ba âm lịch hàng năm, hội đồng kỳ mục họp với các bô lão để quyết định ngày hái dưa, gọi là ngày xuống đồng, thường là ngày 25 tháng Ba.

Từ 5 giờ sáng ngày xuống đồng, trống, mõ và tù và báo hiệu khắp làng. Nghe báo hiệu, các gia đình mới ra ruộng hái dưa. Nếu ai tự hái dưa trước sẽ bị phạt rất nặng, nếu là chủ ruộng, làng phạt tiền, còn nếu là kẻ trộm, làng sẽ cùm ngay trước sân đình. Dưa hái xong, các chủ điền đích thân chọn những quả dưa già, to đen ra trình làng. Tại đây Hội đồng giám khảo sẽ xét dưa theo các tiêu chuẩn: giống tốt, đẹp mã, già, đầy đặn, bổ ra đỏ tươi hoặc vàng lại nhiều cát. Có hai đợt chấm thi dưa: đợt một, chọn những quả dưa đẹp, dưa già, đầy đặn; đợt hai, đưa dưa lên cân. Dưa được xếp hạng nhất và hạng hai.

Dưa hạng nhất được rửa sạch cúng thần ở đình, tên chủ dưa được loan truyền cho dân làng rõ. Dân làng tin rằng, chủ điền nào có dưa được chọn cúng thần, ngoài vinh dự ra, cả năm đó sẽ làm ăn thịnh đạt.

Thi đồ xôi và thổi cơm

Đây là một trong những môn thi để tuyển nữ quan ở thôn Hạc Đỉnh, Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Cuộc thi bắt đầu từ sáng tinh mơ ngày giáp tết. Hàng năm dân làng phải tuyển 48 (trong số hàng trăm) trinh nữ cho hội đền Mã Cương.

Sau tiếng trống lệnh, mỗi nữ thí sinh xuống một thuyền thúng trên đầm Giang Đình, mang theo kiềng, nồi chõ, gạo nếp, gạo tẻ cùng rơm ướt và bã mía tươi. Các cô chèo thuyền ra giữa đầm, chuẩn bị bếp, vo gạo để chờ lệnh bắt đầu cuộc thi. Sau tiếng trống lệnh mới được nhóm lửa, các cô thổi cơm hay đồ xôi trước tuỳ ý, miễn là xong sớm để chèo thuyền vào nộp cơm và xôi cho Ban giám khảo. Các cô xong trước nhưng cơm, xôi thì phải ngon, dẻo thì mới đạt điểm cao.

Khó khăn đối với các cô là ở chỗ nhóm bếp thổi lửa, phải giữ sao cho thuyền khỏi chòng chành, bếp lửa hướng ra phía gió dễ tắt. Các bà mẹ đã dạy các cô cách thức nhóm lửa bằng mồi ướt, thổi lửa mỗi khi bếp tắt, cách chọn hướng kê bếp theo chiều gió, giữ lửa cháy điều hoà, cách ước lượng thời gian. Các cô đốt những nén hương và trông theo những đoạn hương cháy để biết nồi cơm, chõ xôi đã vừa chín chưa.

Nếu gặp mưa phùn gió bấc, các cô sẽ trải qua một cuộc thi vất vả; còn nếu như mưa nặng hạt thì các cô sẽ được lên bãi Giang Đình, trổ tài dưới những mái tranh . Cuộc thi diễn ra suốt buổi sáng.

Thi khâu cắt quần áo

Ở nhiều làng xã, trong ngày hội xuân hàng năm, có cuộc thi cắt quần áo.

Mỗi thôn nữ được làng phát cho một tấm vải, rồi các cô tự cắt thành quần, áo, có khi cả quần lẫn áo, tuỳ theo số vải phát ra và lệnh của ban giám khảo. Quần áo các cô may theo một kích thước nhất định, lẽ tất nhiên các cô phải khâu tay. Trong lúc chấm thi, ban giám khảo còn chú ý đến sự đều đặn, mau thưa của mũi kim để xét vào hàng cao thấp.

Thi làm bánh

Trong việc tuyển nữ quan ở làng Hạc Đình, Hoằng Hoá, Thanh Hoá, có lệ thi làm bánh. Mỗi thí sinh phải làm vài ba thứ bánh theo sáng kiến của mình. Bánh có thể làm bằng bột gạo hoặc bột lọc và chế hoá tuỳ theo ý muốn và tài năng của các cô. Các cô lại phải đặt tên cho thứ bánh mình làm.

Thường thì công việc đặt tên này do các ông, cha đã tìm chữ đặt trước cho các con. Ví dụ bánh song phượng tề phi: hai con phượng cùng bay - chiếc bánh có thể to bằng cái mâm, bột lọc trong suốt, duy có hai con phượng hình đang bay có nhân đậu xanh làm nổi hình phượng nằm trên mâm bánh. Đại để các kiểu bánh đều mang những tên cầu kỳ, dùng các thứ hoa, các loài chim, tứ linh hoặc các điển tích để cho tên thật đẹp.

Tên đẹp mà bánh lại phải ngon mới được làng lựa chọn.

Thi làm cỗ

Trong lễ hội thôn Hạ Kì xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, Nam Hà, có tục thi làm cỗ.

Trước ngày hội, bãi trước đình được sửa san bằng phẳng làm thao trường. Trong bãi trồng một cây chuối hột cao, trên ngọn có treo một bì thóc tám. Một bên đặt một cối xay thóc, một bên đặt một cối xay gỗ có lỗ suốt luồn cây mây để kéo ra lửa. Một chuồng nhốt chim bồ câu, một chum lớn thả cá chạch. Trên bãi có vẽ những vòng tròn, đường kính khoảng 2m.

Đơn vị thi là hai giáp của hai thôn: thôn Tiền và thôn Hậu. Một giáp cử ông Thổ Công, một giáp cử Bà chúa Lốt. Thổ Công đội mũ võ, áo đại trào, đi hia (không mặc quần dài). Bà chúa Lốt chít khăn vuông mỏ quạ, áo cánh, mặc váy, ngồi trên thớt dưới cối xay cùn, tay nắm ngõng cối. Có bốn thanh niên lực lưỡng mang cờ quạt, khiêng chiêng trống, đàn sáo rước từ nhà ông Giáp chỉ ra trước bãi đình. ông Thổ Công công kênh Bà chúa Lốt lấy bì thóc ở ngọn chuối xuống, đổ thóc vào cối xay, xay thành gạo, chia cho hai đơn vị thổi cơm. Ông Thổ Công kéo co mạnh ở cây gỗ để lấy lửa, sau đó thả đôi chim bồ câu bay ra cánh đồng rồi đuổi bắt. Một số người thò tay vào chum bắt chạch đem về cho đơn vị làm cỗ.

Cỗ làm xong, cùng rước với hai nồi cơm vừa đi vừa thổi. Cách thổi như sau: Ba người mũ mãng, cân đai. Một người mang cây tre đực, uốn làm cần đeo nồi cơm đưa về phía trước, hai người cầm đuốc múa ở hai bên để nồi cơm sôi và cạn nước, sao cho đến khi đám rước ra đến sân đình là nồi cơm đã chín. Khi đặt mâm cỗ lên nhang án, là xới cơm cúng ngay. Giáp nào cỗ làm khéo, cơm thổi ngon là được giải.

Thi luộc gà

Nhân ngày hội xuân, hàng năm ở làng Chuông ( Hà Tây) có tục thi luộc gà. Luộc gà không chỉ đơn giản cho con gà vào nồi, đổ nước vào đun sôi là xong. Luộc làm sao để cho gà chín mà không mất chất béo, làm sao cho thịt gà ăn còn chất ngọt mà không sống. Các cô gái làng này được trau dồi về nghệ thuật luộc gà, nên con gà các cô luộc cũng vừa chín tới, không bị lòng đào, ăn vừa ngon với đủ chất béo của gà.

Thi nấu thịt, ăn thịt

Ở Thanh Uyên và Xuân Quang (Vĩnh Phú) vẫn còn đền thờ Cao Sơn Phúc thần và Quí Minh Đại Vương. Hàng năm ở đây đều mở lễ hội tế thần.

Trong lễ hội có một tục lạ là tổ chức cuộc thi vừa chạy vừa nấu, vừa ăn thịt. mỗi giáp trong làng cử ra một đội gồm chín người. Thịt lợn lột da, bốn người nắm bốn góc da lợn làm nồi, đổ nước vào, năm người kia cầm 5 bó đuốc thi nhau tiếp lửa cho nồi da nấu thịt. Các đội theo lệnh trống, hiệu cờ vừa chạy vừa nấu. Đội nào về đích mà nấu được thịt chín thì được bày lên bàn thờ tế thần Cao Quí.

Hội thi này nhắc nhở dân gian ngàn năm sau nhớ đến cuộc hành quân thần tốc của hai vị thánh anh linh của làng mình, giúp Tản Viên đánh giặc.

Thi ông đô

Làng Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phú) có tục thi ông Đô (lợn). Trong phiên chợ Thổ Tang ngày 16 tháng Chạp, người ta đưa các ông Đô ra chợ để ăn một mẻ đậu phụ và bún thoả thích. Đến gần trưa tất cả các ông Đô được tập trung vào một địa điểm. ở đây, những người chăm sóc ông Đô còn mang theo những chậu đậu phụ bà bún để "các ông" tiếp tục ăn.

Một hội đồng gồm các kỳ mục bô lão trong làng chấm thi lựa chọn theo bốn tiêu chuẩn: đẹp, nặng, lớn, chân tốt. Các ông Đô phải là loại đen tuyền, tục làng không chấp nhận lợn lang, ông Đô nào dù chỉ có một chiếc lông trắng cũng bị làng loại, khi các ông Đô đã được làng lựa chọn, các ông sẽ được đưa lên cân để xem nặng nhẹ.

Những "ông" được giải sẽ được dùng để tế các vị Thành hoàng và thần Hổ.

Thi thày

Làng Trực Chính (Nam Trực, Nam Hà) thờ Từ Đạo Hạnh tại chùa làng. Hàng năm làng mở hội từ ngày 20 đến ngày 24 tháng Giêng. Trong những ngày hội có tục thi thầy rất đặc biệt.

Các thày đạo sĩ khắp nơi, nhân ngày hội chùa làng này, kéo nhau tới để dự cuộc thi Thày bắt đầu từ ngày 20 tháng Giêng. Các Thày cùng nhau ngâm vịnh những bài văn cúng, văn tế của cổ nhân. Người nào vịnh được nhiều bài hay, lạ, có nhiều ý nghĩa, mang nhiều điển tích thì được bầu trúng giải và được thưởng cỗ bánh.

Thi thổi cơm của đàn ông

Hàng năm nhân dịp hội xuân, làng Chuông (Hà Tây) có tổ chức cuộc thi thổi cơm dành cho đàn ông.

Một loạt bếp bắc trên rìa đầm. Mỗi thí sinh ngồi trên một chiếc thuyền nan ở mé bờ bên kia, trong thuyền có đủ gạo nước, củi diêm. Sau hồi trống lệnh, tất cả các thí sinh phải bơi thuyền bằng tay. Bơi thuyền nhỏ bằng tay đối với họ không khó, cái khó là ở chỗ bơi thuyền rồi tay ướt sờ tới củi, tới diêm, làm sao nhóm được bếp. Bếp bắc ở giữa trời, khi có gió rất gay. Bếp trên bờ, người dưới thuyền, vừa giữ cho lửa cháy trong bếp, lại vừa giữ cho thuyền khỏi chòng chành, đâu phải dễ. Có chàng trai mải thổi lửa, thuyền mất thăng bằng, bị lật úp. Trong trường hợp này, thổi chín được nồi cơm thật là một kỳ công.

Thi thơ

Vùng Hoa Lư, Ninh Bình, có phong cảnh nên thơ, hùng vĩ. Hàng năm, nhân ngày hội đền vua Đinh, để giữ gìn nếp xưa và khuyến khích dân chúng trên đường văn học, dân làng mở hội thi thơ, không những riêng cho dân sở tại mà còn cho tất cả những ai văn hay chữ tốt, muốn được giải và muốn lấy tiếng tăm với mọi người.

Đề thơ tuỳ ban tổ chức lựa chọn. Giải thưởng thường chỉ mấy vuông nhiễu điều, gói chè, mươi quả cau. Những người được giải hãnh diện vì thơ hơn vì giải. Hàng năm có 3 giải thưởng cho cuộc thi này, vì Ban giám khảo gồm các tay văn học nổi tiếng trong vùng. Có khi Ban tổ chức mời cả những bậc đại khoa có danh chấm giải. Ngày xưa, thường vị tuần phủ chủ tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng chấm thơ.
Những bài được giải, Ban tổ chức cho bình lên để mọi người cùng thưởng thức.

Thi thơ

Hàng năm làng Yên Đổ (Nam Hà) tổ chức cuộc thi thơ vào ngày 24 tháng Chạp, nhân phiên chợ Đồng.

Buổi sáng hôm đó, cuộc thi văn thơ đã được các bô lão trong làng tổ chức ngay tại ngôi đình cạnh chợ. Văn sĩ khắp nơi đến tụ tập ở Tưởng Đền để dự cuộc thi thơ. Các vị khoa mục làng Yên Đổ và các làng gần đó làm giám khảo. Thí sinh nào trúng giải thưỏng sẽ được hoan hô và được ban thưởng phần thưởng rất hậu. Thực là cuộc thi tao nhã và hào hứng với mục đích khuyến khích thí sinh dùi mài kinh sử, tranh khôi đoạt giáp sau này.

Sau cuộc thi, những người trúng giải được mời nếm rượu ở Tưởng Đền với các bô lão trong làng.

Thi thuyền trên sông Lô

Hàng năm vào hôm dã đám hội làng, làng Bạch Hạc (Vĩnh Phú) có cuộc thi bơi thuyền trên sông Lô.

Làng có 4 giáp, mỗi giáp có một chiếc trải (thuyền) bằng gỗ trò dài hơn 20 thước và rộng chừng thước rưỡi. Chiếc trải có năm chục bơi chèo ở hai bên. Đầu trải uốn hình đầu rồng, và đuôi trải cũng lượn khúc như đuôi rồng. Mỗi giáp phải kêu trong làng dân đinh năm chục tay chèo khoẻ mạnh, một người điều khiển đứng trên mũi trải, cầm chiếc hiệu lệnh riêng của hàng giáp, một người giữ nhịp cho các tay cầm trống đứng ở giữa trải, và một người cầm lái ngồi ở cuối.

Trải muốn bơi nhanh, cần có sự hoà nhịp của năm mươi tay. Năm mươi người này hợp sức tạo sức mạnh qua những chiếc bơi chèo để chiếc chải đi đều. Họ phải nghe nhịp trống và phải nhìn theo hiệu lệnh của người đứng mũi chịu sào. Bốn chiếc chải xuất phát ở trước cửa đình làng và bơi cho tới ngã ba sông Lô.

Tục truyền, đây là dân đinh diễn lại tích đức Thổ Lệnh đại vương tiễn đức Tản Viên khi xưa, lúc đức Tản Viên tới thăm ngài ra về. Chiếc trải về tới đình trước nhất sẽ được giải thưởng và làng sẽ mừng bánh pháo.

Thi tuyển nữ quan

Đây là một tục đặc biệt của thôn Hạc Đình, Hoằng Hoá, Thanh Hoá, tuyển lựa những trinh nữ tham dự các buổi hát lễ mừng đức Thành hoàng và lo việc cỗ bàn dâng cúng ngài. Tuy đền Mã Cương thờ Lê Phụng Hiểu ở thôn này, nhưng cuộc tuyển lựa trinh nữ cũng mở rộng cho tất cả các thôn xã có thờ ông.

Muốn dự cuộc tuyển lựa này, các thanh nữ không những phải là con gái, mà còn là những cô chưa hề bị mang tai tiếng về nết na, nhất là đức hạnh về phương diện trinh thục. Đối với dân chúng vùng này, được kén vào hàng trinh nữ là một điều vinh dự, bởi vậy số thiếu nữ thi tuyển rất đông. Các bà mẹ đã dạy các cô những điều cần thiết để các cô có thể thắng được cuộc thi.

Cuộc thi tuyển được tổ chức ở bãi Giang Đình. Trước bãi, một con đường thẳng tắp chạy tới đền Mã Cương. Sau bãi là đầm nước không sâu lắm, nước thường chỉ đến bụng, đây là đầm Giang Đình- trung tâm cuộc thi. Các trinh nữ phải kinh qua các cuộc thi về nữ công bếp núc và về khả năng văn nghệ.

Thi vật

Trong hội làng Mai Động (Hà Nội) có thi vật ở ngay trước bãi đình làng. Các đô vật ở các nơi kéo về dự giải rất đông. Làng treo giải vật gồm nhất, nhì, ba và nhiều giải khác.

Trong lúc vật, các đô vật cởi trần và chỉ đóng một chiếc khố cho kín hạ bộ. Cởi trần cốt để đôi bên không thể nắm áo, nắm quần nhau gây lợi thế cho mình được. Khố các đô vật phần nhiều bằng lụa, nhiều màu. Trước khi vào vật, hai đô vật lễ vọn7g vào trong đình.

Cuộc thi bắt đầu, các đô vật lên lễ đài. Sau một hồi khua chân múa tay để rình miếng nhau, họ mới xông vào ôm lấy nhau. Họ lừa nhau, dùng những miếng để vật ngửa địch thủ. Với miếng nằm bò, có tay đô vật nằm lì mặc cho địch thủ bẩy mình, rồi bất thần họ nhỏm đứng dậy để phản công.

Thường thì giải ba được vật trước, rồi đến giải nhì và sau cùng là giải nhất. Mỗi một giải vật xong, người trúng giải được làng đốt mừng một bánh pháo.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #68
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.644
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Những ngày hội đậm đà bản sắc dân tộc Chăm


Rica Nưgar - lễ hội những vũ điệu đạp lửa:

Rica Nưgar là một trong những lễ hội truyền thống của người Chăm được tổ chức vào đầu năm (lễ hội này chung cho cả người Chăm thuộc 2 đạo - Bà la môn và Bà ni). Rica Nưgar là lễ cầu xin Thần Mẹ xứ sở và các vị thần linh giúp cho người Chăm tránh được những điều xấu xa, xui xẻo trong năm cũ, cầu xin năm mới tốt lành... Rica Nưgar còn là nghi lễ chuyển mùa, có ý nghĩa đối với công việc canh tác nông nghiệp khá đặc trưng của đồng bào Chăm ở vùng đất Ninh Thuận - Bình Thuận.

Nét nổi bật nhất của lễ hội Rica Nưgar là bao giờ cũng có múa. Cả 2 ngày lễ hội Rica Nưgar là cả 2 ngày ông thầy bóng múa. Các điệu múa đều thống nhất ở chỗ đều là các điệu múa thiêng dành cho các thần của người Chăm. Các điệu múa này là múa chèo đò, múa đạp lửa, múa dâng hoa, trong đó vũ điệu múa đạp lửa là ấn tượng nhất. Trong tiếng trống, lời ca dồn dập, có rượu nồng và những lời cổ vũ, ông bóng đã nhảy múa quanh đống lửa lớn để dập tắt nó, thật là điệu nhảy cuồng nhiệt say mê.


Đặc sắc lễ hội đền tháp PôDam:

Lễ hội đến tháp Pô Dam ngày nay đang trở thành một di sản văn hóa quý giá của người Chăm ở Bình Thuận. Lễ hội tháp Pô Dam được tổ chức 1 năm hoặc 3 năm một lần vào tháng tư lịch Chăm (khoảng tháng 7 dương lịch). Đến với lễ hội này là nhiều diễn xướng nghi lễ, như đốt thần lửa, lễ cúng thần chuột, lễ múa ban ngày và ban đêm... Lễ hội tháp Pô Dam có đặc trưng là tu sĩ Bà la môn đọc kinh cúng tế, thầy kéo đàn Kanhi hát bài thánh ca, thầy vỗ và thầy bóng múa hát trong tiếng trống Ginăng, Baranưng, kèn Saranai... Lễ hội đền tháp Pô Dam ngoài việc cúng tế các vị thần có cộng với dân, với nước còn là cầu cho mưa thuận gió hòa, dân làng no ấm, mùa màng tốt tươi.


Náo nức ngày hội Katê:

Lễ hội Katê được đánh giá là di sản văn hóa đồ sộ của người Chăm. Mỗi năm một lần, cứ vào tháng 7 lịch Chăm (vào khoảng trung tuần tháng 10 dương lịch), người Chăm theo đạo Bà la môn ở vùng Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) lại náo nức đến hội Katê. Giống như Tết Nguyên Đán cổ truyền của người Kinh, lễ hội Katê là dịp để con cháu người Chăm - Bà la môn xum họp, đoàn tụ gia đình. Trên ngọn đồi Bulhla - nơi quần thể tháp Po Klaung Giray tọa lạc, luôn nườm nượp người du hội. Với những bộ trang phục truyền thống, người gánh kiệu, người bưng lễ vật hoa quả... cứ nối chân nhau lên tháp để tạ ơn thần Sioa đã cho họ cuộc sống tốt lành. Sau những nghi thức cúng tạ, người ta lại bên nhau ngâm những khúc trường ca Ariya, vỗ trống Ginăng, Baranưng, náo nức với điệu vũ áp sara... Điều đáng ghi nhận ở lễ hội Katê Chăm cho đến nay, là không có tục mê tín dị đoan, xin ăn, bói toán, đốt vàng mã.


Hoàng Hạnh
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #69
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.644
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lễ hội Oc om bóc của dân tộc Khmer


Lễ Oc om bóc, có nghĩa là lễ cúng trăng. Lễ này được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ và tạ ơn vị thần mặt trăng - vị thần trông coi mùa màng.

Trong đêm lễ, trước sân nhà hay sân chùa, người ta dựng hai cây trụ tre, bên trên gác một cây xà ngang trông tựa như một chiếc cổng có trang trí hoa lá. Dưới cổng để một mâm cúng gồm nhang đèn, chuối, bưởi... bánh kẹo. Khi ông trăng rằm vừa nhô mình chưa quá ngọn cây, mọi người ăn mặc thật đẹp, tề tụ đông đủ nơi khuôn viên chùa, nhà, hoặc nơi công cộng để làm lễ. Buổi lễ bắt đầu bằng lời cầu khấn thành kính của một cụ già trong vai trò chủ lễ. Khi một tuần hương trầm cháy hết, người già gọi các em bé lại ngồi xếp bằng thành hàng, hai tay chắp lại, sau đó người già bốc cốm bỏ vào mồm từng em, tay kia đấm nhẹ nhẹ sau lưng và hỏi những ước muốn của từng đứa trẻ. Câu trả lời của các em là điềm báo trước cho vụ mùa sau. Tiếp đó là những cuộc vui chơi múa hát, đấu võ, kéo co, hát Dù kê, hát tập thể Romvông, Lămleo...

Đến buổi chiều ngày hôm sau, hội đua ghe Ngo bắt đầu. Những chiếc ghe Ngo trang trí nhiều hình thù độc đáo, dài như con thon, hai đầu cong vút . Mỗi đội đua có từ 45 - 50 tay bơi. Các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau... đều có những đội đua ghe Ngo nổi tiếng, từng đoạt nhiều giải thưởng tổ chức hàng năm.


Lê Trung
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #70
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.644
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hội pháo đất


Chúng tôi đến Tân Liên, một xã thuộc huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng để tham dự hội thi pháo đất. Sương chưa tan, nhưng ở sân Nhà Văn hóa thôn Tiến Hải đã chật ních người, rạp căng trang trọng, cờ, phướn đủ màu.

Có đến 300 đàn ông lực lưỡng đang hì hục với những cục đất, quần xắn tới gối, tay vật đất, hay vỗ bèn bẹt. Pháo đất trông như một chiếc nia sẩy thóc của người dân Bắc Bộ, hơi dẹt như chiếc máng cho lợn ăn cám, có viền chung quanh. Công đoạn đầu tiên để làm pháo là dàn đất mỏng ra trên một tấm phản gỗ, độ dày chừng 5 cm, rồi đặt vào đó 9 chiếc nẹp tre, kiểu như chiếc nẹp cứu thương. Bộ xương tre ấy giúp cho pháo có thể nhấc lên không hổng. Tấm đất xương tre này được gọi là cái "mề" pháo, tiếp theo, pháo thủ làm đến phần "manh" - tức là thành pháo, đất cạp lên, thành một vành đai chung quanh. Pháo đất đã thành hình với chiều dài khoảng 9 tấc, chiều rộng hơn 5 tấc. Bấy giờ, bàn tay của pháo thủ sẽ vuốt cho nó bóng nhẫy, và phần tiếp giáp giữa "mề" và "manh" được làm cho mỏng dính. Sáu bảy viên đất tròn như những quả bóng bàn sẽ được chèn để cho "manh" khỏi xệ xuống. Pháo đã xong, chỉ còn chờ hiệu lệnh. Năm pháo thủ khiêng pháo vào trận. Từ tấm phản, quả pháo được 10 cánh tay lực lưỡng nhấc bổng lên và lật úp xuống. Và tất cả tản ra, chỉ còn một người nâng quả pháo. Anh xoay nửa vòng rồi quăng nó xuống nền xi-măng. Động tác thả pháo rơi xuống gọi là "gieo" pháo, pháo "ra" nghĩa là cái "manh" của nó tung ra, dài như một con trăn nằm giữa sân gạch. Bấy giờ các "thủ trượng" sẽ cầm ra một cây sào để đo chiều dài con trăn nọ. Càng dài càng tốt. Con pháo bị "tan" là khi nổ thì chiếc "manh" văng ra đứt đoạn. Quả pháo khi này không được tính điểm. Khác hẳn với loại pháo nồi là nổ tung tóe, phát tiếng kêu là chính, pháo đất Tân Liên đòi hỏi kỹ thuật siêu hạng. Từ việc phải lấy đất tốt ở bốn tầng kéo, không lẫn một tý cát nào, tới việc nhào trộn đất. Để cho dẻo, người ta trộn vào một thứ nước nhớt của cây "chè rớt", pháo có "ra" hay không, phụ thuộc vào kỹ thuật nặn và "gieo" pháo.

Người ta kể rằng trò chơi pháo đất có ở vùng này đã từ lâu lắm. Khi nữ tướng Lê Chân cưỡi voi qua đây đánh giặc, voi bị sa lầy, dân làng đổ ra đắp đất thành đường cho coi bước, đất va vào nhau nổ chan chát. Lại có tích nói rằng, để làm quân giặc sợ, quân lính của Lê Chân đã làm pháo đất đánh cho phát ra tiếng nổ. Trò Pháo đất có từ nghìn năm trước và truyền đến tận bây giờ. Pháo đo bằng "trượng", đội pháo được gọi là "dài", mỗi "dài" 10 người. Mỗi thôn thường cử từ một đến hai "dài". Để giám sát lẫn nhau, mỗi thôn đều cử ra một giám sát viên, họ là "thủ trượng", chuyên đo kết quả của đối phương. Giám sát các vị "thủ trượng" này là những "thủ trịch".

Tân Liên có bảy thôn, năm nào hội pháo đất cũng được tổ chức dăm bảy lần. Các thôn tự đứng ra tổ chức. Cứ sau dịp Quốc khánh 2-9 cho đến Tết Nguyên đán, các làng rộn ràng mở hội thi pháo đất.

Rất hiếm những sinh hoạt văn hóa dân gian còn được gìn giữ, lưu truyền một cách nguyên vẹn và tự nguyện như thế.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #71
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.644
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hội Phủ Giầy


Trong tâm thức dân gian người Việt Nam, bà Chúa Liễu đã được suy tôn là Thánh Mẫu, là một trong Tứ Bất Tử của điện thần Việt Nam. Huyền thoại về Bà được truyền tụng rộng khắp từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên vùng núi. Hơn thế nữa, những huyền thoại này gắn với di tích tôn thờ Bà ở khắp mọi nơi, mà phủ Giầy là trung tâm, gắn với các sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa, trong đó tiêu biểu nhất là hội phủ Giầy.

Phủ Giầy có tên cổ là Kẻ Giầy, từ sau khi Liễu Hạnh được sắc phong công chúa thì được gọi là Phủ. Thực ra ở phủ Giầy có một hệ thống kiến trúc liên quan tới Liễu Hạnh, đó là phủ chính, phủ Vân Cát và lăng Chúa Liễu.

Phủ chính là một kiến trúc khá qui mô, gồm ba lớp điện thờ, mặt đều quay về hướng nam, trước điện là giếng tròn và cột cờ, trên sân rộng phía trước có xây các nhà bia, nhà trống, nhà chiêng, kiến trúc kiểu bốn mái hai lớp. Chúa Liễu và hệ thống Tứ Phủ được thờ ở tòa điện trong cùng, Mẫu Thượng Thiên hóa thân thành Liễu Hạnh thờ ở trung tâm, bên trái là Mẫu Thoải, bên phải là Mẫu Địa, phía trước là Mẫu Thượng Ngàn (Nhạc Phủ).

Tại làng Vân Cát, cách không xa phủ Giầy có kiến trúc phủ Vân Cát. Phía trước đền có hồ bán nguyệt, nối với bờ bằng cầu đá, chạm trổ rất công phu. Phủ Vân có Ngũ Môn và bốn cung, trung tâm thờ Chúa Liễu, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải thờ Lý Nam Đế.

Lăng Chúc Liễu nằm gần phủ Chính, được dựng bằng đá, kiến trúc công phu và rất đẹp, độc đáo, xây dựng vào những thập kỷ của nửa đầu thế kỷ này. Trung tâm lăng là ngôi mộ hình bát giác, mộ ở thế đất cao, có bốn cửa và bậc thang lên xuống. Xung quanh mộ, còn có tường vây quanh theo kiểu lan can đá, lớp nào cũng có cửa vào ở bốn phía. Bốn góc của lớp tường vây quanh và hai trụ cửa ra vào đều chạm đá hình nụ sen (60 nụ sen) lô nhô như một hồ sen đá.

Ngoài hai phủ chính và lăng kể trên, xung quanh phủ Giầy còn có nhiều đền miếu bao quanh, như đền Khâm Sai, đền Công Đồng, đền Thượng, đền Quan, đền Đức Vua, đền Giếng, đền Cây Đa, đình Ông Khổng... Tất cả quần thể kiến trúc ấy gần như tập trung trong phạm vi xã Kim Thái, xưa là xã An Thái, thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà, cách thành phố Nam Định khoảng 15 km. Đó là vùng đồng bằng với những cánh đồng lúa bát ngát, có những ngọn núi đá thấp nằm rải rác, làng mạc trù phú, có dòng sông hiền hòa uốn khúc quanh co, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa rất nên thơ.

Người ta tin rằng Bà Chúa Liễu vốn là con gái của Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi nên bị đầy xuống trần gian, thác sinh vào nhà họ Lê. Khi cất tiếng khóc chào đời, bố mẹ đặt tên là Giáng Tiên, tới năm 18 tuổi thì gả chồng. Lấy chồng mới được ba năm thì hết hạn đầy bị gọi về trời. Nhưng vì nhớ chồng con, Ngọc Hoàng lại phải cho nàng trở về hạ giới. Lần này trở lại, nàng thích vân du khắp nơi, gặp danh sĩ Phùng Khắc Khoan và họa thơ với ông ở Lạng sơn và Hồ Tây, sau lại kết duyên với một thư sinh ở xứ Nghệ và giúp cho chồng đỗ đạt làm quan. Vừa lúc đó nàng lại có lệnh về trời. Trái lệnh vua cha, một lần nữa nàng lại giáng sinh. Lần này nàng không ở một nơi mà cùng hai thị nữ chu du thiên hạ. Thấy vùng Phố Cát là nơi phong cảnh đẹp, nàng hiển linh thành cô gái bán nước ven đường để trêu ghẹo, trừng phạt những kẻ ác, gia ân cho người hiền. Triều đình nhà Trịnh lúc đó cho là yêu quái nên đem quân, dùng pháp thuật để trừ. Hai bên đã dàn quân đánh nhau, đó là "Sùng Sơn đại chiến".

Do lập mẹo quân triều đình có cơ thắng, nhưng vừa lúc đó đức Phật ra tay, giảng hòa, cứu Liễu Hạnh. Nàng được triều đình phong thần là Nữ Hoàng Công Chúa rồi Chế Thắng Đại Vương. Từ đó Liễu Hạnh công chúa không gây kinh sợ cho mọi người, mà luôn luôn ban phát ân đức, được nhân dân tôn thờ là Thánh Mẫu.

Tháng tám giỗ Cha, tháng ba giỗ Mẹ

Đó là câu nói cửa miệng của bất cứ người Việt nào dù họ sinh sống trên quê hương hay đã tha phương nơi đất khách quê người. Trong tâm thức dân gian, vui Hùng là ông Tổ, nên "Dù ai đi ngược về xuôi nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba", còn Liễu Hạnh là Mẫu (Mẹ), Trần Hưng Đạo là Cha, cả dân tộc coi cộng đồng mình như một gia tộc, có tổ tiên, cha mẹ.

Tháng ba, vào cuối tiết xuân, những người nông dân đang buổi nông nhàn, rủ nhau mở mùa trảy hội. Từ muôn nơi người ta đổ về phủ Giầy, nơi có phong cảnh non nước tươi đẹp, công trình đền miếu nguy nga, nơi con người có thể cầu mong Mẫu mang lại những điều tốt lành, may mắn, tài lộc. Trong mười ngày hội phủ, người về dự tính tới hàng vạn, đứng trên non Gôi nhìn xuống, dòng người trảy hội rực rỡ áo quần, từ muôn ngả đổ về, trườn đi từ từ như con rồng uốn khúc trên thảm lúa xanh non đang thì con gái.

Xưa kia, hội phủ kéo dài trong mười ngày bắt đầu từ 30 tháng hai. Ngày đầu hội là nghi thức cúng tế, ngày cuối hội rước Thánh Mẫu, ngoài ra còn có các trò vui chơi dân dã khúc. 30 tháng hai và mồng một tháng ba là ngày dành cho dân làng tế kỵ, từ ngày mồng ba trở đi là ngày quốc tế, ngày tế của các quan chức hàng tỉnh, hàng huyện. Xưa, quan tổng đốc hàng tỉnh vào làm chủ tế, rồi đến quan tri huyện cùng với chánh, phó tổng cũng vào chủ tế hàng huyện và hàng tổng. Nghi thức tế lễ cũng giống như nhiều cuộc khác, có các tuần dâng hương, dâng hoa, dâng rượu...

Tiêu biểu nhất trong hội phủ Giầy là nghi lễ rước Thánh Mẫu từ phủ Chính lên chùa Gôi vào ngày mồng 6 và hội kéo chữ vào ngày mồng 7. Kiệu rước bát nhang Thánh Mẫu phần lớn do các bà, các cô đảm nhận, y phục rực rỡ, xúm xít dưới kiệu vàng, võng điều, cờ quạt, tán, lọng, phướn đủ màu rực rỡ tung bay trước gió lồng lộng vào tiết cuối xuân, đầu hè. Theo đoàn rước còn có đội nhã nhạc, bát âm. Các cô gái đồng trinh của đồng quê được cử vào khiêng long đình, rước võng, khiêng kiệu, che tán, che quạt, các bà trung niên thì cầm phướn, vác cờ, dẹp đường. Đoàn rước tiến bước giữa tiếng loa thét, rừng cờ phướn tung bay trong đoàn thiện nam tín nữ đi trẩy hội.

Nghi thức rước Thánh Mẫu giữa phủ thờ và chùa không phải chỉ diễn ra ở phủ Giầy, nó phản ánh thực tế có sự giao kết giữa tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian và Phật giáo. Trong huyền thoại về Chúa Liễu, trận Sùng Sơn thể hiện sự xung đột giữa Chúa Liễu và triều đình phong kiến, sau đó phải cần tới sự cứu giúp và can thiệp của đức Phật. Tương truyền, chúa Liễu sau đó đã nhận mũ áo nhà Phật, noi theo Phật, chỉ làm việc thiện ban phát ân đức. Hiện nay, trong nhiều ngôi chùa thờ Phật Việt Nam đều có điện thờ Mẫu, theo kiểu tiền Phật hậu Mẫu. Sinh hoạt tín ngưỡng Mẫu trở thành một bộ phận của sinh hoạt nhà chùa.

Ngày 7 tháng ba là ngày hội kéo chữ, nét độc đáo nhất của hội phủ Giầy. Theo lời kể của nhân dân địa phương thì sự tích hội kéo chữ như sau:

Thời hậu Lê ở thôn Đông Khê, tổng Đồng Nội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có một người kỹ nữ tài sắc tuyệt vời, đó là Phùng Thị Ngọc Đài. Sau khi lấy lẽ hết ông Quận Công Ngà, đến quận Công Hiển, Ngọc Đài trở về ở xã Bảo Ngũ, huyện Vụ Bản là nguyên quán của ông Quận Công Hiển. Năm 1623 vua Lê Thần Tông phong chức Thành Đông Vương cho chúa Trịnh Tráng, chúa ra lệnh mở tiệc ăn mừng, cho tuyển nhiều ả đào đẹp ở các địa phương tiến dẫn về Thăng Long để múa hát mua vui trong bữa tiệc.

Ngọc Đài tuy đã góa chồng, nhưng nhan sắc xinh đẹp, kiều diễm, nên lần đó nàng cũng xin đi ứng tuyển. Trước khi lên đường, nàng đến phủ Giầy quì trước bàn thờ Thánh Mẫu và cầu khẩn: "nếu lần này đi mà được vua yêu, chúa dùng thì không bao giờ quên Mẫu, xin hứa làm cái gì để ghi nhớ Mẫu mãi mãi về sau". Quả nhiên, lời cầu xin của Ngọc Đài được ứng nghiệm. Trong bữa tiệc, biết bao ca kỹ dung nhan tuyệt vời, giọng hát hay mà chúa Trịnh Tráng chỉ say đắm một mình Ngọc Đài. Sau bữa tiệc, nàng được vời vào dinh, được chúa sủng ái và phong cho chức Vương Phi.

Thời kỳ Ngọc Đài làm Vương Phi trong phủ chúa thì cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn nổ ra dữ dội hơn, chúa Trịnh ra lệnh bắt phu về Thăng Long xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố, phòng chúa Nguyễn tấn công.

Trong số phu bị bắt về Thăng Long, có những người quê ở Vụ Bản. Bà Vương Phi biết tin này nên tìm cách cứu giúp dân phu của quê hương bản quán mình, nên đã mật báo cho dân phu khi về tới Kinh chỉ mặc áo rách và ăn cháo cám mà thôi. Một hôm chúa và cung phi cùng đi thị sát dân phu, chúa thấy đám phu ngồi ăn cháo cám. Chúa hỏi mới biết là người Vụ Bản. Nhân lúc đó, Vương Phi tỏ ra buồn rầu, khiến chúa Trịnh vặn hỏi. Khi được biết dân phu đó chính là người cùng quê với Vương Phi, chúa Trịnh tức khắc ra lệnh miễn phu cho họ, cấp lương thực, quần áo về quê quán làm ăn, sinh sống. Hơn thế nữa, chúa còn cấp lương thực vải vóc cho toàn bộ dân làng Bảo Ngũ, làng Vương Phi đã ở trước khi vào cung. Ghi nhớ công đức đó, nay dân làng thờ Vương Phi là Thành Hoàng làng.

Sau khi nhận được gia ân của chúa Trịnh, Vương Phi muốn làm điều gì đó để lại ghi nhớ sự phù trợ của Thánh Mẫu nên dặn dân làng phủ Giầy là cứ sau ngày rước Mẫu từ phủ Chính lên chùa Gôi, thì dân làng đem xẻng, cuốc, mai, thuổng đến trước phủ Giầy vứt ngổn ngang xuống đất, tỏ ý nhờ linh ứng của Thánh nên dân làng không phải chịu cảnh nhọc nhằn phu phen, rồi xếp người thành hai chữ "Cung tạ".

Từ đó về sau, năm nào cũng có tục kéo chữ. Trước kia, hàng năm cứ tới ngày này mỗi tổng trong huyện Vụ Bản góp 10 phu cờ tuổi từ 20 tới 35 tới dự hội. Cả huyện có mười tổng, gộp thành 100 phu cờ. Ngoài ra còn có một số tổng khác, như Mỹ Lộc, Bình Lục, nhưng văn nhớ tục cũ, cũng góp thêm người vào cuộc hội này.

Phu cờ ăn mặc đồng phục, áo cánh vàng quần trắng, đầu đội khăn đen, có phủ dải lụa vòng ra ngoài, đi chân đất. Mỗi người còn vác một cây gậy dài bốn, năm thước, trên đầu gậy buộc một cái ngù bằng lông gà các đốt gậy đều dán vòng giấy mầu xanh, đỏ có tua. Chỉ huy toàn bộ những phu cờ là Tổng cờ.

Đoàn phu cờ hẹn tập trung tại một địa điểm nào đó, rồi lần lượt theo chỉ huy của Tổng cờ đi hàng đôi tiến vào khoảng đất rộng trước Phương Du của phủ Chính. Khoảng trưa, có lệnh Tổng cờ cho phu cờ chuẩn bị đến giờ xếp chữ (ngả chữ). Giữa tiếng trống cái, trống con gõ liên hồi rộn rã, theo cờ lệnh trong tay Tổng cờ, các phu cờ tiến lùi đứng lên, ngồi xuống thành hình chữ. Khi ngồi xuống, các phu cờ vứt gậy xuống đất, như mô phỏng lại tục vứt cuốc xẻng xưa của dân phu trước đền Thánh Mẫu. Việc xếp chữ gì do những người tổ chức hội hàng năm qui định, nhưng thường là "Mẫu Nghi Thiên Hạ" (Đức mẹ của muôn dân), "Thiên hạ thái bình", "Thạch cập sinh dân" (1938), "Vân hành vũ thi" (1939).

Nói tới hội phủ Giầy ngày giỗ Thánh Mẫu không thể không nói tới hình thức hát văn và hầu đồng. Đây là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hóa tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu. Xưa, trong những dịp này, trong và ngoài đền phủ Chính, phủ Vân Cát, người ta tổ chức hát văn chầu và cùng với nó là lên đồng. Đây là hình thức diễn xướng tổng hợp giữa âm nhạc, hát, thờ cúng, nhảy múa. Ban văn chuyên tấu nhạc và hát văn chầu theo làn điệu và bài bản riêng, sao cho phù hợp, ăn khớp với người lên đồng. Hát văn có làn điệu riêng, độc đáo, nhưng trong đó cũng thu hút nhiều hình thức dân ca khác, như ca trù, trống quân, quan họ, cải lương... Người lên đồng để cho hồn các thần linh của tín ngưỡng Tứ Phủ nhập vào thân xác mình, rồi làm các nghi lễ trước bàn thờ, ăn mặc, nhảy múa, phán truyền theo tư cách và địa vị của thần linh ấy. Đó là các vị thần thuộc hàng các Thánh Mẫu, Quan lớn, các Chầu, các ông Hoàng, các Cô, Cậu... Xưa kia, trong các ngày hội hình thức lên đồng bị lợi dụng, mang nặng tính mê tín, buôn thần, bán thánh, nên ngày nay bị chính quyền đia phương hạn chế nhiều.

Trong những ngày hội, nhân dân còn tổ chức nhiều hình thức vui chơi khác như xem hát tuồng, hát chèo, trống quân, kể cả hát xẩm, ca trù, các hình thức thi đấu mang tính thượng võ, như vật, múa võ, kéo co, đánh cờ, chọi gà...

Ngoài các nghi thức tế, rước sách, kéo chữ, xem biểu diễn... hội phủ Giầy còn là ngày hội Chợ. Nơi đây trong ngày hội, người ta bày bán các sản phẩm của địa phương, người đi xem thường là tiện dịp mua sắm thêm vài thứ vật dụng trong ngày hội. Hội không chỉ là sự thể hiện đời sống tâm linh, thưởng thức sinh hoạt văn hóa mà còn thúc đẩy hoạt động kinh tế, thương mại.

Các mặt hàng bày bán thật đa dạng, phong phú, từ cái kim sợi chỉ, chiếc cần câu, lưới, vó, dậm, nơm để đánh bắt cá. Các loại giường, tủ, bàn, ghế sản phẩm của làng mộc La Xuyên kề cạnh, các loại giầy, dép, các loại đồ đan, áo tơi. Các mặt hàng sơn mài của phủ Giầy vốn có tiếng từ lâu, các loại gỗ khảm trai, các bức hoành phi, câu đối cũng được bán ngoài chợ trong ngày hội.

Nói tới đi hội không thể không thưởng thức các món ăn, nhất là các món đặc sản địa phương mà ở phủ Giầy nổi tiếng là món thịt bò tái, tương gừng, rất hợp vị với tiết trời tháng ba.

Vui hội như vậy, nên người nào đã trẩy hội phủ Giầy một lần là còn muốn đến nữa:

Còn trời còn nước còn non
Mồng năm rước Mẫu ta còn đi xem
Ai về nhắn chị cùng em
Bảo nhau dắt díu di xem hội này.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #72
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.644
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Pháo đất Ninh Giang


Nếu bạn có dịp tới thăm Ninh Giang (Hải Dương) vào mùa xuân, ở bất kỳ một thôn xóm nào tại đây, bạn sẽ được xem hội pháo. Không phải hội pháo với những nét đặc trưng của Hội pháo Đồng Kỵ hay Hội pháo Bình Đà nổi tiếng một thời mà là hội pháo đất đã trở thành truyền thống ở Ninh Giang mỗi dịp xuân về. Pháo ở Ninh Giang không làm bằng giấy mầu xanh đỏ với những gam thuốc nổ ghê người mà chất liệu chính của nó là đất. Tuy nhiên, không phải thứ đất nào cũng có thể làm được pháo mà phải là thứ đất gan gà, được chọn lọc và làm kỹ cả tuần lễ trước khi hội pháo diễn ra. Đất này sẽ được người ta giã nhuyễn như bột làm bánh dầy và khi vào hội, những khối đất vuông vức dẻo quánh ấy sẽ được những cô gái xinh đẹp nhất của làng gánh đến sân chơi.

Ngày hội pháo diễn ra, cả làng nô nức kéo nhau tới sân chơi và không khí lúc này đã thật sự đúng nghĩa của một ngày hội làng. Mọi người tới đây, ngoài việc vui chơi còn để thi thố tài năng làm pháo. Những người tham gia hội pháo ở đủ mọi lứa tuổi khác nhau nhưng họ đều có một điểm chung là khéo tay, khỏe mạnh và bình tĩnh. Họ sẽ tham gia thi đấu theo từng loại pháo, tùy vào trọng lượng của đất. Cái nhỏ nhất bao giờ cũng nặng 10 kg và lớn nhất là 50 kg với hình thù đặc chưng kiểu lá riềng (hình thuyền). Pháo làm xong giống như một chiếc thuyền con, vành pháo to tròn bằng lốp xe đạp thồ, bản pháo là phần trong. Tuy nhiên, quyết định sự thắng thua là nghệ thuật gieo pháo. Người chơi sẽ nâng pháo lên bằng hai tay của mình, giữa tiếng reo hò, tiếng trống mõ cổ vũ dậy trời. Lúc này người chơi phải thật bình tĩnh, tính toán chính xác độ cao cũng như độ xoáy để khi gieo pháo, pháo phải rơi sao cho tất cả vành pháo cùng một lúc tiếp xúc với mặt sân. Bởi nếu không cẩn thận, pháo quá to, đất lại dẻo mềm, vành pháo sẽ bị rũ xuống. Nếu pháo ở cao quá, tiếng nổ thì to nhưng sức phá mạnh, vành pháo tung ra sẽ bị đứt đoạn. Và người thắng phải là người biết tìm điểm cao, thấp tùy theo độ dài của vành pháo để khi pháo rơi vành pháo tung dài, duỗi thẳng, không bị đứt đoạn mà lại nằm vắt lên bản pháo với tiếng nổ vừa vang, vừa ấm. Tuy nhiên, đoạt giải không chỉ nằm ở việc pháo nổ to mà còn tùy thuộc vào tổng cộng tất cả số đo chiều dài vành pháo. Chính vì thế, thắng lợi sẽ được quyết định hay không là ngay từ khâu làm đất. Chỉ cần sơ sót một chút, để một hạt sỏi nhỏ hoặc một sợi tóc lẫn trong đất pháo thì khi pháo nổ sẽ bị đứt đoạn, điểm sẽ không được tính. Bên cạnh đó, thành công còn quyết định ở cả nghệ thuật làm pháo và gieo pháo...

Khi kết thúc hội pháo, người đoạt chức vô địch - người được chơi chiếc pháo cuối cùng, còn gọi là chiếc pháo rút dây - sẽ quyết định độ dài cả dải pháo của đội mình và đội bạn. Người này thường là phải được chọn lựa rất kỹ ngay từ giải địa phương và khi ban tổ chức công bố người thắng cuộc, người vô địch sẽ được khoác lên người một chiếc áo đỏ, được mọi người công kênh, tung hô. Tiếp đó là tất cả tranh nhau xé chiếc áo đỏ thành từng mảnh, phát cho các cháu nhỏ để lấy phước, lấy lộc đầu năm mới.

Hội pháo của Ninh Giang trước đây thường được kéo dài trong suốt 3 tháng liền với phần thưởng là trâu, bò, gạo cuốn hút cả già, trẻ, gái, trai trong hàng tổng, hàng huyện. Tuy nhiên, đến bây giờ thì nghi lễ đã được rút ngắn lại, chỉ tổ chức vào các ngày chủ nhật sau Tết và phần thưởng cũng không lớn như trước nữa. Tuy nhiên, với người dân ở Ninh Giang thì mỗi khi mùa xuân đến là tất cả mọi người lại nô nức chuẩn bị cho hội pháo đất, không phải vì giải thưởng mà vì sức hấp dẫn của loại hình nghệ thuật truyền thống đã hình thành từ nghìn năm nay.

Hãy đến Ninh Giang một lần vào dịp đầu xuân để cùng tham gia hội pháo đất với người dân trong vùng, bạn sẽ thấy được ngay sức hấp dẫn của nó. Đứng trong tiếng reo hò, theo dõi cuộc chơi, bạn sẽ hiểu vì sao pháo đất - một trò chơi rất bình dân - lại được duy trì lâu đến như vậy và trở thành trò chơi cổ truyền của con người Ninh Giang.


Đào Lưu Nhân Ái
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 18:04
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,15541 seconds with 15 queries