Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 07-06-2009   #55
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.543
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Lễ thức cầu nước cổ truyền của người Việt


Với nguồn sống chính dựa vào nền nông nghiệp lúa nước, lễ thức cầu nước từ lâu đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Lễ thức này thường gắn với cư dân ở ba khu vực: cư dân ở trong đồng, cư dân ở làng bãi ven sông và cư dân ở ven biển.

Đối với cư dân trong đồng: Từ thuở xa xưa, việc sử dụng nước sông cho cày cấy ít được người Việt chú ý tới, việc xây dựng hệ thống mương phai một cách chủ động không mấy đậm nét trong ý thức của tộc Việt, có thể vì họ đã quen sử dụng nguồn nước tại chỗ, tức là nước mưa, nước dự trữ ở các ao, hồ. Bởi thế, tâm lý truyền từ đời này qua đời khác, luôn là:

Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp...

Thực tế này đã được phản ánh trong lễ cấp thủy vào giờ quy định tại một giếng nhất định trong làng. Nước thường được lấy vào lúc rạng sáng, khi chưa một ai ra múc. ở làng Bình Đà (xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Tây), người ta làm lễ tại giếng Cả, sau đó thả lễ vật xuống nước, mà bánh trôi là một trong những lễ vật quan trọng không thể thiếu. Theo giải thích của người dân địa phương, đó là sự dâng hiến lễ vật cho loài "thuồng luồng" sống trong giếng... Hiện tượng bánh trôi đem cúng (có nơi là 100 bánh, có nơi là 49 bánh) rồi thả xuống nước đã có ở nhiều lễ hội. Theo ý kiến của Phó giáo sư Trần Lâm Biền, người xưa từng nghĩ bánh trôi là một hình tượng của trứng rắn. Các con số 100 và 49 không hẳn là con số toán học mà chủ yếu để chỉ số nhiều. Một số người cho rằng, 10 và 100 là số đầy đủ, trọn vẹn theo quan niệm của văn hóa Trung Hoa, 7 là số nhiều của văn hóa Ấn Độ và Nam Á, 49 là bảy lần bảy mang ý nghĩa hằng hà sa số. Như vậy có thể tạm hiểu những con số này bắt nguồn từ mối giao lưu tự nhiên với văn hóa ấn Độ và Trung Hoa.

Có lễ hội vừa có tính chất cầu nước cho nông nghiệp, vừa có tính chất trị thủy. Như ở lễ hội làng Lệ Mật, người ta vừa làm lễ cấp thủy lại vừa diễn một nghi lễ chống lụt, thông qua trò múa rắn nhằm kể lại sự tích ông Hoàng chém rắn (l). Nhưng cũng có lễ hội chỉ mang tính chất cầu nước mà không gắn với chuyện trị thủy, như lễ hội Bình Đà hay hội làng Bối Khê với tục đất pháo. Các làng này nằm ở giữa hai dòng sông Đáy và Nhuệ nơi mà nạn lụt không khủng khiếp như ở các làng ven sông Hồng nên chống lụt không phải là mối bận tâm thường trực của người dân nơi đây.

Chúng ta còn thấy được những hình thức cầu nước khác của cư dân trong đồng, mà điển hình là những "vết chân của người khổng lồ" (theo ý kiến của cố Giáo sư Từ Chi). Đó là những ao, chuôm... ở giữa ruộng nhằm mục đích trữ nước mưa chống hạn, được tâm thức dân gian đã linh hóa thành vết chân của "ngựa Thánh Dóng" ở Gia Lâm, Sóc Sơn; vết chân của "Đức Thánh Khổng Minh Không" ở Thái Bình, Nam Định, hay vết chân "Trâu vàng" ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) qua Ninh Giang (Hải Dương), Lý Nhân (Hà Nam) mà tới tận Hà Nội.

Đối với cư dân ở ven biển: Tín ngưỡng thờ nước của cư dân ven biển không được thể hiện một cách trực tiếp trong lễ hội bằng các nghi thức múc nước, lấy nước... mà thường được biểu hiện một cách gián tiếp thông qua các trò như chọi trâu, tục đua thuyền... Hội chọi trâu ở Đồ Sơn chính là một điển hình. Việc chọn trâu rất công phu, ngoài những tiêu chuẩn như: "cổ cò, đít nhọn, lưng tôm bà, đuôi cá chai", "trường đùi, ngắn quản, vén đùi nai"... thì dứt khoát đó phải là một con trâu đen tuyền, vì theo quan niệm của cư dân ven biển, mầu đen tượng trưng cho mầu nước, vai và hông trâu phải có khoáy, những khoáy này có liên quan đến bầu trời, sấm sét và tinh tú, sừng trâu cong vừa phải trông giống mảnh lưỡi liềm. Sự lựa chọn này đã biểu hiện nhận thức của dân ven biển về mối liên quan giữa mặt trăng và thủy triều liên quan đến sự ra vào của các con thuyền đánh cá và thuyền đi xa. Hình ảnh hai con trâu chọi nhau như phản ánh sự vận động của con nước. Chọi trâu là biểu tượng của xung lực vũ trụ. Trò chọi trâu đôi khi được đẩy lên mang yếu tố tín ngưỡng, như ở làng Hiếu Giang (Đông Hà - Quảng Trị). Người dân nơi đây đã làm những đầu trâu bằng tre, rồi phết giấy phủ sơn đen, và người ta cũng tổ chức cuộc chọi trâu ở bãi ven sông trước cửa đình, nhưng đó là hai người chui vào đầu trâu mô hình rồi diễn lại những hành động chọi của trâu. Người ta tin rằng đây là một cách nhắc nhở thần linh, nhất là mặt trăng, ban phước cho con người. Có thể đặt một giả thiết là ngoài yếu tố biển, trò diễn này còn mang yếu tố nông nghiệp với ý nghĩa con trâu là đầu cơ nghiệp và ánh trăng thanh mát như mầm mống của sự sinh sôi.

Cùng với hiện tượng thờ mặt trăng gắn với nguồn nước của biển cả, đôi khi để biểu hiện cho sự vận động của nước và biểu hiện sức mạnh con người, dân ven biển hay có hội đua thuyền. Đây là hiện tượng phổ biến ở nhiều nước Đông - Nam á và hải đảo quanh vùng. Tục đua thuyền này đã nhập vào sinh hoạt Phật giáo mà hầu hết các chùa Kh'mer Nam Bộ đều có tục đua ghe ngo, hình dáng của ghe ngo rất gần gũi với chiếc thuyền đua trải của người Việt. Và nhiều nhà nghiên cứu đã đặt giả thiết: hiện tượng bơi trải đã từ biển ngược các dòng sông vào đất liền để trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của hội làng ở châu thổ Bắc Bộ, như hội bơi trải chùa Keo, chùa Bút Tháp, hội làng Đa Hòa, hội làng Đăm... đều nằm trong ý thức cầu nguồn nước và biểu hiện sức mạnh của con người.

Đối với các cư dân ở làng bãi ven sông: Những cư dân này thường làm lễ cấp thủy ở trên sông, như lễ hội của một số đình, đền có liên quan tới tín ngưỡng thờ nước nằm ở ven sông Hồng thuộc châu thổ Bắc Bộ.

Lấy một thí dụ: Đền Dày (Đan Phượng, Hà Tây) nằm ở ven đê sông Hồng, thần phả hiện còn ở đền cho biết vị thần được thờ chính là Bà Sa Lãng, được tôn là Mẫu, một vị tướng của Hai Bà Trưng. Lễ hội chính của đền diễn ra từ ngày 7 đến ngày 10-3 âm lịch. Sáng mồng 7 dân làng làm lễ cấp thủy, để lấy nước về dâng Mẫu. Rất tiếc là tục lệ cổ truyền ở đây đã bị mai một nhiều nên nghi lễ lấy nước diễn ra khá đơn giản: đoàn rước ra đến bến sông đã có hai chiếc thuyền chờ sẵn, một thuyền nước và một thuyền múa rồng, chỉ những ai có trách nhiệm mới được xuống thuyền: như những phu khiêng chóe, ông tế chủ, người múa rồng..., còn tất cả mọi người đều ở lại bờ. Ra đến giữa sông, ông chủ tế thả một vòng tròn bằng tre có đường kính khoảng gần 35 cm, vòng tròn này chỉ có cốt tre không, nước bắt buộc phải múc trong vòng tròn đó, người dân ở đây nói rằng ở trong vòng tròn này "nước đang đục mà hóa trong" và ngoài vòng tròn này thì nước vẫn ngầu đỏ bởi phù sa. Lấy được nước rồi thuyền cập bến ngay, nước được rước về đền rồi làm lễ thập bái. Ngày hôm sau, mồng 8 mới chính thức vào hội.

Hội đền Chèm (Hà Nội) hằng năm mở từ ngày 14 đến 16-4 âm lịch. Đền thờ Lý Ông Trọng (Đức Ông) và vợ là Bạch Tính Cung công chúa (Đức Bà). Lễ rước nước được tổ chức vào ngày 15 chính hội, nhưng đây chỉ là một nghi thức để chuẩn bị cho một lễ thức trọng tâm: lễ mộc dục. Người dân sở tại nói rằng, trước đây tượng Đức Ông được rước ra sông để cử hành lễ mộc dục ở trên sông. Về sau, để an toàn và đỡ nặng nhọc, làng đã cho rước nước về và lễ mộc dục được làm ngay tại đình. Cho dù lời giải thích khá rõ ràng và nghe qua có vẻ rất hợp lý, nhưng cộng với một số trò vui khác của hội như: hội thi thả chim bồ câu, thi bơi trải... lại gợi lên cho chúng tôi một số suy nghĩ khác. Chúng tôi cho rằng, đó chính là những nghi lễ xa xưa của tục cầu nước (cầu mưa và cầu tạnh), thời gian trôi đi, ý nghĩa khởi nguyên của những nghi lễ ấy mờ nhạt dần, nhưng đồng thời lại có sự bồi phủ thêm nhiều lớp ý nghĩa khác, để giờ đây nổi lên là sự ngưỡng mộ, tôn kính, biết ơn với Đức Ông. Cuộc thi bơi trải nhằm biểu hiện tinh thần thượng võ còn thi thả chim bồ câu là một thú chơi tao nhã của người dân sở tại.

Từ đền Chèm lùi xuống độ 5 km là đến Phú Thượng, người dân nơi đây sống hoàn toàn ở trong đồng, nhưng việc làm ăn trồng cấy lại ở cả ngoài đê, ở bãi bồi, nên lễ cấp thủy cũng làm ở trên sông với lệ tục được quan tâm chặt chẽ và làm náo động cả làng. Cuộc rước nước có nhiều kiệu, những thanh niên mặc áo nâu gánh chóe; đi cùng họ là hai cụ già mặc quần áo lễ, gánh lò hương. Đoàn rước trống giong cờ mở tới bờ sông, đã có một thuyền rồng chờ sẵn. Xuống thuyền chỉ có những người gánh chóe, một thầy cúng, người đánh trống và người lái thuyền, tất cả mọi người khác đều ở lại trên bờ. Khi thuyền bắt đầu rời bến thì đoàn rước cũng xuôi theo đê xuống đợi ở bến dưới. Con thuyền vượt ra đến giữa dòng lượn một vòng ngược chiều kim đồng hồ, thả vàng mã xuống sông rồi đi tiếp sang gần sát bờ bên bồi thì dừng lại thầy cúng thả xuống mặt sông một vòng tròn bằng tre được phủ một mảnh vải đỏ lên trên rồi múc nước từ trong lòng vải đó. Đây là một nghi thức còn mang nhiều dấu ấn cổ truyền của làng, nhằm linh thiêng hóa như để nguồn nước mang cả yếu tố âm dương, chứa đầy sinh lực. Lấy nước xong thuyền xuôi xuống bến dưới, lại quay một vòng ngược chiều kim đồng hồ rồi mới cập bến. Nước rước về được sử dụng làm lễ mộc dục và làm nước thờ trong cả năm.

Lễ hội ở đình Nhật Tân cũng có tục rước nước làm lễ mộc dục, nhưng đình thờ các thần rắn nên lễ cấp thủy gồm hai bước: thả bánh trôi xuống giếng làng rồi mới ra sông lấy nước.

Lễ hội ở đình Hạ (xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Tây) cũng liên quan đến dòng sông Hồng, bởi vị thần được thờ là Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân, những vị thần mà gốc tích và hành trạng luôn gắn với sông nước. Người ta tổ chức lễ cấp thủy từ hôm trước, còn hôm sau, chính hội, một cuộc rước lớn được thực hiện để kiệu các ngai thờ ra sông làm lễ tắm ngai, như nhắc lại sự tích Tiên Dung tắm trên bãi và gặp Chử Đồng Tử.

Lễ hội đền Lảnh Giang (Duy Tiên, Hà Nam) được tổ chức vào hai kỳ trong năm: từ 18 đến 25-6 và vào tháng 8 (âm lịch). Lễ cấp thủy lấy nước cúng và mộc dục được làm vào ngày 24-6. Hội tháng 8 có trọng tâm là bơi trải trên sông Hồng. Theo suy nghĩ bước đầu còn nhiều chủ quan của chúng tôi thì đền Lảnh là đền thờ nước như nhiều đền khác ở ven sông Hồng, nhưng lễ hội chính lại diễn ra vào mùa nước lên, do vậy có thể đặt giả thiết lễ hội này nhằm cầu nước xuống, cầu tạnh hơn là cầu nước về, cầu mưa.

Là một dân tộc mà nguồn sống chính dựa vào nền nông nghiệp lúa nước, ước vọng về nguồn nước đã luôn thường trực trong mỗi người dân Việt. Trong "bóng dáng" khởi nguyên về lễ hội thì lễ cấp thủy là một trong những nghi lễ chính của người Việt. Theo thời gian, nghi thức này bị nhạt nhòa dần ở các lễ hội, song nó không mất hẳn vì có thể coi đây là một nghi thức gốc gắn với việc cầu nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, mà nhờ đó được mùa màng tốt tươi. Và đến bây giờ, mở rộng ra, cầu nước đã được đồng nhất với cầu mọi nguồn hạnh phúc.


Võ Hoàng Lan


---------------------------------------------

(1) Trong tín ngưỡng Việt, người xưa coi kiếm là biểu tượng của sấm chớp, vị thần cầm kiếm chém xuống nước là chém thủy quái dâng nước làm lụt.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #56
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.543
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lễ mừng nhà mới của người Lô Lô


Ở Hà Giang hiện có khoảng 1.500 người Lô Lô, phân bổ ở các xã Lũng Cú, Sủng Là, Lũng Táo, Má Lé và thị trấn Đồng Văn.

Trong chu kỳ một năm 12 tháng, người Lô Lô có rất nhiều lễ, trong đó có lễ mừng nhà mới không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt của đồng bào.

Khi chuẩn bị xong các vật liệu xây cất nhà, người Lô Lô thường chọn một nơi đất tốt và chọn hướng cho hợp tuổi người chủ định làm nhà. Họ phải quy chiếu các tiêu chí: tiền, hậu, tả, hữu, trước hết phải tìm tổ sơn, dò long mạch theo thế đất để tìm chỗ "tụ khí tàng phong" sau đó cho bảy hạt gạo chôn xuống đấy, ba ngày sau mở ra, thấy hạt gạo nở, không bị kiến gặm và di chuyển thì nơi đó có sinh khí và làm nhà tốt.

Khi dựng cột cũng như lợp mái, người Lô Lô đều xem ngày giờ và làm lễ cầu an để trong quá trình làm nhà tránh được những bất trắc xảy ra.

Dựng cột, lợp mái xong, cũng là ngày vào nhà mới. Chủ nhà đi mời cả làng, nhất là các cụ ông, cụ bà, những người thông thái về phong tục tập quán đến mừng nhà mới, góp vui và nhờ các cụ chúc mừng lời hay ý đẹp để xin phúc, lộc, thọ... Chờ cả làng đến đông đủ, thầy cúng tuyên bố ngôi nhà đã làm xong. Một người giúp việc đi cùng thầy để địu búa, bào, đục, dao, một gói cơm, một chai rượu, một gói thịt đến từng cây cột nhà gõ rồi khấn vái cho từng cây:

Ngày xưa ông cha ta
Dùng cây mua làm cột
Dùng lá mua che mái.
Cây này là cây gì
Cây này sẽ se phiu(1)
Se phiu thật là chắc
Cây này là se đăng (2)
Se đăng chẳng hề nứt
Cây này gọi se ngò(3)
Se ngò thọ trăm tuổi
Cây Tấy này ở đâu(4)
Làm xà nhờ cây Tấy
Cây Tri mọi đỉnh núi(5)
Lõi cây cứng hơn sừng
Cột này là cây ngà(6)
Gió bão không lay nổi.
Hỡi tất cả các cây
Về cùng ăn cùng uống
Cùng sống với ông chủ
Vững như đá như núi
Không sợ bão, sợ gió
Không sợ nắng, sợ mưạ..

Gọi xong vía các cây, thầy cúng gọi chủ nhà đến để thầy giao nhà cho chủ và ca bài về sự tích ngôi nhà xưa:

Ngôi nhà xưa lâu rồi
Từ thuở có trời đất
Và có con người sinh ra
Cột nhà cắm cây mua
Mái nhà che lá mua
Cũng từ ngôi nhà đó
Cây cột to dần ra
Mái nhà rộng dần ra
Càng ngày cây càng tốt
Càng ngày mái càng rộng
Chín, mười đời sống đó
Gió bão không lay nổi
Ngôi nhà ở đâu to
Không to bằng nhà này
Ngôi nhà gọi là chắc
Gỗ cứng dồn về đây
Nhà ở chín vùng đất
Nhà ở mười phương trời
Không đâu bằng nhà đây
Chống trời có mái nhà
Đạp đất có chân cột
Nhà nào chắc bao nhiêu
Không bằng ngôi nhà nàỵ..

Lễ mừng nhà mới của người Lô Lô diễn ra đơn giản nhưng vui, đàn bà gói cơm nếp hay đấu gạo; còn đàn ông địu chum rượu đến để mừng gia chủ. Riêng ông cậu gia chủ có một mâm kèn, con lợn và một chum rượu. Rượu để uống, mâm kèn thổi cho vui, con lợn để nuôi đến lớn, nếu có việc phải mổ thật thì xin phép cậu và để phần cậu một đùi.

Cả làng ăn, uống rồi hát mừng gia chủ với những lời ca chân tình, chúc cho nhau sống hạnh phúc trong ngôi nhà mới và làm nghĩa vụ với xã hội, với đồng tộc:

Người già ngồi mâm trên
Người trẻ ngồi mâm dưới
Người trẻ uống trông lên
Người già ăn trông xuống
Hôm nay là ngày đẹp
Đêm nay là đêm tốt
Mới được ngồi ở đây
Mỗi đời vui một vẻ
Đời trước tiếp đời sau
Đều lo tới ngôi nhà.
Không dễ gì làm người
Không nhà người ta chê
Không cửa người ta cười
Đêm nay như giấc mơ
Nhà vàng hay nhà bạc
Sáng hết cả góc trời
Không thấy gió đi qua
Không nghe mưa rơi xuống
Chín đời, mười đời ở...
Đêm mừng nhà mới cũng có nhiều trò chơi như "phát sọi"(7), thổi kèn, vật tay và hát dân ca cả đêm...

Mừng nhà mới của người Lô Lô ở Hà Giang vẫn còn mang tính truyền thống của đồng tộc. Cả làng giúp sức để dựng nhà, giúp của để góp vui và động viên nhau bằng lời ca tiếng hát. Đó là biểu hiện của tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời là sợi dây liên kết ràng buộc của đồng tộc mang tính truyền thống bền vững. Đó là một tập quán tốt đẹp của dân tộc Lô Lô ở Hà Giang.


Lò Giàng Páo


---------
(1) đến (6): Tên những loại gỗ tốt (tiếng Lô Lô) để làm nhà cửa được bền chắc.
(7): Trò chơi như oẳn tù tì.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #57
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.543
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Lễ mừng nhà mới của người Sán Dìu



Người Sán Dìu với dân số không đông, trụ được ở dải đất Trung bộ không lấy gì làm màu mỡ và tạo nên những cánh đồng, đồi nương tươi tốt bốn mùa, xây dựng được buôn làng trù phú chẳng kém vùng xuôi. Đối với người Sán Dìu làm nhà mới là một sự kiện quan trọng trong cuộc đời, chẳng khác nào việc sinh đẻ, cưới xin.

Trong lễ làm nhà, việc trước tiên là chọn đất. Định chọn mảnh đất nào, người ta đến phát quang một khoảnh đất rộng chừng 1m2 rồi bỏ mấy hạt thóc ở giữa úp bát lên trên, chờ qua một đêm xem báo mộng.

Đêm hôm đó, người chủ nhà nằm mộng xem lành hay dữ. Sáng hôm sau lật bát lên xem số thóc có còn nguyên vẹn hay xê dịch. Nằm mộng mà không có điềm dữ, thóc còn nguyên thì đó là điềm tốt, nơi đó có thể dựng nhà được.

Chọn được đất rồi lại phải chọn hướng, người Sán Dìu quan niệm hướng tốt là hướng phù hợp với tuổi của chủ nhà, tránh không có núi, sông, suối hoặc lùm cây có hình thù kỳ dị án ngữ hoặc nhòm ngó vào nhà. Xem hướng nhà chủ yếu là nhờ thầy cúng hoặc thầy địa lý giúp. Nói chung người Sán Dìu tin vào thuyết phong thủy nhưng trong thực tế người ta cũng chú ý những điều kiện thuận lợi cho nhà sản xuất và sinh hoạt như: gần đồng ruộng, gần nguồn nước, bãi cỏ, rừng cây và thuận tiện đường giao thông.

Năm để dựng nhà phải là năm không xung khắc với tuổi của chủ nhân. Chọn được năm rồi, người ta phải chuẩn bị đủ nguyên vật liệu, cũng có khi được chuẩn bị trước như tre, nứa, lá, gỗ, gạch ngói... Gỗ thường lấy vào mùa thu, đầu mùa động hoặc vào những ngày không trăng để khỏi bị mọt, cây chặt làm cột, kèo phải thẳng, không lấy cây đã bị sét đánh, chết khô hoặc có dây leo quấn quanh. Sau khi chuẩn bị nguyên liệu đủ, lại phải xem ngày giờ tốt để dựng nhà. Tuyệt đối kỵ những ngày đầu tháng giêng âm lịch vì sợ sấm sét chiếm mất ngày tốt. Công việc được bắt đầu dựng nhà vào lúc nửa đêm hoặc gà gáy. Khi dựng nhà, chủ nhân không phải mời người giúp mà láng giềng tự đến giúp. Chính vì vậy mà nhiều nhà mới được hoàn tất trong thời gian rất ngắn.

Nhà làm xong thì tổ chức vào nhà mới. Chủ nhà sắp cơm rượu cúng tổ tiên rồi thiết đãi người giúp việc, anh em bà con xóm giềng, bố mẹ vợ và bà mối của chủ nhà nhất thiết phải có mặt để chúc mừng gia chủ. Lên nhà mới, chủ nhà nhờ người cao tuổi trong họ đem lửa "ống" bình vôi và một ít hạt giống ngũ cốc và hoa màu vào nhà mới được hoàn tất trong thời gian rất ngắn.

Nhà làm xong thì tổ chức vào nhà mới. Chủ nhà sắp cơm rượu cúng tổ tiên rồi thiết đãi người giúp việc, anh em bà con xóm giềng, bố mẹ vợ và bà mối của chủ nhà nhất thiết phải có mặt để chúc mừng gia chủ. Lên nhà mới, chủ nhà nhờ người cao tuổi trong họ đem lửa "ống" bình vôi và một ít hạt giống ngũ cốc và hoa màu vào nhà mới. Lửa ở bếp phải được giữ cháy liên tục trong 10 ngày.

Lễ mừng nhà mới cũng còn là dịp để trai gái tới dự, hát soong cô chúc chủ nhân làm ăn thịnh vượng, gặp nhiều may mắn.


Trần Đạo
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #58
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.543
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Mùa xuân đi trẩy hội Lim


Hội Lim là một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính chất nhân văn và trữ tình của người Kinh Bắc. Nó gắn liền với tục hát quan họ - một làn điệu dân ca nổi tiếng của kho tàng ca nhạc dân gian Việt Nam. Ai đã từng một lần đến với Hội Lim hẳn không thể nào quên những trò chơi truyền thống của ngày hội và những làn điệu dân ca mượt mà, quyến rũ.

Hội Lim được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Năm nay hội được tổ chức tại 2 xã Liên Bão, Nội Duệ và thị trấn Lim; khu trò chơi dưới chân đồi được tách xa khu vực sân khấu và đình Lim, song phần lễ hội vẫn diễn ra đúng nghi lễ truyền thống. Phần chính của lễ hội là hát quan họ. Khách đến lễ hội là để được thưởng thức tiếng hát quan họ.

Hội Lim xưa còn gọi là hội Chạ được tổ chức trên đồi Lim, xã Lũng Giang, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh (cách Hà Nội 25 km). Theo lịch sử của vùng đất này, ít nhất cũng từ 300 năm trước đây, hội Chạ đã nổi tiếng khắp xứ Kinh Bắc do sự kết hợp của 6 xã thuộc tổng Nội Duệ vây quanh núi Lim (ngày xưa toàn bộ khu vực này là một khu rừng lim nên nhân dân quanh vùng gọi là núi Lim) và hội chùa Long ẩn (chùa Lim). Trên vùng đất diễn ra hội có một ngọn đồi cao tên là Hồng Vân Sơn. Tục truyền, vào nửa đầu thế kỷ XVIII, Trấn thủ Thanh Hoá tước Liệt Trung Hầu tên là Nguyễn Đình Diễn người làng Đình Cự (Nội Duệ) đã mua nửa Hồng Vân Sơn làm nơi xây lăng mộ cho mình. Ông cúng vàng tiền cho 6 xã làm đình và hương khói thờ cúng họ Nguyễn theo lệ thờ thời hậu thần, chính vì vậy mà có lễ rước Chạ và tế Chạ của 6 xã tại lăng Nguyễn Đình Diễn bên sườn phía Bắc núi Lim.

Trên đồi Lim, nằm dưới bóng cây um tùm có một ngôi chùa cổ gọi là Hồng Ân tự (chùa Lim). Tục truyền rằng xưa có một người đàn bà tên là Mụ Ả, người Nội Duệ Nam đến tu ở đó. Bà tu đắc đạo nên có phép hô phong hoán vũ. Mỗi khi hạn hán, dân làng thường cầu bà "hóa phép" làm mưa. Do bà linh ứng nên làng Lim còn tôn bà làm Thành Hoàng. Hội Lim tổ chức vào ngày mất của bà.

Hội Lim xưa có nhiều trò vui mang đậm dấu ấn văn hoá của vùng Kinh Bắc như đánh cờ, đu, vật, bơi... và nổi tiếng như cuộc thi rước ngựa chiến, thi thổi xôi, làm cỗ gà, thi làm bánh vừng, chè đu đủ, thi dệt vải, bình thơ, xướng đối, cờ người... Và dĩ nhiên, trung tâm của ngày hội đó là hát quan họ. Hàng năm, từ mùng mười tháng Giêng đến mùng mười tháng hai âm lịch, 49 làng quan họ bên sông Đuống, sông Cầu, sông Tiêu Tương của Bắc Ninh đều mở hội. Thông thường các "liền anh, liền chị" hát "canh" ở đình, chùa hoặc trên đồi, hát trong nhà và hát trên thuyền cho khách thập phương đến dự hội thưởng thức nghệ thuật hát quan họ cổ truyền.

Hát ngoài đồi. Trên đồi Lim vào ngày hội, các liền anh, liền chị đi chơi thành từng nhóm nhỏ. Bên nam chưa có bạn tìm bên nữ mời họ xơi trầu. Nếu nữ nhận trầu tức là nhận lời hát (cũng có khi nữ mời nam). Trong khi hát với nhau, nếu thấy ăn ý về giọng hát và cách đối xử, thì họ còn hẹn nhau đến một ngày nào đó gặp lại xin kết nghĩa (quan họ nghĩa). Khi hát ngoài đồi bất kể nắng, mưa, nam đều che ô, nữ đều đội nón thúng quai thao. Họ ăn mặc quần áo theo lối ngày hội của dân vùng quan họ. Từng nhóm quan họ dạo chơi trên đồi và hát, mầu sắc của áo quần nổi bật lên trên mầu xanh cây lá, cộng với âm thanh của tiếng hát trong khung cảnh mùa xuân lấm tấm mưa phùn, vẽ nên một bức tranh thơ mộng của miền quê êm ả.

Hát trong nhà. Những nhóm quan họ khách đã được hẹn mời trước buổi sáng cứ đến thẳng hội. Phía chủ nhà, từng nhóm quan họ đã đóng góp tiền cho ông (bà) trùm, cử người chịu trách nhiệm đăng cai "làm cơm quan họ". Sáng ấy, một số người ra chùa đón khách, số khác ở nhà chuẩn bị. Gặp khách, phía chủ dẫn khách vào chùa lễ Phật, sau đó đi về nhà. Quan họ bạn vào đến cổng là hát mừng làng đầu năm mới, mừng nhà, mừng bạn. Buổi hát bắt đầu rất tự nhiên. Quan họ chủ đứng ở sân hát đón khách và mừng lại, đưa khách vào nhà cất nón (hoặc ô) rồi ngồi xuống hai giường của hai gian cạnh hay hai bên tràng kỷ ở bàn khách gian giữa, đối diện nhau hát tiếp. Hầu hết tất cả mọi việc từ mời trầu, mời nước, hỏi thăm, nói chuyện... đều bằng câu hát. Hát đến trưa, phía chủ mời khách ăn cơm (lời mời cũng hát). Buổi chiều, quan họ chủ mời khách đi xem hội và tối về lại hát tiếp.

Hát trên thuyền. Từng cặp trai gái bơi trên những chiếc thuyền thúng dưới ao, hồ hay trên dòng sông làng, hát đối đáp nhau say sưa. Trên bờ, người xem với đủ mầu sắc áo quần ngày hội, lắng nghe, bình phẩm về giọng hát, lối hát để đến lượt mình vào cuộc. Cứ như vậy, ngày hội trôi đi thật nhanh trong sự lôi cuốn của những giọng hát say đắm, lời hát thiết tha, để rồi quan họ lại bịn rịn chia tay chẳng muốn về. Người đi rồi mà "em vẫn trông theo, trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi". Người đi để lại bao nỗi nhớ nhung, quyến luyến, mong sao cho chóng đến ngày hội năm sau để "đến hẹn lại lên".

Dân xứ Kinh Bắc rất mến khách. Vào ngày hội, nhà nào cũng có vài chục chiếc bánh chưng, bánh mật, bánh xu xê xếp sẵn và những mâm cỗ đợi khách phương xa. Khách ở đây gồm cả khách quen và khách lạ. Khách quen là của ông bà, cha mẹ, bạn của con cái đi làm ăn từ mọi miền gần xa được mời về dự hội làng. Khách lạ là khách thập phương về dự hội. Bất cứ ai vào bất kỳ nhà nào cũng được mời ăn cỗ của hội làng. ở đây, nhà nào nhiều khách đến thăm, nghe hát, ăn uống, nghỉ ngơi nhà đó sẽ có nhiều tài lộc trong năm.

Hội Lim, khách xa cứ lầm tưởng chỉ có một ngày 13 tháng Giêng, song ngay từ những ngày sau Tết âm lịch, hội đã bắt đầu đông vui, nhộn nhịp. Hội Lim làm đắm say lòng người không chỉ ở lời ca, giọng hát du dương mà tình người quan họ mới đậm đà sâu thẳm, khiến ai đã một lần về Hội thì nhớ mãi khó quên.


Thái Dương
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #59
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.543
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Mùa Xuân trẩy hội hoa ban


Mùa xuân về, cái rét cắt da cắt thịt của mùa đông trở nên ngọt ngào hơn. Ánh mặt trời trải toả lên những vùng đồi núi trùng điệp và đám mây từ từ tan loãng. Đó là khi những bông hoa ban nõn nà đua nhau nở trên nền thảm xanh tươi của núi đồi Tây Bắc.

Hoa ban bắt đầu nở từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 4 Dương lịch. Vào mùa hoa nở rộ thì trên cây không còn chiếc lá nào mà chỉ còn toàn hoa là hoa. Những cánh hoa trắng nõn nà, hương thơm dịu mát, ngọt ngào, đem lại cho mọi người sự phấn khởi, tươi vui của mùa xuân mới. Rừng cây, suối nước bỗng trở nên đẹp hơn. Tiếng chim muông rộn ràng ca hát. Cảnh sắc, con người rực rỡ trong mùa hoa ban.

Đối với người Thái trắng ở Sơn La (và người Thái trắng nói chung) hoa ban là loài hoa của tình yêu - hạnh phúc, của đạo hiếu và lòng biết ơn. Bởi vậy, khi núi rừng đã ngập tràn sắc trắng của hoa ban, mọi người lại cùng nhau bước vào ngày hội chơi núi hái hoa ban.

Ngay từ sớm tinh mơ, trong các bản làng người Thái đã nghe thấy tiếng trống, chiêng vang lên rộn rã. Ánh lửa bập bùng bên trong các nhà sàn. Gia đình nào cũng đồ xôi, luộc gà, sắp cỗ trong ngày hội. Những vò rượu cần ngon nhất được bưng ra chờ thết khách. Không khí thật náo nức, rộn ràng. Các chàng trai, cô gái Thái áo quần, khăn váy chỉnh tề cùng nhau vào rừng hái hoa ban để tặng cha mẹ và người yêu của mình. Những cành hoa ban mới nở, tươi khôi chứa đựng biết bao nhiêu tâm tư, tình cảm vừa thiết tha, vừa sâu lắng của người hái hoa dành cho người được tặng hoa.

Trai gái hái hoa xong rủ nhau đem hoa ra sông cùng hát giao duyên. Chàng trai ở phía cuối thuyền, lái thuyền bằng chân và chơi đàn tính. Cô gái Thái ngồi ở mũi thuyền duyên dáng che ô bên cạnh những cành hoa ban trắng, lắng nghe tâm tư người bạn tình thổ lộ qua tiếng đàn và rồi cất tiếng hát đáp lại.

Con thuyền đuôi én chầm chậm trôi trong tiếng đàn, tiếng hát của các chàng trai, cô gái. Những âm thanh mềm mại, thiết tha âm vang giữa mùa xuân của núi rừng Tây Bắc càng làm cho cảnh thêm tình, tình thêm sắc.

Đến một quãng rừng thưa có bãi đất rộng, chàng trai cho thuyền cập bến, rồi cùng với các cô gái Thái nhập hoà vào cuộc vui trong rừng ban. Những cành ban xếp cạnh nhau trên bãi. Tiếng khèn, tiếng hát lại tiếp tục ngân vang. Khi nhịp trống xoè cất lên, mọi người nắm tay nhau bước vào điệu xoè vòng cổ truyền của người Thái, vừa múa vừa hò reo vang cả núi rừng. Mỗi lúc người đến tham gia một đông, và vòng xoè cứ rộng ra mãi.

Sau điệu xoè vòng, các cô gái Thái duyên dáng với dải lụa đỏ thắm trên vai múa điệu xoè khăn. Hết điệu xoè khăn là đến điệu xoè quạt, xoè nón, xoè đèn… luôn cuốn mọi người vào cuộc vui chung.

Tan cuộc xoè, mọi người cùng nhau về nhà trưởng bản hoặc một gia đình nào đó trong bản, ôn lại sự tích hoa ban…. Sự tích kể lại rằng, ngày xưa có một chàng trai giỏi làm nương, tài săn bắn tên là Khum. Khum đem lòng yêu nàng Ban ở bản bên vừa khéo dệt vải vừa hát tuyệt hay. Nhưng cha Ban đã ham giàu gả con gái cho con trai nhà tạo mường vốn là một tên lười nhác và bị gù lưng. Nàng Ban van xin cha mãi mà cha không đổi ý, bèn chạy sang nhà chàng Khum để cầu cứu, thật không may là lúc này chàng Khum lại đang đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy khăn piêu buộc nơi cầu thang rồi đi tìm chàng Khum. Đi mãi từ rừng này sang rừng khác, từ suối này sang suối khác mà nàng Ban vẫn chưa tìm được chàng Khum. Nàng kiệt sức ngã xuống bên một khu rừng. Chỗ nàng ngã xuống ấy mọc lên một cây hoa mang búp trắng, có 5 cánh như búp tay của người con gái. Cây hoa ấy mau chóng lan ra khắp núi rừng Tây Bắc. Dân làng gọi đó là hoa ban - loài hoa mang tên người con gái năm nào.

Còn chàng Khum, khi về tới nhà, nhìn thấy chiếc khăn piêu, biết là có chuyện chẳng lành, vội vàng sang làng bên hỏi về nàng Ban. Nghe dân bản nói nàng Ban đã bỏ đi tìm chàng, chàng vội vã vào rừng tìm. Ngày này qua ngày khác, chàng gọi nàng đến khản giọng mà không nghe thấy tiếng nàng đáp lại. Chàng Khum kiệt sức dần, ngã xuống, hoá thành con chim sống lẻ loi trong rừng, đến mùa hoa ban nở lại cất tiếng hót thiết tha như tiếng chàng gọi người yêu tha thiết thuở nào...


Thuỷ Anh
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #60
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.543
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Múa sư tử trong lễ hội của người Tày, Nùng


Trong các dịp lễ hội mừng xuân, hay Tết Trung thu, đồng bào Tày, Nùng ở Việt Bắc thường hay múa sư tử. Nó được đồng bào ưa thích vì có nhiều vũ điệu khỏe khoắn, phù hợp với tinh thần thượng võ của người miền núi.

Theo truyền thuyết, sư tử là chúa sơn lâm - Vua của các loài vật. Người Tày, Nùng tin rằng đầu năm sư tử xuất hiện là điềm lành, biểu hiện của thiên hạ thái bình. Do vậy múa sư tử sẽ xua đuổi được ma tà, diệt mọi ôn dịch làm chết gia súc, giúp chăn nuôi, làm ăn dễ dàng, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Dụng cụ dùng để múa sư tử là: Trống, thanh la, não bạt, chũm chọe, đầu sư tử. Riêng đầu sư tử có hai cái: một đầu sư tử lớn (tức sư tử mèo) và một đầu sư tử con. Chúng được trang hoàng sặc sỡ, cầu kỳ. Người ta đính những tua chỉ vàng lóng lánh dưới hàm sư tử, những quả bông ngũ sắc lên đỉnh đầu và tai. Sư tử nào đẹp trông "dữ tướng" hơn, là một điểm để uy hiếp đối phương trong thi đấu. Ngoài ra còn có thêm mặt nạ đười ươi, khỉ, vẽ rất ngộ nghĩnh, cùng các thứ võ khí: gậy, tay thước, côn, đinh ba, mã tấu, hai đôi đèn lồng lớn để biểu diễn ban đêm. Các thứ này được gìn giữ cẩn thận, dùng cho nhiều năm. Nếu trong hội múa, thấy chiếc đầu sư tử nào có băng vải đen đeo ở cổ, chứng tỏ nó đã "lão luyện" trong nghề, được các đầu sư tử khác "kính nể".

Vào hội múa sư tử, cả bản xôn xao tiếng gọi, rủ nhau đến xem. Trên bãi cỏ xanh, bà con đứng vòng trong, vòng ngoài cười nói râm ran, háo hức đón chờ. Bao giờ, tiết mục múa cũng chia làm hai phần: múa sư tử và múa võ. Đầu tiên, một võ sĩ ăn mặc giả thợ săn cầm gậy hay mã tấu cùng những người đeo mặt nạ khỉ, đười ươi, chạy vòng tròn đánh nhau với sư tử, trong bài "Săn sư tử". Tiếng trống thanh la, não bạt... vang lừng thúc giục. Người đội đầu sư tử rất khỏe, nhanh nhẹn diễn những cú "vồ mồi", uốn lượn, tránh đòn một cách tài tình, trong tiếng hò reo, cổ vũ dậy đất. Những người đi săn xông tới, bao vây, tấn công sư tử. Âm nhạc càng nổi lên dồn dập, làm điệu múa thêm cuồng nhiệt. Cuối cùng, sư tử đành chịu khuất phục và đoàn quân làm động tác trống giong, cờ mở, mang xác sư tử về ăn mừng thắng lợi. Điệu "Săn sư tử" là điệu múa hay nhất thể hiện tinh hoa của văn hóa Tày - Nùng. Tiếp đến là điệu "Sư tử đẻ con". Một người cầm đầu sư tử con, lồng vào bụng sư tử mẹ. Sư tử cái múa lặc lè, tựa mang nặng đẻ đau, sau đó, sư tử con chào đời, sư tử mẹ âu yếm săn sóc, nuôi dưỡng con, rồi hai mẹ con cùng múa thật nhịp nhàng, uyển chuyển.

Phần biểu diễn võ nghệ cũng rất sôi động hấp dẫn. Từng cặp 2-4 người đấu võ tay không hoặc múa côn, múa gậy... Những đường gậy vụt vun vút trong không khí, chiếc côn xoay tròn như chong chóng trên tay người sử dụng, làm khán giả ồ lên thích thú. Và những tiết mục xiếc, nhào lộn, nhảy bàn, trồng cây chuối, đi hai tay... được các nghệ sĩ phô diễn đẹp mắt. Hồi hộp nhất là môn "quá tua pịa" (vượt qua cửa dao). Trên chiếc bàn cắm đầy dao găm, đinh ba theo hình chiếc cửa, để hở một chỗ vừa lọt thân người, các võ sĩ thu mình gọn như một chiếc thoi, hai tay chắp vào nhau, duỗi ra đằng trước, phi thân nhảy qua cửa dao như cá vượt sóng. Múa võ cũng theo nhịp đệm vui nhộn, của những làn điệu dành riêng cho múa sư tử, gây một không khí hào hứng làm ngày xuân thêm tưng bừng náo nhiệt.

Trong tết Trung thu, các tiết mục võ được thay bằng điệu "Sư tử giỡn trăng". Chiếc vòng tròn dán giấy bạc óng ánh, to như chiếc nong (tượng trưng cho chị Hằng Nga) được mang tới. Sư tử múa lượn mềm mại lúc lên cao, lúc xuống thấp bên cạnh những dải lụa màu tung bồng bềnh như làn mây sa xuống. Dưới ánh sáng vằng vặc của đêm trăng rằm, mọi người hân hoan thưởng thức múa sư tử và phá cỗ trông trăng.

Ở hội "Lồng tồng" (Xuống đồng), tục lệ cũ quy định sư tử của hội nào đến trước là sư tử "đàn anh", sẽ làm chủ trì buổi biểu diễn. Các sư tử đến sau, trước khi múa phải đeo một miếng vải đỏ vào chân con đến trước, tự nhận mình là "đàn em". Nếu có trường hợp tranh ngôi chủ trì, Ban tổ chức buộc phải cho hai sư tử đấu với nhau. Lúc này, chính thầy dạy của hai đội đảm đương việc cầm đầu sư tử cái. Hai sư tử vờn nhau, đấu miếng từng tí một, người con nào chạm vào con kia nhiều, có những thế lừa đẹp hơn là người chiến thắng. Nhiều khi cuộc đấu rất găng, vì sự được thua liên quan đến danh dự của đôi bên. Cứ vậy, lần lượt từng sư tử trổ hết tài nghệ trước đông đảo người xem. Trò vui kéo dài đến tối và những chiếc đèn lồng được thắp lên sáng lung linh, làm đêm hội càng quyến rũ hơn bao giờ hết.

Tan hội ra về, nét mặt ai cũng ngời lên niềm vui, sau những giờ nghỉ ngơi thoải mái và hẹn gặp lại ở hội múa sư tử sang năm.


Bạch Dương
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #61
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.543
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hội Nhồi


Hội Nhồi

Làng Nhồi tức làng Hoà Đình, nằm hai bên quốc lộ 1A, sát thị xã Bắc Ninh về phía Nam. Hội chùa của làng vào ngày 7 tháng giêng ân lịch. Làng Nhồi không có nghè mà chỉ có đình. Thành Hoàng gọi là Bà Đống "trú ngụ" tại gò đất ngoài đồng, khoảng đất này ngày xưa thuộc làng Nhồị,nay thuộc làng Đống CaọVì vậy mỗi lần mở hội làng phải tổ chức lễ rước thành hoàng từ ngoài đồng về chùa tan hội lại rước ra. Lễ rước tiến hành như sau:

Tối ngày mùng 6 âm lịch, các cô gái chưa chồng trong làng ngủ bọn. Đến giờ tý nửa đêm chuông chùa thỉnh các cô từng tốp, từng tốp từ nhiều phía lặng lẽ đi đến gò đất nơi Thành Hoàng trú ngụ. Một vị thứ chỉ đã đến đó trước khấn vái, lúc này họ mới ngả kiệu ra lắp, lắp xong mời bà đống lên ngồi, rồi rước về.

Đi đầu đám rước là hai cô khiêng một cái trốngcái, một cô cầm dùi vừa đi vừa đánh theo nhịp hai, ba. Theo sau trống là hai cô khiêng chiêng và đánh theo nhịp trống. Sau đó là bốn cô khiêng kiệu, kiệu làm bằng tre, trên kiệu buộc một chiếc ghế mây có tay vịn, xung quanh ghế có buộc lá cây và gài hoa. đòn khiêng làm bằng tre dán giấy ngũ sắc. Khi chiêng chống nổi lên thì trai làng Đống chay ra giằng kiệu. Bên Đống Cao cũng đã chuẩn bị một số đòn lao, hai bên giằng co có vẻ kịch liệt rồi đem đòn lao ném nhau . Bên này ném thì bên kia bắt. Lễ tiết đấy gọi là "Lao đòn đám" đòn đám trúng vào ai tuy có bị đau nhưng ai đó cũng tin rằng năm đó mình sẽ có phúc và gặp nhiều may mắn. Các cô làng Nhồi vừa tranh nhau với trai làng Đống vừa bảo vệ cho người khiêng kiệu. Khi đoàn kiệu ra khỏi phạm vi làng Đống, thì cuộc giao tranh kết thúc.

Về tới chùa thì trời vừa dạng sáng, người ta làm lễ đưa bà Đống vào chỗ đã bố trí sẵn trong chùa. Tất cả các cô quỳ dưới phật đài. Giữa lúc đó có một tràng pháo nổ xen lẫn tiếng chiêng trống vang rộn.

Rứt tiếng chiêng một sư cụ trong chùa bước lên phía trước gõ mõ tụng kinh. vài phút sau các cô đến lễ bà Đống. Lúc này người xem giãn ra, Thềm chùa được trải chiếu, và từng bọn quan họ ngồi hát với nhau xưng tụng công đức Vua Bà và Phật.

Lúc đó các cụ ở làng lân cận khăn áo chỉnh tề đem hương, hoa đến lễ phật.Các cụ làng Nhồi chia ra thành năm, sáu nhóm ra tận cửa chùa để tiếp khách thập phương. Bên khách bưng cơi trầu và toàn bộ lễ vật cung kính tiến lên. Cụ này bắt đầu cất giọng cả toán khách cùng hát. Đối đáp một lúc giữa chủ nhà và khách bằng mấy câu, chủ mới đỡ lễ đỡ nón dẫn khách vào trong chùa lễ phật. Lễ phật xong lại ra hát.

Xẩm tối các cô gái vào lễ phật lần hai và lúc này mới chính thức vào hộị..


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #62
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.543
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lễ hội làng Nha


Làng Nha là một trong 4 làng của xã Long Biên, huyện Gia Lâm, cách cầu Chương Dương chừng 3 - 4 cây số, đi theo đê sông Hồng. Làng nằm dọc theo đê, về phía trong đê, phía ngoài đê là bãi bồi phù sa của làng. Đình làng nằm sát trong đê, nên sân trước đình hẹp nhưng hai bên đình thì rộng và dài, hội hè hàng năm thường diễn ra ở đây. Thánh được thờ tại đình làng là đức thánh Linh Lang.

Đức Thánh Linh Lang sinh ngày 13 tháng 12 năm Giáp Thìn là con trai thứ 4 của vua Lý Thánh Tông, mẹ là Hạo Nương, bà được vua Lý Thánh Tông đón về lập làm cung phi, xây dựng cung điện ở phường Thị Trại (nay là Thủ Lệ - Ba Đình - Hà Nội). Năm 12 tuổi Linh Lang đã trở thành anh hùng cứu nước. Vào năm 1076, được tin giặc Tống lợi dụng lúc vua Lý Nhân Tông (Càn Đức) mới 7 tuổi lên ngôi thay cha là Lý Thánh Tông, chúng ráo riết chuẩn bị đem quân sang xâm lược nước ta. Theo quyết định của Phụ quốc Thái uý Lý Thường Kiệt "Ngồi yên đợi giặc, không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc", Hoàng tử Hoàng Chân đã chỉ huy đội tượng binh và kỵ binh chiến đấu vô cùng dũng cảm. Trận đó, quân ta đã đánh tan đồn trú giặc Tống từ trại Hoành Sơn phía tây đến Châu Dung phía đông và chiếm một số thành do danh tướng Tô Giám trấn giữ. Đó là nơi giặc Tống chuẩn bị quân lương, vũ khí để xâm lược nước ta. Mùa xuân năm Đinh Tỵ 1077, Hoàng tử lại chỉ huy một đoàn chiến thuyền 49 chiếc từ Vạn Xuân ngược lên Kháo Túc, lợi dụng đêm tối bất ngờ đánh thẳng vào phòng tuyến phía đông của giặc Tống, đuổi chúng về tận núi Nham Điền, góp phần cùng toàn dân đập tan âm mưu xâm lược nước ta của giặc Tống do Quách Quỳ cầm đầu. Trong trận này thuyền của Hoàng Chân bị giặc bắn đá từ trên bờ sông xuống, nước ào vào khoang, thuyền chao đảo dữ dội nhưng Hoàng tử cùng các thuỷ binh vẫn hiên ngang đứng trên thuyền thản nhiên nhìn dòng sông, cảnh đó khiến bọn giặc kinh sợ. Hôm ấy là ngày 10/2. Nhận tin Hoàng tử Hoàng Chân hy sinh, vua Lý vô cùng thương xót, xuống chiếu cho dân xây đền thờ và ban phong mỹ tự Thượng đẳng Phúc thần Vạn cổ thuyết thực cho Hoàng tử. Ghi nhớ công ơn của Linh Lang, từ đấy cứ đến ngày 10/2 làng Nha làm lễ long trọng có rước nước ở sông Hồng về. Mỗi ngày một lần tế trang nghiêm, khói hương nghi ngút.

Sau nghi thức lễ là mở hội. Hội kéo dài nhiều ngày, nhiều trò vui hấp dẫn như diễn tuồng, hát chèo, hát trống quân...Trong ngày hội của làng Nha, còn nhiều trò vui khác như thi vật, đánh cờ người.

Trong cuộc đánh cờ người, người ta dọn sạch bãi cỏ xanh cạnh đình, rắc vôi bột trắng thành bàn cờ. Cắm cờ xung quanh, chăng dây để ngăn cách người đi xem không cho chạy qua chạy lại. Hai đầu bàn cờ bố trí chỗ ngồi cao và đường bệ cho tướng ông, tướng bà. Hai tướng mặc áo thụng đỏ và xanh, đội mũ trụ, có cờ đuôi nheo để phất mỗi khi ra lệnh đi quân nào, nước nào. Quân sĩ thì đội khăn xếp, áo the thâm, thắt đai đỏ có thêm kim tuyến. Quân tượng trở đi cho đến tốt ăn mặc như nhau, chỉ khác ở đai thắt và ở bên nam, bên nữ. Tướng ngồi có lọng che nhưng chỉ được dùng lọng xanh. Mỗi quân cầm biển gỗ để biết là quân gì. Khi tướng xuất quân nào thì có người dẫn quân ấy đi và có trống con đánh bên tai quân đó. Đánh một ván cờ người như vậy có khi cả ngày hoặc hai ba ngày mới phân thắng bại. Người dự thi phải đăng ký trước và cũng phải thi đấu thử trước để tuyển chọn.

Làng Nha có truyền thống đấu vật từ lâu đời. Năm nào làng cũng tổ chức đấu vật trên bãi cỏ xanh bằng phẳng được dọn sạch ở cạnh đình. Trai tráng, ai có sức khoẻ thì tham gia, không hạn chế hay phân biệt người làng này, làng khác. Trọng tài là người đã đoạt nhiều giải lớn trong các cuộc thi, nắm vững luật chơi sẽ giới thiệu cặp đấu cho mọi người xem biết và cổ vũ. Hai tay vật phải cố làm sao ôm được đối thủ nhấc bổng lên khỏi mặt đất là thắng, không nhất thiết phải vật ngửa lưng sát đất. Hội vật làng Nha thường tổ chức vào các dịp cầu đảo vì hạn hán đồng khô thiếu nước, vật vài ba ngày là chuyện thường, nếu như trời vẫn hạn hán thì lại lễ cầu và cũng vật nữa gọi là vật tái đảọ


Đông Hà

Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #63
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.543
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lễ hội Nàng Hai


Theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày thì trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên - con gái của mẹ. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân. Hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các mẹ các nàng ở dưới trần gian hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian và giúp trần gian trong công việc làm ăn để sinh sống.

Về thời gian mở hội: Hội được bắt đầu vào tháng giêng và kéo dài đến trung tuần tháng ba. Thời gian tổ chức hội Nàng Hai phụ thuộc vào thời gian đã quy định ở từng xóm từ thời xa xưa truyền lại; như ở Bản Guống đón trăng vào ngày mùng 6 tháng hai và đưa tiễn trăng vào ngày 24 tháng 3. Bản Nưa Khau đón trăng vào ngày 11 tháng 2 và đưa tiễn trăng vào ngày 22 tháng 3. Bản Ngườm Cuông đón trăng vào ngày 15 tháng 2 và đưa tiễn trăng vào ngày 21 tháng 3.

Để tổ chức hội Nàng Hai, các cụ già trong bản chọn một bà mẹ có cuộc sống gia đình hoàn thiện, hát giỏi để làm Mẹ Trăng, tiếng địa phương gọi là "Mụ cốc" và chọn lấy 12 đến 18 cô gái trẻ đóng vai nàng tiên. Trong các cô này chọn ra hai cô gái chưa chồng để đóng hai chị em trăng. Cô chị gọi là "Nàng Slở", cô em gọi là "Nàng Gường". Chọn lấy hai thiếu niên nam mang lễ đi trước mở đường cho cuộc hành trình các nàng và mẹ trăng đi lên trời.

Về trang phục: Mẹ Trăng (Mụ cốc) mặc quần áo chàm, trên đầu buộc một dẻ vải đỏ vắt chéo qua trên khăn. Khi hành lễ, đến đoạn múa lên đường, mẹ trăng tay cầm ngọn mía, trên ngọn mía có treo một túi đựng trầu nhỏ, một chiếc mù soa, và một bát nước có đặt một lá bưởi. Bát nước và ngọn mía có ý nghĩa tượng trưng cho việc tẩy uế.

Hai thiếu niên nam mặc quần áo chàm, trên đầu buộc hai dẻ vải đỏ, ngang hông buộc thắt lưng bằng vải đỏ. Đến khi Mẹ Trăng và các nàng tiên làm cuộc hành trình thì hai thiếu niên tay cầm mỗi người một cây trúc nhỏ tỉa cành, chỉ để lại mấy cành ở ngọn, trên ngọn buộc một chiếc khăn tay. Theo tiếng dân tộc hai cây trúc này gọi là cây "cụ tiến". Cây "cụ tiến" với ý nghĩa là mở đường cho Mẹ Trăng và các nàng tiên lên trời cầu các mẹ trăng xuống giúp trần gian trong các công việc làm ăn.

Hai nàng trăng, trăng chị (nàng Slở) thì mặc áo vàng, trên đầu vấn khăn có buộc một dẻ vải màu vàng chéo qua trên khăn, trăng em (nàng Gường) thì mặc áo đỏ, trên đầu buộc dẻ vải màu đỏ. Theo sau trăng chị, trăng em là sáu hoặc tám cô gái mặc áo chàm, trên đầu cô nào cũng buộc dẻ vải màu đỏ, hoặc màu vàng. Các cô này gọi là các mụ nàng đi phục vụ cho hai nàng trăng.

Trong lễ hội còn có ông Tào làm lễ cúng các thần để cho lễ hội diễn ra và kết thúc an toàn.

Khi đã chuẩn bị xong mọi thứ, dân bản dựng một cái lều ở nơi khô ráo trong bản, gọi là lều trăng, tiếng địa phương gọi là "Thiêng hai". Lều được dựng sơ sài lợp rơm, trong lều kê mấy tấm phản dùng làm chỗ ngồi cho mẹ trăng và các nàng tiên khi làm lễ. Trước lều các cô gái vào rừng hái các hoa rừng như: Bioóc Mạ, hoa cây Khảo Quang, hoa Guột, hoa Chuối... về buộc lại từng bó vắt lên sào treo trước lều trăng. Trước khi hành lễ những người đóng vai Mẹ Trăng (Mụ cốc) và các nàng đứng trước bàn thờ để ông Tào làm lễ hóa thân. Theo trình tự, mỗi người hít thở ba lần khói hương để tống khứ linh hồn của người ra để linh hồn Mẹ Trăng và các nàng tiên nhập vào. Sau lễ nhập hồn việc hành lễ đón trăng bắt dầu. Sau ngày lễ đón trăng, Mẹ Trăng và các nàng đã làm lễ nhập hồn rồi về nhà không được làm những công việc uế tạp như gánh phân, vào chuồng gia súc...

Việc hành lễ hội: Sau lễ đón trăng xuống, các đêm tiếp theo là làm lễ cúng các Mẹ Trăng. Lễ cũng làm trong mười hai đêm. Mỗi đêm cúng mời một Mẹ Trăng xuống giúp cho trần gian làm ăn. Lễ cúng được miêu tả là cuộc hành trình các nàng tiên lên trời đến các cửa của các Mẹ Trăng như cửa mẹ Lạn Ba, mẹ Khắc Cơ, mẹ Bích Lam, mẹ Bích Vân, mẹ Lưỡng Tàm, mẹ Mạ Mỳ... Theo dân gian thì mỗi mẹ phụ trách một công việc; như mẹ Khắc Cơ bảo quản giống lúa, mẹ Bích Lan thì coi giống bông, mẹ Lưỡng Tàm thì quản giống Tằm, mẹ Mạ Mỳ thì trông coi các loại sâu bọ, cầu mẹ nhốt các loại sâu bọ lại không cho nó phá hoa màu...

Hôm nay mụ, khóa lấy hoa đến cầu mùa
Cầu vụ này tốt hơn vụ cũ
...
Lạy mẹ, cho con giống lúa già năm ngoái
Mẹ cho con giống dâu trồng vườn
Lạy mẹ nhốt sâu bọ vào ống
Lạy mẹ cho con giống tôm, cá
Tháng tư, năm, mẹ hãy cho mưa ...
...

Sau khi đã cầu hết các cửa, xin các mẹ được đầy đủ các giống cây, con, các điều kiện mưa gió thuận cho việc trồng trọt, làm ăn ở trần gian thì dân bản lại tổ chức đưa tiễn các nàng trăng về trời. Lễ này được tổ chức chu đáo và là ngày hội chính thức trong năm của bản, lễ hội này thu hút nhiều người ở địa phương khác đến chơi.

Tổ chức lễ tiễn các nàng trăng về trời, dân bản lại dựng một lều trăng thứ hai ở ngoài cổng. Lễ này được tổ chức trong một ngày. Trước khi ra hành lễ đưa tiễn các nàng trăng về trời ở ngoài đồng, Mẹ Trăng và các nàng trăng phải làm lễ chia tay trong lều đón trăng ở trong bản, họ hát các bài hát chia tay và vừa đi vừa dùng tay du mạnh những cột lều để cho lều đổ, mục du lều đổ này gọi là mục "Trụ trại". Sau lễ "Trụ trại", Mẹ Trăng và các nàng trăng ra cầu thần trông coi đầu bản và cuối bản mở cửa cho Mẹ Trăng và các nàng trăng về trời.

"Lều trăng" ở giữa đồng cũng dựng sơ sài như lều trăng ở trong bản, phía trước lều có đặt các mâm cỗ, trong đó có ba mâm to, một mâm có thủ lợn, xôi, rượu, hai mâm có con gà, xôi, các mâm khác chỉ có xôi ngũ sắc. Bên cạnh các mâm có đặt những chiếc thuyền đẽo bằng gỗ, trong đó có một chiếc to, trang trí đẹp hơn. Các thuyền này tượng trưng là những con thuyền chở của cải, hoa trái của dưới dương gian đưa lên tiến cho các Mẹ Trăng lên trời. Trước cửa "lều trăng" là những hàng cọc dựng lên thành khung, mỗi khung cách nhau chừng hai mét, trên những khung đó được trải những tấm vải lợp qua, tạo thành một đường vòng quanh sân. Những khung lợp vải này gọi là "trại mùng mành". Khi hành lễ đoàn các mẹ và các nàng trăng đi qua dưới những tấm vải lợp này. Trong "lều trăng" có trên những sào hoa rừng ở trước lều, những sào hoa này được các nàng phụ đi theo hai nàng trăng khiêng từ lều đón trăng trong bản ra. Trước lều đặt một mâm hương có ba bát gạo một bát có quả trứng gà, một bát có cắm ba con én gấp bằng giấy, ba chiếc thía dùng đựng rượu và một số các loại giống hoa màu. Trong lễ tiễn trăng này, sau khi làm xong lễ đưa tiễn, múa, đưa của cải lên thuyền cho các mẹ và các nàng trăng về trời thì các nàng phụ khiêng hai sào hoa và một người già cầm chiếc thuyền to nhất đi xuống trước bản thả. Sau khi thả thuyền và đặt hoa ở bên suối, thầy Tào làm phép tách vía cho mẹ và các nàng trăng, cùng với thầy Tào, thân nhân, bạn bè của hai cô đóng vai trăng chị và trăng em, gọi hồn vía người ở trần gian nhập lại vào người để trở về người trần. Hai cô phải rũ bỏ khăn vấn trên đầu và ra khỏi chỗ làm lễ tách nhập hồn.

Từ mấy chục năm nay, do điều kiện xã hội mà lễ hội Nàng Hai của người Tày ở Cao Bằng không có điều kiện tổ chức. Năm 1996, công trình sưu tầm, nghiên cứu về lễ hội "Nàng Hai" ở Tiên Thành, Quảng Hòa của ông Đàm Hiển và Hoàng Triều Ân được Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam trao giải Ba. Văn bản sưu tầm được cho thấy: Hội Nàng Hai là lễ hội gắn liền với nền sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam và lễ hội này mang tính dân tộc sâu sắc. Thấy được ý nghĩa, vị trí của lễ hội này trong đời sống tinh thần của người nông dân miền núi, Tỉnh ủy, ủy ban, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Cao Bằng đã đồng ý cho bà con ở xã Tiên Thành tổ chức lại lễ hội này.

Lễ Hội Nàng Hai ở Tiên Thành tuy mới được khôi phục lại nhưng đã có sức cuốn hút nhiều người, nhiều lứa tuổi ở gần xa đến xem. Cái độc đáo nhất là lễ hội vừa thể hiện tín ngưỡng dân tộc, vừa phản ánh nguyện vọng của dân tộc Tày nói riêng và các dân tộc miền núi nói chung trong sự sinh tồn, trong bối cảnh nông thôn miền núi. Việc khôi phục lại lễ hội Nàng hai là gìn giữ cho dân tộc Tày một lễ hội cổ truyền mang tính văn hóa, đồng thời gìn giữ được làn điệu dân ca "lượn hai" mà lâu nay trong các làn điệu dân ca dân tộc Tày, người sưu tầm gần như đã quên lãng.


Triệu Thị Mai
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 09:48
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,15023 seconds with 15 queries