Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 12-05-2009   #46
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.542
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Khơ - Me


Văn hóa cổ truyền thường được hình thành qua một quá trình lịch sử lâu dài, mà ở đồng bằng sông Cửu Long hiện còn tồn tại những ngôi chùa KHƠ-ME cổ có từ mấy trăm năm nay đáng được gọi là di sản văn hóa dân tộc.

Đa số những chùa KHƠ-ME ở miệt đồng bằng Cửu Long tập trung những công trình kiến trúc mỹ thuật điêu khắc cổ, không những là nơi thờ tự mà còn là trung tâm giáo dục văn hóa xã hội, được mọi người chú ý tới vào những dịp Tết KHƠ-ME, lễ lộc, làm phước cúng chùa...

Thường thì ở những nơi có người KHƠ-ME sinh sống trong một khu vực độ 1.000 người thì có một chùa. Còn những vùng đông dân hơn như Trà Vinh, Sóc Trăng thì từ 2.000 đến 3.000 người mới có một chùa.

Ở ngoại ô Sóc Trăng như Sài Ca Nã (Đại Tâm), Bãi Xàu (Mỹ Xuyên), Vũng Thơm (Phú Tâm), Kế Sách, Mỹ Tú, Trường Khánh, Đại Ngải có từ 1 đến 2 chùa KHƠ-ME. Còn ngay thị xã Sóc Trăng có đến 5 ngôi chùa: Bưng Xúc, Sam Rong, Sung Đinh, Mã Tộc (Chùa Dơi) và chùa Khleang (đặc biệt được cất vào năm 1532).

Về đại thể, những chùa KHƠ-ME đều có kiến trúc giống nhau với chính diện ở trung tâm khuôn viên chùa trải dài theo hướng Đông-Tây, mái cong nóc nhọn, nhưng chi tiết trang trí ở mỗi chùa mỗi vẻ tùy theo vị Sãi cả, hay những nghệ nhân, thầy thợ với trình độ kỹ thuật ở từng thời kỳ xây cất. Nói chung, trên đầu cột giáp mái chùa thường có tượng thần "KRUD" mình người đầu chím bay lên xuống đỡ bốn mái chồng lên nahu bằng gỗ quý, lợp ngói kiểu vay rồng, có trang trí rất nhiều tượng rồng, đặc biệt rồng ở chùa KHƠ-ME đầu mảnh mai, thân loài cá, lưng có dao mác nhọn uốn cong về phía đuôi, có sừng nhọn.

Ngoài ra, còn có những hình tượng điêu khắc hình tiên nữ và chằng tinh phục sức cầu kỳ, trên chót vót nóc chùa khắc hoa những đầu người rất tinh xảo. Đã vậy, những vòng rào bao quanh khu chính diện còn có những hình đầu sư tử, hoa sen trên mỗi cột rào. Có chùa còn cho xây tháp để bảo lưu tro cốt những vị sư sãi.

Khi bước vào bên trong khu chánh điện, chúng ta sẽ chói mắt với những màu sắc sặc sỡ vẽ hình rồng rắn, hoa lá, tiên nữ, nhũ vàng chân viên hoa sen trên mỗi thân cột bằng gỗ sơn mài đen, cùng những tượng Phật bằng đồng, bằng đá trắng với những tư thế đứng, ngồi khác nhau, sự đóng góp của đồng bào KHƠ-ME trải qua bao đời này nay vẫn còn lưu giữ.

Lịch sử xây dựng một ngôi chùa KHƠ-ME từ lúc bắt đầu đến khi hoàn thành, cũng kéo dài qua nhiều đời sãi cả có thể đến vài trăm năm. Chùa KHƠ-ME không những là nơi diễn ra những sinh hoạt tôn giáo xã hội, mà còn là nơi tồn trữ, phổ biến những kinh điển giáo ly, văn hóa phẩm, văn học nghệ thuật KHƠ-ME...

Đặc biệt chùa KHƠ-ME còn là nơi để thanh niên KHƠ-ME trước khi ra đời, phải đến "tu học" để trở thành con người có tri thức, đức hạnh. Mỗi chùa cổ có ít nhất từ 10 dến 15 vị sãi, trong đó một sãi cả trụ trì và hai sãi phó cùng một ACHAR (gọi là hoàng pháp, chuyên dạy giáo lý). Sãi củng có hai bậc: một là SAMANE (từ 20 tuổi trở xuống) và hai là PIKH'U còn gọi là Tỳ khưu (từ 21 trở lên). Hai bậc tu này khác nhau ở chỗ SAMANE thọ 105 giới, còn PIKH'LI thọ 227 giới.

Đa số người KHƠ-ME theo đạo phật tiểu thừa, nên không có tín đồ là phụ nữ. Họ không ăn chay mà đi khất thực, và thờ một vị duy nhất là Đức Thích Ca.

Tóm lại, nói đến đồng bằng sông Cửu Long mà không kể những ngôi chùa KHƠ-ME là một thiếu sót, và có dịp đến Sóc Trăng các bạn đừng quên ghé tham quan chùa Khleang đã có từ 400 năm nay, được công nhận là một di tích văn hóa lịch sử vào năm 1990 tại tỉnh Hậu Giang.



Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #47
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.542
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Kim Liên


Nằm ở phía đông bắc hồ Tây, kề bên khách sạn Thắng Lợi và hàng loạt biệt thự hiện đại đang đua nhau mọc lên - chùa Kim Liên là ngôi chùa nổi tiếng từ xưa... Đất dựng chùa là nền cũ của cung Từ Hoa, thuộc trại tằm Tang. Từ Hoa là con gái vua Lý Thần Tông (1128 - 1138). Vua dựng cung Từ Hoa cho công chúa và các cung nữ ở đó để thấu hiểu thêm công việc đồng áng vất vả mà thấy rõ hơn giá trị ngôi tôn quí của mình. Đến đời Trần, trại Tằm Tang đổi thành phường Tích Liên. Dân làng dựng chùa Đống Long trên nền cung Từ Hoa cũ. Đến năm 1771, đời Lê Cảnh Hưng, chùa được tu sửa lớn và đổi tên là chùa Kim Liên. Năm 1792, đời vua Quang Trung, chùa được xây dụng lớn, về diện mạo cơ bản giống như hiện nay.

Tới thăm chùa Kim Liên, ta thầm cám ơn người xưa đã tạo nên một danh lam thắng cảnh đẹp lưu lại cho hậu thế. Chùa nằm trên một bán đảo nhỏ, hình đất như con rùa vàng. Ngay khi tới cổng chùa, khách thăm đã bị choáng ngợp bởi cổng tam quan độc đáo. Đây là một ngôi tam quan không giống bất cứ ngôi tam quan nào ở các chùa khác, toàn bộ kết cấu tam quan có mái che được đỡ từ các thân cột. Từ giữa các thân cột. Từ giữa các thân cột, những "con rường" vươn dài tạo nên bộ vì nóc đỡ mái. Bộ mái lợp ngói vảy cá nhiều tầng, ở giữa đột ngột vươn cao như bông sen tỏa nở trên mặt nước Tây Hồ mênh mang bốn mùa sóng phủ - một nét đẹp đặc sắc bất ngờ.

Bước qua tam quan, men theo con đường nhỏ bên phải, du khách tới đầu hồi gian tiền đường để lãng du về đất Phật. Nhìn từ bên hông chùa, các tầng mái nhấp nhô, những đầu đao cong vút tạo cảm giác như các lớp cung điện trùng điệp như cùng hiện về trong thoáng chốc, phô diễn tài nghệ kiến trúc của người xưa. Chùa hình chữ "tam" gồm ba nếp nhà song song với nhau, tường gạch bao quanh tới tận rìa mái, đầu hồi nhà có cửa sổ tròn với những dấu hiệu "sắc sắc không không" mang đậm ý nghĩa triết lý phật giáo. Nét kiến trúc của chùa Kim Liên gợi nhớ tới chùa Tây phương nổi tiếng.

Các pho tượng Phật được bày thành hai lớp, trên cùng là bộ Tam thế, tiếp theo là tượng A-di-đà, tượng Quan Thế Âm và tượng Đại thế chỉ ở hai bên cùng Anam, Ca diếp là hai đại đệ tử của Đức Phật. Lớp dưới là Quân âm chuẩn đề, tượng Ngọc Hoàng, dưới cùng là tòa Cửu Long. Các pho tượng đều mang phong cách điêu khắc thế kỷ XVIII - XIX, chùa có tượng Uy vương Trịnh Giang, người đã cấp tiền hưng công tu tạo chùa năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771). Chùa Kim Liên còn lưu giữ được một tấm bia cổ, nay dựng phía bên phải cổng chùa, trên bệ đá hình vuông, dù năm tháng đã làm phai mờ nhiều nét chữ nhưng còn xem được niên hiệu: Thái Hòa tam niên Âất Sửu - tức năm 1445 thời Lê Nhân Tông. Đây là tấm bia cổ nhất ở Hà Nội hiện nay.

Danh sĩ Phạm Đình Hổ đả ghi lại trong "Tang thương ngẫu lục" về cảnh đẹp chùa Kim Liên như sau: "...chùa xoay lương ra sông Nhị, hồ Tây quanh trước mắt, khói sóng man mác, trời nước một màụ..", "... phía bên trái có mấy gò nổi, tháp gạch xây ở trên, khóm trúc, cội tùng phơ phất... "

Chùa Kim Liên vẫn soi bóng trên sóng nước Hồ Tây. Bông sen vàng vẫn vươn cánh trên nền nước biếc. Ai đã tới Hà Nội, với lòng ngưỡng vọng những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống, không thể không một lần tới thăm cảnh đẹp này.

Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #48
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.542
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Sắc Tứ Kim Bảo


Tỉnh Kiên Giang có hai ngôi chùa nổi tiếng đều tên là Tam Bảo: một chùa ở Rạch Giá, một chùa ở Hà Tiên. Chùa Tam Bảo ở Rạch Giá vốn là nơi tu hành của bà Dương Thị Cán tục gọi là bà Hoặng. Bà là ân nhân đã giúp đỡ Nguyễn Ánh lúc còn bôn ba, nên sau khi vua Gia Long lên ngôi, chùa này được Vua sắc tứ để tạ ơn.

Chùa tọa lạc tại số 6 đường Thích Thiện Ân, thị xã Rạch Giá . Từ trên đường Nguyễn Trung Trực, du khách đã thấy tấm bản đề "Sắc tứ Tam Bảo Tự". Ngôi chánh điện của chùa kiến trúc theo kiểu thượng lầu hạ hiên. Ở mặt tiền bên trên hàng hiên là ngọn bảo tháp ba tầng tượng trưng Cửu phẩm Liên hoa. Chánh điện có chiều ngang 14,50m, chiều dọc 22m. Năm bao lam ở các bàn thờ được chạm trổ công phu, thếp vàng rực rỡ. Các tượng Phật Di-đà, Thích-ca và các vị Bồ-tát được bài trí trang nghiêm.

Đông lang được dùng làm phòng khách và phòng làm việc của Hòa thượng trụ trì. Tây lang và giảng đường của chùa được dùng làm Tuệ Tĩnh đường, nơi chữa bệnh miễn phí cho đồng bào.

Lịch sử chùa Sắc tứ Tam Bảo gắn liền với tên tuổi Hòa thượng Thích Trí Thiền, thế danh là Nguyễn Văn Đồng, sinh năm 1882, tịch năm 1943. Chính Ngài đã chăm lo việc trùng kiến ngôi chùa như ta thấy hiện nay vào năm 1917. Hòa thượng Trí Thiền cũng là người có công sáng lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học vào năm 1931. Hội này đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, số 149 đường Douaumont (nay là Cô Giang), Saigon. Hội xuất bản tạp chí Từ Bi Âm để truyền bá giáo lý, lập Pháp Bảo phường, thỉnh Tam Tạng Kinh làm tài liệu nghiên cứu.

Sau đó Hòa thượng Trí Thiền và sư Thiện Chiếu trở về Rạch Giá lập Phật giáo Kiêm Tế Hội, chủ trương vừa truyền bá giáo lý nhà Phật, vừa vận động tín đồ làm công tác xã hội. Sau Nam Kỳ khởi nghĩa, một số cán bộ mượn chùa Tam Bảo làm nơi chế tạc đạn, chuẩn bị nổi dậy chống Pháp. Nhưng công việc bị phát hiện, Hòa thượng Trí Thiền can đảm nhận trách nhiệm nên bị thực dân Pháp bắt đầy ra Côn Đảo và hi sinh tại đó năm 1943. Một đệ tử của Ngài là nhà sư trẻ Thiện Ân, lúc bị địch bắt, đã dũng cảm hi sinh bằng cách cho tạc đạn nổ để tiêu diệt bọn mật thám. Tấm lòng ưu dân ái quốc của các vị sư ở chùa Tam Bảo đã được Hòa thượng Thích Bổn Châu, nhắc tới trong tập thơ Việt Nam anh kiệt.

Ngày nay, chùa đặt văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang . Chùa đã được Bộ Văn Hóa ra quyết định công nhận di tích lịch sử - văn hóa vào ngày 23-3-1988.


Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #49
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.542
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Lạc Thi (Linh Quang Tự)


Chùa Lạc Thị thuộc thôn Lạc Thị, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 20 km về phía Nam, đi theo quốc lộ số 1.

Chùa Lạc Thị được xây dựng đã từ lâu và được sửa chữa lớn vào những năm 1753, 1825, 1935, 1954 và 1973. Chùa được xây trên một gò đất cao nhất trong làng. Chùa xây liền kề với đình làng, gồm tam quan và tòa tam bảo. Tam bảo hình chuôi vồ, gồm có tiền đường 3 gian, xây kiểu "tường hội bít đốc", hậu cung 2 gian.

Chùa còn giữ được nhiều hiện vật cổ như tấm bia dựng năm 1716. Các tượng Phật trong chùa có phong cách điêu khắc vào thế kỷ 19.

Chùa đã được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 9/1/1990.





Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #50
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.542
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Láng (Chiêu Thiền Tự)


Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền Tự với ý nghĩa rằng: "Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền". Ngày 7 tháng 3 âm lịch là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, trở thành ngày hội chùa Láng.

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba,
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy

Chiêu Thiền Tự nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 7km về phía Tây. Xưa kia chùa dựng trên một địa thế rất đẹp nằm giữa cánh đồng bao la, chung quanh có những cây muỗm và cây đa cổ thụ khiến cho cảnh chùa thêm u tịch. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc hiện nay là do lần trùng tu vào giữa thế kỷ XIX với vẻ cổ kính vẫn còn giữ được của một danh lam từ tám thế kỷ trước.

Nét độc đáo đầu tiên đập vào mắt du khách là cổng chùa hao hao giống kiến trúc cổng ở cung vua phủ chúa ngày xưa: đó là một hàng bốn cột hoa kiểu bằng gạch với ba mái cong thanh thoát. Ba mái này không phủ lên đỉnh cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên. Sân chùa lát gạch Bát Tràng, nối cổng chùa với cửa tam quan. Qua tam quan là một con đường rộng lát gạch, hai bên có tường hoa dẫn tới Bát giác đình, nơi ngày hội đặt tượng Thánh cho dân làng làm lễ dâng hoa. Trong cùng là chùa chính bao gồm tiền đường, tòa thiêu hương, thượng điện, hành lang, nhà tổ, tăng phòng và các gian nhà phụ.

Vẻ bề thế của quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng với không gian thoáng đãng khiến cho chùa Láng đã từng được coi là đệ nhất tùng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.



Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #51
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.542
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Liên Phái


Chùa Liên Phái hay còn gọi là chùa Liên Tôn, nằm trong ngõ Liên Phái, phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Một đặc điểm nổi bật so với các chùa ở Hà Nội là chùa Liên Phái có niên đại hơn 250 tuổi, hơn nữa, trong chùa còn có một ngôi tháp Cửu Sinh cũng có niên đại hơn 250 tuổi. Đây là ngôi tháp cổ nhất và có lai lịch rõ ràng nhất trong khu vực nội thành ở Hà Nội.

Sự tích về sư tổ ngôi tháp Cửu Sinh được kể lại như sau: Trịnh Thập sinh năm 1696, là con trai Tấn Quang Vương Trịnh Bính. Trịnh Thập lấy con gái thứ tư vua Lê Hy Tông (1676-1705) được lập phủ riêng ở phường Hồng Mai (sau đổi tên là Bạch Mai). Một lần, Trịnh Thập cho đào đất ở gò cao sau nhà để xây bể cạn thì thấy trong lòng đất có một cái ngó sen (không thấy nói là bằng chất liệu gì). Trịnh Thập cho đó là dấu hiệu của Phật và tin rằng mình có duyên với đạo Phật. Ông bèn biến phủ đệ của mình thành chùa gọi là chùa Liên Tông, gọt tóc đi tu đồng thời trở thành vị tổ thứ nhất của chùa này. Trịnh Thập mất năm 37 tuổi (1733) hài cốt được táng trong ngôi tháp xây ở giữa gò, nơi dạo trước đã đào được ngó sen.

Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 18, lúc mới xây dựng chùa có tên là Liên Hoa. Năm 1733 đổi tên là chùa Liên Tông. Đến năm 1840, vì phải kiêng tên húy vua Thiệu Trị, cho nên đổi tên chùa là chùa Liên Phái như ngày hôm nay.

Theo như tấm bia hiện còn ở trong chùa khắc vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) thì chùa được xây dựng vào năm Bảo Thái thứ 7, tức năm 1726. Chùa đã được tu bổ nhiều lần, đợt tu bổ lớn nhất là vào năm ất Mão 1855, đã tu bổ lại nhà tổ, nhà tầng, hành lang phải và trái, tô tượng Phật, v.v. hết một nghìn quan tiền công đức. Công việc này làm trong sáu năm trời mới hoàn thành. Đến năm Kỷ Tỵ 1869 lại làm thêm gác chuông, xây dựng tường bao quanh với quy mô rộng lớn. Hai bên cổng của chùa Liên Phái là hai hồ nước rộng. Ngay trước cổng là ngôi tháp Diệu Quang hình lục lăng cao mười tầng. Tiếp đến là nhà bia, có 34 tấm bia ghi lại sự tích của chùa và các lần tu bổ, trên tấm bia còn ghi tên những người đóng góp công đức tu bổ và xây dựng lại chùa. Qua sân rộng là nhà bái đường và khu tam bảo, khu thờ phật. Từ tam bảo đi qua một sân nhỏ là đến nhà tổ. Sau chùa là khu vườn tháp được xây dựng trên một gò đất cao, có chín ngôi tháp xây thành ba hàng. Hàng thứ nhất có hai ngôi tháp. Hàng thứ hai ở giữa có năm ngôi tháp gồm những ngôi tháp cao, trong đó có ngôi tháp Cửu Sinh xây bằng đá. Hàng thứ ba có hai ngôi tháp. Ngoài ra, trong chùa còn có một ngọn tháp cao chín tầng kiến trúc đẹp xây dựng vào khoảng năm 1890.

Trong chùa Liên Phái, ngoài tượng Phật còn có tượng Thượng Sĩ Lân Giác, một quả chuông có chữ "Liên Tông tục diện" (nghĩa là Liên Tông kế tục sáng ngời) nét chữ thời Lê Trung Hưng. Theo như tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 7 thì các đời sau của phái Liên Tông có: Sư Tổ thứ 2 là sư tổ Khai Sơn, sư Tổ thứ 3 là sư tổ Bảo Sơn, sư Tổ thứ 4 là sư Tổ Từ Phong...

Quy mô hiện nay của chùa hầu như không thay đổi gì mấy so với lần sửa chữa giữa thế kỷ 19. Chùa Liên Phái với tháp Cửu Sinh đã làm cho chùa có giá trị rất lớn. Chùa đã được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1962.



Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #52
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.542
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Liên Trì



Chùa Liên Trì là nơi ghi dấu chân cuối cùng của Cố Đại lão Hòa Thượng thượng Đức hạ Thiệu là Trưởng tử của Đức Hòa Thượng thượng Trí hạ Thủ. Sau những năm tháng hoằng dương Phật Pháp tại những vùng Cao Nguyên, và Ngài cũng là vị đầu tiên đem ánh sáng chân lý nhiệm mầu của Chư Phật đến những vùng xa xuôi hẻo lánh.

Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi cao cách trung tâm Thành phố Đà Lạt khoảng 4 Km về hướng Tây, diện tích Chùa khoảng một mẩu Tây gồm có Chánh điện, Tổ đường, Tăng đường và nhà Trù. Chùa thờ độc Tôn, hai bên tả hữu thờ Quán Âm, Địa Tạng, Hộ Pháp, Tiêu Diện. Phía bên tả của Chùa là tượng đài Quán Âm lộ thiên cao 3m, và kế nữa là tháp của Hòa Thượng được xây dưng năm 1993, mỗi khi hoàng hôn xuống ở trên Chùa nhìn xuống Thành phố nhấp nhô những ánh đền thấp cao khi ẩn khi hiện trong làn sương mù của xứ Cao nguyên, như đưa con người vào trong cảnh giới hư vô thực tại.

Trước năm 1948, ngọn đồi này là một ngọn đồi hoang và xung quanh chưa có người cư ngụ. Có một Tăng nhân nay chúng tôi không rõ danh tánh, đến đây và nhận thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, và ngài dựng lên một thảo am nhỏ để tu hành, nhưng một vài năm sau thì vị Tăng nhân đả di tản đến địa điểm nào mà chúng tôi cũng không được rõ. Sau khi vị Tăng nhân đó dời đi thì Thảo Am bỏ trống, và trở thành một ngọn đồi hoang phế như xưa.

Mãi đến năm 1975 đất nước không còn chiến tranh và sau bao năm hoằng hóa tại những vùng Muôn Ma Thuột, Playku. Phú Bổn. Cheo Reo. Hòa Thượng trở về ĐàLạt. Ngài nhận thấy nơi đây thích hợp cho sự tịnh tu của Ngài, cho nên Ngài quyết định dựng một thảo am nhỏ Tại trung tâm ngọn đồi này để tu hành, tên là Liên Trì Thảo Am. Sau những năm tháng Ngài cư ẩn tu tại đây, thì tứ chúng đệ tử đến tham bái ngày một đông.

Đến năm 1989, tuy là đang trong giai đoạn rất là khó khăn, nhưng Ngài và tứ chúng đệ tử đứng ra chính thức xây dựng ngôi Thảo Am thành ngôi Chùa với danh hiệu là Liên Trì Tự. Chùa được hoàn thành vào năm 1990 với một ngôi chánh điện và lễ khánh thành vào tháng 11 cùng năm. Ngày 11 tháng 10 năm 1993 Hòa Thượng viên tịch. Đại đức Thích Châu Thanh được uỷ nhiệm làm trú trì cho đến nay.

Năm 1997, Đại đức Trú trì đã khởi công xây dựng Tăng đường chiều dài 20m chiều rộng 12 m và đã hoàn thành trong năm.

Năm 1998 Đại đức đã khởi công xây dựng Tổ đường và các công trình phụ cận phía sau.



Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 13-05-2009   #53
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.542
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Linh Quang (Linh Quang Tự)



Chùa Linh Quang thuộc phường Thanh Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Tương truyền chùa được xây dựng từ khá lâu. Bia xây dựng chùa ở chính giữa có chữ "BÁT NHÃ THIÊN" có niên đại 1725, phía đuôi bia là phù điêu một quan chức ngồi khoanh chân. chùa có kiến trúc hình chữ "đinh". Tiền đường gồm 5 gian "bít đốc", có 2 trụ biểu phía trước. Thượng điện có 3 gian dọc nối với tiền đường.

Trong chùa có 25 pho tượng Phật. Nhà tổ có 3 pho đều có niên đại tạo lập đầu thế kỷ 20.

Trong những năm trước 1945, chùa là nơi liên lạc hội họp của Thanh niên cứu quốc để chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Trong kháng chiến chống Pháp, chùa là nơi niên lạc của biệt động quân thành phố, được sư cụ Đàm Thanh che giấu. Sư cụ Đàm Thanh đã được Chính phủ tặng thưởng Huân chương kháng chiến.

Chùa (và đình miếu) đã được Bộ văn hóa và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 18/1/1993.
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun

Chỉnh sửa lần cuối bởi LSB-Sun: 13-05-2009 lúc 22:24.
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 13-05-2009   #54
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.542
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Chùa Linh Sơn



Chùa Linh Sơn tọa lạc trên một ngọn đồi ở số 120, đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 2, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 700m về phía Tây Bắc. Chùa được xây dựng từ năm 1938 và khánh thành năm 1940, do công đức của thập phương bá tánh, nhất là sự đóng góp của hai Phật tử Võ Đình Dung và Nguyễn Văn Tiến.

Trên đường vào chùa, du khách đi dưới những hàng thông, bạch đàn và cây sao cao vút. Ngay trước sân chùa là tượng Bồ-tát Quan Thế Âm đứng trên một đài sen. Bên trái tòa trang viện là một bảo tháp ba tầng hình bát giác, mái ngói, cao 4m. Bên phải sân chùa, giữa đám cỏ xanh là hồ nước trong lúc nào cũng có hoa súng khoe màu và cá vàng bơi lội. Khu này còn có những cụm giả sơn và cây cảnh rất đẹp. Hai bên 12 bậc thềm dẫn vào chánh điện là cặp rồng há miệng tượng trưng cho Long thần hộ trì Phật pháp.

Chùa xây theo lối kiến trúc Á Đông, giản dị và hài hòa. Hai bên góc chùa có hai con rồng chầu mặt nguyệt ở giữa nóc. Trước tiền đường có treo nhiều cặp câu đối đượm ngát thiền vị như :

Sơn sắc đạm tùy nhân nhập viện
Tùng thanh tĩnh thính khách đàm thiền

Dịch là :

Màu núi nhạt theo người vào viện
Tiếng tùng im nghe khách bàn thiền

Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Ở giữa chính điện là tượng Phật Thích-ca bằng đồng ngồi trên tòa sen, nặng 1250kg, được đúc vào năm 1952, và được khánh thành với sự chứng minh của Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, chư vị trụ trì chùa được biết đến như sau: Hòa thượng Thích Trí Thủ (năm 1940), Hòa thượng Thích Diệu Hoằng (từ 1940 đến 1947), Hòa thượng Thích Từ Mãn (từ 1947 đến 1952), Hòa thượng Thích Bích Nguyên (từ 1952 đến 1964), Hòa thượng Thích Từ Mãn (từ 1964 về sau).

Hiện nay, Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng đặt tại chùa. Tuy chỉ mới được xây dựng trong thế kỷ XX, chùa Linh Sơn đã trở thành một danh lam của Đà Lạt nhờ cảnh đẹp và đạo vị. Hằng năm, nhất là vào mùa xuân, chùa đón nhận rất nhiều du khách và Phật tử đến thăn chùa, lễ Phật.
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun

Chỉnh sửa lần cuối bởi LSB-Sun: 13-05-2009 lúc 22:24.
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời

Tags
chùa, nam, việt


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 04:15
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,09086 seconds with 15 queries