Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 03-02-2010   #46
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Cậy người không bằng chắc ở mình

Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được.

Văn Công nước Đằng(1) hỏi thầy Mạnh Tử rằng:

- Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước lớn. Kể phận thì phải chiều cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể chiều được cả. Chiều nước Tề chăng? Chiều nước Sở chăng? Ta thực không biết nên tựa vào nước nào để cho nước ta được yên, nhờ thầy mưu tính(2) hộ cho ta.

Thầy Mạnh Tử thưa:

- Phàm việc mà cứ trông cậy vào người thì không thể chắc được. Chiều Tề thì Sở giận, chiều Sở thì Tề giận; mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách là tự giữ lấy nước, đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết(3) lòng dân, cùng dân giữ nước. Hoặc như có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết để giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết để giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà lo toan lấy việc nước. Còn chiều Tề hay Sở thì tôi không thể quyết được.


LỜI BÀN:

Người làm vua, điều cần nhất là phải giữ hết nghĩa làm vua và thương yêu giáo hoá dân. Cái chính sách giao hiếu với kẻ mạnh chỉ là cái thế phải thế, cái chính sách tự lo cho mạnh mới là toàn bằng cái lý ở mình. Vì rằng mình tự vào người, tất mình khinh mà mình phải e nể. Đã gặp cái cảnh khinh, cảnh e nể không chóng thì chầy an toàn sao cho được. Đã đành rằng, nước nhỏ phải nể nước lớn, cũng là một cách giao tế không thể thiếu được. Nhưng đây vì Văn Công chỉ chăm chăm việc thờ kẻ mạnh, nên ông Mạnh mới bảo như thế. Mà phải thật, người lãnh đạo dân đã cùng dân cùng sống chết cả dân cũng can tâm cùng sống chết cả. Thế là cả nước một lòng, cái sức mạnh vô hình ấy, hồ dễ nước nào đã dám xâm phạm. Đã được như thế có việc gì phải sợ hãi ai.

Tuy vậy, thời thế ngày nay, có phần khác xưa, nội trị dù có đầy đủ, ngoại giao càng cần phải sáng suốt khôn ngoan thì nước mới đứng vững ở trên thế giới này được.

(1) Đằng: tên một nước nhỏ thời Chiến Quốc tức là huyện Đằng tỉnh Sơn Đằng bây giờ

(2) Mưu tính: trù liệu đắn đo một việc gì rồi mới làm

(3) Cố kết: buộc chặt lại với nhau.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #47
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Khéo can được vua

Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn hiểu nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi, mà cảm hóa được quân vương.

Vua Cảnh Công nước Tề có con ngựa quý, giao cho một người chăn nuôi. Con ngựa tự nhiên một hôm lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là giết ngựa, sai ngay quân cầm dao để phanh thây người nuôi ngựa. Án Tử đang ngồi chầu thấy thế, ngăn lại hỏi vua rằng:

“Vua Nghiêu, vua Thuấn xưa phanh thây người thì bắt đầu từ đâu trước?”(1)

Cảnh Công ngơ ngác nhìn nói: “Thôi hãy buông ra, đem giam xuống ngục để rồi trị tội.”(2)

Án Tử nói rằng: “Tên phạm này chưa biết rõ tội mà phải chịu chết, thì vẫn tưởng là oan. Tôi xin vì vua kể rõ tội nó, rồi hãy hạ ngục”.(3)

Vua nói: “Phải”.

Án Tử bèn kể tội rằng: “Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất quí của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết chết một mạng người, làm cho trăm họ(4) nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm ngó, là ba tội đáng chết, ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục...”

Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than rằng: “Thôi, tha cho nó! Thôi, tha cho nó! Kẻo để ta mang tiếng bất nhân”.


LỜI BÀN:

Vua Cảnh Công thấy con ngựa yêu của mình chết mà bắt phanh thây kẻ nuôi ngựa là đang cơn tức giận, không còn hiểu nghĩa lý, pháp luật là gì nữa. Thế mà Án Tử can ngăn được là vì tuy gọi chiều lòng, kể tội người nuôi ngựa, mà kỳ thực lại gợi đến cái lòng nhân ái của Cảnh Công, làm cho Cảnh Công phải tỉnh ngộ và biết hối. Giỏi thay! Mấy lời nói dịu dàng, thảnh thơi, mà cảm hóa được quân vương.

(1) Câu này hỏi thế là có ý làm cho Cảnh Công không có lối mà trả lời. Đời Nghiêu, Thuấn chưa có tội phanh thây.

(2) Thôi hãy buông ra: Cứ theo sách Án Tử Xuân Thu thì là “Tòng quả nhân thủy” (Khởi tự ta ra), theo Hàn thi ngoại truyện thì lại là túng chi (buông ra). Đây dịch là buông ra để cho ăn nghĩa với câu trên.

(3) Đời xưa bao nhiêu tội nhân đã hạ xuống ngục tối là phải xử tử cả.

(4) Chỉ nhân dân trong nước.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #48
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hai phải

Lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được cả. Cho nên Đặng Tích mới có chốn xúi bẩy được cả đôi bên kiện tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa “hai phải” ngụy biện, rất hại cho dân gian ngu dại mà lại hay kiện tụng.

Sông Vĩ(1) nước lên to. Một nhà giàu không may có người chết đuối. Có kẻ vớt được xác.

Người nhà giàu xin chuộc, kẻ ấy đòi nhiều tiền. Người nhà giàu đem câu chuyện thưa với Đặng Tích(2).

Đặng Tích bảo:

- Cứ để yên. Nó còn bán cái xác cho ai được mà sợ?

Kẻ vớt được xác, thấy nhà kia không hỏi nữa lấy làm lo, cũng đem câu chuyện thưa với Đặng Tích. Đặng Tích bảo:

- Cứ để yên. Nó còn mua cái xác ấy của ai được mà sợ?


LỜI BÀN:

Cứ như người giảng giải việc nói trong bài này cho phải đạo lý, thì một bên, nên khuyên người nhà giàu liệu trả kẻ vớt được xác thêm ít nhiều tiền, mà lấy ngay xác về, còn một bên, nên dụ kẻ vớt được xác chớ có coi sự chẳng may của người ta làm một món bổng, mà bắt bí người ta. Giữ cái xác, không cho chuộc, chẳng những không được tiền, mà lại còn phải tội nữa. Nhưng khốn thay! Lý sự là cái nguồn bắt phải, bắt trái đều được cả. Cho nên Đặng Tích mới có chốn xúi bẩy được cả đôi bên kiện tụng lẫn nhau mà ngấm ngầm lấy lợi cho mình. Thế tức là cái chủ nghĩa “hai phải” ngụy biện, rất hại cho dân gian ngu dại mà lại hay kiện tụng. Biện bác mà không đáng lý tức là giả dối, khôn ngoan mà không đáng lý, tức là gian trá, những kẻ ấy phải trừng phạt thì mới yên dân, lợi nước được. Người trị dân tưởng phải thấu cái tình, để xét cái lý, mới là người trị dân sáng suốt vậy.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #49
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Mong làm điều phải

Mong làm điều rất phải không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật là khôn.

Nước Lỗ có người ở một mình một nhà. Bên láng giềng có người đàn bà góa cũng ở một mình một nhà.

Một đêm, mưa to, gió lớn, nhà người đàn bà đổ, người đàn bà sang xin ngủ nhờ nhà người láng giếng. Người láng giềng đóng cửa, không cho vào. Người đàn bà đứng trước cửa sổ, nói rằng:

- Ngươi sao bất nhân thế! Không cho ta vào ư?

Người láng giềng đáp:

- Ta nghe đàn ông, đàn bà sáu mươi tuổi trở lên mới ở chung được. Nay ngươi còn trẻ, mà ta cũng còn trẻ, cho nên ta không cho ngươi vào ngủ nhờ được.

Người đàn bà nói:

- Ngươi sao không làm như ông Liễu Hạ Huệ ủ người con gái ngồi vào lòng mà không tai tiếng gì?

- Ông Liễu Hạ Huệ thì thế được, ta đây thật chưa thế được. Ví ta cho ngươi vào mà ta không được như ông Liễu Hạ Huệ thì thà rằng, ta không cho ngươi vào, mà ta cũng giữ không tai tiếng gì được như ông Liễu Hạ Huệ. Thế chẳng là ta không làm theo như Liễu Hạ Huệ mà cũng được như Liễu Hạ Huệ ư?

Khổng Tử nghe chuyện, nói:

- Phải lắm! Kẻ muốn học ông Liễu Hạ Huệ chưa ai giống được như người nước Lỗ này: Mong làm điều rất phải không bắt chước cách làm, rồi mà làm được, thế mới thật là khôn”.

LỜI BÀN:

Cái tình cảnh éo le khó xử thật!. Đêm khuya trời mưa gió, một người đàn ông trẻ tuổi có nên tiếp một người đàn bà trẻ tuổi vào nhà không? Không tiếp thì là bất nhân, vì không chịu cứu giúp một kẻ yếu đuối đang gặp lúc mưa gió khổ thân. Tiếp, thì là bất nghĩa và không khỏi cái tiếng trai gái có tình ý, mang cái tội tà dâm bất chính. Một đằng bất nhân, một đằng bất nghĩa, chọn đàng nào vì cái tình cảnh không sao giữ trọn vẹn được cả đôi đàng? Dễ chỉ có làm như ông Vân Trường đốt đuốc cầm suốt đêm chỗ trước cửa cho hai chị dâu ngủ, họa mới rõ là người nghĩa sĩ mà thôi. Như người nước Lỗ đây đành là bất nhân, cố giữ lấy cái “nghĩa” là theo lý tưởng rất nghiêm bên Á Đông ta là: “Nam nữ hữu biệt”.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #50
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lợn mẹ giết lợn con

Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ.

Họ Tử Xa(1) có con lợn nái sắc đen tuyền đẻ một lứa ba con, hai con đen tuyền, một con loang lổ. Lợn nái nuôi hai con lợn con giống mình rất chăm chỉ cẩn thận, hơi một tí cũng lo sợ. Còn con lợn loang lổ khác mình thì ghét bỏ, sau cắn chết xé cả gan ruột nát nhừ mới thôi.

Tử Hoa Tử nói: “Gớm thay tâm thuật(2) hay chuyển di(3). Mắt đã mờ về kẻ giống mình hay khác mình, thì bụng sanh ngay ra có kẻ yêu, kẻ ghét. Đã ghét, đến con ruột đẻ ra mà cũng hại cả con mà không hối huống chi là người khác máu với mình. Người đời lúc bình cư thì âu yếm thân thiết, thề ước cùng nhau tưởng keo sơn cũng không bằng. Khi lâm đến thế lợi(4), chỉ chênh nhau bằng sợi tơ sợi tóc, thì mặt đã đổi sắc, cơn giận nổi lên và tìm cách tàn hại nhau ngay lập tức. Gớm thay! Tâm thuật chuyển di, tưởng chẳng khác gì con lợn nái.


LỜI BÀN:

Thói thường, đồng chủng đồng tông, hay đồng tình, đồng chí thì ưa nhau, mến nhau, còn ngoại giả, thì đem bụng ngờ vực, ghen ghét, coi người ta như cừu địch cả, thực là hẹp hòi đáng tiếc! Người quân tử không bao giờ lấy cái hình sắc khác nhau mà thành bụng yêu hay sinh bụng ghét, lại nhất là, không lấy cái tư tưởng thế lợi trái nhau mà lúc hợp, lúc ly, lúc thân, lúc sơ, lúc thề ước, lúc tàn hại nhau bao giờ. Người ta tuy không cùng nòi giống, cùng tư tưởng, cùng chí hướng với mình, nhưng người ta là hạng quang minh chính đại, mình cũng nên có lòng thân yêu, có lượng cao cả để đối với người ta thì mới đáng gọi là yêu đồng bào và trọng nhân đạo. Nếu không thì tâm thuật lợn nái mất rồi!

(1) Quan đại phu nước Tần

(2) Cách nghĩ trong tâm não làm thế này thế kia

(3) Thay đổi

(4) Quyền thế, tài lợi

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #51
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Gặp quỷ

Hoàn Công thấy quỉ sinh lo ngờ mà thành bệnh, sau có người nói thấy quỉ làm được nghiệp bá thì khỏi bệnh ngay. Thế mới biết có quỉ hay không có quỉ, quỉ hại mình hay lợi cho mình, cũng là tự tâm mình tưởng tượng ra cả, rồi yên trí như thế mà thôi.

Hoàn Công(1) nước Tề đi săn ở ngoài đầm, có Quản Trọng theo hầu. Hoàn Công trông thấy quỉ, nắm tay Quản Trọng hỏi rằng: “Trọng phụ(2) có thấy gì không?”.

Quản Trọng thưa: “Thần không thấy gì cả”.

Hoàn Công về nghe trong người khó chịu, như là mất vía, rồi sinh ốm, mấy hôm không ra triều.

Có người học trò tên là Cáo Ngao vào ra mắt nói rằng:

- Nhà vua đau, là tự mình làm ra cả chớ ma quỉ nào làm được! Phàm chưng khí tán mà không thu lại được, thì tinh thần suy yếu; cái khí ấy bốc lên trên, không thông xuống được, thì làm cho người ta hay giận dữ, cái khí ấy tụ ở dưới, không vận lên được thì làm cho người ta hay mê lú chóng quên, cái khí ấy không lên không xuống, kết ở giữa bụng thì sinh ra hoảng hốt.

Hoàn Công hỏi: “Thế nhưng có quỉ thực không ?”.

Cáo Ngao thưa: “Đất có thổ công, sông có hà bá, núi có sơn thần, bể có long vương, đầm có thứ quỉ gọi là uy di”.

Hoàn Công hỏi: “Hình dạng uy di thế nào?”.

Cáo Ngao thưa: “Quỉ uy di to như cái cối xe, dài như cái càng xe, mặc áo tía, đội mũ đỏ, tính hay sợ tiếng sấm, hễ nghe thấy thì đứng sững, hai tay ôm lấy đầu. Ai trông thấy thì... rồi làm nên đến nghiệp bá(3)”.

Hoàn Công vẫn có chí muốn làm bá, nghe nói hớn hở cười rằng: “Ấy ta trông thấy cũng như thế đấy”.

Nói đoạn sửa mũ, mặc áo, ngồi dậy, chưa hết một ngày bệnh đã khỏi tự bao giờ không biết.


LỜI BÀN:

Hoàn Công thấy quỉ sinh lo ngờ mà thành bệnh, sau có người nói thấy quỉ làm được nghiệp bá thì khỏi bệnh ngay. Thế mới biết có quỉ hay không có quỉ, quỉ hại mình hay lợi cho mình, cũng là tự tâm mình tưởng tượng ra cả, rồi yên trí như thế mà thôi. “Đau là tại mình, chớ quỉ nào làm?”. Câu Cáo Ngao nói thật là xác lý. Cáo Ngao lại khéo biết trước lấy lẽ thuốc thang, làm như ông lang rõ bệnh của người ốm, khiến người ốm để tai nghe, sau lấy truyện vu vơ đâu đâu mà xử được việc mơ hoảng khiến người mơ phá được cái lòng lo ngờ mà hóa nên vua vẻ. Tiếc thay đời bấy giờ người mê như Hoàn Công thật lắm, mà người biết giải mê được như Cáo Ngao lại không được mấy người.

(1) Vua nước Tề, đứng đầu Ngũ Bá thời Xuân Thu

(2) Trọng: tên Quản Trọng; phụ: cha, gọi như thế là có ý tôn Quản Trọng như cha

(3) Quyền mạnh, thế to làm đầu cả các nước chư hầu khác về thời Xuân Thu


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #52
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Không quên được cái cũ

Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi đánh mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế mình cũng không thể nào yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ lại cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong nữa.

Đức Khổng Tử ra chơi ngoài đồng, thấy một người đàn bà đứng khóc nỉ non ở chỗ bờ đầm, Đức Khổng Tử lấy làm lạ, bảo học trò hỏi vì cớ gì mà khóc.

Người đàn bà nói: "Độ trước tôi cắt cỏ thi, tôi đánh mất cái trâm cài đầu bằng cỏ thi, cho nên tôi khóc".

Đức Khổng Tử hỏi: "Đi cắt cỏ thi, mà mất cái trâm làm bằng cỏ thi thì việc gì phải khóc?"

Người đàn bà nói: "Không phải vì tôi đánh mất cái trâm cỏ thi mà tôi khóc; tôi sở dĩ khóc là tôi thương tiếc một vật cũ, dùng đã lâu, mà ngày nay không sao thấy được nữa."
(Khổng Tử Tập Ngữ)

Lời Bàn:

Cái gì đã là của mình, mình có bụng yêu, mà lỡ khi đánh mất, thì về sau dù có được cái khác giống như thế, hay hơn thế mình cũng không thể nào yêu cho bằng. Thường, lại chỉ vì thấy cái mới mà hồi nhớ lại cái cũ, sinh ra chạnh lòng, nên câu ta thán, có khi ngậm ngùi thương khóc nỉ non. Tại sao vậy? Tại đối với mình, cái của mất không chỉ có giá của mà thôi, lại hình như còn có một phần tâm hồn mình hay tâm hồn người để lại cho mình ngụ ở trong nữa. Sự cảm động đầu tiên bao giờ cũng là sự cảm động hay nhất, bền nhất. Ôi! Cáo chết ba năm quay đầu về núi, con người ta, dù cho lông bông phiêu bạt đến thế nào, còn có chút tâm tình cũng không quên được gốc tích xứ sở mình. "Hồ mã tê bắc phong, Việt Điểu sào chi nam". Con ngựa rợ Hồ (phía bắc nước Tàu) thấy gió bắc còn cất tiếng kêu, con chim đất Việt (phía Nam nước Tàu) chọn cành nam mới chịu làm tổ, huống chi là người mà lại quên được nguồn gốc ư?

Giải nghĩa:

Đức: Tiếng gọi có ý tôn trọng, hoặc còn có nghĩa chỉ bậc đức hạnh.

Cỏ thi: một thứ cỏ giống như cỏ le, thân tròn, ruột vuông, lá nhỏ mà dài, cạnh sắc, hoa tựa như hoa cúc, trắng hay đỏ nhớt. Người ta hay dùng cuống cỏ để bói dịch gọi là bói cỏ thi.

Sở dĩ: tại sao, vì cớ gì.

Khổng Tử Tập Ngữ: Sách chép những lời nói, những truyện về Đức Khổng Tử. Khổng Tử tên là Khưu, tên tự Trọng Ni, người nước Lỗ , thời Xuân Thu nhà Chu, học về Lễ, Nhạc, Văn chương đời cổ, đi nhiều nước chư hầu không được dụng, trở về làm kinh Xuân Thu, san định các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và dạy học trò được ba nghìn người, có 72 người giỏi. Nước Tàu xưng làm Tổ Đạo Nho.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #53
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Tu thân

Thấy người hay thì phải cố mà bắt chước thấy người dở thì phải tự xét xem có dở như thế không để mà sửa đổi. Chính mình có điều hay, thì phải cố mà giữ lấy chính mình có điều dở thì phải cố mà trừ đi. Người chê ta, mà chê phải, tức là thày ta người khen ta, mà khen phải, tức là bạn ta còn người nịnh hót ta lại là người cừu địch hại ta vậy.
Cho nên người quân tử trọng thầy, quý bạn và rất ghét cừu địch, thích điều phải mà không chán, nghe lời can mà biết răn... như thế dù muốn không hay cũng không được.

Kẻ tiểu nhân thì không thế. Cứ bậy mà lại ghét người chê mình; rất dở mà lại thích người khen mình; bụng dạ như hổ lang, ăn ở như cầm thú, mà thấy người ta không phục, lại không bằng lòng; thân với kẻ siểm nịnh, xa cách kẻ can ngăn, thấy người chính trực thì cười, thấy người trung tín thì chê. Như thế dù không muốn không dở cũng không được
(Tuân Tử)

Lời Bàn:

Cái đạo tu thân rút lại chỉ có theo điều hay, biết tránh điều dở. Mà muốn tới cái mục đích ấy, thì không những là tự mình phải xét mình lại còn phải xét cái cách người ở với mình nữa. Đối với người, cần phải biết hai điều: Ai khen chê phải, khuyên răn hay thì phục, thì bắt chước; ai chiều lòng nịnh hót, thì tránh cho xa, coi như quân cừu địch. "Nên ưa người ta khuyên mình hơn người ta khen mình" có như thế thì mới tu thân được.

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 03-02-2010   #54
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Cái được cái mất của người làm Quan

Khổng Miệt là cháu đức Khổng Tử. Bật Tử Tiện là học trò đức Khổng Tử, hai người cùng làm quan một thời.

Đức Khổng Tử qua chơi Khổng Miệt, hỏi rằng: "Từ khi ngươi ra làm quan được những điều gì, mất những điều gì?"

Khổng Miệt thưa: "Từ khi tôi ra làm quan chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: việc quan bận, không còn thời giờ học tập, vì thế mà học vấn không tấn tới; bổng lộc ít, không đủ chu cấp cho họ hàng, vì thế mà họ hàng không thân thiết; công việc nhiều không thể đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà ăn ở với bầu bạn không được trọn vẹn".

Đức Khổng Tử nghe nói không bằng lòng.

Sau ngài đến chơi Bật Tử Tiện, lại hỏi như hỏi Khổng Miệt.

Bật Tử Tiện thưa: "Từ khi tôi ra làm quan, chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: Những điều trước học nay đem ra thực hành vì thế mà học càng rõ; bổng lộc dù bạc, cũng có thể chu cấp ít nhiều cho họ hàng, vì thế mà họ hàng càng gần; việc quan tuy bận, song cũng bớt được ít thời giờ đi thăm người đau, viếng người chết, vì thế mà bầu bạn càng thân".

Đức Khổng Tử nghe nói khen rằng: "Tử Tiện thực là người quân tử".
(Gia Ngữ)

Lời bàn :

Hai đoạn này bày ra hai cái cảnh phản đối lại hẳn với nhau. Cũng là làm quan, mà một đàng "mất" một đàng "được" khác nhau chẳng qua là chỉ do tự mình cả, chớ không phải nghề làm quan bó buộc mình phải như thế. Đức Khổng Tử khen người "được" là quân tử, thì tất bỉ người "mất" là tiểu nhân. Ôi! làm quan tuy là bận việc, tuy là ít lương, tuy là hẹp thời giờ, mà vẫn học hành cho rộng thêm trí thức mà vẫn chu cấp được cả cho bà con, mà vẫn ân cần cả với chúng bạn, thì cũng đáng phục là ông quan quân tử thật.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời

Tags
cổ học tinh hoa


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 00:19
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,09004 seconds with 15 queries