Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Đã khóa chủ đề
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 26-03-2010   #442
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.933
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ngô Đức Kế (1878-1929)

Ngô Đức Kế là chí sĩ Việt Nam, hiệu Tập Xuyên, sinh năm Mậu Dần 1878, quê làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Con quan Tham tri Ngô Huệ Liên.
Năm Tân Sửu 1901, ông đỗ tiến sĩ, không ra làm quan, liên kết đồng chí hoạt động cách mạng. Cùng với Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Hân lập “Triêu Dương thương điếm” ở Vinh theo sáng kiến của Phan Bội Châu, buôn bán hàng nội, trợ cấp kinh phí, liên kết các đồng chí cho phong trào Đông du.

Năm Mậu Thân 1908, ông bị bắt đày ra Côn Đảo với nhiều đồng chí, đến năm 1921 mới được trả tự do.

Từ năm 1922, ông làm báo Hữu Thanh ở Hà Nội và nhiệt tình hoạt động văn hóa đấu tranh với các quan điểm sai trái của tạp chí “Nam Phong”, là người đầu tiên vạch trần âm mưu chính trị của tờ “Nam Phong”, nổi tiếng với bài “Nền quốc văn mới” và “Luận về chánh học cùng tà thuyết”, trực diện công kích văn hoá nô dịch của thực dân Pháp và phong trào sùng bái “Truyện Kiều” do Phạm Quỳnh đề xướng. Báo bị đóng cửa, Ngô Đức Kế mở Giác quần thư xã vào năm 1926.

Năm Kỷ Tỵ 1929, ngày 10-12 dương lịch ông mất, hưởng dương 51 tuổi. Huỳnh Thúc Kháng điếu ông bằng một đôi câu đối tuyệt tác:

撐 場 塊 磊 無 數 未 成 書 亞 魄 歐 魂 傳 到 偉 人 翻 絕 筆
拷 目 河 山 己 多 不 實 果 蘇 旃 管 帽 歌 來 正 氣 涌 潮 音

Phiên âm

Xanh trường khối lỗi, vô số vị thành thư, Á phách Âu hồn, truyện đáo vĩ nhân phiên tuyệt bút;
Khảo mục hà sơn, kỉ đa bất thực quả, Tô chiên Quản mão, ca lai chính khí dũng triều âm.


Huỳnh Thúc Kháng dịch luôn ra Việt văn:

Ngổn ngang gò đống, bao nhiêu bụng sách chép chưa xong, phách người Á mà hồn người Âu, đến chuyện vĩ nhân dừng ngọn bút;
Xơ xác non sông, những kẻ dư sinh còn được mấy, cờ họ Tô mà mão họ Quản, ngẫm bài chính khí dậy cơn dông.


Tác phẩm

• Phan Tây Hồ di thảo
• Đông Tây vi nhân
• Thái Nguyên thất nhật quang phục kí

Bài thơ “Hỏi Gia Long” sáng tác vào năm 1923 có thể nói là táo bạo nhất so với thơ văn đả kích châm biếm đương thời, đối tượng là Khải Định - vị đương kim hoàng thượng. Là người có nhiều uy tín với thanh niên trí thức những năm 20 thế kỉ 20.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 26-03-2010   #443
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.933
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ngô Gia Tự (1908 - 1935)

Liệt sĩ cách mạng, sinh ngày 3-12-1908 ở làng Tam Sơn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Thời trẻ ông say mê đọc sách, có tiếng học rộng tài cao, lại thêm biết nuôi chí lớn lo nước thương dân. Người anh ruột là Tri huyện Ngô Gia Lễ muốn ông cố học để ra làm quan, nhưng ông kiên quyết đi theo con đường cách mạng, cứu dân cứu nước.

Từ năm 1926, Ngô Gia Tự gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, rồi được sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện. Giữa năm 1927 ông trở về nước, được Kỳ bộ Bắc Kỳ chỉ định vào tỉnh bộ Bắc Ninh. Ông gây dựng được nhiều cơ sở, tích cực hoạt động trong nông dân, binh lính và bám sát phong trào công nhân.

Cuối năm 1928, ông vào Sài Gòn hoạt động dưới lốt công nhân khuân vác bến cảng, tuyên truyền giáo dục cách mạng, tổ chức và lãnh đạo công nhân đấu tranh.

Khoảng năm 1929 ông ra Hà Nội dự phiên họp thành lập chi bộ đảng Cộng sản đầu tiên ở số nhà 5D phố Hàm Long, TP Hà Nội. Từ đấy Ngô Gia Tự càng dấn thân trên con đường cách mạng. Rồi được bầu làm bí thư Xứ ủy lâm thời đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ.

Cuối năm 1930, Ngô Gia Tự bị bắt tại Sài Gòn đến tháng 5-1933 thì bị đày ra Côn Đảo.
Vào một đêm cuối tháng 1-1935, chi bộ nhà tù tổ chức cho ông và một nhóm anh em vượt Côn Đảo, nhưng ông và các bạn đã mất tích giữa biển, hưởng dương 27 tuổi.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 26-03-2010   #444
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.933
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ngô Mây (1924 - 1947)

Liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Việt Nam Ngô Mây, quê xã Cát Chấn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Ông nhập ngũ từ năm 1947 trong kháng chiến chống Pháp, từng là đội viên đại đội Quyết tử, trung đoàn 120, sư đoàn 305 ở Bình Định.

Trong trận phục kích quân Pháp ở mặt trận An Khê thuộc miền cao tỉnh Bình Định, ông ôm bom lao thẳng vào đội hình quân địch. Bom nổ cả một trung đội lính Pháp, Phi Châu bị tiêu diệt mở đường tiến quân của lực lượng kháng chiến.

Ông hi sinh vào ngày 12 tháng 11 năm 1947 tại cầu Suối Vối, huyện An Khê, tỉnh Bình Định lúc mới 18 tuổi, được truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì.

Thu gọn nội dung



Tài sản của LSB-Sun
Cũ 26-03-2010   #445
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.933
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ngô Miên Thiều ( Thiệu ) ( 1498 - ? )

Người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, Kinh Bắc ( nay thuộc huyện Tiên Sơn, Hà Bắc ). Đỗ Trạng nguyên khoa Mậu Dần, niên hiệu Quan Thiệu thứ 3 (1518), Đời Lê Chiêu Tông. Làm quan cho nhà Mạc đến Thượng thư kiêm Đô ngự sử, Nhập thị Kinh diên, tước Lý Khế.

(Không tìm thấy tư liệu gì thêm)

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 26-03-2010   #446
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.933
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ngô Nhân Tịnh (1761 - 1813)

Danh thần, nhà thơ Ngô Nhân Tịnh đời Gia Long (嘉隆; 1762–1820), còn có tên gọi khác là Ngô Nhơn Tịnh hay Ngô Nhân Tĩnh, tự Nhữ Sơn, nguyên tổ phụ là người Quảng Đông sang ngụ ở đất Gia Định nay là Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông là học trò của Gia Định xử sĩ Sùng Đức Võ Tiên sinh - Võ Trường Toản. Ông cùng Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định được người đương thời xưng tụng là Gia Định tam gia trong nhóm Bình Dương thi xã.

Ông ra giúp Nguyễn Ánh lúc còn bôn tẩu ở Gia Định, lãnh chức Thị độc Viện Hàn lâm. Năm 1798, ông làm Hữu tham tri bộ binh, được cử đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc) để xem tình hình thế nào. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, ông làm Giáp phó sứ theo Trịnh Hoài Đức và Hoàng Ngọc Uẩn sang nhà Thanh lần II. Năm 1807, ông sung Chánh sứ cùng với phó sứ Trần Công Đàn sang Chân Lạp (Campuchia) đem ấn sắc phong Nặc Ông Chân làm vua Chân Lạp.

Năm Tân Mùi (1811), ông ra làm Hiệp trấn Nghệ An, năm Nhâm Thân (1812), ông lại được cử vào Gia Định làm Hiệp tổng trấn phụ tá Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Sau, ông được phong Kim Tử vinh lộc đại phu, Thượng khanh, tước Tịnh Viễn Hầu.

Năm Bính Tý (1816) ông mất, thụy là Trác Gian. Thơ văn ông góp chung với thơ của Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định làm thành một bộ.

Tác phẩm

• Gia Định tam gia thi tập: gồm một số bài thơ, in chung với các thơ của Lê Quang Định và Trịnh Hoài Đức.
• Hoan Châu phong thổ kí
• Thập Anh đường văn tập: gồm 187 bài kinh nghĩa, lấy đề tài từ Kinh thi và Kinh thư, dùng làm mẫu cho những người đi thi tham khảo.
• Thập Anh đường thi tập: gồm 81 bài thơ chữ Hán làm trong thời gian đi sứ, lúc làm quan và khi xướng họa với bạn bè.
• Nhất thống dư địa chí: do Lê Quang Định soạn, Ngô Nhân Tịnh nhuận chính.

Hoan Châu phong thổ kí là tác phẩm đồng sáng tác. Đây là một sáng kiến của ông khi ông đang làm Hiệp trấn Nghệ An. Sách do ông viết lời Bạt và Tựa trong năm Gia Long thứ 10 (1811). Hoan Châu phong thố kí là một trong các tác phẩm về địa phương chí vào hàng sớm nhất của đất Hoan Châu xưa (nay là vùng Nghệ Tĩnh). Nội dung sách viết về phong tục, nhân vật, diên cách của 12 huyện của trấn Nghệ An. Thứ đến về danh thắng, núi sông, cổ tích, đền miếu của xứ Nghệ xưa.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 26-03-2010   #447
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.933
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ngô Quang Huy (? - ?)

Ngô Quang Huy là nhân sĩ yêu nước thời vua Hàm Nghi (thời nhà Nguyễn), không rõ năm sinh, năm mất, quê ở thôn An Hải, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Ông đỗ cử nhân, làm quan đến Đốc học, ông cùng em là Ngô Quang Chước hợp tác với Nguyễn Cao, Nguyễn Thiện Thuật chống Pháp ở chiến khu Bãi Sậy. Vua Hàm Nghi phong ông làm Hồng lô tự khanh, sung Tán lí quân vụ. Ông lãnh phần chỉ huy một vùng bao gồm miền nam Bắc Ninh, miền bắc Hưng Yên và miền bắc Hải Dương, nên đương thời gọi ông là Tán Bắc, và xem ông như vị thủ lĩnh thứ hai của nghĩa quân Bãi Sậy.

Khi Nguyễn Thiện Thuật bị Pháp bao vây phải lánh sang Trung Quốc, ông tiếp tục chỉ huy cuộc kháng chiến được ít lâu, rồi rút quân ẩn náu vùng thượng du chẳng rõ mất nơi đâu.

Ông và các chiến hữu chỉ huy nghĩa quân có làm bài văn tế Nguyễn Cao, hãy còn truyền tụng.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 26-03-2010   #448
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.933
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ngô Quyền (898 - 944)

Ngô Quyền (898 - 944), người làng Đường Lâm (nay là xã Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Tây) cùng quê với Phùng Hưng. Ông sinh năm 898, là con trai thứ sử Ngô Mân, một hào trưởng địa phương. Được truyền thống địa phương hun đúc, được cha dạy bảo, từ tấm bé Ngô Quyền đã tỏ ra có ý chí lớn. Thân thể cường tráng, trí tuệ sáng suốt, chăm rèn võ nghệ. Sử cũ miêu tả ông "vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có chí dũng, sức có thể nhấc vạc dơ cao".

Năm 920, Ngô Quyền đi theo Dương Đình Nghệ, một tướng của họ Khúc ở đất ái Châu (Thanh Hóa). Dương Đình Nghệ là anh hùng dân tộc từng có công đánh đuổi giặc Nam Hán, chiếm được thành Đại La năm 931, thúc đẩy bước tiến của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Dương Đình Nghệ lên cầm quyền, tự xưng Tiết độ sứ, giao cho Ngô Quyền cai quản Châu ái. Yêu mến tài năng và nhiệt huyết cứu đời, giúp nước của Ngô Quyền, Dương Đình Nghệ đã gả con gái cho ông.

Trong 7 năm (931-938), quản lĩnh đất ái Châu, Ngô Quyền trổ tài lực, đem lại yên vui cho dân trong hạt.

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn, một thuộc tướng và là hào trưởng đất Phong Châu giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ. Hành động phản trắc của Kiều Công Tiễn đã gây nên một làn sóng bất bình, căm giận sâu sắc trong mọi tầng lớp nhân dân. Ngô Quyền trở thành ngọn cờ qui tụ mọi lực lượng yêu nước.

Sau một thời gian tập hợp lực lượng, Ngô Quyền đem quân từ Châu ái ra bắc, tiến công thành Đại La, diệt trừ Kiều Công Tiễn.

Năm 938, trời đang tiết mưa dầm gió bấc. Đoàn quân Ngô Quyền, người người lớp lớp vượt đèo Ba Dội tiến ra bắc. Quân xâm lược còn đang ngấp nghé ngoài bờ cõi thì đầu tên phản bội Kiều Công Tiễn đã bị bêu ở ngoài cửa thành Đại La (Hà Nội). Mối họa bên trong đã được trừ khử. Kế sách trước trừ nội phản sau diệt ngoại xâm đã được thực hiện.

Ngô Quyền vào thành, hợp các tướng tá, bàn rằng: "Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã bị giết chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt, tất phá được!
"Song chúng có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng trước thì chuyện được thua cũng chưa thể biết được!
"Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hay hơn kế ấy cả.

Chư tướng đều phục kế sách ấy là tuyệt vời.

Phán đoán đúng con đường tiến quân của địch: Ngô Quyền - người được nhà sử học Lê Văn Hưu ngợi ca là "mưu giỏi mà đánh cũng giỏi" - đã chủ trương bố trí một trận địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng, rồi nhân khi nước triều lên, nhử thuyền địch tiến vào bên trong hàng cọc và tập trung lực lượng tiêu diệt địch bằng một trận quyết chiến nhanh, gọn, triệt để.

Sau khi diệt trừ xong bọn Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền và bộ chỉ huy kéo quân về vùng ven biển Đông Bắc chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán. Thần tích và truyền thuyết dân gian các làng thuộc xã Nam Hải, Đằng Hải đều nói rõ từ Bình Kiều. Hạ Đoạn tới Lương Khê (thuộc An Hải, Hải Phòng) là khu vực đóng quân của Ngô Quyền. Hơn 30 đền miếu thờ Ngô Quyền và các tướng phá giặc Nam Hán đã được phát hiện, đều phân bố tập trung ở vùng hạ lưu sông Bạch Đằng. Đồn trại của Ngô Quyền đóng tại các thôn Lương Xâm (An Hải, Hải Phòng), Gia Viên (nội thành Hải Phòng)

Trước mưu đồ xâm lược trở lại của phong kiến Trung Quốc, ngọn cờ cứu nước của Ngô Quyền trở thành ngọn cờ đoàn kết của cả dân tộc. Đội quân Ngô Quyền, từ một đội binh ái Châu đã nhanh chóng trở thành một đội quân dân tộc. Truyền thuyết dân gian còn ghi nhớ chuyện 38 chàng trai làng Gia Viễn (Hải Phòng) do Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận dẫn đầu, đã tự vũ trang, xin theo Ngô Quyền phá giặc. Trai tráng các làng Lâm Động (Thủy Nguyên, Hải Phòng), Đằng Châu (Kim Động, Hải Hưng), người mang vũ khí, kẻ mang chiến thuyền, tìm đến cửa quân xin diệt giặc. Ba anh em Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả ở Hoàng Pha (Hoàng Động, Thủy Nguyên), ông tổ họ Phạm ở Đằng Giang (An Hải, Hải Phòng) cũng chiêu mộ dân binh, hăng hái tham gia kháng chiến.

Vùng cửa sông và vùng hạ lưu sông Bạch Đằng được Ngô Quyền chọn làm chiến trường quyết chiến.

Bạch Đằng ngày ấy cũng như ngày sau vẫn mang "tên nôm" giản dị: Sông Rừng!

Sông Rừng thường có sóng bạc đầu, vì vậy mới có thêm một "tên chữ" Bạch Đằng giang.

Bộ sử Cương mục mô tả:

"Sông rộng hơn hai dặm, ở đó có núi cao ngất, nhiều nhánh sông đổ lại, sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm che lấp bờ bến".

Bạch Đằng là cửa ngõ phía đông bắc và là đường giao thông quan trọng từ Biển Đông vào nội địa Việt Nam. Cửa biển Bạch Đằng to rộng, rút nước từ vùng đồng bằng Bắc Bộ đổ ra Vịnh Hạ Long. Từ cửa biển ngược lên gần 20 km là đến cửa sông Chanh. Phía hữu ngạn có dãy núi vôi Tràng Kênh với nhiều hang động, sông lạch và thung lũng hiểm trở.
Hạ lưu sông Bạch Đằng thấp, độ dốc không cao nên chịu ảnh hưởng của thủy triều khá mạnh. Lúc triều dâng, nước trải đôi bờ đến vài cây số. Lòng sông đã rộng, lại sâu, từ 8 m - 18 m. Triều lên xuống vào độ nước cường, nước rút đến hơn 30 cm trong một giờ, ào ào xuôi ra biển, mực nước chênh lệch khi cao nhất và thấp nhất khoảng 2,5 - 3,2 m.
Lịch sử thành tạo vùng Bạch Đằng trên đây và một số tài liệu địa lý học lịch sử cho phép khẳng định, cửa sông Bạch Đằng thế kỷ 10 không phải là cửa Nam Triệu với địa hình như hiện nay.

Lúc bấy giờ cửa sông Nam Triệu là cửa biển chung của sông Cấm (hay sông Nam Triệu) và sông Bạch Đằng. Cửa biển Bạch Đằng ngày xưa ở vào khoảng đó, nằm sâu vào phía trong so với cửa Nam Triệu hiện nay khoảng hơn chục cây số. Giữa vùng thiên nhiên sông biển đó, trên cơ sở sức mạnh đoàn kết và ý chí độc lập của cả dân tộc, Ngô Quyền khẩn trương giàn bày một thế trận hết sức mưu trí, lợi hại để chủ động phá giặc.
Ông huy động quân dân vào rừng đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt (hẳn số thợ rèn được huy động đến cũng khá đông) rồi cho đóng xuống lòng sông thành hàng dài tạo thành một bãi cọc, một bãi chướng ngại dày đặc ở hai bên sông. Khi triều lên mênh mông, thì cả bãi cọc ngập chìm, khi triều xuống thì hàng cọc nhô lên cản trở thuyền qua lại. Bãi cọc tăng thêm phần hiểu trở cho địa hình thiên nhiên.

Trận địa cọc là một nét độc đáo của trận Bạch Đằng phá quân Nam hán và cũng là một sáng tạo rất sớm trong nghệ thuật quân sự Việt Nam mà người khởi xướng là Ngô Quyền. Nhưng cho đến nay, vẫn chưa phát hiện được thêm nhiều di tích của bãi cọc này.

Trong khi chuẩn bị trận địa, Ngô Quyền không những lợi dụng địa hình thiên nhiên, mà còn biết lợi dụng cả chế độ thủy triều. Đây cũng là một trận đánh biết lợi dụng thủy triều sớm nhất trong lịch sử quân sự nước ta, mở đầu cho truyền thống lợi dụng thủy triều trong nhiều trận thủy chiến sau này. Rất tiếc là cho đến nay, chưa xác định được ngày tháng xảy ra trận Bạch Đằng, nên chỉ có thể đưa ra một số giả định nào đó, chưa thể có những kết luận cụ thể về điều này.

Quân thủy bộ, mai phục sẵn ở phía trong bãi cọc, có lẽ trong khoảng hạ lưu và trung lưu sông Bạch Đằng; trong các nhánh sông và trên hai bờ sông.

Theo truyền thuyết và thần tích, Dương Tam Kha chỉ huy đạo quân bên tả ngạn, Ngô Xương Ngập và Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy đạo quân bên hữu ngạn, mai phục ở hai bên bờ sông để cùng phối hợp với thủy binh đánh tạt ngang vào đội hình quân địch và sẵn sàng tiêu diệt số quân địch trốn chạy lên bờ. Có thể suy đoán rằng, ngược lên phía thượng lưu là một đạo thủy quân mạnh phục sẵn làm nhiệm vụ chẹn đầu, chờ khi nước xuống sẽ xuôi dòng đánh vỗ mặt đội binh thuyền của địch.

Cũng theo truyền thuyết, thần tích người thanh niên Nguyễn Tất Tố, vốn giỏi bơi lặn và quen thuộc sông nước, được giao nhiệm vụ khiêu chiến, nhân lúc nước triều lên, nhử địch vượt qua bãi cọc vào cạm bẫy bên trong.

Trong thế trận của Ngô Quyền, rõ ràng trận địa mai phục giữ vai trò quyết định. Trận địa cọc ở cửa sông là nhằm chặn đường tháo chạy của tàn quân giặc. Sự phối hợp giữa hai trận địa chứng tỏ quyết tâm chiến lược của Ngô Quyền là phen nàykhông phải chỉ đánh bại quân giặc mà còn phải tiêu diệt toàn bộ quân giặc, đập tan mộng tưởng xâm lăng của triều đình Nam Hán.

Cuối năm 938, cuộc kháng chiến chống xâm lược Nam Hán lần thứ hai của quân dân Việt đã giành được thắng lợi hết sức oanh liệt.

Cả một đoàn binh thuyền lớn của giặc vừa vượt biển tiến vào mạn sông Bạch Đằng đã được nhử ào thế trận đã bày sẵn và bị tiêu diệt gọn trong một thời gian rất ngắn. Toàn bộ chiến thuyền của giặc bị đánh đắm, hầu hết quân giặc bị tiêu diệt. Chủ soái của giặc là Lưu Hoằng Tháo cũng bị giết tại trận.

Chiến thắng Bạch Đằng có những nét rất độc đáo và giữ một vị trí trọng đại trong lịch sử dân tộc.

Chiến thắng Bạch Đằng diễn ra nhanh, gọn, triệt để đến mức độ vua Nam Hán đang đóng quân ở sát biên giới mà không sao kịp tiếp ứng. Nghe tin quá bất ngờ và kinh hoàng, chúa Nam Hán đành thương khóc thu nhặt tàn quân quay về nước. Y bèn hạ đổ tội cho Trước tác Tá Lang hầu Dung "làm cho khí thế quân binh không phấn chấn lên được". Lúc này Dung đã chết, chúa Nam Hán tàn bạo sai quật mả, phơi thây Dung để trả thù!

Sau chiến thắng chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc Ngô Quyền bắt tay xây dựng quốc gia. Ngô Quyền xưng vương, bãi bỏ chức Tiết độ sứ, định đô ở Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Ông đặt ra chức quan văn, võ, nghi lễ trong triều. Nhưng đáng tiếc thời gian tại ngôi của ông thật ngắn ngủi, chỉ được 6 năm (939-944).

Ông mất ngày 18 tháng Giêng năm Giáp Thìn, thọ 47 tuổi.

Ngợi ca Ngô Quyền và chiến thắng Bạch Đằng, nhà sử học Lê Văn Hưu viết trong "Đại Việt sử ký toàn thư":

"Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa. Có thể nói là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy".

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 26-03-2010   #449
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.933
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ngô Sĩ Liên (? - ?)

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên (吳士連) đời Lê Thái Tông (1423-1442) không rõ năm sinh, năm mất, quê xã Chúc Lý, huyện Chương Đức, tỉnh Hà Đông, sau đổi là xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay là huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội). Ông từng tham gia trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427) chống quân Minh xâm lược.

Ông làm quan dưới ba triều: Lê Thái Tông (1434 - 1442), Lê Nhân Tông (1442 - 1459) và Lê Thánh Tông (1460 - 1497). Ông đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1442), niên hiệu Đại Bảo thứ 3 đời Lê Thái Tông (1434 - 1442). Đây là khoa thi đầu tiên được triều đình tổ chức lễ xướng danh, yết bảng; các vị tiến sĩ tân khoa được vua ban mũ áo, vào cung dự yến, được ban ngựa quý để đi dạo chơi thăm phố xá kinh kỳ, được vinh quy bái tổ với lễ đón rước rất long trọng. Và sau này, đến đời vua Lê Thánh Tông, họ tên các vị tiến sĩ được khắc vào bia đá, đặt ở Văn Miếu, để noi gương cho muôn đời.

Sau khi thi đỗ, Ngô Sĩ Liên đã từng giữ các chức Đô ngự sử dưới triều Lê Nhân Tông, Lễ bộ Hữu thị lang, Triều liệt đại phu kiêm Quốc Tử Giám Tư nghiệp, kiêm Sử quan tu soạn ở Viện Hàn lâm dưới triều Lê Thánh Tông. Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa lục ghi ông thọ khoảng 98 tuổi.

Đại Việt sử ký toàn thư là một di sản văn hóa vô giá của văn hóa dân tộc, được hình thành trên cơ sở đóng góp của nhiều sử gia nổi tiếng trong một thời gian kéo dài hơn 4 thế kỷ (từ cuối thế kỷ XIII đến cuối thế kỷ XVIII). Ngô Sĩ Liên trước sau trong nhiều năm đã gắn bó đời mình với việc viết sử. Với những cống hiến to lớn nói trên, Ngô Sĩ Liên thực sự là một trong những sử gia lỗi lạc nhất của dân tộc.

Tác phẩm

Vào đời vua Lê Thánh Tông ông làm việc ở Viện Quốc sử. Năm Kỷ Hợi (1479), niên hiệu Hồng Đức thứ 10 đời vua Lê Thánh Tông, ông soạn xong bộ Đại Việt sử kí toàn thư, viết bài tựa và dâng lên vua ngự lãm. Bộ sách gồm 15 quyển chia làm hai phần:

Ngoại kỷ từ Hùng Vương đến năm 938, gồm 5 quyển.
Bản kỷ từ đời Ngô Quyền đến Lê Thái Tổ lên ngôi (939-1428) 10 quyển.

Bài tựa Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư cũng do Ngô Sĩ Liên viết, có đoạn nêu rõ: "Trộm nghĩ: may gặp buổi thịnh trị, tự thẹn không chút báo đền, nên không tự nghĩ sức học kém cỏi, lấy hai bộ sách của các bậc tiên hiền làm trước đây, sửa sang lại, thêm vào một quyển Ngoại kỷ, gồm một số quyển, gọi là Đại Việt sử ký toàn thư. Trong bộ sách này, về sự việc, có việc nào trước kia quên sót thì bổ sung vào; về thể lệ có lệ nào chưa thật đúng thì chỉnh lý lại; về văn có chỗ nào chưa ổn thì đổi thay đi; thảng hoặc có việc nào hay việc nào dở có thể làm gương khuyên răn được thì góp thêm ý kiến quê kệch ở dưới... Tuy những lời khen chê ấy chưa có thể làm công luận cho muôn đời về sau nhưng may ra cũng có thể giúp ích phần nào cho việc tra cứu tìm hiểu...".

Đại Việt sử kí toàn thư là một trong vài sử phẩm ra đời sớm nhất trong khoa học lịch sử nước ta. Tác phẩm đã có một chỗ đứng xứng đáng trong thư tịch Việt Nam.

– Đại Việt sử kí toàn thư (15 quyển) Ngô Sĩ Liên biên soạn; sách này lấy hai bộ sử của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên tham khảo thêm các sách dã sử, biên tập thành sách này; lại thêm vào một quyển Ngoại kỉ, để tên Triệu Vũ đế kỉ, còn 24 điều (phàm lệ) của sách.

Về sách Sử kí toàn thư hay Đại Việt sử kí toàn thư này, kể cả Ngoại kỷ, phần riêng của Ngô Sĩ Liên, sách chép bắt đầu từ đời họ Hồng Bàng̣, qua Thục An Dương Vương trở xuống đến mãi khi người Minh trở về nước. Đó là nội dung bộ sử này ngay sau khi Ngô Sĩ Liên biên soạn xong năm Hồng Đức thứ 10 (1479). Phan Huy Chú không chua gì khác hơn lời Lê Quý Đôn, nhưng có trích lục nguyên văn bài tựa và bài biểu dâng sách của Ngô Sĩ Liên (năm 1479) và cũng chua tiếp sau như Lê Quý Đôn là sách có 24 điều phàm lệ nhưng không ghi lại 24 điều phàm lệ ấy là những gì. Khác với phần lớn các lời bình của Lê Văn Hưu hoặc Phan Phu Tiên, những đoạn bình luận lịch sử của Ngô Sĩ Liên thường dài hơn, do đó cũng thường cặn kẽ hơn, sinh động hơn, nhiều đoạn có thể coi như lời tổng kết cả một giai đoạn lịch sử.

Hiện nay chúng ta, ngoài bộ sử Cương mục triều Nguyễn, còn có được hai bộ sử cũ lớn đã khắc in, một bộ gọi là Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, một bộ gọi là Đại Việt sử kí tiền biên, do triều Tây Sơn khắc in, bộ nào cũng tập hợp cả các sách sử cũ và các sử viết sau Ngô Sĩ Liên, gồm có nhiều phần.

Riêng bộ Đại Việt sử kí toàn thư, có ba bản in khác nhau, hai bản in trong nước, một bản in ở nước ngoài (Nhật Bản).

a) Sách mộc bản của ta khắc in cuối triều Lê (năm 1697).
b) Sách in bản chữ chì ở Nhật Bản, là sách in lại bản sách của ta (năm 1884).
c) Sách mộc bản do triều Tây Sơn khắc in. Bản này tên đề hơi khác: Đại Việt sử kí tiền biên, chỉ còn đến quyển 10, chép đến hết tiền biên, nhưng trái lại, nội dung có nhiều điểm lại đầy đủ hơn hẳn bản trên.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 26-03-2010   #450
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.933
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Ngô Tất Tố

Nhà văn, nhà báo có rất nhiều bút danh: Thục Điếu, Phó Thi, Thôn Dân, Tuệ Nhân, Hi Cừ, Xuân Trào, Thuyết Hải. Sinh năm Giáp Ngọ (1894) tại thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội (xưa kia là làng Lộc Hà, tổng Hội Phụ, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Gia đình ông có bảy anh chị em gồm ba trai và bốn gái.

Từ khi còn nhỏ Ngô Tất Tố đã được thụ hưởng một nền giáo dục Nho học, được ông nội dạy vỡ lòng chữ Hán, sau đó theo học ở nhiều làng khác trong vùng. Năm 1912, Ngô Tất Tố học tư chữ Pháp một thời gian ngắn và bắt đầu tham dự các kỳ thi truyền thống do triều đình nhà Nguyễn tổ chức. Ông đỗ kỳ sát hạch, nhưng thi hương bị hỏng ở kỳ đệ nhất. Đến năm 1915, ông đỗ đầu kỳ khảo hạch toàn tỉnh Bắc Ninh, nên được gọi là đầu xứ Tố, rồi thi hương lần thứ hai, khoa Ất Mão, cũng là khoa thi hương cuối cùng ở Bắc Kì. Ông qua được kỳ đệ nhất, nhưng bị hỏng ở kỳ đệ nhị.

Năm 1926, Ngô Tất Tố ra Hà Nội làm báo. Khoảng năm 1927-1929, ông cùng với Tản Đà vào Nam cộng tác với các báo Đông Pháp thời báo, Thần Chung... Ba năm sau ông lại trở ra Bắc, chuyên tâm sáng tác, nghiên cứu văn học, sử học, triết học, nổi tiếng trong làng báo, làng văn trong thời kỳ 1930-1945.

Ông nhiệt thành yêu nước, tham gia kháng chiến, tích cực hoạt động đóng góp tâm huyết cho cuộc kháng Pháp cứu nước. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc; ông từng lên chiến khu sáng tác, dịch thuật, viết báo phục vụ kháng chiến. Ông là một nhà văn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán trước Cách mạng tháng Tám.

Tháng 4 Dương lịch năm Giáp Ngọ (1954), ông mất tại Nhã Nam, Hà Bắc (nay là thị trấn Nhã Nam, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), thọ 60 tuổi.

Tác phẩm

Sáng tác:

• Tắt đèn (1939), tiểu thuyết Việc làng (1941), tiểu thuyết
• Lều chõng (1941), tiểu thuyết
• Lịch sử Đề Thám (lịch sử tiểu thuyết) (cùng viết - 1935)
• Vua Hàm Nghi và việc kinh thành thất thủ (lịch sử tiểu thuyết) 1935.
• Văn học Việt Nam: Văn học đời Lý, Văn học đời Trần (1942).
• Gia Định Tổng trấn tả quân Lê Văn Duyệt (lịch sử tiểu thuyết) 1937.
• Thi văn bình chú (tài liệu văn học), Nhà xuất bản Đỗ Xuân Mai, 1941.
• Phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim (1940).

Dịch:

• Cẩm Hương đình.
• Đường thi (1940).
• Kinh Dịch (1943).

Sau 1945:

• Trời hửng
• Doãn Thanh Xuân
• Trước lửa chiến đấu
• Suối thép (1951-1952) (dịch).

Chèo:

• Bùi Thị Phác (1952).

Bộ Văn học Việt Nam do ông khởi thảo đều là phần văn học viết bằng chữ Hán do các tiền nhân nước ta soạn thuật. Vì thời điểm ra đời cũng như giá trị của bộ sách, nên chúng tôi trích lại nguyên văn bài Nói đầu vào năm 1942 của tác giả để bạn đọc cùng xem.

Lúc này mà giở đến chuyện nghiên cứu văn học thật là một việc vu khoát.
Tuy vậy, đối với hiện tình văn học của nước nhà, việc vu khoát ấy có lẽ lại chính là việc cần có.
Bây giờ thử hỏi: Nước mình đã nên có một cuốn sử Văn học hay chưa?
Có lẽ cũng ít người muốn trả lời là chưa nên có, nếu hỏi vào hạng đã có học thức.
Phải! Chúng ta vẫn khoe nước mình là nước văn hiến, khai hóa đã bốn nghìn năm, nay đã gần nửa thế kỷ hai mươi, vẫn chưa có được cuốn sử Văn học, há chẳng là việc đáng thẹn của một dân tộc?
Thế nhưng, cuốn sử văn học không như cuốn tiểu thuyết hay cuốn thi ca... chúng ta muốn có lúc nào, nó sẽ có ngay lúc ấy. Đối với tình trạng nước ta ngày nay, soạn được cuốn sử Văn học cho ra hồn, thật là một việc khó khăn, không phải sức lực một người, công phu vài bốn tháng, có thể làm được như ý (...)
Từ lúc Hán học bị bãi đến nay, đầu đuôi mới độ ngoài hai chục năm, cái số sách vở chữ Hán hóa ra lọng xanh, lọng vàng, giấy moi, giấy phèn, không phải là ít. Hiện nay tài liệu của cuốn Việt Nam văn học sử, chúng ta có thể trông cậy nhiều nhất là trường Bác Cổ Viễn Đông. Nhưng ở đấy, con số của cuối mục lục, về sách An Nam, mới được chừng hơn ba nghìn. Và trong đó lại có lẫn nhiều sách thuốc, sách địa lí, sách xem chân gà, và hương ước, gia phả của các làng, các họ, nghĩa là những thứ không giúp ích cho cuốn văn học sử của ta.
Cố nhiên ngoài trường Bác Cổ cũng còn có nhiều sách khác đáng quí. Nhưng nó tản mác mỗi nhà vài quyển, ai mà thu thập lại được?
Vả chăng, chữ Hán bây giờ đã không đắc dụng, có ngày nó sẽ tiêu diệt, cái ngày ấy cũng không xa gì. Khi mà chữ Hán ở ta không còn, thì những sách kia dù có còn nữa, cũng là vô ích. Đã đến lúc đó, e rằng sẽ có những kẻ vọc vạch chữ Hán, công nhiên đóng vai nghiên cứu văn học chữ Hán để vu oan cổ nhân và đánh lừa hậu nhân. Như vậy, cuốn văn học sử của mình còn ra trò gì?
Sách đã đáng có, công việc sưu tầm tài liệu cho nó lại rất khó khăn. Phải là người có một sức học xứng đáng, lại có thì giờ mà làm và có tiền bạc mà sống thì mới làm được hoàn toàn.
Bấy nhiêu điều kiện, hiện nay tôi còn chưa đủ, cố nhiên là tôi không thể làm nổi.
Vậy tôi soạn ra bộ sách này, cốt để giữ lại ít nhiều tài liệu hòng góp vào cuốn sách mà chúng ta hiện đương cần có.
Đành rằng kiến văn của một người vẫn có giới hạn, những tài liệu mà tôi lần lượt trưng bày ra đây, không phải đã đủ để làm cuốn văn học sử nước nhà. Song biết đến đâu, tôi sẽ cứ theo tài lực mà làm đến đấy. Những tài liệu ấy dùng được hay không, còn tùy ở sự lựa chọn của người sau này.
(Ngô Tất Tố)

Tác phẩm nổi tiếng

Tiểu thuyết Tắt đèn là tác phẩm thành công nhất của Ngô Tất Tố, trong đó ông nêu lên cảnh cơ khổ cùng cực của tầng lớp nông dân Việt Nam dưới sự bóc lột cay nghiệt của giới địa chủ. Tác phẩm này được đăng trên báo từ năm 1936, đến năm 1939 mới được in ra thành sách. Tiểu thuyết Tắt Đèn còn được dịch ra tiếng Pháp với tựa đề là Quand la lampe s'eteint.

Giải thưởng

Với những đóng góp của ông cho nền văn học Việt Nam, ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 1996 với cụm tác phẩm Buổi chợ trung du, Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng.

Tài sản của LSB-Sun
Đã khóa chủ đề


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 07:04
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,12393 seconds with 15 queries