Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 20-12-2009   #37
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.551
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Huế - Chợ Đông Ba

Ai đã đọc thi ca xứ Huế hẳn đã thuộc câu:

"Chợ Ðông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong"

Thật vui sao, hai sự việc gửi gắm trong hai câu ca trên đến nay đã vừa tròn 100 năm. Núi Ngự sông Hương lại còn có dịp nói đến lịch sử ngôi chợ thân thương, gần gũi của mình. Trước khi có chợ Ðông Ba, bên ngoài cửa Chánh Ðông (tức cửa Ðông Ba theo cách gọi dân gian) dưới thời Gia Long có một cái chợ lớn mang tên "Qui giả thị". Tên cái chợ này đánh dấu sự kiện trở lại Phú Xuân của quan quân nhà Nguyễn. Thời Quang Toản loạn lạc, nhân dân chạy tứ tán, đến đầu chiều Nguyễn, nhân dân trở lại từ khắp nơi. Qui Giả là ngôi chợ của những người trở về. Gần một thế kỷ sau, mùa hè năm 1885, Kinh đô thất thủ, chợ Qui Giả bị giặc Pháp đốt sạch. Ðến năm 1887, vua Ðồng Khánh cho xây lại chợ và đổi tên là Ðông Ba. Ðến năm 1899, trong công cuộc chỉnh trang đô thị theo phong cách phương Tây, vua Thành Thái cho đem "Ðông Ba cho ra ngoài giại" (Chỗ bây giờ), đình chợ cũ trở thành trường Pháp Việt Ðông Ba.
Chợ Ðông Ba thời Thành Thái gồm có 4 dãy quán: trước, sau, phải, trái. Mặt trước một dãy 8 gian, mặt sau một dãy 12 gian, dãy phía tay phải 13 gian... đều lợp ngói, giữa chợ có một toà lầu vuông, ba tầng, tầng dưới có 4 bức tường, mỗi tường có 2 cửa, tầng trên 4 mặt đều có cửa, đều có mặt đồng hồ để điểm giờ khắc. trong chợ xây một giếng đá, có hệ thống máy giúp cho việc múc nước. Khi lấy nước dùng tay quay máy, tự nhiên, nước trong giếng tràn lên, phun ra. Ðầu thế kỷ XX, chợ Ðông Ba được tu sửa nhiều lần nhưng vẫn giữ cốt cách cũ. Ðến năm 1967, chính quyền Sài Gòn cho triệt hạ chợ cũ và xây lại chợ mới. Công trình đang dang dở thì bị bom pháo Mỹ trong chiến dịch Huế Xuân 1968 bắn phá tan tành. Sau đó, chính quyền Sài Gòn cho sửa chữa tạm để buôn bán. Ðến năm 1987, chợ Ðông Ba được đại trùng tu. Ngoài lầu chuông ở trung tâm, chợ Ðông Ba mới có 9 dãy nhà bao quanh cùng 4 khu hàng mới, như chợ cá, khu hàng tự sản, tự tiêu, khu hàng dịch vụ... với tổng diện tích mặt bàng xây dựng 15.597m2. Ngoài ra, ban quản lý chợ còn quản lý khu Hoa Viên Chương Dương, các bến bãi đỗxe ô tô, xe lam, nơi giữ xe đạp, xe hon đa... nâng tổng diện tích mặt bằng thuộc chợ lên trên 47.614m2, với 2543 hộ kinh doanh cố định, 141 lô bạ, có từ 500-700 hộ buôn bán rong. Bình quân mỗi ngày có từ 5000 đến 7000 khách đến chợ. Vào những dịp lễ tết, chợ đông hơn, có trên 1,2 vạn người.
Nằm dọc theo bờ Bắc sông Hương, phía trước là đường Trần Hưng Ðạo - Một trong những trục đường chính của thành phố Huế. Vị trí "trên bến, dưới thuyền, phố xá đông đúc" là điều kiện hết sức thuận lợi cho việc kinh doanh. Chợ Ðông Ba cung cấp thực phẩm cho cung điện, nhà thương, đồn lính, ký túc xá các trường Quốc học Ðồng Khánh, Bình Linh, Thiên Hựu. Ngày nay, chợ Ðông Ba cũng là một trung tâm cung cấp những sơn hào hải vị cho các nhà hàng, khách sạn quốc tế, bán các món đặc sản Huế cho khách du lịch từ bốn bể năm châu đến tham quan di sản thế giới tại Huế.
Những tinh tuý văn hoá vật chất của Thừa Thiên Huế còn giữ được cho đến nay đều có thể tìm thấy ở chợ Ðông Ba: Nón lá Phủ Cam, dao kéo Hiền Lương, đồ kim hoàn Kế Môn, mè xửng Song Hỷ, dâu Truồi, chè Tuần, quít Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, sen khô hồ Tịnh, hàng mã hoa giấy làng Sình... Những ai muốn ăn đủ món Huế truyền thống và bình dân như: cơm hến, bún bò, bánh lá, chả tôm, bánh khoái, chè đậu ván ... đều phải đến chợ Ðông Ba.
Ngày nay, chợ Ðông Ba giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Ngoài nhiệm vụ cung cấp thực phẩm và hàng tiêu dùng cho thành phố, chợ Ðông Ba còn là nơi tạo việc làm cho hàng ngàn người thất nghiệp và đóng vào ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Chợ Ðông Ba, cầu Trường Tiền, cùng với sông Hương là biểu tượng của xứ Huế thơ mộng, ngót cả trăm năm nay. Niềm vui của chợ Ðông Ba thượng thọ cũng là niềm vui của người dân đô thị Huế.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #38
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.551
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Huế - Chợ nón Dạ Lê

Dòng nước sông Hương chảy lặng lờ
Ngàn thông núi Ngự đứng như mơ
Gió cầu vương áo nàng tôn nữ
Quai lỏng nghiêng vành chiếc nón thơ...

Với Huế, chợ nón Dạ Lê có lịch sử gắn liền với chiếc nón bài thơ, với nghề chằm nón.
Trời chưa tỏ mặt người chợ nón đã đông, vòng trong vòng ngoài, toàn nón với nón, thoang thoảng quanh tôi mùi lá tươi ngai ngái, hoà quyện với mùi dầu bóng nồng nàn, đấy là mùi chợ nón vương vấn bên những người mẹ, người chị tảo tần. Chợ nón Dạ Lê xuất hiện đã hơn trăm năm rồi, quanh vùng này là các làng quê vừa làm nghề nông vừa thạo nghề chằm nón: Phú Mỹ, Phú An, Phú Hồ, Phú Xuân, Phú Lương, Thuỷ An, Thuỷ Thanh.. Chợ nón họp bên con sông Như Ý, có chiếc cầu ván nối liền đôi bờ, đi bộ hay chèo ghe đều thuận tiện. Nhiều năm trước, người dân muốn mua vật dụng hay bán nón, đều phải cuốc bộ lên chợ Đông Ba, nhà nào gần nhất cũng mất hai giờ cả đi lẫn về. Muốn nhàn hạ thì ngồi xe lam, thuyền máy, nhưng sẽ hụt mất tiền công. Thế nên chợ nón Dạ Lê ra đời tự phát, rồi ngày càng đông đảo, phồn thịnh.Chợ nón trước kia ở bên tả ngạn sông Như Ý thuộc xã Phú Mỹ (Phú Vang). Dần dần, do đường sá trải nhựa thuận tiện cho năm sáu xã chuyên nghề chằm nón lân cận thành phố, chợ đã dời sang bờ bên kia thuộc xã Thuỷ Vân (Hương Thuỷ). Ngày ngày, những người buôn nón từ thành phố Huế về bằng xe máy, nếu thu nón nhiều, họ thuê xe lam chở. Lái nón nam nữ ăn mặc sang trọng, túi xách căng phồng với hàng chục triệu đồng, bán mua trả tiền mặt sòng phẳng. Đã quen biết, họ còn tạm ứng tiền cho người làm nón đong gạo, mua vật dụng, kỳ sau trả bằng nón.
Tại chợ nón, vây quanh là những ki ốt bày bán đủ loại kim chỉ, lá nón, soài, dầu nón, quai nón.. Bán xong nón, người thợ lại mua vật liệu về chằm. Chợ nón rất sạch sẽ.
Chợ Dạ Lê ở Huế là chợ duy nhất tập trung buôn bán hàng nón và các mặt hàng liên quan nghề chằm nón truyền thống. Từ nơi đây, chiếc nón Huế đi khắp nơi mọi miền đất nước, ra cả nước ngoài. Chợ nón cũng thật đặc biệt, số đông là nữ giới họp chợ, họ ăn mặc và nói năng thanh lịch, chất phác, thuần hậu.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #39
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.551
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Huế - Chợ quê cầu Ngói Thanh Toàn

Không chỉ thu hẹp dưới chân cầu Ngói Thanh Toàn, không gian của chợ quê còn được mở rộng nối dài từ cầu Chùa đến trụ sở UBND xã Thủy Thanh, từ đầu làng đến cuối làng - nơi có cả một hệ thống nhà thờ họ tộc, phủ đệ, đình làng.
Khu vực phía Bắc và Nam của cầu Ngói là trung tâm của chợ, nơi sẽ diễn ra các hoạt động chính như: hội thi chằm nón, gói bánh, nặn đất sét, các chương trình văn nghệ quần chúng như: hò giã gạo, vè đối đáp. Các hoạt động buôn bán và trưng bày ngư cụ không chỉ bó hẹp ở đình chợ mới mà được mở rộng hơn. Theo đó, những hộ buôn bán hàng tươi sống sẽ chuyển về phía sau để dành toàn bộ diện tích trong khu vực đình làm nơi trưng bày sản phẩm nông, ngư cụ như: xe đạp nước, cày, bừa, liềm, chẹp.

Bên cạnh đình chợ mới, ở đình chợ cũ sẽ là nơi tái hiện đời sống sinh hoạt nông thôn như xay thóc, giã gạo, dần sàng, gói bánh...; những thao tác sản xuất như chằm nón lá, đan lát. Tại đây cũng sẽ diễn ra hội nhạc tế lễ, đình đám vào ban đêm. Điểm nhấn trong phần hội nhạc là hò bài chòi, được bố trí thành hai dãy thường với 22 chòi tranh dàn dựng công phu.
Góp phần làm phong phú thêm cho chợ quê là các chòi cất rớ, chòi câu cá ở dọc 2 bờ sông Như Ý; xe đạp nước, tát gầu sòng phía trên cầu Ngói Thanh Toàn. Du khách không chỉ được tìm hiểu về những đặc trưng của nông thôn Việt Nam mà còn có thể tham gia trực tiếp vào nhiều hoạt động sản xuất như: đạp nước trên đồng ruộng, cất vó, câu cá khi bóng chiều đang ngả xuống trên sông.
Ẩm thực là một món không thể thiếu của chợ quê nơi đây. Ngoài các loại chè bánh truyền thống như bánh tày, bánh ú, bánh gai, bánh phu thê, chè bắp, chè hạt sen, chè bắp, chè khoai tía, chè bông cau..., còn có sự góp mặt của những món ăn mà chỉ Huế mới có như: cơm hến Vỹ Dạ, khoai luộc Thủy Thanh, bánh canh cá lóc Thủy Dương... Những món ăn ở trong chợ đều được bày bán trên chõng tre, khách ngồi trên các ghế tre dân dã để thưởng thức hương vị của làng quê mộc mạc.
Chất quê của chợ còn được thể hiện ngay cả trên trang phục của người tham gia. Từ người bán hàng mặc áo bà ba trắng, đen, nâu sòng, áo dài tay nối đến các o, các thím, các mệ đi chợ với nón lá, quần rộng sẽ đem đến cho ngày hội chợ quê không khí mang đậm hồn Việt.
Chợ quê là hấp lực lớn với du khách được tiến hành định kỳ hàng tháng. Nơi đây cũng đã được tu bổ, chỉnh trang cầu Ngói Thanh Toàn, nạo vét dòng sông Như Ý, san lấp mặt bằng cho khu vực chợ trung tâm thông thoáng. Nhân dân đang ngày càng tích cực làm sạch đường làng, ngõ xóm để bức tranh vùng quê thêm yên bình, thoáng đãng.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #40
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.551
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Huế - Chợ xuân Gia Lạc

Trong ba ngày Tết ở tất cả các vùng quê hay thành thị khác, các chợ đều ngừng mua bán để mọi người nghỉ Tết. Thế nhưng có một chợ lại mở vào những ngày này và chỉ họp trong ba ngày Tết mà thôi - Đó là chợ Gia Lạc ở Huế. Theo nghĩa Hán, “Gia Lạc” có nghĩa là “ nhà nhà vui tươi” hoặc “thêm vui”. Như vậy, chợ này lập ra để tăng thêm nguồn vui cho mọi người.
Chợ có từ năm 1862 thời Minh Mệnh (1820 - 1840) do con thứ tư của vua Gia Long là Định Viễn công Nguyễn Phước Bình lập ra bên bờ sông Hương. Lúc đầu, chợ chỉ là nơi vui chơi, trao đổi hàng hoá của hoàng tộc. Sau thấy vui, nhân dân quanh vùng đến mua bán, rồi bày ra các trò chơi dân gian. Do vậy, chợ Gia Lạc trở thành một hình thức hội chợ vui xuân, chợ phiên ngày Tết.
Địa điểm họp chợ tại ngã ba giáp ranh làng Nam Phổ, trên hai nẻo đường một về Dương Nỗ, một về Ngọc Anh, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 3km, cách bờ sông Hương khoảng 300m. Đối diện với chợ Dinh bên kia sông Hương.
Hàng hoá ở chợ rất phong phú, từ những đồ chơi cho trẻ, đồ ăn, thức uống…đa phần là sản vật địa phương: cau Nam Phổ - vỏ mỏng, nhỏ tơ, ruột trong; trầu chợ Dinh nổi tiếng và được gọi là “trầu hương”. Đồ chơi cho trẻ là chim, cá, trái cây, con giống, ông Trạng cưỡi ngựa, Bà Trưng cưỡi voi… Tất cả đều làm từ chất liệu dân gian: bột sắn, bột gạo nhuộm màu hay đất sét. Thức ăn thì có rất nhiều thứ nhưng có một thứ mà không bao giờ vắng mặt trong ba ngày chợ ở đây đó là thịt bò thui.
Chợ Gia Lạc còn là điểm tập trung vui chơi trong ba ngày Tết với các trò chơi dân gian: bài chòi, bài ghế, hò giã gạo, bài vụ, bầu cua cá…
Trang phục của những người đi chợ Gia Lạc rất đẹp. Y phục nữ thường theo lối cổ truyền áo mớ ba, mớ năm. Mọi người đến đây đều tỏ ra dễ tính, nói năng nhẹ nhàng, ứng xử lịch sự. Riêng ở hàng hoa, người ta kiêng dùng từ “mua - bán” mà thay bằng từ “biếu - tặng”. Tuyệt nhiên ở chợ này không có hiện tượng cãi cọ, to tiếng với nhau.
Chợ Gia Lạc là một sinh hoạt văn hoá mang phong cách Huế rất rõ nét.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #41
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.551
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hưng Yên - Chợ đấu giá rau

Chợ Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) là đầu mối cung cấp rau quả đi nhiều nơi như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội... Nhiều hộ buôn bán ở đây đã trở thành các chủ vựa lớn từ “buôn thúng bán mẹt”.
Đêm ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu. tỉnh Hưng Yên không bao giờ yên tĩnh. Vô số những ánh đèn lấp loáng tạo nên một quầng sáng kỳ ảo khó có thể nhìn rõ mặt người. Kẻ bán người mua cùng chụm đầu nhìn kỹ từng vạch khắc trên chiếc cân rồi mới tính toán trao tay từng xấp bạc lớn...

Doanh nhân ở chợ đêm

Anh Nguyễn Văn Hải (40 tuổi, thôn Đông Tảo Nam) đang đứng trước những đống hàng rau quả đủ loại từ cải đặc sản Đông Dư đến su hào ta, cải bắp cuộn... như một ông chủ trong cuộc đấu thầu: khách hàng tự rao giá, ai trả cao hơn thì mới cho phép bốc hàng! Một tiếng rao từ trong bóng tối cất lên: su hào ta, sáu trăm! (nghĩa là: 600.000 đồng một tấn rau su hào). Anh Hải đáp liền: Đồng ý! Chỉ một loáng, hơn 6 tấn hàng rau quả đã chất đầyxe ô-tô. Từ 12 giờ đêm đến 4 rưỡi sáng, anh Hải đã xuất được hai chuyến hàng rau quả (khoảng 12 tấn) chở ra Quảng Ninh bán. Anh Hải cho biết: "Toàn bộ số hàng này là do tôi hợp đồng nhận bao tiêu với hơn 100 hộ dân trong làng, từ khi cây còn ở ruộng, đến vụ chỉ việc cân lên là tính tiền tùy theo giá của thị trường". Chợ còn xuất hàng chục tấn rau quả ra tận Hải Phòng, Quảng Ninh. Họ là những ông chủ, bà chủ của những phiên chợ đêm Đông Tảo này và đều xuất thân từ những người buôn thúng bán mẹt. Nếu trước đây họ chỉ quẩn quanh mua đầu chợ bán cuối chợ thì giờ đây họ đã biết đi đến từng hộ trồng rau để gom hàng ngay từ lúc mới gieo hạt. Bắt đầu từ năm 1995, khi chợ đêm Đông Tảo trở thành chợ đầu mối rau quả chuyên phân luồng mậu dịch tới các tỉnh xa như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội thì lớp người buôn bán như anh Hải mới thực sự trở thành những doanh nhân biết tính toán làm ăn lớn. Những người ít vốn hơn cũng sống được theo cách cũ, chị Lành cho biết: "Vốn của tôi chỉ có 200 nghìn đồng, tôi đến sớm hơn mọi người để có thể mua được rau với giá rẻ. Sau đó tôi bán lại cho anh Hải với giá cao hơn một chút. Cò con thế nhưng mỗi đêm tôi cũng kiếm được khoảng 300.000 đồng lãi. Một tháng cũng được gần 10 triệu đồng". Chị Nguyễn Thị Thảo, ở thôn Đồng Kinh, xã Đông Tảo thì cho hay: "Tôi chỉ mua đi bán lại rau quả ngay tại chợ, cũng có tới 160.000 đồng tiền lãi ở mỗi đêm".

Khi nông sản trở thành hàng hóa

Chợ Đông Tảo được người mua kẻ bán coi như nơi chứa đựng đầy đủ những sản phẩm của nông nghiệp và là đầu mối đưa hàng đi bán ở các nơi khác. Có tới gần 4.000 người thường xuyên họp chợ mỗi đêm, hàng trăm chiếc ô-tô tải từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội đổ về mua rau quả! Dân trồng rau, buôn rau của chín xã lân cận cũng đánh xe lam, xe công nông, xe máy... chở hàng đến chợ Đông Tảo làm cho người ta không còn nhớ tới tiếng kẻng báo giới nghiêm lúc 21 giờ 30 phút đêm nữa! Ban Quản lý chợ cho biết: "Mỗi đêm bình quân chợ Đông Tảo xuất ra thị trường hơn 130 tấn rau quả. Trong đó có khoảng 30 tấn cam, quất, 20 tấn cải Đông Dư, còn lại là bí, su hào, cải bắp, táo, ớt, rau, hành,... Một người buôn rau bình thường cũng có mức lãi khoảng 250.000 đồng một phiên chợ đêm". Vào những phiên chợ Tết hoặc mùa vụ, kéo dài khoảng 3 tháng thì lưu lượng xe và hàng hóa tăng lên đáng kể: riêng loại xe tải lớn cũng phải tới 300 chiếc! Chỉ tính riêng lệ phí thu tổng thể của ban quản lý chợ cũng đã lên tới 200 triệu đồng/năm. Mỗi năm trừ chi phí, trả lương cho 8 thành viên của ban quản lý và đầu tư xây dựng đường điện thắp sáng tại chợ, BQL vẫn đóng góp từ 110 triệu đồng trở lên, về ngân sách xã. Tiếp đó, có 600 hộ trên tổng số 2.000 hộ trong xã giàu lên từ chợ đêm này. Điều đáng mừng là mặc dù chợ đông nhưng cả xã Đông Tảo và chín xã lân cận cùng sang buôn bán ở chợ đêm, an ninh trật tự đều tốt. Trong tổng số hơn 1.000 thanh niên buôn bán ở chợ đêm thì có tới hơn 200 lao động là thanh niên xã Đông Tảo. Họ tự đưa mình vào một guồng quay, theo một chu kỳ tuần hoàn từ nhà... ra vườn rồi... đến chợ, như thế tạo lập cho mình một nghề chính, nhờ sự nhạy bén của chính họ!



(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #42
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.551
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Khánh Hoà - Chợ ẩm thực Nha Trang

Chợ ẩm thực đêm Nha Trang là một trong những hoạt động thu hút khách du lịch của Khánh Hòa. Chợ đặt tại Công viên Phù Đổng (thành phố Nha Trang), mang phong cách chợ quê với hàng trăm món ăn từ cao cấp đến bình dân.
Những người khách đến chợ ẩm thực đêm Nha Trang hầu như ai cũng ăn một thứ gì đó. Họ cho rằng chất lượng chế biến món ăn có thể chưa cao, nhưng giá cả như thế là phải chăng và điều quan trọng là ăn trong chợ đêm có cảm giác như mình đang sống giữa một làng quê thật sự.

Từ ý nghĩ cần có một chợ du lịch dành cho du khách ăn uống trong đêm ở thành phố du lịch biển Nha Trang, Công ty Du lịch Khánh Hòa đã nghiên cứu triển khai mô hình chợ ăn uống đêm và đã chính thức cho ra đời. Thật ra trên mọi nẻo đường Nha Trang, có nhiều điểm ăn uống, từ quán vỉa hè, quán bình dân cho đến nhà hàng sang trọng. Nhưng cái không khí ăn uống trong một làng quê, giữa không gian ồn ã của chợ quê là điều không phải dễ thực hiện.
Chợ ẩm thực đêm Nha Trang khá đẹp, lại nằm ở giữa khuôn viên của Công viên Phù Đổng. Bước chân vào là gặp ngay không khí của hội ăn uống. Mọi người đến đây đều ăn mặc đẹp, người phục vụ ăn mặc cũng đẹp và cả những "tiệm" bán đồ ăn cũng trình bày khá đẹp. Ở ngay trung tâm chợ là những bộ bàn ghế làm bằng tre. Khách có thể đi ngắm nhìn các nơi bán hàng, sau đó ngồi vào bất cứ chỗ nào, ngay tức khắc sẽ có một cô gái mặc đồ bà ba bước ra với giọng dịu dàng mời khách. Ngay cả những vật dụng dùng để đựng thực phẩm ở đây như chén, bát đều là loại hay dùng ở thôn quê. Ngọn đèn dầu mù mù đặt trên bàn. Giữa chợ được thiết kế có cả những cây chuối, cây cau…
Món ăn ở đây thật là đa dạng. Công ty Du lịch Khánh Hòa đã "huy động" gần hết những đơn vị chủ lực của mình để tạo ra chợ. Cũng từ kinh nghiệm của những đầu bếp của các nhà hàng, khách sạn, nơi đây có một thực đơn ẩm thực phong phú và rất thú vị. Thực đơn đều là những món ăn cũng rất “nhà quê”, tất nhiên cũng kèm theo những món nhậu bình dân cho những ông khách thích lai rai trong chợ. Mỗi nơi bán hàng lại thiết kế theo cách riêng: đầu bếp chế biến tại chỗ, khách tới chơi được ngắm nhìn và thưởng thức không gian riêng của chợ. Có trên 200 món ăn được giới thiệu tại chợ quê này.
Mỗi nơi bán hàng một vẻ. Tiệm ăn của Công viên Phù Đổng có cánh gà chiên mắm, chim cút, tôm tổ yến… Nhà hàng khách sạn Hải Yến - một khách sạn 3 sao, lại có thực đơn rất "nhà quê": bún bò, bánh xèo, phở và còn có cả món ăn chỉ có ở thành phố Hồ Chí Minh như bò bía, gỏi cuốn… Nhà hàng Viễn Đông lại bán những thứ như mỳ Quảng, bún nước lèo Cần Thơ, gỏi rau câu, chả cá Hà Nội… Cửa hàng Bốn Mùa cũng có thực đơn riêng: bánh nậm, bánh ướt, bánh bột lọc, vịt lộn, bánh bao, cháo trắng… Riêng nem nướng Ninh Hòa cũng chiếm một chỗ riêng. Trong chợ cũng không thiếu các gánh hàng chè đi dạo…
Để có một chợ đêm ẩm thực tại Nha Trang, Công ty Du lịch Khánh Hòa quả thật chưa nghĩ đến chuyện lời lãi nhiều, đó chỉ là một cách tiếp thị cho tương lai. Bởi cách thiết kế không gian chợ ấm cúng, hài hòa kia cùng với sự tìm kiếm, chế biến gần như tập họp đủ các món ăn nổi tiếng trong nước đã là một sự thành công.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #43
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.551
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Khánh Hoà - Chợ Đầm

Chợ Đầm là tên một chợ ở thành phố Nha Trang. Đây là chợ lớn nhất và cũng là biểu tượng thương mại của thành phố biển này. Du khách khi đến thăm Nha Trang thường ghé thăm và mua các đặc sản địa phương tại Chợ Đầm. Chợ Đầm, chợ trung tâm của Nha Trang, là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo và lớn Sở dĩ chợ có tên chợ Đầm là vì chợ nằm trên một cái đầm cũ rộng đến 7 mẫu tây, ăn thông ra cửa sông Nha Trang dưới chân cầu Hà Ra. Chợ được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư Lê Quý Phong: Chợ có hình tròn, mái xếp vá có một nhánh hình vòng cung. Ngày 22/12/1969 được xem là ngày đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng. Diện tích chợ 5270m2, có 3 cầu thang rộng 2,50m , tầng lầu 1520m2. Chợ có sức chứa cùng 1 lúc 3000 người. Chiều dài chợ là 4000m. Chợ hoàn tất ngày 14/10/1972. Sau nhiều biến cố chợ không còn được nguyên vẹn và đến 3/2/1978 chợ được chính thức khai trương trở lại. Ngày nay nếu có dịp từ trên máy bay nhìn xuống ta sẽ thấy chợ Đầm như một đóa hoa sen.

(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #44
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.551
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Khánh Hoà - Chợ Rỗi

Chợ họp từ rạng sáng, chỉ buôn cá, và giá cả không phụ thuộc vào việc cá về nhiều hay ít mà tùy theo thời tiết và khuynh hướng tiêu thụ. Đây là một trong những chợ độc đáo nhất ở Nha Trang. Chữ rỗi bắt nguồn từ những người dân ở các làng biển đi mua cá từ các thuyền đánh bắt để bán lại, họ gọi đó là nghề rỗi. Nếu dùng thuyền nhỏ ra biển đón tàu mua cá thì gọi là “rỗi nước”. Còn đợi tàu cập bờ mua thì gọi là “rỗi cạn”. Nhưng nghiệm cho cùng thì những người làm rỗi nước đôi khi không thu mua hết cá của tàu thuyền, cho nên chợ rỗi hình thành.
Chợ rỗi nằm ở khoảng đất trống đối diện với sân vận động thị trấn Ninh Hòa, Khánh Hòa, thuộc địa phận xã Ninh Ða. Lúc đầu cũng chỉ từ một chiếcxe chở cá tới nơi này chẳng may bị trục trặc, người chở cá bèn bày cá bên đường bán với mong muốn "gỡ lại vốn". Không ngờ hôm đó việc bán cá lại vô cùng thắng lợi. Cũng từ ngày đó, chợ rỗi thành hình. Sau đó, càng ngày chợ càng lớn dần vì những chủ tàu đánh cá từ Ninh Hòa, đến Vạn Ninh đồn nhau đem cá tới nơi bán. Cuối cùng chính quyền địa phương đã quyết định chọn một bãi đất trống rộng gần 1.000 m để làm chợ. Từ đó, chợ hình thành.
Cũng như bất cứ chợ nào, thường thì những chủ thuyền đánh cá chẳng có thì giờ ngồi bán từng giỏ cá của mình. Do đó, ngay tại chợ rỗi có nhiều chủ vựa. Gọi là chủ vựa vì họ lấy cá chủ thuyền bất kể đắt ế, họ cũng chẳng trả giá bán kiếm lời. Chủ vựa là một dạng "ngân hàng đấu giá" trong chợ rỗi. Mờ sáng, cá đánh bắt về đều giao cho chủ vựa theo dạng "chữ tín làm đầu", tiền của phiên chợ hôm qua được giao, còn lượng cá của hôm nay thì chưa biết ngã ngũ thế nào. Cá vẫn để nguyên trong vật dụng còn tươi rói. Chỉ chừng vài chục phút sau, các bà bán cá chuyên nghiệp ở các chợ từ Ninh Hòa đến Nha Trang đi xe tới. Việc trả giá có khi theo cân, có khi theo mớ. Cá được nhìn bằng mắt hơn là cầm lên xem vì đây hầu hết là những người đã buôn bán mấy chục năm trong nghề thì "Quen nhìn bằng mắt là biết cá đánh bắt ở đâu, cá còn tươi hay không, giỏ cá nặng bao nhiêu ký". Ðó gọi là kinh nghiệm nghề nghiệp.
Mỗi ngày, lượng cá về chợ rỗi khá lớn, có khi tới vài tấn. Ngoài các chủ vựa, còn một lực lượng khoảng mươi chị phụ nữ tuổi từ 25 trở lên, họ cho biết đều là người Ninh Ða. Tranh thủ sáng sớm ra chợ kiếm ít đồng bằng cách làm việc theo kiểu "chỉ đâu làm đó". Chẳng hạn, việc lựa cá, rửa cá, khiêng cá với giá cả có khi được vài chục ngàn mỗi buổi chợ.
Chợ rỗi tan rất sớm. Chỉ chừng 9 giờ sáng là cả khu chợ ồn ào náo nhiệt vắng những chuyến cá về hay cá đi. Khi đó, người đi qua không thể ngờ rằng ở nơi này từng có một phiên chợ chỉ họp từ rạng sáng và chỉ buôn cá mà thôi.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #45
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.551
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lâm Đồng - Chợ Âm Phủ Đà Lạt

Nói đến Đà Lạt, người ta hay nhắc đến chợ Âm Phủ như một vẻ đẹp về đêm. Tên gọi này xuất hiện từ hồi đèn đường còn chưa có, những người bán đồ ăn khuya tụ tập ở dọc cầu thang từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt.
Mỗi gánh hàng có một ngọn đèn hột vịt thắp bằng dầu lửa, ánh sáng chỉ vừa đủ cho khách thấy gánh hàng có những món ăn gì để lựa chọn. Đêm đến, khi Đà Lạt chìm trong màn sương trắng xóa, nhìn từ xa khu chợ đêm là những đốm sáng bập bùng, le lói của những ngọn đèn dầu và bếp than hồng, gọi chợ Âm Phủ là vì vậy.
Chợ họp từ 7 - 8 giờ tối kéo dài cho đến tận 3 - 4 giờ sáng, khách đến không phân biệt sang hèn, từ những tay chạy xe thồ thức khuya đón khách, người lao công quét đường vừa xong việc, những nhạc công, ca sĩ vừa rời quán bar, vũ trường, đến những cô cậu sinh viên ít tiền lãng mạn, thích lang thang, hay khách du lịch muốn thưởng thức hương vị đêm Đà Lạt. Quả là thích thú được đến chợ Âm Phủ ăn đêm trong tiết trời lạnh buốt những ngày cuối đông cho đến đầu tháng giêng, dễ được thấy hết cái hay cái đẹp của thành phố này. Chưa ăn thì thấy lạnh đến run người, ăn xong cảm thấy thật ấm áp. Chợ Âm Phủ xưa nay không bán những món cao sang, cầu kỳ, chỉ là những nồi ốc luộc nóng hổi hay khô cá, khô mực làm mồi uống vài ly rượu gạo, rượu thuốc, hoặc là trứng vịt lộn và những món bún cháo bình thường. Cái thú của chợ là ai nấy có thể thoải mái ra vào, tạt qua ăn một chút lót lòng, ngồi nhâm nhi vài ly rượu, hàn huyên với bạn bè, hay một mình thưởng thức đêm lạnh Đà Lạt.
Bây giờ, chợ Âm Phủ đã được quy hoạch trong khuôn đất khá rộng, nằm dọc từ cửa chợ Đà Lạt đến bùng binh hồ Xuân Hương. Các món ăn khuya ở chợ đêm Đà Lạt cũng phong phú và đa dạng hơn, với đủ các món ăn ba miền như bún bò Huế, mì Quảng, phở Bắc, bánh canh, hủ tiếu Nam Vang... với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/tô. Riêng bánh mì ở chợ đêm Đà Lạt đã nổi tiếng từ lâu với món xíu mại cay ngon, giá chỉ 2.000 đồng một ổ. Hai người phụ nữ, một già, một trẻ, vừa nướng bánh, vừa bỏ xíu mại và rau vào bánh mì, nhưng dù khách có mua cả chục ổ một lúc thì cũng chỉ đợi chừng 10 phút là có ngay. Quanh khu Hòa Bình cũng có các quán ăn đêm đã đi vào tiềm thức của người Đà Lạt và du khách thập phương như miến gà Nga ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phở Hiếu đường Trương Công Định, mì Quang Thanh đường Phan Đình Phùng, hoành thánh mì cạnh rạp Ngọc Hiệp, bún bò đường Ấp Ánh Sáng, chè đường Duy Tân...
Có lẽ khó có nơi đâu ta có thể đi dạo thoải mái như ở Đà Lạt. Không xe cộ ồn ào khói bụi, khí trời lại dịu mát, có thể ngắm nhìn cỏ cây hoa lá và đồi núi. Có lẽ chính vì thế mà thú ăn đêm ở Đà Lạt càng trở nên hấp dẫn. Vừa đi dạo ngắm phố đêm, vừa gặm bắp nướng phết mỡ hành hoặc nhâm nhi miếng khoai lang chiên, chuối chiên thơm lừng... Khi đôi chân đã mỏi sau cuộc chinh phục hồ Xuân Hương, có thể dừng lại bên gánh ốc chợ Âm Phủ hay đầu đường Trương Công Định, kêu dăm ba trứng hột vịt lộn, vài đĩa ốc bươu, nghêu luộc ăn với chuối xanh rau thơm chấm với nước mắm gừng, uống xị rượu đế nếp. Nếu vẫn thấy chưa chắc dạ, hãy làm thêm tô cháo gà. Nhiều người thích ăn phở bò ở Đà Lạt không chỉ vì hương vị phở hơi khang khác mà còn vì ở cách ăn: ai cũng ?phi" thật nhanh để "đua" với cái lạnh, để mỡ bò không kịp đóng bờ trên vòm miệng.
Nhưng thích nhất là được uống ly sữa nóng thơm lừng mùi đậu xanh, đậu nành hay đậu phộng ở các gánh sữa nằm rải rác trên các con dốc dẫn vào khu Hòa Bình hoặc ven bờ hồ Xuân Hương. Uống sữa đậu nành nóng khi trời lạnh đã trở thành một cái thú của những người dạo phố đêm Đà Lạt. Nhiều người vẫn nhớ lắm hàng sữa đậu nành gần hồ Xuân Hương của ông già với chiếc áo len đỏ đã cũ. Cụ có một cái cassette cũng "cổ lai hy", nhưng tiếng hát Khánh Ly vang lên từ cái máy ấy lại hay lạ lùng. Những hàng bán nước luôn bày sẵn nhiều loại bánh ngọt ăn kèm như bánh su, bánh pía, bánh nướng nhân thơm, nhân dừa để khách ăn lót dạ.
Trên đường Tăng Bạt Hổ ở trung tâm thành phố, bên cạnh hàng nước đậu của chị Hoa còn có các gánh bán hột vịt lộn, kế đó có cháo gà, phở Hiếu cũng mở cửa bán khá khuya. Ngày thứ bảy, chủ nhật, khu Hòa Bình được dành làm phố đi bộ, khách đi chơi về khuya thường tạt qua làm tô phở cho ấm người, hoặc sà xuống gánh hột vịt lộn. Chỗ nào bán thức ăn cũng kèm thêm trà gừng nóng miễn phí, mà dư vị sẽ còn đeo đẳng mãi người đi...


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 17:45
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,10235 seconds with 15 queries