Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 12-05-2009   #28
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.659
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Diệc


Hai tiếng "Chùa Diệc" trở thành niềm yêu mến của người dân thành phố Vinh từ lâu rồi - ngôi chùa lớn nhất ở Vinh và là một trong những ngôi chùa lớn nhất ở Nghệ Tĩnh. Người sáng lập ra ngôi chùa mượn ý trong kinh Phật để đặt tên: diệc bộ diệc xu có nghĩa là cùng bước theo cùng chạy theo (các bậc tu hành đắc đạo để lên cõi Niết Bàn).

Có phải như vậy chăng? Dân gian quanh vùng lại giải thích một cách khác đầy mầu sắc huyền bí và tôn nghiêm.

Thuở ấy, có cánh đồng màu có nhiều ao chuôm do bà con nông dân đào để lấy nước tưới đất canh tác. Bỗng một năm, hạn hán lớn, ao chuôm khô sạch nước. Cá tôm phơi xác. Chim chóc trốn biệt đi nơi khác. Đồng điền quạnh vắng, chỉ có gió nam thổi mù mịt đất cát. Nhưng rất lạ, sau một đêm ngủ dậy, người ta thấy diệc bay về rất nhiều. Diệc chen chúc nhau ở các lòng ao lòng chuôm khô nẻ đất. Trời đang nắng chang chang bỗng tối sầm vần vũ mây đen, và giông tố nổi lên. Mưa! Mưa! Mưa xối xả. Đồng ruộng được tưới mát. Ao chuôm đầy ắp nước. Bà con nông dân sung sướng kéo nhau ra đồng, ngạc nhiên thấy cảnh tượng đau lòng: hàng trăm con diệc nằm chết la liệt. Ai cũng bảo những con diệc này do Nhà trời phái xuống để làm mưa. Họ nhặt xác diệc lại một nơi và đắp thành một cái gò nhỏ. Từ hôm ấy, đêm nào người ta cũng thấy từ gò đất đàn diệc bay lên trời... Các cụ già nảy ra ý định xây trên gò đất một ngôi chùa, và dân trong vùng quen gọi là Chùa Diệc.

Đời vua Thành Thái (1873), đất Vinh mới được nhà vua ký đạo dụ thành lập thị xã. Trước đó rất lâu, năm 1742, chùa Diệc đã được dựng lên. Thuở ban sơ, chỉ là một ngôi nhà gianh nho nhỏ, tường vách sơ sài, bao quanh bởi khu vườn rậm rạp. Năm này qua năm khác, chim muông kéo nhau về rất đông và khách thập phương về lễ bái tấp nập.

Ngày rằm tháng bảy năm ấy, vị sư trụ trì tại chùa nằm mơ thấy chim diệc bay về kín vườn, rồi lại rủ nhau bay về trời. Bà con dân làng bàn nhau góp công đức, xây dựng chùa khang trang. Những năm tiếp theo, chùa được tu bổ dần và trở thành một trong những địa chỉ văn hóa có giá trị lớn về kiến trúc và lịch sử.

Chùa tọa trên một khu đất rộng chừng ba ha. Tuy ở cạnh đường thiên lý, nhưng bước vào chùa, du khách bỗng có cảm giác êm ả, thanh tịnh. Lũy cây bao bọc. Vườn tược sầm uất, thơm hương hoa trái và ríu rít chim muông. Hồ sen thanh khiết. Tháp nhỏ trầm tư, lãng đãng linh hồn các phật tử quá cố, sinh thời đã góp nhiều công sức xây dựng chùa.

Lẫn vào bóng cây bóng tháp, lẫn vào trong tiếng chim và hương hoa là những đường nét dựng xây cổ kính. Thượng điện dài 13,60 m rộng 8,61 m. Hạ điện dài 10,6 m rộng 8 m. Tam quan với lầu gác chuông đường bệ. Trước tam quan là một cái hồ rộng càng tăng thêm vẻ trang nghiêm và u tịch của nhà Phật. Trong chùa có mười bảy pho tượng mà gương mặt dồn lên nỗi suy tư nhân thế. Phía trong uy nghi và trầm mặc những bức đại tự lưỡng long triều nguyệt, câu đối sơn son thiếp vàng, tòa sen và hương án lung linh ánh nến. Đặc biệt có hai bia đá lớn, cao 2 m rộng 1 m với những hình chạm khắc tinh vi... Cửa Thiền rạng sáng sự tế độ và dòng nước sông Vĩnh đón nguồn từ xa chảy về vĩnh viễn chiếu vào đôi câu đối: Thiền môn quang phổ độ - Vĩnh thủy viễn trường lưu. Lòng người cầu mong sự hòa mục và phép Phật ưa chuộng điều tín điều trung chiếu vào đôi câu đối: Nhân tâm cầu hòa lạc - Phật pháp thượng tín trung.

***

Ngôi chùa hầu như gắn liền với bao biến thiên lịch sử, với bao nhiêu sự kiện trọng đại của thành phố. Nơi đây đã in dấu chân của nhiều tao nhân mặc khách, của nhiều nhà chí sĩ yêu nước và nhiều chiến sĩ cộng sản.

Thời kỳ Cần Vương, vườn cây sầm uất sau chùa là điểm hẹn gặp gỡ của một số nhà Văn thân bàn tính lập mưu đánh Pháp. Quán lau ở gần đó là bãi hành hình đẫm máu. Đầu của nghĩa quân đã rơi xuống và cổng chùa càng dựng lên trang nghiêm.

Vào những năm đầu của thế kỷ 20 chùa là nơi liên lạc bí mật của Phan Bội Châu cùng với các đồng chí của mình. Tháng 3-1926, hội Phục Việt đã tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại chùa Diệc đòi xóa án Phan Bội Châu và truy điệu Phan Chu Trinh. Hàng ngàn người dân thành phố và học sinh trường Quốc học Vinh đã tới dự. Tiếng mõ cầu siêu cho nhà chí sĩ Phan Chu Trinh thấm vào lòng người nỗi tiếc thương da diết và khơi gợi tình cảm yêu nước nồng nàn.

Cũng vào dịp mùa xuân năm đó, phong trào đấu tranh của nhân dân lên cao buộc thực dân Pháp phải để cụ Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở Huế được về thăm quê Nam Đàn. Cuộc đón tiếp diễn ra ở Vinh vô cùng sôi động. Nhiều học sinh và sinh viên xứ Nghệ đang học ở Hà Nội cũng tìm cách trở về Vinh trong dịp này. Chùa Diệc mở cửa, lung linh ánh nến và vang rền tiếng mõ, tiếng chuông.

Trước hội quán Quảng Tri, tề tựu đông đúc các vị nhân sĩ, giáo sư, viên chức. Thầy giáo Lê Thước đọc diễn văn chào đón: "Cụ là một vĩ nhân ái quốc, rất kiên nhẫn, mà Ông Xanh giáng sinh ra giữa đất Nghệ An. Hai chục năm thừa đi ra ngoại quốc lấy bút làm chuông, lấy nghiên làm mõ, đánh thức quốc dân trong cơn mê mẩn mấy trăm năm..."

Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh và đón tiếp cụ Phan Bội Châu là một cuộc tập hợp lực lượng quần chúng, chùa Diệc càng được người ta nhắc đến như một địa điểm thiêng liêng kết hợp nhuần nhuyễn giữa Đạo và Đời.

Năm 1941, Đội Cung dấy binh khởi nghĩa ở đồn Rạng (Đô Lương), kéo về đột nhập thành Vinh. Sau khi bị lộ và bị thất bại, ông đã trốn vào chùa ẩn nấp mấy hôm, rồi rút lên Cổng Chốt.

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 sôi sục các cuộc biểu tình, cờ búa liềm và truyền đơn. Thành phố Vinh náo động khí thế đấu tranh của thợ Trường Thi, của nông dân làng Đỏ, với ngọn cờ Bến Thủy, với cuộc biểu tình Thái Lão... thì chùa Diệc cũng là nơi thầm lặng giấu các chiến sĩ cộng sản.

Vị sư trụ trì chùa cảm nhận được sự chuyển biến đúng hướng của thời cuộc, đã lặng lẽ cầu kinh niệm phật và theo dõi mọi biến động xảy ra hằng ngày. Vị sư ấy có một cuốn sổ riêng, ghi tên những người đã ngã xuống ở Vinh trong phong trào do Đảng lãnh đạo. Hồn thiêng của các liệt sĩ siêu thoát trong hương thơm cửa Thiền cùng với sự trường tồn của một miền đất lửa...

***

Trước cổng chùa, bên kia hồ, là trường Quốc học Vinh. Trường thành lập từ năm 1920. Niên khóa đầu có bốn mươi lăm học sinh. Nhưng niên khóa sau, số học sinh tăng lên. Sự hiện diện của ngôi trường làm tăng thêm sự linh thiêng của chùa Diệc. Trường học và Nhà chùa tạo thành một trung tâm văn hóa của thành phố Vinh.

Trên Quán Thầu Đâu dân dã thuở ấy, Quốc học Vinh được dựng lên tôn nghiêm mái trường hài hòa với sự trang nghiêm của mái chùa, các thế hệ trí thức lần lượt xuất hiện. Họ trở thành những nhà khoa học, nhà văn, nhà hoạt động chính trị...

Học sinh trường Quốc học với ngôi chùa có mối liên hệ khá mật thiết. Năm cụ Phan Chu Trinh qua đời, hầu hết học sinh tham gia lễ truy điệu tại chùa Diệc. Năm 1927, nhà trường tổ chức Chi bộ Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Nhiều cuộc họp kín của chi bộ được tiến hành ngay tại vườn chùa... Trong số học sinh của trường , có đồng chí Nguyễn Tiềm, mười tám tuổi, đã là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ Nghệ An, hy sinh trong tù. Chắc hẳn trong cuốn sổ ghi các liệt sĩ cộng sản của vị sư chùa Diệc có tên Nguyễn Tiềm...

Sự liên hệ mật thiết giữa các thầy giáo, học sinh trường Quốc học Vinh với chùa Diệc qua nhiều năm tháng như sợi dây xe kết âm thầm và bền vững.

Từ mối liên hệ này, đã dẫn đến một sự kiện văn học quan trọng: Năm 1926, thầy giáo Lê Thước đã phát hiện được văn bản gốc Văn chiêu hồn (tức Văn tế thập loại chúng sinh) của Nguyễn Du tại chùa Diệc.

Lê Thước sinh năm 1891, quê huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Kỳ thi hương cuối cùng ở trường Nghệ năm 1918, ông đậu Giải nguyên. Sau đó ông chuyển sang Tây học một cách nhanh chóng và có hiệu quả.

Tốt nghiệp Trường cao đẳng sư phạm Hà Nội, ông về Nghệ An thành lập "Hội Hàn lâm Nghệ An" và dạy trường Quốc học Vinh. Nhà trường ở gần chùa Diệc, những ngày chủ nhật, ông thường sang chùa trò chuyện với vị sư cao tuổi. Thấy vị sư có trình độ học vấn uyên thâm, Lê Thước càng thích gần gũi. Vị sư cũng càng ngày càng quý trọng Lê Thước.

Bất ngờ một hôm, vị sư cho Lê Thước xem bản chép tay bằng chữ Nôm Văn chiêu hồn của Nguyễn Du. Lê Thước hối hả đọc, sung sướng run người. Những năm trước, Lê Thước đã say mê tìm hiểu Nguyễn Du. Nhiều lần ông còn về Tiên Điền trò chuyện với bà con họ Nguyễn để thu thập tư liệu. Ông đã cùng với Phan Sĩ Bàng viết cuốn Truyện cụ Nguyễn Du. Sự đeo đuổi kiên nhẫn đã đem lại cho ông một niềm vui lớn: tìm được Văn chiêu hồn đã từng lưu lạc hàng trăm năm mà chưa hề ai nhắc đến. Như một sự tình cờ, Văn chiêu hồn được lưu giữ ở chùa Diệc, cách quê Nguyễn Du chừng mười lăm ki-lô-mét, một ngôi chùa mà huyền thoại như đã sắp xếp để cất giấu tác phẩm đầy nhân ái này.

Đàn diệc xa xưa đã bay về báo hiệu cơn mưa trong mùa đại hạn. Rồi đàn diệc ấy lại chết sau mùa đại hạn. Có phải đàn diệc ấy cũng là thành phần trong thập loại chúng sinh mà Nguyễn Du muốn chiêu hồn?

Từ hôm ấy, học sinh trường Quốc học Vinh nhìn chùa Diệc với tấm lòng yêu mến và kính trọng hơn. Dưới mịt mù bụi cát thời gian là tầng tầng vỉa quặng văn hóa lấp lánh tâm linh dân tộc. Lẫn trong hương khói, trong tiếng chuông, tiếng khánh, tiếng mõ cầu kinh, người ta nghe văng vẳng nhịp thơ Văn chiêu hồn:

Phật hữu tình từ bi phổ độ
Chớ ngại rằng có có không không,
Nam vô Phật, nam vô pháp, nam vô tăng
Nam vô nhất thiết siêu thăng thượng đài



Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #29
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.659
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Diêm Điền


Chùa Diêm Điền là một di tích văn hoá thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tục truyền rằng: cách đây hơn 100 năm, làng Diêm Điền chỉ là một vùng ruộng, sông toàn nước mặn, chỉ có cây đước, lác và năn mọc. Dân làng sống bằng nghề bắt tôm, bắt cá và bán cây lác dệt chiếu. Mùa nóng ruộng đóng diêm thành muối. Chỉ đến khi Ngài tiên hiền họ Phạm di dân đến khai hoang, vỡ hoá mới đặt tên cho làng là Diêm Điền (làng ruộng muối) như ngày hôm nay.

Hồi đó, giếng chỉ toàn nước mặn, dân không có nước ngọt để uống. Một hôm, có một nhà sư và một chú tiểu không biết từ đâu đến chặt cây rừng dựng lên một ngôi am thỉnh phật, đêm đêm kinh kệ, ban ngày đào giếng. Cho đến khi giếng có nước ngọt thì nhà sư và chú tiểu đó lại ra đi mất dạng.

Để tưởng nhớ công ơn của các vị trên, người dân Diêm Điền đã lập đền thờ các vị đó ngay tại am Phật mà nhà sư và chú tiểu đã từng an toạ.

Chùa Diêm Điền được xây dựng vào khoảng năm 1850, theo lối kiến trúc cung đình nhiều lớp trang nghiêm. Chung quanh chùa có tường bao bọc, giữa có cửa tam quan chạm trổ công phu. Chùa hướng về phía đông nam, toạ trên một gò đất cạnh rừng thật cao và rất rộng.

Ngày nay, cả thôn Diêm Điền vẫn còn uống nước giếng duy nhất cạnh chùa, thường gọi là giếng chùa. Phía Bắc chùa có mộ ông tiên hiền họ Phạm. Ngôi mộ này trong chiến tranh tuy không đắp nhưng vẫn cao. Người làng thường kể, trong chiến tranh, đêm nào có ánh sáng như sao gần mộ thì sau đấy có giặc đến, cứ vậy mà dân làng biết để chống càn.

Quý khách đi du lịch Quảng Ngãi, thăm chùa Thiên ấn, tắm biển Mỹ Khê, xem chứng tích Mỹ Lai, đến Ba Tăng nhìn dấu chân " ông Khổng Lồ" còn in trên đá, xem địa đạo Hố Toái, Bình Châu thì cũng nên dành ít thời gian thăm chùa Diêm Điền. Quý khách sẽ tận mắt nhìn ngôi am diện tích không quá 20m2 ,vừa mới dựng thay ngôi am cũ đã bị cháy.

Quý khách sẽ mua hạt sen chùa Diêm Điền, vừa thơm ngon vừa bổ làm quà cho người thân. Con gái làng Diêm Điềm tuy dãi nắng, dầm mưa nhưng ăn hạt sen và uống nước giếng chùa nên da cô nào cũng mịn và trắng. Người dân Diêm Điền cũng rất hiếu khách, họ luôn sẵn lòng kể cho quý khách nghe về lịch sử chùa Diêm Điền cũng như lịch sử về vùng đất Diêm Điền của họ. Quý khách sẽ cảm nhận được không khí cởi mở, chân thành khi đến nơi đây.

Có điều quý khách sẽ không tránh khỏi ngạc nhiên là chùa không hề nhận một khoản tiền nào của khách thập phương dù ít hay nhiều vì dân địa phương muốn để công sức của chính mình tự đóng góp xây dựng lại ngôi chùa khi được phép. Nghe thật nghịch lý nhưng đó lại là cái lý rất đáng thương đáng trọng của người dân nơi ruộng đồng sông nước đã gánh chịu quá nhiều gian khổ. Họ muốn thực hiện câu ca dao địa phương do chính họ đặt ra:

Quý khách đã đến Diêm Điền.
Viếng chùa càng quý viếng tiền xin lui.
Chùa quê nghèo thật, xin người.
Đốt hương niệm Phật hoa tươi, hương đèn

Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #30
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.659
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Dơi


Trên đường từ Sóc Trăng về huyện Mỹ Xuyên đến chợ Mùa Xuân thuộc phường 3 rẽ vào con lộ đất dii thêm một khoảng 1 cây số khách sẽ gặp ngôi chùa Mã Tộc mà dân địa phương gọi là chùa Dơi.

Ngay từ đàng xa khách đã nghe thấy tiếng kêu "rít rít" và tiếng đập cánh của loài dơi quạ, loại dơi lớn ở miền Nam. Bước qua cổng chùa nhìn lên tàng cây, khách trông thấy cảnh tượng lạ mắt. Hàng trăm, hàng ngàn cánh dơi đang treo ngược đầu xuống đất từ trên những cành cao xuống đến những cành thầp phe phẩy đoi cánh quạt mát cho giấc ngủ ngày vì dơi là loài ăn đêm. Những chú dơi lớn đôi cánh căng ra có đến cả mét, ngực phủ lớp lông màu vàng hực. Với hàm răng bén nhọn dơi ăn được những quả trái có lớp vỏ cứng và dày như dừa, gòn...

Khu vườn chùa có diện tích gần 3 hécta với những loầi cây sao, dầu, vú sữa, xoài, thốt nốt... dày đặc bóng dáng loài dơi đeo bám trên cành nhánh. Theo các vị sư sãi chùa đã được xây cất cách nay hơn hai trăm năm với vật liệu ban đầu la cây ván và lợp lá. Chùa được trùng tu lại nhiều lần trong nhiều thời gian khác nhau mới có được hình dáng như hiện nay. Loài dơi cũng đến đây sinh sống sau khi chùa được xây cất, đặc biệt là chúng chỉ sống quanh khu vườn chùa, không sống lan qua khu lân cận dù ở sát ngay bên cạnh.

Qua khỏi cổng chùa một quãng là điện Sư Cả, nhà ở của Tỳ kheo, hội trường, phòng học giáo lý xây kế tiếp nhau. Ngôi chính điện nằm ngay phía trước cách khoảng một sân gạch lớn được xây cất trên hai tầng nền. Tầng nền dưới lót đá cao 1 mét, tầng nền trên nhỏ hơn được đúc chắc chắn. Hàng cột tròn với hình tiên nữ hai tay chắp vào nhau dọc quanh 4 vách chùa ở phần gàn giáp mái. Mái chùa gồm hai lớp mái cách khoảng, lợp ngói được sơn phết nhiều màu sặc sỡ. Hai mái giao nhau thành góc 30 độ, có tháp nhỏ nhiều tầng, đầu mái mang hình đuôi rắn vút thẳng lên không. Loài dơi sinh sống nơi đây như đã thuần hóa, gần gũi, thân thuộc với nếp sinh hoạt nơi này. Dơi đẻ con vào mùa mưa, nuôi con bằng đôi vú nằm lệch về phía hông với tuyến sữa dày. Thường dơi mẹ trong thời kỳ nuôi con chúng không thể bay ăn xa, chỉ quanh quẩn những nơi gần và đặc biệt nhất là chúng không ăn quả trái trong khu vườn chùa nơi chúng cư ngụ.

Trên bệ thờ của ngôi chính điện là tượng phật ngồi cao 2 mét bằng đá tạc nguyên khối. Một tượng Phật nằm phía trước và chung quanh là hàng chục tượng lớn nhỏ làm bằng nhiều loại vật liệu, dáng vẻ khác nhau. Bao quanh điện thờ là bức hoành lớn chạm khắc công phu hình hoa kiểng, chim cá đặc biệt có hình hai con dơi đang bay lượn. Bức hoành này đã có ngay từ lúc chùa được xây dựng lần đầu trải đến ngày nay.

Nét độc đáo của chùa Mã Tộc là hình ảnh của loài dơi qua quen thuộc sinh sống nơi đây tự lâu đời. Nó cũng hoà nhập vào cuộc sống của con người, vùng đất tạo cho cảnh trí thiên nhiên vốn dĩ trầm mặc u tịch của đền chùa nét sinh động gần gũi giữa người và vật. Kích thích óc tò mò, trí tưởng tượng của khách phương xa khi có dịp đến viếng Sóc Trăng.





Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #31
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.659
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Dư Hàng (Phúc Lâm Tự)


Tọa lạc ở phố Dư Hàng, phường Hồ Nam, quận Lê Chân, đây là ngôi chùa cổ nổi tiếng ở thành phố Hải Phòng. Chùa có tên chữ là Phúc Lâm Tự, lúc đầu chỉ dựng bằng tre lá. Tương truyền vào đời Trần, Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông và Thiền sư Huyền Quang vẫn thường đến dây thuyết giảng đạo pháp. Đến đời Lê Gia Tông, năm 1672, quan Đô úy Nguyễn Đình Sách từ quan xuất gia, lấy đạo hiệu là Chân Huyền, thấy cảnh chùa đổ nát, mới đứng ra vận động nhân dân sửa chùa. Đến đời vua Thành Thái, Hòa thượng Thông Hạnh tự Phúc Nguyên thuộc phái Vĩnh Nghiêm đã trùng tu mở rộng chùa, xây gác chuông. Năm 1917 chùa lại được sửa sang một lần nữa với quy mô như ngày nay.

Chùa Dư Hàng được xây dựng theo kiểu "Đinh", có cổng tam quan ba tầng mái cao vút. Một chuông lớn được treo trên gác chuông năm gian hai tầng, mái cong. Qua gác chuông là một sân rộng có đặt một đỉnh lớn và tượng Bồ-tát Quán Thế Âm. Tiền đường gồm bảy gian dựng theo kiểu vì kèo giá chiêng; bên phải là năm gian nhà tổ, nhà trai và nhà ngang; còn bên trái là năm gian nhà hậu. Năm gian thượng điện cũng được dựng bằng gỗ có những vì kèo được chạm trổ tinh tế.

Chính điện có nhiều tượng được chạm khắc tinh xảo, như tượng Phật, tượng Hộ Pháp, tượng Trúc Lâm tam Tổ và câu đối chạm khắc theo phong cách nghệ thuật triều Nguyễn. Bức chạm lộng sơn son thếp vàng rực rỡ ở chánh điện do các nghệ nhân Hà Nam Ninh tạc vào đầu thế kỷ XIX. Chùa còn giữ được nhiều di vật quý như đỉnh đồng, khánh đồng, bát hương, tủ chạm.

Ngoài vườn chùa có 9 tháp mộ, trong đó có nhóm tháp "Trúc Lâm tam Tổ", tháp của Thiền sư Chân Huyền Nguyễn Đình Sách và các vị cao tăng từng trụ trì ở chùa.

Phúc Lâm Tự xứng đáng là một di tích kiến trúc cổ kính, một danh lam nơi đất cảng Hải Phòng.


Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #32
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.659
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Giác Lâm


1. Vị trí bề thế, nhưng quy mô lại khiêm tốn, chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất của thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa ra quyết định số 1288 VH/QĐ ngày 16 - 11 - 1988 công nhận là một di tích lịch sử - văn hóa. Chùa tọa lạc ở số 118 đường lạc Long Quân, phường 23, quận Tân Bình, trong vùng Phú Thọ Hòa.

Chùa vốn ở trên gò Cẩm Sơn, còn gọi là Cẩm Đệm và Sơn Can, do ông Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền của xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744), đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức miêu tả khu vực này như sau: rộng ba dăm, cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà có nhã thú. Thi nhân du khách, mỗi dịp tết Thanh minh, Trùng cửu rảnh rỗi, kết bầy năm ba người đến mở tiệc thưởng hoa, chuốc chén ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa rộn ràng xa cách ra ngoài tầm mắt,?"

Năm 1772, Hòa thượng Viên Quang thuộc dòng Lâm tế tới trụ trì, từ đó mới đổi tên là Giác Lâm.

Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Lần thứ nhất, vào khoảng năm 1799 - 1804, Hòa thượng Viên Quang cho xây lại ngôi chùa. Đến năm 1906 - 1909, Hòa thượng Hồng Hưng với sự giúp sức của Hòa thượng Như Phòng, đã cho tôn tạo lại ngôi chùa một lần nữa. Các sự kiện này được ghi lại trong đôi liễn mừng lạc thành, nay còn treo ở chánh điện.

Khuôn viên chùa khá rông, nằm lọt giữa phố phường đông đúc, chung quanh là những bức tường xây. Qua cổng chùa, ngay giữa sân có dựng tượng Bồ - tát Quan Thế Âm dưới bóng cây bồ đề tán lá xanh tốt. Đây là cây bồ đề do Đại đức Narada mang từ SriLanca sang trồng ngày 18-6-1953. Nhân dịp này Ngài cũng cúng cho chùa Xá-Lợi Phật Thích-ca.

Ngày 17 tháng 6 năm 1994, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thánh Bảo tháp Xá-lợi và cung nghinh Xá-lợi Phật từ chùa Long Vân, Bình Thạnh về chùa Giác Lâm, tôn trí tại Bảo tháp (nguyên từ năm 1953, Xá-lợi Phật được đưa về tôn trí tại chính điện chùa Long Vân). Bảo tháp gồm 7 tầng, hình lục giác, mỗi tầng đều có mái ngói, cửa ra vào. Tháp được xây từ năm 1970 theo đồ án của kiến trúc sư Vĩnh Hoằng, đến năm 1975 thì tạm ngưng cho đến năm 1993 mới được tiếp tục. Tháp cao 32m, mặt hướng Đông, là một trong những bảo tháp lớn và nổi triếng nhất thành phố.

Ngôi chùa có hình chữ nhật, dài 65m, rộng 22m, gồm 3 lớp nhà chính: chánh điện, giảng đường và nhà trai, không kể các dãy nhà phụ. Chùa có tất cả 98 cột. Trên cột có khắc 86 câu đối dính liền, chữ thếp vàng, khung viền chung quanh được trạm trổ rất công phu. Các đầu kèo đều tạc hình đầu rồng. Các bàn thờ trong chánh điện đều được làm bằng gỗ quý nên rất chắc chắn. Gian giữa có ba tấm bao lam hình Tứ quí (mai, lan, cúc, trúc), Tứ linh (long, lân, qui, phụng) và Cửu Long.

Chùa có 113 pho tượng cổ, chủ yêu bằng danh mộc (gỗ mít nài) được sơn son thếp vàng. Ngoài ra có 7 pho tượng đồng. Toàn bộ tượng, bao lam, ghế bàn, bảo tháp đều được chạm khắc cực kỳ tinh xảo. Pho tượng Phật cổ nhất ở chùa là tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngồi trên tòa sen, bằng gỗ, cao 0,65m; bề ngang hai gối 0,38m, được tôn trí ở giảng đường, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII. Toà Cửu Long diễn tả sự tích đức Phật Thích-ca đản sinh, được đúc bằng đồng, tôn trí ở bàn thờ chánh điện. Khá đặc sắc về nghệ thuật tạc tượng là hai bộ Thập bát La-hán. Bộ La-hán nhỏ, mỗi pho tượng cao khoảng 0,57m (tượng cao 0.50m và đế cao 0.07m) được tạo tác vào đầu thế kỷ XIX; bộ La-hán lớn, mỗi pho tượng cao khoảng 0.95m (tượng cao 0.80m và đế cao 0.15m) được tạo tác vào những năm đầu thế kỷ XX, đặt hai bên điện Phật ở chánh điện.

Bên trái khuôn viên chùa có khu mộ tháp của các vị Tổ đã trụ trì ở đây: Viên Quang, Hải Tịnh, Minh Vi, Minh Khiêm, Như Lợi, Như Phòng,... Ở đây còn có cả tháp của Tổ Phật Ý, thầy của Tổ Viên Quang, trụ trì Sắc tứ Từ Ân, được dời về chùa Giác Lâm vào năm 1923.

2. Có nhiều ngôi chùa cổ đã từng được ghi trong sử sách nhưng nay không còn lại dấu vết kiến trúc nào, như các chùa Từ Ân, Khải Tường, Mai Khâu (chùa Cây Mai), Kim Tiên, Gia Điền, Phước Hưng, Phước Hải... Bên cạnh đó, có những ngôi chùa tuy được lập khá sớm nhưng hình thể kiến trúc chủ yếu mới tạo dựng sau này, như các chùa Phụng Sơn, Hội Sơn, Huê Nghiêm, Phước Tường... Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Quảng Tuân, những ngôi chùa ở TP Hồ Chí Minh được xây dựng trước năm 1900 tuy có trùng tu nhưng vẫn giữ được khung gỗ truyền thống thì được xếp là "chùa cổ". Ngược lại, những ngôi chùa dù có kiến trúc theo khung gỗ cổ truyền nhưng dựng sau năm 1900 thì đều được xem là "chùa mới". Và ở góc độ nào đó, nếu như chùa Từ Ân là ngôi chùa cổ do tổ Phật Ý (đời chúa Nguyễn Phúc Khoát) từ miền trung vào Sài Gòn lập sớm nhất, thì chùa Giác Lâm là ngôi chùa cổ có lối kiến trúc tiêu biểu nhất còn giữ được hình thể, đường nét, kết cấu cơ bản cho đến ngày nay.

Trong tác phẩm Gia Định thành thông chí, nhà văn hóa nổi tiếng Trịnh Hoài Đức cho biết chùa Giác Lâm do cư sĩ Lý Thụy Long người Minh Hương quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý 1774, rồi xin tổ Phật ý ở chùa Từ Ân cử thầy Viên Quang về trụ trì. Nơi tọa lạc của chùa Giác Lâm xưa kia thuộc địa phận xã Phú Mỹ Thọ, huyện Bình Dương, trấn Phiên An, phủ Tân Bình. Hiện nay chùa nằm trên đường Lạc Long Quân thuộc phường 10, quận Tân Bình. Trải qua chín đời trụ trì, chùa được xem là Tổ đình của dòng Lâm Tế ở miền nam.

Các vị thiền sư trụ trì chùa đều là những bậc chân tu đáng kính, chẳng những uyên thâm Kinh Phật mà còn giỏi về nho học, y học, thiên văn, địa lý cùng nhiều ngành nghệ thuật. Thiền sư Tổ Tông - Viên Quang từng được Trịnh Hoài Đức làm thơ ca ngợi tài năng và công đức, hiện còn được khắc triện trên các bức sơn mài ở nhà thờ tổ. Bậc chân tu trụ trì chùa đầu tiên này là người có công đầu về việc trùng tu chùa Giác Lâm và biến nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo lớn của toàn Nam Bộ. Còn thiền sư Hồng Hưng - Thanh Đạo được xem là vị tổ có công trong việc hoàn thiện quần thể kiến trúc chùa như hiện nay. Điều đó chứng tỏ sự am tường về nghệ thuật kiến trúc và óc thẩm mỹ hiếm có của bậc chân tu này.

Trong quá khứ, chùa được trùng tu quy mô lớn hai lần, vào các năm 1799-1804 và 1906-1909. Đầu năm 1999, chùa hoàn thành đợt trùng tu quy mô lần thứ ba với kinh phí do ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đầu tư là 293 triệu đồng. Tuy bề ngoài có sửa đổi nhiều, nhưng cơ bản chùa vẫn giữ được kiểu kiến trúc ban đầu, đặc biệt là 98 cây cột cổ đứng dọc từ ngoài vào trong, chia thành ba lớp nhà bằng nhau. Tọa lạc xa trung tâm thành phố nên cảnh chùa xưa kia rất u tịch, vắng vẻ hợp với thế giới tu hành, như hai câu đối còn ghi ở chánh điện:

"Tự cổ tăng nhàn thường dẫn yên hà vi bạn lữ:
Sơn thâm thế cách chỉ bằng thảo mộc ký xuân thu"

Tạm dịch:

Chùa cổ sư nhàn cùng khói hương kết duyên bầu bạn
Non xa đời khuất chỉ cỏ hoa lưu dấu ngàn sau

Ngày 16-11-1988, chùa Giác Lâm được Bộ Văn hóa công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Đây là một trong những điểm văn hóa có sức thu hút mạnh mẽ du khách trong lẫn ngoài nước tới chiêm bái. Những ngày giáp Tết Kỷ Mão 1999, ngay sau khi chùa mới khánh thành đợt trùng tu quy mô lần thứ ba, đã có hàng nghìn du khách tìm đến ngôi cổ tự này để cầu phúc lộc cho năm mới.

Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #33
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.659
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Giáp Nhất (Phúc Lâm Tự)



Chùa Giáp Nhất ở thôn Giáp Nhất, xã Nhân Chính, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km về phía Tây.

Chùa gồm nhà tiền đường và thượng điện, nhà tổ, khuôn viên rộng rãi, có cây xanh. Tương truyền chùa được xây dựng từ khá sớm, đã bị hủy hoại bởi nhiều cuộc binh lửa. Hiện nay chùa còn hệ thống tượng Phật mới được tạo lại vào năm 1941. Chùa còn giữ tấm bia khắc năm 1892 ghi việc trùng tu chùa. Năm 1973 chùa đã được tu sử lại toà tam bảo và dựng nhà tổ.

Chùa đã được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạng di tích lịch sử nghệ thuật ngày 31/1/1992.



Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #34
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.659
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Hương


Ngày trước có một người con gái mùa xuân theo cha mẹ đi trẩy hội chùa Hương đã phải lòng một chàng trai tài hoa phong nhã. Tâm tình của cô gái ấy với những lời lẽ e ấp vụng dại đã được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ghi lại qua một thiên ký sự bằng thể thơ năm chữ nổi tiếng trên đất Việt hơn nửa thế kỷ qua. Ngày nay cảnh vật Hương Sơn có khác đi ít nhiều, nhưng hành trình đến chùa Hương vẫn là một cuộc hành trình trở về thiên nhiên và cội nguồn. Chúng ta hãy lần theo dấu chân cô gái ngày trước mà tìm đến với "Nam thiên đệ nhất động" (Động đẹp nhất trời Nam).

Chùa Hương nằm trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 60km. Thật ra chùa Hương không phải là một ngôi chùa mà là một hệ thống chùa chiền, đền thờ và hang động nằm trong khu vực có những ngọn núi đá vôi và rừng nhiệt đới, diện tích tất cả khoảng chừng 6km2.

Theo truyền thuyết, vùng núi có hang động này được tìm thấy cách đây hơn hai nghìn năm và đã được đặt tên Hương Sơn - lấy tên một ngọn núi ở phía Bắc Tuyết Sơn trong dãy Himalaya (Ấn Độ), nơi đức Phật đã ngồi tu khổ hạnh suốt 6 năm ròng rã. Đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) đã có am thờ Phật dựng trên mảnh dất chùa Thiên Trù. Theo sách Hương Sơn Thiên Trù thiên phú thì chùa Hương được xây dựng từ đời Lê Huy Tông niên hiệu Chính Hòa (1680 - 1705). Bia tại chùa Thiên Trù có ghi rằng việc xây dựng nền đất, bậc đá và tôn tạo Kim Dung bảo điện của chùa được thực hiện vào năm 1686 ; còn pho tượng chính trong chùa - tượng Bồ-tát Quan Âm - xưa kia vốn bằng đồng được đúc năm 1767.

Hàng năm, hội chùa Hương mở từ ngày mồng sáu tháng giêng đến rằm tháng ba âm lịch , trải dài trên ba tuyến chính: tuyến động Hương Tích, tuyến chùa Tuyết và tuyến chùa Long Vân. Trên thực tế, suốt trong tháng giêng và tháng hai, cảnh chùa luôn luôn đông vui tấp nập và khách thập phương chủ yếu vãn cảnh chùa theo tuyến động Hương Tích.

Từ Hà Nội, đi xe vào thị xã Hà Đông, lên thị trấn Vân Đình, qua gần 20km nữa là tới Bến Đục, nằm bên bờ sông Đáy. Đây là cửa ngõ vào khu danh lam thắng cảnh, thuyền đò chen chúc. Từ Bến Đục, khách đi bộ gần 1km sẽ đến bến đò để lên thuyền xuôi theo một dòng suối có tên là Yến Vĩ (đuôi con chim én).

Thuyền đi, Bến Đục qua.
Mỗi lúc gặp người ra,
Thẹn thùng em không nói :
Nam mô A-di đà!

Thuyền đưa du khách lướt bên những ngọn núi đá nên thơ như núi Voi, núi Rồng ? cùng với nhịp cầu ở phía xa gợi lên khung cảnh non Tiên nước Phật:

Réo rắt suối đưa quanh
Ven bờ, ngọn núi xanh
Dịp cầu xanh nho nhỏ
Cảnh đẹp gần như tranh.

Đến đền Trình, thuyền ghé vào để du khách "trình diện" với sơn thần sở tại trước khi đặt chân lên cõi Phật. Đền nằm dưới chân một quả núi dựng lên năm ngọn nên được đặt tên là Ngũ Nhạc. Đền còn có tên Quan Lớn, thờ một bộ tướng của vua Hùng.

Rời đền Trình, du khách tiếp tục cuộc hành trình bằng đường thủy ngắm cảnh hai bên dòng suối:

Sau núi Oản, Gà, Xôi
Bao nhiêu là khỉ ngồi
Tới núi con Voi phục
Có đủ cả đầu đuôi.

Thuyền dừng ở Bến Trò cho du khách bước lên khu vực chùa Thiên Trù (Bếp Trời), tức là chùa Ngoài. Ngày xưa, chùa được xây khuất trong bốn vách núi, có đến vài chục gian, nhưng đã bị tàn phá trong chiến tranh. Nam Thiên môn được xây dựng dưới triều vua Gia Long (năm 1809) cũng bị phá hủy. Một kiến trúc cổ còn lại là Viên Công bảo tháp được xây dựng từ thế kỷ XVII, nơi đặt xá lợi Thiền sư Viên Quang, người có công trùng tu chùa Hương sau nhiền năm hoang phế. Nhìn từ xa, tháp như cây bút hồng ngọn vút cao lên trời. Ở đây còn có Thiên Thủy tháp là một mỏm đá mọc ngược thành một cây tháp thiên tạo, nước mưa trên núi theo tháp chảy xuống. Năm 1986, chùa Thiên Trù đã được phục dựng lại gác chuông và đến năm 1989 thì xây xong nhà Tam bảo hai tầng theo kiểu chữ "Đinh". Đầu năm 1994, chùa đã xây dựng lại Nam Thiên môn (cửa trời Nam) theo nguyên mẫu.

Từ khu vực chùa Ngoài, du khách l;ần theo con đường dốc trên các sườn núi đá để ghé thăm chùa Tiên Sơn xây trong động giữa lòng một quả núi, có bốn pho tượng quí bằng hồng thạch. Tiếp đó là chùa Giải Oan, nơi có giếng nước trong vắt gọi là "Thiên nhiên thanh trì" hay còn gọi là giếng Long Tuyền. Trước chùa có suối chín nguồn gọi là suối Giải Oan. Gần chùa là động Tuyết Kinh và am Phật Tích, nơi có tảng đá tương truyền lưu dấu chân Quan Âm Bồ-tát. Cách đó không bao xa, du khách bước chân đến núi Chấn Song để thăm viếng cửa Võng.

Đích xa nhất mà du khách vãn cảnh chùa muốn đạt đến là động Hương Tích nằm sâu ở phía trong. Du khách bước qua một cổng lớn ở phía trên, rồi theo những bậc đá rộng đi xuống động. Cửa động trông như hàm rồng, phía trong có năm chữ Hán "Nam Thiên đệ nhất động", tạc vào đá, tương truyền là bút tích của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm khắc vào năm 1770. Hai hàng cây cổ thụ tầng cao bóng cả chen cành kết lá phủ lên cửa động. Ánh nắng lọt qua lá cây tạo nên một thứ ánh sáng mờ ảo trải trên các bậc đá, cộng với khói hương từ lòng động bay lên tạo thành một không gian huyền diệu như lời ca trong bài hát Chùa Hương của Nhạc sĩ Hoàng Quý: "Chùa Hương khói trầm ngút bay những khi nắng tàn, phút giây chìm đắm trong mơ màng".

Vào trong động, du khách chiêm ngưỡng tượng Bà Chúa Ba (Bồ-tát Quan Thế Âm) cùng nhiều tượng Phật, Bồ-tát,? Trên vách động thạch nhũ rũ xuống muôn hình muôn vẻ, màu sắc biến ảo: hình Đụn Gạo, Đụn Tiền, Cây Vàng, Cây Bạc, Buồng Tằm, Nong Kén, Hòn Cậu, Hòn Cô,? Trên trần động thạch nhũ còn nhô ra thành hình chín đầu rồng sinh động gọi là tòa Cửu Long. Ngắm nhìn những dáng hình kỳ tú đó của thiên nhiên, cô gái trong thơ Nguyễn Nhược Pháp đã thốt lên :

Ôi! Chùa Trong đây rồi!
Động thắm bóng xanh ngời
Gấm thêu trần thạch nhũ
Ngọc nhốm hương trần rơi.

Còn nhà thơ Chu Mạnh Trinh ở thế kỷ trước thì cảm tác thành bài Thú Hương Sơn nổi tiếng :

Bầu trời cảnh bụt

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay
Kìa non non, nước nước, mây mây
"Đệ nhất động" hỏi rằng đây có phải!
Nhác trông lên ai khéo họa hình
Đá ngũ sắc long lanh như gấm dệt
Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây?

Như trên đã nói, ngoài động Hương Tích, du khách còn có thể rẽ qua rừng mơ thăm chùa Hinh Bồng, theo suối Tuyết vào đền Mẫu Hạ rồi đến núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng, hòn Đầu Sư Tử, vách đá Kỳ Sơn Tú Thủy và sau đó đến bến Tuyết Sơn vào chùa Bảo Đài. Leo núi đến Bạch Tuyết môn, vào điện Cô, du khách tới thăm chùa Tuyết Sơn còn có tên là Ngọc Long động. Nơi đây, vào năm 1770, Trịnh Sâm có làm bài thơ Đăng Tuyết sơn hữu hứng.

Ở hướng khác, một nhánh của dòng suối Yến đưa du khách qua núi Ông Sư Bà Vãi, lên thuyền vào thăm chùa Long Vân, leo núi thăm chùa Cây Khế, và hang Sũng Sàm, một di chỉ khảo cổ ghi dấu tích người xưa.

Giã từ cảnh đẹp Hương Sơn, du khách có thể mang về làm kỷ vật một gậy trúc đã chống trên đường hành hương, vài mảnh gốc mơ già để pha nước uống, những quả mơ dày cùi nhỏ hạt và mấy mớ rau đắng nấu canh hương vị thơm ngon. Nhưng cái quí nhất mà người đi chùa Hương có được là một tâm hồn như đã tẩy sạch bụi trần, lâng lâng một niềm vui thoát tục với những ấn tượng không phai mờ bề một chốn Thiên Thai ngay trên trần gian như ca dao đã miêu tả :

Một vùng non nước bao la
Rằng đây Lạc quốc hay là Đào nguyên
Hương Sơn là chốn non tiên
Bồng lai mà thấy ở miền trần gian.



Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #35
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.659
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Trẩy hội chùa Hương


Cảnh đẹp Hương Sơn rất đa dạng, rất phong phú, rất thực mà cũng rất mộng, rất trần thế mà cũng rất thần tiên. Cảnh đẹp như thơ, như vẽ, như nhạc bồi dưỡng tinh thần ta, nâng cao tâm hồn ta, giúp ta thêm cảm hứng trong tình yêu núi sông đất nước. Cảnh giúp cho tình. Cảnh cũng là tình. Với ý nghĩa ấy, nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu coi cảnh đẹp Hương Sơn như "một bức tranh tình":

Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy thu
Xuân lại, xuân đi, không dấu vết
Ai về ai nhớ, vẫn thơm tho...

Bao nhiêu năm tháng đến và đi, "bức tranh" ấy vẫn tươi trẻ, không có dấu vết gì của tuổi tác. Sau những ngày làm việc căng thẳng, sang xuân được chút giờ phút nghỉ ngơi du ngoạn, ta vào xem "bức tranh", vào hẳn "bức tranh", rồi từ trong "tranh" đi ra, mang theo một mùi hương thanh nhẹ của "bầu trời cảnh Bụt" góp với hương vị của cuộc sống đời thường. Có lẽ vì cái mùi hương thanh nhẹ ấy mà người xưa đặt tên thắng cảnh là Hương Sơn và danh lam là chùa Hương... Nét trội nhất, đặc sắc nhất của vẻ đẹp thiên nhiên Hương Sơn là sự hài hòa giữa non và nước, tạo nên một vẻ đẹp tuyệt vời, xứng với bốn chữ "Sơn thủy hữu tình" khắc trên vách đá.

Xưa nay trong ngôn ngữ thường dùng cũng như trong thực tế của cảnh thiên nhiên, sông hay đi với núi, nước hay đi với non. Đành rằng có nơi chỉ có non cũng đủ làm nên một cảnh đẹp nhưng sao bằng những nơi có cả non nước kết đôi như trong thơ: Thề non nước của Tản Đà.

Dãy núi Hương Sơn không đẹp ở chiều cao, mà đẹp ở chiều dài, chiều rộng, ở cái thế quần tụ, ở bố cục nhịp nhàng giữa núi với núi, lại nhịp nhàng giữa núi với nước.

Những dòng suối Hương Sơn - đặc biệt là suối Yến - không đẹp ở sự mênh mông mà đẹp ở sự buông thả hiền hòa, uyển chuyển giữa hai triền núi.

Trên đường vào chùa Hương, thú vị nhất là đi đò suối Yến. Những cô gái làng Yến Vĩ vừa xinh đẹp vừa khỏe mạnh cứ đến ngày xuân là chở khách vào hội chùa.

Trong không khí vui say, ta gặp vô số những chiếc đò đầy như đò ta đang ngồi, cũng đầy những mầu sắc khăn áo, đầy những tiếng cười nói của các chàng trai cô gái. Ta đồng hành với những vạt lúa xanh viền hai mép suối, với những con le, con cốc thỉnh thoảng bay vù từ mặt nước lên, với đàn chim sáo ríu rít trên chùm hoa gạo đỏ rực mầu hội hè, với những đốm trắng dê núi nhảy nhót, cheo leo...

Đò suối Yến đỗ bến Thiên Trù, khách lên thăm cảnh chùa Thiên Trù (chùa Trò) nghỉ ngơi rồi lên đường núi qua thăm chùa Thiên Sơn, chùa Giải Oan, am Phật tích, động Tuyết Quỳnh... Đường núi dẫn vào động - chùa Hương Tích tuy có khúc khuỷu nhưng rất đẹp như Chu Mạnh Trinh đã tả trong thơ:

"Nam thiên đệ nhất động"

Đó là danh hiệu cao quý của động - chùa Hương Tích, trung tâm điểm của thắng cảnh Hương Sơn, và tiêu biểu cho cả một vùng thắng cảnh. Trong ngôn ngữ thường dùng, chùa Hương gần như đồng nghĩa với toàn bộ cảnh đẹp Hương Sơn. Nói "đi chùa Hương" tức là nói "vào thăm cảnh Hương Sơn nói chung" chứ không riêng gì động Hương Tích. Nhưng ví thử có người nào lần đầu tiên vào thăm cảnh Hương Sơn mà không vào thăm động Hương Tích thì cũng có như đi không đến nơi.

Vào cửa động Hương Tích trông lên trên vách đá thấy ngay năm chữ "Nam thiên đệ nhất động" (Động đẹp nhất trời Nam) nghe như một lời ca tuyệt vời hàm súc. Năm chữ ấy là chữ viết tay của chúa Trịnh Sâm, khắc vào đá năm Canh Dần (1770).

Vào trong động ai chẳng thích thú đến say mê trước vẻ đẹp lạ thường của những nhũ đá tưởng như những công trình điêu khắc tuyệt tác của thiên nhiên. Nhũ đá ở đây có khối to, có khối nhỏ, có cái đẹp ở toàn khối, có cái đẹp ở dáng dấp tinh vi, có cái rủ từ trên trần xuống, có cái mọc từ dưới đất lên. Tất cả đều tùy theo hình dáng mà được đặt những cái tên rất nôm na rất trần thế, biểu hiện những mơ ước của con người.

Trước hết là Đụn Gạo đồ sộ, bước vào cửa động đã trông thấy. Gạo là cái quan trọng hàng đầu nên Đụn Gạo trong động nhà Phật cũng ở vào vị trí hàng đầu. Dưới chân Đụn Gạo có một hõm đá nhỏ xíu gọi là Cối Giã. Gần Đụn Gạo là Núi Cô và Núi Cậu. Núi Cô nhỏ hơn Núi Cậu nhưng giống nhau ở chỗ có những hình em bé nằm nghiêng, nằm sấp hoặc đang bò lổm ngổm, đầu nhẵn thín. Núi Cô ở ngang tầm với Cửu Long tranh châu (Chín con rồng tranh hòn ngọc). Núi Cậu ngang tầm với Sữa Mẹ quanh năm suốt tháng rỏ xuống không ngừng.

Cùng một hàng dọc với Núi Cô, Núi Cậu và lui vào phía trong là Cây Bạc, Cây Vàng ngồn ngộn chất chứa những hình tròn như những đồng tiền vàng bạc lấp lánh. Vào trong góc động gần tận cùng sẽ thấy Chuồng Lợn, Ao Bèo, Nong Tằm, Né Kén... Toàn là những hình ảnh bằng nhũ đá.

Bên cạnh những "công trình điêu khắc thiên nhiên" là các kiểu nhũ đá, trong động còn có những công trình điêu khắc nhân tạo. Giá trị nhất về mặt nghệ thuật điêu khắc, không những trong động Hương Tích mà kể cả trong toàn bộ hệ thống chùa chiền ở Hương Sơn là pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng đá xanh tạc vào thời Tây Sơn, sức quật cường của dân tộc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nghệ thuật, kể cả nghệ thuật tôn giáo. Người tạc tượng không nhắm mắt khuôn theo những ước lệ sẵn có về tượng Phật là mặt phải vuông, tai phải to mà một phần dựa vào truyện thơ Nôm tả chân dung bà Chúa Ba "cổ cao ba ngấn, miệng cười trăm hoa", một phần rút từ những nét đẹp của những người có thực để tạc tượng Phật Bà.

Pho tượng có dáng người thon thon, mặt trái xoan, nét thanh tú, đầu đội mũ Tì Lư (tức là mũ Bồ Tát) nhưng lại có búi tóc và tóc mai, sau lưng có hai món tóc buông xuống. Tà áo mềm mại. Chỗ ngồi giống như một tảng đá sù sì, lại cũng giống như một gốc cổ thụ. Chân trái để trần, đặt lên một bông sen nở. Chân phải co lên. Hai chân co duỗi thật thoải mái. Tay phải cầm một viên minh châu (ngọc sáng). Bên cạnh bông hoa sen dưới chân, lá sen tỏa ra mềm mại như có gió lay động. Người thợ tài tình đã hoàn toàn làm chủ được chất liệu đá mà mình sử dụng. Xin trích dẫn ở đây mấy câu thơ tôi viết trong bài "Tượng phật Quan Âm":

... Hồn thơ thấm sâu nhiều vẻ mặt
Mặt bà, mặt mẹ, mặt quê hương
Thần thông bỗng nhập vào dao khắc
Tạo vẻ từ bi đẹp lạ thường...


Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #36
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.659
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Hang


Trà Vinh, thị xã nhỏ ở nơi cuối đường, bình lặng nhưng không thiếu thắng cảnh. Có thể kể bãi biển Ba Động, ao Bà Hom, nhà thờ cổ Vĩnh Kim... Và đừng quên nơi đây là xứ sở của các chùa Miên, chỉ tỉnh Trà Vinh thôi đã có 143 chùa, trong đó chùa Hang là một trong những chùa đẹp nhất.

Chùa cách thị xã 6 cây số, qua cống ngăn mặn Tầm Phương là đến. Khuôn viên chùa rộng đến 12 mẫu, thật thú vị khi một nửa diện tích này là rừng tự nhiên, cây cao rậm rạp, chim chóc được một chỗ trú ẩn an toàn dưới bóng từ bi. Cổng du khách thường vào ở ven tỉnh lộ 36 chỉ là cổng phụ, xây dựng vòm cuốn, tường rất dày, cái cổng đặc biệt này là nguồn gốc của tên chùa Hang. Cổng chính hướng ra phía bờ sông, tên chính thức của chùa là Kompong Chrây, nghĩa là "Bến cây đa". Hai bên cổng chính hai tượng Yak to bằng người thật. Yak là chằn tinh, mắt lồi, nanh dài, mặt áo giáp, cầm gậy, rất hung ác nhễng được Phật cải hóa, cho làm bảo vệ.

Đứng trong sân chùa không khỏi có cảm giác như đây là cảnh "ngoại" vì mọi thứ đều lạ lùng. Ngôi chùa vươn lên cao với bộ mái nhiều tầng kiểu Khmer sặc sỡ khác hẳn các chùa làng Việt vốn khiêm tốn giản dị, không gian lại vắng lặng không tiếng chuông mõ quen thuộc. Tất nhiên cảm giác lạ lùng chỉ có với du khách người Việt, còn người Miên, ngôi chùa là nơi vô cùng thân thuộc. Vai trò của chùa trong sóc (làng) rất quan trọng, nhà chùa đảm nhiệm cả phần giáo dục đạo đức, bảo tồn truyền thống văn hóa nghệ thuật. Thanh niên Miên có vài năm tu ở chùa mới kể như thành nhân, một điều kiện để dễ kiếm vợ. Trong khuôn viên chùa có trường học cho trẻ em rất qui mô. Lại có khoảng hai chục nhà sàn nhỏ, mỗi nhà chỉ vừa đủ chỗ cho một người. Lâu lâu cánh đàn ông Miên vào mỗi người một nhà, ở lại cả tháng để cầu nguyện và làm trong sạch linh hồn. Người Miên ở Trà Vinh sống đơn giản, ít tham vọng, nhà ở rất đơn sơ nhưng chùa phải kiên cố, to đẹp; có vẻ nhễ hệ tư tưởng Phật giáo đã nhập tâm sâu đậm, sự giải thoát quan trọng hơn kiếp người.

Chùa Hang đã có hơn 350 tuổi, thăng trầm nhiều bận. Trước kia, chùa có tên chùa Dơi vì sân chùa có đàn dơi đông vô kể, Tết Mậu Thân (1968) một quả bom rơi trúng chùa, 62 người chết, 57 người bị thương, chùa hư hại nặng, đàn dơi khiếp đảm bay mất. Ngày nay đàn cò đã trở về cả ngàn con, mỗi chiều đậu trắng cây, có ngày chùa nhặt vài chục cò con, các sễ nuôi cho cứng cáp rồi thả. Chỉ riêng đàn dơi là mất tích hẳn.


Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
__Phi*Tuyết__ (13-05-2009)
Trả lời

Tags
chùa, nam, việt


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 03:34
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,13592 seconds with 15 queries