Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 20-12-2009   #28
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.971
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hà Nội - Chợ Bưởi

Vào những năm cuối của thế kỷ 20, người Hà Nội cứ mở cửa ra đường, là đã có thể cùng lúc mua được hàng trăm loại mặt hàng khác nhau, từ mớ rau, con cá cho đến cả áo quần, mũ nón. Nhưng vẫn có những thứ mà hễ cần đến, nhất thiết phải đợi tới 6 ngày nhất định trong tháng âm lịch, đánh một chuyến lên chơi chợ Bưởi.
Cho đến bây giờ, ở Hà Nội, chỉ còn có 2 cái chợ còn mang dấu ấn xưa cũ và còn giữ lệ họp theo phiên. Ðó là chợ Mơ, họp vào ngày mồng 2 và mồng 7, chợ Bưởi họp vào ngày mồng 4 và mồng 9.

Ca dao Hà Nội cổ có câu:

"Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng".

Ngày xửa ngày xưa, chợ Bưởi vốn đã được định vị ở nơi đây trên đất làng Yên Thái ở bờ Tây Nam của Hồ Tây. Chợ nằm ở trung tâm của vùng Kẻ Bưởi cũ, giữa một vùng làng nghề thủ công làm giấy, dệt lụa, dệt lĩnh, nấu nha, nuôi lợn, trồng dâu... Kẻ Bưởi gồm gần chục làng mang tên Nghĩa Ðô, Trung Nha, Vạn Long, Bái Ân, Yên Thái, Võng Thị, Trích Sài, Ðông Xã, Hồ Khẩu... Chợ Bưởi nằm bên chốn hợp lưu giữa 2 con sông tự nhiên Tô Lịch và Thiên Phù, nên thuận lợi trong việc giao lưu buôn bán trên bến dưới thuyền. Chợ lại nằm kề vòng tường thành bao quanh kinh đô Thăng Long nên dân cư tập trung qua lại khá đông đúc.
Chợ Bưởi từ xưa vốn là nơi buôn bán hàng hoá của dân các làng nghề trong vùng. Theo các thư tịch cũ còn lại, chợ Bưởi từng có tới 15 gian hàng bán buôn các loại giấy do dân các làng nghề Kẻ Bưởi làm ra. Ðó là giấy bản của làng Yên Thái, giấy moi của làng Hồ Khẩu, giấy quỳ của làng Ðông Xã, giấy xề của làng Yên Hoà. Nhưng cho đến bây giờ thì như chị Ba, một người hàng giấy thật thà bộc bạch: “Tôi là con gái làng Bưởi, bán hàng ở chợ cũng đã lâu, nhưng làng Bưởi bây giờ chẳng còn mấy nhà làm giấy, giấy này tôi phải ra chợ Ðồng Xuân cất về”.
Trong làng còn vài cơ sở làm giấy nhuộm màu cho các nhà làm hàng mã hay học sinh dùng làm thủ công và giấy vệ sinh các loại. Ở chợ Bưởi còn có các hàng nông cụ phục vụ cho bà con nông dân các vùng xung quanh: cuốc cày, xén hái, mai thuổng...màu thép loáng lên xanh ngời trong ánh nắng, song xem ra người mua cũng thưa thớt.
Chợ Bưởi trước đây còn là nơi đầu mối bán buôn các loại hàng lụa, lĩnh của các làng nghề ven Hồ Tây thuộc vùng Kẻ Bưởi. Phương ngôn Kẻ Chợ có câu: Lĩnh hoa Yên Thái, đồ gốm Bát Tràng, thợ vàng Ðịnh Công, thợ đồng Ngũ Xã.
Nhưng bây giờ đi cả chợ, bói cũng không ra một tấm lĩnh cổ truyền, khắp chợ tràn ngập vải vóc, lụa là nhập từ nước ngoài về. Ngày xưa, chợ còn là nơi bán buôn các loại hàng hoá do dân trong vùng sản xuất như mạch nha An Phú, bánh kẹo Xuân Ðỉnh, cốm Vòng (Dịch Vọng)..., nay cũng vẫn thấy bày bán loáng thoáng trong chợ, chưa mất hẳn bóng dáng.
Chợ Bưởi cũng còn là nơi mà bà con các vùng ven Hà Nội đem hàng nghề truyền thống đến bán buôn. Bây giờ, cứ đến ngày chợ phiên, ở phía cổng chợ, lối lên xuống từ đường Hoàng Hoa Thám, người ta vẫn ngóng bóng bà bán kẹo bột làng Lủ (Thanh Trì) đầu trùm khăn mỏ quạ, răng nhuộm đen, miệng ăn trầu bỏm bẻm. Hai đầu quang gánh lỉnh kỉnh những là kẹo vừng, kẹo lạc, bỏng ngô, bỏng gạo bọc trong những tấm lá chuối khô chéo lạt rơm và lủng lẳng mấy xâu bánh men rượu như những mảnh trứng nhện trắng màu vôi bột, còn dính mươi mảnh vỏ trấu vàng ươm.
Ở chợ Bưởi, người ta có thể lựa mua được những thứ rau quả tươi ngon còn thấm đẫm sương đêm mới được cất về từ những làng rau chuyên canh ven sông Tô và sông Nhuệ hay các loại rau quả đặc sản của các vùng trên đất nước. Và cũng ở chợ Bưởi, các loại cá tôm tươi rói như thể vừa được cất lưới từ mặt nước hồ Tây hay đưa từ các lồng cá trên sông Nhuệ, các thuyền cá trên sông Hồng đem về. Những mặt hàng tươi sống ở chợ Bưởi hình như có rẻ hơn ở các chợ trong trung tâm thành phố chừng vài ba giá. Một trong những mặt hàng đặc sắc ở chợ Bưởi là cây giống các loại từ các làng trồng hoa, cây cảnh cổ truyền ven hồ Tây như Yên Phụ, Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân hoặc các xã vùng rau, hoa như Tây Tựu, Phú Thượng đem về vào các buổi chợ phiên. Số lượng các mặt hàng cây hoa giống tăng lên gấp hàng chục lần so với ngày thường.Các loại cây hoa đẹp như hồng, huệ, nhài, tường vi, dâm bụt, trinh nữ, cẩm tú cầu... trăm thức khác nhau, mỗi thứ một vẻ. Thậm chí, muốn tìm mấy giống cây ăn quả, hay những cây bóng mát loại lớn, người Hà Nội cũng chỉ tìm lên chợ Bưởi. Nào là ngọc lan, hoàng lan, bằng lăng, gạo gai, phượng vĩ. Rồi các giống cây ăn quả đặc sản như hồng xiêm Xuân Ðỉnh, cam Canh, bưởi Diễn... thứ gì cũng có, song cũng tuỳ theo mùa, theo tiết, hợp với việc bán giống, trồng cây.
Nghe nói ngày xưa, vào phiên chợ 19 tháng Chạp âm lịch hàng năm, chợ Bưởi còn có bán cả các loại đại gia súc như trâu, bò, ngựa... bây giờ thì không thấy có. Thay vào đó là có các hàng bán chim cảnh, vật nuôi như chó, mèo…Người ta thường nói: "Ði một ngày đàng học một sàng khôn". Nhưng mà, kỳ thực, chỉ cần đi chợ Bưởi vài giờ thôi, thì có khi cũng đong đầy cả mấy túi khôn. Nào là cách chọn gà, chọn vịt, chọn chó, chọn mèo, chọn chim, chọn thỏ.
Chợ Bưởi, theo tên gọi dân gian lâu đời vốn là chợ bán hoa quả, chủ yếu là hoa quả các làng trong vùng. Phương ngôn Kẻ Chợ có câu:

"Chợ Bưởi một tháng sáu phiên
Riêng đến tháng tám lại thêm phiên rằm
Ai ơi nhớ lấy kẻo lầm
Ði mua hoa quả chơi rằm Trung thu".

Đặc biệt hơn là phiên chợ Bưởi giáp Tết. Ngồn ngộn những hoa thơm, quả lạ, hàng mấy chục gánh gà, vịt, ngỗng, ngan, và còn tươi rói những trăm lá dong, lạt màu, rộn ràng, lộng lẫy, véo von hàng trăm lồng chim, chậu cá. Và đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, ken thành một dòng suối hoa rực rỡ chảy tràn sang tận các ngả đường từ Lạc Long Quân đến Thuỵ Khê, Hoàng Hoa Thám


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #29
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.971
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hà Nội - Chợ Đồng Xuân

Trong số hàng chục chợ ở thủ đô, từ chợ Mơ, chợ Hôm đến chợ Cửa Nam, chợ Ngọc Hà...thì chợ Đồng Xuân là lớn nhất.

Chợ ra đời từ năm 1889 trên địa phận phường Đồng Xuân cũ. Ban đầu chợ họp ngoài trời, sau đó được xây thành chợ với năm cầu chợ khung sắt, lợp kẽm lá, cầu nàn cũng dài 52m, cao 19m. Nằm cạnh ga đầu cầu chợ Long Biên, lại ở ngay sát sông Hồng, chợ Đồng Xuân là điểm thuận lợi để hàng hoá bốn phư¬ơng dồn về đây cũng như từ đây toả đi khắp nơi. Ở chợ Đồng Xuân hầu như có đủ tất cả các mặt hàng phục vụ đời sống và sản xuất đồng thời nó là chợ bán buôn lớn nhất miền Bắc.

Chợ có năm cửa lớn. Ngay cửa chính giữa có dựng một cửa kính trang nghiêm như một đài kỷ niệm, trong tủ trưng bầy các hiện vật và các bức hoạ về trận chiến oanh liệt giữa các chiến sĩ tự vệ Hà Nội và lính Pháp xâm lược ngày 14/2/1947.

Chợ Đồng Xuân không chỉ là một trung tâm buôn bán lớn của Hà Nội và của Việt Nam, nó còn là một điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách thập phương. Ngày nay, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại với qui mô lớn hơn gồm 3 tầng khang trang, rộng rãi như¬ng vẫn giữ lại một phần kiến trúc mặt tiền của chợ cũ.



(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #30
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.971
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hà Nội - Chợ Đêm

Nếu có dịp đến với Hà Nội chơi vài ngày, chắc chắn bạn không thể bỏ qua nơi này, đó là chợ đêm Hà Nội. Chợ đêm Hà Nội, từ khi xuất hiện chơ đến nay đã trở thành một thói quen, một nét văn hóa của riêng người dân Hà thành.

Chợ đêm bắt đầu mở cửa từ 7giờ tối, kéo dài từ đầu phố Hàng Đào đến hết phố chợ Đồng Xuân, tạo thành một con phố đi bộ tấp nập, đông đúc. Cứ mỗi tối cuối tuần từ thứ 6 đến chủ nhật, dòng người từ muôn nơi lại đổ về đây đi chơi, mua sắm, tự nhiên trở thành một thói quen không thể thiếu trong tuần.

Cũng do đặc điểm của các con phố họp chợ là các phố buôn bán, nên bạn có thể tìm thấy ở chợ đêm bất cứ thứ gì liên quan đến nhu cầu ăn, mặc và chơi. Từ đoạn phố Hàng Ngang, Hàng Đào chuyên bán quần áo, đến khu bán bánh kẹo, ô mai Hàng Buồm, Hàng Đường, rồi đồ trang trí, đồ chơi, đồ dùng học tập ở Lương Văn Can, Hàng Mã, và các hàng tạp phẩm dọc phố Ngõ Gạch, Hàng Cá. Đoạn cuối chợ từ phố Đồng Xuân đến hết chợ Đồng Xuân đầu phố Hàng Giấy là đoạn phố bán gần như đủ mọi thứ hàng hóa, vật dụng.

Người ta đi chợ đêm để mua sắm hoặc chỉ là đi bộ lững thững theo dòng người để cảm nhận được hết cái không khí của chợ đêm, cái nếp sống người Hà Nội. Lũ trẻ con hí hửng được đi chợ đêm với gia đình, nhong nhong trên cổ bố hoặc nắm chặt tay mẹ đi giữa dòng người tấp nập chen chúc, hoặc ngồi lê la nghịch tranh cát, vẽ tượng. Những đôi đangyêu cầm tay nhau đi giữa những con phố, cười nói hoặc chụp ảnh, mua một vài món đồ đôi xinh xắn, cũng lãng mạn cho một ngày cuối tuần. Khách du lịch và người nước ngoài đi tham quan mua sắm cũng nhiều, họ dễ dàng tìm thấy những món đồ lưu niệm đậm chất Hà Nội, đậm chất Việt Nam mà giá thành cũng tương đối rẻ.

Hàng ăn cũng bày bán khắp nơi, từ đồ ăn mặn như bánh bèo, thịt nướng, nem chua nướng, xúc xích, bánh mỳ Hải Phòng, bánh mỳ Donner Kebap… đến các loại bánh ngọt, các món chè miền Bắc, hay thậm chí chè Huế đều có bán ở đây. Đoạn cuối chợ đêm cạnh chợ Đồng Xuân có riêng một khu ăn đêm, đa dạng và phong phú với các món lẩu, món nướng, bánh khúc, xôi nóng… Cả dọc khu chợ đêm đầy ắp những hàng quán vỉa hè, đó cũng chính là một nét văn hóa của con người đất Hà thành.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #31
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.971
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hà Nội - Chợ giải đen

Tên ấy chính là chợ Âm Phủ - ngắn nhất Hà Nội. Toàn bộ chợ nằm trên nền của môt bãi tha ma từ thời Pháp thuộc.Chợ thực ra chỉ thành hình mãi sau này, khi môt số người buôn bán dạt từ chợ Hàng Da và Hàng Bè về để tránh bom Mỹ. Ban đầu, nó là chợ tạm, người mua người bán đều nhanh.
Khi ấy - thời chiến cái gì cũng gấp gáp, mà cũng chẳng ai muốn nhấn nhá lâu bên những đống mả làm gì. Sau rồi, chợ tạm này đông dần lên. Đến năm 1982, người ta dựng chợ trên bãi tha ma, lại đặt cho tên mới là 19/12 để kỷ niệm Ngày toàn quốc kháng chiến. Nhưng dân Hà Nội thì vẫn quen gọi theo tên cũ là chợ Âm Phủ.

Chợ Âm Phủ nhưng không bán đồ âm. Hai thứ nổi tiếng nhất ở đây là thịt chó và rau, hoa quả sạch. Thịt chó thì bán cho người muốn giải đen, còn rau, hoa quả sạch thì bán cho Tây và những gia đình dư dả. Mỗi ngày khoảng 5 đến 10 tạ thịt chó sống theo đường từ Trôi, Nhổn, Phùng về đây. Nhiều người quan niệm ăn thịt chó ở chợ Âm Phủ sẽ giải được hết đen đủi. Trời se lạnh ra chợ nhấp ly rượu với miếng dồi chó, cảm nhận phảng phất mùi hương trầm cầu siêu cho những linh hồn vảng vất đâu đây, thấy những đen bạc trong cuộc đời cũng chẳng có gì là ghê gớm cả.

Còn nói đến rau thì phải nhắc tới chuyện vợ chồng cô Sáu. Mới ngày nào lần đầu đặt chân lên đất Hà Nội, ngày gánh rau ra chợ Âm Phủ bán, tối về ngủ trọ ở Láng Hạ mà giờ cửa hàng rau sạch của họ đã khá bề thế. Hỏi sao khá lên nhanh vậy, cô Sáu cười: "Chồng tôi lái xe ôm đầu đường tôi bán rau ở xó chợ. Tôi khấn ông bà ở chợ Âm Phủ cho chúng tôi bán rau, kiếm chút lộc rơi lộc vãi nuôi con học hành. Đời tôi chỉ mơ con có chữ nghĩa cho đỡ khổ." Trong tiềm thức của cô Sáu cũng như của rất nhiều người Hà Nội, chợ Âm Phủ luôn mang lại điềm lành

(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #32
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.971
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hà Nội - Chợ gốm Bát Tràng

Phong phú với hàng triệu mặt hàng, chợ gốm sứ quy tụ từ con thú đất nung nhỏ xíu cho đến chiếc lọ lục bình có giá chục triệu. Không chỉ đến mua bán, du khách còn được người dân làng cổ Bát Tràng giới thiệu công nghệ, tinh hoa của sản phẩm gốm truyền thống.

Chợ gốm này hoạt động rất nhộn nhịp, nhất là vào những ngày cuối tuần. Sáng sáng, hàng nghìn bạn trẻ Hà Nội, khách nước ngoài men theo bờ sông Hồng hoặc theo tàu du lịch trên sông về chợ. Họ thoả thích ngắm nhìn, sờ tận tay những sản phẩm gốm thuần Bát Tràng. Từ những loại bình, lọ, bát kiểu dáng và màu sắc đương đại đến những loại chén, đĩa cổ được phục chế, các bộ tranh, tượng nghệ thuật từ chất liệu gốm... Giới trẻ rất thích thú những chuỗi vòng gốm được trang trí hoa văn độc đáo, hoặc những bầy thúxinh xắn...

Không chỉ tự do xem hàng, du khách còn được chủ hàng giới thiệu các công đoạn sản xuất của mẫu hàng, cách vẽ hoa văn, phối màu men mà người thợ thủ công dày công nghiên cứu. Anh Phùng Văn Hữu - một chủ hàng cho hay, các hộ gia đình đưa sản phẩm ra chợ gốm mục đích chính là giới thiệu sản phẩm truyền thống tới khách thập phương, không đặt yếu tố kinh doanh lên hàng đầu. Do vậy, đây là chợ gốm duy nhất mà du khách có thể thoải mái xem hàng hoặc tìm hiểu về sản phẩm theo ý thích.

Theo một số bạn trẻ, ngoài mục đích mua bán đồ gốm sứ khi đến Bát Tràng, họ còn muốn tìm hiểu các công đoạn sản xuất, tinh hoa của sản phẩm gốm. Chợ gốm đã đưa họ gần gũi với sản phẩm gốm và người thợ. Mong muốn của người dân Bát Tràng là giữ gìn và lưu danh thương hiệu truyền thống, tên hiệu tạo được chỗ đứng vững chắc trong kinh tế thị trường. Do vậy, sản phẩm của bà con đưa ra chợ gốm đều có chất lượng cao, giá bán hợp lý. Ngoài ra, chợ gốm xoá đi kiểu làm ăn "nhà nào biết nhà đấy", các hộ dân đã giao thương, học tập nhau những kiểu thiết kế mới, màu men lạ, cùng đưa ra những ý tưởng cho sản phẩm độc đáo, mới lạ bởi họ là người tự sản xuất, thiết kế.

Hiện nay, chợ đã có hơn 100 gian hàng, song thời gian tới sẽ mở rộng hơn. Ngoài ra, sẽ bố trí khu vực giới thiệu sản xuất để du khách được biết 24 công đoạn sản xuất gốm, tự tay làm những sản phẩm theo ý thích. Như thế, du khách sẽ hiểu kỹ hơn về nghề truyền thống này.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #33
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.971
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hà Nội - Chợ hoa đêm đất Hà Thành

Vào lúc 2h sáng, khi sương đêm mới chỉ kịp phủ một lớp bụi mờ trên những cánh hoa, cả thành phố vẫn chìm trong giấc ngủ thì phiên chợ hoa Quảng Bá đã bắt đầu. Sản phẩm duy nhất của phiên chợ là hoa và... ánh đèn pin. Hai thứ này dường như làm nên một phiên chợ đặc trưng giữa đêm khuya.

Cũng chẳng biết từ bao giờ, chợ hoa đêm Quảng Bá được hình thành như một chợ đầu mối, nơi tập trung mua bán các loại hoa tươi lớn nhất của người dân đất Hà thành. Chợ hoa đêm họp quanh năm suốt tháng mà hầu như không có ngày nào vắng vẻ. Chợ hoa đêm Quảng Bá thông thường họp lúc 2h sáng, nhưng thực sự những người bán hoa đã chuyển hoa đến chợ từ 11h đêm hôm trước. Hoa ở chợ Quảng Bá được đánh giá là đẹp và tươi nhất, chuyển về từ khắp các vùng lân cận như Tây Tựu, Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Yên.

Mỗi năm, vào dịp giáp Tết Nguyên Đán, chợ hoa Quảng Bá lại tấp nập hơn bình thường. Ngoài những người mua hoa thường xuyên là những chủ cửa hàng hoa lớn nhỏ khắp thành phố, những vị khách "đột xuất" của chợ hoa là các cô, các cậu nam thanh, nữ tú, muốn tìm hương vị Tết qua sắc hoa rực rỡ. Năm nào cũng vậy, cứ độ 28, 29 Tết, dù trời rét căm căm, chợ hoa Quảng Bá vẫn nườm nượp người. Muốn đến chợ hoa Quảng Bá, người mua phải dậy từ 3-4h sáng để đi chợ. Phải đến tận nơi mấy thấy sức hấp dẫn của chợ hoa Quảng Bá. Hoa ở đây bạt ngàn, đủ các loại như hoa hồng, layơn, cúc, thược dược…, tươi thắm đủ sắc màu. Trên các cành hoa vẫn còn đọng những giọt sương đêm long lanh. Từng loại hoa sẽ được bày bán theo dãy, những người bán các giống hoa nhập ngoại như rum, salem, hoa lan tây, baby ngồi riêng một dãy. Không xô bồ, nhốn nháo như những phiên chợ ta thường thấy, chợ hoa đêm Quảng Bá dường như khoác trên mình một phong cách nhẹ nhàng, sang trọng như chính sản phẩm của phiên chợ này. Đặc biệt hơn, người bán, kẻ mua ở đây, ai cũng khư khư trên tay chiếc đèn pin - một thứ không thể thiếu vì thời điểm này chưa có ánh sáng mặt trời.

Chợ hoa đêm Quảng Bá được chia làm hai phiên khá rõ nét. Từ 2h đến quãng hơn 4h là phiên chợ của những người nông dân “một nắng hai sương” làm ra những bông hoa đầy màu sắc. Lúc này việc mua bán hầu như theo hình thức bán buôn, người ta mua của những người trồng hoa để chờ đến phiên sau bán lại. Chính vì vậy, giá cả lúc này khá rẻ. Từ 4h đến sáng là phiên hai, hàng lúc này hầu hết giá cả đắt hơn hẳn phiên trước vì đã qua người buôn lại.

Khi trời hửng dần, những người bán và mua hoa nhìn rõ mặt nhau cũng là lúc những bó hoa tươi thắm, sặc sỡ tỏa khắp phố phường Hà Nội, trong từng quầy bán hoa, làm đẹp cho từng ngôi nhà, công sở, cơ quan. Đó cũng là lúc chợ hoa Quảng Bá kết thúc phiên họp, để lại chuẩn bị cho phiên chợ đầy màu sắc và tấp nập vào lúc 2h của một ngày mới.

Hoa thì vẫn mang những nét đẹp ngàn đời của nó, sự thanh tao và hương vị của hoa giúp người ta cảm thấy cuộc đời này đáng yêu hơn. Ngay cả trong phiên chợ này cũng vậy, độc đáo và thú vị cũng chỉ bởi sản phẩm rất đặc trưng là hoa. Trời hửng sáng, đã bắt đầu ồn ào tiếng mời chào, mặc cả. Một ngày mới đã bắt đầu. Phiên chợ này lại giống như bao phiên chợ khác trên dải đất hình chữ S - Việt Nam.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #34
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.971
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hà Nội - Chợ hoa xuân

Đó là những cái chợ đặc biệt mỗi năm chỉ họp một lần và kéo dài bảy ngày đêm. Đến khi giao thừa báo hiệu xuân sang mới hết phiên. Người Hà Nội đi chợ hoa để đón xuân sớm, rước xuân về nhà, để gặp nhau, để thầm hẹn cùng hương đất sắc trời...

Chợ hoa có hai điều kỳ diệu, hai thứ đẹp nhất: Người và Hoa.

Cái rét của tháng Chạp Hà Nội có thể có nắng vàng, có thể có mưa phùn gió bấc, nhưng vẫn có cái rét căm căm, là điều kiện để trai thanh gái lịch mặc những màu áo sắc khăn đầy hấp dẫn, gợi cảm, pha quyện vào nhau thành bức tranh sinh động, một hòa âm tươi và đẹp trong sắc trời xám bạc mùa đông. Đó là những màu hoàng yến, đỏ cờ, da cam, cá vàng, thiên thanh, hồ thủy. Đó là nâu đỏ giản dị, đen trắng nghiêm, tím Huế mộng mơ, tím than kín đáo... các màu áo đan vào nhau, di động, chan hòa sức sống của cuộc đời sôi động không ngừng.

Trong rừng người đẹp ấy, còn có thể gặp những màu áo rêu từ hải đảo, biên giới xa xôi về. Các anh về Hà Nội, đi chợ hoa để mang không khí và sắc màu của chợ hoa trở lại đơn vị. Cũng có thể gặp những khách nước ngoài. Họ thấy mình như được “bơi” trong sông hoa, được “tắm” trong hương sắc...

Hoa là chúa tể ở đây. Hoa của Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Thụy Khuê, của đào Nhật Tân, Quảng Bá, của Nghi Tàm, Tứ Tổng, Tứ Liên, của Gia Lâm, Mai Động, Hoàng Mai, còn có hoa của Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Bắc và của Đà Lạt...Có sớm nhất và hết sau cùng là hoa đào. Nhiều nhất là đào bích, rồi đến đào phai, đào ta. Có khoảng vài chục nghìn đào bích, vài trăm đào thế, thêm vài chục cây là đào ghép mai, ghép mận. Có năm có một vài cây bạch đào quý hiếm.
Nếu miền Nam có mai vàng tượng trưng cho Tết thì miền Bắc, cành đào chính là tiếng nói của mùa Xuân. Cái tiếng nói nồng nàn ấy cứ ửng sắc trên cành, rung rinh trong những cánh hoa mỏng. Chơi hoa đào là chơi màu sắc, dáng vẻ, thì chơi mai là cốt cách, chơi lý (mận) là giữ về phong độ. Cùng với hoa đào là một rừng quất. Cái đẹp của đào là hoa thì cái đẹp của quất là quả. Quả chín vàng ươm, tròn trịa, xum xuê. Cây quất tượng trưng cho sự sinh sôi, thịnh vượng, tràn đầy.
Tiếp theo dãy phố hàng quất, bao giờ cũng có một góc nhỏ riêng cho cây cảnh, thường do mấy cụ già ngồi bán. Có thể ngắm chơi bình luận, khen cái thế phụ tử của một cây tùng trăm năm, bình cái dáng anh hùng độc lập của một cây cúc mốc, ngắm cành huyền của một cây si lụ khụ, đàm đạo về cái vẻ mơ màng của một gốc chi mai đơn độc. Bên cạnh những hòn non bộ tí hon là những khóm trúc đơn sơ, từ trúc tăm đến trúc quân tử, trúc mình rồng mang màu vàng dịu hoặc xanh bền bỉ. Đứng giữa cái góc nhỏ này, ta không hiểu không gian đã được thu nhỏ lại hay chính ta bay cao, vươn xa trước một thiên nhiên là công trình của con người.
Còn hoa! Một trời hoa! Đủ các loài hoa và đủ các màu hoa, từ trắng muốt, phấn hồng, đỏ tía, vàng rộm, tím ngát, vàng chanh...Phổ thông là hoa thược dược. Đó như những chiếc đĩa màu ngồn ngộn, từ trắng nõn nà đến vàng chanh, cánh sen, đỏ thắm hoặc màu pha.Tiếp đến là viôlét lúc nào cũng rung rinh như vừa đọng thêm một giọt sương, như sẵn sàng đợi chờ một lời hò hẹn. Thắm thiết hơn thì có păngxê. Đó là hoa tưởng nhớ. Hoa sẽ nói thầm "Lúc nào anh cũng nghĩ đến em!", "Bao giờ em cũng nghĩ về anh". Hoa păng-xê ưa gượng nhẹ, nâng niu như mối tình chớm nở. Mỗi cây được trồng sẵn trong một chiếc chậu gốm nâu non. Hãy đem nguyên cả chậu cây đặt lên cửa sổ. Lời yêu sẽ bay đến người yêu!
Hoa cúc thì có đến hàng chục loài hoa cúc khác nhau: Đại đóa vàng, bạch cúc rồi hoàng mi, bạch mi, tòng châm, hoàng kim tháp, cúc tím, cúc đỏ, cúc chi, cúc vạn thọ, cúc ngũ sắc... Hoa cúc tàn vẫn chẳng rời thân. Đó là linh hồn của những con người không bao giờ chịu mất gốc. Một giỏ cúc lay động trong mưa xuân, gợi cho người chơi hoa ý niệm thanh cao, sáng đẹp, gắn bó với đất nước quê hương.
Cành tuy thô nhưng hoa lại lập lòe như những ngọn nến, đó là hải đường. Hải đường thường bị đối xử phũ phàng hơn các loại hoa khác, bày cả đống ở mặt đất. Ai thích cành nào thì chọn cành nấy. Đó là hoa của những người dễ tính, ít thời giờ chơi hoa. Ngược lại, thu hải đường lại nhỏ cây, hoa mọng như chùm nho.
Riêng hoa hồng bao giờ cũng là hoàng hậu của các loài hoa. Hoa hồng là trái tim e ấp. Trái tim thì không cần nhiều. Một thôi! Một bông cầm trong tay mà tặng nhau. Một bông mà cắm vào bình. Hồng có hương ngan ngát, có dáng thanh lịch, có vẻ diệu kỳ. Cành hồng thanh thoát, lá hồng như năm ngón tay, cả cái gai ương ngạnh của nó cũng là một lời nói thầm cùng ai đó. Chợ hoa thường không nhiều hoa hồng và cũng chỉ vài ngày cuối mới có.
Chợ hoa còn có hoa phong lan, sen cạn, huệ trắng... Mỗi hoa một màu riêng, hương riêng. Và nếu hoa có hồn như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ nói thì hẳn chúng đang tâm sự, xao xuyến những điều gì trong làn mưa bay lất phất, trong không khí tràn ngập hương xuân...Cái điệp khúc của chợ hoa năm nào cũng trở lại nhưng không năm nào giống năm nào. Bao giờ ta cũng tìm ra cái mới. Đó là cái thanh tân của hoa, cái kỳ diệu của hương, cái hấp dẫn của màu, cái lạ lùng ánh sắc của mùa xuân mới.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #35
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.971
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hà Nội - Chợ làng Nghè

Nhắc đến văn hoá làng xã người ta không thể không nhắc tới chợ làng. Quả thật một phần đời sống của những người dân quê được khắc hoạ qua sự phát triển của chợ làng. Ngoài ý nghĩa trao đổi mua bán, chợ làng còn là nơi để thăm hỏi, mời gọi, nói chuyện con trâu, cái cày, chuyện ruộng, vườn, đồi núi... Tất cả cứ ồn ã, xôn xao và đậm đà tình làng, nghĩa xóm. Bởi thế, người xưa đã từng ao ước:

"Muốn cho gần chợ mà chơi
Gần sông tắm mát, gần nơi đi về”.

Chợ Nghè cũng không nằm ngoài những ý nghĩa như thế. Tên chợ gắn liền với tên làng như thể làng sinh ra chợ và nhắc đến chợ người ta nghĩ ngay đến làng. Nằm ngay ở giữa làng, trên một khoảnh đất rộng với cây đa đứng sừng sững ở góc chợ, phía trên là dải núi thấp dần xuống nên nhìn từ xa, chợ như được treo trên cành đa. Vài túp lều tranh nho nhỏ, tường vôi xám xịt, dường như bao đời nay chợ Nghè vẫn vậy. Năm tháng, thời gian, mưa chan, nắng dội, rồi lửa đạn, bom rơi, chợ làng Nghè vẫn nguyên lành như thế, nguyên lành cả trong ký ức những người con xa quê.
Chợ Nghè họp theo phiên, tháng có 12 phiên. Mỗi phiên chợ họp từ sáng sớm rộ lên bán mua vào khoảng 7, 8 giờ và đến gần trưa thì chợ vãn người. Nhất là vào những ngày mùa thì thời gian họp còn ngắn hơn, người ta tranh thủ đến chợ rồi còn tất tả cho việc đồng áng. Ai ai cũng chân thấp chân cao lo đồng sâu ruộng cạn. Hiền lành và chăm chỉ vẫn là phẩm chất rất đẹp của người dân Việt Nam muôn đời. Ngày trước chợ Nghè chủ yếu chỉ có chè tươi, rau, cua, gạo, thóc... phần đa là hoa trái vườn nhà.
Nhiều nhất vẫn là chè, chè đi từ chợ làng đến chợ Nga, chợ Sọng, chợ Huyện rồi xa hơn là Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên... rồi từ các nơi đó, nhãn lồng, võng đay, vải vóc được chuyển về. Việc bán mua lưu chuyển cứ diễn ra không ngừng, ngay cả trong những năm tháng kháng chiến gian khổ. Những năm tháng này, chợ được chuyển đến họp ở sau đình hoặc chùa để dễ dàng che mắt địch gọi là chợ lưu động. Chẳng có gì ngăn nổi sức sống âm thầm, bền bỉ của chợ vì chính những người dân bình dị, thật thà, chân quê vẫn khao khát giữ cho mình một thú vui đến chợ như là nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng đẹp đẽ và đáng trân trọng.
Tuy là chợ lưu động nhưng những cửa hàng quanh chợ vẫn mở cửa bình thường, nhất là vào ban đêm, có khi suốt cả đêm hàng nào cũng đỏ đèn. Những ngọn đèn dầu ấm áp hắt ra từ các cửa hàng đó có sức lôi cuốn người mua, đặc biệt với lũ trẻ con xóm làng. Cho dù sau này chúng khôn lớn thì mãi mãi cũng không thể quên được những sợi bún trắng ngần cuộn tròn trong chiếc lá chuối, dở khẽ tàu lá đó ra đã thấy nhè nhẹ mùi thơm của bột gạo. Mắm tôm thơm mùi đồng bãi, vắt chút chanh rồi đánh cho sủi bọt, cho mùi thơm bay lên nồng nồng, thêm một chút ớt cay, chấm bún vào đó rồi đưa lên miệng sẽ thấy ngay cái ngọt của tinh gạo, cái giòn của sợi bún tan trong vị cay của ớt, vị đậm của mắm tôm. Ăn đến căng tròn bụng ra mà mắt vẫn thòm thèm. Đặc sản của chợ Nghè còn là món bún riêu cua, món ốc vặn. Congái đồng chiêm ở quê chăm chỉ và có "tài khêu ốc vặn, cắp chè bán rong" như ca dao truyền thống đã có lần nhắc đến. Và khi ngồi cạnh nồi riêu cua nghi ngút khói mà chỉ cần bà chủ quán ghé tay mở chiếc vung nồi là sẽ thấy ngay hương thơm quyến rũ và màu gạch cua vàng óng ánh. Bánh đa chần qua nước sôi rồi chan nước riêu cua lên, cho thêm ít rau và hành phi thế là đã muốn húp sột soạt, mặt đỏ bừng và mồ hôi thấm dần trên trán.
Nhâm nhi hơn có thể mua một bát ốc vặn, bỏ vào túi xủng xoẻng, vừa đi vừa lấy đồng 5 xu cho vào thân con ốc, xoay một vòng rồi chúm môi mút một cái, thế là cái ruột con ốc đã chui tọt vào trong cổ, mát, ngọt, thơm và khoan khoái vô cùng. Những món quà chợ quê giản dị như thế nhưng hương vị của nó chính là hương vị của tuổi thơ, của đồng bãi quê nhà. Từ cua cáy, cá tôm trên dòng sông quê nghèo đến với chợ là người dân quê đã có thành nồi cơm độn sắn của cả nhà, thành thếp giấy, thành lọ mực tím mồng tơi cho những ngày cắp sách đến trường làng cùng bè bạn.
Chợ làng Nghè còn gắn liền với những cái tên nôm na của mỗi người dân quê như là ký ức chẳng thể mờ phai: Bánh đa bà Sảng, bánh đúc bà Chạn, bánh lá ông Liễu, bánh xèo bà Lịch... rồi cửa hàng tạp hoá của bà Nha, hàng bánh dầy giò chả của bà Khoán, quầy thuốc bắc của cụ Đồ Dỡn, cụ Đồ Vơn, cụ Lang San, Lang Khoản... Dù bán mặt hàng gì thì tất cả đều với mục đích phục vụ nhà nông. Bởi thế nên ai cũng tận tình chu đáo với khách hàng. Người dân quê là thế, chẳng tranh chấp thiệt hơn, chẳng lời lãi giành giật, cái cốt là tình làng nghĩa xóm sau trước đậm đà. Chính cái chất quê mùa trong giao tiếp làng xã ấy lại là một nét đẹp của văn hoá truyền thống dân tộc.
Trong thời mở cửa, chợ làng cũng phong phú và sầm uất hơn xưa, nhưng nét mộc mạc, bình dị thắm đượm nghĩa xóm, tình làng vẫn không hề phai nhạt. Vẫn sân đình, góc chợ thuở nào, vẫn hai gian mái ngói rêu phong giữa chợ và vẫn tíu tít bán mua, xôn xao ân cần thăm hỏi. Chợ làng chính là tâm điểm cho nỗi nhớ của người xa quê, là ký ức trong vắt, ngọt ngào.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-12-2009   #36
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.971
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hải Phòng - Chợ Sắt

Nằm bên bờ của ngã ba sông Cấm và sông Tam Bạc, chợ Sắt là chợ lớn nhất Thành phố Hải Phòng. Trước kia, nơi đây là chợ phiên An Biên tấp nập người đến mua, kẻ bán. Khi thành phố được thành lập (1888), chợ được xây dựng với những gian nhà lớn, vật liệu chủ yếu là sắt thép, nền xi măng, có tháp nước, vì thế được gọi là “ chợ Sắt”.
Tháng 5/1992, chợ Sắt được xây dựng thành một trung tâm thương mại, dịch vụ sáu tầng. Diện tích mặt bằng 13.210 m2; diện tích sử dụng 39.824 m2. Tầng 1, 2, 3 là nơi buôn bán với hơn 2.000 gian hàng. Tầng 4, 5 và 6 là khách sạn, nhà hàng, vũ trường và các văn phòng đại diện khác.
Chợ Sắt hàng ngày không chỉ tiếp đón khách hàng đến mua và bán mà đây cũng là địa chỉ hấp dẫn du khách mối khi có dịp đến Hải phòng.


(Nguồn: Maxreading.com)

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 01:55
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,10463 seconds with 15 queries