Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 12-05-2009   #19
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.020
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Cổ Loa (Bảo Sơn Tự)



Chùa Cổ Loa thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Chùa Cổ Loa có tên chữ là Bảo Sơn tự. Từ trung tâm Hà Nội đi qua cầu Chương Dương, thị trấn Gia Lâm, qua cầu Đuống theo quốc lộ số 3 đến cây số 17 rẻ tay phải 3 km đến chợ Sa, rẽ trái 300 m đến ngã tư rồi rẻ phải 100 m là đến chùa.

Chùa thờ Phật, kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc" ở giữa chữ công, trước là nhà tiền tế, hai bên là hành lang. Chùa còn giữ được những bức cốn tứ linh thế kỷ 19, và nhóm di vật có giá trị gồm 134 pho tượng xếp đặt ở hậu cung, thiêu hương, tiền tế, hành lang và nhà Mẫu. Các pho Tam Thế, Di Đà, Quan Âm Chuẩn Đề, Quan Âm Tống Tử, Quan Âm Nam Hải, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, toà Cửu Long, Hộ Pháp, Kim Cương, Thập bát La Hán, Liễu Hạnh, Trần Hưng Đạo, Thái Thượng Lão Quân,... Chùa có 5 bia từ thế kỷ 17-19, hai chuông đồng Gia Long 2 (1803), một khánh đồng, bình hương đồng, đồ gốm sứ và đồ thờ cúng khá đẹp.

Chùa đã được Bộ Văn hoá và thông tin xếp hạng di tích kiến trúc và nghệ thuật ngày 21/6/1993.



Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #20
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.020
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Côn Sơn (Tư Phúc Tự)


Thời nhà Trần, nước ta có các trung tâm Phật giáo lớn là Yên Tử, Côn Sơn, Quỳnh Lâm và Vĩnh Nghiêm. Nhà tổ ổ Côn Sơn còn thờ tượng Trúc Lâm tam Tổ (ba vị Tổ phái Thiền Trúc Lâm) là Trần Nhân Tông (1258 - 1308), Thiền sư Pháp Loa (1284 - 1330) và Thiền sư Huyền Quang (1254 - 1334).

Không phải ngẫu nhiên mà Thiền sư Pháp Loa đã dựng am Bạch Vân ở Côn Sơn và Thiền sư Huyền Quang đã chọn nơi đây tu hành vào những năm tháng cuối đời. Côn Sơn (cách thị xã Hải Dương 15km, nay thuộc xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng, vốn là tên một ngọn núi cao khoảng 200m so với mặt biển, có ba nhóm nhô lên như một con kỳ lân phủ phục, nên còn tên là Lân Sơn. Leo khỏi 600 bậc đá, đứng trên đỉnh núi nhìn khắp chung quanh sẽ thấy hiện ra "Một vùng cây cỏ tận hưởng niềm vui thưởng thức, sông núi bao la thu vào tầm mắt ngóng trông" (Nhật thiên thảo mộc cùng ngu hưởng. Bất tận giang sơn nhập chỉ huy) như vua Lê Thánh Tông đã viết.

Và không phải ngẫu nhiên mà vua Trần Nghệ Tông đã đặt tên cho mấy nếp nhà bên suối dưới khe núi Côn Sơn, với thạch bàn giữa thiên nhiên đầy cỏ hoa và khóm trúc, trên đầu non khói tỏa là Thanh Hư động : nơi ở thanh tịnh vắng vẻ như động tiên giữa chốn hư không. Khi trụ trì ở đây, Thiền sư Pháp Loa đã cảm hứng giữa đất trời tao nhã :

Sự đời quên cả chẳng lôi thôi
Chiếc chõng quanh năm bó gối ngồi
Ngày tháng chẳng còn sờ đến lịch
Thấy hoa cúc nở đoán thu rồi.

(Nguyễn Trọng Thuật dịch)

Nằm ở chân núi phía Nam, chùa Côn Sơn, tên chữ là Tư Phúc Tự, được xây dựng từ thời Lý, dân gian thường gọi là chùa Hun (nơi đốt than). Tương truyền rằng vua Trần Thái Tông (1225 - 1258) đã từng đến thăm chùa. Vào đời Lê, lúc Thiền sư Mai Trí Bản hiệu Pháp Nhãn trụ trì, chùa được trùng tu và mở rộng, có đến 83 gian, bao gồm tam quan, thượng hạ điện, tả hữu vu, lầu chuông, gác trống ? Bị chiến tranh tàn phá, ngày nay chùa Hun chỉ còn là một ngôi chùa nép mình dưới tàn lá xanh của những cây cổ thụ : thông, đại và hương bài.

Phía trước, ngay lối đi vào chùa có một tấm bia đá đặt trên lưng rùa khắc ba chữ "Thanh Hư Động", bút tích của vua Trần Nghệ Tông. Bên trái là nhà bia cũ dựng năm 1608, có tấm bia ghi bài minh nhan đề "Côn Sơn Tư Phúc Thiền Tự Bi" nói về việc trùng tu chùa.

Bên đường dẫn lên đỉnh núi rợp bóng cây phía sau chùa là khu mộ tháp, nổi bật là Đăng Minh bảo tháp dựng bằng đá xanh, cao 3 tầng, trong đặt xá lợi và tượng Thiền sư Huyền Quang.

Chùa Côn Sơn đã chứng kiến một chặng đường đời và bi kịch của người anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi. Thanh Hư động chính là nơi Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán, ông ngoại nhà thơ, ẩn dật. Mấy gốc thông già trải qua sương nắng hơn sáu thế kỷ còn đứng đó là do chính tay Trần Nguyên Đán trồng, như thơ của Băng Hồ tướng công đã ghi lại :

Xuân nhật tảo di hoa ảnh động
Thu phong vãn tống hạc thanh lai
Lưu Quang điện hạ tùng thiên thụ
Tận thị kình thiên nhất thủ tài.

Nghĩa là :

Nắng xuân sớm động bóng hoa
Gió thu hiu hắt chiều tà hạc kêu
Lưu Quang thềm điện xanh rêu
Chống trời thu biếc do đều một tay.

Một phần tuổi thơ của mình, từ lúc 5 tuổi đến lúc 10 tuổi, Nguyễn Trãi sống với ông ngoại. Sau những năm tham gia triều chính, Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn. Dòng suối Côn Sơn đã in bóng nhà thơ ngồi trên thạch bàn những ngày ẩn dật. Cảnh đẹp Côn Sơn đã gợi nên cảm hứng để Nguyễn Trãi sáng tác nhiều bài thơ trong Quốc Âm thi tập :

Côn Sơn có suối rì rầm
Ta nghe tiếng suối như cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm?

Nhưng bi kịch của lịch sử đã không để cho nhà thơ được yên nghỉ tuổi già dưới bóng thông và ngâm thơ nhàn. Vụ án Lệ Chi Viên với cái chết đột tử của Lê Thái Tông vào tháng 9 năm 1442 đã dẫn đến hình phạt tru di tam tộc đối với Khai quốc công thần Nguyễn Trãi. Học trò Nguyễn Trãi đã đưa thi hài nhà thơ về mai táng trên núi Giáp Sơn, phía Đông Bắc núi Côn Sơn. Gần đó, trên đỉnh núi Tam Tiên là ngôi mộ Nguyễn Phi Khanh, thân sinh Nguyễn Trãi.

Một lần về Côn Sơn, nhà thơ Trần Đăng Khoa chợt thức giấc lúc nửa đêm và cảm nhận được hồn thiêng của Ức Trai còn hòa lẫn với thiên nhiên cảnh vật :

Ngang trời kêu một tiếng chuông
Rừng xưa nổi gió, suối tuôn ào ào.
Đồi thông sáng dưới trăng cao
Như hồn Nguyễn Trãi năm nào về thăm.


Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #21
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.020
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Côn Sơn và Quần thể di tích Chí Linh


Lâu nay, nhiều du khách đến khu di tích lịch sử danh lam thíng cảnh ở huyện Chí Linh (Hải Dương) thường chỉ nghĩ đến Côn Sơn, Kiếp Bạc. Rất ít người biết rằng ở Chí Linh còn lưu giữ cả một quần thể di tích nổi tiếng - dấu ấn một thời hào hùng của dân tộc. Đó là chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, đền Cao, đền Sinh, đền Hóa, chùa Thanh Mai, đền Gốm, đình Nhân Huệ, nhà cổ Trạng nguyên, nhà cổ Thượng tổ, nhà cổ Tiền ẩn, thành cổ Phao Sơn, vườn cổ Dược Linh, chùa cổ Vân Tiên, tháp Tinh Phi, chùa Sùng Nghiêm, mộ cụ Nguyễn Phi Khanh...

Trong số 16 di tích cổ tại Chí Linh, thì có tới 7 di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Di tích tiêu biểu và trở thành niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, trước hết là chùa Côn Sơn và đền Kiếp Bạc.

Di tích nhà Trần

Chùa Côn Sơn hiện nay thuộc xã Cộng Hòa, Chí Linh. Chùa được xây dựng từ thời nhà Trần, là nơi tu hành của Quốc sư Huyền Quang - vị tổ thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm. Ngày 22 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1334), nhà sư Huyền Quang mất tại Côn Sơn. Vua Trần Minh Tông cho 10 lạng vàng xây Đăng Minh bảo tháp đặt xá lĩ của Huyền Quang vào trong đó để lưu giữ. Từ đó đến nay, ngày mất của Huyền Quang dần trở thành Hội Xuân Côn Sơn.

Sau này, đến thời nhà Lê, quân và dân Việt Nam đại thíng quân Minh, Nguyễn trãi đã về tĩnh dưỡng tuổi già ở Côn Sơn. Người thường lên bàn cờ Tiên, Thanh Hư động và ra suối Thạch Bàn thưởng ngoạn đất trời, làm thơ cũng như suy ngẫm việc đời. Sau khi Nguyễn Trãi mất, nhân dân đã tạc tượng thờ người Anh hùng kiệt xuất của dân tộc tại nhà thờ Tổ sau chùa Côn Sơn.

Vì thế, đến Côn Sơn ngày nay, du khách vừa thăm chùa, thăm nơi thờ 3 vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang), vừa đến thăm một thíng cảnh, một di tích lịch sử gín với tên tuổi người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Và trên đường đến với bàn cờ Tiên ở trên đỉnh núi, du khách đều như nghe đâu đây sang sảng lời hịch "Bình Ngô đại cáo". Từ đáy lòng mọi người đều tự hào về đức độ, tài năng của Nguyễn Trãi và đau xót trước nỗi oan nghiệt mà ông gánh chịu.

Đền Kiếp Bạc còn đây. Đền ở xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, thờ Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc có công lớn nhất trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào thế kỷ thứ 13.

Du khách sau khi thăm khu đền và xem các màn biểu diễn của người dân địa phương về chiến công của nhà Trần do Hưng Đạo đại vương chỉ huy, đều hiểu sâu về tài thao lược của Trần Hưng Đạo. Và trầm tĩnh suy tư, mọi người đều bít gặp tiếng sông reo và nhớ đến câu thơ tràn đầy dũng khí của "quân nhà Nam" - thời Trần; làm cho quân Nguyên Mông (thuở trước) bạt vía kinh hồn mỗi khi nghĩ đến mộng xâm lăng:

Trên sông Bạch Đằng, quân Nam hùng reo
Sóng nước vang đưa mỗi con thuyền, ngàn thông reo...

Rồi du khách lên chùa Thanh Mai xây trên núi Tam Bản, thuộc xã Hoàng Hoa Thám. Đó là nơi trụ trì của Quốc sư Pháp Loa, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm và cũng là nơi sư Huyền Quang tu hành 6 năm liền. Sau khi Pháp Loa mất, Thái thượng hoàng Trần Anh Tông cho xây mộ tháp của nhà sư Pháp Loa ở sau chùa Thanh Mai, đặt xá lĩ của Pháp Loa vào tháp lưu giữ. Mộ tháp đá đó gọi là Viên Thông bảo tháp. ở chùa Thanh Mai còn bảo tồn một bia đá cổ "Tam Tổ thực lục" ghi khíc công tích của ba vị Tổ Thiền phái Trúc Lâm - lưu giữ đến hôm nay.

Ngôi đền Gốm, trước đây thuộc xã Nhân Huệ, nay thuộc xã Cổ Thành, huyện Chí Linh. Đền này gín liền với di tích "Biến cố Nham Loan" thờ tướng quân Trần Khánh Dư, một vị tướng tài thời Trần. Ông có công lớn trong 3 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Trần Khánh Dư lập nhiều chiến công, được vua phong tước Nhân Huệ Vương và chức Phó Thượng tướng.

Du khách tiếp tục cuộc hành trình đến các đình chùa, nhà thờ liên quan đến các tướng lĩnh, các văn võ bá quan nổi tiếng thời Trần, đã góp phần làm rạng rỡ non sông đất nước. Đó là đình Nhân Huệ ngày nay. Đình thờ ba vị thành hoàng. Vị thứ nhất là Hùng Duệ, người có công từ thời Hùng Vương dựng nước; vị thứ hai là Cao Sơn, vị thứ ba là Quảng Bác, cả hai đều có công với nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Theo văn bia ở đình còn ghi rõ: Đình Nhân Huệ xưa còn là nơi tụ hội của nhiều tướng giỏi triều Trần đến bàn việc quân cơ và chuẩn bị cho Hội nghị Bình Than. Ngôi đình này có quy mô khá lớn, còn tương đối nguyên vẹn. Về kiến thức và bài trí của ngôi đình cổ, có thể xem đình Nhân Huệ là di tích lịch sử - văn hóa vào loại quý hiếm của Việt Nam.

Du khách dừng chân chiêm ngưỡng nhà cổ Trạng nguyên (hay Trạng nguyên cổ đường), trước kia thuộc xã Văn Từ của huyện Chí Linh, nay thuộc xã Tổng Xá, huyện Nam Thanh. Đây là nơi dạy học của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, thời vua Trần Anh Tông (1292-1314). Mạc Đĩnh Chi là người học rộng tài cao; đặc biệt là tài ngoại giao, đã từng đễợc vua Nguyên (Trung Quốc) phong là "Trạng nguyên lưỡng quốc" - khi ông vâng lệnh Vua nhà Trần đi sứ. Những chuyện về tài ngoại giao của Mạc Đĩnh Chi đến hôm nay vẫn được lưu truyền và hình thành nhiều huyền thoại làm say mê lớp người trẻ tuổi giàu chí tiến thủ.

Nhà cổ Thượng Tư (Thượng Tư cổ trạch), ở thôn Kinh Trung, xã Văn An ngày nay là nơi ở và dạy học của Trần Huệ Vũ Vương, Tể tướng nhà Trần. Nhà cổ Thượng Tư còn có tên gọi đền Quân Phụ. Nhà cổ Tiều ẩn (Tiều ẩn bích cổ) trên núi Phượng Hoàng cũng thuộc xã Văn An. Đây là nơi Chu Văn An - nhà tễ tưởng và học giả xuất síc thời Trần, sau khi ông dâng sớ xin chém đầu bảy tên gian thần, không được chấp nhận, đã từ quan về đây dạy học và làm thuốc (thời vua Trần Dụ Tông, năm 1319-1349).

Ngoài ra còn di tích khác như: Thành cổ Pháp Sơn, trước đây thuộc xã Cổ Thành nay thuộc thị trấn Phả Lại, Chí Linh. Thành được xây dựng năm 1418, mở rộng vào triều Mạc, trên triền núi cao sát bờ sông Thái Bình, ngay cạnh bến phà Phả Lại bây giờ. Đây là vị trí chiến lược thủy, bộ quan trọng để bảo vệ kinh đô Thăng Long ngày trước. Vườn cổ Dược Linh nay thuộc Dược Sơn, xã Hưng Đạo, xưa có nhiều cây thuốc quý để chữa bệnh cho quân sĩ. Đặc biệt là cây thuốc Dược Linh dùng để trị vết thương, rất mau lành, nay vẫn còn sót lại trên núi. Chùa cổ Vân Tiên ở thôn Kiệt Đặc, xã Văn An. Đó là ngôi chùa cổ, xưa kia Quốc sư Phap Loa trụ trì và giảng đạo. Chùa Vân Tiên chỉ là một trong nhiều chùa mà Pháp Loa xây dựng trong suốt 19 năm tu hành.

Và các triều đại khác

Đồng thời tại đây, có nhiều di tích đã được tạo dựng từ trước thời nhà Trần. Chí Linh có rừng núi, sông suối hiểm trở đã trở thành vùng đất linh thiêng để các tướng lĩnh, công thần của đất nước về đây nghỉ ngơi, suy ngẫm về vận mệnh nước Việt, nhất là thời phát triển hưng thịnh (chế độ phong kiến) giai đoạn đó.

Cổ kính nhất là đền Sinh và đền Hóa, thuộc thôn An Mô, xã Lê Lợi ngày nay. Hai ngôi đền này nằm trong một quần thể di tích. Đền Sinh và đền Hóa thờ Chu Phúc Uy, người làng An Mô, một danh tướng văn võ song toàn, có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương, giành độc lập cho nước Vạn Xuân ở thế kỷ thứ VI, dưới triều vua Lý Bí (Lý Nam Đế). Ông được Lý Nam Đế phong là Uy Vũ Đại tướng quân, trấn thủ xứ Hải Dương. Tễơng truyền, đền Sinh là nơi Chu Phúc Uy ra đời. Cách đền Sinh 700 m về phía Tây Bíc là đền Hóa - nơi ông qua đời.

Đền Cao, xã An Lạc, nơi thờ 5 anh em họ Vương là Vương Đức Minh, Vương Đức Hồng, Vương Đức Xuân, Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu. Cả 5 người đều có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống ở thế kỷ thứ 10 dưới triều vua Lê Đại Hành. Kế tiếp trong vùng là tháp cổ Tinh Phi ở thôn Trại Sen xã Văn An, nơi thờ bà Nguyễn Thị Duệ, người từng giả trai đi học, thi đỗ tiến sĩ dưới triều Mạc và đã làm quan đến chức Lễ nghi học sĩ. Đây cũng là nơi bà ở, dạy học và làm thuốc chữa bệnh cho dân. Bà là nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam, từng được Chúa Trịnh phong là "Bà chúa Sao La".

Chùa Sùng Nghiêm (Sùng Nghiêm tự) nằm phía Tây Bíc thôn Bình Dương, nay là thôn Bình Giang, thị trấn Phả Lại. Chùa được xây dựng từ triều Lý đến triều Trần, đã trở thành một trung tâm Phật giáo của Việt Nam. Các vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm đã từng về đây giảng đạo nhiều lần. Đễơng thời chùa Sùng Nghiêm rất lớn, có tới hơn 100 gian. Các hoàng hậu, cung phi nhà Trần thường về đây ngoạn cảnh và cầu khấn đất trời ủng hộ sự thịnh trị của triều đình. Năm 1947, thực dân Pháp càn quét đốt chùa. Nay chùa chỉ còn dấu vết và một số di vật lưu truyền lại.

Đặc biệt tại đây, du khách được dâng hương mộ cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Nguyễn Trãi, một chí sĩ yêu nước, luôn tin tưởng vào sự trường tồn của dân tộc. Trước lúc xa con cụ đã tâm sự với Nguyễn Trãi những lời bất hủ:

Con yêu quý chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng vỗ cánh trở về Nam.
Con về đi tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh
Trãi con ơi không bao giờ con chết
Cha đứng đây trông suốt một ngàn thu...

Như sử sách đã ghi lại: Sau khi Nguyễn Phi Khanh bị nhà Minh bít cùng với quan quân nhà Hồ, Nguyễn Phi Hùng theo hầu cha sang Trung Quốc. Còn Nguyễn Trãi vào Lam Sơn theo nghĩa quân Lê Lợi. Năm 73 tuổi, Nguyễn Phi Khanh mất ở Trung Quốc. Thượng thư Hoàng Phúc của nhà Minh, do cảm cái ân nghĩa của Nguyễn Trãi đã tha tội chết cho mình, cho nên đã giúp cho Phi Hùng mang di cốt của Nguyễn Phi Khanh về nước. Nguyễn Trãi đã theo lời cha dặn táng di cốt của Nguyễn Phi Khanh trên núi Đá Bạc. Câu chuyện về đức hiếu nghĩa ấy sau này đã gây niềm xúc động và kính phục sâu síc trong dân, người ta gọi núi ấy là núi Báo

Đức hay Báo Ân. Và quả núi này còn được gọi là núi Bái Vọng. Ngày nay mộ cụ Nguyễn Phi Khanh đặt trên núi Báo Đức, thuộc xã Hoàng Hoa Thám.

Chỉ qua một quần thể di tích Chí Linh, du khách đã được ôn lại cả một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Khí phách lẫm liệt, tài năng tuyệt vời, nghĩa tình son sít của các bậc tiên sinh khơi dậy trong mỗi du khách lòng tự hào, ý chí quật khởi, để hôm nay mọi người cùng nhau giành tiếp thíng lợi trên con đường đổi mới, làm rạng danh tiên tổ và lễu truyền tiếng thơm cùng hậu thế.


Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #22
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.020
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Dâu


Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về

Gần hai ngàn năm biến dịch với bao lần đổi thay, tu tạo có lẽ bây giờ cảnh quan chùa Dâu đã khác xưa nhiều. Nghe nói, trước đây con đường vào chùa đẹp lắm. Qua tam quan đồ sộ và bãi đất rộng nằm giữa hai dãy ao dài in bóng chiếc cầu chín nhịp có mái lợp, kiểu nhà cầu cổ ta còn thấy ở Hội An và một số nơi khác, khách bộ hành vào chùa dâng hương thờ Phật. Đây là ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở Việt Nam, ngay từ thế kỷ thứ II sau Công nguyên.

Cũng như nhiều chùa chiền trên đất Việt, chùa Dâu được cất theo kiểu nội công ngoại quốc, một kiểu kiến trúc Á Đông truyền thống. Bốn dãy nhà liên thông hình chữ nhật bao quanh ba ngôi chính: Tiền đường, Thiện hương và Thượng điện. Hậu đường xưa giờ không còn nữa, nhưng khách thăm chùa vẫn còn được chứng kiến bốn mươi tễ gian nhà oản hai bên tả hữu. Giữa sân chùa trải rộng là cây tháp Hòa Phong. Tháp xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công tới độ có màu sẫm già của vại sành. Thời gian đã lấy đi sáu tầng trên của tháp, nay chỉ còn ba tầng dưới nhưng vẫn uy nghi, vững chãi thế đứng ngàn năm. Dấu vết xưa nhất còn lại của ngôi chùa được khảo cổ học xác định là từ đời Trần, đợt tu bổ lớn nhất là vào năm 1313, đời vua Trần Anh Tông.

Theo nghiên cứu sử học, chùa Dâu với nhiều tên gọi: Diên ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự...có thể ra đời đồng thời với truyền thuyết Man Nương, một trong những mã khóa mở vào tầng sâu của văn hóa Kinh Bắc. Vậy nên, hợp với chùa tổ Man Nương là cả một quần thể những chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Tướng, chùa Dàn thờ tứ pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Là nơi giao lưu của hai luồng văn hóa Phật giáo, một từ ấn Độ sang, một từ phương Bắc xuống, nơi đây từng là nơi "kinh đô" của Phật giáo Việt Nam hơn mười thế kỷ đầu; với nhiều nhà sư nổi tiếng, với hội tắm Phật mùng tám tháng tễ hàng năm:

Dù ai buôn bán trăm bề
Nhớ ngày mùng tám thì về hội Dâu.

Một trong những ấn tượng khó có thể quên được ở nơi đây là những pho tượng thờ. Tượng Pháp Vân uy nghi, trầm mặc, màu đồng hun. Gương mặt đẹp với nốt ruồi to đậm giữa trán gợi liên tưởng tới những nàng vũ nữ ấn, tới quê hương Tây Trúc, nơi cội nguồn của tễ tưởng thiện căn, của đức Từ - Bi - Hỉ - Xả. Tượng Pháp Vũ với những nét thuần Việt, đức độ, cao cả. Đặc biệt hai pho tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ đặt hai bên điện thờ chính gợi nhớ tới những cô thôn nữ của miền quê quan họ nơi này. Dáng người thắt đáy lưng ong uyển chuyển, vành khăn vấn trên đầu bình dị và mềm mại, chiếc áo tứ thân mớ ba mớ bảy với dải lụa đào thướt tha... Cha ông ta đã rất tinh tế, nhuần nhị khi đặt tượng thờ Kim Đồng, Ngọc Nữ. Về đây, ta gặp sự giao hòa đẹp đẽ giữa tễ tưởng Phật giáo chính thống, một dạng thức văn hóa tinh thần ngoại nhập, với tâm linh, tinh thần bình dân, thuần phác. Ta cũng lại thấy ở đây một minh chứng rõ nét cho quá trình tiếp biến văn hóa, sự Việt hóa những giá trị tinh thần khi nhập nội.

Về chùa Dâu, về Thuận Thành, ta như được tắm mình trong không khí cổ xưa qua dấu ấn của nhiều tầng bậc lịch sử - văn hóa. Đây, đô thành Luy Lâu xưa bên dòng Thiên Đức gợi nhớ thời oanh liệt của Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống xâm lược Đông Hán những năm đầu thế kỷ. Đây dòng sông Dâu đã vào thơ Tố Hữu "con sông Dâu chảy về đâu, mà lơ thơ đến Luy Lâu lại dừng". Đây nữa, miền đất trù phú Keo - Dâu với tích truyện cô thôn nữ hái dâu nết na, xinh đẹp trở thành Nhiếp chính ỷ Lan tài giỏi, trông coi việc nước, giúp vua đánh giặc. Còn kia là Bút Tháp với tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay nổi tiếng; là làng tranh Đông Hồ, nơi tâm hồn dân gian dẫu hoàn cảnh nào vẫn luôn mỉm cười trên sắc vàng giấy điệp. Cạnh đó, dòng sông Đuống "ngày xưa cát trắng phẳng lỳ" giờ vẫn bình thản trôi như đã từng trôi qua những bến bờ lịch sử. Và từ chùa Dâu, ta có thể rẽ ngang thăm núi Thiên Thai hay về bên kia sông Đuống dâng hương các vị vua đời Lý tại đền Đô.

Lịch sử đã từng khẳng định vị trí của chùa Dâu trong đời sống văn hóa, tâm linh dân tộc. Ngày nay, chùa Dâu đang được Nhà nước và Giáo Hội Phật giáo Việt Nam quan tâm trùng tu, tôn tạo để xứng đáng với tên gọi "trung tâm của Phật giáo Việt Nam" nhiều thế kỷ.


Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #23
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.020
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Dạm


Xứ Kinh Bắc là một trong những trung tâm Phật giáo cổ xưa và lớn nhất ở Việt Nam. Trải qua nhiều thế kỷ, mỗi triều đại lại tu bổ hoặc xây mới một số công trình chùa chiền, đền tháp. Vương triều Lý - một vương triều hiển hách về võ công văn trị và rất sùng mộ đạo Phật, tôn đạo Phật là quốc giáo, đã để lại nhiều dấu tích lịch sử làm vẻ vang nền văn hóa dân tộc.

Chùa Dạm (thuộc xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) là danh lam thắng cảnh điển hình.

Căn cứ vào các thư tịch cổ, chùa Dạm được Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) cho xây dựng vào năm Quang Hựu thứ 2 (1086). Để tiện vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ công trình, vua cho đào ngòi Con Tên từ chân núi Lãm Sơn chạy thẳng ra sông Đuống. Năm 1087, "Vua ngự đến chùa Lãm Sơn, đến đêm ban yến cho các quan. Vua làm 2 bài Lãm Sơn dạ yến". Công trình làm trong 9 năm mới xong. Vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh, lại thân đề biển bằng chữ Triện.

Năm Long phù nguyên hóa thứ 5 (1105), vua Lý Nhân Tông cho xây thêm ba tháp đá nữa. Chùa làm xong (1094), Vua ban 300 mẫu ruộng tự điền để nhà chùa có hoa lợi hương khói và 7 gia đình ở mé dưới núi được giao việc chuyên đóng - mở cửa chùa.

Nếu như chùa Phật Tích ở dãy Nguyệt Hằng (huyện Tiên Sơn) gần đấy có 300 gian, có tòa nhà đá, bảo tháp nhiều tầng, giếng rồng, ao rồng... thì các công trình kiến trúc của chùa Dạm hẳn là vượt xa hơn thế. Nguyên do: sau chiến thắng lẫy lừng chống Tống trên phòng tuyến sông Cầu khẳng định nền độc lập tự chủ Đại Việt, Nhà Lý có xu hướng chấn hưng văn hóa dân tộc đồng thời phát triển mạnh kinh tế đất nước. Vì vậy hàng loạt chùa chiền ở Kinh Bắc nơi phát tích triều Lý càng được quan tâm. Rút kinh nghiệm xây dựng đồ sộ chùa Phật Tích trước đó ít lâu, chùa Dạm được dựng huy hoàng hơn.

Về sự bề thế của chùa Dạm, dân gian đã lưu truyền qua câu ca: "Mười lăm trăng náu, mười sáu trăng treo, mười bảy phẩy giường chiếu, mười tám đóng cửa chùa Dạm", có nghĩa là cứ sau ngày rằm người ta đóng cửa chùa, bắt đầu từ xẩm tối đến lúc trăng lên cao mới đóng hết tất cả các cửa.

Kiến trúc sư và các nhà điêu khắc xưa đã khéo tổ chức không gian một cách hợp lý để nhân gấp bội giá trị - vẻ đẹp công trình và biểu đạt ý niệm triết - mỹ Á Đông.

Chùa đặt ở sườn núi phía nam của dãy Lãm Sơn, chính giữa ngọn cao nhất. Núi Rùa làm tiền án, ngòi Con Tên làm Minh Đường bên tả có Thanh Long, bên hữu có Bạch Hổ chầu về. Chùa Dạm hội tụ đủ huyết mạch linh thông theo thuyết phong thủy.

Chùa dựa hẳn vào sườn núi và 4 lớp nền đá trườn theo sườn núi vừa tôn tầm cao công trình vừa tạo dáng vẻ uy nghiêm, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên chung quanh. Hơn nữa tránh được nạn lụt lội ở vùng "rốn nước" Quế Võ lắm đồng sâu ruộng trũng.

Chiều dài của lớp nền 120 m, rộng 70 m (chùa Phật Tích là 100 m và 60 m).

Tổng cộng diện tích gần 8.000 m2.

Bốn lớp nền được bó ghép bằng đá tảng (mỗi viên có kích thước 50x60 cm). Các lớp đá được cấu tạo choãi chân đế, chếch khoảng 70 độ, và có độ cao 5-6 m.

Mỗi cấp giật lùi vào khoảng 1,5 m làm tăng sự ổn định, vững chắc của nền. Đường lên xuống mỗi lớp nền khá rộng (khoảng 25 bậc đá).

Lớp nền thứ nhất gọi là "bãi hội", hằng năm cứ đến mồng 8 tháng 9, nhân dân ba thôn (Triều, Trung, Trị) và 18 xã thuộc huyện Võ Giàng cũ tổ chức lễ hội và vui chơi ở đây. Còn 3 lớp nền phía trên dựng các cụm kiến trúc lộng lẫy, nguy nga (điện đường, long vũ, bảo tháp...).

Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) từng về thăm và có làm bài thơ Đại Lãm Thần quang tự ca ngợi quần thể di tích này:

Thần Quang tự kiểu hứng thiên u
Sanh thỏ phi ô thiên thượng du
Thập nhị lâu đài khai hoa trục
Tam thiên thế giới nhập thị màu

Tạm dịch:

Chùa Thần Quang vắng vẻ, cảnh vật có nét hứng thú u nhã riêng
Mặt trời lặn, mặt trăng lên như ngao du giữa bầu trời
Mười hai tòa lâu đài mở ra tranh vẽ
Ba ngàn thế giới nhập vào đôi mắt nhà thơ

Hơn bốn thế kỷ sau, nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn đã qua đây, miêu tả:

Toàn vân lục tính tham thiên thụ
Bàn lĩnh thanh hoàn thập lục hương

Tạm dịch:

Ba ngàn thông tám vờn mây biếc
Mười sáu làng xanh rợp núi non

Không chỉ có công trình kiến trúc quy mô, chùa Dạm còn độc đáo bởi nghệ thuật tượng đài hoành tráng.

Trên lớp nền thứ hai của chùa, thời Lý đã dựng tượng đài. Khu bên phải (của chùa) hình vuông, mỗi chiều 7 m, cao 2 m đều kè đá đục chạm rất sâu hoa văn sóng nước (kiểu thức thời Lý). Khu đất bên trái (của chùa) hình tròn đường kính 5 m, cao 1 m. Ngay giữa khu đất hình tròn có một cột biển bằng đá nhám liền khối cao 5 m (không kể phần ngọn bị gãy). Cột biển ấy gồm hai phần: khối hộp vuông ở dưới làm đế (gắn sâu vào lớp lối đá mạ của núi), khối trụ tròn ở trên (có đường kính 1,5 m). Đoạn dưới của khối trụ tròn chạm nổi đôi rồng đuôi giao nhau, thân hình uốn lượn mềm mại quanh cột, đầu nghểnh cao cùng chầu vào viên ngọc tỏa sáng. Đầu rồng có mào lửa bốc lên, chân rồng năm móng nhọn sắc. Bộ đài là ba vòng tròn chạm hoa văn sóng nước (sóng xô, sóng cuộn).

Hai hình tròn và vuông ở lớp nền thứ hai tượng trưng Vũ Trụ theo quan niệm người xưa: "Trời tròn-đất vuông". Cột đá khổng lồ là biểu tượng Linga (sinh thực khí) thể hiện ước vọng mưa thuận gió hòa, vạn vật phồn thịnh, sinh sôi nảy nở của cư dân Việt chuyên canh lúa nước.

Việc chọn cột đá lớn nguyên khối (loại đá nhám bản địa) để làm Linga và chạm đá thành nhiều vòng sóng nước để làm Yoni chứng tỏ trình độ phân thạch, trình độ điêu khắc tài ba đồng thời cũng bao hàm tư tưởng thâm thúy, cao siêu của tổ tiên người Việt.

Với những công trình ở chùa Dạm, có thể coi vương triều Lý là vương triều mở đầu cho nghệ thuật kiến trúc và tạo hình tượng đài hoành tráng của quốc gia Đại Việt.

Cột biển - tượng đài hoành tráng ở ngoài trời (tồn tại hơn 9 thế kỷ) đã trở thành niềm tự hào của nền điêu khắc Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ đã say mê chiêm ngưỡng cột biển đó in bóng ấn tượng, kỳ ảo vào núi non, đồng ruộng sông ngòi ở các thời điểm khác nhau khi mặt trời chiếu rọi. Không phải ngẫu nhiên mà cột biển chùa Dạm được gia công thành phiên bản đặt tại sân Viện bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

"Của thiêng còn một chút này", đó là những bức tường đá ở các tầng nền, là cột biển, là Yoni và những chân cột đá tảng lớn (75cmx75cm chạm hình hoa sen) còn sót lại ở chùa Dạm. Nhưng tiếc thay những di vật quý báu ấy đang bị rơi vào tình trạng hoang phế, xuống cấp thảm hại. Việc tu sửa tùy tiện, chắp vá thô kệch hiện nay đã "giết chết" vẻ đẹp và giá trị của những tác phẩm điêu khắc "độc nhất vô nhị" nơi đây. Đáng lẽ phải kè lại những tầng nền cho vững chắc ở ngay chỗ dựng cột biển và dọn sạch cỏ dại xung quanh thì người ta lại đổ bốn cột bêtông cốt thép và định lắp mái lên trên cột biển. Hành động ấy đã vô tình hủy hoại một tuyệt tác của dân tộc.

Các bức tường đá cũng bị bạch đàn "vây bủa", che khuất. Tại sao ở chốn danh lam cổ tích như chùa Dạm, cơ quan văn hóa tỉnh Bắc Ninh không đầu tư vào hướng dẫn địa phương xã Nam Sơn trồng thông, trúc hoặc cây cảnh để tạo khuôn viên đẹp đẽ cho quần thể di tích đặc biệt này?

Chẳng còn bao lâu nữa Việt Nam sẽ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chùa Dạm là một điểm văn hóa - du lịch trong lộ trình lịch sử, mong sao Bộ Văn hóa và chính quyền cũng như cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh nên sớm có kế hoạch đầu tư tu bổ một cách khoa học và thích đáng để khôi phục diện mạo hoành tráng cho công trình thời Lý.


Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #24
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.020
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Đá Trắng


Cách đây vừa đúng 420 năm, Mậu Dần - 1578, chúa Tiên Nguyễn Hoàng sắc phong Lương Văn Chánh làm Trấn Biên quan, đưa quân chiêu tập lưu dân vượt đèo Cù Mông vào khai khẩn đất Phú Yên. Sứ mệnh hoàn thành, Lương Văn Chánh được thăng Phụ quốc Thượng tướng quân Phù nghĩa hầu. Đến khi mất, ông được tặng Phù quốc công Liệt thượng đẳng thần. Đối với Phú Yên, vị khai quốc công thần Lương Văn Chánh trở thành thần hoàng khai sáng mà nhân dân tôn thờ, kính trọng ngay từ buổi đầu mở cõi!

Trên bước hành trình khai hoang lập đất mới Phú Yên, Lương Văn Chánh đã dừng ngựa đóng quân tại Bà Đài trong chặng thứ hai. Vùng Bà Đài vào thời Minh Mệnh được đổi thành Xuân Đài. Từ năm 1611 đến 1899 nơi đây là thủ phủ tỉnh Phú Yên. Nhiều dinh thự, cơ sở tôn giáo được xây dựng. Trong đó, có nhà thờ Mằng Lăng - nhà thờ Thiên Chúa giáo đầu tiên của Phú Yên; cùng nhiều ngôi chùa Phật giáo uy nghiêm, cổ kính, lại thêm đặc sản nổi tiếng.

Rủ lên Đá Trắng ăn xoài
Muốn ăn tương ngọt Thiên Thai thiếu gì.

Nếu như chùa Thiên Thai có tương ngọt thì chùa Đá Trắng có xoài tiến. Tương truyền, những lần dừng chiến thuyền ở vịnh Xuân Đài trên đường hành quân đánh nhau với quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã có dịp thưởng thức đặc sản vùng này và tỏ ra ưa thích xoài Đá Trắng. Vị ngọt thanh của nó không xoài ở đâu có được. Vì vậy, dưới triều Gia Long, cùng với lòn bon Quảng Nam, xoài Đá Trắng của Phú Yên trở thành "nhị bảo ngự thiện".

Kỳ thực, xoài Đá Trắng không nhiều. Giống như tượng ở chùa Thiên Thai, rất hiếm. Hai câu ca trên chỉ là một lối nói ẩn dụ mà thôi. Và nhà văn Trần Huyền Ân có lý khi biện luận rằng: "Khi xoài Đá Trắng đã già, các quan tỉnh Phú Yên cho đếm từng trái, ghi vào sổ, hư rụng phải báo. Đến mùa, quan định hái bao nhiêu, còn lại mới để cho thập phương thiên hạ. Đất ở đây toàn sỏi đá, số cây có quả ít, số quả trên cây cũng ít, thử hỏi còn lại bao nhiêu? Chùa Thiên Thai nhỏ, các bà vãi đâu có mấy người, số tương làm ra không thể nhiều. Vậy xoài Đá Trắng, tương Thiên Thai ngon ngọt là đúng, nhưng rủ lên ăn, còn bảo thiếu gì, thì chính là một cách nói để khỏi bị từ chối"!

Chúng tôi hành hương về chùa Đá Trắng. Chùa nằm trên đỉnh núi Xuân Đài, sát quốc lộ 1A, đoạn giữa thành phố Quy Nhơn của Bình Định với thị xã Tuy Hòa của Phú Yên. Xoài mùa này vẫn sum suê nhưng không có trái. Dòng người tấp nập. Họ vừa leo dốc vừa hát, từ bài chòi, hò khoan đến vọng cổ! Gương mặt người nào cũng thánh thiện. Nụ cười tươi như hoa mai. Họ lễ chùa đầu năm và dự lễ đón nhận bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Một vinh dự cho nhà chùa, cho phật tử và cho người dân đất này. Đường lên chùa lát đá tảng lớn trườn qua con dốc thoai thoải gần 1 km, rộng khoảng 4 m, xưa vốn nằm trong hệ thống đường thiên lý Bắc - Nam do hai tướng Nguyễn Huỳnh Đức và Lê Chất thời đầu nhà Nguyễn trực tiếp chỉ huy sửa sang. Từ đỉnh dốc có thể phóng tầm mắt bao quát cả vùng sơn thủy hữu tình. Xa xa phía đông nam là đầm Ô Loan với mặt nước thản nhiên nổi tiếng trong ca dao. Gần hơn, dòng sông Cái loáng bạc chảy qua cầu Phường Lụa, ôm lấy ngọn núi Sơn Trà sừng sững giữa đồng bằng xanh thẳm. Còn phía Nam, thấp thoáng lăng mộ anh hùng Cần Vương Lê Thành Phương cùng nằm trên dãy núi Đá Trắng.

200 năm của một công trình nghệ thuật cổ

Nằm ở độ cao gần 100 m so với mặt nước biển, lại tọa lạc ngay đỉnh núi Xuân Đài, mặt hướng về biển Đông, địa thế chùa Đá Trắng thật hiếm có. Những khối đá trắng phau bao quanh, tôn thêm vẻ lung linh, kỳ bí của chùa. Tên chữ của chùa là Tử Quang tự, hoặc Linh Quang tự được tạo lập từ năm Đinh Tỵ - 1797 dưới triều vua Quang Toản nhà Tây Sơn. Vì vậy, có giả thiết cho rằng sau khi nhà Tây Sơn mất, nhiều quân tướng Tây Sơn đã xuống tóc quy y ở chùa này nhằm tránh sự khủng bố của nhà Nguyễn - Gia Long. Tổ khai sơn là Thiền sư Thích Diệu Nghiêm, phái Lâm Tế đời thứ 36. Kế theo, có 9 vị sư tổ khác nối nhau trụ trì. Năm Nhâm Dần - 1842, dưới thời vua Thiệu Trị, chùa được sửa chữa quy mô, có bia ghi chép sự tích. Năm Kỷ Sửu - 1889, chùa được vua Thành Thái ban sắc tứ.

Trong chiến tranh, phần chính của chùa bị phá hoại, phải dựng lại gần như hoàn toàn mới, nhưng vẫn giữ được một số đường nét kiến trúc của thuở ban đầu. Cổng chùa và đặc biệt là khu vườn mộ tháp còn nguyên vẹn, thể hiện, rõ nét nghệ thuật kiến trúc cổ. Với quy mô lớn nhỏ, cao thấp khác nhau, tất cả các bảo tháp đều được trang trí hoa văn, phù điêu và tượng thú một cách tinh xảo phong phú. Từ tượng hổ đến tượng nghề, kỳ lân... đều toát lên sức mạnh phi thường trong nhiều tư thế khác nhau. Khu mộ tháp cổ là phần quan trọng hình thành chỉnh thể độc đáo toàn cảnh chùa Đá Trắng. Bên cạnh đó, những phiến đá lát lớn tạo nên con đường từ Quốc lộ 1A lên cổng chùa, cũng có một ý nghĩa đáng kể về mặt xây dựng. Tuy không kỳ vĩ bằng những khối đá khổng lồ xây nên Kim Tự Tháp ở Ai Cập, nhưng những viên đá được đẽo khéo léo, công phu với nhiều kiểu dáng khác nhau, nối dài hàng cây số đã cho thấy óc thẩm mỹ lẫn công tích lớn lao của người xưa...

Anh Vũ Văn Thoại - Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Yên cho biết: "Đối với Phú Yên, chùa Đá Trắng là chùa tổ và là một trong những ngôi chùa cổ nhất. Đồng thời, đây còn là di tích lịch sử gắn liền với sự nghiệp của nhiều lãnh tụ chống Pháp như Lê Thành Phương, Võ Trứ, Trần Cao Vân...".



Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #25
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.020
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Đại Lan (Đại Lan Tự)


Chùa Đại Lan thuộc thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 17 km về phía nam ven bờ sông Hồng.

Chùa Đại Lan trước ở bờ sông nên đã bị lở, dân làn chuyển các đồ thờ cúng vào nghè vì vậy nghè của làng đã trở thành chùa. Chùa mới gồm 2 nếp nhà, nếp trước là nhà tiền tế dùng làm nơi hội họp và tế lễ, nếp sau dùng làm tam bảo. Tiền tế xây 5 gian xây kiểu "tường hồi bít dốc". Tòa tam bảo hình chuôi vồ, gồm tiền đường 3 gian và thượng điện có 2 gian. Chùa còn đầy đủ hệ thống tượng Phật. Trong chùa có nhiều mảng chạm khắc trang trí, di vật có niên đại thế kỷ 19-20. Tượng Phật có niên đại tương tự.

Chùa (và đình) Đại Lan đã được Bộ Văn hóa và thông tin xếp hạn di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật ngày 21/1/1989.



Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #26
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.020
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Đậu


Chùa Đậu nằm ở cuối làng Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội 24 km về phía nam. Chùa còn có nhiều tên gọi khác là: Thành Đạo Tự, Pháp Vũ Tự, Chùa Vua, Chùa Bà.

Chùa Đậu vốn thờ Tứ Pháp: vân, vũ, lôi, điện (tức là mây, mưa, sấm, chớp). Cuốn sách bằng đồng có từ thời Sĩ Nhiếp đầu thế kỷ thứ 3 (năm 200-210) hiện cất giữ tại chùa cho biết rõ sự tích Phật giáo là từ ấn Độ du nhập vào Việt Nam.

Theo Đại Đức Thích Thanh Nhung, trụ trì chùa, thì đầu thế kỷ thứ 3, Sĩ Nhiếp cho lập chùa đặt tên là Thành Đạo Tự, rước Đại Thánh Pháp Vũ Đại Bồ Tát về thờ, nên gọi là Pháp Vũ Tự. Năm 1635, đời vua Lê Thần Tông, cung tần Ngô Thị Ngọc Nguyên đã làm hội chủ hưng công trùng kiến quy mô ngôi chùa. Chùa Đậu nổi tiếng từ bấy giờ, mọi người cho rằng về tới nơi đây là đến nơi đất Phật.

Chùa Đậu được xây cất lớn vào đời Lý. Tới đời Lê có văn bia, sổ sách ghi truyền về việc tu sửa chùa. Chùa kiến trúc theo kiểu "nội công, ngoại quốc" "tiền Phật, hậu thánh" theo cấu trúc hệ thống tứ pháp nhà Phật. Nghệ thuật kiến trúc có nhiều nét độc đáo, đặc trưng của nền nghệ thuật dân gian hưng thịnh vào thế kỷ 17. Ngôi chính điện từ đời Lê, mái lợp ngói mũi hài, các cột, xà đều chạm rồng; những bệ đá chân cột chạm hoa sen, bộ cửa tám cánh đều chạm tứ linh, tứ quý, sơn son, thếp vàng... Tam quan chùa là một gác chuông hai tầng tám mái, tầng trên treo quả đại hồng chung đúc năm 1801, thời Tây Sơn.

Năm 1947, những công trình quý báu này bị thực dân Pháp phá hoại, đốt cháy. Tuy nhiên, vẫn còn một số điêu khắc giá trị ở gác chuông Tam quan và Hộ tiền đường chạm trổ tiên nữ cưỡi rồng, chàng trai cưỡi hổ đánh rồng... rất sống động. Hai cái am thờ hai di hài nhà sư ở bên cạnh chùa được xây bằng gạch cổ thời Mạc, có hình các con thú, lá cây, hoa cúc rất độc đáo.

Khi chưa bị cháy, tại chùa còn nhiều vật quý hiếm như quạt ngà, quạt tê giác của vua Lê và chúa Trịnh ban. Hiện nay, chùa vẫn còn giữ cuốn sách đồng khắc chữ Hán nói về lịch sử chùa cùng một khánh đồng to đời Lê Cảnh Hưng thứ 33 (1772), một chuông đồng to thời Tây Sơn (Cảnh Trịnh thứ 9 - 1801), hai tấm gỗ tứ thiết sơn son thếp vàng có chạm hai bài thơ của vua Lê Hy Tông (1680 - 1705) và vua Lê Dụ Tông (1705 - 1719) khi về thăm chùa và một số bia đá cổ thời Mạc Sùng Khang (1566-1577), Dương Hòa (1635 - 1643), Thịnh Đức (1653-1657), Cảnh Hưng (1740-1786)...

Vào thời Hậu Lê, chùa được ghi nhận là "danh lam đệ nhất". Năm 1964, chùa được Bộ Văn hóa -Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật loại A, và được tu sửa lại vào năm 1967.

Chùa thờ Phật là thờ bà Đậu hay nữ thần Pháp Vũ. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ hai di hài bó sơn ta của hai nhà sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường (đã thay nhau trụ trì chùa vào đầu và giữa thế kỷ thứ 17). Thi hài của hai vị thiền sư này có thể xem là những "quốc bảo". Được phép của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa - Thông tin), tháng 5-1983 pho tượng nhà sư Vũ Khắc Minh được đưa về Viện Khảo cổ học và được tiến hành đo đạc nghiên cứu và chụp phim X quang tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội để xác định giá trị.

Tượng lưu cốt nhà sư Vũ Khắc Minh nặng 7 kg, chiều cao ngồi 57 cm. Qua vết nứt rộng 2mm ở đầu và mặt thấy trong cùng là xương sọ, tiếp đến khoảng không rồi tới lớp bồi dày 2-4mm. Chất liệu bồi là đất gò mối tơi mịn trộn sơn sống, mùn cưa, giấy bản. Phủ ngoài chất bồi này là một lớp sơn ta mầu cánh dán dày 0,1 mm. Hiện nay, đôi chỗ trên tượng hiện ra những lá bạc mỏng phủ ngoài lớp sơn ta, còn ngoài cùng là một lượt quang dầu.

Theo truyền tụng dân gian, cách đây 300 năm, thiền sư đã ngồi thiền với chum nước trong am để uống. Người dặn lại với các phật tử, sau 100 ngày nếu không thấy tiếng mõ nữa thì hãy mở cửa am ra. Nếu thấy thiền sư ngồi im thì cứ để như thế và lấy sơn ta bả lên người và nếu thấy có mùi hôi thối thì dùng nước am xấp lên.

Một nhà nhân chủng học cho biết: "Thi hài của hai thiền sư là một hiện vật lịch sử quý hiếm, ở nhiều bảo tàng trên thế giới không thấy có loại hình táng trên. Vì vậy, tạm đặt tên là phương pháp "tượng táng" tức là làm thành tượng để táng.

Đến nay, chùa Đậu đã bị xuống cấp, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng có sáng kiến tổ chức hội thảo "Giá trị văn hóa chùa Đậu và hướng bảo tồn, tôn tạo", đã được nhiều tổ chức, đơn vị hưởng ứng... Thiết nghĩ, nhiều di sản quý mà chùa Đậu là một điển hình được giữ gìn, tôn tạo, khai thác, phát huy giá trị theo hướng "Nhà nước và nhân dân cùng làm" thì chúng ta không những bảo tồn được di sản quý, mà còn có nhiều điểm du lịch văn hóa thu hút khách du lịch thập phương.


Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-05-2009   #27
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.020
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Chùa Đất Sét


Chùa Đất Sét còn có tên là Bửu Sơn tự nằm ở khóm 1, phường 5, thị xã Sóc Trăng. Chùa nổi tiếng bởi những vật được tạo hình từ đất sét. Từ tháp Đa Bảo 13 tầng, tháp Bảo Tòa cao hai mét, đến Lục Long Đăng và nhiều thứ khác đều làm bằng đất sét, sau đó được phủ ngoài bằng nước sơn, kim nhũ. Chùa Đất Sét là một công trình kiến trúc độc đáo ở Việt Nam.

Chùa Đất Sét đuợc xây dựng từ rất lâu để thờ Phật tại gia của dòng họ Ngô. Thuở ban đầu, Chùa được cất bằng các loại cây bình thường ở địa phương. Trải qua bao năm tháng nên đã bị hư mục khá nhiều và cũng đã được con cháu trong dòng họ tu sửa nhiều lần theo cấu trúc ban đầu. Mãi đến năm 1928, ông Ngô Kim Tông đã thực hiện một ý tưởng của mình là dùng chất liệu đất sét tại chỗ để dựng nên một ngôi chùa và tạc các tượng thờ Phật.

Bằng trí tưởng tượng phong phú, bằng bàn tay tài hoa khéo léo của mình, ông đã tạo nên tháp Đa Bảo cao 13 tầng, mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa có một tượng Phật. Tổng cộng tháp Đa Bảo có 208 cửa, 208 vị Phật và 156 con rồng đỡ cho 13 tầng tháp. Toàn bộ tháp này cao chừng 4,5 mét. Kế đó ông tạo Tháp Bỏa Tòa để thờ Phật cao chừng 2 mét, phía trên theo hình bát giác tượng trưng cho bát quái: Càn - khảm - cấn - chấn - tốn - ly - khôn - đoài. Trên cùng của tháp là một tòa sen với 1000 cánh, trên mỗi cánh sen có một tễợng phật ngự. Trong chùa có một chùm đèn gọi là Lục Long Đăng với sáu con rồng quay đầu ra chung quanh, đuôi chụm vào với nhau, phía dưới là một bông sen để các bóng đèn. Ngoài ra, ông Tông còn tạo hình các danh thú như Kim Lân, Thanh Sư, Bạch Hổ, Long Mã, Bạch Tượng... có ba cái đỉnh, mỗi cái cao 1,5 mét, bảy cái lư hương nhỏ. Tìm hiểu kỹ thì được biết toàn chùa có đến 1991 tượng Phật và tất cả đều hoàn toàn làm bằng đất sét. Sau khi làm xong, tất cả các sản phẩm bằng đất sét đều được phủ lên bên ngoài bằng nước sơn, kim nhũ và dầu bóng nên trông giống như làm bằng chất liệu đồng vậy.

Bên cạnh những sản phẩm bằng đất sét, ở trong chùa còn có những cây đèn cầy (nến) khổng lồ. Sáp để đúc đèn được mua từ năm 1940, vẫn còn nguyên khối. Sau một tháng, đèn thiệt khô mới dỡ bỏ khuôn và đem những con rồng bằng đất trang trí xung quanh. Được biết, mỗi cặp đèn lớn đốt liên tục 70 năm mới hết.

Suốt gần 30 năm, không một giọt sáp nào chảy ra bên ngoài cả. Cần phải nói thêm là trong chùa hiện nay vẫn còn ba cây nhang (hương) lớn, mỗi cây nặng 50 kg chưa sử dụng đến. Tất nhiên đều là hương thật. Có lẽ chùa Đất Sét là một công trình kiến trúc "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam.

Nguồn : http://www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời

Tags
chùa, nam, việt


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 22:55
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,13525 seconds with 15 queries