Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 28-05-2003   #19
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.968
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:feec594c96]Ai mua hành tôi (hay là Lọ nước thần) [/center:feec594c96][center:feec594c96]Tác giả: Hoang Ðường [/center:feec594c96]
Ngày xưa có một anh chàng trẻ tuổi chưa có vợ, sống bằng nghề làm ruộng. Một ngày nọ anh xách búa lên rừng đốn củi. Trong khi đang lúi húi chặt cây, anh trông thấy một con quạ tha một con chim sẻ tới đậu trên một phiến đá ở gần chỗ mình đang làm việc. Nhìn thấy thế, anh bỗng động lòng thương con chim bé bỏng sắp sửa lọt vào miệng loài ác điểu. Anh bèn nhặt hòn đá ném con quạ. Quạ giật mình bỏ mồi vỗ cánh bay lên. Tức mình vì hỏng ăn, quạ chửi rủa om sòm. Anh nhặt đá ném thêm và mắng: - “Đồ chim dữ! Hãy cút ngay!”. Quạ hậm hực bay đi, miệng còn đe dọa sẽ báo thù. Anh chàng chạy lại nhặt con chim sẻ đang thoi thóp, cố tìm cách ấp ủ cho nó sống lại. Quả nhiên, chỉ chừng giập bã trầu, con chim sẻ đã hồi tỉnh và bay được. Nó cảm ơn anh và bảo anh ngồi chờ để nó đưa biếu một vật. Một lát sau, con chim đã bay trở lại miệng ngậm một cái lọ bé đặt xuống bên cạnh và nói - “Đây là lọ nước thần có phép làm cho người già thì trẻ lại, vật nhỏ thì lớn thêm, trần gian không ai có”. Nói rồi nó vỗ cánh bay đi. Anh ngồi tần ngần mở nút ra xem thì thấy đầy một lọ nước mùi thơm ngào ngạt. Anh nghĩ bụng: - Những thứ này chỉ để cho các bà quan làm đỏm, có đâu để hạng chúng ta dùng”. Rồi anh nút lọ lại cẩn thận, khi gánh củi về, treo lọ trên kèo nhà. Và rồi thời gian trôi qua, vì bận công việc làm ăn, anh cũng quên đi, không nghĩ tới cái lọ ấy nữa.

ít năm sau đó, chật vật mãi anh chàng mới cưới được vợ. Vợ anh cũng con nhà nông, quanh năm chân lấm tay bùn, nên đen đủi, xấu xí. Nhưng hai vợ chồng thì rất thương yêu nhau.

Một hôm chồng đi cày vắng, vợ ở nhà quét dọn khắp nơi. Thấy một cái lọ con treo trên kèo nhà, chị bèn bắc ghế lấy xuống mở nút ra xem. Khi ngửi thấy mùi thơm, chị ta đồ là dầu thơm gội đầu. Lát sau, chị nấu nước tắm gội rồi tiện tay đổ lọ nước ra bôi khắp tóc tai mình mẩy. Không ngờ sau khi bôi xong chị ta tự nhiên trở nên xinh đẹp trắng trẻo, nhan sắc mỹ miều ít ai sánh kịp. Nước thần trôi xuống mấy luống hành bên cạnh giếng, khiến cho những cây hành cũng tự nhiên lớn phổng lên một cách lạ thường: củ to như bình vôi, dọc dài bằng đòn gánh.

Khi người chồng đi cày về nhìn mặt vợ thì ngẩn cả người cứ tưởng là tiên sa xuống cõi trần, nếu không có tiếng nói thì cơ hồ anh không nhận ra là vợ mình. Nghe vợ nhắc đến lọ nước thơm, anh mới sực nhớ tới chuyện báo đền của con chim sẻ ba năm về trước. Nỗi mừng biết lấy chi cân, anh ngắm vợ mãi không chán mắt, rồi kể lại câu chuyện cũ cho vợ nghe.

Từ đấy anh cứ quấn quýt lấy vợ không rời. Công việc đồng áng vì thế cũng mười phần bê trễ. Nhưng cứ ở nhà mãi thì đói mất nên anh đành phải đi làm. Để khỏi nhớ vợ, anh thuê thợ vẽ hình vợ. Mỗi khi ra đồng làm việc, anh lại treo bức tranh ở bờ ruộng để nhìn cho thỏa.

Một hôm anh đang cày ruộng, bức tranh được treo lên một cái cọc cắm ở trên bờ. Vừa cày được mươi luống, tự nhiên con quạ năm xưa ở đâu sà xuống quắp lấy bức tranh mang đi. Anh chàng ở bên kia bờ thấy vậy, bèn hò hét đuổi theo nhưng không kịp nữa. Quạ đã cất cánh bay cao và bay đi rất xa, chỉ một loáng đã mất hút. Báo thù việc anh ném đá giành mồi của nó ngày xưa, quạ mang bức tranh vào đến tận kinh đô, thả xuống ở sân rồng. Bọn lính thị vệ thấy sự lạ lùng, bèn nhặt lên đem trình vua. Cầm lấy bức truyền thần vua ngắm nghía mãi không chán mắt, bụng bảo dạ: “Trong ba cung sáu viện của ta đã có nhiều người đẹp, nhưng chưa có người nào đẹp bằng người đàn bà trong tranh này. Hẳn là trời sai con quạ đến mách cho ta đây!”.

Lập tức vua ra lệnh cho một quan đại thần và một trăm thị vệ phải tìm cho được người đàn bà đã vẽ trong tranh mang về. Quan đại thần cho người về các địa phương sục sạo khắp hang cùng ngõ hẻm. Để việc tìm tòi có hiệu quả, chúng bày ra trò mở hội ở các vùng chúng đến để cho mọi người đổ về xem. Mỗi lần thấy dân tập hợp đông đúc, chúng đưa bức tranh ra giả tảng nói là tình cờ bắt được, người nào mất thì đến mà nhận.

Một hôm, chúng tới vùng quê hai vợ chồng anh chàng có lọ nước thần và cũng bày trò mở hội ba đêm ngày. Quả nhiên anh chàng sa vào mưu gian. Khi nhìn thấy bức tranh anh không đắn đo gì cả, lật đật bước tới để nhận. Nhưng anh không ngờ bọn lính chộp lấy anh như chộp con mồi. Chúng theo ngay anh về nhà và chúng tìm thấy ngay người đàn bà trong tranh. Mừng quá chúng vội đưa kiệu rước về kinh đô, mặc kệ cho người chồng vật mình than khóc.

Sau khi bị bắt vào cung, người đàn bà không cười không nói, áo đẹp không mặc, đầu không chải và không cho một ai đến gần. Đem được người đẹp về cung, nhà vua hết sức mừng rỡ, nhưng cũng hết sức buồn phiền vì mọi thứ dỗ dành, dọa nạt đều không thể làm cho người ngọc nở một nụ cười. Vua bèn hạ lệnh cho rao trong dân chúng hễ ai có cách gì làm cho nàng cười nói lên được, thì sẽ ban thưởng cho quan cao lộc hậu. Nghe tin này, có nhiều người, từ những vai hề nổi tiếng, những ông trạng cười cho đến các bậc lương y, các pháp sư phù thủy v.v... đua nhau trẩy kinh hy vọng dùng tài phép làm cho người đàn bà phải buột miệng nói cười để mong ân thưởng. Nhưng dù đã giở đủ mọi trò, đều vô hiệu.

Lại nói chuyện anh chồng từ khi vợ bị quan quân bắt đi thì không còn thiết làm ăn gì nữa. Khi nghe tin loan báo ai làm cho người đẹp trong cung nói cười được thì vua sẽ ban thưởng, anh biết là vợ mình đang ở cung vua, bèn quyết vào kinh tìm vợ. Trước khi đi, anh nhổ mấy củ hành ở cạnh giếng buộc làm một gánh, quảy theo. Đến kinh đô, anh quảy gánh của mình đi lại trước cửa hoàng cung rao to lên những câu:

Dọc bằng đòn gánh Củ bằng bình vôi Ai mua hành tôi Thì thương tôi với!

Tiếng rao của anh vọng vào cung mỗi lúc một lớn. Nét mặt của vợ anh tự nhiên cũng mỗi lúc mỗi tươi. Cuối cùng, nàng quay lại bảo thị nữ:

- Hãy gọi người hàng hành vào cho ta!

Khi nhìn thấy mặt chồng, vợ anh cười lên một tiếng. Thấy người đàn bà lần đầu tiên cười nói, vua sung sướng như mở cờ trong bụng; lại thấy những cây hành to lớn lạ thường thì lấylàm kinh ngạc. Vua ngỡ là nhờ những cây hành kỳ lạ này mà người đẹp nói cười. Vua liền nẩy ra ý nghĩ muốn tự mình cải trang gánh hành để làm vui lòng người đẹp. Vua bảo anh chồng:

- Hãy đặt gánh hành lại đó và cởi áo ra mau!

Vua cởi áo long bào vứt cho anh và mặc áo của anh vào. Vua còn bắt anh bày cho mình học thuộc câu rao, rổi quảy gánh qua lại trước mặt người đàn bà, cất tiếng rao mới học được. Thấy vậy, vợ anh hàng hành cười nghặt nghẽo. Vua thích thú lại càng làm già. Nhưng đột nhiên người đàn bà bảo thị nữ thả đàn chó ra. Chó thấy vua ngỡ là người lạ liền nhảy xổ tới cắn chết. Người đàn bà vội bảo chồng:

- Mình hãy mau mau trèo lên ngai vàng đi!

Anh chồng lật đật trèo lên ngai vàng giữa lúc trăm quan và cung nữ rập đầu bái mạng. Từ đó anh làm vua và ở với vợ trọn đời.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 28-05-2003   #20
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.968
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:5cc562bf43]Ở Hiền Gặp Lành[/center:5cc562bf43][center:5cc562bf43]Tác giả: Dân Tộc Khác [/center:5cc562bf43]
Đã lâu lắm rồi, không còn ai nhớ năm tháng nào nữa, có một thanh niên dân tộc Mèo tên là A-páo. Cha mẹ mất sớm, A-páo phải dắt em đi xin ở đợ cho một gia đình giàu có. Nhưng gia chủ từ chối. Buồn quá, A-páo đành phải dẫn em lang thang khắp chốn để đào củ mài nướng ăn. Đêm về, hai anh em ôm nhau ngủ trong hang đá.

Một sớm nọ, mặt trời chưa mọc, cây cỏ, núi đồi đang chìm đắm trong biển sương mù thênh thang. A-páo đã phải thức dậy dẫn em đi đào củ mài. Bỗng trên đường đi, A-páo trông thấy một con chó sói đang cỡi trên bụng cụ già mặc quần áo đỏ, và sắp sửa rút ruột nạn nhân để ăn. Nhanh như cắt, vớ vội thanh gỗ lớn, A-páo liền chạy ngay đến định đánh chó sói thì nó đã chạy đi chỗ khác. A-páo nâng cụ già dậy và ái ngại, hỏi:

- Cụ có sao không?

Cụ già chỉ lắc đầu mà không đáp.

A-páo hỏi tiếp:

- Cụ đi đâu sớm thế?

- Cũng như các cháu! Ông cụ vừa trả lời vừa phủi áo đi thẳng.

A-páo chẳng thấy phiền hà gì, lại dẫn em đi. Cố công đào củ mài mà chẳng tìm thấy, đến khi mặt trời đứng bóng, A-páo mới đào được một củ nhỏ bé. Đói quá, A-páo nhóm lửa nướng ăn. Lúc này, cụ già mặc áo đỏ lại lững thững bước tới, tay xoa bụng, mồm lẩm bẩm:

- Đói quá! Trời ơi, đói quá!

Nhìn dáng thiểu não của cụ, A-páo động lòng thương hại, vội dập tắt lửa, lấy cụ mài mời cụ:

- Chúng cháu không có cơm gạo gì, có củ mài đây, mời cụ ăn tạm đỡ đói...

Cụ già đưa tay cầm lấy và ngấu nghiến ăn. Em của A-páo hỏi:

- Cụ có nhà ở không?

- Cũng như các cháu! Ông cụ trả lời rồi lại tiếp tục ăn.

- Vậy cụ theo cùng chúng cháu nhé! A-páo nói.

- Nhưng lão không đào được củ mài đâu. Lão vô tích sự lắm!

- Cụ đừng nói thế! Đã có cháu lo! A-páo vừa nói vừa đứng dậy, đi đào thêm củ mài.

Đến khi mặt trời sắp lặn, A-páo dào thêm khá nhiều củ mài. Trở lại chỗ cũ, chỉ thấy em ngồi một mình, A-páo bèn hỏi:

- Cụ già đâu?

Người em nói:

- Cụ ấy đi rồi. Sao anh đi lâu thế?

- Anh phải đào ở một nơi xa. Thế cụ đi đâu?

- Cụ không bảo gì cả, em làm sao biết... À, cụ gởi cho anh cái này.

Vừa nói, người em vừa trao cho A-páo một thanh đá trắng.

Cầm thanh đá trắng trên tay, A-páo nói một mình:

- Đá này dùng vào việc gì bây giờ? Ông cụ khó hiểu thật! Ước gì gặp ông cụ để hỏi cho tường tận...

A-páo vừa nói dứt câu thì bỗng đâu cụ già xuất hiện trước mặt hai anh em. Lần này, cụ có vẻ cốt cách của một ông tiên, cụ nói:

- Thanh đá này quý lắm. Ta cho hai cháu vì hai cháu hiền từ và giàu lòng thương người. Ở hiền gặp lành, ở dữ gặp ác: tình đời là vậy!

Nhìn A-páo một lúc lâu, cụ già thong thả nói tiếp:

- Thanh đá này giúp cháu thỏa mãn hai điều mơ ước. Nó đã thực hiện giùm cháu điều ước thứ nhất. Bây giờ còn lại một điều cuối cùng. Cháu hãy suy nghĩ kỹ đi rồi hãy nói...

Cụ già nói đến đây thì biến mất. Hai anh em A-páo cúi xạp mình xuống đất, lạy lấy lạy để khắp bốn phương trời.

Tay mân mê thanh đá quý, A-páo ngẫm nghĩ một hồi, rồi thong thả nói:

- Nếu đá thương anh em tôi thì làm ơn thực hiện giùm tôi được sức khỏe dồi dào. Sức khỏe cần lắm, quý lắm! Không có sức khỏe làm sao tôi nuôi được em tôi?

Quả nhiên điều ước cuối cùng của A-páo trở thành sự thật. Người chàng tự nhiên nghe rần rần: tay chân bỗng dưng nở lớn, lồng ngực căng phồng... A-páo vô tình bóp tay, viên đá tan thành từng mảnh vụn, nhỏ và nhẹ như bụi bay. A-páo biết là thanh đá quý lại trở về tay ôn cụ già hồi nãy bởi vì hai điều ước của chàng đã được thỏa mãn. Một lần nữa, A-páo cùng em lạy tạ ơn tiên.

Trước đây, A-páo làm quần quật suốt ngày mà chỉ phát được khoảng nương đủ cho ba dây bí bò. Từ khi có thêm sức khỏe, A-páo càng làm càng khỏe, không hề biết mệt. Mỗi sáng chàng có thể phát nương rộng ra tới 40, 50 cân bắp giống. Ngoài ra A-páo còn thừa sức trồng được đồi bí bát ngát.

Nhờ có sức khỏe, A-páo thu hoạch được khá nhiều lợi tức, không còn phải sống lang thang nghèo khó, xác xơ như trước nữa. Lúc này, chàng nghĩ tới chuyện dựng nhà để ở.

Nghĩ thì làm liền: ngày ngày A-páo vào rừng đốn gỗ một cách hăng say và thích thú. Một hôm đang cắm cúi đốn gỗ thì A-páo bỗng nghe tiếng khì khì ở đàng sau, tiếp đó là câu nói:

- Chú tiều phu tí hon ơi! sức chúc không đáng một nhúm, cớ sao dám phá nhà của ta?

A-páo quay lại thấy một con voi khổng lồ đang đứng sừng sững sau lưng. Không một chút sợ hãi, A-páo dõng dạc nói:

- Ta muốn làm nhà to, ắt phải chặt cây lớn. Ai biết đâu nhà của ngươi?

Chú voi khổng lồ cuộn vòi lên, thách thức:

- Này chú, chú muốn lấy gỗ cũng được, nhưng trước hết hãy đọ sức với ta chút đã. Nếu chú thắng cuộc, ta sẽ mang gỗ ấy về tận nhà chú. Ngược lại, nếu chú thua thì...

Nói chưa dứt lời, chú voi khổng lồ đã đến sát bên A-páo. A-páo bình tĩnh nhảy phắt lên cây. Voi lấy vòi cuộn cây, nhổ lên dễ dàng như nhổ một cây đậu mới đâm chồi xanh. A-páo nhanh nhẹn nhảy xuống ngồi chễm chệ trên lưng voi, quát:

- Voi! Ngươi thua trí ta rồi đó! Người hãy dắt cây gỗ lớn kia về nhà cho ta!

Voi ngần ngừ chưa chịu đi. A-páo nhanh nhẩu nói:

- Ta đồng ý là ngươi mạnh, nhưng mạnh chưa đủ, mà phải cần thêm trí khôn nữa. Không có trí khôn thì sức mạnh chỉ bằng thừa. Ngươi nên nhớ điều này: người chỉ huy không cần sức mạnh, mà cần có trí khôn...

Voi nghe A-páo nói một cách chăm chú. Một lúc sau, voi hỏi:

- Thế thì trí khôn dùng để làm gì? Có giết được ai đâu!

- Ngươi lầm rồi! - A-páo trả lời; có sức mạnh, ngươi chỉ có thể đánh bại đối thủ của ngươi, nhưng nếu có trí khôn, người có thể điều khiển đối thủ và biến đối thủ thành đồng minh, biến thù thành bạn...

Voi nghe mà không nói gì nữa, hậm hực giậm chân như ngụ ý bảo A-páo chỉ đường cho voi cùng về. Rõ ràng là voi vẫn chưa phục A-páo! Biết thế, A-páo vội nhảy xuống đất, đứng trước mặt voi, nói chuyện để gây cảm tình của voi:

- Voi à! Chú đừng hậm hực thế! Tôi đâu nói tôi mạnh hơn chú! Thâm tâm tôi vẫn phục chú cơ mà! Nhưng này! Voi không nên ỷ mạnh để hiếp tôi! Lấy mạnh hiếp yếu là hành động xấu lắm! Tại sao chúng ta không thể là đôi bạn chân tình?!

Lời nói ngọt ngào của A-páo làm thỏa mãn tự ái của voi\ Voi khoái lắm, nên chịu làm bạn với A-páo. Thế là voi dùng sức mạnh của nó để giúp chàng mang gỗ về nhà. Ngồi trên mình voi, A-páo không ngớt nói chuyện cùng con thú khổng lồ; nhờ thế đường dài hóa ngắn vì cả hai vui chuyện mà quên mệt, và quên ngoại cảnh xung quanh.

* * *

Từ khi có voi làm bạn, công việc xây cất nhà cửa được tiến hành tốt đẹp và nhanh chóng. Chẳng bao lâu, nhà cất xong. A-páo để cho voi ngủ dưới nhà sàn. Chỗ ở của voi cũng sạch sẽ, khang trang nên voi khoái lắm. Nhờ có voi trợ lực nên công việc ở rẫy bí càng thêm thu hoạch được hoa màu. Vì thế chẳng mấy lúc, A-páo sống sung túc, giàu có.

Nhưng ngờ đâu, chính vì cuộc sống sung túc hiện tại của anh em A-páo lại là nguyên nhân khiến cho tên giàu có trong làng tên là Y-Pút ghen tỵ ngấm ngầm. Lòng dạ nó nham hiểm hơn rắn rít; nó không ngớt đợi dịp để phá A-páo...

Và dịp đó đã đến. Số là bữa nọ, A-páo cùng chú voi khổng lồ ra nương sớm. Chỉ có một mình em A-páo ở nhà.

Đang đi được nửa đường thì tự nhiên A-páo thấy mặt trời giao động, rồi vun vút bay qua những làn mây đục, được một lúc thì biến mất. Sau đó, từ trên trời nước rơi xuống ào ào, và tiếng la vang động cả núi đồi. Khi nước ngừng rơi, tiếng la ngừng bặt thì tự dưng A-páo thấy đầu nhức nhối khó chịu, chân tay bải hoải mỏi mệt lạ thường. Biết là điềm gở, A-páo cùng voi hối hả quay về.

Chưa về đến nơi, A-páo đã thấy em đang ngồi trên một tảng đá khóc tức tưởi. A-páo và voi cùng hỏi một lượt:

- Sao lại bỏ nhà ra đây ngồi khóc?

Ngừng khóc, người em nhìn A-páo, nói:

- Anh ơi, nhà mất rồi!

A-páo và voi cùng ngạc nhiên, hỏi gấp:

- Sao? Nhà mất rồi? Sao nhà lại mất? Nói mau đi, em!

Người em vừa nức nở vừa kể: khi A-páo và voi đi nương được một lúc, tên nhà giàu Y-Pút đã đem theo bọn thuộc hạ của nó đến đánh em và cướp nhà rồi. A-páo nghe xong ru^.t gan sôi lên sùng sục. Căm giận Y-pút, A-páo nói với chú voi khổng lồ:

- Này bạn voi à! Chẳng lẽ chúng ta mất nhà vô lý như vậy sao? Ta phải cướp lại mới được!

Chú voi gật đầu đồng ý. Thế là cả hai anh em A-páo đều ngồi trên lưng voi, tiến về nhà. Voi cũng căm giận lắm, để hả giận, nó vừa đi vừa lấy vòi nhổ những thân cây bên đường, ném xuống đất kêu rầm rầm long trời lở đất.

Đi được một quãng đường, cả ba dừng lại: Trước mặt họ, một cụ già chống gậy bước tới. Nhận ra đúng là vị Tiên dạo nọ, hai anh em A-páo vội vàng nhảy xuống đất lạy Tiên lia lịa. Tiên ra dấu cho hai anh em ngừng lạy, rồi ôn tồn nói:

- Hai cháu và chú voi kia đi báo thù tên gian ác đấy à? Phải lắm! Nhưng để tăng thêm sức mạnh cho hai cháu, ta cho cái này...

Nói đến đó, Tiên đến bên A-páo trao cho chàng chiếc gậy. A-páo biết là gậy thần nên quý lắm, vội rủ em và voi lạy tạ ơn Tiên. Khi cả ba ngớt lạy, ngẩng nhìn lên thì Tiên không còn nữa.

A-páo đưa gậy thần cho em giữ, lòng hí hửng vì biết rằng, với chiếc gậy thần này, chàng có thể đánh bại Y-pút dễ dàng.

Hai anh em A-páo lại leo lên mình voi, tiếp tục đi. Lần này voi có vẻ bớt giận không còn phá cây cối nữa. Một lúc sau, họ về đến nhà. Y Pút đang đứng chỉ tay năm ngón ra lệnh cho tôi tớ sửa sang lại ngôi nhà mà nó vừa cướp được.

A-páo đã giận, nhìn thấy cung cách trơ trẽn của Y Pút, lại càng giận hơn. A-páo nhảy xuống đất, chạy nhanh đến Y Pút, nói:

- Sao ông đến cướp nhà tôi? Đã có nhà cửa rồi, sao còn tham thế? Nếu biết điều, xin ông đi chỗ khác...

Y Pút không nói không rằng, đánh mạnh vào mặt A-páo. Em A-páo và chú voi khổng lồ thấy thế vội nhảy vào định can thiệp, nhưng bọn người nhà tên Y Pút kịp thời ngăn chặn. A-páo vừa giơ cao chiếc gậy thần thì bỗng dưng, từ chiếc gậy, một luồng hào quang nhắm thẳng vào Y Pút rồi lại tạt ngang qua bọn lâu la của nó. Chỉ trong nháy mắt, cả bọn cướp nhà, kẻ sưng đầu, người sưng mặt, kêu la oai oái trên đường thoát chạy. Riêng Y Pút thì bị thương trầm trọng. Bọn lâu la vội tải thương nó, chạy qua mặt voi.

Chú voi khổng lồ chặn lại không cho đi. Voi dõng dạc nói với Y Pút:

- Không ai thương kẻ gian ác như mày đâu!

Chú voi vừa nói vừa thò vòi quấn lấy Y Pút ném ra xa chừng hơn trăm thước. Y Pút chết không kịp ngáp.

Từ đó hai anh em A-páo lại có nhà, có rẫy, nương. Hàng ngày A-páo lại cùng chú voi khổng lồ đi phát nương trồng bắp, gầy bí. Càng ra sức lao động, A-páo càng khỏe mạnh. Và chẳng mấy chốc, bắp tốt, bí tươi, A-páo cùng chú voi thân yêu lại có dịp thu hoạch thêm hoa màu tươi tốt.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 28-05-2003   #21
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.968
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:3f929cb6e5]Nùng Trí Cao[/center:3f929cb6e5][center:3f929cb6e5]Tác giả: Dân Tộc Khác[/center:3f929cb6e5]
Ngày xưa, dưới triều Lý Thái Tông (1028-1057) trong bộ tộc Thái ở vùng biên giới thượng du miền Bắc, có Nùng Tôn Phúc, tù trưởng châu Đằng Gio ở giữa Cao Bằng và Lạng Sơn, nổi lên chiếm các hạt chung quanh, tự xưng là Hoàng Đế Trường Sanh (1039), không chịu thần phục nhà Lý. Vua Lý Thái Tông phái quân đi dẹp, bắt được Nùng Tôn Phúc và con trai là Nùng Trí Tông cùng năm tùy tướng giải về kinh đô Thăng Long trị tội.

Vợ Nùng Tôn Phúc cùng con trai là Nùng Trí Cao chạy thoát được, đến lẩn tránh ở một nhà người cậu của Trí Cao. Tục truyền rằng một hôm Trí Cao đang chăn ngựa trên núi, bỗng thấy một vầng mây đen chở một con rồng đến phủ lên một con ngựa cái trong bầy ngựa đang ăn cỏ. Đến khi ngựa con do rồng phủ sinh ra, Trí Cao bắt cỡi, thấy nó sức lực phi thường, vượt núi như bay. Được con thần mã, Trí Cao bèn nối chí cha, liên kết các châu thượng du lại, tự xưng là Hoàng Đế Đại Lịch. Bị quân triều đình đánh bại, không nỡ diệt tuyệt họ Nùng, tha cho Trí Cao về, và phủ dụ bổ cho làm tri châu cai quản ba châu Quảng Uyên, Thượng Lang và Hà Lang, cùng phong cho chức Thái Bảo.

Song mồi quyền quý, danh vọng của triều Lý ban không làm thỏa mãn hoài bão to tát của chàng tuổi trẻ họ Nùng, nên đến năm 1052, Trí Cao lại nổi lên hùng cứ, tự xưng là Hoàng Đế Đại Nam. Quan quân triều đình phái đi không dẹp nổi. Nùng Trí Cao nuôi chí lớn mở mang bờ cõi, muốn thực hiện mộng chiếm cứ các tỉnh lân cận của Trung Quốc. Để lôi cuốn binh sĩ theo mình, chàng đốt hết doanh trại, bảo là lương thực cháy sạch, muốn sống thì phải đi chiếm lấy tỉnh Quảng Tây. Nùng Trí Cao cầm đầu năm ngàn người xuôi theo sông Bằng Giang và Quảng Tây, lần lượt chiếm các châu Ung, châu Hoanh, thủ phủ của Nam Ninh ngày nay. Trên đường chiến đấu, đạo quân của Nùng Trí Cao được tăng cường lớn lao, quân số lên tới một trăm ngàn.

Người ta kể lại rằng Trí Cao có các tướng tá tinh thông pháp thuật và chiến lược, như một vị sư tăng có phép hóa rồng khạc lửa xuống bên địch, hai nữ tướng là Đoàn Hồng Ngọc, con gái của tướng Đoàn Hồng Y, và Hoàng Lan Anh, bạn của Hồng Ngọc, có tài phép phi thường. Hai nàng đều có nhan sắc rực rỡ, quyến rũ bao nhiêu tướng trẻ của đối phương phải say mê, đem mình đến nạp dưới chân. Cả hai lại có phép thần thông, gọi gió, kêu mưa, đổi sông, dời núi, vãi đậu thành binh.

Triều đình nhà Lý muốn liên minh với Nùng Trí Cao, gởi giúp một đạo quân to lớn do tướng Vũ Nhi cầm đầu, để phối hợp tiến đánh Trung Quốc, thế mạnh như vũ bão. Sau khi chiếm trọn tám châu Hoanh, Quí, Đang, Ngô, Khang, Đoàn, Cung và Tâm ở tỉnh Quảng Tây, liên quân Nùng-Việt sửa soạn tiến đánh luôn Quảng Đông. Các tướng Tàu là Du Tĩnh, Dương Điền và Tôn Hiến đều đại bại, Nùng Trí Cao gởi giấy đòi vua nhà Tống phong cho mình cai quản những châu đã chiếm được, bằng không thì sẽ cử quân tiến đánh Trung Quốc. Vua Tống đã toan nhượng bộ thì có tướng Địch Thanh đứng ra xin đi chinh phạt kẻ xâm lăng. Tống Địch Thanh được cử làm nguyên soái thống lãnh ba mươi vạn quân, gồm cả đại quân của các tướng Tôn Hiến và Du Tĩnh. Viên Tổng Đốc Quảng Tây mang tám ngàn quân nghênh chiến Nùng Trí Cao ở cửa ải Côn Lôn, bị đánh thua chạy về. Nguyên soái Tống Địch Thanh xuống lệnh chém đầu viên tướng bại trận để nêu gương cho quân sĩ.

Nùng Trí Cao vẫn áp dụng chiến thuận rồng phun lửa của vị sư tăng cùng tà thuật của hai nữ tướng để chống lại đại quân nhà Tống ở Côn Lôn. Thấy khó bề chiến thắng đối phương, nếu không có phép mầu đối phó lại, Tống Địch Thanh phải nhờ đến một người đàn bà Trung Hoa có tà thuật là Đà Long Nữ. Đà Long Nữ có một cặp gọng kềm lợi hại có phép hóa thành đông rồng lửa thiêu cháy đối phương.

Khi rồng của vị sư tăng phóng ra đối địch với cặp rồng lửa của quân Tống, thì khói lửa phun ra quày ngược trở lại đốt cháy cả quân Trí Cao. Thấy thế, Trí Cao liền cho hai nữ tướng hóa phép để dập tắt ngọn lửa đốt rồng bên mình. Đôi bên đánh nhau bất phân thắng bại.

Tống Địch Thanh bèn nghĩ ra diệu kế để phá phép thần thông của hai nữ tướng đối phương. Từ trước đến nay, hai nữ tướng đã dùng nhan sắc kiều mị của mình để chiến thắng các tướng tài trẻ tuổi, Địch Thanh mới áp dụng ngay chiến thuật chiếm tình cảm để chiến thắng, cho hai con là Địch Long và Địch Hổ cầm quân ra trận. Hai con vị nguyên súy nhà Tống diện mạo tuấn tú, trẻ đẹp, đem lời dịu ngọt ra tán tỉnh hai nữ tướng đối phương, ngỏ lời muốn hòa hiếu giữa đôi bên để kết duyên đôi lứa, và đề nghị chấm dứt ngay cuộc xung đột. Trong phút chốc, chiến trường biến thành nơi trao đổi tình ái. Thiên anh hùng ca rực rỡ của Nùng Trí Cao đành phải nghẹn lời từ đây.

Tống Địch Thanh thấy đối phương đã bị mắc mưu của mình, liền thừa cơ xua quân tiến đánh. Nùng Trí Cao đại bại, lui quân về đến Long Châu thì bị quân Tống đuổi theo vây bắt được. Thấy chủ tướng bị chém đầu ngay giữa trận tiền, cả quân sĩ vỡ tan mà chạy. Nùng Trí Cao hai tay ôm lấy đầu, cỡi con thần mã phóngn như bay về đến quê nhà là Sốc Giang để gặp mẹ già. Đến nơi, Trí Cao liền hỏi mẹ để hỏi: "Mé ơi, cây chuối bị chặt mất ngọn vẫn sống, người ta bị chặt đầu rồi có còn sống được không"? Bà mẹ là Hoàng A Nùng không nhìn con, đáp rằng: "Cây chuối bị chặt mất ngọn vẫn sống, nhưng người ta bị chặt mấy đầu rồi thì làm sao mà còn sống được"! Trí Cao quẳng đầu mình xuống dưới chân mẹ mà than: "Mé đã nói những lời làm chết con mất rồi"! Trí Cao quay lại bảo em là Nùng Trí Viễn, dặn chôn xác mình ở chân ngọn núi và trồng lau chung quanh mộ, rồi đốt hương luôn ngày đêm giữ cho đừng tắt, đợi cho đến khi lau mọc cao oằn cong tới đất, bấy giờ sẽ mở ngôi mộ ra, thì thấy một đạo quân với chủ tướng là Nùng Trí Cao sống lại, sẵn sàng gươm giáo, cung tên để tiến đánh quân nhà Tống mà chiếm lại đất nước.

Nùng Trí Viễn nóng lòng muốn thấy ngày giải phóng đến sớm, mới cố ý tự tay uốn cong những cây lau cho chóng cong oằn xuống đất. Khi đầu những ngọn lau chấm đến đất, Trí Viễn bèn họp những người trong gia đình lại, bảo là đã đến lúc cải táng, rồi làm lễ cúng để khai phần mộ lên. Người ta thấy dưới đáy huyệt có cả một đạo quân đang sửa soạn hàng ngũ, song giờ chưa đến, còn phải ba hôm nữa mới đúng kỳ hạn, binh sĩ này mới có thể vùng lên đi đánh được. Thế là dự định hồi sinh của Nùng Trí Cao thất bại.

Sau đó, dân trong vùng thường thấy Nùng Trí Cao hiện ra, cỡi con thần mã bay trên mây, bèn dựng một ngôi đền thờ ngày này hãy còn tại Sốc Giang, quê hương vị anh hùng xứ Thái. Dân hạt lân cận cũng thấy Trí Cao ứng hiện, nên cũng xây một đền thờ trên ngọn núi Kỳ Sâm, ở núi phía bắc tỉnh thành Cao Bằng. Hằng năm, đến ngày mồng mười tháng giêng, dân chúng ở quanh vùng lũ lượt trèo lên ngọn núi hai sừng Kỳ Sâm, mang lễ vật đến đền thờ họ Nùng. Người ta giết trâu, bò, heo, dê, cùng nhiều súc vật khác để cúng tế rất trọng thể. Dân chúng phải khó nhọc leo núi viếng đền, nên một hôm có người đại diện đứng ra khấn xin Nùng Trí Cao chỉ định cho một nơi khác để thờ phụng. Tức thì một trận gió lớn nổi lên bật tung mái tranh đền, thổi lên một gò cao gần làng Bản Ngôn. Người ta cho rằng đó là ý muốn của vị thần họ Nùng biểu hiện nên dân chúng họp nhau dựng lên một ngôi đền thờ mới ở giữa thắng cảnh này, đến ngày nay vẫn còn.

Đến đời Trần, thể theo nguyện vọng của dân chúng, triều đình phong cho Nùng Trí Cao chức Kỳ Sâm Đại Vương. Tượng chiến sĩ họ Nùng được dựng lên ở miền biên giới Việt-Hoa, quanh năm hương khói, tay cầm gươm tuốt trần, ngồi trên con thần mã, như sẵn sàng chống lại người phương bắc muốn dòm ngó phương nam.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 01:50
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,08809 seconds with 15 queries