Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 26-01-2003   #10
Ảnh thế thân của LSB-AnhHungThoiBinh
LSB-AnhHungThoiBinh
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 04-09-2002
Bài viết: 110
Điểm: 100
L$B: 10.608
LSB-AnhHungThoiBinh đang offline
 
[center:ffef608092]Thần Ðình Lập[/center:ffef608092]
Ngày xưa, cuối thời Bắc thuộc, trong lúc cả nước đang rên siết dưới ách đô hộ ròng rã một ngàn năm, ở miền núi non Bắc Việt, có một vị tù trưởng họ Đặng nổi lên chống lại quan quân Tàu. Được nhiều người yêu nước hưởng ứng nồng nhiệt, họ Đặng phất cờ khởi nghĩa từ châu nhà, rồi giải phóng được các vùng thượng du, làm chủ lại một phần giang sơn đã mất.
Đối phương phải huy động đại đội binh mã đương đầu rồi thừa thế đông tràn chiếm lại vùng giải phóng. Trong một trận chiến đấu ác liệt với quân thù đông đảo gấp bội, anh hùng họ Đặng chống trả oanh liệt cho đến chết. Muốn diệt trừ hậu họa, tướng Tàu cho quân vây bắt để giết cả gia đình họ Đặng, song bà vợ cùng con trai là Đặng Cao trốn thoát được vào rừng sau khi nghe tin chồng và cha tử trận.
Người vợ góa nuôi con với chí phục thù cho chồng, trả nợ cho nước. Đặng Cao lớn lên trong hoài bão chiếm lại giang sơn đã mất vào tay quân giặc, nên vừa đến tuổi trưởng thành đã sửa soạn chiến đấu, ngấm ngầm quy tụ chiến hữu bốn phương, chờ thời cơ nổi dậy.
Một hôm, trong lúc dạo chơi, Đặng Cao gặp một con kỳ lân hiện ra trao cho một chiếc kiềng bằng vàng có phép thần làm cho người mang nó được bất khả xâm phạm và bất tử. Nhưng nếu chủ nhân rời khỏi chiếc kiềng thần, dù chỉ trong chốc lát, thì mất hết quyền phép ngay.
Đặng Cao thấy kỳ lân xuất hiện ra trao báu vật cho mình là điềm của thần linh mác bảo thời cơ thuận tiện để dấy nghiệp, nên hăng hái phất cờ dóng trống ra quân.
Thắng trận liên tiếp, Đặng Cao giải phóng được châu nhà rồi tiến quân quyết tâm đuổi quân Tàu ra khỏi bờ cõi xứ sở. Trong một trận quyết liệt gần biên giới, Đặng Cao gặp một tướng tài của đối phương gởi đến tiếp viện. Đôi bên tranh hùng bất phân thắng bại, chẳng may ngựa vấp ngã, Đặng Cao bị đối thủ thừa cơ vung kiếm chém đứt đầu. Một vị thần bỗng hiện ra nhặt lấy đầu Đặng Cao lắp lại vào cổ mà bảo rằng: "Ngươi hãy quay về đi và hỏi ba đường gặp trên đường xem là ngươi đã chết chưa? Nếu tất cả đều trả lời "chưa" thì ngươi sẽ sống lại".
Đặng Cao vội quay lui, chạy thẳng về nhà cho mẹ yên tâm vì có lẽ bà đã được tin báo là con đã tử trận. Trên đường về, người thứ nhất Đặng Cao là một ông lão, liền hỏi: "Thưa cụ, tôi đã chết chưa"? Ông lão trả lời: "Thôi cậu đừng chế diễu lão già cả mà tội nghiệp, sao cậu lại hỏi lão ngớ ngẩn như vậy? Khỏe mạnh như thế rồi cậu cũng được trời phật phù hộ cho sống lâu như lão đây". Đi một quãng xa, gặp một người lính, Đặng Cao nhắc lại câu hỏi trên, nghe đáp: "Người đã chết rồi thì không còn hỏi han gì được nữa". Đặng Cao mừng thầm, về đến gần nhà nghe tiếng than khóc thảm thiết. Bà mẹ được tin báo là con mình đã tử trận và chiếc kiềng thần binh sĩ lượm đượ cũng đưa về trao tận tay bà. Bà đang vật vã thương khóc thì thấy Đặng Cao về hỏi đã chết hay chưa, nên tưởng là con trai hiện hồn về, mới nói: "Con đã chết rồi, người ta vừa trao cho mẹ chiếc kiềng đẫm máu con vẫn đeo ở cổ đây".
Nghe mẹ nói như vậy, Đặng Cao bủn rủn cả người, biết là mình sắp phải chết, mới vội thuật lại việc thần hiện ra cứu, và cho mẹ hay là câu trả lời của mẹ đã giết hại đời con.
Vừa dứt lời, Đặng Cao ngã ra chết. Dân chúng nhớ ơn chôn cất rất trọng thể và lập đền thờ ở làng Đình Lập. Còn bà mẹ chỉ vì một câu nói vô tình mà chết con, bị mọi người ghét bỏ, phải đi ăn xin rồi chết vì đói khát, đau khổ.
Về sau, mỗi năm cứ đến ngày húy của Đặng Cao, dân chúng làm lễ cúng long trọng ở đền Đình Lập để nhớ ơn vị anh hùng dân tộc, đồng thời còn dọn thêm một bát cơm thừa canh cặn cho hồn bà mẹ bất hạnh bị thiên hạ nguyền rủa

Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-AnhHungThoiBinh vì bài viết hữu ích này:
Con Hủi (12-11-2010)
Cũ 26-01-2003   #11
Ảnh thế thân của LSB-AnhHungThoiBinh
LSB-AnhHungThoiBinh
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 04-09-2002
Bài viết: 110
Điểm: 100
L$B: 10.608
LSB-AnhHungThoiBinh đang offline
 
[center:d1a149febe]Trạng Giáp Hải[/center:d1a149febe]
Ngày xưa, về đời Lê, có người Giáp Hải, quê làng Bát Tràng, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, cha mất sớm, bị bắt làm con nuôi một phú thương ở vùng khác.
Khi ra kinh để học tập, ông đi qua bến đò Bồ Đề thấy người thuyền chài bắt được một con rùa khá lớn, sắp mổ để nấu ăn, bèn hỏi mua rồi mang con rùa đến kinh đô, vào trọ ở nhà ông Lãnh Binh. Ngày ngày ông vẫn nuôi nấng con rùa cẩn thận.
Ông chỉ có một thày một trò, mỗi bữa cứ sáng sớm thì khóa cửa lại, cả hai thày trò cùng đến trường Quốc Tử Giám học tập mãi đến chiều mới về. Cửa vẫn khóa nguyên, mở cửa vào trong nhà thì thấy đã có mâm cơm sắp sẵn tươm tất. Ông không hiểu ra sao, nhưng thày trò có ăn hàng tháng như thế, bèn lập tâm dò xét. Một hôm ông dậy thật sớm, dặn người học trò cứ đe6'n trường học tập, còn ông thì đi có việc riêng rồi quay về nấp ở sau nhà để rình. Một lúc lâu thấy có người con gái rất đẹp từ trong con rùa hiện ra, tuổi trạc chừng mười bảy, mười tám, quần áo chỉnh tề, vẻ người khuê các, rồi thấy xuống đốt lửa nấu ăn. Thừa lúc cô gái đang mải ở dưới bếp, ông lẻn vào nhà trên mang cái vỏ rùa giấu vào trong rương và khóa kín lại, đoạn ôn chạy xuống bếp ôm ngay lấy người đẹp. Cô gái trách: "Cậu không nên làm thế, thiếp vốn là con gái bà Nam Hải Long Vương, nhân đi chơi xa lạc đường chưa về kịp, bị người thuyền chài bắt được, nếu không gặp cậu cứu cho thì cái thân hèn mọn này đã không còn nữa. Vì cảm tấm lòng nghĩa hiệp của cậu cứu thoát sinh mạng thiếp trong lúc hiểm nghèo nên thiếp phải hy sinh để đáp lại cái ơn nghĩa lớn lao đó, mong cậu thương đến thiếp là một kẻ lạc loài mà kết nghĩa trăm năm thì thiếp lấy làm hân hạnh lắm". Từ đó hai người ăn ở với nhau rất đằm thắm, vui vẻ.
Được ít lâu, cô gái bảo với chồng rằng: "Từ khi em lỡ bước lạc đường may sao nhờ cậu cứu thoát, lại được cùng cậu kết làm vợ chồng thật là vinh hạnh cho em lắm. Song còn mẹ và gia quyến em bấy lâu chẳng biết tin tức của em ra sao, em vẫn hằng ngày băn khoăn thương nhớ. Vậy em muốn mời cậu xuống chơi thủy cung để em được gặp mẹ già". Giáp Hải nói: "Anh hiện đang cố học tập để sang năm đi thi, nếu theo em về Thủy cung, thì bỏ dở cả việc học". Cô gái nói: "Xin cậu đừng ngại điều đó. Cạnh nhà em ở dưới Thủy cung cũng có trường học của cụ Trạng Lường, người làng Cao Lương huyện Thiên Bản, rất tiện việc học cho cậu". Giáp Hải nghe nói có ý lấy làm ngần ngại không muốn đi, nhưng cô gái hết sức khuyên nài, vả lại vợ chồng hương lửa đương nồng, nên ông cũng đành nghe theo. Hỏi đường lối xuống Thủy cung, cô gái nói: "Cậu cứ trả lại xác rùa cho em, rồi đem nó đến chỗ đã mua rùa khi trước, hễ em đi lối nào thì cậu cứ theo em mà đi, tức khắc sẽ đến Thủy cung". Giáp Hải liền mở rương trả lại xác rùa, cô gái nhập vào con rùa. Theo lời đã dặn, ông lại mang rùa đến bến Bồ Đề cho rùa bò xuống sông, bỗng thấy mặt nước rẽ tách ra làm đôi thành đường đi. Ông cứ theo rùa mà đi, đến một nơi thấy có mấy tòa cung điện nguy nga. Bỗng thấy cô gái lại hiện ở trong rùa mà ra, đưa ông vào chào thân mẫu và kể lại đầu đuôi về sự gặp gỡ của hai người. Cha đã mất, mẹ là Long Thái Hậu thấy con gái trở về lại có chồng rất lấy làm mừng, bèn nhận ông là rể và mở tiệc làm lễ cưới cho con gái rất trọng thể, rồi cho hai vợ chồng ở riêng một cung điện.
Được mấy hôm ông nhắc đến việc học, vợ sai người đưa ông sang thăm trường của cụ Trạng Lường. Ông thấy học trò rất đông và cụ Trạng đang ngồi trên giảng văn chẳng khác gì trên trần vậy. Đến gần vái chào, cụ trỏ tay vào mặt ông mà nói: "Anh này trông tinh thần kiện vượng, hẳn là người trần gian. Tại sao lại xuống đây"? Ông cứ thật sự trình bày. Cụ mời ông ngồi và kể chuyện: "Thuở bình sinh tôi đỗ Trạng Nguyên về đời vua Lê Thánh Tôn, được ở hàng nhị thập bát tú hội Tao Đàn, cũng không đến nỗi phụ đèn sách. Còn về phần anh sau này cũng được vinh hiển. Có lần tôi lên chầu Thượng Đế được dự hội đồng Nam Tào, khi thảo luận về văn chương và đạo đức của người Việt, có nghe nói đến Giáp Hải và đã thấy định cho anh đỗ Trạng Nguyên về khoa thi sang năm".
Được ít lâu Giáp Hải nói với vợ xin phép nhạc mẫu cho về trần gian để đi thi. Long Thái Hậu dặn rằng: "Anh là người học thức uyên thâm và đức hạnh, ắt sẽ đỗ cao. Đến khi công thành danh toại tôi sẽ cho người đón anh xuống để cùng đoàn tụ". Rồi bà sai mở tiệc tiễn biệt. Tiệc xong vợ ông và mấy sứ giả thủy cung đưa ông lên cõi trần.
Khi về tới kinh thành thì kỳ thi sắp tới, nên ông không về mà phải ở lại đây để kịp kỳ thi. Khoa ấy vào năm Mậu Thìn, niên hiệu Đại Chính nhà Mạc, lấy đỗ ba mươi sáu tiến sĩ, Giáp Hải đỗ đầu tức là Trạng Nguyên. Ông vinh quy về làng bái yết tổ tiên và cha mẹ nuôi rồi sang làng Cao Hương để viếng mộ cụ Trạng Lường. Thiên hạ chẳng hiểu nguyên nhân ra sao.
Từ khi ông về làng, thấy người cha nuôi thường làm những sự phi nghĩa, ức hiếp kẻ nghèo khó, ông hết sức khuyên ngăn. Một buổi về chiều, ông ra vườn sau bỗng nghe có tiếng người bên láng giềng nói: "Mồ cha chẳng khóc, khóc đống mối". Nhìn lại thì thấy một ông lão râu tóc bạc phơ đang đứng ở sân, hỏi ra mới biết là viên Huấn Đạo họ Phan đã về trí sĩ nhà ở liền bên cạnh. Đêm ấy ông băn khoăn nghĩ ngợi về câu nói ban chiều, tự nghĩ bấy lâu mình chỉ biết cha mẹ nuôi, còn người sinh thành thì chẳng biết tông tích ở đâu.
Sáng ngày lại, ông khăn áo chỉnh tề sang yết kiến viên Huấn Đạo. Cụ Huấn ra tận cổng mời ông vào nhà cùng nhau đàm đạo. Ông hỏi: "Hôm qua trộm nghe thấy lời vàng ngọc của đại nhân, khiến tôi bối rối nghĩ đến cha mẹ sinh thành, tôi chắc đại nhân có thể dạy bảo cho được". Cụ Huấn nói: "Thấy ngài là bậc đồng đạo, đường đường một vị Trạng Nguyên mà phải làm con nuôi một nhà phú thương bất nghĩa nên tôi thương ngài mà muốn chỉ nẻo đưa đường giúp ngài đó thôi. Ba mươi năm về trước, tôi được nghe rằng nhà phú thương này đi buôn, một hôm thuyền đỗ bến Bát Tràng, có một người đàn bà nhà ở gần sông, có một đứa con trai ba tuổi ra chơi bờ sông bị nhà phú thương kia sai người bế đứa bé xuống thuyền chở đi. Nếu người đàn bà ấy còn sống thì chắc bây giờ vào khoảng bảy mươi tuổi rồi, không rõ cậu bé ấy có phải là ngài không? Ngài tự liệu mà tìm manh mối". Ông cám ơn cụ Huấn ra về, quyết chí đi tìm mẹ đẻ.
Vài hôm sau ông xin phép cha mẹ nuôi để đi chơi và thăm các bạn hiền. Rồi thuê một chiếc thuyền đem theo hành lý, thuận giòng xuôi Nhị Hà xuống thẳng Bát Tràng đỗ lại. Ông lên bến tìm tòi dò hỏi thì thấy một nhà có một bà già trạc ngoài bảy mươi tuổi. Ông vào nhà tò mò hỏi thăm về gia đình bà lão. Bà kể lể: "Nay tôi bảy mươi mốt tuổi, tôi ở đây đã ngoài ba mươi năm trời. Chồng tôi vốn là người làng Bát Tràng này, làm bạn với tôi mới được sáu tháng thì mất. Khi chồng tôi mất thì tôi có thai được ba tháng, sau sinh được đứa con trai. Năm nó lên ba tuổi, một hôm tôi đi chợ vắng, nó ở nhà chơi với trẻ hàng xóm, không may nó ra đi đâu mất. Từ đó đến nay tôi không hề được tin tức gì. Không biết con tôi còn sống hay đã chết, mà ví phỏng nó còn sống thì nó cũng chẳng biết cha mẹ nó là ai và quê quán ở đâu"? Giáp Hải hỏi: "Cụ còn nhớ được hình dạng vết tích của con cụ không"? Bà già đáp: "Tôi còn nhớ con tôi có cái vết đỏ bằng đồng tiền ở sau lưng, và bên tả có nốt ruồi to và đen ở vai. Bấy giờ có người thày tướng xem bàn tay cho nó nói rằng: "Thằng bé này có dị tướng, sau này có lẽ danh giá lớn". Nghe bà lão kể, ông nhận thấy thật đúng là mình, vì trong người cũng có các vết như vậy. Ông bèn cởi áo ngay ra hỏi bà cụ: "Cụ thử coi kỹ mình tôi có vết giống như con cụ không"? Bà lão nhìn xem từ vai đến lưng rồi hai bàn tay. Giáp Hải ôm choàng lấy bà khóc òa lên. Hai mẹ con gặp nhau mừng rỡ không cùng. Ông liền rước mẹ về ở chun với cha mẹ nuôi. Được ít lâu bà Thái Hậu Long cung sai sứ lên mời ông xuống nhưng ông vừa được bổ làm quan, mới dặn sứ giả về thưa với nhạc mẫu tha lỗi cho và xin cho vợ ông lên dương gian để đoàn tụ với ông. Sau ông làm đến Thượng Thư, được phong chức Đế Quốc công.
Người vợ Thủy Cung của ông sinh được một đứa con trai, đặt tên là Giáp Phong, học đỗ tiến sĩ. Con cháu ông về sau đều thịnh đạt.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-AnhHungThoiBinh vì bài viết hữu ích này:
Con Hủi (12-11-2010)
Cũ 26-01-2003   #12
Ảnh thế thân của LSB-AnhHungThoiBinh
LSB-AnhHungThoiBinh
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 04-09-2002
Bài viết: 110
Điểm: 100
L$B: 10.608
LSB-AnhHungThoiBinh đang offline
 
[center:8881d361ef]Trạng Trình[/center:8881d361ef]
Ngày xưa, về đời Hồng Đức nhà Lê, ở làng Trung An huyện Vĩnh Lại (Hải Dương) có nhà nho sĩ Văn Định kết duyên cùng con quan thượng Nhữ Văn Lan.
Tiểu thư họ Nhữ nhan sắc tuyệt vời, thông minh xuất chúng, giỏi văn chương, tinh tướng số, kén chồng đến ngoài hai mươi tuổi, thấy Văn Định có tướng sinh quý tử mới nhận lời trao hôn. Hai người lấy nhau sinh được một con trai mặt mũi tinh anh, đặt tên là Bỉnh Khiêm, chưa đầy tuổi đã biết nói. Được mẹ dạy bảo, mới lên bốn tuổi Bỉnh Khiêm đã thông kinh truyện, học đến đâu thuộc lòng đến đó, nhớ đọc một lúc mấy chục bài thơ nôm.
Khi tóc còn để trái đào, một hôm Bỉnh Khiêm cùng bọn trẻ đi tắm bến Hàn, có kể thuật sĩ đi thuyền trông thấy nói rằng: "Cậu bé này có tướng làm vua, tiếc là da thịt dày quá, chỉ làm đến Trạng nguyên, Tể tướng là cùng"!
Mồ côi sớm, Bỉnh Khiêm được một tay hiệp khách giang hồ tên là Lý Hưng Chi nhận làm con nuôi rồi giao cho một người bạn trụ trì đem về dạy dỗ ở một ngôi chùa.
Lớn lên, Bỉnh Khiêm theo học ông Bảng nhỡn Lương Đắc Bằng ở Thanh Hóa. Lương tiên sinh hồi sang sứ nhà Minh, gặp một người cùng họ ngụ cư bên Tàu là Lương Nhữ Hốt có tặng cho quyển Thái Ất thần kinh, đem về học tập rất tinh lý số, tiên tri. Bỉnh Khiêm được thày truyền lại phép thuật tinh vi, và khi sắp mất cụ Lương trao cho quyển kinh Thái Ất, tác phẩm của đạo sĩ Triệu Nga đời Tống (thế kỷ thứ X).
Bấy giờ trong nước đang biến loạn, Bỉnh Khiêm bèn đi ở ẩn, lấy việc ngao du sơn thủy làm thú ở đời. Ông lên chơi chùa Bội Sơn, gặp lại nhà sư đã dạy dỗ mình thuở bé đang cầm đầu đảng cướp Hồng Nhật. Các tham quan ô lại cũng như các nhà giàu độc ác đều bị đảng cướp này trừ diệt, lấy của để giúp cho người nghèo khó. Quan phủ Vương Liêu Thăng là kẻ sâu dân mọt nước bị Lý Hưng Chi ra tay hạ sát, triều đình treo giải thưởng lớn cho ai lấy được đầu họ Lý.
Bị tập nã ráo riết, Lý Hưng Chi tìm đường trốn sang Tàu, đem theo Nguyễn Bỉnh Khiêm cùng vài bộ hạ tâm phúc. Vượt núi, băng rừng nhiều ngày, đến giáp giới Trung Quốc, Lý Hưng Chi ghé lại trại một người bạn cũ, giữa một vùng núi non với hai ngàn thủ hạ.
Chủ trại là Hoàng Mưu mất vợ sớm, có một người con gái đến tuổi lấy chồng, thấy Bỉnh Khiêm là người lỗi lạc, bèn ngỏ ý với Lý Hưng Chi muốn gả cho. Đính hôn sau, Lý Hưng Chi và Bỉnh Khiêm cùng đám tùy tùng nhờ Hoàng Mưu giúp vượt qua biên giới.
Tiến vào nội địa Trung Hoa, giữa đường họ gặp một toán cướp lớn chặn đánh, chỉ có Lý Hưng Chi thoát được, còn Bỉnh Khiêm cùng đám người đi theo đều bị bắt. Tướng cướp là Lý Lăng Tử tra hỏi, thấy Bỉnh Khiêm là người thông thái, giỏi lý số, tiên tri, bèn giữ lại tôn làm quân sư.
Trại ở trên một ngọn núi kỳ vĩ, chung quanh có nhiều dãy núi cao bao bọc như những thành lũy thiên nhiên. Bỉnh Khiêm miễn cưỡng phải ở lại đây, suốt ngày chỉ đọc sách ngâm thơ. Một hôm, có một ông già ăn mặc nâu sồng, đeo khăn gói đỏ, tay chống gậy trúc lần mò đến cổng trại. Bị quân canh đuổi đi, ông già trở đi, trở lại đến lần thứ ba, nằn nì đòi xin gặp chủ trại. Bỉnh Khiêm đang đi dạo, trông thấy ông già cốt cách khác thường, gọi hỏi chuyện thì ông ta nói: "Tôi là kẻ ngao du sơn thủy, đi đó đây khảo sát địa lý để tìm một nơi gửi nắm xương tàn, đến chốn này thấy có khí lạ, mới dừng bước lại".
Rồi ông già ngắm Bỉnh Khiêm mà bảo rằng: "Tôi đoán ông không phải là người ở vùng này, mà chỉ là thượng khách của chủ trại. Nhưng chốn này sắp bị quân triều đình đến đánh nay mai"...
Hỏi thêm, ông già không nói, chỉ bảo rằng có biết lý số, thiên văn, và đã mấy năm trời nay đi tìm một quyển sách để thông suốt quá khứ vị lai mà chưa được gặp. Bỉnh Khiêm tò mò hỏi: "Cụ bảo quyển sách gì mà thần diệu như thế"? Ông già đáp: "Đó là một quyển sách thần, có đủ những phép tắc dạy cho biết rõ việc quá khứ, hiện tại và tương lai. Quyển sách này trước ở tay thày dạy tôi nay đã qua đời, tặng cho một người cùng dòng họ làm sứ thần nước Việt, rồi nghe ông này trao lại cho một môn đệ. Đó là quyển kinh lấy tên là Thái Ất. Nhưng tôi biết chắc rằng vị sứ thần cũng như môn đệ của ông ta không thể nào dùng được quyển sách ấy, vì trong đó toàn là những câu kinh kỳ bí, mà họ không có lời giải. Tôi thì có lời giải mà không có quyển kinh Thái Ất".
Bỉnh Khiêm hỏi tới: "Sao thày dạy cụ lại chỉ truyền cho cụ biết lời giải mà không cho cụ quyển sách"? Ông già đáp: "Theo lệ cổ truyền thì không ai có thể giữ nổi cuốn kinh này lâu đời được. Sứ thần Việt được cuốn kinh, nhưng không có phần giải. Khi thày dạy tôi sắp mất, có trao phần giải cho tôi mà không dặn rõ là tôi phải mất công hai năm mới tìm ra cuốn kinh. Tôi tính đến hôm nay vừa đúng là hai năm". Bỉnh Khiêm vội đi lấy ở trong hành lý ra một cuốn sách bọc vải điều trao tận tay ông già. Vừa lật xem qua mấy trang, ông già không giấu được nỗi ngạc nhiên sung sướng, trang trọng đặt cuốn sách lên trước mặt rồi sụp lạy. Cả hai người mặc dầu tuổi tác cao thấp chênh lệch, làm lễ đồng môn với nhau, rồi bắt đầu trao đổi nghiên cứu kinh Thái Ất. Trong vòng bảy hôm, họ đã thuộc lòng cả cuốn kinh cùng những lời giải đáp, rồi vội vã chia tay, sợ xúc phạm đến thiên cơ, vì cả hai đều thành tiên tri, thấu suốt cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
Ông già tức là Hoàng Thạch Lâm đi về phương b('c, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi về phía nam. Trở về nước, gặp lúc nhà Mạc đang ở ngôi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi đỗ Trạng nguyen, được vua phong làm Đông các đại học sĩ. Làm quan tám năm ông dâng sớ xin chém đầu mười tám tên nịnh thần, vua Mạc không nghe, ông bèn cáo bệnh từ quan.
Khi ông về trí sĩ, dựng nhà chơi mát ở làng gọi là am Bạch Vân, lại làm một cái quán ở bên sông Tuyết Giang, dựng bia ký sự mình. Lúc thì bơi thuyền chơi ở bể Kim Hải và bể Úc Hải, lúc thì cùng vài nhà sư dạo chơi núi An Tử, núi Ngọc Vân và núi Đồ Sơn. Đi đến đâu đều làm thơ ngâm vịnh, gặp chỗ nào phong cảnh đẹp thì dừng lại, thường ngày không để ý gì đến việc đời, sống nhàn tản theo chủ trương của Lão, Trang.
Triều Mạc vẫn quý trọng, lấy lễ sư phó đãi ông, hễ có việc gì thì sai sứ tìm đến hỏi ý kiến hoặc mời về kinh để thương nghị các chính sự trọng yếu. Vua Mạc phong ông làm Thái phó Trình Quốc công. Người đương thời gọi ông là Trạng Trình.
Học trò của Trạng Trình tác thành rất nhiều, nổi danh có Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khánh, Trương Thời Cử.
Lúc nhà Lê bắt đầu trung hưng, vua Mạc ngự giá đến nhà ông hỏi các kế công thủ, Trạng Trình bảo rằng: "Ngày sau nước có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời". Sau bảy năm, nhà Mạc mất, lui về giữ đất Cao Bằng, quả nhiên truyền được ba đời, bảy mươi năm mới tuyệt.
Khi vua Lê Trung Tông mất, không có con kế vị, bấy giờ Trịnh Kiểm đang cầm quyền, sai Phùng Khắc Khoan đến hỏi ý kiến ông, ông không nói gì, chỉ quay lại bảo người nhà rằng: "Năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo mạ". Phùng Khắc Khoan về nói lại, Trịnh Kiểm hiểu ý ông, tìm Lê Duy Bang là dòng nhà Lê về, lập lên làm vua.
Một lần Trịnh Tùng có ý chiếm ngôi vua, sai sứ đến hỏi ông, ông cũng không nói gì, chỉ đưa đi chơi trong một cái chùa trên núi, bảo tiểu rằng: "Giữ chùa thờ Phật thì mới có oản ăn". Sứ giả về nói lạị Trịnh Tùng biết ý ông khuyên phải giữ đạo làm tôi thì mới được hưởng phúc, nên mới thôi manh tâm bội nghịch.
Vào lúc Trịnh Kiểm có ý hại Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn lấy làm lo, mật sai người đi cầu ông bày cho kế lánh họa. Ông đang chống gậy chơi trong vườn cảnh, có mấy dãy đá xếp lại làm non bộ quanh co đến trước sân, có đàn kiến đương bò trên đá, ông đưa mắt nhìn theo đàn kiến mà nói rằng: "Một dải núi Hoành Sơn kia có thể nương thân đến muôn đời". Người sứ về thưa lại, chúa Nguyễn mới quyết tâm xin vào trấn thủ trong xứ Thuận, Quảng (miền Hoành Sơn), quả nhiên mỗi ngày một thịnh, dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn lâu dài.
Trạng Trình tinh về thuật số, đoán trước được nhiều việc đúng, còn để lại được một số sấm ký về sau, người ta truyền là rất ứng nghiệm.
Trước khi mất, ông có viết một tờ chúc thư gửi cho viên tri huyện ở vùng ông đời sau, có câu: "Tôi cứu cho ông khỏi chết vì sà nhà đổ, ông sẽ cứu cho cháu tôi đang nghèo khổ". Ông trao cho cháu bức thư này dặn đến ngày tháng ấy, giờ ấy mang đến đưa cho quan huyện, và nhớ gọi ra khỏi công đường mà trao. Quả nhiên đúng ngày giờ nói trên, viên tri huyện nghe có cháu ông Trạng Trình đến kiếm, bước ra tiếp, vừa đi khỏi thì cột sà ngang lớn bị mọt đục gãy rơi ngay chỗ ghế ngồi. Thoát chết, ông huyện nọ xem thư hết lòng cảm phục, liền đưa cháu ông Trạng Trình về nhà hết lòng nuôi cho ăn học.
Trạng Trình còn để lại cho đời mấy trăm bài thơ nôm gọi là Bạch Vân Am thi tập, sống đến 95 tuổi mới mất. Những sấm ký của ông truyền lại, người đời sau đem các việc xảy ra để đối chiếu, giải thích cho đến gần đây, còn được chứng nhận là đúng.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-AnhHungThoiBinh vì bài viết hữu ích này:
Con Hủi (12-11-2010)
Cũ 26-01-2003   #13
Ảnh thế thân của LSB-AnhHungThoiBinh
LSB-AnhHungThoiBinh
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 04-09-2002
Bài viết: 110
Điểm: 100
L$B: 10.608
LSB-AnhHungThoiBinh đang offline
 
[center:0258b10472]Từ Ðạo Hạnh[/center:0258b10472]
Ngày xưa, ở ngôi chùa Thiên Phúc, trên núi Phật Tích (Sài Sơn), gần tỉnh Sơn Tây, có một nhà sư trứ danh tên Lộ, người đời vẫn gọi là sư Đạo Hạnh. Cha Lộ là Từ Vinh làm quan đô sát ở triều nhà Lý, đến chơi làng An Lãng, lấy vợ người họ Tăng rồi sinh ra Đạo Hạnh.
Khi còn nhỏ, Lộ chỉ thích ngao du, tỏ ra chí lớn, thường đi lại với nhà nho Mao Sinh, đạo sĩ Lê Toàn Nghĩa và nhạc sư Phan Ất. Cha mẹ thấy Lộ suốt ngày chơi bời, đá cầu, lêu lổng cùng bạn bè, nên thường trách mắng luôn, không biết rằng đêm đến, còn lại một mình, Lộ chăm chỉ vùi đầu trong sách vở. Một hôm người cha dòm vào buồng con, thấy đèn le lói, Lộ vùi đầu vào bàn ngủ, tay vẫn còn cầm sách, từ đó mới không lo ngại về con nữa.
Đến kỳ thi tăng đồ thì Lộ trúng cử khoa Bạch Liên. Được ít lâu cha Lộ bị Duyên Thanh Hầu nhờ pháp sư Đại Diệu dùng tà thuật làm hại. Xác quẳng xuống sông Tô Lịch, trôi đến cầu Quyết Kiều, ngay trước nhà hầu rồi đứng thẳng lên không đi nữa. Hầu sợ hãi báo với Đại Diệu đến, đọc chú và bắt quyết thì xác ngã xuống theo giòng nước cuốn đi.
Lộ thề báo thù cho cha, một hôm thấy Đại Diệu liền đuổi đánh, bỗng nghe trên không có tiếng bảo "Đừng", Lộ quăng gậy bỏ chạy.
Lộ tìm đường sang Thiên Trúc (Ấn Độ) để học phép về chống với Đại Diệu, đi đến xứ Mán Răng Vàng bị cản trở phải quay lại. Lộ đến ẩn mình ở núi Phật Tích, ngày đêm chuyên chú tu luyện, đọc đủ mười tám vạn tám lần Đại Bi tâm kinh đà la ni. Một hôm có vị thần hiện ra bảo: "Ta là Trấn Thiên Vương cảm công đức trì tụng của thày nên đến đây ra mắt". Lộ mừng rỡ, biết là công tu luyện của mình đã đạt, có thể báo thù được cho cha, bèn đến bến Quyết Kiều, thử lấy chiếc gậy phép đang cầm ở tay mà ném xuống giòng nước đã cuốn xác cha, thì thấy gậy rẽ giòng nước mà đi ngược lên, đến cầu Tây Dương thì dừng lại.
Lộ tin ở phép thuật của mình, tìm đến nhà Đại Diệu hỏi: "Mày có nhớ đến việc ngày trước không"? Rồi ngước mắt trông lên trên không, chẳng thấy gì liền cầm gậy đánh luôn Đại Diệu một cái. Đại Diệu phát bệnh mà chết.
Thù cha đã trả xong, Lộ muốn thoát vòng tục lụy, đi tìm các nơi thanh vắng ở rừng núi mà tu hành, gặp thiền sư Kiều Trí Huyền ở chùa Thái Bình và pháp sư Phạm Hợi ở chùa Pháp Vân dạy cho nhiều phép thuật cao cường, các loài ác thú đều hàng phục. Trong đêm tối ông đốt ngón tay để làm đèn, phun nước để chữa mọi bệnh rất linh nghiệm.
Vào hồi bấy giờ vua Nhân Tôn nhà Lý không có con trai. Có người ở Thanh Hóa dâng sớ tâu: "Tại miền duyên hải, có một đứa trẻ linh dị mới lên ba tuổi, xưng là Thần Đồng, cho mình là con vua, người ta gọi là Giác Hoàng". Vua cho người đi dò xét, rồi rước về kinh đô cho ở tại chùa Báo Thiên. Thấy đứa trẻ thông minh xuất chúng, vua rất yêu mến, muốn lập làm Thái Tử. Triều đình can gián: "Đứa trẻ này thông minh linh dị phải để nó thác sinh vào cung cấm mới nối ngôi Hoàng Đế được". Vua nghe theo sai lập đàn bảy ngày bảy đêm, để cầu phép thác sinh hoàng tử.
Sư Lộ đoán biết đứa trẻ kia là Đại Diệu thác sinh, mới bảo cùng người chị: "Thằng bé kia là một tên sát nhân thác sinh muốn lên làm vua, ta phải ra tay ngăn trừ để tránh hậu hoạn cho nước nhà". Bèn làm một đạo bùa giao cho chị giả làm người đến xem đám lễ rồi thừa cơ giấu lá bùa vào một chỗ trong đàn tế. Đến ngày thứ ba, các đạo sĩ đang cúng tế thì Giác Hoàng bỗng sinh bịnh nặng, rồi tự miệng thốt ra: "Khắp trong khu vực này toàn lưới sắt bao vây cả, tôi còn lối nào mà thác sinh được"?
Vua cho tra xét, biết sư Lộ đã làm phép ếm, bèn sai bắt giam Lộ vào Hưng Khánh, rồi giao cho các quan hội nghị định tội. Lúc ấy có Sùng Hiền Hầu đi qua, Lộ gọi Hầu nói: "Hầu có lòng cứu cho tôi được khỏi tội thì tôi sẽ thác sinh vào cung để trả ơn Hầu". Hầu không có con, nhận lời ngay. Tới khi hội nghị, các quan đều nói: "Bệ hạ chưa có hoàng tử nên cầu cho Giác Hoàng được thác sinh vào cung mà Từ Lộ lại dám làm phép để ngăn trở thì đáng phải tội chết". Sùng Hiền Hầu mới tâu lên vua: "Nếu Giác Hoàng quả là bậc linh dị thì sao Từ Lộ làm phép lại không có phép gì để giải cứu được, có phải là Giác Hoàng còn kém tài Từ Lộ xa không? Thần trộm nghĩ bệ hạ nên tha tội cho Từ Lộ để bắt Lộ phải thác sinh vào cung thì tốt hơn". Vua ngẫm nghĩ cho là phải, ra lệnh tha cho Lộ. Lộ tạ ơn Hầu cứu sống và dặn rằng: "Nếu phu nhân có thai, khi sắp lâm bồn thì Hầu báo cho tôi biết". Mấy tháng sau, Hầu phu nhân có thai, đến khi lâm bồn, quằn quại mấy ngày chưa sinh được. Hầu sai người đi báo tin cho Lộ biết. Lộ tắm rửa sạch sẽ rồi vào trong ghềnh núi thoát xác lại mà chết. Lộ vừa mất thì Hầu phu nhân sinh ra con trai, đặt tên là Dương Hoán, năm lên ba thì vua Nhân Tông nhận làm con nuôi, lập làm Thái Tử. Đến khi vua Nhân Tôn mất, Thái Tử lên nối ngôi gọi là Thần Tông, tức là hậu thân của Từ Lộ thác sinh.
Nơi Từ Lộ thoát xác ở ghềnh núi Phật Tích, cạnh chùa Thiên Phúc, người ta lập đền thờ ngay tại đó.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-AnhHungThoiBinh vì bài viết hữu ích này:
Con Hủi (12-11-2010)
Cũ 26-01-2003   #14
Ảnh thế thân của LSB-AnhHungThoiBinh
LSB-AnhHungThoiBinh
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 04-09-2002
Bài viết: 110
Điểm: 100
L$B: 10.608
LSB-AnhHungThoiBinh đang offline
 
[center:05336f0be1]Vũ Công Duệ[/center:05336f0be1]
Ngày xưa, vào đời Lê có Vũ Công Duệ người làng Trình Xá, huyện Sơn Vi, tỉnh Sơn Tây. Hồi còn nhỏ, cha mẹ đi cày vắng nhà, Duê chơi với bọn trẻ con trong xóm, nặn đất làm con voi, bắt hai con bướm làm hai tai, cầm con đỉa làm vòi, lấy bốn con cua làm chân, thành ra voi đất mà vẫy được tai, vòi co lên quắp xuống và chân đi được, ai trông thấy cũng cho là tinh quái.
Một lần, có người đến đòi nợ hỏi: "Bố mày đâu"? Công Duệ đáp: "Bố tôi đi chém cây sống, trồng cây chết". "Mẹ mày đâu"? "Mẹ tôi đi bán gió, mua que". Người đòi nợ lấy làm lạ, không biết cha mẹ nó làm gì mà nó nói thế, hỏi căn vặn nó mãi thì nó cười mà không đáp. Chủ nợ mới dỗ dành bảo nó: "Mày cứ nói thật, ta sẽ tha nợ cho mày, không đòi nữa". Duệ cầm một cục đất dẻo, bảo chủ nợ in tay vào làm tin, người kia cũng in tay vào xem sao. Duệ bèn nói: "Cha tôi đang nhổ mạ cấy lúa, còn mẹ tôi đi bán quạt". Người kia lấy làm kỳ dị. Hôm khác lại đến đòi nợ. Duệ đưa hòn đất có vết tay in mà nói: "Tay ông ký vào đây còn đòi gì nữa"? Người kia đứng ngẩn mặt ra, không biết nói làm sao, nhân khuyên cha mẹ Duệ cho đi học và giúp món nợ ấy để lấy món tiền mua sách.
Duệ học rất thông minh, các sách chỉ đọc qua một lần là thuộc. Đến năm Hồng Đức 23 đời vua Thánh Tôn nhà Lê, Duệ thi đỗ Trạng nguyên vào hồi 20 tuổi. Đến khi làm quan, tính khí cương trực, vua cất lên làm đô ngự sử, các quan ai cũng kính nể.
Khi nhà Mạc cướp ngôi vua Lê, đình thần nhiều người a dua về Mạc Đăng Dung, ai không nghe đều bị giết. Đăng Dung sai người dụ Công Duệ về làm quan với mình. Công Duệ nhất định không theo kẻ tiếm vị, nhưng liệu cũng không yên, bèn đeo cả quả ấn ngự sử đâm đầu xuống cửa bể Thần Phù mà chết.
Cách 60 năm sau, nhà Lê trung hưng, khôi phục được thành Thăng Long, sai đúc ấn ngự sử, đúc mãi không thành, mới sai người xuống cửa bể tìm quả ấn trước. Người lặn xuống đến nơi thấy Công Duệ vẫn còn đội mũ áo chỉnh tề, cổ đeo túi ấn, ngồi xếp bằng tròn ở dưới đáy bể như còn sống.
Người ấy sợ hãi lên kể lại, chuyện đến tai vua. Vua lấy làm lạ, chắc là khí tinh anh của Công Duệ kết lại, mới sai quan làm lễ cúng bái, rồi sai người vớt xác Công Duệ lên, dùng lễ khâm liệm trọng thể rồi đưa về làng Trinh Xá an táng, phong làm Thượng Đẳng Phúc Thần.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-AnhHungThoiBinh vì bài viết hữu ích này:
Con Hủi (12-11-2010)
Cũ 10-11-2010   #15
Ảnh thế thân của SonBacMinh
SonBacMinh
-=[ Lâu La ]=-
Gia nhập: 01-11-2010
Bài viết: 23
Điểm: 6
L$B: 2.581
Tâm trạng:
SonBacMinh đang offline
 
Như thế Hà Ô Lôi chính ra phải là Ông Tổ nghề Hát Việt Nam. Các ca sĩ VN cần suy gẫm mà định ngày làm lễ cúng Tổ nghề cuả mình phải không ??Các Ca Sĩ phải cám ơn LSB_AnhHungThoiBinh nha.
Trong Nam Hải Dị Nhân cuả VN ta còn rất nhiều danh nhân danh tiếng khác như Tả Ao Tổ nghề xem Phong Thuỷ chẳng hạn.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 12-11-2010   #16
Ảnh thế thân của canhhoamongmanh
canhhoamongmanh
-=[ Lương Sơn Anh Hùng ]=-
Gia nhập: 12-12-2003
Bài viết: 3.467
Điểm: 201
L$B: 56.850
canhhoamongmanh đang offline
 
Nổi tiếng VN đều chung 1 mẫu ng.

_Trẻ: Học jỏi đỗ đạt
_Trung: Õng ẹo với triều đình ứ ra làm quan,ở nhà vợ nuôi
_Già: Chết đc đặt tên cho nhg con fố


Chữ ký của canhhoamongmanh
Ðẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
Ðã bọc hoa tàn dấu xác xơ!
Tóc úa giết lần đời thiếu phụ
Thì ai trông ngóng chẳng nên chờ.

Em chỉ tự vệ thôi

Tài sản của canhhoamongmanh
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 07:55
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,10213 seconds with 14 queries