Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 07-06-2009   #10
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.761.496
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Lễ hội cầu Ngư


Suốt một dải duyên hải miền Trung từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, Tết Nguyên đán vừa xong, người dân của hầu hết các làng chài đã bắt tay chuẩn bị ngay lễ hội cầu ngư. Theo tục lệ đã có từ vài trăm năm trước, lễ hội thường được tổ chức ba năm một lần, vui chơi, lễ tế trong vòng 3 ngày, rải rác từ giữa tháng giêng đến tháng 3 âm lịch.

Thông thường lễ chánh tế được cử hành vào lúc nửa đêm, nhằm cầu an cho xóm làng và tưởng niệm những người đã khuất, khoảng 5 giờ sáng là lễ cầu ngư, diễn trò bên bờ và dưới nước.

Vui và thu hút nhất ba ngày lễ hội là cuộc đua ghe trải giữa các làng chài. Cuộc đua trải cũng phải qua hình thức nghi lễ. Các trải đua phải thi tài vượt qua giai đoạn nghi lễ đầu, gồm 4 chặng, mỗi chặng lấy một thẻ có ghi các câu chúc cho tử dân làm ăn thịnh vượng, mưa thuận gió hoà.

Ở làng chài Thuận An tỉnh Thừa Thiên- Huế, còn có trò diễn bủa lưới, tái tạo sinh hoạt của cư dân vùng biển.

Bắt đầu vào lễ, người cao niên, được trọng vọng nhất làng khấn vái thần hoàng, thổ địa, thần sông thần biển... cho dân làng làm ăn thịnh vượng, sau đó đánh 3 hồi báo hiệu buổi lễ khai diễn.

Sau hồi trống lệnh một vị cao niên tung tiền và phẩm vật xuống sân đình cho các em bé - được hoá trang thành các loài cá, mực, tôm - tranh giành nhau lượm. Đang lúc các em mải mê giành giựt, đám chủ thuyền khiêng một chiếc khe mành, trên khe có một người ngồi, tiến vào sân đình. Người này tung lưới vào đám trẻ. Các chủ thuyền đồng giữ lưới thành một vòng tròn, càng lúc càng thu hẹp lại, vây kín các em - tượng trưng cho các đàn cá đang ăn mồi và tìm cách thoát khỏi lưới.

Các chủ thuyền làm các động tác gọi cá, bắt cá. Họ bắt vài con cá đẹp lên cúng trên bàn thờ vị khai canh. Những con cá khác được các bà buôn cá gánh ra chợ bán...Hoạt cảnh bán cá, mua cá diễn ra nhộn nhịp như buổi bán cá thực sự...

Ở Quảng Nam, Đà Nẵng, lễ hội thường diễn ra vào trung tuần tháng 3 âm lịch. Ngư dân địa phương thường kết hợp lễ hội cầu ngư, lễ hội Cá Ông cùng với lễ hội ra quân đánh bắt cá vụ Nam hàng năm. Lễ rước trên biển ở đây có cả dàn nhạc trình diễn cùng với hát bả trạo, hát tuồng.

Lễ hội cầu ngư của cư dân các làng chài duyên hải miền Trung, ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu... đem lại cuộc sống ngày càng no đủ hơn, còn thể hiện ý thức "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ công đức của các vị tiền hiền, có công lập làng, dựng nghề.

Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #11
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.761.496
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Lễ hội ''chạy lợn''


"Chạy lợn" - một lễ hội độc đáo

Hồi còn nhỏ bọn trẻ chúng tôi vẫn gọi đình Thượng làng Duyên Yết là "đình chạy lợn", vì năm nào chúng tôi cũng được xem "chạy lợn" ở đây vào dịp sau Tết.

Lễ hội "chạy lợn" đã gây cho bọn trẻ chúng tôi một ấn tượng không thể phai mờ.

Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, giặc chiếm quê tôi, đau thương tang tóc bao phủ xóm làng, từ đó không còn hội làng nữa, và lễ hội "chạy lợn" cũng đi vào dĩ vãng.

Những tưởng lễ hội "chạy lợn" của làng tôi đã vĩnh viễn mất đi. Nhưng may thay, nó lại được khôi phục trở lại.

Ấy là vào dịp tháng 4-1999, làng tôi tổ chức đón nhận bằng di tích lịch sử văn hóa.

Lớp người quê tôi từ 50 tuổi trở xuống không ai biết "chạy lợn" là thế nào.

Sự tích về lễ hội "chạy lợn" như sau:

Đời vua Hùng Vương thứ 18, có một vị tướng tên húy là Nguyễn Hiển, hành quân qua đây để đánh đuổi giặc. Các vị bô lão trong làng đã xin được làm cỗ khao quân. Vị tướng bằng lòng, nhưng yêu cầu phải làm sao thật nhanh để binh sĩ kịp hành quân đuổi giặc.

Từ đó hằng năm, cứ vào ngày 7-1 âm lịch, dân làng lại mở hội "chạy lợn" để nhớ về một truyền thống có ý nghĩa về tình quân dân cá nước thời xa xưa.

Từ "chạy" ở đây có ý nghĩa là "thật nhanh" - mổ lợn thật nhanh, làm cỗ thật nhanh, chớp thời cơ để thắng giặc.

Con lợn được đem ra lễ hội "chạy lợn" phải được nuôi hết sức cẩn thận. Trước lễ hội 10 ngày, chỉ cho ăn cháo gạo nếp, tắm rửa bằng nước lá thơm sạch sẽ mỗi ngày.

Khi rước lợn vào đình, phải đặt lợn nằm trong một cũi sơn đỏ.

Mỗi xóm cử ra 2 thanh niên cường tráng chưa vợ, đầu đội khăn đỏ, quấn thắt lưng đỏ. Cả 10 tráng đinh tề chỉnh, khiêng 5 con lợn của 5 xóm, quỳ trước sân đình chờ lệnh.

Khi tiếng trống lệnh nổi lên, lập tức khiêng lợn về vị trí giết mổ. Ở đây đã chờ sẵn, những trai trẻ được phân công mổ lợn làm cỗ. Người cầm con dao to và dài tì vào cổ con lợn, người khác cầm chiếc vồ to giáng mạnh vào sống dao, chiếc thủ lợn văng ra, 2 người cầm chiếc thủ lợn nhúng vào nồi nước sôi, và làm sạch lông chiếc thủ lợn trong nháy mắt, rồi lại tiếp tục luộc thủ lợn vào nồi nước đang sôi sùng sục.

Những người trong đội "chạy lợn" của mỗi xóm, được phân công mỗi người lấy một thứ trong con lợn, và làm chín để bày vào mâm cỗ.

Mâm cỗ khi mang lên tế thần phải có đủ 10 thứ theo quy định của lễ hội như: thủ, vĩ, tim, gan, bầu dục, thịt vai, thịt mông,v.v. và nhất thiết phải có lá mỡ chài, phủ lên thủ lợn để trang trí cho mâm cỗ thật đẹp thì mới được chấm điểm.

Các cụ giám khảo còn ra khám con lợn sau khi giết mổ, con lợn nào bị thủng ruột và mổ phanh ra để lấy lục phủ ngũ tạng, đều không được chấm điểm. Các vết mổ trên mình lợn phải nhỏ gọn, kín đáo, trông như con lợn còn nguyên vẹn, trừ cái đầu bị chặt để mang đi tế thần.

Từ lúc con lợn được khiêng về vị trí giết mổ, đến khi mâm cỗ tượng trưng được làm xong và đem vào tế thần chỉ hết từ 2 đến 3 phút, chậm hơn sẽ không được chấm điểm. Thật là một kỷ lục hiếm thấy!

Sôi động nhất là khi rước cỗ vào tế thần, trống thúc liên hồi, tiếng hò reo và những động tác khua dao, múa gậy của những người "chạy lợn" chạy theo mâm cỗ, của những người xem hội hò la cổ vũ các trai làng khiêng cỗ vào tế thần, làm vang động cả sân đình.

Lễ hội "chạy lợn" đã để lại cho người xem một ấn tượng khó quên.

Ngoài lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên, lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng, lễ hội "chạy lợn" ở Duyên Yết, Hồng Thái (Phú Xuyên, Hà Tây) cũng là một lễ hội mang nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, mang nặng nghĩa tình quân dân cá nước xưa nay.


Vũ Tín
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #12
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.761.496
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Lễ hội Chử Đồng Tử


Từ Hà Nội, du khách có thể xuôi dòng sông Hồng bằng thuyền hay ca-nô, hoặc đi đường ô-tô ven đê khoảng 20km thì đến hai xã Bình Minh và xã Dạ Trạch thuộc huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên, nơi có đền thờ Chử Đồng Tử. Cả hai ngôi đền đều được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa nổi tiếng. Đức Thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa được thờ phụng ở nhiều nơi trên châu thổ sông Hồng, và cả ở Nghệ An. Nhưng, nơi có đền thờ nổi tiếng và hằng năm diễn ra lễ hội lớn nhất, có sức thu hút hàng vạn khách thập phương, là vùng đất Châu Giang, quê hương của Chử Đồng Tử. Nơi đây có hai đền thờ nằm ở hai làng cùng trong một huyện, chỉ cách nhau có mấy cây số đường chim bay, và mỗi nơi gắn liền với một mảng đời của nhân vật.

Đền thờ ở làng Đa Hòa, là nơi mở đầu cho thiên tình sử diễm lệ Chử Đồng Tử - Tiên Dung. Đền thứ hai ở xã Dạ Trạch, theo truyền thuyết, là nơi Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân "hóa", tức là bay về trời.

1- Đền Chử Đồng Tử ở Đa Hòa

Theo truyền thuyết, đền Đa Hòa có từ thời Hùng Duệ Vương, sau khi Chử Đồng Tử và Tiên Dung bay về trời, vua Hùng đã đến chỗ con ở, đứng trước Đầm Nhật Dạ, nhà vua hối hận, thương con nên phong tước Chử Công cho Chử Đồng Tử và cho lập đền thờ. Từ đây đến Chử Xá (quê của Chử Đồng Tử) không xa. Đền Đa Hòa đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa từ năm 1962.

Đền Đa Hòa được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng rộng hơn 18.000 mét vuông, mang nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc thời Nguyễn. 18 ngôi nhà lớn, nhỏ có nóc hình con thuyền mũi cong- biểu tượng của sông nước, mái lợp ngói vẩy cá, bên trong kèo, cột, cửa võng, hương án đều chạm trổ rất tinh vi. Di tích chia làm 2 khu. Khu ngoài không có tường bao, rộng khoảng trên 7.000m2, có nhà bia, có cửa trổ ra bốn hướng, nằm dưới bóng đa cổ thụ, phía trước là dòng sông Hồng mênh mông. Khu trong gồm có Ngọ Môn, nhà Đại tế, tòa Thiên Hương, cung Đệ nhị, Đệ tam. Các pho tượng của Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân được đúc bằng đồng, mặt được sơn màu da, kẻ mắt, có độ cao bằng nhau, được đặt ở hậu cung.

Trước 1945, cứ 3 năm một lần, đền Đa Hòa mở hội hàng tổng từ 10 đến 15 tháng ba âm lịch. Trong ngày hội, có tổ chức lễ rước kiệu của tám làng thuộc tổng Mễ Sở cũ về Đa Hòa để trình đức Thánh. Tiêu biểu và đông vui nhất trong năm tại đền là lễ hội Rước nước, tổ chức vào tháng giêng sau Tết âm lịch. Ngoài sự tham gia của các làng lân cận, còn có hàng nghìn khách thập phương từ các nơi khác đổ về. Lễ diễn ra trong 3 ngày.

Sau buổi khai mạc ôn lại truyền thuyết về cuộc đời và những hoạt động của Đức Thánh Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân là lễ Rước nước, tức lấy nước từ giữa dòng sông Hồng đem về đền để tắm tượng (mộc dục).

Đi đầu đám rước là hai con rồng vàng lộng lẫy do 10 người điều khiển, uốn lượn theo nhịp trống phách dồn dập. Dẫn đầu đoàn rước kiệu là đội tế nữ trong những bộ xiêm y dài, đủ mầu sắc. Tiếp theo là ban nhạc lễ, rồi đến kiệu Thánh có lọng che hai bên, cùng bát bửu, chấp kích. Ché đựng nước rước được treo bằng 4 dải lụa đỏ trên kiệu, có 8 cô gái khiêng. Từng đoàn dân chúng nối theo sau đám rước, kéo dài ra tận bến sông.

Bên kia sông, trên bãi Tự Nhiên, thuộc làng Ngự Dội, một đoàn cờ xí rợp trời đang chờ để tham gia đoàn rước về trình Thánh.

Đoàn rước được chở trên hàng chục chiếc thuyền với nguyên cờ xí và đồ tế tự. Sau tràng pháo nổi, tiếp theo mấy hồi trống cùng tiếng nhạc, đoàn thuyền bắt đầu rời bến, lượn vòng trên mặt nước như để diễn lại cảnh du ngoạn của đoàn thuyền công chúa Tiên Dung thuở nào. Khi chiếc thuyền mang ché ra đến giữa dòng để lấy nước, thì các thuyền khác lượn quanh thành một vòng tròn.

Một cụ già trên thuyền mặc lễ phục, tay cầm chiếc gáo sơn đỏ, đưa xuống dòng nước chảy, múc từng gáo đổ đầy ché. Xong việc, đoàn thuyền quay về bến cũ để trở về đền trong tiếng trống, tiếng chiêng, pháo nổ vang rền.

Lễ Rước nước đưa người xem trở về không khí của hội làng xưa. Trong bản chất, lễ này mang rõ nét tín ngưỡng cầu nước của cư dân nông nghiệp. Sau lễ dâng hương, là các trò chơi như vật võ, đánh gậy, đánh cờ người, múa sư tử... diễn ra trên sân tòa Thiên hương. Đêm đến, còn có hát cô đầu và hát chèo.

2- Đền "Hóa" Dạ Trạch

Về lịch sử ngôi đền, sách "Lĩnh Nam chích quái "ghi: Sau khi Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân bay về trời thì dân lập đền thờ, bốn mùa cúng tế. Sách "Đại Nam nhất thống chí" thời nhà Nguyễn, có đoạn: "Đền Dạ Trạch ở huyện Đông Yên... thờ Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa". Nhà nước Việt Nam đã công nhận đền Dạ Trạch là di tích lịch sử - văn hóa (1988).

Hướng đền quay về phía đông, bên trong có treo một chuông đồng lớn đúc vào năm Thành Thái thứ 14 (1902), ngoài ra còn có hai bia đá đề niên hiệu Gia Long thứ 17 (1819). Trước đền có hồ bán nguyệt, qua hồ bán nguyệt đến sân. Đền được xây theo kiểu chữ công (I), gồm 3 tòa nhà, trên mái có đắp hình long, phượng, chạm trổ tinh vi. Gian ngoài cùng là nơi đặt bàn thờ các vị thần Trời và thần Biển. Gian thứ hai là nơi phối tự, có bàn thờ công đồng, bàn thờ Thổ Công và bàn thờ Ông Bế (tín ngưỡng thờ cá nguyên thủy của cư dân đầm lầy) và bàn thờ Phật. Gian cuối nơi hậu cung, bên phải thờ hai vị thân sinh của Chử Đồng Tử, bên trái là bàn thờ Triệu Việt Vương, chính giữa là 3 pho tượng đức Thánh Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và Tây Cung.

Tại đền "Hóa" Dạ Trạch, hằng năm vẫn tiến hành việc thờ cúng vào các ngày:

- Ngày sinh Chử Đồng Tử: 12-8 âm lịch.
- Ngày "hóa" (cả ba vị bay về trời): 17-11 âm lịch.

Nhưng lễ hội chính tưng bừng náo nhiệt nhất, thu hút khách thập phương đông nhất, được mở vào các ngày 10, 11, 12 tháng hai. Mở đầu là lễ Rước nước. Về cơ bản, các nghi thức cũng giống như đã diễn ra ở đền Đa Hòa (như đã nói trên) chỉ có thêm một số chi tiết như: đi theo sau kiệu Thánh có 3 cặp "con ** đánh bồng" vừa đánh trống, vừa múa rất dẻo. Trong lễ dâng hương tại đền có thêm tiết mục múa sinh tiền và múa cánh tiên. Sang ngày thứ hai, có tổ chức đám rước "Phát du" (rước kiệu Thánh đi du ngoạn) từ đền tới làng Đông Kim, quê hương bà thứ, vòng qua khu đầm Nhất Dạ, rồi trở về.

* * *

Lễ hội Chử Đồng Tử - một trong những vị thánh được tôn vinh là "Tứ bất tử" trong tâm thức của người Việt bao đời nay - tổ chức ở hai đền Đa Hòa và Dạ Trạch, tuy có chênh nhau về thời gian mở hội, nhưng đều chứa đựng một ý hướng chung là để tưởng nhớ công lao của một anh hùng văn hóa và anh hùng khai phá đã từng góp phần to lớn trong việc ổn định đời sống của một cộng đồng dân cư trên dải phù sa màu mỡ bên bờ sông Hồng.

"Chiếc áo khoác" của thiên tình sử thơ mộng say đắm, đầy khát vọng nhân bản cùng với bao nhiêu truyền thuyết vừa ảo, vừa thực, đan xen vào nhau, đã tạo thêm sức hấp dẫn của một lễ hội diễn ra ở một vùng quê có sông rộng, bãi dài, đầm nước, bóng đa cổ thụ, đền miếu trang nghiêm với làng mạc trù phú của một vùng châu thổ.

Hình ảnh Chử Đồng Tử đã đi vào tâm thức dân gian, có sức trường tồn qua bao biến thiên của lịch sử, vẫn còn giá trị là một điểm tựa tinh thần đầy sức sống của cư dân nơi đây trong cuộc sống hôm qua và cả hôm naỵ


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #13
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.761.496
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Lễ hội cờ lau Hoa Lư



Đinh Bộ Lĩnh quê ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã dẹp yên loạn 12 sứ quân vào cuối năm 967, thống nhất giang sơn về một mối. Năm 968, ông lên ngôi Hoàng đế, gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Để kỷ niệm 1030 năm nước Đại Cồ Việt ra đời, và tưởng nhớ công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng, từ 8 đến 13 tháng 3 âm lịch vừa qua, nhân dân Ninh Bình đã tổ chức Lễ hội cờ lau Hoa Lư tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư- nơi Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng kinh đô.

Lễ hội diễn ra ở 2 đền thờ Đinh, Lê. Ngày mở đầu hội, nhân dân khởi hành từ đền vua Đinh ra sông Hoàng Long lấy nước về tế lễ (sông Hoàng Long là nơi vua Đinh thường ra tắm khi còn nhỏ). Theo truyền thuyết, khi Đinh Bộ Lĩnh ở với chú là Đinh Thúc Dự, bị chú cầm gươm đánh đuổi vì đã giết của ông một con trâu khao lũ trẻ chăn trâu. Khi Đinh Bộ Lĩnh chạy vào núi Trường Yên trốn tránh, trên đường gặp dòng sông chắn ngang, không đi qua được, ông bèn gọi anh Long là người chèo đò lúc bấy giờ nhưng không có, tức thì một con rồng vàng nổi lên làm cầu để Đinh Bộ Lĩnh đi qua bên kia sông. Thấy vậy, người chú kinh hoàng, cắm gươm xuống chân núi bên sông rồi lạy như tế sao. Con sông đó sau được gọi là Hoàng Long. Quả núi mà ông chú cắm gươm xuống cũng được gọi là núi Cắm Gươm.

Đi lấy nước thánh là tưởng nhớ người xưa, nhưng cũng là sự cầu mong mưa thuận gió hòa để nhân dân cày cấy đủ nước, làm ăn thịnh vượng.

Đoàn rước nước, đi đầu là cờ quạt rồi đến phường bát âm, tiếp theo đến kiệu rồng, trên đặt một cái chóe để đựng nước sông Hoàng Long. Mọi người đi rước nước đều mặc trang phục thống nhất: nam mặc quần trắng, áo the, thắt lưng xanh, đỏ. Những người cầm cờ đội thêm chiếc nón nhỏ. Đi theo sau kiệu, là một cụ già cao tuổi mặc áo thụng tế màu lam cùng với một nhà sư hoặc một người có quyền thế nhất ở làng.

Đến phần hội, ngoài những trò như: thi vật, thi bơi chải, thi thổi cơm, múa lân, múa rồng, cờ người... còn có trò cờ lau tập trận và kéo chữ.

Đội quân cờ lau gồm các thiếu niên từ 14 đến 16 tuổi chia làm hai toán. Một bên mặc quần đùi xanh có nẹp đỏ, áo màu xanh lá cây, đội nón lá; một bên cũng quần đùi xanh nhưng mặc áo màu trắng. Cả hai toán đều giắt hai bông lau bắt chéo nhau ở sau lưng, tay cầm gậy. Mỗi toán đều có tướng chỉ huy. Tướng cầm kiếm, đội mũ bằng lá mít hay lá dừa.

Riêng tướng đóng vai vua Đinh phải khôi ngô tuấn tú, mặc quần đen có sọc đỏ, đội mũ Bình Thiên bằng rơm, tay cầm thêm bông lau ngồi trên con trâu béo khỏe. Hai phe dàn quân tập trận. Đội này tiến, đội kia lùi. Nhạc đệm có trống, chiêng, thanh la, kèn.

Sau đó, đến trò kéo chữ "Thái Bình", thể hiện niềm mong ước nền thái bình muôn thuở của nhân dân.

Năm ngày hội là những ngày vui, nhộn nhịp, sôi động, thể hiện tinh thần thượng võ, mang tính nhân văn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.


Lã Đăng Bật
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #14
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.761.496
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Lễ hội cúng biển ở Mỹ Long



Hàng năm, cứ vào ngày 11 và 12/5 âm lịch, hàng vạn người từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh Trà Vinh tề tựu về xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) để dự lễ hội cúng biển của dân địa phương. Lễ hội được ngư dân tổ chức linh đình tại Miếu Bà Chúa Xứ với nhiều nghi thức vui lạ thu hút sự hiếu kỳ của du khách gần xa.

Buổi sáng ngày 11/5 âm lịch, ban tổ chức làm lễ nghinh Chúa Xứ Nguyên nhung, trong đó có cảnh cha con Quan Vũ mở đường cho phu kiệu đưa bà xuống thuyền. Những nhân vật Quan Công, Châu Xương, Quan Bình do những kép hát bội được rước từ Bến Tre sang; có hai thuyền phò tá hai bên và những thuyền khác hộ tống phía sau. Thuyền ra khơi, diễu hành trên biển trông rất ngoạn mục. Vị pháp sư sẽ đọc cú còn ông Chánh bái thì vừa quỳ vừa xin keo, cho đến khi được quẻ âm dương (1 sấp, 1 ngửa), coi như được bà cậu chứng giám (?!) thuyền mới quay về.

Đến chiều, khi mặt trời lặn là bắt đầu vào lễ tế Chúa Xứ Nguyên nhung, có hương chức đọc văn tế và lễ xướng. Trong dịp này có tiết mục rất là sôi động, đó là màn múa bông của các cô bóng từ nhiều nơi tựu về. Họ cùng nhau tranh tài múa hát dâng mâm vàng mâm lộc cho bà khiến du khách có cảm tưởng đây là "Đại hội liên hoan các bóng miền Tây". Múa bóng gần đây được xét lại là một nghệ thuật nhờ sự khổ luyện và tách khỏi yếu tố thần bí dị đoan nên được ưa chuộng.

Ngày thứ hai (12/5 âm lịch) có lễ nghinh Ngũ phương. Lần này thì kiệu đi đường bộ, vừa đi vừa đánh trống vòng qua 4 hướng qua chợ Mỹ Long và các ấp lân cận. Hai bên đường kiệu đi, theo tập tục nhà nào cũng đặt những chung muối gạo trước cửa với ý nghĩa cúng cô hồn, sợ chúng vào nhà quấy nhiễu. Trong đoàn có ông Quan Công ngồi trong giá thờ được dân làng khiêng đi. Ông Quan Công này do một kép hát bội tên Thơ (82 tuổi) trước đây thường đóng vai vua trong các vở tuồng nên dân làng quen gọi là vua Thơ, mấy chục năm cứ vào dịp này là vua Thơ vẽ mặt y hệt như Quan Thánh Đế quân ngồi kiệu, nay ông đã già nhưng vẫn còn oai phong.

Đúng ngọ ngày 12, ban tổ chức đặt heo quay lên chiếc tàu, có đáy kết bằng chuối cây, vỏ tàu bằng nan tre, được dán giấy vẽ màu giống như tàu thật, trong tàu có đủ tài công, thủy thủ và các vật dụng đi biển làm bằng giấy. Khi tàu chở đầy đủ lễ vật: heo cúng, gạo, muối; lúc đó vị pháp sư "điều binh khiển tướng" xuống tàu chở "chư vị" ăn uống no say để tống ra khơi. Tàu dần trôi theo dòng nước - chuông trống vang lên. Đến khi trên bờ không còn thấy nữa thì một hồi trống kết thúc buổi lễ này.

Có lẽ trước đây người dân miền biển nặng đầu óc mê tín, tổ chức cúng kiến để mong được sự bình yên trong cuộc sống. Ngày nay dường như lễ được tổ chức là để mọi người trong làng có dịp vui chơi cùng nhau, những nghi thức được xem như những tiết mục đặc sắc trong một sân khấu lớn mà mọi người trong làng cả năm mới được tái diễn. Do vậy, những du khách từ Trà Vinh đến TP.HCM không quản ngại đường xa đã đến chung vui với ngư dân vùng biển Mỹ Long này.


Lương Minh

Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #15
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.761.496
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Lễ làm chuồng trâu của người Xơ-Đăng



Vùng phía đông của huyện Kon Plong của tỉnh Kon Tum (Đông Trường Sơn) gồm các xã: Măng Búk, Măng Cành, Ngọc Tem, Đắk Rin, Bờ Ê, Xã Hiếu... Điều kiện tự nhiên ở đây có nhiều khác biệt so với vùng Tây Trường Sơn, khá thuận lợi cho việc phát triển đàn trâu. Tại vùng này, liên quan đến nuôi trâu có một lễ hội lớn hằng năm: đó là lễ hội làm chuồng trâu (cọ via kơ pơ).

Có dịp đi một số xã phía đông của huyện Kon Plong, chúng tôi nhận thấy, lễ làm chuồng trâu có ở hầu khắp các xã, song chỉ thật sự đậm nét, tiêu biểu ở xã Măng Búk, nơi tập trung khá đông đàn trâu trong vùng. Tuy không dùng trâu để cày bừa như các nơi khác, song đồng bào ở Mang Búk đã biết tận dụng sức trâu để quần ruộng trước khi gieo mạ hoặc cấy. Nhìn chung, việc chăn nuôi trâu chủ yếu để bán cho dân các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi và khu vực quanh vùng.

Lễ làm chuồng trâu được tổ chức mỗi năm một lần vào khoảng tháng 2 dương lịch. Chuồng trâu có thể được làm to nhỏ khác nhau, tùy thuộc vào số lượng trâu của gia đình hoặc nhóm gia đình (nếu làm chung một chuồng). Song nhìn chung, chuồng thường có kích thước khoảng từ 4 x 6 m đến 8 x 12 m. Chuồng không lợp mái mà chỉ là một bãi đất trống được đóng cọc. Vị trí làm chuồng không phụ thuộc vào hướng mà chỉ cần xa nhà ở (cách làng khoảng một đến vài trăm mét). Mảnh đất được chọn làm chuồng trâu cho mỗi năm là chỗ đất mới, còn chuồng trâu cũ thì bỏ đi và thường được rào lại làm một mảnh vườn trồng các loại rau (rau cải, rau bí, rau muống) hay thuốc lá...

Trước khi tổ chức làm chuồng trâu, cả làng họp bàn và thống nhất cùng làm trong một ngày nhất định.

Để làm chuồng trâu, đồng bào thường chọn các loại gỗ bền như giẻ, xa... Họ tránh dùng các loại gỗ "ơ nụi, hiềm, tơng nỏng kiếc..." vì quan niệm, thứ gỗ này sẽ làm cho trâu chậm lớn. Các cây cọc (long via) thường có đường kính 4 -5 cm, dài khoảng gần 2 m. Những cột chính (long dang) có đường kính 10 - 15 cm, và được đục lỗ để xỏ các cây ngang (ca mưa).

Tuy chuồng trâu được làm đơn giản, song nghi lễ làm chuồng lại được tiến hành khá long trọng.

Ngày làm chuồng trâu là ngày hội của cả làng. Khoảng 6 - 7 giờ sáng, công việc làm chuồng trâu bắt đầu. Mỗi thành viên trong gia đình đều làm một công việc nào đó: đàn ông đào hố chôn cột và cọc; phụ nữ, trẻ em thì vận chuyển các cột, cọc đến vị trí làm chuồng.

Công việc được tiến hành khẩn trương. Các hố đào đến đâu sẽ có người chôn cột và cọc đến đó. Các cây cọc được chôn cách nhau khoảng 20 - 30 cm và được buộc giằng với các cây ngang (ca mưa). Dây buộc là các loại dây rừng, như dây mây, "xay cộng", "xây rắc". Giữa các hàng cọc, cách khoảng 1 m được chôn 1 cây cột (long dang) để tăng độ vững chắc cho chuồng trâu.

Chính giữa chuồng trâu được chôn một cây cột gơng. Trên cột, người ta buộc nhiều chùm sợi pung (sợi tua lồ ô) và những chùm lá tang (một loại lá có mùi thơm) với ý nghĩa tránh ma quỷ, tránh điều xấu cho đàn trâu.

Ở bốn góc chuồng trâu, trên bốn cây cột được gài những chiếc ná nhỏ và mũi tên chĩa ra ngoài. Dọc thân cột, người ta còn buộc những chùm lá coọc dinh. Tất cả cũng với ý nghĩa tránh điều xấu làm hại đàn trâu.

Ở góc của cửa ra vào chuồng trâu, sát vách phía ngoài, đồng bào rào rất kỹ một mảnh đất nhỏ chừng 50 cm2, trong đó họ đổ đất và phân trâu khô lấy ở chuồng cũ và trồng một thứ cây thuốc có củ giống củ giềng, tiếng địa phương gọi là "dum pô kiêng". Theo quan niệm của đồng bào, nếu cây thuốc tốt, mọc nhánh nhiều thì đàn trâu sẽ sinh sôi phát triển.

Công việc làm chuồng đến khoảng 1 - 2 giờ chiều là xong. Các gia đình lùa đàn trâu vào chuồng. Trong khi lùa trâu người ta cố ý lùa con trâu to nhất, đẹp nhất đàn vào trước với những mong ước tốt lành. Việc làm chuồng đã hoàn tất, phần nghi lễ tiếp theo bắt đầu.

Lễ vật dùng trong lễ làm chuồng trâu thường là heo, gà và rượu.

Khi con gà đầu tiên được cắt tiết, mọi thành viên trong gia đình (hoặc các ông chủ của các gia đình, nếu làm chuồng trâu chung) lần lượt sờ vào con gà. Sau đó chủ nhà cầm con gà vẩy máu vào chuồng trâu, vẩy vào bụi cây "dum pô kiêng". Vừa vẩy, ông vừa khấn, đại ý: "... Chúng tôi làm chuồng mới cho trâu, để trâu có nhà mới ở. Mong trâu khỏe mạnh sinh đàn đẻ lũ, đừng có ốm yếu, khi ăn tránh đá lăn cây đổ...". Tiếp theo, ông chặt phần đầu gà, hai chân gà và phần phao câu (vẫn còn cả lông) rồi buộc lại, treo ở cửa chuồng trâu, với ý nghĩa dành phần cho ma chuồng trâu.

Tiếp đó, các con gà khác cũng được cắt tiết. Mọi thành viên trong gia đình, từ cụ già đến em bé đều lần lượt cầm con gà đã cắt tiết để vẩy máu vào chuồng trâu và vào từng con trâu.

Sau khi đã thực hiện xong nghi lễ, họ đem heo, gà về nhà chế biến món ăn, cùng nhau uống rượu, vui vẻ cả buổi chiều và tối hôm đó. Đêm ấy thật sự là lễ hội của làng. Người ta có thể uống rượu, hát, đánh chiêng cho đến sáng.

Hôm sau, ông chủ nhà ra chuồng trâu, đem theo một con gà và ba ống nứa, mỗi ống dài chừng 50cm. Ông chẻ các ống nứa làm đôi và sau đó lần lượt khấn để chọn hướng "xuất hành" cho đàn trâu. Ông ngồi trước cửa chuồng trâu và thử từng cặp (hai mảnh) ống nứa. Cứ mỗi cặp ông đặt một nửa ở dưới đất, với phần lòng máng ngửa lên; nửa còn lại, ông cầm lên đặt ngang trán, miệng khấn xem trâu muốn đi ăn nơi nào (đồi này hay đồi kiạ..) rồi vừa hỏi vừa khẽ thả ống nứa xuống. Nếu hai nửa ống nứa cùng ngửa thì hướng đó trâu không muốn; còn nếu nửa nọ úp vào nửa kia thì coi như trâu đã đồng ý với hướng ấy.

Sau khi cắt tiết gà và cúng, ông chủ nhà cột con gà vừa cắt tiết treo ở chính giữa cửa chuồng trâu rồi lần lượt cho từng con ra khỏi chuồng. Mỗi con đều phải quệt lưng vào con gà đã hiến sinh. Đến đây công việc làm chuồng trâu và nghi lễ đã xong. Ngày hôm đó, họ thả trâu đi ăn.

Mỗi năm, ngày làm chuồng trâu cũng là dịp để ông bà, cha mẹ chia trâu cho con cái trong gia đình. Nếu chủ nhà muốn chia trâu cho một thành viên nào đó, trước hết họ chọn con trâu định cho, rồi đưa củ "dum pô kiêng" cho người đó và bảo ném vào con trâu định cho. Nếu trúng (mà thường thì trúng, bởi khoảng cách từ người ném tới con trâu trong chuồng khá gần) thì coi như người, trâu và "giàng" đều đã ưng thuận. Sau khi được chia trâu, người được chia sẽ về nhà làm thịt một con gà và lấy một ghè rượu để tạ lễ người đã cho mình.

Lễ chiếm vị trí quan trọng trong đời sống của đồng bào nơi đây. Từ lễ hội này, mối liên kết cộng đồng càng được củng cố và phát triển.


Vũ Thị Mai
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #16
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.761.496
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Người Lô Lô với lễ cầu mưa


Từ Lũng Cú tới Xín Cái - Mèo Vạc (Hà Giang) là các bản làng của gần 1.200 đồng bào Lô Lô. Nơi hành lễ là khu sân rộng giữa bản. Đồ tế lễ trong hội cầu mưa phải có rượu ngô, chó, gà; một thanh kiếm (có thể bằng sắt hoặc gỗ); một bát nước; bốn chén rượu, bốn ống hương bằng tre tượng trưng cho bốn phương trời và vật không thể thiếu trong tất cả các cuộc tế lễ của đồng bào Lô Lô- đó là trống đồng. Trống của người Lô Lô có hai loại, trống đực và trống cái, trống đồng như báu vật linh thiêng của cha ông để lại.

Đồ tế bày trong một cái mẹt, trên giá đỡ, thầy mo bắt đầu hành lễ. Tay phải ông cầm kiếm nâng lên, hạ xuống theo nhịp khấn, tay trái ông đánh trống đồng, miệng lầm rầm cầu khấn thần Kết Dơ (hai vị đứng đầu, cai quản trời đất). Cầu thần phù hộ cho mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hoà, làng bản no ấm.

Cúng xong, dân bản quây quần uống rượu, múa hát xung quanh bàn lễ. Những làn điệu dân ca Tế Phua, Tế La, Hồ La Tế, Ta Sì Phua chan chứa tình yêu quê hương, hạnh phúc lứa đôi. Ngày hội cầu mưa, người già gặp nhau nói chuyện nhà, chuyện trồng cây, cấy lúa, chăn nuôi, chọn rể, cưới dâu. Với đám thanh niên, đây là dịp tìm người yêu qua câu hát giao duyên, bằng tiếng sáo cờ lé, sáo đôi. Các cô gái Lô Lô rực rỡ trong bộ váy áo mới, thêu hoa văn rực rỡ. Áo cổ vuông, tay áo được ghép bằng nhiều mảnh vải màu khác nhau, váy dài có thêu xanh, đỏ, vàng? trên nền vài chàm xanh. Dây lưng thêu hoa có tua rua sặc sỡ. Kết hợp với bộ trang phục truyền thống là những vòng cổ, vòng tay bằng bạc lóng lánh.

Lễ hội cầu mưa của đồng bào Lô Lô mang tính tín ngưỡng phồn thực khá phổ biến ở các cư dân nông nghiệp. Vào dịp tổ chức lễ hội, hầu như mọi sinh hoạt của người Lô Lô đều hướng vào việc cầu mưa. Họ tâm nguyện, cầu khấn, ước ao những hạt mưa rơi xuống tưới tắm cho cánh đồng Mèo Vạc ngày càng xanh tốt, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.


Hải Vân
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #17
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.761.496
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Về Khoái Châu, đi lễ hội Chử Đồng Tử


Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung là một trong hàng loạt lễ hội lớn, đầy màu sắc được tổ chức tại miền Bắc nước ta sau tết cổ truyền. Hằng năm từ 10 đến 15-2 âm lịch, lễ hội diễn ra tại hai đền thờ lớn thờ Chử Đồng Tử là Đa Hòa và Dạ Trạch đều thuộc địa phận huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và đều được xếp hạng di tích quốc gia từ lâu.

Đa Hòa nằm sát bờ sông Hồng, nhìn xuống một bãi cát được gọi là bãi Tự Nhiên mà tương truyền ở bãi cát ấy, khi công chúa Tiên Dung - con vua Hùng thứ 18 - vào một ngày đẹp trời dạo thuyền trên sông Hồng đã truyền cho thị nữ quây màn bên những khóm lau ở bãi cát vàng mịn để nàng tắm, chẳng dè chính nơi ấy chàng Chử Đồng Tử nhà nghèo kiết xác không có cả chiếc khố che thân đang giấu mình dưới cát, và thế là duyên trời đã định, Tiên Dung nhận Chử Đồng Tử làm chồng.

Đền Đa Hòa được nhà thơ - tiến sĩ đệ tam giáp Chu Mạnh Trinh tạo dựng vào thế kỷ 19 bằng tấm lòng của một thi nhân ngưỡng mộ mối tình kỳ ảo Chử Đồng Tử - Tiên Dung và tình yêu quê hương. Và chính Chu Mạnh Trình được thờ làm thần hộ đền, một ngôi đền tuyệt đẹp về kiến trúc và cả cảnh quan. Mùa lễ hội, có năm những cây gạo dẫn vào đền nở hoa đỏ rực bên những hàng nhãn lâu năm vẫn cho quả ngọt, thứ nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng từ lâu.

Đền Dạ Trạch còn gọi là đền Hóa, gắn với một địa danh lịch sử là đầm Dạ Trạch, căn cứ chống giặc Lương phương Bắc của người anh hùng Triệu Quang Phục (Dạ Trạch Vương). Đầm Dạ Trạch còn gọi là đầm Nhất Dạ (một đêm) là nơi Chử Đồng Tử - Tiên Dung đã bay (hóa) về trời trong đêm quân tướng vua Hùng kéo đến vây bắt đôi vợ chồng bị coi là phản nghịch; giữa đêm cả tòa thành của họ biến thành một đầm nước mênh mông. Sau vua Hùng cảm động trước tấm lòng đôi vợ chồng trẻ, cho lập đền thờ nơi đây; chính là đền Hóa ngày nay mà sau nhiều lần trùng tu, đền vẫn còn giữ được vẻ đẹp cổ kính.

Lễ hội được tổ chức ở cả hai đền, với lễ rước trên đê sông Hồng suốt một quãng dài nhiều cây số tạo thành một khung cảnh hoành tráng. Ngoài ra còn có lễ rước nước sông Hồng về đền, các hoạt động thi đấu cờ người, đấu vật, kéo co, thả đèn trời, hát ca trù, chầu văn, quan họ, trống quân...

Để chuẩn bị cho lễ hội năm nay, huyện Khoái Châu đã đầu tư khá chu đáo. Các con đường từ đê sông Hồng dẫn vào các đền Đa Hòa, Dạ Trạch đã được mở rộng, tôn cao đón du khách khắp nơi đổ về những ngày này.


Diên Vỹ

Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #18
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.761.496
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 

Xuân về trẩy hội Cổ Loa


Tôi đến lễ hội Cổ Loa vào đúng ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch, mặc dù hôm sau mới là ngày hội chính, nhưng hôm nay du khách đã về rất đông. Ở khu Đền Thượng, nơi thờ cúng An Dương Vương, cũng là nơi tổ chức chính lễ hội, cho đến khu đình là nơi ngày xưa các quan họp bàn và điếm thờ Mỵ Châu, đều đã nghi ngút khói hương Phía trước khu đình này còn có điếm thờ vị tướng Cao Lỗ. Bao quanh là các đường thành đắp bằng đất vẫn còn dấu tích. Thành được thiết kế ba vòng, chia ra Thành nội, Thành trung và Thành ngoại với chu vi 17 km. Người xây thành thời An Dương Vương đã biết dựa theo thế đất, theo địa hình, địa vật để thiết kế. Ở những nơi có sông được đắp đất bên trong, lấy con sông làm hào nước để ngăn chặn quân địch. Do thực tế chống xâm lược, các vòng thành được xây dựng cách nhau rất rộng về phía Bắc và phía Đông, đây là hai hướng mà quân xâm lược phương bắc thường hay tấn công. ở phía Nam có con sông Hoàng chảy qua, nên vòng thành áp gần con sông đó. Thành Cổ Loa còn được gọi là "Thành ốc" vì các đường thành tạo ra các đường vòng tròn hình trôn ốc...

Từ truyền thuyết dân gian An Dương Vương xây dựng thành, các nhà khảo cổ học đã khai quật một đoạn thành và phát hiện ra nhiều điều lý thú. Do ban đầu An Dương Vương từ vùng núi Bạch Hạc (Việt Trì) di chuyển xuống đồng bằng nên chưa có kinh nghiệm xây thành. Thành xây sát hồ nước và đầm lầy, thành đắp cao, hào đào sâu, nên khi nước lên tường thành bị sụp đổ. Sau đó những người thợ xây thành đã biết trộn phế liệu của các lò gốm, gạch ngói vụn làm cho vật liệu xây thành trở nên vững chắc hơn, thành mới đứng vững được. Ngày nay ở nhiều đoạn tường thành còn sót lại đều thể hiện rất rõ kỹ thuật xây dựng tường thành thời kỳ An Dương Vương. Trong gian trưng bầy các hiện vật tại đình Cổ Loa mà các nhà khảo cổ khai quật được ở đây cho thấy thành Cổ Loa hội tụ nhiều giai đoạn lịch sử của thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt ở Việt Nam.

Lễ hội Cổ Loa năm nay ngoài việc tế lễ như mọi năm, tổ chức nhiều trò chơi dân gian: bắn nỏ, ném còn, đu truyền thống, chơi chọi gà... còn có những trò chơi hiện đại khác như bóng chuyền, cầu lông. Ngoài ra còn tổ chức hội thi nấu ăn các món ăn truyền thống... Du khách đến Cổ Loa được thưởng thức món bún rau cần của làng Mạch Tràng, nước làm bún lấy từ nước giếng Trọng Thuỷ, tạo nên một thứ bún không trắng ngần như ta thường thấy ngoài chợ, mà sợi bún hơi đen và dai hơn, ăn cùng với nem cuốn sống hay đậu phụ chấm mắm tôm. Một điều thú vị hơn cho du khách khi đến với lễ hội Cổ Loa là được thưởng thức nghệ thuật múa rối và những làn điệu quan họ từ vùng khác đến góp vui.

Theo đánh giá của nhiều cụ già ở xã Cổ Loa thì trước đây lễ hội Cổ Loa có bát xã (tám xã) tham gia lễ bái theo tục cổ trong một không khí trang nghiêm. Việc tuyển chọn cụ Đám phải được dự kiến và gieo tiền khất keo (tức là Thánh ứng đồng sấp, đồng ngửa) mới được làm cụ Đám. Cỗ Bỏng (Bỏng Chủ) được trộn với mật và dùng khuôn nén thành bánh... Rước các cỗ vật cũng rước từ các thôn đến đền thờ An Dương Vương. Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ mùng 6 đến ngày mùng 9, có năm kéo dài đến 12 ngày. Vài năm trở lại đây vì điều kiện khách quan mang lại nên lễ hội tổ chức ít ngày hơn và cỗ vật chỉ được rước vòng quanh hồ trước đền thờ An Dương Vương...

Ông Trương Văn Vịnh, thành viên Ban tổ chức lễ hội Cổ Loa năm 2003 cho biết: Năm nay, công tác bảo vệ lễ hội có nhiều tiến bộ. Những hàng quán lớn nhỏ, các quầy trò chơi xổ số, điện tử đều được sắp xếp ở trước sân khu vực phía ngoài Đình và dọc theo hai bên đường. Các điểm trông giữ xe đạp, xe máy được bố trí gần các di tích để thuận tiện cho du khách thập phương về tham gia lễ hội, đồng thời vận động bà con phát động và thực hiện nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo vệ sinh môi trường. Mặc dù lượng khách đến sớm và đông hơn so với lễ hội năm ngoái nhưng tình hình an ninh trật tự vẫn rất an toàn. Để làm tốt công tác an ninh trật tự, công an huyện Đông Anh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền xã Cổ Loa, đặc biệt là lực lượng công an xã kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời mọi hành vi vi phạm an ninh trật tự trong những ngày lễ hội diễn ra.

Cuối năm ngoái, trong chương trình hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Quy hoạch chi tiết khu di tích Cổ Loa đã được phê duyệt với số vốn đầu tư 300 tỷ VND. Với Dự án này, Khu di tích Cổ Loa Thành chắc chắn sẽ được khôi phục xứng đáng với vị trí lịch sử của nó. Theo đó, Lễ hội Cổ Loa sẽ trở thành lễ hội đầy ấn tượng trong những ngày xuân của đất nước.


Hữu Tiến
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 07:27
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,12397 seconds with 15 queries