Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 28-05-2003   #10
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.981
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:7444b98386]Chàng Lía[/center:7444b98386][center:7444b98386]Tác giả: Lịch Sử[/center:7444b98386]
Chiều chiều én liệng truông Mây,
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.


Ngày xưa, ở miền Bình Định, có một người đàn bà nhà quê góa chồng, sống với đứa con trai còn nhỏ tên là Lía. Mới lớn lên, Lía đã tỏ ra sức mạnh hơn chúng bạn, tánh tình ngang ngược, khảng khái. Nhà nghèo, thấy mẹ thường phải ăn uống cực khổ, Lía đi bắt trộm gà, chim về nấu cho mẹ ăn. Biết được con làm bậy, bà mẹ rầy la. Lía mới chịu thôi. Thương mẹ vất vả, Lía đi ở giữ trâu cho mỘt nhà phú hộ trong làng để lấy tiền đỡ cho mẹ già.

Thường ngày Lía học tập võ nghệ, bắt trẻ cùng lứa làm kiệu rước mình, tự xưng làm vua. Một hôm Lía bắt trâu của chủ làm thịt để khao đãi chúng bạn, bị chủ đuổi đi. Lía trở về nhà rồi nhờ mẹ già xin cho đi học ở nhà thày đồ trong vùng. Nghe Lía là đứa trẻ ngỗ nghịch, cứng đầu, thày dạy từ chối, song thấy bà mẹ già hết lời van nài và Lía tự nguyện sửa đổi tính nết nên rốt cục cũng nhận cho vào hàng môn đệ. Học tập được ít lâu, Lía chia học trò ra làm hai phe, làm náo động cả trường. Lía lại cầm đầu một nhóm bạn học trường đêm đi bắt súc vật, lấy của cải các nhà giàu đem về giúp mẹ già và phân phát cho những người nghèo khó ở xóm làng. Hành động quấy rối của Lía khiến thày đồ sợ vạ lây, phải mời bà mẹ đến để trả Lía về nhà.

Lía đã khôn lớn, thêm tin ở tài sức mình, thường ngày gặp việc bất bình là ra tay can thiệp, đương đầu với các kẻ thế lực dùng oai quyền, tiền bạc hiếp đáp dân lành. Một hôm Lía lên tỉnh, khôn khéo vận động vào làm thuộc hạ một viên đội tâm phúc của quan tỉnh. Từ đó, Lía chuyên lo tập luyện võ nghệ, học hành kinh sử, hy vọng một ngày kia đỗ đạt làm quan, để làm vui lòng mẹ già.

Đến kỳ thi, mặc dầu văn võ tinh thông, Lía làm bài đều đúng cả, song vì không chịu mang tiền đút lót như mọi người, Lía bị viên chánh chủ khảo đánh hỏng. Tức giận, Lía kéo đồ đảng đến nhà viên chánh chủ khảo kể tội rồi chặt đầu viên quan hối lộ, đoạn bắt luôn người vợ lẽ đem đi. Bị quan quân truy nã, Lía chiếm lấy một vùng hiểm trở tựa vào rừng núi làm căn cứ.

Từ khi ra mặt chống lại triều đình, Lía ngang dọc vùng vẫy một phương trừ gian diệt ác, lấy của nhà giàu giúp người nghèo, tiếng tăm lan rộng. Nhiều kẻ bất mãn với chế độ hà khắc, bất công của vua quan thời bấy giờ theo về cùng Lía khá đông. Triều đình rao trọng thưởng tiền bạc cho ai bắt nộp được đầu Lía.

Mấy lần bị bao vây ráo riết, Lía nhờ võ nghệ cao cường, nên đều thoát được dễ dàng. Người vợ viên chủ khảo đã bị Lía giết, bấy lâu theo Lía, cố chiều chuộng hầu hạ để lấy lòng tin tưởng của chàng, đợi dịp để trả thù cho chồng cũ và lãnh thưởng lớn. Lía không dè mà lo đề phòng sẵn nên một hôm, trong lúc cùng các đồng đảng đang chè chén say sưa tại sào huyệt ở rừng sâu, thì bọn quan quân kéo đến vây bắt. Người vợ lẽ đã thừa lúc chung quanh không ai để ý, lẻn đi báo quan hay chỗ đóng trại của Lía. Phần lớn bộ hạ của Lía bất ngờ không kịp đối phó đều bị hãm hại, còn Lía nhờ tài nhảy cao, phóng giỏi nên phi thân thoát khỏi vòng vây.

Lía bị thoát nạn, son phẫn uất vì người làm bà làm nhục, đồ đảng tan rã, lại bị quan quân truy nã gắt gao. Trong lúc lẩn tránh, Lía ẩn tại nhà một ông lão nhà quê, nghĩ tức giận vì bị kế mỹ nhân, lòng tự ái bị xúc phạm, bèn lấy gươm tự cắt đầu mình trao cho ông già mang lên quan để lãnh thưởng.

Thương cho người dũng khí sa cơ, không muốn để chàng lọt vào quan quân, ông già lặng lẽ đem đầu chàng Lía bí mật đi chôn, không màng đến số tiền thưởng lớn lao của triều đình.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 28-05-2003   #11
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.981
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:d507ae014b]Vợ Thuợng Giới[/center:d507ae014b][center:d507ae014b]Tác giả: Hoang Ðường [/center:d507ae014b]
Ngày xưa, ở thượng giới, trong một bữa yến tiệc của Ngọc Hoàng khoản đãi các vị thần tiên, một cô con gái Ngọc Hoàng vô ý làm rơi chén ngọc của thiên đình vỡ tan. Ngọc Hoàng tức giận mới đày nàng xuống trần gian hóa kiếp làm người.

Thuở bấy giờ, nhà Lê đang trị vì nước Nam. Cô gái Ngọc Hoàng đầu thai sinh ra làm Công chúa. Sáng hôm nàng ra đời, tất cả hoa trong vườn thượng uyển nở đều một lượt. Công chúa lớn lên, nhan sắc diễm lệ, không có một người trần gian nào sánh kịp. Vua gả công chúa cho một viên quan trẻ tuổi, tài giỏi. Ba năm sau, bỗng nhiên công chúa lăn đùng ra chết.

Người chồng thương nhớ vợ quá, thề trọn đời không lấy người nào khác. Đến khi bốc mả cho công chúa, mở hòm ra thấy trống không, người chồng lại càng thêm đau xót, thương tiếc vợ, xin treo ấn từ quan, trở về quê ở Nghệ An.

Một hôm, người chồng đi dạo trong rừng, một mình đến giòng suối, nhìn mặt nước trong vắt mà nhớ đến đôi mắt của vợ xưa kia. Bỗng nghe có tiếng lá sột soạt, người chồng quay lại thì thấy một thiếu phụ xoay lưng đi về phía sau cây cổ thụ rồi biến mất.

Qua ngày sau, người chồng trở lại bên bờ suối, ngóng chờ một lúc thì nghe gió thoảng đưa mùi hương quen thuộc, rồi thấy công chúa vợ mình đi lại. Nàng tiết lộ cho hay tiền kiếp của mình cùng việc bị đày xuống trần, rồi bảo chồng rằng: "Khi thiếp từ trần là lúc hết hạn phải đày sống ở thế gian. Nhưng vì thương nhớ chàng, nghĩ đến chàng đau thương vò võ nên thiếp xin phép được trở lại cõ i trần. Thời gian xum họp giữa hai ta cũng chỉ có hạn định.

Người chồng quá sung sướng được gặp vợ bất ngờ, gạt qua ý nghĩ chia lìa về sau. Đến khi người vợ thượng giới sinh hạ cho chàng một đứa con trai, hạnh phúc gia đình tưởng chừng kéo dài vô hạn định.

Một tối, hai vợ chồng đang ngồi ở sân, uống trà thưởng trăng, bỗng một ngọn gió thoảng qua, nghe văng vẳng có tiếng nhạc. Người vợ rùng mình đứng lên, bảo chồng: "Thiên đình gọi thiếp về trên ấy. Xin vĩnh biệt chàng"!

Người chồng lặng yên nhìn vợ không thốt lên lời. Theo lời vợ, chàng nhắm mắt lại, đến khi mở ra thì không thấy vợ đâu nữa. Vẳng nghe điệu nhạc trên không xa dần.

Từ đó người chồng sống một mình chắm chú lo dạy con học tập, về sau hiển đạt làm quan cao.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 28-05-2003   #12
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.981
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:8002007570]Truyện Thạch Sanh [/center:8002007570][center:8002007570]Tác giả: Hoang Ðường [/center:8002007570]
Ngày xưa ở Quận Cao Bình có vợ chồng Bác tiền phu Thạch Nghĩa tuổi đã cao mà không có con. Vợ chồng ngày đêm lo buồn, càng ra sức làm việc nghĩa, như khơi cống, đào mương, đắp đường, vét giếng, cùng lo nấu nước giúp cho người qua đường uống, để mong trời trông lại mà cho một mụn con. Quả nhiên, về sau Thạch Bà thụ thai, nhưng ba năm chưa đẻ. Giữa lúc đó, Thạch Ông mất, Thạch Bà sinh hạ một đứa con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Thạch Sanh. Sau đó mấy năm, Thạch Bà cũng mất, Thạch Sanh từ đó sống côi cút trong một túp lều dưới gốc đa, chỉ có một cái khố che thân và một cái búa đốn củi. Năm Thạch Sanh mười ba tuổi, Ngọc Hoàng sai tiên xuống dạy chàng đủ các môn võ nghệ, mọi phép thần thông.

Một hôm, có anh hàng rượu tên là Lý Thông đi ngang qua đó ghé lại nghỉ chân. Thấy Thạch Sanh khỏe mạnh, lại mồ côi, có thể lợi dụng được, bèn kết nghĩa làm anh em, rồi đưa Thạch Sanh về nhà.

Bấy giờ có một con trăn tinh thường bắt người ăn thịt, quan quân mấy lần vây đánh nhưng nó nhiều phép thần thông, nên không ai làm gì được; nhà vua đành truyền lập miếu thờ, và cứ hàng năm phải nộp cho nó một mạng người. Năm ấy đến lượt Lý Thông phải đi nộp mình. Mẹ con nghe tin, hoảng hốt, bàn định mưu kế đưa Thạch Sanh đi chết thay. Chiều hôm đó Thạch Sanh đi đốn củi về thì Lý Thông đãi rượu, rồi bảo:

-"Hôm nay có việc quan trọng, triều đình cắt phiên cho anh đi canh miếu thờ, ngặt vì anh trót cất mẻ rượu, sợ hỏng việc ở nhà; mong em chịu khó đi thay anh một đêm." Thạch Sanh không nghi ngờ gì cả, thuận đi ngay.

Nửa đêm, giữa khu rừng, bỗng gió thổi cây rung, không khí lạnh buốt, Trăn tinh hiện ra, giơ vuốt nhe nanh, hà hơi tóe lửa, sấn đến định ăn thịt Thạch Sanh. Thạch Sanh bình tĩnh, hoá phép đánh nhau với Trăn tinh, hồi lâu thì yêu quái bị giết chết, hoá ra một con trăn lớn. Thạch Sanh chặt lấy đầu mang về. Ðến nhà thì hết canh ba. Thạch Sanh gọi cửa, mẹ con Lý Thông ngỡ là hồn Thạch Sanh hiện về báo oán, ở trong nhà mẹ con cứ lạy lục, khấn vái mãi. Thạch Sanh mới rõ dã tâm của hai người cố tình đưa mình đến chỗ chết, nhưng Sanh tánh hiền lành, không giận, vui vẻ kể chuyện giết trăn cho mẹ con Lý Thông nghe. Lý Thông nghe xong, nảy ra một mưu thâm độc. Nó dọa Thạch Sanh rằng Trăn tinh là của nhà vua nuôi xưa nay, bây giờ giết đi, tất thế nào cũng bị tội chết. Rồi khuyên Thạch Sanh trốn đi, để hắn ở nhà kiếm cách thu xếp trở về thôn cũ ở gốc đa. Còn Lý Thông thì đêm ngày trẩy kinh, tâu vua đã trừ được Trăn tinh và hắn được Vua phong chức đô đốc.
Bấy giờ công chúa con vua muốn kén phò mã, bảng yết khắp dân gian, điệp gửi cùng các nước, nhưng không chọn được ai vừa ý. Một hôm công chúa đi dạo vườn hoa, bỗng con yêu tinh Ðại bàng sà xuống cắp đi mất. Tình cờ đại bàng bay ngang trên cây đa có Thạch Sanh đang ngồi thẫn thờ dưới gốc cây. Thạch Sanh thấy vậy, liền gương cung bắn một phát trúng ngay vào cánh. Nhưng đại bàng rút tên ra rồi tiếp tục bay đi, Thạch Sanh lần theo vết máu đỏ, thấy đại bàng chui vào một cái hang rất kiên cố. Chàng đánh dấu lối vào hang và trở về.

Khi nghe tin công chúa bị yêu quái cắp đi mất tích nhà vua đau lòng xót ruột, truyền cho lý Thông đi tìm, hứa tìm được sẽ gả công chúa và truyền ngôi cho. Lý Thông vừa mừng vừa lo, bèn lập mưu mở hội hát xướng trong mười ngày, sức cho nhân dân đến xem mục đích để dò hỏi nghe ngóng tin tức. Tám chín ngày đã qua, mà không nghe ai nói một lời gì về chuyện đại bàng bắt người cả. Tin Lý Thông mở hội hát xướng đồn đến tai Thạch Sanh, chàng lần về thăm, gặp Thạch Sanh, Lý Thông tỏ mối lo không tìm được công chúa. Thạch Sanh thật thà mà kể lại về việc bắn trúng cánh chim. Lý Thông mừng lắm, lập tức nhờ Thạch Sanh dẫn đường, mang lính đến nơi sào huyệt của yêu quái. Thạch Sanh tình nguyện xuống hang tìm công chúa hộ bạn. Quả nhiên gặp công chúa ở đó, Thạch Sanh bèn lấy thuốc mê, bảo công chúa đưa cho đại bàng uống. Ðoạn Thạch Sanh buộc công chúa vào dây, ra hiệu cho Lý Thông ở ngoài hang kéo lên. Xong chàng sửa soạn lên theo, nhưng Lý Thông đã ra lệnh cho quân lính lấp kín hang lại mất rồi. Giữa lúc đó thì đại bàng tỉnh lại. Thấy mất công chúa, hắn nổi giận lôi đình gầm lên, vách đá ầm ầm rung chuyển. Nhưng Thạch Sanh hoá phép đánh nhau với nó, cuối cùng đại bàng bị giết chết, Thạch Sanh mò tìm lối ra, đi đến một nơi, chàng thấy có một cũi sắt trong giam một người con trai. Thì ra đó là thái tử con vua Thủy Tề, bị đại bàng giam đã ngót một năm. Thạch Sanh lấy cung vàng bắn tan cũi sắt, cứu thái tử ra. Thái tử mời Thạch Sanh về thủy cung để vua cha được đền ơn. Vua Thủy Tề mừng lắm, tặng Thạch Sanh vô số vàng bạc châu báu, nhưng chàng đều từ chối không nhận, chỉ nhận lấy một cây đàn. Xong rồi từ giã vua và thái tử, lên trần gian, về chốn cũ ở gốc đa.

Bấy giờ hồn Trăn tinh và Ðại bàng, khổ sở đói khát, đi thang lang, thất thểu, tình cờ gặp nhau, bèn bàn định mưu kế trả thù Thạch Sanh. Chúng lẻn vào kho vua ăn trộm ngọc ngà châu báu, rồi mang về để ở gốc đa, chỗ của Thạch Sanh. Thạch Sanh bị bắt hạ ngục.
Nói về công chúa, từ khi lên khỏi hang, chờ Thạch Sanh lên. Thấy Lý Thông đã lấp mất cửa hang, uất ức lên mà hóa câm. Khi trở về cung, ai hỏi gì nàng cũng không nói. Vua buồn rầu sai Lý Thông lập đàn cầu nguyện, nhưng đàn lập đã một tháng mà công chúa vẫn không nói được. Kịp đến cho Thạch Sanh bị bắt giao cho Lý Thông xét sử, thì Lý Thông bèn định tâm giết đi cho khỏi lo ngại về sau. Ngồi trong ngục. Thạch Sanh buồn tình lấy đàn ra gẩy, Không ngờ cây đàn ấy lại là đàn thần . Gẩy đến đâu đàn kể lể đến đó, nó kể rõ đầu đuôi câu chuyện, nó tố cáo tội ác của Lý Thông, nó oán trách sự hờ hững của công chúa. Nó kêu lên, nó rền rĩ, ngân nga trong cung này đến cung nọ. Công chúa ngồi trên lầu, nghe tiếng đàn bỗng reo mừng, cười nói, xin vua cha cho gọi người gẩy đàn. Vua đòi Thạch Sanh kể lại sự tình cho vua nghe, từ khi mồ côi cha mẹ, học phép tiên, kết bạn với Lý Thông, khi chém Ttrăn tinh, khi bắn đạ bàng, cứu công chúa và bị lấp cửa hang. Khi cứu con vua thuỷ tề, khi bị hồn yêu tinh vu oan giáo hoạ.

Vua liền truyền lệnh hạ ngục mẹ con Lý Thông, và giao cho Thạch Sanh được toàn quyền xử định. Thạch Sanh thương tình cho hai mẹ con Lý Thông trở về làng, nhưng dọc đường hai mẹ con gặp trận mưa giông và cả hai đều bị sét đánh chết.

Kế đó, vua cho Thạch Sanh kết hôn cùng công chúa, tin ấy truyền đi, thái tử mười tám nước chư hầu trước đã ôm hận vì bị công chúa ruồng rẫy, nay vua gả cho một thằng khố rách áo ôm, liền cất binh mã đến hỏi tội .Vua sai Thạch Sanh ra dẹp giặc. Khi giáp trận, Thạch Sanh lại đem cây đàn của mình ra gẩy. Tiếng đàn khi khoan khi nhặt, êm ấm lạ thường, khiến cho quân địch phải xúc động, người thì bồi hồi thương con, thương vợ, kẻ thì bâng khuâng nhớ tới quê hương ,không một ai còn nghĩ tới chiến đấu nữa. Thái tử mười tám nước chư hầu thấy thế khiếp sợ vội vàng xin hàng, Thạch Sanh dọn một liêu cơm nhỏ cho chúng ăn, nhưng chúng ăn mãi không hết. Chúng càng phục Thạch Sanh rập đầu lậy tạ kéo nhau về nước.

Vua liền làm lễ nhường ngôi cho Thạch Sanh. Khi lên ngôi công việc đầu tiên của Thạch Sanh là xóa thuế, phóng thích tù nhân, và khuyến khích muôn dân trăm họ theo nghề nông trang.Từ đó, nhân dân mới được yên ổn làm ăn nhà nhà được no ấm đông vui.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 28-05-2003   #13
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.981
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:5f6769111a]Thần Cuống [/center:5f6769111a][center:5f6769111a]Tác giả: Hoang Ðường[/center:5f6769111a]
Ngày xưa, tại xã Khúc Phụ, tổng Thổ Bình, châu Chiêm Hóa, thuộc tỉnh Tuyên Quang, có một bà lão góa không con, ở thôn Mô Cuống, mỗi ngày thường đến thác Cuống bắt tôm cá về ăn.

Một hôm bà lão trông thấy một quả trứng màu trắng, to gần bằng trứng gà, lấy làm sợ bèn lượm vứt đi xa. Song luôn hai ba lần, bà lão lại gặp quả trứng đó ở mấy nơi khác, bèn đem về cho gà ấp.

Lối một tháng sau, quả trứng nở ra một con vật giống hình con lươn, bà lão đem bỏ vào một chĩnh nước. Con vật chóng lớn, bà lão đưa qua một cái vại, rồi nó lớn lên chật vại, bà đem thả nó xuống suối Mô Cuống, mới hay nó là con giao long. Con vật sắc trắng này thuộc loài thủy tộc, song thỉnh thoảng lại hóa thành người nói được. Nó gọi bà lão là mẹ nuôi và bắt tôm cá về nuôi bà. Vì thế mỗi lần có cúng giỗ, bà lão đến bên giòng thác gọi: "Cuống, Cuống!", rồi thấy nó trồi đầu lên mặt nước mới bảo: "Ngày mai ở nhà có giỗ, con bắt cho mẹ một ít cá". Giao long lập tức vâng lời, bắt nhiều cá để lên bờ cho mẹ nuôi đến lấy về. Có bao nhiêu người ăn, số cá giao long cho vẫn đủ, và luôn luôn như vậy.

Về sau, có một con giao long khác, sắc đen, ở giòng thác lớn Sa Hương thuộc xã Miên Hương, cách đó mấy dặm, ngược giòng thác Cuống đến đánh nhau với giao long trắng để rồi chiếm lấy nơi này. Cuộc giao chiến kéo dài đã ba ngày, chưa rõ con nào thắng, bỗng thấy con giao long trắng chạy về nhà cầu cứu bà lão đến giòng thác để giúp nó một tay, làm theo lời nó dặn: "Lúc nào thấy thân hình đen (tức là giao long đen) trồi lên mặt nước thì mẹ lấy dao mà chém". Bà lão nghe lời con nuôi mang theo một con dao dài mài sắc, đến hôm sau, vào giờ ngọ, ra bờ thác, trông thấy hai con giao long đang đánh nhau, quấy đục cả mặt nước. bà cầm con dao chờ sẵn khi thấy thân hình đen nổi lên mặt nước, liền chém xuống thật mạnh, chẳng may lại trúng nhằm con giao long trắng. Con vật hiện lên rên xiết với bà lão, nói: "Mẹ ơi, mẹ đã chém lầm vào bụng con rồi. Số mệnh con phải chịu như vậy, xin mẹ đừng tiếc thương con". Nói xong rồi nó biến mất. Ba ngày sau xác nó nổi lên ngay chỗ ấy, dân trong vùng trông thấy vớt đem về chôn ở cánh đồng trước nhà bà lão.

Ngày nay mộ con giao long vẫn còn, người ta gọi là mộ Thần Cuống, được sùng bái coi như một vị thần, mỗi năm vào dịp tháng hai, dân ở bốn xã vùng này đều kéo nhau đến cúng lễ.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 28-05-2003   #14
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.981
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:42e34a2804]Sự Tích Trầu Cau [/center:42e34a2804][center:42e34a2804]Tác giả: Hoang Ðường[/center:42e34a2804]
Thời xưa, một nhà quan lang họ Cao có hai người con trai hơn nhau một tuổi và giống nhau như in, đến lỗi người ngoài không phân biệt được ai là anh ai là em. Năm hai anh em mười bảy mười tám tuổi thì cha mẹ đều chết cả. Hai anh em vốn đã thương yêu ngau, nay gặp cảnh hiu quạnh, lại càng yêu thương nhau hơn trước.

Không còn được cha dậy dỗ cho nữa, hai anh em đến xin học ông đạo sĩ họ Lưu. Hai anh em học hành chăm chỉ lại đứng đắn nên được thầy yêu như con. Ông Lưu có một cô con gái tuổi chừng mười sáu mười bảy, nhan sắc tươi tắn, con gái trong vùng không người nào sánh kịp.

Trông thấy hai anh em họ Cao vừa đẹp vừa hiền, người con gái đem lòng yêu mến, muốn kén người anh làm chồng, nhưng không biết người nào là anh, người nào là em.

Một hôm, nhân nhà nấu cháo, người con gái lấy một bát cháo và một đôi đũa mời hai người ăn. Thấy người em nhường người anh ăn, người con gái mới nhận được ai là anh, ai là em. Sau đó, người con gái nói với cha mẹ cho phép mình lấy người anh làm chồng.

Từ khi người anh có vợ thì thương yêu giữa hai anh em không được thắm thiết nữa. Người em rất là buồn, nhưng người vô tình không để ý đến

Một hôm hai anh em cùng lên nương, tối mịt mới về, người em vào nhà trước; chàng vừa bước chân qua ngưỡng cửa thì người chị dâu ở trong buồng chạy ra lầm chàng là chồng mình, vội ôm chầm lấy. Người em liền kêu lên, cả hai đều xấu hổ. Giữa lúc ấy, người anh cũng bước vào nhà. Từ đấy người anh nghi em có tình ý với vợ mình, càng hững hờ với em hơn trước.

Một buổi chiều, anh chị đều đi vắng cả, người em ngồi một mình nhìn ra khu rừng xa xa, cảm thấy cô quạnh, lại càng buồn tủi, vùng đứng dậy ra đi.

Chàng đi, đi mãi cho đến khu rừng phía trước mặt, rồi theo đường mòn đi thẳng vào rừng âm u. Trời bắt đầu tối, trăng đã lên, mà chàng vẫn cứ đi. Ði đến một con suối rộng nước sâu và xanh biếc, chàng không lội qua được, đành ngồi nghỉ bên bờ. Chàng khóc thổn thức, tiếng suối reo và cứ reo, át cả tiếng khóc của chàng. Ðêm mỗi lúc một khuya, sương xuống mỗi lúc một nhiều, sương lạnh thấm dần vào da thịt chàng, chàng chết mà vẫn ngồi trơ trơ, biến thành một tảng đá.

Người anh cùng vợ về nhà, không thấy em đâu, lẳng lặng đi tìm, không nói cho vợ biết. Theo con đường mòn vào rừng, chàng đi mãi, đi mãi, và sau cùng đến con suối xanh biếc đang chảy cuồn cuộn dưới ánh trăng và không thể lội qua được, đành ngồi bên bờ suối, tựa mình vào một tản đá. Chàng có ngờ đâu chính tảng đá là em mình! Sương vẫn xuống đều, sương lạnh rơi lã chã từ cành lá xuống. Chàng rầu rĩ khóc than hồi lâu, ngất đi và chết cứng, biến thành một cây không cành, mọc thẳng bên tảng đá.

ở nhà, vợ không thấy chồng đâu, vội đi tìm và cũng theo con đường mòn đi vào rừng thẳm. Nàng đi mãi, bước thấp bước cao, rồi cuối cùng gặp con suối nước sâu và xanh biếc. Nàng không còn đi được nữa. Nàng ngồi tựa vào gốc cây không cành mọc bên tảng đá, vật mình than khóc. Nàng có ngờ đâu nàng đã ngồi tựa vào chồng mình và sát đó là em chồng. Nàng than khóc, nhưng tiếng suối to hơn cả tiếng than khóc của nàng. Ðêm đã ngả dần về sáng, sương xuống càng nhiều, mù mịt cả núi rừng, nàng vật vã khóc than. Chưa đầy nửa đêm mà nàng đã mình gầy xác ve, thân mình dài lêu nghêu, biến thành một cây leo quấn chặt lấy cây không cành mọc bên tảng đá.

Về sau chuyện ấy đến tai mọi người, ai nấy đều thương xót. Một hôm, vua Hùng đi qua chỗ ấy, nhân dân đem chuyện ba người kể lại cho vua nghe và đến xem. Vua bảo thử lấy lá cây leo và lấy quả ở cái cây không cành nghiền với nhau xem sao, thì thấy mùi vị cay cay? Nhai thử, thấy thơm ngon và nhổ nước vào tảng đá thì thấy bãi nước biến dần ra sắc đỏ. Nhân dân gọi cái cây mọc thẳng kia là cây cau, cây dây leo kia là cây trầu, lại lấy tảng đá ở bên đem về nung cho xốp để ăn với trầu cau, cho miệng thơm, môi đỏ.

Tình duyên của ba người tuy đã chết mà vẫn keo sơn, thắm thiết, cho nên trong mọi sự gặp gỡ của người Việt Nam, miếng trầu bao giờ cũng là đầu câu chuyện, để bắt đầu mới lương duyên, và khi có lễ nhỏ, lễ lớn, cưới xin, hội hè, tục ăn trầu đã trở nên tục cố hữu của dân tộc Việt Nam.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 28-05-2003   #15
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.981
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:dfde705662]Tấm Cám [/center:dfde705662][center:dfde705662]Tác giả: Hoang Ðường[/center:dfde705662]
Ngày xưa, con Tấm, con Cám là hai chị em cùng cha khác mẹ. Tấm là con vợ cả, Cám là con vợ lẽ. Bố chúng nó mất rồi, mẹ con Tấm cũng mất rồi. Tấm ở với con Cám và dì ghẻ là mẹ con Cám.

Một hôm dì đưa cho mỗi đứa một cái giỏ, bảo đi bắt tôm bắt tép. Dì hứa rằng: "Hễ đứa nào bắt được nhiều thì cho yếm đỏ".

Hai đứa cùng mang giỏ đi ra đồng, Tấm bắt được nhiều, Cám bắt được ít. Cám bảo rằng: "Chị Tấm ơi chị Tấm, đầu chị lấm, chị hụp cho sâu, kẻo về dì mắng".

Lúc con Tấm hụp xuống thì con Cám ở trên bờ trút lấy cả tôm tép của con Tấm vào giỏ mình rồi mang về trước. Con Tấm lên dòm đến giỏ thì thấy mất cả, nó mới khóc hu hu lên.

Bụt hiện lên hỏi: "Làm sao con khóc"? Con Tấm kể sự tình cho Bụt nghe rồi lại khóc. Bụt bảo nó dòm vào giỏ xem có còn gì không. Con Tấm dòm vào thì chỉ thấy có một con bống mà thôi. Bụt mới bảo đem thả con bống xuống dưới giếng mà nuôi; cứ một ngày hai lần, mỗi bữa cơm đáng ba bát thì ăn hai còn bớt một bát để cho bống. Lúc đổ cơm xuống giếng thì bảo thế này: "Bống ơi bống! lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người".

Con Tấm nghe lời Bụt đem thả bống xuống giếng. Cứ đến bữa cơm nó ăn xong lại mang thùng ra giếng gánh nước, giấu bát cơm vào thùng đem cho bống. Lúc đổ cơm xuống giếng thì nói như lời Bụt dặn. Bống nghe thấy chẳng lần nào là không lội lên mặt nước để ăn.

Đến sau, mẹ con Cám biết ý mới cho đi rình. Con Cám lẻn đi thấy con Tấm đổ cơm xuống giếng và nói mấy lời như thế, thì nó học thuộc lòng lấy rồi về thưa chuyện lại cho mẹ nó nghe.

Hôm sau, mẹ con Cám bảo Tấm rằng: "Con ơi con! mai đi chăn trâu phải chăn đồng xa, chớ chăn đồng gần mà làng bắt mất trâu".

Con Tấm vâng lời, hôm sau phải dắt trâu đi chăn đồng xa, ở nhà hai mẹ con con Cám đem bát cơm ra giếng, đổ xuống đấy rồi cũng nói như con Tấm nói mọi khi. Bống lội lên mặt nước thì mẹ con con Cám bắt lấy mang về làm thịt ăn.

Đến bữa cơm, con Tấm lại cứ đem cơm ra cho bống. Nhưng bận này không thấy bống nữa, chỉ thấy cục máu nổi lên mặt nước. Nó mới khóc òa lên. Bụt lại hiện lên hỏi: "Làm sao con khóc"? Con Tấm thưa rằng: "Con nuôi bống ở dưới giếng, mọi khi cho nó ăn nó vẫn lội lên mặt nước, mà hôm nay con đem cơm cho nó, không thấy nó nữa, chỉ thấy một hòn máu". Bụt bảo rằng: "Người ta bắt bống ăn thịt rồi. Con về nhà nhặt lấy xương nó. Con mua bốn cái lọ bỏ vào đấy rồi đem chôn ở bốn góc giường con nằm".

Con Tấm nghe lời Bụt, về nhà tìm xương bống. Có một con gà bảo nó rằng: "Cục ta cục tác, cho ta nắm thóc ta bới xương cho". Con Tấm lấy thóc ném cho gà, gà bới một chỗ thì thấy xương ngay. Tấm nhặt lấy bỏ vào lọ rồi đem chôn.

Được ít lâu nhà vua có mở hội. Hai mẹ con con Cám sắm sửa đi xem. Mẹ con Cám lấy một đấu thóc và một đấu gạo, trộn lẫn với nhau, rồi bắt con Tấm phải lựa riêng ra. Dì con Tấm bảo nó thế này: "Lúc nào mày nhặt xong thì mới được đi xem hội, hễ chưa xong thì không được đi". Nói thế rồi hai mẹ con nó đi. Con tấm ở nhà khóc. Bụt lại hiện lên hỏi: "Làm sao con khóc"? Nó thưa rằng: "Con khổ quá, dì con bắt phải nhặt bấy nhiêu thóc gạo, xong thì mới được đi xem hội. Đến lúc nhặt xong thì hết hội còn gì mà xem". Bụt bảo rằng: "Để ta cho một đàn chim sẻ xuống nhặt đỡ". Con Tấm sợ chim ăn mất thì dì về nó phải đòn. Bụt lại bảo rằng: "Rồi ta cấm không cho chim ăn, con đừng lo".

Đến khi lựa riêng xong rồi, con Tấm lại khóc. Bụt lại hỏi: "Làm sao con khóc"? Nó thưa rằng: "Con không có quần áo đẹp để đi xem hội". Bụt bảo rằng: "Con đi đào những cái lọ đã chôn ngày trước lên, thì muốn quần áo đẹp thế nào cũng có". Tấm mới đào lên, thì thấy quần áo, một đôi giày và một con ngựa. Tấm mừng quá, thắng bộ vào rồi đi xem hội.

Lúc Tấm đi qua bờ hồ, đánh rơi chiếc giày, không sao lấy lên được. Một lát sau, vua ngự đến gần đấy, voi đứng dừng lại kêu rầm rĩ lên. Vua thấy sự lạ mới phán cho quân lính phải xuống hồ, xem có cái gì lạ không. Tức khắc lính xuống hồ, mò thấy một chiếc giày đàn bà đẹp lắm. Vua phán cho tất cả con gái đi xem hội ướm thử. Hễ chân ai đi vừa thì vua lấy làm vợ.

Trong đám hội ai cũng ướm cả, cả mẹ con con Cám cũng chẳng từ. Nhưng chẳng có chân ai vừa, Tấm cũng xin ướm thử. Dì nó mắng rằng: "Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh bỏ ngoài bờ tre". Đến lúc Tấm ướm thì vừa vặn. Lính thị vệ đem ngay kiệu rước về cung.

Đến ngày giỗ bố, Tấm về nhà. Dì nó bảo nó trèo lên cây cau cắt mấy quả để cúng. Lúc Tấm trèo đến ngọn cây, thì dì nó đẵn gốc. Tấm thấy động bèn hỏi: "Dì làm gì ở dưới ấy thế"? Dì nó bảo rằng: "Dì đuổi kiến cho nó khỏi đốt con đây mà". Lúc đang cắt cau thì cây đổ, Tấm ngã xuống ao chết đuối. Dì nó lấy quần áo của nó mặc vào cho con Cám rồi đưa vào cung.

Con Tấm hóa ra chim vàng anh đến đậu ở vườn nhà vua, bảo lính giặt áo rằng: "Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi hàng rào rách áo chồng tao". Một hôm vua nghe tiếng chim hót, phán rằng: "Vàng ảnh vàng anh, có phải vợ anh chui vào tay áo". Chim nhảy ngay vào, vua bắt bỏ vào lồng sơn son thếp vàng. Từ đấy cả ngày cả đêm vua chỉ chơi với chim.

Con Cám kể với mẹ, mẹ xui bắt chim làm thịt ăn. Về đến cung nó sai ngay lính giết chim ăn thịt, rồi vứt lông ra vườn. Lông chim hóa ra hai cây soan đào. Vua thấy đẹp, mắc võng vào hai cây ấy, rồi nằm chơi dưới bóng mát.

Con Cám về mách mẹ, và cứ theo lời mẹ xui, nó bắt lính đẵn cây lấy gỗ đóng làm khung cửi. Đến lúc dệt thì nghe tiếng kêu: "Kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra".

Con Cám lại về mách mẹ. Mẹ nó xui đốt khung cửi, nó cũng sai lính làm ngay. Những than tro lúc đổ ra đường lại hóa ra cây thị, chỉ có một quả đẹp lắm. Bà lão hàng nước đi qua thấy quả thị đẹp, bảo rằng: "Thị ơi thị! rụng vào bị bà, bà đem bà ngửi chớ bà không ăn". Thị rụng ngay xuống, bà ta lấy mang về nhà.

Ngày nào đi chợ sắm đồ hàng, khi về cũng thấy cơm canh để phần tươm tất lắm, bà ta lấy làm lạ. Một lần bà lão giả vờ đi chợ, đến nửa đường thì lộn về. Rón rén lại dòm vào khe cửa, thấy có một cô tiên đang làm đồ ăn, bất thình lình bà ta chạy vào, thì cô tiên lộ cơ không biến đi được. Bà ta mừng lắm ôm choàng ngay lấy. Từ đấy thương yêu nhau như hai mẹ con. Lúc bà ta đi tìm quả thị thì chỉ thấy có cái vỏ không mà thôi. Bà ta lấy xé vụn ra rồi giấu biến đi một chỗ.

Có một hôm vua dạo chơi gần đấy, thấy trong hàng có một bà lão phương phi và phúc hậu, vua mới ghé vào. Bà ta lấy trầu nước kính dâng. Vua thấy trầu têm giống như hoàng hậu têm ngày trước, phán hỏi: "Trầu này ai têm"? Bà ta tâu là của con gái têm. Vua phán muốn xem mặt, bà ta bảo ngay con ra, thì chính là vợ vua ngày trước. Vua phán bảo rước về cung, Tấm lại làm hoàng hậu.

Con Cám thấy chị xinh đẹp mới hỏi rằng: "Chị Tấm ơi, chị Tấm! chị làm thế nào mà đẹp thế"? Tấm bèn bảo: "Em có muốn đẹp không"? Cám thưa chị có. Tấm bèn sai đào một cái hố sâu và đun một nồi nước to thực sôi, rồi bảo con Cám xuống cái hố ấy. Lúc Cám bước xuống hố thì Tấm sai đổ nước sôi xuống. Con Cám chết nhăn răng ra. Xác nó bỏ vào chĩnh, làm mắm đem biếu mẹ nó, bữa nào mẹ nó ăn cũng khen ngon. Có con quạ đậu trên mái nhà, kêu rằng: "Ngon gì mà ngon, ăn thịt con có còn xin miếng"? Mẹ nó giận lắm, mắng chửi quạ rầm rĩ lên và đuổi nó đi cho mau. Đến khi ăn gần hết mắm, thấy ở đáy chĩnh có đầu lâu con, thì lăn đùng ra chết tươi.

[center:dfde705662]* * *[/center:dfde705662]
Có thuyết cho rằng Tấm Cám là nhân vật có thực ở ngoài đời, sinh vào thời triều Lý, cùng một thời với Lý Thường Kiệt, vị danh tướng đã đại phá quân nhà Tống. Đền thờ Tấm Cám gần đây còn dấu vết tại làng Dương Xá thuộc huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh. Cứ theo khẩu truyền của bô lão cùng dân trong làng và văn cứ vào ngọc phả thần tích tại đền thờ Đức Bà (Tấm Cám) và đền thờ tướng quân Lê Thiệ, là dòng dõi Tấm Cám ở làng nói trên, thì câu chuyện khác với sự tích ta thường nghe kể cùng chuyện Tấm Cám bằng văn vần.

Tục truyền rằng phụ thân Tấm Cám tên húy là Lê Đại, mẫu thân là Vũ Thị Tĩnh, kế mẫu tức gì ghẻ cô Cám (chứ không phải cô Tấm) là người họ Chu. Cô Cám còn có tên chữ là Khiết Nương. Năm Cám lên ba thì mồ côi mẹ, 12 tuổi thì mồ côi cha. Em gái Cám do Chu Thị sinh ra tên là Tấm.

Sử chép rằng vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con, đi cầu tự qua làng Thổ Lợi (sau đổi là Dương Xá) thuộc Bắc Ninh, người đi xem đầy đường. Có một cô gái đẹp đi hái dâu, thấy xa giá nhà vua đi qua, cứ đứng tựa khóm lan chớ không ra xem. Vua để ý đến người đẹp, truyền gọi vào cung, tuyển làm nàng phi, đặt tên là Ỷ Lan.

Trong lúc vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành vắng, Ỷ Lan ở nhà có mang, Dương Hoàng Hậu không có con nên sinh ghen ghét, sợ nàng sinh được hoàng nam thì sẽ được vua sủng ái cất nhắc lên hơn mình. Dương Hậu mới biên thư tâu man với vua rằng mình có thai rồi độn bụng cho mỗi ngày một lớn thêm. Đến khi Ỷ Lan sinh hạ hoàng tử, Dương Hậu liền sai người bế trộm về nuôi, và giam Ỷ Lan lại, rồi gởi giấy báo tin cho vua đang ở đất Chiêm hay là mình sinh được hoàng nam, còn Ỷ Lan thì đẻ ra quái thai, chiếu tội cung nữ đã bắt giam vào lãnh cung.

Dương Hậu muốn ngầm giết Ỷ Lan nên trong khi giam cầm ở lãnhcung, năm ngày liền bắt nàng nhịn cơm để cho chết. Ỷ Lan nhờ người thân lượm trái thị chín rụng ở gần đó trao cho ăn mà sống được cho đến khi vua Thánh Tông trở về triều.

Thái Tử con Ỷ Lan bị Dương Hậu nhận làm con mình, vua Thánh Tông cũng tin thật, đặt tên là Càn Đức. Đến khi Càn Đức lên ngôi vua, tức là Lý Nhân Tông, mẹ đẻ là Ỷ Lan vẫn bị giam cầm ở lãnh cung mà không biết. Nhờ sư cụ Đại Điên mách bảo, mấy tháng sau khi lên ngôi vua, Nhân Tông mới biết chuyện, bèn bắt tội Dương Thái Hậu và cung nữ đã gạt tiên đế mà làm tội oan Ỷ Lan Thái Hậu (Cám).

Trước đó, em Cám là Tấm vào cung thăm chị, vua thấy nhan sắc liền nạp cung. Dương Hậu thấy hai chị em Ỷ Lan được vua sủng ái thì ghen ghét, rồi thừa lúc vua đi đánh giặc vắng, Dương Hậu độn bụng giả có thai, sợ lộ chuyện sau này, mới ngấm ngầm sai giết Tấm đồng thời giam Cám (Ỷ Lan) vào lãnh cung rồi định bỏ cho chết. Chu Thị được tin con mình là Tấm bị hại và con ghẻ là Cám bị giam cầm thì buồn rầu ốm mà chết. Sau khi được con là vua Nhân Tông gỡ hàm oan, Ỷ Lan được phong làm Hoàng Thái Hậu. Ỷ Lan vốn là người mộ đạo Phật, đi lễ vái khắp các đền chùa, và cuối cùng mất ở một ngôi chùa thuộc hạt Gia Lâm ngày nay.

Chuyện Tấm Cám của ta một phần lớn đã phỏng theo câu chuyện của Chiêm Thành, cùng là do chuyện lịch sử trên đây mà thêu dệt thêm theo tình cảm của dân tộc, qua bao nhiêu đời vẫn tồn tại trên cửa miệng người Việt Nam.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 28-05-2003   #16
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.981
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:9a7779eee1]Thánh Mẫu Cao Tiên[/center:9a7779eee1][center:9a7779eee1]Tác giả: Hoang Ðường[/center:9a7779eee1]
Ngày xưa, vào thời Vĩnh Trị nhà Lê, năm 1675, vua Lê Hi Tôn phải chống nhau với Mạc Kính Vụ, cháu Mạc Đăng Dung, kẻ võ tướng xuất thân thuyền chài đã chiếm đoạt ngôi vua trong một thời.

Bị quan quân nhà Lê đánh đuổi, con cháu Mạc Đăng Dung lui về miền thượng du, chiếm cứ bốn châu ở vùng Cao Bằng, truyền kế mấy đời trong 85 năm. Mạc Kính Vụ là kẻ nối dõi cuối cùng của nhà Mạc, xây thành đắp lũy ở hạt Vũ Thúy, tỉnh lỵ Cao Bằng ngày nay, để chống lại nhà Lê. Vua Lê Hi Tôn cầu viện Tổng Đốc Quảng Tây là Lai Thập Lợi phái một đạo quân từ Tàu đánh sang Cao Bằng, còn một mặt cử Đinh Văn Tả thống xuất một đạo quân từ Trung Châu kéo lên tấn công Mạc Kính Vụ. Bị vây đánh cả hai mặt Mạc Kính Vụ phải chạy lánh sang Trung Hoa để Cao Bằng lọt vào tay nhà Lê.

Khi thành trì nhà Mạc rơi vào tay đối phương, công chúa Mạc Cao Tiên ngồi lên xe voi chạy thoát. Voi chở công chúa đi về phía sông Bằng Giang, dấn mình xuống giòng nước chảy xiết để vượt qua sông, nhằm hôm nước lũ đổ về, sóng nước cuồn cuộn lôi cuốn cả voi theo, công chúa bị giòng nước mạnh kéo đi. Xác công chúa chìm đắm trôi dạt đến Vực Sô ở ngay dưới chân thành Cao Bằng. Quân sĩ không khỏi để ý thấy một đàn chim hàng mấy nghìn con sà cánh bay liền nhau bên trên xác người con gái nổi ở mặt nước, quanh quẩn che nắng cho nàng suốt cả một ngày, đến lúc mặt trời nghiêng bóng mới đi.

Một người con trai trông thấy trên mặt nước xác một thiếu nữ vận sắc phục sang trọng, tính lại gần để vớt lên, thì xác kẻ bạc mạng như tị hiềm nỗi trai gái gần kề, bèn trôi xa khỏi bờ, rồi tấp đến chân một người đàn bà vừa bước xuống bến sông.

Các quan được tin vị công chúa nhà Mạc đã bỏ mình một cách linh hiển như vậy, liền ra lệnh tống táng nàng theo nghi lễ trọng thể và chôn ở trên thành cao.

Dân chúng ở trong vùng được công chúa hiển linh ban ơn, ban phước mới dựng một ngôi đền dưới gốc cây đa ở Vực Sô, thờ nàng như một vị thần. Sau đó đền dời vào giữa tỉnh Cao Bằng, ở hạt Cam Mỹ. Để tỏ lòng thành kính đối với công chúa, mỗi vị quan đến trị nhậm nơi đây đều tự tay trồng lấy một cây đa ở trước cửa đền. Ngày nay còn nhiều cây đa to lớn trước đền, có ngọn cao đến bốn, năm mươi thước, rễ trùm lấp cả bia.

Đến triều Nguyễn, vua Thành Thái phong nàng Cao Tiên là Thánh Mẫu Bảo Quốc. Người ta kể lại rằng Thánh Mẫu rất thiêng, ai qua lại trước cửa đền mà không giở nón hay xuống ngựa thì lập tức bị một sức vô hình quật ngã, phải hương đèn cúng lạy mới được yên.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 28-05-2003   #17
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.981
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:014aeeaa5d]Tiên Ðánh Cờ [/center:014aeeaa5d][center:014aeeaa5d]Tác giả: Hoang Ðường [/center:014aeeaa5d]
Ngày xưa, có một người con trai tên là Hiếu, cha làm nghề đốn củi bị cọp tha mất, còn một mẹ già với mấy em dại, Hiếu phải ngày ngày đi vào rừng, làm lụng khó nhọc để nuôi mẹ và các em.

Một buổi chiều đông giá rét, Hiếu đang gánh hai bó củi nặng ở rừng về, đến một lối quanh, trông thấy một người nằm như chết bên đường. Hiếu đỡ lên thì thấy một ông lão cóng người vì đói rét, sờ ngực hãy còn thoi thóp, bèn cõng về nhà. Mẹ con tận tình săn sóc cho ông lão tỉnh dậy và nuôi nấng khách cho đến khi mạnh hẳn, mặc dù trong nhà hết sức túng thiếu. Đêm hôm trước ngày từ giã, ông lão gọi Hiếu mà bảo rằng: "Đáp lại lòng tốt của nhà này đối với lão trong lúc hoạn nạn, lão tiết lộ thiên cơ cho biết rằng Sổ Tử của Thiên Tào đã có ghi tên anh năm nay phải chết. Anh muốn thoát khỏi thì hãy nhớ theo lời lão dặn đây: "Ngày mồng một tháng tới, anh nhớ dậy thật sớm, mang theo một bầu rượu với hai cái chén, qua khỏi khu rừng này, nhắm mặt trời mọc mà đi đến một nơi có hồ xanh ngắt rồi trèo lên núi, vòng trái ngọn thác, lên tới đỉnh, thì thấy hai ông tiên ngồi đánh cờ. Anh phải lặng lẽ tới gần, chờ khi nào họ gọi rượu uống thì anh rót rượu đưa ra, rồi đợi hai ông tiên đánh cờ xong hẵng thưa chuyện xin xóa tên anh trong Sổ Tử".

Sáng hôm sau, Hiếu nhận thấy ông lão đã biến đâu mất.

Đến ngày mồng một, trời chưa sáng, Hiếu đã đeo bầu rượu, cầm hai chén tống ra đi. Qua khỏi khu rừng, Hiếu đi theo một con đường mới, nhắm theo hướng mặt trời đi đến một cái hồ nước xanh leo lẻo. Trong khu rừng đưa đến chân núi, lần đầu tiên Hiếu được nghe những tiếng chim hót thánh thót như nhạc, rồi đi được một quãng, vẳng nghe tiếng thác đổ xa xa. Hiếu lần đi về phía này, vòng trái thác nước, rồi đến ven rừng, trước một cảnh núi non kỳ tú và chan hòa ánh sáng. Dưới tàn bóng cây thông, hai ông lão tiên phong đạo cốt vận áo xanh, áo đỏ đang ngồi xếp bàn tròn đánh cờ trên một bàn đá phẳng lì. Hai ông lão lặng lẽ đánh cờ, tính toán kỹ từng nước, từng lúc sẽ nghiêng mình để đi một nước cờ, chòm râu dài bạc trắng phất phới lướt qua đám quân cờ son. Hiếu đứng lặng đợi chờ, để ý nhìn thấy một cuốn sách lớn gấp lại bên cạnh ông áo xanh.

Một lúc lâu, ông lão áo xanh mắt vẫn không rời khỏi bàn cờ, cất tiếng gọi: "Rượu đâu"! Hiếu vội vàng rót đầy hai chén rượu bưng đưa ngang tầm tay hai ông lão. Cả hai nhấc chén uống cạn, mải mê theo nước cờ đi. Hiếu dâng rượu ba lần như vậy. Đến khi xong ván cờ, ông lão áo đổ thắng cuộc ngước mắt lên, Hiếu vội vàng sụp xuống lạy mà thưa rằng: "Muôn lạy tiên ông, xin tiên ông cứu độ cho con khỏi chết, vì con còn mẹ già yếu khôn ai nuôi dưỡng. Cúi xin tiên ông cứu cho con được sống thêm vài năm nữa, cho các em con khôn lớn lên có thể thay thế con mà nuôi dưỡng mẹ già thì con có chết cũng vui lòng."

Ông lão áo đỏ nghiêng mình nói nhỏ với ông lão áo xanh. Ông này mở cuốn sách ra cầm bút chữa lại một chữ, rồi bảo Hiếu rằng: "Anh đã khéo léo mời chúng ta uống rượu của anh, anh lại là một đứa con có hiếu, anh còn giúp người lúc hoạn nạn, nên ta vui lòng sửa lại số mạng của anh được sống lâu cho đến trăm tuổi".

Hiếu vẫn quỳ mọp, chưa kịp ngỏ lời cảm tạ, bỗng nghe thấy gió thổi trên đầu, ngước mắt lên, không còn thấy hai ông tiên đâu nữa.

Trên đường về, Hiếu vừa đi vừa chạy, trong lòng mừng rỡ vô hạn, song không dám kể chuyện lại cho ai hay, ngay đối với mẹ cũng vậy.

Về sau có lần Hiếu trở lại hòn núi, tìm thấy lại hồ nhưng nước không còn xanh nữa, trong rừng không còn nghe tiếng chim hót như rót nhạc. Qua ngọn thác, vẫn thấy tàn cây thông in bóng trên bàn thạch, nhưng Hiếu không còn tìm đâu ra bàn cờ son của hai ông tiên.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 28-05-2003   #18
Ảnh thế thân của LSB-LuongSonAnhHao
LSB-LuongSonAnhHao
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 11-09-2002
Bài viết: 248
Điểm: 100
L$B: 21.981
LSB-LuongSonAnhHao đang offline
 
[center:8e6a60fcdf]Thuồng Luồng [/center:8e6a60fcdf][center:8e6a60fcdf]Tác giả: Hoang Ðường[/center:8e6a60fcdf]
Ngày xưa ở thôn Bản Bừa, xã Đồng Lang thuộc vùng Tiên Yên (Bắc Việt) có một cô gái chăn trâu ở bờ sông Nàm Cổ, một hôm gặp một chàng trai khỏe đẹp, rồi đôi bên luyến ái nhau. Chàng trai đưa cô gái về âm phủ rồi chung chạ với nàng. Cô gái có chửa, nhớ cha mẹ, xin phép người yêu trở về thăm. Trước khi cô gái ra đi, chàng trai dặn dò: "Con mình đẻ ra sau này dù thế nào cũng phải nuôi nó theo cách này: là chỉ cho nó uống nước thôi và đừng để bao giờ thiếu nước".

Cô gái trở về nhà cha mẹ, mười t háng saua, sinh ra một thứ cá. Theo lời cha nó đã dặn, thiếu phụ chỉ cho nó uống nước. Nhưng nó mau lớn quá, mà càng lớn thì càng cần thêm nước, tất cả người ở trong nhà không cung cấp đủ số nước cho nó. Thiếu phụ mới mang đến bờ sông Nàm Cổ, thả nó xuống nước mà nói: "Mẹ không nuôi con được nữa, con hãy trở về sống theo loài của con". Con cá chiếm vực sông Nàm Cổ mà ở.

Một hôm con cá lên nằm nghỉ trên bãi cát ở bờ sông, có rể của viên chúa Bầu đi săn ngang qua trông thấy, bắn chết. Con vật chết hóa thiêng báo oán làm cho chúa Bầu mất cả giang sơn.

Người ta gọi con vật này là con tu nước hay con tu ngu nàm, còn người Việt gọi tên là thuồng luông. Thiếu phụ đã sinh ra giống thủy tộc này thuộc tộc họ Hoàng nên tất cả gia đình họ Hoàng về sau đền thờ làm vật tổ.

Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 06:22
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,12630 seconds with 15 queries