Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 20-10-2003   #10
Ảnh thế thân của seta
seta
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 12-10-2003
Bài viết: 440
Điểm: 90
L$B: 15.862
seta đang offline
 
Ðảo Tiên
Vương Miễn tên chữ là Mẫn Trai, người Linh Sơn có văn tài, nhiều lần đứng đầu trường văn, tâm khá kiêu, hay trách mắng, nhiều người bị nhục. Một hôm tình cờ gặp một đạo sĩ, nhìn Vương:

- Tướng ông cực quý nhưng bị nghiệp khinh bạc chiết trừ gần hết rồi. Trí tuệ như ông, nếu biết sửa mình mà tu đạo thì còn có thể được vào sổ tiên.

Vương cười nhạt:

- Chuyện phúc trạch thực tình còn chưa biết, trên đời này há lại có tiên sao?

Ðạo sĩ nói:

- Sao ông nhìn thấp thế? Chẳng cần tìm đâu xa, tôi chính là tiên đây!

Vương càng cười nhạo lời khoác lác ấy. Ðạo sĩ liền bảo:

- Tôi chẳng đáng nói gì. Nếu đi theo tôi thì vài mươi vị chân tiên, thấy ngay tức khắc.

Vương nói:

- Ở đâu?

Ðạo sĩ nói:

- Chỉ gang tấc!

Nói rồi kẹp gậy vào khoảng giữa hai đùi, đưa một đầu cho Vương bảo cưỡi như mình, dặn Vương nhắm mắt, xong quát lên một tiếng:

- Bay!

Vương cảm thấy gậy to ra như chiếc túi đựng năm đấu gạo, bay vụt lên không. Ngầm sờ vào gậy xem thì thấy vẩy cứng, xắp từng lớp, sợ quá không dám cựa quậy. Lát sau lại nghe quát:

- Ðỗ lại!

Tức thì rút gậy ra, hạ xuống một khu nhà lớn, lầu gác trùng điệp tiếp nối, như cung điện bậc đế vương. Có một đài cao hơn một trượng, trên đài có mười toà điện rộng rãi, đẹp đẽ không gì bằng.

Ðạo sĩ kéo khách lên, sai tiểu đồng bày tiệc mời khách . Trên điện đặt mấy chục bàn tiệc, bầy biện hoa mắt. Ðạo sĩ thay quần áo tề chỉnh đứng chờ.

Không bao lâu, khách từ không trung tới. Vật cưỡi hoặc là rồng, hoặc là hổ, hay chim loan, chim phượng, không một loại nào nhất định. Mỗi người đều có mang theo nhạc cụ.

Khách có con gái, có đàn ông, có người đi chân đất. Trong số đó chỉ có một cô gái đẹp cưỡi chim phượng sặc sỡ, ăn mặc kiểu cung cầm, có đứa hầu nhỏ ôm theo nhạc cụ, dài năm thước trở lại, không ra đàn cầm, cũng không ra đàn sắt, chẳng biết tên gọi là gì. Tiệc rượu bắt đầu, thức ăn quý bày xen nhau, bỏ vào miệng thơm ngon, toàn là những món khác thường.

Vương lặng lẽ ngồi im, duy chỉ chăm chăm nhìn người đẹp; đã yêu người lại muốn nghe nhạc, chỉ sợ nàng không đàn lần nào. Rượu tàn, một ông già khởi xướng :

- Ðược Thôi chân nhân nhã gọi tới, hôm nay có thể nói là ngày hội lớn, mọi người nên hết lòng vui. Xin mời những ai mang nhạc cụ giống nhau vào cùng một đội để hoà.

Thế là ai vào đội nấy, tiếng đàn tiếng sáo vọng tận sông Ngân. Riêng cô gái cưỡi phượng, tài đàn không có ai cùng sánh. Khi mọi âm thanh trên điện đã dứt, đứa hầu nhỏ mới mở túi gấm đặt ngang cây đàn trên kỷ, cô gái duỗi tay ngọc như chơi đàn tranh, âm lượng của nó vang gấp mấy lần đàn cầm; khi mãnh liệt khiến người nghe mở lòng mở dạ, khi êm đềm khiến hồn phách phiêu diêu. Ðàn khoảng chừng nấu chưa chín nồi cơm, cả điện lặng phắc, không một tiếng ho. Hết khúc, một tiếng trong vắt vang lên như gõ vào khánh đá. Cử toạ đều trầm trồ.

- Tài đàn của Vân Hoà phu nhân tuyệt diệu thay!

Mọi người đều đứng dậy cáo biệt; hạc kêu, rồng gầm, chỉ một lát đã tản đi hết. Ðạo sĩ đặt giường ngà chăn gấm chuẩn bị chỗ cho Vương ngủ. Còn Vương vừa thấy người đẹp lòng đã xao xuyến, sau lúc nghe đàn, càng mệt vấn vương. Vốn nghĩ tài mình, áo tía, đai xanh dễ như lượm cỏ; khi phú quý rồi muốn gì chẳng được. Chốc lát, trăm mối nghĩ suy rối như cỏ bồng. Ðạo sĩ dường như đoán biết, bảo Vương :

- Ông kiếp trước là bạn học với tôi, sau nhân vì chí không bền nên sa lưới tục. Tôi vốn không coi ông là người ngoài, thực lòng muốn đưa ông ra khỏi chốn vẩn đục. Không ngờ mê muội đã sâu, mơ màng không thể giác ngộ được. Nay sẽ đưa ông về, chưa hẳn không có ngày gặp lại; song muốn làm tiên trên trời thì phải đến kiếp sau .

Ðạo sĩ bàn chỉ phiến đá dài dưới chân bảo Vương nhắm mắt ngồi lên, lại dặn kỹ không được nhìn, sau đó lấy roi quất vào hòn đá. Ðá bay lên, tiếng gió rót ào ào bên tai, chẳng biết đã đi được bao nhiêu dặm.

Chợt nghĩ cảnh vật bên dưới chưa biết thế nào, Vương bèn trộm hé hai mí nhỏ như kẻ chỉ, thấy biển lớn bao la mênh mông tuyệt không bờ bến. Sợ quá nhắm mắt lại nhưng cả người đã theo đá rơi tõm xuống nước, chìm nghỉm như chim âu lặn. May trước kia Vương ở gần biển nên biết bơi bì bõm chút ít.

Chợt nghe tiếng người vỗ tay reo:

- Ngã nhào đẹp quá!

Ðang lúc nguy cấp, một cô gái cứu Vương lên thuyền, và nói:

- May thật, may thật! Tú tài 'trúng cấp' rồi!

Vương nhìn, cô gái khoảng mười sáu, mười bảy, nhan sắc xinh đẹp. Vương lên đến thuyền, rét run, xin đốt lửa sưởi. Cô gái nói:

- Theo tôi về nhà sẽ thu xếp ổn thoả. Nếu vừa , chớ quên sẽ thu nhé!

Vương đáp:

- Sao cô lại nói thế! Tôi là bậc tài tử ở Trung Nguyên, chợt gặp chuyện quẫn bách. Qua được đận này, xin lấy thân đền đáp, chứ đâu có không quên mà thôi!

Cô gái cầm sào đẩy thuyền đi nhanh như mưa bay gió cuốn, chỉ một loáng đã đến bờ. Cô gái mang từ trong khoang ra một bó sen mới hái, dẫn Vương đi cùng.

Chừng nửa dặm, vào thôn, thấy ngôi nhà cửa son mở về hướng Nam. Qua mấy lần cổng cô gái đi nhanh vào trước. Lát sau, một người đàn ông khoảng ngoài bốn mươi tuổi bước ra vái chào, mời Vương lên thềm, sai người hầu lấy mũ áo giầy tất cho Vương thay, sau đó hỏi đến nhà cửa quê quán. Vương đáp:

- Chẳng dám nói khoe, tài danh của tôi, chắc ông có nghe qua. Tôi từng được Thôi chân nhân quyến luyến rất mực, đã vời lên cõi trời. Song tự nghĩ công danh dễ như trở bàn tay, vì thế không muốn ẩn dật.

Người đàn ông kính cẩn nói:

- Nơi đây gọi là Ðảo tiên, cách xa hẳn cõi người. Tôi tên Văn Nhược, họ Hoàn, trải mấy đời sống nơi hẻo lánh, may mắn làm sao lại được gặp bậc danh tài.

Thế rồi ân cần mời rượu, lại thung dung nói:

- Tôi có hai đứa con gái. Ðứa lớn tên là Phương Vân, mười sáu tuổi, đến nay chưa gặp người xứng đôi, muốn cho cháu hầu hạ bậc cao nhân, được chăng?

Vương đoán hẳn là cô gái hái sen nên đứng dậy rời khỏi bàn tiệc cảm tạ. Ông Hoàn cho mời vài ba vị tuổi cao đức cả trong làng đến, nhìn quanh một lượt rồi sai gọi con gái.

Chốc lát, hương lạ nức thơm, hơn mười cô gái đẹp đỡ Phương Vân ra, rực rỡ dễ thương như bông sen tắm trong nắng sớm. Nàng vái chào rồi ngồi xuống, các cô gái xếp hàng đứng hầu, cô gái hái sen cũng trong số đó. Rượu vài tuần, một cô bé bỏ tóc xoã từ trong buồng chạy ra, mới chừng hơn mười tuổi mà dáng vẻ đã xinh đẹp, tươi cười dựa vào khuỷu tay chị, sóng mắt long lanh. Hoàn nói:

- Con gái không ở trong phòng, ra đây làm gì?

Rồi ngoảnh sang khách nói:

- Ðây là Lục Vân, con gái nhỏ của tôi. Cháu khá thông mình, nhớ được sách vở điển phần.

Nhân đó bảo ngâm thơ cho khách nghe. Cô bé bèn đọc ba chương Trúc Chi từ, giọng đọc êm ái dễ nghe.

Ông Hoàn cho phép Lục Vân ngồi cạnh chị, rồi nói:

- Anh Vương là bậc thiên tài, thơ làm trước đây hẳn rất nhiều, có thể cho kẻ hèn này nghe mà học hỏi chăng?

Vương hăng hái đọc một bài cận thể rồi kiêu hãnh nhìn mọi người. Trong bài thơ ấy có hai câu:

Một thân còn chút mày râu đó,

Cạn chén cho tan khối bất bình.

Ông già ngồi cạnh đọc đi đọc lại hai ba lần. Phương Vân bèn mách khẽ:

- Câu trên là Tôn Hành Giả rời động Hoả Vân, câu dưới là Trư Bát Giới qua sông Tử Mẫu.

Cử toạ đều vỗ tay. Ông Hoàn mời Vương đọc thêm bài khác, chàng bèn đọc bài thơ Chim Nước:

Ðầu dầm kêu kíu kít

Bỗng nhiên quên mất câu tiếp theo. Còn đang trầm ngâm thì Phương Vân ghé tai em thầm thì rồi che miệng cười.

Lục Vân thưa với cha:

- Chị ấy làm hộ anh rẽ câu tiếp theo đấy ạ. Câu thế này:

Mông chó vãi bùm bùm

Mọi người trong tiệc lại cười ồ. Vương cả thẹn, ông Hoàn lừ mắt nhìn Phương Vân.

Khi sắc mặt Vương đã bình tĩnh lại, ông mời Vương nói tài nghệ văn chương của mình.

Vương cho rằng người ngoài cõi trần hẳn không biết nghề văn 'bát cổ' bèn khoe tài văn chàng đã chiếm giải quán quân; đầu đề là hai câu 'Hiếu thay Mẫn Tử Khiên'; phá đề là 'Thánh nhân khen lòng hiếu đức của bậc đại

Lục Vân quay sang nhìn cha nói:

- Thánh nhân không gọi học trò mình bằng tên tự. Câu 'Hiếu thay...' ắt là lời của nhân gian.

Vương nghe được mất cả hứng. Ông Hoàn cười:

- Trẻ con biết gì! Không nói về điều ấy, chỉ bàn văn thôi.

Vương lại đọc tiếp. Cứ được vài câu hai chị em lại thì thầm với nhau, dường như bình phẩm về người, nhưng các cô nói lúng búng không nghe rõ.

Vương đọc đến đoạn hay, thuật lại cả lời bình, có nói rằng: 'Từng chữ, từng chữ đều thống thiết'.

Lục Vân thưa với cha:

- Chị con bảo nên bỏ chữ 'Thiết' đi.

Cử toạ đều không hiểu. Ông Hoàn sợ con nói năng khinh mạn không dám gạn hỏi.

Vương đọc xong, lại thuật lời tổng bình, trong có câu: 'Trống yết đánh một tiếng, muôn hoa đều nở'.

Phương Vân lại che miệng nói vào tai em, hai chị em cười đến nỗi không ngẩng lên được.

Lục Vân lại nói với cha:

- Chị bảo trống yết phải đánh bốn tiếng.

Mọi người vẫn không hiểu. Lục Vân mở miệng định nói tiếp, Phương Vân nín cười quát:

- Con ranh mà nói, tao đánh chết!

Cử toạ càng nghi ngờ, bàn đoán riêng với nhau. Lục Vân không nhịn được lại nói:

- Bỏ chữ 'thiết' đi, nói 'thống' tức là 'bất thông'. Ðánh bốn tiếng trống thì tiếng vang là 'Bất thông lại bất thông' vậy.

Mọi người cười phá lên, ông Hoàn nổi giận quát con, nhân đó đứng dậy rót rượu, tạ lỗi mãi.

Vương ban đầu tự khoe là bậc tài danh, dưới mắt mình thực chẳng coi ai ra gì; đến lúc này thần khí tiêu tan sạch, mồ hôi đầm đìa.

Ông Hoàn bàn an ủi lấy lòng:

- Vừa nghĩ được một câu xin các vị trong tiệc cùng đối: 'Vương tử thân biên vô hữu nhất điểm bất tự ngọc'.

Chưa ai kịp nghĩ thì Lục Vân đã đọc ngay. 'Mẫn ông đầu thượng tái trước bán tịch tức thành quy' .

Phương Vân cười sặc lên véo vào sườn em ba bốn cái, Lục Vân giẫy ra bỏ chạy, quay lại bảo:

- Việc gì đến chị? Chị mắng anh ấy bao nhiêu thì không cho là trái; người ta nói hộ một câu không được phép à?

Ông Hoàn quát lên, cô bé mới cười rồi đi.

Các ông già láng giềng cũng cáo từ.

Ðám thị nữ dẫn đôi vợ chồng vào phòng ngủ, trong đó đèn nến giường màn đã sắp đặt tinh khôi, đầy đủ.

Vương nhìn phòng tân hôn, thấy sách đầy giá, không thiếu một loại nào, hỏi qua những chỗ khó, Phương Vân đều trả lời được trôi chảy, tường tận. Bấy giờ Vương mới thấy hết nỗi xấu hổ của kẻ đứng trước biển khơi.

Vợ chàng gọi 'Minh Ðang!' thì cô gái hái sen ban chiều chạy đến, nhờ vậy Vương mới biết tên nàng.

Sau nhiều lần bị chế giễu nhục nhã, Vương sợ chốn khuê phòng cũng không được coi trọng. May sao Phương Vân tuy nói năng xấc xược nhưng trong chốn phòng the, tình vợ chồng rất đằm thắm.

Vương ở yên vô sự, bàn ngâm nga.

Vợ bảo:

- Thiếp có lời hay muốn nói, chẳng biết chàng có chịu lắng tai không?

Hỏi điều gì, thì bảo:

- Từ nay chàng đừng làm thơ nữa! Ðó cũng là một cách để che giấu cái vụng của mình vậy.

Vương lấy làm thẹn, bỏ hẳn chuyện bút mực. Lâu dần càng quấn quít với Minh Ðang, bèn nói với Phương Vân.

- Minh Ðang đối với tiểu sinh, có cái ơn cứu mạng, mong ít khi phải cau mặt, nặng lời với nàng.

Phương Vân bằng lòng. Thường mỗi khi vợ chồng vui chơi trong phòng, cũng cho nàng cùng dự.

Hai bên vì thế càng say nhau, thường liếc mắt, đưa tay thay lời.

Phương Vân thoáng biết, trách móc nhiều lần, Vương chỉ liến láu cãi ngượng cho qua chuyện.

Một đêm hai vợ chồng đối ẩm, Vương kêu vắng vẻ, khuyên vợ gọi Minh Ðang.

Phương Vân không nghe, Vương bảo vợ:

- Sách gì nàng cũng đọc, sao chẳng nhớ mấy chữ 'độc lạc nhạc' nhỉ?

Phương Vân nói:

- Thiếp nói chàng bất thông, nay càng nghiệm. Cách chấm câu còn chưa biết hay sao? 'Riêng mình thì lấy người làm lạc thú, nhưng nói đến lạc thú, hỏi có ai không, lại đáp rằng không'.

Chàng bật cười đành bỏ ý đšịnh .

Gặp buổi hai chị em Phương Vân y hẹn sang chơi nhà cô bạn hàng xóm. Vương được dịp liền dẫn ngay Minh Ðang vào, ái ân hết mực.

Ðến tối chàng thấy đau ở bụng dưới, hết đau thì dương vật sưng lên. Vương sợ quá nói với vợ.

Vân cười đáp:

- Chắc hẳn đã báo cái ơn của Minh Ðang rồi?

Vương không dám dấu, cung khai hết. Phương Vân bảo:

- Tự gây ra hoạ, thực không còn cách nào. Nếu không đau đớn, ngứa ngáy thì kệ thế cũng được.

Mấy ngày sau không khỏi, Vương lo lắng kém vui. Phương Vân biết nhưng không hỏi han gì, chỉ đăm đăm nhìn chồng, đôi mắt như hồ thu đầy đặn, sáng tựa sao mai. Vương nói :

- Nàng có thể gọi là người 'trong lòng ngay thẳng nên tròng mắt sáng'.

Phương Vân cười:

- Còn chàng, có thể gọi là người 'trong lòng không ngay thẳng nên tròng mất sáng'.

Bởi hai chữ 'mất', dân gian cũng đọc gần như chữ 'Mắt' nên nàng đem chữ đó ra để đùa chồng.

Vương bật cười, van nài xin chữa cho. Nàng nói:

- Chàng không nghe lời nói phải, trước đây vị tất không nghĩ là em ghen, đâu biết rằng con hầu đó vốn không thể gần gũi được. Lúc trước thực rất yêu chàng, nhưng chàng chỉ như gió xuân thổi qua tai ngựa nên em ghét mà bỏ mặc. Nếu không đã chữa cho rồi. Nhưng thầy lang phải xem kỹ chỗ đau đã!

Bàn sờ tay vào trong áo rồi đọc chú rằng:

- Chim vàng, chim vàng, chớ đậu cành gai.

Vương bất giác cười rộ, cười xong thì bệnh khỏi.

Mấy tháng sau Vương vì cớ cha già con dại thường nhớ nhà không nguôi. Chàng đem tâm sự nói với vợ. Nàng nói:

- Về nhà thì không khó, chỉ không có ngày sum họp nữa thôi.

Vương nước mắt lã chã, xin nàng về cùng. Phương Vân nghĩ ngợi hồi lâu mới bằng lòng.

Ông Hoàn bày tiệc tiễn đưa, Lục Vân xách làn vào nói:

- Chị sắp ra đi, chẳng có gì tặng chị. Chỉ sợ khi đến Hải Nam không có nhà mà ở nên đêm qua đã làm hộ chị lầu gác, xin đừng chê bai là sơ sài.

Phương Vân cảm ơn em rồi nhận lấy. Ðến gần xem thì thấy dùng loại cỏ nhỏ kết thành lầu gác, toà lớn thì như quả thanh yên, toà nhỏ thì như quả quất, tất cả chừng hơn hai chục toà. Trong mỗi toà kèo cột rui mà đều phân minh đầy đủ; lại có giường phản ràm tường, mỗi thứ chỉ to bằng hạt vừng.

Vương xem như đồ chơi con trẻ, lòng thầm khen cô em vợ khéo tay.

Phương Vân nói:

- Nói thật với chàng, bọn em là tiên dưới đất, vì có túc duyên nên được theo bên chàng. Em vốn không muốn đặt chân tới cõi trần, nhưng chỉ vì chàng còn cha già, không nỡ trái lời. Ðợi khi cha đủ tuổi trời, chúng ta nên trở lại đây.

Phương xin vâng, ông Hoàn hỏi:

- Muốn đi thuyền hay đi xe?

Phương sợ sóng gió nguy hiểm xin đi đường bộ. Ra đến cửa thì ngựa xe đã chờ sẵn, vợ chồng từ biệt lên đường. Ngựa phi nhanh vun vút, chỉ thoáng chốc đã đến bờ biển, Vương trong lòng lo không có đường đi.

Phương Vân đem ra một tấm lụa trắng ném về phương Nam, lập tức hoá thành con đê dài, mặt đê rộng vừa một trượng, trong nháy mắt xe ruổi qua, đê cũng thu lại dần. Ðến một nơi, nước triều tràn qua, bốn phía mênh mông, Phương Vân bảo dừng lại. Nàng xuống xe lấy những đồ bằng cỏ ra, rồi cùng với bọn Minh Ðang mấy người sắp xắp bày đặt đúng theo phép tắc, chỉ trong nháy mắt đã hoá thành ngôi nhà lớn.

Vợ chồng cùng vào, cởi bỏ hành lý, thì toà nhà không khác chút nào với nơi đã sống trên đảo, giường ghế đều y nguyên như phòng tân hôn lúc trước.

Trời đã xẩm tối, nhân nghỉ lại qua đêm. Sáng hôm sau, Phương Vân bảo Vương còn về đón cha mẹ. Vương sai đóng ngựa ruổi về làng cũ.

Ðến nơi thì nhà cửa đã thuộc về nhà họ khác. Hỏi người làng mới biết mẹ và vợ đã chết, chỉ còn cha già. Con trai đam mê cờ bạc, ruộng vườn gia sản hết sạch, ông cháu không thể có chỗ trú chân, hiện nay tạm ở căn nhà thuê bên thôn Ðoài .

Vương lúc mới trở về, nghĩ về công danh vẫn còn vương vấn, kịp khi nghe tin nhà như vậy, âu sầu buồn bã, tự nghĩ giàu sang nếu có được thì so với những ảo ảnh trong khi hoa mắt nào có khác gì.

Chàng quất ngựa sang thôn Ðoài, thấy cha quần áo rách rưới, già sọm, thật đáng thương. Cha con gặp nhau khóc lạc cả tiếng; hỏi đến đứa con bất hiếu, còn đi đánh bạc chưa về.

Vương bèn chở cha quay về. Phương Vân lạy chào xong, nấu nước mời bố chồng tắm, đưa quần áo gấm cho ông thay, để ông nghỉ ngơi trong ngôi nhà thơm ngát. Sau đó nàng sai mời các ông bạn già cũ tới cùng cha trò chuyện, phụng dưỡng hơn cả các nhà thế tộc.

Một hôm con trai Vương tìm đến, chàng dứt tình không cho gặp, chỉ cho hai chục đồng vàng và sai người dặn: "cầm lấy mà mua vợ, rồi lo làm ăn. Nếu còn đến nữa sẽ đánh chết tươi". Con trai khóc mà đi .

Vương từ khi trở về không hay tiếp khách, nhưng nếu bạn bà cũ tình cờ đến thăm thì đón tiếp lưu luyến, khiêm nhường, khác hẳn thuở trước. Riêng có Hoàng Tử Giới bạn đồng môn thuở trước cũng là một bậc anh tài lận đận, được Vương lưu lại rất lâu, thường kể cho nghe nhiều chuyện kín và biếu tặng rất hậu.

Ðược ba bốn năm Vương ông mất, Vương bỏ vạn bạc chọn đất chôn, làm ma theo đúng lễ.

Bấy giờ con trai Vương đã lấy vợ; con dâu quản chồng rất nghiêm, nhờ thế con cũng đỡ cờ bạc.

Ngày vào đám, nàng dâu mới đến chào bố mẹ chồng.

Phương Vân thoạt gặp con dâu đã thấy người giỏi việc nhà, bèn cho vợ chồng ba trăm đồng vàng để mua sắm điền sản.

Hôm sau chàng Hoàng cùng con Vương đến thăm thì lâu đài nhà cửa đã không thấy nữa, chẳng biết ở đâu.


Chữ ký của seta
Đời này tôi hận một người
Mà người tôi hận là người tôi yêu

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 20-10-2003   #11
Ảnh thế thân của seta
seta
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 12-10-2003
Bài viết: 440
Điểm: 90
L$B: 15.862
seta đang offline
 
Gần như hoàn hảo

- Bà Karen Loomis phải không ạ? Tôi là trung sĩ McKinley đây. Tôi vào nhà được chứ?

Tôi để ông ta vào nhà và bắt đầu chịu đựng một cuộc phỏng vấn bất đắc dĩ. Vâng, Stanley Loomis là chồng của tôi. Đúng, đó là địa chỉ của ông ta ở Melbourne. Không, tôi chẳng thân cận chút nào với chồng tôi; chúng tôi đã ly thân gần một năm nay. Không, tôi chẳng gặp ông ta kể từ đó. Không, ông ta không có một gia đình nào khác.

- Tôi mang tin dữ đến cho bà đây, bà Loomis. Tin xấu nhất có liên quan đến chồng bà.

- Có chuyện gì vậy?

- Người ta vừa phát hiện ra ông Stanley Loomis chết tại nhà vào trưa nay. Nguyên nhân cái chết của ông ta chẳng bình thường chút nào.

- Tự tử à?

Viên cảnh sát khẽ nhíu mắt lại:

- Sao bà lại cho rằng chồng bà tự tử?

- Ông ta khá là đào hoa trong đời sống tình cảm. Đó là lý do tôi rời bỏ căn nhà đó mà đi. Sống làm sao được với con người như vậy! Tự tử chứ còn gì nữa!

- Chắc là không đâu, trừ khi ông ta có khả năng dùng búa bổ vào đầu từ phía sau, lúc đang ngủ như chết tại một chiếc ghế bành vì say rượu. Chuyện đó xảy ra cách đây mấy ngày.

Tôi biết chắc là mấy tay cảnh sát này sẽ mời tôi đến nhận diện xác chết và giúp họ trong công tác điều tra. Liệu tôi có cần dàn xếp một chuyến du lịch để tránh chuyện này hay không?

Sáng hôm sau, tôi ra khỏi nhà sớm và lái xe về hướng Nam. Thanh tra Simon đang đợi tôi ở đó, một người đàn ông cao kều, đen thui và xấu xí.

- Xin cảm ơn sự cộng tác của bà, bà Loomis. Chúng tôi cần sự nhận diện chính thức xác chết của bà. Trước đây, bà làm việc này bao giờ chưa?

- Chưa, thưa ông.

- Chúng tôi sẽ cố tạo điều kiện thoải mái cho bà. Đừng quá hồi hộp nhé!

Căn phòng lớn dưới tầng hầm phả hơi lạnh buốt. Một hộc tủ bằng thép được kéo ra, tôi nhận ra khuôn mặt của chồng mình.

- Đây đúng là Stan.

- Bà khẳng định người chết là Stanley Loomis?

- Đúng vậy.

Tấm vải được kéo lên, ngăn chứa xác chết đóng lại kêu loảng xoảng. Thanh tra SImon khẽ cầm tay tôi. "Chúng ta hãy ra ngoài dùng một tách cà phê nhé, bà Loomis".

Phòng làm việc của thanh tra Simon gợi lên một bầu không khí ấm cúng lạ thường. Trên bàn làm việc là các bức ảnh chụp vợ và con ông. Ông còn treo trên tường một số tranh thiếu nhi loè loẹt. Dùng cà phê xong, chúng tôi cùng đến ngôi nhà ở vùng ngoại ô. Simon đã hỏi chặn tôi trước cổng vào, khi chúng tôi vừa đậu xe xong:

- Lần cuối cùng bà ở đây là vào lúc nào, bà Loomis?

- Cách đây 11 tháng.

- Bà không hề quay trở lại sao?

- Chẳng cần thiết. Tôi không thăm viếng, chẳng thư từ và cũng chưa khi nào gọi điện thoại. Đơn giản là vì tôi không muốn ông ta biết hoặc quan tâm tôi đi đâu thôi.

- Vì sao ông bà lại chia tay nhau?

- Stan có một cuộc sống bên ngoài hoàn toàn khác với cuộc sống trong nhà. Ông ta mặc những bộ trang phục đắt tiền, nhưng đồ lót thì lại dơ bẩn. Ông ta tiêu tốn nhiều tiền vào các bữa ăn sang trọng tại Câu lạc bộ Golf, nhưng chẳng bao giờ đưa đủ tiền chợ cho tôi. Stan là một kẻ hai mặt. Ông ta lấy tôi nhưng vẫn quan hệ với một phụ nữ khác. Rất có thể với nhiều phụ nữ khác, biết đâu chừng.

- Gay quá nhỉ!

Tôi nhún vai.

- Thực ra tôi cũng biết chuyện này từ lúc đầu. Tôi đã tha thứ và chịu đựng Stan suốt 6 năm; rồi tôi lại nghĩ xem mình có đáng bị trừng phạt trong một địa ngục trần gian như vậy không. Sau đó tôi lìa bỏ ông ta.

- Và bà đã không hề về thăm nhà từ lúc ra đi?

- Ồ không, tại sao tôi phải làm thế nhỉ? Tôi đã phạm sai lầm và đã rút ra bài học từ sai lầm đó. Tôi hiện rất hạnh phúc với cuộc sống mới.

- Bà cho rằng chồng mình đã tự tử, thưa bà Loomis?

"Rõ ràng người đàn ông này đã nói chuyện với McKinley" tôi nghĩ.

- Tính khí Stan rất thất thường. Ông ta thường xuyên có những cơn suy sụp tinh thần: lúc giận dữ, lúc tư lự, có khi lại phấn khích quá độ. Có lúc ông ta thật hào phóng, nhưng có lúc lại nhỏ nhen, ti tiện. Ông ta uống rất nhiều rượu và thường xuyên bỏ rơi tôi.

- Thế chồng bà có kẻ thù không?

- Tôi cho rằng có.

- Bà có nhớ tên một người nào không?

- Không. Stan là một con người bí hiểm. Ông ta chẳng khi nào nói với tôi về công việc cũng như cách thức ông ta kiếm tiền.

- Công việc của ông ấy hiện rất phát đạt - Viên cảnh sát nói tiếp - tôi chắc rằng bà sẽ là người thừa kế duy nhất phần gia sản của ông nhà thôi. Hãy vào trong này đi, bà Loomis. Chúng tôi cần bà nói rõ cho chúng tôi biết đồ đạc trong nhà này có bị thất lạc, dời chỗ, hay có điều gì đó bất thường không.

"Hầu như mọi vật chẳng thay đổi gì từ lúc tôi rời khỏi ngôi nhà này", tôi nói khi cùng viên cảnh sát đi dạo một vòng quanh căn nhà, "chỉ có điều là dường như chồng tôi chẳng lau dọn gì cả. Đồ đạc không có cái nào là không bám bụi và như tôi nói trước với ông, lối sống của chồng tôi là rực rỡ bên người nhưng bẩn thỉu bên trong. Ngoài ra, tôi không thấy có đồ đạc nào bị thất lạc cả".

Thanh tra thám tử Simon thở dài.

- Được rồi. Xin cảm ơn bà.

- Ông không nghi ngờ ai sao?

- Không ai cả. Chẳng một kẻ tình nghi nào bị bắt gặp gần ngôi nhà trong tuần qua. Chúng tôi cũng còn chưa dám chắc chuyện này xảy ra lúc nào. Ngay cả cái búa gây án cũng không có một dấu vân tay. Chẳng có gì để khả nghi cả.

Chúng tôi ra khỏi căn nhà. Tôi mở cửa xe.

- Tôi có thể giúp gì thêm cho ông không, ông thanh tra?

- Không, cảm ơn bà. Tôi sẽ để bà về.

- Đây chính là điều mà nãy giờ tôi trông đợi - tôi nói và chỉ tay về phía chiếc xe đang đỗ bên kia đường - Ngôi nhà thì nhếch nhác như vậy, nhưng ông ta lại vừa mua một chiếc Lexus bóng lộn. Ông ta muốn gây ấn tượng với người ngoài nhưng lại xử tệ với tôi.

- Bà quả là người mẫn cảm, thưa bà Loomis.

- Ông quá khen. Tôi quá rành ông ta mà.

- Tôi không muốn nói đến điều đó. Ý tôi là bà làm thế nào mà nhận ra được chiếc xe của chồng bà khi nó đậu cùng với những chiếc xe khác trên đường?

- Ông nói sao?

- Khi chúng tôi đến thì xe của chồng bà đang đậu trong sân. Chúng tôi phải kéo nó đi nơi khác để các nhân viên làm việc. Vậy làm sao bà biết được đó là chiếc xe của chồng bà mới mua? Trừ khi và có lẽ là bà đã đến ngôi nhà này gần đây... sao mặt bà lại tái nhợt vậy bà Loomis?


Carey Fletcher


Chữ ký của seta
Đời này tôi hận một người
Mà người tôi hận là người tôi yêu

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 21-10-2003   #12
Ảnh thế thân của seta
seta
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 12-10-2003
Bài viết: 440
Điểm: 90
L$B: 15.862
seta đang offline
 
Trăn và thỏ
Gần như là sự ngạo mạn bỉ ổi, ấy thế mà gã Sở Khanh già trong truyện ngắn này lại có thể làm đau trái tim người tử tế. Nhưng đó là cuộc sống, sự tàn nhẫn trong đời thường... hình như Anton Tsekhov đã cười buồn buồn nói như vậy.

Pyotr Semyonych, một tay chơi đã đến thời kỳ mệt mỏi, đầu bị hói, mặc chiếc áo ngủ bằng nhung có núm tua màu đỏ sẫm, tay đang mân mê những sợi tóc mai mềm mại, tiếp tục nói:

- Này mon cher (bạn thân mến), nếu bạn thích đây là một phương pháp khác - một phương pháp tinh vi nhất, khôn khéo nhất, độc địa nhất và cũng là một phương pháp nguy hiểm nhất cho các ông chồng. Chỉ có các nhà tâm lý học và các tay sành sỏi tâm lý phụ nữ mới có thể đem ra áp dụng. Trong khi sử dụng phương pháp này, the conditio sine qua non (điều kiện không thể thiếu) là phải kiên trì hết mực. Phương pháp không thích hợp với những ai không biết cách chờ đợi và kiên nhẫn. Theo đó, nếu bạn đang tìm cách chài mồi vợ của người đàn ông nào đó, thì bạn phải giữ một khoảng cách xa nàng chừng nào tốt chừng đấy. Vừa khi bạn thấy nàng quá đỗi quyến rũ thì hãy chấm dứt ngay việc thăm viếng, càng ít gặp càng hay và chính lúc ấy buộc lòng bạn phải từ bỏ thú vui được chuyện trò với nàng. Bạn gây ảnh hưởng với nàng từ đằng xa. Chẳng qua toàn bộ vấn đề là một cách thôi miên vậy thôi. Hẳn nhiên là nàng không nhìn thấy bạn nhưng nàng vẫn chịu ảnh hưởng của bạn, cũng giống như con thỏ cảm nhận được tia nhìn chăm chăm của con trăn. Bạn thôi miên nàng không phải bằng đôi mắt nhưng bằng cái lưỡi khôn khéo của bạn. Và con đường tốt nhất không gì bằng, là thông qua người chồng của nàng.

Chẳng hạn tôi say đắm yêu N.N và tôi muốn chiếm đoạt nàng. Đâu đấy, ở câu lạc bộ hoặc ở nhà hát, tình cờ tôi gặp chồng nàng.

- Vợ anh thế nào? - Tôi làm như vô tình hỏi anh ta - Này, chị ấy là một phụ nữ thật duyên dáng. Tôi vô cùng ngưỡng mộ chị, anh ạ.

- Ở... nàng có gì mà mê hoặc cậu đến vậy hả? - người chồng hả hê đó buột miệng hỏi.

- Chị ấy đẹp nhất, thanh tú nhất. Chị có thể làm cho đá cũng phải động lòng yêu chị. Các anh là những ông chồng u mê đến lạ. Chỉ trong thời gian hưởng tuần trăng mật các anh mới nhận ra được giá trị của các bà vợ. Anh không thấy vợ anh là một phụ nữ lý tưởng sao? Này này, hãy mở mắt ra mà nhìn, mà tận hưởng số phận đã dâng tặng cho anh một người vợ như thế. Chỉ có những người đàn bà loại ấy mới thật sự cần thiết cho thời buổi này, thế hệ này.

- Ở nàng có gì mà anh cho là khác thường chứ? - người chồng gạn hỏi.

- Chị kiều diễm, chị duyên dáng, tràn đầy sức sống, chân thật, ngây thơ, thẳng thắn, đồng thời cũng rất chi là khó hiểu.

Và chuyện như thế còn đẩy xa hơn nữa. Ngay đêm đó, người chồng trước khi ngủ, chắc chắn sẽ thủ thỉ với vợ:

- Này em, anh mới gặp Pyotr. Hắn ca tụng em hết mực. Hắn mê mẩn vì em. Theo lời hắn thì em là một người đàn bà tuyệt đẹp, vô cùng yểu điệu và lại khó hiểu nữa. Rằng em có thể yêu một cách lạ lùng. Tất nhiên hắn nói rất nhiều về em... ha ha...

Sau đấy, vẫn không gặp nàng nhưng tôi vẫn nhắm tìm chồng nàng.

- Tiện thể, anh bạn già này... - tôi nói với anh - hôm qua một họa sĩ tôi quen đã đến tìm gặp tôi. Một ông hoàng nào đấy đã ra lệnh hắn phải vẽ chân dung có vẻ đẹp đặc biệt Nga. Vẽ như vậy hắn sẽ được thưởng hai ngàn. Hắn nhờ tôi tìm giùm một người mẫu. Tôi có ý định giới thiệu vợ anh với hắn nhưng bản thân tôi không thể làm được. Tuy nhiên chị ấy chính là mẫu người hắn đang cần. Khuôn mặt chị thật đáng yêu. Một người mẫu tuyệt vời như vậy mà thoát khỏi đôi mắt của nhà nghệ sĩ thì thật là tủi hổ. Quá là tủi hổ!

Ông chồng nào cũng đều nịnh vợ nên nhất định là sẽ lặp lại những lời ấy cho vợ mình nghe. Buổi sáng, người vợ sẽ ngồi rất lâu trước gương, săm soi nhan sắc của mình và thầm nghĩ: Do đâu anh ấy lại cho rằng khuôn mặt mình tiêu biểu người Nga nhỉ?

Vậy mà mỗi lần soi gương là nàng lại nghĩ đến tôi. Trong thời gian ấy, tôi vẫn làm như vô tình gặp gỡ chồng nàng. Sau mỗi lần gặp mặt ấy, người chồng khi trở về nhà cứ trân trân nhìn mặt vợ.

- Tại sao anh nhìn em như thế?

- Cái thằng cha Pyotr lại phát hiện là con mắt này của em thì đen hơn con mắt kia. Cả đời anh, anh có thấy gì đâu.

Người vợ lại ngồi trước gương, săm soi nhìn mình hồi lâu, suy nghĩ: Ừ, mắt trái hình như hơi đen hơn mắt phải... Không, mắt phải đen hơn mắt trái... Nhưng có lẽ với anh ấy thì như thế.

Sau lần gặp thứ tám hoặc thứ chín, người chồng nói với vợ:

- Anh gặp Pyotr tại nhà hát. Hắn xin lỗi đã không đến thăm em, lý do là không có thì giờ. Hắn nói hắn bận bù đầu. Hình như anh thấy khoảng bốn tháng nay hắn không đến thăm hai vợ chồng mình. Anh trách hắn chuyện này nhưng hắn rối rít xin lỗi, hẹn xong việc sẽ đến thăm.

- Nhưng đến khi nào công việc mới xong?

- Theo hắn nói, ít nhất phải một hoặc hai năm. Chẳng hiểu hắn làm cái quái quỷ gì. Ôi thằng cha thật lạ lùng! Hắn quấy rầy anh hoài như một tên khùng, lải nhải đủ điều: "Này, tại sao vợ anh lại không lên sân khấu nhỉ? Với một ngoại hình hấp dẫn như thế, với sự thông minh và đa cảm như thế mà ru rú làm người đàn bà nội trợ thì là một cái tội đối với chị. Chị ấy phải rũ bỏ mọi thứ. Hãy đi đến nơi nào mà tiếng nói bên trong thôi thúc. Những đòi hỏi tầm thường không thể dành cho những người đàn bà như thế bao giờ. Những phẩm chất như chị ấy thì không thể bị trói buộc trong thời gian và không gian".

Tất nhiên người vợ chỉ có ý tưởng mơ hồ về những gì câu chuyện thổi phồng kia muốn nói đến, tuy nhiên nàng mền nhũn cả người vì nỗi ngất ngây đến nghẹt thở ấy.

- Thật vô lý! - Nàng thốt lên, làm ra vẻ hững hờ - anh ta còn nói gì nữa không?

- Hắn nói là nếu hắn không bận rộn thì hắn bứng em ra khỏi anh ngay. Anh trả lời với hắn là, thích bứng thì cứ bứng đi, anh không vì em mà đọ kiếm với hắn đâu. Hắn liền la lên: "Ồ, anh không hiểu chị ấy. Điều quan trọng là phải hiểu chị ấy. Chị ấy là một người khác thường, dữ dội, sẽ tìm lối thoát cho xem. Thật đáng tiếc tôi không phải là Turgenev, bằng không tôi sẽ đưa chị ấy vào tiểu thuyết ngay". Anh không sao cười được. Em à, hắn mê mệt vì em đấy. Anh mới nghĩ thầm: Ờ giá như người anh em sống với nàng hai, ba năm thì người anh em sẽ ca cẩm một giọng khác thôi. Một thằng cha quái gở!

Người vợ khốn khổ ấy kết thúc bằng một nỗi giày vò khao khát mong được gặp mặt tôi. Tôi là người duy nhất hiểu được nàng, chỉ với tôi nàng mới thổ lộ hết tâm can. Song lẽ tôi vẫn bướng bỉnh không đến thăm nàng. Đã lâu rồi nàng không gặp tôi. Người chồng vừa ngáp vừa truyền đạt những lời nhận xét của tôi và dường như nàng nghe được chính giọng nói của tôi, nhìn thấy rõ đôi mắt long lanh của tôi.

Thời gian tâm lý đã điểm. Một buổi tối, người chồng về nhà, mở miệng nói:

- Anh mới gặp Pyotr Semyonych. Hắn trông đờ đẫn, ủ rũ, chán chường.

- Sao thế? Anh ta có chuyện gì à?

- Anh không rõ. Hắn than là chán quá. Hắn nói: "Tôi cô độc. Không bà con thân thích. Không bạn bè. Không một ai hiểu tôi. Không một ai để tâm tình. Không ai hiểu tôi cả. Tôi chỉ mong có mỗi một điều: chết quách cho xong!".

- Đồ điên rồ! - người vợ bật thốt lên, nhưng trong thâm tâm thì nàng nghĩ: Đáng thương thật! Mình hoàn toàn hiểu anh ấy! Mình cũng cô độc. Cũng không có ai để hiểu mình trừ anh ấy ra. Còn ai ngoài mình để thấu hiểu tâm trạng của anh ấy?

- Đúng là một thằng cha quái gở! - người chồng tiếp tục - Hắn còn nói thế này: "Quá chán chường tôi không sao ở nhà được. Suốt đêm tôi đi thơ thẩn trong công viên".

Người vợ sốt vó cả lên. Nàng ngắc ngoải muốn chạy vụt đến công viên để thấy - dù chỉ bằng một mắt thôi - người đàn ông hiểu được nàng mà giờ đây đang mang tâm trạng thất vọng đến thế. Ai biết được chứ? Nếu mình nói chuyện với anh ấy, nếu mình nói một vài lời để an ủi anh ấy thì may ra anh ấy khoẻ khoắn hơn. Nếu mình nói rằng anh đã có một người bạn hiểu anh, đánh giá được anh thì có có lẽ anh sẽ tỉnh người lại. Nhưng mà điều này không thể... Phi lý quá. Thậm chí mình không được có ý nghĩ như thế nữa kia. Nếu mình không lưu ý, mình sẽ yêu anh ấy mất, mà như vậy quả là xuẩn ngốc và buồn cười biết bao.

Khi chồng nàng ngủ say, nàng liền ngẩng cao đầu, nó nóng như lửa đốt ấy, ngón tay ép chặt lên môi, suy nghĩ: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bây giờ mình liều lĩnh ra khỏi nhà. Rồi sau đó, mình sẽ bịa ra chuyện đến quầy thuốc, đến nha sĩ. Mình phải đi thôi. Nàng quyết định.

Kế hoạch của nàng đã sắp sẵn: Mình đi theo cửa phía sau ra khỏi nhà, đáp taxi đến công viên; một khi đến đấy, mình sẽ đi bộ ngang qua anh ấy, liếc mắt nhìn anh rồi quay về nhà. Như thế nàng sẽ không làm tổn thương nàng và cho cả người chồng của nàng.

Nàng mặc quần áo, vội vã rời khỏi nhà, lao vút đến công viên. Công viên tối đen, vắng vẻ. Những thân cây trơ trụi yên giấc. Không thấy một bóng người. Nhưng nàng chợt thấy có bóng người. Chắc chắn là người đó rồi. Toàn thân nàng run rẩy, chầm chậm nàng tiến về phía tôi... và tôi tiến về phía nàng. Trong giây lát cả hai chúng tôi đều đứng bất động, nhìn sâu vào mắt nhau. Một khoảnh khắc khác lại trôi qua lặng lẽ và... con thỏ bất lực chui vào mõm con trăn.


Anton Tsekhov


Chữ ký của seta
Đời này tôi hận một người
Mà người tôi hận là người tôi yêu

Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 21-10-2003   #13
Ảnh thế thân của seta
seta
-=[ Lương Sơn Hảo Hán ]=-
Gia nhập: 12-10-2003
Bài viết: 440
Điểm: 90
L$B: 15.862
seta đang offline
 
Đời là một rạp xiếc ba vũ đài

Khoảng hơn chục năm trước đây, lần đầu tiên tôi kiếm được công ăn việc làm: gõ trống khua chiêng cho một gánh xiếc Đức – Ý. Tôi tập tọng viết cho hai, ba tờ báo lá cải tỉnh lẻ, rồi cuối cùng cũng ăn được chân phóng viên thực thụ cỡ bự cho một tờ báo cứng hơn ở đô thành. Tôi ngây ngất trong hào quang của cuộc đời ký giả. Tôi mua một cái mũ có thể đội hất sau gáy. Người ta theo tôi suốt mấy dãy nhà chờ xem cái mũ có rơi xuống đất không.

Tôi cũng tập ngậm xì gà lệch một bên mép, nhưng không làm sao tập nổi cách nói bằng mép bên kia. Có tập đến mấy thì giọng của tôi vẫn cứ lạc hẳn đi, vì trời phú cho tôi một giọng nói the thé. Tôi bắt đầu viết những tin chó chết, nhưng cạnh đó cũng đưa tin màn bạc, chủ yếu là phỏng vấn các minh tinh hạng ba, những ngôi sao thực ra cũng ngờ nghệch chẳng kém gì tôi.

Chính những tin xi-nê-ma vặt ấy đã xô tôi vào con đường viết quảng cáo. Một hôm, ông trùm quảng cáo, với cả một đàn minh tinh mà hầu hết tôi đã phỏng vấn, mời tôi đi xơi cơm trưa. Tôi tưởng chẳng qua là ăn với nhau một bửa để chia tay đấy thôi, ngờ đâu lão ta định mở mang kinh doanh. Ông ấy đang nhập khẩu một gánh xiếc Âu. Và ông thiết tha mời tôi, chính tôi, làm công việc quảng cáo. Tôi thưa với ông rằng tôi chẳng biết chuyện quảng cáo đầu cua tai nheo ra làm sao cả. Nhưng, theo ông, viết được tức thị tôi cũng gõ trống khua chiêng được thôi.

Ông ta đặt giá. Hồi ấy, nghe giá ông đặt mà tôi tưởng được thừa hưởng cả một gia tài. Nhưng lòng tôi còn trong sạch. “Tôi còn phải xin ý kiến ông chủ bút của tôi, xem thử công việc này có lương thiện không!” Tôi trả lời thế.

Ông chủ bút của tôi, một cây rượu sướt mướt, phải ôm lấy tôi mà khóc. Tôi tưởng lão khóc thương cho tấm lòng trong trắng đã mất của lão. Nhưng lão nói thẳng vào mặt tôi: tin tức chính thống chấm dứt ở đâu, thì tuyên truyền bịp bợm bắt đầu từ đấy. Nếu như tôi có khả năng leo dây mà không ngã, thì ông ấy cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại không chịu nhận công việc quảng cáo. Như tôi đã thưa với bạn, lòng tôi thì trong trắng, còn sức khỏe của tôi thì bằng sức khỏe mười người cộng lại. Tôi đầy đủ khả năng để đi nhón chân trên sợi dây hiểm nghèo chăng ra giữa một ký giả và một nhà quảng cáo. Tôi không hề mảy may nghi ngờ điều đó.

Làm nghề tay trái, thoạt tiên, kể cũng ngấy. Ông trùm chất một đống tài liệu quảng cáo lên đầu tôi, bảo tôi rút từ đó ra một vài bài. Công việc tôi làm chủ yếu là viết lại. Chỉ việc thay các tính từ, và đổi các động từ ra thì tương lai. Nhưng kết quả việc tôi làm hẳn là tốt, bởi lẽ hầu hết các báo nhận được bài vở của tôi đều đăng cả.

Ông trùm quảng cáo chưa thỏa mãn. Ông cần thêm những tường thuật đặc biệt, nhất là về các minh tinh đang biểu diễn. Anh hề số một hẳn phải là một tay hề trứ danh chứ gì. Ông ta muốn tôi viết một bài thực căng về anh hề ấy. Tôi sàng lọc các tài liệu quảng cáo, nhưng ít nhiều cũng đã biết phải viết gì về vai này rồi. Các bạn đừng quên rằng hồi đó tôi còn trẻ lắm, còn ôm một công thức có sẵn về các anh hề: đấy là những con người rất mực u sầu, thậm chí đầy thảm kịch, khi họ ra khỏi ánh đèn vũ đài.

Tôi đã xem bao nhiêu là phim kể chuyện những anh hề cất tiếng cười giữa lúc cõi lòng tan tác. Thế là tôi viết một bài tường thuật với đầu đề “Miệng cười toe toét chỉ là lớp sơn phủ ngoài”. Một chùy đến là bật nước mắt người đọc. Ai nấy xực tất. Tên tôi và tên anh hề được nhắc đầu cửa miệng mọi người. Lần đầu tiên tôi nếm được chút ít mùi danh vọng.

Gánh xiếc đến. Tôi gặp anh hề bằng xương bằng thịt. Tôi muốn chết vì xấu hổ. Đây là lần đầu tiên tôi học được khoảng cách giữa văn chương và cuộc đời, giữa khuôn sáo và thực tiễn. Anh hề không thuộc loại tôi từng gặp trong sách, từng thấy trong phim. Trong bộ quần áo hàng ngày, lão ta chỉ là một con người bình thường, rất thư thái, dễ dãi, dung dị, và cũng khá lười biếng. Chỉ cần vài phút ngồi với lão là đủ thấy lão ta không thuộc hạng người ủ dột, cũng không phải là loại hay hờn dỗi. Quả là một anh hề cỡ lớn, dự buổi tập thì rõ, nhưng, những gì lão làm, lão chẳng coi là nghệ thuật. Đấy chỉ là công việc của lão, một ngón kỹ xảo do cha lão, ông nội lão truyền lại. Giả thử các cụ xưa kia làm nghề thợ mộc, thì lão cũng vui vẻ làm nghề thợ mộc chứ sao.

Tên lão ta là Goóc-ghi-ô. Lão chẳng xưng họ bao giờ. Lão là người vùng Bắc Ý, nhưng gia đình lão đã di cư từ một xóm ảm đạm nào đó đến một khu ngoại ô tưng bừng của thành phố Mi-lan, hai chiếc ô tô thuộc quyền sở hữu của lão và gia đình lão.

Vợ lão là một mụ nhà quê béo hú, nhưng, theo lời lão, mụ ta lại com-măng quần áo tận Rôm kia. Cả năm đứa con của lão đều theo học những trường danh tiếng ở Thụy Sĩ. Mùa đông, lão đưa gia đình đi nghỉ ở miền Tây Ban Nha. Hồi bấy giờ, lão ta suýt soát năm mươi, và đã nghĩ đến chuyện hưu trí. Lão khoe là đã dành được đủ tiền để về hưu một cách sang trọng. Mi-lan đẹp nhưng lạnh quá. Lão định mua nhà ở Ca-pri. Từ bao đời rồi, gia đình lão làm cái nghề xiếc này, nhưng, đến các con lão, thì thôi đấy, không xiếc không xủng gì nữa hết. Truyền thống chấm dứt với đời lão. Đến các con trai lão thì thôi đấy, không có bôi son trát phấn gì nữa đâu. Chúng nó sẽ chuyển nghiệp, có thể là những nhà kinh doanh, những công dân vững vàng.

Nghe Goóc-ghi-ô kể, tôi cứ xỉu dần. Đâu phải tôi chỉ lúng túng vì đã vẽ một bức tranh hoàn toàn sai khi tường thuật về lão ta, mà bài tường thuật ấy lại tung tóe ra đến mức còn phải viết tiếp. Còn một vấn đề nữa: làm thế nào mà viết câu chuyện ngang bằng sổ thẳng đã cũ rích kia cho hay được.

Một lần nữa, xin các bạn nhớ cho, hồi đó tôi còn trẻ. Tôi không sao nghĩ ra được rằng thực tiễn có thể còn hay gấp vạn lần, so với cái khuôn sáo đã mòn mỏi. Trong đầu tôi, không hề lóe ra cái ý kiến rạng rỡ là đập tan một mê tín, là ném ra một bài báo với nội dung sau đây: Này, các vị đã hiểu lầm các anh hề cả rồi. Đây, anh chàng này cười vì hắn ta sung sướng, chứ đâu phải vì cõi lòng hắn đang tan tác. Tôi đã gán những định kiến của tôi cho cuộc đời mất rồi. Mọi thứ đều khuôn theo mô hình cả. Ký giả thì bề ngoài phải bướng bỉnh, gái điếm tất cả một trái tim vàng, ngôi sao màn bạc thì té ra lại sống trong cảnh rách mướp, còn làm báo là một nghề quyến rũ. Hề xiếc cũng thế thôi, cũng phải khuôn theo mô hình lập sẵn cho họ.

Tôi hỏi Goóc-ghi-ô xem lão có đọc những gì tôi đã viết về lão không. Lão ta bảo rằng lão chẳng bao giờ đọc quảng cáo về lão cả. Không phải lão ta cố tình làm cho tôi phật ý, lão chỉ nói sự thực. Lão giỏi tiếng Anh, nhưng có đọc thì lão chỉ đọc tiếng Ý. Tôi cho lão ta hay rằng tôi đã vẽ lão hệt một anh hề Hăm-lét.

Lão nhăn mặt cười, rồi nhún vai. Mà thế thật, đã bao nhiêu người tưng viết như vậy về lão: u buồn, sầu muộn, ủ ê. Thế gian đã sẵn một hình ảnh nhất định về các anh hề, nhưng đâu có biết rằng nó hoàn toàn giả tạo. Chính vì thế mà lão không bao giờ phản đối những bài tường thuật thuộc loại đó về bản thân lão. Thế thì tôi chẳng phải thắc mắc mà làm gì. Lão đâu có phản đối tôi. Lão ta chịu chơi lắm chứ, nếu cái trò quảng cáo này thu hút đông đảo khán giả đến xem lão làm trò. Muốn viết cái gì, tôi cứ viết.

Với một gã cung cách ra làm vậy, thì cũng đành thôi, chứ sao!

Goóc-ghi-ô giữ lời hứa.

Trong buổi họp báo đầu tiên, lão bận đồ đen, ăn nói nhát gừng, cau có với các phó nhòm, nổi xung lên, rồi bỗng xì hơi, xin quý vị khán giả tha lỗi cho lão, vì đầu óc lão đang rối bời, nào những rắm rối trong tình cảm nào những câu chuyện lòng...

Trong bài viết kế tiếp, tôi lôi ra bất cứ những gì còn bỏ ngỏ. Tôi nói bóng nói gió đến cả một loạt những cuộc tình bi đát. Giờ đây, khi đã đứng tuổi, lão lại đắm say một cô gái trẻ, mà con bé này thì chỉ lấy lão làm trò đùa thôi. Mỗi lần lão nhảy ra vũ đài trong vai hề, thì, thực ra, lão chỉ tự trừng phạt mình vì nỗi đã làm trò hề ngay trong đời thực, vì cái nỗi cho một con đĩ bất nhân tha hồ mà đấm, mà đá, mà thoi, mà dày xéo. Cả thành Ma-ni-la đổ xô đến rạp xiếc để xem anh hề quá ư đáng thương. Tôi thì tôi đi uống rượu.

Quả là một tiếng sét, cả Goóc-ghi-ô lẫn gánh xiếc. Họ ký hợp đồng biểu diễn có một tháng thôi, nhưng lại kéo dài thêm hai tuần, rồi ký tiếp hợp đồng biểu diễn ở Xê-bu và Đa-vao. Khoảng hai, ba hôm trước khi gánh xiếc đi Nam, ông trùm quảng cáo trả công cho tôi - khoản đã ngã giá cộng với một món tiền thưởng. Theo ông, tôi đã làm nổi một công việc khủng khiếp. Lần sau, khi ông nhập một chương trình biểu diễn khác, thì thế nào ông cũng mời tôi gióng trống khua chiêng lượt nữa. Tôi bảo ông cứ giao việc cho người khác: đây là cố gắng đầu tiên mà cũng là cố gắng cuối cùng của tôi trong nghề quảng cáo.

Tôi cứ phải cưỡng lại để khỏi trao món tiền kiếm được cho quỹ từ thiện. Hồi đó, tôi còn lý tưởng lắm kia: tôi cảm thấy mình đã “giả dối với công chúng của mình!”

Chắc chắn ông trùm quảng cáo đã đem cảm nghĩ của tôi nói với Goóc-ghi-ô, cho nên, trước hôm gánh xiếc rời đi, Goóc-ghi-ô mời tôi ăn cơm tối. Chúng tôi đến cái khách sạn Âu ở trên đại lộ Ai-giắc Pi-sơn. Goóc-ghi-ô tỏ ra hết sức từng trải: lão đặt một bữa ăn hiếm thấy - cứ mỗi lượt bưng thức ăn ra là thay rượu khác. Chỉ có hai chúng tôi với nhau, nên tôi khá bối rối, vì cứ phải chú ý đến tách cà phê, đến ly rượu mạnh mà Goóc-ghi-ô mời tôi.

Lão bảo tôi rằng rất thông cảm với nỗi khổ tâm của tôi vì lẽ tôi đã “bịa” ra cr một tích chuyện. Nhưng mà, đã làm ăn trong cái ngành quảng cáo này, thì ai cũng thế cả thôi. Với thời gian, tôi sẽ tập vượt qua nỗi khổ tâm ấy. Rồi ra tôi sẽ không đến nỗi quá chấp nhặt như vậy nữa.

Lão nói: “Anh phải tập tách đời sống nghề nghiệp khỏi các cuộc đời khác của anh, bằng không, anh không làm sao mà sống nổi đâu. Anh sẽ sống trong một thế giới cực kỳ chật hẹp”.

“Nhìn tôi đây này.” Lão nói tiếp, “cuộc đời của tôi là một rạp xiếc ba vũ đài. Trên vũ đài thứ nhất, tôi là anh hề Goóc-ghi-ô nổi tiếng. Trên vũ đài khác, tôi là người cha của một gia đình được rất mực kính trọng, với một biệt thự xinh xắn ở Mi-lan. Còn trên vũ đài thứ ba thì tôi chính là tôi, bằng xương bằng thịt. Con người này chính là thằng tôi, một thằng tôi thích ăn ngon, thích uống rượu, thích gái đẹp, thích hết ý. Cái thằng tôi ấy có thể rất rừng, nhưng hắn chỉ rừng đúng lúc của hắn thôi. Hắn không được phép đảo lộn tùng phèo công việc của anh hề Goóc-ghi-ô, hoặc làm tổn hại đến thanh danh của người cha khả kính của một gia đình ở Mi-lan. Cho nên, tôi sống ba cuộc đời khác nhau, ít nhiều độc lập với nhau. Và chính vì tôi giữ được ba cuộc đời ấy tách biệt khỏi nhau, mỗi cuộc đời có vũ đài riêng của nó, cho nên tôi hưởng được một thế giới rộng lớn hơn nhiều, so với con người hoàn toàn bị hút vào cuộc sống của một minh tinh xiếc, hay của một ông chủ gia đình”.

“Cậu cũng phải tập làm như thế. Giờ đây, cậu chỉ đơn thuần là một ký giả. Cậu chịu để cho nghề nghiệp choán hết cuộc sống của cậu. Thế là không hay đâu. Trong nghề nghiệp của tôi, thì chúng tôi xếp cậu vào loại gánh xiếc chỉ có một vũ đài. Những minh tinh lớn phải ở trong các gánh xiếc có ba vũ đài. Đấy, cậu phải hướng tới đó! Nghiêm chỉnh đi theo thiên hướng nghề nghiệp? Tốt thôi. Nhưng chẳng làm cái gì khác ngoài công việc mình làm? Dở lắm! Cậu phải tức khắc dựng thêm hai vũ đài nữa cho gánh xiếc của đời cậu”.

Những gì Goóc-ghi-ô bảo ban tôi trong đêm đó, nhớ được chừng nào tôi đã ghi lại trên đây chừng ấy, mà tôi nhớ kỹ lắm kia, bởi vì lời lẽ lão nói đã đập mạnh vào tâm trí tôi. Trong đời từng con người, bao giờ cũng có một giây phút đặc biệt, giây phút những lời khuyên phải lẽ bắn vừa trúng đích. Đêm đó chính là giây phút định hướng cho đời tôi.

Ngay hôm sau, tôi bảo ông chủ bút rằng tôi đã chán ngấy cái công việc viết những tin chó chết rồi. Và tôi có ý định viết một loạt bài về cuộc sống ở các tỉnh lẻ. Liệu ông ta có dám nhân cơ hội này mà cử tôi đi làm phóng viên lưu động khắp đất nước trong vòng hai, ba tháng không? Lời ăn tiếng nói của tôi có sức thuyết phục lớn lắm thì phải: không bao lâu sau, ban biên tập họp và quyết định rằng, nếu báo đăng một loạt bài về đời sống tỉnh lẻ, thì cũng hay đấy. Tôi được rút ra để đi viết loạt bài ấy. Loạt bài đó, thực ra, đâu phải là cái đích tôi theo đuổi. Tôi chỉ mong có dịp mở rộng chân trời của mình thôi. Tôi theo lời khuyên của Goóc-ghi-ô. Tôi dựng một vũ đài thứ hai cho gánh xiếc của đời tôi. Tôi tìm cơ hội thể nghiệm.

Sau đấy một tuần, tôi đi Ba-ta-nét. Tại đây, qua một tờ báo ra ngày hôm trước, tôi hay tin Goóc-ghi-ô đã bị tai nạn ở Đa-vao. Trong chương trình biểu diễn của lão có tiết mục nhại người đi dây. Kể như sợi dây đứt tung ra, khiến lão rơi tõm xuống sàn. Ở Đa-vao đêm ấy, sợi dây đứt tung như thường lệ, nhưng Goóc-ghi-ô rơi xuống một thanh sắt mà tay lực sĩ nhỡ bỏ quên trên vũ đài. Goóc-ghi-ô đập lưng vào thanh sắt. Lão đứng dậy ngay, tiếp tục biểu diễn, nhưng từ hôm sau thì không xuất hiện trên vũ đài nữa.

Khoảng hai tháng sau, khi tôi trở lại Ma-ni-la, tôi đếp gặp ông trùm quảng cáo hỏi tin Goóc-ghi-ô. Gánh xiếc đã rời khỏi đất này từ lâu, và, như chỗ ông trùm quảng cáo biết, thì Goóc-ghi-ô đã ổn rồi. Trong chuyến đi các tỉnh, lão chỉ vắng mặt có một hôm thôi. Trở lại Ma-ni-la, lão nom cũng khỏe mạnh. Tôi báo ngay cho ông trùm quảng cáo hay rằng tôi đã thay đổi ý kiến: nhỡ ra ông ta có nhập khẩu một gánh khác, thì tôi sẵn sàng làm người gõ trống khua chiêng. Ông ta tức khắc giao việc cho tôi: một đoàn ca vũ trên băng sắp đến đây.

Câu chuyện kể trên đã xảy ra từ mười năm trước đây. Đầu năm nay, một công ty vô danh tiểu tốt nào đó tiếp xúc với tôi, nhờ tôi quảng cáo cho một gánh xiếc. Gặp tôi, họ cảm thấy sượng sùng: gánh xiếc họ nhập khẩu là một gánh xiếc chỉ một vũ đài nhỏ. Nhưng đấy chính là lý do họ cần đến tôi.

Biết đâu tôi lại chẳng làm nên phép lạ, với một chương trình biểu diễn hạng ba, hạng tư như thế.

Tôi đang tíu tít với trăm công nghìn việc làm ăn lớn, nhưng rồi vì lẽ nào đó tôi lại quan tâm đến cái đề nghị còm cõi này. Tôi tự nhủ: dù sao thì trước đây mình cũng từng bước chân vào nghề quảng cáo bằng cách gõ trống khua chiêng cho một gánh xiếc. Thế là tôi bảo mấy tay cầm đầu công ty quảng cáo: Cứ gửi tài liệu cho tôi, tôi sẽ liệu xem có thể làm gì được chăng.

Trong đống tài liệu quảng cáo họ gửi đến, cũng có bản tường thuật muôn thuở về anh hề số một, một tay nào đó tên gọi Pép-pô. Đọc về hắn ta, tôi cứ nhăn cả mặt lại. Theo bản tường thuật, hắn là một anh chàng u sầu, với một cuộc đời đầy bi kịch, vân vân, vân vân – nghĩa là tất cả những khuôn sáo cũ rích về một anh hề phải cất tiếng cười giữa lúc cõi lòng tan nát. Giờ thì tôi đã khôn ngoan hơn xưa (dùng chữ yếm thế có lẽ đúng hơn): tôi có thể nhìn xuyên qua cái khuôn sáo.

Thế là tôi viết một bài phá tung tất cả những chuyện nhảm nhí về các anh hề sầu muộn. Dưới ngòi bút của tôi, tay Pép-pô này có rất nhiều khả năng là một gã khỏe mạnh, một người giàu có trong giới trưởng giả ở nước hắn ta, có một biệt thự và hai ô tô. Theo lời tôi viết, hắn rất có thể là ông chủ của một gia đình đáng trọng, con cái thì học tại những trường danh giá nhất, có một bà vợ béo hú mà dung dị. Cái bài tôi viết ra ấy làm náo động cả dư luận. Lối viết có một không hai của tôi đánh đúng vào tâm trạng của công chúng.

Gánh xiếc đến giữa lúc tôi đang ở Hồng Kông. Tôi về đến Ma-ni-la thì vừa hay họ kết thúc đợt biểu diễn. Nghe nói chương trình khá là nhàm. Ừ, gánh xiếc có một vũ đài thôi, thì có thể mong đợi gì hơn? Tôi đi xem vào đêm cuối.

Mấy anh hề ra vai. Trong bọn họn, có một tay tôi xem chừng quen quen. Tôi tự nhủ: không thể. Làm sao tôi có thể từng gặp hắn ta được? Anh hề này quá ư là ủ dột. Tôi cảm thấy hắn ta đã già rồi – son phấn trát trên mặt thế kia thì ai mà biết được! Tôi còn cảm thấy một điều khác nữa: hắn đang đau đớn, còn hai tay cùng diễn với hắn thì cố tình làm cho hắn đau. Cứ xem cái cung cách hai đứa ngáng chân cho hắn ngã, đánh hắn, nhảy lên người hắn, đá vào đít hắn thì rõ là chúng cố tình và thích thú. Có hai người cùng diễn với hắn, cả hai rõ ràng còn trẻ, một nam, một nữ. Thế là tôi bắt đầu run, trước cách xử sự của chúng đối với lão hề già đáng thương kia. Tôi cảm thấy được là hắn đã già – nhưng son phấn trát lên mặt thế kia thì ai mà biết được! – tôi cứ cảm thấy, thế thôi.

Gần cuối trò, tay thanh niên và đứa con gái xách một tấm bảng đen, choảng cho lão Pép-pô đáng thương một cú, khiến lão ngã chỏng gọng trên mùn cưa. Khán giả reo hò như sấm, khi lão cố vục dậy mà không được - cứ mỗi lần cố vục dậy là một lần dập mặt xuống sàn. Tôi nhoai người ra trên ghế. Trong cặp mắt lão hề, có phải là những giọt nước mắt thực?

Tôi cảm thấy lão ta phát khóc lên vì đau đớn. Đích thị. Khán giả cười rộ lên khi thằng thanh niên và đứa con gái nhảy lên lưng lão, rồi túm vai lão mà xốc lên, lôi lão ra khỏi vũ đài.

Tôi đứng phắt dậy, vội vã đi ra sau hậu trường. Tôi hỏi thăm lối đến buồng hóa trang của Pép-pô. Tôi bước vào. Trong buồng chỉ có mỗi mình lão đang nằm trên chiếc giường con. Tôi tự giới thiệu. Cặp mắt tưởng như đã tắt dưới cơn đau bỗng chớp chớp một hồi. Lão cố ngồi dậy, ngả người về phía tôi.

Lão nói: “Chúng ta đã gặp nhau rồi thì phải”.

Tôi hỏi lão là ai. Lão đứng dậy, lấy chiếc khăn mặt lau sạch son phấn. Rồi lão bỏ bộ tóc giả ra, quay lại cho tôi nhìn mặt.

Đấy là Goóc-ghi-ô, một Goóc-ghi-ô đã già khụ.

Rồi lão kể cho tôi nghe những gì đã xảy đến trong đời lão. Sau lần bị nạn ở Đa-vao, lão bắt đầu đau lưng. Lưng đau đến mức lão phải rời gánh xiếc cũ, phải đi mổ. Sau lần mổ đầu tiên ấy, nhiều lần mổ khác liên tiếp vét sạch dần số tiền lão dành dụm được. Lão phải bán cái biệt thự ở Mi-lan đi. Con cái lão phải di cư sang Mỹ. Vợ lão qua đời. Lão phải lạy lục để xin việc ở các gánh xiếc. Nhưng giờ thì các chủ gánh xiếc làm khó dễ ghê lắm kia. Lão đâu còn có thể vận động nhanh nhẹn như xưa, cử động một cái là cứ đau nhói lên.

Tôi bàng hoàng. Tôi nói cho lão hay tôi đã choáng cả người trước cảnh bọn đồng diễn tra tấn lão trên vũ đài. Mỗi lần cử động là mỗi lần lão đau nhói lên, thế thì việc gì lại để cho cái thằng thanh niên và đứa con gái kia đối xử thô bạo với lão đến thế?

“Đứa con gái ấy là vợ tôi đấy”.

Tôi còn biết nhìn đi đâu nữa.

Lão nói tiếp, giọng rầu rĩ: “Còn cái thằng thanh niên kia là người tình của nó. Tôi biết chứ, tôi biết cái con bé ấy chẳng trung thành gì với tôi. Tôi biết chúng nó thích hành hạ tôi. Nhưng tôi làm gì được. Bây giờ, nó là cả cuộc đời tôi, cả thế giới của tôi”.

Tôi nhắc lại những lời lão nói với tôi ngày xửa ngày xưa. Cuộc đời phải là một gánh xiếc ba vũ đài. Đừng chịu để cho bất cứ cái gì chỉ một mình nó mà thâu tóm hết cuộc đời mình.

Mặt lão nhăn lại đến là gớm ghiếc.

“Ấy, ấy, đâu phải tôi, người khác nói đấy. Giờ thì tôi chỉ mong được một gánh xiếc độc một vũ đài, bé nhỏ đến đâu cũng được, rẻ tiền đến đâu cũng được. Mà giờ thì thế cũng đã khó lắm rồi”.

Bỗng lão òa lên khóc. Tôi lúng túng quá. Tôi đứng dậy đi ra. Tôi muốn để cho lão yên thân với nỗi khổ nhục của lão. Đã hai lần rồi, tôi hiểu nhầm con người này. Tôi mở cửa. Bên ngoài, một phóng viên nhiếp ảnh tôi quen. Tôi cố tình chặn y lại, không muốn cho tay phó nhòm trông thấy lão đang ngồi khóc trên giường.

Nhưng Goóc-ghi-ô đã nghe tiếng. Lão cất tiếng hỏi.

Tôi vẫn chắn ngang cửa, vừa ngoái đầu lại vừa đáp: “Có người muốn chụp ảnh ông đấy”.

“Để người ta vào”.

Anh chàng nhiếp ảnh bước vào, còn tôi thì ra đi.

Đã bước ra ngoài, tôi còn nghe tiếng anh chàng nhiếp ảnh: “Ông mỉm cười cho”. Tôi liếc trở lại. Lão hề đang cười.


Giô-xơ A. Ki-ri-nô


Chữ ký của seta
Đời này tôi hận một người
Mà người tôi hận là người tôi yêu

Trả lời kèm theo trích dẫn
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 12:46
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,14870 seconds with 15 queries