Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Đông Tây Nhân Vật Chí
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Đông Tây Nhân Vật Chí Luận bàn về những nhân vật nổi tiếng và tai tiếng...

Đã khóa chủ đề
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 19-03-2010   #118
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.168
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đinh Củng Viên ( ?- 1294)

Đinh Củng Viên ( ?- 1294) người Đông Sơn, Thanh Hoá, là một người có tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc, giỏi văn chương, biện thuyết, không rõ năm sinh. Dưới ba triều vua Trần (Thánh Tông 1258-1279, Nhân Tông 1279-1293, Anh Tông 1293-1314), ông đều được tin cậy và giao những việc quan trọng.

Năm Canh Ngọ 1270, gặp khi Nguyên Thế tổ là Hốt Tất Liệt sai sứ sang khiến vua Trần phải nộp biểu xưng thần, ông cùng với đại phu Lê Đà sang sứ nhà Nguyên để biện bạch, quyết không để nhục quốc thể.

Vua Nguyên Tông bảo:

- Quân của thiên triều đi đến đâu san bằng đến đó, không ai dám đương cự, trái mạng, sao chúa các người không rõ phận nước nhà toan địch thể với ta sao?

Ông thản nhiên đáp:

- Nếu nhà vua định đem điều nhân nghĩa mà khiến mọi người kính nể thì mới thuyết phục được chúng tôi. Nếu đem binh lực ra dọa nạt, thì dù nhỏ, nước tôi vẫn có binh hùng tướng dũng, có núi non hiểm trở để ngăn chận và thù tiếp binh thiên triều.

Ông cũng đã nhấn mạnh với vua Nguyên : “Nước Đại Việt là nước văn hiến, xưa nay chưa từng tranh lấn bờ cõi nước nào, cũng không hà hiếp ai, không thể gọi là “man tộc”.

Thấy ông biểu dương tinh thần bất khuất của dân tộc ta, Nguyên Thế tổ mến phục. Do đó tránh được việc binh đao một thời gian.

Ông làm quan ở Viện Hàn lâm, nổi tiếng thơ văn. Và sau cuộc đi sứ Nguyên về, ông được ca tụng là trang biện sĩ ưu tú.

Năm 1282 được trao chức Hàn lâm viện học sĩ phụng chỉ. Hai năm sau, trong khi quân Nguyên ồ ạt đánh sang nước ta, Đinh Củng Viên được giao công việc ở Nội mật viện. Kháng chiến thành công ông lại xin về Viện hàn lâm. Sau nhiều năm giữ việc từ lệnh, ông được thăng chức Thái tử thiếu bảo, tước Quan nội hầu.

Năm 1291, trong khi phò Trần Nhân Tông tiếp sứ Nguyên là Trương Lập Đạo, ông đã cứng cỏi vạch tội ác quân xâm lược Nguyên và khẳng định danh vị vua tôi nước mình khiến Trương Lập Đạo rất tức bực mà không làm gì được. Chắc vì lý do đó Trần Anh Tông rất quý trọng ông, thường chỉ dùng tước hiệu gọi, không gọi bằng tên thật.

Ông mất năm Giáp Ngọ (1294), năm sau còn được truy tặng chức Thiếu phó.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #119
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.168
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đinh Điền (924-979)

Đinh Điền (924-979) quê ở làng Đại Hữu, cùng làng với Vua Đinh, nay là xã gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Thân phụ ông là Đinh Thân, mẹ là Dương Thị Liễu, quê ở yên Bạc, nay là xã Yên Phú, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Khi mới sinh Đinh Điền có tên gọi là Đinh Trào( Đinh Điền là tên chữ) . Ông với Vua Đinh cùng tuổi (sinh năm Giáp Thân, 924). Khi còn là trẻ nhỏ, đi chăn trâu ở Thung Lau (Gia Viễn), Đinh Điền đã cùng lũ trẻ lấy hoa lau làm cờ, khoanh tay làm kiệu, suy tôn và rước Đinh Bộ Lĩnh làm Chúa. sau ông là một trong số những công thần khai quốc và là người tận trung với nhà Đinh.

Lớn lên, Đinh Điền cùng Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú theo phò Đinh Bộ Lĩnh trấn giữ động Hoa Lư chống lại nhà Ngô, trong đó ông cùng Nguyễn Bặc làm tướng võ, còn Lưu Cơ và Trịnh Tú làm tướng văn.
Năm 965, nhà Ngô mất. Ông cùng các chiến hữu giúp Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp loạn 12 sứ quân trong 3 năm, thống nhất giang sơn về một mối.

Theo sử sách, Đinh Điền được vua Đinh cử giữ chức Ngoại giáp, nghĩa là coi việc bên ngoài, theo thần phả thì ông giữ chức Nhập nội kiểm giáo Đại Tư đồ, Bình chương trọng sự.

Năm Kỷ Mão (979), Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị sát hại, triều đình tôn người con còn lại của Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn mới 6 tuổi lên ngôi kế vị. Lê Hoàn làm Nhiếp chính đại thần, thường ra vào cung cấm tư thông với thái hậu Dương thị làm mẹ của ấu chúa. Sau đó, Lê Hoàn lại tự xưng là Phó Vương, mọi việc trọng sự đều do tay Lê Hoàn sắp đặt.

Đinh Điền cho rằng Lê Hoàn có ý đồ thoát đoạt. Ông bàn với Nguyễn Bặc và Phạm Hạp cùng một số trung thần khác, bỏ quan về ở ẩn để mưu tính đại sự. Ông tập kết các anh hào, tướng sĩ trung thành với nhà Đinh để chuẩn bị đánh Lê Hoàn.

Đinh Điền hợp quân với Nguyễn Bặc, Phạm Hạp, đem hai đạo quân thuỷ bộ từ Ái Châu (Thanh Hoá) tiến về kinh thành Hoa Lư mưu giết Lê Hoàn, thu giang sơn lại cho nhà Đinh. Nhưng Lê Hoàn lợi dụng gió đông nam thổi mạnh, đánh một trận hoả công, đốt sạch thuyền bè, quân sĩ của Đinh Điền, Nguyễn Bặc. Đạo thuỷ quân tan rã, Đinh Điền bị tử trận.

Sau đó không lâu, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp cũng bị Lê Hoàn đánh bại, bị bắt và bị xử tử.

Về thời gian diễn ra trận chiến và cái chết của Đinh Điền, các nguồn tài liệu ghi khác nhau:

Sử sách thống nhất ghi việc này diễn ra vào cuối năm 979. Theo thần phả ở Ninh Bình, việc này diễn ra ngày 20 tháng 4 năm Canh Thìn (980). Một số thần phả khác, được Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam dẫn lại, cho rằng ông cùng vợ là Phan Môi Nương bị thua trận, quân tan nát hết nên cùng nhau tự vẫn ngày 20 tháng 11 âm lịch năm 979 chứ không phải ông bị tử trận.

Nhân dân vô cùng thương xót, coi ông là bậc trung thần, vì nghĩa cả quên mình nên đã thu nhặt hài cốt ông đem về chùa Trúc Lâm, nơi ông tu hành trước để an táng. Ngày nay ở nhiều làng tại Gia Viễn, Hoa Lư có đền thờ ông và Nguyễn Bặc.

Đinh Điền được phong làm thành hoàng của nhiều làng ở miền Bắc, đền thờ ông có nhiều ở Ninh Bình và Hưng Yên, tiêu biểu như:

-Đền Kim Đằng ở phường Lam Sơn, thị xã Hưng Yên, là nơi Đinh Điền đã đóng quân.
-Đền Đinh Điền ở thị trấn huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên
-Đền thờ Đinh Điền ở xã Khánh Thịnh huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình.
-Mộ và đền thờ tại Trúc Lâm (Yên Tử, Quảng Ninh), nơi đây là quê mẹ của ông và cũng là nơi ông tu hành.
-Ngoài ra ông còn được thờ ở Phủ Khống thuộc khu hang động Tràng An; Cố đô Hoa Lư; quê hương ông ở xã Gia Phương (Gia Viễn, Ninh Bình) .v.v.

Đinh Điền được đặt tên cho nhiều đường phố ở Việt Nam

-Phố Đinh Điền, thị xã Hưng Yên
-Đường Đinh Điền, thành phố Thái Bình
-Đường Đinh Điền, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #120
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.168
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đinh Gia Hội (1811-?)

Đinh Gia Hội (1811-?) sinh năm Tân Mùi (1811), không rõ năm mất. Ông quê xã Ngô Xá, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nội nay là thôn Ngô Xá, xã Tiên Nội, huyện Duy Tiên.
Ông đỗ cử nhân khoa Quý Mão (1843), 38 tuổi đỗ Phó bảng Ân khoa Mậu Thân, niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848). Đinh Gia Hội làm Tri phủ Từ Sơn (Bắc Ninh) có nhiều công lao, giúp dân lập ấp, góp phần mở mang văn vật Kinh Bắc. Ông làm quan thanh liêm, chính trực, được khắp vùng ca ngợi.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #121
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.168
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đinh Lễ ( ?-1427)

Đinh Lễ ( ?-1427) là công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, người Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hoá, Việt Nam. Gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình nói rằng ông là dòng dõi của Nam Việt vương Đinh Liễn con vua Đinh Tiên Hoàng.

Đinh Lễ là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu. Ông là người dũng cảm, nhiều mưu lược, võ nghệ hơn người, khi còn trẻ thường làm cận vệ cho Lê Lợi. Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn ông theo Lê Lợi chiến đấu vùng núi chí Linh trải qua nhiều gian khổ.

Năm 1424, quân Lam Sơn tiến vào Nghệ An, đánh nhau to với quân Minh ở Khả Lưu. Đinh Lễ cùng Lê Sát xông lên phía trước, các tướng sĩ thấy vậy cùng tiến theo, đánh bại quân Minh, đuổi Trần Trí, Sơn Thọ, bắt được nhiều tù binh. Sau trận đó ông được Lê Lợi phong chức Tư không.
Năm 1425, quân Lam Sơn vây Lý An, Phương Chính ở Nghệ An, Đinh Lễ được sai đi tuần ở Diễn châu. Ông đặt phục binh ngoài thành, đón đánh tướng Minh là Trương Hùng vận 300 thuyền lương từ Đông Quan (Hà Nội) tới. Hùng bỏ chạy, Đinh Lễ cướp được thuyền lương, thừa thế đuổi đánh quân Minh đến tận Tây Đô (Thanh Hoá).

Lê Lợi sai Lê Triện, Lê Sát tiếp ứng cho ông, đánh tan quân Minh buộc địch rút vào thành. Đinh Lễ chiêu dụ dân cư Tây Đô, chọn người khoẻ mạnh đầu quân vây thành.

Tháng 8 năm 1426, sau khi làm chủ từ Thanh Hoá đến Thuận Hoá, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lê Triện ra phía Tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía Đông bắc; Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan.

Lê Triện tiến đến gần Đông Quan đánh bại TrầnTrí. Nghe tin viện binh nhà Minh ở Vân Nam sắp sang, Triện chia quân cho Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả ra chặn quân Vân Nam, còn Triện và Đỗ Bí hợp với quân Đinh Lễ, Nguyễn Xí đánh Đông Quan (Thăng Long, Hà Nội).

Phạm Văn Xảo phá tan viện binh Vân Nam. Vua Minh lại sai Vương Thông mang quân sang tiếp viện. Thông hợp với quân ở Đông Quan được 10 vạn, chia cho Phương Chính, Mã Kỳ. Lê Triện, Đỗ Bí đánh bại Mã Kỳ ở Từ Liêm, lại đánh luôn cánh quân của Chính. Cả hai tướng thua chạy, về nhập với quân Vương Thông ở Cổ Sở. Lê Triện lại tiến đánh Vương Thông, nhưng Thông đã phòng bị, Triện bị thua phải rút về Cao Bộ, sai người cầu cứu Đinh Lễ, Nguyễn Xí.

Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí đem quân đến đặt phục binh ở Tốt Động, Chúc Động. Nhân bắt được thám tử của Vương Thông, hai tướng biết Thông định chia dường, hẹn nhau khi pháo nổ thì quân mặt trước mặt sau cùng đánh úp Lê Triện. Ông và Nguyễn Xí bèn tương kế tựu kế dụ Thông vào ổ mai phục Tốt Động, rồi đốt pháo giả làm hiệu cho quân Minh tiến vào. Quân Vương Thông mắc mưu rơi vào ổ phục kích, bị đánh thua to. Trần Hiệp, Lý Lượng và 5 vạn quân Minh bị giết, 1 vạn quân bị bắt sống. Thông cùng các tướng chạy về cố thủ ở Đông Quan.

Lê Lợi được tin thắng trận liền tiến đại quân ra bắc, vây thành Đông Quan. Đinh Lễ được lệnh cùng Nguyễn Xí mang quân vây phía nam thành.

Tháng 2 năm 1427, tướng Minh là Phương Chính đánh úp Lê Triện ở Từ Liêm, Triện bị tử trận. Tháng 3 Vương Thông đánh trại quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt. Tướng Lê Nguyễn cố thủ rồi cầu viện binh. Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí được lệnh mang 500 quân thiết đột tiếp viện, đánh đuổi quân Minh đến My Động. Hậu quân Lam Sơn không theo kịp, Vương Thông thấy vậy bèn quay lại đánh, hai tướng cưỡi voi bị sa xuống đầm lầy, bị quân Minh bắt mang về thành. Đinh Lễ không chịu hàng nên bị địch giết. Lê Lợi nghe tin ông mất rất thương tiếc.

Năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi vua truy tặng ông làm Nhập nội kiểm hiệu tư đồ. Năm 1484, Lê Thánh Tông gia phong làm thái sư Bân quốc công, về sau tấn phong Hiển Khánh vương.

Em Đinh Lễ là Đinh Liệt cũng là một công thần khai quốc nhà Hậu Lê. Cả hai anh em ông đều được đặt tên phố ở trung tâm Hà Nội ngày nay.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #122
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.168
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đinh Liệt ( ?-1471)

Đinh Liệt ( ?-1471) là công thần khai quốc nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, người Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá, Việt Nam. Gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình nói rằng ông là dòng dõi của Nam Việt vương Đinh Liễn con vua Đinh Tiên Hoàng. Đinh Liệt cùng anh ruột là Đinh Lễ là cháu gọi Lê Thái Tổ bằng cậu. Ông khi còn trẻ thường đi theo cận vệ cho Lê Lợi.

Những ngày đầu khởi nghĩa Lam Sơn, ông theo Lê Lợi chiến đấu vùng núi chí Linh trải qua nhiều gian khổ.

Năm 1424, quân Lam Sơn chiếm được thành Trà Lân, sắp đánh thành Nghệ An. Các tướng Minh mang quân thuỷ bộ cùng đến. Lê Lợi chia cho Đinh Liệt 1000 quân sai đi theo đường tắt chiếm trước huyện Đỗ Gia (nay là huyện Hương Sơn). Lê Lợi nhử địch vào ổ phục kích để Đinh Liệt đánh tập hậu, quân Minh thua to.

Năm 1427, quân Lam Sơn vây Đông Quan (Hà Nội), anh ông là tướng Đinh Lễ bị tử trận. Lê Lợi bèn phong ông làm Nhập nội thiếu uý Á hầu.

Cuối năm 1427, Liễu Thăng mang viện binh sang, ông được lệnh cùng Lê Sát mang quân lên Chi Lăng, góp sức diệt địch, chém được Liễu Thăng, đánh tan đạo viện binh.

Đầu năm 1428 ông được xếp vào chức thủ quân thiết đột. Trong số những công thần theo Lê Lợi từ hội thề Lũng Nhai thì Đinh Liệt được xếp hàng đầu, phong làm Suy trung Tán trị hiệp mưu bảo chính công thần Vinh lộc đại phu tả kim ngô đại tướng quân, tước Thượng tri tự.

Năm 1429, khi khắc biển công thần, Đinh Liệt được phong làm Đình Thượng hầu.
Năm 1432, ông được phong làm Nhập nội tư mã, tham dự triều chính.

Tháng 5 năm 1434 đời Lê Thái Tông có quân Chiêm Thành vào cướp phá, ông được lệnh lĩnh các quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hoá đánh địch. Quân Lê đi đến Hoá Châu, vua Chiêm vội rút về.

Năm 1444 đời Lê Nhân Tông, vua còn nhỏ, có người vu cáo ông, thái hậu Nguyễn Thị Anh cầm quyền nhiếp chính sai giam cả nhà ông dưới hầm. Nhờ có người trong hoàng tộc là Lê Khắc Phục và công chúa Ngọc Lan xin hộ, đến tháng 6 năm 1448 ông mới được tha ra, nhưng vợ con vẫn bị giam. Đến tháng năm 1450 gia đình ông mới được thả.

Trong niên hiệu Diên Ninh của Lê Nhân Tông (1454-1459), ông được giữ chức thái bảo.

Năm 1459, anh vua Nhân Tông là Lê Nghi Dân giết vua cướp ngôi. Ông cùng Nguyễn Xí, Lê Lăng cầm đầu các tướng làm binh biến lật đổ Nghi Dân đưa hoàng tử Tư Thành lên ngôi, tức là vua Lê Thánh Tông. Tháng 6 năm 1460 ông được phong chức Khai phủ nghi đồng tam ty, Bình chương quân quốc trọng sự, Nhập nội thái phó Á quận hầu. Trong năm đó ông liên tiếp được gia phong.

Tháng 12 năm 1460, ông cùng Lê Lăng đi đánh tù trưởng họ Cầm làm loạn, được thăng lên chức thái sư phụ chính.

Năm 1465, Nguyễn Xí mất, Đinh Liệt làm quan đầu triều, từ đó thường quyết định nhiều việc lớn của triều đình, được vua và các quan lại rất tôn trọng.

Năm 1470, Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, ông làm chức Chinh lỗ tướng quân, cùng Lê Niệm (cháu nội Lê Lai) làm tiên phong đi trước, đánh chiếm kinh thành Đồ Bàn, bắt vua Chiêm là Trà Toàn.

Năm 1471, ông mất, được truy phong là Trung Mục vương. Ông là một trong những công thần khai quốc sống lâu nhất sau khi nhà Hậu Lê thành lập, sống tới tận thời Hồng Đức. Con cháu Đinh Liệt sau tiếp tục nối đời làm quan cho nhà Hậu Lê và thời Lê-Trịnh.

Theo gia phả họ Đinh Danh ở Thái Bình, Đinh Liệt còn để lại một số bài thơ nói về Vụ án Lệ Chi Viên đương thời. Ông cùng anh là Đinh Lễ đều được đặt tên phố ở trung tâm Hà Nội ngày nay.

Ở Hà Nội, Sau năm 1945, có một con phố được đặt tên lại là phố Đinh Liệt, lấy tên một trong những khai quốc công thần thời Lê sơ. Phố ngày nay là điển hình của nền du lịch Việt Nam với các nhà nghỉ, khách sạn với các cửa hàng lưu niệm, bán len, chỉ.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #123
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.168
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đinh Núp (1914-1998)

Đinh Núp, còn có tên là Sar, là một anh hùng Việt Nam người dân tộc Ba Na. Ông sinh ngày 2 tháng 5 năm 1914 tại làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. Ông đã lãnh đạo các dân tộc Ba Na và Ê Đê đứng lên chống lại thực dân Pháp. Ông đã giữ chức chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai - Kon Tum và là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lúc mới 15 tuổi, ông đã phải đi phu và bị đánh đập dã man, nên có lòng căm thù giặc. Năm 1935, quân Pháp về làng bắt phu, dân làng lánh hết vào rừng, một mình Núp ở lại dũng cảm dùng nỏ “bắn Pháp chảy máu”.

Những năm 1947 - 49, Anh đã diệt được 80 binh sĩ địch, bảo vệ buôn làng.

Có thành tích xuất sắc vận động nhân dân xây dựng cơ sở cách mạng, phát triển sản xuất lương thực và vũ khí để phục vụ Kháng chiến chống Pháp và tiến hành chiến tranh du kích. Năm lần vận động nhân dân thay đổi chỗ ở; chỉ huy đội du kích 7 ngày đêm bám đánh cuộc hành quân càn quét của một trung đoàn địch (tháng 10.1952); xây dựng làng chiến đấu và tự sản xuất vũ khí thô sơ (chông, mìn, cạm bẫy, vv.).

Ông cũng là nhân vật chính trong truyện Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc, tác phẩm này đã được dựng thành phim. Năm 1955, ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại biểu Quốc hội, uỷ viên Hội đồng Nhà nước khoá IV. Huân chương Quân công hạng ba và nhiều huân chương khác.

Ông mất năm 1998 tại Gia Lai.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #124
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.168
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đinh Tiên Hoàng (924 - 979)

Đinh Tiên Hoàng (924 - 979) húy Đinh Bộ Lĩnh [1] là vị vua sáng lập triều đại nhà Đinh, nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử Việt Nam. Ông là người có công đánh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn và trở thành hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau 1000 năm Bắc thuộc. Đại Cồ Việt là nhà nước mở đầu cho thời đại độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam.[2] Đinh Bộ Lĩnh mở nước, lập đô, lấy niên hiệu với tư cách người đứng đầu một vương triều bề thế:

Thời kỳ phục quốc của Việt Nam, từ họ Khúc chỉ xưng làm Tiết độ sứ, tới Ngô Quyền xưng vương và tới vua Đinh xưng làm hoàng đế. Sau hai vua nhà Tiền Lý xưng đế trong thời Bắc thuộc rồi bị thất bại trước hoạ ngoại xâm, 400 năm sau người cầm quyền Việt Nam mới thực sự vươn tới đỉnh cao ngôi vị và danh hiệu, khẳng định vị thế vững chắc của quốc gia độc lập, thống nhất qua các triều đại Đinh – Lê – Lý - Trần trải suốt hơn 400 năm và buộc các điển lễ, sách phong của cường quyền phương Bắc phải công nhận là một nước độc lập. Từ Đinh Bộ Lĩnh trở về sau, các Vua không xưng Vương hay Tiết độ sứ nữa mà đều xưng Hoàng đế như một dòng chính thống. Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế đặt nền móng sáng lập nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam[3][4][5][6], vì thế mà ông còn được gọi là người mở nền chính thống cho các triều đại phong kiến trong lịch sử.

Thưở hàn vi

Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày Rằm tháng Hai, năm Giáp Thân (924) ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay thuộc xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình)[7][8]. Cha của ông là Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Hoan Châu. Đinh Công Trứ mất sớm, Bộ Lĩnh theo mẹ về quê ở, nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự. Từ bé Đinh Bộ Lĩnh đã tỏ ra là người có khả năng chỉ huy, ông cùng các bạn chăn trâu lấy bông lau làm cờ bày trận đánh nhau. Và trong đám bạn đó, có Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ và Trịnh Tú, những người sau này cùng Đinh Bộ Lĩnh tạo nên sự nghiệp.

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:

"Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan,[9] cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.”

Có một giai thoại về Đinh Bộ Lĩnh thuở bé.

Một lần Đinh Bộ Lĩnh quyết định cho mổ con trâu của người chú để "khao quân". Ông mang đuôi trâu cắm vào một khe núi. Đến tối Đinh Dự hỏi, Đinh Bộ Lĩnh nói dối trâu vào hang và cửa hang đã bị lấp lại. Đinh Dự tới nơi, rút cái đuôi trâu ra, giận người cháu nói dối nên đuổi đánh. Đinh Bộ Lĩnh bỏ đi mất.

Thống nhất giang sơn

Năm 944 Ngô Quyền mất. Em vợ của Ngô Quyền là Dương Tam Kha tự lập làm vua là Dương Bình Vương. Các nơi không chịu thuần phục, nhiều thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng thường đem quân đánh chiếm lẫn nhau. Năm 950, Ngô Xương Văn, con thứ hai của Ngô Quyền, lật đổ Dương Tam Kha giành lại ngôi vua. Sau đó Ngô Xương Văn đón anh trai là Ngô Xương Ngập về cùng làm vua. Đến năm 954, Ngô Xương Ngập bị bệnh mất.

Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình [10] bị phục binh bắn chết. Con của Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí nối nghiệp, quá suy yếu phải về đóng giữ đất Bình Kiều. Từ năm 966, hình thành 12 sứ quân, sử gọi là loạn 12 sứ quân:

1.Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều (Triệu Sơn - Thanh Hóa) [11].
2.Đỗ Cảnh Thạc tự xưng là Đỗ Cảnh Công, giữ Đỗ Động Giang (Thanh Oai, Hà Nội)
3.Trần Lãm tự xưng là Trần Minh Công, giữ Bố Hải Khẩu - Kỳ Bố (Thái Bình)
4.Kiều Công Hãn tự xưng Kiều Tam Chế, giữ Phong Châu - Bạch Hạc (Việt Trì và Lâm Thao, Phú Thọ)
5.Nguyễn Khoan tự xưng Nguyễn Thái Bình, giữ Tam Đái (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc)
6.Ngô Nhật Khánh tự xưng là Ngô Lãm Công, giữ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội)
7.Lý Khuê tự xưng là Lý Lãng, giữ Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh)
8.Nguyễn Thủ Tiệp tự xưng là Nguyễn Lệnh Công, giữ Tiên Du (Bắc Ninh)
9.Lã Đường tự xưng là Lã Tá Công, giữ Tế Giang (Văn Giang, Hưng Yên)
10.Nguyễn Siêu tự xưng là Nguyễn Hữu Công, giữ Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội)
11.Kiều Thuận tự xưng là Kiều Lệnh Công, giữ Hồi Hồ - Cẩm Khê (Phú Thọ)
12.Phạm Bạch Hổ tự xưng là Phạm Phòng Át, giữ Đằng Châu (Hưng Yên)

Đinh Bộ Lĩnh cũng tập hợp dân chúng ở vùng Hoa Lư. Sau đó, ông cùng con trai là Đinh Liễn sang đầu quân trong đạo binh của sứ quân Trần Minh Công tức Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình). Đinh Bộ Lĩnh cưới Trần Nương và trở thành con rể của Trần Minh Công[12]. Sau khi Trần Minh Công mất, Đinh Bộ Lĩnh thay quyền, đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ binh lính, chống nhà Ngô và các sứ quân khác. Chỉ trong vài năm, Đinh Bộ Lĩnh lần lượt đánh thắng 11 sứ quân khác, được xưng tụng là Vạn Thắng Vương. Chiến tranh kết thúc năm 968. Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế. Thắng lợi của Đinh Bộ Lĩnh là thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập trong nhân dân.

Mở nước, lập đô, đổi xưng Hoàng đế

Năm Mậu Thìn 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, tự xưng là Đại Thắng Minh Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Đinh Tiên Hoàng cho xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ. Vua phong cho Nguyễn Bặc là Định Quốc công, Đinh Điền là ngoại giáp, Lê Hoàn làm Thập Đạo tướng quân, Lưu cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư, Tăng thống Ngô Chân Lưu được ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Trương Ma Ni làm Tăng lục, Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được làm Sùng chân uy nghi và phong cho con là Đinh Liễn là Nam Việt vương. Vua lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông.

Từ năm Canh Ngọ 970, bắt đầu đặt hiệu năm là Thái Bình. Đinh Tiên Hoàng truyền cho đúc tiền đồng, là tiền tệ xưa nhất ở Việt Nam, gọi là tiền đồng Thái Bình. Nhà Đinh cũng là triều đại đầu tiên đặt nền móng cho nền tài chính - tiền tệ của Nhà nước phong kiến Việt Nam.[13][14] [15] [16] Đồng tiền Thái Bình được đúc bằng đồng, hình tròn, lỗ vuông, có thể xâu thành chuỗi. Mặt phải có đúc bốn chữ "Thái Bình Hưng Bảo", mặt sau có chữ "Đinh". Hầu hết gần 70 triều vua sau đó, triều nào cũng cho đúc tiền của mình bằng đồng.

Về chính trị trong nước có phần quá thiên về sử dụng hình phạt nghiêm khắc. Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: "Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn". Mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm.
Về ngoại giao, để tránh cuộc đụng độ, năm Nhâm Thân 972[17], Đinh Tiên Hoàng sai con là Đinh Liễn sang cống nhà Tống Trung Quốc. Vua nhà Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng làm Giao Chỉ quận vương và phong cho Nam Việt vương Đinh Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ. Từ đó Đại Cồ Việt giữ lệ sang triều cống phương Bắc. Từ năm Thái Bình thứ 7 [976], thuyền buôn của các nước ngoài đến dâng sản vật của nước họ. Kết mối giao thương.

Về quân sự, Đinh Tiên Hoàng phân ra đạo, quân, lữ, tốt, ngũ. Mỗi một đạo có 10 quân, 1 quân 10 lữ, 1 lữ 10 tốt, 1 tốt 10 ngũ, 1 ngũ 10 người. Như vậy quân đội nhà Đinh khi đó có 10 đạo, là khoảng 1 triệu người trong khi dân số đất nước khoảng 3 triệu. Vua thực hiện “ngụ binh ư nông”, đó là hình thức vũ trang toàn dân, dựa vào nghề nông mà phát triển quân đội. [18][19]

Nhận định

Nhà sử học Lê Văn Hưu nhận xét:

"Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng Đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý Trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết..."

Nhà sử học Ngô Sĩ Liên nhận xét:

"Vận trời đất, bí rồi ắt thái, Bắc Nam đều cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ đại bên Bắc triều Trung Quốc suy loạn rồi Tống Thái Tổ nổi lên. Ở Nam triều nước ta, 12 sứ quân phân chia quấy nhiễu, rồi Đinh Tiên Hoàng nổi lên. Không phải là ngẫu nhiên mà do vận trời vậy."

Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú) nhận xét:

"Xét nước ta từ thời Hùng Vương mới bắt đầu thông hiếu với Trung Quốc nhưng danh hiệu còn nhỏ không được dự vào hàng chư hầu triều hội... đến khi Đinh Tiên Hoàng bình định các sứ quân, khôi phục mở mang bờ cõi, bấy giờ điển lễ, sách phong của Trung Quốc mới cho đứng riêng là một nước"

Đại Việt sử ký toàn thư nhận xét:

"Vua tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, quét sạch các hùng trưởng... song không biết dự phòng, không giữ được trọn đời, tiếc thay! "

Cái chết của Đinh Tiên Hoàng

Đinh Tiên Hoàng có con trưởng là Đinh Liễn, nhưng ông lại lập con út Hạng Lang làm Thái tử. Vì vậy đầu năm 979 Đinh Liễn tức giận sai người giết Hạng Lang. Theo chính sử, năm Kỷ Mão 979, một viên quan là Đỗ Thích, mơ thấy sao rơi vào miệng, tưởng là điềm báo được làm vua nên đã giết chết cả Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn. Đinh Tiên Hoàng làm vua được 12 năm, thọ 56 tuổi. Ông được táng ở sơn lăng Trường Yên. Gần đây, một số nhà nghiên cứu lịch sử đưa ra giả thuyết: Đỗ Thích không phải là thủ phạm giết vua. Theo nhà giáo Hoàng Đạo Thuý và một số nhà nghiên cứu hiện nay[20], Đỗ Thích không thể làm chuyện này. Thích chỉ là một viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh. So với Thích, trong triều có các bạn của vua Đinh như Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ... đều nắm trọng quyền, đủ cả văn lẫn võ. Vì vậy ông không thể mơ tưởng việc sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để ngồi yên trên ngai vàng.

Dương Vân Nga và Lê Hoàn?

Cũng theo nhóm tác giả này, việc Lê Hoàn làm Phó vương khi Đinh Toàn lên ngôi, cấm cố họ Đinh cùng với việc các trung thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp khởi binh chống Lê Hoàn có thể là những biểu hiện cho thấy mưu đồ thoán đoạt của Lê Hoàn. Ngày nay, số đền thờ các trung thần này rất nhiều so với vài đền thờ Lê Hoàn và thái hậu họ Dương. Các nhà nghiên cứu có đặt giả thiết là hành động của Lê Hoàn có sự trợ giúp của Dương Vân Nga. Trong bối cảnh cung đình của nhà Đinh lúc ấy có 3 hoàng tử, trưởng là Liễn, thứ là Toàn, út là Hạng Lang. Liễn là con trưởng, có nhiều công lao; Hạng Lang lại được vua yêu nên đã lập làm thái tử dù mới lên 4 tuổi, khó có thể bộc lộ những phẩm chất cao siêu hơn Đinh Liễn. Tiên Hoàng lại có những 5 hoàng hậu; có thể đã xảy ra cuộc đua ganh giữa 5 hoàng hậu về tương lai của ngôi thái tử. Trong cuộc đua ganh này, Dương hậu đã chọn Lê Hoàn làm chỗ dựa. Sau sự kiện Đinh Liễn giết Hạng Lang, Đinh Tiên Hoàng không xử phạt Đinh Liễn mà vẫn dự định để Liễn nối nghiệp. Có thể điều này làm phật ý Dương hậu khi bà cho rằng trước đã đặt Hạng Lang trên Liễn thì nay Liễn cũng phải ở dưới Toàn; và Dương Hậu đã cùng Lê Hoàn hành động.

Theo lý giải của một số nhà nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến nhà Tống phát binh xâm lược Đại Cồ Việt chính là do Đinh Liễn, người đã đi lại với nhà Tống và được chính vua Tống phong chức, bị hại. Việc phong Liễn cho thấy nhà Tống thừa nhận ngôi vị của Liễn. Với danh nghĩa trừng trị kẻ phản nghịch, nhà Tống phát binh. Việc Lê Hoàn thành công trong cuộc kháng chiến chống Tống có thể đã khiến nhân dân tha thứ cho ông. Các nhà nghiên cứu cũng đặt giả thiết Đỗ Thích chỉ là người vô tình có mặt ở hiện trường sau khi cha con vua Đinh bị hại (vì là quan nội thị) và lúc bấy giờ ông không thể thanh minh mình vô tội lúc nhiều người ập tới. Ông vội vã chạy trốn và bị bắt chém sau 3 ngày, trở thành nạn nhân trong mưu đồ của Lê Hoàn và Dương hậu.

Mẹ Hạng Lang và Nguyễn Bặc?

Tác giả Lê Văn Siêu trong sách "Việt Nam văn minh sử"[21] nêu ra giả thiết:

Trong cuộc chiến cung đình giữa các hoàng hậu, bà mẹ Hạng Lang đã chọn Nguyễn Bặc làm vây cánh. Khi Hạng Lang bị giết mà thủ phạm Đinh Liễn không bị trừng trị, bà nảy ý định trả hận và đã cùng Nguyễn Bặc dùng Đỗ Thích ra tay. Sau đó Nguyễn Bặc theo lệnh của bà bắt giết Thích để “diệt khẩu”.

Tuy nhiên, giả thiết này còn có những điểm không thoả đáng. Nguyễn Bặc là bạn “chí cốt” của Tiên Hoàng từ nhỏ. Quan hệ giữa ông và Tiên Hoàng rất gần, quan điểm cho rằng ông nảy ý định phản Tiên Hoàng là hơi gượng ép. Dù ông có bụng "thờ" Hạng Lang chứ không “thờ” Liễn (chọn chủ tương lai) thì cũng chỉ giết Liễn chứ không thể giết luôn cả Tiên Hoàng. Thứ nữa, nếu Nguyễn Bặc bày đặt sai Đỗ Thích giết cha con vua Đinh thì sau khi Thích hành sự xong, ông phải lập tức "đón lõng" bắt Thích ngay và chém tức khắc, không thể để trốn tránh tới 3 ngày, vì nhỡ trốn tránh lọt vào tay người khác lại khai ra ông, như vậy ông sẽ bị lộ là chủ mưu.

Nhà Tống?

Cũng tác giả Lê Văn Siêu trong sách "Việt Nam văn minh sử" nêu ra một giả thiết khác: [22]

Đỗ Thích là "gian tế" của nhà Tống, giết cha con vua Đinh để làm rối triều đình và cho nhà Tống thừa cơ mang quân sang đánh chiếm. Vì Trung Hoa là nước lớn nên phía Đại Cồ Việt dù có biết, cũng không dám "làm to chuyện" gian tế đó, chỉ dồn sức đánh trả sau này.

Giả thiết này kém thuyết phục nhất. Cha con vua Đinh bị giết tháng 10 năm 979. Lê Hoàn lên thay ngôi nhà Đinh tháng 7 năm 980, hơn nửa năm sau (sau khi đã dẹp các trung thần nhà Đinh). Nhà Tống mãi tháng 3 năm 981 mới mang quân sang, tức là gần 1 năm rưỡi sau khi cha con vua Đinh bị hại. Nếu nhà Tống rắp tâm hại cha con vua Đinh để đánh chiếm thì phải sắp sẵn quân, chờ khi được tin "Đã giết được Giao Chỉ quận vương" là vượt biên giới ngay để người Nam bị "sét đánh không kịp bưng tai" thì mới chiếm được. Sự thực là tin vua Đinh bị hại đến khá muộn. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cha con vua Đinh bị hại từ tháng 10 năm 979, tới tận tháng 6 năm 980, Tri Ung châu nhà Tống là Hầu Nhân Bảo mới dâng biểu lên Tống Thái Tông tâu nên đánh Giao Chỉ và từ tháng 7 năm đó vua Tống mới bắt đầu động binh. Tới khi Lê Hoàn đã lên ngôi (tháng 7 năm 980), nghe tin nhà Tống động binh và đưa thư dụ hàng, tới tháng 10 năm đó vẫn thác xưng danh của Đinh Toàn xin nối ngôi vua cha Tiên Hoàng để gửi thư sang vua Tống nhằm hoãn binh. Nhà Tống khi đó vẫn dè dặt dùng “lễ” để chiêu dụ trước. Nếu nhà Tống chủ mưu và chưa muốn dùng binh, ít ra cũng động binh sớm để áp sát biên giới, uy hiếp rồi sai sứ sang doạ để Giao Chỉ quy phục. Sự thực là nhà Tống động binh muộn và ra quân cũng muộn, đủ thời gian cho Lê Hoàn dẹp xong nội loạn, giữ vững nhân tâm và chuẩn bị đón đánh thắng lợi.

Lời bàn

Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư bản kỉ, quyển 1, có chép:

Trước kia, khi vua [Đinh Tiên Hoàng] còn hàn vi, thường ra sông Giao Thủy [ở Ninh Bình] để đánh cá. Có lần kéo lưới, bắt được viên ngọc khuê to, nhưng lại lỡ làm va vào mũi thuyền, khiến bị mẻ mất một góc. Đêm ấy, nhà vua vào ngủ nhờ ở chùa Giao Thủy, để viên ngọc ở dưới đáy giỏ cá. Đang khi nhà vua ngủ say, thấy giỏ cá có ánh sáng lạ phát ra, nhà sư của chùa Giao Thủy bèn gọi Nhà vua dậy để hỏi cho ra duyên cớ. Nhà vua cứ tình thực mà kể, lại còn lấy viên ngọc cho nhà sư xem. Xem xong, nhà sư than rằng: "Ngày sau, anh sẽ phú quý không biết kể thế nào cho hết, nhưng tiếc là phúc đức không được bền lâu[23]..."

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:

"Đế vương dấy nghiệp không ai không nhờ ở trời. Nhưng thánh nhân không cậy có mệnh trời mà làm hết phận sự của mình. Việc đã thành, lại càng lo nghĩ đề phòng. Sửa sang lể nhạc hình án chính sự là để phòng giữ lòng người. Đặt nhiều lần cửa, đánh hiệu canh là đề phòng kẻ hung bạo. Bởi vì lòng dục không cùng, việc đời không bến, không thể không đề phòng trước… Cho nên Tiên Hoàng không được trọn đời là do chưa làm hết việc người, không phải mệnh trời không giúp. Cũng vì vua không giữ được trọn đời khiến cho cái thuyết sấm đồ đắc thắng, đời sau không thể không bị mê hoặc vì điều đó."

Sự kiện cái chết của Đinh Tiên Hoàng còn nhiều nghi vấn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện đại khẳng định chắc chắn Tiên Hoàng bị hại không phải vì Đỗ Thích muốn đoạt ngôi và có nhiều ý kiến[24] nghiêng về khả năng thủ phạm là Lê Hoàn và Dương hậu.

Điểm giống Tần Thủy Hoàng

Cuộc đời và sự nghiệp vua Đinh Tiên Hoàng của Việt Nam, có nhiều điểm giống với Tần Thủy Hoàng của Trung Hoa:

- Tên gọi Tiên Hoàng hay Thủy Hoàng đều có ý nghĩa là hoàng đế đầu tiên. Đinh Tiên Hoàng là vị hoàng đế mở nền chính thống đầu tiên của nước Việt thống nhất[25], Tần Thủy Hoàng là hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Hoa.
- Thời gian ở ngôi hoàng đế đều là 12 năm: Đinh Tiên Hoàng (968 - 979), Tần Thủy Hoàng (221 - 210 TCN). Trước khi làm hoàng đế, cả hai đều có vương hiệu: Thuỷ Hoàng là Tần Vương, Tiên Hoàng là Vạn Thắng Vương.
- Đinh Tiên Hoàng xây dựng thành Hoa Lư bằng cách nối lại các dãy núi đá trong tự nhiên bằng tường thành nhân tạo, Tần Thuỷ Hoàng xây dựng Vạn Lý Trường Thành cũng bằng cách nối lại các đoạn thành sẵn có của các nước chư hầu. Cả hai đều lập đô ở những vùng núi non hiểm trở.
- Đinh Tiên Hoàng Đế và Tần Thủy Hoàng Đế cùng trở thành hoàng đế sau khi tiêu diệt các thế lực cát cứ phân tán (dẹp nội chiến) để lập nên một đất nước thống nhất, tự chủ, chuyển đổi chế độ phong kiến phân quyền sang chế độ phong kiến tập quyền.
Đinh Tiên Hoàng và Tần Thủy Hoàng khi mất đều đương quyền hoàng đế, người kế tục sự nghiệp đều là con thứ và sớm để quyền bính rơi vào tay quyền thần.

Tôn vinh

Trong văn học, nghệ thuật

Ngoài các tư liệu chính sử, trong văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về Đinh Bộ Lĩnh tiêu biểu như: Cờ lau dựng nước, Trận chiến trong thung lũng, Hoàng đế cờ lau, sử ca Đinh Bộ Lĩnh, truyền thuyết sông Hoàng Long, truyền thuyết con ngựa đá, bóng cờ lau... Trong đó có tác phẩm đã được chuyển đổi thành phim nhựa như “Trận chiến trong thung lũng” và “Hoàng đế cờ lau”. Trong dân gian, Đinh Bộ Lĩnh còn được xưng tụng với những tên gọi: anh hùng Vạn Thắng Vương, Đại Thắng Minh Hoàng đế, Hoàng đế cờ lau... Liên quan đến sự kiện lịch sử “Loạn 12 sứ quân”, tuổi trẻ Việt Nam có trò chơi online hấp dẫn là “Game loạn 12 sứ quân”. Hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh thời niên thiếu đã đi vào thơ ca tuổi trẻ Việt Nam từ thời tiểu học:

“Bé thì chăn nghé, chăn trâu
Trận bày đã lấy bông lau làm cờ
Lớn lên xây dựng cơ đồ
Mười hai sứ tướng bây giờ đều thua”


Đền thờ, tượng đài

Danh nhân Đinh Bộ Lĩnh được lập đền thờ ở nhiều địa phương khác nhau, tiêu biểu như:

-Tại Ninh Bình có 12 nơi thờ Đinh Bộ Lĩnh,[26] trong đó có đền vua Đinh Tiên Hoàng ở khu di tích Hoa Lư, đền Trung Nữ ở xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư; đền thờ Đinh Bộ Lĩnh ở xã Gia Phương, đền thung Lau ở di tích động Hoa Lư, huyện Gia Viễn; đền Vua Đinh ở thôn Mỹ Hạ xã Gia Thủy, huyện Nho Quan...
-Tại Nam Định có đền vua Đinh ở xã Yên Thắng, đình Thượng Đồng ở xã Yên Tiến, huyện Ý Yên; ở làng việt cổ Bách Cốc, huyện Vụ Bản; đền vua Đinh ở Giao Thuỷ…
-Tại Hà Nam có đền Lăng ở huyện Thanh Liêm; đền Đặng Xá ở Văn Xá, huyện Kim Bảng; đền Ung Liêm ở thành phố Phủ Lý.
-Ngoài ra tại Đà Nẵng có đền thờ vua Đinh ở xã Hoà Khương huyện Hoà Vang; Lạng Sơn có đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng ở thôn Quảng Trung - Quảng Lạc - thành phố Lạng Sơn; Thanh Hóa có đền Vua Đinh ở ở làng Quan Thành, Triệu Sơn...

Tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng có ở các địa điểm sau:

-Thành phố Hồ Chí Minh: Khu du lịch suối Tiên tại quảng trường Đinh Bộ Lĩnh là nhóm tượng cờ lau tập trận. Tại công viên văn hóa Tao Đàn cũng có Tượng Đinh Bộ Lĩnh ở cầm cờ lau tập trận cao 3,5m.
-Tại Ninh Bình: Tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng sẽ được dựng tại trung tâm tp Ninh Bình, công viên Đinh Tiên Hoàng, khu du lịch Tràng An (theo quy hoạch) .

Ghi chú

1.Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam ghi tên ông là Đinh Hoàn, Bộ Lĩnh là chức vụ, tuy nhiên quan điểm này không thông dụng, tạm bỏ vào chú thích
2.Nước Văn Lang thời đại Vua Hùng đến nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, NXB Quân đội nhân dân trang 27
3.Trên báo điện tử ĐCSVN
4.Trên trang Văn hóa
5.Danh nhân Đinh Tiên Hoàng
6.Phố Đinh Tiên Hoàng
7.Trên trang sở Văn hóa Thể thao Du lịch Ninh Bình
8.Theo các sử cũ như Đại Việt sử ký toàn thư thì cho rằng ông là người động Hoa Lư, nay là xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, tuy nhiên hiện nay người ta phủ nhận giả thiết này và các địa danh trên rất gần nhau, đều thuộc huyện Gia Viễn, xem bài động Hoa Lư
9.Địa danh này hiện thuộc thôn Đàm Xá, Gia Tiến, Gia Viễn. con đường Đinh Bộ Lĩnh chạy trốn từ Gia Phương đến Gia Tiến hiện vẫn được gọi là đường Vua Đinh. Tương truyền, khi người chú đuổi tới bến sông thì gặp người bạn của Đinh Công Trứ (cha ruột Đinh Bộ Lĩnh) đã quỳ sẵn ở đó và nói với Đinh Dự là đã có rồng chở Bộ Lĩnh sang sông. Ông làm như vậy để tạo "uy" cho Đinh Bộ Lĩnh khiến người chú cũng phải lạy và quay về. Sông đó là sông Hoàng Long hiện giờ
10.Thái Bình xưa được xác định thuộc Sơn Tây ngày nay, không phải thuộc tỉnh Thái Bình bây giờ
11.Có sách cho rằng Bình Kiều ở Khoái Châu, Hưng Yên. Phần lớn các tài liệu và ở đền Vua Đinh - Cố đô Hoa Lư có bản đồ chỉ ra Bình Kiều ở Thanh Hóa
12.Có tài liệu chỉ nói Đinh Bộ Lĩnh là con nuôi của Trần Minh Công.
Tiền Việt Nam
14.[1]
15.Từ Hùng Vương đến ngày cởi ách Bắc thuộc
16.Một đồng tiền, một niềm tự hào
17.Có nguồn ghi năm Quý Dậu 973
18.Theo cuốn sách “Cố đô Hoa Lư” NXB Văn hóa dân tộc của Nguyễn Văn Trò
19.Theo trang 25 cuốn Nước Văn Lang thời đại Vua Hùng đến nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh
20.Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ, Nhìn lại lịch sử, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, 2003.
21."Việt Nam văn minh sử" - Lê Văn Siêu, NXB VHTT, 2004
21."Việt Nam văn minh sử" - Lê Văn Siêu, NXB VHTT, 2004
23.Câu chuyện này ứng với sự nghiệp lớn và cái chết sớm của Đinh Tiên Hoàng
24.Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ, Nhìn lại lịch sử, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin, 2003.
25.Thực ra cách gọi "Tiên Hoàng" để coi là hoàng đế đầu tiên, đã bỏ qua không tính tới 3 vị xưng đế trước, là Lý Nam Đế, Hậu Lý Nam Đế và Mai Hắc Đế; vì ba bị này xưng đế trong khoảng thời gian độc lập không dài giữa thời Bắc thuộc
26.Xem cuốn Cố đô Hoa Lư NXB VHDT, Nguyễn Đăng Trò trang 124
27.Tại thành phố Hồ Chí Minh có hai con đường được gọi là đường Đinh Tiên Hoàng. Điểm đầu của đường Đinh Tiên Hoàng thứ nhất là tại phường Bến Nghé của Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh; nó cùng với đường Lê Duẩn và đường Tôn Đức Thắng giao nhau thành một ngã tư. Từ đây đến đoạn giao với đường Điện Biên Phủ là đường một chiều, đoạn một chiều còn kéo dài đến phường Đa Kao, kết thúc là nút giao với các đường Võ Thị Sáu và Nguyễn Phi Khanh. Đoạn một chiều này có chiều dài 0,982 km trên tổng chiều dài 2 km của con đường. Sau đó, nó vượt sông Thị Nghè bởi Cầu Bông, lúc này nó thuộc phường Tân Định. Kết thúc của đường này là ngã ba giao với đường Phan Đăng Lưu. Đường Đinh Tiên Hoàng thứ hai nằm tại phường Hiệp Phú của Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh. Con đường này chỉ cùng tên nhưng không nối liền với đường thứ nhất.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #125
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.168
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đinh Toàn - Đinh Phế Đế (974 – 1001)

Đinh Phế Đế (974 – 1001) là vị vua thứ hai, cũng là vị vua cuối cùng của nhà Đinh. Đinh Phế Đế tên húy là Đinh Toàn hoặc Đinh Tuệ, sinh năm Giáp Tuất 974. Ông là con trai của Đinh Bộ Lĩnh, tức Đinh Tiên Hoàng và Hoàng hậu Dương Vân Nga. Đinh Bộ Lĩnh có ba con trai: Đinh Liễn, Đinh Toàn và Ðinh Hạng Lang. Vì Đinh Bộ Lĩnh lập Hạng Lang làm Thái tử nên con cả Đinh Liễn tức giận đã giết chết Hạng Lang. Năm 979, Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn bị một viên quan là Đỗ Thích giết hại[1], Đinh Toàn lên ngôi.

Đinh Toàn lên ngôi khi mới 6 tuổi. Thập đạo tướng quân Lê Hoàn làm nhiếp chính. Đinh Điền và Nguyễn Bặc thấy quyền lực tập trung vào Lê Hoàn, lại nghi rằng Lê Hoàn tư thông với Thái hậu Dương Vân Nga, nên cử binh đến đánh nhưng bị Lê Hoàn dẹp tan. Phò mã nhà Đinh là Ngô Nhật Khánh bỏ trốn vào nam, cùng vua Chăm Pa với hơn nghìn chiến thuyền định đến đánh kinh đô Hoa Lư nhưng bị bão dìm chết.

Năm 980, vua Tống bên Trung Quốc nghe tin Đinh Tiên Hoàng mất, cử binh sang đánh Đại Cồ Việt. Thái hậu Dương Vân Nga cùng triều đình tôn Lê Hoàn lên làm vua, lập nên nhà Tiền Lê. Với hai trận lớn Bạch Đằng và Chi Lăng, Lê Hoàn đánh bại quân Tống.

Đinh Toàn làm vua được 8 tháng, sau trở thành Vệ Vương có mặt trong triều đình Tiền Lê 20 năm. Năm Tân Sửu 1001, trong dịp cùng vua Lê Đại Hành (tức Lê Hoàn) đi dẹp loạn Cử Long thuộc vùng Cầm Thuỷ, Thanh Hoá, Đinh Toàn bị trúng tên, mất năm 27 tuổi. Trong Đại Việt sử ký toàn thư lại ghi Đinh Toàn mất khi 18 tuổi, tức năm 991.

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chính biên quyển thứ 1 ghi về cái chết của Đinh Toàn:

"Nhà vua (Lê Hoàn) đi đánh Cử Long: Vệ vương Toàn theo đi. Bấy giờ quân giặc thấy nhà vua, chúng giương cung, chĩa tên, toan bắn, chiếc tên rơi xuống; chúng lại giương cung, dây cung đứt. Chúng sợ, rút lui. Nhà vua đi thuyền ven sông đuổi theo. Quân giặc ở hai bên bờ đánh khép lại. Quan quân bị hãm ở sông. Vệ vương Toàn trúng phải mũi tên bay, mất tại trận. Nhà vua kêu trời ba tiếng, rồi thân ra đốc chiến: quân giặc thua. Lời phê - Lê Hoàn lợi dụng cơ hội, đã cướp lấy nước người ta, lại không khéo đối đãi chúa cũ, đẩy vào chỗ chết, thế nào mà Toàn chẳng đến tử vong? Còn việc cất tiếng kêu trời, gieo mình xuống đất, chỉ là một ngón giả trá. Thật khó che đậy được công luận nghìn thu."

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục chính biên quyển thứ 1 ghi:

Phép chép thẳng tên húy như thế là vì thấy không có tên thụy. Đó là lệ ngoại của Cương mục. Thế mà Sử cũ của ta, đối với Đinh Toàn chép là "Phế đế", nay xin sửa lại, chép là Đế Toàn, cho hợp ý nghĩa và thể lệ trong sử Cương mục trên.

Chú thích

1.Sách sử đều ghi Đỗ Thích giết cha con Đinh Tiên Hoàng; tuy nhiên một số nhà nghiên cứu hiện đại có đặt giả thuyết Dương Vân Nga cấu kết với Lê Hoàn trong việc ám sát Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn để đưa con trai Đinh Toàn lên ngôi. Xem thêm bài Đinh Tiên Hoàng.

Tài sản của LSB-Sun
Cũ 19-03-2010   #126
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.196.168
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Đinh Trọng Lịch

Đinh Trọng Lịch - sinh ra và lớn lên ở Đô Lương, huyện Đông Hưng (Thái Bình). Học hết lớp 10 phổ thông, sau đó anh nhập ngũ, ngày 28 tháng 4 nǎm 1978, được điều về đại đội 2, tiểu đoàn 41, quân khu Ba - một đơn vị đặc công có nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Tháng 10 nǎm 1979 đơn vị Lịch được điều về Cảng Hải Phòng. ở đây đang diễn ra một cuộc chiến tranh âm thầm nhưng quyết liệt để bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa.

Đinh Trọng Lịch luôn bộc lộ một nhân cách trong sáng, một ý chí sắt đá.

Anh được vinh dự kết nạp Đảng trên trận tuyến này, và 7 ngày sau là ngày 17-4-1980. Người chiến sĩ vừa mới được bảy ngày tuổi Đảng đã kiên cường bám sát kẻ tội phạm đến khi ngã xuống. Liệt sĩ Đinh Trọng Lịch đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 14 tháng 8 năm 1980.

Tài sản của LSB-Sun
Đã khóa chủ đề


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 12:09
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,13927 seconds with 15 queries