Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 07-06-2009   #91
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Tết ấy không chỉ của riêng tuổi thơ


Thuở nhỏ, vào đầu tháng 8 âm lịch, các phố Hàng Điếu, Hàng Đường, Hàng Mã, Lương Văn Can thay đổi một cách kỳ diệu, làm cho lũ trẻ chúng tôi không nhận ra được .Các hàng bán tạp hóa thu cả lại, thay vào đó, tràn ngập hè phố bánh kẹo và đồ chơi: Nào là bánh nướng, bánh dẻo,với đủ loại hình thù: con cá, mặt trăng, rồi những chú thỏ xinh xinh, cùng đàn lợn con ngộ nghĩnh... Bên cạnh là các loại đèn, đèn quả dưa, đèn xếp, đèn con thỏ, đèn kéo quân, đèn ông sao... Nhiều nhất vẫn là đầu sư tử, "ông" thì nhỏ xíu, "ông" thì to như cái thúng đại ,và các con giống làm bằng sắt tây, sơn mầu sặc sỡ.

Sắp tới Tết Trung thu, ba anh em chúng tôi, được ba mẹ mua cho mỗi đứa một thứ đồ chơi. Đứa thì đèn, đứa thì trống, riêng anh cả được một cái đầu sư tử to đùng, trông anh hả hê và oai lắm! Tối đến cả lũ kéo nhau ra trước cửa, cắm nến thắp đèn, đánh trống, múa sư tử loạn cả xóm.

Mấy anh chị lớn hơn họp nhau lại thành "đám rước". Mỗi đám có hàng chục cái đèn ông sao, theo sau đủ các loại đèn, loại trống, các chú bé con chạy nối đuôi, mỗi người mỗi vẻ, chú thì mặt nạ hình con khỉ, chú thì con gấu, có cả Hằng Nga, chú Cuộị..lăng xăng đánh trống thùng thùng, ầm ĩ, kéo nhau từ nhà này sang nhà khác.

Với tôi, rằm Trung thu là cái Tết to nhất và cũng là kỷ niệm in sâu không thể nào quên.Từ sáng 14-8 âm lịch, bà và mẹ đi chợ từ sớm mua đủ thứ hoa quả, cùng các loại bánh nướng, bánh dẻo... không quên vài cân ốc. Khi trăng lên, cả nhà, cùng mấy nhà hàng xóm sang trông trăng cùng thưởng thức món ốc hấp.

Tối đến, bà và mẹ ngồi tỷ mẩn tỉa từng quả bưởi thành hình các con thú, quả thì ra chú thỏ xinh xắn, quả ra chú cún con, với hai con mắt đen láy tròn xoe, như hạt nhãn. Mẹ tỉa một lẵng hoa bằng quả đu đủ trắng muốt. Cha kê cái bàn ra ngoài hàng hiên, trên đặt một lư trầm, hai bên hai chú thỏ bằng quả bưởi tai trắng như bông; ở chính giữa là chiếc bánh dẻo hình mặt trăng, nhân thập cẩm (đậu xanh, trứng muối, gà quaỵ..) thơm lừng, hai con chó tết bằng tép bưởi, nằm co tròn trong giỏ mây đặt ở hai góc bàn. Một đĩa quả đủ loại, chuối ngự, quả thị vàng nhạt, hồng Hạc, hồng Lạng đỏ bóng, hồng ngâm xanh nõn, vài quả na dai Sen Hồ (Bắc Ninh) chín mềm và những quả ổi chín thơm lựng, nằm xen kẽ với nhau thật vui mắt. Bên cạnh là đàn lợn làm bằng bánh dẻo, từ mẹ đến con thảy đều múp míp, những con cá bằng bánh nướng (nhân hạt sen, trứng mặn) tỏa mùi béo ngậy, bơi trong chiếc đĩa men sứ trắng muốt, cùng các con giống khác như kỳ lân, phượng quây quần xung quanh... Trên mấy dây kẽm cha treo một chiếc đèn kéo quân, bên trong là hình những quân tướng mặc áo giáp, đội mũ chóp, tay giương cờ, tay cầm binh khí, ngồi trên mình voi lồng, ngựa tế, biểu tượng cho cảnh chiến trận thời trước. Bọn trẻ chúng tôi chỉ đợi thắp đèn xếp, đèn quả bưởi, đèn ông sao, con thỏ...và bà đốt nhang thắp nến, lễ trời, lễ Phật xong, là đánh trống thổi kèn, múa sư tử "lùng tùng xoàng" ở trước sân gạch, có ánh trăng chiếu sáng như ban ngày.

Nhiều năm đã trôi qua, nhưng cứ nghĩ đến cái Tết Trung thu thuở xưa, bày cỗ, múa sư tử, đánh trống thì thùng, tôi lại như thấy mình đang trở lại với tuổi thơ trong trẻo. Giờ đây, Tết Trung thu đến với trẻ thơ có biết bao thứ đồ chơi điện tử, đồ chơi chạy bằng dây cót, pin điện, máy tính, đủ các loại bánh kẹo, hoa quả xứ ta, xứ tây, nhưng tôi vẫn yêu, vẫn nhớ đến mâm cỗ trông trăng, với những món ăn, những đồ chơi dân dã mà hút hồn con trẻ. Tình người như ấm hơn, sáng hơn trong ngày Tết Trung thu, cái tết không chỉ của riêng tuổi thơ.


Hoài Thu
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #92
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hội vật cầu làng Kim Sơn


Hội vật cầu làng Kim Sơn (Hải Phòng) mở vào ngày mồng sáu Tết, ba năm mới có một lần. Trai các giáp tham gia hội ăn mặc rất sặc sỡ, tranh giành nhau để đưa được quả cầu bóng, trơn (làm từ củ chuối, nặng khoảng 20 kg) về sân nhà. Trưa hôm đó, khách xa về xem hội còn được các gia đình trong làng thết cỗ.

Tương truyền, vật cầu vốn là môn thể thao do tướng Phạm Ngũ Lão (đời Trần) đặt ra để rèn luyện quân sĩ. Nhưng Hội vật cầu ở làng Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy (thành phố Hải Phòng) có từ bao giờ thì đến nay vẫn chưa được khảo cứu tường tận. Tuy vậy, căn cứ vào các đặc điểm lễ hội mang tính thể thao thượng võ cao, tính dân gian độc đáo thì Hội vật cầu ở làng Kim Sơn có từ rất lâu và ngày càng được nâng cao, hoàn thiện, trở thành lễ hội dân gian đặc trưng cho nét văn hóa của vùng.

Hội được mở vào ngày mồng 6 tháng giêng của năm "phong đăng hoa cốc" (thường ba năm một lần). Quãng cách thời gian giữa hai lần mở hội thường khiến người làng Kim Sơn đợi chờ, mong mỏi, háo hức.

Ba năm không hội vật cầu
Làng Kim con gái mang bầu ra đi

Người xưa kể lại, sân vật cầu trên sân đình làng có hình con nhạn. Lỗ cầu cái đào ở giữa sân, chính rốn con nhạn. Nếu ba năm không đào lại để mở hội vật thì đất nhạn như nổi lên, động làng, làm con gái phải bỏ đi! Có thể đây chỉ là huyền thoại, nhưng từ xưa đến nay, lỗ cầu cái vẫn được đào cố định và khi giã hội, chỉ được lấp bằng cỏ rác phủ đất, đợi tới ngày khai hội lại khơi lên. Còn ba lỗ cầu quân (nhỏ hơn) được đào ở ba góc sân, theo đường về ba xóm.

Ngay từ ngày 30 Tết, ở ba lối vào sân vật, dân làng đã dựng ba cổng chào quấn bện rơm, cài hoa lá và treo đèn, cờ hoa trang trí rực rỡ. Mỗi cổng một kiểu khác nhau và đều có bức đại tự trang trọng hàng chữ "Kiến như đại tân Anh hùng trần lực. Vật ngã giai xuân" (tạm dịch ý: Ngày gặp gỡ lớn, toàn sức vật cầu, quyết giành phần thắng). Các dòng họ trong làng theo địa bàn sinh sống mà hình thành ba giáp: giáp Đương (giáp Đông), giáp Nam và giáp Bắc Cờ và quần áo của ba giáp phân biệt theo mầu: đỏ, vàng, xanh. Khi vật cầu trên sân, ba mầu này hòa trộn rất đẹp mắt.

Mỗi giáp lại có một Tổng cờ, là người có tướng mạo đẹp, biết phất cờ cầm quân khi vào Hội vật. Người này mặc quần áo võ, đầu chít khăn, chân quấn xà-cạp, tay phải cầm cờ đuôi nheo sao cho cán tỳ cạnh sườn, tay trái chống cạnh bên; trong keo vật được chạy vòng ngoài theo sát quân, phất cờ cầm quân như võ tướng thời xưa. Quân của mỗi giáp (gọi là giai cầu) gồm năm người, được chọn trong số trai làng chưa vợ, cao lớn khỏe đẹp và phải có tiếng reo to, dài hơi khi vật. Trước đây, giai cầu cởi trần, néo khố; ngày nay đổi bằng quần đùi thắt lưng đai vải.

Quả cầu được làm từ củ chuối vườn nhà, đường kính khoảng 30-40 cm, nặng gần 20 kg, còn tươi, được gọt tròn, nhẵn và trơn. Để có quả cầu khổng lồ này, làng phải giao cho từng giáp cắt cử người trồng, chăm sóc chuối và cuối cùng lựa chọn trong số đó một củ chuối to nhất, nặng nhất. Vì vậy, keo vật còn có ý nghĩa thử thách sức khỏe trai làng. Cũng trong ngày 30 Tết, quả cầu phải được trang trí xong bằng giấy bọc hồng điều, có gắn hình tứ linh (long - ly - quy - phượng) bằng giấy trang kim, đặt trên mâm bồng trong kiệu, phía trước kiệu bày hương án thờ thần ở đình làng. Trong ánh sáng của đèn, nến, hương, hoa và không khí trang nghiêm, quả cầu lấp lánh sắc mầu càng lung linh hơn trong ánh mắt chiêm ngưỡng của dân làng.

Sáng mồng 6 tháng giêng, quanh sân cầu tề tựu đông nghịt người đến xem hội. Đúng giờ Thìn (10 giờ sáng), bắt đầu lễ rước cầu từ đình ra sân. Đoàn rước đi vòng quanh sân trong tiếng hò reo và chiêng trống rộn rã. Khi đoàn vào đến giữa sân thì hạ kiệu. Một vị cao lão bưng quả cầu gieo xuống lỗ cầu cái. Các giai cầu hò reo, giang tay chạy vòng quanh lô cầu, Tổng cờ chạy phất cờ ở ngoài. Sau tiếng "cắc" trống, các giáp về vị trí. Tổng cờ đến bàn chủ khảo nghe lệnh rồi về chuẩn bị ra quân.

Phút giao cầu bắt đầu từ hiệu trống nổi lên và thúc liên tục. Các trai cầu cùng vẫy tay, reo chạy đến miệng lỗ cầu và chạy vòng quanh. Mỗi giáp được cử một giai cầu xuống lỗ để tung cầu lên. Quả cầu rơi xuống tay trai cầu và rơi xuống sân cùng tiếng hò reo của quân cầu và người dự Hội. Tiếng trống "cắc" làm hiệu ngừng keo, quả cầu lại được đưa xuống lỗ, rồi trống lại dội lên cùng tiếng reo hò. Cứ thế, đến khi hiệu trống liên hồi rung lên là keo vật chính thức bắt đầu.

Quả cầu từ dưới lỗ được tung lên. Ngay lập tức, hàng chục cánh tay ôm lấy. Quả cầu trần, bóng, trơn và nặng trĩu, càng tranh giành nhiều, cầu tắm đất và mưa xuân, càng khó ôm. Các giáp tranh giành, ngăn cản nhau quyết liệt mong đưa được quả cầu về sân nhà. Quả cầu lúc tung cao, lúc chìm trong khối người cơ bắp nổi cuồn cuộn, mồ hôi nhễ nhại. Tổng cờ luôn theo sát quân, vừa phất cờ thúc giục, vừa ra đấu pháp tranh cầu. Thỉnh thoảng, dội lên tiếng reo hò vang dậy của giai cầu và người xem khi quả cầu được đưa về sân nhà.

Hội vật cầu có ba keo. Khi keo vật thứ ba gần tàn, chủ khảo ra lệnh trống tắm cầu. Quả cầu được gieo xuống ao đình gần đó, 15 giai cầu cùng nhiều người xem lao xuống nước, tranh lấy một miếng quả cầu mang về lấy "khước" của thần làng. Tương truyền, nếu ăn quả cầu này, lợn rất chóng lớn mà không bị dịch bệnh.

Trưa đó, nhà nào trong làng cũng làm cỗ thết khách từ xa về xem Hội. Không khí hội hè còn râm ran mãi trong những ngày xuân. Vì vậy, dân làng có câu: Mồng 3 ăn cốn (hết cỗ Tết); mồng 4 ngồi trơ; mồng 5 đợi chờ; mồng 6 được ăn (ăn cỗ hội).


Đoàn Đắc Tuấn
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #93
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hội vật làng Sình


Lại Ân còn gọi là làng Sình, nằm bên hữu ngạn sông Hương, ở hạ lưu ngã ba Sình, trước thuộc huyện Tư Vinh hay tổng Mậu Tài, nay là xã Phú Mậu huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nơi đây là địa chỉ cuối cùng về phương nam còn lưu giữ truyền thống vật võ, một sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Việt. Hằng năm sau khi ăn Tết xong, làng mở hội vật vào ngày 10 tháng giêng với niềm mong ước: dân khỏe, làng yên, mùa màng tươi tốt, hạnh phúc muôn người.

Võ đài là xới vật bằng đất bột, mỗi bề rộng chừng bốn năm sải tay, cao hơn một mét được dựng trước sân đình từ ngày hôm trước, mùng chín tháng giêng, bốn bề có giăng dây bảo vệ. Ngôi đình làng nằm bên bờ sông, cảnh quan thoáng đãng, sông nước hữu tình.

Người xem vây quanh xới vật ngồi san sát bên nhau trên những mô đất, những bệ cấp bằng tre già đan kết lại trong khuôn viên đình rộng chừng 600m2. Sau nghi lễ và những điều dặn dò về luật thi đấu, các đô vật sẵn sàng vào cuộc thi hào hứng.

Điều khiển vật võ là một vị cao niên, có uy tín trong làng, khăn đen, áo dài, ngồi cầm trống ngay trước đình. Tiếng trống nhịp nhàng, thong thả là gọi vật; hối hả, liên tục là thúc giục các đô vật tích cực thi đấu.

Trọng tài là một người am hiểu luật, nhanh nhạy, kiên quyết. Các đô vật không đóng khố như ở miền bắc mà mặc quần và quấn thêm một cái ngang lưng. Người đến thi đấu không cần báo trước, chỉ đăng ký tại chỗ theo lời mời gọi thi tài. Khi được phép, họ nhảy vào xới, làm lễ bái thần làng và các vị cao tuổi. Trọng tài kiểm tra trang phục, xong cho lệnh thi đấu. Trống đánh một tiếng quỳ xuống chào nhau, trống đánh hai tiếng, đứng lên ôm nhau vật. Trống đánh ba tiếng thì thả nhau ra, lựa thế khác, vật lại.

Luật vật dân tộc dựa trên nguyên tắc "túc bất ly địa" (chân không rời đất). Nếu nhấc được hai chân của đối thủ rời khỏi mặt đất là thắng cuộc. Từ "túc bất ly địa", luật tiến đến "lấm lưng, trắng bụng", một phần hoặc cả hai phần lưng lấm đất, bụng ngửa lên trời, là thua cuộc.

Trước đây, vật võ làng Sình áp dụng luật "lấm lưng trắng bụng". Các đô vật phải đánh ngã đối thủ ở tư thế lấm lưng và phải thắng tất cả đô vật trong ngày để đoạt chức vô địch. Luật này làm nảy sinh sự tính toán để giành chức vô địch, gây mất đoàn kết và để lại hậu quả xấu.

Từ hơn 20 năm nay, luật quy định: duy trì "lấm lưng trắng bụng", nhưng phải giữ (đè) đối thủ bất động trong ba giây, phải thắng tiếp ba người mới được vào bán kết. Tiếp tục thắng ba người nữa được vào chung kết. Sau này, tùy số đô vật lọt vào vòng hai mà quy định thể lệ, thông thường là loại trực tiếp.

Với vật võ, ngoài sức khỏe, các đô vật còn có kỹ thuật, có "miếng" và nhanh nhạy mới mong giành được chiến thắng. Vật có nhiều miếng đẹp mắt, quyết liệt. Những miếng thường được các đô sử dụng là xốc nách, vạch sườn, miếng bò, miếng háng (thò tay vào háng rồi lựa thế tấn công) nâng đối thủ vật ngã bổng, miếng bành (xốc nách bế ngửa) miếng táng (nâng đối thủ lên)... Một đô vật lý tưởng có tay chân cân đối. Chân mạnh để trụ vững, tay mạnh để vật ngã đối phương. Nhưng to chưa hẳn đã mạnh, mạnh chưa hẳn đã thắng, cần phải nhanh, kiên trì để khai thác sơ hở của đối phương.

Hội Sình rất chú trọng tinh thần thượng võ, cấm chơi xấu, ra đòn độc, đòn hiểm, nguy đến tính mạng như bẻ, vặn, khóa trái khớp, tấn công bằng đầu, bấm các huyệt, đòn đá, đòn đánh, nắm tóc, tấn công vào hạ bộ, yết hầu, mắt... Nếu hai đô vật giằng co nhau không thắng, trọng tài sẽ phạt và buộc thay đổi tư thế vật (vật quỳ) để kết thúc nhanh trận đấu.

Hội vật sắm các giải thưởng để động viên. Đô vật thua cũng có quà lưu niệm. Giải thưởng là tặng phẩm do dân làng và các mạnh thường quân đóng góp. Giải thưởng vô địch thường trang trọng hơn (cau trầu, rượu, thủ lợn...). Các đô vật chia theo hai hạng tuổi: thiếu niên và thanh niên, tầm vóc chênh lệch trên dưới 10kg.

Tinh thần đồng đội ở các địa phương rất cao, một đô vật của làng nào bị thua tức khắc có người khác lên tiếp sức. Mỗi năm có hơn 100 đô vật tham gia hào hứng suốt ngày. Thua một trận phải chờ đến năm sau mới "phục hận" được. Vì vậy các đô vật phải rèn luyện suốt năm, tu dưỡng đạo đức để chờ đầu xuân được dự đua tài. Các xã có phong trào đô vật mạnh là Phú Mậu, Phú Thanh, Phú Dương (Phú Vang) Hải Dương, Hương Phong, Hương Vinh (Hương Trà), Thủ Lễ (Quang Điển), Hương Sơ Huế).

Cùng với sới vật chính, đêm hôm trước và suốt ngày hội, khắp nơi trong làng các quán hàng ăn: bún bò, bánh bèo, bánh nâm, bánh bột lọc, cháo lòng, bánh canh, chè... các gian trò chơi thu hút đông đảo khách chơi xuân. Cho đến khi tắt nắng, cuộc vui mới chịu dừng. Và, hôm sau mọi việc trở lại nhịp đời thường.

Một năm làm lụng mới lại bắt đầu.


Hoàng Dạ Lê
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #94
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hội vật võ Liễu Đôi


Nếu trong các hội khác, vật và võ chỉ là một trong những chi tiết của hộithì ở Liễu Đôi này, vật và võ là toàn bộ nội dung ngày hội. Chính vì vậy mà hội vật võ Liễu Đôi trở nên độc đáo.

Thôn Liễu Đôi thuộc xã Liên Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam Ninh (nay thuộc Hà Nam). Nơi đây, mỗi tên xóm, tên làng, tên một cánh đồng, một con đường ... đều mang theo một cái tên dân dã : đền Ông Bảy, Cánh Đồng, Bụt Đất, Đống Cờ quạt ... Tất cả đều gắn với một câu chuyện, một sự tích chiến đấu oanh liệt của vùng quê này. Về Liễu Đôi là về với cái nôi của nghệ thuật vật, võ.

Làng Liễu Đôi có tục thờ thánh. Thánh là ông tổ vật, võ. Chuyện kể rằng, làng Liễu Đôi xưa có chàng trai họ Đoàn vóc người to, khoẻ, dáng đi như hổ, lưng rộng mấy ôm, mình cao bảy thước, sức khoẻ hơn người. Một hôm khu đất Nương Cửu bỗng phát sáng. Mọi người hoảng sợ, chỉ có chàng điềm tĩnh ratận nơi. Thì ra đó là hào quang phát ra từ một thanh gươm lớn đặt trên một tấm khăn đào. Chàng mừng rỡ cúi đầu cảm tạ trời đất rồi lưng thắt khăn đào,tay mang gươm quý về múa võ cho bốn phương về Liễu Đôi vui hội. Giặc phương Bắc tràn tới. Chàng dựng cờ cùng trăm họ lên đường đánh giặc và kết duyên cùng nữ tướng họ Bùi. Trong một trận giao tranh, chàng tử trận, nữ tướng họ Bùi thương xót chết trên mình ngựa khi về thăm mộ chàng. Dân chúng cảm ơn và ghi nhớ công ơn lập đền thờ chàng gọi là Đền Ông và thờ nàng gọi là Đền Nàng, tên chàng là Thánh Ông và nàng là Tiên Bà. Sau này thường mở hội vật võ để tưởng niệm, gọi là Hội Thánh Tiên.

Hội thường được mở đầu bằng nghi lễ: Động thổ đường cày, tiến hành vào ngày Tết Nguyên Đán, có ý nghĩa mở đầu cho công việc làm ăn của cả năm. Người ta ném mấy hạt giống xuống rãnh cày. Ném đi, nhưng là để cho cây mọc.Ngày mồng 5 Tết, hội vật võ mới được tiến hành. Mở đầu ngày hội là nghi thức rước thánh vào dóng. Thánh tức là chàng trai họ Đoàn. Đi đầu đám rước là một cụ già tay cầm gươm bước giật lùi theo hướng kiệu, khi kiệu thánh vào dóng, lễ tế bắt đầu. Vật để tế chỉ là oản, chuối và nước trà được pha trong nậm. Vì tế chay nên không dùng rượu.

Sau lễ thánh, một ngọn lửa lớn được đốt lên tượng trưng cho ngọn lửa đã phát sáng ỏ Nương Cửu khi chàng trai họ Đoàn nhận được gươm thiêng. Đó là Lễ phát hoả. Khi ngọn lửa gần tàn, một ông trùm - người cao tuổi, có uy tín, được cử cầm trống cái cho hội, trao gươm và khăn đào trên kiệu thánhcho một đô vật được giải năm trước. Lễ này gọi là Lễ trao gươm và thắt khăn đào.

Trong tiếng chiêng trống rền vang, hai đô vật, mỗi người cầm một lá cờ đỏ hình vuông tiến từ hai bên kiệu thánh ra giữa dóng, múa theo hiệu trống.Lá cờ khi lên cao, lúc xuống thấp như kêu gọi anh hùng hào kiệt các nơi về tụ hội, đó là Lễ múa cờ tụ nghĩa. Các nghi lễ trên là biểu tượng của tinh thần chống xâm lăng, giữ gìn quê hương.

Xong nghi thức long trọng đó, cuộc vật võ bắt đầu. Hai em nhỏ tuổi nhất làng ra vật năm keo để trình làng, lễ thánh. Nếu các em còn bé thì bố phải thay. Nếu ông bố nào bị ngã sẽ bị làng bắt phạt. Đấy là lệ năm keo trai rốt. Lệ này muốn nói : Sinh ra ở Liễu Đôi này, trước hết phải là trai vật võ. Sau đó là Lễ đô xá làm nền. Các đô của Liễu Đôi giao đấu trước để kích thích tinh thần các đô của các xã bạn. Sau đó họ từ từ rút ra nhường chỗ cho các đô bạn vào giao đấu.

Đặc điểm của hội Liễu Đôi là phụ nữ cùng đua tài, đọ sức bình đẳng với giới mày râu trong các môn đao, kiếm, côn, quyền.

Hội Liễu Đôi còn có tục lệ thi các món ăn đặc sản. Sản phẩm dự thi tuy chỉ là lươn, ốc, măng, ếch, xôi, chè, cá rô, bún đường bua, rượu tăm... nhưng rất ngon lành bởi tài chế biến của những người đất đồng chiêm trũng. Tuy nhiên, những món ăn này phải được dự thi, chấm giải từ ngày 4 Tết, nếu trúng giải mới được đem phục vụ khách thập phương về trẩy hộị


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #95
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lễ Hội vùng Tứ Tổng


Hội làng cổ truyền chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh và sản xuất của vùng Tứ Tổng xưa. Vốn là địa bàn ở ven sông Hồng, giáp Hồ Tây, vùng này đời Trần gọi là Tam Bảo Trang, đời Lê gọi là Tam Bảo Châu, đến Nguyễn đổi là Tam Ngọc Châu, tức là trang trại một vùng châu thổ. Đã có bốn làng (thôn): Nội Châu, Ngoại Châu, Vạn Ngọc, Ngọc Xuyên nên còn có tên là Tứ Tổng và tên Tứ Liên dó đó mà có.

Xưa sau vụ năm đến vụ mười là cả bốn làng đều chung lòng chung sức mở hội cầu bình an và hạnh phúc, kết tụ tự nhiên thành yêu cầu cộng cảm dân tộc. Nơi đây đất lành chim đậu, đồng bãi phù sa tốt tươi nên người tứ xứ đều tụ họp cùng sinh sống làm ăn, trồng rau nuôi tằm và lúa ngô khoai rau.

Chính thần tích và các đạo sắc phong (văn bản của Nhà nước phong kiến dựa trên văn chương truyền miệng thần thánh hoá) đều coi như là sự tổng hoà các hoạt động vật chất, tinh thần hiện ra kế thừa nhau theo tập hợp dọc, lại vừa là cấu trúc hình thái với nhiều tầng bậc theo tập hợp ngang. Căn cứ vào đó và theo lời kể của các cụ cao tuổi thì:

Xưa lâu lắm rồi, thân phụ và thân mẫu của thành hoàng đến vùng Tứ Tổng định cư lập nghiệp. Thân phụ Thánh là Chương Công (tên gọi Tôn Xưng) vốn là một người có chữ nghĩa nên đã mở lớp dạy học khai sáng và giáo hoá cho dân chúng. Thân mẫu ngài họ Bùi lo việc canh cửi, hiền đức và hiếu thảo. Hai vị sinh hạ được hai trai một gái. Nối nghiệp cha, Ngài Anh huý là Bảo đã tiếp tục dạy chữ dạy người, dạy cả hai em ruột. Rồi Ngài Em huý là Mỹ cũng trưởng thành, sang mở lớp ở Nghi Tàm. Nghe tin vua Lý Nhân Tông xuất giá Bình Chiêm Thành, hai Ngài bèn chiêu tập binh sĩ là các học trò để đưa quân vào Thăng Long theo vua đi tòng chinh. Đến trận địa Ngài xông pha tả xung hữu đột oai phong lẫm liệt, có lần cứu được đức vua ở chốn sa trường. Nhờ võ công hiển hách của quân tướng, giặc thua to nhưng cả hai Ngài đều tử trận. Tương truyền khi hoá, hai ngài biến thành đám mây vàng bay về quê Tam Bảo Trang. Khi ấy quân Tống lại sang quấy phá, hai bà (bà em Ngài huý là Phương, bà hôn thê của Ngài em huý là La) đều khảng khái xin theo tướng quân Lý Thường Kiệt để trả thù nhà, nợ nước. Trong chốn cung tên, bà em tử trận ở vùng thượng du, xác theo sông Hồng trôi về quê cứ quanh quanh ở chỗ ghềnh, đặc biệt trên trán có chiếc chén ngọc úp lên không rơi. Chỗ ghềnh này sau nổi thành gò, nơi an nghỉ vĩnh hằng của vị nữ tướng, dân kính cẩn gọi là Gò Bà. Còn bà hôn thê ca khúc khải hoàn trở về, lại dạy dân trồng dâu nuôi tằm rồi thế phát đi tu và cũng hoá. Dân chúng thương tiếc, lấy ngày hoá của bà (mồng chín tháng giêng) làm ngày khai kỳ, còn ngày sinh của hai đức ông mười hai tháng mười là chính tiệc, ngày hy sinh mười sáu tháng ba là thứ tiệc. Tất cả đều vào mùa xuân lúc nông nhàn.

Vua sắc phong ông cả là Bảo Trung Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần, ông hai là Minh Khiết Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần, bà em là ý Hạnh Công chúa Thượng Đẳng Phúc Thần, bà hôn thê của ông hai là Mai Hoa Công Chúa Thượng Đẳng Phúc Thần đời đời hương khói. Vậy dân Tứ Tống thờ tứ vị làm Thành Hoàng, trong đó có hai nữ. Sự tích trên được ghi thành câu đối treo ở đình: Với hai ngài:

"Phạt Chiêm lôi địa cử hoàng vân. Bình lãng linh thanh Truyền Bách Việt."

(Tạm dịch: Đánh giặc Chiêm xong trở về quê cũ như áng mây vàng. Xôn xao sóng gió đất Việt lưu truyền anh linh danh tiếng).

Với bà em:

Phá Tổng ba đào phù ngọc trản.
Nhị giang hiển tích ngưỡng tam linh.

(Tạm dịch:
Mất rồi trên trán còn in chén ngọc.
Sông Hồng lưu dấu tiếng thơm mãi ngàn thu).

Khi mở hội chính là biểu dương tinh thần, sức mạnh đoàn kết cộng động, lấy làng làm cơ sở cho nước mà gia đình và dòng họ lại là nền tảng cho sức mạnh của làng xóm, phố phường. Dẫn đầu là đoàn múa sư tử, trống thúc rộn ràng gợi nhớ cảnh tưng bừng chiến thắng thời cổ. Gợi hình ảnh dân binh xa xưa là đoàn võ sinh áo chẽn đen, chân quấn xà cạp, tay mang gươm giáo. Đoàn múa rồng uốn lượn lúc tiến lúc lui như bay bổng lên tựa rồng bay thời Lý. Hai người cầm kiếm và cầm cờ tiết rất oai nghiêm quân lệnh. Bốn kiệu sơn son thiếp vàng trịnh trọng rước bài vị 4 vị phúc thần của Tứ Tổng, trông thật lộng lẫy tôn kính. Sau kiệu thứ nhất là đoàn nam tế 18 cụ áo the khăn xếp và đoàn nữ tế 30 lão và y phục như các cô Tấm. Sau kiệu thứ nhì có 8 người mang bát bảo hộ vệ và các vãi nâu sồng tràng hạt, tay cầm phướn thành kính. Sau kiệu thứ ba là các con nhang đệ tử đội mâm ngũ quả và bận khăn chầu áo ngự. Sau kiệu thứ tư là đoàn thiếu niên măng non như là sự tiếp bước tổ tông tiền bối. Tấm biển ân tứ được tàn che hai bên. Lá cờ thần phấp phới bay. Chiêng trống nhã nhạc rền vang rộn rã trầm hùng khắp vùng bến bãi, lan ra cả trên mặt sông Hồng và cao lên trời xanh cò liệng. Đám rước đi trên đê. Hai bên dân chúng đứng bái vọng. Có nhà bầy cả đỉnh đồng lư hương để tỏ lòng thành.

Tất cả như theo nhịp điệu khoan nhặt của nhạc lễ và trống phách, giữa trời cao mây xanh rực rỡ ánh dương, tạo thành khung cảnh uy nghi, nhìn không chán mắt, nghe rất vui tai, lôi cuốn dân làng và khách thập phương đến với lễ hội.

Về đến đình, sau lễ xông hương mới rước thánh yên vị. Các vị sư tụng kinh, các đội tế dâng lễ, sau đó là lễ tạ. Xưa còn có các hoạt động giải trí như cờ bỏi, chọi gà, hát chèo và hát ca trù.

Mỗi lần vào đám, người dân phường Tứ Liên quận Tây Hồ lại tự hào muốn sống tốt lành với nhau trong mái nhà gia đình văn hoá, sống hoà thuận giữa chú bác cô dì trong dòng họ, sống đoàn kết với xóm giềng và cả cụm cả phường, coi nhau như đồng bào thân ái. Ai nấy đều nhớ đến truyền thống yêu làng yêu nước. Đặc biệt xưa có tục hèm kiêng tên: gọi là biểu thay Bảo, mới thay mỹ, Loa thay La. Hiện nay còn lưư giữ đựoc 42 đạo sắc phong từ Lê Vĩnh Thịnh (1705) đến Khải Định (1929). Người dân càng tự hào về bức hoành phi chữ "Bảo châu hiển tích" để chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp có văn hoá và an ninh.


Trần Đồng Quang
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #96
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hội Xên bản, xên Mường


Hội Xên bản, xên mường mở vào mùa hoa ban nở là hội cầu mùa, cầu phúc của người Thái. Họ gửi gắm vào đó những ước vọng lớn lao về một cuộc sống bình yên, no ấm nơi bản mường, đồng thời cũng là dịp thi tài, vui chơi, trai gái tìm hiểu, tâm tình qua tiếng hát, tiếng đàn.

Hàng năm, cứ vào dịp tháng 2 âm lịch, mùa xuân về, hoa ban nở trắng núi, trắng rừng Tây Bắc.

Truyền thuyết của người Thái kể rằng:

Thuở ấy, có một chàng trai tên là Khum đem lòng yêu cô gái tên là Ban. Khum vừa giỏi làm nương, lại có tài săn bắn. Ban thì khéo tay dệt vải lại vừa có giọng hát làm say đắm nhiều chàng trai. Thế nhưng, cha nàng Ban vì ham giầu nên đã đem gả nàng cho con trai nhà tạo mường, vốn là một thanh niên lười nhác lại có tật gù lưng.

Trong bước đường cùng, nàng Ban đã chạy sang bản của Khum để cầu cứu. Nhưng chẳng may khi đến nhà Khum, thì được tin chàng đã theo cha đi mua trâu ở bản xa. Nàng bèn lấy chiếc khăn piêu của mình, buộc vào nơi cầu thang nhà người yêu, rồi bươm bả đi tìm chàng. Nàng đi hết núi này, rừng khác, gọi tên người yêu đến khản cả giọng, nhưng chàng ở xa nào có nghe thấy. Cuối cùng kiệt sức, nàng ngã gục sau khi vượt qua một dãy núi cao. Nơi nàng nằm xuống, sau đó mọc lên một cây hoa mang búp trắng như búp tay người con gái. Và chẳng bao lâu, loài hoa ấy mọc lan ra khắp núi rừng Tây Bắc, và hàng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa nở trắng như bông. Người ta đặt tên loài hoa đó là hoa ban.

Chàng Khum, khi về đến nhà, thấy chiếc khăn piêu của người yêu vắt nơi cầu thang, biết là có chuyện chẳng lành, bèn vội vã đi tìm. Đi mãi hết mường này, bản khác, cuối cùng, chàng kiệt sức, ngã xuống. Sau khi chết, chàng hóa thành con chim sống lẻ loi trong rừng, và cứ đến mùa hoa ban nở, lại hót vang như tiếng gọi người yêu tha thiết tự năm nào.

Vào dịp hoa ban nở người Thái ở huyện Mai Châu (Hòa Bình) mở hội Xên bản, xên mường có tên là hội Hoa ban, quy mô hội to hay nhỏ còn tùy thuộc vào thời. Hễ năm nào nghe tiếng sấm rền từ phía thượng nguồn sông Mã, thì năm đó ắt có đại hạn, mọi người phải lo tích nước để làm mùa cũng như cho sinh hoạt đời sống, lại phải chuẩn bị phương tiện như cuốc, thuổng, gàu... để đào mương, đào giếng chống hạn, thì Xên bản, xên mường năm ấy chỉ tổ chức nhỏ và đơn sơ. Người ta mổ ít lợn, gà làm lễ tế thần để cầu mưa, "rửa lá lúa" (xua đuổi thần trùng). Các cuộc vui chơi, đàn hát coi như bị xếp lại. Các ngã đường dẫn vào bản đều có buộc cành cây xanh- dấu hiệu "cấm người ngoài vào bản, kiêng người ngoài lên thang"- trong một số ngày "kiêng ky ồ". Nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm và có cài lá xanh. Không khí sinh hoạt của bản trong những ngày này chùng xuống, đượm vẻ lo âu, buồn tẻ. Ngược lại, hễ nghe tiếng sấm đầu năm rền ở phía thượng nguồn sông Đà, thì mọi người đều phấn khởi, tươi vui. Họ tin rằng năm đó sẽ mưa thuận gió hòa, triển vọng mùa màng sẽ bội thu, thóc ngô đầy bồ, đầy kho, mọi người khỏe mạnh, ít ốm đau. Trẻ già cùng rủ nhau ra suối tắm, giặt, gội đầu. Những đồ dùng nấu ăn hàng ngày như nồi, chõ đồi xôi cũng được đem ra cạo rửa. Và tất nhiên, hội Xên bản, xên mường của năm đó cũng được tổ chức lớn hơn, rộn rịp hơn.

Ngày thứ nhất, hội Xên bản, xên mường mở đầu bằng đám rước, tiếp theo là lễ hiến sinh cúng thần. Đám rước diễn ra từ nhà tạo mường ra đình. Dẫn đầu đám rước là các chức sắc trong mường với trang phục đẹp may bằng the, lụa, có cờ, lọng, chiêng trống, kèn, sáo, nhị đi kèm. Tiếp đến, các cụ già đội khăn đỏ, mặc áo tơ tằm vàng, quần chàm sẫm, thắt lưng xanh. Một số cụ mang theo cả cung nỏ. Một con trâu mộng to béo, được tắm rửa sạch sẽ, da đen bóng được dắt theo, đôi sừng trâu bọc giấy màu lấp lánh, ở giữa trán và hai bên mông có dán giấy trắng cắt hình hoa ban to như miệng bát. Đi sau, cùng là những những chàng trai trong bản, mặc áo đỏ viền xanh, quần vàng, đội mũ chóp sơn dầu, chân quấn xà cạp đen đến tận đầu gối, đeo gươm hoặc giáo bên vai.

Tại đình, vị "đẳm già" - thầy mo có uy tín - áo thụng xanh, mũ đuôi én đỏ, quần chàm, đi hài, bước ra trước hương án làm lễ cầu thần. Lát sau, vị "đẳm già" cầm chiếc chuông nhỏ rung lên một hồi báo hiệu là đã cáu thần xong và lệnh cho dắt con trâu mộng ra làm lễ hiến sinh. Trâu được dắt đến nơi bãi rộng cạnh đình để mổ thịt. Từ lúc này, các trò vui của nam nữ thanh niên bắt đầu. Họ tổ chức múa xòe quanh nơi mổ trâu theo nhịp chiêng trống, và cuộc vui chơi kéo dài cho đến khi pha xong thịt trâu mới chịu dừng.

Khi những mâm cỗ được dọn lên, thì chiêng trống cùng các nhạc cụ khác lúc này cũng được chuyển về đình. Từng đôi nam nữ luân phiên hòa tấu cho tới lúc hạ cỗ. Đêm đến, nam nữ thanh niên vui chơi, ca hát cho đến khuya mới chia tay.

Ngày thứ hai là ngày thi bắn súng hỏa mai và cung nỏ. Ngày thứ ba là ngày vui chơi tập thể, đó là ngày hội tự do, sôi động nhất, có người tham gia đông đảo nhất. Ai thích trò chơi gì thì hãy nhập cuộc vào các nhóm: ném còn, ca hát, thổi kèn, sáo, thi chim hót, thi trâu béo... (tục lệ ở đây kiêng thi vật và cấm trâu bò húc nhau trong những ngày này). ở những bản đông người, người ta chia cuộc vui chơi thành hai nơi: một ở đầu bản, một ở cuối bản để tránh tập trung quá đông một chỗ.

Đối với nam nữ thanh niên, đêm hội cuối cùng là đêm vui nhất, để lại nhiều kỷ niệm nhất. Dưới ánh trắng, màu trắng của hoa ban ánh lên trên nền xanh thẫm của rừng, tạo nên một vẻ đẹp thanh khiết. Giữa khung cảnh đầy thơ mộng ấy, cuộc thi hát giao duyên hòa cùng tiếng kèn, tiếng sáo giữa nam nữ diễn ra từ lúc trăng lên và kéo dài cho đến tận khuya. Họ tặng cho nhau những tấm phà (mặc váy thêu công phu), vòng đeo tay bằng bạc, trầu cau và những chai rượu nếp mang hương vị của rừng, của suối. Từ cuộc vui này, có bao nhiêu mối tình chớm nở và có bao nhiêu đôi nên vợ nên chồng?

Tiếp theo hội là một số ngày kiêng ky ồ. Nhà nào nhà nấy đều đóng kín cửa, cài cành lá xanh, người trong nhà nghỉ đi rừng, đi rẫy và không tiếp khách lạ.


Thạch Phương
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #97
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lễ xà mạ của người Khmer


Đối với người Khmer, ngôi chùa ở làng có một vị trí rất quan trọng trong cuộc sống, mọi hoạt động của họ đều gắn bó mật thiết với chốn này: đó là nơi học chữ khi còn bé, nơi đi tu của người con trai Khmer để trả hiếu cho cha mẹ, nơi thờ cúng trời Phật, nơi diễn ra các lễ hội truyền thống của dân tộc, nơi cất giữ xương cốt sau khi hỏa táng của ông bà, cha mẹ và người thân. Ngôi chùa là nơi vừa thiêng liêng, vừa thân thiết. Họ tin rằng, trong cuộc đời, ai đã đi dự được chín lần "xà mạ" thì sẽ được "phước" lớn. Thông thường, mỗi ngôi chùa Khmer đều được xây dựng rất kiên cố, (theo phong cách Khmer, không thể nhầm lẫn với các chùa khác) đâu dễ gì ai dự được 9 lần "xà mạ" trong cuộc đời mình, một lần thôi cũng là quý lắm rồi, vì vậy mỗi lần sự kiện này xảy ra ở đâu là lập tức nơi đó thu hút sự tham dự của hàng vạn người Khmer từ khắp các tỉnh, thành.

Trong những ngày trước lễ "xà mạ", nhà chùa đã thông báo và gửi thơ mời đến các nơi cần thiết, đến những người quen biết... Bà con Khmer nơi có ngôi chùa sắp được khánh thành háo hức lo chuẩn bị cúng chùa.

Đến ngày khánh thành, chùa được trang hoàng rực rỡ, trong ngoài sân chùa được quét dọn quang đãng, sạch sẽ, sẵn sàng đón khách. Các chùa bạn đến dự lễ có thể dựng trại trong khuôn viên của chùa. Mỗi ngôi chùa sẽ dựng cho mình một lán trại bằng tre, gỗ, tôn..., mỗi bề khoảng 4-5 m, với cổng chính được trang hoàng rực rỡ, đề rõ tên ngôi chùa của mình, chữ viết bằng hai thứ tiếng: Việt, Khmer. Bên trong trại được chia làm hai phần: phía ngoài trải chiếu làm nơi mời khách tới thăm viếng, phía trong kê một sạp gỗ cách mặt đất khoảng 20-30 cm, sạp gỗ khá rộng dùng làm nơi trưng bày những hiện vật quý giá, đẹp đẽ của ngôi chùa, cũng chính nơi đây, các sư sãi sẽ ngồi để đọc kinh chúc phúc cho khách tới thăm... Khách tới thăm thường cúng chùa một ít tiền, nghe lời chúc phúc của các vị sư sãi, lạy tạ, rồi lại đi sang lán trại khác. Thông thường, có khoảng 9-10 lán trại như vậy đến tham dự lễ "xà mạ" của chùa bạn.

Đặc biệt thú vị là nơi chánh điện: ở đó hãy còn là nền đất, người ta đào chín cái hố rộng khoảng 50x60 cm, sâu chừng 50 cm, trên miệng hố có gác một cây tre phủ vải đỏ, khách đến mừng cứ đi một vòng chánh điện là giáp các hố này, vậy thì người ta làm gì với các hố đó? Đơn giản thôi, khách sẽ nhẹ nhàng để xuống đó một món đồ tượng trưng cho ước vọng của mình: khách mong muốn được giàu sang ư? Hãy thả xuống đó một ít tiền. Khách chỉ mong sự thông thái chăng? Hãy cho xuống hố một vài quyển sách, kèm theo lời thành tâm khấn nguyện... Và còn nữa, khách cầu mong cho mình sắc đẹp ư? Lễ vật sẽ là gương, lược... Khách là người phương xa, đến với lễ xà mạ lần đầu tiên chưa biết để chuẩn bị lễ vật? Xin đừng lo, trong ngày "xà mạ" đã có những em nhỏ bưng rổ tre bán các thứ gương, lược, sách vở, nhang đèn, sẵn sàng phục vụ, sẵn sàng hướng dẫn khách với lòng hào hiệp!

Người ta chuẩn bị lấp các hố có chứa lễ vật như sau: dùng một hòn đá núi có kích thước gần bằng miệng hố treo dưới một thanh tre chắc chắn gác trên miệng hố, khoảng 3-4 giờ sáng hôm sau, các sư sãi đã chuẩn bị chỉnh tề, tập trung tại gian chánh điện cùng nhau cầu kinh, sau một hồi trống, các hòn đá được đồng loạt thả xuống hố. Lễ vật do mọi người cúng chùa sẽ hiện diện ở chánh điện suốt thời gian tồn tại ngôi chùa như để minh chứng cho tấm lòng thành của bà con đối với nơi chốn thiêng liêng của làng.

Lễ "xà mạ" ngoài tín ngưỡng tôn giáo, còn là dịp để bà con gặp gỡ nhau thăm hỏi, trò chuyện. Đói đã có cơm mang theo, mệt mỏi thì tìm một nơi đủ bằng phẳng để trải một chiếc chiếu, lấy đó là giường! Thật đơn giản, dễ dàng biết bao!

Ngày lễ xà mạ không chỉ là của riêng người Khmer. Trong ngày này, ta thấy còn có cả người Kinh, Hoa cùng đi cúng chùa; đáp lại tấm lòng của họ là nụ cười của bà con Khmer và lời chúc phúc của các sư sãi...

Lễ luôn diễn ra trong không khí hân hoan vui vẻ bên cạnh niềm vui một công trình đã hoàn thành, còn lấp lánh một niềm vui khác - đó là niềm vui khi làm "phước", đóng góp xây dựng nơi diễn ra hầu hết các sinh hoạt mang tính truyền thống của bà con Khmer.


Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #98
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Người Bana - Chăm với lễ hội xây cột đâm trâu


Ba Na - Chăm? Hay Chăm - Ba Na? Hay là Chăm? Ba Na?... Chỉ biết rằng chiến tranh và mưu cầu cuộc sống đã đẩy hai tộc người vốn khác xa nhau về ngôn ngữ, tín ngưỡng, tập tục... đến gần nhau, hoà vào nhau để sống. Xây cột đâm trâu là lễ hội lớn nhất của đồng bào Ba Na - Chăm sống ở phía Đông dãy Trường Sơn.

Theo lời kể của già làng thì xưa nay ở Thồ Lồ, Xí Thoại (vùng đất tiếp giáp giữa ba tỉnh Gia Lai - Bình Định - Phú Yên), người Ba Na và người Chăm có 3 lễ lớn, đó là Tết đổ đầu (mừng lúa mới), Lễ bỏ mả và Lễ hội xây cột đâm trâu. Tuy không phải năm nào cũng tổ chức, nhưng xây cột đâm trâu vẫn là lễ hội lớn nhất.

Thường thì khi gặp tai ương, rủi ro, mùa màng thất bát, hay dân làng đau ốm, súc vật chết cả đàn..., người Thồ Lồ làm gà, nhấc rượu vái Giàng và hứa sẽ tạ ơn bằng một con trâu. Ngày qua tháng lại, Giàng phù hộ cho lũ làng tai qua nạn khỏi, thóc gạo đầy nhà, cuộc sống vui vẻ ấm no... sau ba năm, buôn làng xây cột đâm trâu, làm lễ tạ ơn như đã hứa với Giàng. Chuẩn bị xây cột, lũ làng phải có một con trâu đực tơ, ba bốn con bò, dăm bảy con heo, mấy chục con gà, cả trăm ché rượu với vài ba chục gùi gạo để mời khách các buôn làng chung quanh cùng đến chung vui. Lễ xây cột đâm trâu rất tốn kém, nhưng được lòng Giàng, được lòng các thần và lại có tiếng khen truyền tụng xa - gần... vì vậy cả làng cùng ra sức chuẩn bị thật đầy đủ, chu tất.

Trước ngày tổ chức lễ khoảng bốn năm mùa trăng, già làng chọn địa điểm xây cột rồi trồng xuống một cây gòn (plang) hoặc là cây cốc (long ch'muôn) làm cột chính. Đến khi cây đâm chồi, đúng ngày lành tháng tốt dân làng dựng nêu, xây cột xung quanh. Xong lễ, hạ nêu nhưng cây cột tươi xanh ấy sẽ thành cổ thụ toả bóng sum suê che chắn cho buôn làng.

Dân làng quan niệm Lễ tạ ơn phải dọn đường thật kỹ, đón rước thật cẩn trọng, uy nghi thì Giàng, ông bà tổ tiên và thần linh... mới vui lòng chứng giám. Công phu nhất vẫn là việc chuẩn bị cột, dựng nêu. Bốn cây cột chân nêu làm bằng gỗ bút trắng tinh được những bàn tay khéo léo chạm khắc hoa văn rồi tô màu bằng nhựa cây dưng nấu với nước than rừng đen ánh. Giàn nêu làm bằng cây lồ ô càng đẹp, càng rực rỡ thì lễ hội càng tưng bừng, việc cầu cúng càng linh hiển. Bàn thờ đón Giàng thiết trên đỉnh cột chính được bọc vải điều rất cung kính, xung quanh là những bức tranh đan bằng lồ ô nhuộm đủ sắc màu và những tua, những dải, những đồ vật...

Sau ba hồi cồng vang vọng núi rừng, lễ cúng rước diễn ra trong nhà rông, trước sự chứng kiến của những người đàn ông có uy tín nhất làng (thường bắt đầu vào buổi trưa). Lễ vật chính là một ché rượu quý, một con heo sống để nguyên, đặt chính giữa nhà, đầu hướng về phía mặt trời lặn. Sau khi thầy cúng báo rằng Giàng đã về (ứng với lá keo sấp ngửa), mọi người uống hết ché rượu rồi bắt đầu xuống sân dắt trâu vào cột để cúng dâng.

Tiếng cồng chiêng lại nổi lên, năm thanh niên mặc plai (lễ phục) dắt trâu buộc vào cột. Năm thầy cúng cũng mặc plai xuống sân cầu khấn. Ba con gà trống mới gáy lần đầu, ba tô rượu, một tô gạo to, một dây sáp trắng ứng với ba bài cúng liền nhau và ba hồi xin keo. Nếu mà Giàng thuận lòng thì cả ba lần xin keo âm - dương không thay đổi và xem như phần đầu lễ đã xong. Liền sau đó, lũ làng diện quần lành, áo đẹp nắm tay nhau hướng vào vật tế thần, cùng xoay ba vòng theo nhịp cồng chiêng.

Khi chiều xuống, lũ làng chia thành từng tốp ra đầu suối đón khách. Khách cũng diện quần áo mới, đem theo cả cồng chiêng hoà với tiếng hát chào mời, cùng nắm tay múa đủ ba vòng mới chuyển sang phần thăm hỏi. Đoàn khách nào đến cũng thế. Thầy cúng vẫn ngồi giữa sân, quay lưng về hướng mặt trời, mắt luôn nhìn theo "vật tế thần" do một đoàn người dắt xoay vòng quanh cột. Đón xong khách cũng là lúc phải nghỉ ngơi, ăn uống để chuẩn bị "hết mình" với rượu cần, với cồng chiêng Arap suốt đêm thâu. Đây cũng là dịp chủ với khách trổ tài múa hát và con trai, con gái giao duyên.

Sáng sớm hôm sau, trước khi đâm trâu phải làm lễ cúng Giàng. Người Ba Na - Chăm ở vùng này không đâm trâu chết tại chỗ mà cử một thanh niên có kinh nghiệm chém hai nhát tượng trưng vào hai bên mông trâu. Sau đó những người đàn ông lực lưỡng vật trâu ngã xuống để cắt tiết và cắt đầu. Công việc tiếp theo là thui trâu, chuẩn bị mâm cỗ ăn mừng. Đầu trâu sẽ được rước vào nhà rông một đêm để cúng Giàng, sang ngày thứ ba mới rước ra ngoài và lũ làng lại diện quần áo đẹp khiêng đầu trâu nhảy múa ba vòng quanh nhà rông. Lúc này già làng mới cúng các Giàng lần cuối. Lá keo linh ứng sẽ cho biết thời khắc tắt nến để hạ nêu.

Lễ xây cột đâm trâu của người Ba Na - Chăm ở Phú Yên có nhiều điểm khác với lễ xây cột đâm trâu của các dân tộc vùng cao Tây Nguyên. Nhưng có lẽ đều giống nhau ở phần thiêng liêng nhất: Lễ hội làm cho đức tin, niềm yêu thương và sức mạnh của con người nhân lên gấp bội để chiến thắng tai ương, đẩy lùi nghèo khó!


Bảo Chân
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Cũ 07-06-2009   #99
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.427
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Về với lễ hội Xăng Khan của người Thái


Từ rất xa xưa, tất cả các bản làng người Thái đều tổ chức lễ hội Xăng Khan, có thể nói đây là ngày hội có quy mô và ý nghĩa cộng đồng lớn nhất của đồng bào. Mỗi địa phương có thể gọi tên hội khác nhau, đồng bào Thái ở Nghệ An và Thanh Hóa gọi lễ hội này là Xăng Khan, một số nơi khác gọi là Kin chiêng boóc mạy, Hội Chá Chiêng... dù gọi thế nào đi chăng nữa nhưng mục đíchvà ý nghĩa của nó là ngày tạ ơn các ông mo đối với tổ tiên và những người thầy đã dạy cách bốc thuốc chữa bệnh cứu vớt chúng sinh.

Không phải ai cũng được tổ chức lễ hội Xăng Khan, mà chỉ những ông mo đã thành tài có uy tín cứu sống nhiều người qua cơn bệnh hiểm nguy, làm dược nhiều việc tốt cho bản giúp được nhiều việc hay cho mường mới được tổ chức lễ hội. Cứ 3 hoặc 5 năm một lần vào khoảng tháng 11 Âm lịch, khi bắp ngô trên nương đã gùi hết về nhà, lúa ngoài đồng đã gánh hết về bản, hoặc tháng 2, tháng 3 Âm lịch của năm sau là tháng tốt, tháng lành ở nhiều bản Thái mở hội Xăng Khan để chào mừng xuân mới và mong sức khỏe. Thời gian mở hội từ 2 đến 3 ngày.

Ba ngày trước ngày lễ hội, tại nhà ông mo chủ gái trai tấp nập, tiếng giã gạo tiếng khua luống ngân vang khắp núi rừng báo hiệu cho thần rừng, thần núi, thần sông, thần suối biết làng mình mở hội. Sáng rực lung linh giữa gian nhà rộng là một cây hoa lớn (co boóc mạy) cao khoảng 4m nhiều mầu sắc xanh, đỏ, tím , vàng. Những bông hoa được gọt đẽo rất cầu kỳ công phu, từ những cây bấc thân mềm, cành hoa rút từ lõi xốp cây sắn huặc ruột cây tang trong rừng, xâu qua que tăm nhỏ tạo thành những cánh hoa rực rỡ, xen kẽ những cánh hoa là hình hài các côn trùng, động vật như: ve sầu,chim, cá, ếch, nhái, thuồng luồng, các vật dụng như: cày, bừa, cuốc, muổng, thuyền, bè... những con giống này đều được tết bằng lạt giang cây hoa (co boóc mạy) là trung tâm của buổi lễ, thể hiện cảm quan thẩm mỹ của từng địa phương, phản ánh vũ trụ quan tộc người.

Xăng khan là ngày vui của họ hàng của bản mường, là dịp của gái trai gặp gỡ, là ngày để dân bản trả ơn thầy mo đã chữa khỏi bệnh cho mình. Không phải chỉ những người trong bản mà cả du khách thập phương, già có, trẻ có kéo về dự hội. Sau lễ cúng, dân làng múa hát xung quanh cây hoa, càng về khuya không khí hội càng nhộn nhịp với những trò diễn độc đáo hài ước đầy ắp tiếng cười, nhộn nhịp hơn là múa tập thể. Tất cả những người đến dự hội từ già đến trẻ đều vào cuộc múa, múa hết mình hoà lẫn trong âm vang nhộn nhịp của tiếng chiêng, trống, tiếng khua luống, tiếp dập của ống nửa (tẳng bù), tượng trưng cho sấm, mưa cho sự phồn thực với mong ước của một mùa màng tươi tốt. Hái hoa (Kếp boóc) là phần cuối của lễ hội Xăng Khan, chủ nhà là người trực tiếp hái hoa đem tặng cho mọi người, mỗi bông hoa là một phần thưởng tượng trưng cho bổng lộc và sự may mắn trong cuộc sống. Bằng lời hát chia tay thắm thiết hẹn kỳ hội sau gặp lại, và lúc này trời cũng vừa sáng, mọi người trở về tiếp tục với công việc hàng ngày của mình.

Lễ hội Xăng Khan là một lễ hội tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Thái, góp phần thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và người Thái nói riêng. Tuy nhiên những năm gần đây, nhiều bản làng Thái không còn lễ hội Xăng Khan nữa, nguyên nhân thì nhiều nhưng quan trọng nhất vẫn là con người và cách ứng xử của con người đối với lễ hội.


Vi Biên
Nguồn : www.suutap.com

Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
__Phi*Tuyết__ (09-06-2009)
Trả lời


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 02:34
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,15031 seconds with 15 queries