Lương Sơn Bạc  
Trang chủ Lương Sơn Bạc  Lương Sơn Diễn Đàn  Nơi Lưu Trữ: Truyện Ngắn, Truyện Dài, Bài Viết, Nhân Vật, Sách Lịch Sử, Sách Dạy Võ Thuật...   Xem hình thành viên và hình các buổi giao lưu LSB   Nơi Lưu Trữ: Cổ Thi VN, Cổ Thi TQ, Thơ Mới & Các Tuyển Tập Thơ
Quay Lại   Lương Sơn Bạc > Kim Ngư Thành > Quảng Kiến Đài > Văn Hóa Thế Giới
Thành viên
Mật khẩu
Những câu hỏi thường gặp Danh sách các thành viên LSB  Lương Sơn Thương Quán
Văn Hóa Thế Giới Chia sẻ những nền văn hóa của các nước trên thế giới

Trả lời
 
Tiện ích Chế độ hiển thị
Cũ 03-02-2010   #82
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.894
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Tài nghề con lừa

Bài này có ý nói: Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa.

Đất Kiềm(1) xưa nay vốn không có lừa. Có người hiếu sự(2) tải một ít lừa đến đấy nuôi.

Lừa thả ở dưới chân núi. Buổi đầu, hổ trong núi ra, trông thấy lừa cao lớn, lực lưỡng, tưởng loài thần vật mới giáng sinh. Lại thấy lừa kêu to, hổ sợ quá, cong đuôi chạy. Dần dần về sau hổ nghe tiếng, thấy lúc nào lừa kêu cũng thế lấy làm khinh thường. Một hôm, hổ thử vờn, nhảy xông vào đầu lừa. Lừa giận quá, giơ chân đá, đá đi, đá lại, quanh quẩn chỉ có một ngón đá mà thôi. Hổ thấy vậy mừng, bụng bảo dạ rằng: “Tài nghề con lừa ra chỉ có thế mà thôi”. Rồi hổ gầm thét, chồm lên, vồ lừa, cấu lừa, cắn lừa, ăn thịt lừa, đoạn rồi đi.

Liễu Tôn Nguyên(3)

Lời bàn: Bài này có ý nói: Ở đời có lắm người, lắm sự, lúc mới biết cho là lạ, thì còn ưa, còn sợ, đến lúc đã biết rõ rồi thì lại khinh thường, chẳng coi vào đâu nữa:

Nhác trông ngỡ tượng tô vàng,
Nhìn ra mới biết chẫu chàng ngày mưa.

Nhưng bài này lại có ý chê người khờ dại không biết giữ thân cho kín đáo, để đến nỗi người ta dòm được tâm thuật của mình mà làm hại mình, như con lừa bị con hổ hại vậy. Những nhà làm văn vẫn thường hay dùng hai chữ “Kiềm lô” (lừa đất Kiềm) để chỉ những người tài nghệ kém cỏi, không có gì lạ.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010)
Cũ 03-02-2010   #83
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.894
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Liêm, sỉ

Liêm, sỉ(1) là tính rất hay của loài người, vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. Nhất những bậc đứng chủ trương việc nhà, việc nước mà vô liêm, sỉ thì nhà phải suy bại, nước phải nguy vong.

Nghĩ cho kĩ, thì sỉ cần hơn liêm: người không liêm làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô sỉ mà ra.

Khổng nói: “Hành kỉ hữu sỉ” nghĩa là nghĩ mình biết làm xằng là xấu hổ. Thầy Mạnh nói: “Nhân bất khả vô sỉ” nghĩa là người ta không biết xấu hổ thì không được.

Than ôi! Thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, người ta quên cả liêm, sỉ. Không kể chi người thường, thậm chí đến bọn sĩ phu cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu cho là sự xấu hổ chung cho cả nước, cũng không phải là nói ngoa.

Tuy vậy, mùa đông rét mướt, tùng, bách vẫn xanh; mưa gió tối tăm, gà sống vẫn gáy. Đời tuy hôn mê, vẫn có người tỉnh.

Ông Nhan Chi Suy(2) làm sách “Gia huấn”(3) có thuật câu chuyện rằng:

Một viên quan nói với ông: “Tôi có đứa con 17 tuổi học đã thông. Tôi cho nó học tiếng nước Tiên Tri(4), tập gảy đàn tì bà, lớn lên theo hầu đám công khanh(5), thì thế nào rồi cũng được sung sướng”.

Nhan Chi Suy nghe nói, nín lặng không trả lời. Sau về nhà, bảo con cháu rằng:

“Người này dạy con lạ thay. Như ta, nếu học cách ấy, dù cho được phú quý đến đâu, ta cũng không mong cho các con vậy”.

Những kẻ mất hết liêm, sỉ, chỉ biết chăm chăm xu thời nịnh đời, xem câu chuyện này, nghĩ chẳng đáng thẹn lắm sao!


Lời bàn:

Bài này thực đã như một tiếng than cho đời mà ngán cho người. Than ôi! Người đời bấy giờ có phải đa số là người “vô liêm sỉ”, “bất trí sỉ” không? Nếu quả thật thì người ta ngậm ngùi than thở rất là phải. Vì “liêm”, “sỉ” là nền tảng của đạo làm người. Ở đời còn có sỉ thì hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm còn được chớ liêm, sỉ đã mất, nhất là sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý, và mong cậy vào đâu nữa. Con người mà đã đến vô sỉ thì tuy mặc áo, đội mũ mà như con chim, con muông, còn cái gì là kiêng nể là không dám làm!


(1) Liêm: tính phân minh ngay thẳng, không lấy của bất nghĩa. Sỉ: hổ thẹn, tự mình lấy làm khó chịu, nhục nhằn trong lòng.

(2) Nhan Chi Suy: nhà văn tự giỏi có tiếng thời Nam Bắc triều

(3) Gia huấn: lời dạy bảo con em trong nhà

(4) Tiên Tri: tên một nước cũ, tức là một bộ phận Nội Mông Cổ bây giờ. Về đời Tấn, Tiên Tri vào chiếm Trung Nguyên, đặt tên nước Nguỵ, tức là Bắc Triều

(5) công khanh: hai chức quan to.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010)
Cũ 03-02-2010   #84
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.894
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Phẩm trật ông quan, phẩm giá con người

Phẩm trật[1] ông quan là phẩm trật có một đời, phận(2)có, khắc có. Phẩm giá con người là phẩm giá lưu truyền trăm đời, tự mình không cố gây dựng cho mình, thì không bao giờ có.

Sĩ quân tử (3) ta trông thấy cái giời ở ngoài giời, biết rõ cái người ở trong người, hiểu thấu đến cái vật ngoài vật ở đời, nghĩ xa đến cái thân sau thân hiện tại, thì biết đằng nào ngắn, đằng nào dài, đằng nào còn, đằng nào mất, chắc không ham mê cái này (4) mà quên bỏ cái kia (5) .


Lời bàn:

Cái phẩm giá của người ta đối với cái phẩm trật ông quan, thì cái phẩm giá người đáng tôn quí lắm. Cho nên người làm quan đã có phẩm trật ông quan mà lại có được phẩm giá con người thì mới là đáng trọng. Chớ nếu làm quan mà để cho cái danh lợi làm mất hết cái nhân cách, phẩm trật quan làm trôi mất phẩm giá người, thì danh tuy gọi là quan mà thực không bằng người bạch đinh vẫn còn giữ trọn phẩm giá. Ôi! Người làm quan chẳng nên đọc Chúc Tử, cân nhắc hai bên phẩm trật và phẩm giá mà tư tưởng hành động cho phải hay sao!


1. Phẩm trật: bậc trên dưới của hàng quan lại tự lòng cửu đến chánh thất

2. Phận: Số mệnh trời phú cho người ta tốt hay xấu

3. Sĩ quân tử: nói người có học thức

4. Cái này: tức chỉ quan phẩm

5. Cái kia: tức chỉ nhân phẩm.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010)
Cũ 03-02-2010   #85
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.894
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Rửa tai

Có cả thiên hạ mà cố nhường cho người là lạ. Người nhường thiên hạ cho, mà không nhận cũng là lạ. Nghe thấy câu chuyện nhường thiên hạ cho là chuyện bẩn, phải đi rửa tai lại lạ hơn. Không để cho trâu uống cái nước đã rửa tai ấy, sợ bẩn miệng trâu lại càng lạ nữa.

Đời thượng cổ có ông Hứa Do(1) là một người sống ẩn dật ở trong chằm Bái Trạch(2).

Vua Nghiêu nghe tiếng là người giỏi, mời ra xin nhường cả thiên hạ. Hứa Do từ chối, lui về ẩn tại núi Trung Nhạc phía Nam sông Dĩnh Thuỷ.

Sau, vua Nghiêu lại tìm đến, cố mời Hứa Do ra làm tổng trưởng cả chín châu(3). Hứa Do thấy vậy, không muốn nghe chuyện nữa, ra bờ sông Dĩnh Thuỷ rửa tai. Ngay lúc bấy giờ, Sào Phủ(4) đang dắt trâu xuống bờ sông, gặp Hứa Do hỏi:

- Vì việc gì mà bác phải rửa tai như vậy?

Hứa Do thuật chuyện, Sào Phủ liền gò cổ trâu lại mà nói rằng:

- Ta toan cho trâu uống nước đây, lại e bẩn cả miệng trâu.

Nói đến đoạn dắt trâu lên quãng sông trên cho trâu uống nước.

Cao Sĩ Truyện(5)

Lời bàn:

Có cả thiên hạ mà cố nhường cho người là lạ. Người nhường thiên hạ cho, mà không nhận cũng là lạ. Nghe thấy câu chuyện nhường thiên hạ cho là chuyện bẩn, phải đi rửa tai lại lạ hơn. Không để cho trâu uống cái nước đã rửa tai ấy, sợ bẩn miệng trâu lại càng lạ nữa.

Ôi! đọc bài này, tưởng như Hứa Do với Sài Phủ là hai người, nếu chẳng ngông cuồng, thì cũng gàn dở. Nhưng vì Hứa do và Sào Phủ hiểu thấu danh lợi nó hãm hại người ta dễ làm cho mất hết liêm sỉ, cho nên hai ông không muốn để cái làm vui sướng, thì cũng là những bậc cao sĩ thờ một cái chủ nghĩa cao quý vậy. Chả bù cho những phường tham danh, trục lợi thường say mê danh lợi, thậm chí đến chết vẫn chưa tỉnh cho!


(1) Hứa Do: bậc cao sĩ đời thượng cổ

(2) Bái Trạch: chỗ có cây mọc tùm lum gọi là bái, chỗ nước đọng nhiều gọi là trạch

(3) Chín châu: đời thượng cổ nước Tàu chia ra làm chín khu để cai trị (Duyên, Ký, Thanh, Từ, Dự, Kinh, Dương, Ung, Lương)

(4) Sào Phủ: bậc cao sĩ đời thượng cổ, không ưa thế lợi, ẩn ở trong núi, lấy cây làm tổ nằm ở trên cho nên gọi là Sào Phủ (sào nghĩa là tổ)

(5) Cao Sĩ Truyện: sách của Hoàng Phủ Mật đời nhà Tấn soạn kể chuyện những bậc cao sĩ ẩn dật đời xưa bên Tàu.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010)
Cũ 03-02-2010   #86
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.894
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Muôn vật một loài

Người ta ở trong khoảng trời đất thường hay tự phụ mình làm chủ cả muôn vật: vì mình mà muôn vật phải sinh, vì mình mà cây thóc mọc mà con lợn béo, mà con tằm nhả tơ, con ong gây mật, cho đến cả mặt trời sáng ban ngày, ngôi sao lóng lánh ban đêm. Nhưng xét lại, thì loài người chẳng qua cũng chỉ là một loài cùng sinh, cùng sống như muôn loài trong trời đất

Người họ Điền nước Tề sắp phải đi xa, làm tiệc để cáo biệt anh em. Khách mời kể có nghìn người. Cỗ bàn đủ các thứ sơn hào hải vị. Lúc ăn đến món chim, món cá, người họ Điền trông thấy, nói rằng: “Trời đãi người hậu thật! Sinh ra thóc lúa, sinh ra chim cá, không thiếu thứ gì, để cho người dùng”. Bao nhiêu khách ăn đồng thanh khen câu nói ấy là phải. Duy có đứa con họ Bảo, tuổi mới mười hai, đứng dậy nói rằng:

- Cứ như ý tôi thì câu nói ấy là không phải. Muôn vật trong trời đất là cùng sinh với ta, cùng một loài như ta, không có gì sang hay hèn cả. Sang hèn mà phân biệt, chẳng qua là các loài chế lẫn nhau, lớn nuốt nhỏ, khôn đè dại, khoẻ lấn yếu mà thôi. Chớ nào có phải trời vì loài này mà sinh ra loài khác đâu! Người ta cái gì ăn được thì lấy mà ăn, chớ trời nào lại vì người mà sinh ra ăn thứ nọ thứ kia?

Cứ theo lý ấy, ruồi muỗi hút máu người, hổ lang ăn thịt người, thì có nói được rằng trời vì những giống ấy mà sinh ra người không?


Lời bàn:

Người ta ở trong khoảng trời đất thường hay tự phụ mình làm chủ cả muôn vật: vì mình mà muôn vật phải sinh, vì mình mà cây thóc mọc mà con lợn béo, mà con tằm nhả tơ, con ong gây mật, cho đến cả mặt trời sáng ban ngày, ngôi sao lóng lánh ban đêm. Nhưng xét lại, thì loài người chẳng qua cũng chỉ là một loài cùng sinh, cùng sống như muôn loài trong trời đất. Loài người sở dĩ hơn muôn vật là chỉ hơn có một chút trí khôn mà thôi. Nên câu nói như đứa bé họ Bảo mới thực là cao, rộng, hiểu được cái lẽ vạn vật, tịnh sinh ở đời vậy.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010)
Cũ 03-02-2010   #87
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.894
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Lẽ sống chết

Người ta ở đời, kẻ thì mến đời không muốn chết, hoặc có kẻ lại chán đời không muốn sống. Như thế đều là nhầm cả. Sự sống chết không phải tự cho mình có chủ quyền được, thì mình đem tâm lo nghĩ, cầu khẩn về việc sống, chết, mà có ích gì!

Mạnh Tôn Dương hỏi Dương Tử: “Có kẻ mến đời, yêu thân, cầu cho không chết có nên không?”.

Dương Tử nói: “Có sống thì phải có chết, lẽ nào mà không chết được?”.

- Thế cầu sống có nên không?

- Lẽ nào sống lâu được? Người ta không phải thích sống mà sống mãi được, yêu thân mà thân còn mãi được. Vả chăng, sống lâu để làm gì? Thế tình hay dở, xưa cũng như nay; thân thể an nguy xưa cũng như nay; việc đời vui khổ, xưa cũng như nay; biến đổi trị loạn, xưa cũng như nay; cái gì cũng đã nghe thấy, đã trông thấy, đã từng trải cả rồi, thì sống trong khoảng trăm năm cũng đủ lấy làm chán, huống còn cầu lấy sống lâu để cho khổ làm gì?”.

Mạnh Tôn Dương nói: “Nếu như thế, thì chóng chết còn hơn là sống lâu. Ta nên xông vào gươm giáo, nhảy vào nước lửa để chết ngay đi có thỏa không?”.

Dương Tử nói: “Không phải thế. Đã sinh ra đời thì lúc sống cứ tự nhiên mặc, muốn làm gì thì làm, cho đến lúc chết. Lúc sắp chết, cũng tự nhiên mặc, muốn hóa ra gì thì hóa cho đến lúc cùng. Lúc sống, lúc chết, lúc nào cũng tự nhiên như không, hà tất phải quan tâm sống lâu hay chóng chết làm gì?”.

Dương Tử[1]

Lời bàn:

Người ta ở đời, kẻ thì mến đời không muốn chết, hoặc có kẻ lại chán đời không muốn sống. Như thế đều là nhầm cả. Sự sống chết không phải tự cho mình có chủ quyền được, thì mình đem tâm lo nghĩ, cầu khẩn về việc sống, chết, mà có ích gì!

Thà rằng: Từ lúc sống đến lúc chết, việc mình, mình làm, còn ngoại giả phó mặc ở sự tự nhiên cho gọi là số, là mệnh, là tạo hóa cũng không cần. Thói đời, thường tình vẫn tham sống, sợ chết. Nhưng chết, vị tất là khổ hẳn. Mà sống, cũng không ai bảo là toàn sướng được! Như xưa có kẻ sống hơn trăm tuổi, ai chẳng cho sống lâu là quý! Thế mà người ấy thường vẫn ta thán rằng: “Sống làm chi cho nhục!”. Sống lâu cho vô ích mà chỉ trông nhiều cảnh tang thương thì có hay gì.

[1] Dương Tử: Người thời Chiến Quốc tên là Tử Cư, tôn chỉ học thuyết là: “Mất một cái lông mà lợi thiên hạ cũng không cho, được cả thiên hạ phụng sự một mình cũng không làm, người nào cũng không chịu thiệt, người nào cũng không ham lợi thì thiên hạ tự nhiên thái bình”. Học thuyết ấy rất thịnh hành thời Chiến Quốc và người đời bây giờ cho là học thuyết “Vị ngã”.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010)
Cũ 03-02-2010   #88
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.894
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Cáo mượn oai hổ

Bài này cũng như bài ngụ ngôn “Lừa đội lốt sư tử” cốt ý nói những kẻ thần hạ mượn quyền thế người trên để hống hách, doạ nạt người ta...

Vua Tuyên Vương làm Vua nước Sở. Chiêu Hề Tuất chỉ là một người bầy tôi của Vua Tuyên Vương. Thế mà ai nghe thấy nói Chiêu Hề Tuất cũng phải kinh sợ. Vua lấy làm lạ, một hôm hỏi quần thần là vì cớ làm sao. Không ai trả lời nổi. Chỉ có Giang Nhất biết được thưa rằng:

“Con hổ hay bắt các giống thú để ăn thịt. Một hôm bắt được con cáo . Cáo bảo: Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà chết ngay bây giờ. Ta là Trời sai xuống, cầm quyền coi hết cả bách thú. Người mà ăn thịt ta là người trái mệnh trời, hại đến thân ngay lập tức... Không tin thử để ta đi trước, ngươi theo hầu sau, xem có con thú nào trông thấy ta mà lại không sợ hãi tìm đường trốn cho mau không!”. Hổ cho cáo là nói thật, bèn theo cáo đi. Quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ mà chạy cả. Hổ vẫn không biết rằng bách thú sợ mình mà chạy, cứ tưởng là sợ cáo. Nay nhà Vua nước mạnh, quân nhiều mà Vua giao cả quyền thế cho Chiêu Hề Tuất, người phương Bắc sợ Hề Tuất, nhưng kỳ thực là sợ Vua cũng như bách thú sợ hổ vậy”.


LỜI BÀN:

Bài này cũng như bài ngụ ngôn “Lừa đội lốt sư tử” cốt ý nói những kẻ thần hạ mượn quyền thế người trên để hống hách, doạ nạt người ta. Nhưng nếu người ta không biết, thì người ta còn sợ, chứ khi “hổ mà thèm cỏ, lừa mà thò tai” thì chẳng những người ta đem lòng khinh bỉ, mà người ta còn làm cho đê nhục để cho bõ ghét.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010)
Cũ 03-02-2010   #89
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.894
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Hết lòng vì nước

Thân Bao Tư muốn cứu nước chỉ lấy nước mắt, tiếng khóc mà nên công, thực là người quá nhẫn nhục trong lúc kế cùng lực kiệt, để chuyển được người không có ý giúp cũng phải giúp, thế là có bụng rất trung, yêu Vua cứu nước vậy. Lại đáng khen hơn nữa là công to mà không lấy thưởng. Việc nghĩa phải làm là làm cho cả nước, làm được là hả, là sướng, chớ có cầu cạnh gì riêng cho thân mình?

Vua Bình Vương nước Sở nghe lời gièm pha, giết chết đại tướng là Ngũ Xa (1). Ngũ Thượng(2) là con cả của Ngũ Xa cũng bị hại. Người con thứ là Ngũ Viên(3) bèn bỏ nước Sở, sang làm tướng Ngô. Trước khi đi có đến từ giã một người bạn đang làm quan đại phu tên là Thân Bao Tư(4) mà bảo rằng:

“Ba năm nữa, nước Sở không mất, thời tôi không trông thấy bác nữa”.

Thân Bao Tư nói: “Bác làm mất nước Sở, thì tôi tất phải giữ cho nước Sở còn”.

Ba năm sau, Ngũ Viên đem quân Ngô về đánh Sở. Vua Chiêu Vương nối ngôi Bình Vương, thua chạy phải trốn vào trong núi.

Thân Bao Tư đang ở trong núi, nghe nói Ngũ Viên cường bạo, bèn sang cầu cứu nước Tần, tâu cùng vua rằng: “Nước Ngô vô đạo quân khoẻ, người nhiều, sắp đánh cả thiên hạ, bây giờ mới bắt đầu đánh một nước Sở tôi trước. Vua nước tôi phải chạy trốn, hiện nay ở Vân Mộng, sai tôi đến báo cấp với thượng quốc”.

Vua nước Tần là Ai Công, bảo: “Ừ! Để rồi ta liệu. Nhà ngươi hãy ra nghỉ ngoài sứ quán”.

Thân Bao Tư nói: “Vua nước tôi bây giờ đang khốn đốn, phận bầy tôi đâu dám ăn nằm yên một chỗ”.

Nói đoạn, cứ đứng ở giữa sân khóc lóc thảm thiết suốt bảy ngày đêm.

Ai Công thấy vậy, nói rằng: “Một nước có người bầy tôi như thế, ta không cứu cũng không đành”. Rồi đem quân sang cứu nước Sở.

Quân Ngô nghe thấy tin, vội phải rút quân về.

Nước Sở nhờ thế mà không mất, vua Chiêu Vương lại lên ngôi, cho tìm Thân Bao Tư để thưởng công, thì không thấy đâu cả. Thân Bao Tư đã lánh đâu rồi.

Trước khi lánh, Thân Bao Tư nói rằng:

“Mượn quân, yên nước không phải là vị thân; cứu cấp, trừ hại không phải là vị danh. Bây giờ nước đã định rồi, thì ta còn cầu gì nữa?”


LỜI BÀN:

Ngũ Viên vì cha bị giết oan mà quyết chí muốn hại Vua, làm cho Vua mất nước, là trọng chữ hiếu hơn chữ trung, có phần đáng khen, cũng có phần nên chê.

Thân Bao Tư muốn cứu nước chỉ lấy nước mắt, tiếng khóc mà nên công, thực là người quá nhẫn nhục trong lúc kế cùng lực kiệt, để chuyển được người không có ý giúp cũng phải giúp, thế là có bụng rất trung, yêu Vua cứu nước vậy. Lại đáng khen hơn nữa là công to mà không lấy thưởng. Việc nghĩa phải làm là làm cho cả nước, làm được là hả, là sướng, chớ có cầu cạnh gì riêng cho thân mình?


Chú thích:

(1) Ngũ Xa: Người nước Sở thời Xuân Thu, thờ vua Bính Vương vì can vua mà phải giết.

(2) Ngũ Thượng: con cả Ngũ Xa, cha bị nạn, đi theo cha rồi cũng bị hại.

(3) Ngũ Viên: tức là Ngũ Tử Tư, con thứ Ngũ Xa, trốn chạy sang Ngô để mưu phục thù cho cha.

(4) Thân Bao Tư: người thời Xuân Thu làm quan đại phu thờ vua Bính Vương nước Sở và chơi thân với Ngũ Viên.


Tài sản của LSB-Sun
Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến LSB-Sun vì bài viết hữu ích này:
sao_phu08 (03-03-2010)
Trả lời

Tags
cổ học tinh hoa


Quyền sử dụng
Huynh đệ không được phép tạo chủ đề mới
Huynh đệ không có quyền gửi bài trả lời
Huynh đệ không được phép gửi file-gửi-kèm
Huynh đệ không được phép sửa bài của mình

BB code is Mở
Smilies đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt
Chuyển nhanh đến:

 
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung
Loading

Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 12:56
vBCredits v1.4 Copyright ©2007 - 2008, PixelFX Studios
Liên hệ - Lương Sơn Bạc - Lưu trữ  
Page generated in 0,08290 seconds with 17 queries