Xem bài viết
Cũ 31-01-2011   #2
Ảnh thế thân của TC NGUYỄN
TC NGUYỄN
-=[ Tổng Binh Đầu Lĩnh ]=-
Gia nhập: 13-02-2006
Bài viết: 1.587
Điểm: 1621
L$B: 243.523.411
Tâm trạng:
TC NGUYỄN đang offline
 
.
Thành ngữ, tục ngữ trong thi ca

Khi nói đến Thành ngữ, tục ngữ(Tntn) ta thấy xuất hiện nhiều trong ca dao- dân ca vì ca dao-dân ca là do quần chúng sáng tác qua nhiều thời đại cô đọng, được truyền khẩu và phổ biến rộng rãi, nhờ vào âm điệu và ý nghĩa hàm súc nó mang tính cách chung của văn học dân gian.
Vì phát xuất từ dân gian, nên ngày xưa khi Nho học còn toàn trị, thì những thứ văn chương này cho là “nôm na mách qué” ngược lại với văn chương bác học viết bằng chữ Nho, trong khi chữ Việt còn gọi là chữ Nôm các cụ ta có viết nhưng chỉ là coi là “mách qué” chơi cho vui…
Nhưng ngày nay những thứ “mách qué” ấy ta rất trân trọng, vì nó là thứ ngôn ngữ thuần Việt, bao hàm “triết lý nhân sinh” không đổi, giữ hướng cho nền văn hóa Việt thuần nhất khác biệt, không bị đồng hóa…
Công lao gìn giữ này là chung của một dân tộc Việt tự cường không kể riêng ai, nhưng xét trên khía cạnh riêng những người có công vun xén cho nền văn học ngôn ngữ Việt, ở một thời đoạn hạn định nào đó phải có người đóng góp trội hơn, về phương diện này thơ chữ nôm, Hồ xuân Hương(HXH) đã được tôn vinh lên ngôi vị “Bà Chúa Thơ Nôm”.

I/-Thơ Hồ Xuân Hương

Tại sao HXH được người đời tán dương ca tụng, lần vào thơ bà, ta thấy rõ bà đã đưa vào thơ mình rất nhiều Tntn biến hóa nó thành ý nghĩa khác, hay nói khác đi bà đã đẩy Tntn có sẵn vào hậu cảnh và đè lên lại chính nó trở thành ý nghĩa khác sáng tạo của chính bà, như vậy đi song song, những câu Tntn tự nó đã làm giàu thêm ngôn ngữ Việt.
Để viện dẫn, ta xét xem HXH đã sử dụng ngôn từ bằng cách nào trong những bài thơ bà còn lưu lại…thì có hai phương pháp bà tạo nghĩa bằng cách dùng trực tiếp toàn câu hay lấy ý một phần câu Tntn.

-Bài Mời Trầu:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

HXH đã lấy hai câu thành ngữ “Xanh như lá” và “Bạc như vôi” ghép lại làm câu kết của bài thơ “Tứ tuyệt” của vần “Ôi”(! hiểu ngầm) và thêm chữ “Đừng” vào trước câu, làm cho bật ngược bài thơ… phô ra một nỗi ai oán trách than dè chừng cho thảm họa tình duyên rồi sẽ đến?…

-Bài Làm Lẽ:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Năm thì mười họa nên chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không...
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.

Chỉ tám câu thơ(thất ngôn bát cú), HXH đã sử dụng trực tiếp ba thành ngữ “Năm thì mười họa/- Cố đấm ăn xôi/- Làm mướn không công” hợp nhất vào bài thơ, không hở ra một sự gượng ép nối ráp nào, làm cho bài thơ có thi tứ riêng, xa ra cái nghĩa chính thường dùng.

-Bài Quan thị:

Mười hai bà mụ ghét chi nhau,
Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu.
Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.
Đố ai biết đó vông hay trốc,
Còn kẻ nào hay cuống với đầu.
Thôi thế thì thôi, thôi mặc thế,
Nghìn năm càng khỏi tiếng nương dâu.

Bài này- câu thứ năm có hai từ “vông” và “trốc” lấy ý từ câu “ngồi lá vông, chống mông lá trốc”- câu thứ sáu “cuống” và “đầu” lấy ý câu “đầu trỏ xuống, cuống trỏ lên”

Cách lấy trực tiếp toàn câu Tntn đòi hỏi sự hiểu biết ý nghĩa thật rõ, rồi “nhân lực tá lực” chuyển biến theo ý riêng tạo cho bài thơ sự sáng tạo mới mẻ ý nhị hơn; còn cách lấy ý thì chỉ một vài từ có tính biểu tượng đưa vào thơ, người thưởng ngoạn đòi hỏi phải có sự uyên bác về ý điển thi ca-Tntn, liên kết lại với nhau, liên tưởng rộng ra, rồi cảm nhận được sẽ tạo cho mình một thích thú như giải đáp được câu đố hắc búa và cũng nhờ vào cách này ngôn ngữ Việt được phát triển vì dễ nhớ nhờ theo âm điệu thơ bao hàm những ý nghĩa trong xử thế…


Chữ ký của TC NGUYỄN
TC- N.

Tài sản của TC NGUYỄN

Chỉnh sửa lần cuối bởi TC NGUYỄN: 04-05-2011 lúc 03:32.
Trả lời kèm theo trích dẫn
3 thành viên đã gửi lời cám ơn đến TC NGUYỄN vì bài viết hữu ích này:
hatcatbui (16-02-2012), Lăng Độ Vũ (01-02-2011), Nhất Chi Mai (29-05-2011)
 
Page generated in 0,03524 seconds with 15 queries