Chủ đề: Ngôn Từ Thơ
Xem bài viết
Cũ 16-04-2010   #17
Ảnh thế thân của sao_phu08
sao_phu08
-=[ Huyền Vũ Bộ Binh ]=-
Gia nhập: 31-01-2010
Bài viết: 539
Điểm: 461
L$B: 35.757
sao_phu08 đang offline
 
Lạm Bàn Về Ngôn Từ Thơ

Thơ là một phạm trù nghệ thuật đòi hỏi sự chuyên tâm và một tầm kiến thức nhất định . Có rất nhiều người yêu thơ , làm thơ nhưng thực tế không mấy ai thực sự là một nhà thơ lớn được . Bên cạnh cú pháp được coi như là phần thể xác thì ngôn từ chính là trái tim để thể xác ấy có hồn sống . Ngôn từ trong thơ khác trong văn chương rất nhiều . Vì không thể lê thê giảng giải như các văn xuôi , tạp bút…nên ngôn từ trong thơ được coi là sự chắt lọc gần như cạn kiệt tinh hoa của vốn từ . Người đọc có thể đồng cảm được với tác giả hay không chính là ở cách thể hiện ngôn từ . Một bài thơ mà ngôn từ trần trụi quá dễ gây sự nhàm chán và dễ dàng bị quên lãng trong hằng hà các bài thơ khác . Độ sâu và chín của nhà thơ chính được đo trong độ sâu và chín của ngôn từ mà nhà thơ ấy dùng trong tác phẩm của mình . Ở đây , người viết xin lạm bàn về câu hồn và từ hồn , tức là những câu và từ làm sức sống bài thơ có thể trường tồn thách đố thời gian .

Nếu nhìn nhận kỹ lưỡng về các bài thơ Đường nổi tiếng còn đến ngày nay , hẳn dễ dàng nhận ra một sự xếp đặt những từ thành một câu khai sáng cho bài thơ mà chúng ta vẫn quen được biết là “ câu hồn “ . Ví dụ như :

Bồ Đào mỹ tữu dạ quang bôi ( Bồ Đào rượu ngát chén lưu ly )
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi ( Toan nhấp tỳ bà đã dục đi )
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu ( Say khướt sa trường anh chớ mỉa )
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi ( Xưa nay chinh chiến mấy ai về )


Câu hồn ở đây chính là phơi bày sự thật chua chát của thân phận con người trong chiến tranh , cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi , chính nhờ nó mà bài thơ đã nổi bật và nằm sâu trong lòng người đọc . Hay trong bài Phong Kiều Dạ Bạc được dịch qua giọng thơ của Trương Hàm Ninh mà chúng ta có một thời gian dài lầm tưởng của cụ Tản Đà :

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên ( Trăng tà tiếng quạ kêu sương )
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên ( Lữa chài cây bến sầu vương giấc hồ )
Cô Tô thành ngoại hàn san tự ( Thuyền ai đậu bến Cô Tô )
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền ( Nữa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San )

Câu hồn kết để mở thật hay và đúng trong ngoại cảnh lẫn tứ thi , dạ bán chung thanh đáo khách thuyền , kết hợp cùng trăng lặn , lữa chài le lói , thuyền cô độc neo bến đêm thành một không gian mênh mông trầm lắng thanh tịnh đến thoát tục . Bến Cô Tô lại ngỡ là chốn dừng trước ngõ Bồng Lai . Tiếng chuông đêm vọng xuống từ chùa trên núi như lời trầm niệm suy ý cho thế nhân thăng trầm . Người đọc ngỏ hồ như thấy được cả một dáng ngư phủ đang soi bóng mình bên bếp lữa hồng nhỏ nhấm rượu mà tư lự đời mình . Ngư phủ là ta hay ta là ngư phủ ? Cõi nhân sinh mỏng manh và phù du biết bao ? Thật mơ đã quyện nhau đến bất tận , cũng chính là tiếng chuông chùa nữa đêm “ đáo khách thuyền “ đấy thôi .

Trong văn học Á Đông có một thể thơ mà đến nay dù rất kén người viết lẫn người đọc nhưng vẫn trường tồn trong tâm trí những ai yêu mến tinh túy thơ ca . Đấy là thể loại Haiku của Nhật Bản . Một thể loại thơ bó buộc về hạn chế câu từ đến nghiêm ngặt . Ngay cả tại đất nước sản sinh ra dòng thơ trên cũng có rất ít nhà thơ viết về Haiku nổi tiếng . Người viết cho rằng đây chính là minh chứng cho việc lựa chọn ngôn từ quý trong thơ . Xin lấy dẫn chứng :

Ao cũ
Con ếch nhảy vào
Vang tiếng lao xao *


Đọc qua tưởng chừng như không có gì là thơ hay không có gì để cấu thành độ sâu xúc cảm . Nhưng ngẫm lại mỗi câu từ thì bất giác lại rùn mình trong hoài niệm quá khứ . Cái ao cũ phẳng lặng bình yên ấy đã thức tỉnh trong sự khuấy động của chú ếch nhỏ vang lên nhiều tiếng khua nước lao xao . Tiếng lao xao gì vậy ? Có phải là cả một bầu trời thơ ấu ngày xưa đùa nghịch quanh ao đã hiện về ? Có phải là nguyên một khoảng yêu thương ngọt lịm cùng một cô láng giềng nào đấy ngày ngày diễn ra quanh ao nhỏ đang phục sinh trong tim ? Có phải là thấy được ta hồn nhiên bên tình yêu của mình khờ khạo ? Có phải cả một chân trời đầy ắp kỷ niệm xưa đã ngủ quên lâu năm nay lại ùa về đến ngộp hồn ? Ô , chỉ một con ếch nhỏ đã làm sống dậy trong tâm tư biết bao xúc cảm đa chiều . Người đọc chìm trong tứ thơ sâu lắng ấy lại còn có thể nhìn ra hình dáng của một Người Quay Lại đang cúi đầu hồi tưởng bên bờ ao . Một người quay lại đang nuối tiếc hoặc hạnh phúc trong những kỷ niệm cũ mà mình gom nhặt được . Con ếch ấy chỉ làm nền cho những tiếng lao xao trổi dậy trong lòng nhà thơ và đọc giả đồng cảm suy ý ra biết bao điều để hồi tưởng . Bình dị , thông thường nhưng lại bao hàm cả triết lý của Á Đông , trong vô thường luôn hiện hữu cái hữu hạn , cái hữu hạn lại luôn chứa những điều vô thường ; như hòn cuội nhỏ nằm lăm lóc bên suối cạn , biết đâu ngày trước đã từng là đỉnh của núi Thái Sơn .

Ngay trong các loại thơ mới bây giờ vẫn thấy được sự quan trọng của việc chọn lựa ngôn từ để hình thành nên câu hồn giữ nhịp sống cho bài thơ . Hãy đọc qua tác phẩm sau của Đoàn Thị lam Luyến , một nhà thơ nữ mà người viết rất mực yêu thích :

Em đầy ngộ nhận như tôi
Cũng yêu chí chết cái người mình yêu
Cũng tìm những lối rong rêu
Để rồi bước trật bước trèo uổng công
Mắt thì thăm thẳm mùa đông
Trái tim mùa hạ tấm lòng mùa thu
Mùa xuân ở phía xa mù
Mà băng tuyết đến bao giờ cho tan
Gặp em cơ nhở cưu mang
Tôi đâu biết sự lỡ làng về sau
Em đương lấy sóng làm cầu
Khơi xa làm bến đáy sâu làm thuyền
Lấy khao khát để làm yên
Lấy duyên làm kiếp lấy tiền làm khinh
Rồi ra em giống chị mình
Lấy bao nhiêu cái thất tình làm vui


Mười bốn câu thơ đầu như lời đồng cảm của chị trước một người em gái dại khờ trong tình yêu . Nó sẽ chỉ tạo được chút gợn mơ hồ trong lòng người đọc và nhanh chóng bị lãng quên nếu không có hai câu cuối :

Rồi ra em giống chị mình
Lấy bao nhiêu cái thất tình làm vui


Người đọc đến đây phải thốt lên , thì ra . Thì ra chị khóc thương em cũng chính là chị đang khóc thương cho mình ngày trước và bây giờ . Thì ra cưu mang em dại khờ cũng chính là đang cưu mang cho chị vẫn còn chưa nguôi nông nổi , cho con tim hồng nhan luôn bạc mệnh trong lưới tình . “ Lấy cái thất tình làm vui “ nghe sao chua chát quá , nghe sao phải thương xót cảm thông cho một con tim chân thật bị sóng tình của dối trá bạc bẽo vùi dập đến tan hoang . Ai đã từng một lần nếm trải được vị mặn đắng tình ái , hẳn rất dễ dàng cảm thụ được phần hồn trong hai câu thơ này . Nhà thơ viết cho chính mình cũng như là đang viết cho chính chúng ta vậy . Bài thơ trên nằm sâu trong lòng người yêu thơ là vì lẻ đó

Hay trong bài Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng , có nhiều người đọc xong đều quên đi nhiều ít các đoạn riêng đôi ba câu sau vẫn sống mãi trong tâm trí qua thời gian :

Đôi mắt người Sơn Tây
U uẫn chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây

Có nhiều người không biết Sơn Tây là ở đâu , cũng không cảm nhận được nổi đau di tản trong chiến tranh ngày trước , nhưng đọc được ba câu trên đều thấm thía mà đồng cảm được . Đều thấy ra ra mình trong đôi mắt u uẩn hoen đỏ mỗi chiều ngồi đất khách mà ngóng về cố thổ , nước mắt muốn rơi nhưng không biết bao nhiêu cho vừa . Đôi mắt u uẩn như bầu tâm sự của nhiều kẻ xa quê đau đáu về mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình . Đôi Mắt Người Sơn Tây có lẻ sống được qua thời gian là như vậy

Câu hồn trong thơ quan trọng là vậy . Nói không ngoa nó có thể khiến một bài thơ trở nên bình thường quá đỗi hoặc là hay quá đỗi . Biết chọn từ thành câu để truyền hồn sống cho thơ đòi hỏi một sự từng trải về viết lách và một vốn từ phong phú . Nó được hình thành trong sự chính chắn và chiều sâu nội tâm của nhà thơ qua nhiều tháng năm cần mẫn tích góp như chú ong nhỏ gom ngàn phấn hoa tạo ra giọt mật tinh túy cho đời . Độ già dặn và chính chắn trong cách viết nhà thơ càng cao thì cách chọn ngôn từ tạo ra câu hồn càng hay và tinh tế . Người đọc theo đó dễ dàng cảm nhận hơn về hàm ý trong tác phẩm .

Bức tranh vẻ nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci bất tử không phải vì nàng ấy quá đẹp hay vì lối trình bày thiên tài vượt thời đại của tác giả . Bức tranh ấy bất tử vì nụ cười vừa hiền dịu lại biểu lộ đầy bí ẩn cảm xúc trái chiều trên môi nàng mà danh họa Vinci đã dày công tô dựng . Một tác phẩm thơ cũng vậy , muốn ăn sâu vào tiềm thức người đọc nhất thiết cần phải có một nụ cười Mona Lisa !

( ct )
….
* Bài thơ Haiku này Phủ ngày trước được đọc thấy hay nên đã chép vội vào tâm trí , bây giờ không còn nhớ được tác giả và dịch giả nên để trống không dám ẩu tả viết vào .


Chữ ký của sao_phu08
Đôi giầy tôi mang
Cũ qua năm tháng
Một hôm cởi ra
Chân mình cũng mòn
(sp08)

Trả lời kèm theo trích dẫn
Thành viên sau đã gửi lời cám ơn đến sao_phu08 vì bài viết hữu ích này:
TC NGUYỄN (16-04-2010)
 
Page generated in 0,04414 seconds with 15 queries