Chủ đề: Danh Nhân Việt Nam
Xem bài viết
Cũ 12-07-2009   #46
Ảnh thế thân của LSB-Sun
LSB-Sun
-=[ Lương Sơn Ẩn Sĩ ]=-
ღ Đại Trưởng Lão QPB ღ
Gia nhập: 28-10-2002
Bài viết: 33.053
Điểm: -5581
L$B: 34.195.740
Tâm trạng:
LSB-Sun đang offline
 
Cầm Bá Thước (1859–1895)

Cầm Bá Thước (1859–1895) là một trong những người lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa. Ông là người dân tộc Thái, sinh tại bản Lùm Nưa, tổng Trình Vạn, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, trong một gia đình lang đạo nhiều đời. Cha là Cầm Bá Tiên - Quân cơ dưới triều nhà Nguyễn.

Năm 24 tuổi (1883), ông giữ chức Bang biện quân vụ hai châu Thường Xuân và Lang Chánh. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông xây dựng lực lượng vũ trang chống Pháp ở quê. Hoạt động của ông không chỉ trong phạm vi Thường Xuân mà còn tỏa ra các vùng Ngọc Lặc, Như Xuân, Quan Hóa và Quỳ Châu (Nghệ An).

Năm 1886 Ông cùng với Hà Văn Mao hoạt động khắp các châu, huyện miền núi, phối hợp với Ba Đình (Nga Sơn), Mã Cao (Yên Định), Hùng Lĩnh (Vĩnh Lộc). Thực dân Pháp dần dần đàn áp được các phong trào khởi nghĩa từ miền xuôi đến trung du miền núi. Hà Văn Mao mất, Tống Duy Tân bị bắt vào năm 1892, Tôn Thất Hàm bị giặc giết, Cầm Bá Thước đành phải tìm cách ẩn náu chờ thời. Ông đã tập hợp lực lượng bí mật xây dựng Trịnh Vạn trở thành căn cứ khởi nghĩa chờ ngày bùng nổ, tiếp sức nóng cho ngọn lửa Cần Vương đang leo lét. Dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở, có nhiều núi cao, suối sâu của Trịnh Vạn, Cầm Bá Thước đã cho xây dựng một hệ thống đồn trại, công sự tác chiến lợi hại tại những điểm chốt quan trọng. Đó là những vị trí đánh địch, những chốt phục kích ẩn hiện nơi đồi núi, che khuất trong rừng cây rậm rạp. Đồng bào Thái ở Thường Xuân, Lang Chánh vẫn bí mật chở lương thực, vũ khí đến căn cứ Trịnh Vạn cung cấp cho nghĩa quân.

Tháng 2-1894, giám binh La-mơ-ray kéo quân lên Trịnh Vạn xem xét tình hình và khẳng định rằng Cầm Bá Thước vẫn chưa từ bỏ hoạt động chống Pháp, nên chúng đã đưa quân lính đến Trịnh Vạn hòng đè bẹp nghĩa quân từ khi còn non yếu. Ở phía nam, giặc Pháp đóng ở đồn Lược, đồn Bái Thượng thuộc huyện Thọ Xuân. Ở huyện Thường Xuân, chúng đóng quân rải rác ở nhiều nơi như đồn Cửa Đạt, đồn Thổ Sơn, Nhiên Trạm, vv... Nắm được âm mưu của địch, để giành thế chủ động, nghĩa quân Trịnh Vạn đã tấn công đồn Thổ Sơn vào ngay hôm tên giám binh La-mơ-ray vừa tới Trịnh Vạn (6-2-1894) mở đầu cho đợt chiến đấu mới. Sau đó, nghĩa quân lại tập kích đồn Quang Thôn và chạm súng với tên Lơ-Cát từ đồn Yên Lược (Thọ Xuân) lên ứng chiến. Tháng 3-1894 nghĩa quân đánh thẳng xuống đồn Cửa Đạt. Giặc Pháp hoảng hốt, điều động ba đội quân do Lơ-Cát, Cu-vơ-li-ê và giám binh Mác-li-ê thay nhau chỉ huy đánh vào căn cứ Trịnh Vạn. Tương kế tựu kế, Cầm Bá Thước đã cho người giả vờ trá hàng dẫn địch sa vào trận địa phục kích để tiêu diệt. Những trận đánh của nghĩa quân Cầm Bá Thước đã làm cho quân Pháp bị tổn thất nặng nề về người và vũ khí. Có lần nghĩa quân đã khống chế được đồn giặc lập ở Trịnh Vạn.

Trước tình hình đó, giặc Pháp thấy cứ giằng dai như vậy thì tổn thất quá, nên chúng quyết định tập trung lực lượng, tổ chức một cuộc tấn công lớn vào căn cứ trung tâm của nghĩa quân ở Hón Bòng (Xuân Lẹ – Thường Xuân). Ngày mùng 10 tháng 5 năm 1895, giám binh Mác-li-ê đem 200 quân từ Trịnh Vạn tấn công vào căn cứ trung tâm. Đây là trận đánh lớn cuối cùng của nghĩa quân. Tất cả các phòng tuyến của nghĩa quân từ trạm tiền tiêu đến đồn trung tâm đều sẵn sàng và quyết tâm chiến đấu. Giặc Pháp tuy có hỏa lực mạnh, nhưng phải sau 4 ngày tấn công dồn dập và phải chịu nhiều tổn thất nặng nề về người và vũ khí, mới vượt qua được ba phòng tuyến để đánh vào trung tâm căn cứ của nghĩa quân. Trước đó, Cầm Bá Thước và nghĩa quân đã bí mật rút đi nơi khác.
Đến lúc này, lực lượng nghĩa quân đã bị suy yếu rõ rệt, hầu hết các cứ điểm của nghĩa quân đã bị giặc Pháp chiếm. Chúng săn lùng ráo riết tìm bắt Cầm Bá Thước và các nghĩa binh. Cuối cùng, Cầm Bá Thước cùng vợ con và một số người theo ông sa lưới địch vào ngày 13 tháng 5 năm 1895 tại Bản Cà. Giặc Pháp đưa ông về Trịnh Vạn và tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc. Thất bại thảm hại trong âm mưu lôi kéo mua chuộc nhà yêu nước kiên cường, chúng đã đưa ông ra xử tử khi ông 36 tuổi.
Tôn Thất Thuyết có bài thơ gửi ông:

Vạn lí cao thu Mục mã binh,
Thuận lưu bất hạ tiểu chu khinh.
Thanh sơn lục thủy tương nghịch xứ,
Đại hải trường giang vọng viễn tình.
Bách tính cần vương nhân tự chấn,
Nhất ngu báo quốc khánh do hành.
Thử du nhược đắc thiên tâm trợ,
Qui khứ Nam xa triệt hảo trình.


Bản dịch:

Mục mã thu cao vạn dặm đường
Thuyền con chở nhà khói xuôi dòng.
non sông nước biếc nơi hò hẹn,
Bể rộng sông dài nỗi ước mong!
Trăm họ vì vua còn cố gắng,
Một mình báo nước vẫn long đong.
Phen này ví được lòng trời giúp,
Trở gót về Nam lối hẳn thông.

Ngày nay tại đền thờ ông ở Cửa Đặt, thị trấn Thường Xuân có đôi câu đối:

"Bất tử đại danh thùy vũ trụ;
Như sinh chính khí tác sơn hà".


Nghĩa:

"Chẳng chết danh to nêu vũ trụ
Như còn khí chính dấy non sông".

Tài sản của LSB-Sun
 
Page generated in 0,03690 seconds with 14 queries