Lương Sơn Bạc

Lương Sơn Bạc (http://www.luongsonbac.club/forum/index.php)
-   Ngôn Ngữ Học (http://www.luongsonbac.club/forum/forumdisplay.php?f=41)
-   -   Thành ngữ & Tục ngữ bình giải (http://www.luongsonbac.club/forum/showthread.php?t=134329487)

TC NGUYỄN 11-07-2008 17:22

Thành ngữ-Tục ngữ

Tiếng Việt ta có hai nguồn gốc chính:

-Tiếng ta hay tiếng Nôm--.> Ngôn ngữ ông cha ta dùng từ thời cổ đại-Chữ Hán hay chữ Nho --.> ngôn ngữ người Hoa đem vào nước ta trong thời gian ngàn năm Bắc thuộc và những thế kỷ sau đó khi nền nho học ngự trị trên đất nước ta và các triều đại phong kiến lấy Nho giáo làm nền tảng cho thi cử và trị vì…

Vì ảnh hưởng sâu đậm như vậy, nên mỗi khi nói chuyện hay viết bài đôi khi ta chêm những Thành ngữ- Tục ngữ xuất ra từ trong vô thức để làm cho câu chuyện trở nên uyên bác hơn…

Nhưng việc phân định giữa Thành-ngữ và Tục-ngữ dễ có sự lầm lẫn khi mới đọc hay nói lên… vì âm điệu nó na ná giống nhau, xin nêu ra đây định nghĩa lấy từ tự điển và những ví dụ có nhận xét đi theo, để ta có một khái niệm về sự khác biệt nhau giữa Thành ngữ-Tục ngữ như thế nào.

1/- Định nghĩa từ Tự-điển:

Thành ngữ: (a)Nhóm từ cố định đi với nhau để nói lên một ý gì .(b)câu nó lưu hành trong xã hội mà người ta dùng đã quen rồi.
Tục ngữ : (a)Câu nói tóm tắt kinh nghiệm của người đời và thường được kể ra trong cuộc giao tế của xã hội. (b)Câu nói gọn ghẽ và có ý nghĩa lưu hành từ đời xưa rồi do cửa miệng người đời truyền đi.


Như vậy hầu hết những câu thành ngữ, tục ngữ sáng tác từ nhân dân mà ra, hoặc những câu rút ra từ các thi phẩm hay ca dao, dân ca được phổ biến rộng rải trong quần chúng.

2/-Thành ngữ- Ví dụ:

-Ăn trắng, mặt trơn
-Dốt đặc cán mai
-Ếch ngồi đáy giếng


Từ những câu thành ngữ trên ta thấy nó là phần có sẳn hay một bộ phận của câu mà ta đã quen dùng, nhưng nếu để đứng riêng ra thì không diễn tả được ý trọn vẹn. Nếu xét trên phương diện ngữ pháp thì mỗi thành ngữ là một nhóm từ, không phải một câu hoàn chỉnh.

3/-Tục ngữ- ví dụ:

-Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
-Gà què ăn quẩn cối xay
-No nên bụt, đói nên ma


Tục ngữ còn gọi là ngạn ngữ(lời nói lưu hành từ xưa); là những câu thông tục, thiên về lý tính, tư tưởng đanh thép, sắc bén, rút ra thực đời sống thực tế.
Về nội dung, tục ngữ là những nhận định do từ những kinh nghiệm của con người về lao động, sản xuất, về cuộc sống trong gia đình, xã hội. Nội dung ấy vừa phong phú, vừa vững chắc, vì nó đã được đúc kết qua nhiều thế hệ của con người dựa trên công lý, luân lý mà ra…, và nhiều khi còn dựa vào trí thức nhận xét con người trong vũ trụ. Đôi khi trong câu tục ngữ có cả thành ngữ: “Chồng yêu, xỏ chân lỗ mũi”, thì “xỏ chân lỗ mũi” là thành ngữ.

Đem so với thành ngữ thì tục ngữ ngược lại, dù câu có ngắn đến đâu cũng là một câu hoàn chỉnh, trong khi thành ngữ có thể nói là ngang hàng với từ. Thành ngữ là anh, từ đơn độc là em.

TC NGUYỄN 31-01-2011 10:22

.
Thành ngữ, tục ngữ trong thi ca

Khi nói đến Thành ngữ, tục ngữ(Tntn) ta thấy xuất hiện nhiều trong ca dao- dân ca vì ca dao-dân ca là do quần chúng sáng tác qua nhiều thời đại cô đọng, được truyền khẩu và phổ biến rộng rãi, nhờ vào âm điệu và ý nghĩa hàm súc nó mang tính cách chung của văn học dân gian.
Vì phát xuất từ dân gian, nên ngày xưa khi Nho học còn toàn trị, thì những thứ văn chương này cho là “nôm na mách qué” ngược lại với văn chương bác học viết bằng chữ Nho, trong khi chữ Việt còn gọi là chữ Nôm các cụ ta có viết nhưng chỉ là coi là “mách qué” chơi cho vui…
Nhưng ngày nay những thứ “mách qué” ấy ta rất trân trọng, vì nó là thứ ngôn ngữ thuần Việt, bao hàm “triết lý nhân sinh” không đổi, giữ hướng cho nền văn hóa Việt thuần nhất khác biệt, không bị đồng hóa…
Công lao gìn giữ này là chung của một dân tộc Việt tự cường không kể riêng ai, nhưng xét trên khía cạnh riêng những người có công vun xén cho nền văn học ngôn ngữ Việt, ở một thời đoạn hạn định nào đó phải có người đóng góp trội hơn, về phương diện này thơ chữ nôm, Hồ xuân Hương(HXH) đã được tôn vinh lên ngôi vị “Bà Chúa Thơ Nôm”.

I/-Thơ Hồ Xuân Hương

Tại sao HXH được người đời tán dương ca tụng, lần vào thơ bà, ta thấy rõ bà đã đưa vào thơ mình rất nhiều Tntn biến hóa nó thành ý nghĩa khác, hay nói khác đi bà đã đẩy Tntn có sẵn vào hậu cảnh và đè lên lại chính nó trở thành ý nghĩa khác sáng tạo của chính bà, như vậy đi song song, những câu Tntn tự nó đã làm giàu thêm ngôn ngữ Việt.
Để viện dẫn, ta xét xem HXH đã sử dụng ngôn từ bằng cách nào trong những bài thơ bà còn lưu lại…thì có hai phương pháp bà tạo nghĩa bằng cách dùng trực tiếp toàn câu hay lấy ý một phần câu Tntn.

-Bài Mời Trầu:

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương đã quệt rồi
Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.

HXH đã lấy hai câu thành ngữ “Xanh như lá” và “Bạc như vôi” ghép lại làm câu kết của bài thơ “Tứ tuyệt” của vần “Ôi”(! hiểu ngầm) và thêm chữ “Đừng” vào trước câu, làm cho bật ngược bài thơ… phô ra một nỗi ai oán trách than dè chừng cho thảm họa tình duyên rồi sẽ đến?…

-Bài Làm Lẽ:

Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Năm thì mười họa nên chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không...
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.

Chỉ tám câu thơ(thất ngôn bát cú), HXH đã sử dụng trực tiếp ba thành ngữ “Năm thì mười họa/- Cố đấm ăn xôi/- Làm mướn không công” hợp nhất vào bài thơ, không hở ra một sự gượng ép nối ráp nào, làm cho bài thơ có thi tứ riêng, xa ra cái nghĩa chính thường dùng.

-Bài Quan thị:

Mười hai bà mụ ghét chi nhau,
Đem cái xuân tình vứt bỏ đâu.
Rúc rích thây cha con chuột nhắt,
Vo ve mặc mẹ cái ong bầu.
Đố ai biết đó vông hay trốc,
Còn kẻ nào hay cuống với đầu.
Thôi thế thì thôi, thôi mặc thế,
Nghìn năm càng khỏi tiếng nương dâu.

Bài này- câu thứ năm có hai từ “vông” và “trốc” lấy ý từ câu “ngồi lá vông, chống mông lá trốc”- câu thứ sáu “cuống” và “đầu” lấy ý câu “đầu trỏ xuống, cuống trỏ lên”

Cách lấy trực tiếp toàn câu Tntn đòi hỏi sự hiểu biết ý nghĩa thật rõ, rồi “nhân lực tá lực” chuyển biến theo ý riêng tạo cho bài thơ sự sáng tạo mới mẻ ý nhị hơn; còn cách lấy ý thì chỉ một vài từ có tính biểu tượng đưa vào thơ, người thưởng ngoạn đòi hỏi phải có sự uyên bác về ý điển thi ca-Tntn, liên kết lại với nhau, liên tưởng rộng ra, rồi cảm nhận được sẽ tạo cho mình một thích thú như giải đáp được câu đố hắc búa và cũng nhờ vào cách này ngôn ngữ Việt được phát triển vì dễ nhớ nhờ theo âm điệu thơ bao hàm những ý nghĩa trong xử thế…

TC NGUYỄN 31-01-2011 10:24

Trích dẫn:

Nguyên văn gởi bởi Tiêu dao tú tài (Bài viết 946342)
...từ ''thanh mai trúc mã''
1/-...nó xuất phát từ đâu?
2/-Nếu tách riêng 2 từ thanh mai và trúc mã liệu còn ý nghĩa ko?


1/-Thành ngữ “Thanh mai trúc mã = Mai xanh ngựa trúc” lấy ý lời trong bài thơ ngũ ngôn “Trường Can hành” của Lý Bạch (701 – 762) đời Đường. Những cụm từ “thanh mai” và “trúc mã” nằm ở hai câu thơ:

Lang kỵ trúc mã* lai
Nhiễu sàng lộng thanh mai*

(Chàng cỡi ngựa trúc chạy đến,
Chạy vòng quanh giường đùa với mai xanh)

Trong hai câu thơ này, Lý bạch tả mối tình thơ ngây của “chàng&nàng”, khi còn nhỏ cùng ở xóm Trường Can, chơi thân thiết với nhau… theo thời gian mối tình nở hoa…Đó chính là mối tình “Thanh mai-Trúc Mã”, về sau tùy theo trường hợp, hai chữ “trúc mai” có thể hiểu là:
-Tình bạn thanh khiết
-Tình yêu đằm thắm của một đôi nam nữ
Tất cả đều xuất phát tư cái tình biết nhau từ khi tấm bé, mối tình thơ trải dài…như Wordsworth cảm nhận: “The Child is father of the Man”…

2/-Đây là một thành ngữ nối liền, có tính âm dương(lưỡng nghi) không tách rời…

*
-Trúc mã là thanh tre trẻ con dùng để chơi trò cỡi ngựa (giống như diễn trò hát bộ…)
-Thanh mai không phải là cây mai trồng nở hoa trong dịp tết , mà là một loại cây cùng họ với cây táo, có hoa màu trắng hay hồng, trái dùng làm ô mai(xí muội)-Tuổi học trò con gái thường ví là tuổi ô mai…

TC NGUYỄN 01-02-2011 09:28

Thành ngữ- Tục ngữ Hán-Việt Bình giải

Xin nêu ra hai câu một Nho một Nôm cùng nghĩa: Đồ ngoan cố

Nho:

Cưỡng từ đoạt lý*
強 詞 奪 俚


*Cưỡng:cưỡng bức, từ: chữ, đoạt: chiếm, là lý lẽ
=To argue with obstinacy (stubbornness bullheadedness obstinance pigheadedness self-will mulishness ), câu này có nghĩa là : dùng chữ bướng bỉnh để lấy lý của kẻ phải.

Nôm:

Cả lấp miệng em

Trong thành ngữ, lưu ý đến các từ gạch dưới, rồi bình giải cho vui, riêng chữ cả theo ý bạn nghĩa nó là gì?

Bình giải:

1/- Cưỡng từ đoạt lý:
Sự dùng từ để lấy lý lẽ một cách cường điệu tranh lấy phần hơn về mình…, ý chính câu này là vậy, nhưng xét trên ý nghĩa tích cực(positive ) hơn, thì sự “cưỡng từ “ trên phương diện văn học nó là một hình thức tu từ làm giàu thêm ý nghĩa ngôn ngữ. Chứng cớ người Việt ta rất sành về cách dùng điệp-ngữ(repitition), tỷ dụ:
-Nó chơi chơi, giỡn giỡn suốt ngày thì mạnh hơn là nói: Nó chơi, giởn suốt ngày
-Hăm hăm, hở hở( too eager ) = hăng hái quá mức, thay vì nói: hăm hở (eager )=…thì bình thường thôi!
2/- Tu từ
Trong thơ, muốn nhấn mạnh điều mình muốn nói, và làm tăng diễn-cảm của câu thơ viết, Trần Tế Xương lặp đi lặp lại từ hủ tuyệt vời trong bốn câu thơ:

Ngán nỗi nhà nho bọn hủ ta
Hủ sao gớm hủ ghê mà
Phen này cái hủ xua đi hết
Cứ để cười nhau hủ mãi à?

Ngay cả trong ngôn ngữ dân gian, tiếng Việt ta cũng có rất nhiều điệp-ngữ cấu trúc rất giản dị như:
-Đi ra đi vào
-Nhìn qua nhìn lại
-Nói bậy nói bạ…
Như vậy đứng trên phương diện ngôn ngữ mà nói, thành ngữ trên mở ra tính cách tu từ mà dân Việt ta đã thấm nhuần cưỡng từ trong phép dùng điệp ngữ ngay từ thuở mẹ ru!...

3/- thành ngữ(liên quan đến chiến tranh)

*can qua(干 戈)
can: cái mộc để đỡ; qua: giáo--.> Trong chiến tranh có câu than vãn: Song ta vốn đã hàn vi, lại sinh ra phải gặp thì can qua (GHC).

*mâu thuẫn(矛盾)
mâu: cái giáo để đâm, thuẫn: cái khiên để đỡ, nói lên ý niệm chiến-tranh chết chóc (war).

Như vậy Mâu thuẫn là tình trạng xung đột ở trong sự vật làm cho sự vật biến đổi, chống đối không hòa thuận…

Dương Nghiệp 01-02-2011 12:13

Trích dẫn:

Nguyên văn gởi bởi TC NGUYỄN (Bài viết 1246834)

Nôm:

Cả lấp miệng em

Trong thành ngữ, lưu ý đến các từ gạch dưới, rồi bình giải cho vui, riêng chữ cả theo ý bạn nghĩa nó là gì?


Trẻ em thiếu sữa ngang bướng khóc inh ỏi, dù có dỗ nịnh bao nhiêu cũng không vừa lòng. Chỉ khi người mẹ nhét vú vào thì mới nín trong dòng sữa mát, đi vào giấc ngủ ngon lành. Thế mới ra câu "cả vú lấp miệng em".

"Lấp" tức là phủ đầy chỗ hổng, lỗ trống. "Miệng" không phải là cái lỗ, nhưng người ta lại dùng từ "lấp" rất điêu, lấp bằng vú. Miệng con nít thì "bé mồm bé miệng nín mau tức thì" so với cái "vú dài ba thước" thật đúng là... bé thật!

Cái "miệng" không chỉ là nơi ăn uống (bú sữa), mà còn là nơi phát ngôn (lời ăn tiếng nói). "Lấp miệng" không chỉ làm tắc "con đường dinh dưỡng" mà còn "câm hóa"... "cơ quan ngôn luận" của cơ thể. Vì thế, người ta còn dùng câu tục ngữ này để chỉ việc bảo thủ, lấp liếm, bóp họng lời phê bình, góp ý của người khác.

"Cả" có thể là tính từ (lớn), cũng có thể là số từ (tất cả, cả hai)! Hiểu nghĩa nào cũng được cả, vì chính nó bổ nghĩa cho từ "vú". Còn chủ quan, tại hạ thích nó là số từ hơn. Bởi "lớn" thì ừ, lớn sẵn rồi, vấn đề là dụng bao nhiêu...

"Em", chứ không phải là "anh", thì không cần bàn thêm chi nữa! =P~


EVE 01-05-2011 05:27

Eve đọc thấy có thành ngữ "con cà con kê" sao cách cấu trúc chữ nghĩa lủng củng, Việt không ra Việt, Hán không ra Hán, vậy nó xuất phát từ đâu?- Nhờ các bạn giải giùm.

bakhanhvina 01-05-2011 08:30

Bác ơi,hôm trước em gặp một đứa hỏi giải thích chữ viện......trong chữ các viện đào tạo ấy ạ ? Nếu nói chuẩn bị thế nào thì gọi là viện ạ bác ? Hi hi,trình độ tiếng việt em hơi mờ....

lamvi 01-05-2011 19:01

Trích dẫn:

Nguyên văn gởi bởi bakhanhvina (Bài viết 1281826)
Bác ơi,hôm trước em gặp một đứa hỏi giải thích chữ viện......trong chữ các viện đào tạo ấy ạ ? Nếu nói chuẩn bị thế nào thì gọi là viện ạ bác ?

Viện(院) là từ Hán-việt, nghĩa chính như sau:

• 1 : Tường bao chung quanh. Nhà ở có tường thấp bao chung quanh gọi là viện.
• 2 : Chái nhà, nơi chỗ. Như thư viện 書院 chỗ đọc sách.
• 3 : Tòa quan. Như đại lý viện 大里院 tòa đại lý, tham nghị viện 參議院 tòa tham nghị.(HVTĐTC)

Ngày nay người ta dùng chỉ một số cơ quan nhà nước đặc biệt(Viện bảo tàng); cơ quan nghiên cứu(viện sử học) hay kết hợp một nhóm từ hạn chế(bệnh viện, nhập viện, xuất viện)...

Nói chung, cứ xem cái gốc nghĩa Hán-Việt bạn có thể suy ra mà hiểu hay giải thích thì không khó khăn gì...

bakhanhvina 04-05-2011 10:06

Trích dẫn:

Nguyên văn gởi bởi lamvi (Bài viết 1282093)
Viện(院) là từ Hán-việt, nghĩa chính như sau:

• 1 : Tường bao chung quanh. Nhà ở có tường thấp bao chung quanh gọi là viện.
• 2 : Chái nhà, nơi chỗ. Như thư viện 書院 chỗ đọc sách.
• 3 : Tòa quan. Như đại lý viện 大里院 tòa đại lý, tham nghị viện 參議院 tòa tham nghị.(HVTĐTC)

Ngày nay người ta dùng chỉ một số cơ quan nhà nước đặc biệt(Viện bảo tàng); cơ quan nghiên cứu(viện sử học) hay kết hợp một nhóm từ hạn chế(bệnh viện, nhập viện, xuất viện)...

Nói chung, cứ xem cái gốc nghĩa Hán-Việt bạn có thể suy ra mà hiểu hay giải thích thì không khó khăn gì...

Vậy ạ,chỗ em có đào tạo chuyên ngành về CNTT và cũng là công ty để mọi người nghiên cứu và thực hành luôn.Như thế có gọi là viện không ạ ?


Múi giờ tính theo GMT +7. Hiện giờ là 17:37

Powered by vBulletin® Version 3.7.2
Copyright ©2000 - 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Copyright © 2002 - 2010 Luongsonbac.club
Thiết kế bởi LSB-TongGiang & LSB-NgoDung

Page generated in 0,02817 seconds with 12 queries