PDA

View Full Version : Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc


LSB-RongLuaBacCuc
29-11-2003, 12:40
10 Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc
Nhà Xuất Bản Thanh Niên


Mục Lục
I. Khương Thượng - Vị Thỉ Tổ Các Mưu Lược Gia Trung Quốc (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=99453&postcount=2)
1. Sinh Vào Thời Loạn (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=99453&postcount=3)
2. Những Ngày Ở Triều Ca (một) (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=99453&postcount=4)
3. Những Ngày Ở Triều Ca (hai) (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=99453&postcount=5)
4. Những Ngày Ở Triều Ca (ba) (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=99453&postcount=6)
5. Buông Câu Tại Bàn Khê (một) (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=99453&postcount=7)
6. Buông Câu Tại Bàn Khê (hai) (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=99453&postcount=8)
7. Buông Câu Tại Bàn Khê (ba) (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=99453&postcount=9)
8. Buông Câu Tại Bàn Khê (bốn) (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=99453&postcount=10)
9. Nửa Đêm Đến Viếng (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=99453&postcount=11)

LSB-RongLuaBacCuc
29-11-2003, 15:41
Khương Thượng - Vị Thỉ Tổ Các Mưu Lược Gia Trung Quốc
Từ xưa tới nay, mọi người vẫn tôn Khương Thượng là một bậc thần thánh, thậm chí, còn đặt ra chuyện ông đã "thay trời phong thần", để lấy đó ký thác sự tôn sùng và ngưỡng mộ của mình đối với ông. Kể từ triều nhà Đường trở về sau, Khương Thượng được truy phong "Võ Vương", đứng ngang hàng với Khổng Tử, người được phong "Văn Tuyên Vương", và trở thành hai thần tượng một văn một võ trong lịch sử cổ đại của Trung Quốc.
Nhưng Khương Thượng trong lịch sử là một con người như thế nào ? Phải chăng là người có thể hô phong hoán vũ, và đoán biết trước mọi việc sắp xảy ra như trong truyền thuyết đã nói ? Cho dù sử liệu không đầy đủ, nhưng với tư liệu hiện có, chúng ta vẫn có thể nhìn thấy phần nào về tư tưởng trác tuyệt và tài hoa siêu nhân của Khương Thượng. Ông quả không hổ danh là vị "Tỵ tổ khai sơn" của các nhà mưu lược Trung Quốc.

LSB-RongLuaBacCuc
29-11-2003, 16:14
Sinh Vào Thời Loạn

Cuối triều nhà Thương, tại Doanh Khưu (nay là địa phương nằm ở phía đông Tri Bác, thuộc tỉnh Sơn Đông), có một bộ tộc Đông Di quần cư ở đấy. Người thủ lĩnh bộ tộc này họ Khương tên Thượng tự là Tử Nha, tục gọi là Khương Thái Công.
Lúc tuổi trẻ , Khương Thượng là người khoẻ mạnh, thông minh, học giỏi lại rất yêu binh pháp. Lúc bấy giờ là cuối đời nhà Thương. Ông vua cuối cùng của triều đại này là Trụ Vương, hết sức tàn bạo, suốt ngày chỉ biết rượu chè và tìm mọi thú vui, phung phí tiền bạc như rơm rác. Để thoả mãn cuộc sống xa hoa và hoang dâm trụy lạc, Trụ Vương đã sử dụng hàng vạn công thợ xây cất "Lộc Đài" dài ba dặm, cao hàng nghìn xích, tại Bồi đô Triều Ca (nay là Kỳ Huyện, thuộc tỉnh Hà Nam) để làm nơi vui chơi cho riêng mình.
Trụ Vương còn cho đào một cái ao vuông trong khu vực "Lộc Đài", dưới ao đổ đầy rượu ngon, gọi là "Tửu Trì". Nơi khu rừng bên cạnh Tửu Trì, Trụ Vương cho treo rất nhiều thịt, gọi là "Nhục Lâm", có mục đích làm cho người phi tần xinh đẹp của mình là Đắc Kỷ được vui. Nhưng, sau khi mọi việc đã hoàn thành mà Đắc Kỷ vẫn không nở một nụ cười. Nhà vua bèn ra lệnh cho rất nhiều nam nữ, cởi bỏ hết y phục, rồi rượt đuổi nhau đùa giỡn dưới Tửu Trì để làm trò cười cho Đắc Kỷ.
Trong khi Trụ Vương ngày đêm lo yến ẩm, hoang dâm vô độ, thì đông đảo những người nô lệ và bình dân áo không đủ mặc, cơm không đủ ăn. Để trấn áp những cuộc nổi dậy chống đối của nô lệ và bình dân, đồng thời cũng để trừng trị những vị đại thần dám chống đối trước những thú vui của mình, ông ta ngoài những hình phạt sẵn có trong ngũ hình như Kình (tội xâm mặt), Nhị (tội cắt mũi), Nguyệt (tội chặt chân), Cung (tội thiến). Tịch (tội tử hình). Trụ Vương còn bày ra những hình phạt hết sức tàn khốc mới, như cho thợ làm một ống đồng rỗng ruột, bên trong đốt lửa, bắt các "phạm nhân" cởi bỏ hết y phục, rồi trói vào trụ đông nóng bỏng đó để giết chết, gọi là "Bào Lạc".
Vì không thể chịu đựng được những bạo hành ngang ngược của Trụ Vương, đông đảo những người nô lệ và bình dân đã nổi dậy chống đối. Nhưng vì lực lượng giữa đôi bên chênh lệch quá xa, tất cả những cuộc nổi dậy đều bị quân đội của Trụ Vương đàn áp thẳng tay và đẫm máu.
Cùng lúc đó, Trụ Vương cũng tiến hành một cuộc chinh phạt đối với bộ tộc Đông Di, bị xem là không phục tùng "Vương mệnh". Bộ tộc Đông Di được Khương Thượng, vị thủ lãnh của bộ tộc Lữ Thị kết hợp với các họ Ngư, họ Tang, họ Lâm, họ Lang, họ Điền, họ Loan, họ Khởi Lương, họ Bạc Cô, đứng lên chống lại quân đội của Trụ Vương một cách ngoan cường.
Nhưng dù Khương Thượng là người túc trí đa mưu, dũng cảm phi thường, nhưng do thế cô sức yếu, đã bị quân đội của Trụ Vương trấn áp một cách tàn khốc. Căn cứ địa của Lữ Thị là Doanh Khưu, bị Trụ Vương phóng hoả thiêu huỷ thành bình địa. Khương Thượng nhờ có võ công cao cường lại rất dũng mãnh, nên đã mở con đường máu thoát ra khỏi vòng vây đông đến mười vạn quân của Trụ Vương. Sau mấy tháng lẩn trốn, rốt cục Khương Thượng đã lưu lạc đến Triều Ca và làm nghề mổ bò để sinh sống.

LSB-RongLuaBacCuc
29-11-2003, 16:33
Những Ngày Ở Triều Ca (một)

Triều Ca là Bồi đô của triều nhà Thương. Ở đây Khương Thượng gặp một người là Lâm Hổ, vị tộc trưởng họ Lâm trong nhóm chín họ đã từng liên chính chống triều đình nhà Thương trước kia. Lâm Hổ trong trận đánh với quân nhà Thương bị bắt sống, nhưng giữa đường ông chốn thoát , tìm tới Triều Ca mai danh ẩn tích, sống nhờ vào người bà con. Người bà con này làm quan trong triều đình, đã đứng ra mở một ngôi khách điếm giúp cho Lâm Hổ. Hằng ngày khách qua đường đến ở trọ rất đông, việc làm ăn cũng khấm khá.
Lâm Hổ nghe Khương Tử Nha kể việc mình đã lưu lạc ở bên ngoài suốt những năm qua, không khỏi suýt xoa đồng tình. Hai người nhớ lại tình trạng cùng liên minh giữa chín họ để chống lại triều đình nhà Thương trước đây, cũng như hoàn cảnh trước mắt hiện giờ, đều cảm thấy bàng hoàng như chuyện xảy ra kiếp trước. Lâm Hổ nói :
- Nay hiền điệt đã tới đây rồi, thì đừng bận tâm tới chuyện đời sống nữa. Tất cả đều do tôi lo liệu. Hễ tôi ăn gì thì chú ăn nấy thôi.
Khương Tử Nha biết Lâm Hổ là người rất hào phóng bèn nói :
- Thưa thúc phụ, tôi được gặp chú ở tại Triều Ca này, thật hết sức vui mừng. Tôi tạm thời xin được ở tạm trong khách điếm của chú. Nhưng tất nhiên phải tìm một việc buôn bán nhỏ gì đó để làm, chứ không thể ngồi không để chú nuôi.
Lâm Hổ hỏi :
- Hiền điệt định buôn bán gì ?
Khương Tử Nha đáp :
- Những công việc phức tạp thì cháu không thể làm, vậy thì đi bán bột mì cũng được. Hằng ngày đến lò xay bột mì mua mấy túi bột, rồi gánh ra phố rao bán lẻ. Chỉ cần kiếm được một ít tiền lời để nuôi sống là tốt rồi.
Lâm Hổ thấy Khương Tử Nha đã quyết tâm, bèn nói:
- Được, bột mì sẽ do chú mua cho, còn cháu mua thêm một bộ gióng gánh ra phố bán thử. Khi nào nghề này không làm được thì sẽ tính tới nữa.
Lâm Hổ thay Khương Tử Nha lo liệu mọi việc xong. Đến ngày hôm sau, Khương Tử Nha bèn gánh một gánh bột mì rao bán lẻ. Ông đi từ chợ phía Đông sang chợ phía Tây, từ đường phía Bắc đến đường phía Nam, nhưng không thấy ma nào hỏi mua cả. Đến lúc mặt trời sắp xuống núi, ông bèn bước những bước chân nặng nề gánh bột mì trở về khách điếm của Lâm Hổ. Thấy vậy, Lâm Hổ lên tiếng an ủi :
- Này hiền điệt đừng lo lắng quá, vạn sự khởi đầu nan đấy mà. Ăn cơm xong hãy đi nghỉ ngơi ngày mai lại gánh ra phố bán tiếp.
Khương Tử Nha biết mình quá xui xẻo, nên cũng không nói gì nhiều, chỉ buồn bã đi ăn cơm rồi trùm mền lại ngủ một giấc.
Sáng sớm hôm sau, Khương Tử Nha lại gánh một gánh bột mì ra phố rao bán. Nhưng ông đi suốt một ngày, mà vẫn không bán được một lạng bột mì nào cả. Kịp khi trời sắp hoang hôn, ông buồn bã gánh gánh bột mì đến dưới gốc cây cổ thụ ngồi xuống để nghỉ chân.
Vừa lúc đó, bỗng nghe từ xa có tiếng xa mã chạy đến, rồi trông thấy từ phía Đông có một cỗ chiến xa do bốn con ngựa kéo chạy đến như bay. Trên xe không ai cầm cương cả. Khương Tử Nha thấy vậy hết sức hốt hoảng, vội vàng nép vào lề đường để tránh. Nhưng không còn kịp nữa, cỗ xe vượt qua như gió hốt, bánh xe đã cán lên gánh bột mì của ông. Tức thì, bột mì liền bị sức gió của cỗ xe hốt bay đầy đất. Riêng Khương Tử Nha thì bị cỗ xe hất ngã bên vệ đường, nằm bất tỉnh không còn dậy nổi.
Kịp khi ông cố gắng bò dậy, thì cỗ xe đã chạy đi mất hút từ lâu,chỉ còn lại gánh bột mì của ông đang nằm lăn lóc trên mặt đất, chung quyanh đó bột mì đổ tung toé. Khương Tử Nha hết sức đau đớn, to tiếng than :
- Hỡi trời xanh ơi ! Chả lẽ ông muốn dồn tôi vào con đường chết hay sao ? - Dứt lời, ông té quỵ xuống đất bất tỉnh.
Đến nửa đêm, những người làm công cho Lâm Hổ cùng đốt đèn đi khắp tứ phía để tìm kiếm Khương Tử Nha, và họ phát hiện ông đang nằm bất tỉnh dướp gốc cây cổ thụ, bèn xúm lại khiêng ông về khách điếm. Sau mấy hôm nằm nghỉ dưỡng bệnh, Khương Tử Nha mới dần dần bình phục trở lại.
Lúc Bấy giờ tại Đông Thị của Triều Ca giá thịt heo mỗi ngày một tăng vọt. Có nhiều người đi xuống các địa phương mua heo sống đem về để bán, lời được rất nhiều tiền. Lâm Hổ sau khi biết mấy tin này, bèn báo lại cho Khương Tử Nha biết, và cho ông mượn một số bạc làm vốn để buôn heo. Khương Tử Nha hết sức vui mừng, bèn xuống tận thôn quê mua hai mươi con heo sống, đi bất kể ngày đêm, mang trở về Triều Ca để bán lại. Nhưng, khi ông tới Đông Thị, thì tất cả heo sống không ai hỏi mua nữa. Vì gần đây heo bị bệnh dịch, người trong thành không ai dám mua thịt heo để dùng. Do vậy, heo sống không bán được. Riêng hai mươi con heo của Khương Tử Nha, chỉ vài ba mươi hôm sau chúng đều lây bệnh dịch, chỉ trong vòng hai ba hôm đã chết sạch tất cả.
Sau nhiều phen làm ăn thất bại, Khương Tử Nha buồn khổ vô cùng. Ông lại ngã bệnh, nằm trên giường không muốn ăn uống chi cả. Suốt ngày ông chỉ đưa đôi mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà. Cũng may có Lâm Hổ cho người ở của mình ngày đêm lo chăm sóc, còn rước cả thầy thuốc tới để bốc thuốc chữa bệnh. Riêng Lâm Hổ cũng đích thân đến khuyên lơn an ủi. Nhờ vậy, một tháng sau Khương Tử Nha mới lần lần bình phục.
Một hôm trời trong gió mát, Khương Tử Nha thấy nằm mãi trong khác điếm cũng buồn, nên ra ngoài để đi tản bộ. Khi ông đi đến một lò mổ bò, thấy trước cửa có dán một tấm giấy, cho biết hiện lò mổ đang cần một tay đồ tể, lương tháng là mười lạng bạc trắng, nếu ai muốn làm thì có thể đến thử việc vào ngày hôm sau.
Khương Tử Nha trở về khách điếm, không đem việc này nói lại cho Lâm Hổ biết. Sáng sớm hôm sau, ông lặng lẽ đi thẳng đến lò mổ bò. Người chủ lò mổ liền trao cho mỗi người ứng thí một con bò sống, một con dao, bảo họ tự chọc tiết làm thịt con bò để mình quan sát. Năm người thợ mổ bò đến dự tuyển, trước tiên dùng thừng trói bốn chân con bò lại, rồi mới quật nó ngã xuống đất, chọc tiết mổ thịt. Riêng Khương Tử Nha không cần trói bốn chân của con bò, mà dùng hai tay nắm lấy sừng bò quật ngang cho con bò té xuống đất. Cùng lúc, ông đã nhanh nhẹn dùng con dao cầm sẵn trong tay, đâm thẳng vào tim con bò, khiến nó chết tốt không kịp giãy giụa.
Người chủ lò mổ bò nhìn thấy hành động gọn gàng, nhanh nhẹn của Khương Tử Nha thì hết sức vui mừng, bèn tuyển dụng ông trong số sáu người đến ứng thí.
Thì ra, thời còn trẻ tuổi, Khương Tử Nha rất thích đi săn bắn, và thường giết chết được cả cọp, beo, gấu, bằng hai tay không với ngón đòn như vừa rồi. Như vậy, nghề mổ bò đúng là nghề sở trường của ông.
Trước đây, lò mổ bò cứ mỗi hôm giết mười lăm con bò, và phải dùng hai thanh niên lực lưỡng làm trong một ngày mới xong việc. Nhưng hôm nay một mình Khương Tử Nha, cũng mổ với số lượng bò đó, mà chỉ trong vòng hai canh giờ là xong tất cả. Người chủ lò mổ thấy thế bèn tặng thêm cho ông mỗi tháng năm lạng bạc trắng nữa. Kể từ đó, đời sống của Khương Tử Nha tạm xem như đã ổn định.

LSB-RongLuaBacCuc
10-12-2003, 08:48
Những Ngày Ở Triều Ca (hai)
Sau khi Trụ Vương trấn áp được những cuộc "nổi loạn" trong nước, cũng như bình định được sự phản kháng của bộ tộc Đông Di, nhà vua hết sức vui mừng, cho rằng từ nay về sau không còn ai chống đối mình nữa, bèn xuống lệnh tiếp tục xây dựng "Lộc Đài".
Viên đại thần chịu trách nhiệm xây dựng, thường gọi Khương Tử Nha tới nhà riêng của ông ta để mổ bò, nên biết tài mổ bò của Khương Tử Nha rất giỏi. Do vậy, ông ta bèn gọi Khương Tử Nha đến chuyên trách việc mổ bò, mổ dê, để cung cấp thịt cho thợ thuyền dùng.
Khương Tử Nha lo việc mổ bò, mổ dê cho thợ xây dựng "Lộc Đài" suốt bảy năm. Ngôi Lộc Đài này cao hàng trăm trượng, chung quanh được trang trí ngọc ngà, châu báu, lóng lánh huy hoàng. Đến ngày khánh thành, Trụ Vương và các đại thần của nhà vua lên Lộc Đài để quan sát, cảm thấy rất hài lòng, bèn xuống lệnh thăng chức cho những người có công xây dựng. Viên đại thần chịu trách nhiệm xây dựng Lộc Đài, thấy Khương Tử Nha có công mổ bò, mổ dê, suốt bảy năm dài, nên đã tiến cử với vua Trụ, ban chức Đại Phu cho Khương Tử Nha. Từ đó, Khương Tử Nha chuyên lo việc mổ bò, mổ dê, mổ heo, cho cung đình.
Khương Tử Nha sống bằng nghề mổ bò, mổ dê, bán bột mì, buôn heo sống tại Triều Ca đã lâu. Suốt trong những năm đó, chính mắt ông đã trông thấy sự bạo ngược của vua Trụ, và chính mắt ông cũng trông thấy bá tánh đau khổ như thế nào. Cho nên ông hiểu rõ sự hủ bại của nhà Thương là đã đến mức cùng cực, vậy ngày diệt vong của nó cũng không còn bao lâu nữa. Ông lại nghe ở Tây Kỳ có Châu Văn Vương, là một nhà vua đang lo việc cải cách nền cai trị của mình, giảm nhẹ tất cả mọi hình phạt, giảm nhẹ mọi thứ thuế khoá, quan viên ai ai cũng liêm khiết và biết thương yêu dân. Nhà vua còn chiêu đãi hiền sĩ, lấy đức để trị dân, nên bá tánh hết sức ủng hộ, thế nước ngày một cường thịnh lên.
Khương Tử Nha nghĩ bụng : Ta phải tìm dịp tới Tây Kỳ phụ tá cho Văn Vương tiêu diệt vua Trụ của nhà Thương, để trả thù cho cha mẹ, và cứu bá tánh trong thiên hạ ra khỏi nước sôi lửa bỏng.
Có một đêm, Khương Tử Nha ngồi nói chuyện chơi với Lâm Hổ, được Lâm Hổ báo cho biết, gần đây có một câu chuyện "Phượng gáy ở Tây Kỳ" như sau :
- Châu Văn Vương vẫn thường tự mình mang cơm nước đến cho nông dân đang cày cấy ngoài ruộng. Để huyến khích nông dân lo việc trồng tỉa lúa thóc, hoa màu. Nhà vua còn đích thân dẫn thanh niên trong Vương thất xuống ruông cày cấy, sống một cuộc sống cần kiệm, lao lực, giống y như mọi người dân. Nhà vua còn giáo hoá cho bá tánh ở Tây Kỳ phải biết hiếu kính cha mẹ, lo nuôi dưỡng dạy dỗ con em, và luôn luôn đề xướng một tinh thần công chính và tiết tháo, sẵn sàng giúp đỡ mọi người neo đơn cô quả, khiến Tây Kỳ dần dần trở thành một khu vực thịnh vượng. bá tánh của những nước nhỏ ở chung quanh, bồng bế nhau cùng đến Tây Kỳ để sinh sống. Trên mười nước nhỏ chung quanh nhà Châu và tôn Châu Văn Vương lên làm minh chủ.
Vào hôm tiến hành nghi lễ liên minh. Văn Vương bước lên tế đàn để cúng tế trời đất. Có một con thần điểu từ núi Kỳ Sơn bay tới, đậu trên cành cây cao trước tế đàn. Con chim này có màu sắc rực rỡ, hết sức xinh đẹp. Đại phu Tán Nghi Sinh buột miệng kêu to :
- Đây là chim phượng hoàng !
Con chim giương cổ hót vang một tiếng, rung chuyển cả bầu trời và truyền đi xa hàng trăm dặm. Chỉ trong nháy mắt, từ bốn phương tám hướng, có vô số loài chim đua nhau bay tới, đáp xuống đậu chung quanh con phượng hoàng. Chúng nhảy múa như triều bái con phượng hoàng. Sau khi triều bái xong, chúng lại nhảy múa và cất tiếng hót rất uyển chuyển, khiến ai nghe cũng đều say mê.
Sau đó, con phượng hoàng bèn hướng dẫn bầy chim bay về hướng núi Kỳ Sơn. Chư hầu bốn phương thấy thế, bèn quỳ xuống chúc tụng Văn Vương. Họ cho rằng Văn Vương dùng đức để cai trị thiên hạ, nên cảm động đến lòng trời, nay phái hượng hoàng xuống để triều bái nhà vua. Phượng hoàng là vua trong bách điểu triều bái vừa rồi là một cảnh tượng hiếm có. Đấy là điềm Văn Vương sắp được thiên hạ.
Khương Tử Nha nghe Lâm Hổ kể xong, trong lòng hết sức vui mừng, nghĩ bụng : "Trụ Vương là tên hôn quân vô đạo, còn Văn Vương là một người hiền minh có đức độ, khác nhau rõ ràng. Như vậy, người tương lai tiêu diệt vua Trụ của nhà Thương để cai trị thiên hạ, chắc chắn là Văn Vương chứ không còn ai vào đây nữa. Vậy ta hãy tìm hiểu kỹ hơn về nội bộ của nhà Thương, để đi tới Tây Kỳ, sẽ giúp đỡ cho Văn Vương".
Đối với lòng dạ của Khương Tử Nha, Lâm Hổ đã biết rõ từ lâu, nhưng không bao giờ nói ra. Lâm Hổ lại nói :
- Còn một chuyện quan trọng này nữa, không rõ hiền điệt đã biết chưa ?Tử Nha hỏi :
- Còn có chuyện quan trọng chi nữa ?
Lâm Hổ nói :
- Trụ Vương sau khi nghe tin đồn có phượng hoàng đáp xuống Tây Kỳ, liền đùng đùng nổi giận, cho rằng đấy là Văn Vương muốn bịa chuyện để lôi kéo nhân tâm, mưu đồ bất chính, cho nên Trụ Vương đã phái người đi bắt Văn Vương, và hiện đang chuẩn bị đem Văn Vương ra giết.
Khương Tử Nha nghe vậy không khỏi kinh hoàng thất sắc buột miệng hỏi :
- Như vậy thì biết tính làm sao ?
Lâm Hổ thấy Tử Nha quá cuống quít, đoán biết Tử Nha đang hướng về Tây Kỳ, bèn nói :
- Hiền điệt chớ quá lo buồn. Nghe đâu ở Tây Kỳ đã phái người trưởng nam của Văn Vương là Bá Ấp Khảo và đại phu Tán Nghi Sinh đến Triều Ca, dùng nhiều tiền bạc và báu vật, hối lộ các đại thần trong triều nhà Thương. Đồng thời họ cũng đem dâng cho Trụ Vương rất nhiều mỹ nữ, nên Trụ Vương đã bắt đầu thay đổi ý định, không giết Văn Vương nữa, mà chỉ đem giam ông ở Dũ Lý.
Tử Nha nghe đến đây bèn thở phào nhẹ nhõm, lên tiếng hỏi :
- Bá Ấp Khảo và Tán Nghi Sinh có thể cứu được Văn Vương chăng ?
- Đã là cát nhật tất nhiên sẽ có thiên tướng. Hiện nay đã không có ít đại thần ở Triều Ca đang hướng về Văn Vương, nên họ đã cực lực giúp đỡ Bá Ấp Khảo và Tán Nghi Sinh tiến hành việc cứu Văn Vương. Ngay như tôi là những người buôn bán, cũng mong sẽ có ngày Văn Vương lên làm Thiên Tử, nên ai ai cũng bí mật quyên góp tiền bạc, báu vật để cho Bá Ấp Khảo và Tán Nghi Sinh lo việc cứu Văn Vương ra khỏi ngục. Không dấu chi hiền điệt, chính Lâm Hổ tôi cũng đã quyên góp năm chục lượng bạc đấy nhé !
Khương Tử Nha chụp lấy cánh tay của Lâm Hổ nói :
- Thúc phụ quả là người am hiểu đạo nghĩa. Nay tôi xin thay mặt Văn Vương thi lễ trước chú vậy !
Khương Tử Nha làm nghề mổ bò và về sau lại được làm quan tại Triều Ca, cuộc sống ngày một khá hơn. Do vậy, ông đã trả lại tất cả số tiền trước đây đã mược Lâm Hổ. Lâm Hổ kiên quyết không nhận, nhưng Khương Tử Nha nhất định đòi trả, nên ông bất đắc dĩ phải nhận lấy.

LSB-RongLuaBacCuc
15-12-2003, 08:29
Những Ngày Ở Triều Ca (ba)
Một hôm, Khương Tử Nha trở về nhà sớm, cùng ngồi nói chuyện với Lâm Hổ. Trong dịp này Lâm Hổ bèn nói :
- Này hiền điệt, mấy năm qua, đời sống của hiền điệt đa được ổn định, lại được làm quan, dù là quan lớn hay quan nhỏ cũng thế. Vậy, nên cưới vợ sinh con, để thành gia thất mới phải. Chả lẽ hiền điệt định sống trọn đời một thân một mình mãi sao ?
Khương Tử Nha đáp :
- Xin đa tạ ý tốt của thúc phụ. Nhưng nay đã là người sáu mươi tuổi rồi, vậy còn cưới vợ sinh con chi nữa ?
Lâm Hổ tươi cười, nói :
- Nếu hiền điệt có ý muốn thành gia thất, thì tôi sẵn quenvới một người họ Mã, tên gọi Mã Tài. Ông ta có một người em gái tên gọi Mã Châu, năm nay đã bốn mươi sáu, bốn mươi bảy tuổi. Nhà ông ta cách đây không xa. Vậy để tôi đến đấy nói chuyện với ông ta, xem tình hình thế nào.
Nói dứt lời, Lâm Hổ đứng lên ra đi. Khương Tử Nha không cản lại.
Đêm đó, khi vừa đỏ đèn, Lâm Hổ tươi cười trở về thấy mặt Khương Tử Nha, ông bèn nói :
- Này hiền điệt, tôi xin chúc mừng chú đấy ! Mã Tài và cô em gái của ông ta đã bằng lòng. Nếu hiền điệt có ý lập gia đình, thì nên sớm tién hành đi nào. Anh em Mã tài không đòi hỏi lễ nghi phiền phức vậy không rõ ý hiền điệt nghĩ sao ?
Khương Tử Nha thấy nếu cưới vợ cũng được, vì một là có con cái để nối dõi tông đường, hai là không phụ lòng tốt của Lâm Hổ. Cho nên ông đã bằng lòng.
Lâm Hổ bèn chọn ngày hoàng đạo cát nhật, chuẩn bị mở tiệc cưới cho Khương Tử Nha. Sáng sớm hôm sau ngày cưới, Lâm Hổ chuẩn bị sẵn một chiếc kiệu hoa, một đội nhạc nho nhỏ, vừa đánh trống thổi kèn vừa đi đến nhà họ Mã để đón dâu. Phòng tân hôn được đặt trong khách điếm của Lâm Hổ.
Người đời thường bảo "Cô dâu mới bao giờ cũng siêng năng được ba hôm". Sau khi Mã Châu về nhà chồng, mới hôm đầu cũng tỏ ra chăm cần. Nào ngờ thời gian kéo dài thì chân diện mục của cô ta dần dần đã bộc lộ. Mã Châu là một cô gái thích ăn, biếng làm, suốt ngày thích đi sang nhà hàng xóm để tán gẫu , không chú ý gì tới chuyện nhà. Đêm đến, cô ta không chịu ngủ yên, mà bắt Tử Nha phải chơi đùa với mình. Tảng sáng, cô ta không chịu thức dậy sớm để lo nấu cơm, mà kéo mền phủ kín đầu ngủ đến mặt trời lên cao ba sào vẫn chưa chịu dậy. Riêng Tử Nha thì phải vào triều đình làm việc rất sớm, thường mang theo một chiếc bánh "mằn thắn" để ăn lót dạ. Đến trưa, Tử Nha trở về, Mã Châu chỉ nấu nướng sơ sài, chẳng khác nào bố thí cho kẻ ăn mày. Cũng may Tử Nha là người đã quen sống kham khổ, nên cũng không trách móc vợ. Nhờ vậy, hai vợ chồng vẫn sống yên ổn như mọi người. Sau một năm, Mã Châu sinh cho Khương Tử Nha một đứa con gái đặt tên là Ấp Khương. Bé Ấp Khương thông minh lanh lợi, được mọi người chung quanh yêu thích. Đến năm bảy tuổi, cô bé càng thông minh, nên Tử Nha càng yêu quý, đặt hết hy vọng vào đứa con gái của mình. Những lúc có thì giờ rảnh rỗi, ông thường dạy con thi văn, viết chữ, vẽ tranh. Ấp Khương học gì biết nấy, càng ngày càng giỏi. Thỉnh thoảng cô bé còn lấy thanh long kiếm của phụ thân ra múa, hết sức thích thú. Khương Tử Nha thấy vậy, cũng dạy cho con gái một vài đường kiếm.
Một hôm, Khương Tử Nha từ lò sát sinh trở về nhà, thấy thì giờ còn sớm, nên muốn gọi Mã Thị lại để cùng nhau chuyện trò. Nhưng Mã Thị đang ở trong phòng cách một bức vách, la to :
- Có chuyện gì thì cứ nói, bà ở đây nghe được rồi.
Khương Tử Nha đáp :
- Chúng mình đã là vợ chồng với nhau, xem như cũng có duyên phận. Nay tuổi đã lớn, lại có một đứa con gái lanh lợi dễ thương như Ấp Khương, âu cũng là có kết quả tốt. Vậy chúng ta nên sống hoà thuận với nhau, hà tất hằng ngày cứ tức giận la ó như thế ?
Mã Thị nói :
- Kể từ ngày tôi lấy anh, chưa bao giờ được ăn một bữa cơm ngon, được mặc một bộ đồ đẹp. Cuộc sống như vậy, tôi không thể tiếp tục sống được nữa. Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, duyên phận của chúng ta tới đây là hết. Vậy tôi sẽ ly hôn với anh, mạnh ai đi đường nấy.
Khương Tử Nha thấy Mã Thị đã dứt khoát, không còn cách nào cứu vãn được, nên đi tìm hai vợ chồng Lâm Hổ. Vợ chồng Lâm Hổ lấy lời lẽ hơn thiệt khuyên nhủ cả buổi, nhưng Mã Thị quyết bỏ chồng ra đi, vậy còn cách nào khác hơn được ?
Khương Tử Nha đành phải viết tờ ly hôn với vợ, và nhờ Lâm Hổ làm chứng, rồi báo cho Mã Tài đến đưa em gái trở về nhà. Khương Tử Nha nghĩ tới tình vợ chồng từ bấy lâu nay, nhất là Mã Thị đã sanh cho ông một đứa con gái ngoan ngoãn nên đem hết tất cả tiền bạc mà bấy lâu nay ông dành dụm được, tặng cả cho Mã Thị để dùng về sau. Đứa con gái Ấp Khương thì đi theo cha.
Về sau, khi Khương Tử Nha đến gặp Văn Vương và chẳng mấy chốc đã được cử làm chức thái sư của Văn Vương, hết sức danh dự. Lúc bấy giờ, Mã Châu cảm thấy hối hận, nên đích thân tìm đến phủ thái sư yêu cầu được làm vợ chồng trở lại với Khương Tử Nha. Mặc dầu Khương Tử Nha vẫn chưa tục huyền, nhưng đói với việc Mã Thị đã bỏ ông trong lúc ông đang ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, nên bất luận thế nào cũng không thể tha thứ được. Ông bưng ra một thau nước lạnh, đổ ào xuống đất, rồi hỏi Mã Thị :
- Cô có thể hốt số nước đổ xuống đất kia trở lại hay không ?
- Mã Thị thấy thế biết lòng dạ của Tử Nha đã quyết, chắc chắn không làm sao chung sống trở lại được, nên rơi lệ như mưa. Sau khi trở về nhà, Mã Thị đóng cửa rồi thắt cổ tự vẫn. Khương Tử Nha nghe tin Mã Thị thắt cổ chết, nghĩ đến tình vợ chồng trước kia, nên không khỏi cảm động rơi lệ, sai người mua quan quách tẩm liệm, đưa về tận que hương ở Tây Châu để cử hành tang lễ một cách long trọng.

LSB-RongLuaBacCuc
15-12-2003, 09:10
Buông Câu Tại Bàn Khê (một)
Sau khi ly hôn với Mã Thị, Khương Tử Nha lại tiếp tục sống tại Triều Ca mấy năm, thấy ở đấy không thể tìm được lối ra cho mình, nên bàn với con gái là Ấp Khương, định dời tới Kỳ Châu để mưu sinh. Ấp Khương năm đó đã mười bốn, mười lăm tuổi, xinh đẹp như hoa như ngọc, lại biết cả văn chương lẫn võ nghệ. Cô ta nghe nói ở Tây Kỳ có Châu Văn Vương, người hiền lương đức độ, luôn chiêu hiền đãi sĩ, nên cũng rất thích nơi đó. Nhất là cô ta thấy cha già của mình tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn còn nuôi chí lớn. Cho nên cô đòng ý với cha cùng dọn đến Tây Kỳ để ở.
Hai cha con gạt lệ từ giã vợ chồng Lâm Hổ, rời khỏi Triều Ca để đi đến một địa phương có tên là Bàn Khê tại Tây bộ của Thiểm Tây để ở.
Bàn Khê là một thung lũng hẹp, nằm giữa hai ngọn núi cao của Tần Lĩnh, cũng được gọi là Phàm Cốc. Chung quanh núi non xanh rì, mây bay mù mịt. Một con sông có tên là Phạt Ngư Hà, từ giữa hai ngọn núi uốn lượn chảy qua, tiếng nước róc rách suốt ngày, rồi tiếp tục chảy thẳng đến phía Bắc để hoà vào dòng sông Vị Thủy. Bên cạnh Phạt Ngư Hà có một dòng suối tên gọi Tư Tuyền, nước trong leo lẻo, sóng gợn lăn tăn. Núi non nơi đây rất hùng vĩ, tùng bách mọc xanh um, cảnh trí vô cùng xinh đẹp, trang nhã, laiyện tĩnh. Hai cha con thấy vùng đất này đều yêu thích, bèn cấtt tranh làm nhà, lấy đá làm tường, để tạo cho mình một nơi yên ấm. Kể từ đó, Khương Tử Nha ngày ngày câu cá bên bờ Bàn Khê để mưu sinh, và cũng để giết thì giờ rảnh rỗi.
Khương Tử Nha buông câu bên bờ Bàn Khê được mấy năm, nhưng người chung quanh không ai để ý đến. Mọi người đều nghĩ hai cha con ông là một gia đình nghèo khó, lưu lạc tới đây nương chân mà thôi.
Một hôm, Khương Tử Nha đang ngồi câu cá bên bờ suối, bỗng nghe có tiếng người trên núi vừa hát vừa đi xuống. Ông quay đầu ngó lại, thấy đây là một người tiều phu. Người tiều phu này tuổi chừng ba mươi, ngoại hình khoẻ mạnh, oai phong. Ông ta đặt gánh củi nặng chừng bốn năm trăm cân xuống đất, rồi bước tới sát bên cạnh Khương Tử Nha ngồi xuống để nghỉ chân và gợi chuyện.
Người tiều phu nói :
- Thưa lão trượng, suốt mấy năm qua tôi trông thấy ông ngồi câu ở đây, nhưng tại sao không thấy ông bắt được con cá nào cả ?
Khương Tử Nha nghe hỏi, vừa ngạc nhiên vừa vui mừng nghĩ bụng ; "Xem ra người tiều phu này đã chú ý ta từ lâu. Ta đến vùng núi non hẻo lánh này sống mấy năm qua, rất ít ai chủ động đến gợi chuyện, và cũng không ai để ý tới hành tung của ta. Nay người tiều phu này chẳng những chủ động đến làm quen với ta, mà còn nói lên những điều bí mật của ta nữa. Xem ra, ngày ta xuất đầu lộ diện không còn xa !".
Người tiều phu vừa gợi chuyện, vừa đưa tay cầm lấy chiếc cần câu của Khương Tử Nha dơ lên cao rồi chỉ vào lưỡi câu thẳng như cây kim, nói :
- Như vậy có thể gọi là lưỡi câu được sao ? Rõ ràng đây chỉ là một cây kim may áo. Để tôi truyền cho ông một phương pháp làm lưỡi câu. Ông hãy dùng lửa đốt đỏ cây kim này, rồi uốn thành một cái móc, móc mồi vào thì chắc chắn sẽ câu được cá đấy.
Khương Tử Nha bị thái độ ngay thẳng của người trai trẻ làm cho vui lây, nên liền cười ha hả, nói :
- Nếu vậy, lão cũng nói thật lòng của lão cho cậu nghe. Lão thà được những gì trong ngay thẳng, chứ không bao giờ đi tìm những gì trong quanh co. Lão nào chú ý đến những con cá bạc dưới suối kia mà chỉ nhằm câu Vương và câu Hầu mà thôi !
Nói dứt lời, Khương Tử Nha lại lẩm nhẩm đọc trong miệng một bài thơ.

[center:8a28efe344]Đoản can trường điếu thủ Bàn Khê
Giá cá cơ quan ná cá tri
Chỉ điếu đương triều quân giữ thần,
Hà thường ý tại thuỷ trung ngư ![/center:8a28efe344]
Dịch :
[center:8a28efe344]Cần ngắn câu dài tại Bàn Khê
Điều thầm kín này mấy ai nghe ?
Chỉ câu quân thàn trong triều nội,
Chứ nào để ý cá trong khe.[/center:8a28efe344]
Người tiều phu nghe qua, cười to nói :
- Lão ông suốt ngày ngồi bên bờ suối, ngay đến một con tép riêu cũng không câu được, vậy nói gì đến chuyện câu Vương câu Hầu ?
Khương Tử Nha nghe người tiều phu nói chuyện rất vui, bèn hỏi :
- Xin hỏi tiểu huynh đệ người ở đâu, tính danh là gì vậy ?
Người tiều phu đáp :
- Tôi họ Võ tên Cát, nhà ở tại thôn Tập Mậu bên bờ sông Vị Hà. Trong nhà có một mẹ già tuổi đã bát tuần, chỉ trông cậy vào nghề đốn củi của tôi để sinh sống - Vừa nói người tiều phu vừa ngước mặt nhìn trời. Thấy thái đương sắp xuống núi, bèn đứng lên cáo từ - Thưa lão trượng, trời sắp tối rồi, ngày mai chúng ta sẽ gặp lại. Hiện giờ mẹ tôi đang trông chờ tôi về nhà nấu cơm chiều đấy.
Dứt lời, anh ta bèn gánh củi lên vai, rồi tiếp tục đi xuống núi.
Qua ngày hôm sau, Võ Cát lại gánh một gánh củi từ trên núi đi xuống, đến bên cạnh Khương Tử Nha , để gánh củi xuống đất, rồi dùng chiếc nón bằng cỏ đan để quạt, nói :
- Thưa lão trượng, đêm qua trở về nhà, tôi nằm suy nghĩ những lời nói của lão trượng, dù tôi là một người dốt nát, nhưng vẫn cảm thấy lão trượng là một bậc cao nhân có đạo hạnh, vậy lão trượng có thể bói toán để đoán số mạng hay không ?
Khương Tử Nha tươi cười đáp :
- Việc bói toán để đoán số mạng, chẳng qua là một trò chơi của con trẻ. Vậy anh hãy nói cho tôi biết anh muốn bói chuyện gì, để tôi xem một quẻ giúp cho anh ?
Võ Cát chỉ vào gánh củi của mình, nói :
- Xin lão trượng hãy bói xem, gánh củi này của tôi đem vào thành bán được bao nhiêu tiền ?
Khương Tử Nha đưa mắt nhìn sắc diện của người tiều phu, đáp :
- Sắc mặt của anh rất hồng hào, như vậy là vận khí của anh rất đỏ. Gánh củi ngày hôm nay anh sẽ bán gấp hai lần số tiền của một gánh củi thường ngày.
Võ Cát nghe qua lời nói của Khương Tử Nha tưởng đâu ông chỉ nói để lấy lòng mình, nên cũng không chú ý lắm. Nào ngờ khi anh ta gánh gánh củi đến chợ Tây Kỳ, chưa kịp để xuống, đã thấy có mấy người bước tới tranh nhau đòi mua. Võ Cát chưa kịp nói giá, thì lại thấy một người khác ăn mặc sang trọng, bước tới nói với anh :
- Gánh củi này đừng để xuống, xin gánh thẳng về nhà tôi, tôi sẽ trả một số tiền gấp đôi cho anh.
Võ Cát gánh gánh củi đi tới nhà người đó, thấy trong nhà có đám cưới, và đang cần củi để đun bếp. Không chờ Võ Cát kịp mở miệng nói gì, người này móc trong túi ra một bao lì xì màu đỏ, đưa cho Võ Cát và nói :
- Hôm nay trong nhà tôi có đám cưới, đang thiếu củi đun, thế mà được lão đệ đưa đến rất kịp thời. Như vậy là trong chuyện vui lại có thêm chuyện vui nữa. Vậy hãy nhận lấy số tiền này, xin đừng chê ít.
Võ Cát nhận bao tiền, mở ra đếm, thấy quả nhiên số tiền gấp đôi số tiền của một gánh củi bình thường, trong lòng không khỏi cảm thấy lạ.

LSB-RongLuaBacCuc
17-12-2003, 09:14
Buông Câu Tại Bàn Khê (hai)
Qua ngày hôm sau, Võ Cát lại gánh một gánh củi đến bên cạnh Khương Tử Nha, chưa kịp nói rõ chuyện xảy ra ngày hôm qua, thì anh ta lại hỏi :
- Thưa lão trượng, xin lão trượng bói xem ngày hôm nay vận số của tôi ra sao ?
Khương Tử Nha lại đưa mắt nhìn qua sắc diện của Võ Cát một lượt, rồi đưa tay lên vuốt râu, nói :
- Con mắt phía trái của anh hiện lên màu xanh, con mắt phía phải hiện màu đỏ. Như vậy, anh vào thành sẽ đánh chết người đấy.
Võ Cát nghe qua không vui. Nhưng nhớ đến chuyện đã xảy ra ngày hôm qua, nên không khỏi lo lắng : "Như vậy ta vào thành cần phải thận trọng. Chờ xem ngày mai này ông ấy sẽ giải thích ra sao". Thế là Võ Cát bèn gánh gánh củi đi.
Suốt trên đường đi, Võ Cát bao giờ cũng tỏ ra cẩn thận, cứ thấy mọi người thì tránh xa, không dám gợi chuyện nói với ai một câu nào cả. Anh ta gánh gánh củi đến trước cửa thành Tây Kỳ, vừa mới đi vào cửa, thì gặp binh sĩ gác cửa chận anh ta lại, bảo mau lui ra, nói :
- Xa giá của Châu Văn Vương sắp đi qua, vậy người đi đường phải tìm chỗ tránh mặt.
Võ Cát là người có thân hình khoẻ mạnh, gánh củi trên vai của anh bao giờ cũng nặng hơn tất cả mọi người khác. Khi anh vừa xoay qua, thì cỗ xe của Châu Văn Vương cũng vừa chạy tới, lướt qua mặt anh nhanh như một cơn gió lốc.
Binh sĩ giữ thành thấy vậy, to tiếng quát :
- Hãy mau tìm chỗ tránh ra !
Võ Cát quá hấp tấp nên khi xoay chuyển đã va mạnh gánh củi trên vai vào vách cửa thành, nên anh bị mất thăng bằng, mấy cây củi phía trước vuột dây văng ra, trúng vào ót một binh sĩ giữ thành, khiến anh ta lăn ra chết ngay tại chỗ.
Văn Vương trông thấy người bán củi gây tử vong cho binh sĩ giữ thành, bèn hạ lệnh bắt Võ Cát, để chờ ông trở về xét xử. Nhà vua nói dứt lời thì ra lệnh cho cỗ xe tiếp tục chạy đi.
Binh sĩ của nhà Châu bắt giữ Võ Cát, chúng vẽ một vòng tròn trên mặt đất bảo anh đứng vào đó chờ đợi Văn Vương xét xử. Thời bấy giờ, triều nhà Châu không xây dựng những nhà giam, mà chỉ vẽ những vòng tròn trên mặt đất, tạm xem là nhà giam để giam giữ những người phạm tội. Cách làm đó được gọi là "vẽ đất làm nhà giam". Do Văn Vương là người biết bói quẻ bát quái, người phạm tội đứng trong vòng tròn nếu trốn đi đâu, ông cũng có thể tìm ra được. Khi bắt trở về tội sẽ nặng gấp đôi, nên không ai dám bỏ trốn bao giờ.
Võ Cát đứng trong vòng tròn đến nửa đêm, nghĩ bụng : "Tự cổ, phàm giết người thì phải đền mạng. Nay ta đụng chết một binh sĩ gác cửa thành, vậy chắc chắn phải đền mạng. Ta còn một bà mẹ già tám mươi tuổi, nếu ta chết thì ai nuôi mẹ ta cho đến ngày mãn phần đây ? Vậy chi bằng, ta lén trốn trở về nhà, rồi sẽ tìm cách đối phó sau".
Thế là Võ Cát bèn rời khỏi vòng tròn giam giữ mình, ngay trong đêm trở về nhà gặp mẹ, nói rõ mọi việc cho mẹ nghe. Bà mẹ nói :
- Này con, lão ông kia có thể đoán đúng mọi việc như vậy, thì chắc chắn cũng có biện pháp để giải cứu cho con. Vậy con hãy mau đến Bàn Khê xin lão ông cứu mạng.
Võ Cát không dám chểnh mảng, ngay trong đêm tìm đến Bàn Khê. Anh ta đánh thức Khương Tử Nha đang ngủ trong túp lều tranh của mình, vừa khóc vừa kể lể mọi việc đã xảy ra, và tỏ ý hối lỗi vì không biết nghe theo lời dạy của lão ông, nên đã gây hoạ lớn, xin lão ông cứu giúp.
Khương Tử Nha sau mấy lần gặp gỡ đã yêu thích người trẻ tuổi, chất phác này. Nhìn thấy anh ta đang quỳ trên đất khóc lóc van xin, lại nghĩ tới anh còn một bà mẹ già tuổi đã bát tuần ở nhà nên tươi cười nói :
- Ta vốn có cách, nhưng anh muốn ta ra tay cứu giúp thì phải có một điều kiện, đó là anh phải chịu làm đồ đệ của ta.
Võ Cát vội vàng quỳ ngay xuống đất gật đầu lạy, bằng lòng làm đồ đệ của Khương Tử Nha.
Khương Tử Nha nói :
- Ta dạy cho ngươi một cách : Khi trở về nhà, người hãy đào một cái hố trước sân, rồi bện một hình nhân bằng rơm trôn vào cái hố đó, lấp đất lại, thì mọi việc sẽ an toàn, không gặp điều gì nguy hiểm nữa.
Võ Cát ghi nhớ lời dạy trong lòng, vội vàng sụp lạy sư phụ, rồi ngay trong đêm trở về nhà làm đúng theo cách sư phụ đã hướng dẫn.
Ngày hôm sau, binh sĩ báo cáo lên Văn Vương, người tiều phu đụng chết binh sĩ gác cửa ngày hôm qua đã rời khỏi vòng tròn, bỏ trốn trong đêm. Văn Vương nghe xong, bèn dùng thuật bói toán theo bát quái, co tay tính nhẩm một lúc, bèn thở dài, nói :
- Gã tiều phu này thật là ngu ngốc. Ta biết anh ta do bất cẩn nên làm chết người. Ta không hề có ý muốn giết anh ta để đền mạng. Nhưng không ngờ anh ta đã sợ hãi, nên đã tự tử chết rồi. Thật đáng thương, thật đáng thương !
Từ đó, vụ án này xem như được bỏ qua.

LSB-RongLuaBacCuc
17-12-2003, 09:18
Buông Câu Tại Bàn Khê (ba)
Sau khi mọi việc đã yên, Võ Cát một mặt ngày ngày đi đốn củi về để nuôi mẹ, một mặt lo học tập võ nghệ và binh pháp với Khương Tử Nha. Ngày tháng qua thật nhanh, không mấy chốc đã ba năm.
Năm đó, Khương Tử Nha đã hơn tám mươi tuổi. Có lẽ ông đoán biết ngày xuất đầu lộ diện của mình sắp tới, nên dạy Võ Cát hãy gánh củi vào thành Tây Kỳ để bán. Võ Cát sợ binh sĩ của Văn Vương nhận ra mình, Tử Nha bèn nói :
- Dù có nhận ra nhà ngươi cũng không có chi đáng sợ. Nhà ngươi có thể đem tất cả sự thật nói cho Văn Vương nghe, nhà vua chẳng những không hại đến tính mạng của nhà ngươi, mà còn có thể phong cho nhà ngươi làm tướng quân nữa đấy !
Võ Cát tuân theo lời dặn dò của sư phụ, gánh một gánh củi đi vào thành Tây Kỳ rao bán. Ngày hôm đó, người lính gác cửa thành cũng là nhóm binh sĩ trước đây từng bắt giữ Võ Cát, nên vừa trông thấy Võ Cát là anh ta nhận ra ngay, vội vàng báo lên cấp trên của mình.
Bọn binh sĩ bèn bắt Võ Cát đưa đến gặp Văn Vương, Văn Vương nhìn thấy, kinh ngạc đến há hốc cả mồm. Nhà vua nghĩ bụng : "Trước đây ta dùng quẻ bát quái để bói toán, thấy hắn vì sợ tội nên tự sát rồi, thế tại sao bây giờ lại còn sống ở đây ?"
Võ Cát bèn đem câu chuyện được Khương Tử Nha giải cứu cho mình kể lại cho Văn Vương nghe. Nghe xong, Văn Vương cất tiếng than :
- Đúng là núi cao còn có núi cao hơn, người tài còn có người tài hơn. Khương Tử Nha có thể phá được quẻ bát quái của ta, thì chắc chắn đây là một nhân tài xuất chúng. Từ bấy lâu nay Cơ Xương ta muốn tìm người hiền tài như người khát nước muốn tìm nước để uống. Té ra người hiền tài ở sát bên cạnh mà không phát giác được.
Thế là, nhà vua bèn tuyên bố Võ Cát vô tội, và phong cho chức Võ Đức tướng quân. Đồng thời, nhà vua quyết định trong vòng ba hôm, phải nhờ Võ Cát đưa đường đến Bàn Khê để gặp gỡ người hiền tài mà mình đang mong đợi.
Chau Văn Vương là nhà vua có hoài bão to, biết phép trị nước của một vị minh vương, phải biết sử dụng người hiền tài. CHo nên sau khi biết được tại Bàn Khê có một bậc đại hiền là Khương Tử Nha đang quy ẩn, trong lòng tha thiết muốn tới để mời ông ra giúp nước. Nhà vua quyết định sáng sớm ngày mai, lấy cớ đi săn bắn, để đến Bàn Khê gặp mặt người hiền tài mà mình đang mong đợi.
Sáng sớm ngày hôm sau, Văn Vương trai giới tắm rửa xong, bèn dẫn con trai là Cơ Phát, Châu Công Đán, Đại Phu Tán Nghi Sinh, Đại tướng quân Nam Cung Thích, Võ Đức tướng quân Võ Cát, cùng một số văn võ đại thần khác cùng đến Bàn Khê để săn bắn.
Đến trưa ngày hôm đó, đại đội nhân mã của Châu Văn Vương đã vượt qua sông Vị Hà, còn cách Bàn Khê năm dặm đường nữa. Châu Văn Vương sợ đông đảo binh mã của mình kéo tới Bàn Khê sẽ làm cho Khương Tử Nha đang ngồi câu cá phải giật mình, nên ra lệnh binh mã hạ trại tại chỗ, và chuẩn bị dẫn một số ít người đến gặp Khương Tử Nha thôi.
Lúc đó, thái tử Cơ Phát kiến nghị :
- Phụ thân nên tạm thời ở yên tại đây, để con tới thăm dò tin tức trước. Nếu thấy Khương Tử Nha đúng là đang ngồi câu cá tại đó, thì phụ thân sẽ đến sau cũng chưa muộn.
Châu Văn Vương nghe qua, bèn nói với người con :
- Khương Tử Nha là một bậc đại hiền, tài trí phi thường, vậy chắc chắn là người sẽ giúp cho nhà Châu chúng ta hoàn thành sự nghiệp lớn. Vậy con phải thật cẩn trọng, đừng bao giờ có thái độ lỗ mãng.
Thái tử tuân mạng, dẫn theo mấy tên thị vệ cùng đến Bàn Khê. Sau khi vào Phàm Cốc, đi không bao xa, đã trông thấy trong lùm cỏ dại có một ông lão đang ngồi trên đá, chuyên tâm câu cá. Nhưng lưỡi câu cách mặt nước đến ba xích, mà lại là một lưỡi câu thẳng không có móc mồi.
Thái tử Cơ Phát nhìn thấy thế, trong lòng cảm thấy tức cười, bèn lặng lẽ đứng sau lưng ông lão quan sát. Chợt đâu có một con cá bé nhảy lên khỏi mặt nước, ngậm lấy lưỡi câu. Lão già thò tay bắt lấy con cá, ngắm nghía một lúc lâu. Thái tử Cơ Phát không khỏi kinh ngạc, vội vàng bước tới thi lễ, nói :
- Xin thi lễ trước lão ông !
Khương Tử Nha như không nghe thấy, tiếp tục nói lẩm nhẩm một mình :
- Câu câu câu ! Con lớn không đến con nhỏ đến ! Vậy già này sẽ trả ngươi về với dòng suối trong !
Dứt lời, lão ông thả con cá nhỏ vào dòng suối. Con cá quẫy đuôi rồi lội đi tuốt.
Thái tử Cơ Phát là người thông minh, nghe qua lời nói của Khương Tử Nha, biết ngay ngụ ý của lão ông muốn nói gì. Cơ Phát đoán biết muốn mời được lão ông này, ngoài phụ vương của mình ra thì không ai làm được cả. Do vậy, Thái tử Cơ Phát bèn lặng lẽ trở về doanh trại, đem mọi việc tâu lại cho Văn Vương nghe.
Nghe xong, Văn Vương vội vàng đưa tay lên vỗ nhẹ vào ót của mình, nói :
- Ta nhất thời đã hồ đồ, suýt nữa đã để mất một vị đại hiền. Giờ đây ta phải đích thân đến đó mới được.
Thế là, Châu Văn Vương lại tắm gội một lần nữa, thay áo sạch sẽ, rồi cùng Thái tử Cơ Phát đi thẳng vào Phàm Cốc.
Sau khi vào Phàm Cốc, Châu Văn Vương nhìn khắp nơi tùng bách xanh um, khói mây mờ ảo, suối chảy róc rách, chim kêu vui tai, rõ ràng là một tiên cảnh, nên buột miệng than rằng :
- Núi sâu có cọp dữ, tiên cảnh có hiền tài. Ở đây đúng là một nơi có cảnh trí thật xinh đẹp.
Thái tử Cơ Phát dẫn Văn Vương đến nơi cụ già ngồi câu, chỉ thấy tảng đá trống trơn, còn người ngồi câu thì không thấy nữa. Thái tử Cơ Phát nghĩ bụng : "Chả lẽ cụ già lánh mặt, không muốn gặp mình hay sao ?". Thái tử bèn quay sang Văn Vương, nói:
- Xin phụ thân hãy đứng đây chờ đợi, để con đi khắp nơi tìm kiếm.
Văn Vương ngăn lại, nói :
- Không thể lỗ mãng được ! Người ẩn cư bao giờ cũng thích sự thanh tịnh. Theo Võ Cát cho biết, cách đây không quá năm dặm về phía nam, có một sơn động dùng làm tịnh thất. Nơi đó chính là nơi nghỉ ngơi của Khương Ông. Chúng ta thong thả đi tìm vậy !
Hai cha con lại tiếp tục đi theo đường núi, đến bên dưới bậc tam cấp của gian tịnh thất. Lúc bấy giờ Văn Vương đã quá mệt, hơi thở dồn dập, mồ hôi chảy ướt cả áo, đôi chân không còn di chuyển nổi nữa. Thái tử Cơ Phát khuyên cha :
- Phụ thân hãy ở lại đây nghỉ ngơi dây lát, chờ con lên đấy xem qua - Nói dứt lời, Thái tử Cơ Phát đi lên bậc tam cấp và đã đến trước cửa gian tịnh thất.

LSB-RongLuaBacCuc
17-12-2003, 09:19
Buông Câu Tại Bàn Khê (bốn)
Trong khi Thái tử Cơ Phát định đưa tay gõ cửa thì bỗng nghe cánh cửa chuyển động kèn kẹt, rồi mở rộng ra. Một thiếu nữ xinh đẹp như hoa đào hoa lý, đúng sừng sững trước cánh cửa vừa mở, nhoẻn miệng cười, hỏi :
- Xin hỏi công tử là ai ?
Tiếng nói của cô gái trong trẻo như tiếng oanh tiếng yến, uyển chuyển vui tai. Thái tử Cơ Phát bất ngờ nhìn thấy một cô gái xinh đẹp phi thường, không khỏi đứng sững sờ một lúc lâu mà không nói được tiếng nào.
Cô gái này chính là Ấp Khương, ái nữ của Khương Tử Nha. Cô là người từng theo cha lưu lạc khắp mọi nơi, từ Triều Ca lần mò đến Bàn Khê, lúc nào cũng có dịp tiếp xúc với mọi người chung quanh, nên tánh tình tự nhiên, không e thẹn như các cô gái quen sống trong khuê các. Vừa nhìn thấy một vị công tử tuấn tú khôi ngô, cô gái có cảm giác rất ngộ nghĩnh, lên tiếng hỏi tiếp :
- Phải chăng ngài muốn tìm phụ thân tôi là Khương Tử Nha ?
Đến chừng đó, Thái tử Cơ Phát mới như bừng tỉnh cơn mộng. Ông biết mình đang mất tự nhiên, nên vội vàng đáp :
- Tôi là Cơ Phát, con trai của Văn Vương. Cha tôi hôm nay đến đây là muốn bái kiến đại hiền nhân Khương Tử Nha. Không rõ ông cụ hiện giờ ở đâu ?
Áp Khương tươi cười, đưa tay chỉ về dòng suối đang chảy. Nơi đó có một cụ già ngồi trên một chiếc thuyền vuông, vừa hát nghêu ngao vừa thả xuôi theo dòng nước. Cụ già đó chính là Khương Tử Nha.
Thái tử Cơ Phát từ biệt Ấp Khương rồi cùng phụ thân đi trở lại Tư Tuyền. Khi hai người ngước mặt nhìn, đã thấy Khương Tử Nha đang ngồi trên mặt đá lẳng lặng buông câu.
Cha con của Văn Vương không dám gây tiếng động mạnh, sợ Khương Tử Nha giật mình. Hai người nhón gót đi thật nhẹ, đến sát bên cạnh Khương Tử Nha, đứng lẳng lặng nhìn ông cụ đang câu cá. Họ nhìn thấy Khương Tử Nha cầm cần câu hướng về mặt suối, nhưng lưỡi câu lơ lửng trên không trung, chứ không chìm xuống nước. Bỗng có một con cá to và một con cá nhỏ màu vàng ánh, từ dưới nước quẫy đuôi nhảy vọt lên ngậm lấy lưỡi câu, rồi tiếp tục quẫy mạnh giữa không trung. Khương Tử Nha nói lẩm nhẩm một mình :
- Câu câu câu ! Cá lớn cá bé cùng cắn câu. Lại có cả đại thần văn võ cùng đến, ánh mặt trời đang chiếu rọi trên đỉnh đầu !
Nói dứt lời, cụ già bắt hai con cá vàng bỏ vào giỏ.
Văn Vương biết thời cơ đã đến, bèn cất tiếng nhỏ nhẹ nói :
- Hiền sĩ thích câu cá lắm sao ? Cơ Xương tôi hôm nay đến đây để vấn an hiền sĩ !
Khương Tử Nha quay mặt lại nhìn cha con Văn Vương, rồi vội vàng đáp lễ :
- Vì không biết Văn Vương giá đến, nên không kịp ra tận ngoài xa nghênh đón, tội thật đáng chết ! Đáng chết !
Văn Vương vội vàng đỡ Khương Tử Nha đứng lên, đáp lễ nói :
- Vừa rồi Cơ Xương tôi không đích thân tới mời hiền sĩ, vậy xin hiền sĩ tha thứ.
Nhà vua bèn quay sang bảo con trai quỳ lạy ra mắt Khương Tử Nha.
Văn Vương cầm lấy một cánh tay của Khương Tử Nha, nói :
- Tiên vương là Thái Công từng tiên đoán, sau này sẽ có một vị đại hiền nhân từ Phương Đông đến để phụ tá cho Châu thất. Từ đó, Châu thất sẽ hưng thịnh lên. Vậy, vị đại hiền nhân mà Thái Công đoán đó, có phải chính là hiền sĩ không ? Tiên Vương Thái Công đã trông ngóng ngài từ lâu rồi. Ngài chính là người mà Thái Công trông ngóng (Thái Công Vọng) !
Từ đó Khương Tử Nha tự xưng mình là "Thái Công Vọng"
Khương Tử Nha thấy cha con Văn Vương trọng người hiền tài như vậy, trong lòng hết sức cảm động nói :
- Văn Vương tỏ ra yêu quí già này như thế, thử hỏi già này làm sao không khỏi cảm động ? Chẳng qua hiện nay già này đã quá bát tuần rồi, e rằng lực bất tòng tâm, khó đảm đương nổi những trọng trách của Vă Vương giao phó, vậy xin Văn Vương hãy suy nghĩ kỹ.
Văn Vương vội vàng đáp :
- Người có chí lớn không bị hạn chế bởi tuổi già. Theo tôi, hiện nay Khương công tuy tóc đã bạc trắng, nhưng da dẻ vẫn hồng hào nhue người trai trẻ, sức khoẻ còn rất tốt, tinh thần còn sung mãn, chắc chắn khuôn phò Châu thất, đảm đương nhiều nhiệm vụ trọng đại. Nếu Khương công chấp thuận lời cầu xin của tôi, thì đó quả là một điều may mắn cho Châu thất.
Khương Tử Nha thở dài, đáp :
- Văn Vương không chê già, thì già này tất nhiên phải dốc hết tâm trí và sức lực của mình để đáp lại như loài khuyển mã. Chẳng qua vì già ngồi câu cá tại Tư Tuyền này đã nhiều năm qua, nên hai chân không còn đi đứng tự nhiên được nữa. Vậy biết làm sao đây ?
Văn Vương vội vàng đáp :
- Khương công chẳng phải cần lo nghĩ về điều đó. Nếu ngài bằn lòng giúp quả nhân xây dựng đất nước hưng thịnh, thì cha con quả nhân sẽ cõng ngài xuống núi. Hiện giờ cỗ xe của quả nhân để cách đây không xa, vậy xin mời hiền sĩ hãy ngồi cỗ xe của quả nhân mà đi.
Văn Vương liền sai Thái tử cơ Phát cho người đánh cỗ xe tới, rồi đỡ Khương Tử Nha lên xe. Thái tử Cơ Phát nhớ còn Ấp Khương trong nhà, nên vội vàng nhắc nhở phụ thân :
- Trong thạch thất hãy còn một người.
Khương Tử Nha nói :
- À, nó là tiểu nữ của già đấy.
Văn Vương nghe nói Khương Tử Nha còn có một người con gái, bèn sai Thái tử Cơ Phát đánh xe đến đó nghênh đón.
Để bộc lộ sự tôn kính của mình đối với Khương Tử Nha, Văn Vương ra lệnh cho tuỳ tùng tháo bỏ những con ngựa kéo xe, rồi chính mình bước vào để kéo cỗ xe đó. Khương Tử Nha không từ chối, vẫn ngồi yên trên xe, nói :
- Như vậy thì nhọc cho ngài quá !
Văn Vương bèn lấy dây cương buộc vào thân mình, rồi kéo cỗ xe xuống núi. Do đường tụt dốc, nên chẳng mấy chốc Văn Vương đã kéo được cỗ xe tới Tập Huyền Trang. Đến đây, đường núi bỗng chuyển thành lên dốc, Văn Vương phải ra sức kéo mạnh cỗ xe, nhưng bỗng sợi dây buộc vào mình nhà vua bị đứt, suýt nữa nhà vua bị té xuống mặt đường.
Lúc bấy giờ, Khương Tử Nha ngồi trên xe phá lên cười to ha hả, nói :
- Ngài đã đi được tám trăm lẻ tám bước, vậy tôi cần phải bảo vệ giang sơn của nhà Châu đúng tám trăm lẻ tám năm !
Văn Vương nghe nói kéo cỗ xe đi được mấy bước, thì giang sơn của mình có thể bảo vệ được mấy năm. Cho nên nhà vua muốn tiếp tục kéo cỗ xe nữa, để giang sơn nhà Châu được tồn tại vĩnh viễn. Thế là nhà vua nối sợi dây lại, định tiếp tục kéo xe đi. Nhưng Khương Tử Nha nói :
- Số trời đã định như vậy, không thể cãi được.
Văn Vương mời Khương Tử Nha đến Tây Kỳ, cử ông làm Thái Sư, chấp chưởng quân quyền của triều đình nhà Châu. Khương Tử Nha phụ tá cho triều đình nhà Châu với một tấm lòng trung thành tha thiết, và về sau đã hàn thành được trọng trách tiêu diệt được Trụ Vương của nhà Thương, khai sáng cơ nghiệp kéo dài hơn tám trăm năm cho triều đình nhà Châu.