PDA

View Full Version : Võ Lâm Phân Thế


Tây Sơn Nguyễn Nhạc
20-08-2003, 17:46
Lời Nói Đầu

Năm 1971 soạn giả xuất bản cuốn La Hán Quyền trình bày 72 thế Căn Bản Võ Lâm và 18 bài quyền, nhưng thật ra có 14 bài. Với cuốn sách này học giả đã tự luyện thành công quá sức mong muốn, soạn giả đã được tiếng ngợi khen và khuyến khích quá đỗi. Mà kỳ thật thì cái hay đó là cái hay của Võ Lâm, cái hay của Đại Sư Sư Phụ là ngài Thiện Tâm Thiền Sư, chớ chẳng phải do nơi soạn giả mà có được. Nay nhân thể có lời này cho rõ. Và kính mừng Sư Phụ Đại Sư đã Thành Công trong nhiệm vụ biểu dương môn phái Võ Lâm.

Ý soạn giả lời tựa tới đây là đủ rồi. Vì, đến nay thì ai cũng biết tới Võ Lâm hay, biết tới Sư Phụ lưu được chánh bổn là coi như đã đầy đủ rồi. Võ hay thì viết tựa hay không võ cũng cứ hay. Thầy hay rồi trò cũng thơm lây. Chánh lý quá rồi còn gì để viết nữa, viết nữa là thừa là bày đặt cho rườm, lòe, giống như cuốn sách có tí xíu mà đủ thứ Tựa, Bạt, Giới Thiệu của người này, người khác v.v... Gỗ tốt chẳng cần nước sơn, đây là gỗ xưa mà. Đố ai nói khác được, Thiệt Tổ Tiên mình không dở. Mà mình cũng hay quá chừng. Ai cũng biết VN Không Dở.

Như cuốn sách này là phần Phân Thế để biết cách thức dùng các đòn cùng động tác diêu động đã học được trong cuốn sách trước, trong các bài quyền đã học trước... Biết thế rồi thì ai cũng hóa hay. Ngưòi đẹp nhờ áo, Võ hay nhờ Thế. Võ Lâm thì hay đều, cái gì cũng hay, nói không hết được, viết không hết được, khen cũng không hết được. Chỉ có học mới biết hết được cái hay của Võ Lâm mà thôi.

Như học thì phải theo Chương trình giáo luyện của Sư môn thì mới tiến bộ, tiến đều, tiến mau, tiến xa, tiến tới chỗ cao tột trong môn phái được. Soạn giả cũng chưa tới chỗ cao tột nên khi soạn sách này chưa chắc đã lột hết ý, trình hết cái hay, cái đẹp, v.v... của Võ Lâm, nên có lời thưa trước. Những khuyết điểm được nêu lại trong cuốn kế tiếp. Học hết hai quyển sức đã đủ xài, người dở mấy cũng hóa hay. Đúng như vậy.

Soạn Giả
Tiết Thanh Minh, Năm Giáp Dần
Tây Lịch nhằm năm 1974

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
20-08-2003, 18:06
CHƯƠNG I

Thế Nào Là Võ Lâm Căn Bản?

Võ học tuy rộng mênh mông như rừng như biển nhưng tựu trung không ngoài Căn Bản Võ Lâm. Người đời xưa thường nói: "Cây Có Cội Nước Có Nguồn" không ngoài đạo lý nhắc nhở học giả một hướng đi vĩnh cửu không bao giờ lạc nẻo. Trăm ngàn ngõ ngách rồi cũng quy nguyên, đứng chỗ gốc mà nhìn thì không còn chỗ nào hay hơn được nữa, ấy là Căn Bản vậy. Học nghề võ truớc nhất phải nắm lấy cái Căn Bản rồi sau đó mới tùy nghi mà nghiên cứu sâu rộng không sợ hóa lòa trước thế lạ, đòn hay của trăm môn ngàn phái võ gia thiên hạ. Đến khi khai môn huấn võ thời có khuôn phép hẳn hòi, môn sinh hậu duệ trăm đời cứ noi đường cũ mà vững tiến, thành quả không thể sai đi.

Ví như người có tài chuyên biệt, khiếu tự nhiên mạnh như Hùm, lanh như Khỉ Vượn... trăm trận không bại mà không thể truyền bá cái Mạnh cái Lanh lẹ khéo léo cho người khác thời không thể gọi là Căn Bản được. Đời trước, đời này và đời sau biết bao nhiêu người có khiếu tự nhiên giỏi một Quyền, một Cước cả thắng nhiều người nhưng rốt cuộc chẳng lưu lại được cho đời một hậu duệ nào. Đó là tại thiếu cái Căn Bản.

Cái Khiếu, Thiên tư của người không thể học được, Cái Căn Bản thì ai ai cũng lãnh hội dễ dàng.

Võ Lâm được tôn vinh là Căn Bản vì ai học cũng được, có luyện, có thành. Thành xong làm thầy thiên hạ, đó là nhờ vào cái Căn Bản chớ chẳng có phép lạ hay Bí truyền gì. Sự tồn tại của Võ Lâm trải qua mấy ngàn năm nay là nhờ vào cái Căn Bản đơn giản của nó vậy.

Thất Thập Nhị Huyền Công

Chữ Quốc Ngữ ta có 29 chữ cái, ai học xong, ráp vần rồi thì làm văn, làm thơ v.v... thể hiện tâm ý không ngoài không khác.

Nghề võ có 72 nét được thân, thủ, cước diêu động ngoạn mục: Đỡ, Gạt, Đấm, Đá, Xô, Đẩy, Đâm, Đánh, nằm, Ngồi, Nhảy Nhót, Lăn Nhào, v.v... Tổ sư sắp xếp khéo khôn những nét diêu động lại thành từng bài theo thứ lớp hợp lý, liên tục, dùng huấn luyện cong người phát triển sức khỏe thể chất và minh mẫn tinh thần, diệt trừ bệnh tật hưởng thọ vui tươi. Bài kết hợp ít động tác thời ngắn, nhiều động tác thời dài có thứ có lớp, danh đặt rõ ràng, từ đó, sau khi học thuộc 72 động tác thời miệng đọc chân đi, thân chuyển, quyền lưu không gì ngăn ngại. Thật là dễ làm, dễ nhớ khó quên. Nhờ thế mà trải qua bao đời truyền lưu vẫn không sờn mất, thiếu sót, trước sau uy nghi không phai không lạt.

Căn Bản Đó Là Bát Tuyệt Pháp Công

Tám pháp phân rành, chỉ rõ để tùy nghi rèn luyện, lưu truyền, gồm:

1- Tấn Pháp
2- Cước Pháp
3- Quyền Pháp
4- Thân Pháp
5- Tâm Pháp
6- Nhãn Pháp
7- Khí Pháp
8- Thế Pháp

Trong tám Pháp có ba Pháp gói trọn 72 động tác huyền công là:

1- Tấn Pháp gồm ba bộ gọi là Tam Tấn, tập hợp 12 môn.
2- Cước Pháp gồm 4 bộ gọi là Tứ Cước, tập hợp 18 môn.
3- Quyền Pháp gồm 6 bộ gọi là Lục Quyền, tập hợp 42 môn.

Tam pháp trên chủ luyện các diêu động hữu hình cho được trọn lành khéo léo, dẻo dai, cường mạnh... để đáp ứng cho Thế Pháp là phần hữu dụng Chiến đấu giữ thân chế phục cường đạo giúp đỡ người lành yếu đuối, cô độc bơ vơ.

Bốn Pháp Thân, Tâm, Nhãn, Khí là phần Tùy luyện để hỗ trợ oai lực cho bốn Pháp trên.

Do đó khi học luyện phải gia công khai hợp tận lực, thể hiện Nhu Cương đầy đủ Lực, Khí trong mỗi đòn Công Thủ Phản Biến. Bao giờ diêu động thật tinh xảo các động tác trong Tam pháp mới học tới Bài Quyền.

Võ Lâm có 18 bài quyền từ thấp lên cao mang danh La Hán. Học hết 18 bài thì Tay Chân linh hoạt phi thường, tùy nghi ứng phó mọi trường hợp; hàng ngàn động tác phối hợp cho nhau mà ứng biến...

Để tiện việc giáo luyện chiến đấu cấp tốc hiệu quả gia tăng cho Thế Pháp, Lục Bộ Thần Công đem ra thực hành để thích ứng: Thượng ngăn, Hạ chân, Đón tiền, Cản hậu, Dương tả, Kích hữu, bao bọc châu thân. Khi học qua 6 hướng đó thì nó làm cho môn sinh phát huy nhớ hết các thế trong bài võ một cách tỏ tường.

Khi Tổ sư đem ra thi thố thí nghiệm rồi bổ khuyết cho thật tinh hoa mới lấy tên vật thọ tạo của Trời đất cũng như những cử động dũng mãnh của thú cầm mà đặt tên cho 72 động tác diêu động trên, cùng các bài võ cũng được đặt thành danh từ đúng theo tánh chất của mỗi bài, đó là mỗi vị La Hán vậy. Thế là Tổ sư đã hoàn thành bộ máy của nghề võ. Cho đến nay, trải qua mấy ngàn năm cái hay Căn Bản Võ Lâm vẫn không có gì thay đổi, nhìn qua từng đường nét của thế võ, bài quyền v.v... không hề thiếu sót một đường tơ kẽ tóc nào. Tuyệt.

Về Tấn Pháp, thời khi Cố Định Nặng Nề Vững Chắc khi Di Động Nhẹ Nhàng, chợt Đông chợt Tây, xuống Nam lên Bắc, khó ngăn khó đón.

Về Thân Pháp, lúc đứng lúc ngồi, lúc nhảy lúc nhào, lúc nằm lúc lăn, khó biết Công hay là Thủ.

Về Quyền Pháp, đôi tay lúc mềm dịu lúc cương mãnh, thượng ngăn hạ chận, đón tiền, cản hậu, dương tả, kích hữu, khó biết là thế gì...

Về Cước Pháp, phóng ra liên tục, đủ bộ, đúng môn, lúc mau như gió cuốn...

Tâm pháp thì An Định, Khí Pháp Trầm Ổn, Nhãn Pháp Tình Tường, Thế Pháp Biến Ảo... khi lâm địch nhất cử nhất động thật phi thường khó nghĩ khó bàn. Bởi thế suốt cuộc đời các vị Cao Tăng trên đường hành đạo đều vững tâm thuận thế đắc quả an nhiên. Người Tục học Võ Lâm cường lực tăng tiến, tinh thần minh mẫn trường thọ an vui phước lộc không thể nói hết.

Ai học được tất cả những điều trên thì được coi là Căn Bản, tức là trước học Thất Thập Nhị Huyền Công gồm Bát Tuyệt Pháp Công, Lục Bộ Thần Công cùng 18 bài La Hán Quyền. Sự chiến đấu đã có Tứ đẳng Công huấn luyện đó là trọn bộ rồi vậy. Khi đã học Căn Bản Võ Lâm thời nhìn đâu ra đó, bất luận Quyền phái nào thế miếng gì cũng không lạ lùng thắc mắc. Lòng lúc đó như trăng tỏ như nước trong, học thêm ngoại môn cái gì cũng mau tinh tấn, dạy lại người cũng mau tinh tấn như mình. Học quyền thuật thiếu căn bản suốt đời dù có học cũng mù mờ, thấy người đấm đá trông không đâu ra đâu, hoang mang hỗn loạn thật chẳng khác chi người mù đi trên bờ vực thẳm chẳng biết lúc nào sa chân gởi thây trong lòng hố sâu, còn nói chi đến việc hướng đạo cho người khác.

Võ Căn Bản là như thế, võ không Căn Bản là như thế người trí lực ai mà không tỏ tường.

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
20-08-2003, 18:42
Chương II

Cách Học Và Cách Dạy Võ Lâm

Giáo Văn cũng như Giáo Võ, muốn cho học trò thông suốt lễ giáo thì phải mổ xẻ bài học cho rõ ràng từng chi tiết một, có như thế thì học trò mới thấu đáo mà ông thầy mới xứng danh. Một thế võ là một bài học, trước giảng, kế thực tập, sau ôn luyện: nhất nhất đều phải thấu triệt mọi khía cạnh mới dạy sang thế mới. Người biết dạy võ cùng người biết học võ cũng đều theo đúng nguyên tắc này mà không có đường lối nào khác. Lại còn phải tùy duyên uyển chuyển cách giảng thì học trò mới hiểu được, vì học trò không đồng một trí, kẻ sáng người tối, kẻ mạnh người yếu, tinh thần thể chất không ai giống ai, bẩm sinh huyết thống tư tưởng không đồng thời chương trình của Tổ Tiên đương trường y theo nói lại làm sao tránh khỏi thiếu xót tai hại.

Xưa cũng như nay, cả hai nghành Văn Võ đều thường thấy hạng THầy chỉ thao thao nói điều học được, định kiến chất ngập lòng, không coi lũ trẻ vào đâu mà cũng chẳng thử xét lại lời mình. Thế nên lớp hậu sinh thường hay ngơ ngác khi Thầy khuất sau cánh cửa trường, ông Thầy thì bực dọc nên gót giày mỗi khi trở bước... Thầy võ đập học trò bào "Ngu", nhưng kỳ thật ông Thầy không biết dạy. Sao chẳng tự biết trách mình? Học trò từ lâu quen thói thụ động. Thầy giảng cứ vểnh tai, há mồm mà trí không phán đoán, tâm để lơ là: đôi khi không hiểu cũng không thèm hỏi... Thế rồi ngày qua ngày, người dạy người học, học rồi lại dạy lại... cũng một cách lơ m ơ. Ấy là chưa biết dạy, chưa biết học...

Riêng nghành võ mà chỉ thế không đúng, phân thế không rành, dạy thế không đúng thì không có giá trị, việc học như thế càng thêm có hại cho thân. Gặp ông thầy như thế tốt hơn nên xin nghỉ.

Bởi thế cho nên ông Thầy theo phép xưa dùng Diễn Cầm Tam Thế làm điều trọng yếu để huấn luyện môn sinh.

Đó là:

- Đệ Nhất Thế: Chỉ Thế

Luyện bài võ tay chân lưu ra là thế thần máy móc, nên phải chi cho biết tay chân diêu động như vậy tác dụng gì? Tên là chi? Sao là sai, sao là đúng. Võ sinh biết được rành rẽ thì khi diễn bài, tập thế, phát chiêu, đẩy chưởng mới đúng tư cách Võ Lâm.

- Đệ Nhị Thế: Phân Thế

Bài võ có thế: Công, Thủ, Phản, Biến, Cương, Nhu, Khí, Lực. Cần phân ra từng loại để biết thế nào là cương đối cương, thế là là nhu áp cương, nhờ thế khi lấy bài võ (bài quyền) lùng đánh đối phương thì biết lựa thế. Công phản kịp thời, đúng lúc theo mọi trường hợp Nhu Cương Khí Lực.

- Đệ Tam Thế: Dạy Thế

Thế võ, có thể đơn giản dễ làm, có thể phức tạp khó khăn, nên phải dạy cho cách thức để làm được những thế khó khăn đúng theo khuôn mẫu. Thường thì Thầy làm cho học trò xem một hai lần, kế học trò diễn lại Thầy nắn chân sửa tay... cho đến khi học trò làm được mới thôi. Khi đầu , trò kiến thức hẹp hòi, nhỡn quang lờ đờ, do đó thầy phải diễn chậm, sau kiến thức học trò kha khá thì Thầy biểu diễn nhanh trò cũng nhận định kịp thời. Đối với học trò trung bình không thông minh lắm, một thế võ Thầy phải diễn đi diễn lại cho trò xem cũng đến 5 lần. Một số ít người thông minh, Thầy đưa cho cuốn sách, giảng qua vài lời trò cũng học hành thăng tiến. Ngày nay người thông minh không ít. Có sách như có thầy luôn bên mình làm văn không hay võ không giỏi?

Ba điều trên áp dụng ngay cùng một lúc theo bài võ hầu khi rồi bài là hoàn tất các điều.

Ba Cách Dạy:

Cách Thứ Nhất: Theo Phật gia Cổ thời, các Thiền sư bắt các môn đồ tập luyện thuần thục tinh hoa 72 thế Căn Bản trước sau mới dạy các bài bản.

Cách Thứ Nhì: Theo Vương Triều (Ở KINH ĐÔ THÀNH THỊ CON NGƯỜI MUỐN CÁI GÌ CŨNG MAU) Thì tập ngay bài võ ( CÁC VỊ GIÁO ĐẦU DẠY), hết bài này tập qua bài khác. Và ôn luyện cho thật tuyệt kỹ, sau khi học hết chương trình của triều đình thì chờ ngày ra thi chiếm bảng Trạng nguyên, Tiến sĩ...

Cách Thứ Ba: Còn học theo Đạt-ma là dung hòa Vương Triều lẫn Sư sãi cho tiện viện tu hành, tiện bề thi cử. TỨc là lấy bộ máy nghề võ ra trích lấy các thế tối cần trong Lục Bộ Thần Công học trước khi khởi dạy. Tùy theo số môn sinh ít nhiều bắt đứng hai hàng đối diện nhau tập bộ Thương Quyền, rồi đến bộ Hạ Cước, tổng cộng là 28 thế luân phiên đánh đỡ 6 phía thượng, hạ, tiền, hậu, tả, hữu. Tập cho quen cử động tay chân rồi đem bài võ ra dạy. Ban đầu dạy từ thế một, chỉ rõ, phân rành, dạy đúng rồi bắt tập Độ Một: chậm chậm, chuyển gân vận khí đánh cho mạnh đủ thì giờ ngắm xem đúng sai. Xong tập sang thế thứ hai. Khi thuộc hết bài bắt đầu tập sang giai đoạn hai hay là Độ hai: tập mau, đánh nguyên bài, đánh mau, đánh mạnh, đều đều nhịp bộ. Tập cho đến khi nào thấy Thân, Bộ vững chắc, quyền cước nhanh vững rồi thì cho đấu bài. Mỗi hai võ sinh làm một cặp mang bài võ ra dùng đánh nhau, trước chậm sau mau, ẩu đả kịch liệt. Sau đã thuần phục thì cả nhóm đánh nhau không phân biệt bạn thù mạnh ai nấy đánh gọi là loạn chiến, miễn sao Công đuợc người, Thủ được mình đừng cho bị thương tích là được... Cứ đấu nhau cho quen đòn dạn thế rồi mới bắt đầu cho đấu nhau từng cặp một đầy đủ Công, Thủ, Phản, Biến liên chuyển năm sáu thế một lúc gọi là liên thủ, liên công. Cứ như học được bài nào là luyện bài nấy. Luyện cho tuyệt kỹ kỳ công cực kỳ tinh xảo là được. Kế học bài khác.

Bài võ không có mức cùng, ai khổ công luyện tập thì phát chiêu, đẩy chưởng oai lực tuyệt vời hơn người kém tập luyện. Người xưa biết ít luyện nhiều, người thời nay biết nhiều luyện ít nên sự thành công có khác nhau là vậy. Còn so bề thắng bại thì nghề võ người đồng tài sức với nhau ai mưu cao thời thắng. Người tầm thường gặp hàng hữu luyện mựa phải bàn, lẽ tất nhiên hạng vô luyện, bao giờ cũng làm trò cười cho thiên hạ. Mà đời người hạng vô luyện, bất học, thô tục không đâu là không thấy nghểo nghếnh la cà. Người hữu luyện đắc học thấy chúng ngoảnh mặt làm ngơ. Ôi, đời trước khác chi đời nay, đời nay khác chi đời sau. Rồng Rắn một nhà tâm tư tránh sao khỏi điều phiền lụy.

Kết Luận:

Ông Thầy biết dạy Diễn Cầm Tam Thế, biết áp dụng một trong ba cách dạy trên thfi lo chi học trò không bằng thầy. Biết mà thực hành đúng thời trăm tuổi rồi đâu còn chi ấm ức. Các bực Thầy xưa thường vui âu là thấu lẽ hết rồi vậy. Còn Thầy nay? Ta nay?...

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
20-08-2003, 22:53
Chương III

Bộ Máy Căn Bản Võ Lâm

Trước đã nói sơ qua cái hay, cái dụng của Bộ Máy Nghề Võ mà trước đó nữa tức trong cuốn Thất Thập Nhị Huyền Công và Thập Bát La Hán Quyền được in ra năm 1971 đã diễn tả đầy đủ về bộ máy này. Duy thời đó chưa nói là cái dụng (phân thế) chân thật của nó mà chỉ biểu diễn phần hình thức bên ngoài thôi. Dù không nói (phân thế), nhưng nhiều vị võ gia đã biết rất nhiều, và biết phải làm gì, vì đời nay người cầu học là người hầu hết đều có nhiều luân kiếp tu hành nên rất thông minh.

Chương này cũng chưa phân thế từng nét trong bộ máy nghề võ, mà chỉ ôn nhắc lại từng bộ một cho học giả nhớ thôi để sau đó nghiên cứu tới phần sau... là phần chánh yếu, khúc mức của cuốn sách này, khi học giả đã thuần chân tay không quên 72 thế căn Căn Bản thời mới lãnh hội được điều mà soạn giả sẽ bàn đến, do đó phần này cũng có cái hay, không phải thừa. Còn quý học giả bất chợt chưa kịp nghiên tập cuốn Căn Bản trên đọc tới phần này thấy mình chưa đủ biết cũng không trách soạn giả mà nên tìm cuốn sách giáo đầu tuồng đó học rồi hãy đọc tiếp những điều sắp tới. Cái gì cũng có ngàn nghi, trước sau...

Mời học giả ôn lại Tam Pháp Võ Lâm:

I- Bộ Pháp:

Bộ pháp gồm Ba bộ tấn, Thượng, Trung và Hạ bộ tấn gọi là Tam Tấn.

A- Thượng Bộ Tấn: gồm có ba môn tấn:
1- Lập tấn
2- Hạc tấn
3- Độc hành vũ tấn

B- Trung Bộ Tấn: gồm có năm môn:
1- Trung bình tấn hay Kỵ mã tấn
2- Đinh tấn
3- Chảo mã tấn
4- Xà tấn
5- Âm dương tấn

C- Hạ Bộ Tấn: gồm có bốn môn:
1- Qui tấn
2- Hạ mã tấn
3- Xà tạ tấn
4- Ngọa tấn

II- Cước Pháp:

Cước pháp gồm có bốn bộ: Tiền cước, Hậu cước, Hoành cước và Phi cước, gọi chung là từ cước.

A- Tiền Cước: gồm 9 môn:
1- Độc tiêu cước
2- Kim tiêu cước
3- Thiết tiêu cước
4- Long thăng cước
5- Bàng long cước
6- Đảo Sơn cước
7- Tảo địa cước
8- Tảo phong cước
9- Lôi công cước.

B- Hậu Cước: gồm 3 môn:
1- Hổ vĩ cước
2- Câu liêm cước
3- Nghịch mã cước.

C- Hoành Cước: gồm 3 môn.
1- Đảo ngoặc cước
2- Lưu vân cước
3- Song phi liên hoàn cước.

D- Phi Cước: gồm 3 môn:
1- Thăng thiên độc cước
2- Đồng tước song phi
3- Song phi hồ điệp.

Tổng cộng tứ cước gồm 18 môn đá không hơn không kém gói ghém tất cả các diêu động của đôi chân. Khi thuần thục

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
20-08-2003, 23:20
châu lưu như rồng cuốn, cọp vồ... muôn phần dũng mãnh thật vô phương định liệu, đón ngừa. Riêng các ngọn Độc tiêu, Kim tiêu, Thiết tiêu, Long thăng, Đảo sơn, Tảo phong, Lôi công, Lưu vân cước đều có thể luyện thành Phi cước sau khi đã dá tinh hoa ở dưới đất. Đó là những thế biến không được coi như một môn chánh yếu. Khi tập từng thế rời rồi kết hợp với nhau đá thành liên hoàn, liên tu bất tận không thể diễn tả cho hết được. Người đời nay ít am hiểu lý thuyết chánh tông nên nghe mấy hãng chớp bóng (CINÉ) quảng cáo nào là Tam cước, rồi có người muốn hơn tài tử Tàu bèn bày ra Tứ cước, sau Tàu nghe được lại bày ra Thất cước, v.v... Người học Võ Lâm vỡ lòng cũng đủ đá tới Thập Bát Cước, tức là đá liên tục 18 thế đá căn bản vừa học trên, nếu người kha khá đá tiên hoàn thì tới Bách cước cũng chưa thấy mỏi. Trong bài Cửu Khúc Liên Hoàn Quyền có 82 thế đá, đó là bài Đại La Hán dành cho hạng Cao học có sức vóc luyện tập, người ốm yếu chẳng nên luyện tập. Việc đánh võ trong phim chớp bóng do các tài tử đóng trò thì mười phần có ba phần thực mà tới bảy phần không phải như vậy, các pha (MÀN) ly kỳ khéo léo, đốp chát, nhào lộn, phi thân, v.v... đều do xảo thuật của nhà quay phim, cắt ráp phim mà có. Chớ thật ra trình độ võ công của các TÀi tử (NGƯỜI ĐÓNG TUỒNG) không được như vậy. Người võ sinh Võ Lâm cố công luyện tập thì việc kỹ thuật diễn xuất trên màn ảnh không có gì khó khăn. Ngày nay tại Việt Nam có nhiều người hay hơn trong chớp bóng bên Hồng Kông.

III.- Thủ Pháp:

Thủ pháp có sáu bộ cả thảy: Bộ Thủ Chỉ, Bộ Hùng Chưởng, Bộ Phượng Dực, Bộ Thôi Sơn, Bộ Cương ĐAo, Bộ Tuyệt Quyền (Bát Tuyệt Môn Quyền).

A- Bộ Thủ Chỉ: gồm 5 môn:
1- Tứ chỉ dương hầu
2- Song chỉ thu châu
3- Tam chỉ thần ưng
4- Độc chỉ cương dương
5- Ngũ chỉ thu đào

B- Bộ Hùng Chưởng: gồm 5 môn:
1- Thần thông thượng chưởng
2- Mãnh công độc chưởng
3- Âm dương pháp chưởng
4- Song long thần chưởng
5- Lôi công hạ chưởng.

C- Bộ Phượng Dực: gồm 7 môn:
1- Phượng dực ẩn long
2- Phượng dực Loan đài
3- Phượng dực thần xa
4- Phượng dực Kim Chung
5- Phượng dực bạt hổ
6- phượng dực bạt phong
7- Phượng dực hoành phong.

D- Bộ Thôi Sơn: gồm 8 môn:
1- Thôi sơn cổn cầu
2- Thôi sơn tả chi
3- Thôi sơn hữu dực
4- Thôi sơn ưng trảo
5- Thôi sơn lộng tiền
6- Thôi sơn khắc thủ
7- Thôi sơn khóa hậu
8- Thôi sơn bán hạ

Đ- Bộ Cương Đao: gồm 9 môn:
1- Cương đao trảm thạch
2- Cương đao phạt mộc
3- Cương đao lia cành
4- Cương đao khai vị
5- Cương đao sát thích
6- Cương đao diệt khí
7- Cương đao khai môn
8- Cương đao phạt thảo
9- Cương đao trảm xà.

E- Bộ Tuyệt Quyền: gồm 8 môn:
1- Hoạch sa hạ quyền (nếu mở bàn tay ra gọi là Cương Đao Hoạch Sa)
2- Bình phong bạt quyền
3- Điểm thủy thủ quyền
4- Âm dương song quyền
5- Xà hành nhuyễn quyền
6- Kim báo đảo quyền
7- Hổ trảo giáng quyền
8- Giao long khắc quyền.

Tất cả Thủ Pháp gồm 42 môn, gồm chung 18 môn Cước Pháp và 12 môn thuộc Bộ Pháp thì tròn 72 môn. Ấy là Thất Thập Nhị Huyền Công hay 72 thế Căn Bản Võ Lâm, không dư không thiếu, cổ kim nhân loại thường xuyên học luyện cho đặng tinh hoa, trước kiện thêm sức, khỏe trí, dưỡng thần, sau khéo léo tay chân tự vệ hữu hiệu cá nhân ngoài ra tùy cơ giúp đỡ người yếu nhược tạo điều công đức vô lượng.

Đây là CĂn BẢn võ học Thiền Gia, trọng tâm không chỗ vọng động, bởi thế dù quyền thế có quơ múa, chân có nhảy nhót, thân có lăn nhào nhưng tâm luôn luôn yên trụ, khí luôn luôn trầm ổn nhẹ nhàng khinh linh. Mỗi động tác tập ra niệm tâm hóa giải đòn thế hiểm ác hung hăng của kẻ mê lầm, chớ không chủ đánh, chủ giết một cách tận tình như người thù địch. Đối với Thiền gia không có ai là thù địch mà tất cả là chúng sanh, sở dĩ chúng sanh có ác tâm vì mê lầm và người thông sáng (NGƯỜI HỌC VÕ NHÀ CHÙA) phải niệm tâm cứu độ cho chúng mau lìa ác về thiện. Khi tâm nghĩ điều thánh thiện, đón thế sẽ tự nhiên quảng đại bao trùm chế phục đối phương, sau cùng ngón võ La Hán là liều thuốc cho người bệnh chớ không phải ngọn roi quất đứa bạo tàn. VẬy người luyện, (học giả) nên quan niệm tới khi luyện đến các đòn thế trong môn võ học Phật Gia này. Cùng thế võ này kẻ ác vọng tâm hiếu sát, thì nhứt cử nhứt động đều có thể giết người, sát nghiệp trùng trùng, biết bao giờ thảnh thơi. Chưa đánh trúng người, miễn nghĩ đánh chết người trong miếng võ thực tập cũng mang tội nghiệp. Học giả hãy khéo giữ mình.

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
20-08-2003, 23:41
Chương IV

Mười Tám Bài La Hán Quyền

Võ Lâm vỏn vẹn có 18 bài La Hán không hơn không thiếu, đó là những kết hợp từng nhóm động tác thế căn bản với nhau một cách khôn khéo tinh vi chủ huấn luyện cho người học tiến bộ đều nhịp không ngừng vượt mọi thời gian, bất luận tuổi tác. Học hết 18 bài ví như cây tới lúc kết trái, lúc đã trổ bông, ví như gà trống đủ mồng đủ cựa trổ mã gáy vang, như chim cu cườm bao đầy cổ, như cọp đã đủ vân ưng sắc... nghĩa là mọi sự khéo léo về thể chất đều đã học hết rồi không còn gì phải học nữa, chỉ còn ra đời học thêm kinh nghiệm; kinh nghiệm sống ngoài đời bao giờ cũng mắc mỏ, người học nghề dù có khéo khôn kỹ thuật đến đâu mà vụng dại trong đời cũng không thể bảo toàn danh dự, khí tiết và sinh mạng. Xưa nay không khác, chỉ khác bối cảnh, hình thức mà thôi. Người bản chất không đuợc minh mẫn mà giỏi kỹ thuật thì tốt hơn nên tìm một kiểu chùa tu dưỡng thân tâm chờ vận hội khác, xông xáo trong đời rất đỗi phiền nhiễm. Miếng cơm manh áo rồi cũng một đời, phủi đít mà đi đâu mang theo được gì vào lòng đất...

Cũng rất may, người ngu ngờ thì chẳng mấy khi là người hay võ, thế cho nên người hay võ là những người thức thời vụ, mà thức thời vụ thì việc lo túi thịt hôi tanh này (thân xác) không làm họ phân tâm mất đức. Kẻ sĩ như thế dù chân đi ngoài đời nhưng tâm để ở cửa Phật thì còn lo chi chẳng được an nhàn.

Còn kẻ ác tâm (TIẾNG ĐỜI BÂY GIỜ GỌI LÀ MA GIÁO TỨC LÀ NGƯỜI KHÔNG LƯƠNG THIỆN) thì dù có nhất thời phát uy được chút ít kiến thức thắng lợi vài người thiên hạ, gây nhiễu loạn làng nước thì rồi chính cái khả năng gây ra tang tóc cho người đó sẽ có ngày trở lại với kẻ ác tâm, việc này giống như người mại bản, đưa ra món vốn nhứt định khi thu về thì cả vốn lại có lời. Kẻ ác tâm như bầy rắn độc ngày đói chúng sẽ ăn nhau, khi đói một mình thấy đuôi ngoe ngoe tưởng kẻ khác, đớp lấy, nuốt vào. ma giáo tự ăn nhau là như vậy. Có quây quần mà rất buồn tẻ, có đông đảo mà rất cô đơn, có cười nói mà rất buồn khổ, mặt hớn hở mà bụng lo rầu chi xiết... Của phương tiện lớn đều là của lừa dối không là nguồn hạnh phúc, người đạt lý chẳng chút để lòng.

Tài nghệ người ác tâm học được giống như kẻ cướp dắt dao bén hai lưỡi trong mình không bọc võ, nghĩ gặp biến dễ mau rút dao giết người, nhưng một phút không may vấp chân, chạm vật... dao bén tự đâm chết hắn rồi.

Hiểu đuợc lý trên không ai ham làm điều ác, kẻ ác tâm mau sớm quay đầu, người hành thiện vững tâm tích đức. CŨng rất diệu kỳ trong lãnh vực võ nghệ kẻ ác tâm thường không học lên cao được, không tài giỏ thật mà thường chỉ có ít tài cộng thêm trá ngụy, mưu sĩ... trong các lãnh vực khác cũng ngoài lý ấy.

Về La Hán Quyền, 18 bài chia làm hai pho, một mang danh Tiểu Môn La Hán, một mang danh Đại Môn La Hán. Sở dĩ mang danh La Hán vì môn sinh học tới, thuần thục pho võ công này thì sự hiểu biết về võ học đã viên mãn, giống như học Đạo đạt thành Tư Quả Thanh Văn, A La Hán là quả tối hậu, sự gọt rũa bản thân đã rốt ráo rồi, chỉ còn thấp hơn ngôi vị của Phật mà thôi. Nói cho dễ hiểu là pho quyền dạy người sáng tỏ về đạo võ đến chỗ tột cùng của lý võ không chỗ tiến tới được nữa. Học hết Tiểu La Hán thì sức hiểu võ cũng tiểu ít thôi, lên hết Đại La Hán thì tài năng mở rộng như qua sông mà đã đến bờ. Người học võ có căn duyên hết Đại La Hán thì mới đáng mặt Đại Trượng Phu, mà Đại Trượng Phu ngẫm có mấy người. Nhưng nói là nói vậy chớ không phải ai học hết La Hán Quyền đều cũng đáng mặt trượng phu, mà cũng có kẻ học hết rồi đâm ra trở thành Thất phu, mạt lưu đê tiện. Đây là trường hợp Chó mặc áo gấm, Ngợm ngồi xe, gặp trường hợp này không thể trách môn võ được.

Trong sách La Hán Quyền xuất bản năm 1971 chỉ in có 14 bài, nay soạn giả mạn phép thỉnh cầu Sư Phụ THiền Sư Thiện Tâm cho in đủ 18 bài để lưu bổn về sau hầu khỏi sự mất mát, thất bổn. Kỳ dư mấy mươi năm nay chỉ có Tứ Vị Sư Huynh Đệ của soạn giả ở tại đất Sài Gòn, Gia Định này lưu luyện đầy đủ quả vị 18 bài La Hán, riêng ở miền Tây nước Việt còn Bát Vị ĐẠi Sư Đệ của soạn giả cũng lưu bổn. Ngoài Thập Nhị ĐẠi Môn Đồ Võ Lâm Chính Tông không còn ai đủ căn duyên lưu bổn, cũng như không có ai được Ấn CHứng Công Phu THực Học. Hàng vạn Sư đồ và Sư điệt mấy đời của soạn giả cho đến nay, năm Giáp DẦn 1974 cũng chưa luyện hết 10 bài La Hán. Từ đây trở về sau Thập Nhị Sư Huynh Đệ của soạn giả không còn là người độc quyền giữ bổn của Tổ sư, mà quý học học khắp Thế Giới đều có phận sự giữ bổn cho khỏi thất truyền. Sự ôn luyện thường xuyên võ La Hán là hình thức Cúng đường Phật pháp, là tắm gội thể xác và tâm hồn, một cách suy tư chân lý. Chúng học giả đệ tử hậu học trong giờ luyện tập hãy dành một phút tưởng nhớ ơn Tổ Sư, Sư Tổ các đời đã giữ bổn để ngày nay bổn cũ đến tay mình. Sự tưởng nhớ ơn đức Tiền nhân là một ngọn đèn soi sáng, khai mở những điều thiện trong lòng chúng ta đó. Hiểu lẽ ấy thì chính mình không phải là kẻ ác, ngược lại nên sớm sám hối kẻo thân đã ở chỗ địa ngục rồi. Kẻ vong ân, bất hiếu, bội nghĩa, bỏ gốc, quên nguồn thì mảnh đất nào người ấy để chân tới cũng biến thành địa ngục. Nếu sớm biết hồi tâm lìa ác, hướng thiện thì ngủ thức giấc đã thấy thiên đàng. Niết bàn trước mặt.

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
21-08-2003, 00:50
Thiên đàng, Niết bàn thực tại chớ đâu xa mà đợi chết mới cầu Phật độ, Chúa rước. Tưởng tượng ra thì nó như đỉnh núi cao, muôn đường đều đi đến đỉnh cớ chi cứ phải cầu TĂng Ni, Tu Sĩ, v.v... Luyện La Hán Quyền, Tu rèn Nội Công cho thần trí khinh linh, thì mỗi bước chân ta là mỗi bước dẫm lên hoa cỏ miền thượng giới mà người đời thường phóng tưởng cầu nguyện. GẦn trong gang tấc mà xa nghìn trùng là ý nghĩa như vậy, lời Phật dạy: bể khổ mênh mông quay lại thì thấy bờ. Ý đã lộ, lời đã cạn sao bậc trí giả còn ngồi đó chưa đi?

Đại khái giáo đầu chương này là như vậy đó, La Hán không phải là u tối vô luyện, bất học mà thành, người biết lý ấy thì đã tức thời quải gói khởi hành rồi đâu còn nằm dài nói chuyện tào lao. Mời học giả thử đường La Hán.

Tiểu Môn La Hán

Tám bài Tiểu Môn La Hán dùng huấn luyện hạng Sơ cấp tức người mới học nghệ. Sau khi học thuần 72 thế căn bản thì bắt đầu học các bài quyền. Hoặc giả học xong Lục Bộ Thần Công 28 thế thì bắt đầu luyện tới bài La Hán, sau đó dần dà học thêm các thế căn bản còn lại... Thời gian để học hết 72 Thế Căn Bản và 8 bài Tiểu môn La Hán tối thiểu là một năm dành cho trường hợp môn sinh là người thông minh và có sức khỏe thiên phú, kỳ dư tới một năm rưỡi là trung bình, và hai năm cho các môn sinh bẩm sinh không được khỏe mạnh và kém trí hóa.

Các bài Tiểu môn La Hán có số động tác tối thiểu là 20 và dài nhất là 27; trừ hai bài Lôi Công và Lực Công không đấu, co nf các bài khác thì sau khi luyện xong ráp thành từng cặp thực tập đấu nhau cho quen đòn dạn thế. Nhờ đấu luyện quen từ những ngày đầu mà khi lên hàng TRung đẳng môn sinh đã đủ sức dạn dĩ và chịu đựng được những kỹ thuật mới nặng nề, tinh xảo hơn.

Tám Bài Tiểu Môn Gồm:

1- Mê Tông La hán - 20 động tác
2- Kim Cang La Hán - 21 động tác
3- Lôi Công La Hán - 27 động tác
4- Lực Công La Hán - 24 động tác
5- Khí Công La Hán - 24 động tác
6- Môn Tinh La Hán - 23 động tác
7- Pháp Thân La hán - 22 động tác
8- Công Cứ Liên Châu La Hán - 25 động tác.

Bài Mê Tông đấu bài Môn Tinh
Bài Kim Cang đấu bài Pháp Thân
Bài Khí Công đấu bài Công Cứ Liên Châu

Giáo đầu hoặc Võ sư huấn luyện môn sinh tùy nghi lựa chọn bài bản để huấn dạy, sao cho thích hợp thì được. Ví dụ môn sinh A học bài Mê Tông, môn sinh B học bài Môn Tinh. Khi hai bên thuần thục thì cho ra đấu nhau. Khi đấu ai lo giữ phận nấy, nghĩa là lo đánh bài quyền của mình một cách đúng mức thì được. Khởi đầu cả hai môn sinh A bà B đứng đối diện nhau khoảng cách người này đưa tay thẳng chạm vai người kia là đúng. Rồi theo lệnh Võ sư, hai môn sinh Bái Tổ, kế đếm:

"Một"

A- Chân phải đá tới ngọn Thiết tiêu
B- Lui chân trái về sau, tay phải chém xéo tới thế Cương Đao phạt Mộc trúng cổ chân đá của A...

Võ sư đếm tiếp: "Hai"

B- Tay trái đập tới A ngọn Bình Phong Hạc Quyền...
A- Tay phải khoát đỡ ngón Kim Báo đồng thời phản bằng Mãnh Công Độc Chưởng tay trái... trong lúc chân phải dặt xuống trước thành tấn Đinh...

"Ba"

B- Tay phải móc lên ngọn Ưng Trảo trúng cổ tay trái đấm ra của A.
A- Thu tay trái về, tay phải khắc xuống cổ tay B thế Thôi Sơn Khắc Thủ.

"Bốn"

B- Hóa giải xong, B thò tay trái bốc tới trái tim A miếng Ngũ Chỉ Thu Đào.
A- Xoay hông nghịch chiều kim đồng hồ hóa giải miếng Ngũ Chỉ cho bốc trượt qua bên, đồng thời chỏ trái A đánh ngọn Phượng Dực Hoành Phong vào nách trái (be sườn) B...

"Năm"

Rồi tiếp tục B đỡ bằng ngọn Kim Báo tay trái, chém Trảm Xà ngang Hông A, A bèn xoay hông trở lại chánh diện đối với B, hai tay quặp xuống thành thế Giao long bẻ tay B... B rút tay về thì...

A đá Bàn long tới bằng chân trái ngay hông B, giựt gối trái về hướng phải thành ngọn Độc Tiêu đỡ cú đá của A...

Cứ thế, kẻ đánh người đỡ, rồi đánh lại, bên Công bên thủ phản rồi lại Công, v.v.. cho đến hết bài thì dừng để bắt đầu tập lại. Ban đầu làm chậm chạp từng đòn, ngừng nghỉ để Công Phản đôi bên kịp thời nhau, sau làm nhanh, tay chân lưu ra vùn vụt, đụng chạm bốp-chát, tay châu chân tay mà thân không trúng đòn... như vậy là được rồi, tập sang bài khác.

Nhưng để hai bên dễ đấu thì cả hai phải thuộc bài bản của nhau, tức hai người cùng thuộc bài nhau. Nếu khi đấu mà chưa thuộc, đấu vài mươi lần tự nhiên thuộc. Rồi sau đó luân phiên thay bài đấu nhau. Đợt Một A đánh bài Mê Tông thời B đánh Môn Tinh, đợt hai đổi lại... Đấu quen, chân tay linh hoạt lạ thường, ứng biến đúng khuôn đúng phép.

Bài Kim Cang và Pháp Thân

A- Đánh bài Kim Cang, chân phải tiến lên đánh Song Long Thần Chưởng.
B- Đánh bài Pháp Thân, lùi chân phải hai tay banh ra thế Cương Đao Khai Môn.
B- Đá tới bụng A ngọn Thiết Tiêu Cước bằng chân Phải
A- Hai tay đỡ tréo xuống trước hạ bộ bằng thế Lôi Công Hạ Chưởng... trúng cổ chân B...
A- Tay trái đấm tới mặt B, Mãnh Công Độc Chưởng...
B- Tay phải móc lên Thôi Sơn Ưng Trảo, Cổ tay phải chạm cổ tay trái.
A- đỡ bạt tay này ra thì đầu Ưng TRảo đánh tới Cằm A rồi, đó gọi là trong thủ đỡ có công.

Rồi cứ như thế mà hai bên Công phản... tưởng không có chi là khó lắm. Hễ bên này Công thì bên kia đỡ rồi Phản lại, kế tiếp bên kia đỡ rồi lại phản công... cho đến hết bài.

Bài Khí Công và Công Cứ Liên Châu

Bài Công Cứ Liên Châu khởi Công trước bằng thế Độc Chỉ Cương Dương, Bài Khí Công đỡ bằng thế Âm Dương Pháp CHưởng. Khi đỡ phải xoay mình như vẽ một vòng cung ngắn. Kế đó Công Cứ Liên Châu tiếp Cương Đao Sát Thích, Khí Công đập xuống Bình Phong Hạc Quyền, Công Cứ công Song Chỉ Thủ Châu, Khí Công đỡ THôi Sơn Khắc Thủ, Công Cứ đá Hổ Vĩ, Khí Công chém xéo lên Cương ĐAo Lia Cành... tiếp theo... Hai bài này đặc biệt Công Cứ Công nhiều và Khí Công Thủ đỡ phản nhiều hơn.

CHÚ Ý: Điều quan trọng ở bài đấu, đấu bài là hai bên công thủ nhịp nhàng liên tục, cốt làm sao đòn thế tung ra đúng cách đúng môn, công phản, đòn đỡ cũng như đánh đá đều ăn khớp với nhau đừng để cho mình bị trúng đòn đối phương là được. Nói thì rất dễ, đọc thấy cũng dễ nhưng khi hai bên thực nghiệm thì cần sửa đổi từng li từng tí những nét diêu động theo từng góc độ v.v... thế mới hoàn hảo được. Ban đầu không thể nào tránh khỏi, lộn xộn trúng phải đòn nhau, vì đỡ không kịp lúc, đánh không đúng thời v.v... nhưng thực tập vài ngày thì đánh rất ăn khớp.

Khi học được cả sáu bài đấu thì kết hợp với nhau mà đấu, hết bài này đấu tới bài kia, xoay theo ý tưởng, đấu ngoài trăm thế không ngừng, không nghỉ, khi ấy thì 6 bài võ coi như đã thuần thục rồi vậy.

Sau hết là muốn tiến bộ mau trong quyền thuật La Hán không gì hay hơn tập nhiều, tập kỷ và suy nghĩ về cái dụng của từng thế quyền. Lâu ngày nhập tâm thì quyền thức nào diễn qua mắt đều biết sự hữu dụng của nó không có hoang mang như người mới học. Tập Đấu Bài là dạy người ta cái hay đó.

Khi tập thuần thục tinh hoa rồi thì 6 bài này, hai cả thảy 8 bài đều có thể mang ra đấu với đối phương, vì đã thuần thục, quyền đã nhập thần nên quyền thế bổ khuyết cho nhau tùy nghi đem bài nào ra Công Phản cũng được kết quả tốt đẹp. Dùng chỗ thiếu bù chỗ thừa, công thủ đều có khuôn phép, thắng lợi không thể ở người khác được.

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
21-08-2003, 15:35
Đại Môn La Hán

Pho Đại Môn La Hán gồm 10 bài, dùng huấn luyện môn sinh từ TRung Đẳng lên Cao ĐẲng và Thượng ĐẲng. Trung Đẳng học bốn bài, Cao và Thượng Đẳng học sáu bài, không kể các môn binh khí phụ thuộc và phần lý thuyết khác...

Trung Đẳng Học Các Bài:
1- La Hán Ngũ Hành - 43 động tác
2- La Hán Hùng Quyền - 37 động tác
3- La Hán CƯơng Quyền - 32 động tác
4- La Hán Hoa Quyền - 76 động tác.

Cao Và Thượng Đẳng Học Các BÀi:
1- la Hán Khinh QUyền - 36 động tác
2- La Hán Ngũ Môn Quyền - 44 động tác
3- La Hán Lôi Trận Quyền - 41 động tác
4- La Hán Mai Hoa Quyền - 64 động tác
5- La Hán Long Môn Quyền - 31 động tác
6- La Hán Cửu Khúc Liên Hoàn Quyền ...

Riêng bài Cửu Khúc, cho đến nay THiền SƯ Thiện Tâm Sư phụ vẫn chưa nhớ ra 3 khúc sau cùng, nên soạn giả chỉ chép lại đây 6 khúc mà thôi. Nghe SƯ Phụ diễn tả thì bài Cửu Khúc này có cả thảy 81 thế đá, tức bài chuyên luyện kình lực đôi chân, dùng huấn luyện những người có thân thể to lớn, sức mạnh hơn người. Có lẽ vì sư phụ tầm vóc trung bình nên khi còn tu học với Mộc Đức THiền SƯ Tổ, Thiền SƯ sư phụ không mấy quan tâm nên bây giờ chúng ta mới bị thiệt thòi... Trong 108 thế quyền còn ghi lại được gồm 6 khúc có cả thảy 48 đòn đá. Rất tiếc. hy vọng một ngày đẹp trời nào đó THiền SƯ hoắc nhiên nhớ lại thì hay vô cùng.

Một việc mà soạn giả cũng xin bày tỏ cùng quý học giả là nguyên vì quá vội vàng vâng mệnh bậc Sư Phụ nên trong cuốn sách La Hán Quyền in năm 1971 đã có sơ xuất rất nhiều, khi in xong soạn giả mới nhận thấy thì không còn cách nào cứu vãn được nữa... Ngay ở phần Chương Trình Trung Đẳng và Cao ĐẲng đã ghi sai mấy bài quyền... CÙng nhiều chỗ sơ xuất về kỹ thuật khác dù cho dùng nhiều trang đính chính cũng khó được như ý. QUý học giả xin biết cho việc gì gấp gấp cũng có chỗ bất toàn mà niệm tình thì soạn giả rất đổi cảm ơn. Để bổ khuyết lại điều không chu đáo đó, soạn giả quyết tâm khởi công thu thập nhiều tài liậu kim cổ liên quan đến La hán Quyền để kịp thời soạn lại một pho sách về La Hán đầy đủ các chi tiết kỹ thuật, lý thuyết, v.v...

Còn ngay cuốn sách quý học giả đang cầm trên tay đây dù soạn giả đã đem hết tâm tình ra biên khảo nhưng cũng chưa thể nói là toàn vẹn đuợc vì số trang của cuốn sách quá đổi hạn hẹn (ít) nên có nhiều vô số vấn đê chưa được diễn bày. Nghĩa là cuốn sách này chỉ nói được phần khái lược về Phân Thế La Hán Quyền tuy rằng phần 8 bài Tiểu La Hán soạn giả đã mở ra cho học giả mới nhập môn biết lối thực hành cách đấu bài... nhưng thật ra phần Trung và Cao đẲng, những bí quyết tối hậu để luyện thành Khí Lực... chưa phổ biến được trong cuốn sách nhỏ bé này một cách rành rẽ. Mặc dù thế, soạn giả sẽ cố gắng nói lên phần khái niệm về cách thao luyện về các bài quyền để học giả thông minh có thể từ đó thấu đáo điều bí ẩn tàng chứa trong mỗi bài quyền hầu có luyện tập thành công viên mãn.

Một điều soạn giả xin thưa thêm là những điều kỹ thuật ghi trong sách này soạn giả đều giữ nguyên ý của THiền Sư Sư phụ, soạn giả chẳng dám thêm thắt.

Một điều sau cùng soạn giả xin đính ước cùng học giả là trong thời gian tới soạn giả sẽ nhất định hoàn thành một pho La Hán Quyền đầy đủ nhất, chi tiết tinh vi nhất, gọi là một trong bốn pho sách để đời mà soạn giả biên khảo với tất cả sự quyết tâm. Sách mang tên Võ Lâm Chân Kinh, với quyển sách này khi nghiên cứu xong chắc chắn học giả sẽ hài lòng. VẠy soạn giả cũng không còn ray rứt trong lòng khi sách được phát hành như những cuốn nghiên cứu thiết sót từ trước đến nay.

- Ba cuốn để đời còn lại là 1 cuốn biên khảo phẩm bình về môn võ Ngoại quốc cận đại. Cuốn sách này giúp ích cho môn sinh học giả Cao Đẳng nghiên cứu để hiểu biết những điều cần biết của người học võ ở trình độ Cao Đẳng và THượng Đẳng, đó là phần nghiên cứu về Ngoại Môn thời nay vậy.

- Cuốn để đời thứ hai biên khảo về các trận lưu võ học Trung Quốc, một biên khảo giúp kiến thức lý thuyết và thực hành một cách đầy đủ nhất cho quý học giả muốn tham cứu tận tường về võ học Trung Hoa. Cuốn đó có lần soạn giả đã giới thiệu với học là cuốn THiếu Lâm Quyền TỰ Điển.

- Cuốn sau cùng là cuốn viết võ nước nhà, võ cổ truyền hay võ dân tộc, võ Việt nam, võ Quê hương ta... một thứ võ mang thuần tính kỹ thuật rặt Việt của Ông Bà xưa truyền lại. Cuốn sách này là một Công trình sống động và khổ nhọc, vì soạn giả đã phải vân du tham kiến tất cả quý vị Võ sư lão thành, các hàng Trưởng lão khắp ba miền Việt nam... kể cả việc nhờ các giáo sư chuyên môn về Khảo cổ học, SỬ gia... để hội đủ yếu tố . Việc tính một cách chân chính trong tác phẩm. Hiện soạn giả đang sao lục các tài liệu tại Viện Khảo Cổ, Bảo tàng viện. Soạn giả cũng đang nhờ người có phương tiện, thẩm quyền sao lục các tài liệu liên hệ tại các Bảo tàng viện, Viện Khảo Cổ. Thư viện của các nước có liên hệ mật thiết với Việt nam, trong những thời gian lịch sử như Pháp quóc, Nhật bổn và Bắc Kinh. Soạn giả tin rằng những nước này còn giữ được nhiều bản thảo, di vật của Tổ tiên ta trong các thời đại mà nước ta bị Tổ tiên họ đô hộ. việc làm này không dễ, nhất là tại Bắc Kinh hiện nay xứ ta chưa có giao thiệp nên rất trở ngại, mà chính Bắc Kinh mới là kho tàng lớn chứa tài liệu cổ vật của xứ Việt Nam ta. Bởi sự khó khăn này mà cuốn sách cuối cùng còn phải chờ lâu lắm, sự chờ đợi mỏi lòng...

Khi hoàn tất xong bốn cuốn để đời này soạn giả sẽ không còn bước ra thế tục nữa. Soạn giả sẽ tự tại an tịnh thảnh thơi vì lòng đã rửa sạch, tâm nguyện đã hoàn thành.

Nếu quí vị học giả có phương tiện ở các xứ có tài liệu về Văn hóa Việt vừa n ói trên có lòng hảo tâm xin vui lòng liên lạc giúp đỡ soạn giả, soạn giả xin nhận chịu mọi điều kiện phí tổn với tất cả khả năng sẵn có hiện nay của một Cư sĩ Tự Lực Nghiên Cứu Phát TRiển Văn Hóa n ước nhà.

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
21-08-2003, 15:50
Trong khi rèn luyện Võ Công, quý học giả muốn nghiên cứu thêm về Nội Công để tăng tiến sức mạnh, cải tiến đời sống, v.v... có thể tham cứu thêm các cuốn viết về Nội Công của soạn giả:

Tự Luyện Nội Công THiếu Lâm Tự, cuốn sách dạy từ Căn Bản Nội Công; cuốn Tự Luyện Nội Công Thiếu Lâm Sơn Đông, cuốn sách dạy luyện Nội Công có dùng dụng cụ rất dễ tinh tiến, dễ thành công, người ăn mặn kẻ ăn chay đều luyện thành mau chóng, các nhà võ thuật Sơn Đông mãi võ mấy mươi năm trước thường luyện môn Nội công này để biểu diễn bán thuốc. Một hình thức cột kẽm quanh mình gồng đứt kẽm, cho búa đập thẳng vào ngực, lưng, dao chém vào bụng, nằm trên chông nhọn, cho người đấm đá bụng , v.v... Môn Nội Công này thông nhất tại Hồng Kông và Đài Loan, các giới võ sư Tân Gia Ba cũng ham lắm, họ tập thành công biểu diễn rất được người đương thời khen ngợi. Cuốn sau hết là cuốn TỰ Luyện Bát Đoạn Cẩm Thiếu Lâm, môn này chủ luyện cho gân thịt mạnh dạn tăng sức rất bổ trợ cho nghành võ, bất cứ võ gì. Người không ham võ tập cũng có lợi lớn là sống lâu vô bệnh. Các Ông Bà xưa ai cũng tập Bát Đoạn Cẩm để được khỏe mạnh, duy ít người biết đủ Tám đoạn, mà dù chỉ tập vài đoạn cũng khỏe ngưòi lắm rồi nên Các Ông Bà không nề hà cứ tập vài ba đoạn mỗi sáng là quanh năm ăn uống ngon vui, sống lâu tốt tướng. Ông thầy dạy võ Cổ Truyền nào cũng có dạy học trò Bát Đoạn Cẩm, mấy vị nói: "tập võ mà thiếu Bát Đoạn Cẩm khi trọng tuổi hai đầu gối lỏng hết, đau xương nhức gân quanh năm trở trời đau không chịu nổi"... Mà thiệt vậy, tập võ dễ bị oải gân cốt, nếu không tập Bát Đoạn Cẩm làm sao chịu nổi khi trở về già. Sách của soạn giả có đủ Tám đoạn, soạn giả thuở nhỏ vẫn tập TÁm Đoạn này nên mới được như ngày nay.

Ngày nay của sọan giả thế nào? Soạn giả xin trả lời câu hỏi trên để họcg ỉa lấy làm kinh nghiệm. Chứ thật ra đây không phải có ý quảng cáo hay khoe khoang lòe ai. Thật tâm của soạn giả là như vậy, luyện tập thành công môn gì thì biểu diễn, viết sách, báo cho bằng hữu, môn sinh học giả xem chơi không hề giấu giếm. Mọi người xem qua thì tin tưởng là sách xưa có thiệt nên gia công rèn luyện, rồi nhờ vậy mà nhiều người giỏi ra đời... Tánh của soạn giả là như vậy, lúc nào cũng là cái vật thí nghiệm của chư môn sinh học giả, cái thí nghiệm đôi khi có thể nguy hiểm chết nguwfoi. Ví như những ngày sắp tới đây soạn giả sẽ biểu diễn Công Phu Nội Công Thượng Thừa nằm xuống cho một đoàn xe tăng (THIẾT VẬN XA CHẠY BẰNG DÂY TRẬN) với đầy đủ súng đạn... (HỎA LỰC TÁC CHIẾN) chạy rầm rầm cán qua... và nhiều môn nằm lăn trên hầm chông, v.v... Cuộc biểu diễn này nhằm lấy tiền cứu giúp đồng bào khổ sở do chiến tranh giặc giã gây ra trong mấy mươi năm nay. Soạn giả đang nhờ người có thẩm quyền cố vấn mượn phương tiện của nhà nước và quản lý việc tổ chức, tài chánh, v.v... Đây là lần thứ nhất soạn giả biết biểu diễn cho xe Thiết Giáp cán, nhưng những lần khác chỉ cho xe hơi thường trọng tải không vượt quá 10 tấn chạy qua người đủ kiểu và đủ chỗ, cũng như Búa đánh, dao chặt, v.v... Trong cuốn Tự LUyện Nội Công Thiếu Lâm Tự, soạn giả cho xuất bản vào cuối năm 1973 có in hình nhiều màn biểu diễn nằm mình trần phình bụng trần cho xe hơi chở đầy người cán qua lưng, bụng, v.v... dươi sự chứng kiến của hàng trăm Võ sư, Võ sinh các môn phái Thái Cực Đạo, Karaté Mas Oyama, Dịch Võ Đạo, Võ Lâm, Judo... cùng các vị giáo sư, quan viên tại Nhà Trung Học, Trường Trung Học, Võ Trường Toãn Sài Gòn. Ngoài ra các cuộc biểu diễn Kỳ Công khác chỉ trong vòng hạn chế cho Huynh đệ đồng môn coi chơi không in vào sách...

Sự thật là như vạy, Võ học gồm có hai phần, Quyền và Công Phu, Luyện Quyền không chưa đủ, phải luyện thêm Nội công mới hoàn toàn. Quý học giả chớ nên chuyên biệt mà thiếu sót. Lời dẫn chứng làm thí dụ trên mong quý vị Cao Sư không chê cười. soạn giả chỉ muốn nêu lên một kết quả để học giả rộng đường kiến thức. Hiện nay trên thế giới chưa ai biểu diễn được trình độ Nội Công như vậy.

Vì số trang có hạn, vã lại học giả cũng chưa cần học đến các bài Đại La Hán trong lúc này (chưa học qua 8 bài đấu Tiểu La Hán) nên soạn giả dành 10 bài Đại Môn La Hán để in trong cuốn kế tiếp. Đại Môn La Hán có tầm vóc kỹ thuật cao hơn, lối phân thế đấu cũng khác không rập khuôn như các bài Tiểu Môn La Hán, tùy từng bài có bản sắc riêng biệt mà có lối phân thế cho đặng thích hợp với trình độ Trung và Cao ĐẲng, các học giả đã giỏi... Mọi sự khéo léo chỉ có ở 10 bài Đại Môn La Hán, nhất là bốn bài trân môn mà soạn giả chưa có dịp trình bày. Trong cuốn sách La Hán Quyền Phân Thế kế tiếp soạn giả dành một chương lớn để phân thế và dẫn giải các bài La Hán này.

Riêng trong cuốn này, mong học giả môn sinh lãnh hội nhanh chóng cách đấu bài, hầu kịp đón nhận cuốn sách kế tiếp. Dù mong muốn như thế soạn giả vẫn phải nhắc lại cho các học giả môn sinh mới là chẳng bao giờ nên học quá nhanh, quá vội, phải từ từ chậm chậm, có như thế mới mong tiến sâu xa trong nghệ thuật võ học.

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
22-08-2003, 01:48
Chương V

Lục Bộ Thần Công

Lục Bộ Thần Công là sáu phép dùng để Công hãm đối phương. Đây là phần kỹ thuận hoàn toàn nhất được dạy khi môn sinh đã học hết chương trình Võ Lâm. Ở trình độ thấp, sơ đẳng chỉ học Nhất Thủ Thần Công rồi đến Liên Thủ Liên Công... Khi học qua sáu bộ đánh này thì bất kỳ lúc nào, tình thế gì, hễ muốn đánh là đánh và đánh thì đối thủ không chỗ tránh né. Vì được như thế nên mới có tên Thần Công. Có lần soạn giả viết HỌC XONG SÁU BỘ THẦN CÔNG THÌ ĐÁNH ĐỊCH NHƯ LẤY ĐỒ TRONG TÚI ÁO, quả như thế, vì trong kỹ thuật đánh của võ gia trông hoa lòa rối rắm, biến ảo tinh hoa nhưng thật ra không ngoài sáu phép. Học rồi tất biết lúc nào nên đánh, đánh bằng đòn gì... tiêu liệu mau chóng, thắng địch dễ dàng, người xưa thường nói "BIẾT MÌNH BIẾT NGƯỜI TRĂM TRẬN KHÔNG BẠI", ngoài ám chỉ việc quân gia mà chính ra còn là câu kết luận tối hậu ca ngợi cái hay của Lục Bộ Thần Công vậy.

Do đó, người học võ không biết đến Lục Bộ Thần Công thì coi sự học trò quơ múa chơi không khác gì các môn thể thao thường thức tập luyện cho có động tác mạnh tay mạnh chân vậy thôi, kỳ dư khi đụng chuyện thì quờ quạng tay chân rối rắm đầu óc, quánh quíu đâu biết nên công nên thủ. Rốt cuộc đánh càn, đánh đại trúng trật cầu may. Ngày nay người học võ mấy ai thấu suốt lẽ ấy, người dạy võ mấy ai thông suốt lẽ ấy. Thế cho nên người học võ càng đông người biết võ càng ít. Người xem võ đài thì nhiều mà người biết thưởng thức võ chẳng nhiều. Thậm chí có phong trào chiếu phim võ, người xem phim võ quá đông mà ai biết gì về đòn này chiêu nọ, đến như phim võ giả cũng chẳng hiểu, võ thiệt chẳng hay. Thế cũng gọi đi xem phim Quyền Cước, thật chẳng khác người rừng xuống chợ, chẳng khỏi ngơ ngác phật phồng, hiểu còn chẳng hiểu nói chi đến việc thưởng thức. Ôi thôi biết đời nào cho thiên hạ văn minh.

Biết bao giờ thiên hạ biết sống? Chuyện đời xưa, chuyện đời nay ngẫm phải nực cười. Đất kia, phố nọ có mấy cụ già khinh khi thiên hạ không thèm bước ra khỏi cửa. Lão đúng mà cũng lố. Việc đời, chấp chi kẻ thừa lương ngu xuẩn!

Vì dù sao trong đời vẫn còn nhiều võ gia thực, chất, quý vị vẫn thường huấn dạy học trò đủ sáu phép, Thủ, Công,... Bọn trẻ nhảy nhót trên võ đài không phải chúng không biết võ mà chỉ vì chúng học chưa hết điều thầy dạy, hoặc đã học hết mà chưa đủ sự khôn ngoan lãnh hội, chưa đủ thì giờ luyện tập kỳ công. CHUỐI NON GIÚ ÉP CHÁT NGẦM là trường hợp này đây. Thương thay là thương thay. Có nhiều chuyện trên võ đài không nói được, cũng không muốn nói, buồn thay là buồn.

Muốn coi chớp bóng biết hay, coi võ dài biết thích, đánh võ mà tự tin, dạy võ mà không tủi hỗ thì phải rèn luyện tinh hoa:

1- Nhất Thủ Nhất Công: đánh đỡ từng đòn một gọi là sơ luyện.

2- Liên Thủ Liên Công: đánh đỡ liên tiếp nhiều đòn, rượt đánh địch một loạt đòn thế.

3- Dĩ Thủ Khai Công: Lấy thế thủ làm thế công đánh, nghĩa là thủ thế chờ địch tới đánh mình mình mới đánh.

4- Hồi Thủ Đương Công: Trở về thế thủ để chống lại thế công. (Còn có nghĩa là địch thủ thế ta công).

5- Thật Hư Thủ Công: Biến hóa đòn hư đòn thật dụ địch, lừa địch.

6- Ý Định Phân Công: Bày ra "THẾ" cho địch đánh hoặc ta tiến đánh địch. Nghĩa là ta muốn công địch chỗ nào thì phải làm gì để có kết quả, hoặc ta để "BỘ" như thế nào để cho địch công rồi bị ta đánh đúng chỗ ta thích. Nói rõ hơn là cách bày ra cái bẩy để rập đối thủ. Ông Bà xưa thường gọi là THẾ đây mới đúng danh từ THẾ, NÓI CÓ SÁCH ĐÁNH CÓ THẾ mới đúng người có học.

Học qua sáu phép trên thì tưởng không còn gì phải dè dè khi đứng trước đối thủ. Nghĩa là khi đối diện với đối thủ là trong đầu ta có giải pháp tức thời, thì tức thời tay động chân động, đòn thế lưu ra, thắng bại rất rõ, thấp cao hiện rành. Người xưa hạ địch không lâu, hễ gặp "KỲ PHÙNG ĐỊCH THỦ" thì đánh lâu trăm hiệp, ấy là ngang tài. Người biết võ thấy người đánh đá biết hay biết dở, biết lý thú. Người lão thành trong nghề võ nhìn qua BỘ VÕ hai người DỜN nhau đã biết trước ai thắng ai bại giống như người quen nuôi gà chọi. Không học đủ bộ thì chẳng biết cách đánh cho có phép tắt mà thắng bại là cầu may. Đa số người đời nay hay đánh "RỪNG" mà người xem cũng xem "RỪNG". Đánh như vậy chẳng lý thú, mà xem như vậy cũng chẳng lý thú gì. Nói chuyện này có hơi đạp qua lãnh vực các vị Thầy đờn, như đờn ta có Ngũ âm: Xàng Xê, Cống, Liếu, Ô, Đờn. Tây có bảy nốt: đô, rê, mi, la, pha, sôn, la, si, học qua nhiều năm cho có căn bản đờn địch cho nó có tư cách thì khi nghe người ta kéo cây Cò: Ô Ọ O E... Ó O E Ô Ê... mới biết cái tình tiết của câu thơ Lục VÂn Tiên, mới cảm thông với ông Đồ Chiểu tía của bà Sương Nguyệt Ánh, thường đờn Ô Ê ngâm thơ cho khuây khỏa nổi tịch mịch, nỗi đau lòng vì thấy mình vô dụng trước sự xâm lăng của bọn thực dân Pháp chiém đất Nam Kỳ... Vô phòng trà, rạp hát, v.v... chỗ biểu diễn âm nhạc, nghe tằn tằn, tắn tắn, xập xè, ti tí tì ti, đồ rê mi lá sồn... thấy nhạc công bật lên bật xuống, ngón tay quào móc, khải, bấu lăng xămg, mặt mày ra dáng nồng nhiệt thẩn thờ... hoặc đã nghe ra hô hát, đờn, đâu biết thế nào là hay cho đúng sự thật. Người mình trước ở bên Tàu nên dễ tính, nên cái gì nghe êm tai, là lạ là được là hay rồi.

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
22-08-2003, 02:03
Nhạc và Võ tuy khác kỹ thuật mà tinh thần không khác, mục đích lại càng không khác, nói một cách dễ dàng, dễ dãi là nó còn hỗ trợ nhau trên còn đường xây dựng hạnh phúc con người. Người luyện võ đến mức thì gọi là Thần Võ, kẻ luyện nhạc đến mức kêu Nhạc Thánh trong Nhà Thờ ngài Dê-Su có vị Thánh đờn được nặn tượng thờ trên bệ cao, trong Chùa có 18 vị Võ La Hán... Văn Thư, Võ, Nhạc, Cờ, Vẽ là những nghệ thuật mật thiết liên quan. Người đời, hậu học ít biết, ít hiểu dễ mấy người biết thưởng thức đến chỗ quên đời.

Trách nào từ trăm năm trứớc các bậc võ gia tài giỏi đều là các bậc Văn Võ song toàn thường là các Quan Lãnh Binh như Trương Công Định, các vị yêu nước như Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học, v.v... cùng các sĩ phu vì nước quên mình. Thảo nào Thiệu Võ Cổ Truyền toàn rặt bằng thơ, hoặc Lục BÁt, hoặc Song Thất Lục Bát, có khi Ngũ Ngôn, lắm lúc Tứ Tuyệt... Môn sinh học giả thử nghĩ coi còn hào khí nào hơn dưới ánh trăng sáng người chí sĩ xưa miệng ngâm thơ, tay múa kiếm, đánh quyền... thơ đây là thơ Thiệu của bài Quyền, bài Roi, bài Kiếm cổ. Truyền ta, cũng có ki là thơ căm hờn giặc ngoại xâm... Thời đã xa rồi, các bực thầy Văn hay Võ giỏi nghĩa khí... lần lượt hết rồi. Thời buổi súng đạn tục tân, cái gì cũng mau cũng lẹ đổi mới, mới đổi, v.v... ai còn biết tình xưa nghĩa cũ, ai còn biết gì gấm vóc giang sơn, văn hóa, kỳ tích Tổ Tiên để lại. Người ta đã tự quên mình. Giờ đây phải bắt đầu trở lại, p hải biết mình, phải gạn đục lắng trong, hiểu cho kỹ mới mong trở thành người trí giả.

Đạo làm người phải biết trước biết sau, biết học biết hiểu mới mong thưởng thức trọn vẹn những điều đáng thưởng thức, mới đáng vui sống trong đời. Bởi thế sự học cho biết võ là một sự cầu, cầu như chẳng thể có chi cần hơn, ngoài ra phải biết Võ thuật là một nghành nghệ thuật Dưỡng Thân, Dưỡng Thần cao quí mà Cổ Kim cao nhân, đại sĩ đều coi việc luyện võ như là ăn uống hàng ngày vậy.

Căn Bản Lục Bộ Thần Công:

Trở lại chánh đề là nghiên cứu Lục Bộ Thần Công, trước nhất phải học qua 28 đòn căn bản của Lục Bộ thường dùng. Nó gồm 8 đòn đỡ thủ phần trên gọi là Thượng bàn, bảy đòn thủ đỡ phần dưới gọi là Hạ bàn. Tổng cộng 14 đòn thủ đỡ Trên, Dưới và bao quanh thân mình, gói tròn kín mít không chỗ trống hở khiến đòn Công của đối thủ vô phương xâm phạm bản thân. Đây là 14 đòn bổ túc cho các yếu điểm, không phải lúc trong bài quyền, nó đủ sức trám đầy chỗ trống hở đó khi mang bài quyền ra ứng chiến. Bởi thế 14 đòn này cần phải được tập thuần như cháo chảy, không đúng, phải tập thuần như máy, tập đến thành các cử động tự nhiên, ví như cái gì châm chích nơi da ta vội đưa tay chà lên chỗ đau cấp kỳ, thì ở đây cũng phải tập cho đạt đến như thế, để khi kịp xài trong lúc dùng bài quyền tấn công đối thủ là bị họ phản đòn, không nằm trong thế công thủ của bài. Nghĩa là khi gặp như thế ta liền đem một đòn Lục Bộ vào ráp ngay mà xài rồi kế đó là công tiếp như bài quyền đã học...

Ngoài 14 đòn thủ đỡ bao bọc châu thân còn 14 đòn công hãm, cũng chia làm Thượng bộ và Hạ bàn, mỗi mỗi 7 đòn, mỗi dưới cũng bảy thế. Khi luyện tập thì tùy từng bộ mà tập, chừng rồi hai bộ kết nhau mà diễn liên tục 14 đòn thủ đỡ rồi đến 14 đòn công hãm. Tập thuộc làu làu, đánh mau như gió, không chỗ ngập ngừng thì cũng người bạn tập với mình đứng đối diện nhau mà tạp thực hành cả hai bộ thượng hạ. Thay phiên nhau, kẻ công nggười thủ đỡ từ đầu chí cuối liên tục không dừng, sau đổi lại. Tức kẻ công một lần. Ban đầu tập chậm sau nhanh dần cho quen sự chính xác. Lúc nhắm mắt vẫn đánh đỡ ăn khớp được với nhau thì coi như đã thấm nhuần, là tới lúc xài được rồi.

Bây giờ ta mới học đến từng bộ một trong Lục Bộ Thần Công, tùy trình độ Cao Thấp học các Bộ để rồi thích ứng trong hoàn cảnh đối đầu. Đến đây là coi như đã tiến một bước dài trong chương trình Võ Lâm rồi vậy.

1- Đấu với người Nhỏ hơn ta.
2- Đấu với người Bằng ta.
3- Đấu với người Lớn hơn ta.

Nhờ học kỹ từng trường hợp một, nên biết được khinh trọng, dở hay của từng người, nên biết lựa chọn đòn thế để công cùng thủ đỡ cho thích hợp với từng đối thủ. Ngày nay tại các võ đường thường dạy đồng loạt. Võ sư không biết giảng dạy những điều trên, đôi khi cũng chưa hiểu sự quan trọng của từng đòn thế nên học trò khó áp dụng được vào trận chiến thườn ngày. Nhân hcuyện soạn giả xin kể làm vui học giả, trang cố sự: năm nẳm (tức năm trước) soạn giả có dạy vài người ngoại quốc trong lớp đặc biệt, dĩ nhiên có nhiều vị học viên của soạn giả là người mình, cũng lớn tuổi có học trước vài thứ võ thời trang rồi mới đến với soạn giả sau ít buổi đầu thực tập các học viên vui vẻ thử giao đấu với nhau, các học viên người mình không thể chiến thắng được người ngoại quốc. Qua nhiều buổi soạn giả để cho

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
22-08-2003, 02:14
họ tự chọn cách chiến đấu nhưng họ vẫn thất thủ trước người to lớn, mạnh... tới khi học hoàn toàn thất vọng soạn giả mới chỉ vẻ những điều phải làm... Buổi học sau, học giao đấu trở lại, khác hơn lần trước, người Việt nhỏ bé trong một thế đơn giản đã làm người ngoại quốc cười chào thua. Họ thử lại nhiều lần và sau cùng người nhỏ con vẫn ở thượng phong. Cả hai bên đều tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng được soạn giả giảng rõ nguyên tắc cho cả hai bên, thế là mọi người đều hiểu... Buổi tập cuối khoá các học viên của soạn giả vô cùng hân hoan mời soạn giả đi dự tiệc trà để từ giã. Lần giao đấu sau cùng họ hòa nhau, vì họ đã thấu đáo ba cách giao đấu mà soạn giả đã nêu trên. CÁc vị học viên hân hoan không vì sự thắng bạo mà chính họ đã hân hoan vì biết Võ Thuật quả có Thuật Chiến đấu ngoạn mục chớ không phải như trước kia họ vẫn nhầm lẫn mơ hồ. Ngày nay khi học giả đọc tới đoạn này chắc cũng hân hoan vì sắp làm được những điều mà những người khác, không đọc sách chắc chắn khó bề thấu đáo.

"HỌC VÕ MÀ CÒN MẠNH ĐƯỢC YẾU THUA THÌ NGHỀ VÕ CÒN CÓ GIÁ TRỊ GÌ". Lời dạy này của Thiện Tâm Thiền Sư sư phụ quả có chỗ Đại lý, nhưng ngặt thay, đời bây giwò cũng nhwu đời trước rất ít có vị thầy tránh khỏi lỗi lầm trong việc dạy môn si nh. Ngày nay, với Ba phép đấu trên hỗ trợ Lục Bộ Thần Công thì chư học giả không còn ngần ngại gì mà không chiếm nhiều thế trên đáu trường khi bắt đắc dĩ thi thố võ công. BA PHÉP CHIẾN ĐẤU NGOẠN MỤC NÀY SOẠN GIẢ TRÌNH BÀY TRONG CUỐN LA HÁN QUYỀN PHÂN THẾ THỨ NHÌ.

Sau đây là các thế Căn Bản của Lục Bộ Thần Công, mời học giả thực hành:

A- Bộ Thượng Quyền: Gồm 7 đòn đỡ và 7 đòn công:

Đón Đỡ:
1- Cương Đao Khai Môn
2- Cương Đao Diệt Khí
3- Thần Thông Thượng Chưởng
4- Thôi Sơn Khắc Thủ
5- Thôi Sơn Kim Báo
6- Giao Long Khắc Quyền
7- Hầu Thủ Quyền

Đón Công:
1- Song Long Thần Chưởng
2- Song Chỉ Thu Thâu
3- Bình Phong Hạc Quyền
4- Cương Đao Trảm XÀ
5- Tứ Chỉ Dương Hầu
6- Mãnh Công Độc Chưởng
7- Bàng Long Cước

B- Bộ Hạ Cước: Gồm 7 môn đỡ và 7 môn công:

Đón Đỡ:
1- Cương Đao Hoạch Sa
2- Thôi Sơn THủy Đề
3- Âm Dương Song QUyền
4- Phương DỰc BẠt Hổ
5- Thôi Sơn Bán Hạ
6- Thôi sơn Khóa Hậu
7- Lôi Công Hạ Chưởng.

Đón Công:
1- Cương ĐAo SÁt Thích
2- Lưu Vân Cước
3- ĐẢo Sơn Cước
4- Hổ Vĩ Cước
5- Thôi Sơn Hữu Dực
6- Kim Tiêu Cước
7- Thôi sơn Cổn Cẩu.

Khi tập thì theo thứ tự đòn đỡ thượng bộ rồi tới đòn đỡ hạ bộ. Khi thuần thục mới tập đòn công thượng bộ... Đủ 14 đòn, diễn tập thật tròn bộ. Mỗi đòn đánh ra tưởng tượng là đỡ đòn gì thì mới nhớ và mau tấn bộ.

Ví như đánh Cương ĐAo Khai Môn nghĩ đỡ Song Long Thần Chưởng đánh Cương ĐAo Diệt Khí nghĩ đỡ Song Chỉ Thu Châu.

- Thần Thông Thượng CHưởng Bình Phong Hạc Quyền
- ...
- Cương Đao Hoạch Sa nghĩ đỡ Cương Đao Sát THích
- Điểm Thủy Thủ Quyền - đỡ Lưu Vân Cước
- ...

Hoặc đánh đòn Công trước nghĩ tới đòn thủ đỡ, cứ thế mà tập đều đặn trong thời gian thì tay chân linh hoạt, trí óc tinh minh không đòn gì, thế gì mà không biến hóa được.

Tây Sơn Nguyễn Nhạc
23-08-2003, 01:10
1- Cương Đao Khai Môn

Cách Diễn Tập:
Chuẩn bị, hai chân khít nhau, bái tổ (hình 1) xong chân trái bước sang trái, xuống tấn Kỵ Mã Bộ.

Động Tác 1:
Song chưởng đưa tréo nhau trước mặt, chưởng trái trong, chưởng phải ngoài, lòng chưởng úp vào phía mắt. Mắt nhìn thẳng. (hình 2)

Động Tác 2:
Xoay cổ tay cho song chưởng mở lòng bàn tay ra ngoài, đồng thời gạt mạnh song chưởng sang hai bên. Rộng thì có thể banh thẳng hai cánh tay, hẹp thì chẳng bằng khoảng cách của vai như hình bên. (hình 3)

Phân Thế: Khi đối thủ đánh đòn Song Long Thần Chưởng tới thì đưa hai bàn tay vào giữa cổ tay địch rồi gác sang hai bên. Sau đó tùy cơ có thể phản đòn bằng Song Chỉ Thu Châu móc mắt đối thủ, hoặc xoay đập lưng nắm tay vào mặt đối thủ là Bình Phong Hạc Quyền...

2- Cương Đao Diệt Khí

Cách Diễn Tập: (tiếp theo trên)

Động Tác:
Đang ở thế Khai Môn, xoay cổ tay xắt hai bàn tay vào, hai cạnh bàn tay chạm nhau trước mắt. Hoặc bàn tay trong bàn tay ngoài như hình. (xem hình 4)

Phân Thế: Khi đối thủ đánh đòn Mãnh Công Độc Chưởng hoặc Song Chỉ Thu Châu tới, tay xắt vào cắt gảy tay đối thủ. Xắt bàn tay trong bàn tay ngoài dễ làm gảy cổ tay đối thủ hơn. Nhưng đúng phép thì đòn Diệt Khí, hai bàn tay chỉ chạm cạnh bàn tay nhau mà thôi, dĩ nhiên cả cánh tay cũng khít nhau để che trước ngực.

3- Thần Thông Thượng Chưởng

Cách Diễn Tập: (tiếp theo trên)

Động Tác 1:
Hai bàn tay đang ở thế Diệt Khí, banh hai cùi chỏ ra hai bên cho cổ tay giao nhau hình chữ X, như hình số 4.

Động Tác 2:
Đẩy hai cánh tay tréo nhau lên khỏi trán. Mắt nhìn thấy tới hướng trước. Không nên quá cao. (hình 5)

Phân Thế:
Đối thủ đánh ngọn Bình Phong Hạc Quyền hay bất cứ đòn gì, miễn từ trên bổ xuống là dùng đòn này đẩy lên đỡ liền. Không nên đẩy quá cao, vì cao quá sẽ trống ngực, khi đối thủ rút tay về đánh thì không đỡ kịp hoặc là đối thủ đánh tay kia mình cũng khó đỡ kịp thời.

4- Thôi Sơn Khắc Thủ

Cách Diễn Tập: (tiếp theo trên)

Động Tác 1:
Từ thế Thần Thông Thượng CHưởng rút chưởng trái về hông trái nắm lại thành quyền.

Động Tác 2:
Chưởng phải nắm lại thành quyền, gạt mạnh xuống ngang trước ngực, lòng nắm tay úp vào trước ngực. Nắm tay cứng chắc tối đa. (hình 7)

Phân Thế:
Đối thủ đánh đòn Cương Đảo Trảm Xà, hoặc đòn gì tới ngang, ngay trước ngực là dùng ngay đòn này gạt xuống (KHẮC) một cái cụp. Tay vừa chạm tay đối thủ văng đi là xoay cổ tay đánh ngọn Hạc Quyền, hặoc Tứ Chỉ Dương Hầu, v.v... vào cổ địch. Đỡ phản là chú trọng đòn gì gần nhất đánh địch mà địch không kịp trở tay cũng như phản lại ta được.

suzuki123
27-06-2007, 10:16
anh ơi anh có thê? cho hình minh họa được không
em cám ơn nhiều nha

TiểuHổ.Lee
27-06-2007, 18:15
Lee đọc qua thấy khó hiểu quá, chỉ hiểu được vài chỗ. Ky` này phải nghiên cứu về võ thuật trung hoa nhiều hơn nữa mới được.
Lee.

langtugapmay
27-06-2007, 20:29
huynh cho hình ảnh hướng dẫn cho dzễ tưởng tượng nghe