PDA

View Full Version : Nhà văn Sơn Tùng: "Tàn phế thân thể nhưng không tàn phế tâm hồn"


GiangHo_LangLe
06-08-2003, 10:46
Nhà văn Sơn Tùng: "Tàn phế thân thể nhưng không tàn phế tâm hồn"

Trần Hoàng Thiên Kim

Nhà văn Sơn Tùng sinh năm 1928 tại Kim Luỹ, Diễn Châu, Nghệ An. Cuộc đời hoạt động báo chí và văn học của ông gắn liền với sự nghiệp cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng. Là thương binh hạng 1/4 song những tác phẩm của ông, dù là thơ hay tiểu thuyết, kịch bản phim truyện hay tuỳ bút, đều trở thành tấm gương phản ánh sinh động những khía cạnh cơ bản của cuộc cách mạng giành độc lập và hai cuộc kháng chiến chống xâm lược được cả nhân loại biết đến như một kỳ tích của thế kỷ 20.

- Ông quan niệm như thế nào về nghề viết?

- Tôi nghĩ rằng dù viết báo hay viết văn, đã làm nghề thì phải yêu, trước hết yêu đã, yêu nghề cũng như yêu người bạn đời, đã chọn thì phải yêu. Cái yêu ấy sẽ gây men để mình dấn thân vào cuộc sống. Dù viết một bài nhỏ, bài ngắn, cũng phải hết sức có trách nhiệm.Trước khi viết văn tôi đã viết báo và trước khi viết báo tôi đã làm công tác thanh niên. Tôi đã từng tham gia Đại hội thanh niên - sinh viên thế giới lần thứ 5. Cho đến nay dù là thương binh tàn phế nhưng vẫn yêu nghề và vẫn viết, ngoài việc viết những cuốn sách thì ở đâu có nhu cầu viết báo tôi vẫn viết để phục vụ, đó là nhu cầu tự thân.

- Ngoài nhu cầu tự thân có động lực nào khác không, thưa ông ?

- Cái động lực chính là khát vọng từ hồi trẻ, tôi khát khao có những trang viết và trở thành nhà văn, mặc dầu bây giờ mình đã là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam và có hàng chục đầu sách nhưng đôi lúc tự hỏi mình đã trở thành nhà văn chưa?

Có một câu chuyện mà bao năm nay tôi vẫn nhớ, về một tấm gương tàn mà không phế. Tôi xin dài dòng một chút. Trước ngày bị thương tôi là phóng viên của báo Tiền Phong tại miền Đông Nam Bộ, tôi đã đi viết về tấm gương của em Hoa Xuân Tứ, quê ở Hưng Nguyên, Nghệ An bị cụt cả hai tay mà vẫn học giỏi, viết bằng chân, bằng bả vai, cặp bút vào cổ viết mà chữ vẫn sạch, đẹp. Em còn dùng cùi chỏ làm các việc nhà giúp mẹ. Ở quê em có trận địa pháo bảo vệ Nhà máy đường sông Lam, em thu nhặt giẻ lau súng, đưa nước giúp bộ đội cụ Hồ đánh giặc.

Sau khi viết xong bài báo đó tôi hân hạnh được gặp Bác Hồ, được bác bắt tay, bác khen bài viết của tôi về Hoa Xuân Tứ. Sau này tôi nghĩ một em nhỏ mà còn có nghị lực lớn thế, huống hồ mình có quá nhiều điều chưa làm xong, bằng mọi giá phải cố gắng. Mỗi lần nghĩ đến tôi như được sống lại ngày mình được ở gần Bác Hồ, điều đó giúp tôi viết thêm được nhiều cuốn sách về Người.

- Với những người bình thường mà có đôi lúc người ta nản chí, vì nghĩ chặng đường văn nghiệp thật là dài, càng đi càng xa, còn ông, có lúc nào trong cuộc sống ông nản chí không, thưa nhà văn?

- Tôi quan niệm theo nhà phật rằng, phúc và hoạ luôn đi đôi với nhau, Nguyễn Trãi từng nói "phúc- hoạ hữu môi", cái phúc và cái hoạ bao giờ cũng song hành với nhau, khi mình hạnh phúc thì trong cái phúc đã xuất hiện mầm mống của hoạ và ngược lại. Chính quan niệm ấy dạy tôi vươn lên và vượt qua cái hoạ. Mình có thể bị tàn phế thân thể nhưng đừng để tàn phế tâm hồn, đừng mất khát vọng, cũng đừng mất lý tưởng tuổi trẻ. Tôi nghĩ làm thiện cả một đời vẫn thiếu mà gây hoạ thì một lần đã thừa rồi. Tôi đã cố gắng rất nhiều và cho đến hôm nay tôi hài lòng với chính mình.

- Ngoài viết văn ông còn làm thơ, bài thơ "Chiếc nón bài thơ" của ông đã được phổ nhạc và được nhiều người biết đến. Ông có ý định xuất bản một tập thơ chứ?

- Tôi yêu thơ ngày còn thơ, yêu như mối tình đầu không thành đôi lứa trọn đời. Bài "Chiếc nón bài thơ" làm năm 1955 trong dịp đi Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới lần thứ 5. Nhạc sĩ Lê Việt Hoà phổ nhạc rất thành công. Vì vẫn nhớ thơ nên tôi vẫn làm thơ, nhưng những bài thơ ấy vẫn còn nằm trong sổ tay.

- Vết thương của ông có hay bị tái phát không và những lúc bị đau như thế ông thường nghĩ tới điều gì?

- Những lúc đó tôi buồn lắm. Nhưng đau mấy cũng không rên, lúc nào thấy không chịu nổi thì bảo người nhà đưa đi cấp cứu. Bây giờ trong đầu tôi vẫn còn 3 mảnh đạn, có khi trở trời huyết áp lên tới 240, nhịp tim lên tới 140, chân sưng và không đi được, phải đi cấp cứu. Nhưng mười năm gần đây thì tình trạng đó có giảm đi. Một điều buồn nữa, ăn cơm không tự tay bưng được.

Xưa mẹ tôi vẫn dạy rằng đừng gắp nặng đũa, ăn từ tốn, mình ăn nhạt mặn thế nào vừa là tuỳ mình, bây giờ phải phụ thuộc như trẻ nhỏ mình cảm thấy không ngon miệng vì vậy mất thói quen giao đãi. Rồi tôi cố gắng tập luyện và bây giờ đây có thể tự dùng thìa xúc ăn được. Tự kẹp bút vào hai ngón tay để viết, nhưng chữ không được đẹp lắm!

- Ông đã tập luyện như thế nào để có được thành quả đó, thưa nhà văn?

- Ba mươi năm trở lại đây, ngày nào tôi cũng dậy vào lúc 2h-3h sáng ngồi thiền. Dần dần tay của tôi đã duỗi thẳng xuống được. Tôi học điều đó qua bác Nguyễn Khắc Viện, học qua thầy Phan Khắc Hoan. Thiền xong tôi đi tắm, rồi thắp hương ở bàn thờ gia tiên, bàn thờ những danh nhân văn hoá trong phòng làm việc. Hương khói sẽ dẫn mình đến một thế giới thanh thoát của tâm hồn, lúc đó tâm trí tôi thoải mái, sáng láng để ngồi vào bàn, không viết được thì đọc cho đến 9-10 h sáng. Trong tất cả những gì đạt được tôi phải mang ơn người vợ đảm của tôi suốt đời.

- Cho đến nay ông là nhà văn viết sâu sắc và thành công về Bác Hồ với hơn mười đầu sách dày dặn. Trong số những cuốn sách đó ông tâm đắc cuốn nào nhất?

- Viết về Bác Hồ thì tôi cuốn nào tôi cũng dụng công và dành nhiều tâm huyết. Con mình đẻ ra đứa nào mình chẳng yêu (trừ phi nó hư!). Mỗi cuốn có thành công riêng, hơn nữa nghệ thuật phải có thời gian đánh giá, thẩm định. Tuy nhiên, "Búp sen xanh" là cuốn ra đầu tiên ở loại hình tiểu thuyết viết về Bác Hồ trong giai đoạn hình thành nhân cách. Được bạn đọc đón nhận và trân trọng, cho đến bây giờ cuốn sách đã 10 lần tái bản và lên tới 40 vạn bản, dịch song ngữ Việt- Anh. Cuốn sách đánh dấu một cái mốc đầu tiên. Mà cái gì đầu tiên cũng làm mình nhớ.

- Mới đây ông ra cuốn "Bông sen vàng" ông có thể nói rõ hơn về cuốn sách này?

- Cuốn sách viết rất sâu về thời kỳ hình thành nhân cách con người Hồ Chí Minh ở kinh đô Huế- Trung tâm văn hoá chính trị của dân tộc ta vào thế kỷ 19 . Cuốn sách cũng đã được tái bản 4 lần. Nó cũng là một cái mốc đáng nhớ trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Ngoài thời gian viết sách, những lúc rỗi rãi ông thích làm gì?

- Ngày xưa tôi là người thích đi nhiều. Cứ chiều chiều lại đạp xe vòng quanh Hà Nội, vào chùa chiền vãn cảnh, cảm nhận cõi thiêng, giờ không đi được bằng chân mình thì "đi" qua sách báo, ti vi... Rồi gọi điện cho vài người bạn... Tôi không tự đi đến thăm họ được, áy náy lắm. Bạn bè đến chơi mang những thông tin về văn chương, cuộc sống, mang lại niềm vui cho mình, mình muốn đáp lễ mà lực bất tòng tâm. Điều đó làm tôi nghĩ nhiều như thể mình là một kẻ vô ơn vậy!

- Là một nhà văn đã thành danh bằng một nỗ lực không ngừng nghỉ, ông có một lời khuyên cho các bạn viết trẻ như thế nào?

- Tôi đang là người đứng trên bến nhìn lớp trẻ phơi phới ra khơi giăng lưới và kéo về những mẻ cá lớn. Các bạn đang có trong tay nhiều thuận lợi cả về điều kiện khách quan lẫn chủ quan, các bạn hãy nắm lấy cơ hội để vươn lên. Đọc nhiều, học nhiều, tìm hiểu tinh hoa người trước. Giữ lấy "nếp nhà". Nói thế chứ cho dẫu có hiện đại đến mấy, thì cái "gốc" vẫn không thể mất đi được!