PDA

View Full Version : Văn hóa "Tục"


Dương Nghiệp
23-10-2010, 14:12
Văn hoá Tục

Văn hoá tục, mà biểu hiện điển hình là ngôn ngữ tục, là một bộ phận cấu thành nên nền văn hoá. Bất cứ quốc gia nào, dùng ngôn ngữ nào thì thể nào cũng có chút văn hoá tục.

Nhiều người lên án nó, bài trừ nó, nhưng nó vĩnh viễn không thể biến mất. Hơn thế nữa, nó lại dần ăn sâu vào tiềm thức của một vài (hay rất nhiều) người hiện nay. Từ thành thị đến nông thôn, từ trí thức đến nông dân, từ già đến trẻ, từ bắc chí nam...

Có những em bé chưa biết chữ, dù không biết ngữ nghĩa của ngôn ngữ tục là gì, nhưng chúng vẫn sử dụng như câu cửa miệng, bởi chúng tiếp thu và bắt chước từ người thân, bạn bè.

Có những anh xe ôm ngày ế khách chỏng chơ ngứa mồm chửi tục cho đỡ bực.

Có những nam thanh nữ tú, những học sinh sinh viên, những trí thức đường hoàng. Nếu không phải là câu cửa miệng thì chúng cũng ít nhiều được dịp bộc phát. Có những người bảo họ chúa ghét tục tĩu, nhưng ai dám bảo mình chưa từng “nói tục”, hay chưa từng “định nói tục”?

Ngôn ngữ tục khởi đầu

Một điều đáng lưu ý, rằng những ngôn từ tục tĩu thường đề cập đến “dục vọng”, đến “sinh thực khí”, đến “hành vi giao phối”. Do đâu?

Chúng ta là những người con Á Đông, nên kín đáo. Từ thuở xa xưa, để nhắc đến những điều-khó-nói, ông bà thường chọn cách nói “tiếng lóng” để ám chỉ chúng (nói giảm nói tránh). Dần dà, loại ngôn từ này được phổ biến, thông dụng (thông tục).

Dân gian có câu “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Với tính cách Á Đông, mỗi khi nói ra thì ngượng ngùng đỏ mặt. Những đó là những cái diễn ra trong đời sống hằng ngày, làm sao lẩn tránh mãi được. Ca dao bỡn cợt rằng:

“Có chồng từ thuở mười lăm,
Chồng chê tôi nhỏ không nằm cùng tôi
Đến tuổi mười chín hai mươi
Tôi nằm dưới đất chồng lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn cẳng giường, gãy một còn ba”.

Ngày nay, ở nông thôn, ta vẫn thường thấy những người lớn tuổi dùng “ngôn ngữ tục”, nhưng kỳ thực họ lại không cho là như vậy. Họ chỉ xem đó như một cách lóng đi, để che đậy cho ý tứ thực của mình mà thôi.

Vậy thì, ý nghĩa ban đầu của nó thật dân dã, thật đứng đắn, thật đường hoàng, thật Á Đông biết bao.

Quá trình biến đổi ngôn ngữ

Thế nhưng, thời gian trôi qua, chính những thế hệ sau đã tiếp nhận, và biến đổi chúng. Xã hội mở cửa dần, quan hệ không còn khép kín, không chỉ quẩn quanh trong những khu tự trị làng – xã “phép vua thua lệ làng” ngày xưa nữa. Sự ngại ngùng khi nhắc đến những điều-khó-nói đã dần được xoá bỏ, người ta không còn kiêng kị khi nói về chúng.

Đến đây, loại tiếng “lóng” nói giảm nói tránh kia sẽ đứng trước hai ngả rẽ: hoặc sẽ mất đi (vì không được dùng tới nữa), hoặc sẽ được dùng vào mục đích khác (với vai trò là một loại ngôn ngữ “thừa thải”).

Bởi nó đã đi vào tâm thức con người, hiển diện trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, nên hiển nhiên không thể biến mất được. Vậy không còn đường nào khác, thứ ngôn từ này đi vào con đường dung tục, thừa thải, dùng cũng được, không dùng cũng chẳng sao. Chúng giờ đây được hiểu với nghĩa xấu. Thực ra, bản chất của chúng không hề bị thay đổi, cái bị biến hình chính là phương cách mà con người sử dụng chúng.

Đó là cả một quá trình hình thành và biến đổi ngôn ngữ .

Ngôn ngữ tục đi vào văn nghệ

Thứ ngôn ngữ này đã từng đi vào thơ ca, gắn liền với lối chơi chữ thú vị. Ngày xưa thì đến cả Trạng Quỳnh trong lúc cao hứng ngông nghênh cũng chẳng “nắng cực”, “đá bèo” là gì:

“Đương cơn nắng cực đói lòng thay
Thết đãi ơn cô có bụng này
Giờ biết lấy gì mà tạ lại
Xin quỳ hai gối, chống hai tay!”

Đến cả nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng chẳng chọn “thú tục” làm tứ thơ là gì?

“Bốn cột khen ai khéo khéo trồng
Người thì lên đánh, kẻ ngồi trông
Trai đu gối hạc, khom khom cật
Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng
Bốn mảnh quần hồng bay phấp phới
Hai hàng châu ngọc duỗi song song
Chơi xuân ai biết xuân chăng tá?
Cột nhổ đi rồi, lỗ bỏ không!”

Ta thường gọi mấy dòng thơ đó “tuy tục mà thanh”. Tục thì tục từ trong cái bản chất. Thanh thì thanh ở cái hình thức thể hiện, chất liệu thể hiện. Vì vậy, nói tục (mà thanh) từ lâu đã trở thành cái thú tiêu khiển trong văn nghệ.

Văn hoá tục hiện nay

Hẳn là ta đã đọc những bài báo lên án việc nói tục. Ở trên một chiếc xe buýt, khi anh tài xế tỏ thái độ suồng sã, một cô gái đanh đá đã lên tiếng chửi rủa bằng thứ ngôn từ… không thể chịu được. Nhan nhản, thường ngày ở huyện!

Cùng một loại ngôn từ tục đó, kẻ thô lỗ suồng sã sẽ buông lời không ngớt, nói lộ liễu ra ngoài. Nhưng người đứng đắn hơn thì họ lại biết cách để vừa che đậy cái dung tục, mà cũng đủ để làm cho người khác hiểu cặn kẽ.

Nhiều người lên tiếng rằng họ rất ghét nói tục. Nhiều người dùng ngôn ngữ tục như những câu cửa miệng, tiếp ngữ đầu môi, xem đó là một thói quen bình thường. Nhiều người lại xem nói bảng quan khi người khác nói tục, thỉnh thoảng có dùng vì buột miệng chứ không phải thói quen. Suy cho cùng, “tục” (thông tục – tục tĩu?) cũng là thành phần văn hoá Việt, trong đời không một lần dùng thì phí phạm quá. Nhưng cũng chẳng nên dùng quá đà. Không phải nói toét toèn toẹt ra như mấy tay thanh niên vô học tập bắn pháo hoa tịt ngòi, ta chỉ dùng chúng những khi cần một chút không khí vui vẻ, dưới cách nói ẩn dụ ẩn ý tứ sâu xa; hay nếu muốn dạy cho kẻ khác một bài học, ý tại ngôn ngoại càng làm cho hắn sượng chín người mà không làm giảm đi phong tư của ta. Dân gian có câu:

“Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.”

Chuyện về văn hoá tục chắc còn nhiều cái để nói, xin nhường cho chư vị vậy.
Dương Nghiệp.