PDA

View Full Version : Tỉnh Cũ Việt Nam


Trang : [1] 2

LSB-Sun
03-03-2010, 19:32
An Xuyên ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077216&postcount=2)
Ba Xuyên (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077217&postcount=3 )
Biên Hòa ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077218&postcount=4)
Bà Rịa ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077219&postcount=5)
Bình Long (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077220&postcount=6 )
Bình Trị Thiên (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077221&postcount=7 )
Bình Tuy (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077224&postcount=8 )
Bắc Thái (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077226&postcount=9 )
Cap Saint Jacques ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077227&postcount=10)
Chương Thiện ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077228&postcount=11)
Chợ Lớn ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077229&postcount=12)
Côn Sơn (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077230&postcount=13 )
Côn Đảo (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077231&postcount=14 )
Cần Thơ (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077233&postcount=15 )
Cầu Đơ ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077234&postcount=16)
Cửu Long (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077235&postcount=17 )
Định Tường ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077236&postcount=18)
Đồng Nai Thượng ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077237&postcount=19)
Gia Định (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077238&postcount=20 )
Gò Công ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077239&postcount=21)
Hoàng Liên Sơn ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077240&postcount=22)
Hà Bắc ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077241&postcount=23)
Hà Nam Ninh (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077243&postcount=24 )
Hà Nội ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077244&postcount=25)
Hà Sơn Bình (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077246&postcount=26 )
Hà Tiên ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077247&postcount=27)
Hà Tuyên (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077248&postcount=28 )
Hà Tây ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077253&postcount=29)
Hà Đông (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077256&postcount=30 )
Hưng Hóa ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077258&postcount=31)
Hải Hưng (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077264&postcount=32 )
Hải Ninh (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077265&postcount=33 )
Hậu Giang ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077268&postcount=34)
Hậu Nghĩa ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077269&postcount=35)
Đặc khu Hồng Gai (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077270&postcount=36 )
Hồng Quảng (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077271&postcount=37 )
Kiến An ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077272&postcount=38)
Kiến Phong (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077273&postcount=39 )
Kiến Tường (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077274&postcount=40 )
Long Khánh ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077276&postcount=41)
Lâm Viên ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077282&postcount=42)
Lục Nam (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077283&postcount=43 )
Minh Hải (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077285&postcount=44 )
Mộc Hóa ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077290&postcount=45)
Mỹ Tho (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077291&postcount=46 )
Nam Hà ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077297&postcount=47)
Nghĩa Bình (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077298&postcount=48 )
Nghĩa Lộ ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077299&postcount=49)
Nghệ Tĩnh (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077300&postcount=50 )
Phan Rang (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077309&postcount=51 )
Phong Dinh (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077313&postcount=52 )
Phong Thạnh ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077316&postcount=53)
Phù Lỗ (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077317&postcount=54 )
Phú Bổn (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077318&postcount=55 )
Phú Khánh (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077320&postcount=56 )
Phúc Yên ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077321&postcount=57 )
Phước Long ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077322&postcount=58)
Phước Thành (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077323&postcount=59 )
Phước Tuy ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077324&postcount=60)
Quảng Nam-Đà Nẵng ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077325&postcount=61)
Quảng Tín (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077326&postcount=62 )
Quảng Yên (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077327&postcount=63 )
Quảng Đà ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077328&postcount=64)
Quảng Đức ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077329&postcount=65)
Rạch Giá ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077330&postcount=66)
Sa Đéc ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077331&postcount=67)
Sông Bé ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077332&postcount=68)
Sơn Tây ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077333&postcount=69)
Tam Cần ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077334&postcount=70)
Thuận Hải (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077335&postcount=71 )
Thủ Biên ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077336&postcount=72)
Thủ Dầu Một (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077337&postcount=73 )
Tuyên Đức (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077338&postcount=74 )
Tân An ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077339&postcount=75)
Vĩnh Bình ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077340&postcount=76)
Vĩnh Phú ( http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077341&postcount=77)
Vĩnh Trà (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077343&postcount=79 )
Vĩnh Yên (http://luongsonbac.com/forum/showpost.php?p=1077342&postcount=78 )

LSB-Sun
03-03-2010, 19:32
An Xuyên

An Xuyên là một tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam vào thời Việt Nam Cộng hòa. An Xuyên chính là tên của làng sở tại trước kia thuộc tổng Quản Long.

Tỉnh An Xuyên được thành lập trên cơ sở tỉnh Cà Mau cũ (thành lập ngày 9 tháng 3 năm 1956) và là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956. Tỉnh lỵ đặt tại Quản Long. Tỉnh An Xuyên bao gồm 6 quận, 23 xã (ngày 5/8/1957):


Quận Quản Long gồm 4 xã; quận lị: Quản Long.
Quận Cái Nước gồm xã 6 xã; quận lị: Cái Nước Ngọn.
Quận Đầm Dơi gồm 4 xã; quận lị: Tân Duyệt.
Quận Thới Bình gồm 4 xã; quận lị: Thới Bình.
Quận Năm Căn gồm 2 xã; quận lị: Năm Căn.
Quận Sông Ông Đốc gồm 3 xã; quận lị: Cửa Sông Ông Đốc.


Tháng 2 năm 1976, tỉnh An Xuyên (tức tỉnh Cà Mau) được sáp nhập với tỉnh Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải

LSB-Sun
03-03-2010, 19:34
Ba Xuyên

Ba Xuyên là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV của Tổng thống ngày 22 tháng 10 năm 1956, do hợp nhất hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng. Tỉnh lị: Khánh Hưng.

Năm 1957 tỉnh Ba Xuyên bao gồm 8 quận, 16 tổng, 73 xã:


Quận Châu Thành Ba Xuyên có 12 xã; quận lị: Mỹ Xuyên. Gồm 2 tổng: Nhiêu Khánh, Nhiêu Hòa.
Quận Thạnh Trị có 12 xã; quận lị: Thạnh Trị. Gồm 3 tổng: Thạnh An, Thạnh Lộc, Thạnh Lợi.
Quận Long Phú có 12 xã; quận lị: Long Phú. Gồm 2 tổng: Định Hòa, Định Mỹ.
Quận Giá Rai có 4 xã; quận lị: Phong Thinh. Gồm 1 tổng: Long Thủy.
Quận Vĩnh Lợi có 9 xã; quận lị: Vĩnh Lợi. Gồm 2 tổng: Thạnh Hòa, Thạnh Hưng.
Quận Bố Thảo có 8 xã; quận lị: Thuận Hòa rồi chuyển sang Thuận Phú. Gồm 2 tổng: Thuận Phú, Thuận Mỹ.
Quận Lịch Hội Thượng có 8 xã; quận lị: Lịch Hội Thượng. Gồm 2 tổng: Định Chí, Định Phước.
Quận Phước Long có 8 xã; quận lị: Phước Long. Gồm 2 tổng: Thanh Bình, Thanh Yên.

Sang năm 1958, sắp xếp lại còn 7 quận, 14 tổng, 68 xã: quận Châu Thành đổi thành Mỹ Xuyên, quận Bố Thảo đổi thành Thuận Hòa, bỏ quận Lịch Hội Thượng, quận Thạnh Trị bỏ tổng Thạnh Lợi, quận Long Phú có thêm tổng Định Phước.

Ngày 8/9/1964 tách một phần tỉnh Ba Xuyên để tái lập tỉnh Bạc Liêu.

Ngày 16/9/1968 chuyển quận Kế Sách từ tỉnh Phong Dinh sang tỉnh Ba Xuyên.

Tháng 2/1976, tỉnh Ba Xuyên và tỉnh Phong Dinh hợp nhất thành tỉnh Hậu Giang. Năm 1991 tỉnh Hậu Giang tách ra thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng như cũ.

LSB-Sun
03-03-2010, 19:36
Biên Hòa

Biên Hòa là một tỉnh cũ ở Đông Nam Bộ Việt Nam.

Vùng đất Biên Hoà xưa

Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh (còn có tên Nguyễn Hữu Kính) được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào kinh lược xứ Đàng Trong đã thành lập dinh Trấn Biên, tiền thân của tỉnh Biên Hoà sau này. Năm Gia Long thứ 7 (1808), dinh Trấn Biên được đổi thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long thuộc dinh Trấn Biên được nâng lên thành phủ Phước Long, các tổng được nâng lên thành huyện. Trấn Biên Hòa (gồm 1 phủ Phước Long) là một trong 5 trấn dưới thời Gia Long, thuộc Gia Định thành.

Trấn Biên Hoà (1808 - 1832) hay tỉnh Biên Hòa (1832 - 1861) có địa giới hành chính hết sức rộng, bao gồm vùng đất các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, một phần tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, với tổng diện tích lên đến trên 17.000 km².

Tỉnh Biên Hòa thời nhà Nguyễn

Tỉnh được thành lập năm Minh Mạng thứ 13 (1832) và là một trong 6 tỉnh của Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh).

Năm Minh Mạng thứ 18 (1837) đặt thêm phủ Phước Tuy, tách hai huyện Long Thành và Phước An của phủ Phục Long đặt thuộc phủ Phước Tuy mới lập trực thuộc tỉnh Biên Hòa, đồng thời tách phần đất phía bắc hai huyện này lập thành huyện mới Long Khánh với 6 tổng là Long Xương, Long Cơ, An Trạch, An Viễn, Tập Phước và Khánh Nhơn. Như vậy tỉnh Biên Hòa có 2 phủ Phước Long và Phước Tuy. Phủ Phước Long gồm 2 huyện Phước Chính, Bình An và kiêm nhiếp 2 huyện Phước Bình, Nghĩa An. Phủ Phước Tuy gồm 2 huyện Long Thành và Phước An, và kiêm nhiếp 1 huyện Long Khánh.

Đến năm 1840 đặt thêm 4 phủ Tân Định, Tân Bình, Tân Lợi, Tân Thuận và nhiều huyện.

Theo Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, Biên Hòa bị cắt nhượng cho Pháp cùng với Gia Định và Định Tường.

Tỉnh Biên Hòa thời Pháp thuộc

Năm 1876, tỉnh Biên Hòa bị Pháp giải thể và biến thành 3 tiểu khu, còn gọi là hạt tham biện (arrondissement): Biên Hòa, Thủ Dầu Một và Bà Rịa.

Từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Biên Hòa trở thành tỉnh theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên tất cả các hạt tham biện thành tỉnh. Thời kỳ này, địa giới tỉnh Biên Hòa bao gồm tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Phước, một phần tỉnh Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh hiện tại.

1945-1975

Trong chiến tranh Việt Nam, địa giới tỉnh nhiều lần thay đổi, chia tách và sáp nhập với các tỉnh khác.

- Phân chia theo VNDCCH và MTDTGPMN

Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã nhiều lần tách nhập tỉnh Biên Hòa với các tỉnh Thủ Dầu Một, Bà Rịa - Long Khánh, với các tên gọi: Biên Hoà, Long Khánh, Thủ Biên, Bà Biên, Bà Rịa - Long Khánh, U1 (một đơn vị chiến trường ngang cấp tỉnh được thành lập tháng 9 năm 1965 gồm thị xã Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu, đến tháng 10 năm 1967 có thêm huyện Trảng Bom), phân khu 4, phân khu Thủ Biên, tỉnh Tân Phú.

Sau ngày Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đến tháng 5 năm 1951, tỉnh Biên Hòa bao gồm cả phần đất ngày nay thuộc tỉnh Bình Phước, một phần đất của tỉnh Bình Dương. Từ tháng 5 năm 1951 đến cuối năm 1954 chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáp nhập tỉnh Biên Hòa với tỉnh Thủ Dầu Một thành tỉnh Thủ Biên. Địa giới tỉnh Thủ Biên bao gồm phần đất các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), trừ huyện Long Thành lúc này được giao về tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn. Cuối năm 1954, tỉnh Thủ Biên được tách ra lập lại hai tỉnh: Biên Hòa và Thủ Dầu Một. Tỉnh Biên Hòa khi đó bao gồm thị xã Biên Hòa và 5 huyện: Vĩnh Cửu, Long Thành, Tân Uyên, Xuân Lộc và Bà Rá. Từ tháng 9 năm 1960 đến tháng 7 năm 1961 chính quyền Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại tái lập tỉnh Thủ Biên. Tháng 7 năm 1961, tỉnh Thủ Biên được tách thành 3 tỉnh: Thủ Dầu Một, Biên Hòa và Phước Thành. Tỉnh Biên Hòa được thành lập lại gồm các huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch và thị xã Biên Hòa.

Từ tháng 3 năm 1963 đến tháng 12 năm 1963 và từ tháng 11 năm 1966 đến tháng 10 năm 1967, chính quyền Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáp nhập với tỉnh Bà Rịa thành tỉnh Bà Biên. Tháng 4 năm 1964, thị xã Biên Hòa được tách ra thành lập một đơn vị hành chính riêng, trực thuộc Khu ủy miền Đông. Tỉnh Biên Hòa còn lại các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, huyện Cao Su, Ban cán sự di cư. Đầu năm 1965, thị xã Biên Hòa được nâng lên thành một đơn vị tương đương cấp tỉnh, có phiên hiệu là U1, gồm thị xã Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu. Như vậy trên địa bàn Đồng Nai, thời kỳ này có 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh: Biên Hòa (nông thôn), Long Khánh và U1 (Biên Hòa thị). Bên cạnh U1, tỉnh Biên Hòa có các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Ban cán sự Cao Su; tỉnh Long Khánh có thị xã Long Khánh và các huyện Xuân Lộc, Định Quán và huyện Cao Su.

Tháng 12 năm 1967, thực hiện chủ trương chuyển hướng chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam, các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và huyện cao su Bình Sơn được sáp nhập với quận 1, quận 9, Nam huyện Thủ Đức, quận Cần Giờ (Sài Gòn), để lập Phân khu 4. Còn lại U1, gồm thị xã Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Trảng Bom. Năm 1971, chiến trường được bố trí lại thành hai phân khu: phân khu Bà Rịa và phân khu Thủ Biên. Tháng 10 năm 1972, thực hiện chỉ thị của Trung ương Cục miền Nam, các phân khu bị giải thể, tỉnh Bà Rịa - Long Khánh và tỉnh Biên Hòa được lập lại. Tỉnh Biên Hòa thời kỳ này có các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom (từ tháng 10 năm 1973 trở thành huyện Thống Nhất), Long Thành, Nhơn Trạch, Duyên Hải, Tân Uyên, Dĩ An (từ năm 1973, Tân Uyên, Dĩ An trở về tỉnh Thủ Dầu Một), huyện cao su Bình Sơn và thị xã Biên Hòa. Tháng 6 năm 1973, tỉnh Biên Hòa được tách thành hai đơn vị ngang cấp tỉnh: Biên Hòa nông thôn có các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bàng, Long Thành, Nhơn Trạch, Duyên Hải, Cao Su. Biên Hòa đô thị được gọi là Thành phố Biên Hòa. Tháng 10 năm 1973, thành lập tỉnh Tân Phú, gồm các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Độc Lập và Định Quán. Tỉnh này tồn tại cho đến khi lập tỉnh Đồng Nai.

- Phân chia theo VNCH

Về phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 của Tổng thống chia tỉnh Biên Hòa thành 4 tỉnh: Biên Hòa, Long Khánh, Phước Long (có thêm phần đất của tỉnh Thủ Dầu Một), Bình Long (có thêm phần đất của tỉnh Thủ Dầu Một). Theo Nghị định số 140-BNV/HC/ND của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 2/5/1957, tỉnh Biên Hòa mới gồm 4 quận, 11 tổng, 84 xã:


Quận Châu Thành Biên Hòa, quận lị: Bình Trước, có 3 tổng: Phước Vĩnh Thượng, Phước Vĩnh Trung, Long Vĩnh Thượng. Ngày 7/2/1963 đổi tên thành quận Đức Tu.
Quận Long Thành, quận lị: Phước Lộc Xã, có 2 tổng: Thành Tuy Thượng, Thành Tuy Hạ.
Quận Dĩ An, quận lị: An Bình Xã, có 3 tổng: An Thủy, Chánh Mỹ Thượng, Long Vĩnh Hạ.
Quận Tân Uyên, quận lị: Uyên Hưng, có 3 tổng: Chánh Mỹ Trung, Chánh Mỹ Hạ, Phước Vĩnh Hạ.


Ngày 23/1/1959, tách một phần đất quận Tân Uyên, cùng phần đất của các tỉnh khác lập tỉnh Phước Thành. Khi đó tỉnh Biên Hòa phía bắc giáp tỉnh Phước Thành, phía đông giáp tỉnh Long Khánh, phía đông nam giáp tỉnh Phước Tuy, phía tây và tây nam giáp hai tỉnh Gia Định và Bình Dương.

Ngày 9/9/1960, tách một phần đất quận Long Thành, lập quận Nhơn Trạch, quận lị đặt tại Phú Thạnh. Quận Nhơn Trạch có 2 tổng: Thành Tuy Trung (7 xã) và Thành Tuy Hạ (6 xã).

Ngày 22/3/1963, lập quận mới Công Thanh, gồm 2 tổng: Thanh Quan (6 xã), Thanh Phong (6 xã).

Sau năm 1975

Tháng 2 năm 1976, tỉnh sáp nhập với Bà Rịa (kể cả Vũng Tàu - tức tỉnh Phước Tuy của Việt Nam Cộng hòa) và Long Khánh thành tỉnh Đồng Nai. Tỉnh lỵ đặt tại Biên Hòa. Đến tháng 7 năm 1976, huyện Cao Su giải thể, một phần sáp nhập với huyện Xuân Lộc, một phần được nhập về khu Kỹ nghệ.

LSB-Sun
03-03-2010, 19:37
Bà Rịa

Bà Rịa là tỉnh cũ thuộc vùng Đông Nam Bộ Việt Nam, nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Vùng đất Bà Rịa xưa

Vùng đất Bà Rịa đ­ược ngư­ời Việt Nam khai phá từ thế kỷ 17, lúc đầu Bà Rịa thuộc dinh Trấn Biên, tỉnh Gia Định. Năm 1808, vua Gia Long đổi Trấn Biên thành Biên Hoà. Tên Bà Rịa có hai cách giải thích: theo các cuốn "Gia Định thành thống chí", "Đại Nam nhất thống chí" và một số bộ sử khác thì Bà Rịa vốn là đất của tiểu vư­ơng Bà Rịa (bị Chân Lạp thôn tính). Nam­ 1622, theo thoả ư­ớc của chúa Nguyễn Phúc Nguyên với vua Chân Lạp Chey Chetta II, những nhóm c­ư dân Việt đầu tiên được phép khai phá xứ Mô Xoài . Tên Bà Lỵ là cách ng­ười Việt viết âm tiếng Hán của Bà Rịa. Một cách giải thích khác: vào khoảng năm 1789 có một ngư­ời đàn bà tục gọi là bà Rịa ngư­ời Bình Định đưa dân nghèo vào khai hoang ở Tam Phước (tên gọi ngày nay). Nhờ uy tín và tài năng tổ chức, bà động viên đ­ược mọi ngư­ời ra sức khẩn hoang, xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới. Về già, bà Rịa đem hết tài sản của ḿnh làm việc công ích, lập quỹ cứu tế để trợ giúp ng­ời nghèo, rước thầy về dạy học cho trẻ... Bà chết năm 1803 đư­ợc dân lập dền thờ như­ một vị phúc thần. Tên của bà đã trở thành tên của vùng đất này.

Thay đổi hành chính

Tỉnh Bà Rịa được thành lập từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 cùng với 19 tỉnh khác ở Nam Kỳ theo nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương do việc đổi các hạt tham biện thành tỉnh.

Trước đó vào năm 1876, hạt tham biện, còn gọi là tiểu khu hành chính, (arrondissement) Bà Rịa được thành lập trên địa bàn phủ Phước Tuy của tỉnh Biên Hòa cũ.

Khi mới thành lập, tỉnh Bà Rịa có 8 tổng, 64 làng, sau tăng lên thành 10 tổng.

Ngày 27/6/1951 Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ (thuộc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) nhập 2 tỉnh Bà Rịa và Chợ Lớn thành tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn, có khi gọi tắt là tỉnh Bà Chợ. Tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn thuộc Phân liên khu Miền Đông, Liên khu Nam Bộ.

Tháng 10 năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lập tỉnh Phước Tuy gồm địa bàn tỉnh Bà Rịa và quần đảo Trường Sa.

Từ tháng 3 năm 1963 đến tháng 12 năm 1963 và từ tháng 11 năm 1966 đến tháng 10 năm 1967, chính quyền Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sáp nhập tỉnh Bà Rịa với tỉnh Biên Hòa thành tỉnh Bà Biên.

Trong quá trình tồn tại của tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu đã nhiều được tách ra rồi lại nhập vào.

LSB-Sun
03-03-2010, 19:38
Bình Long

Bình Long là một tỉnh cũ ở miền Đông Nam Bộ Việt Nam.

Bình Long được thành lập theo Sắc lệnh số 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 do Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa ký, chia Nam phần thành 22 tỉnh. Phước Long và Bình Long là 2 tỉnh mới tách ra từ tỉnh Thủ Dầu Một. Tỉnh lị đặt tại An Lộc, trước đây thuộc quận Hớn Quản của tỉnh Thủ Dầu Một.

Theo Nghị định số 4 ngày 3 tháng 1 năm 1957 của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa thì tỉnh Bình Long bao gồm 2 quận (không có cấp tổng):


An Lộc có 36 xã, 118 ấp. Năm 1960 hợp nhất một số xã, nên còn 21 xã
Lộc Ninh có 18 xã, 95 ấp. Năm 1960 hợp nhất một số xã, nên còn 10 xã


Năm 1964, lập quận mới Chơn Thành, gồm 5 xã tách ra từ quận Lộc Ninh và lập thêm 7 xã, tổng cộng có 12 xã.

Sau khi đất nước thống nhất, 3 tỉnh Bình Long, Phước Long và Bình Dương hợp nhất thành tỉnh Sông Bé, đến cuối năm 1996, tỉnh Sông Bé lại tách ra làm 2 tỉnh Bình Phước và Bình Dương. Địa bàn tỉnh Bình Long nay là một phần của tỉnh Bình Phước.

LSB-Sun
03-03-2010, 19:42
Bình Trị Thiên

Bình Trị Thiên là tên của một tỉnh cũ tại Việt Nam, gồm ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh. Năm 1976, ba tỉnh này đã được sáp nhập thành một tỉnh có tỉnh lỵ đóng tại thành phố Huế. Theo Quyết định ngày 30 tháng 6 năm 1989 của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 5, ba tỉnh này lại được tách ra như cũ, riêng tỉnh Thừa Thiên sau khi tách thì mang tên gọi mới: Thừa Thiên - Huế.

Diện tích, dân số

- Diện tích: 18.340 km²
- Dân số:

Năm 1979: 1.851.600 người
Năm 1981: 1.941.000 người
Năm 1984: 2.020.500 người


Thay đổi hành chính

Theo Quyết định số 62-CP của Hội đồng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 11-3-1977, các huyện được hợp nhất và các thay đổi như sau:


2 huyện Phú Lộc, Nam Đông và 2 xã của huyện Phú Vang thành huyện Phú Lộc mới
2 huyện Phú Vang (trừ 2 xã) và Hương Thủy thành huyện Hương Phú
3 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà thành huyện Hương Điền
2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng thành huyện Triệu Hải
2 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh thành huyện Lệ Ninh
3 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ thành huyện Bến Hải
2 huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa (trừ 9 xã) thành huyện Tuyên Hóa mới
9 xã của huyện Tuyên Hóa sáp nhập vào huyện Quảng Trạch
Xã Hướng Lập của huyện Vĩnh Linh sáp nhập vào huyện Hướng Hóa

LSB-Sun
03-03-2010, 19:47
Bình Tuy

Bình Tuy là một tỉnh cũ thuộc Đông Nam Bộ Việt Nam, được lập dưới thời Việt Nam Cộng hòa.

Hành chính

Bình Tuy là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV của Tổng thống ngày 22 tháng 10 năm 1956. Đất đai Bình Tuy lấy từ một phần tỉnh Đồng Nai Thượng, và vùng Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh của tỉnh Bình Thuận.

Năm 1957, tỉnh Bình Tuy có 3 quận:


Quận Hàm Tân có 4 xã; quận lị: Phước Hội.
Quận Tánh Linh có tổng La Ngà (4 xã) và 4 xã độc lập; quận lị: Lạc Tánh.
Quận Bình Lâm có 5 tổng (gồm nhiều thôn, không có xã): Ma Blao, R'Da (Va Pro), Rda, Tala, Quyeon; quận lị: Bsa Da Houai.


Từ 1976, tỉnh sáp nhập với Ninh Thuận và Bình Thuận thành tỉnh Thuận Hải. Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Thuận Hải lại được tách thành hai tỉnh là Bình Thuận và Ninh Thuận. Bình Tuy từ đó thuộc khu vực huyện Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh và thị xã La Gi của tỉnh Bình Thuận ngày nay. Như vậy, địa bàn tỉnh Bình Tuy cũ trở thành khu vực thuộc Nam Trung Bộ.

Địa lý

Bình Tuy phía bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía nam giáp biển Đông, phía tây giáp với hai tỉnh Long Khánh và Phước Tuy. Diện tích 3.560 kilômét vuông. Tỉnh lỵ là Hàm Tân gần bờ biển phía nam, cách thành phố Sài Gòn 183 kilômét về hướng đông. Đông bắc tỉnh nhiều rừng núi, các ngọn núi đáng kể là núi M'Hai 1.642 mét, núi B'Nom Dan Lu 1.339 mét, núi Pacam 1.205 mét, núi Nam Hu 1.186 mét, núi B'Nom Pang Ko 734 mét; ở giữa tỉnh gần Tánh Linh có núi Ông cao 1.302 mét, núi Đen cao 507 mét; phía Tây và phía Nam có những ngọn núi thấp như núi La A 332 mét, núi Dinh (Djinh) 295 mét, núi Hok 157 mét, núi Giang Cò 352 mét, núi Bà 871 mét, núi Ky 736 mét, núi Đất 166 mét, núi Nhọn 570 mét, núi Tà Cú 666 mét.

Sông La Ngà là sông chính của tỉnh, chảy từ Lâm Đồng xuống Bình Tuy theo hướng bắc-nam, đi ngang qua quận Tánh Linh, rồi vào địa phận quận Hoài Đức và chảy dọc theo ranh giới với tỉnh Long Khánh, sau đó chảy qua phía bắc Long Khánh để nhập vào sông Đồng Nai. Các chi lưu quan trọng của sông La Ngà là sông Da Rgna, Da R'Gnao và sông Các. Ngoài ra, Bình Tuy còn các sông khác ở phía đông và nam là sông Kabat, sông Phan, sông Dinh, sông Giêng, sông Gia Ót, sông Cỏ Chi, sông Cô Kiều. Và một số suối lớn như suối Vàng, suối Kiết, suối Tre. Ở Hiệp Hòa có suối nước nóng trên 70°C.

Tổng diện tích tỉnh Bình Tuy là 3.696 km².

Khí hậu

Khí hậu Bình Tuy giống Bình Thuận, không chênh lệch nhiệt quá lớn. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4. Quốc lộ 1 và liên tỉnh lộ 3 là những đường giao thông quan trọng nối liền Bình Tuy với các tỉnh khác. Sân bay có ở tỉnh lỵ Hàm Tân.

Dân cư

Dân tộc sinh sống đông nhất ở đây là người Kinh, kế đó đến người Ra Glai và người Chàm. Các tôn giáo chính tại đây là đạo Thiên Chúa, đạo Phật, đạo Tin Lành, thờ cúng ông bà.

Dân số tỉnh Bình Tuy tính đến năm 1971 là 74.315 người

Kinh tế

Ruộng lúa phần lớn có tại vùng đồng bằng phía tây-nam, các hoa màu phụ là ngô, khoai lang, sắn, đậu phụng, vừng, mía.... Vùng Hoài Đức và Tánh Linh trồng nhiều mía. Mía Trà Tân nổi tiếng. Tỉnh có nhiều rừng với các loại gỗ quý như: gõ, hoàng đàn, trắc, cẩm lai, lá buông và nhiều rừng dầu có cây rất to. Lá buông là được dùng để lợp nhà, dệt đệm, dệt buồm, chắn phên, đan cặp, đan nón, đan vỏ chai rượu. Cọng lá buông dùng đan mành sáo chắn gió. Cành lá buông đập tơ lấy sợi đan thảm. Rừng Bình Tuy cũng có nhiều thú như voi, cọp, beo, heo rừng, nai...

Do có nhiều sông và gần bờ biển nên ở đây có nhiều người theo nghề đánh cá và làm nước mắm, ruộng muối.

LSB-Sun
03-03-2010, 19:55
Bắc Thái

Bắc Thái là một tỉnh cũ của Việt Nam. Nay là tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên

Trước đây, vào năm 1890, chính quyền bảo hộ của thực dân Pháp chia tỉnh Thái Nguyên thành 2 tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Bắc Cạn. Năm 1965 Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hoà đã ban hành quyết định sát nhập 2 tỉnh với tên gọi Bắc Thái. Đơn vị hành chính: TP. Thái Nguyên (thủ phủ), thị xã Bắc Kạn, Thanh An, Bạch Thông, Khâm An, Tân Hoa, Định Hoá, Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, Đại Từ, Phổ Yên, Phú Bình.

Đến ngày 1 tháng 1 năm 1997 tỉnh này bị chia tách thành 2 tỉnh là Bắc Kạn và Thái Nguyên.

LSB-Sun
03-03-2010, 19:56
Cap Saint Jacques

Cap Saint Jacques là tỉnh cũ ở Nam Kỳ, Việt Nam, tách từ tỉnh Bà Rịa.

Ngày 30 tháng 4 năm 1929, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách phần đất của tổng Vũng Tàu (gồm 3 xã Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam) thuộc đại lý hành chính Cap Saint Jacques, xã Long Sơn và quận Cần Giờ (gồm 4 xã Cần Thạnh, Đồng Hòa, Thạnh An, Tân Thạnh) lập ra tỉnh Cap Saint Jacques.

Ngày 28 tháng 12 năm 1934, tỉnh Cap Saint Jacques bị giải thể, Cap Saint Jacques trở thành thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa.

LSB-Sun
03-03-2010, 19:56
Chương Thiện

Chương Thiện là một tỉnh được thành lập ngày 21 tháng 1 năm 1961 dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa của Việt Nam Cộng Hòa từ những quận tách từ ba tỉnh Ba Xuyên, Kiên Giang và Phong Dinh. Chương Thiện có diện tích 2.292 km², phía đông bắc giáp tỉnh Phong Dinh, phía đông nam giáp tỉnh Ba Xuyên, phía nam giáp tỉnh An Xuyên và Bạc Liêu, phía tây và tây bắc giáp tỉnh Kiên Giang. Tỉnh lỵ đặt ở thị xã Vị Thanh. Tỉnh Chương Thiện có 5 quận: Đức Long, Kiên Hưng, Kiên Long, Kiên Thiện và Long Mỹ.

Tính đến năm 1971 dân số của tỉnh là 285.517 người.

Sau năm 1975, tỉnh Chương Thiện nhập với tỉnh Phong Dinh thành tỉnh mới là tỉnh Hậu Giang.

LSB-Sun
03-03-2010, 19:57
Chợ Lớn

Chợ Lớn là một tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam.

Tỉnh Chợ Lớn được thành lập theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở đổi tên gọi tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) thành tỉnh (province), kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900. Như vậy Chợ Lớn là 1 trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ lúc bấy giờ.

Hạt tham biện Chợ Lớn được lập ra ngày 5 tháng 1 năm 1876 do tách từ tỉnh Gia Định cũ. Tỉnh Chợ Lớn vốn là đất huyện Tân Long, phủ Tân Bình của tỉnh Gia Định, gồm 13 tổng (sau còn 12 tổng), 72 làng. 12 tổng đó là: Cầu An Thượng, Cầu An Hạ, Long Hưng Thượng, Long Hưng Hạ, Long Hưng Trung, Phước Diên Thượng, Phước Diên Trung, Phước Diên Hạ, Tân Phong Hạ, Lộc Thạnh Thượng, Lộc Thạnh Trung, Lộc Thạnh Hạ.

Tỉnh Chợ Lớn riêng biệt với thành phố Chợ Lớn.

Dân số tỉnh Chợ Lớn năm 1901 là 184.151 người, và theo kết quả điều tra dân số năm 1916 là 212.536 người, theo điều tra dân số ngày 15 tháng 2 năm 1920 là 205.657 người.

Vào thời điểm 1940, tỉnh Chợ Lớn có bốn quận: Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước và Trung quận.

Ngày 27/6/1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ (thuộc chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) nhập 2 tỉnh Chợ Lớn và Bà Rịa thành tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn, có khi gọi tắt là tỉnh Bà Chợ. Tỉnh Bà Rịa - Chợ Lớn thuộc Phân liên khu Miền Đông, Liên khu Nam Bộ.

Sau này phần lớn đất đai tỉnh Chợ Lớn (Cần Giuộc, Bến Lức, Đức Hòa) nhập vào tỉnh Long An khi tỉnh này được thành lập năm 1956, trừ phần đất nhỏ nhập vào tỉnh Gia Định, sau là huyện Bình Chánh Thành phố Hồ Chí Minh.

LSB-Sun
03-03-2010, 19:58
Côn Sơn

Côn Sơn là một tỉnh cũ dưới thời Việt Nam Cộng hòa, bao gồm toàn bộ quần đảo cùng tên (còn gọi là Côn Đảo).


Ngày 22/10/1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh thành lập tỉnh Côn Sơn.
Ngày 24/4/1965 chính quyền Sài Gòn đổi tỉnh Côn Sơn thành cơ sở hành chính Côn Sơn, trực thuộc bộ Nội vụ và chức tỉnh trưởng được đổi thành Đặc phái viên hành chính.

Hiện nay đây là đơn vị hành chính cầp huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

LSB-Sun
03-03-2010, 19:58
Côn Đảo

Côn Đảo với diện tích 76 km² từng là một tỉnh của Việt Nam từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 1 năm 1977. Sau đó Côn Đảo trở thành một huyện của tỉnh Hậu Giang cũ, rồi là một quận thuộc Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (1979-1991) và từ năm 1991 là một huyện của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

LSB-Sun
03-03-2010, 19:59
Cần Thơ

Cần Thơ là một tỉnh cũ thuộc Nam Bộ, Việt Nam. Tỉnh lị là thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh.

Cần Thơ vốn là đất cũ tỉnh An Giang thời Lục tỉnh của nhà Nguyễn. Khi người Pháp chiếm Miền Tây Nam Kỳ (1867) thì tỉnh An Giang bị cắt thành sáu tiểu khu, sau này trở thành tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Cần Thơ được thành lập theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương trên cơ sở đổi tên gọi tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) thành tỉnh (province), kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1900. Như vậy Cần Thơ là 1 trong 20 tỉnh ở Nam Kỳ lúc bấy giờ.

Trước đó, hạt (tham biện) Cần Thơ thuộc khu vực Bassac (Hậu Giang) được thành lập ngày 23 tháng 2 năm 1876 theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ, gồm huyện Phong Phú, một phần đất ở hạt Trà Ôn, hạt Sa Đéc. Hạt Cần Thơ chia làm 11 tổng, 119 làng, dân số 53.910 người.

Năm 1915 tỉnh Cần Thơ có 189.837 người Kinh, 14.369 người Miên, 5.762 người Hoa, 3048 người Minh Hương, 127 người Âu và 313 người các dân tộc khác.

Năm 1917 tỉnh Cần Thơ có diện tích 2.191 km², gồm 4 quận, 10 tổng, 94 làng:

1. Quận Châu Thành có 2 tổng, 23 làng:

- Tổng Định Bảo: 12 làng
- Tổng An Trường: 11 làng

2. Quận Ô Môn có 2 tổng, 18 làng:

- Tổng Định Thới: 10 làng
- Tổng Thới Bảo: 8 làng

3. Quận Phụng Hiệp có 3 tổng, 21 làng:

- Tổng Định An: 6 làng
- Tổng Định Hòa: 8 làng
- Tổng Định Phước: 7 làng

4. Quận Cầu Kè có 3 tổng, 32 làng:

- Tổng Bình Lễ: 9 làng
- Tổng Thành Trị: 8 làng
- Tổng Tuần Giáo: 15 làng

Năm 1921 có thêm quận Trà Ôn.

Đến năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Cần Thơ thành tỉnh Phong Dinh. Tuy nhiên phía chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi này mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Cần Thơ.

Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976 của Chính phủ Việt Nam, thì tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng được nhập lại để thành lập tỉnh Hậu Giang.

Tháng 12 năm 1991, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang để tái lập tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.

Tỉnh Cần Thơ lúc đó có diện tích 2.965,36 km², dân số là 1.832.045 người. Tỉnh lỵ là thành phố Cần Thơ và 6 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ.

Năm 2000, huyện Vị Thanh được chia ra để thành lập thị xã Vị Thanh và huyện Vị Thủy.

Năm 2001, huyện Châu Thành được chia ra để hình thành huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A. Như vậy là đến năm 2001, tỉnh Cần Thơ có thành phố Cần Thơ, thị xã Vị Thanh và 7 huyện.

Từ 1/1/2004 tỉnh Cần Thơ được chia tách thành 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh là thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang mới.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:00
Cầu Đơ

Cầu Đơ là một tỉnh cũ của Việt Nam vào thời kỳ 1902-1904.

Phần còn lại của tỉnh Hà Nội sau khi cắt nhượng cho Pháp lập thành phố Hà Nội (1888) và tách phủ Lý Nhân ra để lập tỉnh Hà Nam (1890) được đổi tên thành tỉnh Cầu Đơ ngày 3 tháng 5 năm 1902. Trước đó, ngày 26 tháng 12 năm 1896, tỉnh lỵ đã được chuyển về Cầu Đơ (lúc đó thuộc huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội).

Ngày 6 tháng 12 năm 1904, tỉnh Cầu Đơ đổi tên thành tỉnh Hà Đông.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:01
Cửu Long

Tỉnh Cửu Long tại Việt Nam được thành lập vào tháng 2 năm 1976 theo Nghị định của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam bằng sự sáp nhập của hai tỉnh là Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh. Đến ngày 26-12-1991, tỉnh này lại tách ra thành hai tỉnh riêng như cũ theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10.

Năm 1980, tỉnh Cửu Long có diện tích 3.846 km², dân số 1.441.7000 người; năm 1984 (31-12) có diện tích 3.854 km², dân số 1.685.600 người.

Thay đổi hành chính

Theo Quyết định số 62-CP của Hội đồng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 11-3-1977, các huyện được hợp nhất và các thay đổi như sau:


Huyện Châu Thành Tây, huyện Cái Nhum và 2 xã của huyện Tam Bình thành huyện Long Hồ
Huyện Tam Bình, huyện Bình Minh thành huyện Tam Bình
Huyện Trà Ôn (trừ 3 xã), huyện Cầu Kè và 2 xã của huyện Tiểu Cần thành huyện Cầu Kè
Xã Hiếu Tử của huyện Tiểu Cần và 5 xã của huyện Châu Thành Đông sáp nhập vào huyện Càn Long (tức Càng Long)
3 xã của huyện Trà Ôn sáp nhập vào huyện Vũng Liêm
4 xã của huyện Châu Thành Đông sáp nhập vào huyện Cầu Ngang
3 xã của huyện Tiểu Cần sáp nhập vào huyện Trà Cú
Xã Long Đức của huyện Châu Thành Đông sáp nhập vào thị xã Trà Vinh
2 xã của huyện Châu Thành Tây sáp nhập vào thị xã Vĩnh Long

Các huyện Cái Nhum, Tiểu Cần, Châu Thành Đông, Châu Thành Tây không còn tồn tại, nhưng trên thực tế hai huyện Bình Minh, Trà Ôn không bị sáp nhập mà vẫn tồn tại. Năm 1980, tỉnh Cửu Long có 2 thị xã Vĩnh Long (tỉnh lị), Trà Vinh và 10 huyện: Long Hồ, Vũng Liêm, Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn, Càn Long (Càng Long), Trà Cú, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Cầu Kè.

Ngày 29-9-1981, tái lập một số huyện cũ: Tiểu Cần (trên thực tế), Bình Minh, Trà Ôn (trên văn bản); lập huyện Châu Thành từ 5 xã của huyện Châu Thành Đông cũ thuộc huyện Cầu Ngang và 4 xã của huyện Cầu Ngang; lập huyện Mang Thít từ phần đất của huyện Cái Nhum cũ; lập huyện Duyên Hải.

Ngày 17-4-1986, lại sáp nhập huyện Mang Thít vào huyện Long Hồ. Như vậy lúc này tỉnh Cửu Long gồm 2 thị xã Vĩnh Long (tỉnh lị), Trà Vinh và 12 huyện: Long Hồ, Vũng Liêm, Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn, Châu Thành, Càng Long, Trà Cú, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Cầu Kè, Duyên Hải.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:08
Định Tường

Định Tường là một tỉnh cũ ở Tây Nam Bộ Việt Nam.

Lịch sử vùng đất cổ

Vùng đất Định Tường trước đây thuộc nước Chân Lạp, nay thuộc địa bàn các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Đồng Tháp ngày nay.

Vào thế kỉ 17, các chúa Nguyễn ra lệnh khai phá, đặt thành đất Vũng Cù và Mỹ Tho. Năm 1679, viên tướng nhà Minh là Dương Ngạn Địch cùng thuộc hạ vượt biển xin cư trú tại đây, chúa Nguyễn cho họ lập làng, ấp ở Mỹ Tho cùng với người Việt di dân khẩn hoang. Năm 1772, vùng này được lập thành đạo Trường Đồn; đến năm 1781, đổi là dinh Trấn Định; năm 1808, đổi là trấn, thuộc Gia Định. Sau đó lập tỉnh Định Tường vào năm 1832.

Tỉnh Định Tường thời nhà Nguyễn

Tỉnh được thành lập năm Minh Mạng thứ 13 (1832) và là một trong 6 tỉnh của Nam Kỳ (Nam Kỳ lục tỉnh).

Theo Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, Định Tường cùng với Biên Hòa và Gia Định bị cắt nhượng cho Pháp. Năm 1876, tỉnh Định Tường bị Pháp giải thể và biến thành 2 tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement) là Mỹ Tho và Gò Công, thuộc khu vực hành chính (circonscription) Mỹ Tho. Sau này 2 hạt Mỹ Tho và Gò Công trở thành 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công.

Tỉnh Định Tường thời Việt Nam Cộng Hòa

Tỉnh Định Tường được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 trên phần đất tỉnh Mỹ Tho (trừ vùng nằm phía nam sông Tiền Giang là quận An Hóa thì đổi tên thành quận Bình Đại và nhập vào tỉnh Kiến Hòa) và là một trong 22 tỉnh của Nam Phần lúc đó. Tỉnh Định Tường bắc giáp tỉnh Kiến Tường, đông bắc giáp tỉnh Long An, đông giáp tỉnh Gò Công, tây nam và nam giáp hai tỉnh Vĩnh Long và Kiến Hòa, tây giáp tỉnh và Kiến Phong, tây nam giáp tỉnh Sa Đéc khi tỉnh này được tái lập. Ranh giới phía nam của tỉnh Định Tường là sông Tiền Giang (đoạn này còn gọi là sông Mỹ Tho). Tỉnh lị là Mỹ Tho. Định Tường có diện tích khoảng 1.900 km². Dân số năm 1965 là 514.146 người.

Gồm 5 quận ban đầu: Bến Tranh, Cái Bè (năm 1961 đổi thành quận Sùng Hiếu sau khi tách quận Giáo Đức ra, đến năm 1964 lại quay lại tên cũ), Cai Lậy (năm 1961 đổi thành quận Khiêm Ích, đến năm 1964 lại quay lại tên cũ), Châu Thành, Chợ Gạo. Năm 1960 quận Châu Thành cũ đổi thành quận Long Định, đến năm 1964 lại tách quận Châu Thành mới ra từ quận Long Định. Lập quận Giáo Đức năm 1961, tách ra từ quận Cái Bè. Quận Long Định đến năm 1969 đổi thành quận Sầm Giang. Ngày 12 tháng 7 năm 1974, lập quận mới Hậu Mỹ, do tách một phần đất của các quận Cái Bè, Giáo Đức, Cai Lậy cùng tỉnh và của quận Kiến Bình (tỉnh Kiến Tường) và của quận Mỹ An (tỉnh Kiến Phong) nhưng chưa sắp xếp xong thì chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ.

Tuy nhiên chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tỉnh này và vẫn giữ tỉnh cũ là Mỹ Tho.

Ngày 20 tháng 12 năm 1963, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập tỉnh Gò Công, tách từ tỉnh Định Tường.

Tháng 2 năm 1976, tỉnh Định Tường sáp nhập với tỉnh Gò Công thành tỉnh Tiền Giang.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:10
Đồng Nai Thượng

Đồng Nai Thượng là một tỉnh cũ ở Nam Trung Bộ, miền Nam Việt Nam.

Ngày 1 tháng 11 năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer ra nghị định lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Province du Haut-Donnaï) ở khu vực thượng lưu sông Đồng Nai, được giới hạn bởi biên giới của Nam Kỳ và của Campuchia, tách từ tỉnh Bình Thuận ra. Tỉnh lỵ đặt tại Di Linh (Djiring).

Ngày 11 tháng 9 năm 1903, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định bãi bỏ tỉnh Đồng Nai Thượng, chuyển thành đại lý hành chính Di Linh, do đại diện của Công sứ Bình Thuận cai trị. Ngày 6 tháng 1 năm 1916: thành lập tỉnh Lâm Viên, gồm đại lý Đà Lạt mới lập lại và đại lý Di Linh, tách từ tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt.

Ngày 31 tháng 10 năm 1920: lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh. Năm 1928 chuyển tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng về Đà Lạt. Năm 1941, khi lập lại tỉnh Lâm Viên, tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt thì tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng chuyển về Di Linh.

Tháng 6 năm 1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, sau khi đã tách một phần sáp nhập với thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Viên, thành lập tỉnh Tuyên Đức. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhập tỉnh Lâm Viên với tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:14
Gia Định

Gia Định là tên một tỉnh cũ nay thuộc địa phận hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh được thành lập vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832) trên cơ sở chia cắt Gia Định thành thành sáu tỉnh: Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, thường gọi là "Nam Kỳ lục tỉnh". Theo Hiệp ước Nhâm Tuất năm 1862, tỉnh bị cắt nhượng cho Pháp cùng với Biên Hòa và Định Tường.

Tháng 12 năm 1889, Pháp chia tỉnh Gia Định thành bốn tỉnh mới: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An và Tây Ninh.

Năm 1956, dưới thời Việt Nam Cộng hòa, Gia Định là một trong 22 tỉnh của Nam phần (tức Nam Bộ), không kể Đô thành Sài Gòn. Năm 1957, tỉnh Gia Định gồm có 6 quận, 10 tổng và 61 xã:


Quận Gò Vấp có 1 tổng Bình Trị Thượng; quận lị: Hạnh Thông Xã.
Quận Tân Bình có 1 tổng Dương Hòa Thượng; quận lị: xã Phú Nhuận.
Quận Hóc Môn có 2 tổng: Bình Thạnh Trung, Long Bình; quận lị: Thới Tam Thôn.
Quận Thủ Đức có 2 tổng: An Bình, An Điền; quận lị: Linh Đông Xã.
Quận Nhà Bè có 1 tổng Bình Trị Hạ; quận lị: xã Phú Xuân Hội.
Quận Bình Chánh có 3 tổng: Long Hưng Thượng, Long Hưng Trung, Tân Phong Hạ; quận lị: xã Bình Chánh.


Năm 1970, Gia Định chia thành 8 quận, ngoài các quận trên còn có:


Quận Bình Thạnh
Quận Cần Giờ


Tháng 2 năm 1976, tỉnh được sáp nhập thêm một phần các tỉnh Biên Hoà, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn-Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976 thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh. Như vậy Thành phố Hồ Chí Minh hình thành từ trên địa bàn thành phố Chợ Lớn, thành phố Sài Gòn và tỉnh Gia Định cũ.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:16
Gò Công

Gò Công là tỉnh cũ ở Tây Nam Bộ Việt Nam.

Thời Pháp thuộc

Năm 1876 Gò Công, vốn trước kia thuộc tỉnh Định Tường thời "Nam Kỳ lục tỉnh", trở thành một hạt tham biện (arrondissement) thuộc khu vực (circonscription) Mỹ Tho do thực dân Pháp đặt ra. Hạt tham biện (còn gọi là Tiểu khu hành chính, trị sở được dân gian quen gọi là tòa Bố) Gò Công gồm 4 tổng: Hòa Đồng Thượng (có 8 làng), Hòa Đồng Hạ (có 10 làng), Hòa Lạc Thượng (có 10 làng), Hòa Lạc Hạ (có 12 làng).

Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Gò Công trở thành tỉnh Gò Công, với số tổng và số làng không đổi. Tỉnh lị là thị xã Gò Công.

Từ ngày 9 tháng 2 năm 1913 đến ngày 9 tháng 2 năm 1924, Gò Công trở thành quận thuộc tỉnh Mỹ Tho. Sau đó lại tái lập tỉnh Gò Công với 5 tổng, thêm tổng Hòa Đồng Trung, số làng cũng thay đổi.

Thời kỳ 1945-1954

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ bỏ cấp tổng, còn làng thì thống nhất gọi là xã.

Năm 1946 Gò Công là một trong 21 tỉnh của Nam Bộ.

Thời Việt Nam Cộng Hòa

Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sáp nhập tỉnh Gò Công vào tỉnh Định Tường mới thành lập trên phần đất tỉnh Mỹ Tho. Ngày 20 tháng 12 năm 1963, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập tỉnh Gò Công, tách từ tỉnh Định Tường.

Gò Công là một tỉnh nhỏ, phía bắc với giáp hai tỉnh Long An và Gia Định, phía đông là biển Đông, phía nam giáp tỉnh Kiến Hòa, phía tây giáp tỉnh Định Tường. Ranh giới phía nam của Gò Công là sông Cửa Đại, ranh giới phía bắc là sông Vàm Cỏ Tây, còn ranh giới phía đông bắc là sông Nhà Bè đổ ra cửa Soài Rạp.

Khi mới tái lập tỉnh Gò Công gồm 2 quận Châu Thành (đổi tên từ quận Gò Công) và Hòa Đồng với 4 tổng 31 xã. Ngày 6 tháng 4 năm 1965, chia quận Châu Thành (tỉnh Gò Công) thành 2 quận: Hòa Tân, quận lỵ tại xã Tân Niên Tây với 9 xã; Hòa Lạc, quận lỵ tại xã Tăng Hòa với 9 xã; chia quận Hòa Đồng thành 2 quận: Hòa Đồng, quận lỵ tại xã Vĩnh Bình với 8 xã; Hòa Bình, quận lỵ tại xã Bình Luông Đông với 5 xã. Như vậy tỉnh Gò Công có 4 quận.

Sau năm 1975

Tháng 2 năm 1976 tỉnh Gò Công nhập với Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang. Hiện nay địa bàn tỉnh Gò Công cũ tương ứng với thị xã Gò Công và các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây.

Danh nhân

Gò Công là quê hương của rất nhiều nhân vật kiệt xuất như: Bình tây Đại Nguyên soái Trương Định, Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, Nam Phương Hoàng Hậu, nhà văn Hồ Biểu Chánh.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:17
Hoàng Liên Sơn

Hoàng Liên Sơn là một tỉnh cũ của Việt Nam, nằm ở giữa đông bắc và tây bắc Bắc Bộ Việt Nam, được thành lập vào ngày 27 tháng 12 năm 1975 trên cơ sở sáp nhập các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và các huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu của tỉnh Nghĩa Lộ. Tỉnh lỵ của Hoàng Liên Sơn là thị xã Yên Bái.

Năm 1979, tỉnh có diện tích 14.125 km², dân số 784.800 người. Gồm 3 thị xã Yên Bái (tỉnh lỵ), Nghĩa Lộ và Lào Cai; 15 huyện: Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên, Than Uyên, Văn Bàn, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Mù Cang Chải, Yên Bình, Trấn Yên và Trạm Tấu.

Tháng 8 năm 1991, tỉnh được chia lại thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái (bao gồm cả phần thuộc tỉnh Nghĩa Lộ).

LSB-Sun
03-03-2010, 20:17
Hà Bắc

Hà Bắc là một tỉnh cũ ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ Việt Nam, thành lập ngày 27 tháng 10 năm 1962 từ hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngày nay, đến ngày 6 tháng 11 năm 1996 lại tách ra như cũ. Bao gồm thị xã Bắc Giang (tỉnh lị), thị xã Bắc Ninh các huyện: Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Hiệp Hoà, Lạng Giang, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Gia Lương, Quế Võ, Thuận Thành, Tiên Sơn, Yên Phong.

Diện tích 4.614,95 km2. Dân số 2.260.893 người (1993).

Hà Bắc là một tỉnh có vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng trên tuyến quốc lộ 18A và 1A. Hà Bắc và Hà Sơn Bình được mệnh danh là cửa ngõ của thủ đô trong 2 cuộc chiến tranh chống Pháp, và Mỹ. Sân bay Kép ở huyện Lạng Giang, Hà Bắc đóng vai trò quan trọng trên tuyến phòng thủ biên giới phía Bắc.

Hà Bắc là vùng trung tâm và chiếm phần lớn diện tích của vùng Kinh Bắc xưa, là cái nôi của những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm.

Do hoàn cảnh mới, để thích ứng với cơ cấu, tính chất quản lý, phân chia đơn vị hành chính, năm 1997, Hà Bắc được tách thành hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang như ngày nay.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:19
Hà Nam Ninh

Hà Nam Ninh là một tỉnh cũ thuộc ven biển đồng bằng sông Hồng của Việt Nam, tỉnh lỵ là thành phố Nam Định. Tỉnh được thành lập vào ngày 27 tháng 12 năm 1975 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình.

Diện tích toàn tỉnh theo thống kê năm 1979 là 3.522 km², dân số 2.707.700 người; thống kê năm 1991 là 3.763 km², dân số 3.157.200 người.

Kể từ 26 tháng 12, 1991, Hà Nam Ninh được chia lại thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình như trước và từ 6 tháng 11 năm 1996, Nam Hà được chia lại thành hai tỉnh Hà Nam và Nam Định

Thay đổi hành chính

Ngày 27/4/1977:

- Hợp nhất 2 huyện Kim Bảng và Thanh Liêm, cùng với thị xã Hà Nam (tức Phủ Lý) thành huyện Kim Thanh. Thị xã Hà Nam chuyển thành thị trấn Hà Nam, huyện lị huyện Kim Thanh.

- Hợp nhất huyện Gia Khánh và thị xã Ninh Bình thành huyện Hoa Lư. Thị xã Ninh Bình chuyển thành thị trấn Ninh Bình, huyện lị huyện Hoa Lư.

- Hợp nhất 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn thành huyện Hoàng Long.

- Hợp nhất huyện Yên Mô và 10 xã của huyện Yên Khánh thành huyện Tam Điệp. Huyện lị là thị trấn Tam Điệp.

- Sáp nhập 9 xã còn lại của huyện Yên Khánh vào huyện Kim Sơn.

Ngày 9/4/1981:

- Tái lập 2 huyện Kim Bảng và Thanh Liêm từ huyện Kim Thanh vừa giải thể.

- Tái lập thị xã Hà Nam.

- Tái lập thị xã Ninh Bình, tách khỏi huyện Hoa Lư.

- Tái lập huyện Gia Viễn, tách khỏi huyện Hoàng Long.

Ngày 17/12/1982, thành lập thị xã Tam Điệp từ thị trấn Tam Điệp.

Như vậy, thời gian này tỉnh Hà Nam Ninh có 1 thành phố Nam Định, 3 thị xã Hà Nam, Ninh Bình, Tam Điệp, và 16 huyện: Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Ninh, Xuân Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Kim Bảng, Thanh Liêm, Gia Viễn, Hoàng Long, Hoa Lư, Tam Điệp, Kim Sơn.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:19
Hà Nội

Tỉnh Hà Nội là một tỉnh cũ của Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 19. Năm 1831, vua Minh Mạng lập ra tỉnh Hà Nội. Đây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ.

Tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ: Hoài Đức (kinh thành Thăng Long cũ và huyện Từ Liêm của tỉnh Sơn Tây), các phủ Ứng Hòa, Lý Nhân, Thường Tín của trấn Sơn Nam Thượng. Tỉnh lỵ là thành Thăng Long cũ. Phủ Ứng Hòa có 4 huyện Chương Đức (sau đổi là Chương Mỹ), Hoài An, Sơn Minh và Thanh Oai. Phủ Lý Nhân có 5 huyện Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Nam Xang và Thanh Liêm. Phủ Thường Tín có 3 huyện Phú Xuyên, Thanh Trì và Thượng Phúc. Tổng cộng tỉnh Hà Nội có 15 huyện.

Vào thời kỳ 1838-1840, phủ Hoài Đức gồm 2 huyện: Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Huyện Thọ Xương có 8 tổng, 116 phường thôn. Huyện Vĩnh Thuận có 5 tổng, 27 phường thôn. Số dân là 52.335 người.

Sau khi Tổng thống Pháp ra sắc lệnh thành lập thành phố Hà Nội, ngày 1 tháng 10 năm 1888, vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng hẳn cho Pháp thành Hà Nội. Ngày 26 tháng 12 năm 1896 tỉnh Hà Nội (phần còn lại) chuyển tỉnh lỵ về Cầu Đơ (nay là thị xã Hà Đông) và đến ngày 3 tháng 5 năm 1902 thì đổi tên thành tỉnh Cầu Đơ. Năm 1904 tỉnh Cầu Đơ đổi tên thành tỉnh Hà Đông.

Năm 1890, phủ Lý Nhân của tỉnh Hà Nội được tách ra để lập tỉnh Hà Nam.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:22
Hà Sơn Bình

Hà Sơn Bình là một tỉnh từng tồn tại ở Bắc Bộ Việt Nam từ ngày 27 tháng 12 năm 1975 đến 12 tháng 8 năm 1991 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. Tỉnh Hà Sơn Bình bắc giáp tỉnh Vĩnh Phú, đông bắc giáp thành phố Hà Nội, đông giáp tỉnh Hải Hưng (bên kia sông Hồng), đông nam giáp tỉnh Hà Nam Ninh, nam giáp tỉnh Thanh Hóa, tây giáp tỉnh Sơn La.

Khi mới thành lập tỉnh bao gồm:


3 thị xã: Hà Đông, Sơn Tây và Hoà Bình
21 huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức (thuộc tỉnh Hà Tây trước kia), Mai Châu, Đà Bắc, Kỳ Sơn, Lương Sơn, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Yên Thủy, Tân Lạc (thuộc tỉnh Hòa Bình trước kia)


Năm 1978 hai thị xã Hà Đông, Sơn Tây và 5 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất cùng một số xã thuộc huyện Chương Mỹ, Thanh Oai (ở phía bắc đường số 6) và Thường Tín được nhập vào thành phố Hà Nội. Tuy nhiên thị xã Hà Đông vẫn tạm thời giao cho tỉnh Hà Sơn Bình và là tỉnh lỵ. Tỉnh còn có 16 huyện với diện tích 5978 km², dân số 1.569.000 người (1981).

Năm 1991 Hà Sơn Bình lại tách ra thành hai tỉnh là Hà Tây và Hòa Bình. Hà Tây và bốn xã của Hòa Bình sau đó lại được sáp nhập vào Hà Nội.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:23
Hà Tiên

Hà Tiên là một trong sáu tỉnh đầu tiên ở Nam Kỳ Việt Nam, thành lập năm 1832.

Vùng đất Hà Tiên xưa

Tên gọi Hà Tiên do Mạc Cửu đặt, vì tương truyền xưa kia có tiên xuất hiện trên sông Giang Thành.

Xưa kia, đây là vùng đất Mang Khảm. Từ giữa thế kỷ 17, những lưu dân người Việt đã đi thuyền dọc theo đường biển đến tận vùng này sinh sống. Trong lời tựa tập Hà Tiên thập vịnh, Mạc Thiên Tích đã viết: "Trấn Hà Tiên nước An Nam, xưa là đất hoang, từ tiên quân khai sáng đến nay đã hơn 30 năm, mà dân mới được ở yên, hơi biết việc trồng trọt".

Tuy nhiên công lao khai phá Hà Tiên thuộc về hai cha con Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, biến Hà Tiên thành nơi sầm uất. Mạc Cửu là người Quảng Đông (Trung Quốc), di cư đến sau khi nhà Minh bị tiêu diệt hoàn toàn năm 1645. Vua Cao Miên đã phong cho Mạc Cửu chức Oknha (Ốc nha) để cai quản vùng đất này. Tuy nhiên, do bị quân Xiêm La thường xuyên quấy nhiễu mà Cao Miên không đủ sức mạnh quân sự để bảo vệ, gia quyến Mạc Cửu đã bị quân Xiêm bắt đem về nước họ. Mạc Cửu trốn thoát về Trũng Kè, sau lại về Mang Khảm khôi phục sản xuất. Mạc Cửu đã thân đến Phú Xuân dâng biểu xin đem 7 xã mà mình khai phá quy phục Chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn ưng thuận, lệnh đổi tên đất Mang Khảm thành trấn Hà Tiên, phong Mạc Cửu làm Tổng binh coi giữ.

Năm 1774, Chúa Nguyễn Phúc Khoát chia Đàng trong thành 12 dinh, nhưng vẫn để lại trấn Hà Tiên, phong Mạc Thiên Tích làm Đô đốc cai trị.

Tỉnh Hà Tiên thời nhà Nguyễn

Năm 1832 vua Minh Mạng đặt ra tỉnh Hà Tiên (một trong 6 tỉnh Nam Kỳ), gồm 1 phủ là An Biên thống lĩnh 3 huyện: Hà Châu, Long Xuyên (sau này là địa bàn tỉnh Long Xuyên) và Kiên Giang (sau này là địa bàn tỉnh Rạch Giá).

Hà Tiên thời Pháp thuộc

Ngày 24 tháng 6 năm 1867, tỉnh thành Hà Tiên bị thực dân Pháp chiếm. Năm 1876, Pháp chia Nam Kỳ thành 4 khu vực hành chính lớn, mỗi khu vực hành chính lại chia nhỏ thành các tiểu khu hay hạt tham biện (arrondissement administratif) thì tỉnh Hà Tiên cũ bị chia thành 2 hạt tham biện là Hà Tiên và Rạch Giá và hạt tham biện Hà Tiên (đất huyện Hà Châu của tỉnh Hà Tiên cũ) thuộc khu vực Bát Xắc (Bassac).

Từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Hà Tiên trở thành tỉnh theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tên tất cả các hạt tham biện thành tỉnh. Năm 1903, đảo Phú Quốc được đặt dưới quyền của đại diện chủ tỉnh Hà Tiên. Tỉnh lị là tỉnh thành Hà Tiên.

Từ năm 1913 đến năm 1924, tỉnh Hà Tiên được đặt dưới quyền chủ tỉnh Châu Đốc. Năm 1921, tỉnh Hà Tiên gồm 4 quận: Châu Thành (tỉnh lị), Giang Thành, Hòn Chông và Phú Quốc. Ngày 9 tháng 2 năm 1924, Hà Tiên lại trở thành một tỉnh độc lập.

Hà Tiên thời Việt Nam Cộng Hòa

Thời Việt Nam Cộng Hòa, Hà Tiên chỉ là 1 trong số 7 quận của tỉnh Kiên Giang. Quận Hà Tiên gồm 3 xã Mỹ Đức, Phú Mỹ và Thuận Yên, 15 ấp. Nhưng trên các bản đồ Việt Nam do Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa xuất bản, vẫn ghi hai tỉnh riêng biệt là Hà Tiên và Rạch Giá.

Sau năm 1975

Đầu năm 1976, tỉnh Kiên Giang được thành lập. Địa bàn tỉnh Hà Tiên cũ nay là huyện Kiên Lương và thị xã Hà Tiên.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:24
Hà Tuyên

Hà Tuyên là một tỉnh cũ ở cực bắc Việt Nam. Được lập tháng 12 năm 1975 trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Kể từ tháng 8 năm 1991, tỉnh lại được chia lại thành 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang.

Đơn vị hành chính của tỉnh bao gồm: thị xã Tuyên Quang (thủ phủ), TX Hà Giang, 13 huyện: Na Hang, Hàm Yên, Sơn Dương, Mèo Vạc, Quản Bạ, Hoàng Hoa (Hoàng Su Phì), Bắc Quang, Chiêm Hoá, Yên Sơn, Đồng Văn, Yên Minh, Vị Xuyên, Minh Sơn (Xín Mần).

LSB-Sun
03-03-2010, 20:35
Hà Tây

Hà Tây là một tỉnh cũ Việt Nam, thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, từng tồn tại trong hai giai đoạn: 1965-1975 và 1991-2008. Tỉnh nằm bên bờ phải (bờ Nam) sông Hồng và bờ trái (bờ Đông) sông Đà. Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Hà Đông nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội cũ 10 km về phía tây nam, cách sân bay quốc tế Nội Bài 35 km. Trước tháng 8 năm 2008, Hà Tây có địa giới phía đông giáp thủ đô Hà Nội cũ, phía đông-nam giáp tỉnh Hưng Yên, phía nam giáp tỉnh Hà Nam, phía tây giáp tỉnh Hòa Bình, phía bắc giáp hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Từ 1 tháng 8 năm 2008, toàn bộ địa giới của Hà Tây được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, và như vậy tỉnh này không còn tồn tại nữa.

Hành chính

Hà Tây trước khi chấm dứt tồn tại bao gồm 2 thành phố là:


Thành phố Hà Đông (được chuyển từ "thị xã" theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2006).
Thành phố Sơn Tây (được chuyển lên thành phố vào ngày 2 tháng 8 năm 2007 theo NĐ số 130/NĐ- CP của Chính phủ).


Đây là một đơn vị tỉnh đầu tiên tại Việt nam có 2 thành phố và 12 huyện.


Huyện Ba Vì
Huyện Chương Mỹ
Huyện Đan Phượng
Huyện Hoài Đức
Huyện Mỹ Đức
Huyện Phú Xuyên
Huyện Phúc Thọ
Huyện Quốc Oai
Huyện Thạch Thất
Huyện Thanh Oai
Huyện Thường Tín
Huyện Ứng Hòa


Hà Tây cũ nay là Hà Nội mở rộng đến ngày 5/10/2008 sẽ có mã vùng điện thoại mới là: 04 cụ thể như sau: 04 + 3 + bảy chữ số tiếp theo trong số điện thoại. Ví dụ số cũ là 0343639100 thì nay là 0433639100.

Điều kiện tự nhiên


Vị trí: 20°31'-21°17′ vĩ bắc và 105°17′-106°00′ kinh đông
Diện tích: 2.193 km²
Lượng mưa trung bình hàng năm: 1.900 mm
Nhiệt độ trung bình: 23,3°C, chênh lệch khá cao giữa các vùng. Mùa hè ở đồng bằng lên tới 36-37°C, cá biệt tới 41°C, mùa đông ở vùng cao có thể xuống tới 3°C.
Số giờ nắng trong năm: 1.399 giờ
Độ ẩm tương đối trung bình: 70-85%
Địa hình Hà Tây có thể chia làm ba khu vực là vùng núi (Ba Vì), vùng gò đồi phía Tây (Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức) và vùng đồng bằng phía Đông.

Dân cư

Hà Tây có khoảng 2,47 triệu người với mật độ dân số 1.126 người/km² (2003).

Thành phần dân số: Nông thôn: 91%, Thành thị: 9%
Thành phần dân tộc: Kinh, Mường, trong đó người kinh chiếm đa số


Lịch sử

Tỉnh Hà Tây được thành lập ngày 1 tháng 7 năm 1965 theo Quyết định số 103-NQ-TVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21 tháng 4 năm 1965 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông.

Ngày 27 tháng 12 năm 1975 hợp nhất với tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Năm 1978 hai thị xã Sơn Tây và Hà Đông, 5 huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức của tỉnh Hà Sơn Bình cùng một số xã của các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín được chuyển về Hà Nội. Tuy nhiên thị xã Hà Đông vẫn tạm thời là tỉnh lỵ tỉnh Hà Sơn Bình. Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII kỳ họp thứ 9 ngày 12 tháng 8 năm 1991, tỉnh Hà Tây được tái lập và 5 huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức cùng 2 thị xã Sơn Tây và Hà Đông được trả về cho Hà Tây, tổng cộng có 2 thị xã và 12 huyện. Khi đó tỉnh có diện tích là 2.169 km², với dân số 2.086.926 người.

Tháng 12 năm 2006 Thủ tướng chính phủ ký nghị định thành lập thành phố Hà Đông thuộc tỉnh Hà Tây với diện tích tự nhiên là 4.791,7ha, 228.715 nhân khẩu, có 15 đơn vị hành chính gồm bảy phường và tám xã.

Tháng 8 năm 2007 Thủ tướng chính phủ ký nghị định thành lập thành phố Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây có 15 đơn vị hành chính gồm 6 phường và 9 xã.
Từ 1 tháng 8 năm 2008, toàn bộ diện tích, dân số của tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội.

Kinh tế

Thu nhập

Tổng sản phẩm (GDP) trong tỉnh năm 2001 ước đạt 14.900 tỷ đồng. Theo tài liệu [1] thì năm 2001 dân số toàn tỉnh Hà Tây là 2.432.000 người, do đó GDP/người là 434 USD, tương đương với 6.157.300 đồng.

Cơ cấu kinh tế:


Tỷ trọng nông-lâm nghiệp: 36%
Công nghiệp, xây dựng: 30%
Dịch vụ là: 34%.
Làng nghề


Hà Tây có trên 200 làng nghề với những sản phẩm đặc sắc và được nhiều người ưa chuộng như lụa Vạn Phúc, sơn mài - Duyên Thái, tiện gỗ - Nhị Khê, thêu - Quất Động, nón Chuông, quạt Vác, khảm trai Chuyên Mỹ, hàng mây tre Phú Vinh, đồ mộc Chàng Sơn, tượng gỗ Sơn Đồng, may Trạch Xá, đàn Đào Xá v.v.

Lễ hội


Lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức) - một lễ hội dài nhất và vui nhất Việt Nam (3 tháng, bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch) thu hút khoảng nửa triệu khách mỗi năm.
Lễ hội hát du tại huyện Quốc Oai cứ 36 năm mới được tổ chức một lần.
Các lễ hội khác là hội chùa Thầy (huyện Quốc Oai) liên quan đến pháp sư Từ Đạo Hạnh, hội thả diều ở Bá Giang - Đan Phượng, hội chùa Tây Phương, hội chùa Đậu, hội chùa Và, hội đền Hát Môn, chùa Bối Khê, chùa Trăm gian, chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), hội đền Thánh Tản Viên.
Lễ hội đền Lộ (huyện Thường Tín) - lễ hội dài 10 ngày và vui nhất miền bắc Việt Nam bắt đầu từ mồng 1 tháng 2 đến mồng 10 tháng 2 âm lịch) thu hút hàng vạn khách mỗi năm.
Lễ hội đền Vân Trai (huyện Thường Tín)-từ mồng 9 đến 12 tháng 3 âm lịch tưởng nhớ các vua Hùng và vị thần hoàng làng, có nghi thức rước kiệu đẹp nhất cả vùng.
Lễ hội Chử Đồng Tử (một trong 4 vị thánh của Việt Nam ) được tổ chức từ ngày 30 đến 1 tháng 4 (âm lịch) hàng năm tại Xã Tự Nhiên - Thường Tín - Hà Tây

Du lịch

Hà Tây là tỉnh giàu tiềm năng du lịch. Với địa hình giao thoa giữa miền núi và đồng bằng, Hà Tây có nhiều hồ, suối và hang động. Hà Tây là tỉnh có 2 trong số 21 khu du lịch quốc gia đó là Hương Sơn và Ba Vì. Về số di tích lịch sử được công nhận Hà Tây chỉ đứng sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Các địa chỉ du lịch có: Vườn quốc gia Ba Vì, ao Vua, Khoang xanh, suối Hai, Đồng Mô, Thiên Sơn - Suối Ngà (suối Ổi), Suối Ngọc - Vua Bà, Bằng Tạ, Đầm Long, hồ Quan Sơn, Đồng Xương, Văn Sơn, lăng Ngô Quyền, lăng Phùng Hưng, thành cổ Sơn Tây, lễ hội Chử Đồng Tử (ngày 30/3 ÷ 1/4 (âm lịch) hàng năm, tại xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Tây).

LSB-Sun
03-03-2010, 20:41
Hà Đông

Hà Đông là một tỉnh cũ của Việt Nam. Tên gọi tỉnh Hà Đông thay thế cho tên gọi cũ là tỉnh Cầu Đơ vào ngày 6 tháng 12 năm 1904. Tỉnh Cầu Đơ nguyên là tỉnh Hà Nội, được đổi tên sau khi cắt phần tỉnh thành Hà Nội cho Pháp làm nhượng địa và tỉnh lỵ chuyển về Cầu Đơ. Tỉnh Hà Đông gồm 4 phủ: Hoài Đức (có thêm huyện Đan Phượng của tỉnh Sơn Tây nhập vào), Mỹ Đức, Thường Tín và Ứng Hòa.

Tỉnh lỵ tỉnh Hà Đông là thị xã Hà Đông, mà tên gọi cũ là Cầu Đơ.

Năm 1915, Khu vực ngoại thành Hà Nội của thành phố Hà Nội đổi thành huyện Hoàn Long trực thuộc tỉnh Hà Đông.

Đầu những năm 1960, huyện Từ Liêm và huyện Thanh Trì của tỉnh này lại được cắt ra để chuyển sang thành phố Hà Nội.

Ngày 1 tháng 7 năm 1965, hai tỉnh Hà Đông và Sơn Tây sáp nhập thành tỉnh Hà Tây. Ngày 27 tháng 12 năm 1975, hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình sáp nhập thành tỉnh Hà Sơn Bình, để rồi đến năm 1991 lại tách ra thành tỉnh Hà Tây và Hòa Bình.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:43
Hưng Hóa

Hưng Hóa là một tỉnh cũ của Việt Nam vào nửa cuối thế kỷ 19. Tỉnh Hưng Hóa được thành lập năm 1831. Đây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ.

Tên gọi Hưng Hóa

Tiền thân của tỉnh Hưng Hóa là đạo thừa tuyên Hưng Hóa, rồi trấn Hưng Hóa.

Tháng 6 âm lịch Năm Quang Thuận thứ bảy (1466), vua Lê Thánh Tông đặt 13 đạo thừa tuyên là Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, phủ Trung Đô và Hưng Hóa.

Đây là lần đầu tiên từ "Hưng Hóa" được nhắc tới trong sử sách Việt Nam ở cấp một đơn vị hành chính (gần như cấp tỉnh ngày nay). Tuy nhiên, từ Hưng Hóa đã được nhắc tới từ những năm 1419 như là một xứ. Đạo thừa tuyên Hưng Hóa có lẽ bao gồm các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai ngày nay. Không biết chính xác ai là người đầu tiên thay mặt vua cai quản đạo thừa tuyên này. Tuy nhiên, sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép:

Năm Quang Thuận thứ tám 1467...tháng ba... lấy Hưng Hóa thừa tuyên sứ tham nghị Nguyễn Đức Du làm ngự sử đài thiêm đô ngự sử; tri phủ Quy Hóa Nguyễn Thúc Thông làm Hưng Hóa thừa tuyên sứ tham nghị.

Như vậy, có thể ông Nguyễn Đức Du là người đầu tiên cai quản vùng đất có tên gọi khi đó là thừa tuyên Hưng Hóa. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông chia đạo thừa tuyên Hưng Hóa thành 3 phủ gồm 4 huyện, 17 châu. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết rằng:


Phủ Quy Hóa quản lĩnh 3 huyện: Trấn Yên, Yên Lập, Văn Chấn và 2 châu: Văn Bàn, Thủy Vĩ.
Phủ Gia Hưng quản lĩnh 1 huyện: Thanh Xuyên và 5 châu: Phù Hoa, Mộc Châu, Việt Châu, Mai Châu, Thuận Châu.
Phủ Yên Tây quản lĩnh 10 châu: Lai Châu, Luân Châu, Quỳnh Nhai, Chiêu Tấn, Hợp Phì, Kiêm Châu, Tuy Phụ, Hoàng Nham, Lễ Toàn và Tung Lăng.

Năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đổi là xứ Hưng Hóa. Đời Hồng Thuận (1509-1516) trở thành trấn Hưng Hóa. Đến năm 1831 là tỉnh Hưng Hóa.

Thay đổi hành chính và đổi tên

Sau khi đánh chiếm Bắc Kỳ, người Pháp chia tỉnh Hưng Hoá thành các tỉnh, các tiểu quân khu để dễ dàng cai trị: tháng 5 năm 1886 thành lập tỉnh Chợ Bờ (tức tỉnh Mường, sau đổi thành tỉnh Hòa Bình); ngày 7/01/1899, thành lập đạo quan binh IV bao gồm Tiểu quân khu Yên Bái và Tiểu quân khu Lào Cai, Tiểu quân khu Vạn Bú... Lào Cai là đạo lỵ (về sau đổi thành các tỉnh dân sự như: tỉnh Yên Bái (1895), tỉnh Vạn Bú (1895, sau đổi thành tỉnh Sơn La), tỉnh Lào Cai (tháng 7 năm 1907) và tỉnh Lai Châu (tháng 6 năm 1909)...

Sau khi cắt đi 16 châu, 4 phủ và hai huyện Trấn Yên, Văn Chấn để thành lập đạo quan binh IV với các tiểu quân khu, khu quân sự...Tỉnh Hưng Hoá chỉ còn lại huyện Tam Nông và huỵện Thanh Thuỷ. Toàn quyền Đông Dương đã điều chỉnh một số huyện của tỉnh Sơn Tây sang, cộng với 2 huyện còn lại để thành lập tỉnh Hưng Hoá mới.

Ngày 8-9-1891, ba huyện Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh thuộc phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây nhập vào tỉnh Hưng Hoá.

Ngày 9 tháng 12 năm 1892 huyện Cẩm Khê thuộc phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây nằm trong địa bàn tiểu quân khu Yên Bái nhập về tỉnh Hưng Hoá.

Ngày 5-6-1893, huyện Hạ Hòa thuộc phủ Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây nằm trong địa bàn tiểu quân khu Yên Bái được nhập vào tỉnh Hưng Hoá.

Ngày 17 tháng 7 năm 1895, hai châu Thanh Sơn và Yên Lập thuộc khu quân sự Đồn Vàng chuyển về tỉnh Hưng Hoá.

Ngày 24 tháng 8 năm 1895 hai huyện Hùng Quan và Ngọc Quan của phủ Đoan Hùng thuộc tiểu quân khu Tuyên Quang; đạo quan binh 3 Yên Bái nhập vào tỉnh Hưng Hoá

Năm 1900 thành lập thêm huyện Hạc Trì.

Như vậy tỉnh Hưng Hóa mới gồm 2 phủ 10 huyện và 2 châu. Trong đó 2 huyện Tam Nông, Thanh Thủy và 2 châu Thanh Sơn, Yên Lập vốn là đất cũ của tỉnh Hưng Hoá; phủ Đoan Hùng với 2 huyện Hùng Quan và Ngọc Quan, phủ Lâm Thao và 6 huyện: Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Hạc Trì là những phủ, huyện mới từ tỉnh Sơn Tây chuyển sang. Tỉnh lỵ tỉnh Hưng Hoá đặt tại thị xã Hưng Hóa (thành lập ngày 1 tháng 5 năm 1895, vốn là thành Hưng Hóa), đóng tại xã Trúc Khê, huyện Tam Nông (nay là thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ).

Ngày 5 tháng 5 năm 1903 tỉnh Hưng Hóa mới (phần còn lại) được đổi tên thành tỉnh Phú Thọ.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:55
Hải Hưng

Hải Hưng là tên gọi của một tỉnh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam, tồn tại từ tháng 1 năm 1968 đến tháng 2 năm 1997.

Ngày 26 tháng 1 năm 1968, theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam, hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên được sáp nhập thành tỉnh Hải Hưng. Tỉnh mới có 2 thị xã và 20 huyện. Sau khi sáp nhập tỉnh, các huyện cũng tiến hành hợp nhất.

Với riêng tỉnh Hải Dương cũ, năm 1977, hợp nhất Cẩm Giàng và Bình Giang thành huyện Cẩm Bình; năm 1979, hợp nhất Kim Thành và Kinh Môn thành huyện Kim Môn; Nam Sách và Thanh Hà thành huyện Nam Thanh; Tứ Kỳ và Gia Lộc thành huyện Tứ Lộc; Thanh Miện và Ninh Giang thành huyện Ninh Thanh.

Như vậy đơn vị hành chính của tỉnh bao gồm thị xã Hải Dương (thủ phủ), thị xã Hưng Yên, 11 huyện: Chí Linh, Kim Môn, Nam Thanh, Cẩm Bình, Gia Lộc, Ninh Thanh, Mỹ Văn, Châu Giang, Kim Thi, Phù Tiên.

Đến tháng 2 năm 1997 tỉnh Hải Hưng lại tách ra như cũ.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:56
Hải Ninh

Hải Ninh từng là một tỉnh ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Tỉnh Hải Ninh được thành lập theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 10 tháng 12 năm 1906 do tách toàn bộ phủ Hải Ninh (gồm ba châu Hà Cối, Móng Cái, Tiên Yên) của tỉnh Quảng Yên ra khỏi tỉnh này. Tỉnh lị: Móng Cái.

Ngày 14 tháng 12 năm 1912, tỉnh Hải Ninh bị xóa bỏ để thành lập Đạo Quan binh thứ nhất Hải Ninh, gồm ba châu. Đến năm 1919, một châu mới được thành lập, lấy tên là Bình Liêu, do tách hai tổng từ châu Tiên Yên. Sau này bỏ đạo Quan binh, tỉnh Hải Ninh được tái lập.

Hải Ninh phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông là biển Đông, phía Nam giáp khu Hồng Quảng, phía Tây Nam giáp Bắc Giang, phía Tây Bắc giáp Lạng Sơn.

Ngày 7/6/1949, huyện Lộc Bình của tỉnh Hải Ninh nhập vào tỉnh Lạng Sơn.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hải Ninh thuộc Liên khu Việt Bắc, thị xã Móng Cái bị giải thể. Năm 1950 tỉnh Hải Ninh có 7 huyện: Móng Cáy (tức Móng Cái), Hà Cối, Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Đình Lập (nay thuộc Lạng Sơn), Hải Chi. Thị xã Móng Cái được tái lập ngày 1/2/1955 và trở thành tỉnh lị.

Ngày 27/6/1951, nhập 2 huyện Hải Chi và Đình Lập thành 1 huyện mới lấy tên là Đình Lập.

Tháng 10 năm 1963, Hải Ninh được hợp nhất với khu Hồng Quảng thành tỉnh mới Quảng Ninh.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:57
Hậu Giang

Hậu Giang là một tỉnh cũ thuộc Nam Bộ, Việt Nam. Tỉnh lị là thành phố Cần Thơ trực thuộc tỉnh.

Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976 của Chính phủ Việt Nam, thì tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng được nhập lại để thành lập tỉnh Hậu Giang. Như vậy tỉnh Hậu Giang gồm ba tỉnh: Phong Dinh, Chương Thiện (có thị xã Vị Thanh) và tỉnh Ba Xuyên (có thị xã Sóc Trăng) của Việt Nam Cộng hoà.

Diện tích, dân số


Diện tích tỉnh Hậu Giang năm 1979: 6.263 km², dân số 2.054.100 người.
Năm 1981: 6.126 km², dân số 2.274.000 người.
Năm 1984: 6.126 km², dân số 2.495.200 người.


Các đơn vị hành chính

Tỉnh Hậu Giang gồm có thành phố Cần Thơ, thị xã Sóc Trăng và 11 huyện: Thốt Nốt, Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp, Long Mỹ, Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Vĩnh Châu.

Tháng 12 năm 1991, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa VIII ra nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang để tái lập tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:57
Hậu Nghĩa

Hậu Nghĩa là một tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa.

Tỉnh Hậu Nghĩa được thành lập theo Sắc lệnh số 124-NV của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ngày 15/10/1963, từ phần đất tách ra của các tỉnh Long An, Gia Định và Tây Ninh. Tỉnh lỵ đặt tại Bàu Trai, gọi là thị xã Khiêm Cường. Tỉnh gồm 4 quận (24 xã): Củ Chi, Đức Hòa, Đức Huệ và Trảng Bàng. Dân số năm 1965 là 176.148 người.

Tháng 2 năm 1976, tỉnh được sáp nhập vào thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:58
Đặc khu Hồng Gai

Đặc khu Hồng Gai hay Đặc khu Hòn Gai là đơn vị hành chính độc lập cấp tỉnh, được Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lập ra trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tách khỏi tỉnh Quảng Yên.

Theo Nghị định của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày 19/7/1946, tạm lập tại tỉnh Quảng Yên một khu đặc biệt gồm châu Cẩm Phả, thị xã (Cẩm Phả mỏ, Cẩm Phả bến, Bãi Cháy, Hà Tu, Hà Lầm, Hòn Gay) gọi là Khu đặc biệt Hòn Gay. Ủy ban Hành chính Khu đặc biệt chịu quyền điều khiển và kiểm soát trực tiếp của Ủy ban Hành chính Bắc Bộ.

Đặc khu Hồng Gai ra đời từ khu Hồng Gai (Hòn Gay), được đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 1, theo Nghị định số 142-NV/3 ngày 19/7/1949 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo Quyết định của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu 1 ngày 16/8/1949 thì Đặc khu Hồng Gai gồm:


3 thị xã: Hồng Gai, Cẩm Phả mỏ, Cẩm Phả bến.
4 phố: Bãi Cháy, Hà Tu, Hà Lầm, Mông Dương.
1 huyện Cẩm Phả gồm 12 xã: Hồng Thạch, Văn Hải, Sinh Châu, Tam Khê, Thi Đua, Thụy Hà, Tràng Xá, Đoàn Kết, Lương Hà, Đông Hà, Hà Long, Xuyên Yên.


Ngày 5/10/1949, tách huyện Hoành Bồ khỏi tỉnh Quảng Yên để sáp nhập vào Đặc khu Hồng Gai. Như vậy Đặc khu Hồng Gai có 2 huyện Cẩm Phả và Hoành Bồ, sau đó thuộc Liên khu Việt Bắc ngay trong năm 1949 sau khi Liên khu 1 và Liên khu 10 hợp nhất thành Liên khu Việt Bắc.

Ngày 22 tháng 2 năm 1955, đặc khu Hồng Gai và tỉnh Quảng Yên hợp nhất thành khu Hồng Quảng và sau này thuộc tỉnh Quảng Ninh.

LSB-Sun
03-03-2010, 20:59
Hồng Quảng

Hồng Quảng là một khu trực thuộc Trung ương, tương đương cấp tỉnh, ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Khu Hồng Quảng được thành lập tháng 2 năm 1955, gồm đặc khu Hồng Gai (hay Hòn Gai) và tỉnh Quảng Yên, trừ các huyện Kinh Môn, Nam Sách, Chí Linh cắt về tỉnh Hải Dương, và huyện Sơn Động cắt về tỉnh Bắc Giang. Thủ phủ là thị xã Hồng Gai (hay Hòn Gai).

Ngày 5/6/1956, tách thị xã Cát Bà và huyện Cát Hải khỏi khu Hồng Quảng để nhập vào thành phố Hải Phòng.

Theo Nghị quyết của Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ 7 ngày 30 tháng 10 năm 1963, khu Hồng Quảng hợp nhất với tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh .

LSB-Sun
03-03-2010, 21:00
Kiến An

Kiến An là tỉnh cũ ở Bắc Bộ Việt Nam, nguyên là tỉnh Hải Phòng thành lập vào tháng 1 năm 1898 cùng với thành phố Hải Phòng trên cơ sở tách nha Hải Phòng từ tỉnh Hải Dương vào tháng 9 năm 1887. Tháng 8 năm 1902 tỉnh đổi tên thành tỉnh Phù Liễn, tháng 2 năm 1906 thành tỉnh Kiến An. Tháng 11 năm 1946, tỉnh hợp nhất với Hải Phòng thành liên tỉnh Hải-Kiến. Tháng 12 năm 1946 tách lại như cũ. Tỉnh lị: thị xã Kiến An.

Năm 1949, tỉnh Kiến An thuộc Liên khu 3 và có 5 huyện (89 xã): Tiên Lãng, Hải An, An Lão, An Dương, Kiến Thụy.

Ngày 4-3-1950, sáp nhập thêm huyện Thủy Nguyên từ tỉnh Quảng Yên.

Ngày 26-9-1955, huyện Hải An sáp nhập vào thành phố Hải Phòng.

Từ tháng 10 năm 1962, tỉnh Kiến An lại sáp nhập vào thành phố Hải Phòng.

LSB-Sun
03-03-2010, 21:01
Kiến Phong

Kiến Phong là tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam vào thời Việt Nam Cộng hòa.

Kiến Phong được thành lập trên cơ sở tỉnh Phong Thạnh cũ (thành lập tháng 2 năm 1956) và là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV của Tổng thống ngày 22 tháng 10 năm 1956. Đất đai tỉnh Kiến Phong vốn là phần đất nằm ở bờ trái (bờ bắc) sông Tiền của các tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên và Sa Đéc trước kia. Tỉnh Kiến Phong bắc giáp với Campuchia, đông và đông bắc giáp hai tỉnh Định Tường và Kiến Tường, nam giáp tỉnh Vĩnh Long (đến năm 1966 thì giáp tỉnh Sa Đéc khi tỉnh này được tái lập, tách ra từ tỉnh Vĩnh Long), tây và tây nam giáp hai tỉnh Châu Đốc và An Giang. Tỉnh lỵ là thị xã Cao Lãnh. Kiến Phong gồm 4 quận, 8 tổng, 43 xã (từ 21/7/1960 là 4 quận, 10 tổng, 43 xã):


Quận Cao Lãnh, quận lị: Mỹ Trà; có 3 tổng: An Tịnh, Phong Thạnh, Phong Nẫm.
Quận Hồng Ngự, quận lị: An Bình; có 3 tổng: An Phước (đến 21/7/1960 đổi tên là Hồng Ân), Long Phú (đến 21/7/1960 đổi tên là Hồng Phước) và Tân Bình (đến 21/7/1960 đổi tên là Hồng Quang).
Quận Thanh Bình, quận lị: Tân Phú (đến 21/7/1960 đổi tên là An Phong); có 1 tổng: Phong Thạnh Thượng. Ngày 21/7/1960 chia tổng Phong Thạnh Thượng thành 2 tổng là Thanh Liêm (có lấy thêm 3 xã thuộc tổng Long Phú, quận Hồng Ngự) và Thanh Khiết.
Quận Mỹ An, quận lị: Mỹ An; có 1 tổng: Mỹ An (đến 21/7/1960 chia thành 2 tổng là Mỹ Đức và Mỹ Phước).

Ngày13/7/1961 lập thêm quận Kiến Văn, tách từ quận Cao Lãnh ra, quận lị tại xã Bình Hàng Trung. Quận Kiến Văn bao gồm toàn bộ tổng Phong Nẫm (6 xã) và 1 xã của tổng An Tịnh.

Diện tích 2.621 km² (có tài liệu ghi 2.515 km²). Dân số năm 1965: 405.200 người.

Phần lớn đất đai phía Đông là đầm lầy, rừng tràm rộng lớn, gọi là Đồng Tháp Mười, ăn lan qua tỉnh Kiến Tường và Định Tường. Đây vùng này rất hiểm yếu, thường là căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ.

Từ tháng 2 năm 1976, Kiến Phong được sáp nhập với tỉnh Sa Đéc thành tỉnh Đồng Tháp.

LSB-Sun
03-03-2010, 21:03
Kiến Tường

Kiến Tường là một tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam vào thời Việt Nam Cộng hòa. Tỉnh Kiến Tường được thành lập trên cơ sở tỉnh Mộc Hóa cũ (thành lập tháng 2 năm 1956) và là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956. Tỉnh lị đặt tại Mộc Hóa.

Tỉnh Kiến Tường bao gồm ba quận, ba tổng, 18 xã (ngày 24 tháng 4 năm 1957):


Quận Châu Thành, quận lị ở xã Tuyên Thạnh, có một tổng là Thanh Hòa Hạ.
Quận Tuyên Bình, quận lị ở xã Tuyên Bình, có một tổng là Thanh Hòa Thượng.
Quận Ấp Bắc, quận lị ở xã Tân Hòa, có một tổng là Ninh Hòa.


Ngày 7 tháng 6 năm 1958, tỉnh Kiến Tường bao gồm ba quận, chín tổng, 23 xã:


Quận Châu Thành Mộc Hóa, quận lị ở xã Tuyên Thạnh, có hai tổng là Mộc Hóa Hạ và Mộc Hóa Thượng.
Quận Tuyên Bình, quận lị ở xã Tuyên Bình, có ba tổng là Tuyên Bình Hạ, Tuyên Bình Trung và Tuyên Bình Thượng.
Quận Kiến Bình, quận lị ở xã Tân Hòa, có bốn tổng là Kiến Bình Đông, Kiến Bình Tây, Mỹ Bình Hạ, Mỹ Bình Thượng.


Ngày 10 tháng 3 năm 1959, Kiến Tường được lập thêm quận mới là Tuyên Nhơn, do tách từ quận Kiến Bình, quận lị ở xã Thủy Đông, gồm hai tổng là Mỹ Bình Hạ, Mỹ Bình Thượng, có sáu xã .
Tháng 2 năm 1976, tỉnh được nhập vào tỉnh Long An.

LSB-Sun
03-03-2010, 21:04
Long Khánh

Long Khánh là một tỉnh cũ thuộc Đông Nam Bộ Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa, được lập theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, do tách từ Biên Hòa. Từ 30 tháng 4 năm 1975, tỉnh trở thành huyện Xuân Lộc.

Hành chính

Long Khánh phía bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía đông giáp tỉnh Bình Tuy, phía nam giáp Phước Tuy, phía tây giáp hai tỉnh Biên Hòa, Phước Long. Diện tích 3.457 kilômét vuông. Tỉnh lỵ đặt tại Xuân Lộc.

Theo Nghị định số 131-BNV/HC/NĐ của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa ngày 24/4/1957 thì tỉnh Long Khánh có 2 quận, 3 tổng, 34 xã:


Quận Xuân Lộc, gồm 1 tổng: Bình Lâm Thượng. Quận lị: Xuân Lộc.
Quận Định Quán, gồm 2 tổng: Ta Lai, Bình Tuy. Quận lị: Định Quán.


Khi tỉnh Phước Thành được thành lập vào tháng 1 năm 1959, vùng Ta Lai tách khỏi Long Khánh để nhập vào Phước Thành. Tỉnh sắp xếp lại còn 2 quận, 2 tổng, 16 xã.

Sau lập thêm quận Kiệm Tân.

Địa lý tự nhiên

Tỉnh có nhiều núi và rừng rậm, đất đỏ xám. Hầu hết là núi thấp có rừng bao phủ như: núi Chứa Chan (còn gọi là núi Gia Rai) lớn nhất, cao 838 mét; núi Cam Tiên cao 441 mét, núi Bé Bạc cao 319 mét, núi Đồng Bác cao 236 mét, núi Gia cao 225 mét, núi Tràn cao 209 mét, núi Hok cao 157 mét; dãy núi Mây Tào cao 716 mét nằm tại ngã ba ranh giới với Phước Tuy và Bình Tuy.

Sông chính của tỉnh là sông Đồng Nai, chảy dọc tỉnh theo hướng tây-nam. Các sông khác là sông La Ngà, sông Vong, sông Lục, sông Gia Ớt, suối Tâm Bung.

Khí hậu

Tỉnh có khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, với hai mùa: mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Tháng 12 thỉnh thoảng có sương lạnh.

Giao thông

Quốc lộ 1, 20 và liên tỉnh lộ 2, 3 là những đường giao thông quan trọng, nối Long Khánh với các tỉnh khác. Sân bay đặt tại Bến Nôm.

Dân cư

Dân cư đông nhất là người Kinh, còn lại là một số dân tộc gốc Khmer, Chàm và các sắc tộc Tày, Nùng, Thái, Dao, Mạ....Tôn giáo chính là đạo Phật, Thiên Chúa, thờ ông bà...

Vùng Gia Kiệm là nơi sinh sống của nhiều người Thiên chúa giáo miền Bắc di cư vào Nam năm 1954.

Kinh tế

Đất Long Khánh phù hợp với các loại cây công nghiệp như: cao su (trồng nhiều cao su nhất ở quận Xuân Lộc). Ngoài ra còn các loại hồ tiêu, cà phê, cây lấy dầu, thuốc lá và mía. Rừng Long Khánh còn cho các loại gỗ như trắc, cẩm lai, căm xe, bằng lăng, trẹ. Thú rừng có nai, sơn dương, gà rừng, chồn, nhím, chim câu, chim đậu ngược. Núi Chứa Chan có trên 2.000 giống cây khác nhau. Ngoài ra, người dân còn trồng các loại hoa màu phụ như đậu phọng, bắp, đậu xanh, đậu đỏ, chuối...

Khoáng sản của Long Khánh có nhiều hầm đá xanh, đá trắng được khai thác cho việc xây dựng đường sá và những hầm cát trắng làm thủy tinh.

LSB-Sun
03-03-2010, 21:10
Lâm Viên

Lâm Viên, đôi khi cũng gọi là Langbiang, Langbian hay Lâm Biên, là một tỉnh cũ ở Nam Trung Bộ, miền Nam Việt Nam.


Ngày 6 tháng 1 năm 1916: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Lâm Viên, gồm đại lý Đà Lạt mới lập lại và đại lý Di Linh, tách từ tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt.
Ngày 31 tháng 10 năm 1920: Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định xóa bỏ tỉnh Lâm Viên, một phần lập ra thành phố Đà Lạt, phần còn lại lập lại tỉnh Đồng Nai Thượng, tỉnh lỵ đặt tại Di Linh.
Ngày 8 tháng 1 năm 1941, lập lại tỉnh Lâm Viên, tỉnh lỵ đặt tại Đà Lạt.
Tháng 6 năm 1957, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập tỉnh Tuyên Đức trên cơ sở tỉnh Lâm Viên cộng với một phần nhỏ tỉnh Đồng Nai Thượng. Còn chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam nhập tỉnh Lâm Viên với tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng.

LSB-Sun
03-03-2010, 21:11
Lục Nam

Lục Nam là một tỉnh cũ ở Bắc Bộ Việt Nam, nay là địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Từ ngày 5 tháng 11 năm 1889 đến ngày 9 tháng 9 năm 1891 đã tồn tại tỉnh Lục Nam. Tỉnh Lục Nam gồm các huyện Bảo Lộc, Phượng Nhỡn, Lục Nam, Hữu Lũng (tách từ phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh, ở bên tả ngạn sông Thương) và huyện Yên Bái (tách từ tỉnh Lạng Sơn). Năm 1891 sau khi trả hai huyện Bảo Lộc và Phượng Nhỡn cho tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Lục Nam bị xóa bỏ để nhập vào Đạo Quan binh

LSB-Sun
03-03-2010, 21:11
Minh Hải

Minh Hải là một tỉnh cũ ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam.

Tỉnh được thành lập tháng 2 năm 1976 trên cơ sở tỉnh An Xuyên và một phần tỉnh Bạc Liêu do Việt Nam Cộng Hòa lập ra. Khi đó, Minh Hải bắc giáp hai tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang, đông nam giáp Biển Đông, tây giáp vịnh Thái Lan.

Tỉnh lị ban đầu là thị xã Bạc Liêu, được đổi tên là thị xã Minh Hải. Từ ngày 18/12/1984 tỉnh lị chuyển về thị xã Cà Mau, thị xã Minh Hải lại lấy lại tên cũ là thị xã Bạc Liêu (17/5/1984).

Thay đổi hành chính

Ban đầu tỉnh có 2 thị xã (Cà Mau và Bạc Liêu) và 6 huyện. Ngày 29/12/1978 thành lập thêm 6 huyện mới là Cà Mau, Phước Long, U Minh, Phú Tân, Cái Nước, Năm Căn, nâng tổng số huyện lên 12: An Xuyên, Phước Long, Phú Tân, Năm Căn, Thủy Vân, Nam Hải, Vĩnh Lợi, Thái Bình, Ngọc Hiển, Thanh Vân (khi đó còn gọi là Thái Vân), Hồng Dân và U Minh.

Ngày 30/8/1983, giải thể huyện An Xuyên, nhập 9 xã và 1 thị trấn của huyện vào thị xã Cà Mau, 7 xã còn lại nhập vào các huyện Thủy Vân, Nam Hải, Thái Bình.

Ngày 17/5/1984 sáp nhập huyện Phước Long vào huyện Hồng Dân, huyện Phú Tân vào huyện Thủy Vân.

Ngày 17/12/1984 đổi tên huyện Năm Căn thành huyện Ngọc Hiển, còn huyện Ngọc Hiển thì đổi tên thành huyện Đầm Dơi.

Từ năm 1997, Minh Hải được tách thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Khi đó 2 tỉnh mới chỉ có tổng cộng 9 huyện.Trong đó tỉnh Cà Mau có thị xã Cà Mau (đổi từ An Xuyên), Cái Nước(đổi từ Thủy Vân), Đầm Dơi, U Minh, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời (đổi từ Thanh Vân). Tỉnh Bạc Liêu có thị xã Bạc Liêu, huyện Hồng Dân, Giá Rai (đổi từ Nam Hải), Phước Long, Thới Bình(đổi từ Thái Bình)

Diện tích và dân số

Tỉnh Minh Hải có diện tích 7.697 km². Dân số năm 1979 là 1.139.700 người; 1981: 1.238.000 người, 1984: 1.549.500 người; 1989: 1.562.000 người; 1991: 1.604.881 người.

LSB-Sun
03-03-2010, 21:22
Mộc Hóa

Mộc Hóa là tỉnh cũ ở Nam Bộ Việt Nam vào thời Việt Nam Cộng hòa, tồn tại trong năm 1956.

Tỉnh Mộc Hóa được thành lập theo Sắc lệnh 21-NV ngày 17 tháng 2 năm 1956 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Đất đai tỉnh Mộc Hóa bao gồm:


Quận Mộc Hóa (thuộc tỉnh Tân An).
Phần đất quận Thủ Thừa (thuộc tỉnh Tân An).
Phần đất tỉnh Sa Đéc ở phía đông bắc kênh Vĩnh Hạ-Mỹ Tho và kênh số 4 nối dài.
Phần đất tỉnh Mỹ Tho ở phía bắc một đường ranh giới được quy định như sau: kênh số 4 nối dài, kênh số 4 tới vàm kênh Tổng đốc Lộc và kênh Tổng đốc Lộc tới vàm kênh Thương mãi, kênh Thương mãi.


Tỉnh lị đặt tại Mộc Hóa.

Về phương diện quân sự, tỉnh Phong Thạnh là một tiểu khu thuộc phân khu Đồng Tháp Mười.
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, tỉnh Mộc Hóa được đổi tên thành tỉnh Kiến Tường.

Từ tháng 2 năm 1976, tỉnh Kiến Tường được sáp nhập với tỉnh Long An thành tỉnh Long An mới.

LSB-Sun
03-03-2010, 21:26
Mỹ Tho

Mỹ Tho là tỉnh cũ Đông Nam Bộ Việt Nam.

Thời Pháp thuộc

Năm 1876, Mỹ Tho, vốn trước kia thuộc tỉnh Định Tường thời "Nam Kỳ lục tỉnh", trở thành một hạt tham biện (arrondissement) thuộc khu vực (circonscription) Mỹ Tho do thực dân Pháp đặt ra.

Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Mỹ Tho trở thành tỉnh Mỹ Tho. Tỉnh lị là thị xã Mỹ Tho.

Ban đầu tỉnh Mỹ Tho có 3 trung tâm hành chính và 15 tổng:


Châu Thành có 4 tổng: Thuận Trị, Thuận Bình, Hưng Nhơn, Hưng Nhượng
Chợ Gạo có 5 tổng: Thạnh Phong, Thạnh Quơn, Hòa Hảo, Hòa Quới, Hòa Thinh
Cai Lậy có 6 tổng: Lợi Trinh, Lợi Thuận, Lợi Mỹ, Lợi Trường, Phong Hòa, Phong Phú


Sau này các trung tâm hành chính chuyển thành các quận: Cai Lậy (thành lập năm 1904), Cái Bè (thành lập ngày 12 tháng 3 năm 1912), An Hóa (thành lập ngày 12 tháng 3 năm 1912), Bến Tranh (thành lập ngày 9 tháng 2 năm 1913), Châu Thành (thành lập ngày 22 tháng 3 năm 1912), Chợ Gạo (thành lập ngày 22 tháng 3 năm 1912).

Từ ngày 9 tháng 2 năm 1913 đến ngày 9 tháng 2 năm 1924, tỉnh Mỹ Tho bao gồm cả tỉnh Gò Công nhập vào, thành quận Gò Công.

Thời kỳ 1945 - 1975

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cấp tổng bị bỏ, làng chuyển thành xã. Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa mãi đến năm 1963 mới bỏ cấp tổng.

Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thành lập tỉnh Định Tường theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956 trên phần đất tỉnh Mỹ Tho (trừ quận An Hóa nằm phía nam sông Tiền Giang nhập vào tỉnh Kiến Hòa và đổi tên là quận Bình Đại). Tuy nhiên chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam) và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tỉnh này và vẫn giữ tỉnh cũ là Mỹ Tho. Năm 1957 lực lượng Việt Cộng do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hậu thuẫn nhập 2 tỉnh Gò Công và Mỹ Tho làm một đơn vị và gọi là tỉnh Mỹ Tho với các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công.

Tháng 8 năm 1968, quận Gò Công được chính quyền Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tách khỏi tỉnh Mỹ Tho để lập lại tỉnh Gò Công.

Tháng 2 năm 1976 tỉnh Mỹ Tho (hoặc Định Tường) nhập với Gò Công thành tỉnh Tiền Giang (trừ quận Bình Đại nằm phía nam sông Tiền Giang nhập vào tỉnh Bến Tre từ trước).

LSB-Sun
03-03-2010, 21:44
Nam Hà

Nam Hà là một tỉnh cũ của Việt Nam nằm ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ, với tỉnh lỵ là thành phố Nam Định. Tỉnh được thành lập ngày 21 tháng 4 năm 1965 trên cơ sở sáp nhập hai tỉnh Hà Nam và Nam Định.

Từ 27 tháng 12 năm 1975, Nam Hà lại được hợp nhất với Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, tỉnh Nam Hà được tái lập. Khi tách ra tỉnh Nam Hà có diện tích 2.423,59 km², dân số là 2.435.995 người, gồm thành phố Nam Định, thị xã Hà Nam và 11 huyện: Xuân Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Nam Ninh, Ý Yên, Vụ Bản, Bình Lục, Lý Nhân, Thanh Liêm, Duy Tiên, Kim Bảng.

Theo thống kê năm 1993, tỉnh có diện tích 2.479,8 km², dân số là 2.590.373 người.

Kể từ 6 tháng 11 năm 1996, Nam Hà được chia lại thành hai tỉnh Hà Nam và Nam Định.

LSB-Sun
03-03-2010, 21:45
Nghĩa Bình

Nghĩa Bình là tên một tỉnh cũ thuộc ven biển Trung Trung Bộ của Việt Nam. Tỉnh này được thành lập tháng 2 năm 1976 trên cơ sở hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Đến tháng 6 năm 1989, tỉnh lại được tách ra thành hai tỉnh.

Đơn vị hành chính tỉnh bao gồm: TX Quy Nhơn (thủ phủ), Tx Quảng Ngãi, 20 huyện: BÌnh Sơn, Sơ Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long, Tam Long (sau này đổi thành Ba Tơ), Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Bình Khê, Tuy Phước, An Lão, Thạch Lâm (sau này đổi thành Vĩnh Thạnh), Vân Canh.

LSB-Sun
03-03-2010, 21:46
Nghĩa Lộ

Nghĩa Lộ là một tỉnh cũ, thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam. Tỉnh Nghĩa Lộ được thành lập theo Nghị quyết đổi tên khu tự trị Thái Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua ngày 27 tháng 9 năm 1962. Tỉnh Nghĩa Lộ lúc thành lập gồm 4 huyện: Than Uyên, Mù Cang Chải, Văn Chấn và Phù Yên và nằm trong Khu tự trị Tây Bắc. Sau này lập thêm 2 huyện Trạm Tấu và Bắc Yên. Tỉnh lỵ là thị xã Nghĩa Lộ.

Kể từ ngày 27 tháng 12 năm 1975, tỉnh được sáp nhập với các tỉnh Yên Bái, Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, trừ hai huyện Bắc Yên và Phù Yên ở phía nam nhập vào tỉnh Sơn La. Từ 26 tháng 12 năm 1991, Hoàng Liên Sơn được chia lại thành 2 tỉnh Lào Cai với Yên Bái; phần lớn tỉnh Nghĩa Lộ (gồm các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu) được sáp nhập vào tỉnh Yên Bái. Riêng huyện Than Uyên nhập vào tỉnh Lào Cai, cho đến năm 2004 thì chuyển sang tỉnh Lai Châu mới.

LSB-Sun
03-03-2010, 21:47
Nghệ Tĩnh

Nghệ Tĩnh là tên một tỉnh cũ từ năm 1976 đến 1991, từ năm 1991 tách ra thành 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh.

Lịch sử


Thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê: gọi là Hoan Châu
Thời nhà Lý, năm 1030, bắt đầu gọi là châu Nghệ An
Thời nhà Hậu Lê, từ năm 1490 gọi là xứ Nghệ An
Thời nhà Tây Sơn, gọi là Nghĩa An trấn
Thời nhà Nguyễn, Gia Long lại đặt làm Nghệ An trấn
Năm 1831, vua Minh Mạng chia Nghệ An trấn thành 2 tỉnh: Nghệ An (phía Bắc sông Lam); Hà Tĩnh (phía nam sông Lam)
Từ năm 1976 đến 1991, sát nhập Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh, đơn vị hành chính bao gồm: thành phố Vinh, thị xã Hà Tĩnh và 25 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Diên Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Kỳ Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Qùy Hợp, Quỳ Châu, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Thanh Chương, Tương Dương, Yên Thành, Can Lộc, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Nghi Xuân, Thạch Hà.
Năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh lại tách ra thành Nghệ An và Hà Tĩnh như ngày nay