PDA

View Full Version : Di Tích Lịch Sử Văn Hóa


Trang : [1] 2

LSB-Sun
21-12-2009, 01:32
An Giang - Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc xã Mỹ Hoà Hưng, Tp. Long Xuyên, tỉnh An Giang, trêncù lao Ông Hổ.

Đặc điểm: Tại đây có đền thờ, nhà lưu niệm và ngôi nhà gỗ cổ là nơi Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã sống thời thơ ấu.

Từ Tp Long Xuyên, bằng nhiều phương tiện đường thuỷ, du khách có thể đến cù lao Ông Hổ, thăm khu tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Tại đây có đền thờ, nhà lưu niệm và ngôi nhà cổ.

Khu tưởng niệm xây dựng 5/1997, hoàn thành 8/1998 nhân ngày sinh thứ 110 của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, trên khuôn viên 1.600m², cạnh ngôi nhà cổ của gia đình Bác. Đền thờ kiến trúc cổ lầu tam cấp, các chi tiết bằng gỗ đều là gỗ quý. Vị trí trang trọng có tượng bán thân Chủ tịch Tôn Đức Thắng, phía trên bao lam là rồng cuốn thư mang dòng chữ vàng "Chủ tịch Tôn Đức Thắng", hai bên bao lam chạm hình cây trúc, phía dưới là cá chép đỡ bao lam. Xung quanh đền trang trí biểu tượng ngũ phúc (phúc, lộc, thọ, khang, ninh).

Ngôi nhà cổ là nơi Chủ tịch đã sống thời thơ ấu, do thân sinh của Bác là cụ Tôn Văn Đề xây dựng năm 1887, kiến trúc hình chữ "Quốc", khung cột sàn nhà bằng gỗ, mái lợp ngói ống, ngang 12m, dài 13m. Phía sau ngôi nhà này có 4 ngôi mộ của thân phụ, thân mẫu và vợ chồng người em trai của Bác Tôn. Ngôi nhà này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích tháng 12/1989.

Đối diện với đền thờ là nhà lưu niệm, trưng bày hiện vật, tư liệu hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn. Bước qua cửa có hai câu đối: "Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh sứ sở/ Khơi lửa Ba Son, kéo cờ Bắc hải, Tôn Đức Thắng dạng tiếng non sông".

LSB-Sun
21-12-2009, 01:33
An Giang - Bia đá và Tượng phật bốn tay chùa Linh Sơn
Nguồn: Maxreading


Hai bia đá và tượng phật bốn tay chùa Linh Sơn thuộc xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, cách Long Xuyên 42 Km. Đi từ Long Xuyên đến núi Sập vào Vọng Thê 12 km. Từ chợ Vọng Thê đi theo triền núi Ba Thê về hướng Đông 2 km là đến chùa Linh Sơn.

Về nguồn gốc ra đời của di tích lịch sử trên được các cụ bô lão địa phương và các vị sư trụ trì chùa Linh Sơn kể lại như sau:

1- Về hai bia đá chữ cổ này dựng lên từ bao giờ không ai được biết. Bia thuộc loại đá bùn, chiều cao tính từ nền chùa là 1,8m, rộng 01m, dầy 0,2m. Chữ trên bia đá, chưa ai đọc được. Theo các nhà khảo cổ, đây không phải chữ Khơ Me, cũng không phải chữ Phạn cổ, có thể là chữ của dân tộc Phù Nam cổ có niên đại trên dưới 2000 năm, thuộc nền văn hóa Óc Eo.

2- Về tượng phật bốn tay: Năm 1912, thực dân Pháp cho xe ủi đất làm đồn Ba Thê. (gần chợ Ba Thê ngày nay) thì phát hiện được tượng phật bốn tay này ở độ sâu 02m. Nhân dân quanh vùng đem về đặt lên hai bia đá chữ cổ vừa nêu trên và lạ thay rất vừa vặn. Từ đó nhân dân đóng góp tiền của cất lên ngôi chùa Linh Sơn để thờ cúng cho đến ngày hôm nay.

Theo các nhà khảo cổ học dự đoán tại hai bia đá và khu vực chùa Linh Sơn có khả năng là trung tâm nền văn hóa Óc Eo. Do đó, năm 1980, tỉnh An Giang đã khoanh vùng bảo vệ khu di tích này.

Về tượng phật trên đầu có chạm 9 thần rắn, nằm che phủ, các thần rắn này cùng một khối đá chung với tượng phật. Hiện nay hai bia đá và tượng phật bốn tay được bảo vệ tốt, do nhà sư do Thích Thiện Trí trông nom, gìn giữ. Hàng năm, nhân dân đến cúng lễ rất đông.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:36
Bà Rịa - Vũng Tàu - Côn Đảo
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Côn Đảo - huyện Côn Đảo, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cách Tp. Vũng Tàu 180km, cách Tp. Hồ Chí Minh 230km.

Đặc điểm: Côn Ðảo là một quần đảo gồm 14 đảo lớn, nhỏ, có địa thế hùng vĩ, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều phong cảnh và bãi biển đẹp cùng với di tích nhà tù nổi tiếng.

Du khách có thể đi bằng máy bay trực thăng hoặc bằng tàu biển để ra Côn Ðảo.

Từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1975, Côn Ðảo bị biến thành một nhà tù khổng lồ, giam giữ hàng trăm nghìn ngườiyêu nước Việt Nam. Tại đây, hơn 22.000 người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của Tổ quốc. Các khu lao, chuồng cọp, chuồng bò, hầm xay lúa, bến Ðầm, Cầu Tầu, nghĩa trang Hàng Dương... mãi mãi còn đó, thể hiện tinh thần anh dũng, ý chí kiên cường của con người Việt Nam. Côn Ðảo là một chứng tích hùng hồn, tố cáo chế độ độc ác, tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc, thực dân đối với phong trào yêu nước của dân tộc ta.

Chúng ta đến thăm Côn Ðảo, không chỉ đến thăm chứng tích "địa ngục trần gian" của thực dân đế quốc mà còn là đến với những hòn đảo đẹp luôn rực rỡ sắc biển, màu trời, những hòn đảo xanh tươi của rừng núi, của lúa, của tiêu, của dừa và của các loài thú quý hiếm...

Những địa danh trên Côn Ðảo gắn liền với tài nguyên thiên nhiên phong phú của nơi đây. Ðảo lớn nhất là Côn Sơn với trung tâm đảo là Côn Lôn. Hòn Cau cách Côn Lôn 8km, rộng 1,8 km² là nơi có nhiều cau rừng quả to gần như quả trứng gà, hạt đỏ như son. Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ có rừng tre dầy, thân trắng và lớn như thân cây vầu, cây bương. Hòn Trai có nhiều trai ngọc quý. Hòn Trứng là nơi cư ngụ của nhiều loài chim biển. Hòn Bà cách Côn Lôn vài trăm mét có đỉnh núi cao 321m, trên có tảng đá to hình một người phụ nữ. Hòn Bảy Cạnh cách Côn Lôn 7km có ngọn Hải Đăng xây năm 1884, tầu thuyền trên biển ở xa trên 70km còn nhìn thấy.

Nằm trong vùng khí hậu á xích đạo - hải dương nóng ẩm, nhiều nắng gió, Côn Ðảo có hệ sinh thái hết sức phong phú và đa dạng. Rừng Côn Ðảo xanh tốt um tùm với nhiều loại cây gỗ quý như bời lời, lát hoa, sao đen, cẩm thi, thiên niên kiện, săng đào, dầu lá bóng... Ðộng vật ở Côn Ðảo cũng có nhiều loài như chồn, sóc, kỳ đà, khỉ, hươu, nai, gà rừng..., đặc biệt có sóc mun toàn thân đen tuyền không thấy ở nơi nào khác trên đất nước ta. Ở đây có các loài chim quý hiếm như: chim điêu mặt xanh, én biển...

Vùng biển Côn Ðảo có nhiều loài hải sản quý, có giá trị kinh tế cao như tôm hùm, cá hàng, cá gióng, cá mập, cá heo, cá nhám, hải sâm, đồi mồi, vích…

Cùng với việc khai thác thế mạnh về tài nguyên rừng, biển của Côn Ðảo, người dân nơi đây đang phát triển việc trồng và chế biến những nông sản có giá trị hàng hoá cao như hồ tiêu, dừa, cây thuốc... Và cũng chính những mặt hàng có giá trị cao về nông, lâm, ngư nghiệp của Côn Ðảo đã góp phần làm nên sự nổi tiếng của vùng đảo giầu đẹp này.

Côn Ðảo cũng đang phát huy thế mạnh du lịch của mình. Trên đảo Côn Sơn có sân bay Cỏ Ống là cầu nối quần đảo với đất liền, rất thích hợp cho sự đưa đón khách du lịch. Thị trấn có rất nhiều cây bàng nên vào những ngày nắng nóng vẫn rợp bóng xanh mát. Các bãi tắm ở Côn Ðảo còn nhiều nét hoang sơ với môi trường trong lành, trong đó có những bãi rất đẹp như Hàng Dương, Phi Yến, Ðầm Trầu... bằng phẳng, sạch sẽ, nước trong xanh, có thể nhìn rõ đáy cát.

Không thể không nhắc đến một sự kiện lịch sử thú vị là năm 1284 nhà thám hiểm Marco Polo đã ghé qua Côn Ðảo.Côn Ðảo là địa danh du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:36
Bắc Giang - Thành cổ Xương Giang
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Xương Giang là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ 15.

Các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông - Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc - Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây. Đây là nơi diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện oanh liệt ngày 3/11/1427 mà Lê Quý Đôn đánh giá:Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy (theo Đại Việt thông sử).

Để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại thành Xương Giang, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội kéo dài trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:37
Bến Tre - Làng du kích Đồng Khởi
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Làng du kích Đồng Khởi thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, cách Tx. Bến Tre 15km

Đặc điểm: Làng du kích Đồng Khởi là nơi nổi dậy đầu tiên của phong trào Đồng Khởi năm 1960.

Ở đây có nhà triển lãm tất cả các loại vũ khí thô sơ tự tạo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Bến Tre đang xây dựng khu di tích Đồng Khởi để tái tạo lại hìnhảnh của một làng đã từng là cái nôi cách mạng của miền Nam.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:38
Bình Định - Tháp Cánh Tiên
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Tháp Cánh Tiên nằm giữa thành Ðồ Bàn, thuộc làng Nam An, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Qui Nhơn 27km về hướng tây bắc.

Đặc điểm: Tháp xây trên một đỉnh đồi cao chừng vài chục thước, thờ bà Nữ Thần Y A Na.

Tháp Cánh Tiên có bề mặt vuông, nhiều tầng xây bằng gạch, cao gần 20m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời.

Đây là một trong những ngôi tháp điển hình cho phong cách kiến trúc Bình Định. Kết cấu gồm tiền sảnh và điện thờ (tiền sảnh bị đổ sụp). Phía ngoài thân tháp, các mặt tường được trang trí những cột ốp và các khung dọc nhô ra. Khác với các tháp chàm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng sa thạch ở nửa phía ngoài các cột ốp tường và các góc diềm mái. Tại bốn góc ở mỗi tầng của tháp có các chi tiết bằng đá hình đuôi phượng nhô ra.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:39
Bình Định - Tháp Đơn Long
Nguồn: Maxreading


Tháp Dương Long còn có tên là tháp Ngà, cách thành phố Quy Nhơn 50km. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 7, gồm 3 tháp, tháp giữa cao 24m, hai tháp hai bên cao 22m. Đây là một trong những cụm tháp đẹp nhất còn lại của miền Trung Việt Nam.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:40
Bình Thuận - Di tích trường Dục Thanh
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Thuộc làng Thành Đức, nay là số 39 đường Trưng Nhị, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Đặc điểm: Đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và dạy học năm 1910 trước lúc Người vào Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước.

Nhà thơ, nhà yêu nước Nguyễn Thông đã xây trên một khu đất của xóm chài nghèo một ngôi nhà gọi là Ngọa Du Sào để đọc sách, ngâm thơ, gặp gỡ và đàm đạo với bạn thơ, bạn cùng chí hướng yêu nước. Khi Nguyễn Thông qua đời nhiều chí sĩ nổi tiếng vãn thường lui tới Ngọa Du Sào trong đó có Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp... Được Phan Chu Trinh gợi ý, con trai của nhà yêu nước Nguyễn Thông là Nguyễn Quý Anh đã xây dựng tại đây ngôi trường tiểu học, đặt tên là Dục Thanh với chí hướng giáo dục thanh niên, nâng cao dân trí cho con em trong vùng và truyền bá tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.

Năm 1909 Nguyễn Tất Thành (tên Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó) trên đường vào nam đã tìm tới nhà yêu nước Trương Gia Mô ở Bình Thuận, người vừa mới được ra khỏi nhà tù thực dân Pháp. Trương Gia Mô giới thiệu Nguyễn Tất Thành với Nguyễn Quý Anh lúc đó đang làm hiệu trưởng trường tiểu học Dục Thanh. Số phận và con đường cách mạng buổi bình minh của cuộc đời đi tìm đường cứu nước đã đưa Người đến với ngôi trường nhỏ Dục Thanh nằm kín đáo sát con sông Cà Ty để giờ đây Dục Thanh trở thành một di tích lịch sử mà có lẽ không người Việt Nam nào không biết tới.

Năm 1910 Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo trẻ nhất. Năm đó Người tròn 20 tuổi. Tại đây Nguyễn Tất Thành đã nhận dạy Quốc Văn, Hán Văn và kiêm nhiệm môn thể dục. Ngoài ra thầy còn nhận dạy tiếng Pháp khi giáo viên Pháp văn vắng mặt.

Ngày nay trong khu trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật cách đây gần ngót thế kỷ. Trong đó có nhà Ngự - nơi các thầy giáo và học trò ăn ở nội trú; Ngọa Du Sào; cây khế sau vườn - nơi thầy Thành hay tưới nước cho vườn cây vào những buổi chiều. Khu di tích trường Dục Thanh đã trở thành một trong những nơi gắn liền với thân thế và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người đã trở thành danh nhân văn hóa thế giới, vô cùng gần gũi thân yêu đối với mỗi người Việt Nam.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:41
Bình Thuận - Nhà Lưu giữ bảo Vật văn hóa Chăm
Nguồn: Maxreading


Do bà Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ của dòng vua Chăm cuối cùng lưu giữ ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết khoảng 60 km (38 miles) về phía Bắc. Bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm bao gồm những báu vật của vua Po- Klong- Mơl- Nai và một số ít của các vị vua Chăm những thế kỷ trước. Sưu tập có hơn 100 di vật nguyên gốc quý hiếm đủ các loại hình và chất liệu khác nhau. Đáng chú ý là những di vật bằng vàng (vương miện, bông tai, vòng xuyến), vải (áo bào, đôi hia) của vua Po- Klong - Mơl- Nai và hoàng hậu Sopia Sơm. Bộ sưu tập phản ảnh nghệ thuật của nghề thủ công mỹ nghệ, điêu khắc, chạm trổ rất phát triển của người Chăm trước đây.

Nhóm Di Tích Tháp Cổ Pô - Sha – Nư

Còn gọi là tháp Phú Hải thuộc xã Thanh Hải, thành phố Phan Thiết. Đây là tuyệt tác của dân tộc Chăm để lại cho nhân loại. Nhóm tháp này gồm 3 cây tháp và nhiều tháp đổ khác nay chỉ còn lại phế tích và nền móng.

Ba ngôi tháp hiện nay còn phân bổ trên 2 tầng đất, quay mặt về hướng Đông. Tháp vuông nhiều tầng, di tích này thuộc phong cách nghệ thuật Hòa Lai, có niên đại thếkỷ 8, loại hình tháp Khmer thời Chân Lạp. Nhóm tháp chàm Pô- Sha- Nư tọa lạc trên một ngọn đồi có tên "Lầu Ông Hoàng" cách thành phố Phan Thiết 6 km (4 miles) về phía Đông Bắc. Hàng năm vào tháng giêng âm lịch, các lễ hội Rija Nưga, Poh Mbăng Yang được tổ chức dưới chân tháp. Nhân dân làm lễ cầu mưa, cầu xin những điều tốt lành. Bên cạnh khu tháp Po- Sha- Nư là các di tích "Lầu Ông Hoàng", chùa Bửu Sơn, núi Cố nơi có mộ nhà thơyêu nước Nguyễn Thông. Tiếp tục cuộc hành trình dọc bãi biển đến đá ông Địa, biển Mũi Né... du khách sẽ bị lôi cuốn vào bức tranh giàu hương vị biển mặn mà, độc đáo.

Đền Thờ PoKlong - MơlNai (Huyện Bắc Bình)

PoKlong - MơlNai, một trong những vị vua cuối cùng của người Chăm (đầu thếkỷ 17). Đền thờ nằm trên đồi cao cạnh quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Thiết về phía Bắc khoảng 60 km (38 miles) . Trong đền hiện nay còn lại 3 pho tượng bằng đá màu xanh, đen tạc tượng vua PoKlong- MơlNai và 2 bà hoàng hậu cùng nhiều tượng Cút được điêu khắc, chạm trổ công phu, tinh xảo.

Đền Thờ Cố Hỷ Phu Nhân

Ở trên núi Ô Cam, sát bãi biển phía Nam huyện Tuy Phong. Đền thờ vị nữ thần Cố Hỷ. Nhân dân địa phương mỗi khi ra khơi thường đến đền thờ này cầu thần phù hộ.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:41
Bình Thuận - Đền Thờ Pôklông -Mơh Nai
Nguồn: Maxreading


Nằm trên đỉnh đồi cát thuộc thôn Lương Bình, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 60km về phía Bắc. Ðền thờ được xây dựng để thờ vua Chăm Pôklông - Mơh Nai, một trong những vị vua cuối cùng của Vương quốc Chămpa trước khi Vương quốc này tan rã.
Ðối lập với nền nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng tháp Chăm từ thế kỷ 17 trở về trước, từ thế kỷ 17 trở về những thế kỷ sau khi đất nước bị suy kiệt, nhân tài vật lực và kỹ thuật bị thất truyền mà việc thờ phụng tổ tiên và tôn giáo vẫn là nhu cầu thường trực nên người Chăm chuyển sang xây dựng dạng kiến trúc đền thờ như một ngôi chùa đương thời và sử dụng vật liệu gỗ, ngói, vôi như người Việt. Tiêu biểu cho dạng kiến trúc này là đền thờ vua Chăm Pôklông - Mơh Nai.

Ðền thờ gồm có 5 gian thờ xây dựng theo hình chữ T. Dãy nhà 3 gian dùng để thờ phụng: gian giữa thờ tượng vua Pôklông - Mơh Nai; gian bên phải thờ tượng bà thứ phi người Việt, công chúa con của một vị chúa Nguyễn, cùng một số tượng Kút con của bà; bên trái là gian thờ hoàng hậu Popia Sơm,vợ cả của vua, cùng một số tượng Kút chạm khắc đẹp là con của bà. Dãy nhà trước gồm 2 gian lớn để trống dùng làm nơi chờ đợi và thực hiện nghi lễ bên ngoài trước lúc vào đền thờ.

Tượng vua Pôklông - Mơh Nai được các nghệ nhân Chăm tạc bằng một khối đá xanh xám với nghệ thuật điêu khắc tinh tế. Pho tượng tả cảnh nhà vua đang ngự ở triều đình, đầu đội vương miện oai nghiêm. Ðây là một trong những pho tượng Chăm có kích thước lớn còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay.

Hàng năm gia đình, dòng tộc hậu duệ nhà vua cùng đồng bào Chăm tổ chức nhiều nghi lễ tại đền thờ. Lớn nhất là dịp lễ hội Katê tổ chức vào tháng 7 Chăm lịch. Vào dịp lễ hội này tượng vua được đội vương miện thật bằng vàng, mặc áo đại lễ. Tượng hoàng hậu và thứ phi cũng được tắm rửa mặc áo, đội mũ.

Ðền thờ Vua Chăm Pôklông - Mơh Nai đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1991.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:42
Cao Bằng - Di tích Pắc Bó
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Di tích Pắc Bó thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, cách Tx. Cao Bằng 55km về phía bắc.

Đặc điểm: Pắc Bó là di tích cách mạng nổi tiếng, nơi Bác Hồ làm việc và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Tên Pắc Bó còn có nghĩa đen là “miệng nguồn”.

Pắc Bó có hang Cốc Bó được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở sau hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài trở về Tổ quốc (08/02/1941) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Các di tích ở khu này gồm có:

- Hang Bo Bam, bãi Cò Rạc, Hang Cốc Bó

- Suối Lê-nin, núi Các Mác.

- Suối Nậm: Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp huấn luyện cán bộ và tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng của Trung ương.

Ði trên những tảng đá nhám rêu phong dọc bờ suối là nơi Bác Hồ thường ngồi làm việc và câu cá sẽ đến một chiếc cầu gỗ bắc ngang cửa khe Cốc Bó. Ðây là nơi khởi nguồn của suối Lê-nin. Hang Pắc Bó hiện ra bên sườn núi đá lởm chởm. Ðứng ngoài cửa hang nhìn xuống, trên vách đá tranh tối tranh sáng còn thấy được dòng chữ của Người: "Ngày 8 tháng 2 năm 1941". Ðấy là ngày Bác đến ở hang này, một cái hang nhỏ, ẩm và lạnh, nằm sâu trong khe núi, chẳng mấy ai để ý tới.

Phía trước cửa hang Pắc Bó khoảng 1.000m, có một lán nhỏ bên sườn núi Khuổi Nậm. Nơi đây Bác Hồ triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, ra nghị quyết chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa, thành lập Việt Minh và Chiến khu cách mạng. Cách cái lán nhỏ này vài bước chân là đường biên giới Việt Trung - cột mốc 108. Nơi đây, Bác Hồ đã cúi xuống ôm hôn mảnh đất Tổ quốc thân thương sau bao năm xa cách. Khi đó Bác đã 50 tuổi, mái tóc đã pha sương.

Thăm khu di tích lịch sử này, du khách hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để rồi trong ký ức họ sống mãi những vần thơ lạc quan cách mạng của Người:

"Sáng ra bờ suối, tối vào hang
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Ðảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang".

LSB-Sun
21-12-2009, 01:42
Cần Thơ - Di tích chùa Ông
Nguồn: Maxreading


Tọa lạc trên đường Hai Bà Trưng, nhìn ra bến Ninh Kiều là Chùa Ông do người Hoa thuộc hai Phủ Quảng Châu, Triệu Khánh (Quảng Đông - Trung Quốc) góp công xây dựng vào những năm 1894 - 1896. Hầu hết vật liệu xây dựng quan trọng liên quan đến diện mại kiến trúc đều đưa từ Quảng Đông sang.
107 năm trôi qua, Chùa Ông ở Cần Thơ vẫn trong tình trạng hoàn hảo từ hình dáng bên ngoài đến trạm trổ nội điện. Trong chùa, gian chánh điện thờ Quan Công, bên phải thờ Thổ Địa, Thiên Hậu Thánh Mẫu; bên trái thờ Đổng Vĩnh Trạng nguyên, Tài Bạch Tinh Quân (Thần Tài)... Hàng năm, cứ vào ngày 24 tháng 6 âm lịch, các vị cao tuổi trong Ban trị sự chùa cùng đông đảo người Hoa ở địa phương tổ chức lễ vía Ông, còn gọi là lễ vía Quan Thánh Đế. Chùa Ông được đồng bào người Hoa, người Kinh thường xuyên đến viếng.

Ngày Tết là một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo quan trọng, là những này lễ hội lớn nhất trong năm. Tùy theo điều kiện kinh tế mà trong những ngày này đồng bào Hoa mang đến chùa heo quay, heo sống, gà vịt, bánh trái, nhang đèn... Họ sửa sang trang hoàng lại chùa, tắm gội và ăn mặc thật đẹp đẽ cùng nhau đốt cho các vị thần những nén hương với tất cả sự trong sạch và tinh khiết của thể xác và tâm hồn. Thỉnh thoảng có những năm Ban quản trị còn tổ chức sinh hoạt lễ hội dân gian truyền thống như múa lân, rồng, sư tử, thi đấu võ thuật, biểu diễn nghệ thuật sân khấu Quảng Triều.

Nhìn về mặt tôn giáo, tín ngưỡng của chùa Ông cũng như một số chùa Hoa khác ta thấy một đặc điểm đáng lưu ý là phần tín ngưỡng có vẻ nổi bật hơn tôn giáo.

Tất cả Chùa Ông do người Hoa cất ở Việt Nam đều không biệt lập trong khuôn viên rộng lớn (dù người Hoa đủ khả năng mua những sở đất lớn) mà luôn cất gần sát lộ, hài hòa với phố thị. Ngôi chùa rực rỡ, vui tươi và gần gũi với mọi người, như một biểu tượng của bình anh, may mắn, phát đạt. Chùa Ông ở Cần Thơ là một di tích lịch sử - văn hóa được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng cấp quốc gia.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:45
Đà Nẵng - Di tích K20
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Khu di tích nằm trên địa bàn khối phố Đa Mặn, phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, trên tuyến đường từ trung tâm thành phố đến khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và phố cổ Hội An.

Đặc điểm: Với hơn 3 nghìn dân, rộng 3km², K20 là một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong chiến tranh.

Khu Di tích lịch sử cách mạng K20 là tên gọi do Quận ủy Quận III đặt để làm mật hiệu liên lạc thời chống Mỹ. Sau khi chiếm giữ Đà Nẵng năm 1954, Mỹ Ngụy đã xây dựng nhiều đồn bót quanh Đa Mặn, hình thành bộ máy kìm kẹp nhân dân, ngăn cản lực lượng cách mạng ngay từ bên ngoài vào thành phố. Chính trong điều kiện đó chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân dân Đa Mặn đã được phát huy cao độ, trở thành bài học quý báu cho phong trào cách mạng địa phương. Trong đó, nhiều sự kiện, cột mốc lịch sử vẫn còn được lưu truyền sinh động trong nhân dân và đi vào sử sách. Đáng kể là sự kiện năm 1962, nơi đây đã tổ chức được lực lượng du kích mạnh, làm nhiệm vụ “diệt ác phá kìm”, đến năm 1964 phát triển tới 27 đội viên, tiêu diệt 12 tên ác ôn, phá hủy nhiều ấp chiến lược... Hầu hết các gia đình ở Đa Mặn thời đó đều có hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ.Nhà truyền thống được xây dựng khang trang, hiện đang lưu giữ tương đối đầy đủ các hiện vật của một thời đấu tranh ngoan cường, bất khuất. Những địa chỉ đỏ, hầm bí mật, chiến hào xưa đang được đưa vào các chương trình tham quan, giáo dục truyền thống. Mỗi hiện vật, mỗi sự tích đều gắn liền những con người có thật, trong đó có người đang còn sống, đang xây dựng cuộc sống mới ngay tại mảnh đất lịch sử này.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:46
Đà Nẵng - Đình Hải Châu
Nguồn: Maxreading


Đình làng Hải Châu nằm tại kiệt 42, tổ 6, đường Phan Chu Trinh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Phía trước đình có hồ nước lớn, ở giữa sừng sững hòn non bộ rợp bóng cây bồ đề trên dưới trăm tuổi. Trên cổng Tam Quan vẫn còn rõ tên Hải Châu Chánh Xã bằng chữ Hán. Qua khoảng sân rộng là một quần thể kiến trúc chính gồm: Đình Hải Châu, Nhà thờ Tiền Hiền nằm giữa hai nhà thờ tộc thành hình chữ “nhất”. Nhà thờ bên trái của tộc Nguyễn Văn mới tách ra, còn nhà thờ bên phải gọi là Kinh An Tự thờ chung 42 bài vị của 42 tộc họ. 42 tộc họ này đều từ thôn Hiếu Hiền, xã Hải Châu, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa, theo vua Lê Thánh Tôn vào nam từ năm Tân Mão (1471). Vua Lê đã lập ra ấp Hàn Giang (sau là tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố Đà Nẵng) và các tộc họ ấy đã quần tụ lại thành làng Hải Châu (theo tên xã cũ ở Thanh Hóa, bao gồm phần nội thành Đà Nẵng hiện nay), được triều Nguyễn phong sắc phong “chánh xã”. Hơn 500 năm qua các tộc họ đầu tiên ấy đã đặt nền móng và không ngừng đóng góp công sức cho sự hình thành thành phố Đà Nẵng hiện nay.

Trên gác chuông đình Hải Châu hiện còn 1 chiếc chuông đồng, thân chuông có bài minh đắp nổi bằng chữ Hán. Tạm dịch: năm Minh Mạng thứ 5 (Giáp Thân - 1842) trùng tu chùa. Năm sau (1825) vua ban chỉ sắc tứ cho mang tên “Chùa Phước Hải”. Năm Minh Mạng thứ 13 (Nhâm Thìn - 1832) nhằm ngày tốt, xã Hải Châu Chánh Đồng tạo lập chuông này. Các nhà sử học xác định Đình Hải Châu là Chùa Phước Hải, nơi Chúa Nguyễn Phúc Chu năm Kỷ Hợi - 1719 đã vào Quảng Nam và nghỉ lại, sau đó dân đã lập bàn thờ ông tại đây.

Đình làng Hải Châu được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào ngày 12/7/2001.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:47
Đà Nẵng - Đình Bồ Bản
Nguồn: Maxreading


Đình Bồ Bản hiện ở tại thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng: Đình được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ 19 bằng thanh tre tại gò miếu Tam Vị.
Đình Bồ Bản lập ra để thờ Thành hoàng, các vị tiền hiền của làng và là nơi sinh hoạt lễ hội hằng năm. Năm 1852, đình được dời về trung tâm làng.

Với tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương, đình được chia làm 3 gian; 2 chái; dài 14,5m; rộng 9,7m; có 36 cột bằng gỗ mít và kiền kiền. Kết cấu kèo, cột cũng được thể hiện theo lối chồng rường giả thủ, đầu các trính chạm đầu rồng, các vì kèo chạm mai, trúc, tùng, lan. Ngoài ra, còn có các loài chim, thú như chim sẻ, khỉ (hầu) và các họa tiết hoa văn, được khắc

chạm tinh tế, khéo léo và tỉ mỉ, tạo nên những tác phẩm điêu khắc độc đáo, giàu tính nghệ thuật, có giá trị khoa học.

Đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa ngày 04/01/1999.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:50
Đà Nẵng - Đình Nại Nam
Nguồn: Maxreading


Đình làng Nại Nam nay ở khối phố Nam Sơn, phường Hòa Cường, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Di tích đình Nại Nam, ngoài giá trị của một di tích kiến trúc - nghệ thuật còn là một trong những đình làng cổ tiêu biểu khá nguyên vẹn còn lại trong nội thành Đà Nẵng.
Đình được xây dựng năm Ất Tỵ (1905) từ công sức đóng góp của dân địa phương, thờ Thành hoàng bảo an chính trực, bổn xứ thổ thần và các vị tiền nhân của làng.

Đình ghi đậm dấu ấn văn hóa thời Nguyễn, mái lợp ngói âm dương, tường gạch, trên mái đình là lưỡng long chầu nguyệt, loan phụng hòa vinh, dơi ngậm đào, thể hiện qua nghệ thuật đắp ghép sành sứ, công phu, đẹp mắt. Bên trong chia làm 3 gian, 2 chái, phần chính diện dài 11,7m, rộng 7,9m, hậu tẩm rộng 3,9m, dài 4,1m. Có 4 hàng cột gồm 20 cột bằng gỗ mít, có chiều cao từ 2,5m - 4,5m. Kết cấu kèo theo “chồng rường - giả thủ”. Phần đầu hồi chạm trổ khéo léo và tinh xảo qua bàn tay tài hoa của thợ chạm Kim Bồng (Hội An), thể hiện các đề tài: cá chép hóa long, bát bảo đạo nho, cùng các họa tiết hoa văn cây cỏ, hoa lá.

Hằng năm có lễ cầu an tại đình vào rằm tháng 2 âm lịch và ngày lễ cuối năm (30 Tết). Đình làng Nại Nam được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 04/01/1999.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:50
Đà Nẵng - Mộ Ông Ích Khiêm
Nguồn: Maxreading


Toạ lạc tại nghĩa trang xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 10km về phía Tây - Nam. Mộ Ông Ích Khiêm được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia vào ngày 12/7/2001.
Ông Ích Khiêm, tự là Mục Chi, sinh ngày 21/12/1829 tại làng Phong Lệ Bắc, xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang. Ông thi đậu cử nhân năm Thiệu Trị thứ 7 (1847) và làm quan dưới triều vua Tự Đức. Nổi tiếng là người thông minh, chính trực, là một vị tướng khẳng khái và mưu lược, ông có công trong việc cầm quân bảo vệ Đà Nẵng khi thực dân Pháp nổ súng tấn công xâm lược nước ta.

Ông Ích Khiêm mất ngày 19/ 7/ 1884 tại Bình Thuận. Con trai ông là Ông Ích Thiện đã đưa thi hài ông về quê và mai táng tại làng Phong Lệ. Ngôi mộ được xây theo hình bát giác, có chiều dài từ cổng vào là 13,8m; chiều rộng 6,1m; tường bao xung quanh mộ cao 0,72m. Nấm mộ có chiều dài 4,75m; rộng 3,5m; cao 0,35m. Phía trước mộ có nhà bia, bên trong đặt một tấm bia bằng đá cẩm thạch cao 0,83m; rộng 0,54m được trang trí hình rồng, phụng và hoa lá.

LSB-Sun
21-12-2009, 01:51
Đà Nẵng - Thành Điện Hải
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Di tích thành Điện Hải tọa lạc tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Đặc điểm: Thành Điện Hải là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ.

Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823 (Minh Mạng thứ 4) cho dời đồn Điện Hải vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao và đến năm 1835 (Minh Mạng thứ 15) đồn được đổi tên là thành Điện Hải.

Năm 1840, Tham tri Bộ công Nguyễn Công Trứ vào xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, sau đó có đề nghị tăng cường phòng thủ các thành Điện Hải, An Hải. Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556m, thành cao hơn 5m, chung quanh là hào sâu 3m. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía nam (cửa chính), một cửa mở về phía đông. Trong thành có hành cung, có kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành xây bằng gạch theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông.

Hiện nay, tường thành phía tây, đông và các góc tương đối còn nguyên vẹn còn cửa thành phía nam đã mất và phía bắc đã hư hại. Gần đây, di tích thành Điện Hải được trùng tu, gia cố, phục hồi lại nguyên trạng. Một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây, để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố.Thành Điện Hải là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 - 1860. Ngày 16/11/1988 thành đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia và được gắn bia di tích ngày 25/8/1998

LSB-Sun
21-12-2009, 09:06
Đăk Lăk - Ngã sáu Buôn Ma Thuột
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đặc điểm: Ngã sáu Buôn Ma Thuột khá thân quen với tên gọi "Ngã sáu Ban Mê" đầy chất thơ, nhạc, không ngừng biến đổi qua thời gian, ghi nhận những thăng trầm của lịch sử khai phá vùng đất cao nguyên Buôn Ma Thuột.

Người Buôn Ma Thuột những năm đầu thế kỷ 20 đã chọn cho mình một địa thế khá bằng phẳng để khai khẩn và lập nghiệp. Ngã sáu Buôn Ma Thuột, nơi giao lộ của những con đường đi lại giữa khu dân cư người Kinh với các buôn làng Ê Đê bản địa và đường về miền trung châu. Con đường xưa đất đỏ, quanh năm lầy lội vào mùa mưa và bụi đỏ về mùa khô, rồi đường được lát đá, bây giờ là đường rải nhựa phẳng lỳ thênh thang. Ngã sáu Buôn Ma Thuột đã có một bộ mặt bề thế mang dáng dấp của một phố thị trẻ, tựa như gương mặt một côgái ở độ tuổi mới lớn, với quần thể kiến trúc bao quanh như đài tưởng niệm, khách sạn, trung tâm văn hóa, những cơ sở dịch vụ tổng hợp, Công ty Du lịch Đắk Lắk, Đài phát thanh truyền hình...

LSB-Sun
21-12-2009, 09:07
Đăk Lăk - Nhà đày Buôn Ma Thuột
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Nhà đày Buôn Ma Thuột nằm ở Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đặc điểm: Nhà đày Buôn Ma Thuột không những là chứng tích về tội ác của bọn Đế quốc - thực dân mà nó còn là trường học lớn đào tạo và rèn luyện nên những chiến sĩ cách mạng kiên cường của cách mạng Việt Nam.

Chắc có lẽ nhiều bạn trẻ ngạc nhiên khi được nghe kể lại rằng thành phố Buôn Ma Thuột sôi động hôm nay, cách đây hơn 50 năm là những cánh rừng hoang vu, mênh mông phủ kín, dân cư thưa thớt, nơi đây xưa kia được coi là chốn rừng thiêng nước độc, người đồng bằng ít dám mơ tưởng đặt chân lên chốn này.

Thế nhưng cũng cùng thời gian ấy, ở đây đã có một nhà đày (một trong những khu biệt giam tù chính trị) với chế độ tàn bạo nhất của bọn thực dân Pháp ở nước ta. Đến Buôn Ma Thuột tìm hiểu về mảnh đất - con người, không thể không đến thăm khu di tích lịch sử cách mạng đã được Nhà nước xếp hạng này.

Tại đây, các bạn sẽ được thấy, được nghe, được biết thêm nhiều điều mới lạ về truyền thống đấu tranh oanh liệt của những chiến sĩ cộng sản thuở trước như: Hồ Tùng Mậu, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hồng Chương, Bùi San, Trần Văn Quang, Ngô Đức Đệ, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Phụng Tân, Huỳnh Thanh... và biết bao nhiều người con ưu tú của mọi miền Tổ quốc.

Nhà đày Buôn Ma Thuột có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc vận động cách mạng Tháng Tám ở Đắk Lắk. Những chiến sĩ cộng sản bị địch giam cầm ở đây đã trở thành những người gieo hạt mầm cách mạng vào mảnh đất cao nguyên đất đỏ này.

Được mở rộng và xây dựng kiên cố thêm trên cơ sở của một Prison (nhà lao) có từ năm 1900 đến năm 1930, nhà lao Buôn Ma Thuột trở thành nơi đày ải những chiến sĩyêu nước Việt Nam. Giờ đây, đến thăm nhà lao Buôn Ma Thuột, các bạn sẽ nhìn thấy những chứng tích tội ác của bọn thực dân Pháp. Qua đó, bạn có thể hình dung lại toàn bộ nhà đày Buôn Ma Thuột với chế độ cai trị khắc nghiệt và tàn bạo chẳng khác nào địa ngục của bọn thực dân Pháp.

Năm tháng đã qua đi, nhưng những dấu ấn ấy như còn in rõ vào tâm trí của mỗi người. Khi đặt chân đến đây, nhìn lại những chiếc cùm các bạn cũng sẽ thấy đau lòng, bồi hồi xúc động và càng khâm phục những chiến sĩ cộng sản kiên cường không sợ hy sinh, quyết tâm chiến đấu và đã chiến thắng kẻ thù góp phần giải phóng dân tộc thoát khỏi đêm mờ nô lệ. Những ai đã qua khỏi nhà đày Buôn Ma Thuột còn sống sau này đều trở thành hạt nhân của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và đóng góp nhiều công sức suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhà đày Buôn Ma Thuột được công nhận là di tích lịch sử vào năm 1980.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:07
Điện Biên - Khu di tích chiến thắng Điện Biên Phủ
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Chiến trường Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Điện Biên, cách Tp. Hà Nội khoảng 500km về phía tây.

Đặc điểm: Chiến trường Ðiện Biên là một di tích lịch sử ghi lại chiến công oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp.


Từ Hà Nội theo quốc lộ 6 qua Sơn La, Thuận Châu, vượt đèo Pha Ðin sang Tuần Giáo rồi rẽ theo quốc lộ 279 vào Ðiện Biên. Thung lũng Ðiện Biên bốn bề là núi bao bọc với nhiều ngọn đồi ở phía đông và cánh đồng Mường Thanh dài 20km, rộng 6km, có sông Nậm Rốn chảy qua nên vùng đất Ðiện Biên này rất màu mỡ. Từ cuối năm 1953 thực dân Pháp đã đổ quân chiếm đóng Ðiện Biên và thành lập ở đây một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh được trang bị nhiều vũ khí hiện đại.

Tại thung lũng Ðiện Biên đã diễn ra cuộc chiến đấu cực kỳ anh dũng của quân dân Việt Nam suốt 55 ngày đêm với đội quân viễn chinh xâm lược của thực dân Pháp (13/3/1954 - 7/5/1954), bắt sống tướng Ðờ Catri (De Castries) và toàn bộ ban chỉ huy, loại khỏi vòng chiến đấu 16.000 quân địch. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã gây một tiếng vang lớn chấn động địa cầu, khắp năm châu đều biết đến Ðiện Biên Phủ - Việt Nam.

Các di tích nổi bật của chiến trường Ðiện Biên năm xưa là đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ Catri.

Quần thể di tích Sở chỉ huy Chiến dịch ở xã Mường Phăng, cách Tp. Ðiện Biên Phủ gần 30km, bên cạnh khu du lịch hồ Pá Khoang cảnh đẹp như trong thần thoại. Nối hai lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái là một đường hầm dài 96m, đào xuyên qua đồi để tránh bom và đạn đại pháo. Những bậc cấp dẫn lên miệng hầm (cũng là lán của Đại tướng) nay đã phủ rêu phong của thời gian.


Ðiện Biên Phủ từ xưa vừa là nơi giao lưu văn hóa và kinh tế của các dân tộc vùng biên ải Việt - Lào - Hoa và vừa là vùng tranh chấp thế lực giữa các lãnh chúa phong kiến. Trong nhiều thế kỷ, chiến tranh đã bao lần diễn ra trên cánh đồng Mường Thanh. Mãi đến năm 1777, phủ Ðiện Biên mới chính thức được thành lập, cuộc sống yên bình trở lại, dân cư bắt đầu tụ tập, ổn định và xây dựng cuộc sống. Do vị trí địa lý độc đáo, nơi "một tiếng gà gáy ba nước đều nghe thấy", trong vùng lòng chảo khá phồn thịnh, nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa bản địa, người Lào, người Myanmar và cả các dân tộc miền nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ Ðiện Biên, hàng hoá -chủ yếu là hàng nông thổ sản của vùng Tây Bắc, được vận chuyển qua cửa khẩu Tây Trang, cách thành phố 30km về phía Tây, để sang Lào, Thái Lan và Myanmar, đổi lấy hàng tiêu dùng.Bên dưới vẻ phù hoa của Phố Cũ, đằng sau nét tráng lệ của những con đường và biệt thự nơi phố mới, có một nét đẹp riêng của phủ Ðiện Biên dễ làm say lòng khách phương xa: người Kinh, người Thái, người H' Mông... mỗi dân tộc có lối sống riêng, có nền văn hoá riêng, trang phục riêng thật thuần khiết và rất mến khách. Ta có thể gặp họ bất cứ ở đâu, trong buổi chợ sớm bên cầu Mường Thanh, ven lối mòn về bản, trong phòng đợi của sân bay Ðiện Biên... Những con người ấy, cùng với thiên nhiên nguyên sơ tươi đẹp in đậm dấu ấn lịch sử, là thứ tài nguyên vô giá có sức hấp dẫn riêng đối với du khách mà không thể có ở nơi khác.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:08
Đồng Nai - Khu di tích lịch sử chiến khu Đ là điểm Du lịch của Đồng Nai
Nguồn: Maxreading


Một tour du lịch nối kết nhiều điểm đến của Đồng Nai gồm làng bưởi Tân Triều - di tích lịch sử chiến khu Đ - làng dân tộc Phú Lý đang được Sở Thương mại - du lịch xúc tiến xây dựng. Trong đó, di tích lịch sử Chiến khu Đ được xem là một điểm nhấn quan trọng cho toàn tuyến.
Khi bắt tay xây dựng tuyến du lịch này, Sở Thương mại - du lịch đã xác định đây sẽ là một tour du lịch về nguồn kết hợp với du lịch sinh thái, dã ngoại. Khu di tích lịch sử Chiến khu Đ không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ mà còn mang trong mình tiềm năng rất lớn cho khai thác và phát triển du lịch. Hơn nữa, việc đưa Chiến khu Đ thành điểm du lịch quen thuộc cũng nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ và thu hút khách đến tham quan, học tập, nghiên cứu, qua đó hiểu rõ hơn về ý nghĩa lịch sử, tinh thầnyêu nước và đấu tranh của quân và dân miền Đông Nam bộ.

Để di tích lịch sử Chiến khu Đ thành điểm đến du lịch hấp dẫn, ngành du lịch đã dự kiến tổ chức một số hoạt động như: tái hiện lại cuộc sống của người chiến sĩ giải phóng năm xưa trong chiến khu (du khách ngủ võng giữa rừng, thổi cơm bằng bếp Hoàng Cầm); thăm làng dân tộc của đồng bào Chơ Ro bản địa (du khách được ăn cơm lam, uống rượu cần và múa hát cùng đồng bào); tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu; các trò chơi tập thể, trò chơi dân gian; tổ chức ăn nghỉ cho du khách, bán hàng lưu niệm đặc trưng (khăn rằn, nón tai bèo)... Việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho tour du lịch về nguồn với Chiến khu Đ lịch sử trong năm 2006 cũng đã được ngành du lịch dự thảo kế hoạch trình UBND tỉnh. Trước mắt, ngành sẽ lập một website với nhiều nội dung tuyên truyền, quảng bá; phối hợp cùng các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh thực hiện những chương trình giới thiệu về du lịch Chiến khu Đ... Công ty du lịch Đồng Nai chịu trách nhiệm khai thác tuyến du lịch này cũng như thiết kế các tour có nối với điểm di tích Chiến khu Đ.

Kế hoạch là vậy, nhưng để tuyến du lịch này đi vào hiện thực thì vẫn còn rất nhiều những khó khăn đối với ngành du lịch tỉnh lẫn Ban quản lý khu di tích lịch sử Chiến khu Đ. Các đoàn và khách tham quan tự do trước nay chỉ đến tìm hiểu di tích, được hướng dẫn, thuyết minh rồi...về, tất cả chỉ trong nửa ngày. Dù khách đã vất vả đường xa đến đây nhưng khu di tích vẫn chưa có hoạt động nào để "giữ chân" du khách giống như Khu di tích địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Hiện tại, khu di tích gần như chưa có cơ sở phục vụ lưu trú, ăn nghỉ, vui chơi nào cho du khách. Hệ thống các biển định danh cho các loài cây thuộc Khu dự trữ thiên nhiên Vĩnh Cửu đến nay vẫn chưa làm. Vì vậy, nếu được đưa vào khai thác du lịch, khu di tích hiện mới chỉ có thể là một điểm dừng chân trong tour về Đồng Nai của du khách. Để Chiến khu Đ thành điểm du lịch về nguồn kết hợp du lịch sinh thái có sức giữ chân du khách ở lại vài ngày có lẽ còn phải chờ vào tiến độ quy hoạch và thực hiện quy hoạch của một dự án lớn hơn: dự án Trung tâm văn hóa - lịch sử Chiến khu Đ. Thế nhưng, việc từng bước đưa vào thêm một số sản phẩm du lịch để khu di tích vốn đã hấp dẫn khách du lịch lại càng hấp dẫn hơn vẫn là một việc làm hoàn toàn khả thi đối với ngành du lịch mà không phải nằm chờ vào quy hoạch.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:09
Đồng Nai - Đền thờ Nguyễn Tri Phương
Nguồn: Maxreading


Tọa lạc tại phường Bửu Hòa, Biên Hòa, đền được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 19 để thờ Trần Thành Hoàng của dân địa phương. Đến năm 1873, khi Nguyễn Tri Phương mất được nhân dân tạc tượng thờ tại đây. Đền có kiến trúc theo kiểu chữ "Công" nằm bên hửu ngạn sông Đồng Nai. Đền được Bộ Văn Hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1991.

Đền Thờ Nguyễn Hửu Cảnh

Đền được xây dựng cách đây khoảng 300 năm, là công trình kiến trúc cổ để tưởng niệm ông Nguyễn Hửu Cảnh, người đầu tiên có công khai phá đất Đồng Nai. Đền thờ được dựng bên sông Đồng Nai, mặt tiền soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Đền được trùng tu nhiều lần. Triều Nguyễn trùng tu hai lần, Gia Long năm thứ nhất và năm 1851. Năm 1960 đền được trùng tu lại.

Đình Tân Lân

Thuộc phường Hòa Bình, thành phố Biên Hòa. Đền được xây dựng thời vua Minh Mạng (1820 -1840), nơi thờ Trần Biên đô đốc tổng quân trần Thượng Xuyên, là người có công mở mang nông Đại Phố (phố Nông Nại ở thành phố Biên Hòa). Đình Tân Lân là công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn Hòa với nghệ thuật kiến trúc đặc trưng của vùng Hoa Nam (Trung Quốc) với các tác phẩm điêu khắc đá, chạm khắc gỗ, phù điêu ghép sành, cẩn xà cừ, tượng sành Hoa Nam... trong đó ẩn chứa những triết lý nhân sinh sâu sắc.

Đình An Hòa

Được xây dựng khoảng năm 1788, 1792, và đã được trùng tu 3 lần vào các năm 1944, 1953, 1994. Đình An Hòa là di tích kiến trúc nghệ thuật của xã An Hòa, huyện Long Thành. Đình có kiến trúc chữ "Công". Trong đình còn lưu giữ sắc phong của vua Tự Đức, và nhiều Hoành Phi, câu đối từ các đời Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:09
Đồng Nai - Mô cổ hàng Gòn
Nguồn: Maxreading


Là một di tích văn hóa đã được xếp hạng tiêu biểu cho nền văn hóa cổ đại xuất hiện cách đây khoảng hơn 2.500 năm. Mộ cổ Hàng Gòn do ông Bouchtj một kỹ sư cầu đường người Pháp phát hiện vào năm 1927 khi mở đường liên tỉnh số 2 nối Long Khánh và Bà Rịa. Mộ cổ Hàng Gòn nằm ở độ cao 250m về phía tây tỉnh lộ 2 (Long Khánh đi Bà Rịa), cách thành phố Biên Hoà 80km, thuộc xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Mộ có kiến trúc gồm hai hàng trụ đá bao quanh hầm mộ. Có 10 trụ đá cao từ 2,5 đến 3 m (7.5 đến 9 ft). Hầm mộ có dạng hình hộp kích thước 4,2 x 2,7 và cao 1,6 m (4.8 ft). Nét đặc biệt của ngôi mộ cổ là được ghép bởi những tấm đá hoa cương nặng hàng tấn, riêng nắp mộ ước tính khoảng 10 tấn. Có nhiều phiến đá bằng phẳng, xếp cân đối, tinh vi, khoa học, biểu trưng cho nền văn minh của người xưa. Ngôi mộ này là một trong những di tích tiêu biểu cho loại hình "DolMen" ở Đông Nam Á.

Từ năm 1992, mộ cổ Hàng Gòn được trùng tu và xây tường bảo vệ, lát gạch quanh hầm mộ để chống xói mòn và trồng nhiều cây cảnh xung quanh. Đây là ngôi mộ cổ nhất và quy mô nhất tại Việt Nam còn được bảo tồn đến ngày nay. Mộ cổ Hàng Gòn nằm ở xã Xuân Tân, huyện Long Khánh, trên độ cao 250 m (750 ft) về phía tây tỉnh lộ 2 (Long Khánh đi Bà Rịa), cách thành phố Biên Hòa khoảng 80 km (50 miles).

LSB-Sun
21-12-2009, 09:11
Đồng Nai - Chùa Long Thiền
Nguồn: Maxreading


Chùa tọa lạc ở số K2/3B Tân Bình, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Được xây dựng vào năm 1664 là một trong ba ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Đồng Nai, và được trùng tu nhiều lần vào các năm: 1748, 1842, 1952 và đầu thập niên 1990.
Chùa là công trình kiến trúc tôn giáo theo kiểu chữ "Tam", chạm trổ công phu, ở điện Phật có nhiều pho tượng cổ bằng đất nung và bằng đồng. Chùa Long Thiền là nơi truyền bá Phật giáo đầu tiên ở miền Nam. Hiện nay là trụ sở giáo hội Phật Giáo tỉnh Đồng Nai.Chùa được dựng vào cuối thế kỷ XVIII và đã được trùng tu nhiều lần. Ở điện Phật, có nhiều pho tượng Phật cổ bằng đất nung và bằng đồng.

Trụ trì chùa hiện nay là Hòa thượng Thích Huệ Thành, nguyên Tăng Thống Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, hiện là phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã trùng kiến ngôi chùa vào năm 1956 và những năm gần đây. Chùa đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai. Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:11
Đồng Nai - Chùa Đại Giác
Nguồn: Maxreading


Chùa tọa lạc ở xã Hiệp Hòa, thành phố Biên hòa, tỉnh Đồng Nai, trong vùng đất cổ cù lao Phố. Chùa được dựng từ cuối thế kỷ XVII. Công chúa Ngọc Anh, con thứ ba của Nguyễn Vương đã xin xuất gia thọ giới với Thiền sư Mật Hoằng.

Đầu thế kỷ XIX, Nguyễn Vương cho trùng kiến ngôi chùa, xây lầu chuông, lầu trống, tạc pho tượng Di-đà cao 2,25m. Chùa còn bảo tồn nhiều tượng cổ và tấm hoành phi sơn son thếp vàng ghi "Đại Giác Tự" do Công chúa Ngọc Anh cúng vào năm 1820. Chùa được đại trùng tu vào năm 1959.

Chùa đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:12
Đồng Tháp - Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Khu di tích Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc nằm ở thị xã Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Đặc điểm: Ðây là công trình ghi ơn cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà nho yêu nước và là thân phụ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích cụ Nguyễn Sinh Sắc là một quần thể kiến trúc văn hoá hấp dẫn ở tỉnh Đồng Tháp, được Bộ Văn hoá -Thông tin xếp hạng ngày 09/4/1992.

Toàn bộ khu di tích rộng 3,6ha, chia làm hai cụm kiến trúc: mộ và nhà lưu niệm cụ Phó bảng; nhà sàn và ao cá Bác Hồ, mô phỏng nơi ở và làm việc của Bác ở Hà Nội. Đối diện với cổng vào là lăng mộ cụ Phó bảng, mái hình bàn tay úp, phía trên mái là chín con rồng - biểu tượng của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. tại khu di tích có rất nhiều cây cảnh, hoa quý được nhân dân hiến tặng hoặc đưa về từ nhiều miền của đất nước, trong đó đặc biệt là cây khế gần 300 tuổi (nằm bên trái mộ) và cây sộp hơn 300 tuổi (nằm bên phải mộ). Trong nhà lưu niệm trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến những năm tháng cụ Sắc sống và làm việc, nhất là thời gian ở Cao Lãnh và vùng đất Nam Bộ.

Hàng năm, cứ vào ngày 27/10 âm lịch, bà con nhiều nơi hội tụ về đây tổ chức lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trong không khí trang nghiêm và đông vui như một ngày hội lớn ở địa phương.Hàng triệu du khách trong và ngoài nước đã đến Đồng Tháp tham quan và viếng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thể hiện lòng biết ơn đối với Người đã có công sinh thành Bác Hồ muôn vàn kính yêu

LSB-Sun
21-12-2009, 09:12
Gia Lai - Nhà tù Pleiku
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Nhà tù Pleiku thuộc phường Diên Hồng, Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Đặc điểm: Nhà tù Pleiku là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ (trước 1975), nhiều hình thức tra tấn hiện đại và dã man được áp dụng tại Nhà lao này.

Di tích ở trung tâm Tp Pleiku, cách Bưu điện tỉnh Gia Lai khoảng 300m về phía nam, có thể đến Di tích bằng các loại phương tiệnxe ôtô, môtô hoặc đi bộ.

Năm 1925, người Pháp cho xây cất Nhà lao Pleiku để giam giữ tù thường phạm, chủ yếu là người dân tộc. Đến năm 1940 phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc phát triển mạnh mẽ, lúc bấy giờ thực dân Pháp đã dùng nơi này để giam giữ những người yêu nước. Tháng 6/1948 chi bộ Nhà lao Pleiku được thành lập.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đế quốc Mỹ vẫn sử dụng Nhà lao Pleiku làm nơi giam giữ tù chính trị, nhiều hình thức tra tấn hiện đại và dã man được áp dụng tại Nhà lao này, nhưng các chiến sĩ cộng sản bị giam giữ tại Nhà lao này vẫn giữ vững phẩm chất cách mạng, tiếp tục tham gia các phong trào đấu tranh trong Nhà lao,...

Ngày 15/3/1975, trước khí thế hừng hực sôi động của chiến dịch Tây Nguyên, vào lúc 17h tù chính trị tại nhà lao Pleiku đã phá ra ngoài và tổ chức một bộ phận ra vùng ven, đón một cánh quân ta từ ngã ba Trà Bá vào cùng quân dân địa phương giải phóng thị xã Pleiku.Ngày 12/12/1994, Bộ Văn hóa – Thông tin đã Quyết định số 321/QĐ-BT công nhân di tích lịch sử: Nhà lao Pleiku

LSB-Sun
21-12-2009, 09:13
Hà Giang - Dinh họ Vương
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Dinh họ Vương (Vương Chí Sình) nằm trên địa bàn xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách huyện lỵ Đồng Văn chừng 24km.

Đặc điểm: Đây là một công trình kiến trúc đẹp, hiếm có và rất độc đáo của vùng cao nguyên này.

Đoạn đường dẫn vào dinh chỉ dốc thoai thoải, được lát bằng những phiến đá lớn, vuông vức, bằng phẳng. Dinh được bao bọc bởi hai bức tường thành xây bằng đá, dày khoảng 60cm đến gần 1m, cao từ 2,5 đến 3m. Vòng thành trong dày và kiên cố hơn vòng thành ngoài. Cả hai vòng thành đều bố trí nhiều lỗ châu mai. Khoảng đất giữa hai tường thành rộng khoảng 50m, được trồng cây.

Dinh có 10 ngôi nhà, 6 ngôi nằm cùng một hướng, 4 ngôi kia nằm theo hướng khác. Ngôi nhà chính quay mặt ra phía cổng. Các ngôi nhà đều được làm bằng gỗ quý từ cột, kèo, sàn, vách. Mái nhà lợp bằng ngói máng. Tại ngôi nhà chính còn lưu bức hoành phi với bốn chữ "Biên chinh khả phong" được vua Nguyễn ban cho. Các bức chạm trên đá, trên gỗ cho thấy sự tinh xảo và tài nghệ của người thợ. Công trình đã được xếp hạng di tích và bảo vệ từ năm 1993. Di tích này đáng để bạn dừng chân và quên đi mọi vất vả sau những chặng đường cheo leo hiểm trở. Công trình toát lên vẻ thâm nghiêm trong khung cảnh tĩnh mịch nơi vùng cao biên giới.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:13
Hà Nam - Chùa Long Đọi Sơn
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Chùa Long Đọi Sơn tọa lạc trên đỉnh núi Long Đọi, thuộc địa phận xã Ðọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, cách thị trấn Đồng Văn 15km (qua thị trấn Hoà Mạc), cách quốc lộ 1A chừng 6km.

Đặc điểm: Chùa Long Đọi Sơn có tên chữ là Sùng Thiên Diên Linh. Chùa được tạo dựng thời nhà Lý (khoảng năm 1121), hiện còn giữ được nhiều di vật quý.

Mặt bằng chùa rất rộng, lưng tựa vào núi Ðiệp với ba dòng sông uốn khúc bao quanh. Ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần, hiện nay chùa còn giữ được nhiều di vật quý như tượng Phật Di Lặc bằng đồng ở chính điện; 6 pho tượng Kim Cương bằng đá, cao 1,60m;bia đá Diên Linh (dựng năm 1121), cao 2,88m, rộng 1,40m và dày 0,29cm, đặt trên đế đá chạm rồng, hình chạm khắc và hoa văn trang trí trên bia mang đậm phong cách thời Lý; 4 pho tượng hình người có cánh cao 40cm, bề ngang 30cm.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:14
Hà Nội - Cột cờ Hà Nội
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Nằm ở đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội; gần quảng trường Ba Đình, trong khuôn viên bảo tàng Lịch sử Quân sự.

Ðặc điểm: Công trình kiến trúc được xây dựng từ thế kỷ 19.

Là một trong những công trình kiến trúc thuộc khu vực thành cổ Hà Nội. Với chiều cao đáng kể, cột cờ này được nhà binh Pháp khi đó dùng làm đài quan sát và trạm thông tin liên lạc giữa ban chỉ huy với những đồn bốt xung quanh, ban ngày dùng bằng tín hiệu, ban đêm dùng bằng đèn.

Cột cờ được xây năm 1812 gồm ba tầng đế và một thân cột. Các tầng đế hình chóp cụt, nhỏ dần, chồng lên nhau, xung quanh xây ốp gạch. Tầng một mỗi chiều 42,5m, cao 3,1m; có hai cầu thang gạch dẫn lên. Tầng hai mỗi chiều 27m, cao 3,7m. Tầng ba mỗi chiều 12,8m, cao 5,1m; có bốn cửa, cửa hướng đông trên có đắp hai chữ "Nghênh húc" (đón ánh nắng ban mai), cửa tây với "Hồi quang" (ánh sáng phản chiếu), cửa nam với "Hướng minh" (hướng về ánh sáng), cửa bắc không có chữ đề. Trên tầng này là thân cột cờ, hình trụ 8 cạnh, thon dần lên trên. Trong thân này có cầu thang 54 bậc xây xoáy trôn ốc lên tới đỉnh. Để tạo sự thông thoáng và ánh sáng lọt qua mỗi mặt trên thân cột cờ có từ 4 đến 5 ô hình hoa thị, vị trí cao nhất mỗi mặt có 1 ô hình dẻ quạt.

Ðỉnh cột cờ được cấu tạo thành một lầu hình bát giác, có 8 cửa tương ứng 8 mặt. Giữa lầu là một trụ tròn,cao đến đỉnh lầu, là chỗ để cắm cán cờ. Toàn bộ cột cờ cao 33,4m. Nếu kể cả trụ treo cờ thì trên 41m.Cột cờ đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc trải qua bao thế kỷ. Khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công mang lại nền dân chủ cộng hoà Việt Nam, lần đầu tiên, trên cột cờ lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới giữa trời.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:14
Hà Nội - Hồ Hoàn Kiếm
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Ðặc điểm: Hồ Hoàn Kiếm được coi là hòn ngọc của Thủ đô, hay như du khách nước ngoài gọi là "Lẵng hoa giữa lòng thành phố".

Theo các nhà khoa học hồ là một đoạn sót lại của sông Hồng sau khi sông đã chuyển dòng như hiện nay. Sự việc sông nước biến thiên ấy diễn ra cách đây vài nghìn năm. Trước đây hồ có tên là Lục Thủy vì sắc nước bốn mùa xanh. Thế kỉ 15, hồ Lục Thủy đổi tên là hồ Hoàn Kiếm. Cái tên Hoàn Kiếm gắn liền với câu chuyện trả gươm cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ.

Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một nơi hóng gió, dạo mát mà còn gắn liền với đời sống người dân Thủ đô về nhiều phương diện. Đêm giao thừa, người người nô nức du xuân quanh hồ. Xuân về, hồ là nơi gặp gỡ của thiện nam tín nữ đi lễ các đền chùa lân cận. Các đôi uyên ương trong ngày cưới tìm đến bên hồ để chụpảnh lưu niệm. Hè đến, những buổi chiều oi bức, hồ là địa điểm hóng mát lý tưởng.

Ai đã từng một lần ngắm hồ từ trên cao vào đầu hạ sẽ không khỏi thảng thốt trước bức tranh đầy màu sắc và nên thơ của những cây bằng lăng tím rạng rỡ xen giữa những phượng cháy đỏ rực, những cơm nguội chín vàng. Mùa thu, hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một thắng cảnh đẹp với những rặng liễu rủ bên bờ, những tàng cây ngả xuống vòng tay ôm lấy mặt nước hồ biếc xanh màu ngọc lấp lánh nắng vàng mà còn là nơi nhân dân thủ đô lui tới để xem pháo hoa nhân những ngày hội lớn của dân tộc như 19/8 và 2/9. Những di tích lịch sử độc đáo như tháp Rùa, tượng vua Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, đài Nghiên, tháp Bút, đền Bà Kiệu, chùa Bà Đá... và những công trình kiến trúc hiện đại mới được xây dựng luôn đảm bảo kết hợp hài hòa với cảnh quan vốn có quanh hồ. Hồ Hoàn Kiếm với đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và tháp Rùa lung linh bóng nước là hình ảnh của thủ đô Hà Nội trong mỗi trái tim người Việt Nam.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:15
Hà Nội - Lăng Hồ Chí Minh
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Quận Ba Đình, Hà Nội.

Ðặc điểm: Nơi yên nghỉ vĩnh hằng của lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Lăng được chính thức khởi công ngày 2/9/1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa quảng trường Ba Ðình, nơi Bác Hồ đã từng chủ tọa các cuộc mít tinh lớn.

Lăng được khánh thành vào ngày 29/8/1975. Lăng gồm 3 lớp với chiều cao 21,6 mét, lớp dưới tạo dáng bậc thềm tam cấp, lớp giữa là kết cấu trung tâm của lăng gồm phòng thi hài và những hành lang, những cầu thang lên xuống. Quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp.

Ở mặt chính có dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh" bằng đá hồng màu mận chín.

Trong lăng là thi hài Bác đặt trong hòm kính được ghép bằng đá đen huyền lấp lánh muôn ngàn hạt sáng. Qua lớp kính trong suốt, Bác Hồ yên nghỉ trong bộ quần áo ka ki bạc màu, dưới chân Bác vẫn là đôi dép cao su giản dị của người. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi an nghỉ vĩnh hằng của người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam

LSB-Sun
21-12-2009, 09:16
Hà Nội - Nhà sàn Bác Hồ
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Nằm trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, thuộc quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Ðặc điểm: Đây là ngôi nhà Bác ở và làm việc từ năm 1958 đến khi qua đời.

Trong khu vườn rộng sau Phủ Chủ tịch, có một con đường hẹp trải sỏi, hai bên trồng xoài dẫn tới một ngôi nhà sàn nhỏ nhắn bình dị, nằm giữa những vòm cây. Hàng rào dâm bụt bao quanh nhà, cổng vào kết bằng cành cây đan xen nhau. Ðó là ngôi nhà Bác Hồ ở và làm việc từ ngày 17/5/1958 cho tới khi Người qua đời. Sau nhà là vườn quả với hàng trăm loài cây quý do các địa phương đưa về trồng, như cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi biếu Bác năm 1954, bưởi Phúc Trạch, Biên Hòa, Mê Linh; cam Hải Hưng, Xuân Mai, Vân Du, Xã Ðoài; quýt Hương Cầm, Lý Nhân; táo Thiện Phiến, Ngọc Hồ; song mai Ðông Mỹ; hồng Tiên Ðiền. Trong vườn còn có cả những loại cây từ nước ngoài như ngàn hoa, cây bụt mọc quanh ao, cây cau vua gốc từ Caribê...

Tầng dưới nhà sàn là nơi Bác thường họp với Bộ Chính trị. Tầng trên là 2 phòng nhỏ, nơi Bác làm việc và phòng ngủ với những vật dụng đơn sơ giản dị. Trước nhà là ao cá Bác nuôi, bên bờ ao là các loài hoa phong lan nở quanh năm.Nhân dân ta từ mọi miền đất nước cũng như du khách quốc tế đến thủ đô Hà Nội, ai cũng muốn đến viếng Lăng, thăm nhà ở của Bác và đi dạo quanh quảng trường Ba Ðình lịch sử.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:17
Hà Nội - Quảng trường Ba Đình
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

Đặc điểm: Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra những sự kiện trọng đại của Thủ đô và cả nước.

Nơi đây vốn là khu vực cửa Tây của thành Hà Nội cổ. Đầu thời Pháp thuộc, thực dân Pháp phá thành làm một vườn hoa nhỏ gọi là điểm tròn Pugininer. Đến năm1945 mới có tên là vườn hoa Ba Đình. Chữ Ba Đình là để gợi nhớ dải đất Ba Đình ở tỉnh Thanh Hoá, nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa chống Pháp kéo dài từ 9/1886 đến 1/1887.

Quảng trường cũng là nơi chứng kiến hàng chục vạn đồng bào về dự lễ Độc lập ngày 2/9/1945. Ngày 9/9/1969, sáu ngày sau khi Hồ Chủ tịch qua đời, cũng tại quảng trường này, lễ truy điệu Người đã được cử hành trọng thể. Hàng vạn đồng bào Thủ đô và các địa phương cùng 34 đoàn đại biểu quốc tế đã tới đây dự lễ.

Ngày nay mặt chính của quảng trường là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước lăng là khoảng không gian rộng lớn với 320m chiều dài và 100m chiều rộng, đủ chỗ cho 20 vạn người dự mít tinh. Quảng trường có 168 ô cỏ bốn mùa xanh tươi. Chính giữa là cột cờ cao 30m. Quảng trường Ba Đình đã trở thành không gian thiêng liêng của Thủ đô Hà Nội.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:17
Hà Nội - Thành Cổ Loa và đền thờ An Dương Vương
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Thuộc huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Ðặc điểm: Là một trong những thành cổ nhất Việt Nam.

Ðây là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó). Nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội.

Thành được xây dựng kiểu vòng ốc (nên gọi là Loa thành) tương truyền có tới 9 vòng, dưới thành ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được. Ngày nay ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất: thành ngoài (chu vi 8km), thành giữa (hình đa giác, chu vi 6,5km) và thành trong (hình chữ nhật, chu vi 1,6km). Thân thành ngày nay còn có chiều cao trung bình từ 4-5m, có chỗ còn cao tới 12m, chân thành rộng tới 20-30m. Các cửa của 3 vòng thành cũng được bố trí rất khéo, không hề nằm cùng trên một trục thẳng mà lệch chéo đi rất nhiều. Do đó đường nối hai cửa thành ở cùng một hướng đều là một đường quanh co, lại có ụ phòng ngự ở hai bên nên gây rất nhiều trở ngại cho quân địch khi tiến đánh thành.

Từ trung tâm thành phố, đi 18km đến xã Cổ Loa thuộc huyện Ðông Anh, bạn sẽ tìm thấy vết tích còn lại của ba vòng thành xưa bằng đất và nơi các nhà khảo cổ tìm được hàng vạn mũi tên đồng, lưỡi cày, rìu sắt, xương thú vật...

Qua cổng làng, cũng là cổng thành trong là tới đình làng Cổ Loa. Theo truyền thuyết thì đó là nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa, nên trong đình còn tấm hoành phi "Ngự triều di quy".

Cạnh đình là Am Bà Chúa tức là miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nằm nép dưới gốc đa già cổ thụ. Miếu am bé bỏng như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa đáng thương "trái tim lầm chỗ để lên đầu". Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu. Ai cũng bảo đó là tượng Mỵ Châu.Qua am Mỵ Châu tới đền Thượng, tức đền An Dương Vương, tương truyền là dựng trên nền nội cung ngày trước. Ðền này mới được làm lại hồi đầu thế kỷ 20, có đôi rồng đá ở bậc tam cấp cửa đền là di vật đời Trần hoặc Lê sơ. Trong đền có tượng An Dương Vương bằng đồng mới đúc cùng dịp làm lại đền. Trước đền là giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thuỷ tự tử vì hối hận. Nước giếng này mà đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần!

LSB-Sun
21-12-2009, 09:18
Hà Nội - Thư Viện Quốc Gia
Nguồn: Maxreading


Th­ư viện Quốc gia Hà Nội là Thư­ viện Quốc gia lớn nhất n­ước, nằm trên phố Tràng Thi. Đ­ược thành lập năm 1919, thư­ viện lúc đó có tên là Th­ư viện Pierre Pasquier. Năm 1939, thư­ viện chứa 92.163 cuốn sách, chiếm 20% số lư­ợng sách hiện có tại Việt Nam lúc đó.

Sau năm 1954, th­ư viện đ­ược đổi tên thành Thư­ viện Trung tâm. Ngày 26/6/1957, đ­ược đổi lại tên là Thư­ viện Quốc gia.

Hàng năm, th­ư viện Quốc gia luôn tiếp nhận sách mới xuất bản tại Việt Nam và n­ước ngoài. Tổng số sách trong thư­ viện lên đến hơn 1 triệu cuốn sách, hơn 7 nghìn loại báo, tạp chí của Việt Nam và n­ước ngoài. Các luận văn tiến sĩ và thạc sĩ của các nhà khoa học Việt Nam đều đ­ược l­ưu giữ tại đây. Thư­ viện Quốc gia th­ường xuyên trao đổi sách với hơn 300 th­ư viện, các viện nghiên cứu lớn của hơn 100 n­ước trên thế giới và là thành viên của Hiệp hội Th­ư viện Quốc tế.

Th­ư viện Quốc gia đã l­ưu giữ hàng trăm nghìn cuốn sách quý từ khắp nơi trên thế giới. Thư­ viện l­ưu giữ sách theo các chủ đề lớn về đời sống, kinh tế, văn hoá, lịch sử, khoa học và kỹ thuật.

Các th­ư viện khác ở Hà Nội là Th­ư viện Khoa học và Kỹ thuật, Th­ư viện Khoa học Xã hội (26 Lý Th­ường Kiệt), Thư­ viện Quân đội (Phố Lý Nam Đế) và Th­ư viện Hà Nội (47 Bà Triệu).

LSB-Sun
21-12-2009, 09:18
Hà Tây - Thành cổ Sơn Tây
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Thành cổ Sơn Tây thuộc thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 45km.

Đặc điểm: Thành cổ Sơn Tây được xây dựng từ năm 1822, thành có hình vuông, mỗi chiều dài gần 400m.

Tường thành được xây bằng gạch đá ong, thành có 4 cổng: Ðông, Tây, Tiền, Hậu, mỗi cổng đều có Vọng Lâu. Xung quanh thành có hào sâu 3m, rộng 20m, chu vi khoảng 2.000m. Trong thành có 4 khẩu súng ở 4 góc thành, có điện Kính Thiên (nơi nghỉ của nhà Vua khi đi kinh lý), có dinh thự và công đường của các quan đầu tỉnh, kho lương thực, trại lính...

Thời gian và chiến tranh đã huỷ hoại nhiều công trình trong khu vực thành cổ. Hiện nay, thành cổ Sơn Tây chỉ còn lại vết tích một số đoạn tường thành, cổng thành và một vài công trình còn sót lại trong khu vực thành cổ.

Di tích này hiện nay đang được gìn giữ và tu tạo lại.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:18
Hà Tĩnh - Ngã ba Đồng Lộc
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Ngã ba Đồng Lộc nằm ở giao điểm của tỉnh lộ số 2 và quốc lộ 15, thuộc địa phận huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

Đặc điểm: Trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây đã phải hứng chịu hàng ngàn trận bom của máy bay Mỹ và sự hy sinh cao cả của tiểu đội với 10 cô gái thanh niên xung phong.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ngã ba Ðồng Lộc là cửa ngõ giao thông từ miền Bắc và đường mòn Hồ Chí Minh. Máy bay Mỹ đã tập trung khối lượng bom đạn rất lớn đánh phá ngã ba này và đoạn đường xung quanh. Trên một đoạn đường chưa đầy 20km đã phải hứng chịu 2.057 trận bom.

Tiểu đội nữ thanh niên xung phong do Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng có 15 cô tuổi từ 17 đến 24, được giao nhiệm vụ sửa đường choxe qua. Ngày 24/7/1968 sau nhiều trận bom cày nát đoạn đường, các cô vẫn không rời vị trí. Vừa dứt tiếng bom, các cô lại lao ra dùng cuốc, xẻng san lấp hố bom, vá đường, thông xe. Ðến 16h30', trận bom thứ 15 trong ngày lại dội xuống Ðồng Lộc, một quả rơi sát miệng hầm nơi 10 cô gái đang tránh bom. Tất cả 10 cô đã hy sinh, trong tay chỉ có cuốc, xẻng. Chưa ai trong họ có gia đình riêng.Ngã ba Ðồng Lộc ngày nay là nơi yên nghỉ của 10 cô gái trên đồi, cạnh hố bom năm xưa xanh mướt màu xanh cây lá, vi vút tiếng thông reo. Tại đây có đài liệt sỹ lưu danh 10 cô gái Anh hùng.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:19
Hải Dương - Khu di tích danh thắng Côn Sơn
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Khu di tích danh thắng Côn Sơn thuộc xã Cộng Hòa, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, cách Hà Nội khoảng 70km.

Đặc điểm: Khu di tích này gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử; là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần.

Khu di tích nằm giữa hai dãy núi Phượng Hoàng - Kỳ Lân. Khu di tích, danh thắng này gồm có núi non, chùa, tháp, rừng thông, khe suối và các di tích nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của nhiều danh nhân trong lịch sử. Ngay từ thời Trần, chùa Côn Sơn là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm (Côn Sơn - Yên Tử - Quỳnh Lâm). Mảnh đất này đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân đất Việt như Trần Nguyên Ðán, Huyền Quang và đặc biệt là anh hùng dân tộc - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. Côn Sơn đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và đọc bia về Nguyễn Trãi.

Ngày nay, Côn Sơn còn lưu giữ được những dấu tích văn hoá thời Trần và các giai đoạn lịch sử kế tiếp. Tiêu biểu là:

Chùa Côn Sơn

Chùa có tên chữ là Thiên Tư Phúc tự, hay còn gọi là chùa Hun, toạ lạc ở ngay dưới chân núi Côn Sơn, có từ trước thời Trần. Vào đời Lê, chùa được trùng tu và mở rộng rất nguy nga đồ sộ. Trải qua biến thiên về lịch sử và thời gian, chùa Côn Sơn ngày nay chỉ còn là một ngôi chùa nhỏ ẩn mình dưới tán lá xanh của các cây cổ thụ. Chùa được kiến trúc theo kiểu chữ công gồm Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện. Thượng điện thờ Phật, có những tượng Phật từ thời Lê cao 3m. Phía sau chùa là nhà Tổ, có tượng Trúc Lâm tam tổ (Trần Nhân Tông - Pháp Loa - Huyền Quang), tượng ông bà Trần Nguyên Ðán, hai pho tượng Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ.

Sân chùa có cây đại 600 tuổi, 4 nhà bia, đặc biệt là bia "Thanh Hư động" tạo từ thời Long Khánh (1373 - 1377) với nét chữ của vua Trần Duệ Tông và bia hình lục lăng, "Côn Sơn thiện tư bi phúc tự" đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc khi Người về thăm di tích này(15/2/1965).
Giếng Ngọc

Giếng nằm ở sườn núi Kỳ Lân, bên phải là lối lên Bàn Cờ Tiên, phía dưới chân Ðăng Minh Bảo Tháp. Tương truyền đây là giếng nước do Thiền sư Huyền Quang được thần linh báo mộng ban cho chùa nguồn nước quí. Nước giếng trong vắt, xanh mát quanh năm, uống vào thấy khoan khoái dễ chịu. Từ đó có tên là Giếng Ngọc và nước ở giếng được các sư dùng làm nước cúng lễ của chùa.

Bàn Cờ Tiên

Từ chùa Côn Sơn leo khoảng 600 bậc đá là đến đỉnh núi Côn Sơn (cao 200m). Ðỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, tại đây có một phiến đá khá rộng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Hiện nay Bàn Cờ Tiên có dựng nhà bia theo kiểu Vọng Lâu đình, hai tầng cổ các tám mái. Ðứng từ đây, du khách có thể nhìn bao quát cả một vùng rộng lớn.

Thạch BànBên suối Côn Sơn có một phiến đá gọi là Thạch Bàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân nghỉ khi Người tới thăm di tích này. Từ chân núi đi theo lối mòn có kê đá xuống phía chân núi có một tảng đá lớn, mặt phẳng và nhẵn nằm kề ven suối gọi là Thạch Bàn lớn. Tương truyền khi xưa Nguyễn Trãi lấy làm "chiếu thảm" nghỉ ngơi, ngắm cảnh, làm thơ và suy tư việc nước.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:20
Hải Phòng - Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Tp. Hải Phòng.

Đặc điểm: Khu di tích gồm nhiều hạng mục công trình, là nơi thờ danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm và trưng bày hiện vật về thân thế và sự nghiệp của ông.

Khu di tích gồm 9 hạng mục: tháp bút Kình Thiên; đền thờ dựng sau khi cụ mất (1585) với ba gian tiền đường, hai gian hậu cung, phía trước có hai hồ nước tượng trưng cho trời và đất, bức hoành phi trong đền ghi 4 chữ “An Nam Lý Học”; nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; phần mộ cụ thân sinh ở phía sau đền; tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng đá cao 5,7m, nặng 8,5 tấn; hồ bán nguyệt rộng khoảng 1.000m²; chùa Song Mai; Nhà Tổ có tượng thờ bà Minh Nguyệt, vợ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và Quán Trung Tân, nơi lưu giữ quan niệm mới về chữ “Trung” hướng lòng theo “chí trung chí thiện”.Ngày nay khu di tích đã được xây dựng khang trang, trở thành điểm du lịch văn hóa lớn của khu vực, là nơi tổ chức các lễ hội lớn kỷ niệm danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:20
Hậu Giang - Di tích Long Mỹ
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Di tích Long Mỹ thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang nằm cách thị xã Vị Thanh khoảng 28km, cách thành phố Cần Thơ khoảng 60km.

Đặc điểm: Long Mỹ là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh Hậu Giang và khu Tây Nam Bộ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Long Mỹ là vùng đất ở giữa vùng đất U Minh và vùng sông nước Hậu Giang. Là vùng rừng tràm, bần cách đây khoảng 200 năm. Đến năm 1920, Long Mỹ mới bắt đầu được khai phá để ngày nay trở thành vùng quê trù phú, đồng lúa bạt ngàn, cây trái trĩu quả. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Long Mỹ là vùng "chiến địa" giành nhau từng tấc đất giữa ta và địch.

Đến với Long Mỹ, du khách ghé thăm khu đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm do Đảng bộ và quân dân Long Mỹ lập nên từ năm 1969 khi Bác mất. Đền được trùng tu khang trang trên một khu đất rộng 1ha. Hàng năm vào các ngày 19/5 hay 2/9 đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến đây tham quan, tưởng niệm. Long Mỹ còn có khu "di tích chiến thắng 75 tiểu đoàn nguỵ" tại xã Vĩnh Viễn được xây dựng trên diện tích rộng gần 2ha, bao gồm nhiều công trình phục vụ du khách tham quan tìm về quá khứ oanh liệt của cha ông ngày trước. Nơi đây còn có các khu vui chơi, giải trí.Đến Long Mỹ, du khách sẽ có dịp vào thăm vườn cò độc đáo được hình thành từ năm 1986 tại xã Xà Phiên, với hàng chục ngàn con cò các loại cùng 30 loài chim đặc trưng của sông nước miền Nam. Giữa khung cảnh trời mây, sông nước, sinh vật thiên nhiên cây cỏ hiền hoà, du khách vừa thưởng thức trái cây được hái tại vườn vừa lắng nghe chim muông ca hát. Long Mỹ sẽ là một tour du lịch sinh thái và văn hoá hấp dẫn tại Hậu Giang.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:21
Hoà Bình - Thuỷ điện Hoà Bình
Nguồn: Maxreading


Vị trí: Nằm ở thành phố Hòa Bình, trên dòng sông Đà, tỉnh Hòa Bình.

Đặc điểm: Là công trình thủy điện lớn nhất của Việt Nam do Liên Xô (cũ) giúp xây dựng. Công trình được khởi công ngày 06/1/1979.

Các hạng mục công trình gồm có: đập đất đá, tràn xả lũ, hồ chứa nước, nhà máy thủy điện ngầm trong lòng núi, âu thuyền và trạm phân phối điện ngoài trời. Theo thiết kế, nhà máy có 8 tổ máy hoạt động, công suất mỗi tổ máy 240.000kw.Ngày nay hồ chứa nước của công trình thủy điện này có bề mặt hàng trăm ki lô mét vuông, với sức chứa hàng tỷ mét khối nước, đã trở thành một tuyến du lịch lòng hồ sông Đà rất hấp dẫn du khách.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:21
Huế - Cầu Tràng Tiền
Nguồn: Maxreading


Vắt qua sông Hương có hàng chục chiếc cầu, nh­ưng chỉ có một cây cầu trở thành một trong những biểu tượng của Huế, đó là cầu Tràng Tiền.

Theo sách Đại nam Nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn ''cầu sắt Tràng Tiền ở Đông Nam kinh thành... khởi làm năm Thành Thái thứ 9 (1897) cầu có 6 gian (6 nhịp), dài khoảng 400m, đến năm 1899 mới xong''.

Đến tháng 8 năm 1904, một cơn bão dữ dội tràn vào miền Trung Việt Nam, cầu bị sập 4 nhịp, chỉ còn 2 nhịp. Đến năm 1906 cầu được sửa chữa lại. Cầu Tràng Tiền hôm nay cũng đã đư­ợc tu bổ nhiều lần qua thời gian. Ngay bên tả đầu cầu xưa là chợ nhỏ của bến đò Tràng Tiền có tên chợ Đông Ba. Nay chợ Đông Ba là 1 trung tâm thương nghiệp của thành phố.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:25
Huế - Cố Đô Huế
Nguồn: Maxreading


Huế từ xa xư­a đã được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của xứ "Đàng Trong" và chính thức trở thành kinh đô dưới triều Tây Sơn. Trong gần 4 thế kỷ, Huế đã trở thành một quần thể di tích kiến trúc và thắng cảnh vĩ đại, tổng thể di tích này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

Nằm ở bờ Bắc sông Hương, tổng thể kiến trúc của cố đô Huế được xây dựng trên một mặt bằng diện tích hơn 500 Ha và được giới hạn bởi 3 vòng thành theo thứ tự ngoài lớn, trong nhỏ: Kinh Thành, Hoàng thành và Tử Cấm Thành. Tổng thể kiến trúc này dùng núi Ngự Bình làm tiền án và dùng hai hòn đảo nhỏ trên sông Hương là Cồn Hến và Dã Viên làm 2 yếu tố phong thuỷ rồng chầu hổ phục (Tả Thanh Long Hữu Bạch Hổ) để bảo vệ cố đô.

Kinh Thành Huế

Do vua Gia Long xây dựng từ năm 1805 và sau này được vua Minh Mạng tiếp tục hoàn thành vào năm 1832. Tại đó các vua triều Nguyễn đã cho xây dựng khá nhiều thành quách, cung điện và các công trình của hoàng gia. Trải qua gần 200 năm khu kinh thành hiện nay còn hầu như­ nguyên vẹn với gần 140 công trình xây dựng lớn nhỏ.

Kinh thành hình vuông với chu vi 10 km, cao 6,6 mét, dày 21 mét, gồm có 10 cửa để ra vào. Xung quanh và ngay trên thành có thiết lập 24 pháo đài để phòng thủ. Ngoài ra còn có một cửa phụ thông với Trấn Bình Đài gọi là Thái Bình Môn.

Hoàng Thành (Đại Nội)

Nằm ở khoảng giữa kinh thành là nơi đặt các cơ quan cao nhất của chế độ quân chủ và là nơi thờ tự các vua chúa đã quá cố. Hoàng Thành có mặt bằng gần vuông, mỗi bề khoảng 600 mét, xây bằng gạch, cao 4 mét, dày 1 mét xung quanh có hào bảo vệ, có 4 cửa để ra vào, riêng Ngọ Môn chỉ dành để cho vua đi. Đại Nội gồm có hơn 100 công trình kiến trúc đẹp được
chia ra nhiều khu vực:

Từ Ngọ Môn đến điện Thái Hoà: nơi cử hành các lễ lớn của triều đình.
Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và điện Phụng Tiên: nơi thờ các vua chúa nhà Nguyễn.
Phủ Nội Vụ: nhà kho tàng chữ đồ quý, x­ưởng chế tạo đồ dùng cho Hoàng Gia.
Vườn Cơ Hạ và điện Khâm Văn: nơi các hoàng tử học tập và chơi đùa.

Tử Cấm Thành

Là vòng thành nằm trong Hoàng Thành ngay sau Lưng điện Thái Hoà. Tử Cấm Thành dành riêng cho vua và gia đình vua. Tử Cấm Thành được xây dựng năm 1804. Thành cao 3,72 mét xây bằng gạch, dày 0,72 mét, chu vi khoảng 1230 mét, phía trước và phía sau dài 324 mét, trái và phải hơn 290 mét, bao gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ và có 7 cửa ra vào. Đại Cung Môn là cửa chính ở mặt tiền chỉ dành cho vua đi vào. Cần Chánh (nơi vua làm việc hàng ngày). Càn Thành (nơi vua ở), Cung Khôn Thái (chỗ ở của Hoàng Quý Phi). Duyệt Thi Đường (nhà hát), Thượng Thiện (nơi nấu ăn cho vua). Thái Bình Lâu (nơi vua đọc sách)... Ngoài ra, Huế còn nổi tiếng bởi khu lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn. Bảy lăng, mỗi lăng mang một sắc thái riêng nhưng đều là những kỳ công tạo tác của con người phối hợp với cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ tươi đẹp và thơ mộng của xứ Huế.

Cố đô Huế với sông Hương và núi Ngự và các cung điện lâu đài, lăng tẩm, đền, miếu, chùa chiền đã có hàng mấy trăm năm lịch sử giờ đây đang được nhân dân Việt Nam cùng cộng đồng Quốc tế đóng góp công sức và tiền của để tôn tạo tu bổ giữ cho kiến trúc cố đô Huế mãi mãi là di sản văn hoá của nhân loại.

Cung Diên Thọ

Nơi ở của Hoàng Thái Hậu (mẹ vua) , dựng năm 1804, ở ngoài khu vực Tử Cấm Thành (mé bên phải) , ngoài cung còn có nhiều công trình lớn nhỏ khác nữa, nằm gọn trong một khu vực hình chữ nhật, chu vi trên 500m, có tường cao vây bọc.
Qua Thọ Chỉ Môn là cổng chính sẽ tới một sân rộng có tấm bình phong đồ sộ án ngữ phía trước. Hai bên sân có một số công trình kiến trúc, bên trái là nhà Tả Trà, bên phải là lầu Tịnh Minh. Cung Diên Thọ nằm ở vị trí trung tâm, dựng theo kiểu "trùng thiền diệp ốc", nền thấp, có hiên rộng mái lợp ngói âm dương, trang trí hình chim phượng; bờ nóc, bờ mái. dải cổ diêm...đắp ô học, gắn những bức tiểu họa nhiều màu sắc. Các bộ phận kết cấu gỗ ở bên trong Cung Diên Thọ đều bằng gỗ lim không sơn son thiếp vàng, chỉ đánh bóng hoặc chạm hình hoa lá cách điệu và các mẫu hình trang trí truyền thống khá trang nhã tinh tế.

Tòa chính dinh gồm bảy gian; hai gian đầu bên phải và hai gian đầu bên trái được ngăn thành buồng, kín đáo riêng biệt nhưng hơi tối: ba gian giữa là nơi tiếp khách. Phía sau cung Diên Thọ là điện Thọ Ninh, bên trái là tạ Tr­ường Du, bên phải là Am Ph­ước Thọ, tất cả đều nối với cung bằng một hệ thống hành lang có mái che. Cung Diên Thọ cũng được nối lên với điện Câu Thành (nơi vua ở) và Thái Bình Lâu. Duyệt Thị Đường bằng hệ thống tr­ường lang. có mái che, tạo thành lối đi lại rất thuận tiện trong mọi thời tiết.Cung Diên Thọ là một công trình kiến trúc lớn, có nhiều vẻ đẹp độc đáo thâm nghiêm ấm cúng trang nhã còn được bảo tồn khá tốt cho tới nay.

Lăng Gia Long

Gia Long lên ngôi năm 1802, sau một thời gian dài tìm kiếm, đất tốt mãi đến năm 1814 mới bắt đầu cho xây dựng lăng. Từ việc chọn đất vẽ kiểu.v.. Nhà Vua đều đích thân tham gia, năm 1819, Gia Long qua đời năm sau (1820) việc xây lăng được hoàn thành Lăng mang tên thiên thọ, cách kinh thành Huế 16Km ( theo Đường thuỷ là19km) nằm theo hướng Bắc Nam giữa một vùng núi non hoang sơ, xanh rợp bóng thông cổ thụ, có 36 ngọ núi châu tuần xung quanh hai bên là nguồn hữu trạch, nguồn tả trạch như­ vòng tay ôm ấp. Lăng được xây dựng theo kiến thức đơn sơ nhưng hoành tráng bên chân núi đại thiên thọ được lấy làm tiền án có dựng hai cột trục cao trước lăng là hồ bán nguyệt : phía sau hồ là sân chầu , rồi đến sân tế 6 lớp.

Lăng Minh Mạng

Khởi công xây dựng vào năm 1804, sau hàng chục năm lựa chọn đất tốt. Năm 1843 gần 3 năm sau khi Minh Mạng qua đời lăng mới được xây dựng mang tên Hiếu lăng , cách kinh thành 12km (vùng đồi cẩm kê, nhìn ra ngã 3 bằng lăng) chiếm một diện tích 26ha, gồm trên 30 công trình kiến trúc lớn nhỏ lăng chia làm hai khu vực, nơi thờ và nơi đặt mộ, nằm trên một trục dọc xuyên suốt cả khu vực. Những công trình chủ yếu đều được xây dựng trên trục chính này; công trình khác làm đăng đối ở hai bên, theo một trật tự nghiêm ngặt. Cả khu lăng tẩm được điểm xuyết bằng nhiều hồ sen, cầu, cổng, đình tạ, vườn hoa cây cảnh, thông. .., rất ngoạn mục.
Vây bọc quanh lăng là thành hình bầu dục, chu vi gần 1800m; tường thành cao trên 3m, dày gần 1m. Phía trước có ba cổng lớn. Cổng chính giữa là Đại Hồng Môn, hai bên là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn. Sau Đại Hồng Môn là sân chầu rộng thênh thang; hai bên sân có tượng đá văn quan võ t­ướng và voi ngựa chầu hầu. Tiếp đó là nhà bia - một tòa nhà vuông vức dựng trên nền cao ba tầng. Phía trước phía sau đều có bậc đá để lên xuống, thành bậc tạc rồng. Trong nhà bia đặt tấm bia thánh đức thần công cao trên 3m, rộng gần 2m, khắc bài văn bia do vua Thiệu Trị soạn thảo. Sau nhà bia là sân tế, chia làm 4 cấp cao dần.

Cuối sân tế là Hiển Đức Môn, cổng vào khu thờ được xây kín bằng một vòng tường thành (nội la thành) hình chữ nhật. Sau Hiển Đức Môn là một sân rộng lát gạch Bát Tràng. Cuối sân là điện Sùng Ân - điện thờ chính dựng theo kiểu "Trùng thiền diệp ốc". Hai bên sân là Đông Phối điện và Tây Phối điện. Sau điện Sùng Ân lại có một sân nữa, hai bên sân là Tả Tùng viện và Hữu Tùng viện: Phía sau khu điện thờ, qua của Hoàng Trạch là lối đi dẫn tới cầu Trung đạo bắc ngang qua Hồ Trư­ờng Minh, hai bên song song với cầu Trung Đạo là cầu Tả Phụ và cầu Hữu Bột. Qua cầu Trung Đạo, cách một sân hẹp là tới Minh Lâu - tòa nhà vuông hai tầng tám mái lợp ngói lư­u ly dựng trên nên cao, khá nguy nga đồ sộ.
Qua Minh Lâu đi tiếp theo Đường thần đạo, hai bên có vườn hoa, già sơn và hai bên cột trụ biển cao tới 21m sẽ tới cầu "Thông Minh Chính Trực" bắc ngang qua hồ tân Nguyệt. Hai đầu cầu có dựng "bái môn", trụ đông, xa dòng, trang trí bằng các tấm men pháp lam các màu. Qua cầu là một sân hẹp, tiếp đó là hệ thống bậc đá dẫn tới bửu thanh hình tròn (viên thành), trong đặt mộ vua.
Lăng Minh Mạng với hệ thống điện thờ, lầu gác trùng trùng lớp lớp đăng đối chỉnh tề như­ trên đã tạo ra một cảnh thế Đường bệ uy nghiêm, phản ánh được phần nào tưởng và cá tính của ông vua nổi tiếng chuyên chế này.

Lăng Tự Đức

Cách kinh thành chừng 7km, giữa một rừng thông cùng với nhiều.cây cao bóng cả khác. Cả khu vực lăng được vây quanh bằng một vòng la thành, đoạn thẳng, đoạn gấp khúc, tạo nên một hình đa giác, mở bốn cửa. Hiện nay ra vào lăng thường qua cửa Vu Khiêm ở mặt bên. Mặt chính có hai cửa (cửa Tự Khiêm và của Thượng Khiêm, cách nhau một quãng ngắn, được nối liền bằng một bình phong. . .Lăng Tự Đức cũng chia làm hai khu vực, nơi thờ cúng (tẩm) và nơi đặt phần mộ (lăng), nhưng không bố trí trên một trục chính xuyên tâm như­ lăng Minh Mạng. Ở đây, chúng ta thấy một sự phá cách theo hướng bố cục tự do nhưng vẫn tuân thủ chặt chẽ tư tưởng chủ đạo trong ý đồ xây dựng lăng tẩm của các bậc đế vương (nổi bật nhất là ý thức tôn quân và tôn ti trật tự phong kiến) và vẫn cố gắng đáp ứng một cách đầy đủ nhất những chuẩn mực tối ­ưu của thuật phong thủy.
Lăng xây dựng xong vào năm 1867. M­ười sáu năm sau, năm 1883, vua Tự Đức mới qua đời. Lúc còn sống, nhà vua vẫn thường ra đây nghỉ ngơi giải trí, đọc sách ngâm thơ. Vì vậy, trong lăng còn có rất nhiều công trình kiến trúc rất đẹp nh­ư cung điện, lầu gác, đình tạ, cầu quán, hồ sen, vư­ờn cảnh, nhà hát..., phối trí hài hòa với khung cảnh thiên nhiên, tạo nên nhiều vẻ đổi thay kỳ thú.
Lúc đầu lăng mang tên Khiêm Cung, sau mới đổi thành Khiêm Lăng. Tên của 50 công trình kiên trúc lớn nhỏ trong lăng đều có chữ Khiêm nhằm biểu đạt ý nguyện "khiêm nhượng" của nhà vua.
Qua của Vụ khiêm, có con đường lớn không kéo dài thẳng băng mà mềm mại uốn khúc, dần tới các khu vực khác nhau trong lăng. Bên phải lối đi là hồ L­u Khiêm, giữa là đảo Tịnh Khiêm, nơi nuôi chim thú nhỏ và trồng nhiều cây cảnh, hồ có ba nhịp (cầu Tiễn Khiêm, cầu Do khiêm, cầu Tuần Khiêm). Ven hồ có hai nhà thủy tạ, nơi vừa đọc sách, hóng mát, và cũng là bến thuyền rồng, Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ. Xung Khiêm tạ ở phía bên kia hồ là một kiểu nhà ghép tiếp mái gồm hai tòa nhà đặt trên hai độ cao chênh nhau: toà phía sau dựng trên đất liền toà phía trước nối tiếp với toà phía sau nhô ra hồ được đỡ bởi ba hành cột (54cột) phía trên không có tường bao xung quanh chạy lan can rất thoáng. Dũ khiêm ta ở phía bên này hồ, đối diện với phía khiêm cung môn cổng chính dẫn vào điện toà Khiên nơi thờ Vua và Hoàng Hậu phía trước điện thờ là sân rộng hai bên có hai dẫy tả vu hữu vu ( mang tên lễ Khiêm vu, pháp khiêm vu ) sau điện thờ là một mảnh sân hẹp hai bên sân cũng có hai toà nhà một bên là Minh Khiên Đường - nhà hát có sân khấu, cánh gà, buồng trò, chỗ ngồi xem trần lát ván có khắc hình trang trí, mặt trời mặt trăng các trùm sao tượng trư­ng cho nhị thập bát tú đối diện với Minh khiêm Đường là Ôn khiêm Đường nơi ở của các cung nhân trông coi việc đèn nhang phía sau điện hoà khiêm là điện lương khiêm nơi thờ bà mẹ vua Tự Đức.
Phía ngoài khu thờ còn có một công trình phụ khác vốn là nơi ở của các cung tần và những người hầu hạ phục dịch (lúc nhà vua còn sống) gần đó còn có vườn nuôi nai nữa.
Theo một trục chính bên ngoài thiên cung môn đi tiếp theo hướng Bắc sẽ đi tiếp sang khu vực đặt phần mộ nằm song song với khu điện thờ ở bên mé tay trái theo hướng Tây Đông và lui vào phía trong một chút phía ngoài cùng là bái đình hướng thênh thang tiếp đó là bia đình đồ sộ trong đặt tấm bia lớn nhất trong số các bia, Thánh đức thần công ở Huế ( cao tới 4 m rộng tới 2,55 m dầy 0,48 m ) chạm chổ rất đẹp hai mặt khắc bài " khiêm cúng ký" gồm 4935 chữ 9 cũng là bài văn bia nhiều chữ nhất trong số các bia cùng loại hai bên bi đình là hai cột trụ hoa biến rất cao tiếp đó là hồ bán nguyệt và cuối cùng là hồ b­a thành nơi đặt mộ nhà vua các kiến trúc của khu phần mộ được bố trí trên sườn đồi thoai thoải càng lùi dần vào sau càng lên cao dần cả khu rừng đều rợp bóng thông.
Khiêm lăng thực sự là một công viên - hoàng cung được trang điểm một cách tài tình bằng nhiều hồ sen, vườn hoa cây cảnh cầu quán, đình tạo nên cây cảnh sắc thơ mộng thanh thoát, phản ánh được phần nào bản chất nhu nhược đa sầu đa cảm của ông vua thi sĩ đúng và giai đoạn đất nước lâm nguy ngai vàng nghiêng ngả (1848-1883.)

Phu Văn Lâu

Tòa lầu hai tầng ở phía trước kinh thành Huế, được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, nơi niêm yết các chiếu th­ư chỉ dụ cửa nhà vua treo bảng vàng ghi tên các tiến sĩ, phó bảng trong các kỳ thi Đình và cung là nơi tổ chức các cuộc vui mừng thọ nhà vua.
Lầu dựng trên nền cao hình vuông, mỗi bề khoảng trên 12m, lát đá cẩm thạch. Xung quanh nền có lan can, bậc cấp và sân lát gạch. Mười sáu cột lim tròn loại lớn 4 cột cái cao tới 8m; 12 cột con cao khoảng 3m) sơn son đặt trên đá tảng dưới vuông, trên tròn nâng đỡ hai tầng mái lợp ngói tráng men (ngói hoàng l­ưu ly): Tầng dưới để trống; tầng trên cả bốn mặt đều dựng đố bản, có cửa sổ tròn ở hai mặt trước sau và của sổ vuông ở hai mặt tả hữu, phía ngoài có lan can con tiện vây quanh.
Nóc lầu đắp đôi rồng chầu mặt trời, góc mái đắp hình con giao. Bờ nóc, bờ quyết đều chia thành ô hộc có trang trí các hình hoa lá bằng mảnh sứ nhiều màu.

Dưới mái lầu có treo biển đề ba chữ lớn "Phu Văn Lâu". Hai bên mặt tiền có dựng hai tấm bia đá, khắc mấy chữ "Khuynh cái hạ mã", nhắc nhở mọi người qua đây phải "nghiêng lọng, xuống ngựa" để tỏ lòng tôn kính. Sân trước còn có đặt hai khẩu thần công loại nhỏ đúc bằng đồng.
Sau 170 năm kể từ ngày được xây dựng (tháng 7 năm 1819) Phu Văn Lâu đã trải qua nhiều lần sửa sang tu bổ, nhiều vật liệu xây dựng đã bị thay thế, một số bộ phận kiến trúc, bài trí đã bị mất hoặc đổi dời vị trí nhưng Phu Văn Lâu vẫn tồn tại trong vẻ đẹp tổng quát thanh nhã cân xứng hài hòa cố hữu của nó, bên Ngọ Môn đồ sộ và Kỳ Đài hùng vĩ, như­ câu ca dao x­a đã mô tả: "Ngọ Môn năm cửa chín lầu. Cột cờ ba cấp. Phu Vãn Lâu hai tầng".

Sân Đại Triều Nghi và Điện Thái Hoà

Phía sau Ngọ môn qua cầu trung đạo ngang Hồ Thái Dịch với hai bà môn thanh mảnh cột đồng rồng quấn, biển gạch lam mầu sắc rực rỡ ở hai đầu cầu, du khách đứng trước sân rộng , chia làm 3 cấp đó là sân Đại Triều Nghi (còn gọi là sân rồng) nơi trăm quan văn võ và đại biểu " trăm họ" chầu vua bên sân có những tấm bia đá ghi rõ vị trí của các quan chức theo phẩm trật. Khu vực thấp nhất, gọi là đệ tam bái đình (sân chầu thứ ba) dành cho các Hương hào kỳ lão và họ ngoại của nhà vua (được vào chầu nhân những dịp đặc biệt nào đó, như­ là lễ mừng thọ nhà vua chẳng hạn. phía trên đệ nhị bái đình, cao hơn một cấp dành cho các Quan từ cửu phẩm đến tứ phẩm; đệ nhất bái đình cao nhất.
Sát thềm điện Thái Hòa, dành cho các quan từ tam phẩm đến nhất phẩm, Điện làm theo kiểu trùng thiềm Diệp ốc (nhà kép ghép dọc), dựng trên nền hình chữ nhật, cao hơn "Đệ nhất bái đình" khoảng một mét, và cao hơn mặt đất phía ngoài sân tới gần hai mét rưỡi. Tiền điện (hoặc tiền tích, tiền doanh, tiền đường) nằm ở phía trước cao hơn 10m, gồm 7 gian chính, 2 chái ở hai đầu có tường bao trổ cửa sổ tròn; chính diện nằm sát phía sau tiền điện, cao hơn tiền điện khoảng 2m, Mái điện trước đây lợp ngói ống men vàng. Bờ mái, bờ nóc trang trí hình rồng; phần cổ điện đắp ô hộc gắn hình trang trí và những bức tiểu hoa, tiểu thị tráng men pháp lam. Chính giữa nóc tiền điện có gắn bầu r­ượu bằng pháp lam. Bên trong tiền điện không làm trần. Nơi mái tiền điện và chính điện tiếp giáp nhau có đặt máng xối, bên dưới là trần thừa l­u (vỏ cua) trang trí thanh nhã. nối liền với trần của chính điện. Trần của chính điện có chia thành nhiều ngăn, treo đèn lồng gian giữa, phía trong cùng của chính điện có kê bục cao ba tầng trên đặt ngai vàng, phía sau ngai vàng bức trướng lớn thêu rồng phía trước ngai đặt bàn nhỏ khảm xà cừ đỉnh đồng. Bao quanh gian giữa ở phía trên là những lớp y môn lộng lẫy trạm trổ tỉ mỉ, phối hợp hài hòa với những hàng cột trang trí bằng mây, rực rỡ vàng son. Liên kết các hàng cột có bầy nhiều độc bình, ché, chậu cảnh đều là đồ sứ cổ quý giá.
Điên Thái Hòa là nơi thiết đại triều (vào ngày mồng một và ngày rằm hàng tháng) và tổ chức các cuộc đại lễ (lễ lên ngôi, lễ mừng thọ, lễ tuyên thệ gọi tên các vị tân khoa trong các cuộc thi đình v,v...)

Ngọ Môn

Cổng chính của hoàng thành mở về phía nam, nhìn thẳng ra kỳ đài ở mặt tiền phòng thành một công trình độc đáo có kết cấu hai phần: đế và lầu.
Phần đế là khối kiến trúc hình chữ U xây bằng đá và gạch vồ, cạnh đáy đo được gần 56m, cao khoảng trên 5m , hai chữ U nhô ra phía trước dài tới 27m, giữa cạnh đáy tạo 3 cổng lớn, hình chữ nhật đứng cửa giữa là lối ra vào của nhà Vua rộng hơn 3m cao hơn 4m hai bên là là giáp môn và hữu giáo môn phía trên cử giữa có hai phía ngọ môn bọc vàng khá lớn lớp vàng đã bị bóc mất từ lâu. Xuyên suốt hai hàng chữ U là hai lối đi dài tới 25m uốn gấp th­ước thợ trổ thành hai vòm cửa, ở hai mé bên đầu càng đối diện nhau đó là tả dịch môn và hữu dịch môn mặt tiền của hai đầu càng hình chữ U đều chổ.

Cửa sổ hình tròn trang trí chữ Thọ cách điệu

Mặt trên của phần đất lát gạch bát tràng xung quanh chạy lan can xếp gạch hao đúc rỗng tráng men với nhiều kiểu trang trí khác nhau trên mặt lầu này là lầu ngũ phụng hai tầng hai lớp mái, gồm một dẫy nằm ngang ở giữa 9 trên cạnh đáy hình chữ U của của phần đè ) và hai dẫy lầu nằm dọc ( trên hai càng hình chữ U của phần đế ) 100 cột lim sơn son trong đó có 48 cột xuyên suốt cả hai tầng lầu đỡ hệ thống mái tạo thành 9 nóc lầu lợp ngói tráng men ( hoành l­ưu ly ngói men vàng ở giữa thành l­ưu ly , ngói men xanh mục ở hai bên ) mái lầu trang trí hồi long, lá lật nơi ngậm kim tiền, cúc trúc lan mai bằng mảnh sứ ghép gắn trong các ô hộc.

Thế miếu

Là nơi thờ phụng các vua và hoàng hậu nhà Nguyễn, xây dựng năm 1821 dưới triều Minh Mạng, là một khối nhà ghép kiểu "trùng thiềm điệp ốc" đồ sộ, bề thế, dài tới trên năm chục mét, chiều sâu lòng nhà gần ba chục mét, dựng trên nền cao gần một mét bó đá xanh mái lợp ngói lưu ly men vàng, trang trí hồi long, bầu rượu pháp lam ngũ sắc; phần cổ diên giữa hai tầng mái khá rộng, chia thành nhiều ô hộc, gắn các bức tiểu họa và tiểu thi nhiều màu. Bộ khung nhà bằng gỗ lim được sơn thiếp vàng son rực rỡ, trần thừa l­u trạm trổ chau chuốt: trần chính doanh sơn vàng, nội thất có nhiều mầu hình trang trí cổ điển, chạm trổ khá tinh xảo; nhiều tiểu họa tiểu thi khá tinh tế gắn trong lòng các ô hộc làm tăng thêm vẻ đẹp của các bộ phận kết cấu gỗ. Thế Miếu khi mới xây xong chỉ thờ Gia Long. Cho tới nay. trong miếu thờ 10 vua: Gia Long (1802-1819), Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883) , Kiên Phúc (1883-1884), Hàm Nghi (1884- 1885), Đồng Khánh (1886-1888), Thành Thái (1889- 1907), Duy Tân (1 907-1916), Khải Định (1910-1 925) .

Ba vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân vì chống Pháp nên mãi tới giữa thế kỷ này mới được đư­a vào Thị Miếu. Ở mỗi gian, phía ngoài, phần tiền doanh, bày án thờ sơn son phía trong, sau bức mành vẽ rồng mây ngũ sắc từ trần thừa l­ưu buông rủ xuống, thuộc phần chính doanh, đặt sập thờ và bàn thờ bày các đồ tế khí, tiếp đó ở trong cùng là khám thờ lớn bày bài vị vua và hoàng hậu. (Gia Long và hai hoàng hậu Thừa Thiên và Thuận Thiên thờ ở gian giữa; Minh Mạng và hoàng hậu thờ ở gian thứ hai bên trái; Thiệu Trị và hoàng hậu thờ ở gian thứ hai bên phải; Tự Đức và hoàng hậu thờ ở gian thứ ba bên trái v.v...).
Trước Thế Miếu là sân tế rất rộng: giữa là sân chính, hai bên có sân phụ, Từ thềm xuống sân có ba khối bậc cấp có bốn con rồng đá làm thành bậc. Khối bậc cấp ở giữa rộng nhất, có bốn con rồng đá làm thành bậc. chia bậc cấp làm ba lối lên xuống Trên sân còn bày chậu cảnh đặt trên đôn đá, chạm khắc công phu. Quanh sân có trồng nhiều cây. Có cây tùng, dáng đẹp,gọi là tùng Thề Miếu, t­ương truyền được trồng cách đây 150 năm.
Đặc biệt trước Thế Miếu có bầy chín đỉnh đồng cực lớn (cửu đỉnh), mỗi đỉnh có một tên riêng; Cao Đỉnh, Nhân đỉnh. CHương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh, Huyền Đỉnh. Lớn nhất là Cao Đỉnh (nặng 2755kg; cao trên 2m; Đường kính miệng đỉnh hơn 1 m) . Trên mỗi đỉnh có 18 hình khắc chạm nổi, kèm theo chữ, miêu tả các hiện tượng thiên nhiên (như­ mặt trời, trăng, sao, cầu vồng, mây. ..) núi sông đất nước (biển Đông, sông Cửu Long, sông Thao, đèo Ngang, của ải Hải Vân. ..) chim muông, cỏ cây, hoa lá và sản vật các địa phương (hổ, rồng, trĩ, ba ba, lợn, cá rô, cà cuống, lúa, hành, tỏi, nghệ, rau tía tô, hoa dâm bụt, hoa ngọc lan, hoa tử vi, quả vải quả mít...), các vật dụng khí tài (thuyền buồm, đại bác, súng phun lửa, xe tứ mã...). tất cả gồm 162 hình lớn nhỏ, nói lên được phần nào cảnh quan hùng vĩ của núi sông và tài nguyên sản vật phong phú đa dạng của đất nước, đánh dấu trình độ kỹ thuật với nghệ th­uật khá cao của ngành đúc đồng ở nước ta hồi đầu thế kỷ 19. Cũng thuộc khu vực Thế Miếu, còn có một số công trình kiến trúc có giá trị khác nữa như­ Hiển Lâm Các, Tả Tùng Tự và Hữu Tùng Tự thờ các công trình và một hệ thống cửa tam quan (một chính, hai phụ) xây cất công phu, trông khá đồ sộ với nhiêu tầng mái giả, góc uốn cong. Nhưng dải cổ điểm đắp ô hộc gân hình rồng phượng, hoa lá long mã, bát bửu khá tinh xảo...
Hiển Lâm Các ở phía trước Thế Miếu.. ba tầng m­ười hai mái. Toàn bộ chiều cao đạt tới 15m, tầng dưới gồm ba gian hai chái, tầng giữa chỉ có ba gian, tầng trên cũng chỉ là một gian lầu, vì vây trông kiểu dáng lại càng có vẻ thanh thoát cao vút lên... Tầng dưới, hai chái ở hai bên đều có tường bao, có cửa sổ gắn gạch trổ hoa, ba gian giữa để trống.Ở gian chính giữa có bốn cây cột cái, cao tới trên 12m, xuyên suốt 3 tầng đỡ bộ khung mái của tầng lầu trên cùng; xung quanh là bốn cột nhỡ, cao khoảng 8m, đỡ kết cấu rầm xà, con sơn nâng bộ mái của tầng giữa; m­ười sáu cột quan cao khoảng 3m đỡ các tầng mái của tầng dưới cùng những hàng lan can con tiện trau chuốt được lắp đặt khéo léo vây quanh những vách gỗ của lá sách hoặc các khoảng trống của các gian ở cả ba tầng. Từ tầng dưới lên tầng giữa và tầng trên cùng đều có cầu thang gỗ, thành bậc tay vịn chạm trổ khá tỉ mỉ.
Mái Hiển Lâm Các lợp ngói ống tráng men vàng, đầu bờ nóc, các góc mái đắp hình con giao. .Giữ­a bờ nóc mái lầu trên cùng gắn một bầu rượu.
Mặt trước và mặt sau Hiển Lâm Các nối thềm cao với sân, có chín bậc cấp rộng với bốn con rồng đá chia thành ba lối lên xuống.
Hiền Lâm Các là một công trình kiến trúc khá độc đáo cao nhất trong số các kiến trúc trong Hoàng thành, cùng với các cửa Tam quan đã góp phần làm tăng thêm vẻ trang trọng tôn nghiêm của nơi thờ phụng.

Lăng Khải Định

Đây là Lăng cuối cùng của dòng vua nhà Nguyễn. Được khởi xây từ năm 1920, đến năm 1931 mới hoàn chỉnh. Lăng Khải Định cách cố Đô Huế 10km, nằm trên núi Châu Ê, gọn trong 1 khuôn viên hình chữ nhật dài 117m, rộng 49m. Vật liêu chính để xây lăng là sắt thép và bê tông. Nhìn xa, Lăng trông giống nh­ư một lâu đài Châu Âu hơn là một kiến trúc công trình Châu á trong khuôn viên của Lăng có rất ít cây cối nhưng đứng từ trên sân khấu trước nhà bia hay đừng từ trên Điện Khải Thành nhìn ra, phong cảnh xa xa xung quanh Lăng cũng không kém phần hùng vĩ; trước mặt Lăng có khe Châu Ê chảy vòng từ trái sang phải, ở phía chân trời có núi Chóp Vung và núi Kim Sơn chầu vào trước lăng trong vị thế "tả long hữu hổ". Rừng thông trước mặt lăng ngày x­ưa mọc xum xuê, vừa qua bị chiến tranh và thời gian tàn phá, nay bắt đầu mọc lại lác đác.

Điện Khải Thành và cung Thiên Định cùng với cửa tam quan sân chầu, nhà bia, trụ biểu, nhà phụng trực, nhà quan cư­ đều là những công trình kiến trúc nửa Âu nửa Á. Trên đỉnh cung Thiên Định có gắn cột thu lôi, bên trong cung có tượng của Khải Định bằng đồng mạ vàng. Trong lăng có bắc một hệ thống đèn điện, các tầng sân đều lát gạch hoa. Ảnh hưởng kiến trúc Châu Âu ở đây thật rõ nét.
Cái làm nên giá trị của Lăng Khải Định không phải ở nghệ thuật trang trí nội thất. Điện Khải Thành và cung Thiên Định được điểm tô lộng lẫy và hài hòa bằng những công trình mỹ thuật kết hợp chặt chẽ trang trí với điêu khắc và hội họa. Đó là những tác phẩm khảm mảnh sành sứ và mảnh chai nhiều màu sắc thể hiện nhiều đề tài truyền thống như­ các kiểu hoa văn, chữ triện, các loài cây cỏ, hoa lá chim thú...Những tác phẩm khảm sành sứ này là những bức phù điêu rất tinh xảo, màu sắc tươi tắn, trang nhã, hài hòa và sinh động gợi cho người xem nhiều hứng thú thẩm mỹ: Nghệ thuật trang trí nội thất của Lăng Khải Định đã đánh dấu một bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật trang trí Việt Nam trong việc kết hợp kỹ thuật ghép ảnh với kỹ thuật khắc chạm nổi và sử dụng chất liệu độc đáo là mảnh sành, mảnh sứ, mảnh chai nhiều để thể hiện các đề tài trang trí truyền thống một cách thoải mái, tự nhiên đầy chất thơ. Đây là bằng chứng về thiên tài của những nghệ nhân trang trí nội thất truyền thống ở Huế đầu thế kỷ XX.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:26
Huế - Di tích Đình làng Dương Nỗ
Nguồn: Maxreading


Cách Huế 7km về Phía Đông, theo tuyến Quốc lộ 49 Huế - Thuận An, có một vùng quê trù phú và nổi tiếng bởi truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, đó là Làng Dương Nỗ.

Dân gian ta có câu: ”Cây đa - bến nước - sân đình” đó chính là cội nguồn lịch sử, là truyền thống văn hoá nuôi dưỡng tâm hồn cao đẹp của bao thế hệ con người Việt Nam. Làng Dương Nỗ với ngôi đình bề thế, uy nghi được xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1471), toạ lạc bên dòng sông Phổ Lợi, đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của làng quê Thừa Thiên Huế qua bao thăng trầm và biến đổi.

Lúc đầu, đình có cấu trúc xây dựng đơn giản bằng tranh, tre, nứa, lá. Trải qua các đời chúa Nguyễn cho tới Triều Tây Sơn, quy mô kiến trúc của đình chỉ gồm một gian hai chái. Mãi đến năm Gia Long thứ 7 (1808), Tri tượng Chánh trưởng Tượng quân kiêm Cai tào vụ giám quân Nguyễn Đức Xuyên đã giúp dân làng xây dựng lại ngôi đình từ tranh, tre thành ngôi đình có quy mô rộng lớn (năm gian hai chái) bằng gỗ lim bền vững.

Ngày nay, Đình Làng Dương Nỗ là một di tích tiêu biểu trong hệ thống di tích lưu niệm về thời niên thiếu của Bác Hồ tại Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, trong thời gian Bác Hồ cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha về sinh sống, học tập tại Làng Dương Nỗ (1898 - 1900).

Trải qua thời gian và những biến động lịch sử, di tích Đình Làng Dương Nỗ có phần bị hư hỏng, nhưng nhìn chung về mặt tổng thể và cấu trúc, vật dụng bên trong vẫn giữ nguyên trạng như thời gian Bác Hồ về sống ở làng mà thường ngày Người vẫn đến chơi và viếng cảnh.

Ngoài giá trị di tích lưu niệm Bác Hồ, Đình Dương Nỗ còn mang những nét độc đáo, đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật, văn hoá tiêu biểu của thiết chế văn hoá làng, xã Việt Nam trên đất Huế. Cùng với nhà lưu niệm ở Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ đã khắc ghi trong trí nhớ Bác Hồ bao kỷ niệm tuổi thơ trong sáng, nơi đã có tác động không nhỏ đến đời sống tình cảm và nhận thức của Người.

Đình làng Dương Nỗ được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích văn hoá nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 3777/QĐ-BT ngày 23 tháng 12 năm 1995

LSB-Sun
21-12-2009, 09:27
Huế - Di tích Nhà Lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ
Nguồn: Maxreading


Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống từ năm 1898 - 1900, khi Người cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm theo cha về đây dạy học.
Năm 1898, sau khi thi Hội lần thứ hai không đỗ, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học (tại làng Dương Nỗ). Hai anh em Khiêm, Cung theo cha về đây, một phần để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình cho bà Loan, một phần để cụ Sắc có điều kiện dạy học cho hai con. Tại lớp học chữ Hán của cha trong ngôi nhà này, Người đã được cha chính thức khai tâm cho mình. Hai chữ khai tâm đầu đời là chữ “Nhân, Nghĩa” như một lời răn dạy đầu tiên về đạo đức làm người. Hai năm theo học cùng cha tại đây, Nguyễn Sinh Cung tiếp thu rất nhanh, trở thành cậu học trò thông minh xuất sắc. Và những tri thức mà Người tiếp thu được là nền móng vững chãi cho sự phát triển về học vấn sau này.

Được về sống ở Làng Dương Nỗ, một làng quê yên ả, thanh bình, giàu truyền thống văn hoá, Nguyễn Sinh Cung có điều kiện hoà nhập với đời sống cộng đồng làng xã, được bao bọc bởi tình cảm yêu thương chan hoà, nhân hậu bao dung của những người dân quê chất phác, thuỷ chung; được chứng kiến cuộc sống lao động cần cù của những người nông dân lam lũ. Đời sống đó đã góp phần hình thành nên cội nguồn nhân bản trong tâm hồn Người.

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Làng Dương Nỗ là một ngôi nhà tranh ba gian, hai chái, vách ghép ván. Đồ đạc trong nhà đơn sơ, giản dị, ở gian giữa kê bộ phản gỗ gõ để cụ Sắc ngồi dạy học, hai bộ phản khác kê hai bên dành cho học trò ngồi học; ở góc trong, gian bên trái có kê giường gỗ, dát tre là nơi Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung thường ngủ; góc trong gian bên phải kê một chiếc rương để đựng đồ đạc. Hai chái hai đầu là nơi sinh hoạt và cất trữ thực phẩm của ba cha con. Nối với nhà chính là ngôi nhà ngang ba gian, mái lợp tranh, vách trát đất được sử dụng làm bếp sinh hoạt của gia đình.

Ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử Văn hoá cấp quốc gia theo Quyết định 296/QĐ-BT ngày 26.03.1990.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:27
Huế - Di tích Lưu niệm thời niên Thiếu của Bác Hồ tại 112 -Mai Thúc Loan
Nguồn: Maxreading


Di tích Lưu niệm thời Niên thiếu Bác Hồ tại ngôi nhà 112 - Mai Thúc Loan

Nhà lưu niệm Bác Hồ ở 112 Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ nhất từ 1895 - 1901.

Năm 1894, cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) thi đỗ Cử nhân ở kỳ thi Hương Nghệ An, năm 1895 vào Huế thi Hội nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi sau, cụ xin vào học Trường Quốc Tử Giám - Huế và được chấp nhận. Khi được nhận vào học ở Trường Quốc Tử Giám, cụ Sắc được cấp học bổng, nhưng rất ít, nên không đủ để sinh sống tại đất Kinh Đô. Vì vậy, cụ về quê bàn với gia đình đưa vợ con cùng vào Huế để gia đình có điều kiện giúp đỡ ông học hành, và ông cũng có thời gian chăm sóc, nuôi dạy các con. Cuối năm 1895, ông cùng vợ (bà Hoàng Thị Loan) và hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung ( Chủ tịch Hồ Chí Minh) lên đường vào Huế, gửi lại con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh cho bà ngoại. Đến Huế nhờ người quen giới thiệu, cụ đã thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba (là ngôi nhà di tích hiện nay).

Tại đây, Cụ Nguyễn Sinh Sắc hằng ngày đi nghe giảng sách, thức khuya dậy sớm chuyên tâm học hành, Bà Hoàng Thị Loan quán xuyến việc gia đình, quay tơ dệt vải, chăm sóc con cái, giúp chồng yên tâm học hành. Hai anh em Khiêm, Cung được cha, mẹ hướng dẫn, dạy bảo làm việc nhà, quen với cuộc sống lao động. Nếp sống sinh hoạt gia đình giản dị, thanh bạch, chan hoà tình nhân ái, yêu thương. Những năm tháng sống ở đây, cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã được học bài học đầu tiên về lòng yêu nước, về nỗi đau của một dân tộc bị mất nước qua lời kể của cha hàng đêm về sự kiện thất thủ Kinh đô (23.5.Ất Dậu). Đặc biệt ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ tư là cậu bé Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (10.2.1901).

Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 - Mai Thúc Loan là một ngôi nhà gỗ kiến trúc theo kiểu nhà rường truyền thống Huế, rộng ba gian, gồm bốn vài cột, mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, phía trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”. Nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất, mái lợp tranh. Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà - sân - vườn hoàn chỉnh.

Ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 74 /VH-QĐ ngày 02.02.1993.

LSB-Sun
21-12-2009, 09:33
Huế - Di sản văn hoá Thế giới
Nguồn: Maxreading


Đặc điểm: Tại phiên họp lần thứ 17 của Uỷ ban Di sản thế giới (DSTG) từ ngày 6 đến 11/12/1993, UNESCO đã quyết định công nhận quần thể Di tích Huế là tài sản văn hoá chung của nhân loại.

Ngày 2/8/1994, lễ trao văn bản công nhận đã được tổ chức trọng thể tại Hoàng cung Huế. Một sự kiện trọng đại trong lịch sử văn hoá Việt Nam, tài sản đầu tiên của Việt Nam được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới, khẳng định giá trị mang tính toàn cầu của quần thể di tích Huế.

Trong biên bản phiên họp lần thứ 17, Uỷ ban Di sản Thế giới đã ghi về di sản Cố đô Huế như sau:

“Quần thể Di tích Huế là kinh đô của nước Việt Nam thống nhất được xây dựng vào đầu thế kỷ 19. Nó kết hợp triết lý Đông Phương và truyền thống Việt Nam. Được hoà quyện vào môi trường thiên nhiên, vẻ đẹp và sự phong phú đặc biệt của kiến trúc và trang trí ở các toà nhà là một phản ánh độc đáo của đế chế Việt Nam ngày xưa vào thời cực thịnh của nó”.

Quần thể Di tích Huế trở thành Di sản Văn hoá Thế giới đã góp phần tích cực và xứng đáng trong việc đem lại vận hội mới cho ngành du lịch Thừa Thiên Huế nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung. Sức hấp dẫn của một công trình dẫu được ca ngợi bằng bao ngôn từ đẹp đẽ cũng không thể thay thế cho một lần đến chiêm ngưỡng. Bạn hãy một lần đến Huế để được tận mắt chứng kiến thành quả lao động của con người trên từng chi tiết chạm khắc hay những công trình đồ sộ đứng đó với thời gian hàng trăm năm...

LSB-Sun
21-12-2009, 09:34
Huế - Di tích lịch sử Núi Bân
Nguồn: Maxreading


Núi Bân hiện ở tại xứ Cồn Mồ, thuộc xóm Hành, thôn Tứ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế. Núi có độ cao 41m, chiều dốc 25o và cách kinh thành Huế trên 3km. Phía đông, núi Bân tiếp giáp với Động Trọc và núi Ngự Bình, hai phía tây và bắc giáp thôn Trường Cỡi, xã Thủy Bằng, phía nam là khu vực cư trú của dân làng Tứ Tây.
Núi Bân vốn có nhiều tên gọi khác nhau, nhân dân địa phương thường gọi là Đông Tầng, Ba Tầng, Tam Tầng hoặc Ba Vành. Trong Hoàng Lê Nhất thống chí, bản dịch của Ngô Tất Tố năm 1942 gọi là núi Sam hoặc có lúc gọi là núi Bân. Tài liệu của Pirey trong B.A.V.H năm 1941 gọi là hòn Thiên.

Núi Bân gắn liền với sự kiện Nguyễn Huệ lập đàn Nam Giao tế trời đất và tuyên bố lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung. Trong khí thế tưng bừng của đội quân bách chiến bách thắng, chỉ trong vòng 5 tuần lễ, quân Tây Sơn đã vượt qua gần 700km đường rừng núi hiểm trở, trèo đèo vượt suối hành quân thần tốc, tiêu diệt đạo quân xâm lược Mãn Thanh, thu giang sơn về một mối.

Lợi dụng một quả đồi không cao lắm, đàn được xẻ làm ba tầng, tạo thành ba khối hình nón cụt chồng lên nhau. Ngay giữa đỉnh đồi là tầng thứ ba, bề mặt rất phẳng, chu vi 52,75m. Theo bốn hướng đi của đàn là 4 con đường, bề rộng của các con đường này càng lên đến đỉnh càng nhỏ hẹp lại.

Là một vị trí nằm ở phía Nam thành Phú Xuân, dựa vào địa thế của quả đồi không cao nên dễ vận động và có thể xây dựng đàn hoàn thành nhanh chóng, xung quanh là cánh đồng khá rộng, đủ sức tập kết hàng vạn quân. Chính vì những yếu tố địa lý và quân sự đặc biệt của khu vực này nên Nguyễn Huệ đã chọn núi Bân để lập đàn Nam Giao, trịnh trọng tuyên bố lên ngôi Hoàng đế và phát binh thần tốc ra Bắc.

Khu di tích này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1988