PDA

View Full Version : Có phải, người Việt xấu xí?


Dương Nghiệp
28-09-2009, 17:52
Văn hóa Việt xưa nay được người đời ca tụng nhiều, nhiều lắm. Những em lớp một đã biết thế nào là người Việt xinh đẹp rồi. Kể ra thì hàng khối, người Việt yêu nước, người Việt thông minh, người Việt cần cù chất phác, người Việt tôn sư trọng đạo,... Chuyện cũ mang đi nói lại nhiều nên nhàm lắm rồi, "ai chẳng biết, nói mãi"! Vậy thì, giờ ta thử kê ra vài tính xấu của người Việt thử xem. Kể không phải là để chê bai, miệt thị, nói xấu; mà kể là để biết đằng biết ngõ mà ngẫm nghĩ và cùng nhau thay đổi (ít nhiều).

Chuyện sinh ra khi tình cờ đọc được bài viết này:

1. "Chạy cho kịp giờ". Một lần đèn đỏ, phía bên kia đường vắng không ai qua, mọi người liền vượt đèn, mỗi tôiđứng lại, thế là họ quay lại nhìn tôi như thể nhìn người ngoài hành tinh. Tất nhiên là tôi không thấy xấu hổ, người nên xấu hổ là những người đã vượt đèn đỏ kia - họ vừa bị "mù màu" vừa bị hổng kiến thức nữa. Một đứa bé được ba mẹ chở, đến đèn đỏ mọi người cùng vượt. Bé hỏi "sao đèn đỏ mọi người lại chạy, cô giáo dạy đèn xanh mới được đi cơ mà". Ba mẹ trả lời: "chạy cho kịp giờ ". Với cách nghĩ đó, sau này bé cũng sẽ "vượt đèn cho kịp giờ ". Lại một thế hệ nữa đi theo thói quen xấu.

2. "Xin lỗi, người Việt Nam toàn thế". Ngay trong sáng nay thôi khi tôi dừng xe theo trình tự để đổ xăng, lúc đó cây xăng rất đông và ai cũng nhẫn nại chờ đợi đến lượt mình. Khi một người vừa rời đi thì có một cậu thanh niên vượt lên đổ ngay trước mặt tôi, nhanh chóng yêu cầu người bán hàng đổ trước. Người bán hàng cũng không cần xem xét hành động của anh ta và cứ đổ cho anh ta trước. Tôi nói với người bán hàng mình đã đến trước và đề nghị không đổ cho người loi choi đó, người bán hàng không nói gì, còn cậu thanh niên kia bảo: " Xin lỗi! Người Việt Nam toàn thế" rồi bỏ đi trước sự ngơ ngác của bao người.
Vậy đấy, người Việt ta rất xấu và nếu chúng ta mỗi nguời hàng ngày không tự ý thức rèn luyện, e rằng thế hệ sau sẽ ảnh hưởng bởi hiệu ứng lan truyền, thấm lâu và chính chúng ta sẽ chịu hậu quả " gieo gió thì gặt bão".

3. Miễn xin lỗi. Chuyện vô ý thức trong nếp sống hàng ngày tôi thường xuyên gặp. Chẳng nói đâu xa, mỗi buổi sáng đi tập thể dục tại lớp thể dục thẩm mỹ của trung tâm thể dục thể thao Quận, tôi vẫn thấy những chị đi làm đẹp cơ thể mình chen ngang một cách vô lối, họ đến muộn nhưng vô tư đứng trước mặt người khác và lờ đi như không có ai đứng xung quanh, cho dù khoảng cách giữa mọi người thường là 1sải tay để tránh va, đá vào người khác và cũng tỏ ra bình thường khi dang tay vả ngang mặt người khác (không cần xin lỗi). Thiết nghĩ, nếu nền giáo dục của ta chưa dạy được ý thức con người (ý thức phải tự tích luỹ và vận dụng) thì các phóng viên nhà đài có thể làm chương trình về ý thức công dân và dành khoảng 5 đến 10 phút và nhà đài có thể phát trong chương trình nào đó để phổ biến ý thức trong cộng đồng.

4. Đám đông. Mỗi lần đi ngang qua 1 vụ đụng xe, cả 2 bên cùng chửi nhau ỏm tỏi, rồi mọi người hiếu kỳ đứng lại xem làm kẹt xe. Không biết họ đã để lãng phí mất bao nhiêu thời gian vì chuyện đó.
Một lần, cô dạy văn của tôi kể chuyện, ngày xưa thời đánh Mỹ ở Sài Gòn, một trái bom nổ lên, không có thương vong, mọi người hiếu kỳ bu lại xem. Đến trái thứ 2 phát nổ, cả trăm người đó chết hết. Tai hại thật!

5. Chỉ trẻ con mới cần học đạo đức?

Một lần tôi leo Fansipan cùng một nhóm bạn trong đó có một anh đi du học Hàn Quốc về. Ngay khi mới bắt đầu vào rừng, khi có người vứt cái vỏ chai nước đã uống hết ra đường, anh nhặt lên và nói là chai nước và các loại túi ni-lon sẽ mất rất nhiều thời gian để phân huỷ, vì vậy không nên vứt chúng bừa bãi mà chờ khi có thùng rác mới cho vào. Tôi nghĩ, mỗi chúng ta cũng nên như anh bạn kia, biết hướng dẫn cho người khác có ý thức hơn không chỉ về việc bảo vệ môi trường, biết xếp hàng, không lãng phí trong bữa tiệc đứng mà còn cả ý thức cư xử văn minh. Tôi cũng mong ngành giáo dục quan tâm hơn về vấn đề này hơn nữa. Khi còn là học sinh cấp 1, tôi có được học môn Đạo đức và đã có nhưng bài học thật bổ ích, nhưng sau đó thì chúng ta không có nhưng môn tương tự cho lứa tuổi lớn hơn. Ngay cả khi học đại học, khi học môn Luật đại cương tôi chỉ được học các điều luật, các chế tài xử phạt, chứ không thấy được học về ý thức chấp hành luật. Phải chăng Bộ giáo dục cho rằng chỉ có trẻ con mới cần học môn đạo đức?

(Theo Tuần Việt Nam)

Cứ mỗi lần nói về chuyện tánh xấu thì có người lại bảo là vơ đũa cả nắm. Đúng là vơ đũa cả nắm thật, nhưng mỗi lần đồng ca mùa hạ, thì chẳng bao giờ nói đến. Tôi cũng là người Việt, và người Việt cần biết mình xấu thế nào.

Khổ cái, người Việt cũng rất bảo thủ. Nếu họ có chút tài mọn thì họ "gìn giữ" mọi thứ như sự "kiên định" của mình. Người Việt lắm cái xấu thế.

cong danh
29-09-2009, 20:46
Nói gì mà xấu xa thế.......đã bao giờ nghe câu " tốt khoe xấu che" chưa??? nói thế thì khác nào bạn nói bạn xấu xa........

NGOC TIEU TIEN TU
01-10-2009, 18:06
Cực xấu nhất là jai Việt .

LSB-TruongThanh
02-10-2009, 07:48
Có "the ugly American" của Burdick và Lederer, có "người Trung Quốc xấu xí" của Bá Dương, hình như có cả "người Nhật xấu xí" nữa... thì cố giáo sư Trần Quốc Vượng cũng có thể viết về "người Việt xấu xí" chứ có gì đâu mà lạ. Phần "xấu xí" thì ai chả có, kể cả những người được xem là "đẹp người đẹp nết" vẫn có những mặt "xấu xí" của họ. Vấn đề là chúng ta/họ nhìn nhận thế nào về mặt "xấu xí" của mình, người Việt nhìn nhìn nhận thế nào về "người Việt xấu xí"...
Ví dụ có ai đó nói tại hạ diện mạo xấu xí tựa Phan An Tống Ngọc, học vấn chỉ được như Lê Quế Đường tiên sinh đến Bảng Nhãn chẳng đến nổi Trạng Nguyên, giọng điệu quê mùa như Justin Timberlake... thì tại hạ không chỉ vui vẻ chấp nhận ngay mà còn cảm ơn muốn chết luôn vậy...

Dương Nghiệp
02-10-2009, 08:41
Nói gì mà xấu xa thế.......đã bao giờ nghe câu "tốt khoe xấu che" chưa??? nói thế thì khác nào bạn nói bạn xấu xa........


"Tốt khoe xấu che" cũng chẳng sai. Nhưng nghĩ chút thế này, khi chỉ một mình ta xấu, thì ta nên che bớt đi cho đỡ ngại, cho cái cách người ta nhìn vào mình có đôi chút khác đi. Lúc này, có che thì cũng không ai biết, miễn một mình ta giữ, ta hiểu và ta sửa đổi là được. Không ai lại rướn cổ mà nói với thiên hạ rằng, "tôi có sở thích hay ngoáy mũi" hay "thỉnh thoảng tôi lại hay tè dầm".

Nhưng chuyện này lại khác. Đó là bệnh của nhiều người, của toàn dân chứ không riêng gì một mình ta cả. Thành thử, nói ra cũng chẳng hổ mặt nào. Bạn có nghe chuyện Trương Đỗ Ngự Sử Quan thanh liêm vạch rõ tánh cách, cách hành sự "xấu xí" của vua Trần Duệ Tông để ra sức can ngăn? Bạn có nghe chuyện Nguyễn Trường Tộ biết rõ cái "xấu xí" của triều đình, của nhân dân mà bỏ công viết 14 bản điều trần để thay đổi nhà nước và thay đổi lối dân cho vua Nguyễn?

Thiết nghĩ, có biết mới sửa được. Mà muốn biết thì phải nói ra, ngại gì mình bảo mình xấu.

Có "the ugly American" của Burdick và Lederer, có "người Trung Quốc xấu xí" của Bá Dương, hình như có cả "người Nhật xấu xí" nữa...

Nhắc chuyện "Người Nhật xấu xí" thì xem ra nước Việt còn thoải mái chán. Chuyện năm nào vị đại sứ Nhật ở Argentina viết quyển này, liền bị cách chức.

Nếu ai cũng "xấu xí" kiểu như Thanh nói, thì xem ra nước Việt ta ngon hơn nhiều rồi. Người ta bảo "tốt gỗ hơn tốt nước sơn", thành ra có xấu xí ngoại hình thì cũng chẳng bàn làm gì, không cụ Mạc Đĩnh Chi nghe được, lại buồn đời mà viết một bản "Ngọc tĩnh liên" nữa cho xem.