PDA

View Full Version : Một chút về văn thi sĩ...


Dương Nghiệp
16-08-2009, 23:27
Một chút về văn thi sĩ...

Đôi khi, tôi tự đặt ra cho mình một câu hỏi rằng. Tại sao ngày xưa các văn thi sĩ để lại cho nhân loại biết bao nhiêu đa dạng, trù phú là tác phẩm đặc sắc, không tàn phai theo ngày tháng. Ấy vậy, trong thời đại hiện nay, tiện nghi đầy đủ, không phải ngồi dưới ngọn nến yếu ớt và chấm mực để viết, lại hiếm có tác phẩm để đời, tiếng vang cũng chẳng thể bằng, lại càng hiếm có chuyện thoát ra khỏi biên giới Việt Nam để đến với thế giới. Có lẽ, một chút suy nghĩ để tự giải thích về điều đó. Chỉ một chút thôi.

Đầu tiên, có lẽ phải nhắc đến sự yên tịnh. Ngày xưa, không có chuyện xe cộ rồ rồ bên tai như khiêu khích. Ngày xưa, quanh ta là một dải trải dài toàn màu xanh mát dịu, yên bình, chứ không phải là những bức tường trắng tinh hay óng ánh hoa mĩ che khuất dày đặc. Màu sắc, âm thanh đời thường đều là những cảm hứng mà con người có thể thấy được, cảm nhận được, và tiếp thu được như để "sinh tình". Chẳng phải các thi sĩ xưa thường "tả cảnh ngụ tình" là gì. Nhắc đến vấn đề này, là phải nhắc đến Cụ Nguyễn Du. Cách cũng chừng ba thế kỉ, mà tác phẩm Truyện Kiều của cụ vẫn là tâm điểm đấy thôi.

Thứ hai, xã hội ngày nay trở nên nhanh hoá rất nhiều. Hơi thở cuộc sống gấp gáp, bận bịu, bon chen. Đấy, lúc trước thi sĩ ngồi mộng mơ tâm hồn treo ngược cành cây để ra thơ ra văn. Còn bây giờ thì người ta muốn có chút trữ tình thì bị nhiều sự phiền hà phía sau bám riết và cầm roi thúc quật. Học trò ngày nay vào giờ kiểm tra, bị thời gian quất mông, thế này mắm muối thế nào mà văn vẻ được? Phóng viên tờ báo thì lại bị biên tập viên hối thúc cho kịp với thời gian ra số báo mới, nghĩ được gì nhiều thì cứ viết tất cả, hay dở chưa thiết. Người ta vốn thích sống nhanh. Ngày xưa, các vị thi sĩ thường là những người nhàn hạ thanh thản, bỏ chốn quan trường phía sau để trở về lạc thú với tự nhiên, thế mới có tác phẩm để đời. Nay, người ta phải chạy chọt để kịp thời đại, không còn chút thanh tịnh để sáng tác nữa.

Thứ ba. Ngày nay, việc kiếm tiền đã trở thành một việc bắt buộc phải làm, để sống, để sáng tác. Và rồi, dần dần, sáng tác văn thơ trở thành một công việc để mà kinh doanh thu lợi nhận nhuận. Ừ, thì sáng tác gửi lên toà soạn để nhận tiền nhuận bút. Là người thời nay thì phải sống chứ. Đâu phải như ngày xưa, thi văn chỉ là thú tiêu khiển mua vui, làm cũng được, không làm cũng chả sao. Nếu các nhà thơ, nhà văn ngày nay cứ ngồi chập chừng như thế, nhịn đói là điều không thể tránh được.

Thứ tư. Ngày trước, thi sĩ thường phải biết chữ Hán, rành chữ Nôm. Đấy, cái hay của thi nhã cũng bắt nguồn từ chữ Hán mà ra, khuôn phép thơ phú cũng từ Tàu mà ra. Ngày nay, nhà thơ chỉ dùng chữ Quốc Ngữ, hiếm người sành sỏi chữ Hán, hiểu biết điển tích điển cố, lấy đâu ra thơ văn kiệt xuất?

Thứ năm. Giật mình nhìn lại, xã hội đã đổi thay quá nhiều, nhiều đến bất ngờ. Hãy cứ nhìn về quá khứ. Khi các nước phương Tây đang sản xuất thuyền chiến, tạo ra vũ khí, nâng cao trình độ, phát triển công nghệ khoa học, thì nước ta vẫn chỉ là "bước tới đèo Ngang bóng xế tà" mà thôi. Cho đến nay, ta phải đuổi kịp theo cái sự khoa học ấy, nó trở thành vấn đề quan tâm hàng đầu. Vậy nên, chuyện thơ văn sụt giảm là tất yếu. Để bảo vệ cái đời sống tinh thần lành mạnh, phong phú thì phải dựng xây một đời sống vật chất thật đầy đủ.

Đôi lời như vậy, có lẽ chỉ là một chút. Nhưng, đã giải thích được phần nào cái nhiễu sự rằng, cụ Nguyễn Du sao tài thế, khắp dải chữ S nước ta ngày nay chẳng ai sánh ngang bằng được. Thì ra, cụ hơn ta nhiều, rất nhiều là đằng khác. Đến đời con cháu ta sau này, nó lại ca ngợi ta, rằng sao chúng ta giỏi quá. Thực sự, chúng ta hơn chúng nhiều, rất nhiều là đằng khác.

Dương Nghiệp

VŨ NGỌC CHI MAI
25-08-2009, 20:03
Muội đồng ý với đa phần quan điểm của huynh.
Huynh nói đúng, tri thức chưa phong phú, thêm "tính thương mại" đã làm cho văn chương trở nên lạt lẽo đôi chút...
Cái gì bây giờ cũng bè phái, kể cả văn thi sĩ, nếu không quen biết hoặc có tiền tự xuất bản thì mấy đời bài được in???
Tuy nhiên, có thể chúng ta chưa thấy được cái hay của một tác phẩm hiện tại, nhưng vài trăm năm sau nữa, người ta lại thấy nó hay thì sao?
Truyện Kiều không gây được tiếng vang và đánh giá đúng ngay khi ND viết xong đâu huynh ạ!
Với một tác phẩm, giá trị là tự bản thân nó, khi một tác phẩm ra đời, nó đã tồn tại độc lập với tác giả, việc cảm thụ nó là do người đọc ở mỗi độ tuổi và thời đại khác nhau đánh giá.
Liệu bảo rằng hiện nay hiếm có tác phẩm nào tạo được tiếng vang và để đời liệu có khắt khe quá chăng?????

chet_lahet
26-08-2009, 18:37
theo mình thì do xã hội và hoàn cảnh thôi
bởi vì bây giờ người ta viết để sống - chứ hiếm có ai cố gắng sống để mà viết

LSB_Thanh Giang
02-01-2010, 10:05
Chuyện hưng , suy của văn học và thi ca cũng có luân hồi mà huynh đệ , chỉ là ta không nắm được chu kỳ luân hồi của nó thôi . Không phủ nhận rằng hoàn cảnh xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều đối với thơ văn của từng thời đại . Nhưng huynh đệ thử nghĩ lại xem nếu bây giờ việc kiếm tiền và lo cho cuộc sống là việc buột phải làm nên không có thời gian cho việc ngồi mơ mộng và sáng tác . Thì ngày xưa khi chiến tranh , vừa chiến đấu và lo cho cuộc sống thường nhật ,lại thường ở trong lằn ranh mong manh giữa sống và chết ,vậy tại sao người ta lại có thể viết ra nhiều tác phẩm để đời ? Cái thất bại của nền thơ văn hiện nay là thiếu chiều sâu , viết theo thị trường và đại ý thì na ná nhau , không còn chuyện nhắc đến một thời kỳ nào hay lĩnh vực nào, người ta lại nghĩ ngay đến tên tuổi của ông nào , hay bà nào như ngày xưa nói thơ nôm thì liên tưởng ngay đến Hồ Xuân Hương hay thơ tình lãng mạn thì người ta biết Xuân Diệu .... vân vân vậy .

Thiết nghĩ chuyện Văn Thơ cũng nằm trong cái quy luật bất thành văn đó là có thịnh ắc có suy , có hưng tất có vong , thịnh suy , hưng vong đều liền nhau một chuỗi và tuần hoàn theo chu kỳ riêng của nó mà chúng ta là những người yêu và sáng tác thơ văn cũng không hiểu hết nổi .