PDA

View Full Version : Tản mạn lời lẽ dân gian


Dương Nghiệp
06-08-2009, 07:09
Tản mạn chuyện Ếch Ngồi Đáy Giếng

Hẳn ai ai cũng biết đến câu tục ngữ "Ếch ngồi đáy giếng" nổi tiếng này. Cũng xin được nhắc lại rằng, câu tục ngữ lấy từ câu chuyện một con ếch suốt đời ngồi dưới đáy giếng mà nhìn lên trời, thấy trời chỉ nhỏ bằng cái vung và xem vẻ nó to lớn lắm. Có ý răn người ta rằng, chớ nên dương dương tự đắc với hiểu biết nông cạn của mình, chớ nên đắc chí chỉ vì những công lao cỏn con.

Con người ta vốn ngạo, vốn kiêu sẵn. Đơn giản vì mỗi người đều có cái tôi của riêng mình. Chỉ có điều, là nó có bùng phát ra hay không mà thôi. Con ếch ngắm lên trời trong cái tầm nhìn hạn hẹp của nó. Lỗi do ai? Suy đi cũng là do con người đã xây cái giếng bé tẹo, là do tự nhiên đã sinh ra nó ở dưới đáy giếng. Nó có lỗi gì chăng? Tất nhiên là nó không có lỗi trong chuyện này, vì nó đã thấy tất cả nó muốn và có thể thấy. Nếu leo lên được cái giếng cao chót, thì đâu đến nỗi nó phải ngồi suốt trong cái chốn "buồn" ấy, và nó đã có thể nhìn thấy một bầu trời rộng hơn.

Không một ai có thể nhìn thấy toàn vẹn bầu trời, đó là điều hiển nhiên. Dù ta có ở bất kỳ chốn nào đi chăng nữa, thì bầu trời bao la mênh mông ta vẫn chỉ thấy được một phần vỏn vẹn. Tự nhiên đã cho ta được thấy bầu trời, cũng tạo ra những rào cản để khuất bớt tầm nhìn của ta. Thời gian thì không bao giờ ngừng trôi, ngay cả khi ta dừng bước chân cuộc đời. Cứ mỗi giây phút, bầu trời sẽ đổi khác. Cứ cho rằng, ta đi được khắp thế gian, thì ta cũng không thể làm cho trời ngừng đổi thay được. Cứ như, một nhà hiền triết đã từng nói rằng: "Không ai có thể tắm trên cùng một dòng sông" vậy.

Con ếch dưới đáy giếng xem mình là chúa tể của những loài vật bé nhỏ hơn xung quanh nó. Đó là một kỳ tích và nó xứng đáng được quyền hãnh diện về điều đó. Ở quan điểm của tác giả dân gian, đã nhìn nhận sự việc ở khía cạnh "nhìn-lên". Con ếch đã nhìn-lên trên mình, đã nhìn thấy được những điều to lớn hơn nó, và nó lấy làm hổ thẹn với những gì trước đây mình đã suy nghĩ. Con ếch nhìn bầu trời cũng theo hướng nhìn-lên, và tác giả dân gian nhìn theo hướng đó là điều phù hợp và dễ hiểu. Nhưng, ở đây, tôi muốn bạn thử một lần "nhìn-xuống" để hiểu một chút của cái cảm giác mới mẻ. Có thể, người ta cho là ngược đời. Nhưng, cứ thử nghĩ xem, chiếc cầu vồng vắt ngang bầu trời hết vồng lên thì phải vồng xuống mà thôi; hoặc những tia chớp vắt ngang trời cũng xé toạc xuống phía dưới. Khi con ếch nhìn-xuống, nó là một vị vua, một vị chúa tể, một kẻ to lớn.

Đôi khi, trong cuộc sống, ta cũng không nên quá chú trọng vào cái gọi là tương lai và danh vọng bằng cách hướng mắt lên trên; nên thử xem, khi tạm ngừng cái cuộc sống đầy bon chen và chật vật, thử nhìn xuống, ta sẽ thấy những gì mình đạt được và nét hoa mĩ của cuộc sống mà tự nhiên đã ban tặng. Thế, người ta mới nói rằng:

...Nhìn lên thì chẳng bằng ai
Nhìn xuống thì chẳng có ai bằng mình...

Thì vậy, con người cũng nên có chút hãnh diện trong mình. Đâu phải lúc nào cũng khư khư về những điều mình phải làm, phải đạt được. Sức lực của mỗi con người có hạn, ta nên biết chọn cho mình con đường đúng đắn và phù hợp. Nếu không thể với tới miệng giếng và thoát khỏi cái thế giới bé nhỏ như chú ếch, thì ta cũng không cần phải làm quá sức. Có thể, có người nói rằng ta là người không có chí hướng, nhưng điều đó không phải là hoàn toàn đúng. Ta hiểu những gì mình đang làm, và phấn đấu trong khả năng, thì há chẳng phải là một lòng can đảm hay sao? Là người, ta phải biết im lặng, lắng nghe và chờ đợi. Chờ đợi cái gì? Cơ hội.

Một ngày kia, thiên nhiên đã cho nó một vinh hạnh được ra khỏi cái thế giới bé nhỏ như vung. Một cơn mưa lớn, một trận lụt dài ngày làm nước giếng dâng lên tận miệng. Ếch được mở mang tầm mắt và nó trở thành một kẻ bé nhỏ trong cái thế giới rộng rãi hơn. Nó chậm rãi thưởng thức những gì nó đang có. Tuy phải chịu cảnh khinh thường và lép vế trong xã hội đầy bon chen, nhưng nó không hề lùi bước. Nó khám phá ra những điều mới mẻ.

Con người cũng nên đợi chờ những cơ hội như thế. Vấn đề là phải biết chớp lấy cơ hội cho mình. Nếu con ếch được nước đưa lên, nhưng vẫn thụ động và bé gan bám vào thành giếng, thì xem ra, cơ hội đã lỡ rồi.

Làm vua của những kẻ nhỏ, hay làm tôi tớ cho những kẻ lớn. Sự lựa chọn phụ thuộc vào mỗi người. Một chút duy tâm, người ta đổ mọi lỗi tội lên đầu chúa trời, lên đầu thượng đế. Một chút duy vật, người ta lại nhận phần lỗi thuộc về chính bản thân mình. Con ếch không được trời phú cho cái óc thông minh để nhận biết, nhưng nó có thể lựa chọn. Đâu phải lúc nào cũng phải tiến bước mới là hay? Khá khen cho những người lùi một bước để tiến nhiều bước. Có thể lúc này, ta đang làm tôi tớ cho kẻ lớn, nhưng biết đâu lúc nào đó, ta làm vua của những kẻ lớn. Hoặc vinh hiển, hoặc sa đoạ.

Chuyện tục ngữ nói ra, thú vị lắm thay!

Dương Nghiệp

Nhất Vương
06-08-2009, 08:32
Mắt con người thì quả vô cùng nhỏ bé so với cái thế giới xung quanh chúng ta, đâu thể bắt con người không kiêu ngạo hay không cá nhân. Nhưng như DN đã nói, cao ngạo khi mà ta nhận ra những thứ mà tầm mắt ta nhìn thấy nhỏ bé hơn ta và không đáng chút bận tâm. Câu tục ngữ "Ếch ngồi đáy giếng" giáo huấn cho con người sống phải biết nhìn kĩ, chưa hẳn cái trước mắt là đã vĩ đại, chưa hẳn chút tài ba mà khinh người.

Tài ba khinh người thì chẳng khác nào ếch ngồi đáy giếng cả. Đồng ý người có tài thì cần có chút kiêu ngạo nhưng những kẻ cao ngạo không coi kẻ khác ra gì cho dù người đó là bạn thân, là anh em thì chẳng đáng để 1 chữ tài. Còn người tuy tài chỉ có ít nhưng biết nhìn người nhìn đời rộng biết kiềm nén nỗi kiêu ngạo của mình để hòa vào lẽ đời lẽ trời quả đáng là bậc anh hùng.
Con người không chỉ dùng duy tâm với mấy vị chúa trời để mượn cớ bất tài mà còn để hy vọng. Kể cả kẻ giàu lẫn kẻ nghèo vẫn hy vọng, có "tiền. quyền" hay đơn thuần có hạnh phúc...Nhiều lúc có nhiều người dùng chúa trời để bớt kiêu ngạo, hống hách vì họ quan niệm không có gì qua mặt đức chúa trời đó là một nhẽ tốt khi dùng duy tâm mà hạn chế cái ngạo mạn của mình.
Tục ngữ thì câu hay nhiều dở ít, đúc kết ngàn năm thì có thể thâm thúy không lường.

Khuyên nhân gian và tự khuyên: "Cao ngạo với kẻ dưới, bề phục trước kẻ trên thì chẳng đáng bậc chính nhân anh hùng. Biết người biết ta, học hỏi cái hay của kẻ dưới và lấy kẻ trên phấn đấu thì quả là đạt đến tầm nhìn của bậc chí tôn"

Chủ đề này lập ra rất hợp với người!

Dương Nghiệp
07-08-2009, 09:04
Lằng nhằng chuyện Thằng Cuội - Chú Cuội - Chị Hằng


Trong dân gian, lẽ nào có tới hai chú Cuội? Có lẽ tôi vẫn còn đang nghi vấn. Bởi vì, một người không thể nào có tới hai tính cách khác nhau.

Ai đã từng nghe câu "Nói dối như Cuội" hay "Nói nhăng như Cuội" hẳn là có ấn tượng không tốt về Cuội. Thằng Cuội trong trường hợp này là thắng Cuội láu cá. Nó lừa đến cả nhà Vua bị chui vào bụng cá, để nó được mặc áo hoàng bào lên làm Vua. Thằng Cuội này người ta khinh, người ta coi thường. Tản mạn một chút, thằng Cuội này xem ra cũng có đầu óc lắm đây, tuổi trẻ tài cao. Từ chuyện bé tới chuyện lớn, hắn đều biết cách để lừa gạt người khác. Lẽ phải đáng khâm phục lắm. Và việc lên làm vua của nó, xem ra cũng chẳng có gì là trái ý trời. Còn việc nó làm vua được bao lâu, thì không nghe đề cập đến, có lẽ thằng Cuội này chỉ nằm im ỉm trong truyền thuyết, cổ tích mà thôi. Mà nếu có thật, có lẽ, người ta cũng nên tôn trọng nó, một nhân tài như nó.

Ai đã từng nghe câu chuyện "Chú Cuội cung trăng" thì hẳn biết một chú Cuội hoàn toàn khác. Ở trên kia, tôi gọi là "thằng", còn dưới này lại gọi là "chú", chiều theo cái phán xét bấy lâu nay của dân gian vậy. Chú Cuội (cung trăng) là một người tốt, biết cứu giúp người. Chỉ vì sơ ý của mụ vợ mà bị đưa lên tới tận mặt trăng. Xem ra, chú Cuội này lại rất thụ động. Tại sao chú Cuội bị đưa lên cung trăng? Theo ý kiến chủ quan tôi, có lẽ là do, chú ham của quý, sợ mất của quý. Đấy, đến chú Cuội được mọi người tôn trọng là thế, được trẻ em yêu thích là thế, cũng không thoát khỏi cái tính xấu trần gian. Có lẽ không thể lấy câu "được voi đòi tiên" để gán mác vào chú, tại vì, chú hình như chỉ có một thứ của quý để mà "đòi", chứ không có thứ gì khác hơn nữa. Dù sao thì vẫn mắc bệnh tham.

Đấy, rõ ràng là có tới hai Cuội, chứ không phải là một như nhiều người lầm tưởng. Một thằng Cuội ở dưới trần gian để "làm vua", còn một chú Cuội thì được bay lên tận cung trăng. Đấy. Hai Cuội khác nhau, theo cái phán xét dân gian đã nói ở trên, thằng Cuội là xấu, còn chú Cuội là tốt. Vậy mà, suy đi tính lại, Cuội xấu lại có nhiều ưu điểm quá đi, còn Cuội tốt xem ra tính xấu vẫn còn lưu giữ. Thôi cũng tạm chấp nhận vậy, đời người ai cũng có cái tốt, ai cũng có cái xấu. Chuyện xưa đã vậy, người thời nay moi móc ra, phỏng còn đúng nữa không. Nhưng, cớ hiểu vì sao, người ta lại lấy hai người khác nhau, hai tính cách khác nhau để dùng chung một cái tên như vậy? Con cháu đời nay, nhiều người ít quan tâm đến sự tích này nọ, chắc cũng chẳng để ý chuyện có hai chú Cuội như thế.

*
* *

Có người thường tự hỏi, giữa Chú Cuội và Hằng Nga, ai có trước. Nhưng câu hỏi như vậy, đôi khi làm tôi cảm thấy khó xử. Cứ tạm trả lời thế này.

Hằng Nga là nhân vật trong truyền thuyết Trung Hoa. Vì tò mò nuốt chửng viên thuốc, nó đã đưa nàng lên tận Cung Trăng để kết bạn cùng thỏ ngọc. Còn Chú Cuội là một nhân vật trong truyện dân gian Việt Nam, cũng vì năng lực của cây đa mới có thể bay lên như vậy. Điểm giống nhau, là cả hai đều được một sức mạnh vô hình nâng ra khỏi quả đất. Lẽ ra, mỗi người một đất nước thì họ phải bay lên hai mặt trăng khác nhau. Nhưng, khổ nỗi, văn hoá Tàu gia nhập vào nước ta quá mức, nên chị Hằng tự lúc nào đã nhập tịch vào nước ta. Và, con người văn minh hiểu biết ngày nay biết rằng, chỉ duy nhất có một mặt trăng của quả đất, nên đã cố gắn hai người này vào một mặt trăng. Lằng nhằng như thế. Cũng chẳng thể biết được ai là người leo lên trăng trước. Chỉ có thể trả lời rằng, có lẽ cả hai... bay lên cùng lúc. Như thế, có vẻ hợp lý nhất.

Chuyện Sự Tích, lắm điều phức tạp. Có vẻ gì đó như nhau, nhưng thực chất nó lại khác nhau, tạo thành một mớ bòng bong khó gỡ. Đôi lời như thế, mong người đọc có thể nới lỏng cái suy nghĩ của mình để đơn giản hoá những câu chuyện cũ đi. Dùng lời thì cũng nên biết gốc gác của lời ở đâu ra vậy.