PDA

View Full Version : Bom Tấn Kỳ Truyện


Dương Nghiệp
02-08-2009, 21:56
Đời người lắm lúc bị giật gân xuỳ-troét. Thế là tư tưởng nói dóc nói nổ nói nhảm lại bùng ra. Người ta tuy dóc không giỏi, không xuất chúng như các vị thiên tài, nhưng cũng đủ để xả hết cái trong bụng. Kính mời các vị huynh đệ bằng hữu vào trò chuyện vui chút qua các bài truyện "không thể tin". Tại hạ xin được mở đầu bằng tiểu phẩm,

Ăn Quả Lừa

Ta con nhà nghèo. Nghèo đến cái độ, quần không ra quần, áo chẳng ra áo. Suốt ngày chỉ một tấm vải quấn quanh người. Tấm vải dài 2 mét, rộng vài thước. Vì nhà nghèo, ăn uống cũng chẳng ra sao, nên thể trạng còm nhom, ốm yếu. Thế lại may, cái tấm vải thô kia vừa đủ che kín phần nào đi rồi. Cứ vài ngày, ta tắm một lần. Mỗi lần tắm rửa, y như rằng ta biến thành con nhộng, nằm im như nhiếp trong nhà, không dám lo mặt ra ngoài. Khổ. Vì chỉ có tấm vải xác xơ che thân, nên người ta khinh lắm. Thấy ta, nhưng coi ta như vô hình. Đi qua đi lại mà chẳng ngó vào một cái. Đôi lúc, ta đau khổ tột cùng, vì ta cũng là con người, cũng như bao người khác. Ta cũng có tự ái. Thế mà...

Vậy mà một hôm, có một lão sĩ đức cao vọng trọng, nhìn ta với ánh mắt khác người. Ông ta săm soi ta từng chút một, hay đúng hơn là cái tấm vải của ta. Ta thầm nghĩ, có lẽ áo này cả tuần chẳng giặt giũ lần nào, nên có thể gây sự chú ý của lão ta. Nhưng ngộ chưa kìa, lão nhìn mãi không chán. Đầu óc suy tư, tay gõ vào đầu, gật gù ra vẻ hài lòng lắm. Khó chịu trước hành động kì cục của lão, ta lên tiếng hỏi nguyên do. Lão cười mỉm. Rằng:

- Chẳng biết, tấm vải của người anh em lấy được ở đâu vậy?

Điên rồ, ta chưa từng nghĩ rằng, có người lại hỏi gốc gác của nó. Thực ra thì nó được lấy ra từ cống làng. Một lần tình cờ tập bơi ở đó, ta tìm ra được. Vì mừng đến độ vớ được tấm vải, ta mừng lắm, vì trước giờ có mỗi cái khố quấn quanh xương chậu mà thôi. Mừng quýnh, lật đật ta bơi nhanh đến vớ lấy, nhưng chẳng hiểu sao, chiếc khố bật ra, trôi mất. Không sao, ta có vải mới, ta không thèm nữa. Như bắt được vàng, ta quấn nó vài người ngay tắp lự, rồi tí tởn chạy về nhà... Ta trả lời lão:

- Dạ, con kiếm được khi không nó treo lủng lẳng trên cây ạ. - Vì tính hay sĩ diện, ta đã "vờ khác đi" một chút, có lẽ không ảnh hưởng gì đến cái tánh tò mò của lão, hoặc cái nghèo rớt mồng tơi của ta.

- Hay, ngươi bán lại cho ta cái tấm vải đi. Một quan. - Ông lão ra giá.

Ta thầm nghĩ, cái tấm vải nhơ bẩn này mà cũng được giá vậy. Nếu bán đi kiếm cái ăn đỡ thì tốt quá. Nhưng, cũng vì bản tánh sĩ diện, ta nghĩ lại theo hướng "tiến bộ" hơn. Ông lão này không lẽ tự nhiên bỏ tiền ra mua tấm vải này. Vải thế gian này thiếu gì, lẽ nào, tấm vải quý giá giữ lâu nay ta chẳng hề hay biết. Tôi thử hét giá cao dần, cao dần. Bao nhiêu ông ta cũng đồng ý. Vậy, tôi kết một câu xanh rờn:

- Thôi, không bán nữa.

- Bán cho lão đi. Bao nhiêu cũng chiều. Nói cho cậu biết, tấm vải đó không phải thường đâu nhé. Từ thời bà Gia-bét đấy.

- Ông... tởn à?

- Không, bà nữ hoàng Gia-bét từng mặc nó cỡi ngựa khắp thành phố diễu hành đấy. Không biết thì dựa cột mà nghe.

Thế rồi ông kể. Ngày xửa ngày xưa, có một lão nông dân. Lão ta được thần tiên cho điều ước. Lão ước rằng lão được làm vua, thế vai chính của bà Gia-bét. Và, điều ước của ông được trở thành hiện thực. Ông lên làm vua. Bà nữ hoàng đổi vai, chỉ còn mỗi mảnh vải che thân. Bà quyết tâm gây dựng lại cơ nghiệp. Bà mặc bộ "phục trang" này và diễu hành khắp phố. Bà quyến rũ các chàng thanh niên trai tráng. Sau một thời gian, bà có đội quân hùng mạnh, bà lật đổ ông vua và giữ lại ngôi nữ hoàng Gia-bét đến tận ngày nay. Con cháu các chàng trai năm xưa được bà ưu ái đưa vào làm hoạn quan trong lâu đài, đó là một điều để ghi nhớ công lao của họ.

Chuyện này chưa từng được dân bên Tây khui ra, nhưng không hiểu vì sao, ông lão này lại biết được. Tôi tin răm rắp.

- Này, chàng trai. Tôi biết cậu nghèo khó. Nên muốn giúp cậu. Nếu không bán lại cho tôi, thì tôi có thể giúp cậu đấu giá tấm vải "cao quý" này.

Thế là, tôi đã được ông mở một cuộc đấu giá. Quy mô lớn khắp làng. Sân khấu to kinh khủng, không nhỏ hơn một cánh đồng cỡ Mỹ. Buổi đấu giá bắt đầu. Sau màn công bố lý do của ông lão. Thật không tưởng tượng được, bọn trong làng đua nhau thi võ mồm để dành được tấm vải. À, lại sĩ diện, nói thì nói thế, chứ sự thật là, bọn dân làng ùa lên, giật lấy giật để cái tấm vải của ta. Và sau một hồi, nó te tua xơ mướp. Vâng, lúc đó tôi tồng ngồng như nhộng trước bàn dân thiên hạ. Trong khi, ông lão đứng sau lưng tôi bụm miệng tủm tỉm cười.

Bị một cú lừa ngoạn mục, nhưng dù sao, tôi cũng thật hạnh phúc vì... được mang tấm vải của bà Gia-bét gì đó.