PDA

View Full Version : Văn hoá dân tộc Cor


Dương Nghiệp
18-07-2009, 20:11
Phong tục, lễ hội, tín ngưỡng của dân tộc Cor

Dân tộc Cor cư trú chủ yếu ở huyện Trà Bồng, một ít ở Sơn Hà và huyện Trà My (Quảng Nam). Tiếng nói của người Cor thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khme. Sống trên địa hình rừng núi hiểm trở, người Cor làm nương rẫy là chính. Lúa rẫy, bắp mì, đặc biệt là trầu không.

1. Cưới xin:

Với dân tộc Cor, những người có liên hệ huyết thống gần gũi không được lấy nhau. Từ một ông tổ sinh ra, nếu đời thứ nhất là anh em trai thì đến đời thứ tư (có nơi đến đời thứ năm) mới được quan hệ hôn nhân. Nhưng nếu là chị em gái, hay anh trai em gái hoặc em trai và chị gái thì đến đời thứ ba có thể lấy nhau. Ai không tuân tục lệ thì bị phạt, phải vào ở riêng trong rừng. Phong tục người Cor không ngăn cấm lấy vợ thứ nếu vợ chồng hiếm con và được người vợ cả đồng ý. Hôn nhân với chị em vợ được thừa nhận, với anh em chồng bị hạn ché ở mức người vợ goá chỉ được lấy em chồng. Anh chị em con cô, con cậu, con dì, con cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha thì cấm hôn nhân. Hai anh em trai có thể lấy hai chị em gái theo thứ tự anh lấy chị gái, em lấy em gái. Nếu nhà bên A đã có con làm dâu nhà bên B thì hai ba đời sau nhà bên B mới gả con gái cho nhà bên A. Vợ cư trú nhà chồng đã định hình, rất ít khi chồng ở rể nhà vợ.

Tục cưới hởi của người Cor có nhiều đặc điểm riêng. Ban đầu nhà trai nhờ mai mối dẫn con trai mang rượu, trầu cau đến ra mắt nhà gái, nếu được ưng thuận, cùng định ngày ông mai và chú rể mang trầu rượu đến làm lễ “đẹp nhà gái”. Sau đó hai nhà chọn ngày cưới.

Chuẩn bị lễ cưới hai nhà sửa sang đường sá sạch sẽ, báo cáo cho già làng biết để báo cho dân làng. Ngày cưới, họ nhà gái kéo đến nhà ông mai chờ nhà trai đem trầu cau đến đón. Đêm hôm cưới, hai vợ chồng ngồi chung mâm, vợ chông đặt lên đầu nhau ít cơm, gọi là bắt vía. Sau đó, cô dâu cùng nhà gái ra về. Hôm sau nhà trai sang nhà gái, tục lệ hôm trước lại tiếp diễn ở nhà gái. Ngày thứ ba nhà trai rước dâu về. Ngày thứ tư, nhà trai làm cho đôi tân hôn cái bếp mới và cho cô dâu làm lễ bắt nồi. Sau đó còn nhiều tục lệ khác nữa, hai người mới thực sự trở thành vợ chồng.

2. Sinh đẻ:

Người Cor muốn có con trai hơn con gái, người có thai không được phép đi qua người già, người lớn tuổi, không đứng bóng người lớn, ít tiếp xúc đàn ông.

Khi sinh đẻ sản phụ có bà mụ giúp. Đẻ xong, sản phụ phải uống nước có nhiều muối, củ mơ gang, các loại rể cây, dây rừng đắng, uống nước nóng, đốt đá nóng quấn vải để lên bụng cho bụng nhỏ lại. Nhau được bỏ vào mo cau buộc kín treo lên cao. Bảy ngày sau, mẹ cho con đặt chân xuống đất, rồi cõng lên lưng, bắt đầu làm việc hàng ngày. Sau đó làm lễ đặt tên cho con, con đầu gọi là ây – ka (con trai), mư – ây (con gái), con thứ goi là mơ – oh (con trai), mơ ơh (con gái). Đặt tên không trùng nhau, lúc nhỏ thường gọi là chệch tên.

3. Tang ma:

Khi có người chết, cả làng nghỉ sản xuất, hội hè. Họ hàng thân thích tập trung lo tang lễ: làm hòm, nhà mồ, mổ heo đãi khách đến viếng. Người viếng mang theo trầu cau đi lễ. Người chết thường (đau ốm, già …) để hai, ba ngày mới chôn, đưa hòm ra cửa chính, chân đi trước để không nhìn lại nhà nữa. Con cháu trong nhà phải chui qua hòm (nếu là cha mẹ). Tục chia của cho người chết, của riêng tư thì chia ra, phần của người chết phải phá hỏng đi để tránh người khác lấy dùng. Đầu nhà mồ để chiêng ché, dụng cụ săn bắn (là đàn ông), đuôi để nồi, xoong, ché, gùi, đồ trang sức (là đàn bà)…Đồng bào quan niệm người già, ốm đau chết sẽ hoá thành ma lành. Còn chết vì cọp bắt, ngã cây, đâm chém, sét đánh, chết đuối, chết lúc mang thai hay khi đẻ…thì hoá thành ma dữ. Nếu có người chết vì sinh dẻ, cả làng giết súc vật cúng rồi chuyển đi chổ khác. Dân tục Cor không có tục để tang người chết. Con đầu đeo vòng theo số lượng để biết người trong gia đình chết bao lâu. Chôn xong, với người trẻ ba ngày, người lớn bảy ngày thì cúng mở cửa mả. Ba năm sau, gia đình mổ lợn làm lễ mãn tang, con cái được lấy vợ lấy chồng. Người chết được thờ vía: nắm tro bếp đốt với vỏ cây trầm đặt trong một cái cơi với 1. 2 cái lục lạc móc dây cườm, một cái dao sử (dao cắt cổ gà), vía đặt ở cái trang nhỏ trong nhà, mỗi lần cúng thì lấy dây cườm rung gọi hồn.

4. Tín ngưỡng:

Dân tộc Cor có quan niệm vạn vật hữu linh. Các tôn giáo đều xa lạ với họ. Theo tín ngưỡng cổ truyền của người Cor, đàn ông có 17 phool, đàn bà có 19 phool (giống như vía của người việt). Khái niệm ma dùng để chỉ siêu linh tàng ẩn ở cây đa cổ thụ, ở vườn quế,..và đặc biệt gắn với cái chết của con người. Với người Cor con vật cũng có hồn, các bộ phận kết cấu nhà ở, các hốc nguồn trên rẫy đều có siêu linh ngự trị, nên không dám chặc phá cây cối và đốt lửa xung quanh.

Người Cor rất quan tâm đến những dấu hiệu khác thường, các điềm báo tốt xấu. Đặc biệt họ sợ loại rắn tu – ul (rắn hổ), rắn voel (rắn mái gầm), nếu đi rẫy gặp rắn thì phải quay về cúng. Tín ngưỡng thần lúa và những lễ thức kèm theo chiếm phần quan trọng trong sinh hoạt lễ hội của người Cor, nhất là lễ hội đâm trâu được tổ chức khá công phu và rất nghệ thuật.

(Sưu tầm từ Quãng Ngãi gov)