PDA

View Full Version : Cái chết của Vua Quang Trung: Một nghi án lịch sử


Dương Nghiệp
12-06-2009, 17:13
Công việc xây dựng triều Tây Sơn đang tiến hành thì bất ngờ vua Quang Trung băng hà - ngày 29/7 năm Nhâm Tý (tức 15/9/1792) tại điện Trung Hòa -Phú Xuân. Một vị vua đang khỏe mạnh mới ở ngôi 5 năm với nhiều hoài bão xây dựng nền tự chủ đất nước lại đột ngột chết ở tuổi 40 tuổi đã để lại cho hậu thế một nghi án...


Nguyên nhân nào gây ra cái chết của Vua Quang Trung? Ngay cả ngày Vua băng hà cũng có nhiều cứ liệu khác nhau.

Theo sách Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện thì đó là ngày 29/9 năm Nhâm Tý, nhưng trong sách La Sơn Phu Tử của học giả Hoàng Xuân Hãn thì Quang Trung chết trong khoảng thời gian từ 15/7-15/8 năm Nhâm Tý. Cũng theo Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện ghi rằng: "Huệ trong lúc lấy Kinh đô Phú Xuân có mạo phạm đến lăng tẩm của Liệt Thánh. Một ngày kia đương ngồi, thình lình bắt đầu xây xẩm rồi ngã ra hôn mê. Mơ màng thấy một lão trượng đầu bạc, áo trắng, cầm gậy sắt từ không trung đi đến, mắng rằng: Ông cha mày đều sinh ở đất vua, mày sao dám mạo phạm đến lăng tẩm? Nói vừa dứt lời liền lấy gậy sắt đánh nơi trán Huệ. Huệ ngã xuống bất tỉnh hồi lâu mới tỉnh lại. Từ ấy, bệnh càng ngày càng nặng, mới triệu viên trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về thương nghị việc dời đô ra Nghệ An".

Theo sách Nhà Tây Sơn của Quách Tấn - Quách Giao thì cho đó chỉ là lời của sử gia nhà Nguyễn Gia Miêu (tức Nguyễn Phúc Ánh) bịa ra để hạ thấp vai trò của Vua Quang Trung, chứ sự thật thì không phải vậy. Lại có người bảo Vua Quang Trung bị "thượng mã phong", hoặc có người độc miệng hơn cho rằng Vua bị Ngọc Hân Công chúa ám hại bằng cách bỏ thuốc độc vào rượu cho vua uống. Tất cả đều là những nguyên nhân không có cơ sở.

Ở đây, giả thiết của sách Nhà Tây Sơn có phần đúng hơn. Sách này viết: "Vua Quang Trung chết chỉ vì bệnh huyết áp cao, làm việc nhiều, suy nghĩ nhiều bị đứt mạch máu...".

Căn cứ thời điểm vua Quang Trung mất cũng là lúc Nguyễn Phúc Ánh đã chiếm được Gia Định và kéo quân ra đánh Quy Nhơn. Quang Trung đang chuẩn bị kéo đại binh vào Gia Định đánh một trận quyết không cho Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát. Mọi việc sắp đặt xong thì nhà vua ngã bệnh và bệnh mỗi ngày một nặng, bèn triệu trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu vào Phú Xuân bàn chuyện dời đô ra Nghệ An và cất quân đánh Nguyễn Phúc Ánh. Nhưng rồi biết mình không còn sống lâu được nữa, liền trối: "Ta mở mang bờ cõi, nay bệnh tình không thể khá được, mà Thái Tử thì còn nhỏ. Phía trong thì bọn quốc cừu hoành hành ở Gia Định. Còn anh ta thì tuổi già, cầu an, không lo hậu họa. Ta chết rồi, trong vòng một tháng phải lo việc tống táng cho xong. Các khanh phải đồng phò Thái tử và sớm lo việc thiên đô để khấu chế thiên hạ. Nếu không vậy, binh Gia Định kéo đến, các khanh không có đất chôn thây". Nhà vua nói xong rồi băng hà.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, Nguyễn Quang Toản nối ngôi. Vua Cảnh Thịnh bấy giờ mới 15 tuổi, mọi việc trong triều đình đều do Thái sư Bùi Đắc Tuyên (cậu ruột của vua) quyết đoán. Từ thói lộng hành của Tuyên, khiến kẻ gian thần bất tài nhưng được trọng vọng, người có tài đức bị đày ải, cô lập và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến suy yếu và sụp đổ của nhà Tây Sơn.

(st, tgvn)

Dương Nghiệp
12-06-2009, 17:15
Một bài viết trên mạng cho rằng:

Hiện thời chúng ta có những giả thuyết là Vua Quang Trung chết vì những lý do sau đây:

1. Đứt mạch máu hay đứng tim gây ra bởi con người của ông ấy (cách sống hay sinh ra đã như vậy rồi)
2. Đứt mạch máu hay đứng tim vì làm việc quá độ trong 6 năm cuối cùng.
3. Bị đầu độc bởi người của Nguyễn Ánh
4. Bị đầu độc bởi vợ là Ngọc Hân Công Chúa
5. Bị đầu độc bởi Vua Tầu hay đồ vật cho bởi Vua Tầu
6. Bị đầu độc bởi anh là Nguyễn Nhạc hay em là Nguyễn Lữ
7. Bị đầu độc bởi những người truyền đạo.

Chúng ta có thể đem ra những dữ kiện để bãi bỏ hoặc hỗ trợ những lý do trên. Một nguồn tin cho biết những chi tiết sau đây hỗ trợ cái lý do số 5 ở trên:

" Năm 1789, khi Thành Lâm phong vương cho vua Quang Trung, vua Càn Long có tặng vua Quang Trung áo cẩm bào có thêu 7 chử ngầm báo cho biết là...chết tới nơi! Đó là "Xa tâm chiết trục đa điền thử." Xa= xe,tâm= tim, ngay giữa,
chiết= gãy, trục= trục của xe, đa=nhiều, điền= ruộng, thử= con chuột. Một câu kỳ cục, bí hiểm, chả ai hiểu nghĩa là gì? Giữa cái xe, cái trục bị gẩy, do đa số là con chuột đồng?

Năm 1792, vua Quang Trung bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường mấy tháng rồi băng hà. Đó là năm con chuột, Nhâm Tý. Tại sao lại xa tâm? Chữ Xa kết với chữ Tâm ra chữ Huệ, tên vua Quang Trung! Xe gẫy trục là...xe chạy xuống hố, chết! Chết nhằm năm Tý! Như vậy thì áo có tẩm thuốc độc,ngấm dần vào da, chết là cái chắc! "

Theo nguồn tin từ Quê gốc của Quang Trung (mangbinhdinh):

Suốt hai thế kỷ qua, nhiều điều nghi vấn về cái chết của vua Quang Trung vẫn chưa được "giải tỏa" một cách thỏa đáng. Liệu khoa học pháp y ngày nay có thể mang lại lời giải thích nào chăng?

VÀI GIẢ THUYẾT

Vua Quang Trung mất vào tuổi bốn mươi, giữa lúc đang chuẩn bị thực hiện hai ý đồ hết sức lớn lao: ông dự tính mở một chiến dịch lớn để tiêu diệt quân Nguyễn Ánh và bọn can thiệp Pháp để hoàn thành việc thống nhất đất nước; đồng thời tích cực đòi lại hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông từ nhà Thanh bên Trung Quốc. Trong bối cảnh lịch sử như vậy, triều đình đã tuyệt đối giữ bí mật về cái chết của nhà vua, ra lệnh giới nghiêm "nội bất xuất, ngoại bất nhập" ngăn chặn từ xa mọi con đường tới kinh đô Phú Xuân. Đến nỗi n_ người anh cả của nhà vua là Nguyễn Nhạc, khi nghe tin vua mất, dẫn một đoàn hơn ba trăm người từ Quy Nhơn ra cũng bị chặn lại ở Quảng Ngãi, chỉ để có một mình bà chị được đi tiếp.

Cho đến nay, đã có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng chưa giả thuyết nào có được chứng cứ xác thực, đủ sức thuyết phục. Có thể tập trung những giả thuyết này vào những ý chính sau đây:

1. Trong khi tích cực chuẩn bị binh mã để tiến đánh chiếm Quảng Tây, Quảng Đông, vua Quang Trung đã làm một động tác ngoại giao nghi binh: phái Đại tường Võ Văn Dũng cầm đầu một thái đoàn sang triều đình nhà Thanh dâng biểu xin cầu hôn con gái vua Càn Long và đòi lại đất lưỡng Quãng, cốt để "dò xem ý vua Thanh và cũng để mượn cớ gây binh đao" (Hoàng Lê Nhất Thống Trí, và Đại Nam chính biên liệt truyện. Vua Càn Long lúc đó đã tám mươi tuổi, đã trị vì hơn sáu mươi năm, là người đã hết sức lão luyện về mọi mưu mô chính trị, liệu còn có thể bị "đánh lừa" như khi tiếp "Quang Trung giả" ở nhiệt Hà và Bắc Kinh với những lời thơ chan chứa tình cảm: "Mới gặp nhau mà như đã thiên thu… Người xa nhưng Trẫm luôn nhắc nhở. Hội ngộ thịnh thời thỏa ước mơ"? Lần này, chắc chắn vị vua cáo già ấy đã nhìn rõ ý định của vua Quang Trung nên "tương kế tựu kế": một mặt chấp nhận cả hai đề nghị của vua Quang Trung, mặt khác lại cho người sang ám hại nhà vua bằng thứ võ khí nham hiểm nhất là thuốc độc.

2. Vào năm 1961, một người tên Nguyễn Thượng Khánh, tự nhận mình thuộc chi phái Lê Duy Mật của hoàng tộc nhà Lê, đã viết một loạt bài đăng trên tạp chí Phổ thông xuất bản ở Sài Gòn (từ số 61 đến 65) dưới nhan đề "Vua Quang Trung chết vì một liều độc dược của Ngọc Hân công chúa". Ông cho đó là một sử liệu bí mật của dòng họ nhà ông, có liên quan đến lịch sử mà "xưa nay chưa ai phát hiện ra". Theo ông này, khi được tin vua Càn Long hứa gả con gái cho Quang Trung, "trong một phút bồng bột vì quá ghen, Ngọc Hân đã bỏ thuốc độc cho Quang Trung uống". Đi xa hơn nữa, ông còn cho rằng: "cuộc hôn phối giữa Nguyễn Huệ và Ngọc Hân không là cuộc hôn phối tốt đẹp, lẽ tự nhiên có một sự oán hờn bên trong", và "nếu không vì chữ hiếu thì Ngọc Hân đã có thể chết đi được khi nàng được tin phải làm vợ của tướng Tây Sơn”. Lại đi xa hơn nữa, ông còn cho rằng: “bài văn tế Quang Trung và Ai Tư vãn cho là của Ngọc Hân công chúa nhưng sự thật chưa hẳn đã đúng…”

Những bài báo của ông Khánh đã gây ra một sự phẫn nộ và phản ứng mạnh mẽ không những từ các nhà học giả, giới tri thức mà cả từ con cháu dòng dõi Lê Duy Mật ở rải rác khắp miền Nam. Sau đó, nhiều bài báo đã vạch ra những sai lầm, dốt nát về lịch sử của ông Khánh, phê phán óc tưởng tượng bệnh hoạn của ông đã dám xúc phạm đến những vị anh hùng, liệt nữ được cả dân tộc mến yêu. Cuối cùng, người ta đã về tận sinh quán của ông Khánh để tra cứu gia phả thì xác minh ông không phải là dòng dõi Lê Duy Mật như ông đã tự nhận.

3. Sách Ngụy Tây liệt truyện, một tài liệu chính sử của Sử quán triều Nguyễn, giải thích cái chết của vua Quang Trung như sau:

“Một hôm, về chiều, Quang Trung đang ngồi bỗng xây xẩm, tối tăm, thấy một ông già đầu bạc từ trên trời xuống, mặc áo trắng, cầm gậy sắt, mắng rằng: “Ông cha người sống ở đất của Chúa, đời đời làm dân Chúa Nguyễn, sao phạm đến lăng tẩm...". Rồi lấy gậy đánh vào trán Quang Trung, mê man ngã xuống, bất tỉnh nhân sự lâu lắm... Từ đó, bệnh chuyển nặng..."

Sách Tây Sơn thực lục cũng có ghi "Huệ mắc bệnh nặng, chữa không khỏi...". Và sau khi Quang Trung mất, vào tháng một năm Càn Long thứ 58 (1793), Quách Thế Huân cũng báo áo với Càn Long: "Quang Trung đã chết vì bệnh".

Một giáo sĩ tên Longer, có mặt ở Đàng Ngoài vào những thời điểm này, đã viết trong một bức thư đề ngày 21 - 12 - 1792 là vua Quang Trung chết vì bệnh, nhưng không rõ là bệnh gì.

Như vậy, tóm lại chỉ có hai giả thuyết chính: nhà vua đã chết vì đầu độc, hay chết vì bệnh nhưng không rõ là bệnh gì.

THỬ PHÂN TÍCH THEO KHOA HỌC PHÁP?

Về mặt pháp y, thông thường chỉ có bốn nguyên nhân gây ra cái chết. Đó là chết vì tai nạn (xe cộ, lao động...), chết vì tự sát, chết vì án mạng (bị giết) và chết tự nhiên (bệnh tật, tuổi già...). Trong thực tế thì phức tạp hơn nhiều: một vụ án mạng có thể được ngụy trang thành một vụ tự tử, một tai nạn, thậm chí một vụ chết tự nhiên. Và ngược lại, có những dấu hiệu có thể làm nhầm lẫn một tai nạn, một vụ tự tử , một cái chết tự nhiên với một vụ án mạng tinh vi có chủ mưu.

Trong trường hợp vua Quang Trung, có thể loại bỏ n_ nguyên nhân tự tử. Còn về nguyên nhân tai nạn thì có nghi vấn, không có sử sách nào nói trong suốt cuộc đời trận mạc, nhà vua đã có lần nào bị thương chưa, bị thương ở phần nào của cơ thể, nhất là có bị thương vào đầu không (chấn thương sọ não).

Về hai nguyên nhân chính bị đầu độc và bị bệnh - thì hai nguyên nhân này cũng không loại trừ nhau. vì có thể có những vụ "đầu độc dần dần", gây nên một sự nhiễm độc chậm, không làm chết nhanh chóng, chết đột ngột mà làm cho cơ thể bị nhiễm độc biểu hiện ra bằng những triệu chứng có thể nhầm với bệnh tật. Ngược lại, cũng có những bệnh tật thực sự, trong quá trình diễn biến sinh ra độc tố, có thể biểu hiện ra bằng những dấu hiệu giống như bị đầu độc.

Trong trường hợp của vua Quang Trung , có thể khẳng định nhà vua không chết đột ngột mà đã trải qua một quá trình bệnh tật nhiều ngày: "Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết...", được Ngọc Hân tận tình cứu chữa, lo chạy "khắp mỗi chốn đâu đâu tìm rước. Phương pháp nào đối được cùng chăng?" - (Ai Tư vãn).

Chúng tôi cho rằng có thể gạt bỏ giả thuyết bị đầu độc, vì để đầu độc một người chết dần dần như bị bệnh không phải là chuyện dễ, phải có chất độc thích hợp. Chất gì, kiếm ở đâu ra, làm sao mang được vào trong cung vua, dùng với liều lượng nào để không gây chết nhanh, v.v....? Trong lịch sử nước ta, không hề nghe nói có vụ nào dần dần như vậy. Uống thuốc độc tự tử hay "tam ban triều điển" thường là chết rất nhanh, vừa uống khỏi mồm là đã vật vã chết rồi.

Cuối cùng, chỉ có giả thuyết chết vì bệnh có lẽ gần sự thật nhất. Nhưng chết vì bệnh gì?

Suy luận theo những kiến thức Tây y đương đại, chúng tôi nghĩ rằng một con người như vua Quang Trung, đang ở độ tuổi sung sức, hoạt động mãnh liệt, đánh đông dẹp bắc, ngày đêm lo nghĩ, có một cuộc sống cực kỳ căng thẳng, nói như ngày nay là "luôn luôn bị những stress" như vậy thì không tránh khỏi bệnh cao huyết áp. Thêm vào đó là chế độ dinh dưỡng của một ông vua ngày nào cũng mỡ thịt phủ phê, làm sao không để lại một tỉ lệ cholestérol cao trong máu, dẫn đến xơ vữa động mạch - nguyên nhân của những tai biến mạch máu não.

Ta không thể bỏ qua được điều giải thích trong sách Ngụy Tây liệt truyện: gạt bỏ những chi tiết mê tín dự đoan và ác ý chính trị thì cái lõi còn lại chính là triệu chứng của một cơn tăng huyết áp đột ngột, mà Tây y mô tả như, ở thời chiến trận ngày xưa, người ta dùng những cây gỗ thật lớn lao vào cửa thành để phá cửa: Un coup de bélier hypertensif - Người bệnh bỗng xây xẩm mặt mày, ngã xuống bất tỉnh...

Tóm lại, chúng tôi nghĩ rằng giả thuyết vua Quang Trung chết vì bệnh có thể là gần sự thật hơn cả. Nhà vua có thể từ lâu đã bị cao huyết áp, và đã chết vì một tai biến mạch máu não.

Dù sao, giả thuyết vẫn chỉ là giả thuyết thôi, bao giờ cũng khập khiễng và để lại nhiều tồn nghi.

Dương Nghiệp
12-06-2009, 17:18
Theo Bác sĩ Bùi Minh Đức (Mỹ) về nguyên nhân cái chết vua Quang Trung:

1. Đặt vấn đề

Theo các tư liệu về Sử học, vua Quang Trung mất ngày 16 tháng 9 năm 1792 lúc mới 40 tuổi, sau một cơn “bạo bệnh”. Không có một tài liệu lịch sử nào nói rõ “bạo bệnh” đó là bệnh gì. Nhiều giả thuyết về cái chết của vua Quang Trung đã được đưa ra nhưng chưa có một khảo cứu nào căn cứ vào Y khoa ngày nay phối hợp với các sự kiện đã được ghi trong các tư liệu Sử học để có thể cho chúng ta biết một cách rõ ràng hơn về bệnh trạng cũng như về nguyên nhân tử vong của nhà vua.

2. Phương pháp nghiên cứu

Căn cứ vào những tư liệu có giá trị đích thực của Sử học Việt Nam có đề cập đến bệnh trạng của vua Quang Trung để suy nghiệm ra các triệu chứng lâm sàng của Nhà vua. Sau đó, đối chiếu các triệu chứng tìm được đó với một số bệnh cũng có cùng những triệu chứng đó trong Y khoa ngày nay để có thể phỏng đoán được bệnh trạng của nhà vua. Dựa trên các hiểu biết ngày nay về căn bệnh đã phỏng đoán được đó, quay ngược lại để biết thêm những triệu chứng khác của Quang Trung.

3. Hồ sơ bệnh lý của vua Quang Trung trước giờ lâm chung

Bệnh sử (History of the Illness)

Hai tư liệu sử học có giá trị là Đại Nam thực lục chính biên và Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết diễn tiến của bệnh nhà vua lúc khởi đầu như sau: “Bệnh nhân đang ngồi chơi buổi chiều, bỗng cảm thấy xây xẩm tối tăm, đau đầu như có ai cầm gậy sắt đánh vào trước trán và té xuống kiền, hôn mê bất tỉnh. Sự việc xẩy ra rất đột ngột. Giờ lâu bệnh nhân mới tỉnh lại”.

Triệu chứng lâm sàng (Clinical Signs)

Xét kỹ bệnh sử, chúng ta có tám yếu tố định bệnh lúc khởi đầu như sau: 1/ Bệnh nhân còn trẻ, chỉ mới 40 tuổi 2/ Đau đầu dữ dội, đột ngột 3/ Xây xẩm chóng mặt 4/ Tối tăm = hỗn loạn thị giác 5/ Hôn mê ngất xỉu thình lình 6/ Bệnh nhân không vận động sức lực 7/ Bệnh nhân không bị tổn thương trên đầu 8/ Bệnh nhân đã tỉnh lại sau đó, không bị hôn mê dài ngày.

Chẩn đoán phân biệt (Differential Diagnosis):

Dựa vào triệu chứng quan trọng là “bất tỉnh” (Loss of Consciousness = LOC). Khi có “Bất Tỉnh bất thình lình” mà không có chấn thương trên đầu, Y khoa ngày nay nghỉ ngay đến “nguyên nhân não bộ”, thường là do “tai biến mạch máu não” (Cerebrovascular Accident = CVA). Theo thống kê, 95% các trường hợp “bBất tỉnh thình lình” là do các mạch máu trên não gây ra. Trong số này, 80% là do “nghẽn động mạch não”, 20% là do “xuất huyết trong não” với 14% “xuất huyết trong não bộ” và 6% “xuất huyết dưới màng nhện”.

Nghẽn động mạch (Arterial Occlusion): Chia ra 50% nghẽn động mạch do “máu đông tại chỗ” (Thrombotic Stroke) và 30% do “cục máu di chuyển tới” (Embolic Stroke). Bệnh nhân thường lớn tuổi. Thông thường không có đau đầu và bệnh trạng xẩy ra không đột ngột.

Xuất huyết não: (Intracerebral Hemorrhage): Do vỡ động mạch trong chất não. Bệnh nhân thường bất tỉnh đột ngột, hôn mê sâu (Coma) nhưng thường là ở những người cao tuổi, thường do cao huyết áp và thường xẩy ra lúc đang vận sức .

Xuất huyết dưới màng nhện: (Subarachnoid Hemorrhage): Thường thường đa số “xuất huyết dưới màng nhện” là do chấn thương sọ não. Số còn lại do “vỡ mạch máu tự phát” (Spontaneous Rupture): 80% do vỡ mạch phình (Aneurysm) và 5% do vỡ mạch dị dạng bẩm sinh (Congenital AV Malformations). Bệnh nhân thường là người trẻ khoảng 14-40 tuổi. Triệu chứng thường rất đột ngột (Sudden Onset). Đau đầu đột ngột, rất dữ dội. Bệnh nhân bất tỉnh ngay lập tức. Ngoài ra còn có thêm: chóng mặt, ói mửa, liệt nửa người, tê nửa người, liệt nửa mặt, rối loạn thị trường, rối loạn nuốt… Ngoài ra, vài tháng trước khi bị bệnh này, 50% các bệnh nhân thường có các “dấu hiệu cảnh báo” (Warning Symptoms) như đau đầu hoặc chóng mặt, tê và liệt nhẹ tay chân .

Chẩn đoán bệnh trạng (Clinical Diagnosis): Đối chiếu các triệu chứng tìm được trên người vua Quang Trung, chúng ta thấy căn bệnh khởi đầu của vua Quang Trung rất có thể là "xuất huyết dưới màng nhện do vỡ phình mạch máu" (Subarachnoid Hemorrhage by Spontaneous Aneurysm Rupture).


Diễn tiến bệnh trạng (Progress Notes): Vừa suy dẫn theo sử liệu, vừa suy đoán theo các hiểu biết của Y khoa ngày nay, ta sẽ có các triệu chứng khác của căn bệnh nhà vua như sau:

Theo Đại Nam thực lục chính biên: “…Huệ ngất ngã ra. Tã hữu đều sợ. Giờ lâu mới tỉnh. Nhân đó ốm không dậy được, dặn con là Quang Toản…”. Bệnh nhân đã không đứng dậy được hoặc vì bị 1/ "liệt tay chân" tức chứng "bán thân bất toại" (Hemiplegia), hoặc do chứng 2/ "chóng mặt" (Dizziness, Vertigo) và cũng có thể cả hai nguyên nhân nầy cùng xẩy đến một lúc. Chứng "huyền vựng" mà tác giả Hoa Bằng đã có lần nêu lên về bệnh trạng của vua Quang Trung trước đây chính là chứng "chóng mặt" này. "Chóng mặt" thường kèm theo 3/ "ói mửa" (Nausea or Vomiting). Ngoài ra, bệnh nhân chắc chắn vẫn còn có dư chứng 4/ "nhức đầu" (Recurrent Headache).

Theo Ai tư vãn: “Từ nắng hạ mùa thu trái tiết, xót mình rồng mệt mỏi chẳng yên”: Bệnh nhân trên hai tháng mới mất. Bệnh nhân nằm day trở “chẳng yên”trên giường bệnh, có thể do 5/ “chứng bồn chồn” (Restlessness) hoặc do chứng 6/ “co giật” (Convulsions) hoặc do chứng 7/ “động kinh” (Seizures) .

Theo suy nghiệm từ các triệu chứng của căn bệnh “xuất huyết dưới màng nhện” trong Y khoa ngày nay, chúng ta thấy nhà vua còn có thể có các triệu chứng (Clinical Signs) như sau: 8/ nuốt khó và nuốt sặc do rối loạn về chức năng nuốt (Swallowing problems), 9/ cứng cần cổ, đau cần cCổ (Meningismus), 10/ rối loạn vế thị giác, 11/ Chứng sợ ánh sáng (Photophobia)...

Điều trị (Treatment)

Theo Ai tư vãn: “Xiết bao kinh sợ lo phiền, miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu. Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước, phương pháp nào đổi được cùng chăng?”. Bệnh nhân đã được điều trị 1/ theo cách xưa cổ truyền là cầu đảo thần linh khắp nơi và 2/ chạy thầy chạy thuốc khắp chốn để mong cho bệnh của vua có thể chóng lành.

Tiên lượng bệnh trạng (Prognosis)

Về tư liệu chứng minh, theo Đại Nam chính biên liệt truyện và Đại Nam thực lục chính biên thì nhà vua “đã vời Trung thư Trần Văn Kỷ và Trấn thủ Nghệ An là Trần Quang Diệu về Phú Xuân để trối trăn và bàn bạc chuyện dời đô ra Nghệ An …” Suy nghiệm: Tiên lượng bệnh trạng của vua bằng cách đánh giá tình trạng hệ thần kinh (Bilan Neurologique) của vua sau ngày bị bạo bệnh:

- Nhà vua còn đủ óc phê phán, suy tính lợi hại, như vậy trí thông minh của vua vẫn còn tồn tại. Trung tâm của thông minh, của suy nghĩ và lý luận là ở thùy trán. Như vậy não bộ vùng trán của nhà vua vẫn còn hoạt động.

- Nhà vua còn năng khiếu ngôn ngữ để trối trăn, dặn dò và bàn luận với quần thần. Như vậy trung tâm về ngôn ngữ của vua vẫn còn hoạt động. Trung tâm về ngôn ngữ thường ở phía bên trái của những người thuận dùng tay phải (96%) và như vậy ta có thể phỏng đoán phía não bên trái của nhà vua vẫn còn hoạt động bình thường.

- Từ đó chúng ta có thể suy ra: phía chảy máu não của vua Quang Trung là phía phải và cũng từ đó, có thể suy ra thêm là vua bị tê liệt tay chăn (còn gọi là “bán thân bất toại”) bên phía trái vì các dây thần kinh vận động tay chân từ não bộ phía bên phải bị hư hại chạy tréo qua bên phía trái khi xuống phía dưới tủy sống... Như vậy, ta có thể đoán tay chân phía bên pahir của vua vẫn còn hoạt động bình thường. Nếu nhà vua lúc đó muốn cầm tay công chúa Ngọc Hân hay các cận thần để dặn dò trối trăn thì chắc chắn nhà vua đã phải dùng tay phải để cầm tay họ.

Theo tiên lượng (Prognosis) của Y khoa ngày nay về bệnh “xuất huyết dưới màng nhện” nầy thì 30% bệnh nhân sẽ chết ngay trong 30 ngày đầu, 30% sẽ hồi phục với các di chứng tàn tật nặng nhẹ khác nhau và 50% sẽ chết do xuất huyết lần đầu và do xuất huyết tái phát.

Các thử nghiệm ngày nay

Y khoa ngày nay đã có nhiều thử nghiệm để định bệnh và xác định vị trí trong tai biến mạch máu mão như CT Scan.

Chọc hút dịch não tủy (Lumbar puncture), X Quang mạch máu, MRI, MRA, Doppler Xuyên Sọ, Xenon CT Scanning, PET Scanning, chụp máu mão...

Điều trị xuất huyết dưới màng nhện hiện nay: “tai biến mạch máu não” cần phải được điều trị nhanh chóng vì não sẽ bị hư hại trong vòng vài giờ sau khi bị tai biến. Chữa trị thường bằng thuốc và bằng phẫu thuật. “kỹ thuật vàng” (Gold Standard) trong phép điều trị bằng phẫu thuật của “xuất huyết dưới màng nhện” là kỹ thuật “kẹp mạch” (Clipping).

Nguyên nhân tử vong của vua Quang Trung

Theo Ai tư vãn (“Từ nắng hạ mùa thu trái tiết”) thì vua Quang Trung đã qua đời khoảng 2 tháng sau khi bị bạo bệnh. Nguyên nhân nhà vua mất có thể do:

Bệnh tái phát (Recurrent Bleeding): chứng xuất huyết dưới màng nhện khi tái phát thường là trong vòng vài tuần sau đó. Theo “Ai tư vãn”, vua đã sống hơn hai tháng mới mất. Như vậy khó có thể do bệnh tái phát .

Viêm phổi hít (Aspiration Pneumonia): Bệnh nhân khi bị tê liệt nửa người trong xuất huyết não thường bị rối loạn chức năng NUỐT, phát sinh chứng sặc vì thức ăn dễ đi lộn đường vào khí quản. Phế quản có thể bị tắc nghẽn gây nên chứng xẹp phổi (Pulmonary Atelectasis). Ngoài ra, thức ăn vào trong khí quản sẽ bị nhiễm trùng, gây nên chứng “viêm phổi hít” (Aspiration Pneumonia), tiến dần tới viêm phổi dịch, viêm phổi mủ và cuối cùng dẫn đến chứng “suy hô hấp” (Respiratory Distress) và bệnh nhân chết. Và vì vậy, theo chúng tôi, sau hai tháng bị bệnh xuất huyết dưới màng não”, vua Quang Trung đã qua đời vì bệnh: “suy hô hấp do viêm phổi hít”

4. Kết luận

Dựa vào các hiểu biết của Y khoa hiện đại phối hợp với các tư liệu có giá trị đích thực của Sử Học còn lưu lại đến ngày nay, chúng ta đã CÓ THỂ suy nghiệm ra CĂN BỆNH của vua Quang Trung là: “XUẤT HUYẾT DƯỚI MÀNG NHỆN DO VỠ MẠCH PHÌNH” và NGUYÊN NHÂN TỬ VONG của vua Quang Trung là “SUY HÔ HẤP DO VIÊM PHỔI HÍT”.

st, HỘI THẢO QUỐC TẾ VIỆT NAM HỌC LẦN THỨ BA “Việt Nam: Hội nhập và Phát triển”

ngockhoi_vitech
23-06-2009, 14:09
Quang Trung chết đi là một tổn thất nặng nề đối với Việt Nam. Đáng lên án nhất là thằng Nguyễn Ánh bán cả Tổ quốc tội danh đó ngàn năm muôn thủơ vẫn nhớ, thằng bán đất nước bán dân Việt. Không có tội danh nào nặng bằng tội bán nước như thằng Nguyễn Ánh cả. Nó bán nước mình cho Xiêm. Nếu nó còn sống phải phơi xác nó ra. Thằng Nguyễn Ánh là thằng phản quốc.

Dương Nghiệp
24-06-2009, 20:11
Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà, điều này là vô cùng xấu xa. Xét so với cái "công" lập nên triều Nguyễn - một triều đại lớn và cuối cùng của Việt Nam, thì hành động đáng trách đó không thể nào bù đắp lại được. Tội của Nguyễn Ảnh cũng giống như tội của bọn vua Lê Chiêu Thống vậy. Dù sao thì so ra, việc "cõng Xiêm" còn nhẹ hơn là "cõng Tàu", vì bọn Xiêm yếu thế, đằng nào vào nước ta, cũng tan tác ra tro. Trong lịch sử nước ta, hành động bán nước là không thể nào tha thứ được.