PDA

View Full Version : Tiếng X-kỳ


Lão Tiền Bối
05-06-2009, 08:11
Ngó lại dòm đi thì thấy đâu đó nhiều nơi có mở ra các đề-tài bàn-luận về các thứ tiếng ngoại-ngữ, (v/d, tiếng Nga, tiếng Tàu), song chưa thấy có nơi bàn về các tiếng “nội-ngữ”, (v/d, giọng miền Nam, giọng miền Bắc), bèn thử mở ra đề-tài này cho thiên-hạ có chỗ ra lời.

Lấy các tính-chất ngữ-âm đặc-sắc của từng miền ra bàn-bạc chứ đừng vịn vào những ý thiển-cận, như, “... người Nam(Bắc, Trung)-kỳ hay nói sai chánh-tả (?) chỗ này, chỗ kia, chỗ nọ.” Dùng tâm-huyết mình làm nền chứ không nhất-thiết phải tuân theo những giáo-điều, ví-dụ, lão t. ta cho rằng website “ngonngu” có nhiều luận-điểm khá hẹp-hòi.

Xin mời!



©LTB-6.4.2009

Lão Tiền Bối
14-06-2009, 23:35
Phụ-âm [v] phát ra bằng cách cắn răng vào môi. Âm này ngày trước hẳn không có trong tiếng Việt vì, lấy ra đây chỉ một ví-dụ, để nôm tiếng “và”(1) người xưa lấy chữ “nhị” là số hai, ghép với chữ “ba” dùng làm tượng-âm. Điều này cũng cho thấy có thể kiểu phát-âm chữ “v” trong các hình-thức nghệ-thuật sử-dụng giọng miền Nam, (lão t. ta tạm gọi là âm “b-nhuyễn”(2)), là gần nhất với cách phát-âm ngày xưa.

Không biết ở ngoài đời thực bây giờ có mấy người ở kỳ Nam còn xài-dùng âm này. Chú-ý rằng âm “b-nhuyễn” không thấy có trong tiếng Pháp; có lẽ do sự giao-lưu ngôn-ngữ hồi thuộc Pháp nên âm [v] đã nhập vào tiếng Việt chăng?

Một người miền Nam khi phải phát âm [v] ra thì bỗng tự nghe rất nhột-nhạt(3). Đại-đa-số phải bỏ nó đi trong đàm-thoại thường ngày(4). Họ thường chỉ dùng khi phải năng-nói nơi công-cộng thôi. Như là một âm “Việt-ngữ quan-thoại”, vậy.



©LTB-6.14.2009
-------------
(1) – Nay nói thành “vài”
(2) – Có trong hát cải-lương, hát bội, v.v. Nhiều thuyết-minh-viên nói giọng Nam trong phim bộ Hồng-công cũng sử-dụng âm này.
(3) – Không biết tại sao!?!?
(4) – V/d, “và” nói thành [yà], “về” nói thành [yề], v.v...

Mắt Đêm
11-08-2009, 01:23
LTB có lẽ là một trong số rất ít người còn dùng dấu nối "-" khi viết các từ ghép, MĐ thấy như thế cũng hay, rất có lợi để làm cho tiếng Việt thêm rõ ràng (mặc dù cách viết này không còn được dùng ngày nay).

LTB có tài liệu nào về chữ "v" trong phương ngữ miền Nam thì chia sẻ cho MĐ với, đọc cái LTB viết thấy có vẻ thú vị!

Có điều này MĐ hơi băn khoăn:
Dùng tâm-huyết mình làm nền chứ không nhất-thiết phải tuân theo những giáo-điều
Nếu chỉ dựa vào "tâm huyết" thì biết được mọi thứ sẽ đi về đâu? Không có những thứ được coi là chuẩn mực thì lấy gì làm thước đo cho cái "đúng", cho sự tiến bộ?
Ngôn ngữ là một (và chỉ là một trong số nhiều) phương tiện để giao tiếp. Nghiên cứu và chuẩn hóa ngôn ngữ là một việc giúp cho ngôn ngữ và văn hóa gắn liền với nó được gìn giữ và phát huy được ưu điểm. Để có thể làm thế, cần có sự hợp tác trí tuệ của mọi nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Kết quả của sự hợp tác trí tuệ ấy nên được những người còn lại công nhận, tôn trọng và sử dụng. Chứ nếu ai cũng mang cái "tâm huyết" của mình ra làm nền tảng thì có khi "công lí" cũng chẳng còn ý chứ, phải không LTB?

Còn một điều nữa MĐ tò mò:
lão t. ta cho rằng website “ngonngu” có nhiều luận-điểm khá hẹp-hòi.
LTB phê bình luận điểm gì của ai thì trích dẫn ra để cùng bàn luận nhỉ!
Mà LTB nói về trang "ngonngu" nào thế? ngonngu.net hả?