PDA

View Full Version : Cù lao ông Hổ


blackdeathyu
27-05-2009, 14:51
Xã Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên, An Giang), quê hương Bác Tôn, được người dân địa phương gọi bằng cái tên đầy tính truyền thuyết: Cù lao ông Hổ. Giữa mênh mông sông nước, cù lao nổi lên như một cái mai rùa khổng lồ xanh ngắt.
Các bậc cao niên ở đây kể rằng, thuở xưa, vùng đất này là một khu rừng rậm rạp, nhiều muông thú. Vào thời khẩn hoang, những đoàn người đi mở đất từ phía Long Xuyên đã chặt cây rừng kết bè vượt sông Hậu sang khai phá rừng hoang làm ăn. Họ vào rừng đốn củi, săn bắt, xuống sông đánh cá, dựng nhà, lấn rừng lập làng.

Một năm kia, nước sông Hậu dâng lên cuồn cuộn gây lũ lớn, nhấn chìm dải cù lao. Con người và muông thú phải vật lộn trong dòng lũ để bảo toàn mạng sống. Gia đình nọ trong lúc chống xuồng tránh lũ đã phát hiện một chú hổ con bị kiệt sức, sắp chết đuối. Họ vớt hổ con lên xuồng đưa về nhà chăm sóc, cho ăn ở cùng với người. Trong tình thương yêu của con người, loài mãnh thú cũng trở nên hiền hòa, thân thuộc.

Gia đình ấy có một cô con gái bị mù. Đáp lại ơn cứu mạng, nuôi dưỡng, hổ thường vào rừng săn bắt muông thú về cho gia chủ. Hằng ngày, khi bố mẹ vào rừng làm rẫy, hổ cho cô bé mù cưỡi lên lưng đưa cô đi theo. Người và hổ thân thiết như đôi bạn tri kỷ. Đến một ngày, cô gái đổ bệnh qua đời. Hổ buồn rầu và một thời gian sau cũng chết theo. Dân làng thấy hổ ăn ở có tình có nghĩa chẳng khác gì con người nên đã lập miếu thờ, gọi là miếu thờ ông Hổ. Cái tên Cù lao ông Hổ cũng ra đời từ đó.

Truyền thuyết ấy truyền một thông điệp cho thế hệ mai sau về tinh thần lao động, ý chí vượt khó của cha ông, đề cao cái tình, cái nghĩa ở đời. Tình nghĩa là gốc tạo nên sức mạnh đoàn kết, nhân ái. Có điều đó thì mọi việc trên đời, dù khó khăn đến mấy cũng thành công.

Hiện nay, Cù lao ông Hổ là một địa chỉ du lịch thu hút đông đảo du khách. Miếu thờ Ông hổ đã được tôn tạo, trở thành giá trị tín ngưỡng mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.