PDA

View Full Version : Á Nam Trần Tuấn Khải


__Phi*Tuyết__
18-04-2009, 08:24
Á Nam Trần Tuấn Khải

Trần Tuấn Khải (4 tháng 11 năm 1895 – 7 tháng 3 năm 1983), bút danh: Á Nam (thường dùng), Đông Minh, Đông Á Thị, Tiểu Hoa Nhân, Lâm Tuyền Khách, Giang Hồ Khách, Lôi Hoàng Cư Sĩ. Ông là một nhà thơ Việt Nam.

ngoài những bài được sáng tác theo thể thơ Đường luật, ông còn viết bằng các thể thơ thuần Việt như: lục bát, song thất, các điệu hát ví, hát xẩm, sa mạc, hát nói

Nguyễn Tấn Long viết: "Thơ Trần Tuấn Khải không chứa đựng triết lý bí hiểm, tư tưởng cao siêu, nó giản dị như một chân tình, nó rỡ ràng như sự phơi bày trọn vẹn cả tấc lòng; người đọc dễ dàng đạt ý và rung động qua trực cảm, vì Á Nam đã cấu tạo thơ mình bằng nhạc điệu quen thuộc của dân tộc, cho nên sức tryền cảm rất bén nhạy.

Hiện tại trong Thi Đàn chỉ có 2 bài thơ của Trần Tuấn Khải. PT giói thiệu thêm 1 số bài thơ của ông.

__Phi*Tuyết__
18-04-2009, 08:41
Bên giời gặp bạn


Thế thượng tri âm tối nan đắc (1)
Hỏi ai xui nam bắc gặp nhau đây ?
Kiếp trần ai, ai tỉnh mặc ai say
Gánh non nước đã ra tay xin chớ ngại
Danh sĩ tình thâm nguyên tự hải (2)
Giai nhân mệnh bạc cánh như hoa
Nữa rồi đây sương nắng phôi pha
Cảnh ti tuyết không chờ duyên hội ngộ
Nhớ đến chữ "bất đắc tri âm cam nhất tử"(3)
Dẫu muôn chung nghìn tứ (4)chớ quên ai
Giang sơn mấy mặt anh tài


Chú thích:

(1)Thế thượng tri âm tối nan đắc
Trên đời rất khó gặp tri âm.
(2) Danh sĩ tình thâm nguyên tự hải
Giai nhân mệnh bạc cánh như hoa
Kẻ sĩ nổi tiếng tình sâu như biển cả; Người đẹp, số phận hẩm hiu chẳng khác chi loài hoa.
(3) bất đắc tri âm cam nhất tử
Không gặp được người tri âm, cùng chết với nhau.
(4)muôn chung nghìn tứ
Muôn chung thóc, nghìn cỗ xe, chỉ cảnh giàu sang.



Cổ Loa hoài cảm


Thành quách còn mang tiếng Cổ Loa,
Trải bao gió táp với sương sa.
Nỏ thiêng hờ hững giây oan buộc,
Giếng ngọc vơi đầy giọt lệ pha.
Hoa cỏ vẫn cười ai bạc mệnh,
Cung đình chưa sạch bụi phồn hoa.
Hưng vong biết chửa người kim cổ ?
Tiếng quốc năm canh bóng nguyệt tà.



Duyên nợ phù sinh


Mưỡu:
Trời Nam biển Á bao la
Nực cười vơ vẩn là ta với mình
Ham chi duyên nợ phù sinh
Nghìn thu luống để vương tình nước non

Hát nói:
Nợ duyên, duyên nợ
Kiếp phù sinh xoay trở biết bao xong
Chiếc thuyền con chất nặng gánh tang bồng
Đâu đã biết nước đời trong với đục
Tự thị hành tàng quan thế cục
Nhãn tương mộng huyền tống kim sinh (*)
Gẫm nghìn xưa, ai anh hùng, ai chí sĩ, ai cao khiết, ai tài tình
Trong khổ hải lênh đênh ai cũng thế
Thôi thế sự vui buồn chi sá kể
Nước non này tri kỷ dễ làm thinh ?
Sa chân xuống cõi phù sinh
Một duyên, hai nợ, ba tình, ai ơi
Yêu nhau xin nhớ lấy lời


Chú thích:

(*) Tự bảo lấy chuyện "Hành tàng" để xem thời cuộc
nỡ nào đêm kiếp sống này phó cho giấc mộng hão huyền.



Gặp khách thương tâm


Mưỡu:
Ai vui, ai khóc, ai cười
Chẳng qua cũng một kiếp người đáng thương
Hỏi chi kim mã ngọc đường (1)
Biết nhau, mong lúc đoạn trường có nhau

Hát nói:
Thôi đã trót phù sinh cũng lỡ bước
Giấc hoàng lương, ai trước hỏi ai sau
Tím buồng gan căm với cuộc bể dâu
Thói con tạo cơ cầu ai chẳng biết
Mưa nắng đã sầu khuôn tuế nguyệt
Lạnh nồng thêm giận thói ba lan
Lúc canh khuya, một mình vơ vẩn đối đêm tàn
Bên tai réo rắt lắng cung đàn
Tiếng đâu như oán lại như than
Giật mình, mình nghĩ chuyện giang san
Tủi phấn son, vơ vẩn cõi nhân hoàn
Lối trần thế bi, oan chân có bạn
Câu văn tâm sự khóc vì ai ?
Biết ai đây, đắc thế với quai thời (2)
Thôi hãy gượng cùng ai khuây nỗi nghĩ
Trường ca vũ may gặp trang tri kỷ
Sẽ cùng nhau san sẻ gánh non sông
Người nam bắc, khách tây đông
Câu cười tiếng khóc cùng chung một giọng
Nghìn xưa kìa những ai ai.


(1) Chỉ cảnh giàu sang
(2) Gặp thời thế hay không nợ thời thế



Gánh nước đêm


Em bước chân ra,
Con đường xa tít,
Non sông mù mịt,
Bên vai kĩu kịt,
Nặng gánh em trở ra về,
Ngoảnh cổ trông sông rộng giời khuya...

Vì chưng nước cạn, nặng nề em biết kêu ai!
Nghĩ tiếc công cho bà Nữ Oa đội đá vá giời,
Con dã tràng lấp bể biết đời nào xong?
Bước chân khuya thân gái ngại ngùng,
Nước non gánh nặng,
Cái đức ông chồng hay hỡi có hay?
Em trở vai này...!

__Phi*Tuyết__
18-04-2009, 08:51
BÚT QUAN HOÀI



Bông hoa sen
(Cả hồ sen có một bông hoa)

Hồ rộng mênh mông sóng dạt dào,
Một mình riêng chiếm thú tiêu dao.
Hồng bay muôn dặm hương thơm ngát,
Sóng vỗ nghìn trùng tiết vẫn cao.
Giời đã chiều riêng tây chính trực,
Bùn nào nhơ được vẻ thanh tao.
Hỏi ai chìm đắm trong hồ biếc.
Rẽ nước tung hoa phỏng kiếp nào?



Cái thuyền

Mưỡu:
Giang hồ xuôi ngược hôm mai,
Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông.
Nhắn ai trong kiếp bình bồng,
Cùng non cùng nước ta cùng thương nhau.

Hát nói:
Kiếp phù thế trời xanh run rủi,
Cánh buồm tình trôi nổi đã bao phen!
Nước non này ai lạ, những ai quen?
Mà bể hẹn sông nguyền riêng lận đận!
Sông Xích Bích l (1)uống thương người khốn quẫn,
Bến Tầm Dương (2) còn nhớ khúc Ly tao,(3)
Ngại ngùng thay trong lúc ba đào,
Ai đứng mũi chịu sào cho đáng mặt?
Nghĩ phận lênh đênh thêm bất rất,
Tưởng lòng tế độ những băn khoăn.
Ngán cho đời cũng một kiếp trầm luân,
Nợ hồ hải phong trần ai đã trả?
Trong bốn bể anh hùng đâu đó tá!
Trót yêu nhau xin chớ ngã tay chèo...
Xuống ghềnh lên thác bao nhiêu.
Lênh đênh mấy nữa cũng liều lênh đênh,
Nước non quyết chẳng phụ tình...


(1) Nơi Tào Tháo bị thua trận hỏa công, do Khổng Minh sắp đặt thời Tam Quốc
(2) Nơi mà Bạch Cư Dị đời tương bị giáng làm Tư Mã Giang Châu nghe khúc đàn ai oán trong khi tiễn biệt người bạn
(3) Tác phẩm nổi tiếng của Khuất Nguyên, giọng văn rất bi thảm; thường dùng để chỉ giọng văn giọng hát sầu thảm



Gửi thư cho anh Khoá


"Quyển Duyên nợ phù sinh thứ nhất có bài
Tiễn chân anh khoá, đến quyển thứ hai lại
có bài Mong anh khoá, tới nay chưa thấy anh
khoá về. Vậy có bức thư gửi cho anh khoá"


Anh Khoá ơi! Cái cuộc phân ly thắm thoắt đã mấy năm rồi;
Em mong, em nhớ, em ngồi, em nghĩ lại thương anh,
Trông bốn phương non nước những mông mênh.
Trời Âu, bể Á, một chiếc thuyền tình anh biết ghé nơi nao?
Anh Khoá ơi! Em nghĩ thương anh cũng bậc anh hào,
Ngang trời dọc đất dễ anh nào đã có chịu thua ai?
Chỉ tiếc thay cho anh sinh chẳng gặp thời,
Để tang bồng gánh nặng, anh phải ngậm ngùi mà bước chân ra.
Anh Khoá ơi! Em nghĩ thương anh cũng một kiếp tài hoa,
Bước đời xô đẩy anh phải xông pha với bước phong trần.
Ngọn gió năm châu dào dạt sóng duy tân,
Tình nhà, nỗi nước, chiếc thân anh lo nghĩ đủ trăm chiều.
Anh Khoá ơi! Kìa con đường văn minh ai chẳng dập dìu,
Riêng anh đây lên giốc xuống đèo thui thủi với gánh giang san.
Nào những khi: xa trông cơn mây kéo, lúc ngồi tựa bóng trăng tàn,
Biết cùng ai bày giãi tâm can cho khách giang hồ?
Anh Khoá ơi! Trông non sông em lại chán cơ đồ,
Bắc nam anh xuôi ngược, biết bao giờ thoả chí bồng tang?
Cái cõi phù sinh khen con Tạo khéo đưa dường,
Má hồng, mặt trắng, cũng một kiếp đoạn trường ai dễ khác ai?
Anh Khoá ơi! Ngẫm ngàn xưa hào kiệt với anh tài:
Bể dâu chìm nổi, cái bước trên đời ai khỏi gian nan?
Anh nghĩ làm sao cho danh nghiã được vẹn toàn?
Để treo gương hào hiệp với giang san sau này.
Anh Khoá ơi! Nhờ luồng điện trên không em gửi bức tờ mây,
Chân trời, mặt biển, cái lá thư này mong đến tay anh,
Chốn buông riêng đây em tưởng nhớ xiết bao tình,
Khi vui em muốn khóc, buồn tênh em lại cười!
Anh Khoá ơi! Em cảm thương anh, em lại giận cho trời;
Bức tranh vân cẩu cái tấn trò đời bày xoá như không.
Anh thà như ai câm điếc đã xong,
Chỉ bưng tai nhắm mắt mà ôm lấy miếng đỉnh chung nó cũng qua đời!
Anh Khoá ơi! Thôi, kể bao nhiêu lại càng động mối quan hoài,
Gan vàng dạ sắt nguyện có đất trời xoi xét cho nhau.
Em chỉ nhờ ai xoay lại quả địa cầu,
Cho duyên em gặp gỡ, cho non nước khỏi u sầu với lúc mưa râm.
Anh Khoá ơi! Ở trên đời này được mấy bạn tri âm,
Trời cao bể rộng, cắt mối đồng tâm xin anh chớ hững hờ.
Còn non sông, em đây còn quyết chí đợi chờ,
Tầu bay, tầu lặn, đến bấy giờ ta sẽ gặp nhau...




Hai chữ nước nhà


Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Ðoái nom phong cảnh như khêu bất bình

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:

Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!

Than vận nước gặp khi biến đổi
Ðể quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!

Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi khóc đất giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!

Khói Nùng lĩnh như xây khối uất
Sóng Long giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau...
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?

Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con

Con nên nhớ tổ tông khi trước
Ðã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây

Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi

Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy

Coi lịch sử gươm kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?

Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu Gia, Quốc đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng

Thời thế có anh hùng là thế
Chữ vinh hoa xá kể làm chi!
Mấy trang hào kiệt xưa kia
Hy sinh thân thế cũng vì nước non

Con đương độ đầu xanh tuổi trẻ
Bước cạnh tranh há dễ nhường ai?
Phải nên thương lấy giống nòi
Đừng tham phú quí mà nguôi tấc lòng

Kiếp luồn cúi, đỉnh chung cũng nhục;
Thân tự do chiên chúc mà vinh
Con ơi nhớ đức sinh thành
Sao cho khỏi để ô danh với đời

Chớ lần lữa theo loài nô lệ
Bán tổ tiên kiếm kế sinh nhai
Đem thân đầy đọa tôi đòi
Nhục nhằn bêu riếu muôn đời hay chi?

Sống như thế, sống đê, sống mạt
Sống làm chi thêm chật non sông!
Thà rằng chết quách cho xong
Cái thân cẩu trệ ai mong có mình!

Huống con cũng học hành khôn biết
Làm giống người phải xét nông sâu
Tuồng chi gục mặt cúi đầu
Cam tâm làm kiếp ngựa trâu cho đành!

Nỗi tâm sự đinh ninh dường ấy
Cha khuyên con có bấy nhiêu lời
Con ơi! con phải là người
Thì con theo lấy những lời cha khuyên

Cha nay đã muôn nghìn bi thảm
Nói bao nhiêu tâm khảm càng đau!
Chân mây mặt cỏ rầu rầu
Càng trông cố quốc mạch sầu càng thương!

Lời cha dặn khắc xương để dạ
Mấy gian lao con chớ sai nguyền
Tuốt gươm thề với vương thiên
Phải đem tâm huyết mà đền cao sâu

Gan tráng sĩ vững sau như trước
Chí nam nhi lấy nước làm nhà
Tấm thân xẻ với san hà
Tượng đồng bia đá họa là cam công

Nữa mai mốt giết xong thù nghịch
Mũi long tuyền lau sạch màu tanh
Làm cho đất rộng trời kinh
Bấy giờ quốc hiển gia vinh có ngày!

Nghĩa vụ đó con hay chăng tá ?
Tính toán sao vẹn cả đôi đường
Cha dù đất lạ gởi xương
Trông về cố quốc khỏi thương hồn già

Con ơi! hai chữ nước nhà!

__Phi*Tuyết__
18-04-2009, 14:51
Duyên nợ phù sinh, quyển nhất



Ở nhà quê


Khóm trúc rì rào trận gió đưa,
Ba gian nhà lá cảnh quê mùa.
Đàn gad ổ xuống khua giời sáng,
Lũ trẻ đồng về rộn lúc trưa.
Khúc hát bên chuôm con cuốc hoạ
Câu cười dưới nguyệt cái ve thưa.
Côm ngày ba bữa rau, tôm, cá;
Xe ngựa di về mặc nắng mưa



Đất khách đêm xuân mưa


Lác đác hiên tây mấy hạt mưa,
Canh tàn dặm khách, nghĩ buồn chưa!
Giọt tình lai láng theo hàng nước,
Làn thảm đìu hiu thổi giấc mơ.
Nằm chán ngâm nga cho đỡ chán;
Buồn dơ thơ thẩn lại càng dơ.
Ai lên nhắn nhủ cùng ông Sấm
Kêu với giời xanh nỗi tóc tơ.




Đời người


Trước cửa song hồ bóng thỏ qua
Công danh sự nghiệp dễ ai mà!
Hẹn về địa phủ trăm năm ngắn,
Đường tới thiên đình mấy dặm xa!
Non nước chắc gì con trẻ nữa,
Râu ria phun mãi cái già ra.
Thôi thôi nghĩ lắm càng thêm bận,
Nằm khểnh hiên tây đánh chén khà.



Con ve


Biết ai mà giãi tấm lòng son
Thương hại thân ve phận cánh chuồn!
Dầu dãi sương pha cùng tuyết nhuộm,
Ngậm ngùi gió ấp với giăng hôn.
Nghĩ căn thu để dầu cây cỏ,
Mà gọi xuân về với nước non.
Kêu mãi giời kia nay cũng thấu
Cam công gióng giả mấy thu tròn.

(1918)

__Phi*Tuyết__
25-04-2009, 22:20
Duyên nợ phù sinh, quyển nhất (Tiếp theo)



Duyệt văn hữu cảm


Trăm mối tơ vương nỗi nước nhà,
Thẩn thơ dưới nguyệt một mình ta.
Câu văn than khóc kìa ai đó?
Sầu phá non sông động cỏ hoa.

Trên biển á bao la nước bạc,
Cõi giời Nam man mác mây cao.
Giời mây biển nước dạt dào,
Người đây biển đấy biết bao nhiêu tình.
Hội niên thiếu sinh thành một nước,
Chữ chung tình gánh vác hai vai.
Sa chân bước xuống cõi đời.
Kiếp trần hồ dễ ai người khác nhau!
Trông bể thảm biết đâu là hết?
Tưởng tri âm xa tít băng ngàn.
Ấy ai vơ vẩn canh tàn?
Càng ngâm nghĩ nỗi càng chan chứa sầu.
Cuộc nhân thế bể dâu chuyển vận,
Áng quần thoa son phấn thờ ơ
Lần lần tuyết sớm sương trưa
Khối tình đập phá bao giờ cho tan!
Lầu thu nguyệt thở than chiếc bóng
Mái thư hiên trông ngóng xa vời
Thương ai mà giận cho giời,
Vô duyên buộc mãi con người tài hoa.
Đau đớn nhẽ! giăng ngà cay nghiệt,
Dắt dun nhau vào kiếp đoạn trường.
Sắc tài xưa đến Huệ nương
Ngàn thu còn để mảnh gương ái tình.
Khi viện sách đêm thanh tịch mịch,
Xem câu văn tưởng khách xa đường.
Đa mang duyên nợ văn chương,
Người trong một hội thì thương nhau cùng.
Buổi Âu Á văn chương còn mới,
Bước thân danh đường lối còn xa.
Non xanh nước bạc chưa già,
Nợ đời ta phải liệu mà lo toan...




Nhớ bạn


Sông Vị mênh mông ngọn nước tràn,
Non côi man mác bóng mây tan.
Càng trông mây nước càng thương nhớ,
Nhớ bạn tri âm cách dặm ngàn.

Nhớ bạn tri âm cách dặm ngàn,
Cùng ai khuya sớm chuyện tâm can
Đoái trông non nước còn nguyên cũ,
Ngán nỗi văn chương đến cuộc tàn.

Ngán nỗi văn chương đến cuộc tàn
Nhân tình thế thái buổi ba lan (1)
Thương cho chim én nền Vương Tạ,(2)
Xào xạc xa kêu tiếng lạc đàn.

Xào xạc xa kêu tiếng lạc đàn
Cánh hồng bay liệng biết đâu an!
Cành tùng ngọn bách cơn mưa gió,
Mặt biển sườn non giọng thở than.

Mặt biển sườn non giọng thở than,
Lạnh lùng đêm vắng khách Cô đan
Bốn phương ai kẻ tri âm đó?
Luống để anh hùng lệ chứa chan.


(1) ý nói cuộc đời nhiều thay đổi như những lớp sóng dồn dập
(2) Vương Thản Chi và Tạ An đời tấn thuộc 2 dòng họ khá giả nhưng sa sút, nên 2 con chim én của họ nuôi khi trước cũng lưu lạc



Qua chốn ở cũ


Lối cũ trông về dạ ngẩn ngơ!
Ngẩn ngơ nhớ chốn ở từ xưa.
Ngàn nho nguyệt hé câu cười nói,
Gác kín canh tàn cuộc phú thơ.
Cây cỏ ta xưa từng bón tưới,
Quả hoa ai đến để trèo khua?
Thương tâm đàn sáo đi về trước
Tìm chủ ra chiều đậu vẩn vơ...

Luống để anh hùng lệ chứa chan,
Thấu chăng! chăng hỡi, bạn giang san?
Non côi sông vị còn mây nước,
Còn nặng ân tình với thế gian.

__Phi*Tuyết__
26-04-2009, 15:17
Duyên nợ phù sinh, quyển nhất(Phần cuối)




Thương người sầu


Khuê phòng vắng vẻ lúc đêm thâu,
Nghĩ lại thương ai một mối sầu.
Sách cũ vài con phong để đó,
Tơ tình trăm đoạn vướng vì đâu?
Trên đời tri kỷ chừng bao kẻ?
Trong hội phù sinh được mấy lâu!
Đã chút tài tình mang chút nợ,
Phấn son chi để thẹn đàn sau



Thuật hoài


Trót dấn thân vào đất Việt xưa!
Hai mươi năm lẻ đến bây giờ...
Áo dày cơm nặng, tình lai láng,
Bút mới văn tàn dạ thẩn thơ.
Đèn sách mười thu đành chuyện hão,
Nôm na mấy chữ gọi duyên vờ.
Anh em Hồng Lạc ai quen biết?
Vương víu cùng nhau một mối tơ!



Xuân nữ thán


Viện cũ xuân về cảnh vắng tanh,
Đầu tường réo rắt giọng hoàng oanh.
nghe chim thêm động lòng mây nước,
Trông cảnh như khêu nỗi bất bình.

Vẩn vơ vơ vẩn một mình,
Ngày xuân man mác bể tình đầy vơi.
Song hồ(1) lần nữa hôm mai,
Bóng câu(2) như giục cảnh đời mà đau.

Đã trót sinh ra phận má đào,
Công cha nghĩa mẹ đức cù lao,
Ba xuân nương náu thân bồ liễu,
Tấc cỏ dâng ơn biết kiếp nào?

Phấn son lần lữa ra vào,
Càng vui vẻ cảnh càng ngao ngán đời.
Bóng thiều đã ngót đôi mươi.
Dặm hồng nào biết ai người tầm phương?

Ngồi buồn trông bóng thẹn cùng gương,
Mày liễu khuân giăng luống bẽ bàng.
Lần lữa sương thu cùng nắng hạ
Ruột tằm bao xiết nỗi tơ vương.

Bến tình thuyền đậu tuyết sương,
Buồn trông kia bóng uyên ương đi về
Nước non chi tiếc lời thề
Để loan xa phượng cho mê tâm thần.

Má phấn vương chi chút nợ trần?
Bóng tùng lẩn khuất cảm bào xuân?
Cung tầm Tư Mã (3)kìa ai gợi
Để khách tri âm xuống ngại ngần.

Nhớ ai nhắn khách hồng quân,
Mượn thơ cho bọn thoa quần ta xe.
Nước non ví gặp Chung Kỳ (4)
Quyết đem tình tính vui về đỉnh chung.


(1) Cửa sổ phết giấy. Truyện Kiều: Song hồ nửa khép cánh mây
(2) "Bạch câu quá khích", chỉ thời gian đi nhanh, thoáng qua như ánh sáng mặt trời chiếu qua khe cửa.
(3) Tư Mã Tương Như gảy khúc đàn Phượng Cầu kỳ hoàng, Trác Văn Quân mê, bỏ nhà đi theo.
(4) Chung Tử Kỳ là người sành nghe nhạc, bạn tri âm của Bá Nha. Bá Nha đàn hay lại gặp Tử Kỳ là người hiểu được tiếng đàn của mình, tri kỷ tâm đắc. Khi Tử Kỳ chết, Bá Nha cho là không còn kẻ tri âm trên đời để hiểu được tiếng đàn mình bèn đập đàn đi.

__Phi*Tuyết__
28-04-2009, 22:49
Duyên nợ phù sinh, quyển nhì



Đề đền vua Hùng Vương


Phảng phất Xuân đưa ngọn khói trầm,
Miếu lăng ai vẽ cảnh thương tâm!
Thành đô khi trước người rong ruổi,
Non nước bây giờ khách viếng thăm.
Cám cảnh cháu con hăm mấy triệu!
Tưởng công tôn tổ bốn nghìn năm.
Chắp tay vái lạy mây trời thẳm,
Phù hộ muôn dân buổi cát lầm...


Thời vận than chi bổng với trầm,
Suối vàng bệ ngọc phỏng yên tâm!
Bốn nghìn năm cũ còn công lớn,
Mười tám bia truyền dễ lối thăm.
Trăm trứng tiên rồng chung một bọc,
Ba kỳ hương khí chúc muôn năm.
Anh em Nam Việt ai đâu đấy!
Nhớ tổ vương đây kẻo nữa lầm.




Đàn bầu


Một dây buộc khéo duyên đâu?
Mang tiếng mang tai cũng vị bầu.
Dạn mặt thoa quần năm ngón dạo
Ngây lòng phong nghuyệt bốn cung mau.
Bắc Nam nào phải riêng văn võ,
Gay gắt thêm mang điệu oán sầu.
Này sợi tơ tình khôn ngỏ hết,
Tri âm ta phải rõ cho nhau.



Kỷ niệm đức Hưng Đạo đại vương


Hơn sáu trăm năm trải mấy triều?
Khí thiêng phảng phất núi non cao.
Sông Đằng tưởng tượng quân Nguyên chạy,
Đất Kiếp mơ màng tiếng kiếm gieo.
Tấc dạ trung trinh theo sóng nổi.
Mảnh gương chính khí ngất trời treo.
Năm năm tháng tám trung tuần đó!
Khắp bốn phương dân hội dập dìu.


Mong anh Khoá

Bài này nối vần với bài "Tiễn chân anh Khoá
xuống tầu", in trong quyển "Duyên nợ phù sinh"
thứ nhất)

Anh Khoá ơi! Lúc đêm khuya em ngồi tựa chốn buồng điều,
Một mình em mở quyển Kim Vân Kiều em đọc em ngâm.
Đọc đến câu "Đã nguyền đôi chữ đồng tâm",
Giật mình tưởng khách xa xăm em lại sầu.
Anh Khoá ơi! Kể từ khi em tiễn chân anh ra đến bến tầu,
Lời phân ly em chưa cạn mà con tầu nó đã quay đi.
Một mình em vơ vẩn bước ra về,
Với trông mây nước trăm bề em những ngổn ngang.
Anh Khoá ơi! Ở trên đời chi hiếm kẻ giầu sang,
Sao anh không luồn cúi để khuênh khoang cho nó qua đời.
Can chi mà nay ngược lại mai xuôi?
Để buồng không em than thở mà bên trời anh cũng lênh đênh?
Anh Khoá ơi! Cái kiếp nam nhi anh gánh vác đã đành,
Như em là phận gái dễ xuân xanh được mấy mươi lần?
Mới ngày nào đào hạnh vẫn cười xuân,
Mà quyên kêu ve gọi lần lần cảnh đã sang đông.
Anh Khoá ơi! Bấy lâu nay xa cách vân mòng,
Bên đường em trông ngóng, bên sông em đợi chờ;
Đường vắng tanh, sông nước chảy lờ đờ,
Một thương hai nhớ biết bao giờ cho lại gặp nhau?
Anh Khoá ơi! Trời cao cao, nước biển sâu sâu,
Hỏi rằng trời biển thấu nỗi nhau chăng là?
Một mình em thu xếp cửa nhà,
Dạy con em thay bố, nuôi mẹ già em lại thay con.
Anh Khoá ơi! Tính đốt tay đã một năm tròn,
Ăn sương nuốt gió kể cũng hao mòn cái kiếp con ve.
Nghĩ nguồn cơn khuya sớm đi về,
Một thân em vò võ biết hề than thở cùng ai?
Anh Khoá ơi! Cuộc phân ly con tạo khéo trêu ngươi,
Non cao biển rộng, nợ đời em trả biết bao xong?
Nhớ đến câu "xuất giá theo chồng"
Dẫu trăm cay ngàn đắng cũng dốc một lòng với gánh giang san.
Anh Khoá ơi! Kiếp tài tình đã trót đa mang,
Năm chìm bảy nổi xin anh chàng cũng chớ ăn năn.
Nữa một mai thiên địa xoay vần,
Nụ xanh hoa thắm, gặp ngày xuân ta lại tươi cười.
Anh Khoá ơi! Đướng bắc nam bao xiết nỗi ai hoài,
Gạt sầu pha lệ, viết mấy lời tỏ dạ nhớ mong.
Nước non xa muôn dặm vẫy vùng,
Quê nhà đất cũ xin thấu tấm lòng cho ai.
Này hỡi anh Khoá em ơi!!!

* Khoảng năm hai mươi tuổi, tác giả thường giao du với các nhà chí sĩ, những bậc lão thành, cũng như những người thiếu tráng, ngày đêm miệt mài ngâm vịnh văn chương, nghiên cứu các học thuyết đông tây kim cổ. Lúc đó trong đám anh em, có nhiều người vì mang nỗi phẫn uất với bọn thực dân Pháp, trốn tránh đi ra nước ngoài để tìm phương kế cứu giang sơn Tổ quốc. Trong thời gian đó, tác giả cũng có phen lần ra tận biên thuỳ ở miền Móng Cái, mong do đó lân la sang bên Trung Quốc để tìm kiếm bạn đồng tâm. Chẳng may công chuyện không thành, đành buồn bã quay về. Sau đó còn có nhiều phen lần theo các đường khác để đi (như vào Trung Kỳ, Nam Kỳ) song cũng đều đành thất vọng. uy vậy, trong đám bạn bè cùng chí hướng của ông, những người gặp được cơ hội len lỏi ra các nước ngoài cũng không phải là ít. Vì thế, trong lúc tiễn đưa bạn hữu, tác giả đã chan chứa cảm xúc viết ra bài Tiễn chân anh khoá xuống tầu – 1914 để tả tấm lòng tha thiết của mình. Bài hát rất phổ biến trong Nam, ngoài Bắc hồi đó.

(1915)

__Phi*Tuyết__
07-05-2009, 15:03
Duyên nợ phù sinh, quyển nhì(Phần cuối )





Ngâu


Một giọt mưa thu mấy giọt sầu?
Nước đời tan hợp nghĩ mà đau!
Ví không một bước qua cầu Thước,
Chi để ngàn thu thấm lệ Ngâu?
ngọn nước hững hờ đành rẽ lứa
Mối tình vơ vẩn vẫn giam nhau.
Cái đêm thất tịch đêm gì nhỉ?
Ngoảnh lại Ngân Hà lệ chứa sâu...




Qua nhà Giám


(Hà Nội)
Một vùng cung khuyết giãi phong sương.
Có phải đây là chốn đế vương?
Đất cổ cây che hồn xã tắc.
Bia tàn rêu phủ nét văn chương.
Vắng tanh đàn Hạnh hai hàng miếu,
Cao ngất ngôi Trời một án hương.
Bốn mặt ngựa xe tung bụi tía,
Cùng ai than hỏi chuyện tang thương!



Tổng vịnh bộ tiểu thuyết "Gương bể dâu"


Gương bể dâu (Tang thương kính) là một bộ thế tình tiểu thuyết của tôi mới viết dạo trước, tỏ cái thời vận thăng trầm của người thiếu niên Nam Việt, và tình cảnh bi ai của một bực thoa quần xuất chúng; hiện thời mới ấn hành một cuốn thứ 1, và có bán tại các hàng sách)


Nghĩa hiệp xưa nay dễ mấy người?
Kiếp trần chìm nổi lắm ai ơi!
Văn chương pha lẫn mùi luân lạc,
Cân quắc đeo thêm nợ sắc tài.

Tài sắc đôi bên cũng một phường,
Càng cao càng lắm nỗi bi thương.
Vời trông nào biết trời cao thấp!
Chỉ thấy mây xanh lẫn bụi vàng.

Bụi vàng mờ mịt gió thu tung,
Non nước tuy xa vận mệnh chung.
Nghĩ đến chuyện đời gương muốn liếc,
Cung tên thôi cũng ngán anh hùng!

Ngán nỗi anh hùng vận đảo điên.
Tấc lòng bão phụ đã bao quên!
Thác ghềnh chi quản công qua vượt.
Còn nước non này cũng có phen.

Duyên xưa nghĩa cũ hãy còn ghi,
Bẩy nổi ba chìm vẫn chửa suy.
Hồ hải bốn phương là sự nghiệp,
Bể trầm quyết đợi khách từ bi.

Đợi khách từ bi tế độ người,
Kiếp người đành vậy dễ mà thôi.
Nghìn xưa tài tử giai nhân hỡi!
Gương bể dâu này mấy kiếp soi?

(1917)

Nguồn: Thơ văn Á Nam Trần Tuấn Khải, NXB Văn Học, tháng 4 năm 1984




Thăng Long hoài cổ



Kìa ông Nhĩ Thuỷ, nọ non Nùng,
Thành cũ Thăng Long đó phải không?
Gươm báu mất tam, trâu cũng lặn.
Gánh tình ai sẻ với non sông!

__Phi*Tuyết__
12-05-2009, 09:08
Với Sơn Hà



Đề bốn bức tranh


CÂY THÔNG

Nắng gió mưa sương giãi bốn mùa,
Trăm năm trinh tiết hãy còn trơ.
Trên đời hỏi có ai tri kỷ?
Luống tiếc công hươu vẫn đợi chờ.


DIỀU ĐẬU ĐỈNH NÚI

Giời rộng cày cao thú vẫy vùng,
Một mình riêng chiếm một non sông,
Anh hùng hoạ biết anh hùng nhỉ
Hoa cỏ phen này có chủ ông.


MAI NỞ DƯỚI TRĂNG

Dưới ánh trăng thanh hớn hở cười,
Đầu cành ba bảy những khoe tươi.
Thương cây trúc nhớ năm canh đợi,
Thấp thoáng trông mình ngỡ bóng ai.


RẶNG LIỄU

Nước nước non non khoé hữu tình,
Rèm thưa khép mở cánh ba sinh.
Đêm xuân trăng gió lòng tơ vướng,
Trong kiếp phồn hoa có hỏi mình?



Khi tỉnh giấc

"Đại mộng thuỳ tiên giác,
Bình sinh ngã tự tri" (1)

Vỏ trần hoàn: vinh, nhục, hỏi mà chi!
Đem tâm sự sánh tu mi sao xứng đáng?
Tề, Sở: lầm than chân đã chán,
Tô Trương: ngang dọc chí chưa thôi,
Bể cạnh tranh thây ngọn sóng tung giời,
Tay chèo lái dễ như ai mà chểnh mảng?
Mở mắt dậy, mỉm cười câu dĩ vãng,
Nuốt tân toan (2)mà cáng lấy việc đời
Khuyên ta: ta cứ làm vui.

Chú thích: (1) "Đại mộng thuỳ tiên giác,
Bình sinh ngã tự tri"
Cõi mộng lớn ai là bậc tiên giáo, Cái bình sinh thì ta tự biết.
"Giấc mộng lớn nào ai tỉnh trước
Bình sinh ta tự biết mình ta"

(2)tân toan: Chua cay


Khuyên bạn

Nói lắm đau lòng, thà hãy yên!
Đời khôn hay dại bởi hoàng thiên...
Văn: câu tuyệt vọng là câu thánh;
Người: lúc vô tình chính lúc tiên.
Khóc cứu non sông chưa chắc dại?
Cười không nghĩa lý khác gì điên?
Anh hùng nhờ ở công thao luyện
Ai lọt lòng ra đã thánh hiền?

(1929)

__Phi*Tuyết__
14-05-2009, 22:06
Với Sơn Hà(Phần cuối)




Ngẫu đề

Học chửa đến nơi đừng giở chữ,
Biết cho đủ ngón hãy nên chơi.
Chính mình chưa biết mình hay, dở?
Còn rỗi công đâu bới chuyện người!

(1931)


Tráng sĩ hành


"Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê,
Tráng sĩ một đi, không bao giờ về!" (*)
Tay nâng chén rượu giã người cũ,
Miệng đọc câu ca chân bước đi.
Dao tình mài liếc với thanh khí.
Chí hùng tung bốc đầy sơn khê.
Nghe tiếng đờn trúc gõ réo rắt,
Mặc cho kể hết niềm phân ly.

Niềm phân ly!
Đã bước chân ra khôn hẹn kỳ,
Đời người bất quá vị tri kỷ,
Sống, chết, nên, chăng, ai sá chi!
Túi áo xênh xang ba tấc kiếm,
Bụi hồng rong ruổi đôi bánh xe.
Ngoảnh lại thành Yên đầy uất khí,
Thấu lòng hoạ chỉ người tương tri

Người tương tri,
Lá gan bầu mật, cùng nhau thế:
Thề đem tấm thân tới hang hổ,
Giết con cọp dữ rừng man di,
Đời nếu chôn lấp hết công lý,
Anh hùng hào kiệt còn ra gì!
Phá núi Thái Sơn, lấp Đông Hải;
Ấy là phận sự đàn nam nhi.

Đàn nam nhi,
Chuyển đất xoay giời thường có khi.
Khuyên ai chớ học bọn khăn yếm:
Xa nhau một bước lệ đầm đìa.
Liếc mắt khắc trông vũ trụ đó.
Đâu không là cảnh ta say mê!
Chếch choáng hơi men bốc chính khí,
Ngâm câu khẳng khái mình ta nghe...

"Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê,
Tráng sĩ một đi không bao giờ trở về"

Hai khổ đầu bài thơ tác giả viết vào năm 1926, tác giả viết tiếp và hoàn thành bài này vào năm 1933.


(*) Chú thích: "Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê,
Tráng sĩ một đi, không bao giờ về!"
Kinh Kha vì vua nước Yên, sang Tần để hành thích vua Tần. Khi ra đi vua Yên cùng mọi người tiễn chẫn đến sông Dịch Thuỷ. Có người bạn Kinh Kha thổi cây đờn trúc, Kinh Kha liền hát khúc hát lên đường. Trong khúc hát có hai câu, theo dịch nghĩa ra đây, nhân nối thêm vào làm bài Tráng sĩ hành. (Chú thích của tác giả)



Với sơn hà


Dậu trúc, phên tre chắn bụi trần,
Tha hồ khuya sớm tự do thân.
Góp cùng kim cổ lưng bầu huyết,
Gửi với sơn hà một áng văn,
Không lợi, không danh: nên đủng đỉnh,
Có nhà, có nước: phải băn khoăn.
Trăm năm thành bại dù sao mặc
Đề phẩm rồi đây có thế nhân...

(1930)