PDA

View Full Version : Bếp lửa và những kí ức tuổi thơ


Dương Nghiệp
02-09-2008, 16:58
“Bếp lửa” của Bằng Việt quả là một bài thơ hay về một thứ tình cảm thiêng liêng, cao cả. Không phải là tình mẫu tử, là tình phụ tử. Mà là tình bà cháu. Mối quan hệ này dường như khá xa, nhưng nó lại gắn với nhau khăng khít từng chút một.

Bà, là người đại diện cho thế hệ đi trước và dày dạn kinh nghiệm sống. Còn cháu, lại là một đứa trẻ nhỏ, ngây thơ trước sự đời.

Bài thơ mở ra bằng ba câu thơ ngắn, nhưng không cụt ngủn :


“Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa”.

Nắng mưa là chuyện của đất trời, vô hạn. Và, đó cũng chính là cơ sở để tác giả mạnh tay so sánh với tình thường của cháu đối với bà.


“Lên bốn tuổi cháu đã quen mùi khói
Năm ấy là năm đói mòn đói mỏi
Bố đi đánh xe, khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay”.

Hoàn cảnh tuổi thơ quả là nghiệt ngã. Cuộc sống vật chất khổ sở đến nỗi ngựa cũng phải “gầy”, và người cháu đã quen “mùi khói”. Người cháu nhớ lại chuyện xưa, sống mũi cay không biết vì khói hun, hay là vì những đắng cay thương cảm?

Tám năm, không phải là một thời ngắn. Chính nó đã gây dựng cho người cháu một tình cảm đặc biệt và những kỉ niệm không bao giờ quên được với bà của mình.


“Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa
Khi tu hú kêu, bà con nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha công tác bận không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa, nghĩ thương bà khó nhọc
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa?”

Nỗi niềm của người cháu được bộc bạch qua tiếng gọi con tu hú. Dường như, lời khẩn cầu ấy quả là vô ích, bởi tu hú không thể biến điều đó thành hiện thực. Thế nhưng, nó lại để lại trong lòng ta, một cảm giác, nói đúng hơn là sự cảm thông với người bà khó nhọc.


“Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
…..
Vẫn vững lòng bà dặn cháu đinh ninh :
‘Bố ở chiến khu, bố còn việc bố
Mày có viết thứ chớ kể này, kể nọ
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!’”

Một người bà biết lo toan cho gia đình. Biết làm những điều mà chưa chắc nhiều người đã làm được. Trong cảnh cháy nhà đầy lửa, khó có người nào lại nghĩ đến một việc nhắc nhở như thế. Bà thật nghị lực, thật phi thường!

Trong bài, có một câu thơ mà tôi rất thích : “Ôi kì lạ, và thiêng liêng - bếp lửa!”. Bởi, bếp lửa là một vật dụng khá quen thuộc trong cuộc sống của mỗi con người nông thôn nước ta. Nhưng, hình ảnh bếp lửa ở đây được tôn lên đến một mức khá kinh ngạc : thiêng liêng. Tại sao thiêng liêng ? Có lẽ bởi nó đã xây dựng nên một tình bà cháu vĩ đại. Hay lớn hơn, nó đã xây dựng hình ảnh một người bà đầy lòng yêu con trẻ. Tuy cả bài thơ, tác giả không nói ra rằng “Bà yêu cháu”, nhưng, quả thực, nó hiện lên trong từng câu chữ của bài thơ. Có thể nói rằng, câu thơ này là tâm hồn của bài thơ đó.