PDA

View Full Version : Thanh Nguyệt Trúc Lâm


Sử Tiến
27-07-2008, 08:11
THANH NGUYỆT TRÚC LÂM
Nguyên tác: Sử Tiến





Lời tự

Tiểu truyện này manh nha thành hình thành dạng từ khi nào, tôi không rõ. Chỉ biết mỗi phút giây mong nhớ vô cùng đều được thắp lên bằng khát khao tưởng tượng, bằng rung động mê đắm, bằng êm dịu ngọt ngào... Thứ mùi vị say không muốn về ấy là đầu đề dựng nên tiểu truyện, dựng nên cái thế giới mà trong đó tôi và em sánh bước cùng bay.

Tằng kinh thương hải nan vi thủy
Trừ khước Vu Sơn bất thị vân

Không cần dẫm nát cõi hồng trần, chẳng cần nhìn suốt làn thu thủy, tôi vẫn biết nước ở biển xanh và mây nơi Vu Sơn chính là em - niềm luyến ái từ thuở sơ khai khởi thủy mà tôi một lần được biết đến, được nếm qua. Để rồi thảng thốt hiểu ra:

Đẳng đáo hồng nhan tiều tụy
Tha khước y nhiên như thử hoàn mỹ

Vậy nên, câu chuyện truyền kỳ này như một món quà nho nhỏ dành tặng riêng em. Cũng là để nói lên mong mỏi một ngày sau vẹn toàn.

Sử Tiến
31-07-2008, 05:46
Hồi 1

Nguy như triêu lộ①




Quảng Lăng tọa lạc ở lưu vực sông Dương Tử, trực thuộc tỉnh Giang Tô, đến triều Tùy tề danh cùng Trường An và Lạc Dương, trở thành một trong ba thủ phủ phồn vinh bậc nhất. Nhân đó được đổi là Giang Đô. Về sau còn trải thêm một lần cải tên, địa danh Dương Châu mới bắt đầu xuất hiện. Từ lúc Ngô vương Phù Sai xây thành đắp đất, Dương Châu trải qua mấy độ thịnh suy. Đến khi Tùy đế Dương Quảng khai mở Đại Vận hà, Dương Châu trở thành mối giao thông then chốt. Thời kỳ thịnh Đường, nghiễm nhiên là nơi hùng phú quán thiên hạ.

Từ Dương Châu đi quá một chút lên hướng Bắc là tới địa phận đất Sơn Đông. Cảnh trí càng đi càng thưa thớt bóng người, rừng núi tiếp nhau. Cho đến khi giáp giới với Sơn Đông, thì quan đạo chỉ còn là lối mòn gập ghềnh vắng vẻ.

Bấy giờ vào khoảng giờ Dậu. Tịch dương cuối thu rơi vãi trên tàn cây hai bên đường, nhuộm màu đồng u uất. Lá vàng từng đợt từng đợt điểm điểm lên mặt đất.

Trên đường nhỏ thấp thoáng bóng người đi tới. Người này ăn mặc ra vẻ một lang y, râu ba chòm đen nhánh, tuổi tác phải trạc tứ tuần. Hai dải tạo điêu nhuyễn cân rủ xuống phía sau, thỉnh thoảng chấp chới theo gió. Trường sam tuy lấm lem bụi đất, bôn tẩu phong trần vẫn không sao che lấp vẻ nho nhã.

Tiếng vó ngựa xa xa vang vọng, làm nam tử nọ phải quay người ngoái lại. Một cỗ song mã lướt đến như tên bắn. Mã tiên trên tay xà ích vun vút như mưa rơi, hết trận này đến trận khác. Đôi ngựa lồng lộn nện vó, khiến người bộ hành kia hấp tấp dạt vào một bên.

Cỗ xe lướt ngang, đem theo một thứ mùi tanh tanh mằn mặn như mùi máu tạt vào khứu giác y. Chẳng những thế, một trong hai con ngựa kéo xe vẫn còn nguyên bộ yên cương trên lưng. Nhân vật trong xe xem chừng gặp phải nguy hiểm, người xà ích trong lúc vội vội vàng vàng lấy cả ngựa để cưỡi đóng vào cỗ xe.

Xe vượt lên một quãng, đến khúc quanh thì khuất hẳn tầm mắt. Đột nhiên tiếng ngựa hí vang xen lẫn tiếng đao kiếm chạm nhau. Rồi con lộ vắng khôi phục vẻ tịch tĩnh vốn có.

Bộ hành nhân đằng này kinh ngạc rảo bước. Đến nơi chỉ thấy kiện mã màu đen đã chết. Nơi tròng mắt còn cắm một mũi cương châm. Máu từ vết thương tứa ra có hơi xanh phảng phất bay lên. Thớt ngựa vẫn còn bộ yên cương trên lưng đã vô thanh vô tức biến mất. Người xà ích đánh xe trở thành cái xác không hồn. Chiếc nón rộng vành rơi khỏi, để lộ khuôn mặt trung niên gầy gò xương cứng, mũi ưng môi mỏng, khắc khổ lãnh đạm. Hai bên thái dương người chết nhô cao, rõ là một nội gia cao thủ. Không hiểu nhân vật lợi hại nào lại có thể khiến y ô hô ai tai chỉ trong khoảnh khắc.

Chợt nhớ đến mùi máu, nam tử nọ vội vàng bước đến vén rèm ngó vào. Bên trong vắng lạnh tĩnh mịch. Sàn xe vương vãi những đốm nhỏ to màu đỏ. Giữa đám huyết bạc lờ mờ in dấu một vết chân. Ước lượng kích thước, có lẽ dấu giày nọ là của nữ nhân. Ngoài ra không phát hiện được gì thêm.

Nam tử nọ thở dài, thoát khỏi xe, nhãn tuyến một lần nữa chăm chú trên thân thể người chết. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn hoàn chỉnh, không có lấy một vết thương dù là nhỏ nhất. Cỗ tử thi trong tư thế ngồi, lưng tựa vào thành xe, tay trái nắm cứng trường kiếm vẫn đang yên vị trong kiếm sao② đến nổi gân xanh. Chú mục nhìn kỹ, hữu thủ người chết thô ráp, chứng tỏ tay thuận của y không thể nào là tay trái được. Thế nhưng trước lúc chết, y lại sử kiếm bằng tả thủ, đủ biết tình thế cấp bách ra sao.

Đột nhiên cảm thấy lạnh lẽo sau gáy, không kịp nghĩ ngợi cấp tốc chúi về phía trước, vừa hay một làn thép lạnh xẹt qua đầu. Kẻ phía sau chẳng để y hồi vị, thần tốc đâm liền bốn nhát. Nam tử nọ chỉ còn cách theo đà lăn xuống, chộp lấy tay cầm kiếm của tử thi đưa lên đỡ gạt. Nhìn lại, người tấn công là một nữ tử bạch y như tuyết, thanh thoát tuyệt tục. Còn chưa hoàn hồn, cô gái đã ào ạt vung kiếm, chiêu thức liên miên xuất ra. Kiếm quang loang loáng, kiếm khí trùng trùng.

Nam tử nọ không kịp đoạt kiếm trong tay tử thi, chỉ còn cách tránh đông né tây vất vả vô cùng. Thoát khỏi kiếm thứ mười thì bộ pháp rối loạn. Đột nhiên hai mắt hoa lên, bạch y phấp phới, rồi mùi lan xạ xộc vào mũi, đã thấy nơi cổ mình mọc ra một lưỡi gươm.

Một giọng nữ tử băng lãnh lọt vào tai:
- Người đâu? Nói mau!

Y thoạt nghe, đã thấy hồ lý hồ đồ. Vừa muốn mở miệng thanh minh, thình lình bên tai có tiếng gió rít. Một vệt hàn tinh nhấp nháy bay đến.

Nữ tử hừ lạnh, tay cầm kiếm vẫn giữ nguyên vị trí. Ngọc thủ bên tả đưa ra phất nhẹ, tay áo xoay tròn cuốn lấy ám khí. Tả thủ chưa kịp thu về, đã có bốn vệt hàn tinh khác liên tiếp xé gió bay đến, thượng hạ tả hữu đồng loạt uy hiếp, lăng lệ như phi thạch phá thiên. Phía trên nhắm thẳng mi tâm, phía dưới bắn vào Phục Thố, bên tả Khúc Trì, bên hữu Chương Môn.

Nam tử nhanh mắt đoán được đường đi nước bước của bốn vệt hàn tinh, trong lòng mắng lớn: "Thiếu gia thù oán gì với tổ tông ngươi, sao nỡ xuất thủ ngoan lạt như thế?"

Vốn dĩ huyệt Phục Thố nằm ở hai bên đùi, Khúc Trì nơi khuỷu tay. Bị kích phải thì tay bại chân tê, tóm lại là tứ chi trở thành vô dụng, chỉ còn cách trợn mắt ngó mi tâm, Chương Môn trở thành bia hứng ám khí.

Bạch y nữ tử càng cho rằng đối phương đang muốn sát nhân diệt khẩu, càng đinh ninh nam tử trong tay mình quyết đang nắm giữ quan hệ trọng yếu. Hiện tại, việc khẩn yếu trước nhất cần phải giữ lấy tính mạng người này, sau đó ly khai, nghĩ cách dò tìm manh mối. Tâm niệm vừa động liền xuất kỳ bất ý điểm huyệt y, đẩy nhào xuống đất. Kiếm ảnh tức thì trổ ra bốn đóa, đỡ lấy bốn vệt hàn tinh. Ám khí chạm vào kiếm phát âm thanh tinh tang như tiếng kim loại chạm nhau. Một làn yên vụ nhàn nhạt tỏa ra.

Cô gái trông thấy, cả kinh bế khí thoái lui.

Nhưng đã muộn.

Trong khói chứa một thứ mê dược gọi là Thiên Nhật Túy Tửu Phù Dung. Mặc dù tên dễ nghe, tác dụng lại bá đạo vô bì. Người hít phải, không cần biết nhiều hay ít, lập tức rơi vào trầm mê. Không có giải dược đừng mong tỉnh lại.


__________________

① Triêu lộ: sương sớm.
Nguy như triêu lộ ngụ ý tình thế hiểm nghèo, như giọt sương mai vỡ trong sớm tối.

Sử Ký Tư Mã Thiên, phần Thương Quân liệt truyện có câu: "Quân chi nguy nhược triêu lộ, thượng tướng duyên niên ích thọ hồ."

Công Tôn Ưởng (Thương Ưởng) thời Chiến Quốc là người nước Ngụy, có tài về hình danh pháp lý. Vua Ngụy không dùng, liền bỏ qua Tần quốc bái kiến sủng thần Cảnh Giám của Tần Hiếu công, thỉnh cầu dẫn kiến. Ba lần yết kiến, cuối cùng được vua Tần trọng dụng. Ông ta chấp pháp nghiêm ngặt, dám trách phạt cả thầy trò Thái tử, thành thử không ít kẻ thù oán.

Đến khi Hiếu công băng, Thái tử kế vị (Tần Huệ Văn vương), nhớ đến thù xưa muốn giết chết Ưởng. Ưởng biết thế, đang đêm đội sương trốn về nước cũ là Ngụy quốc. Ngụy vương vì sợ uy Tần, không dám lưu giữ. Ưởng không còn cách nào khác, đành quay lại Tần, rồi bị ngũ mã phân thây.

② Kiếm sao: bao kiếm

Sử Tiến
03-08-2008, 02:56
Nam tử nọ mục kích tất cả, mũi ngửi thấy mê dược biết là tình thế bất diệu, nhưng nhất thời thúc thủ, không nghĩ được đối sách nào. Tri giác như ánh tà dương le lói buổi hoàng hôn, từ từ chìm vào bóng đêm u tịch.

Bạch y nữ tử vốn là người đầu tiên hít phải mê dược. Trong lúc nguy cấp vội vàng vận khí thi triển bộ pháp Tước Chỉ Di Hành③ lùi ra sau. Chỉ trong tích tắc, Thiên Nhật Túy Tửu Phù Dung theo luồng chân khí lưu chuyển, ầm ầm đổ vào các dòng kinh mạch phát sinh tác dụng. Cô gái không kịp kêu lấy một tiếng, hai mắt tối sầm ngất đi.


http://img.photobucket.com/albums/v128/shi_jin/divider.jpg


Duy dương nhất chu hoa
Tứ hải vô đồng loại④

Thiên cổ dùng hai câu này để tán tụng hoa quỳnh tưởng không quá đáng.

Quỳnh hoa chính là đệ nhất danh hoa vùng Dương Châu. So nét mỹ lệ, hoa nhài có thể sánh. So vẻ u nhàn, không nhường hoa thủy tiên⑤. Nhưng nói đến hình dáng, sắc thái, phong tư, không hoa nào có thể bì. Quỳnh hoa sắc trắng, khiết bạch như ngọc. Kiểu dáng rất đặc biệt, trong hoa có hoa. Sở dĩ nói như thế vì hoa rất lớn, ở giữa là nhụy, vây quanh là tám đóa hoa nhỏ thay cho cánh hoa. Mỗi đóa hoa nhỏ lại chia ra năm cánh, trong gió phảng phất lay động, tựa như bát tiên khởi vũ, mềm mại khả ái, nên còn được xưng tụng là tiên hoa. Thời Tùy, Dương Quảng vì để ngoạn thưởng quỳnh hoa ở Dương Châu, không tiếc lao sư động chúng khai mở Đại Vận hà. Dương Châu cũng nhờ đó mà giao thông thủy bộ đều thuận tiện.

Quỳnh hoa mọc ở Dương Châu, đánh lên trồng nơi khác thì tiều tụy vô hoa. Vì thế, Dương Châu quỳnh hoa nức tiếng thiên hạ vô song. Mỗi tháng 3 hoa quỳnh mãn khai, khách thập phương nô nức kéo về, lâu dần thành lễ tiết "yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu"⑥.

Bây giờ là cuối thu, tịnh không có lấy một đóa quỳnh hoa hé nhụy, nhưng Dương Châu vẫn lũ lượt ngựa xe.

Nguyên lai, là thiên kim của Dương Châu Thái thú mở hội gieo cầu.

Bình thường, thiên kim tiểu thư của một chức quan Thái thú mở hội cũng đủ để thiên hạ loạn cào cào. Huống hồ, vị thiên kim tiểu thư này lại là một đóa quỳnh hoa hiếm thấy trên đời, bảo sao Dương Châu không nhộn nhịp nô nức như tiết tháng 3.

Thế nhưng hội mở đã hai ngày, thiên hạ chờ trông mỏi mắt mà vẫn chưa thấy nếp áo mỹ nhân đâu, chứ đừng nói gì đến tay ngọc gieo tú cầu chọn khách trăm năm. Ngay cả Dương Châu Thái thú cũng không một lời giải thích.

Thật là quái sự!

Vài ngày sau, tin tức cơ mật từ tư dinh Thái thú truyền ra ngoài. Sáng ngày đầu tiên khai hội, tiểu thư đột nhiên đầu váng mắt hoa, thiêm thiếp nằm không dậy.

Đến hôm nay đã là sáng ngày thứ 4, sự tình vẫn chưa có biến chuyển khả quan.

Danh y tới tấp tìm vào dinh Thái thú, nhưng người nào cũng lắc đầu trở ra.

Trong số đó có một vị y sư. Sau khi thăm mạch, cả quyết nói với Thái thú đại nhân: "Bệnh căn của tiểu thư là vô khả cứu dược. Trừ phi có giải dược đưa ra, bằng không, muôn ngàn không có cơ hội tỉnh lại."

Thiên Nhật Túy Tửu Phù Dung!

Cái vị đương nhiệm Dương Châu Thái thú đại nhân vốn xuất thân là người trong giang hồ, đối với mê dược các loại cũng có chút hiểu biết. Nhưng thứ mê dược này xưa nay nổi tiếng chưa từng có thuốc giải, biết đi đâu mà tìm đây!


__________________

③ Tước Chỉ Di Hành: chim sẻ nhảy

④ Duy đáng xưng tụng chỉ 1 loại hoa
Khắp bốn bể không có hoa nào giống như thế

⑤ Quỳnh hoa phú (Trương Vấn): "Lệ tịnh dung ư mạt lị, tiếu mân côi ư trần phàm, duy thủy tiên khả tịnh kỳ u nhàn, nhi giang mai tự đồng kỳ thanh thục."
Mạt lị: hoa nhài

⑥ Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường giang thiên tế lưu
(Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng - Lý Bạch)

Sử Tiến
18-10-2008, 04:08
Nói gì thì nói, Thái thú đại nhân đương nhiên không bó tay chịu phép. Ông ta một mặt ra cáo thị cầu thần y, một mặt rải đám thủ hạ bộ khoái âm thầm dò xét, ngõ hầu khám phá chút manh mối dù là cỏn con, một mặt bắn tin cầu viện đồng đạo võ lâm, một mặt phái người lên Đại Minh tự đem một bức tín phong yết kiến Phổ Vũ đại sư.

Giống như người mắc bệnh cầu đảo tứ phương.

Có điều người mắc bệnh chẳng phải bản thân Thái thú đại nhân, mà là con gái ông ta. So ra, còn tệ hơn cả chính ông ta mắc bệnh.


Hồi 2

Tung cao duy nhạc, tuấn cực ư thiên


Phổ Vũ đại sư tiếp được tin, lập tức đăng trình. Sáu chữ nọ bản lai có sức ảnh hưởng rất lớn.

Gần sáu trăm năm trước, Tây Tạng kéo quân công hãm Trường An, Mật tông Tây Tạng nhân cơ hội tràn vào Trung Thổ, gây hấn với Thiếu Lâm. Hai bên đồng ý đưa người tỷ đấu. Nếu Mật tông thắng hai trận trong ba, võ công thượng thừa của Thiếu Lâm là Vô Lượng Phật Thủ Ấn phải đưa về Tây Tạng, đồng thời môn nhân Thiếu Lâm phải ăn mặc như đệ tử Mật tông. Ngược lại, nếu Thiếu Lâm thắng, Mật tông Tây Tạng phải thoái triệt không bao giờ được đặt chân đến Trung Nguyên.

Hai bên cuối cùng đánh đến trận thứ ba. Pháp Không đại sư sau hơn một trăm chiêu, đang muốn bức đối phương nhận thua, bất ngờ trúng phải Thiên Nhật Túy Tửu Phù Dung, phút chốc mất đi tám thành nội lực. Nhưng một chiêu Vô Lượng Phật Thủ Ấn của ông đã kịp khiến đối phương thảm bại. Trận này Thiếu Lâm toàn thắng. Mật tông Tây Tạng đành hậm hực rút khỏi Trung Thổ, từ đó đến nay hoàn toàn lặng hơi kín tiếng.

Vậy mà sau mấy trăm năm những tưởng tuyệt tích giang hồ, Thiên Nhật Túy Tửu Phù Dung bắt đầu xuất hiện. Phổ Vũ trong lòng lo lắng, tinh thần bất an chưa từng có.

Đột nhiên xe ngựa xốc mạnh, tiếng ngựa hí dài đau đớn. Hai bánh xe lọt vào hai rãnh sâu trên đường, ngập cả nửa độ cao. Sắc trời đang lúc hoàng hôn, hai rãnh sâu ấy được ngụy trang khéo léo, ngựa lại đang phi nước đại, tự nhiên là không nhận ra.

Toàn bộ chiếc xe giật ngược khiến hai thớt ngựa đang đà phóng nhanh cũng bị trì lại. Một con ngựa khuỵu chân sau xuống, hiển nhiên chấn động đã làm ngựa không thể tung vó bình thường được nữa.

Tên mã phu vòng ra phía sau xem xét. Phổ Vũ đại sư rời chỗ, trông thấy y kê vai vận thần lực nhấc thân sau xe lên khỏi rãnh sâu, lòng tán thưởng không thôi.

Thình lình một lưỡi tiểu đao từ phía sau nhắm bối tâm mã phu đâm tới. Phổ Vũ đứng bên cạnh liếc thấy, không kịp lên tiếng, vội vàng lao đến đẩy y ra. Ông ta thiên tiên bất túc, vốn không thể luyện võ được. Nguy cấp lâm đầu chỉ còn cách hành động theo phản xạ.

Mũi tiểu đao chệch đi, cắm sâu vào bên hông Phổ Vũ. Tiên huyết đỏ hồng phún đẫm một bên áo.

Mã phu thét lên, một cước toàn lực xuất ra nhằm bụng thích khách.

Thích khách kia phản ứng tuyệt luân. Một đao không thành liền buông tay búng người về phía sau, thoáng cái mất dạng trong tàn lá rậm rạp.

Mã phu toan đuổi theo, chợt thấy tay phải lay động nhè nhẹ, Phổ Vũ đại sư ra hiệu cho y đỡ ông lên xe. Y không dám rút phăng tiểu đao vẫn đang ngập sâu bên hông Phổ Vũ, chỉ đành tức tốc điểm huyệt chỉ huyết. Lưỡi đao trám vào miệng vết thương, phần nào cản bớt lượng máu xuất ra. Nếu như vọng động, máu không ồng ộc chảy đến khi cạn kiệt, thì nạn nhân cũng chẳng trụ nổi cơn đau cho đến lúc đại phu ra tay.

Y vội vàng ra roi, không kể gì đến thương tật của kiện mã, cố bắt hai thớt ngựa phóng nhanh về thôn nhỏ phía trước.

Thôn nhỏ nghèo nàn, dăm ba nóc nhà lơ đãng dưới hoàng hôn bạc phếch. Xem ra chỗ này không thể tìm được đại phu tốt, mà cũng không có dịch trạm đổi ngựa.

Thấp thoáng ở ngôi nhà phía cuối đường, y nhìn thấy một con ngựa vẫn còn nguyên vẹn yên cương trên lưng đang thủng thỉnh gặm cỏ.


http://img.photobucket.com/albums/v128/shi_jin/divider.jpg


Sở Bá Thiên đi đi lại lại trong thư phòng trong tư dinh Thái thú, mày cau thật đậm. Bên cạnh án kỷ có một nam nhân trung niên mặt vuông mày rậm, đôi mắt lóng lánh hữu thần. Chén trà trên bàn vẫn còn vài sợi khói lởn vởn, chứng tỏ người này có mặt chưa lâu.

Ánh nến đổ dài bóng ông ta xuống nền đất, từ từ di động theo mỗi bước chân, giữa không khí tĩnh mịch vô ngôn càng thêm phần nặng nề ngột ngạt.

Giây lát, Sở Bá Thiên cất giọng trầm trầm:

- Cách đây hơn sáu trăm năm, sau khi Đại Tạng vương của vương triều Nhã Long là Lãng Nhật Tùng Tán chết, Tùng Tán Càn Bố đăng thượng vương vị, kiến lập hoàng cung trên đỉnh Bố Đạt Lạp Sơn. Ít lâu sau, ông ta gởi sứ thần đến Trung Quốc cầu hôn, nhưng bị cự tuyệt, liền xuất quân công phá vùng Thổ Cốc Hồn. Trận này Đường quân đại bại. Đường Thái Tông lúc đó mới thuận ý gả công chúa hòa thân. Trinh Quán năm thứ mười bốn, Tùng Tán Càn Bố phái đại thần Lộc Đông Tán đến Trường An nghênh hôn Văn Thành Công chúa. Trước đó, ông ta lập dòng dõi vương thất Ni Bạc Nhĩ là Trí Tôn Công chúa làm Ni phi. Ni phi cũng như Đường phi, đều mang theo trân bảo kinh sách quý giá làm lễ vật hồi môn.

Trong số các trân bảo đem về Tạng quốc, có một bức tượng bằng Hán ngọc điêu khắc cực xảo, phỏng theo hình dáng Thích Ca Mâu Ni chỉ tay lên trời lúc vừa lọt lòng. Tượng bé bằng bàn tay, lờ mờ các đường vân ngọc chạy theo nếp áo, sống động hoạt bát. Văn Thành Công chúa bình nhật yêu thích không rời tay. Sau khi nàng tiến cung, Ni phi trông thấy rất lấy làm ưa chuộng, nhân có mang theo một viên trân châu rất lớn, bèn truyền thợ giỏi tạc một bức hệt như thế, đem đặt ở Mã Như cung. Trân châu vốn không phải nguyên liệu thích hợp dùng để tạc tượng, nay chỉ vì ý thích của một phi tử mà người xảo thủ đó phải tiềm tâm dụng trí suốt ba năm ròng. Về sau, khi Thôn Di Tang Bố Trát sáng chế ra Tạng văn, Ni phi thì đã mất, Tùng Tán Càn Bố bèn tự tay tỉ mỉ khắc lên đó một bộ yếu quyết. Đối với bức tượng của Đường phi, ông ta biết nàng không chuộng võ công, bèn đem kiến thức về y lý, thảo dược lưu lại trên tượng. Phụ vương ông ta bị đầu độc chết, vì thế đối với các loại độc dược giải dược kiến thức rất sâu rộng. Những gì được khắc lên tượng bao gồm cả Thiên Nhật Túy Tửu Phù Dung. Về sau, cả hai bức tượng song song trở thành báu vật truyền quốc của Tạng tộc. Các đời vua sau này, như Trí Tùng Đức Tán, Mâu Ni Tán Bố đều ghi chép võ công trên đó, truyền lại cho đời kế tiếp.

Quốc vương cuối cùng của triều đại Nhã Long là Đạt Mã Ô Đông Tán bị thích sát, hai con là Vân Đan và Ô Tùng tranh nhau vương vị, rùng rùng kéo theo những cuộc tạo phản, hãm nhập Tây Tạng vào cuộc thế tứ phân ngũ liệt. Cuối cùng, hậu duệ của Vân Đan mang bức tượng của Ni phi chạy đến Lạp Tát, gọi là dòng Lạp Tát vương hệ. Tôn tử của Ô Tùng lui về Á Lý, chia nhau cai trị, hình thành Lạp Đạt Khắc vương hệ, Cổ Cách vương hệ và Nhã Long Giác A vương hệ. Chung quy đến nay vẫn không rõ chi nào trong ba chi còn lại nắm giữ bức tượng của Đường phi.

Sử Tiến
26-11-2008, 09:42
Thanh Nguyệt Trúc Lâm cùng một vài truyện do tại hạ ngẫu hứng dịch từ Wuxia (http://www.wuxia.net.cn/) sẽ được tiếp tục ở đây (http://unchartedwater.wordpress.com/) trong thời gian tới.

Đa tạ những vị nào đã có lòng theo dõi.